Phần IV
Tác giả: Bình Nguyên Lộc
Giữa trận mưa đạn cuối cùng khi đêm, một tiếng gọi nho nhỏ:
- Chú Tám ! Chú ở đâu ?
Tám Huỳnh rên hừ hừ, vừa rên vừa hỏi:
- Ai đó ?
- Thạch Poul đây chú Tám à !
- À, Poul, cám ơn lắm. Nhưng sao lại biết tôi lâm nạn ?
- Sẽ giải rõ về sau. Chú bị thương có nặng lắm không ?
- Ở vai. Đau lắm.
- Ta nên đi ngay, rồi sẽ hay.
Bấy giờ Thạch Poul đã mò kiếm được tám Huỳnh trong khi quân của hắn bắn. Hắn quì xuống rút khăn mu xoa ra để băng vết thuơng của Tám Huỳnh cho máu bớt chảy và hỏi:
- Chú đi được không ?
- Tôi mệt lắm, chắc vì máu ra nhiều.
- Được, để tôi cõng chú.
Nói rồi hắn ra lịnh cho sáu tay súng tiếp tục bắn che chở cả bọn, còn bao nhiêu người thì tìm các tên bị thương mang đi và mang hết cả hàng hóa theo.
Nằm sấp trên lưng của Thạch Poul, Tám Huỳnh không mừng rỡ được cứu thoát, chính vì chân tướng của ân nhân của chú.
Thạch Poul là một người Cao Miên lai Triều Châu, mẹ Thổ cha Khách, nhưng lớn lên lấy họ mẹ.
Y sanh đẻ tại làng Phú-Tâm, quận Đại Ngãi, tỉnh Vĩnh-Bình. Năm y hai mươi tuổi, tức cách đây mười năm, y xin vào làm bạc-ti-dăng cho đoàn quân viễn chinh của Pháp chớ không theo nghiệp làm rẫy của người cha Triều Châu vừa chết, vì rất lười lại thích tiêu pha, ăn nhậu.
Làm bạc-ti-dăng đã thỏa được tánh hung tợn khát máu của y, lại cho y nhiều dịp cướp giựt của dân lành đế có tiền xài phí.
Hai năm sau đó, quân đội Pháp triệt thối toàn diện và giải ngũ tại chỗ tất cả lực lượng bổ túc của họ, vì thế mà Thạch Poul được trả tự do trong tỉnh Tây-Ninh là nơi y phục vụ.
Thay vì về xứ, y ăn cắp súng ống và lựu đạn để đi ăn cướp. Ban đầu y đánh cướp quanh các quận, các làng trù mật trong tỉnh, nhưng mấy tháng sau, khi trật tự được vãn hồi một cách hoàn toàn, y rút vào rừng làm cướp biên giới. Trên bước đường rày đây mai đó chốn biên thùy, hai người đã có địp gặp nhau vài lần.
Bọn nầy, tuy là hoạt động khác nhau, vẫn xem nhau là bồ bịch, thường có sự hỗ tương giữa họ. Tuy nhiên đây là lần đầu mà hai bọn nầy có dịp giúp nhau và chịu ơn nhau.
Khi trời sáng hẳn thì họ đã được gần hai cây số rừng dày che chở.
Tám Huỳnh kiểm điểm lại người và vật thì mới hay đoàn của chú hao hết ba mạng tử thương và hai mạng bị thương nặng, chưa kể chú.
Thạch Poul hô lính dừng chơn rồi bàn với Tám Huỳnh:
- Nên chôn mấy người xấu số cho đỡ gánh nặng, phải không chú Tám ?
Tám Huỳnh rưng rưng nước mắt và nói:
- Chớ biết sao bây giờ. Nhưng xin em ra lịnh cho tụi nó làm dấu cho rõ ràng để ngày sau anh dễ tìm kiếm.
- Cố nhiên.
Bấy giờ máu vai của Tám Huỳnh đã thôi chảy, hai tên bị thương kia cũng không ra máu nữa, mặc dầu họ chỉ được săn sóc một cách thô sơ thôi. Đó là may mắn thường gặp của bọn giang hồ mã thượng.
Tuy nhiên một tên Cao Miên đề nghị vào rừng hái lá để dát vết thương cho họ. Hắn khoe:
- Thuộc hay lặm ! Ba bựa thì khọi liên. [1]
Bấy giờ Tám Huỳnh mới đủ thì giờ nhìn kỹ lại kẻ mà mấy năm chú mới gặp một lần, mặc dầu tiếng tăm hắn đã lừng lẫy trong chốn Lương Sơn Bạc nầy.
Thạch Poul cao lớn dềnh dàng, nước da đen và nét mặt giống người Miên hơn là người Trung Hoa với vẻ hung tợn man rợ của giống người bán khai chỉ mới văn minh chừng bốn năm trăm năm nay đây thôi.
Hắn thọc hai tay vào túi quần, đứng nhìn đống hàng hóa bằng đôi mắt thèm thuồng. Tám Huỳnh đã lo lắng từ lúc được cứu nguy, mặc dầu chú chỉ mới thấy đôi mắt nầy thôi.
Đành rằng Thạch Poul giải vây cho chú vì cái nghĩa hổ tương của bọn cường san - vâng giữa bọn nầy với nhau vẫn có một thứ luân lý, đạo đức riêng của chúng - nhưng khi thấy lợi, không thể hắn không động lòng tham.
Nếu hắn đòi trả công thì rắc rối quá !
Bọn cướp đông non ba mươi tên mà hết hai mươi tên là người Miên. Tám Huỳnh cũng biết tiếng Miên rất rành và nghe giọng chú rõ rằng chúng là người Miên ở bên kia biên giới, giọng nói khác người Miên thổ sanh trên đất nước Việt.
Bọn nầy đã thạo nghề ăn cướp lục lâm lắm rồi, nên chi Thạch Poul không có ra lịnh gì hết mà chỉ có sáu tên lo đào huyệt mà bằng đại đao, còn bao nhiêu chia ra mà giàn thành thế thủ đề phòng chống trả một cuộc tấn công bất thần của những đoàn quân tuần tiểu biên giới.
