Phần VIII
Tác giả: Bình Nguyên Lộc
Hối hận quá, Công đưa tay ra và chạn phải tay Thúy. Chàng nắm chặt lấy tay nàng để tạ tội, để an ủi người con gái mà chàng xem như là trẻ con, chàng cũng có cảm giác nàng là trẻ con hơn, từ lúc thấy sự trốn theo đoàn của nàng tinh nghịch như là trò đùa của học trò.
Thúy cảm xúc quá và tủi thân, nàng nức nở mà khóc.
Xe đã về tới trước cửa nhà thương hàng tỉnh, Công buông tay Thúy ra nhưng giờ chính nàng lại cầm lấy tay chàng và thỏ thẻ nói thật khẻ:
- Em ở lại nhà thương để nuôi anh.
Nhân viên Quan Thuế không đợi băng ca của nhà thương, ráp nhau khiêng Trưởng ty của họ vào trong đó. Công không kịp phản đối đề nghị của Thúy thì đã bị mang đi rồi.
Thúy yếu chơn nên muốn theo họ, nàng phải chay. Bỗng nàng nghe kêu:
- Thúy ơi !
- Dạ.
- Thuý đi về đi.
- Dạ không.
- Đừng có trẻ con, ở nhà sẽ lo sợ cho Thúy.
- Em xin phép rồi.
Công toan hỏi để biết nàng xin phép với gia đình đi đâu thì giật nẫy mình. Tay trái chàng vừa chạm phải bao súng và lạ lùng thay, cây súng lục đã mất, lại nằm trong đó.
Công thừ người ra, ngỡ mình chiêm bao. Rõ ràng là lúc muốn ra lệnh tấn công, chàng đã không tìm thấy vũ khí của chàng. Cớ sao bây giờ…
“Nhưng thôi, chàng nghĩ rồi mình sẽ tìm ra sự thật. Giờ cần đề phòng, không khéo nó lại mất nửa !”
Chàng rút súng ra, xem coi có khóa hay không rồi gọi:
- Thúy nè !
- Dạ.
- Thúy tạm giữ cây súng nầy, mà phải cẩn thận đa nghen.
- Dạ.
Công được đưa tuốt vào buồng mổ với bao nhiêu thương binh khác.
Thúy đứng chờ ngoài hành lang, nghĩ lại nàng giựt mình. Trên xe, nàng đã len lén cất súng trở lại trong bao của Công một cách tài tình như đã ăn cắp khí giới ấy lúc đầu hôm.
Nàng quên mất rằng Công đã hay rằng súng mất rồi khi tìm lại được ở chính trong mình hắn, hắn sẽ sanh nghi đoán biết có kẻ lấy dùng rồi bí mật trả lại. Hắn có thể nhờ một ban giảo nghiệm nào lấy dấu tay trên súng và kẻ cắp tất phải bị lột mặt nạ.
Thật là hú vía. Giờ thì mặc sức mà lấy dấu tay, mà giảo nghiệm đi. Nàng đã được phép cầm súng chánh thức rồi thì bá súng mang dấu tay của nàng không có gì là bí mật cả.
Công bị đạn ở bắp đùi. Viên đạn bị xéo một bên chỉ đâm thủng một chéo thịt rồi lọt ra ngoài, nên khỏi mổ xẻ gì cả. Chàng được băng bó lại, tiêm thuốc trụ sinh ngừa nhiễm độc rồi đưa qua buồng bịnh đặc biệt.
Thúy mệt lắm mà cũng nghe khoẻ hẳn ra khi thấy công nhân nhà thương khiêng một chiếc băng ca ra khỏi buồng mổ, người bệnh nằm trên đó, bất ngờ thay lại là Công. Chàng chỉ mới được đưa vào trong ấy không hơn I5 phút kia mà.
Cô nữ thư ký liều lĩnh lại chạy lúp xúp theo băng ca, qua nhiều hành lang rồi mới tới phòng dành riêng cho những công chức cao cấp trong tỉnh.
Bấy giờ chuông nhà thờ đã đổ. Công nói:
- Thúy không thể bỏ làm việc. Vậy nên chuẩn bị để rồi về nhà thay y phục và ăn sáng. Cám ơn lòng tốt của Thúy lắm đó, nhưng giờ tai qua nạn khỏi rồi.
- Không còn đạn trong ấy phải không anh, và xương chân không sao chớ ? Thúy muốn biết chắc sự thật để đỡ thắc mắc và đỡ hối hận.
- Không sao. Nay mai là anh đi được. Thúy trả cây súng lại anh. Khi nãy anh sợ phải mổ, phải chịu thuốc mê không ai giữ nó, nên mới giao cho Thúy, giờ thì anh cần tránh cho Thúy trách nhiệm nặng nề ấy.
Khi Thúy trao trả súng cho nguyên chủ của nó, người nầy nhìn thẳng vào mắt nàng, nghiêm sắc mặt lại rồi hỏi:
- Thúy nè !
- Dạ.
- Thúy phải thú nhận sự thật, không được chối quanh mà anh nổi giận lên.
- Gì a anh ? Thúy lo lắng hỏi.
- Có phải Thúy đã đánh cắp cây súng nầy, đã bắn anh rồi trả lại trong bao của anh hay không ?
Thúy tái mặt rồi gục đầu lên tay Công, òa ra mà khóc trong một sự tự thú câm lặng nhưng rõ ràng.
Rất thông minh, Công đã suy luận ra những điều rất đúng sự thật ấy, vì ngoài Thúy ra, không có ai xáp lại gần chàng lúc chàng chuẩn bị xuất binh cả, và từ lúc bị thương tới khi vào nhà thương cũng chỉ có Thúy là đeo sát chàng thôi. Chàng lại tìm được lý do vì sao mà Thúy bắn chàng, chỉ trừ duyên cớ biết cuộc xuất chinh nầy để mà đòi theo thì chàng thật mù tịt.
Lâu lắm, Thúy mới thổn thức nói:
- Anh tha tội cho em. Em cũng xin thú thật rằng sở dĩ em hành động như vậy là vì em yêu anh. Tùy anh thương xót em hay không, số phận em ở trong tay anh, nếu anh đầu cáo thì em chết nhưng em cũng mát dạ.
- Không có vấn đề đầu cáo em một khi em chịu xác nhận hành động của em và khi được biết chắc tình cảm của em đối với anh nó xui em dại dột như vậy. Nhưng em nên biết rằng anh không thể quên Nhan.
- Em biết. Nhưng em không cần. Em yêu anh đơn phương là đủ cho em lắm rồi, còn được anh yêu lại chỉ là một xa xí phẩm và em không dám mong.
