watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Trăng Buông-Chương 3 - tác giả Chu Sa Lan Chu Sa Lan

Chu Sa Lan

Chương 3

Tác giả: Chu Sa Lan

Tuấn reo lên mừng rỡ khi biết tin sẽ được trở lại thành phố Biên Hòa nghỉ xả hơi một ngày. Hai mươi bốn tiếng đồng hồ tuy ngắn song có giá trị hơn huy chương của quân đội. Nó là phần thưởng của máu, nước mắt và mồ hôi; của mười bốn đêm thức ngủ chập chờn, của lo âu và sợ hãi. Mười bốn ngày. Mưa dầm ướt át. Nắng nóng cháy da. Đêm nửa ngủ nửa thức. Ngày ngủ gà ngủ gật. Nắng nóng như thiêu vì phải mặc áo giáp, đội nón sắt, thu hình trong ụ súng để chờ đợi một điều mà mình biết sẽ xảy ra song lại không biết lúc nào. Lo âu ở chỗ đó. Sợ hãi ở chỗ đó. Khổ cũng ở chỗ đó.
- Anh làm gì khi đi bờ?


Quỳnh mỉm cười khi nghe hai tiếng '' đi bờ '' của người lính trẻ vẫn còn quen ngôn ngữ ở quân trường.
- Lai rai... Tao kiếm chỗ nào khuất vắng, gọi một chai 33... lai rai một mình... Còn mày?
Quỳnh hỏi lại trong lúc đốt thuốc.
- Tôi theo thằng Thành lên nhà nó chơi...
Quỳnh cười cười.
- Coi bộ nó muốn bắt xác mày về sửa xe với nó...
Tuấn cười hắc hắc.
- Nó cho tôi coi hình em gái nó...
- Đẹp không?
Quỳnh tò mò hỏi.
- Khá đẹp... Con nhỏ học trường Ngô Quyền...
Liếc quanh một vòng có lẽ để nhìn xem sự có mặt của Thành không rồi Quỳnh mới lên tiếng.
- Nhiều khi thấy hình thì đẹp mà ở ngoài lại khác. Coi chừng em lùn tịt, mập ú, mặt rỗ, sứt môi lại thêm chân đi chữ bát, em hát cải lương, em ca vọng cổ...
Tuấn cười sặc sụa khi nghe Quỳnh giở giọng tiếu lâm.
- Bởi vậy tôi phải lên nhà coi mặt trước... Ưng thời tôi mới nhào vô chứ ngu gì lãnh đạn anh...
Tuấn cười ròn rả sau khi dứt câu. Quỳnh phang thêm một câu.
- Thằng Thành nó cũng lựu đạn lắm. Mày coi chừng... Mày để em nó cái bầu là nó thiến mày...


Tàu cặp vào căn cứ tạm của giang đoàn 24 xung phong nằm cạnh bờ sông cách chân cầu chừng non cây số. Đó là một dãy ponton với mấy cái nhà tiền chế của Mỹ để lại. Tất cả nhân viên đều sẵn sàng để lên bờ. Kỳ với Biên họp thành một cặp. Thành với Tuấn đi chung với nhau. Hôm nay tới phiên Kỳ trực tàu. Muốn đi chơi nó phải hối lộ cho ông từ Sang ổ bánh mì thịt và ly sinh tố.