Thạch Poul nhìn hàng hóa một hơi rồi bước tới gần Tám Huỳnh đang được đặt nằm trên lá ú, quì xuống và hỏi:
- Đã đỡ chưa ?
- Đỡ nhưng khát nước muốn chết.
- Tại ra máu nhiều.
- Sao em lại biết anh lâm nạn mà cứu ?
- Tôi biết tin chú nhận hàng tải về Trà Võ.
- Thạo tin lắm. Tám Huỳnh khen.
Thạch Poul cười hề hề:
- Vì nghề nghiệp mà. Ở đây, một con thỏ chết tôi cũng phải biết.
- Cám ơn em lắm, không biết đến bao giờ anh mới trả được đại ân nầy.
Tám Huỳnh gọi hắn bằng em ngọt xớt, và chỉ dám xưng anh với hắn thôi. Chú ta nói thế để ngầm tỏ rằng: “Mầy nên biết bao sẽ đáp ơn bằng cách khác, chớ mầy không được rớ tới hàng hóa nầy đâu nhé. Mầy mà gây sự với bọn buôn lậu - ừ, sau lưng tao, còn nhiều người nữa - thì sẽ khổ cho mầy bằng 10 cái nạn bị quan quần trụy nã”.
- Gì trong nầy ? Thạch Poul hỏi.
- Á phiện với lại thuốc nhuộm Đức quốc. Ban đầu họ nói có thuốc trụ sinh nhưng đến phút chót thì không có.
- Uổng quá, nếu có, tôi xin vài ống phòng hờ những lúc tôi và binh sĩ tôi bị vết thương làm độc.
Tám Huỳnh bây giờ mới thật an lòng. Thạch Poul dùng tiềng “xin” nghĩa là hắn không có, hay đã bỏ ý định đòi chia phần.
Bấy giờ tên đàn Thổ đi hái thuốc đã về đến nơi. Hắn đã nhai nát cả mớ lá cây hái được nên không còn biết đó là lá gì. Thạch Poul- nói:
- Tôi đã xem kỹ, không còn đạn trong vai chú. Ở tay chơn hai người kia cũng thế. Thuốc nầy dát thì ngăn được sự làm độc và chắc chắn là chận được ngay sự lưu huyết.
Thạch Poul để cho tên Thổ dát thuốc cho ba người bị thương, còn hắn thì đổ rượu cho họ lần thứ ba.
Giữa rừng sâu, bọn cướp nầy chỉ giải khát bằng rượu đế mà chúng đựng trong thững bình nước bằng nhôm mà quân đội Pháp đã bỏ lại. Mỗi đứa đeo tới ba bốn bình trên mình và chúng uống rượu như hủ chìm.
Từ lúc Tám Huỳnh kêu khát đến giờ, Thạch Poul đã đổ cho họ hai lần rượu mạnh rồi,
Vết thương của bọn buôn lậu được bó rịt bằng giẻ rách lấy trong đồ tế nhuyển của đám cướp rừng. Hai người kia bị thương xoàng ở bắp tay, bắp chơn nên ngồi dậy được, duy chỉ có Tám Huỳnh thì cứ năm đó mà rên.
Bây giờ mấy lỗ huyệt đã đào xong, không sâu bằng huyệt mả thường, nhưng đủ che chở cho thú rừng không đào bới được xác người.
Lễ hạ huyệt rất đơn giản nhưng cũng rất long trọng vì chú Tám đã cố ngồi dậy, lết lại đó để ném xuống mấy lỗ huyệt vài hòn đất.
Chú khóc ra những giọt lệ chân thành vì mấy kẻ xấu số là chiến hữu lâu năm của chú, họ đã từng chia ngọt xẻ bùi với nhau.
Chú van vái thầm với linh hồn họ rằng sẽ đưa vợ con họ tới đó và nếu được sẽ cải táng họ về sinh quán hay trú quán của họ.
Thạch Poul sai người của hắn hạ mấy cây thật to cho chận lên mấy nấm mộ để làm dấu và để ngăn thú đào bới.
Xong đâu đấy, họ lại lên đường. Bấy giờ khỏi mang ba xác chết, người của Thạch Poul đỡ lấy công việc của chúa tướng họ và một đứa trong bọn cõng Tám Huỳnh.
Thấy Thạch Poul đi theo sát bên mình, Tám Huỳnh hỏi:
- Ta đi đâu đây, em ?
- Vượt biên giới trở qua bên kia.
- Để làm gì mới được ?
- Chú không có nhờ tôi tải hàng giùm chú cho đến nơi mà hàng cần đến, thì không lẽ bỏ hàng giữa rừng. Còn thân chú nữa ! Chỉ có ở bên kia biên giới là việc kiểm soát lôi thôi, hàng sẽ có chỗ cất an toàn mà chú dưỡng bịnh cũng không sợ quấy rầy. Hay là chú có ý gì hay hơn, chú cứ đề nghị, tôi sẽ giúp y theo ước muốn của chú.
- Không, anh không có ý kiến gì cả và em sắp đặt tài lắm.
- Nhưng vào lãnh thổ nước em có xa hay không ? Anh ngại lắm.
- Không phải nước của tôi. Tôi không có nước nữa. Tôi sống ngoài vòng pháp luật của bất kỳ quốc gia nào. Không, chỉ vượt biên giới độ vài trăm thước là đủ. Biên giới sẽ che chở chú khỏi bị bên Việt-Nam truy nã, còn sự kém tổ chức bên kia sẽ để chú yên thân.
- Tốt lắm.
- Tôi sẽ gởi chú ở một xóm bạn của tôi, rồi chú làm sao đó thì làm, tôi không có thì giờ ở lại với chú để giúp đỡ thêm.
- Bấy nhiêu đây là nhiều lắm rồi, anh cám ơn em lắm đó.
Họ đi độ ba tiếng đồng hồ trong rừng, không có chuyện gì xảy ra cả. Họ vượt biên giới hồi nào Tám Huỳnh không hay, chừng Thạch Poul cho biết rằng sắp đến xóm bạn, chú Tám mới rõ đây là đâu.