Cảm động, Công xoa đầu Thúy và lẩm bẩm một mình: “Tội nghiệp cho em nhỏ không biết bao nhiêu ! Em nhỏ ơi, em nhỏ chớ nuôi hy vọng. Những cử chỉ thân mật của anh không có nghĩa là anh yêu em nhỏ đâu, anh chỉ xem em nhỏ như một đứa em dễ thương thôi
Tuy Công chỉ nói với chàng, nhưng Thúy vẫn lắng tai nghe và đáp:
- Em dư biết thế anh à, dầu sao em cũng không hết yêu anh, và được gần gũi anh một đôi ngày, em cũng đã sung sướng lắm rồi.
- À nầy, còn tại làm sao em biết được có trận phục kích đêm nay để mà đòi đi theo ?
- Nói ra càng xấu hổ. Thấy Nhan đến thăm anh, em đã ghen và đã rình nghe…
- Rình ? Rình ở đâu ?
- Ngoài sau khung cửa hông. Tất cả những hành vi của em đều do một nguyên nhân mà ra, anh bắt tội hay tha thứ gì cũng vì độc một duyên cớ ấy mà thôi.
- Thôi em nên về kẻo ở nhà trông đợi.
Trưa hôm ấy Công được biết thêm những chi tiết sau đây:
Bằng vào lời khai của tên cướp bị thương thì chúng nó đông ba mươi đứa, kể cả chủ tướng của chúng là Thạch Pôul.
Người ta lượm được mười hai tên bị thương và đi thu dọn chiến trường lần thứ nhì, sáng hôm nay, đếm được mười bảy xác chết. Thế nghĩa là còn một tên mất tích.
Họ xem xét quanh đó thì thấy đất ở bờ Trảng Sụp có một chỗ bị xây xát. Một vết dài cây mắc cỡ mọc trên đồng bị trốc gốc và có dấu bị chà đạp nát hết dọc theo vệt đó. Họ kết luận rằng tên thứ ba mươi vì rút lẹ hơn đồng đảng của chúng nên lọt vào trảng và bị bùn nuốt tươi đi, vì mặt trảng quả có bể một nơi rất rộng, bùn non đã khép chặt lại rồi, nhưng lớp đất khô mỏng ở trên thì vẫn hả miệng.
Người ta có định câu cái xác có thể có ở dưới ấy, nhưng thấy rằng không thể thực hiện được dự định đó nên lại thôi và tạm kết luận rằng cái xác chìm dưới bùn là của Thạch Pôul.
Riêng Công, chàng sa lệ khi được biết những chi tiết về cuộc thắng trận của chàng. Cái mồ bùn non ấy chắc chắn là chôn đến hai xác người: xác của Thạch Pôul và của Nhan.
Vòng vây đêm rồi chặt chẽ quá, có cánh cũng không thoát được thì Thạnh Pôul chết là phải, nhưng cô gái yếu đuối là Nhan lại càng không thể vượt vòng mà trốn đi.
Nhan đã chết ! Đây là lần đau thứ nhì của Công, lần thứ nhứt nổi lên khi chàng được biết nàng là con của một tay buôn lậu và đã xem nàng chết rồi kể từ ngày hôm ấy.
Công đã tự nguyện với mình là chỉ giữ nơi lòng mối tình đầu của chàng thôi, còn cá nhơn của con người chàng yêu thì phải quên. Nhưng nào chàng có quên được ! Sở dĩ chàng nhận lời đi phục binh bắt cướp đêm rồi (mà Nhan đã ăn gian trình bày bọn cướp như một bọn buôn lậu) chỉ vì sốt ruột nghe Nhan bán mình cho tên cướp ấy thôi.
Nhan đã chết ! Đối tượng của mối tình của chàng không còn nữa, thì niềm đau của chàng có tánh cách khác hẳn nếu Nhan yêu người khác, hoặc vì hoàn cảnh mà về tay người khác.
Đây là cái ngậm ngùi ngàn kiếp khôn nguôi, là cảm giác trống rỗng quanh mình và trong lòng, là cái tâm trạng chán chê mang ơn một kẻ bỗng dưng mất hẳn mọi giác quan đối với cuộc đời nó không còn hương vị màu sắc âm điệu gì nữa cả.
Bốn ngày sau đó, Công xin ra khỏi nhà thương và mười hôm sau là chàng đi đứng mạnh dạn được như thường.
Thúy đã hết mặc cảm phạm tội, kể từ ngày cuối cùng Công còn nằm trong nhà thương. Hôm ấy đến thăm người chủ sở đã trở thành bạn của nàng, Thúy nói:
- Anh có thể quên mất được lỗi của em và tha thứ luôn em hay không ?
- Anh đã quên từ lúc nắm tay em trên xe, mặc dầu lúc ấy anh đã đoán biết ai bắn anh. Thật ra anh mang ơn em lắm đó. Nếu em không làm xằng thì có lẽ anh đã hy sinh tánh mạng một cách vô ích đêm đó, và hiện anh đã nằm dưới đáy bùn.
Hết mặc cảm, Thúy hy vọng hơn bao giờ cả. Tình địch của nàng không còn nữa thì chướng ngại bây giờ chỉ là mối sầu của Công thôi.
Mà không có mối sầu nào trên đời nầy lại không phai với thời gian. Công sẽ quên cho dẫu là nàng không giúp được gì vào sự quên đó.
Ngày tháng trôi đi sẽ xóa hình ảnh Nhan trong tâm trí chàng và người em gái nhỏ bên cạnh chàng đã sẵn sàng hơn ai cả để cho chàng lưu ý tới.
Tuy nhiên Thúy phải bền chí lắm vì xem ra thì tương lai còn xa quá, Công như là cái xác không hồn và ngoài công việc ở sở ra không thiết gì nữa cả. Người bạn gái mới quen, chàng cũng không buồn trò chuyện. Thoảng hoặc Thúy có hỏi gì, chàng cũng chỉ ừ hử cho qua loa vậy thôi.
Chiều lại sau giờ làm việc, chàng hay lấy xe đi đâu không rõ. Không rõ là Thúy không rõ kìa, chớ những người ở ven quốc lộ 22 đi Vũng Chàm thường thấy chiếc xe Díp sơn trắng của chàng đi về hướng Trảng Sụp.
Cứ đi trên con đường ấy không mà thôi vào thời buổi nầy cũng đã nguy hiểm rồi. Nhưng lên tới xóm trường học ngang vị trí mặt trận ngày nào, Công còn bỏ xe ngoài đường để băng bộ qua nhiều cánh đồng và nhiều khóm chồi để vào thăm mộ của người yêu.
Ngày đầu chàng đã tìm được cái chỗ mà đất có bị xây xát, đã đánh dấu nơi đó và chiều chiều đến đó, chàng đứng chiêm nghiệm rất lâu, mãi cho đến lúc trời tím sẫm mới ra về.
