Hồi 16
Tác giả: Cổ Long
Đệ tử ngu muội, chỉ sợ là có gặp được nó cũng không nhận ra.
Cao Quang sốt ruột xen lời nói:
- Lão thiền sư nói như thế thì cho dù có được loại Tử viêm hoa này, cũng không thể nào cứu mạng đại ca của tại hạ sao?
Lão tăng nhắm mắt không nói, dường như chưa nghe thấy lời của Cao Quang hỏi. Cao Quang tức uất người, nghĩ bụng: - Cái lão hòa thượng này không thích rượu mời lại thích uống rượu phạt, thật chứ nếu như ngươi không cứu được đại ca ta thì cũng đừng mong sống nổi.
Thốt nhiên, thò tay chụp vào mạch cổ tay của lão tăng. Hoàng Vĩnh vội đưa nhanh hữu chưởng đánh bật tay phải của Cao Quang ngầm dùng thuật truyền âm, sẽ mắng:
- Võ công của lão hơn anh em chúng ta gấp bội, tam đệ hành động lỗ mãng như thế chẳng phải là muốn tự chuốc lấy cái khổ?
Chỉ thấy trên gương mặt lão tăng sau giây phút rung động, hốt từ từ mở mắt ra, nói: - Nhị vị thí chủ đã lấy được Tử viêm hoa, đủ chứng tỏ là tính mệnh của lệnh huynh chưa đến nổi tuyệt. Còn chuyện tìm giống kim vỹ ly ngư lão có thể chỉ rõ đường đi cho nhị vị, nhị vị có lấy được hay không, đối với lão cũng chẳng quan hệ.
- Lão thiền sư đã có lòng chỉ điểm, chúng tôi xin cảm kích lắm rồi. Lão tăng chậm rãi nói:
- Xin nhị vị lưu tâm, lão nạp chỉ nói có một lần, bất luận nhị vị có nghe rõ hay không cũng không được hỏi, và cho có muốn hỏi, lão nạp cũng không thể lập lại lần thứ hai.
Cao Quang nghĩ bụng:
- Làm gì có chuyện muốn nói thì nói, không nói thì thôi, ngươi cứ nói đi, nếu nghe chưa rõ ta sẽ bắt ngươi nói lại cho xem.
Lão tăng bắt đầu cất giọng trầm trầm:
- Từ đây đi bốn mươi dặm về phía Bác sẽ gặp hai cây dâu già, đi xuyên qua giữa hai cây dâu già ấy là một lối nhỏ, cây cỏ um tùm, có thể nhận ra dấu vết...
Cao Quang sẽ đằng hắng, cắt đứt câu nói bỏ dở của lão tăng. Lão tăng cao giọng: - Lão nạp có lời nói trước, xin nhị vị không nên hỏi nhiều, chỉ cần xen vào một câu, nhị vị sẽ dẫn lệnh huynh rời khỏi nơi đây lập tức.
Thần sắc trang nghiêm và giọng nói cương quyết của lão tăng, quả nhiên đã làm cho Cao Quang hoảng sợ, không dám xen lời.
Lão tăng chột mắt lại nói tiếp:
- Có lẽ nhị vị thí chủ cần phải đi độ một tiếng đồng hồ mới đến một ngọn nhai cao chót vót, trên ngọn nhai này có một căn nhà tranh. Bất luận là người trong gian nhà tranh ấy có nhục mạ nhị vị như thế nào đi nữa thì nhị vị cũng không nên sanh chuyện với bọn họ. Sau khi nhị vị vượt qua được mái nhà ấy, đi vòng chừng sáu bảy dặm sẽ lên đến đỉnh núi. Nơi đây có một đầm nước rộng độ chừng năm sáu trượng, trong đầm có nuôi hai con kim vỹ ly ngư, nhưng nhị vị cần nhớ kỹ là không được tham nhiều, chỉ lấy một con rồi phải bỏ đi ngay.
Hoàng Vĩnh rất lấy làm lạ nghĩ bụng:
- Lão hòa thượng này thật là kỳ lạ, nếu kết thù thì đã kết rồi, việc chi lại không nói rõ ra. Lão tăng sẽ chớp chớp con mắt duy nhất tiếp lời: - Lúc này trời đã khuya, chư vị muốn lên đường ngay thì cứ đi, còn không nên đi nghĩ đi. Hoàng Vĩnh thốt nhiên vòng tay nói: - Anh em chúng tôi ra đi chuyến này, nếu như có điều chi bất trắc xin lão thiền sư chiếu cố đến đại ca của tại hạ.
- Lão nguyện sẽ hết sức trông nom cho lệnh huynh.
- Được một lời hứa của lão thiền sư, dẫu có chết anh em chúng tôi cũng yên tâm.
Nói rồi chàng quay người cất bước ra đi. Cao Quang còn nhiều điều thắc mắc, nhưng sợ chần chừ nán lại, sẽ không theo kịp người anh, cho nên cũng đành vội vã bước theo ra. Hai người y theo lời dặn của lão tăng, đi về phía bắc chừng bốn mươi dặm, quả nhiên liền thấy hai cây dâu như đã sống lâu đời lắm rồi. Nhìn giữa hai cây dâu ấy, thấy lờ mờ ẩn hiện có vết chân người đi qua. Hoàng Vĩnh nghĩ bụng:
- Nếu là họa cũng không thể nào tránh được, ta cứ thử tiến lên xem.