Không phải ở nơi nào dọc theo biên giới giữa hai lãnh thổ cũng có sông núi hay trụ, cột để làm ranh cả đâu. Những vùng rừng núi thường chỉ để vậy, có cuộc tranh chấp xảy ra thì đôi bên sẽ chờ các nhà bác học, các nhà toán học xác nhận. Căn cứ vào những lối tính toán gì đó mà người thường không thể biết được.
Mà thiên Nhiên ở hai bên biên giới lại giống hệt nhau vì cùng một dãy đất, một khí hậu, cho đến người, mặc dầu khác giống nòi, khác phong tục vẫn gần gũi như và sống theo một nếp sống gần giống nhau.
Tám Huỳnh không nghe gì khác lạ cả lúc vượt biên giới trong sự bất giác. Giờ hay biết đã qua tới bên nây rồi, chú vẫn không nghe gì và không tin được rằng cái vô hình, cái vô sắc vô hương ấy lại có thể che chở chú.
Mãi cho đến lúc nếp tha la đầu tiên lố dạng, chú mới tương đối an lòng.
Nếp nhà sàn đầu xóm ấy nát như bất kỳ chòi tranh nghèo khó nào của ta. Chủ nhà là một người Miên già, râu tóc bạc phơ, nhìn họ tiến đến trong vẻ dửng dưng của lão ta như là lão đã từng nhìn thấy cảnh nầy rất nhiều lần rồi.
Họ không ghé, cũng chẳng ai hỏi gì, nói gì cả và cả đoàn tiến vào xóm ẩn sau một rặng cây sao đương mùa thay lá.
Xóm đông được sáu tha la. Chung quanh đó là rừng dày, không có dấu hiệu nào chỉ dân trong xóm là nông dân nhưng xóm lại nuôi nhiều trâu bò.
Có lẽ đây là một xóm “hàng đẹn”. Danh từ “hàng đẹn” là danh từ riêng của các tỉnh Đông và miền Nam có nghĩa là trâu bò trộm cướp.
Ngôi tha la giữa xóm rộng lớn hơn cả và có vè khá giả hơn cả. Họ đi đến đó và chủ nhà tuột thang xuống, chạy tới nghinh tiếp Thạch Poul rất cung kính.
Tám Huỳnh cũng biết chút ít tiếng Miên nên nghe được những đìều sau đây:
- Tôi gởi ba người khách và một mớ hàng hóa trong nhiều ngày. Họ bịnh và cần dưỡng sức.
- Xin vui lòng.
- Chừng nào họ muốn đi tùy ý họ. Họ có nhờ giúp đỡ gì thì giúp, nhưng được phép đòi tiền công.
- Dạ.
- Liệu không nguy hiểm chớ ?
- Quan quân chưa hề tới đây bao giờ cả.
- Nếu họ tới thì làm sao ?
- Tùy. Tùy hàng hóa là thứ gì.
- Đồ lậu.
- Có súng ống chớ ?
- Không.
- Thì cũng chẳng sao. Nhưng tốt hơn nên để ngoài rừng.
- Sợ mất.
- Bảo đảm điều đó.
- Sắp tới mùa mưa.
- Sẽ che chòi.
- Được. Cứ làm, rồi tính tiền công.
Họ khiêng chú Tám lên nhà sàn và Thạch Poul lên theo với chú. Hắn không nói gì cả, chỉ ngồi đó một lúc rồi hỏi:
- Chú đã nghe được những gì tôi nói với họ ?
- Nghe.
- Vậy có gì không bằng lòng ?
- Không có gì cả.
- Thôi tạm biệt.
Họ bắt tay nhau, không ai quyến luyến ai nhiều, nhưng riêng Tám Huỳnh thì hơi cảm động sau hành động đẹp của Thạch Poul.
Tên tưởng cưởp nầy đã biết cái đẹp riêng của giới giang hồ mã thượng, cứu người đồng cảnh lâm nguy mà không đòi hỏi gì cả.
- Ta sẽ gặp nhau trên đường đời. Tám Huỳnh nói.
Hắn tuột thang để xuống đất và thấy mấy tên bộ hạ của Tám Huỳnh cũng đang giã từ bộ hạ của hắn.
Bấy giờ nằm đó, Tám Huỳnh cố lắng nghe trong bước đi của đám cướp, mới chợt nhớ rằng đây là mùa ve.
Tiếng ve kêu rân trong cây cối quanh đây ngăn chú Tám nghe được tiếng bạn đường rời xóm.
Ve Cao-Miên vẫn kêu y hệt như ve nước nhà, khiến chú Tám cảm giác rằng chú đang nằm giữa xứ sở.
Khi bốn tên bộ hạ sống sót của chú lên thăm chú, chú mới nhớ lại thực trạng của đoàn chú.
- Đỡ chưa chú Tám ?
- Đỡ đau, nhưng không biết có nhiễm độc hay không.
- Bây giờ ta tính sao ?
- Tìm tổ chức để báo cáo rất khó và rất tốn thì giờ. Hàng không mất thì ta sẽ đưa hàng đi đến nơi, làm như không việc gì xảy ra cả, chỉ có thế thôi.
- Nhưng trễ hẹn.
- Trường hợp bất khả kháng biết sao bây giờ ?
Bấy giờ chủ nhà dọn cơm lên, một bữa ăn sang trọng đối với họ, với món ăn chánh là món mắm bò hóc.
Cả bọn buôn lậu ai cũng có sang qua tại xứ Cao-Miên một thời gian, nhưng không ai ăn được món quốc túy ấy của họ cả.
Chú Tám xin muối và me, món ăn thường bữa của dân tộc nầy.
Họ uống rượu hơi nhiều, vì rượu để dồi dào trong bữa ăn nầy, vì họ cần say để quên.
Tám Huỳnh căn dặn:
- Các em ăn uống xong thì nên nằm ngủ, kẻo say sưa, sanh chuyện lôi thôi với họ mà khó cho mình.
- Chừng nào ta lại lên đường, chú Tám ?
- Phải mua bò và tuyển thêm người. Tiền công mà tổ chức trả cho ta, tôi chừa chút đỉnh cho các em, còn bao nhiêu sắm bò hết.
Chuyến nầy các em sẽ không khá, mà riêng tôi lại lỗ vốn nữa.
Nhưng để mai mốt hẵng hay. Mọi việc đều tùy vết thương của tôi.