Một hôm, cách cái đêm mà Nhan đã phiêu lưu rồi đi luôn một chuyến rất xa, qua thế giới khác mà không trở về nữa, cách cái đêm ấy hăm lăm ngày, đang đứng trầm ngâm trước miệng lỗ đã được nước mưa chở phù sa tới lấp gần đầy, thình lình Công nghe tiếng bước nhẹ sau lưng chàng.
Nhanh như chớp, chàng rút súng ra và xây lưng lại liền. Trước mặt chàng một người đàn ông vậm vỡ, nưóc da đen, gương mặt trước kia có lẽ là hung bạo và uy nghi lắm, đang mím một nụ cười héo hon mà nhìn chàng.
Tóc y đã bạc trắng không ăn khớp với dáng người còn tương đối trẻ tuổi của y và Công có cảm giác rằng mớ tóc nhuộm sương của cái người trạc năn mươi ấy, chỉ vừa bạc trắng ra đây thôi, bạc một cách thình lình sau mấy ngày sầu muộn.
Y nói:
- Xin ông cất súng. Tôi chỉ là một kẻ đi hành hương rất hiền lành.
- Đi hành hương ? Sao lại ở đây ? Người ta hành hương trên núi Bà kia chớ !
- Vâng, ở đây, vì con gái tôi đã bỏ mình nơi đây.
- Cô ấy chết nơi đây ?
- Ừ !
- Mộ chỗ nào ?
- Tôi không biết, chỉ biết thế nào nó cũng đã bỏ mình nơi đây rồi.
Công không cần hỏi thêm. Người đó là tên Đức Lưu Phương trong tập hồ sơ ở sở chàng và câu chuyện kỳ lạ y vừa kể là cái chết của Nhan chớ không có gì lạ.
Trong giây phút, chàng nghe một niềm cảm thông với người đối diện kéo chàng xít lại gần y trong địa hạt của tấm lòng. Chàng cất súng vào bao rồi nắm lấy tay y mà nói:
- Tội nghiệp ông !
- Không, tôi không đáng thương xót. Tôi chỉ đáng nguyền rủa thôi, vì tôi đã vụng tính nên con tôi mới chết.
Công nghĩ không cần thú nhận mối tình của chàng mà ông cụ nầy không biết, cũng không hỏi về cái chết của Nhan làm gì, vì dĩ nhiên là ông sẽ không nói sự thật tại sao ông lại để con ông liều lĩnh đến thế nầy. Chàng chỉ nói như nói một mình:
- Biết hối lỗi bao giờ cũng tốt và không lúc nào gọi là trễ cả. Thôi, vĩnh biệt ông.
- Vĩnh biệt.
Hai kẻ hành hương chia tay nhau trong khi hoàng hôn đổ xuống ngập đồng.
Họ dùng hai tiếng “vĩnh biệt” đó là dùng theo nghĩa đen chớ không phải là nói bóng bẩy, không phải ngầm bảo nhau rằng tuy ở cùng một thành phố với nhau mà mỗi người đều có mối sầu riêng nên không ai buồn tìm thăm lại nhau sau cuộc gặp gỡ tình cờ chiều hôm nay.
- Vĩnh biệt ? Ừ !
*
* *
Ông Tám đã bán đổ bán tháo tám mươi bảy con trâu còn đứng vững, và bán rẻ mạt mười ba con trâu què vì bị đuổi chạy như chạy giặc trong đêm đó. Ông vội vã như vậy để trở về nhà nghe ngóng tin tức của Nhan.
Không thấy con về, ông đã đi tìm xác nó cũng chẳng gặp một chéo khăn, một nhúm tóc nàng trên chiến địa mà ông đã dò từng phân đất.
Hỏi thăm những người lính chôn xác thì họ bảo không có xác phụ nữ nào hết. Ông bảo chú tư dọ hỏi trong giới lục lâm thì Thạch Pôul biệt tích.
Nếu Nhan còn sống đi nữa thì trọn đời họ, cha con cũng không thể gặp nhau vì ông biết Thạch Pôul tội ác dẫy đầy, không sao dám ra đầu hàng. Nó đã đưa con ông đi Xiêm đi Lào rồi để không bao giơ trở về nữa.
Tám Huỳnh bỗng thấy cuộc giải nghệ để an hưởng của ông hóa ra vô nghĩa lý nên ông cúng cả số tiền bán trâu vào các tổ chức phước thiện và xã hội trong tỉnh. Điên trí, ông lại bán tuốt ngôi nhà của ông, cất cho người dì họ một nếp nhà nhỏ gần chợ hơn, và cho tiền bà ta bổ hàng bán quán chạp phô nhỏ, rồi sau cuộc hành hương cuối cùng chiều hôm nay, ông rời khỏi xứ nầy.
Riêng Công thì …
Sáng hôm ấy, Thúy đánh máy nhiều công văn và khi đọc một bức bản thảo kia, nàng rụng rời rồi gục mặt lên bàn máy đánh chữ mà khóc: đó là lá đơn mà Công đệ trình lên cấp trên để xin thuyên chuyển về Saigon.
*
* *
Nhan ngỡ mình không thể nào đi tới nơi trước khi mặt trời mọc.
Núi Bà thấy dạng dạng trên nền trời tối thui, trông cứ ngỡ là gần lắm, nhưng đi mãi mà cũng chẳng tới đâu.
Phần máu nơi cánh tay nàng ra nhiều quá nên nàng nghe mệt khi chỉ mới băng đồng độ một cây số thôi và bây giờ nàng đã muốn lả rồi.
Chính cái vết thương nơi cánh tay nầy đã làm cho cô gái hiền lành nầy kinh hoảng quyết định trốn luôn, chớ không dám nghĩ đến chuyện về nhà.
Sau một trận đánh long trời lỡ đất như thế, người ta dĩ nhiên sẽ bắt tất cả ai từ Trảng đi ra thành phố với một vết thương còn mới ràng ràng, áo quần bẩn máu và bẩn bùn đất.
Nàng chỉ biết một chỗ có thể tạm ẩn thân đợi lành vết thương, là những chùa chiền, am tự, trên núi Bà, nên tự nhiên đi về hướng núi.
Cái vết thương mà nàng ngỡ là đáng lo ngại lắm ấy, xem lại thì cũng chẳng có gì. Nàng bị đạn hồi nào, thật không hay, có lẽ lúc Thạch Pôul bắn tiểu liên ngăn xung phong và vì thế, làm đích cho đối phương nã súng.