Quỳnh ngồi một mình trong cái quán ăn nhỏ nằm trên con hẻm mà anh không biết tên. Đối diện với quán ăn phía bên kia là tiệm tạp hóa. Tô cháo cá trống không. Chai 33 còn phân nửa. Gói thuốc lá nhầu nát và xẹp lép chỉ còn mỗi một điếu. Khói thuốc lãng đãng bốc mùi hăng hăng. Trời ẩm ướt dường như muốn mưa. Anh có thể ngửi được mùi ẩm mốc của rong rêu theo cơn gió nồm từ ngoài biển kéo về. Điều này khiến cho anh nhớ lại thời gian ở Phú Quốc. Đó là tên gọi thông dụng cho nguyên hòn đảo song nơi có căn cứ hải quân chính là Cây Dừa hay còn có tên gọi khác An Thới. Tùng sự tại Bộ Chỉ Huy Vùng 4 Duyên Hải, công việc của anh khá nhàn hạ và nhẹ nhàng của một nhân viên văn phòng. Những buổi chiều sau giờ làm việc anh thường ra bãi biển trước căn cứ nhìn ngắm vùng biển xanh để mơ mộng, để làm thơ cũng như hồi tưởng lại thời còn đi học. Gió nồm là gió từ hướng Nam thổi lên, từ ngoài khơi thổi vào mang theo hơi nước ẩm ướt tạo nên những cơn mưa triền miên và buồn bã. Những ngày cuối tuần, trời mưa dầm, nằm trong căn phòng nhỏ, đọc sách và nhìn mưa bay ngoài cửa sổ, đời lính của anh thật buồn, trống rỗng, nhàm chán đến độ phải mặc áo mưa đi tìm một quán nào khuất vắng, uống vài chai bia hay xị rượu đế để say và ngủ cho qua thời giờ. Nửa năm ở hòn đảo cách Rạch Giá gần một ngày tàu chạy đủ cho anh thấm thía được nỗi buồn xa nhà của lính. Rời An Thới anh ra Nha Trang thụ huấn khóa chuyên nghiệp. Cũng biển nhưng Nha Thành khác hẳn An Thới. Ồn ào hơn. Nhộn nhịp hơn. Xinh xắn hơn. Thiếu nữ Nha Thành mặn mà, trẻ trung và duyên dáng song anh không dừng chân được lâu để có kỹ niệm cũng như vấn vương và lưu luyến. Mãn khóa anh trở lại Sài Gòn rồi tháng sau khăn gói về Vĩnh Long. Đời lính chiến của hải quân bắt đầu. Anh tập làm quen với súng đạn, ngủ co rút trong con tàu nhỏ thấp lè tè mặt nước. Giang đỉnh cũ kỹ, han rỉ do hải quân Pháp để lại. Súng thời xưa hơn trái đất. Những chuyến công tác vào các vùng xa xôi. Sông Măng Thít. Sông Cổ Chiên. Sông Tiền. Sông Hậu. Rạch Ông Chưởng. Vàm Nao. Như dề lục bình anh trôi theo con nước lớn nước ròng. 1967. Anh lại lên đường trình diện đơn vị mới. Giang Đoàn 71 Thủy Bộ mà sau này cải tên thành Giang Đoàn 44 Ngăn Chận. Bến Lức. Quận lỵ nghèo xác xơ dù chỉ cách thủ đô Sài Gòn mươi ô vuông. Con sông Vàm Cỏ Đông đầy bất trắc. Tàu của hải quân Mỹ với lực lượng hùng hậu và hỏa lực khủng khiếp mà phải khó khăn lắm mới chế ngự được các ổ du kích điên cuồng. B40. 57 không giật. Bắn sẻ bằng súng trường bá đỏ, bằng khẩu Garant cổ lỗ sỉ song độc hại vô cùng.

Cắc bùm... Âm thanh của sự chết. Viên đạn thoát ra từ nòng súng dài lê thê có sức xuyên thủng nón sắt. Một viên đạn, một người chết. Quỳnh đã thấy người chết trong một tháng nhiều hơn ba năm anh đi lính trước kia. Trà Cú... Hiệp Hòa. Cẩm Giang. Trảng Bàng. Gò Dầu. Bến Sỏi. Biên giới Miên Việt ngút ngàn... Anh đã đi qua một đoạn đường máu lửa của người lính thủy ở một đơn vị thực sự đánh nhau với địch dù họa hoằn lắm mới thấy được mặt mũi của người lính địch. Ở đâu cũng vậy. Người lính thủy như anh đều nằm trong thế tự vệ, chờ đợi địch bắn rồi mình mới bắn trả lại. Tuần tiễu trên sông Vàm Cỏ Đông, Tây hay Đồng Nai, hay bất cứ nơi đâu cũng đều phải đưa cái mặt ra cho tên bộ đội hoặc anh du kích đấm trước. Đó là chỗ yếu của ta. Không nắm được thế chủ động thời bị thiệt hại nhiều hơn.


Quỳnh hơi cựa mình vì mỏi, mệt và buồn chán. Tuy mới hai mươi lăm mà đôi lúc anh cảm thấy mình già nua. Vói tay lấy gói thuốc anh quẹt diêm đốt điếu cuối cùng. Quán ăn vắng chỉ có anh và người đàn bà bán hàng. Từ chỗ tàu đậu ra tới con đường này gần nhất nên anh tạt vào ngay ngã ba ăn tô cháo lòng và uống chai bia. Con đường tráng nhựa cũ có nhiều ổ gà và đá cục.
- Chị cho tôi gói thuốc lá...
Quỳnh nói với chị chủ quán. Bà ta lắc đầu cười.
- Tôi không có bán thuốc lá...
Đưa tay chỉ cái quán bên kia đường bà ta tiếp.
- Quán của bà Lê có bán thuốc lá. Chú qua đó mua...


