Hồi 3
Tác giả: Cổ Long
Thiếu Bạch chậm rãi ngồi dậy, bước xuống chõng đi thẳng tới bên lão nhân. Lão nhân nâng chén rượu lên uống một ngụm, nói: - Tiểu tử, có uống chút rượu chơi không?
Thiếu Bạch thưa:
- Rượu vãn bối không uống nhưng cổ khát lắm. Lão nhân nói:
- Đằng sau căn nhà tranh này có ba cái giếng nhỏ, thế nhưng nước ở trong giếng không giống nhau...
Nói đến đây, khuôn mặt lão nhân đột nhiên thoáng hiện một vẻ kỳ bí khó tả, lão nhìn Thiếu Bạch tiếp lời: - Tiểu tử, ta hy vọng nhà ngươi chọn lấy một con đường an toàn.
Thiếu Bạch hoang mang nói:
- Lão tiền bối, chọn con đường an toàn gì? Vãn bối nghe chưa được rõ? Lão nhân nhìn thẳng nói:
- Thế ư, cũng chẳng trách nhà ngươi được, chỉ trách cái lão phu không nói cho rõ. Chuyện như thế này, ở đàng sau túp lều tranh này có ba cái giếng nhỏ, cái giếng ở ngay chính giữa là nước thông thường như nhà ngươi vẫn gặp, vẫn uống không hại gì tới người ta vì nó an toàn nhất.
Thiếu Bạch sinh ra tò mò, hỏi:
- Dạ thế nước ở trong hai cái giếng ở hai bên khác với nước thông thường sao? Mặt lão nhân hiện lên nét lo âu nói:
- Đúng vậy, nước giếng ở hai bên đều là không phải thứ nước thường. Trong một giếng có chất kịch độc, nếu uống vào thì chỉ trong khoảng công phu một tuần trà, độc tánh tức thời phát tác, máu sẽ trào ra khỏi thất khiếu mà chết tươi.
Thiếu Bạch nói:
- — trong hai giếng đều có chất độc? Lão trầm ngâm giây lâu rồi mới nói:
- Chỉ có một giếng có, còn ở trong giếng kia là thứ nước thạch nhủ vô cùng khó kiếm, uống vào sẽ trợ lực cho cơ thể rất nhiều. Hừ, tiểu tử, ta nghĩ nhà ngươi uống nước trong cái giếng ở giữa đi, uống nước trong giếng đó rồi làm bầu bạn với lão phu cho lão êm ả qua những chuỗi ngày còn lại trong đời.
Thiếu Bạch lắc đầu nói:
- Không! Vãn bối cần phải quay ra, gia nương bảo rằng vãn bối qua được Sinh Tử kiều thì không làm cho các người thất vọng. Nhưng vãn bối không thể nào quên được mối thù của gia nương bị chết thê thảm, chính mắt vãn bối được trông thấy gia nương bị chết thê thảm, lại còn đại ca, tỷ tỷ các người cũng đều chết rồi! Bạch hạc môn và Tả gia cũng chỉ còn có một mình vãn bối sống sót, cháu phải báo thù cho gia nương, tra ra cho rõ chân tướng của sự việc...
Lão nhân nhẹ nhàng vuốt râu đỡ lời:
- trong chốn Vô ưu cốc này thì đã cách tuyệt hẳn với thế gian, hận cừu, ân oán đều không có ở nơi đây. Tiểu tử, nếu như gia nương nhà ngươi mà không chết vì tay những nhân vật trong võ lâm truy sát thì dẫu cho thế cũng không vĩnh viễn mãi mãi bất tử được! Ha, ha, trăm năm đời người như giấc mộng, ngươi hà tất phải khổ thân báo thù với báo oán làm gì?
Thiếu Bạch đứng sửng ngây ra nhìn lão nhân, hai mắt chàng bốc lửa, tia ra những ánh lửa giận dữ, nhưng chàng chỉ trầm ngâm chứ không nói.
Lão nhân nâng tay uống cạn chén rượu, rồi lại rót đầy một chén nữa, cười nói:
- Nhà ngươi nhìn ta như thế làm gì? Ha, ha, hình như ở trong con mắt ngươi loang loáng có vẻ bất mãn ta lắm thì phải?
