watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Trăng Buông-Chương 1 - tác giả Chu Sa Lan Chu Sa Lan

Chu Sa Lan

Chương 1

Tác giả: Chu Sa Lan

Tháng 5-1973. 9 giờ sáng.


Hai chiếc tàu sắt từ từ lùi ra giữa sông rồi quay mũi chạy về hướng đông.
- Mình đi đâu vậy anh?


Tuấn hỏi trong lúc đẩy mạnh cần ga. Hai máy dầu cặn rú lớn và kim đồng hồ từ từ tăng lên tới số 1000. Ngồi trên mui Quỳnh vừa nhìn vào bản đồ vừa trả lời chậm và nhỏ. Giọng của anh khàn khàn có lẽ vì thức khuya uống rượu và hút thuốc lá hơi nhiều.
- Biên Hòa…
- Mình biệt phái lên đó hả?
- Ừ…


Quỳnh trả lời gọn như không muốn nói chuyện nhiều nhưng Tuấn vẫn tiếp tục hỏi. Là lính mới xuống tàu hơn một tháng nên nó tò mò muốn biết đủ mọi thứ.
- Mình làm gì trên đó hả anh?
- Tuần tiễu… Giữ an ninh thủy lộ sông Đồng Nai…


Đưa tấm bản đồ lên ngắm nghía giây lát Quỳnh nói tiếp sau khi quẹt diêm đốt điếu thuốc.
- Địch dùng thủy lộ sông Đồng Nai vận chuyển vũ khí nặng cùng đạn dược để đánh vào Biên Hòa. Mình có nhiệm vụ ngăn chặn...
- Mình có hai chiếc tàu…


Nói tới đó Tuấn ngừng lại song Quỳnh hiểu người lính mới của mình muốn ám chỉ điều gì. Hít hơi thuốc thật dài, nhả khói ra từ từ anh nói với giọng thật chậm.
- Hai chiếc đủ rồi... Họ chỉ xin hai chiếc...


Tuy trả lời song Quỳnh lại nghĩ thầm thằng này hỏi nhiều quá. Hỏi thì ai cũng có quyền hỏi song cũng phải biết có những điều không nên hỏi và khi nào không nên hỏi.
- Mình biệt phái bao lâu?
Quỳnh cúi mặt gần sát vào tấm bản đồ hành quân chi chít chữ để giấu sự khó chịu của mình. Lát sau anh mới tằng hắng tiếng nhỏ.
- Tao không biết… Có thể một tuần, ba tháng hoặc lâu hơn…
- Anh tới Biên Hòa chưa?
- Vài lần… Hồi còn đi học… Thằng Thành nhà nó ở tại chợ. Mày muốn biết hỏi nó…


Tiếng Thành ở sau lái vọng lên khi nghe Quỳnh bán cái cho mình.
- Mày phải bao tao chầu cà phê. Tao hổng có làm vú em chùa đâu nghen…


Quỳnh hơi mỉm cười khi nghe người lính cơ khí của mình lên tiếng. Tuy chỉ mới có ba tuổi lính nhưng nó là một trong những người lính cơ khí giỏi nhất của đơn vị. Nhà có tiệm sửa xe gắn máy vì vậy nó nhiều kinh nghiệm trong việc sửa chữa máy móc. Đó cũng là lý do khiến cho nó trở thành một chuyên viên về máy dầu cặn. Cũng nhờ nó có nhiều kinh nghiệm và siêng năng chịu khó bảo trì nên máy móc của chiếc tàu ít khi bị hư hỏng bất thình lình.


Thành bước ra trước mũi tàu. Dùng miếng giẻ lau hai bàn tay dính đầy dầu mỡ của mình nó móc túi lấy ra gói thuốc lá. Rút một điếu, bật chiếc zippo đốt thuốc xong nó leo lên ngồi cạnh thuyền trưởng.
- Chiều nay anh lên nhà tôi chơi nghen…


Cười cười nhìn người lính ở dưới quyền chỉ huy của mình hơn ba năm, Quỳnh hỏi gọn hai tiếng.
- Chuyện gì?
- Nhậu…
Thành trả lời thật vắn tắt. Quỳnh lắc lắc cái đầu tóc hơi dài của mình.
- Tao nhậu với ông Dương tối hôm qua giờ còn ớn. Ngửi mùi đế tao chóng mặt…