Gật đầu Quỳnh im lặng uống bia và hút thuốc. Tiếng xe gắn máy nổ ầm ỉ hòa lẫn trong tiếng trẻ con đùa giỡn la hét và tiếng ca nhạc phát ra từ dàn máy hát tạo thành âm thành hổn tạp. Chút nắng tháng năm về chiều rọi trên mái nhà tôn thành vệt vàng khè. Bây giờ là mùa hè... Quỳnh lẩm bẩm. Từ khi đi lính tới giờ anh ít chú tâm tới giờ giấc vì lẽ dễ hiểu là đối với lính giờ giấc không quan trọng. Chỉ có ngày và đêm. Mưa và nắng . Sống và chết. Tiếng hát của Nhật Trường vang nho nhỏ và âm thầm... Từ khi anh thôi học... Từ khi anh khoác áo trây di... Chiến tranh đã thiêu hủy, đã làm tan vỡ nhiều thứ trong đó có ước mơ được làm thầy giáo của anh. Tuy nhiên anh không hề ân hận khi tình nguyện đi lính bởi vì anh chiến đấu cho tự do, muốn được sống một đời sống theo ý của mình.


Quỳnh càu nhàu tiếng nhỏ khi nhớ ra gói thuốc lá không còn điếu nào. Uể oải đứng dậy, anh bước qua bên kia đường mua thuốc lá. Tiệm tạp hóa khá rộng và hơi sáng sủa.
- Xin lỗi anh... Anh muốn mua cái gì?


Giọng nói nhỏ, thanh thanh vang lên. Quỳnh nhìn về chỗ có tiếng nói phát ra. Ở trong góc tôi tối, bị che bởi một cái kệ cao, hiện ra một khuôn mặt. Cô bé, đúng là một cô bé, không biết bao nhiêu tuổi, chắc mười lăm mười sáu, Quỳnh đoán cô bé còn trẻ lắm, có thể búng ra sữa, đang nhìn anh mỉm cười. Nụ cười e ấp và thẹn thò song anh cũng thấy thấp thoáng chút thân quen và tò mò. Có lẽ cô bé chưa thấy người lính lạ như anh.
- Chào bé...


Quỳnh lên tiếng chào. Anh hơi ngạc nhiên khi thấy cô bé cau mày và câu trả lời làm cho anh mỉm cười.
- Tôi lớn rồi...
Quỳnh cười. Như muốn chọc tức cô bé anh nói với giọng cợt đùa.
- Vậy à... Bé lớn rồi mà bé được mấy tuổi?
- 16...
Cô bé trả lời gọn lỏn như tỏ lộ sự bất mãn của mình khi bị gọi là bé.
- Vậy à... 16 tuổi thời đúng là lớn rồi...
Quỳnh nhìn cô bé trong lúc nói. Anh thấy ánh mắt long lanh, hai làn môi hơi mím lại và một nụ cười rất lạ. Nó không giống nụ cười của bất cứ cô gái trẻ nào mà anh đã gặp qua.
- Anh muốn mua gì?
Cô bé hỏi lại lần nữa với giọng hơi nghiêm và Quỳnh trả lời bằng câu hỏi.
- Em có bán thuốc lá?
Quỳnh đổi cách xưng hô. Điều này khiến cho cô bé cười. Nụ cười rạng rỡ và thân thiện.
- Dạ có...


Cô bé thong thả đi tới quày hàng đặt phía bên kia. Quỳnh lặng lẽ theo sau. Nhờ vậy anh mới có dịp chiêm ngưỡng toàn thể phía sau của cô gái đang ở tuổi dậy thì. Dường như có cảm giác bị người con trai lạ chiếu tướng phía sau lưng của mình nên cô bé có vẻ luống cuống xuyên qua bước chân. Cuối cùng hai người đi tới quầy bằng kính bày nhiều món hàng. Đứng phía sau quày cô gái cười hỏi. Giọng của cô bé thanh và hơi trầm một chút.
- Anh muốn loại nào?


