Phần Kết
Tác giả: Bình Nguyên Lộc
Ngày chia tay đã tới, Nhan đã từ biệt sư bà và tất cả các sư nữ khác từ đầu hôm, và đến khuya hai vị sư còn trẻ là sư Diệu Minh với lại sư Diệu Tâm thức đậy lo cơm nước sớm hơn ngày thường để Nhan ăn lót dạ trước. Xong đâu đó, Diệu Minh ở lại để dọn mâm cơm sau, còn Diệu Tâm thì đưa bạn lên đường.
Ra tới cửa ngõ, Nhan dừng bước lại để nhìn sao tắt trên trời. Nơi chốn và thời gian tạo lại đúng khí hậu của cái đêm mà sau những giờ kinh dị, nàng lạc bước tới trước cổng chùa nầy.
Nhan bồi hồi sống lại tất cả xúc động của đêm ấy và nghe như mình vừa qua một cơn ác mộng.
Đôi bạn dấn bước vào con đường mòn đưa ra đường lên núi, mới đi được có một thôi ngắn mà bóng đêm và cây cối đã khép kín lại không trung sau lưng nàng, bóng dáng ngôi chùa không thấy đâu nữa cả, chỉ trừ ngọn đèn leo lét đã soi đường lưu lạc của nàng đêm ấy.
Tiếng chuông trống công phu bây giờ vang lên khiến Nhan lại dừng chơn do dự. Nàng đã quyết về trần, nhưng còn lưu luyến nơi đây phần nào, nhứt là viễn ảnh tương lai của nàng dưới kia thật là mờ mịt.
Rồi nàng cất bước lên đàng, mặc cho chuông chùa kêu gọi. Rạng đông đã tô màu son Tàu lên nền trời giữa những thân cây.
Khi chiếc xe Lam-bết-ta rồ máy chạy đi, Nhan day lại thì thấy sư cô Diệu Tâm, người bạn hai trăng của nàng, mặt buồn dàu dàu đứng nơi đầu con đường mòn mà nhìn người sư nữ hụt vể trần, không biết sư cô thương hại nàng hay ganh tị với nàng. Riêng Nhan, nàng luyến mến người bạn đồng lứa ấy lắm.
Tự nhiên không bảo nhau mà hai cánh tay cùng đưa lên một lượt, một tay vẫy tiễn đưa và một tay vẫy giã từ.
Khi về tới cây gõ trước nhà thì cô nữ sinh đã quên được mùi thiềng mà cô không có duyên hưởng.
Đây là khí hậu mà nàng đã quen thuộc từ thuở mới lọt lòng, chưa để chơn lên con đường đất mà như đã nghe được cái hương vị thân yêu và hỗn họp của khói nhà bếp, của phân chuồng, của cấy cỏ, cửa muôn ngàn thứ không tên không tuổi mà khứu giác, vị giác nghe qua là nhận ra ngay.
Nhan tưởng tượng ra nỗi vui mừng nghẹt thở của cha nàng, ông cứ đinh ninh rằng nàng đã chết và niềm vui đột ngột nầy vì thế càng to không biết bao nhiêu.
Nhưng lạ, nàng mới vào tới cổng đã bị một bầy chó bốn con sủa vồ, và chạy ra nghinh chiến. Cũng may là cửa ngõ đã đóng chặt.
Nhan đoán cha nàng bỏ nghề, sợ bọn buôn lậu, và cũng sợ Thạch Pôul nữa, sợ hai phe ấy báo thù nên nuôi chó để tự vệ.
Nhưng ảo tưởng của nàng tan ngay. Một chị đàn bà từ trong chạy ra, miệng mắng chó om sòm.
Người ấy lạ hoắc. Nhan chưa hề thấy lần nào trong thành phố nầy hay ở các ngoại ô thành phố.
Chị từ từ hỏi:
- Cô kiếm nhà ai ?
- Tôi là con chủ nhà. Tôi đi vắng ít lâu nay.
Chị đàn bà trố mắt hả miệng nhìn Nhan rất lâu rồi nói:
- Cô không hay gì hết sao ?
Nhan rụng rời, ngỡ cha nàng đã mang hại nên sau mấy giây chết điếng, hoảng sợ hỏi rối rít:
- Làm sao ? Hay cái gì chị ? Ba tôi có sao không ?
- Không. Ông ấy chỉ bán nhà cho cậu mợ tôi rồi đi mất.
- Trời !
Nhan thừ người ra đứng làm thinh rất lâu mới hỏi được:
- Ba tôi đi đâu chị ?
- Không ai biết cả. Có lẽ ông ấy bỏ xứ nầy đi xa lắm.
- Trời !
Vì bối rối và buồn lo quá, Nhan quên hỏi thăm về người bà dì họ của nàng mà nàng ngỡ đã theo cha nàng.
Thấy người con gái nầy đáng thương quá, chị đàn bà mở cổng rồi mời:
- Cô vào trong nầy uống miếng nước…
Nhan thất thểu bước vào sân, ba bốn con chó lại bu quanh nàng để sủa, khiến chị đàn bà phải vừa đưa khách vào nhà, vừa xua chúng nó mấy phen chúng nó mới chịu phân tán ra.
Nhan ngồi phệt lên bực tam cấp chớ không chịu vào nhà. Nàng nhìn mấy chậu kiểng mà cha nàng đã bán luôn với nhà đất nầy và thấy sao như là cây trồng trong đó đang đứng cú rủ mà nhớ ai.
Gạch tam cấp đã đóng rêu xanh nhiều lớp và đã mòn lẵn dưới bước đi của khách ra vào và chính của nàng.
Mỗi vật ở đây, một gốc ổi, một tảng đá, một chậu cây đều mang một chút xíu thời niên thiếu của nàng.
Nhan lại đứng lên, thơ thẩn đi qua hông nhà bên phải. Cây cầu cong cong bắt qua con rạch nhỏ vẫn còn y nguyên, và sáng hôm nay giống hệt sáng hôm nào mà nàng đã đứng trên mô cầu cho ai chụp ảnh.
Chị đàn bà nãy giờ vẫn đi theo tò tò bên cạnh Nhan, lại mời:
- Cô vào nhà uống miếng nước.
Để nhìn lần cuối cùng những vật thân yêu bên trong, Nhan bước theo chị ấy.
Cha nàng bán luôn cả đồ đạc nữa nên bộ ghế sa lông Lu Y thập tứ vẫn còn ngự trị giữa nhà. Bên tả là một bộ bàn ăn lớn chỉ dùng khi nào nhà có giỗ thôi, bên hữu là một bộ ván ba bằng gõ mặt dày một tấc năm mà thuở bé, qua mùa nắng, nàng ưa cởi trần nằm sắp lên đó cho mát bụng, mát ngực.
Nhan đứng dựa cây cột cái bằng gỗ đỏ, to đến hai người ôm, hơi chửa ở khúc giữa trông như cây đèn sáp rờ rẩm để thưởng thức sự láng bóng của nó. Nàng dòm vào buồng nàng nhiều lần tự hỏi người ta đã thay đổi gì trong ấy ?
Chị đàn bà nhận thấy sự tò mò của nàng nên nói:
- Cậu mợ tôi ở buồng bên kia, buồng của ông hồi trước. Còn tôi thì ở buồng nầy, chắc là buồng của cô.
Nhan chỉ gật đầu và chị ấy nói:
- Cô vào đây xem, tôi chỉ đổi mùng khác thôi.
Mới để chơn tới cửa buồng là Nhan đã nức nở rồi. Từ đây không bao giờ nàng thấy lại buồng ngủ của nàng nữa cả.
Thương xót quá, chị kia nói:
- Hay cô ở lại đây chơi vài ngày cho có bạn với tôi. À cô đi đâu mà ông cụ bán nhà lại không cho cô hay tin ?
Nhan không đáp, lau lệ mà hỏi lại:
- Chị là chi của ông bà mua nhà đây và ở đâu mà tới đây ?
- Tôi là cháu ruột của cậu tôi. Chúng tôi cũng người gốc gác ở đây, nhưng cậu tôi vốn là công chức, bị thuyên chuyển từ tỉnh nầy qua tỉnh khác mấy mươi năm nay nên người bổn xứ quên mất gia đình chúng tôi.
Nay cậu tôi hưu trí về xứ tìm mua nhà mới gặp ông thân của cô, và nhà nầy mới về tay gia đình chúng tôi. Cậu mợ tôi bữa nay đi vắng.
Nhan đứng đó đưa mũi lên đánh hơi, như để cố hít lấy mùi hương của nơi nàng ăn ở, đoạn theo người cháu của chủ mới của ngôi nhà cũ nầy để ra sau bếp.
Ở đây cũng không có gì thay đổi cả trừ chiếc võng của bà dì, chắc đã được bà dì mang theo và một chiếc võng mới thay thế vào đó.
Người cháu chủ nhà rót nước bưng đến trước mặt Nhan rồi hỏi:
- Giờ cô tính sao ? Mời cô uống nước.
Nhan vẫn không đáp. Nàng đang “tính sao” nên tâm trí bận rộn lắm. Nàng ngồi như cái xác mà hồn đã xuất ra sau một hồi thần chú của một tay phù thủy nào.
Nhan ngồi như thế hàng giờ, người cháu chủ nhà lặng lẽ đi lo công việc của chị ấy và bỏ nàng một mình với tâm tư của nàng.