Viên đạn xuyên qua thịt của cánh tay lẹ quá, người bị thương không kịp nghe đau đớn gì, phần sợ hãi vì tiếng súng nổ rền trời, phần sau đó lo bám níu cho khỏi bị Thạch Pôul kéo theo xuống trảng nên vết thương có thấm đau chăng nữa, nàng cũng không nghe thấy được.
Nhưng giờ thì sự đau đớn đã rõ rệt rồi. Thêm vào đó sự đau đớn do các vết thương khác, khắp trong thân thể nàng, gây ra, làm cho nàng cảm giác rằng người nàng đã nát bấy cả ra. Đó là các vết thương ở đầu gối, ở cùi chỏ, ở ngực, những nơi cày đất bị gai mắc cỡ làm rách da.
Nhan băng qua một khu chồi thưa, cây nhỏ và thấp, và nghe tiếng gà rừng gáy. Bấy giờ, càng gần núi, mà trời cũng tương đối hết đen mịt, nàng lại không thấy được bóng dáng trái núi vì tàn cây che tầm mắt của nàng.
Nhưng thình lình, trong đêm lặng, tiếng chuông chùa vang lên, khiến nàng giựt nẩy mình trong mấy giây đầu, đứng khựng lại mà sợ hãi.
Trong cảnh tịch mịch, những tiếng động man rợ xem thế mà không đáng ghê sợ bằng những âm thanh của xã hội văn minh, nhứt là khi âm thanh ấy lại đột ngột nổi lên.
Trong rừng rậm, tiếng chuông chùa bất thường quá, cũng như là giữa Sài-gòn tiếng cọp béo vậy, khiến mới nghe qua, ai cũng phải hết hồn cái đã, rồi ý thức lại được về nguồn gốc của cái thứ tiếng đáng sợ ấy rồi mới hết sợ.
Bấy giờ Nhan mừng rỡ vô cùng. Đấy là tiếng chuông công phu sáng của một cái am nào trong núi, am tự riêng thờ Phật, lẫn lộn với những am khác thờ rất nhiều thứ thần và nhứt là thờ Bà.
Lần đầu tiên trong đời nàng, Nhan nhận được vẻ an ủi của tiếng chuông chùa, tiếng nói cụ thể của lòng bác ái, của chủ trương độ thế vì nàng đang ở vào một tình cảnh cần cả hai thứ ấy, cần một tấm lòng bác ái cứu nguy nàng trong bước đường trốn tránh nầy và cần một triết lý nào để độ tâm hồn nàng qua khỏi cơn khủng hoảng tình cảm đầu của một người con gái không may.
Định rõ lại vị trí, Nhan ngạc nhiên hết sức. Nhà tiếp khách hành hương và những cái am đầu trong dãy am từ chân núi lên tới đảnh, đều ở tại đầu đường. Mà đường từ tỉnh lên núi, ở phía đàng kia. Đây là rừng rậm, thế sao tiếng chuông chùa lại nghe gần quá, nhứt là ngay ở trước mặt nàng ?
Có lẽ là một kiểng chùa hẻo lánh và vô danh của nhóm ẩn tu nào chăng ? Nếu quả như thế thì may mắn của nàng lại nhiều.
Những am đông đúc khách thập phương, có vẻ công cộng quá, người tu hành bác ái đến đâu ắt hẳn cũng phải sợ pháp luật mà không dám chứa nàng.
Tiếng chuông trống công phu sáng như kích thích thêm sức lực cho con người suýt muốn nằm lì xuồng nệm lá khô, mặc kệ rồi ra sao thì ra.
Nhan đi mau như một kẻ khoẻ mạnh mới khởi hành và độ mười lăm phút sau, nàng thấy, qua những thân cây ốm, ánh đèn leo lét đằng xa.
Chỉ có bây giờ nàng mới biết cái đích thật đúng để mà lướt tới chớ từ sau trận đánh đến lúc nghe tiếng chuông đầu, Nhan chỉ nhắm chừng mà đi phóng mạng thôi.
Ngọn đèn thấy từ đàng xa, lúc ẩn lúc hiện, vì có lẽ đèn thắp trong nhà, vách che thưa, nhưng vì tre cũng che khuất ngọn đèn tùy chỗ đứng của người thấy. Hơn thế, cây chồi cũng thủ y cái vai của vỉ tre, tùy vị trí của Nhan.
Càng lúc, tiếng chuông trống càng rõ hơn và bây giờ Nhan nghe được cả tiếng gõ mõ nữa.
Bỗng, tiếng chó sủa vang lên. Nhan càng bước mau hơn nữa và thình lình, chạm phải chướng ngại vật nàng phải dừng chơn.
Đó là một hàng rào tre thưa làm bằng gốc tre già chôn thấp tới bụng.
Ở đây không còn cây cối gì nữa cả, có lẽ chùa rào sát ven chồi nên cây mới hết một cách đột ngột như vầy.
Ra khỏi bóng tối của chồi rậm, Nhan mới hay là trời đã hừng sáng rồi.
Ngôi chùa trong vòng rào, trước mặt nàng, chỉ là một nếp nhà tranh rộng năm gian vừng vách phên tre và sau đó là một dãy nhà phụ thuộc, cũng bằng gỗ hay bằng tre gì không thấy rõ, cũng lợp tranh.
Hai con chó của nhà chùa sủa nà và chạy ra rào chồm lên vồ sủa, khiến cho người trong chùa phải lưu ý chạy ra.
Họ nạt chó, nhưng vẫn không dám tiến tới. Nếu không nghe tiếng nạt chó, Nhan không thể nhận ra hai nhà sư thấy dáng mờ ấy là hai vị sư nữ còn trẻ.
Nhan giựt mình mà thấy mình không hề nghĩ tới sư chùa này thuộc phái nam hay phái nữ, cứ nghe tiếng chuông là mừng, không hề ý thức về chi tiết quan trọng đó, quan trọng lắm, vì nếu sư thuộc nam phái, họ sẽ không nhận nàng.
Quả nàng đã qua cơn bỉ cực rồi đây, nên tới không định mà vẫn lạc bước vào chùa sư nữ.
- Cô ơi cô cứu dùm con cô ơi !
Nghe tiếng kêu cứu là tiếng con gái, một sư nữ bên trong hỏi:
- Ai đó ?
- Dạ con, con mắc nạn giũa đường, cô ơi !
- Đi trịch qua bên mặt, có cửa ngõ ở đó.
Nhan làm y theo lời sư nữ, đã tới cổng chùa rồi mà hai sư nữ vẫn chưa dám ra, còn đứng bàn tán với nhau nho nhỏ bên vách chùa.
Trước cổng chùa là một con đường mòn bằng chồi, chắc để đổ ra lộ xe đưa lên chân núi, đằng hướng đông, cách đây có lẽ đến hai ba cây số cũng nên.