Lúc ấy mặt trời đã lên độ ba sào, hai người nối gót nhau, hướng thẳng lên núi. Đúng như lời lão tăng chột mắt nói, hai người đi được một đỗi, liền thấy trên một ngọn nhai mọc cheo leo, lù lù xuất hiện một căn nhà lá, chắn ngay trước mặt hai người.
Căn nhà này lợp tranh, trông rất sơ sài. Bấy giờ, tuy cánh cửa treo mở rộng, nhưng không thấy một bóng người nào. Hai người vừa chợt vượt qua, thốt nhiên có một giọng đàn bà sắc lạnh từ trong căn nhà truyền ra, nói: - Nhị vị đến đây với mục đích gì?
Hoàng Vĩnh cố bình tĩnh nói: - Chúng tôi muốn lên núi ngoạn cảnh. Giọng đàn bà cười nhạt tiếp:
- Nhị vị thật thú, lại còn có lòng dạ để ngoạn cảnh nữa sao?
Hoàng Vĩnh thốt nhớ tới lời dặn dò của lão tăng là đừng cần để ý đến người trong nhà, cho nên liền nắm tay người em, đi vòng qua phía sau tiếp tục hướng thẳng lên đỉnh núi.
Quảng đường trên này, vì cây cỏ mọc lan tràn, che lấp cả lối đi nên hai người đành phải thi triển khinh công, chạy một hơi lên đến đỉnh núi.
Hoàng Vĩnh ngẩng đầu nhìn lên, quả nhiên thấy có một cái đầm nước, rộng chừng năm sáu trượng. Hai bên đầm, còn thấy có một ngôi nhà đá và một chiếc thuyền con được buộc vào gốc cây tùng ở mé ngoài.
Cao Quang chạy sấn tới, thấy hai cánh cửa đóng chặt, bên ngoài được khóa kỷ, ý chừng người nhà đã đi vắng.
Hoàng Vĩnh đảo mắt nhìn kỷ, chợt phát giác chiếc đầm ấy chỉ sâu chừng ba thước, mắt nước trong xanh, có thể nhìn thấu đáy. Trong đầm có vô số những giống cá lạ mà hầu hết chàng chưa được thấy qua.
Hai người chèo chiếc thuyền con đi dạo quanh đầm, vì chỉ chú trọng tìm loài cá đuôi vàng cho nên không ai còn lòng dạ ngắm cái cảnh những đàn cá đang tung tăng bơi lội đủ màu sắc ấy. Chiếc thuyền vừa đến gần vách núi phía đông, hốt nhiên nước đầm như sâu thẳm. Cùng lúc một con cá toàn thân sắc đỏ, đuôi lóng lánh những đường kim tuyến, dài chừng thước, đang nổi trên mặt nước. Hoàng Vĩnh mừng quá, nhưng cũng cố nén, thầm cầu nguyện:
- Mạng đại ca chắc không đến nổi tuyệt, xin hoàng thiên che chở.
Đột ngột thò tay nhanh nhẹn chụp về phía con cá vẩy đỏ đuôi vàng. Những tưởng con cá này mình mẩy phải trơn tuột, không thể chụp nắm được, chẳng dè sự việc lại rất đổi bất ngờ. Con cá không động đậy, vẫn nằm ngay đơ trên mặt nước, bị Hoàng Vĩnh bắt rất dễ dàng. Cao Quang đưa nhanh mắt, phát giác ở ngay đằng cuối thuyền có để một cái thùng gỗ, thuận tay với lấy, múc nước vào nói: - Ném cá vào trong này đi, rồi ta đem theo cái thùng gỗ này về Tiểu thiên vương tự, chắc con cá kim vỹ ly này không đến nỗi chết đâu.
Hoàng Vĩnh đưa mắt nhìn quanh quất nói:
- Lạy trời ở ngôi nhà tranh kia không có phục binh thì hay quá.
Thuyền đã cập bờ. Hoàng Vĩnh cột dây chặt chẽ đâu đó, sẽ giọng bảo Cao Quang: - Ta mở đường, tam đệ giữ thùng cá đi sau, vạn nhất có người xông ra cản đường, ta lo phần nghinh địch, tam đệ phải hết sức nhanh, chạy thật khỏe cho mau đem cá về miếu.
- Tiểu đệ xin ghi nhớ.
Hoàng Vĩnh cẩn thận, sợ gặp phải một trường ác chiến, vội rút soạt trường kiếm đeo sau lưng đi đầu mở đường. Cao Quang bưng thùng gỗ theo sát. Hộc tốc một thoáng, hai người đã chạy tới gần ngôi nhà tranh. Hốt nhiên một giọng nói the thé của một lão bà từ trong vọng ra quát: - Giỏi thật, các ngươi đi ăn trộm cá, thế mà không sớm cho ta biết qua một tiếng, để tam cũng đi kiếm vài con coi.
Hoàng Vĩnh sẽ giọng dặn Cao Quang:
- Nếu như người này xuất hiện, trong lúc ta giao chiến, tam đệ phải chạy thật nhanh để mặc ta, miễn là tam đệ chạy về được miếu là tốt rồi.
Dặn em xong, Hoàng Vĩnh cao giọng đáp lời đối phương.