Không phải là Nhan chưa tìm được giải pháp nào, nhưng nàng cố nán lại đây để ghi những hình ảnh, để thu nhận những âm thanh, những mùi vị cho thật sâu dậm với lòng nàng hầu mang theo như những kỷ niệm không bao giờ phai.
Lâu thật lâu nàng mới đứng lên xin phép ra đi.
Chị cháu chủ nhà ái ngại hỏi:
- Nhưng cô đi đâu ?
- Tôi có bà con ở gần đây.
Chị nầy tiễn Nhan ra cổng và ngạc nhiên lắm mà thấy thiếu nữ tội nghiệp nầy rẽ sang tay phải rồi băng đồng đi vào khu rừng sau nhà.
Chị ta không biết được rằng bên kia khu rừng ấy còn xóm làng đông đúc.
Nhan đi chậm lắm vì mỗi khi đến nột ngả rẽ đường mòn nào, nàng cũng phải dừng chơn lại để kêu gọi trí nhớ rất lâu mới quyết định lựa chọn được nẻo đi.
Nàng chỉ qua đây có hai lần thôi mà qua trong những lúc tâm trí rối loạn và định không bao giờ trở lại nữa nên quên mất đường đi.
Mãi cho tới khi đứng bóng, nàng mới tới được nhà người kế mẫu: nàng đinh ninh rằng cha nàng lùi về sống hẳn ở đó.
Thấy mặt con ghẻ, bà kế mẫu nầy hơi lo sợ, vì Nhan đến đây ắt hẳn có việc bất thường.
- À con ! Trời, con dang nắng đỏ cả mặt mày. Sao không đi sớm một chút ?
- Dạ, con đi sớm lắm nhưng lạc đường.
- Trời, cũng may mà rồí con cũng tới được. Thôi nghỉ đi rồi ăn cơm trưa với dì.
- Nhưng ba con đâu dì ?
- Ba con ? Chớ ba con không có ở ngoài ấy à ?
- Ba con đã bán nhà rồi đi đâu mất. Con ngỡ ba con vào trong nầy.
Bà kế mẫu của Nhan rụng rời:
- Trời ơi, bán nhà ? Đi mất ? Con nói thật hay con nói chơi chớ ?
- Dạ con nói thật dì à !
- Nhưng sao con lại không hay ba con bán nhà ?
Nhan kể hết mọi việc cho người dì ghẻ nầy nghe, người mà nàng thương mến và tin cậy, không sợ bà lậu sự cho ai biết.
Bà nghe xong cũng chết điếng và ngồi thừ ra đó. Bà đoán rằng ông Tám đã giàu có rồi phụ bà, bỏ xứ mà đi để tìm hưởng thụ nơi khác.
Là người tốt, bà không hận lắm mà chỉ tủi cho phận bà thôi. Bà nấc lên mà khóc rồi hai mẹ con cùng khóc với nhau rất lâu, quên bữa ăn trưa đúng ngọ, mặc dầu cả hai đều đói.
Dì Năm dẹp thảm được trước người con gái có đến hai mối sầu chớ không phải như dì và trách:
- Cha con của con thật là xằng. Con thì con liều mạng quá, còn cha con sao không thử đi tìm con hay ở nhà, mà chờ đợi, lại bỏ xứ mà đi.
- Chắc ba con ngỡ con chết nên buồn mà đi tu ở đâu đó không biết chừng.
- Chuyện đã dĩ lỡ như vậy rồi thì con ở đây với dì. Nếu con bỏ đi, ba con mà có về đây thì lật nữa.
Nhan bây giờ trơ trọi một thân nên được bà mẹ ghẻ tốt bụng nầy cho tá túc thì sung sướng lắm rồi. Nàng thầm cám ơn dì Năm lắm nên nhận lời liền.
Nhan bản chất rất ham sống và yêu đời, nên mặc dầu xóm hẻo lánh nầy cũng buồn nhưng nàng nghe dễ chịn hơn lúc ở chùa nhiều.
Trong nhà chỉ có một người mà thôi, mà lại là một bà già mà tâm hồn cách biệt nàng vì niên kỷ, tuy nhiên nàng vẫn nghe được an ủi hơn là ở trên núi, vì bà già nầy gần gũi với nàng hơn là những sư nữ trẻ ở chùa Giác Duyên, bởi vì bà già nầy là người của thế tục, tuy cao niên nhưng tâm trí vẫn mang những cảm nghĩ thường của con người.
Ở đây, Nhan nghe an ủi hơn ở chùa, nhưng không thể không sốt rưột. Nàng đêm đứng ngày trông mong đợi người cha già. Một tuần qua, một tháng qua, qua hai con trăng đã tròn đã khuyết.
Đến tháng thứ ba, Nhan thật hoàn toàn tuyệt vọng mà bà kế mẫu của nàng cũng thế.
Cứ theo lời dì Năm thì họ ăn ở với nhau gần tám năm rồi mà không khi nào ông Tám vắng mặt lâu hơn một tháng cả.
Có đi đâu xa, có bận gì lắm, mỗi tháng ông Tám cũng về đây một lần, ở năm bảy ngày rồi mới đi nữa.
Làm nghề nguy hiểm, ông Tám thường hay trối trăn:
- Bà nè, tôi có mấy lời nầy, bà ráng mà nhớ cho kỹ. Tôi có thể chết đường, chết sá bất cứ lúc nào. Vậy hễ lâu quá mà không thấy mặt tôi, bà có thể kể như tôi đã chết rồi.
Muốn cho bà khỏi lo, bận gì mỗi tháng tôi cũng về thăm bà. Như vậy, không phải là trường hợp đặc biệt nếu tôi không về sau hai tháng đi vắng. Nếu như thế, tức là tôi đã chết rồi vậy.
Nếu bà còn nghĩ đến tôi, xin bà thương con Nhan như con bà, về mà ở với nó, hay đem nó về ở với bà.
Tôi sẽ mang ơn bà dưới chín suối.
Bà Năm nhắc lại những lời trối trăn hằng tháng ấy rồi khóc mù. Nhan cũng khóc. Nhưng nàng không tin rằng ông Tám đã chết. Được tiền bán trâu, chắc chắn cha nàng đã giải nghệ thì không còn vấn đề chết trận nữa. Ông cũng đủ kinh nghiệm để tránh cuộc báo thù đồng nghiệp cũ.
Hôm ấy dì Năm đi chợ tỉnh. Ấy, hằng ba tháng một, bà mới đi mua sắm các thứ cần dùng một chuyến, như mọi người ở làng xa khác. Cá, thịt, đã có người bán dạo mang vô tới nơi.
Mãi cho tới chiều, bà mới gánh một gánh đầy về nhà, nào là đường, muối, nhang, đèn v.v... những món hàng hoá để lâu không hư.
Dì Năm bảo cho Nhan biết rằng cứ theo lời cái ông Phán mua nhà ấy thì hôm đó, ông Tám nhận tiền xong trước mặt hội đồng xã, thì ông ký tên tờ đoạn mãi, đoạn lên xe đò mà đi Sài gòn, chỉ mang theo va ly quần áo thôi. Dì Năm đoán:
- Không chắc gì ba con đi Sài gòn, nhưng dầu sao cũng đi xuống chớ không phải đi lên.
- Dì định ba con đi đâu ?
- Nào dì có biết.
- Con thì con tin chắc ba con đi Sài gòn.
Kể từ chiều hôm đó, Nhan cứ nhơi mãi kế hoạch đi tìm cha nàng. Nàng thấy đó là một bổn phận tối cần phải thi hành: ông cụ đi mất chỉ vì ngỡ rằng con của ông chết, vậy nàng phải ra mặt cho ông thấy, không thôi không bao giờ ông về cả.
Trong kế hoạch của Nhan có một điểm làm cho nàng phân vân lắm. Nếu xin phép ra đi chắc chắn dì Năm không cho, bằng như trốn nhà thì thật là vô lễ.
Tiền bạc thì nàng còn được vài trăm trong túi tình cờ bỏ theo mình cái đêm đi Trảng Sụp ấy.
Nhan dò hỏi những người lân cận thì biết còn một con đường nữa đưa ra quốc lộ. Con đường mòn nầy đi ra cách xa nhà nàng độ ba cây số về phía Nam, tức về hướng Sài-gòn.
Từ hôm về ở đây, Nhan thức khuya dậy sớm thay cho bà kế mẩu, và nàng nấu nước, quét dọn, thả gà, cho heo ăn xong rồi bà mới dậy.
Khuya hôm nay, nàng thức sớm hơn mọi đêm, cũng làm đủ cả công việc, rồi chận bức thơ mà nàng viết trưa hôm qua dưới vỏ bình tích để ló ra ngoài thật nhiều giấy cho dì Năm thấy ngay lúc dì uống nước giấc sáng, xong đâu đó, nàng xách gói lên đường.
Dì Năm có đọc thơ ấy kịp lúc cũng không thể đuổi theo nàng vì nàng mượn con đường dưới mà dì không dè.
Con đường nầy tắt hơn đường trên, nhưng xuyên nhiều chồi bụi hơn. Nhan sợ nhưng cố làm gan. Nàng thấy không còn nguy hiểm nào to hơn nguy hiểm trong đêm kinh khủng “cống Hồ” năm tháng trước, nên vượt sợ hãi được bằng suy luận.