Thành cười hì hì. Hít hơi thuốc nó nói với thuyền trưởng một cách thân tình như nói với anh em trong nhà của mình.
- Ai bảo anh uống đế với vĩnh tòn ten. Tôi mời anh uống 33 mà… Anh mà nhậu đế hoài có ngày cháy ruột cháy gan…
Búng tàn thuốc lá xuống sông Quỳnh hừ tiếng nhỏ rồi mới nói như cố tình từ chối lời mời uống bia của nhân viên.
- Tao hết tiền rồi…
- Có sao đâu... Tôi bao anh mà... Mình lai rai vài chai 33 cho ngà ngà rồi nhìn đời bằng con mắt màu xanh...


Tuấn bật cười hắc hắc khi nghe Thành cải lương. Còn Quỳnh im lặng nhìn hai bên bờ sông như không muốn nói thêm. Những khóm dừa nước xanh um. Cỏ vàng úa. Nhà dân chúng lưa thưa. Mặt sông rộng ra và nước cũng bắt đầu đục hơn vì gần tới ngã ba. Hai con sông Vàm Cỏ Đông và Tây sẽ gặp nhau để biến thành con sông rộng hơn mang tên Vàm Cỏ rồi chảy thêm một khúc ngắn lại đổi tên thành sông Vàm Láng, khi ra gần tới biển lại nhập vào sông Soài Rạp rồi đổ ra biển Đông bằng cửa Soài Rạp. Dĩ nhiên tên Vàm Láng không có trên bản đồ hành quân mà chỉ là tên của dân địa phương đặt cho khúc sông ngắn mươi cây số này. Gió thổi mạnh. Nước lớn kéo theo từng dề lục bình trôi lang thang. Hàng dừa nước đung đưa trong cơn gió. Khóm cây bần mọc sát bờ sông lá vàng úa. Chiến tranh làm đất đai bị bỏ hoang nhiều hơn. Quỳnh đã thấy đất dọc theo sông Vàm Cỏ Đông từ trên vùng Bến Sỏi, Gò Dầu dài xuống tới Cần Giuộc hoang vắng không người cư ngụ và trở thành vùng tác xạ tự do.
- Alpha 11 đây 9…


Quỳnh nghe tiếng của Quốc vang trong máy 46. Như quen lệ Tuấn nhấc lấy ống nói đoạn đưa cho Quỳnh. Nó biết hai thuyền trưởng muốn nói chuyện với nhau.
- 11 nghe 9…
Quỳnh chậm chạp lên tiếng. Giọng của Quốc vang gấp gáp.
- Mình ngáo ở chợ Bưởi tối nay hả mậy?
- Ừa…
- Mày có chương trình giải trí gì hông?
- Hông… Mình tới đó trễ…
- Mấy giờ?
Quỳnh trả lời với giọng mệt mỏi.
- Chắc sáu bảy giờ…
Tiếng cười ha hả của Quốc vang vang cùng với giọng nói chế diễu và cợt đùa.
- Sáu bảy giờ mà trễ… Mày thành ông già hay đi tu hồi nào vậy?


Quỳnh cười nháy mắt với Thành. Cả hai biết Quốc quá nhiều. Nó sinh ở ngoài Bắc. Năm 54, mẹ bỏ nó lên thúng gánh xuống tàu há mồm đi vào Nam. Định cư ở Nha Trang nên nó có giọng nói trọ trẹ trung không ra trung mà bắc không ra bắc. Ngoài ra nó còn nổi tiếng trong đơn vị về tài nói nhanh, nói nhiều và nói dai hơn đĩa đói.
- Để tao nói chuyện với thằng Thành…


Quỳnh trao ống nói cho Thành xong im lặng nhìn dòng sông sáng lấp lánh của một ngày nắng nóng. Anh ước gì trời mưa để được nằm trên chiếc giường quen thuộc trong lòng tàu chật chội, vừa hút thuốc, vừa nhâm nhi ly cà phê và đọc lại bộ Anh Hùng Xạ Điêu. Tàu chạy ngang qua làng Nhật Tảo. Biết bao lần tàu đã chạy ngang qua địa danh nổi tiếng trong lịch sử đấu tranh hào hùng và bất khuất của dân tộc song anh vẫn chưa có dịp ghé thăm.