Thiếu Bạch nói:
- Vãn bối trong lòng có mấy câu thắc mắc, muốn hỏi lão tiền bối. Lão nhân cười nói:
- Mấy chục năm nay, lão phu có một mình, muốn nói một câu mà không được, vậy khúc mắc gì ngươi cứ nói ra đi!
Thiếu Bạch nói:
- Lão tiền bối năm nay tuổi được bao nhiêu?
Câu hỏi này quá đột ngột làm cho lão nhân kinh ngạc à lên một tiếng, uống cạn chén rượu rồi hỏi lại: - Tiểu tử, nhà ngươi muốn hỏi lão phu bao nhiêu tuổi, có phải vậy không?
Thiếu Bạch đáp:
- Dạ đúng vậy! Vãn bối đoán chừng lão bá khoảng độ bảy mươi rồi. Lão nhân ha hả cười lớn rồi nói:
- Đâu có để nhà ngươi đoán đúng, tiểu tử, trước tiên ngươi hãy nói cho biết ngươi bao nhiêu tuổi rồi.
- Vãn bối năm nay mười lăm. Lão nhân cười nói:
- Hay lắm hay lắm, vậy nhà người còn phải sống bảy mười lăm năm nữa thì tuổi tác mới bằng tuổi của lão phu hiện tại.
Thiếu Bạch nói:
- Sống bảy mươi lăm năm nữa, bảy mươi lăm cộng với mười lăm, lão tiền bối năm nay chín chục tuổi rồi sao?
Lão nhân bèn cười nói:
- Đúng thế, nếu như lão phu mà không bước chân ra khỏi cái căn nhà này thì có sống thêm được chín chục tuổi nữa cũng không là chuyện lạ.
Thiếu Bạch nói:
- Lão bá sống ngang với Nam sơn, thật cũng kiện khang vô cùng. Lão nhân nghe nói biến sắc mặt, chỉ thoáng qua thôi rồi trầm tĩnh lại nói: - Hay lắm! Nhà ngươi chửi lão phu ngu si ngoan cố như vậy thật là hay. Thiếu Bạch cung kính nói: - Thực ra vãn bối không có tâm địa như vậy!
Lão nhân bật cười nói:
- Lão phu đây xem ra cái lối chửi người của nhà ngươi hay lắm, bây giờ lão phu xin nghe cao kiến.
Thiếu Bạch cổ họng khô ran, nói năng đau rát, chàng bèn nói:
- Để vãn bối uống ngụm nước trước để thấm giọng rồi vãn bối nói cũng chưa muộn. - Không được!
Liền theo tiếng quát, Thiếu Bạch chỉ thấy bóng người loáng lên trước mắt, lão nhân đã cầm chén rượu đứng chắn ngay trước mặt chàng cười nói: - Tiểu tử, nếu nhà ngươi uống nhầm nước có chất độc lăn quay ra chết thì còn có ai tới chửi lão nữa. Lão xem nhà ngươi hãy uống trước một chén rượu này thì hơn, thấm giọng bằng chất rượu ngọt thế nào cũng tăng thêm hăng hái, có chửi gì cũng thấy thống khoái hơn.
Nói rồi lão nhân cười rất tươi, không có vẻ gì là cay chúng tức uất. Thiếu Bạch đỡ lấy chén rượu, ngữa cổ uống ộc vào.
Chất rượu nóng cháy, Thiếu Bạch uống hết một chén cảm thấy không đủ sức chịu đựng sức rượu cay xè, một luồng sức nóng chạy rần rần trong đơn điền, mặt chàng tức thời đỏ gay như gấc.
Bạch tu lão nhân bèn cười nói:
- Tiểu tử, thứ rượu này lão phu tự cất lấy, hướng vị nó ra sao? Thiếu Bạch lâng lâng nói:
- Rượu ngon đụng nhầm người, lão tiền bối sống yên ổn trong Vô ưu cốc, không đi lại với người đời, cùng mục nát với cỏ cây thật rất nên có thứ rượu ngon như thế này làm bầu bạn.