Hướng đông ấy đã ửng hồng rồi và tiếng chuông trống công phu đã dứt. Có lẽ đã trông thấy rõ người ngoài cổng chỉ đơn độc nên hai sư nữ đâm bạo bước ra.
- Con xin chào hai cô !
Nghe giọng họ và thấy dáng họ còn trẻ, Nhan gọi họ bằng cô nhưng sợ lắm, tự xưng con.
- Tín nữ ở đâu mà đến đây ? Sư nữ lên tiếng khi nãy hỏi như yậy.
- Thưa cô, con đi núi Bà hôm qua, sáng nay về tỉnh, nhưng vì xuống núi sớm quá, đi xe Lam bết ta và gặp trận đánh dọc đường nên bị thương, con sợ quá chạy vào rừng rồi lạc bước tới đây.
- Bị thương ? Tín nữ bị thương có nặng không, chúng tôi không biết cứu thương.
- Dạ chỉ xoàng thôi. Nhưng con xin nước và xin nằm nghỉ chớ không xin cứu thương.
Sư nữ nín lặng giây phút rồi nói:
- Tín nữ cứ đứng đây tôi sẽ trở ra liền.
Hai sư nữ chạy vào trong, ý chừng để thỉnh ý sư bà rồi trở ra ngay thật. Họ mở cổng và mời:
- Tín nữ vào đây.
Nhan được đưa đến dãy nhà phụ thuộc phía sau, vào một căn hẹp mà bữa ăn sáng đã dọn ra. Chùa nầy đông một chục nhà sư nên Nhan đếm được mười chén cơm đã bới ra.
Sư bà, không già, không ốm, có phần hơi đẫy đà nữa là khác, từ chùa trên xuống đây sau khi Nhan đã vào nhà.
Được mời ngồi trên một chiếc ghế đẩu, nàng đứng dậy ngay, bái sư bà mà không nói gì.
Sư bà cũng làm thinh mà nhìn nàng rất lâu nhứt là nhìn chiếc áo sơ mi của nàng rách nơi cánh tay trái và máu khô đóng cục trên đó.
- Tín nữ uống một chén trà nóng, ăn một chén cơm rồi hẳn hay.
Sư bà mời mà như ra lịnh, không bằng lòng khách chối. Nhan tự nhận được điều đó.
Nàng cũng cần hai thứ nầy lắm, nên không nghĩ ngợi lâu và nhận luôn chén trà mà sư nữ im lặng khi nãy, người cùng đi với cô sư nữ đã mở cổng cho nàng, bưng tới trước mặt nàng.
Bị ra máu nhiều, Nhan khát nước lắm nên xin:
- Sư cô làm ơn cho tôi xin thêm một tô, có pha nước lạnh ! Tôi khát quá.
Tuy nhiên chén trà ngon và đậm, hớp từng hớp, giúp cho nàng đỡ khát nhiều lắm. Hiệu lực của trà ngon và nóng là thế, nên khi tô nước pha mang ra đến nơi, Nhan không nghe còn thèm lắm nữa, tô nước mà nàng đã mơ suốt đêm nay, chỉ là một món giải khát thường thôi, uống không nghe ngon nữa.
Nhan không đói, nhưng vẫn ngồi tại mâm cơm với chín vị sư nữ. Phải, họ chỉ có chín người thôi, và chén cơm thứ mười là chén cơm bới ra cho nàng đó.
Tất cả đều lặng lẽ ngồi ăn, không ai nói với ai một lời nào. Nhưng Nhan không dám quan sát họ. Nàng chỉ nhìn mâm cơm mà thực đơn khá sang trọng: tương, chao, mắm đậu, đậu hủ chiên dầu và rau cải.
Sư nữ trẻ tuổi nhứt đã cho nàng uống nước, cho Nhan mượn một cái muỗng để múc cơm cho dễ, tay trái bị thương không cầm chén được.
Chim chóc đã đại tấu bản nhạc mừng ngày quanh chùa và ngọn đèn dầu được tắt liền. Mâm cơm bỗng mờ đi và thực khách nhắm chừng cái dĩa đồ ăn mà gắp.
Nhan chỉ ăn có một chén thôi rồi xin phép bước xuống khỏi mâm cơm. Không quen ăn lót dạ sớm quá như thế nầy, nàng ăn chén cơm đó rất khó khăn.
Nàng đi ra ngoài, và bây giờ mới nhận định vị trí của kiểng chùa.
Chùa cất sát chơn núi, trên một cuộc đất triền rộng độ một mẫu. Sân chùa có giếng nước, có trồng bông hoa và quanh chùa, sát hàng rào tre là rừng rậm.
Bây giờ hình ảnh sư bà thoáng thấy dưới ánh đèn mờ khi nãy mới hiện trở lại nơi trí Nhan.
Sư bà không có vẻ sư bà … ơ … hơ… nghĩa là, nàng nghĩ không có vẻ một người tu hành lâu năm. Có lẽ đây là một bà giàu có, chết chồng, không con, chán ngán cuộc đời, rủ năm ba chị em, người mộ đạo như bà lên đây cất chùa để tu tâm dưỡng tánh cho qua tuổi già buồn bã của các bà. Mấy sư nữ trẻ tuổi có lẽ được kết nạp về sau.
Cơm nước xong rồi, sư bà mời Nhan qua căn nhà kế cận. Ở đây có ba bàn, có trường kỷ chạm trổ, lối Trung Hoa xưa. Có lẽ đây là đồ đạc riêng của sư bà đưa lên đây lúc cất chùa nầy, chớ ngôi chùa hẻo lánh có vẻ nghèo khổ nầy không cần bàn ghế đẹp như vậy.
Hiện diện nơi nhà tiếp khách nầy có hai vị sư nữ nữa rất có vẻ sư nữ thực thụ lắm. Nhưng họ lại ở dưới quyền của sư bà trẻ tuổi thì giả thuyết của Nhan chắc đúng phần nào, đây là chùa riêng của tư nhơn mà chủ chùa được “làm xếp” không kể tuổi đạo và đạo đức của bà ta.
Sư bà lại nhìn Nhan rất lâu rồi hỏi:
- Tín nữ cần được đưa ra đường hay không ?
Nhan bối rối hết sức. Nàng định lánh thân một lúc, chớ làm sao mà dám ra mặt trong tình trạng nầy. Nhưng nàng đã bịa một câu chuyện để giải thích sự có mặt của nàng ở đây, câu chuyện khá ổn, khó thể bịa giỏi hơn được. Ác lắm là câu chuyện như vậy lại không cho phép nàng ở lại. Phải, nàng không có lý do gì để xin ở lại cả.