Quỳnh chỉ vào gói Capstan. Cô bé lấy gói thuốc lá đặt lên mặt bàn kính. Khỏ khỏ ngón tay trỏ lên mặt kính Quỳnh nói nhỏ trong lúc đưa ba tờ giấy 500.
- Anh lấy năm gói... Em tên gì?
Cô bé hơi ngập ngừng dường như không muốn nói tên. Quỳnh cười dọa.
- Em mà không nói tên thời anh kêu nhỏ, kêu bé... Lúc đó ráng chịu nghen...
Bị hăm he cô bé cúi mặt nhìn xuống mặt bàn rồi lí nhí trả lời.
- Dạ tên Hy...
Quỳnh mỉm cười gật gù. Cô bé tên Hy ngước lên. Câu hỏi được bật ra thật nhanh.
- Anh tên gì?
- Quỳnh...
Hy quay mặt đi để giấu nụ cười. Nàng thầm nghĩ.
- Con trai mà tên Quỳnh... Ngộ ghê...
Có lẽ cảm nhận được Hy cười về cái tên Quỳnh của mình, anh từ từ giải thích.
- Hồi má anh có thai ba anh mong có con gái nên chọn tên Quỳnh Hoa. Tới chừng sanh ra lại con trai nên ổng đành phải lấy tên Quỳnh. Thành ra tên của anh nửa con trai nửa con gái...
Không nhịn được Hy bật thành tiếng cười trong trẻo. Liếc nhanh anh lính trẻ nàng cười đùa.
- Bởi vậy mới gặp, tôi thấy anh có vẻ gì là lạ... Giống như con gái... Ngộ ghê...
Quỳnh gật đầu cười.
- Hy còn đi học?
- Dạ còn...
- Lớp mấy?
- Dạ tựu trường này lớp 10...
Trả lời xong Hy ngước nhìn vào mặt của Quỳnh.
- Anh đi lính gì vậy?
- Lính hải quân...


Nhìn chăm chú vào chiếc huy hiệu may nơi túi áo màu xanh nước biển Hy lẩm bẩm.
- Lực Lượng Trung Ương 214... Giang Đoàn 44 Ngăn Chặn... Lạ ghê...
Quỳnh xé gói thuốc lá, móc lấy một điếu rồi quẹt diêm đốt. Hít hơi dài anh nhìn quanh quất tiệm tạp hóa.
- Em học trường nào?
- Dạ trường Nam Hà...
- Lúc còn đi học anh có quen một cô học ở trường Ngô Quyền...


Hy lặng im không nói. Quỳnh cười nhẹ.
- Trường em học ở đâu?
- Dạ bên Cù Lao Phố...
- Phải qua cầu Gành...
- Dạ... Sao anh biết? Anh cũng ở Biên Hòa hả?
Quỳnh nhẹ lắc đầu cười hít hơi thuốc. Hy nhận thấy ông lính thủy này hút thuốc hơi nhiều. Mới đó mà hút gần hết điếu thuốc.
- Anh ở Sài Gòn... Anh biết tên cầu Gành vì đọc sách... Cầu Gành, cầu Rạch Cát cũng như Cù Lao Phố, núi Bửu Long, núi Châu Thới, suối Lồ Ồ...


Hy lại im lặng. Ở tại thành phố dĩ nhiên nàng nghe tên những chỗ này nhưng chưa có dịp đi tới. Ba má nghèo lại thêm đông con, lo ăn còn chưa đủ huống hồ gì đi du lịch. Ngoại trừ đi học nàng tối ngày chỉ quanh quẩn trong nhà.
- Em có tới mấy chỗ đó chưa?
- Dạ chưa...


Quỳnh trợn mắt nhìn cô gái đang cúi đầu nhìn vào mấy món hàng chưng bày trong quầy hàng bằng kính. Dáng của cô bé trông thật hiền lành và tội nghiệp. Có lẽ nhà của cô bé nghèo và đông con nên cha mẹ không có tiền dẫn đi chơi đây đó.
- Nhà em nghèo...


Hy ngước nhìn anh lính trẻ. Quỳnh cảm thấy lòng mình nao nao vì ánh mắt buồn của cô bé.
- Mai mốt anh rủ em đi nghen...
Thấy cô bé im lặng không trả lời Quỳnh tiếp bằng giọng thân tình như anh trai nói với cô em gái của mình.
- Chịu hông?
Ngần ngừ giây lát Hy cười lắc đầu.
- Hổng biết... Ba má em khó lắm...


Hít hơi thuốc thật dài rồi quay mặt ra hướng con đường để nhả khói ra hết xong Quỳnh mới quay lại. Nhìn vào khuôn mặt xinh xắn còn nguyên nét học trò của Hy anh nói chậm.
- Nếu anh còn trở lại đây anh sẽ tới nhà em xin phép ba má em...
Nhìn thấy nét mặt ngơ ngác của cô bé như không hiểu hết ý của mình muốn nói, anh tiếp với giọng thật trầm.
- Anh sẽ trở lại gặp em để mời em đi chơi núi...
Nụ cười tươi tắn nở ra trên môi, Hy nói với giọng như cô em gái làm nũng với anh trai.
- Nhớ nghen... Anh trốn là Hy nghỉ chơi anh luôn.
Quỳnh cười vui.
- Hy có anh trai không?
- Không... Em là con gái đầu lòng. Em có năm đứa em trai. Còn anh?
- Anh là con út... Anh có hai anh trai... Bởi vậy anh thích có cô em gái hiền và xinh đẹp như Hy...
- Em mà đẹp gì...