Nàng ra tới quốc lộ thì đã trưa trờ trưa trật rồi, dễ thường bây giờ đã tám giờ hơn.
Gói quần áo bằng giấy nhựt trình cầm nơi tay, Nhan có vẻ một thôn nữ ở đâu trong xóm trong, và khi xe xuống, nàng đưa tay ra đón, không ai ngạc nhiên hết.
Chỉ có khi nàng lên xe xong, hành khách trên xe mới nhìn sững nàng thôi, vì cô thôn nữ ấy lại đẹp một vẻ đẹp đài các, không có vẻ gì lam lũ làm ăn cả.
May quá, trên xe hôm đó không có ai quen cả, chỉ trừ một người Trung Hoa chủ tiệm thuốc bắc là biết mặt nàng vì nàng hay lui tới hiệu của chú ấy để mua cam thảo, mua trái táo. Nhưng chú không biết nàng là ai nên cũng không hỏi han gì.
Đây là chuyến đi Sài gòn thứ tư của Nhan. Từ khi nàng khôn lớn, và mãi đến lúc xe xuống tới Bà Quẹo rồi nàng mới chợt nhận thức rằng Sài gòn là một thành phố to lắm, to quá để có thể tìm được người nàng muốn tìm, giữa rừng người đông hàng triệu sanh mạng đó, và mãi cho đến khi xe đỗ ở bến Phan văn Hùm, cô nữ sinh liều lĩnh nầy mới hoảng lên trước cảnh bơ vơ nơi xứ lạ của nàng.
Xứ lạ nầy không phải là một xứ lạ hiếu khách như tỉnh nhà của nàng mà người cháu của ông Phán mua nhà sẵn lòng mời nàng ở lại vài hôm chơi, mặc dù họ chưa hề quen biết nhau.
Cái xứ lạ nầy là cái xứ lạ thờ ơ, lạnh lạt, đi bên cạnh nhau mà không thèm biết có nhau, ở khít vách nhau mà không buồn tới lui thăm viếng nhau.
Nhan chỉ được cái liều mạng chớ chưa có một tí kinh nghiệm nào về cuộc đời cả. Tánh liều mạng “mẹ đẻ” của nàng được sự nóng lòng gặp cha nung cho nóng lên nên nàng làm mà không suy nghĩ, có nghiền ngẫm kế hoạch phiêu lưu thật đó, nhưng quên phứt cái điểm tối quan trọng là nơi nương náu của nàng một khi xuống tới thành đô.
Bước xuống xe, Nhan ngơ ngác nhìn quanh, khách thấy thì biết ngay đó là một cô gái tỉnh lưu lạc về đây.
Mấy anh xích lô máy và xích lô đạp níu xe mà chạy đua với mấy xe nãy giờ bu lại hỏi:
- Về đâu cô hai ?
- Xe lôi ăn rẻ cô tư !
- Cô cứ nói tên cái xóm đi, tôi sẽ tìm nhà dùm cô, bảo đảm mà.
Nhan làm thinh, thơ thẩn đi về hướng ngã sáu Quẹt Đon. Tới trước tiệm cà phê ở góc đường tại ngã sáu thì mấy anh phu xe chán nản, không theo nàng nữa.
Họ vừa buông tha Nhan thì một mụ đàn bà mập tù lù, đang ngồi uống la ve nơi một chiếc bàn đặt ngoài vỉa hè hiệu giải khát ấy, đứng lên đón đường nàng và hỏi:
- Cô mua vé số Kiến Thiết hôn ? Giấy cặp, hăm bốn đồng.
Nhan lắc đầu nhưng bà mập cứ theo riết nàng. Đôi má phính của mụ mập bị chai la de giấc sáng nung đỏ lên khiếu Nhan hơi sợ sợ mụ ta nên mau bước lên.
Nàng càng đi mau, mụ mập càng nhặt bước.
- Cháu nè ! Đứng lại dì hỏi thăm cái nầy.
Giọng dịu ngọt của mụ sao giống lời ăn nói của dì Năm. Lúc bơ vơ, Nhan rất cần một chỗ bám, nên chi hơi sợ, nàng vẫn dừng chơn.
- Sao mấy thằng đó mời mà cháu không chịu đi xe. Bộ nhà gần sao ?
Như bất kỳ ai, mụ mập biết ngay cô gái nầy vừa xuống xe đò, tức là từ tỉnh tới đây. Mụ dọ để biềt nhiều thêm.
Nhan do dự lâu lắm rồi đáp:
- Thật ra thì cháu không quen với ai hết.
- Vậy sao ? Chớ cháu xuống Sài gòn làm gì ?
- Cháu tìm chỗ làm.
- Cháu biết nghề gì ?
- Cháu ơ hơ… cháu nấu ăn, giữ em.
- Khó lắm. Ngỡ cháu biết nghề, dì chỉ chỗ cho mà làm chớ còn nấu ăn, giữ em phải ở lại nhà chủ, cháu lạ hoắc, chủ nào mà dám chứa cháu ! Cháu nên trở về làng cho xong.
Nhan không đáp chỉ lắc đầu thôi.
- Chắc cháu không tiện trở về ? Hay là, nếu cháu chịu làm ăn công rẻ thì làm với dì.
Nhan vẫn làm thinh nhưng nhìn đôi mắt nàng, mụ mập biết nàng mừng rỡ và hy vọng.
Rất cao tay, mụ nhấn mạnh về điểm tiền công rẻ, cho thiếu nữ lưu lạc khỏi nghi ngờ. Nếu mụ tốt quá, mời nàng về nuôi, nàng sẽ sợ hãi mà từ chối.
- Dì cũng nghèo làm sao dám mướn người làm theo người ta, họ trả tới sáu bảy trăm một tháng, lại nuôi cơm.
Nếu cháu chịu làm rẻ mạt cho dì một tháng chừng một trăm bạc thôi thì về mà làm. Cháu tạm ở nhà dì cho quen nước quen cái một lúc rồi tìm chỗ làm được tiền hơn chớ dì không cam để lường công cháu đâu.
Nhan vẫn làm thinh một hồi nữa rồi nói:
- Làm cho dì mà làm công việc gì ?
- Thì nấu cơm, quét dọn chớ làm gì. Dì ở ruột mình, ăn cơm quán thét rồi nuốt cũng không vô nữa. Vả lại khoá cửa bỏ nhà mà đi buôn bán như vầy, dì không an lòng, quân gian nó có thể phá cửa ẵm hết áo quần đồ đạc của dì ngày nào đó.
Có cháu tiện cho dì không biết bao nhiêu, miễn là cháu không đòi hỏi nhiều.
Mụ mập mặc áo dài lỡ tức là thứ áo bà ba thật dài vạt khách, áo của những ngưòi đàn bà tu tại gia. Mà quả thế, đầu dì cũng cạo trọc lóc.
Trong một trăm người đàn bà loại đó có ít lắm là tám mươi lăm người mang cái gì không ổn trên lương tâm. Chiếc áo dài lỡ tuy chỉ là phục sức bề ngoài, không tượng trưng cho cái gì được, hơn thế, còn kín đáo hơn áo bà ba nữa là khác, nhưng áo ấy lỡ trót là loại áo mà những bà lỡ thiện lỡ ác thích mặc và quen mặc, thành thử đó là dấu hiệu của những kẻ làm nghề bất khả thú nhận.
Nhưng cô học trò khờ dại đâu có biết như vậy. Trái lại cô thấy bà nầy có bề ngoài mường tượng những bà trên chùa Giác Duyên, nên tín nhiệm được bà ta.
Và cô đang cần nơi nương náu cấp thời thì trừ khi bà ấy là bà chằn cô mới tránh chớ bà ta không có vẻ nữ tặc thì được bà ta nhận cho làm, cho đùm đậu là sung sướng lắm rồi.
Vì còn sớm nên mụ mập chưa về nhà, mụ bán vé số ở bến xe, nhưng không muốn dắt cô gái nầy tò tò theo mụ, gặp người quen trên tỉnh của cô họ xuống Sài gòn bằng những chuyến xe sau chăng.
Vì thế mà riêng hôm nay, mụ xoay qua đi bán từng gia đình dài theo con đường Võ Tánh, bắt đầu từ ngã sáu Quẹt Đon.
Mãi cho đến mười một giờ hơn mụ ta mới kêu xích lô đạp cùng Nhan đi đâu đó, cô gái nầy cũng không rõ nữa.
Xe chạy vòng do một hồi rồi đổ xuống một đại lộ mà đầu dưới rất dơ và rất rối trật tự vì xe cộ. Nhan xem bảng tên đường mới hay đó là đại lộ Nguyễn Thái Học.
Xe ngừng lại trước đầu một dãy xe cam nhông thật bự. Mụ mập đưa Nhan ra sau dãy xe đó thì cô nữ sinh nhà quê thấy nhiều sập bán cơm, bán các thức ăn khác như là bì bún chả giò, cua luộc, sò ốc.
Mụ mập ngồi xề xuống một chiếc ghế đẩu thấp, trước một sập bán cơm và kéo Nhan mà rằng:
- Ngồi xuống ăn cơm với dì con.
Người bán cơm cũng trạc tuổi mụ mập nhưng còn mập hơn mụ nữa. Bà ta hỏi:
- Ăn gì chị chín ?