- Chúng tôi không được biết lão tiền bối có nhã hứng ấy, nếu được biết sớm, tất chúng tôi đã mời tiền bối cùng đi cho vui.
Giọng nói già cả gạn hỏi:
- Các ngươi đánh cắp mấy con cá thế? Hoàng Vĩnh nghĩ bụng:
- Nghe khẩu khí người đàn bà này chắc cũng có quan hệ nhiều với người nuôi cá ở trên đỉnh núi, thể tất trong lời nói của ta phải dè dặt lắm mới được.
Nghĩ đoạn, chàng chậm rãi đáp: - Bọn tại hạ chỉ lấy có một con. - Tại sao lại chỉ lấy có một con?
- Một con cũng đã đủ dùng rồi, lấy nhiều chẳng hóa ra làm thiệt người lợi cho mình sao? Hốt nhiên nghe tiếng bánh xe lăn, ở giữa ngôi nhà tranh chợt hiện ra một cỗ xe. Trên xe có một bào lão tóc bạc ngồi chễm chệ, tay cầm một cây gậy trúc, mái tóc trắng tung bay. Trông cũng có tiên cốt, duy có điều da mặt xanh rớt, như thể lâu ngày không ra ngoài ánh sáng. Im lặng giây lâu, bà lão giơ tả thủ vẩy gọi: - Tới đây để ta xem các ngươi bắt con cá nào của y.
Hoàng Vĩnh mượn dịp quay lại, ngầm dùng thuật truyền âm bảo em:
- Tam đệ hãy coi theo cử động của ta, vạn nhất ta có giao đấu với lão bà ấy, tam đệ phải lên đường ngay.
Cao Quang sẽ dạ, hai người cùng xông lên. Bà lão từ từ trên xe cúi đầu nhìn vào trong thùng nơi tay Cao Quang giây lâu nói: - Con cá đuôi vàng này tuy đẹp, nhưng ngắm cũng không đẹp lắm.
Cao Quang nghĩ bụng:
- Chúng ta chỉ cần dùng nó để cứu mạng đại ca, chứ có để làm cảnh đâu mà cần đẹp. Hoàng Vĩnh đứng bên, ngầm vận công lực đề phòng, chỉ cần bà lão ấy có một cử chỉ nhỏ là sẽ lập tức tấn công. Nhưng bà lão thốt thở dài buồn bã:
- Có phải lão hòa thượng chỉ bảo cho các ngươi đến đây? - Lão tiền bối nói vị lão thiền sư ấy?
Hoàng Vĩnh nghe lão bà vừa mở lời đã nói đúng người ngầm chỉ điểm cho mình, không tự chủ được nên chàng mới buộc miệng hỏi lại.
Bà lão sẽ gật đầu nói:
- Nếu như lão thân đoán không lầm thì đấy là lão hòa thượng ở Tiểu thiên vương tự. Hoàng Vĩnh và Cao Quang đều bất giác kinh hoàng sửng sốt. Bà lão lại thở dài nói tiếp: - Các ngươi khỏi cần thắc mắc về ta...
Lời chưa dứt, thốt quay đầu xe, tiến vào ngôi nhà tranh mất hút. Sự việc xảy ra thật hết sức bất ngờ, hiển nhiên bà lão không có ý khó dễ với hai người. Hoàng Vĩnh hướng về ngôi nhà tranh, vòng tay nói: - Chúng tôi nguyện tạc dạ tấm lòng tốt của lão tiền bối, ngày sau có dịp tất sẽ đền đáp.
Không đợi lão bà trả lời, chàng vội vã nối gót theo Cao Quang, chạy như bay về ngôi miếu hoang.
Lão tăng chột mắt vẫn ngồi xếp bằng trên mắt đất. Hoàng Vĩnh khép nép nghiêng mình thi lễ nói: - Lão tiền bối, may mắn bọn vãn bối lấy được con cá đuôi vàng trở về đây.
Lão tăng hé mở con mắt còn sót, chậm rãi nói: - Đưa cho lão tăng xem thử.
Ý câu nói, dường như vẫn chưa tin hẳn. Cao Quang bưng chiếc thùng gỗ lên nói: - Thỉnh lão thiền sư coi qua.
Lão tăng đưa mắt nhìn vào trong thùng gỗ giây lâu mới nói: - Quả nhiên là nó...
Đưa ánh mắt sang hai người, tiếp lời:
- Các người hẳn lui ra ngoài ngôi miếu này, tìm một nơi địa thế cao ráo, có thể nhìn thấy khắp chung quanh, nếu như phát giác có người tới đây, mau vào cho lão tăng biết.
Hoàng Vĩnh sẽ dạ, nói: - Bọn tại hạ xin cáo biệt.
Cao Quang ghé tai người anh, bảo nhỏ:
- Đột ngột lão hòa thượng này lại có vẻ khẩn trương lạ! Hoàng Vĩnh sẽ nói:
- Có lẽ lão quan hệ nhiều với con cá đuôi vàng chúng ta mới lấy được...
- Phải đấy, vì chẳng thế sao bà lão trong ngôi nhà tranh lại đoán ra được lão hòa thượng này đã chỉ đường cho chúng ta, hà huống lại là người mất cá.