Hy cười nói khoe hàm răng trắng bóng. Bây giờ Quỳnh mới nhận ra cô bé có cái cổ cao ba ngấn. Giơ tay xem đồng hồ thấy đã quá ba giờ anh nói nhanh.
- Thôi anh đi... Cám ơn Hy...
Vừa ra tới cửa Quỳnh quay đầu lại cười.
- Đợi anh nghen...
- Dạ... Mà anh nhớ trở lại nghen...
Nhẹ gật đầu Quỳnh lẩm bẩm trong lúc bước đi.
- Anh sẽ trở lại nếu...


Đứng trong quầy Hy nhìn theo người lính xa lạ mang tên Quỳnh đi băng qua đường vào quán ăn bên kia.


Uyên Hưng. Địa danh này xa lạ đối với nhiều người kể cả Quỳnh và nhân viên của hai chiến đỉnh 9 và 11. Nó nằm tại ngã ba của hai dòng rẽ của sông Đồng Nai. Con sông này có hai lần rẽ khi rời khỏi thành phố Biên Hòa để đi lên thượng nguồn. Lần thứ nhất rẽ làm đôi tại Rạch Ông Tiếp rồi sau đó nhập lại thành một dòng lớn. Chảy chừng vài cây số nó lại rẽ thành hai dòng và cuối cùng nhập lại tại ngã ba Uyên Hưng.


Ngôi đồn của địa phương quân nằm trơ vơ trên khoảnh đất trống ngay tại ngã ba. Vị trí này quan trọng về chiến thuật trong việc kiểm soát các thuyền ghe xuôi ngược trên sông đồng thời các toán thám sát cũng nghe ngóng về sự chuyển quân của địch từ bên quận Tân Uyên về tỉnh lỵ Biên Hòa.


Chiếc Alpha 11 và 9 cắm mũi ngay tại đồn. Máy tàu nổ xình xịch. Trời trưa nắng gắt. Lá cờ vàng ba sọc đỏ rũ xuống vì không có gió. Mặt sông lấp lánh sáng. Nước trong xanh. Máy đuôi tôm kêu bành bạch, cố gắng đẩy chiếc ghe khẳm lừ xuôi theo con nước về thành phố.
- Alpha 11 đây Biên Hùng... Nghe rõ trả lời...


Đang ngồi trên mui Quỳnh chụp lấy ống nói trước khi Tuấn lấy để đưa cho mình. Biên Hùng là ám danh của trung úy Bình, sĩ quan trưởng toán của giang đoàn 24 xung phong, đồng thời cũng là vị chỉ huy trực tiếp của anh trong suốt thời gian biệt phái cho đơn vị này với nhiệm vụ tuần tiễu khúc sông Đồng Nai.
- Quỳnh Hoa tôi nghe Biên Hùng...
Giọng của trung úy Bình vang rõ trong máy.
- Cho biết tọa độ của Quỳnh Hoa?


Đễ bảo toàn bí mật nên tất cả tên tuổi, địa danh đều được mã hóa, do đó Quỳnh phải có cuốn sổ để giải mã. Lật nhanh cuốn sổ tay ngay chỗ đã được làm dấu anh trả lời liền.
- Biên Hùng đây Quỳnh Hoa... Tôi đang ở tại U Minh Hiệp Hòa...
U Minh là chữ tắt của Uyên, còn Hiệp Hòa là chữ tắt của Hưng; nhập lại thành Uyên Hưng.
- Quỳnh Hoa đây Biên Hùng... Anh gặp Ông Địa chưa?


Đang ngồi trên ghế lái Tuấn bật cười khi nghe tiếng Ông Địa. Thật ra ám danh dí dỏm này do các chiến đỉnh đặt ra để chỉ các người lính địa phương quân thân quen. Cũng như các ông địa thường hay gọi đùa lính hải quân thành ra lính hai quần.
- Quỳnh Hoa đang bắt tay Ông Địa... Biên Hùng nghe rõ trả lời...
- Biên Hùng nghe Quỳnh Hoa 5/5...