Mụ mập lại hỏi Nhan:
- Con ăn cơm sườn, cơm cà ri, hay cơm gà ?
Nhan không biết sao mà đáp nên nói:
- Con ăn như dì.
- Con chị đó hả ? Mụ bán cơm nhìn Nhan cười mà hỏi thế.
- Không cháu tôi kêu tôi bằng dì ruột. Nó ở tỉnh mới lên.
- A, chị gốc ở tỉnh nào, tôi quên mất ?
- Vĩnh Long.
- Chắc ở tỉnh không yên nên cháu nó lên đây ?
- Ừ, cho ăn như thường lệ.
Mụ bán cơm vừa hỏi chuyện, vừa làm, vừa réo con mà chưởi.
- Con dịch tể, mầy không phụ với tao, để lo đi đánh đũa hử ?
Một con bé lên mười, dơ không tưởng tượng được, bỏ chơi ở giữa vỉa hè, vùn vằn đứng lên đi lại sập, mặt quạu đeo và miệng lẩm bẩm những lời nguyền rủa gì khòng ai nghe được cả.
Nó nhận nơi tay má nó hai dĩa cơm sườn rồi bưng đến trước mặt khách.
- Cho ớt đi cưng.
Dì Chín kêu ớt rồi bảo Nhan:
- Ăn đi cưng, rồi về nhà mình.
Ai, dì chín cũng cưng tuốt, con bé dơ dáy ấy và Nhan. Dì nói cưng như là nói: “Con nhỏ dịch tể kia”, giọng không thương mến chút nào.
Ở đây, cái gì cũng dơ cả, từ mặt bàn hôi cái mùi nước mắm thấm vào gỗ lâu ngày, không sao tẩy xoá được, đến đôi đũa sơn nhớt nhợt, khiến Nhan nhờn quá, tuy nhiên hôm nay sao nàng lại đói bụng tợn thế không biết, nên nàng nhắm mắt mà nuốt, và nghe ngon.
Vừa ăn, dì Chín vừa nói với mụ bán cơm:
- Tôi chỉ ăn đây ngày chót thôi.
- Dời nhà đi xóm khác sao ?
- Không, bắt đầu từ ngày mai, cháu tôi nấu lấy, ở nhà.
- Ra tôi mất mối ?
Dì chín cười hề hề mà rằng:
- Chỉ mất một lúc thôi rồi nó sẽ đi làm và tôi lại trở về với bồ.
- Đi làm ở đâu ?
- Ở hãng dầu. Nó đánh máy giỏi lắm, cậu nó làm ở hãng dầu, nhắn nó lên vì có chỗ làm cho nó.
- Giỏi. Vài bữa nữa là lên cô rồi.
- Và biết đâu lại không lên bà.
Dì Chín nói pha trò câu nầy xong thì cười ha hả, má của dì, ngực của dì, bụng của dì đều rung rinh.
- Ừ, cô ấy xinh đẹp như vậy thì có đường lên bà lắm đa nghen.
Cả hai mụ mập đều nhìn lại Nhan một lượt khiến nàng xấu hổ không dám ngước lên. Vì chỗ ngồi hanh nắng, vì mắc cỡ nên má nàng ửng hồng lên khiến hai mụ nhìn sững nàng đến một mụ quên ăn, một mụ quên làm.
Ba người khách đàn ông, lơ hay tài xế gì đó không rõ của mấy chiếc cam nhông đậu che quán, vừa ngồi xề xuống và gọi:
- Cơm cà ri má Tư !
- Cơm gà má Tư !
- Cho một dĩa cơm trắng với thịt luộc, mắm thái !
Một anh bỗng thấy Nhan và hỏi:
- Con của má Chín hả má Chín ?
- Ừ.
- Má Chín có rể chưa ?
- Chưa.
- Trời, con mà được má Chín...
- Mười cái bảng mặt của mầy cũng không vói được, đừng có nói tầm bậy.
- Má Chín thách con hả ?
- Ừ, thách đó. Tốt hơn là câm miệng lại, kẻo chổi chà lên đầu bây giờ.
Họ đã ăn xong, dì Chín trả tiền, kéo Nhan đứng lên vừa nói:
- Đi lại đây uống nước sâm cưng.
Hai dì cháu giả vừa băng qua tới bên kia đầu đường Cô Giang thì nghe bên nầy mụ mập cười rộ lên với bọn lơ xe. Dì Chín day lại trợn với họ một cái rồi nói:
- Tụi nó ! Cái thứ hỏng biết thân. Nè dì dặn con, con lấy chồng thầy, chồng ông thì lấy chớ đừng thèm cái tụi nó, không đáng xách dép cho con.
Dì Chín lại chỉ trước mặt:
- Đây là chợ Cầu Muối. Chợ nầy gần nhà mình hơn hết thì ngày mai con đi chợ nầy. Chợ ông Lãnh ở dưới kia, chỗ hai dì cháu mình ăn cơm đó đi xuống một chút, tới mé sông thì gặp chợ.
- Sông gì dì ?
- Thì sông Ông Lãnh chớ còn sông gì. Mà có người lại kêu là rạch Tàu Hủ.
- Còn sông Bến Nghé ở đâu dì ?
- Chắc ở đâu dưới Cần Thơ, dì dốt nát đâu có biết.
Họ ngược đại lộ Nguyên Thái Học và đến một ngã ba đường kia, dơ không thể tưởng tượng được. Đường giống đường mương, nước và bùn sình ngập tới mắt cá, trên vỉa hè rác lên tới bụng và xe cam nhông với lại xe ba bánh đậu chật cả lối đi.
Dì Chín quẹo tay trái vào con đường bẩn thỉu ấy và cắt nghĩa:
- Đây cũng còn thuộc chợ Cầu Muối nhưng mép nầy là vựa trái cây và vựa la ghim.
Họ đi một đỗi qua khỏi cảnh bùn lầy nước đọng ấy rồi tới một ngã tư, đi khỏi ngã tư đó nữa thì đến trước một dãy nhà tuy cất dựa đường lớn mà lụp xụp như trong xóm nghèo.
Nhiều ngõ hẻm chen giữa dãy nhà ấy mà trổ ra đường lớn. Dì Chín đưa Nhan vào ngõ hẻm thứ ba, qua nhiều căn nhà lụp xụp nữa, rồi không còn ngõ hẻm hay nói cho đúng, không còn ngõ đất. Ngõ vẫn tiếp tục nhưng trên ván sàn dưới ấy là ao vũng gì Nhan chưa rõ được.
Nhà Dì Chín cất giống hệt bao nhiêu nhà khác, tức chỉ rộng lối hai thước năm và sâu sáu thước, kể cả nhà bếp. Vách ván, lợp lá.
Nền nhà cũng lót ván vì đây là nhà sàn. Giữa nhà trên và nhà bếp không có sân trong, tức là cái sàn nước lộ thiên hẹp để ánh sáng lọt vào, thành thử trong nhà tối như ban đêm, nấu cơm phải thắp đèn giữa trưa.
Bốn thước sâu nhà trên của dì Chín ngăn ra làm hai buồng, buồng ngoài lót một bộ ván mỏng, buồng trong một cái chõng tre, buồng trong là buồng ngủ của chủ nhà.
Dì Chín sắp đặt:
- Con là con gái, cần chỗ kín đáo, vậy dì nhường buồng dì cho con, dì ở phía ngoài.
Rồi dì Chín đưa Nhan xuống bếp. Dì có sắm đủ cả vật dụng cần thiết để nấu như là dao, thớt, son, chảo.
- Lát nữa đây dì dẫn con đi tiệm mua gạo, mua nước mắm, mua muối, mỡ, hành, tiêu v.v. Bây giờ, đánh một giấc cái đã.
Dì Chín nói xong trở ra buồng ngoài. Dì mới ngả lưng xuống ván đã ngáy khò khò rồi.
Nhan vào buồng mà chủ nhà đã nhường cho nàng. Buồng tối đen, không trông thấy gì cả, chỉ nghe muỗi kêu vo vo như sáo thổi. Nàng phải chạy xuống nhà bếp để thắp cây đèn dầu thoáng thấy dưới ấy khi nãy. Nhưng vừa bước ra khỏi cửa buồng, Nhan chợt nhận ra buồng có mắc đèn điện vì cái công tắc bằng sứ trắng được gắn trên khung cửa buồng nầy.
Nàng vói tay vặn đèn và bóng tối bỗng tiêu tan mất cả, để lộ ra cô độc một chõng tre trơ trẻn. Trên vách máng vài chiếc áo, vài cái quần, chỉ có thế thôi.
Nhan ngồi bó gối trên chõng, soát lại tình thế và ý nghĩa của cuộc phiêu lưu nhỏ của nàng. Chỉ có chuyến đi nầy, nàng mới chợt thấy là Saigon to quá, mà địa vị của nàng trong đô thị minh mông ấy nhỏ mọn quá, không biết làm thế nào mà tìm cha được.
Nhưng đã trót phiêu lưu, nên đi cho trọn con đường. Trở về núi à ? Không thể được.
Trở về nhà chăng ? Nhưng ở đó, nàng vẫn trơ trọi một thân như ở đây, hơn ở đây nữa. Chưa chắc nàng sẽ gặp được một dì Chín như thế nầy với một nếp chòi cho nàng dung thân !