Lâu lắm, nàng mới ấp úng đáp:
- Thưa bà, đáng lý thì con phải về, nhưng con lại thích kiểng chùa nầy, nên có ý định xin sư bà cho con thí phát qui y tại đây.
Sư bà lại làm thinh một hồi lâu nữa, xét nét Nhan rất kỹ đoạn nói:
- Việc ấy để rồi sẽ xem xét lại sau. Điều cần kíp là bần đạo muốn biết tín nữ có thể ở lại hay không. Vết thương của tín nữ phải được săn sóc như thế nào, bần đạo không rõ. Nếu tín nữ phải đi nhà thương thì sao ?
Nhan kéo tay áo sơ mi rộng lên. Làm công việc nầy nàng nhăn mặt vì vết thương bị động, đau lắm !
Khi cánh tay nầy phơi trọn vẹn ra, một cánh tay no tròn và trắng nỏn, tuy nước da hơi tái vì lạnh và vì Nhan bị ra máu nhiều, cả ba nhà sư thấy một vết đạn xuyên thủng thịt nhưng cạn, ở bên ngoài gần da: máu không chảy nữa và hai đầu vết đạn ấy được máu khô hàn kín lại.
Nàng nói:
- Thưa bà, con không nghe gì đáng ngại cả.
Nếu dám nói sự thật, nàng đã xin một bộ y phục đàn bà để thay cho bộ âu phục khả nghi của nàng, khả nghi vì con gái ở tỉnh nhỏ ăn mặc như vậy là bất thường, nhứt là nàng từ trên núi về tỉnh, khả nghi vì bộ âu phục của nàng bẩn máu và bẩn bùn. Xin được thứ ấy là về tỉnh được ngay.
Nhưng nàng không thể khai sự thật, nên đành phải tạm xin qui y vậy, rồi sẽ về sau.
Bây giờ sư bà mới mời hai bà sư già ra khỏi phòng nầy rồi nghiêm sắc mặt mà nói với Nhan:
- Tín nữ cũng dư biết rằng thời buổi nầy không an ninh. Vết thương của tín nữ làm cho bần đạo sợ lắm. Bần đạo không muốn mang vạ lây, tín nữ biết chớ ?
- Dạ con biết, nhưng quả thật con là học trò ở dưới tỉnh lỵ lên đây.
- Có thẻ căn cước chớ ?
- Thưa có.
- Cho bần đạo xem thử coi.
Nhan thò một tay vào túi áo trong của sơ mi, lấy thẻ ra trao cho sư bà. Xem thẻ xong, sư bà gật đầu và nói:
- Quả đúng như lời của tín nữ nói. Nhưng mà cứ theo trong giấy thì tín nữ còn cha. Sao lại còn người thân, đang đi học mà tính chuyện quy y, phải nói cho thật để bần đạo liệu.
Nhan đóng kịch không giỏi nhưng bỗng nàng nấc lên mà khóc được, vì câu chuyện bịa mà nàng sắp nói ra, mang một phần sự thật, đau thương thật sự, khiến nhắc tới nó là nàng phải khóc.
Nhan thổn thức kể:
- Thưa bà, hôm qua con lên núi thí phát mà trên ấy không cho, nên nay con về gặp rủi hồi khuya.
Thưa bà, sở dĩ con muốn xa lánh cuộc đời là vì…
Nhan chỉ bịa chi tiết thôi. Sự thật lớn là nàng đau khổ vì tình, được thú nhận với nhà tu hành nầy.
Sư bà nhờ hai bà sư cao niên kia săn sóc vết thương cho Nhan, nhưng chưa quyết định gì. Mãi cho tới tối, sư bà mới có ý kiến:
- Thôi thì con cứ ở lại đây một lúc xem sao, nhưng đừng vội thí phát. Việc quy y không bao giờ muộn cả, phải chờ xem nghe rõ lòng con và nhứt là đợi phản ứng của gia đình con coi ra sao rồi hẳn hay.
Nhan chỉ mong được thế thôi. Lành bịnh rồi, nàng sẽ ra khỏi nơi đây, không ai nghi ngờ gì được: Sự mất tích của nàng, chắc đã được gia đình nàng giấu nhẹm, ông cụ xin phép nghỉ học cho nàng vì lý do sức khoẻ và bạn học của nàng có tới thăm, ông cụ sẽ bảo là nàng đi Sài gòn chữa bịnh và không ai thắc mắc nhiều.
Mặc dầu không ai sai khiến gì, Nhan cũng tự động làm công quả cho nhà chùa vì họ tốt với nàng quá, mà nhứt là vì có công việc thì dễ quên.
Nàng cần quên mối sầu riêng của nàng, mối sầu riêng ấy là mối sầu thiên cổ mà muôn triệu cô gái đã mang, trải qua lịch sử.
Chùa đông sư nên công việc cũng chẳng còn gì. Nhan phải giành giựt với các sư nữ trẻ tuổi để chiếm độc quyền việc kéo nước giếng, công việc nhọc nhằn nhứt ở đây.
Đất đai khô cằn mà sư bà muốn sân chùa có thảm cỏ xanh quanh năm, có cây ăn trái, có hoa, có rau cải, tóm lại muốn biến đám đất chơn núi nầy thành khu vườn phì nhiêu sung túc, thành ra chùa cần nhiều nước lắm, phải kéo nước từ sáng sớm đến hơn mười giờ và từ xế đến lúc hoàng hôn mớí đủ để tướì cho ẩm ướt cả một mẫu đất khát nước.
Thế mà nàng chỉ khuây khỏa được một cách tương đối thôi, mặc dầu nàng có tính khá mạnh vì được thừa hưởng của cha mẹ một khí bẩm ngang tàng. Nàng đã không tự tử, không đi tu ngay sau khi bị người yêu chặt đứt cây cầu nối liền với hắn, thì biết nàng can đảm hơn các thiếu nữ thường đến bực nào.
Thế mà… !
Gió sớm, mây chiều, mưa rơi, lá rụng, tất cả đều gợi nhớ cho nàng, tất cả đều se thắt lòng nàng lại trong một niềm đau không khốc liệt như buổi đầu nữa, nhưng vì đã thấm sâu nên làm tê tái cả tâm can nàng.
Nhiều hôm Nhan tự hỏi: “Sao mình không tu quách cho rồi ?” Lời xin thí phát qui y của nàng chỉ là một thỉnh nguyện miễn cưỡng để được cho nương náo nơi đây một thời gian thôi nên nàng hay tự hỏi như thế.
Ừ, sao nàng lại không tu quách cho rồi, khi mà đời nàng không còn ý nghĩa nữa. Đó là cuộc đời hưởng thụ ấy, chớ còn cuộc đời xã hội thì khác. Nàng còn có thể giúp ích được nhiều hơn vì khỏi phải vì sinh kế mà nghĩ đến quyền lợi cá nhân của nàng.