Lá cờ vàng ba sọc đỏ bay phất phơ đằng sau lái của chiếc Alpha 9. Khi biệt phái cho các đơn vị bạn, bộ chỉ huy thường chọn các chiến đỉnh mà máy móc đang nằm trong tình trạng tốt nhất. Do đó mà các khinh tốc đỉnh mang số 9 và 11 được tuyển chọn vì hỏa lực mạnh, tốc độ nhanh và máy tàu tốt so với số còn lại. Nguyên giang đoàn có 7 khinh tốc đỉnh mang số 7, 8, 9, 11, 12, và 14. Vị chỉ huy trưởng của giang đoàn tin dị đoan nên khi nhận tàu từ hải quân Hoa Kỳ, ông ta đổi chiếc tàu mang số 10 thành ra 14. Lính nói giễu là ông có máu cờ bạc nên không thích số bù. Tuy nhiên lính vẫn quen gọi là Alpha 10.
- Mình đi ngã nào hả anh?


Tuấn lên tiếng hỏi. Thành trả lời khi thấy Quỳnh đã bỏ ra sau lái.
- Chạy chút nữa mày sẽ thấy bờ bên trái có con kinh đổ ra. Đó là Kinh Nước Mặn. Thằng 9 đi đâu mày theo đó...
Không hỏi nữa Tuấn vừa lái tàu vừa cầm lấy tấm bản đồ lên chăm chú xem. Lát sau nó lẩm bẩm.
- Nước Mặn đi ra sông Nhà Bè… Nhà Bè đi Biên Hòa… Mình khỏi hỏi ai hết…


Thành mỉm cười khi nghe người lính mới lẩm bẩm. Tính mở miệng nói điều gì song nghĩ sao nó lại lắc đầu rồi chậm chạp leo xuống sàn tàu đứng nhìn chiếc Alpha 9 ở trước mặt đang từ từ rẽ vào Kinh Nước Mặn. Đi lại nhiều lần biết thủy trình có an ninh nên Quỳnh chui vào giường nằm đọc truyện chưởng một lát rồi thiếp ngủ.
- Anh Quỳnh… Tới Nhà Bè rồi…


Quỳnh hơi cựa mình khi nghe tiếng của Sang, thuyền phó vang bên tai. Giọng nói nhừa nhựa và còn ngái ngủ của anh vang chậm và rời rạc.
- Biết rồi… Chừng nào tới kho 5 gọi tao…
Sang vừa quay lưng đi Quỳnh nói vói theo.
- Nhớ bảo thằng Tuấn chạy sát bên bờ Thủ Thiêm khi gần tới bộ tư lệnh…


Sang gật đầu hiểu ý của cấp chỉ huy. Leo lên mui anh ra lệnh cho Tuấn đổi hướng đi sát bờ bên phải. Nhà sàn cất san sát dọc bờ sông xen lẫn với nhà ngói và cao ốc hai ba tầng. Thương thuyền trong nước và ngoại quốc buông neo đầy trên dòng nước khiến cho con sông Nhà Bè trở nên bận rộn suốt ngày đêm. Trong thời buổi chiến tranh thương cảng Sài Gòn trở thành một trong những thương cảng rộn rịp nhất của vùng Viễn Đông. Chậm chạp và lặng lẽ hai chiến đỉnh men theo bờ sông phía bên Thủ Thiêm đi lên Biên Hòa.


Khom người bước ra ngoài Quỳnh đứng nhìn hải quân công xưởng mà ngày xưa còn có tên sở Ba Son. Tàu chạy qua rạch Thị Nghè rồi lát sau tới Ngã Ba Đèn Đỏ, nơi sông Sài Gòn nhập vào sông Đồng Nai.
- Sông đó là sông Sài Gòn hả anh?