Ngồi buồn một lát, Nhan tắt đèn rồi bước ra ngoài. Nền nhà và ngõ ván cùng một mực với nhau, có thể nói ngõ đi luôn vào nhà, nhà đi luôn ra ngõ.
Ngõ hẹp lắm và mặt trời qua buổi đứng bóng độ nửa tiếng đồng hồ là không còn rọi được vào đó nữa. Thành thử ngõ là nơi trốn rất lý tưởng, một ngày có bóng mát hơn mười tiếng đồng hồ và lại không gió nữa.
Người trong xóm, ra đó để đi tìm một chút thoáng khí, ngồi la liệt đó đây, trẻ con bò từ đầu ngõ đến cuối ngõ trông như họ ở cùng một nhà với nhau.
Trước cửa nhà kế cận nhà dì Chín, một người đàn bà trạc tuổi dì Chín nhưng trái nguợc hẳn với dì là ốm tong teo, đang ngồi vá áo.
Thấy Nhan bước ra, bà ta cười rồi đập tay xuống sàn ván nói:
- Lại ngồi đây chơi cô.
Nhan lặng lẽ bước ngang hai bước là tới nơi rồi ngồi xuống cái nơi mà bà láng giềng đã định.
- Cô là gì của chị Chín ?
- Dạ cháu.
- Cháu ruột hả ?
Nhan xác nhận điều đó mà không do dự vì nàng thấy nói thật hay nói láo cũng chẳng có gì quan trọng đáng kể.
- Cháu kêu bằng … ?
- Dì.
- Ở dưới không yên hả ?
- Dạ không yên.
Trò chuyện qua lại một hơi, Nhan được biết rằng xóm nầy gọi là xóm Láp Bê cất trên một đám đất trủng rộng lớn minh mông, trong một xóm nhà nào cũng cất trên trụ cây cả.
Một đứa bé bò tới trước mặt nàng, nhìn nàng một hơi rồi tín nhiệm, nó bò vào lòng nàng.
Nó dơ không thể tưởng tượng được và đầu nó bị sài ăn thấy mà bắt nôn. Nhưng Nhan không thể không tiếp đón xứng đáng người bạn đầu tiên của nàng nơi xứ lạ.
Chỉ trong vòng có mười phút đồng hồ kể từ lúc nhận người bạn mới, Nhan bị gần hai mươi đứa trẻ vây lấy, từ đứa mới biết bò đến đứa đi lững chững và đứa đã biết chạy nhảy.
*
* *
Dì Chín trông không hiền nhưng cũng không có vẻ ác. Dì dịu ngọt nhưng Nhan không hoàn toàn tín nhiệm nơi sự dịu ngọt của dì mà nàng lắng nghe, và tế nhận được cái bải buôi cố ý mua chuộc cảm tình.
Suốt năm hôm liền, dì không hề hỏi Nhan một tiếng về dĩ vãng, về gia thế, xứ sở của nàng, tuy thế, Nhan vẫn không vững dạ, luôn luôn đề phòng, sẵn sàng thủ thế.
Qua ngày thứ sáu, ăn cơm tối xong, nhơn trời mưa, dì Chín mới gọi Nhan lại ngồi chung ván với dì rồi nói:
- Dì giúp con, thì con không nên hại dì. Vậy con phải nói cho thật. Con bỏ nhà bỏ xứ ra đi như vầy sẽ có ai thưa kiện gì con hay không ?
Nhan chưng hửng hỏi lại:
- Thưa dì, con không hiểu dì muốn nói gì.
- Nghĩa là có thể con trốn chồng rồi họ tức giận đi cáo gian con. Dì nói cáo gian vì hôm ấy con đã không có gì khả nghi hoặc đáng giá trong mình con hết. Như vậy, mà họ có đầu cáo thì chỉ là cáo gian thôi. Dầu sao con cũng sẽ bị chuyện lôi thôi và dì cũng sẽ bị họ làm khó dễ vì chứa con.
- Thưa dì, dì khỏi phải lo điều ấy. Quả thật con chưa có chồng lần nào.
Quan sát Nhan thật kỹ, mấy ngày rày, dì Chín phải tự nhận với dì rằng Nhan thật thà và chơn thật. Như thế, có thể tin nàng được ở điểm nầy.
Như vậy thì chỉ còn một giả thuyết nữa về nàng thôi, giả thuyết cắt nghĩa thật ổn sự đi trốn của nàng. Phải, dì biết chắc rằng Nhan đã trốn xứ mình mà đi, chớ không đứa con gái nào lại đi tìm sinh kế một cách liều lĩnh, không ai dẫn đường như vậy.
Giả thuyết đó là Nhan bị ép duyên. Nếu giả thuyết ấy đúng - mà có thể là nó đúng - thì Nhan sẽ không bao giờ dám trở về với cha mẹ nữa, ít lắm cũng trong năm năm đầu. Thế thì kẻ như nàng không có người thân, không được ai bảo vệ cho cả.
Dì Chín đã yên dạ được điểm ấy. Dì mà có gả bán Nhan cho ai thì dì chỉ lo Nhan phản đối thôi chớ khỏi phải sợ người thân của nó.
Còn một điềm cuối cùng rất quan trọng là giá cả gả bán đứa cháu nuôi nầy. Nếu nó còn con gái, dì sẽ gả nó lối khác với giá con gái, bằng như mà nó đã thành đàn bà rồi thì lại có khác giá khác nữa.
Dì Chín thường ngắm cái tướng đi, cái điệu đứng của Nhau, không phải để thưởng thức nhan sắc của nàng mà dì đã nhận thấy ngay lúc mới gặp nàng bơ vơ đằng ngã sáu Quẹt Đon.
Dì ngắm Nhan để xem nàng có phải là trinh nữ hay không. Trong giới nghề cũ của dì, người ta tỏ ra thành thạo về vấn đề nầy lắm và họ có cả lô phương pháp để thử.
Chẳng hạn như phương pháp đo cần cổ bằng một sợi dây nhợ. Họ làm một cái vòng rộng bằng hai viền chu của cổ cô gái cần thử, rồi yêu cầu cô gái ấy cắn vào một điểm ở vòng dây ấy, đoạn tròng vòng dây qua đầu cô gái. Nếu vòng dây qua lọt thì họ bảo rằng cô gái đã mất tân.
Và chẳng hạn như cái phương pháp rắc rối nầy là họ nuôi con thằn lằn loại da thịt trắng trong, nuôi bằng hồng đơn. Đúng ngày mồng năm tháng năm, họ thích huyết con thằn lằn ấy rồi lấy hưyết đó bôi lên cổ tay cô gái mà họ muốn biết bí mật cơ thể, hễ máu thằn lằn dính khắn lên cổ tay của thiếu nữ là thiếu nữ còn trinh, bằng như rửa nó trôi mất thì …
Dì Chín không tin những trò dị đoan ấy lắm và chỉ còn căn cứ vào lối nghiên cứu sự nở nang của cô gái để đoán ra sự thật thôi. Nhưng dì cũng không tín nhiệm cho lắm vào cái khoa nầy, nó đã làm cho dì leo cây rất nhiều bận.
Đừng có tưởng cứ hễ lép là con gái còn tân và đứa nào nở nang quá sức là hư hèn rồi đâu. Sự thật lắm khi trái ngược lại khiến ai cũng điên đầu.
Ngắm mãi đứa cháu nuôi từ ngày nầy qua ngày khác, dì Chín đành lắc đầu chịu bí.
Phải chi dì là con trai, dì yêu Nhan lắm, và có cưới lầm một cô Nhan đã mất tân, dì sẽ không tha thiết gì mà cũng chẳng bị ai rầy rà.
Cái nầy dì gả nó cho người ta và phải nạp giấy bảo đảm chắc chắn thì không thể nói ẩu được nếu dì không chắc mười bó một giạ.
Lắm khi dì Chín nói tục để rình phản ứng của Nhan. Nhan đã hổ ngươi đỏ mặt tía tai thật đó, nhưng điều ấy cũng không chứng tỏ một trăm phần trăm rằng nó còn là trinh nữ. Lắm đứa lộn chồng ba kiếp rồi là vẫn còn mắc cỡ như thường, lại lắm đứa giả dối tuyệt diệu đáng bực thầy của người lớn nữa, chúng nó đã là kẻ chán chường rồi là vẫn đóng trò hổ ngươi rất khá.
Dì Chín thấy là phải còn lâu lắm dì mới khám phá ra bí mật của Nhan và chừng ấy dì mới quyết định được. Trong khi chờ đợi, dì cứ tiếp tục bán vé số như thường.
Ba đám đất kiếm ăn của dì Chín là bến Nguyễn Cư Trinh, bến Phan văn Hùm và bến An Đông, nhưng giờ dì đổi đất săm, đi bán ở các vùng sang trọng, không hy vọng bán được hơn, còn trái lại nữa, nhưng với ý định bắt liên lạc lại với những kẻ mà ngày trước thường lui tới nhà dì, một ngôi nhà khá giả ở lối đầu đương Phan Đình Phùng gần khu đài phát thanh.
Sáng hôm ấy, thả rều trên vỉa hè Nguyễn Huệ sau các hàng hoa, dì Chín thình lình nghe gọi:
- Ê bà chủ mạnh giỏi ?