“Ừ, sao mình lại không tu quách cho rồi ?”
Tự hỏi như vậy, nhưng Nhan rất sợ hãi cảnh đi tu. Lòng trần của nàng còn nặng lắm ! Đây là một cô gái khoẻ mạnh nên yêu đời, yêu đời tất cả mặt đẹp lẫn mặt xấu, mặt vui lẫn mặt buồn của cuộc đời.
Tình yêu không thể chết sau đau thương đầu của đời nàng, mặc dầu người yêu kể như không còn nữa.
Nàng sẽ kéo dài cuộc sống của nàng trong thương tiếc, trong kỷ niệm, êm đềm của dĩ vãng và nhứt là trong mong mỏi mỏng manh một cuộc xoay chiều tình cảm của ai.
Không thế nào mà Nhan quên Công được. Kẻ đã khinh miệt, đã giận hờn người yêu là hắn, mà hắn còn không quên nàng được nữa là nàng, nàng mà hình ảnh của Công còn tươi tốt trọn vẹn trong lòng, không tì vết nào cả.
Sư cô Diệu Tâm, một cô gái hăm lăm, vị sư nữ trẻ tươi nhứt ở đây là người săn sóc nàng nhiều hơn cả, săn sóc về mặt tinh thần cố nhiên.
Có những buổi chiều hai chị em - vâng, sư Diệu Tâm xem mình như người ngoài đời trong cuộc giao tiếp với cô khách chưa vào vòng đạo pháp nầy - hai chị em ngồi trên một tảng đả, tảng đá núi tiên phuông đã bỏ đi khá xa khỏi chơn non, nhìn chim bay về núi mà hồi tưởng lại những mối tình mà họ đã bỏ lại dưới kia, đàng xa kia, dưới cõi trần đầy nước mắt.
Trong chuông trống thu không như an ủi không biết bao nhiêu mà cũng ngậm ngùi không biết bao nhiêu, ngậm ngùi vì nó làm nổi rõ lên đạo và tục phân cách đôi đường, cái thế tục mà một kẻ chưa quên hẳn và một kẻ còn yêu đắm đuối, nhưng lại phải xa.
Sư Diệu Tâm nói:
- Buổi ban đầu, chị cũng ngỡ không bao giờ quên được y như tâm trạng của em bây giờ đây. Nhưng rồi tâm bịnh coi tàn bạo, thế mà rồi lần lần cũng lành được em à. Giờ chị đã gần khỏi rồi, chị ý thức được thực chất của nó, chị dám quả quyết với em là em sẽ quên.
- Chị người ờ đâu mà đến đây ?
- Chị gốc Bình Dương,
- Người ấy…
- Vâng, người ấy đã phụ chị y như em.
- Không, em khác chị. Người ấy không phụ em, chỉ vì em có lỗi thôi nên phải…
Nhan không nói được hết lời, ôm mặt mà khóc nức nở.
Sư Diệu Tâm kính nể sự nức lên của đau khổ của bạn nên để cho Nhan khóc cho đã thèm rồi mới an ủi:
- Dầu người ấy phụ em vì bạc nghĩa hay vì lỗi của em, cái nhân cũng đưa đến một cái quả là em mất người đó nên đau khổ, thì có khác chị bao nhiêu đâu !
- Khác chớ chị. Chị chán chê tình yêu, em vẫn không thấy tình yêu là đáng sợ.
- Như thế sao em không yêu người khác mà đau khổ làm gì ?
- Ác một nỗi là em không thể tách rời người yêu ra khỏi tình yêu được, em cứ lầm lộn hai thứ, hễ tình cảm tràn ngập lòng em thì em nghĩ ngay đến cái người khinh rẻ em ấy.
- Em phải quên mới được. Nếu không trở về với lẽ phải, đời em sẽ khổ vô cùng. Em yêu một người có thể đoái hoài đến em, mặc dầu cách biệt địa vị xã hội thì còn hy vọng mong manh nào, chớ đeo đuổi theo một người đã khinh khi em thì …
- Em có cảm giác là người ấy… đêm đó em nghe hình như hắn gọi em.
- Đêm nào ?
Nhan giựt mình nín lặng. Nàng suýt bị lộ tẩy, tự tiết lộ bí mật của cái đêm kinh khủng mà nàng tự nguyện đi cống Hồ.
- Không… ừ… ơ… hơ… cái đêm mà hai đứa giận nhau rồi em bỏ em đi.
- Em bỏ em đi. Như vậy chính em khinh miệt hắn chớ hắn đâu có khinh miệt em.
Nhan ú ớ rồi không đáp được.
Sư Diệu Tâm đánh hơi được những bí ẩn gì trong đời Nhan, nhưng sư cô bỏ qua để cố thuyết phục một người bạn gái mà sư cô quyết biến thành một đạo hữu đồng lứa cho có bạn trong đời tu hành của sư cô.
Những sư nữ khác đều lớn tuổi hơn sư cô, họ cảm nghĩ khác, nên sư cô nghe lẻ loi, muốn có bên cạnh một kẻ đồng tâm để sớm hôm kể chuyện lòng cho nhau nghe. Sư cô rất đói tình bạn vì tình yêu vô dụng cần được một nơi để mà tháo trút ra.
Hơn thế, sư cô ghen với một bạn đồng niên còn có thể hưởng cuộc đời, muốn lôi kéo cô ấy vào cái xó ẩn dật vĩnh viễn của sư cô.
- Dầu sao em cũng phải quên.
- Em sẽ cố gắng.
- Và em sẽ quên được.
- Em chỉ mong như vậy thôi.
- Chị không biết sư bà còn đợi gì nữa mới cho em thí phát.
Một con trăng đã hai lần khuyết một lần tròn rồi. Nhớ thương của Nhan ít đi về với cha hơn là đi về với ai. Nhưng không phải là lòng không hề nghĩ đến người cha thân yêu của nàng.
Người cha ấy giờ là một người sung sướng, an nhàn, đang sống một đời sống sung túc với số tiền bán một trăm con trâu kia. Nàng nghĩ như vậy nên rất an lòng về cảnh nhà và con người luôn luôn ít nhớ kẻ sung sướng.
Nhan tưởng tượng cha nàng đi dọ hỏi nghe ngóng sau đêm đó và biết không có xác người con gái nào trên chiến địa, ông đã tưởng nàng và Thạch Pôul đã thoát được.
Ông mất một đứa con thì cũng hơi buồn nhưng nó đi lấy chồng xa chớ không có gì và ngày kia nó sẽ về. Không, ông chỉ buồn sơ sơ thôi vì nhà thiếu mất một người, nhưng ông không đau khổ.