Đêm ấy Tám Hưỳnh nhức nhối không nhắm mắt được. Qua nửa đêm chú nghe ớn lạnh rồi sốt rét lên.
Chú không nóng nhiều lắm, nhưng biết rằng sẽ sốt dữ trong những ngày sau đó. Đã có kinh nghiệm bản thân, chú Tám biết sự làm độc của các vết thương nặng ra thế nào rồi.
Vấn đề về vùng văn minh để vào một nhà thương xin điều trị đã được xem xét trước hết và bị loại trước hết.
Các nhà thương Việt-Nam, công lẫn tư, sẽ báo động cho cảnh sát hay để điều tra căn nguyên của vết thương chú. Chú lại không có thông hành để dám đi xuống các tỉnh Cao-Miên.
Sự nhiễm độc càng ngày sẽ càng tiến triển và chú sẽ chết sau một thời gian ngắn chịu đựng rất nhiều đau đớn.
Trong những giờ trằn trọc, chú Tám nghĩ đến gia đình. Con chú sắp trưởng thành, nhưng nó là gái, một hạng gái mà chú đã dưỡng dục trong gần như cảnh nhung lụa thì khó lòng mà nó biết tháo vát để sống còn.
Chú Tám thương xót con quá, nên trong vài giây chú đã khóc. Những tên đầu trộm đuôi cướp vẫn có nhưng phút yếu hèn và vẫn giàu lòng thương người thân yêu của chúng.
Bỗng một tia sáng lóe ra nơi trí tay buôn lậu nầy: “Quả ta già rồi nên lú lẫn, chú lẩm bẩm. Trước, mình đã là tay trùm buôn lậu, chớ có phải đâu là sống khiêm tốn với địa vị tải hàng nầy. Mình đã có lần nghĩ đến việc huấn luyện con Nhan vì thấy nghề làm giàu mau một cách khỏe ru. Phải, con Nhan bị giáo dục lầm cho mềm yếu ra, chớ nó vẫn có điều kiện sống một đời dọc ngang oanh liệt.
“Không còn vấn để huấn luyện cho nó theo mình được nữa rồi, vì giáo dục đã lương thiện hóa nó. Nhưng có thể tạm nhờ nó lúc nguy khốn nầy”.
Chú Tám đã hết thối chí. Chú chóng chỏi được một cách dễ dàng với những cơn đau, với sự sốt rét vì nhiễm độc nó đang hành hạ chú và chú trông cho mau sáng để…
*
* *
Đoàn Quan Thuế về tới tỉnh lỵ Tây Ninh hồi mười một giờ sáng. Xe ghé qua nhà thương hàng tỉnh để gởi mấy nhân viên bị thương rồi về sở để giải tán.
Mặc dầu cả thành phố không ai hay biết gì hết, Công cũng xấu hổ như kẻ đi săn về tay không.
Các tay săn không mát tay, còn có thể dọc đường mua một con thỏ đánh bẫy, bắn vào đầu nó một phát đạn để về chợ làm màu với làng nước. Chàng, chàng chỉ biết khoe mấy nhơn viên bị chết hụt.
Khi xe vào ty thì đã hết giờ làm việc, nhơn viên đã đóng cửa về nhà họ cả rồi.
Công mừng thầm mà không gặp mặt cô Thúy. Cô ấy sẽ mỉm cười mỉa mai để chế nhạo ngầm chàng: “Tôi biết mà, ông chỉ có tài bắt nhơn viên ông làm bia đỡ đạn. Tôi đã ngây thơ tìm cách ngăn cản một người ít can đảm, kém khả năng như ông. Ông có dám chết đâu mà phải sợ hão vô ích”.
Vâng, chàng thích chết trận hơn là thua trận với nỗi khổ của nhơn viên chàng. Cũng may là không ai bị theo ông theo bà cả, cũng chẳng thấy ai gãy gìò gãy tay gì.
Vào buổi làm việc chiều, Công gọi Thúy vào buồng giấy của chàng với một chiếc máy đánh chữ.
Chàng cần nhờ người nữ thư ký nầy đánh ngay bổn báo cáo mật về cuộc đi bắt hàng lậu hụt đêm rồi, trong đó chàng sẽ tường trình tỉ mỉ mọi việc, đánh thành nhiều bổn, một bổn gởi về trung ương, một bổn gởi bên tỉnh đường và hai bổn chuyển qua quân đội và Bảo an để bên ấy nghiên cứu nghi vấn về cuộc can thiệp bất ngờ nó có thể do quân phiến loạn, hoặc biết đâu, do đám quân nhân vô kỷ luật của một quốc gia lân cận nào đó.
Vừa thấy mặt chàng, Thúy đã reo lên:
- Chào ông Trưởng ty và xin mừng ông về tới nơi được bình an vô sự.
Công nhột nhạt hỏi:
- Cô có mỉa mai hay không chớ ?
Thúy chưng hửng, trố mắt nhìn chàng một hồi rồi nói:
- Em đâu dám hỗn như vậy. Vả lại có gì mà mỉa mai.
- Tôi đã không làm tròn bổn phận.
- Em biết đâu được là ông có làm tròn nhiệm vụ hay không. Nhưng thắng bại là sự thường. Ông đã dám mạo hiểm để đi làm phận sự, đó mới là điều đáng kể.
- Cám ơn cô.
Công nghe rằng Thúy đã thành thật mà mừng chàng thoát nạn.
Nhưng Công không có máu háo sắc. Thiếu nữ xinh đẹp, dịu dàng đang ngồi trước mặt chàng trong cảnh thân mật chung phòng kín đáo, mà chàng được biết phần nào tình cảm đối với chàng, thiếu nữ nầy quả có giúp chàng tạm yêu đời trong chốc lát thật đó, nhưng không hề gợi thèm muốn nơi chàng.
Còn yêu thì… Rất có thể chàng đã yêu Thúy một cách trong sạch để đi đến hôn nhơn, nếu chàng chú ý đến Thúy trước khi gặp Nhan. Nhưng câu chuyện đã không xảy ra như vậy.
Không, Thúy không giúp chàng quên Nhan, mà tai hại hơn, nàng lại nhắc nhở cô con gái của tay buôn lậu mà có lẽ đêm rồi chàng đã hạ sát.