Day lại, dì nhận ra đó là một người đàn ông trạc băm sáu băm bảy tuổi, làm nghề gì, tên họ gì dì không hề biết mặc dầu đã quen với nhau nhiều và lâu lắm. Dì chỉ quen gọi hắn là ông chủ nhà in thôi, theo lời tự xưng của hắn.
- Nhớ tôi không ? Hắn hỏi.
- Thưa nhớ chớ sao không. Ông cũng mạnh giỏi ?
- Như thường. Sao đôn rày coi bộ bà chủ xuống phong độ ?
Dì Chín lắc đầu:
- Giải nghệ rồi, nghèo quá.
- Vậy hả ! Giải nghệ thiệt chớ ?
- Sao không thiệt.
- Vĩnh viễn chớ ?
- Giải nghệ đến muôn năm.
- Như vậy thì hết vui rồi.
- Nhưng tôi lại vui. Giờ tôi sống được với gia đình, với con cháu tôi, chớ không phải bắt buộc chúng nó ở riêng như trước nữa
- À, cái đó thì thú… cho bà, riêng cho bà thôi, bà có đông con cháu lắm không ?
- Chỉ cỏ một ngoe thôi.
- Gái hay trai ? Có vợ con gì chưa ?
- Cháu chớ không phải con. Cháu gái. Chưa chồng. Nó đẹp kinh hồn, tôi đang đi tìm người để gả đây.
Ông chủ nhà in ngầm biết danh từ “cháu gái” của bà mập nầy, nó có nghĩa là một thiếu nữ còn nguyên trinh đã nạp mình cho bà ta để bà ta nạp lại cho người khác.
Hắn cười hề hề nói:
- Cái đó thì bà phải tìm các chú ba trong Chợ Lớn mà gả, chớ còn bọn Việt Nam chúng tôi không ưa lắm ; hay có ưa cũng tiếc tiền.
- Tùy người chớ, ông nói “bọn Việt Nam” thì không trúng rồi đa.
- Thôi chào bà chủ. Ngỡ bà có em, chớ cháu thì xin tha cho vậy.
*
* *
Dì Chín đi tuốt xuống bếp để rửa mặt thì thấy bếp lạnh tanh, mặc dầu bây giờ đã đứng ngọ rồi.
Ý nghĩ đầu tiên của dì là Nhan đã cuốn gói trốn đi rồi.
Trong mấy mươi năm trường, bà mập chỉ sống trong không khí cuốn gói trốn đi, sống với những người cuốn gói trốn đi mà bà chứa chấp, vì cảm tình đồng cảnh, bởi chính bà ta cũng là một kẻ cuốn gói trốn đi, và nhứt là chứa chấp họ vì đó là những người mà bà ta lợi dụng được. Vì thế mà bà mà nghĩ ngay tới chuyện đó trước hơn giả thuyết nào khác.
Mụ mập cứ bình tĩnh rửa mặt như thường vì nhà mụ không có gì để mà sợ bị mất cắp. Tiền bạc vàng vòng dì thủ cả trong mình dì, chỉ để nhà vài bộ quần áo thôi.
Bình tĩnh nhưng không khỏi băn khoăn: “Tại sao nó lại trốn kìa ? Nó không mắc mình món nợ vật chất và tinh thần nào cho đáng mà mình cũng không cấm đoán nó ra đi !”
Bà không cấm Nhan ra đi, mà Nhan cũng chưa biết sự độc hiểm bàn tay bà đến thế nào mà nàng trốn đi thì khó hiểu thật.
Bà bước lên, mở đèn và dòm vào thì thấy Nhan đang chổng khu, ôm gối cố cắn răng cho tiếng kêu đau của nàng không lọt ra ngoài.
- Con đau bụng phải không ?
- Không dì à. Nhan rên hừ hừ mà đáp rất yếu đuối. Không phải phá bụng.
- Chắc con bị sán lãi.
- Cũng không phải nữa.
Bà mập đâm nghi: “Hay là Nhan uống thuốc phá thai ? Ừ, biết đâu là nó có chửa hoang và trốn nhà vì thế ?”.
Bà thừ người ra. Nếu như thế thì rồi. Phải đưa nó đi nhà thương ngay, kẻo nó chết trong nhà mà mang họa.
- Con nè, để dì kêu xe chở con đi thà thương Tư Dũ nhé ?
- Không, con không sao đâu dì.
- Chớ con đau làm sao dì không biết thuốc men gì hết, dì lo quá. Dì hỏi thiệt con con có uống thuốc cây hay không ?
“Thuốc cây” là danh từ xưa của một loại thuốc trụy thai rất được xử dụng. Bà mập không biết rằng loại thuốc ấy không còn lưu hành trên thị trường nữa từ mấy mươi năm nay rồi.
- Không dì à. Nhan không hiểu rõ lắm nhưng đáp thế vì quả thật nàng không có uống thuốc gì cả.
- Chớ con đau làm sao ?
- Con đau ở dưới đì.
Bà Mập dường như bắt đầu hiểu, bà thở ra nhẹ nhõm và hỏi:
- Có phải mỗi tháng đau một lần hay không con ?
- Dạ, phải.
- Trời, ngỡ gì. Làm dì hết cả hồn vía.
Bà Mập chợt nhận ra đó chỉ là chứg “đau bụng máu” chớ không có gì lạ, chứng bịnh mà theo y học khoa học nguyên nhơn là kinh kỳ khó khăn.
- Như vậy thì dễ lắm, để dì mua thuốc cho con.
Bà Mập nó xong đi ra hiệu thuốc Bắc ở đằng đường Đề Thám. Bà mua hai thứ thuốc, một viên thuốc trị đúng chứng bịnh của Nhan và một viên thuốc tể bổ thường.
Về nhà, dì rót một tách nước đem vào buồng rồi giải thích cho đứa cháu nuôi nghe:
- Dì mua hai thứ, một thứ uống vô thì hết cấp kỳ, một thứ công hiệu rất chậm. Sự chọn lựa của con phải thận trọng, nếu không thì hại tới tánh mạng con liền.
Thứ thuốc công hiệu lạ, nếu con không còn con gái, con uống vô thì một giờ đồng hồ sau con sẽ vật mình vật mẫy rất đau đớn rồi trào máu mà chết, không phương cứu chữa. Vậy con phải liệu lấy, đừng có ham mau khỏi mà nguy.
Hai viên thuốc nằm trên bàn tay dì, viên thuốc tể bổ to bằng hai viên thuốc trị bịnh.
Nhan rên hừ hừ ráng lồm cồm ngồi dậy để chọn thuốc. Nàng hỏi:
- Thuốc nào mau hết đâu dì !
Bà mập chỉ viên thuốc bổ, nhưng hỏi:
- Con biết thế nào là còn “con gái” chớ ?
- Dạ biết.
- Con nghe rõ dì nói về sự nguy hiểm không phương cứu chữa chớ ?
- Dạ nghe.
- Vậy phải thận trọng. Chết ngay chớ không nói quá đâu. Đừng có ham hết đau liền.
- Dạ con biết.
Nhan đưa bàn tay run rẩy ra lượm lấy viên thuốc bổ, bà mập lại gặn đục lóng trong:
- Con liệu lấy, dì lo sợ quá.
- Không sao đâu dì. Con còn con gái.
Nói xong nàng lũm viên thuốc bổ rồi ực một ngụm nước trà nguội.
Bà mập đã biết được chắc chắn một trăm phần trăm điều gì mà bà muốn biết. Thì ra bà đang nắm trong tay một món hàng quí giá mà từ năm giải nghệ đến giờ bà không có dịp buôn bán nữa.
Buôn thứ hàng nầy lời lắm và lời một cách khỏe ru bà rù, lời bằng ba tháng dãi nắng dầm mưa đi bán từng tấm giấy sồ.
Còn một viên thuốc, để chẳng làm gì, và bà cũng muốn Nhan khỏi bịnh, bà nói:
- Nếu như vậy thì con uống viên thuốc thứ nhì nầy được. Uống hai thứ nó mau hết hơn.
Nhan nghe lời và uống món thuốc trị bịnh thật tình.
Mãi cho đến xế, Nhan mới khỏi. Thuốc không công hiệu về phương diện khỏi đau, nhưng nó phá đường kinh và vì thế mà kết quả cũng được như ý muốn.
Kể từ hôm đó, dì Chín cưng Nhan hơn trưởc nhiều lắm. Thỉnh thoảng dì đưa Nhan đi coi cải lương để Nhan có dịp thấy và thèm sự xa hoa, hào nhoáng của phụ nữ ở thành phố.
Dì hay chỉ những cô gái đẹp mà nói:
- Dì tiếc là dì nghèo, không “dọn” cho con được. Con mà có áo quần đẹp, có nữ trang vào mình thì dì dám chắp cả mấy trăm ngàn đứa con gái ở Sàigòn nầy, không đứa nào sánh kịp con hết.
Dì lại hay chỉ những đôi vợ chồng hay đôi tình nhơn son trẻ ngồi xe hơi:
- Nhan sắc của con đáng được hưởng địa vị của cái con ngồi xe hơi Huê kỳ kia, con thấy chớ ? Con đẹp gấp một trăm lần mà cứ đi bộ và bận đồ rách mãi, dì tức lắm.
Thỉnh thoảng, vào những chiều mà Nhan không phải làm lụng nấu nướng gì cho lắm, dì Chín dẫn Nhan đi theo để triển lãm nàng ở những nơi mà dì bắt liên lạc với những khách hàng cũ của dì.