Tuấn vừa bẻ lái vừa nhìn bản đồ rồi đưa tay chỉ. Quỳnh gật đầu làm thinh. Rút gói thuốc lấy ra một điếu, gõ nhè nhẹ lên cái hộp quẹt rồi sau đó mới đốt thuốc. Hít hơi dài nhả khói ra từ từ anh cất giọng khàn khàn.
- Sông Sài Gòn là tên mà dân chúng hay gọi con sông phát nguyên từ hồ Dầu Tiếng, chảy qua địa phận tỉnh Bình Dương rồi đổ vào sông Đồng Nai tại Ngã Ba Đèn Đỏ mà mày vừa chỉ đó. Thật ra con sông này được chia ra nhiều khúc mà tên gọi khác nhau…


Quỳnh ngừng lại để hít hơi thuốc. Đang đứng nơi cột ra đa, nghe thuyền trưởng nói Thành lên tiếng.
- Thật hả anh. Tôi chỉ biết có tên sông Sài Gòn…


Quỳnh cười gật gù.
- Tao nói theo sách vở… Từ hồ Dầu Tiếng tới gần chợ Thủ có tên sông Ngã Cái. Từ chợ Thủ Dầu Một tới cầu Bình Lợi người ta gọi là sông Thủ Khúc. Đoạn sông từ Bình Lợi tới ngã ba Đèn Đỏ gọi là sông Sài Gòn…
Thành hứ tiếng nhỏ.
- Kỳ quá… Lấy khúc sông Sài Gòn ngắn ngủn mà đặt tên cho cả nguyên con sông dài mấy trăm cây số…
Quỳnh cười cười hít hơi thuốc rồi im lặng như không muốn bàn cãi thêm. Búng tàn thuốc rơi xuống sông Thành lại hỏi.
- Sao gọi là sông Thủ Khúc hả anh?
Quỳnh ngập ngừng khá lâu mới trả lời.
- Tao không biết nhưng đoán Thủ là Thủ Dầu Một còn Khúc là khúc sông. Như vậy sông Thủ Khúc là khúc sông chảy qua tỉnh Thủ Dầu Một… Đó là tên gọi xưa của tỉnh Bình Dương…
Nói dứt Quỳnh ngừng lại rít hơi thuốc thật dài rồi mới lên tiếng hỏi sau khi ném tàn thuốc xuống nước.
- Mấy giờ rồi?
Thành giơ tay lên nhìn vào mặt chiếc đồng hồ Seiko.
- 2 giờ rưởi…


Lẩm bẩm mấy tiếng trong miệng Quỳnh ngước nhìn xóm nhà khá đông nằm dọc theo bờ sông. Đó là Cát Lái, nơi có một căn cứ của hải quân. Đối diện với Cát Lái là kho đạn Thành Thủy Hạ.
- Căn cứ gì vậy anh?
Tuấn hỏi.
- Căn cứ hải quân Cát Lái…
Trả lời xong Quỳnh hỏi lại.
- Mày chạy bao nhiêu?
- 1200…
- Lên 1500 đi… Muốn đi uống cà phê ở chợ Bưởi thời mày phải chạy ngàn rưởi hay ngàn bảy mới kịp… Từ đây lên đó khá xa…
Tuân lệnh thuyền trưởng Tuấn nhấn mạnh cần ga. Hai máy dầu cặn rú lớn phun ra chút khói trắng tan nhanh trong không khí. Nước sau lái tàu sủi bọt trắng xóa. Gió buổi trưa mùa hạ nóng nhưng nhờ ở giữa sông lớn nên không oi bức lắm.


Sang cười nói với Thành.
- Một máy mới đại kỳ chạy đã nghe mậy…
Gật đầu Thành bật cười hắc hắc nói đùa với Sang.
- Cho sếp Quốc hửi khói của mình…


Nó vừa dứt lời thời giọng của Quốc vang vang trong máy 46.
- Alpha 11 đây 9… Tiên sư anh… Anh ỷ có máy mới anh cho tụi này hửi khói của anh hả…
Tuấn định chụp lấy ống nói thời Thành nhanh tay hơn hớt trước.
- Anh nhanh lên… Chậm là tui gả em gái của tui cho thằng Tuấn…


Cái giọng nửa Bắc nửa Nha Trang của Quốc vang ong óng trong máy truyền tin át cả tiếng cười khằng khặc của Thành.
- Mày đừng có dại dột đem em mầy gã cho thằng Tuấn. Đó là trao duyên lầm tướng cướp…