- Ta cứ sớm giết nó để chữa trị cho đại ca, thì dù cho người ấy có đến cũng không làm gì được.
Đang khi ấy, từ xa thốt thấy có một đám bụi mờ bay cuốn tới, Hoàng Vĩnh hốt hoảng bảo vội: - Mau lên, chúng ta phải ngăn kẻ đó lại,không cho y tiến vào trong miếu.
Hoàng Vĩnh băng nhanh qua đường, núp sau một gốc cây lớn, Cao Quang cũng chọn một gốc đại thụ khác, hai người giăng thành hai thế gọng kìm.
Đám bụi mỗi lúc một gần, từ từ hiện ra một con tuấn mã toàn thân trắng mượt như tuyết, chỉ trừ đôi mắt hung nâu. Nhìn người trên ngựa, Hoàng Vĩnh và Cao Quang càng thêm sửng sốt, đấy là một thiếu nữ vận kình trang màu xanh.
Thiếu nữ gò cương, cho ngựa đi thong thả về lối cửa sau ngôi hoang miếu. Hoàng Vĩnh sẽ đằng hắng, từ sau gốc cây nhảy vút ra, đứng chặn giữa đường. Lục y thiếu nữ ghì chặt cương cho ngựa dừng hẳn lại, lạnh lùng nói: - Các hạ là ai? Vô duyên vô cớ tại sao lại cản đường ta?
Hoàng Vĩnh ngẩn người, nghĩ bụng:
- Nàng nói cũng phải, nhưng ta quyết không để cho nàng xông vào trong miếu, làm chậm trễ việc chữa trị đại ca.
Nghĩ đoạn, chàng đằng hắng nói:
- Cô nương từ đâu tới và đến tòa miếu hoang này với mục đích gì?
Lục y thiếu nữ khẽ cau đôi mày liễu, rồi dường như cố nén giận, liếc xéo Hoàng Vĩnh: - Ngôi miếu này phải chăng là Tiểu thiên vương tự chăng?
- Đúng thế!
Trên gương mặt lạnh như sương của thiếu nữ áo xanh thoáng điểm một nụ cười, nàng nói: - Các hạ là người trong miếu?
Hoàng Vĩnh dẫu là người có kiến thức quảng bác, nhất thời cũng không sao đoán được lai lịch của đối phương, nhưng thấy thiếu nữ tươi cười, không có vẻ ác ý, liền nghĩ bụng: - Được rồi, ta cứ nhận là người trong miếu xem sao?
Nghĩ vậy bèn nói: - Phải, thế thì có sao?
Lục y thiếu nữ mỉm cười đổi giọng:
- Huynh đài xưng hô với Khổ hạnh đại sư như thế nào? Hoàng Vĩnh nghĩ bụng:
- Khổ Hạnh đại sư chắc là lão tăng chột mắt ấy, xem chừng thiếu nữ này đối với lão tăng thập phần kính trọng, ta hẳng thử gạt nàng một phen.
Thong thả nói:
- Xin cô nương cho biết quí danh?
- Tiểu muội Trương Ngọc Giao, vâng lời phụ mẫu đến thăm Khổ Hạnh đại sư, mong được huynh đài thông báo hộ một tiếng, tiểu muội xin cảm kích lắm.
Hoàng Vĩnh vồn vã nói:
- Chết thật, thế ra là Trương cô nương, tại hạ cam thất kính. Trương Ngọc Giao chớp chớp mắt nói: - Tiểu muội chưa thỉnh giáo quí danh của huynh đài? - Tại hạ Hoàng Vĩnh.
- Xin phiền Hoàng huynh thông báo hộ với Khổ Hạnh thiền sư, có tiểu muội bôn ba ngàn dặm tới đây, mong được cầu kiến người.
Hoàng Vĩnh thầm suy tính:
- Lúc này lão tăng ấy đang chữa thương cho đại ca, ta cần tìm cách kéo dài thời gian mới được.
Giả bộ nhíu mày chàng nói: - Cô nương tới không đúng lúc rồi. - Tại sao lại không đúng lúc?
- Bởi vì bây giờ là lúc đại sư đang tọa thiền, không ai được vào quấy rầy.
Trương Ngọc Giao quả là một người thông minh tuyệt thế, vừa nghe khẩu khí của Hoàng Vĩnh, liền hỏi vội: - Hoàng huynh là gì của Khổ Hạnh đại sư?
Hoàng Vĩnh biết đã lỡ lời, vội nói lấp:
- Tại hạ đội ơn đại sư chữa thương mới bảo toàn tính mạng cho nên, xin nguyện ở lại đây để trông nom môn hộ cho lão nhân gia.
Trương Ngọc Giao mỉm cười nói:
- Thì ra thế, tiểu muội còn nhỏ nên chưa lần nào có duyên được bái kiến từ nhan của đại sư, nhưng tiểu muội vẫn thường nghe phụ mẫu nhắc đến cái thuật chữa bệnh của đại sư, thật phải nói là một tay thần y có một không hai.
Hoàng Vĩnh cũng nhanh nhảu nói:
- Phải đấy, phải đấy, cái tài y đạo của đại sư đáng gọi là đệ nhất trong võ lâm hiện nay. - Ngày xưa, phụ mẫu của tiểu muội cũng từng được ân cứu mạng của đại sư nên lần này, tiểu muội vượt ngàn dặm đến đây là muốn thay mặt phụ mẫu dâng lên lão thiền sư chút quà mọn, gọi là tỏ tấm lòng kính mộ bấy lâu.