Nhan cũng thích được dắt theo vì đó cũng là một lối đi tìm cha và luôn tiện xem thành phố mà góc nào cũng còn mới lạ đối với nàng cả.
Nhan chỉ biết tìm cha như thế thôi, cả những lúc đi một mình. Nàng đi mua ăn ở rất nhiều chợ: chợ Thi Bình, chợ Bến Thành, chợ Năng Xi, chợ Ông Lãnh, chợ Cầu Muối, cốt để dòm ngó nghe ngóng chớ không biết làm sao hơn để truy cho ra tung tích ông Tám Huỳnh.
Thấy công việc nàng đeo đuổi rất ít hy vọng, Nhan không nản chí, cũng chẳng ân hận đã xuống đây. Nếu ở trên ấy nàng cũng chẳng bước hơn được bước nào, còn chưa rõ đói no là khác. Ở trên ấy, chắc nàng không đủ can đảm đi ở mướn như thế nầy đâu.
Dì Chín gợi thèm cho Nhan khao khát những sung sướng vật chất mà những cô gái đẹp được hưởng, thương xót nàng, tiếc cho thân phận không may của nàng rồi nói:
- Nhưng biết đâu được. Con trai hễ nghèo khổ thì nghèo khổ hoài, nhưng con gái đẹp thì khác. Tụi bây làm quan rất dễ dàng lắm, có đứa sớm mai còn gánh nước mướn, chiều lại đã ở vi la lầu rồi. Tùy cái phước riêng của mỗi đứa.
Đẹp như con thì lên bà không dám cầm chắc trong tay, chớ làm cô thông ký thì dễ ợt, muốn làm bất kỳ giờ phút nào cũng được.
Đó rồi dì mập kể ra một dọc bản danh sách thật dài của những cô Xưân, cô Thu, cô Sương, cô Thúy nào đó, cô làm thầu khoán, cô làm vợ “còm mi”, cô lên bà chủ hiệu kim hoàn, cô làm chủ rạp hát bóng.
Bà mập bước rất từ từ chớ không vội vàng. Ba mươi năm kinh nghiệm của dì dạy cho dì rất sành thuật xem người và biết người. Nhan thuộc vào hạng gái “khó xài”, kiên thủ thành trì đến mức cuối cùng.
Nhưng mức cuối cùng ấy vẫn có và lắm thiếu nữ cùng tác phong với Nhan mà rốt cuộc vẫn mở cửa thành qui thuận nếu dì tấn công đúng chiến pháp.
Quá ba mươi ngày giúp việc bếp núc cho dì mập, hôm ấy dì mập cầm một trăm bạc đưa cho Nhan, mếu máo mà rằng:
- Đưa số tiền nhỏ mọn nầy cho con, dì xấu hổ quá, và thương con đứt ruột. Ai lại xinh đẹp như tiên lại phải chịu cảnh lam lũ nầy. Người như con, phải ở nhà lầu, phải đi xe hơi, hô một tiếng là chẳng những bảy tám đứa tôi tớ dạ răn rắc mà thôi, mà cho đến cả cái người đàn ông biết trọng hoa quí ngọc cũng phải chạy tới quì dưới chơn con.
Con nè ! Hay là để dì gả con lấy chồng ? Dì biết một thầy, khá lắm, lương tháng mười mấy ngàn… Nhưng con đừng lo dì gả bắt rể, con vẫn ở đây với dì hoài. Dì ra giá nó phải cưới con ít lắm là hai chục ngàn, số tiền ấy, dì đưa hết cho con, không thâm lạm đồng xu nhỏ, xu lớn nào hết, cho đỡ cực cái thân con con nhé ?
- Con đội ơn dì lắm, nhưng không thể được dì à !
Nhan thật thà không hiểu vỡ nghĩa của câu “dì gả bắt rể, con ở đây với dì hoài... hai chục ngàn dì đưa hết cho con” nên thật tình nàng cám ơn bà già nầy lắm.
- Sao vậy con ?
- Vì con đã thề nặng là không lấy chồng.
Dì mập phá lên cười. Cả má, cả ngực, cả bụng dì đều rung rinh mà cho đến sàn nhà cũng rung rinh nữa. Dì hiểu rằng cô bé nầy đã thất vọng vì mối tình đầu trong sạch và nguyện ở vậy trọn đời, cái lối ngưyện của con nít, đứa nào thề xong cũng tin chắc rằng mình giữ được lời thề, nhưng lụi hụi rồi đứa nào cũng yêu thằng khác cả, có đứa sầu tình không quá ba tháng.
Cười xong, dì đi ngồi lê đôi mách, bụng quyết định lắm với con bé này, dì phải dùng thủ đoạn mới được chớ không thể ngon ngọt với nó.
*
* *
Ra khỏi “ba”, Công đã ngà ngà say. Nhưng chàng không muốn về. Đêm nay xui xẻo quá, đi chơi không gặp đứa nào hết, say một mình thật không thú vị gì cả.
Từ ngày được thuyên chuyển về Sài gòn, người thanh niên gương mẫu nầy đổi đời ra mà hư thân mất nết cho đến lắm lúc hồi tỉnh lại trong những giờ sáng suốt ngắn ngủi, chàng phải đâm hoảng cho tương lai chàng, đâm ngượng với lương tâm mình, đâm nhờm chính bản thân mình.
Ảnh hưởng của một đô thị lớn, rất nhỏ trong sự thay đổi nếp sống của chàng. Khi con người ta vững tinh thần thì không gì lung lạc được.
Nhưng Công không còn vững tinh thần nữa. Cuộc đời của chàng, chàng thấy nó vô vị, trống không.
Chàng tìm lãng quên trong trác táng và không đêm nào chàng về nhà trước hai giờ khuya.
Người thanh niên mất hướng nầy đứng ngơ ngác và phân vân một hơi trước quán rượu, đoạn gọi tắc xi để đi đến một quán giản khát có ca nhạc mong tìm bạn cho qua hết nửa đêm nay như vào những đêm khác.
Và quả nơi đó chàng gặp bạn thật, hai thằng bạn trời ơi của chàng, chúng nó ở giới khác, giới thương mại, nhưng quen thân với chàng nhờ cả ba đều là dân trác táng.
Công ngạc nhiên hết sức mà thấy tước mặt hai đứa, hai chai Co ca Co la. Chàng nhừa nhựa hỏi:
- Đêm nay tụi bây tu cái gì ?
- Cần dưỡng trí, dưỡng sự sáng suốt để lát nữa lên cảnh tiên.
- Vậy à ? Nhưng tao không sáng suốt trí não mà cũng đã lên tiên rồi, lên tiên chính trong cảnh ngây ngất của tao đây.
Nói xong chàng gọi ly coan trô để lên cao thêm trên non tiên riêng của chàng.
Cái gã trả lời với Công rằng sở dĩ hắn không uống rượu đêm nay để được sáng suốt tâm trí hầu lên tiên, gã ấy tên là Được.
Được hất hàm lên bục nhạc hỏi Công:
- Tao đố mầy nàng vừa ca xong và nàng mới ra nầy, nàng nào hấp dẫn hơn ?
- Nàng nào à ? Tao thì tao thấy ai như nấy.
- Vậy à, sao mà kỳ lạ thế ? Họa chăng là mầy say, thấy một hóa hai.
- Một hóa mười hay hóa trăm cũng thế thôi. Tao nhìn thấy tất cả phụ nữ dưới trần nầy không chỉ thấy có một người, chỉ thấy có một gương mặt…
- … Của người lý tưởng của mầy ?
- Ừ !
- Như vậy mầy đến đây mà làm quái gì ? Sao không đi theo nàng của mầy có hơn không.
- Nàng của tao ấy à ? Nàng của tao đã đi mất rồi.
- Và mầy sầu tình ?
- Ừ !
- Đồ ngốc.
- Có lẽ, nhưng tao không biết làm sao hơn được.
- Nàng nầy đi thì tìm nàng khác chớ ai lại có hiếu mãi với một nàng như mầy.
- Tao có thể tìm nàng khác, nhưng không quên được nàng ấy thì biết làm sao.
- Tại mầy chưa gặp người vừa mắt đó thôi. Mầy ở đây và đừng có uống nhiều quá, để tỉnh trí rồi lát nữa theo tao…
- Lên tiên à ?
- Ừ.
- Tao nhờm những cảnh tiên ô trọc của mầy lắm !
- Không phải như mọi lần đâu. Làn nầy tao đi thăm một bà mần ăn mà.
- Mần ăn mà có nuôi tiên ?
- Không, cháu ruột của bả. Bả gả cho tao. Có hẹn đêm nay cho rước dâu.
Công cười khà:
- Mầy có mở phòng nhì sao mà rước dâu ?
- Nói cho đúng ra là bả bắt rể.
- Mầy cưới nàng bằng một trăm con trâu hả ?
Được và bạn của hắn không hiểu vụ một trăm con trâu nên phá lên cười. Hắn nói:
- Nó say quá rồi !
- Tao đâu có say.
- Không say sao đem trâu vô quán nầy mà làm gì ?
- À, tao nhớ lại một vụ cưới vợ bằng trâu, nạp lễ cưới và rước dâu giữa đêm tối.
- Thằng nầy say quá sức say rồi đây.