Chấm dứt liên lạc với Biên Hùng, Quỳnh vội vả leo xuống đứng trước mũi tàu khi thấy toán lính địa phương quân đang sẵn sàng.
- Tôi là thiếu úy Tính... Anh em sẵn sàng...


Quỳnh vui vẻ bắt tay người trung đội trưởng địa phương quân xong ra lệnh cho tàu lùi ra giữa sông. Đồng hồ chỉ 18 giờ. Mặt trời mùa hè vẫn còn treo trên ngọn của hàng cây cao dọc theo bờ sông bên mặt. Điểm đổ quân. Gò Miễu. Hoạt động. Phục kích và tuần tiễu. Lời giải thích có vẻ mơ hồ của vị sĩ quan trưởng toán khiến cho Quỳnh thắc mắc. Tuy nhiên anh im lặng vì điều đó ngoài trách nhiệm của mình. Nhiệm vụ của hai chiến đỉnh là đổ quân và yểm trợ hỏa lực khi có sự yêu cầu của Ông Địa. Thế thôi. 19 giờ tàu tới nơi hẹn. Đứng trên mui tàu Quỳnh rê ống dòm vào bờ với hy vọng thấy được những gì anh muốn thấy dù biết hy vọng của mình rất mong manh. Địch khôn ngoan và dư thời gian để ngụy trang. Họ ẩn mình sâu dưới hầm hồ cá nhân vững chắc và ghìm súng để chờ đợi. Đi lọt vào ngay chỗ họ phục kích là... Bùm... Quả đạn B40 hay 57 không giật bay ra chạm vào mục tiêu và nổ ra với toàn thể sức công phá.


Chiếc tàu sắt từ từ tiến vào bờ. Sang ngồi im trong ụ súng. Tay nó đặt lên một nút màu đỏ của ổ đại liên 50. Chỉ cần bấm nhẹ nút điện này, hai khẩu súng sẽ được khai hỏa với nhịp bắn hơn ba ngàn viên đạn trong một phút đồng hồ. Tuy nhiên điều đó không cản được địch bắn trước. Có thể kẻ nào đó nhắm vào Quỳnh đang ngồi trên cao dùng ống dòm quan sát mọi động tịnh trong bờ. Tuấn nghe tim mình đập thình thịch vì sợ hãi. Nó có cảm tưởng dù tiếng máy tàu nổ ầm ầm cũng không át được tiếng đập càng lúc càng lớn và càng mạnh của trái tim mình. Có sự va chạm nhẹ và chiếc Alpha 11 ghim mũi vào bờ cạnh mô đất khá lớn. Tính khoát tay ra lệnh cho binh sĩ dưới quyền nhảy lên. Người lính địa phương quân cuối cùng rời tàu xong mà không có chuyện gì xảy ra. Tuấn thở phào nhẹ nhỏm. Nghe tiếng thở của người lính trẻ Quỳnh quay qua cười.
- Sợ hả?
Tuấn cười nhẹ.
- Teo bu gi luôn... Còn anh?
Quỳnh im lặng đốt điếu thuốc, hít hơi dài như để tìm lời nói rồi mới cười đùa.
- Không có teo bu gi như mày nhưng tao hổng biết nó còn hay mất...
Tuấn bật lên tiếng cười trong trẻo khi biết lính mới lính cũ gì cũng đều có cảm giác sợ hãi như nhau.
- Anh cho tôi xin điếu thuốc...


Quỳnh trợn mắt nhìn Tuấn giây lát rồi lặng lẽ móc gói thuốc ra đưa cho người lính trẻ. Anh biết đã tới lúc nó cần phải dùng thuốc lá để làm giảm sự căng thẳng thần kinh, sự sợ hãi và nỗi ám ảnh về một điều gì sẽ xảy ra cho mình. Mai mốt đây, khi thuốc lá kém hoặc không còn hiệu lực nữa, nó sẽ phải dùng tới rượu để giảm đi cơn sợ sệt, buồn phiền và chán nản. Anh hơi quay mặt chỗ khác để cười vì nghe tiếng ho và tiếng khọt khẹt của Tuấn. Ai hút thuốc lá lần đầu đều như vậy. Cũng như uống rượu. Anh nhớ lại lần đầu tiên mình uống rượu. Trời đất quay cuồng. Mửa thốc mửa tháo. Lăn đùng ra ngủ. Trưa thức dậy đầu nhức như búa bổ. Tay chân rũ liệt. Khát khô cổ họng. Nằm vật vờ như xác chết. Anh tự hứa sẽ không bao giờ say rượu nữa nhưng ba ngày sau anh lại ngồi uống bia một mình.
- Thuốc của anh nè...
Tuấn đưa trả lại gói thuốc. Quỳnh lắc đầu cười.
- Mày giữ luôn đi... Mày cần tới nó...
Không cần nói lời cám ơn Tuấn nhét gói thuốc Capstan còn phân nửa vào túi áo của mình.
- Lùi ra giữa sông...