Hoàng Vĩnh nghĩ bụng:
- Nếu như ta không tiếp chuyện, tất nàng sẽ ngờ, nhưng thiếu nữ này thông minh lắm, ta phải dè dặt ứng phó mới được.
Nghĩ đoạn, chậm rãi nói:
- Theo tại hạ được biết, Khổ Hạnh đại sư chắc không chịu nhận lễ của người đâu.
- Đại sư là bậc thế ngoại cao nhân, có lý nào tiểu muội dám biếu tặng nhân lễ vật phàm tục. Hoàng Vĩnh động tính hiếu hỏi: - Thế chẳng hay Trương cô nương định biếu lão thiền sư vật gì?
- Số là phụ mẫu của tiểu muội có hái được ba vị thuốc lạ, cho nên mới sai tiểu muội đem dâng đại sư...
Ngừng lại giây lâu, tiếp:
- Vốn ra, song thân của tiểu muội cũng muốn thân hành tới đây để tận tay dâng lên cho đạo sĩ, nhưng vì lúc phụ mẫu hái thuốc, bất ngờ gặp phải con trăn độc trông giữ linh vật ấy, phải vất vả sau hồi lâu giao chiến, song thân mới hạ được con vật ấy, nên cũng cần nghĩ dưỡng thương, vì đấy gia phụ mới sai tiểu muội đến đây một mình.
Hoàng Vĩnh ngước mắt nhìn trời, nghĩ bụng: - Thật là hổ thẹn.
Ngọc Giao trầm ngâm giây lâu, sẽ hỏi:
- Hoàng huynh, không hiểu đại sư còn tọa thiền đến bao giờ mới có thể tiếp khách nhân? Hoàng Vĩnh đảo mắt nhìn sang lục y thiếu nữ, chỉ thấy nàng dung mạo đoan trang, tư phong trác tuyệt, khiến người không dám nhìn lâu, nghĩ bụng: - Thật là vưu vật thế gian.
Thì ra, hai người tuy nói chuyện lâu, nhưng Hoàng Vĩnh vẫn chưa hề đưa mắt nhìn kỹ, bây giờ sau giây lâu ngắm thiếu nữ, mới nhận ra Trương Ngọc Giao là một giai nhân tuyệt thế.
Chàng mãi suy tư đến quên bẳng cả đáp lời đối phương. Thốt nhiên Ngọc Giao sẽ thở dài nói: - Hoàng huynh, chết thật, tiểu muội lại quên khuấy mất lời dặn bảo của phụ mẫu rồi.
- Lệnh tôn, lệnh đường dặn bảo gì thế?
- Lúc tiểu muội dời khỏi nhà, phụ mẫu đã dặn đi dặn lại là khi nói chuyện với người lạ cần phải giữ vẻ đoan trang không được cười đùa cợt nhã.
- Lệnh tôn và lệng đường nói rất phải.
- Có điều, đáng tiếc là cái bệnh hay cười của tiểu muội khó sửa lắm, cứ vô tình không nhớ lại cười ngay.
- Phụ mẫu có dạy bảo con, mới là thật ý thương con, cô nương nên nghe lời của lệnh tôn và lệnh đường mới phải.
- Được rồi, giờ thì Hoàng huynh có thể quay đầu lại, tiểu muội sẽ không cười nữa đâu. Hoàng Vĩnh thong thả quay lại, yên lặng chờ đợi. Ngọc Giao cau mày tiếp:
- Hoàng huynh vẫn chưa đáp lời tiểu muội? Hoàng Vĩnh sớm đã quên bẳng: - Cô nương hỏi cái gì?
Ngọc Giao không nén được, chực bật cười, nhưng cố giữ lại vẻ lạnh lùng nói: - Tiểu muội muốn hỏi lúc nào Khổ Hạnh đại sư mới tọa thiền xong?
Hoàng Vĩnh trầm ngâm giây lâu nói:
- Chắc là không lâu nữa đâu, xin phiền cô nương ngồi đợi ở đây một lát.
- Không sao, tiểu muội hiện không có việc gì quan trọng, nên dù có đợi đến nửa ngày một đêm cũng được.
Quả nhiên, nàng liền ngồi xếp bằng tròn trên mặt đất. Hoàng Vĩnh tư lự:
- Hiện tại ta đã tạm cầm chân được y thị, nhưng không biết lão tăng chột mắt ấy phải bao lâu mới chữa xong thương thế cho đại ca?
Cao Quang ẩn thân sau một gốc cây đại thụ cách đấy hơn trượng, mắt thấy Hoàng Vĩnh đã thuyết phục được lục y thiếu nữ, rất lấy làm bội phục, nghĩ bụng: - Chuyện này như nếu đổi là Cao lão tam ta, chắc nãy giờ đã có trận giao chiến ác liệt rồi.
Nghĩ đoạn, thủng thẳng lùi về phía sau. Ngọc Giao hai tai thập phần linh mẫn, cử động của Cao Quang tuy rất dè dặt nhưng vẫn làm kinh động đến nàng. Chỉ nghe nàng sẽ giọng nói:
- Hoàng huynh, đằng sau chúng ta về phía trái có người, có lẽ y ở cách chúng ta ngoài một trượng.