- Say sao lại biết liên lạc hai trường hợp, trường hợp tao thấy và trường hợp mầy khoe.
- Mầy thấy thật à ? Thấy ở đâu ?
- Xa lắm.
- Nhưng nếu quả có, cũng khác chuyện của tao. Chuyện của mầy là rước dâu, chuyện của tao là bắt rể.
- Cô dâu trong truyện của tao bị rước về địa phủ.
- Trời, sao ghê thế ?
- Nàng sa chân vào Trảng Sụp.
- Còn cô dâu của tao thì không chết, mặc dầu cũng sa chân vào Trảng Sụp.
- Ở Sài gòn nầy mà có Trảng Sụp à ?
- Sao lại không, không có mà rất nhiều cô đã sụp xuống bùn.
- Lạ quá !
- Không có gì là lạ hết.
- Tao cưới nó để làm chồng nó trong hai tuần thôi. Thế là đi đời nó rồi.
- Mầy tàn nhẫn quá sức.
- Kể ra cũng chẳng thua thiệt gì. Tao không có một trăm con trâu, nhưng cũng phải tốn đến băm lăm ngàn. Nó đẹp kinh hồn.
Công đã say thật sự. Tửu lực của chàng rất kém nên mới uống có mấy ly đằng kia và một ly ở đây, chàng đã chìm trong cảnh không phân biệt trời đất nữa.
Một thiếu nữ mà Được gọi từ lâu nhưng bận chạy bàn từ nãy giờ, bây giờ mới xề lại ngồi với họ.
Công cầm tay cô ả và hỏi:
- Trảng Sụp có sâu lắm hay không em ?
Cô gái cười khanh khách và nhìn hai người tỉnh và hỏi:
- Sao mới có một ly mà anh nầy lại...
- Ấy, nó sầu tình chớ không phải say đâu.
Bỗng đèn màu tắt phụt xuống và đèn trắng bừng sáng lên. Cô gái hoảng hốt giựt tay lại nói:
- Ông cò vô ! Say nhiều hay say ít, anh cũng rán mà đứng đắn, kẻo nguy cho tụi nầy.
Công nhựa nhựa hỏi:
- Ông cò vô à ? Vô để bắt thằng Thạch Pôul hả ! Anh đã bắn nó chết rồi. Còn em thì anh cứu em ra khỏi chốn nầy, sợ gì, anh bồ với ông cò mà.
Cả bọn cười ngã nghiêng mặc dầu đèn trắng cháy lên là ám hiệu có cảnh sát hay kiểm tục vào đây hay ít lắm cũng đang đi qua trước cửa quán, khiến cô gái bối rối cố lập nghiêm nhưng không được trước những lời nói điên của người khách say.
Được xem lại đồng hồ tay rồi hoảng hốt nói:
- Á chết, đã tới giờ hẹn rồi !
Trong khi hắn trả tiền thì đèn trắng lại tắt và đèn màu lại soi mờ phòng ca nhạc như trước.
Công lại cầm tay cô gái và nói:
- Mong ba gom tiền bán trâu rồi giải nghệ.
Cô gái nghẻo đầu mà cười, nhưng Được đã nắm tay Công kéo lên và nói:
- Đi mầy !
- Đi đâu ?
- Đi Trảng Sụp.
- A… ha... ừ, đi Trảng Sụp vào lúc nửa đêm. Nửa đêm...Trảng Sụp... ha... ha… ha...
Người say để bạn lôi đi, không còn biết phải trái gì nữa cả.
- Ha… ha… ha... nửa đêm... Trảng Sụp... !
Công la hét và cười đùa trên xe của Được mãi cho đến khi xe đỗ trước xóm Láp Bê, Được bịt mồm chàng, chàng mới nín.
- Nè ! Im nghe không, làm ồn thì chết.
- Sao lại chết ?
- Lính bắt chớ sao.
Công yếu đuối tinh thần, không suy luận được, nghe nói “lính bắt” cũng hoảng lên câm mồm lại.
Thằng bạn kia đã chia tay với họ trước quán ca nhạc, nên Được dìu bạn một mình, tiến vào ngõ hẻm ván của bà Mập.
Xóm lao động ngủ yên, ngõ tối hù, Được phải đánh diêm lên mấy lần để soi nẻo.
Tới trước nhà bà Mập, hắn dừng lại, ngắm nghía rất lâu cho chắc ý rồi gõ cửa. Cửa mở lên, bà Mập hỏi:
- Sao lại hai người ?
- Bạn của tôi. Không sao đâu, nó ngồi ngoài.
Họ vào nhà. Được thấy đèn dầu phàn nàn:
- Sao dì nói có đèn điện ?
- Có nhưng vách ván, không nên để hai bên thấy. Vả ông xem mặt nó mấy lần rồi kia mà.
- Thôi được. Đưa tôi vào trong.
Được vừa nhận Công ngồi lên ván của chủ nhà, vừa đòi hỏi như vậy.
- Nhưng tiền ?
- À quên. Đây đủ băm lăm ngàn. Sở dĩ tôi đem bạn theo là tại dì đòi tiền trước. Nếu không y nước nhứt như lời dì khoe, tôi hô lên một tràng thì thằng nầy sẽ chận họng dì mà lấy tiền lại dì biết chưa ?
- Bảo đảm mà ! Khéo lo xa thì thôi.
Bà Mập đưa Được vào buồng trong, cũng thắp đèn dầu như buồng ngoài. Chõng tre không buông màng Nhan đang mở mắt trao tráo.
Anh chàng trác táng nhìn lại thì đúng là cô gái mà hắn đã coi mắt. Nhưng sao nàng mở mắt mà mặt như khờ và thần sắc khác hẳn người thường.
Hắn mỉm cười gọi nhỏ: “Sen !”.
Nhan không cựa quậy, chỉ mở tròn xoe đôi mắt kinh sợ cực độ mà nhìn người đàn ông lạ mặt nầy.
- Sao kỳ lạ vậy ? Được hỏi.
- Thuốc đặc biệt. Để nó tỉnh, nó sẽ không chịu đâu. Còn cho nó uống thuốc ngủ, ông mất thích thú, ông lại không bằng lòng.
Được muốn kiếm chuyện, nhưng nghĩ sao không biết, nói:
- Thôi cũng được.
Đoạn hắn gọi nho nhỏ:
- Công ơi vô đây tao chỉ cái nầy.
Công đi ngã xiêu ngã tó, bước vào buồng và nghe bạn hỏi:
- Có xứng đáng là tiên hay không ?
- Để xem nào !
Người say cố nhướng mắt lên nhìn. Kẻ bị đánh thuốc nửa mê nửa tỉnh cứng miệng không kêu được nhưng cầu cứu to lên bằng đôi mắt của nàng.
Anh chàng say nhướng mắt mà nhìn ! Anh ta nhìn, nhìn sửng sốt, rồi ngỡ mình chiêm bao, anh ta đưa tay lên giụi mắt.
Không, anh không chiêm bao, và cô gái nằm trên chõng là Nhan, là kẻ mà anh ngỡ là chết rồi vào lúc nửa đêm nơi Trảng Sụp.
Nửa đêm... Trảng Sụp ! Trời ơi, đây mới thật là Trảng Sụp, Trảng Sụp nằm giữa lòng đô thị và sa chơn vào Trảng nầy thì bùn nhơ không những chôn chặt thân thể nàng mà làm hoen ố cả linh hồn nàng, nó phải còn được trong trắng nơi lòng người.
Công giậm chân lên sàn gỗ một cái rầm khiến nhà cửa rung rinh cả, rồi hét:
- Nhan, sao em tệ thế ! Anh thật không dè !
Mụ Mập kinh sợ đến cực độ và nói:
- Trời ơi, bạn ông làm rùm cả xóm rồi, chết thôi.
- Công, đừng làm điên. Đi ra ngoài nằm một chút là hết say.
Uất hận đầy hông, Công bước tới, điểm mặt Nhan mà nói:
- Thì ra em là một thứ….
Liền khi đó, cơn say của chàng bỗng bay mất. Chàng tỉnh hẳn và tế nhận được tình trạng kỳ lạ nơi Nhan, qua đôi mắt đứng tròng của nàng, chàng bỗng chợt hiểu tất cả .
Thộp ngực mụ Mập, chàng quát:
- Con mẹ nầy, phải cho mầy ở tù mới được. Em của tao mầy biết không?
Mụ Mập mặt không còn một chút máu, lập cập van lơn:
- Tôi lạy ông, tôi lỡ dại, xin ông tha cho tôi.
Day qua nhìn bạn đang đứng chết sững, Công lại hét:
- Còn thằng mắc dịch nầy nữa ! Lái xe đưa tao về nhà không thì chết bây giờ.
Nói xong, Công đỡ xốc cái xác dịu nhỉu lên vai. Hai dòng nước mắt của Nhan từ từ chảy xuống má nàng. Vác cô gái, anh chàng chạy nhanh như chạy đua. Được ríu ríu chạy theo bạn và mở cửa sau xe cho Công đặt Nhan lên.
- Tao nghĩ lại thì nên ghé bịnh viện Đô Thành trước. Tao không biết em tao đã bị đánh thuốc gì.
Xe rồ máy chạy như bay.
- HẾT -
NXB Nam Cường, 1963
Chú thích:
[1] Thuốc hay lắm, ba bữa thì khỏi liền..