Vì thế mà nàng an dạ được.
Nhan nghĩ có lẽ cha nàng đã sắm vài chiếc xe đò để đưa hành khách, thâu hoa lợi mỗi ngày để sống. Mà cũng có thể ông mua ruộng, ông cho vay. Tóm lại ông sống yên ổn.
Chỉ có ân nhân của gia đình nàng là đáng thương. Nàng có dè đâu hắn, chỉ ngỡ đó là một tên cướp thường thôi.
Lòng nàng mang một mối hận nghìn đời, đã phản bội và làm hại người ơn của nàng.
Trời ơi, Nhan kêu than thầm, đời ta đã bị hủy hoại rồi ! Nếu được yêu chăng nữa thì tình cảm cũng ê chề vì cái hận nầy nó khiến lương tâm ta phải hốt hoảng cho đến bạc đầu.
Con trăng thứ nhì lại bắt đầu soi núi về đêm, ngọn núi mọc ngay sau lưng chùa, núi không cao, nhưng vì ở ngay chơn nó nên nàng thấy nó ngất ngưởng và nghe mình nhỏ nhoi cô độc vô cùng trong cảnh thiên nhiên bao la hùng vĩ.
Nhan đã tậu được một bộ áo quần vải đen của người bình dân thôn quê. Nàng sẽ hạ san một ngày kia trong bộ y phục đó, chiếc quần tây và chiếc áo sơ mi hẳn là không thể mặc đi đứng được mà khỏi bị người ta chú ý tới.
Giờ đã về được rồi đây vì vết thương đã lành hẳn rồi. Nhưng nàng ngại miệng khó nói ra quá để mà xin đi.
Người ta đã tốt với nàng, và người ta mong mỏi có thêm một đạo hữu. Hy vọng thầm lặng của những người ơn nầy, Nhan không nỡ phá tan.
Họ sẽ buồn không biết bao nhiêu, nhứt là họ đinh ninh nàng đợi để qui y. Họ dọn lòng để đón một “sư nữ”, cuộc xin về tục của nàng sẽ đột ngột gieo đau lòng cho họ.
Vì thế mà Nhan làm thinh, nấn ná nơi đó một con trăng thứ nhì.
Sư bà không có làm gì cả mà chỉ đợi thôi. Chùa nầy không phải là một ngôi chùa bí mật và nếu gia đình Nhan có tá hỏa lên vì sự mất tích của nàng, ắt họ sẽ đổ ra đi tìm nàng và ắt hẳn có người tới đây như bao lần rồi chùa đã được tiếp rất nhiều khách phương xa lặn lội đến tìm người của họ mà họ cảm giác rằng đi tu ở một ngôi chùa hẻo lánh nào.
Hai tháng đã qua. Đó là thời gian khá đủ để có thể tin rằng người thân của Nhan không đi tìm nàng.
Sư bà đã âm thầm chọn ngày và chuẩn bị cho buôi lễ qui y của cô gái học trò đã ngỏ ý về với Phật ngay từ buổi đầu đến đây.
Vì thế mà sư bà kinh ngạc không biết bao nhiêu khi một buổi xế trưa kia, Nhan đến để xin phép về trần.
Nàng lấp ló nơi cửa rất lâu mà không dám vào. Sư bà đang nằm võng đọc quyển sách gối đầu giường của sư bà là quyển “Hồi dương nhơn quả”.
Một khi kia, sư bà nghe động, gở kiếng ra ngóng lên, thấy cô nữ sinh sắp thành sư cô có vẻ muốn vào nói gì, sư bà gọi nàng vào, chỉ ghế nàng ngồi rồi hỏi:
- Có gì đó con ?
- Thưa bà, con đã do dự trót tháng nay, nhưng nghĩ cứ hèn nhát mãi e sanh rắc rối thêm nên con đến xin thú thật với bà là con còn nặng trịu lòng trần, muốn xin bà cho phép con về dưới.
Đã tu dưỡng nhiều năm rồi, Sư bà đã tập được thuật đàn áp tình cảm của mình. Sư bà bình thản như không có gì xảy ra, chỉ ngồi mà làm thinh rất lâu, nhưng nghĩ rất mau vì tình thế mới nầy, xét thử có nên khuyên dứt thiếu nữ tội nghiệp nầy hay chăng.
Lâu lắm, sư bà mới thở dài mà rằng:
- Thôi cũng được, lòng con đã như vậy thì còn biết sao bây giờ. Nhưng con định chừng nào mới rời khỏi nơi đây ?
- Thưa, điều ấy tùy quyết định của bà.
Sư bà khỏi phải nghĩ nhiều về chi tiết nầy vì sư bà đã chọn ngày rồi.
- Bữa kia ngày lành, đáng lý là ngày con thọ lễ qui y. Vậy con ra đi ngày đó.
- Xin vâng mạng bà.
“Giác Duyên Tự” chiều hôm nay buồn ghê. Và Sư cô hờ tuy chưa khăn gói lên đường hoàn tục nhưng người ta đã kể như là mất cô rồi nên cái am đông đảo người tu hành nầy đã nghe thiếu thốn rồi.
Đó là nỗi buồn của một gia đình có người thân yêu đau nặng, được y sĩ mật báo rằng hắn không qua khỏi, lại định đúng cái ngày mà hắn thở hơi cuối cùng.
Sư cô Diệu Tâm đã nỗ lực lần cuối cùng để thử giành ảnh hưởng với cõi tục, nhưng vô hiệu quả.
Những ngày chót ở đây, Nhan cứ thơ thẩn quanh những gốc cây, những tảng đá mà nàng đã thuộc lòng hình dáng và màu sắc. Nàng đã bắt đầu yêu nơi nưong náu tạm bợ nầy và muốn ghi thật sâu những hình ảnh thân mến nầy vào ký ức nàng để mang theo làm kỷ niệm trong đời nàng.
Diệu Tâm lẽo đẽo theo sau bạn và hỏi:
- Em còn mong mỏi gì ở ngoài đời ?
- Còn thiết tha yêu sống chị à !
- Nhưng về dưới ấy em làm sao quên được ?
- Chính vì ở đây cũng chẳng quên được nêm em mới về gần ba em, tình thương của ba em đối với em, sẽ giúp em đỡ đau khổ.
- Chị ước mong điều nầy, em đừng ngỡ chị chúc dữ em. Chị ước mong theo quan niện nhơn sinh của chị, tức là chúc lành đó. Chị van vái em sẽ trở lại đây ngày nào.
- Em không cầu nguyện điều đó, nhưng nếu phải lánh đời, chác chắn là em sẽ trở lại đây.