Hoàng Vĩnh giật nảy mình, nghĩ bụng:
- Thiếu nữ này võ công thật kinh nhân, chẳng những có thể phát giác có người ẩn núp mà khoảng cách, phương vị đều định lượng được, không sai mảy may, riêng điểm đó ta không thể nào bì kịp rồi.
Ngọc Giao lại sẽ giọng tiếp:
- Người ấy đang lùi vào trong miếu, Hoàng huynh có cần tiểu muội phải ra tay bắt sống y không?
Giọng nói rất tự nhiên, tựa như thập phần tin tưởng ở mình. Hoàng Vĩnh hốt hoảng nói:
- Cô nương đừng nên xuất thủ, vì người ấy cũng như tại hạ, đều là người trong Tiểu thiên vương tự này cả.
- Nếu không phải tiểu muội có chút nể vị, đã không để cho y tự do bỏ chạy như thế, và cũng chẳng cần phải thương lượng với Hoàng huynh...
Hốt ngừng giây lâu, nàng miệng lẩm bẩm: - Thật là lạ!
Hoàng Vĩnh lo ngại nghĩ bụng:
- Bậy thật, thiếu nữ này thông minh như thế, chưa chừng đã bị nàng phát giác rồi. Ngầm chuẩn bị, chàng gặn hỏi: - Cô nương nói gì thế?
Tiểu muội có nghe phụ mẫu bảo là trong Tiểu thiên vương tự này, trừ Khổ Hạnh đại sư ra, không còn người nào, ngay cả vị hương hỏa đạo nhân. Nhưng khi đến đây, chẳng những tiểu muội đã gặp Hoàng huynh, mà trong miếu cũng còn có người nữa. Tiểu muội tin là phụ mẫu quyết không lừa gạt tiểu muội, đấy không phải là chuyện đáng lạ lắm sao?
Đôi mắt trở nên sáng quắc, chằm chặp nhìn đối phương. Hoàng Vĩnh cố trấn tĩnh nói: - Lệnh tôn không gạt cô nương và tại hạ cũng hoàn toàn nói thật cả.
Ngọc Giao chớp chớp mắt nói: - Xin Hoàng huynh cho biết vì sao?
- Lệnh tôn, lệnh đường tới Tiểu thiên vương tự này lúc nào tại hạ tuy không biết nhưng thiết nghĩ phải là chuyện cách đây lâu lắm?
Ngọc Giao mấp máy đôi môi, muốn nói lại thôi. Hoàng Vĩnh nghĩ bụng: - Con a đầu này không những thông minh tuyệt vời, lại còn cơ trí lắm! Đằng hắng một tiếng, Hoàng Vĩnh chậm rãi tiếp lời:
- Khi ấy, chuyện Khổ Hạnh đại sư đi ẩn cư ở đây chưa người nào được biết, ngoại trừ vài vị võ lâm cao thủ. Cho nên nơi này xưa nay vẫn vắng vẻ, hiu quạnh, một năm không được đến vài ba người khách.
- Giờ đây đột ngột sao lại lắm người tới thế? Hoàng Vĩnh chột dạ nghĩ bụng: - A đầu lợi hại thật, ta mà lắm lời tất sẽ lộ ngay. Giữ vẻ bình tĩnh, chàng nói tiếp:
- Mấy năm nay, cái tin đại sư ở đây, không biết vì lẽ nào lại bị tiết lộ ra ngoài, bởi thế thỉnh thoảng lại có người thọ trọng thương tìm đến. Đạo sĩ thấy bọn người ấy thương thế quá nặng, không nở nhắm mắt làm ngơ, cho nên chẳng mấy chốc, ngôi Tiểu thiên vương tự này người lui tới tấp nập như ngày hội.
- Nếu vậy, người vừa rồi chắc cũng là ngươi ở trong miếu này? - Trong tiểu thiên vương tự, ngoại trừ lão tăng và tại hạ, còn có hai... Ngừng lại một chút, chàng tiếp:
- Xin cô nương ngồi đợi giây lát, tại hạ trở vào trong xem qua, rồi sẽ ra cho cô nương biết... - Được, Hoàng huynh cứ tùy tiện, tiểu muội ở đây chờ.
- Tại hạ sẽ trở ra ngay.
Quay người, chàng vừa cất bước bỏ đi, vừa nghĩ bụng.
- Thời gian nãy giờ cũng chẳng phải là ngắn ngủi, không hiểu thương thế đại ca ra sao rồi? Tiến vào hậu viện, chỉ thấy Thiếu Bạch ngồi xếp bằng tròn, nhắm mắt điều tức, còn Cao Quang đang đứng canh nơi cửa. Hoàng Vĩnh sẽ giọng nói:
- Tam đệ, lão thiền sư ấy đi đâu rồi? Cao Quang chưa đáp ngay, mỉm cười hỏi: - Nhị ca và vị cô nương đó nói chuyện vui chứ?
- Tam đệ đừng nói nhảm nữa, mau mau cho biết thiền sư ấy đã đi đâu? - Lão xuống bếp, và bảo đệ đứng ở đây canh chừng cho đại ca. Hoàng Vĩnh nghĩ bụng:
- Trương cô nương ngàn dặm tới đây, ta đã nói khéo cầm chân, nhưng cũng thông báo cho lão tăng một tiếng mới phải.