Giọng nhừa nhựa của Quỳnh vang lên chậm chạp.
- Còn hơn trao duyên cho thằng sở khanh như mày… Tướng cướp dù sao cũng có lương tâm hơn sở khanh…
Nhân viên của chiếc Alpha 11 cười ha hả khi nghe Quốc im lặng. Quỳnh tiếp liền theo.
- Trao duyên cho thằng sở khanh như mày để lãnh cái bầu à. Mày mà biết nó có bầu mà mày ca bài… Chiều nay ra khơi thoáng thấy dáng em có bầu… Tàu anh chạy tuốt…


Đang ngồi trong ụ súng đại liên 12 ly 7, Sang bật cười sằng sặc khi nghe Quỳnh ca bài Hoa Biển của Anh Thy. Bản nhạc này đã được thủy thủ ở các giang đoàn tác chiến của hải quân hát đi hát lại nhiều lần. Tùy theo hoàn cảnh và tùy theo người, họ sửa lời nhạc lại và hát như Quỳnh để biến bài Hoa Biển thành bài hát phổ thông đồng thời cũng làm cho Anh Thy nổi tiếng hơn dù nhạc sĩ tài hoa này không sáng tác nhiều vì đã hy sinh trên chiến trường lúc tuổi còn trẻ. Như hồi ở Rạch Giá anh đã nghe họ hát câu: '' Chiều nay ra khơi sóng lắc ghe chai muốn chìm...''


Kỳ và Biên bước ra trước mũi. Cũng giống như nhiều chiến đỉnh khác, chiếc Alpha 11 có sáu nhân viên kể cả thuyền trưởng với ba ngành cần thiết nhất là vận chuyển, cơ khí và trọng pháo. Quỳnh với Tuấn thuộc ngành vận chuyển; Sang, thuyền phó với Kỳ ngành trọng pháo; còn Thành và Biên ngành cơ khí. Nguyên tắc thời như vậy song hầu hết nhân viên thuộc các giang đoàn tác chiến đều là thủy thủ đa năng, đa nghề và đa hiệu, nhất là vị thuyền trưởng.


Quay nhìn chiếc tàu của Quốc xả khói đen cố bám theo tàu của mình đang ngược con nước ròng đi về Long Bình, Quỳnh ra lệnh cho Kỳ.
- Mày coi lại ụ 20 ly đi… Mình sẽ đụng với tụi nó…
Kỳ vừa quay lưng đi ra đằng sau lái anh nói vọng theo.
- Hai cây 50 và khẩu M79 đằng sau lái nữa… Nhớ lắp thêm đạn…


Kỳ im lặng vừa đi vừa lầm bầm. Quỳnh hướng về Sang đang ngồi nơi ụ 50 trước nói như mắng vốn vì Sang là người chỉ huy trực tiếp của Kỳ.
- Thằng đó chơi thời được mà làm thời lầm bầm…
Sang cười khặc khặc.
- Anh biết mà... Có tài thời có tật… Anh chọn nó chứ ai…


Quỳnh làm thinh không muốn cãi với Sang. Chức vụ thuyền trưởng nhỏ bé và ít quyền hạn không cho phép anh từ chối việc bổ xung nhân viên từ bộ chỉ huy giang đoàn. Huống chi lúc đó tàu lại đang thiếu hụt nhân viên trầm trọng vì Sang và Thành đều bị thương đang nằm bệnh xá, do đó anh đành phải nhận Kỳ dù không có thiện cảm với người lính có tật xấu này. Anh không biết ở các đơn vị khác thì thế nào nhưng riêng ở giang đoàn này thì lính càng cũ chừng nào càng khó trị chừng đó. Ỷ vào thâm niên và cấp bậc, lính cũ trở nên ba gai, ba trợn và ba đá. Dĩ nhiên đây chỉ là thiểu số mà thôi. Kỳ là một trong thiểu số lính cũ có một trong ba cái ba đó.