Tuân lệnh Tuấn kéo cần ga về chữ R. Chiếc khinh tốc đỉnh chậm chạp lùi ra giữa sông. Phía bên trái Quỳnh thấy chiếc Alpha 9 cũng đang lềnh bềnh trên mặt nước sáng nhờ ánh trăng bàng bạc buông xuống cảnh vật như tấm lụa khổng lồ.
- 11 đây 9...
- 11 nghe 9...
- Bây giờ mình làm gì?


Quốc lên tiếng hỏi và Quỳnh trả lời không do dự.
- Tuần tiễu... Biên Hùng ra lệnh mình vừa tuần tiễu và yểm trợ cho Ông Địa. Mày chọn khúc nào?
Giọng của Quốc vang vang trong máy 46.
- Để tao lãnh khúc từ U Minh Hiệp Hòa xuống ngã ba...
- Gặp mày sau...


Cúp máy xong Quỳnh bảo Tuấn quay mũi hướng về thành phố Biên Hòa. Vì cần yểm trợ hỏa lực cho quân bạn nên tàu phải đi vào nhánh sông phụ nhỏ và dài hơn. Dòng sông lấp lánh sáng dưới ánh trăng đêm. Chút sương mù giăng giăng làm toàn thể mặt sông và luôn cả hai bên bờ mờ mờ ảo ảo, khi hiện ra lúc lại lẩn khuất. Nếu không có tiếng máy tàu nổ xình xịch Quỳnh sẽ có cảm tưởng mình là Lưu Nguyễn hay Từ Thức chèo chiếc thuyền con đi ngược dòng sông để lên cõi tiên mơ hồ mộng mị nào đó như lần đầu tiên đọc truyện Thần Tháp Rùa của nhà văn Vũ Khắc Khoan.
- Anh buồn ngủ hả?
Tuấn hỏi khi thấy Quỳnh ngồi im, đầu đội nón sắt gục xuống hai đầu gối.
- Ngủ gì được...
- Hôm qua anh đi đâu?
Tuấn lên tiếng vì biết nói chuyện sẽ làm cho mình quên đi cơn buồn ngủ. Quỳnh trả lời bằng giọng nhát gừng như mệt mỏi hoặc chẳng muốn trò chuyện.
- Tao uống ba chai bia rồi đi về... Mua mấy gói thuốc lá...


Anh ngừng lại mỉm cười. Tự nhiên hình ảnh của cô bé tên Hy hiện ra trong trí. Ánh mắt sáng long lanh. Nụ cười tươi. Cái cổ cao ba ngấn. Mái tóc đen dài xỏa nửa lưng. Khuôn mặt trái soan. Cô bé toát vẻ gì là lạ khiến cho anh chú ý và muốn làm quen dù biết mình và cô bé có nhiều khác biệt. Một người là lính, có đời sống nổi trôi, nay đây mai đó. Một người là học trò, suốt ngày ru rú trong nhà trừ khi đi học. Anh vẽ ra trong trí của mình hình ảnh một cô gái mặc áo dài trắng, dáng gầy gầy, cao cao, lặng lẽ đạp xe trên cây cầu sắt bốn nhịp bắt ngang sông. Gió thổi tà áo dài bay bay. Giọng nói nửa ngọt nửa chua như bưởi Biên Hòa, tiếng cười trong trẻo, hồn nhiên vọng lên trong trí mường tượng âm thanh mơ hồ và xa xăm nào đó mà anh đã ước mơ từ lâu lắm. Tiệm tạp hóa cũ, nghèo, bề bộn có cô bé tới lui, ngồi cúi đầu vào quyển tiểu thuyết khi vắng khách. '' Nếu cô ta thích đọc sách thời mình sẽ lấy cớ cho mượn sách để làm quen...'' Quỳnh nhủ thầm như thế.