“Mình sẽ phải đau khổ trong bao lâu mới quên được mối tình mà mình muốn “hạ sát” ngay ? Phải, chính mình phải hạ sát mối tình đó trước khi hạ sát ông bố của nàng ! Ái tình quả là một địch thủ đáng sợ. Được võ trang bằng mười cây đại liên, hàng trăm khẩu đại bác, có trong tay cả chục sư đoàn cũng không làm sao hủy diệt nó nổi.
Nó là binh ma, chuyên đánh du kích … ở trong lòng ta, ẩn hiện khó dò nên trong lịch sử nhân loại có không biết bao nhiêu bậc vĩ nhân, không biết bao nhiêu tướng lãnh đã đầu hàng một cách vô điều kiện.
Công ý thức chắc chắn rằng chàng sẽ không đầu hàng, và vì thế mà chàng biết rằng chàng sẽ cực kỳ khổ sở trong trận đánh quá chênh lệch nầy.
Nhìn Thúy, chàng nói thầm: “Cô Thúy ơi, tôi đoán biết ý tình sâu kín của cô đối với tôi và cám ơn cô lắm. Nhưng không, cô không đủ bản lãnh để giúp tôi quên ai đâu. Tôi mong được quên, tha thiết mong như vậy để khỏi chịu đau khổ và bây giờ bất kỳ ai đưa tay ra, tôi cũng bám níu vào họ cả, miễn họ là một tấm ván khá vững, cứu tôi khỏỉ chết đuối. Nhưng mà cô phải là Nhan, hay một bản sao của Nhan, hoặc phảỉ là một khách giang hồ lão luyện trong tình trường !”.
Công lười viết nên đọc ngay cho Thúy đánh bản báo cáo dài 18 trang giấy nầy. Khi nói đến tên đầu dọc của bọn tải hàng lậu, chàng do dự rất lâu, không biết có nên tiết lộ căn cước thật của hắn hay không.
Là người của bổn phận, Công sẽ không phân vân giây phút nào, nếu căn cước ấy là yếu tố cần thiết để bắt kẻ gian.
Nhưng chàng biết rằng theo pháp luật, chỉ được bắn hắn tại trận, với đủ bằng cớ trên tay hắn thôi thì sự biết căn cước thật của hắn chỉ giúp phần rất nhỏ cho Quan thuế, nên chi một chút xíu tình thương xót Nhan, xui chàng nín về điểm đó.
Đến khoản tiền năm trăm ứng trước cho người điềm chỉ, Công cũng bỏ qua. Không thể tính với ai được số tiền đó mà nói cho choán giấy vì theo phép thì chỉ thưởng khi nào việc đã thành ! Chàng chịu lỗ tiền túi vậy.
- Coi chừng, Công ngưng đọc để căn dặn, cô không thạo Việt ngữ lắm thì phải lắng nghe cho kỹ. Trong bản báo cáo hôm nọ, cô đánh: “cờ bay phấp phới” ra cờ bay phất phới. Tiếng phất phới không bao giờ có trong ngôn ngữ của ta, có chăng là phất phơ, mà phất phơ nghĩa lại trái hẳn phấp phới.
- Dạ.
- Với lại cô cứ đánh đúng đắn mãi. Tôi có bao giờ đọc như thế đâu, tiếng đúng đắn cũng không bao giờ có trong Việt ngữ, chỉ có đứng đắn thôi, mà đứng đắn nghĩa lại khác xa một trời một vực với đúng mà cô tự động biến thành đúng đắn.
Rồi Công nổi hứng hát:
Cờ bay là bay phấp phới
Rồi chàng lại hát:
Ngoài sườn non cuối thôn.
Phất phơ ngậm ngùi bay.
- Cô đã nghe chưa ? Trong hai bài hát rất phổ biến mà ai cũng biềt, khi thì cờ bay phấp phới, khi thì cờ bay phất phơ, hai lối bay khác hẳn nhau, cố nhiên.
Thúy cười nói:
- Ông hát hay lắm. Nhưng điều làm em ngạc nhiên là dân Quan thuế vẫn phải thạo Việt ngữ.
- Chớ sao ? Ai cũng phải thạo Việt ngữ cả. Tôi có một người bạn thân, anh ấy học rất giỏi mọi môn, nhưng khinh miệt Việt Ngữ. Tuy nhiên anh ấy vẫn đỗ đạt cao được vì trong các cuộc thi văn hóa tổng quát ta rất dễ dãi đối với tiếng mẹ.
Chừng đỗ kỳ sư rồi, được làm Trưởng ty, anh ấy rất khổ mà phải làm báo cáo hằng tháng. Anh ấy đã cố gắng nhưng vẫn viết sai be bét, khiến trung ương xem thường anh lắm.
Nếu anh ấy làm quan thật to, để có biên tập viên viết cho, nhưng vì làm quan nhỏ quá, phải tự lực mọi việc, thành thử anh ta sợ làm phúc trình như tôi sợ chữ Nho hồi ở trung học. Nào, ta đọc đến đâu rồi ?
- Đến... “Thì bỗng thình lình có sự can thiệp bất ngờ cứu nguy cho bọn buôn lậu sắp kiệt lực. Hỏa lực của bọn can thiệp sáu lần mạnh hơn của ta, nên chi…”
- À… nên chi chúng tôi bị bắt buộc phải rút lui để bảo toàn lực lượng...
Tiếng máy chạy đều đều, tiếng phím đập lên ống cao su mới, nghe nhẹ nhàng như tiếng máy mê-trô-nôm. Công nhìn tám ngón tay thon của Thúy chạy nhảy trên các hàng phím và nghĩ: “Lạ quá, nghe nói thì Thúy con nhà lao động nghèo cực lắm. Cớ sao tay chơn của nó thon và dịu như là tay chơn của các tiểu thơ khuê các ?
“Giọng nói của nó cũng trang nhã lắm. Nó xứng đáng làm vợ một công chức trung cấp như mình. Nhưng mình lại không yêu nó thì biết sao.”
- Cô Thúy nè !
- Dạ !
- Năm nay cô bao nhiêu tuổi ?