Chiếc tàu sắt rẽ nước phăng phăng tiến về hướng Long Bình. Bờ bên trái cây lá xanh um. Nhà lá và nhà ngói xen lẫn nhau. Hàng cau cao vút vượt lên trên nền trời xanh. Ngồi trên mui tàu ngắm những cây cau lã ngọn Quỳnh chợt nhớ tới quê ngoại của mình. Đã lâu lắm rồi, từ khi vùng đất mến yêu biến thành vùng giải phóng của địch, anh không còn dịp trở về nữa. Anh cảm thấy giữa mình với quê làng càng ngày càng bị chia cắt và cách xa hơn. Điều đó làm cho anh đau lòng và nỗi đau thầm kín xoáy sâu vào trong tâm khảm, hình tượng hoài hủy sự khắc khoải và ưu tư của người lính trẻ về cuộc nội chiến giữa hai miền Nam Bắc.


Quỳnh hơi ngửng đầu lên nhìn chiếc ghe gắn máy đuôi tôm từ trong con rạch nhỏ chạy ra. Chiếc ghe lớn khẳm lừ xuôi về miệt Sài Gòn. Dòng sông Đồng Nai chói chang ánh nắng. Bọt nước nổi lăn tăn xa đằng trước mặt. Trong bóng nắng của nước anh hồi tưởng lại tuổi học trò của mình. Tuổi mười bảy. Đệ tam. Hè. Anh và cô bạn học trường Lê Văn Duyệt đạp xe lên Lái Thiêu. Vườn trái cây rợp bóng mát. Nắng rơi theo bước chân đi. Nắng lỗ chỗ đọng trên mái tóc huyền dài xỏa lưng của Bình Minh. Tà áo dài bay trong cơn gió đồng. Đôi mắt trong đen của Bình Mình nhìn sâu thẳm miên man tình ý. Hò hẹn lâu rồi anh nói đi… Quỳnh chưa hề nói lời tình tự dù Bình Minh hiểu anh muốn nói điều gì. Tình bạn ngày càng thêm gắn bó, thân thiết và kéo dài tới khi thi xong tú tài 1. Quỳnh đi lính mà không hề giải thích cho cô bạn gái biết. Từ đó là xa nhau, là thôi không thấy nhau nữa. Anh cũng không bao giờ trở lại trường Lê Văn Duyệt để tìm Bình Minh. Dù vậy trong tâm tưởng anh đôi khi vẫn nhớ nàng.
- Alpha 11 đây Tango…


Tuấn nhấc lấy ống nói trao cho thuyền trưởng. Nghe giọng nói sang sảng Quỳnh biết đó là trung úy Trực, trưởng ban hành quân kiêm sĩ quan giang đỉnh của đơn vị.
- Alpha 11 nghe Tango…
- 11 đang ở đâu?
- Trình Tango tôi đang ở cách Lima Bravo chừng hai ô vuông…
- Khi nào tới Bravo Hotel, 11 báo cáo cho Tango biết… Nghe rõ trả lời…
Hiểu ý Quỳnh nói nhanh.
- Trình Tango… Tôi sẽ báo cáo khi tới Bravo Hotel…


Cuộc điện đàm chấm dứt. Đưa ống nói cho Tuấn, Quỳnh bật lửa đốt thuốc xong lại cắm đầu xuống tấm bản đồ hành quân đoạn chui vào phòng lái lục lọi trong đống sách vở bề bộn.
- Anh tìm gì vậy?


Tuấn lên tiếng hỏi nhưng Quỳnh im lặng không trả lời. Có thể anh không nghe hoặc nghe mà không muốn trả lời. Thấy vậy Tuấn nín thinh luôn vì biết mình đã quá tò mò vào chuyện của cấp chỉ huy. Có lẽ cũng biết điều đó nên Quỳnh tằng hắng tiếng nhỏ rồi thong thả giải thích cho người lính mới xuống tàu của mình nghe.
- Tao tìm cuốn sổ tay...


Lôi ra trong đống sách vở và tài liệu, Quỳnh đưa cuốn sổ tay cũ rích lên cho Tuấn thấy.
- Tao có thằng quen cùng xóm đi giang đoàn 24 xung phong. Đơn vị của nó từng hoạt động trên sông Đồng Nai. Mỗi lần tụi tao gặp nhau nó kể chuyện bị du kích núp bắn. Tao nhớ là tao đã ghi vào cuốn sổ tay những địa điểm mà nó kể. Nếu biết địa điểm...