Tất tả chạy xuống nhà bếp. Nơi đây, không còn thấy tung tích của lão tăng đâu nữa. Đảo mắt chỉ thấy mờ mờ có một mảnh giấy trắng tinh đặt trên vung một cái nồi đất ở trong xó tối.
Biết có chuyện lạ, Hoàng Vĩnh chụp nhanh mảnh giấy, thấy có ghi:
- Trong nồi có một bát canh cá, ăn xong hãy dùng đến dược lực của Tử viêm hoa để giải trừ chất hàn độc trên người của quý hữu, chắc chắn với một nội công thâm hậu của quý hữu, nội trong ba hôm sẽ bình phục ngay. Nhưng trong ba hôm ấy, cần nhất không được nổi giận hoặc động thủ với ai. Lão nạp vốn thích thanh tĩnh, nơi này đã bị các người đến quấy, lão nạp đành khăn gói tìm chỗ khác nương thân.
Bên dưới không có tên người viết, cũng không thấy nói đến hành tung của lão tăng. Mở vung nồi ra, quả nhiên bên trong có một bát canh vừa mới nấu, hơi nóng ngun ngút bốc lên.
Hoàng Vĩnh vội bưng bát canh, chạy nhanh về phía hậu điện sẽ giọng hỏi Cao Quang: - Đại ca tỉnh chưa?
Cao Quang chưa kịp đáp, Thiếu Bạch đã hốt mở mắt nói lớn: - Chuyện gì thế?
Hoàng Vĩnh giục vội:
- Đại ca hãy mau uống cái này, tiểu đệ có chuyện cần nói. Thiếu Bạch đỡ lấy bát canh, uống một hơi cạn sạch, nói: - Chuyện gì, cứ nói đi.
Hoàng Vĩnh cầm mảnh giấy lão tăng để lại, dâng hai tay nói: - Xin đại ca hãy xem cái này.
Thiếu Bạch tiếp lấy mảnh giấy, coi qua một lượt, khẻ thở dài:
- Ôi, chúng ta đến làm rộn người, nên không trách được người phải để giấy ra đi, hơn nữa, cứ với công phu tu vi của người, chỉ sợ rằng không sống chung được với hạng người phàm tục chúng ta!
Hoàng Vĩnh ngần ngại, mãi lâu sau mới nói:
- Hiện tại, có một chuyện khiến tại hạ thấy khó xử quá! - Chuyện gì mà lạ thế?
Hoàng Vĩnh thở dài, đem câu chuyện nói khéo cầm chân Ngọc Giao thế nào, thuật kỹ lại một lượt. Thiếu Bạch trầm ngâm giây lâu nói:
- Nhị đệ tuy không phải nói dối hoàn toàn, nhưng vẫn có rất nhiều chi tiết do mình bịa đặt, cho nên, câu chuyện này chỉ sợ khó thanh minh lắm đấy!
- Chính vì thế tiểu đệ mới cảm thấy ái ngại, nhưng khi ấy bởi tình thế bắt buộc, đệ đành phải tùy cơ ứng biến, chẳng dè lão thiền sư ấy lại đột ngột để giấy mà bỏ đi.
- Thiếu nữ ấy không phải là kình địch của ta, tất cũng không nên dùng thủ đoạn với nàng, vì đường đường là một nam tử, có lý đâu lại đi gạt gẫm hạng nữ lưu. Bây giờ cách hay nhất là ta nên nói rõ cho nàng biết chuyện.
- Thiếu nữ này thông minh lắm, chỉ vì tính khí ngây thơ, nói rõ ý mình nên chi đệ mới khôn khéo cầm chân được, nếu không dù có muốn gạt cũng còn khó.
Cao Quang hốt xen vào nói:
- Nhị vi huynh trưởng bất tất phải lo lắng, lão hòa thượng đã để thơ bỏ đi, sao ta không thể nối gót theo người?
Thiếu Bạch lắc đầu, cao giọng:
- Không được, trước đã dùng lời ngăn khéo, nay nếu như lại bỏ đi, chẳng những sẽ bị nàng chửi rủa và biết đâu còn làm lỡ việc người ta.
- Nếu như giải thích cho thiếu nữ biết, nàng không chịu tin, thì không phải là chúng ta tự chuốc lấy cái phiền sao?
Hoàng Vĩnh xen lời:
- Đúng đấy, tam đệ hãy hộ tống đại ca đi trước, còn chuyện nơi này cứ để một mình đệ đối phó đủ rồi.
Thiếu Bạch xua tay nói:
- Không được, vạn nhất nhị đệ với nàng có xảy ra tranh chấp, tất sẽ khó tránh được một trường ác chiến, có phải còn làm tăng thêm cho tiểu đệ một gánh nặng nữa không?
Cao Quang cũng tán đồng, xen lời:
- Nhị ca nói phải, đại ca nên sớm rời khỏi chốn này. Hoàng Vĩnh nhanh miệng giục:
- Tam đệ mau mau hộ tống đại ca đi thôi, ta ở lại đây một mình đối phó với vị cô nương ấy, tất cũng dễ xoay xở hơn nhiều.