- Dạ hăm mốt
- Lớn hơn …
Công lỡ lời giựt mình nín lặng và Thúy châu mày. Nàng đoán biết Công bị “người ấy” ám ảnh. Người ấy trẻ tuổi hơn nàng. Nàng thở dài mà nói thật khẻ như nói thầm một mình:
- Em đã già quá rồi !
- Đâu có. Tôi muốn nói cô lớn hơn em gái tôi có hai tuổi mà đã tự lực sống được, còn em tôi thì nó cứ ỷ lại vào má tôi.
Chàng nói láo không giỏi. Làm việc ở đây già hai năm chàng kín miệng lắm nhưng nhơn viên của chàng đều biết rõ gia đạo chàng, nhờ hợp lại nhiều chi tiết do chính chàng sơ hở để tiết lộ mỗi khi một ít. Chàng chỉ có hai người chị thôi, ngoài ra không có anh, em gái hay em trai nào nữa cả.
Bản báo cáo mật đánh xong nội buổi chiều đó. Công đọc lại thật kỹ rồi ký tên liền khiến Thúy vào mấy phong bì ngay trong buồng giấy của chàng rồi mới giao cho người tùy phái phụ trách “công văn khứ lai”.
Nửa tiếng đồng hồ sau đó, chàng ngả người lên lưng ghế để thắc mắc về sự can thiệp đêm rồi mặc dầu lòng chàng đang sôi nổi về chuyện khác.
Công có cái đức tính lớn của những kẻ hành động. Bộ óc chàng giống một cái tủ có nhiều ngăn, mỗi ngăn có cửa riêng. Ngăn tình cảm có chứa đầy nhóc tài liệu, giấy tờ trong ấy có tràn trề ra ngoài, chàng cũng dồn giấy vào được, đóng ép cửa ngăn lại để rảnh lòng cứu xét ngăn bổn phận.
Chàng nghiền ngẫm nhiều giả thuyềt về bọn can thiệp mãi cho đến sáu giờ chiều, nhân viên đóng cửa ra về hết cả rồi, bấy giờ chàng mới mở ngăn tủ kia ra.
Đó là sự tức giận Nhan, bị dồn ép hổm nay, từ giây phút khám phá sự thật về “chú Tám”. Chàng phải dứt khoát với Nhan và nhơn tiện trút ra tất cả hằn học của chàng. Chàng đã yêu nhiều nên tức lắm, niềm uất hận tràn đầy vì cảm nghe mình bị gạt gẫm mà cũng vì quá… tiếc thương.
Kéo tủ ra lấy bức ảnh trong tập hồ sơ Đức-Lưu-Phương bỏ vào túi, chàng bước ra khỏi buồng giấy của chàng bằng cái cửa hông mà chàng giữ riêng chìa khóa, tự tay mình khóa cửa lại, phân vân vài phút rồi cương quyết bước lên chiếc xe Jeep riêng của chàng, chiếc xe tạo hạnh ngộ, ngỡ nó là xe duyên, không dè … !
Khi xe chạy gần tới chỗ chàng gây tai nạn ngày nào, Công bớt máy rồi hãm lại đúng ngay chỗ ấy.
Giờ nầy cũng là giờ tan học và học sinh cũng đang tấp nập trên đường. Thời gian, nơi chốn, hoạt cảnh, mỗi mỗi đều vẫn y nguyên như cũ, Công thừ người, cảm nghe như là một phép lạ nào đưa chàng giật lùi trong cái dĩ vãng gần ấy.
Trong giây phút chàng sống lại một cách mãnh liệt, xúc cảm của chàng vào chiều hôm ấy khi gặp mặt ai lần đầu.
Tất cả thơ mộng của cuộc vỡ lòng yêu như bừng dậy thình lình, khiến chàng say ngây ngất.
Nhiều học sinh cũng còn nhớ buổi chiều ấy và chỉ chỏ vào xe của Công, nói gì với nhau không rõ rồi cười.
Công tỉnh giấc mê sau mấy phút, đưa mắt nhìn quanh thì không thấy Nhan. Có lẽ nàng đã về rồi, hoặc chiều nay nàng không có giờ học.
Không muốn người ta dị nghị khi họ nghe bọn học trò đồn đãi rằng chàng ghé nhà Nhan, Công tắt máy rồi ngồi đó mà đợi cho tụi trẻ đi qua thật xa. Khi trên đường vắng bóng học sinh, chàng mới cho xe chạy tới. Năm phút sau, đã đến trước cây gõ, chàng cho xe quẹo vào ngõ đất hai bên trồng hai hàng cây gòn, cây nào cũng đứng dang tay ngang ra mà mới hôm nào đây chàng thấy đó là những cánh tay đón mừng, nhưng hôm nay lại thấy nó đưa ra để chận lối.
Đây là lần đầu tiên Công cho xe vào ngõ, những chuyến thăm viếng trước, chàng để xe ngoài lộ và đi bộ vào đây.
Trước chàng thích dành cho Nhan sự bất ngờ, thích bắt chợt nàng đang làm lụng. Giờ thì không còn những trò ngộ nghĩnh ấy được nữa, và chàng phải dè dặt một khi chàng biết cha của Nhan là ai. Ngày kia, sẽ có người biết như chàng, và không nên để họ nói: “À, đã có lần ông Trưởng ty Quan thuế giao thiệp thân mật với con gái của anh buôn lậu ấy. Không biết ngoài vấn đề tình cảm ra còn có sự tùng đảng hay không”.
Công chưa kịp xúc động lúc nhìn vào sân nhà thấy trên sợi dây kẽm phơi áo quần, đang phấp phới bay những chiếc áo đã khô từ lâu mà chưa kịp lấy vô, hình ảnh trung thành của buổi sáng lịch sử (lịch sử của đời chàng) mà chàng đến đây và bắt chợt cô gái bị xe chàng đụng vừa phơi áo vừa ca hát. Chàng chưa kịp xúc động, chưa kịp lắng nghe cảm giác của chàng xem thế nào khi nhìn lại cảnh nầy với một tâm trạng khác hẳn buổi đầu, trái hẳn với tâm trạng vào thời kỳ ngộ, thì Nhan đã từ trong nhà tối om chạy bay ra, nhảy xuống các bực thang từ hai nấc một.