Quỳnh ngừng lại. Tuy anh không nói hết câu song Tuấn hiểu. Leo lên mui tàu, đốt điếu thuốc, Quỳnh chậm rãi lật cuốn sổ tay cũ mèm có nhiều trang đã rời ra.
- Đây rồi...


Quỳnh lẩm bẩm. Như để thưởng cho trí nhớ của mình anh mỉm cười thích thú rít liên tiếp hai hơi thuốc thật dài rồi nhả ra từ từ. Khói thuốc theo gió bay vào mũi của Tuấn mùi hăng hăng. Mới đi lính gần một năm nên nó chưa nhiễm thói hư và tật xấu của lính. Đối với Tuấn, hút thuốc và uống rượu là thói hư còn đánh bài và chửi thề là tật xấu. Năm người lính cũ trên tàu nếu không có thói hư thời cũng có tật xấu hoặc có người có cả hai thứ ngoại trừ Ông Từ Sang. Không hút thuốc, không uống rượu, không chửi thề cũng không đánh bạc; Sang là một người lính gương mẫu của đơn vị và gia đình. Bởi vậy Sang mới được lính dưới tàu đặt cho biệt danh Ông Từ. Tiền lương lãnh ra nó không xài đồng nào mà đem về cho vợ. Nó có một phương châm sống rất giản dị và thực hành một cách đúng đắn. Không ăn của ai và cũng không ai ăn của nó được. Sang rất sòng phẳng trong chuyện tiền bạc. Tuấn nhận thấy lâu lâu Quỳnh mời Sang ăn sáng thời sau đó nó lại bao thuyền trưởng chai 33. Ở chung tàu với nhau lâu nên cả hai hiểu tính nhau và đối đãi với nhau rất sòng phẳng và điệu nghệ. Quỳnh với Thành là hai người có thói hư mà không có tật xấu. Đó là hút thuốc và uống rượu. Quỳnh hút thuốc lá liên miên, hết điếu này sang điếu khác. Anh hút hai hoặc ba gói mỗi ngày. Có thể nói Quỳnh xài hơn phân nửa tiền lương của mình vào thuốc lá và rượu. Số còn lại cho sách đọc và chi tiêu lặt vặt. Tuấn nhận thấy thuyền trưởng của mình đọc sách nhiều ngang với hút thuốc. Trên môi điếu thuốc thời trên tay anh là cuốn sách. Sách gì cũng được. Tờ Bách Khoa cũ mèm, tờ Sáng Tạo rách tả tơi, bộ truyện Ba Sinh Hương Lửa, Dọc Đường Số 1 và bộ truyện chưởng của Kim Dung đều lại được anh nâng niu và gìn giữ kỹ lưỡng hơn bộ quân phục đang mặc trên người. Một lần khi làm sạch sẽ cho tàu Tuấn mới khám phá ra dưới gầm giường của Quỳnh có vô số sách báo được chứa trong những thùng đạn đại liên.
- Mình tới đâu rồi anh?