Tiếng súng đột ngột nổi lên khiến cho Quỳnh đứng bật dậy. Đưa chiếc starlight scope lên anh nhìn về nơi có ánh lửa lóe sáng. Xa xa hướng tây nam nơi tàu vừa đổ quân bạn lên bờ, ánh lửa sáng lên từng chập cùng với tiếng nổ của đủ loại súng. Không đợi lệnh của thuyền trưởng, Tuấn đẩy mạnh cần ga. Hai máy tàu rú lớn. Chiếc tàu sắt rẽ nước tiến về trước nơi có súng nổ.
Giọng của Quỳnh vang rời rạc.
- 9 đây 11... Anh ở đâu?
- 9 nghe 11... Tôi đang trở lại chỗ Ông Địa...
Quốc trả lời gấp gáp. Càng tới gần Quỳnh nghe tiếng súng rền rền. Dưới ánh trăng mờ mờ lửa sáng, xuyên qua chiếc ống dòm anh thấy nhiều bóng người di động.
- Quỳnh Hoa đây Tánh Linh...


Quỳnh chụp lấy ống nói thật nhanh.
- Quỳnh Hoa nghe Tánh Linh...
Giọng nói của thiếu úy Tính, sĩ quan trung đội trưởng của địa phương quân gấp rút và hối hả lẫn trong đó tiếng súng vang chát chúa pha tiếng lựu đạn nổ ầm ầm.
- Quỳnh Hoa... Quỳnh Hoa... Tôi đang đụng với tụi nó... Nó có gà cồ... Nghe rõ trả lời...
- Quỳnh Hoa nghe Tánh Linh 5/5... Anh cần tôi yểm trợ...
- Tôi cố giữ vững vị trí... Sẽ cho biết sau...


Cuộc nói chuyện bị cắt đứt một cách đột ngột. Quỳnh đoán tình hình trở nên tồi tệ. Thiếu úy Tính chỉ có một trung đội. Sớm muộn gì ba mươi người lính với súng ống cũ mèm này sẽ bị địch tràn ngập vì hỏa lực yếu kém hơn. Dù biết điều đó song anh không thể làm gì khác hơn ngoại trừ yểm trợ hỏa lực. Tuy nhiên chiến đỉnh của anh không thể yểm trợ một cách hữu hiệu vì quân bạn cũng nằm trong tầm bắn của tàu trừ khi nào bắn hủy diệt mục tiêu. Điều này có nghĩa là bắn gục bạn lẫn địch. Súng nổ càng lúc càng dữ dội cho biết hai bên đang giao tranh ác liệt. Nhân viên của hai chiếc Alpha 9 và 11 đều ngồi vào ụ súng sẵn sàng tác xạ. Ra lệnh cho Tuấn lái tàu vào gần bờ hơn, Quỳnh ngồi im dùng ống dòm theo dõi trận đánh đang diễn ra trong đêm trăng sáng. Đạn lửa xẹt đầy trời. Anh nhận ra được tiếng AK 47 nổ rền át cả tiếng nổ của M16 và Carbine M2.
- Quỳnh Hoa đây Tánh Linh...


Đã chờ đợi từ lâu Quỳnh chụp nhanh lấy ống nói. Anh biết một giây trong lúc này rất quý giá. Nó có thể cứu vãn tình hình chiến trận và cứu sống nhiều mạng người.
- Quỳnh Hoa nghe Tánh Linh...
- Tôi... Tôi... Tụi nó đông lắm... Bắn... Bắn... Chỗ đó đó... Tụi nó vào gần lắm... Tôi...
Tiếng nói của người sĩ quan trung đội trưởng lộn xộn không thành câu, khi có khi mất vì bị át bởi tiếng hô xung phong và tiếng súng nổ ầm ầm...
- Quỳnh Hoa... Tôi sắp bị tràn ngập... Bắn... Bắn lên đầu tôi... Nghe rõ trả lời...


Quỳnh lặng người. Bắn hủy diệt mục tiêu. Anh chưa bao giờ làm một chuyện như vậy. Tuy nhiên anh phải quyết định nhanh. Ầm... Con tàu rung chuyển với âm thanh lùng bùng lỗ tai. Địch đã khai hỏa vào chiếc tàu của anh đang lềnh bềnh giữa sông. Quỳnh đứng bật dậy.
- Bắn...


Sang bấm nút điện khi nghe khẩu lệnh của thuyền trưởng. Hai khẩu đại liên trước mũi, khẩu đại bác 20 ly chạm nổ trên mui, khẩu đại liên 50 và khẩu M79 tự động ở sau lái cùng lúc khai hỏa. Đạn lửa kéo thành dây dài đỏ rực trong ánh trăng buông xuống cảnh vật vẻ mông lung và man rợ. Không khí như nóng lên với hàng ngàn viên đạn xói vào bờ, xói vào da thịt con người. Ánh trăng sáng bàng bạc không còn nữa mà hình như đổi thành màu đỏ của máu.
Trăng Buông
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15