Nàng còn mặc áo dài - có lẽ đi học vừa về tới nơi, còn bận gì chưa kịp thay y phục - chiếc áo dài trắng y hệt như chiếc áo té mương ngày nào.
- A, anh Công. Sao lâu dữ không thấy anh xuống chơi làm em trông đợi muốn chết.
Công đã vào tới giữa sân, Chàng dừng bước lại, nhìn sững Nhan mà nghẹn ngào.
Trời ơi, Nhan đẹp quá, dễ thương quá, và chàng yêu Nhan quá. Đứng trước mặt cô gái mỹ lệ, nhu mì nầy, trong giây phút, chàng quên tất cả và đâm ngờ rằng “vụ chú Tám” chỉ là cơn ác mộng thôi. Không, chàng không tin chắc rằng đó là cơn ác mộng. Để yên tâm, chàng thò tay vào túi quần mong cho bức ảnh không có trong đó.
Ô nầy lạ ! Nó không có trong đó thật. Như thế hẳn là chiêm bao rồi chớ còn gì nữa ? Công mừng đến run rẩy tay chơn, nhưng để chắc ý một lần nữa, chàng lại thò tay vào túi quần bên kia và bỗng thừ người ra: bức ảnh nằm trong túi đó.
Hy vọng cuối cùng của chàng tan rã như chiến thắng của chàng đêm rồi, vào giây phút chót.
“Hay là mình bỏ tất cả, Công nghĩ, bỏ địa vị, bỏ chức tước, bỏ sở làm, đi cho thật xa với Nhan để làm lại cuộc đời của cả hai ?”
Chàng không ham danh lợi, và vốn là con nhà giàu thì lối thoát nầy không có gì thiệt hại cho cá nhân của chàng cả.
Nhưng người công dân xứng đáng ẩn núp sau kẻ si tình nổi lên phản đối: “Không, anh không thể chỉ nghĩ đến cá nhân anh. Anh biết một tên gian manh, đang nắm điều kiện tảo trừ nó, mà trốn phận sự là đào ngũ rồi đó”.
Nhan vừa chạy vừa dang tay ra vừa cười nói. Vẻ mặt sầu thảm lạ kỳ cúa một anh Công không hề mở miệng thốt ra lời nào làm cho nàng kinh ngạc hết sức.
Còn độ năm thước nữa là tới trước mặt khách, cô nữ tiểu gia chủ nầy cũng dừng bước lại thình lình và tất cả những cử chỉ của cô cũng ngưng lại mà không được xóa bỏ.
Người ta thấy một cô Nhan trố mắt há miệng, hai tay dang ra, như một thiên tai khủng khiếp nào trong nháy mắt đã cướp lấy sự sống của mọi sinh vật ở một vùng trong lúc các sinh vật ấy đang hoạt động.
Công càng nghẹn ngào hơn và lâu lắm mới kêu lên được:
- Nhan !
- Anh !
Nếu người con gái của gã buôn lậu là một đứa lẳng lơ trắc nết, hay một tay đĩ thỏa ăn chơi, thạo những mánh khóe mê hoặc đờn ông thì nàng chỉ thi thố sơ sơ sở trường của nàng cũng đủ đánh ngã người thanh niên đang bị chèo kéo giữa bổn phận và tình yêu nầy.
Công lại nghẹn ngào một hồi lâu nữa sau tiếng kêu thương xót và như là kêu cứu ấy, đoạn chàng toan quay đi, toan chạy trốn: Chàng không nỡ nặng lời với Nhan, mặc dầu bổn phận đã thắng nơi chàng rồi.
Nhưng không thể không dứt khoát hôm nay. Nếu chàng bỏ đi, tất nhiên sẽ phải trở lại, nguy hiểm lắm, chàng có thể ngã trong một lúc yếu lòng, chàng có thể bị tình nghi oan uổng nếu rủi ro có một kẻ nào khác biết gia trưởng nhà nầy và tên buôn lậu chỉ là một.
Quyết định xong thái độ, Công cố lấy một vẻ mặt lạnh như nước đá, nhưng đau thương vẫn còn bàng bạc nơi đó và hòi:
- Cô có đi thăm ông cụ của cô hay không ?
Nếu chỉ “bị” hỏi thăm tin tức về cha nàng thôi, chắc Nhan không sợ hãi. Nàng đã quen được với lối khách sáo nầy của bạn nàng rồi, lối khách sáo đã làm nàng rụng rời trong buổi đầu vì nàng ngỡ đó là lời dò hỏi của mót kẻ đã biết sự thật về cha nàng.
Nhưng Công lại dùng tiếng “cô” khó hiểu và khả nghi thay cho tiếng “em” êm ái mà chàng đã dùng từ lúc họ thân nhau.
- Anh, sao anh lại gọi em bằng cô ?
- Vì giữa cô và tôi không còn gì nữa rồi.
- Anh, em không hiểu...
- Rồi cô sẽ hiểu. Tôi đến để vĩnh biệt cô…
- Trời ! Anh…
- … và luôn tiện báo tin cho cô hay rằng thân phụ cô có thể đang đau nặng.
- Anh, anh làm em…
Công không nói không rằng gì nữa, lặng lẽ móc bức ảnh chụp giữa rừng ra rồi vứt vào không trung, trước mặt Nhan.
Đó là một cử chỉ phũ phàng, nhưng Nhan đang bấn loạn tinh thần không còn mích lòng về thái độ bất lịch sự nào nữa.
Nàng chụp lấy bức ảnh đang bay, liếc mắt nhìn qua và tái mặt đi. Mắt đán vào ảnh, Nhan chết điếng, mồ hôi nhỏ giọt mặc đầu gió chiều đang lộng thổi.
Trong giây phút, nàng chợt hiểu tất cả: Công đã khám phá ra sự thật về gia đạo nàng khi so sánh người ngồi giữa trong bức ảnh nầy với người gia trưởng trong tập an bom của nàng mà chàng được xem hôm nọ.