Thiếu Bạch sẽ thở dài, nghĩ bụng:
- Đúng lắm, ta đã không còn sức làm gì, có ở lại đây cũng chỉ tăng thêm mối lo cho nhị đệ, thà là bỏ đi trước.
Nghĩ đoạn, Thiếu Bạch bèn nói: - Thật xin phiền đến nhị vị hiền đệ. Cao Quang nghĩ ngợi giây lâu nói:
- Lão nhị, chúng tôi hành tung bất định, nhưng ở mỗi góc quanh đệ sẽ để lại ám hiệu, huynh cứ theo đó mà tìm, tất thể nào cũng gặp.
Thiếu Bạch lại nhìn Hoàng Vĩnh, thở dài:
- Suy cho cùng, câu chuyện cũng do ở ngu huynh... Hoàng Vĩnh vội vã ngắt lời: - Đấy không thể trách lỗi ở đại ca.
- Nhị đệ hãy thận trọng!
Nói xong Thiếu Bạch cất bước bỏ đi, Cao Quang cũng lật đật chạy theo sau, Hoàng Vĩnh đôi mắt nhìn theo bóng hai người cho đến lúc khuất hẳn mới thong thả rảo bước ra sau chùa.
Quả nhiên Ngọc Giao vẫn còn ngươi yên chỗ cũ. Hoàng Vĩnh đằng hắng gọi: - Trương cô nương!
Ngọc Giao ngẩng đầu lên, nhận ra là Hoàng Vĩnh vội hỏi: - Khổ Hạnh đại sư đã tĩnh chưa?
- Đại sư đi thăm bạn rồi, không có ở trong miếu. Ngọc Giao ngẩng người, nói: - Người đi thăm bạn ở đâu?
- Điều đó tại hạ cũng chưa kịp hỏi qua.
- Thế lúc nào người mới trở về, có khi người lại đi luôn đến năm bảy bữa đấy! Ngọc Giao đứng dậy, chạy vút qua mặt Hoàng Vĩnh, lẳng lặng tiến vào trong miếu. Hoàng Vĩnh biết rõ hiện giờ trong miếu, ngoài mình ra không còn người nào khác, dù để cho Ngọc Giao xông vào cũng chẳng sao. Cho nên chàng vẫn tảng lờ, ung dung nối gót theo sau.
Đến cửa miếu, Ngọc Giao chợt quay đầu lại, sẽ giọng hỏi:
- Hoàng huynh, tiểu muội muốn vào xem trong miếu, không biết Hoàng huynh có cho phép? - Trương cô nương cứ vào!
Ngọc Giao lách nhanh qua cổng, quan sát giây lâu bỗng hỏi: - Khổ Hạnh đại sư xưa nay ngụ ở phòng nào?
Hoàng Vĩnh giật nẩy mình nghĩ bụng:
- Bọn ta từ lúc gặp lão tăng, vẫn chỉ thấy lão quanh quẩn trong đại điện chứ biết lão ngủ ở phòng nào đâu, thật là lắc léo!
Tuy nhiên chàng vẫn trấn tĩnh, nói nhanh:
- Lão thiền sư vẫn ở trong phòng đằng sau hậu điện.
Ngọc Giao lẳng lặng đi vòng khắp miếu. Sau cùng trở lại gian đại điện nói: - Tại sao không thấy phòng ngủ của Hoàng huynh đâu cả?
- Cô nương khỏi thắc mắc, tại hạ ngủ chỗ nào cũng được! - Hoàng huynh hẳn vẫn ở nơi này chờ đại sư về?
- Tại hạ thường ngủ nhờ trong ngôi miếu này. Tất là phải đợi lão thiền sư trở lại.
Ngọc Giao hốt cười lạt, đảo nhanh hữu thủ chụp tới mạch cổ tay Hoàng Vinh. Chiêu này thoáng mau như chớp, nhưng may mắn, Hoàng Vĩnh đã sớm đề phòng, cho nên vừa thấy cổ tay đối phương sẽ động, thân hình chàng đã vút sang bên.
Ngọc Giao thấy hụt chiêu đầu, liền chạy sấn tới, tung bồi một chưởng. Hoàng Vĩnh hốt hoảng tránh thoát, cao giọng nói: - Trương cô nương sao lại xuất thủ như thế?
Ngọc Giao cười nhạt nói: - Ngươi cũng không thể chạy...
Ngừng tay, lùi lại hai bước nàng tiếp lời:
- Ngươi cho ta là đứa trẻ lên ba hay sao? Chỉ có mù hai mắt, ta mới nhầm ngươi là người tốt thôi!
Hoàng Vĩnh chột dạ, nghĩ bụng:
- Không hiểu do đâu y thị lại nhận ra được chân tướng của ta? Vẫn giữ điềm tĩnh, chàng nói: - Có chuyện gì, xin cô nương nói rõ hơn chút nữa!
- Tòa miếu này, ngoại trừ gian đại điện còn có hai phòng đủ cho khách nhân nghỉ tạm, ngươi đã thường ngủ trong miếu này, tại sao không thấy chiếc chiếu nào...
Nói đến đây, nàng gằn giọng tiếp:
- Sự thực ngươi là ai? Có quan hệ gì cùng Khổ Hạnh đại sư, hãy nói cho thật. Nếu như có một chữ nào dối trá, đừng trách ta vô tình hạ thủ chẳng nương tay!