Tuấn hỏi. Quỳnh ngước lên nhìn vào bờ bên phải rồi lát sau mới trả lời.
- Căn cứ Long Bình...
Thấy người lính mới tỏ vẻ ngơ ngác khi nghe mình nói tới tên Long Bình, Quỳnh mỉm cười hít hơi thuốc rồi mới giải thích vắn tắt.
- Mày ở Cai Lậy nên không biết nó đâu. Long Bình là căn cứ của lính Mỹ. Bây giờ Mỹ rút rồi nên giao lại cho lính mình. Hải quân cũng có một căn cứ dọc bờ sông...
- Tại sao lại đặt tên Long Bình?
Quỳnh bật cười hăng hắc vì câu hỏi này. Anh chưa kịp trả lời, tiếng của Thành vọng ra từ trong phòng ngủ. Chắc nó nghe được câu hỏi của Tuấn.
- Tại sao mày tên Tuấn?
- Ba má tôi đặt mà. Ổng bả nói hồi mới sinh ra tôi đẹp trai lắm nên ông bả đặt tên Tuấn, có nghĩa là tuấn tú...
Quỳnh mỉm cười khi nghe giọng cười khặc khặc trong họng của Thành. Được dịp xỏ xiên nên nó không khi nào chịu bỏ. Từ trong hầm chui ra đứng nơi mũi tàu nó xỏ liền một câu.
- Hồi nhỏ mày tuấn tú, đẹp trai sao bây giờ mười hai con giáp tao thấy mầy hổng giống con giáp nào...
Sang thêm vào một câu mà khi nghe xong Quỳnh không nhịn được phải bật lên tiếng cười.
- Chắc tại nó ăn trúng cái gì nên người nó méo mó, khỉ không ra khỉ mà người không ra người... Nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi là nó đó...
Thành phá ra cười sặc sụa khiến cho Tuấn xụ mặt xuống và im lặng không dám nói thêm câu nào nữa. Nó đã khôn ra và biết im lặng là cách hay nhất để khỏi bị chọc quê thêm nữa, nhất là không tranh cãi với mấy người lính cũ chuyên ăn nói sống sượng và tìm đủ mọi cách chọc ghẹo mình.
- Chừng nào mình mới tới Biên Hòa hả anh?
Tuấn cố tình lãng sang chuyện khác bằng cách quay qua bắt chuyện với thuyền trưởng của mình. Hiểu ý Quỳnh cười cười.
- Chừng năm giờ rưởi...
- Anh đi nhậu hả?
- Chắc không...
- Thằng Thành rủ anh mà...
Quỳnh nhẹ lắc đầu.
- Tao ớn nhậu rồi. Chỉ muốn ngủ... Để thằng Quốc đi với nó...
17 giờ. Dòng sông nước trong xanh làm cho Quỳnh nhớ tới con sông Vàm Cỏ Đông khi lên tới vùng Trà Cú và Hiệp Hòa. Đang chăm chú vào tấm bản đồ, Quỳnh ngước lên khi nghe Tuấn hỏi.
- Mình đi ngã nào anh?
- Đi sát bên trái... đi thẳng...


Cắm đầu vào bản đồ Quỳnh nói chậm rãi như muốn giải thích cho người lính mới của mình biết rõ hơn.
- Chỗ này là làng Hiệp Hòa. Sông Đồng Nai tới đây chia ra làm hai dòng. Dòng bên trái là dòng sông chính, còn dòng bên phải là dòng phụ có tên Rạch Cát. Nó uốn cong hình chữ U tạo thành một cù lao tên Cù Lao Phố... Đây là địa danh nổi tiếng ngày xưa...


Tuấn im lặng đưa ống dòm lên quan sát rồi lên tiếng.
- Có nhà dân nhiều lắm... Chắc bưởi Biên Hòa trồng ở đây...
Quỳnh im lặng không nói chuyện nữa vì bận làm việc. Anh đọc cuốn sổ tay của mình rồi sau đó dùng viết mực đỏ khoanh tròn các địa điểm trên bản đồ. Anh nhận thấy các địa điểm được mình ghi ra đều nằm ở khúc sông qua khỏi Rạch Ông Tiếp tới Uyên Hưng và kéo dài lên tới ngã ba của con sông Rạng Đông.


5 giờ rưởi chiều. Hai chiếc Alpha 9 và 11 cập vào cầu nổi của căn cứ tạm thuộc giang đoàn 24 xung phong. Quỳnh cùng Quốc đi lên bộ chỉ huy nhẹ của giang đoàn 24. Khoảng nửa tiếng đồng hồ sau hai thuyền trưởng trở xuống tàu. Quỳnh nói với nhân viên.
- Mình nghỉ ở đây đêm nay. Sáng mai mình mới vào vùng công tác...
Thấy bạn đang ngồi sau lái nhìn dòng nước trong xanh lừ đừ chảy Quốc lên tiếng.
- Mày đi nhậu không?
Quỳnh lắc đầu cười.
- Tao nhức đầu chỉ muốn ngủ...
Nhìn mặt trời còn treo lơ lửng trên ngọn của hàng cây bên kia sông Quốc cười hà hà.
- Giờ này mà ngủ cái gì. Đi... Tao với mày lai rai vài chai rồi về...
Quỳnh lắc đầu uể oải đứng dậy.
- Mày đi với thằng Thành đi... Tao nằm đọc sách một chút rồi khò...
Không nài ép thêm Quốc nhảy lên cầu nổi trong lúc Quỳnh chui vào giường của mình.
Trăng Buông
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15