Cô nữ sinh tội nghiệp nầy chỉ là người thôi với mớ tình người rất thông thường của kẻ phàm tục, chớ không phải là một nữ thánh, nên chết sững, nàng chỉ điếng hồn vì sự sụp đổ thình lình của hạnh phúc của nàng. Không, lòng hiếu thảo đối với cha không sao lấn át được tình cảm rất gần gụi đây là tình yêu. Nàng không còn là một thiếu nữ nữa và chưa bận tâm đến số phận của người cha mà ám chỉ khi nãy của Công cho đoán biết rằng ông có thể đang lâm nạn.
Nhan cắn môi thật chặt, nấc lên mấy tiếng ngắn, nhưng không khóc ra tiếng, cũng chẳng cho lệ trào ra. Một niềm uất hận vô biên đang thổi phình quả tim nàng nó không đau mà lại tức vì nao nức niềm hận kia.
Nàng hận gì, hận ai ? Nàng hận số phận mình, chỉ có thế thôi.
Gió chiều cứ lộng thổi, tóc Nhan bay rối tơi bời, vạt áo sau của nàng vẫn bay, nhưng Công thấy nó bay phất phơ chớ không phấp phới.
Không biết bao nhiêu giây phút đã trôi qua, đã bị gió thổi bay đi, thời gian và không gian bây giờ đối với họ chỉ là một thứ thôi, vì cả hai đều đang quặng đau vì một ý nghĩ: họ sẽ xa nhau ngàn năm và ngàn dặm.
Bấy giờ Nhan mới ngẩng lên, cô mỉm cười một nụ cười chua xót mà rằng:
- Giờ ông đã biết sự thật, em chối cãi cũng vô ích, và chắc tự bào chữa cũng vô ích. Thôi, vĩnh biệt vậy. Nhưng em cần nói rõ rằng gần một năm nay, khám phá ra sự thật, em đã khuyên dứt ba em và ba em đã bằng lòng hoàn lương trên nguyên tắc, chỉ còn đợi dịp thôi.
- Vậy à ? Vậy thì tôi không thể phiền trách cô đã đánh lừa tôi. Nhưng không có bằng cớ về những điểm cô vừa tiết lộ. Dầu sao, sự hoàn lương ấy chưa xảy ra và không biết bao giờ mới xảy ra, dầu sao trong tình trạng nầy, tôi cũng phải tuyệt giao với cô. Vả lại, vả lại …
Công lại nghẹn ngào, không nói được những gì chàng thấy phải nói. Nhan vừa lo sợ, vừa hi vọng. Biết đâu lý lẽ cuối cùng của chàng, lý lẽ quyết định nhứt lại không là một lý lẽ bấp bênh, nàng sẽ bác đi được để cứu vãn tình thế:
- …Vả lại, vả lại … đã gãy đổ cả rồi cô à ! Đêm vừa qua tôi suýt bị ông ấy hạ trong một cuộc săn đuổi hàng lậu do ông tải đi, theo tin mật báo. Tôi mà còn sống đây thì có lẽ chính ông đã thọ nạn. Bên ấy lực lượng bị tiêu diệt hết chín phần mười.
Bây giờ Nhan mới chợt nghĩ đến cha nàng và tin khủng khiếp nầy lại làm nàng tái mặt.
Nhan đã khóc…
Nàng òa lên mà khóc, nức nở mà khóc, chớ không nhẫn nại nuốt niềm đau cho thân phận mình như khi nãy nữa.
Công nhìn bạn, thương xót vô ngần. Chính chàng cũng đau, còn đau hơn bạn chàng nữa, Chàng đau niềm đau của chính chàng cộng với niềm đau của bạn.
Nhan khóc rất lâu, khóc đến không còn giọt nước mắt nào nữa, mới ngước lên nhìn thẳng vào mặt Công mà hỏi:
- Ông có chắc là đã hạ ba em hay không ?
- Trong đêm tối, tôi không làm sao biết được ai thọ nạn, ai an toàn. Dầu sao cũng xin cô thứ lỗi. Tôi không thể không thi hành phận sự.
- Ông khỏi phải tự bào chữa, ông đã được lý do chánh đáng binh vực cho ông rồi. Ông có thể nào cho em biết địa điểm trận đánh đêm rồi hay không ?
- Ở một nơi gọi là “Đồng cháy”. Nhưng vô ích, như cô muốn mạo hiểm. Đến phút chót, đoàn buôn lậu được toán đồng nghiệp cứu nguy và ông cụ cô có bề nào đi nữa, chắc đã được họ dời đi nơi khác rồi.
Nhan thẫn thờ nhìn vào buổi chiều, buổi chiều sâu minh mông đang thay màu đổi sắc từng giây từng phút để tiến đến đêm tối mịt mùng như đời nàng.
Công nghẹn ngào gọi:
- Nhan, Nhan ơi, dầu sao, trong đời anh, anh chỉ yêu một mình em thôi.
Đây là lời tỏ tình đầu tiên, mà thanh niên nầy thốt ra để rồi chạy trốn và thiếu nữ nầy đón nghe và lắng nghe nó xé từng mảnh lòng nàng.
- Em cũng chỉ… Trời ơi! Dầu sao em cũng xin cám ơn anh vậy.
Công đã xây lưng mà chạy. Chàng chạy bay ra khỏi cổng, nhảy lên xe, mở máy vội vàng, sang số de để chạy được ngay, khỏi mất thì giờ trở đầu xe.
Nhan ôm mặt khóc mà té quị lên nền cát trắng của sân nhà.
Không một tiếng vang đáp lại niềm đau thương của thiếu nữ nầy. Nàng hoàn toàn cô độc với nỗi khổ của nàng, cho đến cả bà dì nàng cũng chẳng hay biết gì hết.
Nhan bị số kiếp không may mà trước nó, nàng đã bất lực, đè bẹp xuống sâu, và buổi chiều minh mông, tùng đảng với số kiếp như đang mỉa mai cười chế nhạo cô gái nhỏ xíu đang nằm giữa không gian vô biên.
Người con gái trơ trọi nầy lồm cồm ngồi dậy, muốn kêu cứu với ai, nhưng chỉ thấy chung quanh mình sự thờ ơ của thiên nhiên. Người không thương xót nàng mà cảnh cũng chẳng nhỏ lấy một giọt lệ tội nghiệp.
Nhan đơn độc chịu đựng số phận.