Lão nhân gục gặt đầu khen:
- Chửi hay tuyệt! Thống khoái lâm ly khiến người nghe cũng bắt nghiền! Thiếu Bạch đỡ lời:
- Lão tiền bối đã sống chín chục tuổi lại còn muốn sống thêm chín chục năm nữa, hai cái chín chục vị chi là một trăm tám, có thể nói như vậy đã là sống lâu quá thọ rồi?
Bạch tu lão nhân gật đầu cười nói:
- Nếu như lão phu chịu chú trọng một chút về phương pháp dưỡng sinh thì sống trên hai trăm năm tuổi không phải là chuyện khó.
Thiếu Bạch có chất rượu trong người sang sảng giọng nói:
- Nhưng sau hai trăm năm ngọn núi này vẫn xanh, nước suối vẫn chảy dài còn hài cốt của lão tiền bối thì đã theo cùng với cỏ cây mục nát trộn lộn với lớp bùn ở chốn Vô ưu cốc này.
Lão nhân lẳng lặng thở dài nghĩ bụng:
- Lời nhà ngươi nói không sai, dẫu cho ta có sống trên hai trăm năm thì rồi cuối cùng cũng phải chết, cùng chung số phận vớ cỏ cây ở trong chốn Vô ưu cốc này chứ không sai, chỉ có điều hoa tàn rồi đến mùa năm sau gió xuân phơi phới, hoa lại nở, cây khô rồi đến mùa xuân năm sau lại xanh non, còn như ta chết rồi, thì?
Lão nhân nói đến đây, Thiếu Bạch nhanh nhẹn chêm lời:
- Đừng nói là lão tiền bối chỉ có thể sống được hai trăm tuổi, dầu cho người có sống được năm trăm tuổi đi nữa thì so sánh với hiện tại người chín chục tuổi có gì là không giống đâu?
Bạch tu lão nhân bị mắng chới với, tâm thần chếch choáng, dao động như say rượu, năm ngón tay bỗng dời ra, chén rượu rơi ngay xuống đất vỡ vụn.
Thiếu Bạch chỉ bằng vào hơi rượu khích động cho nên lời ăn tiếng nói vô cùng phóng tứ, kịp đến khi lão nhân đánh rơi chén rượu trong tay vỡ tan thành từng mảnh chàng mới sực tỉnh, với một số tuổi ít ỏi như chàng hiện tại khi ăn nói với một vị trưởng lão có tuổi, râu tóc bạc trắng, lại cuồng ngạo vô lễ thì thực đắc tội, bất giác chàng hổ thẹn trong lòng, vội vàng nói: - Lão tiền bối nổi giận rồi đấy sao? Vãn bối tuổi dại vô trí, không hiểu việc đời, tự biết có tội với lão tiền bối, dám mong lão tiền bối đại lượng bao dung.
Bạch tu lão nhân lắc đầu thở dài nói:
- Tiểu tử, ngươi không có lỗi gì hết, nhà ngươi chửi ta rất phải, lão phu ở ẩn mãi trong Vô ưu cốc này, một cây Sinh Tử kiều cắt đứt lối qua lại với nhân gian cho nên lão phu mới có cái cảm tưởng rằng thị phi ân oán, tình cừu ái ố như xa hẳn với mình. Hừ, nhưng kỳ thật, mọi sự mọi việc trong chốn nhân gian vẫn y nguyên một mô dạng như thuở lão phu cất bước vào Vô ưu cốc này vậy. Thù oán yêu ghét không thứ gì là không giống chỉ có điều mắt lão phu không trông thấy, tai lão phu không nghe cho nên lòng mới không phiền, thế thôi, chứ có bổ ích gì cho sự việc đâu?
Thiếu Bạch nhìn theo lưng ông lão bỗng nhiên cảm thấy hình như ông lão chợt già đi rất nhiều, bước đi của lão loạng choạng như thể không mang nổi thân người. Thấy vậy bất giác Thiếu Bạch bùi ngùi thương xót, chàng vội vàng chạy theo, chìa tay đỡ lấy cánh tay trái của lão nhân.
Bạch tu lão nhân chầm chậm quay đầu lại, khẽ mỉm cười nói:
- Tiểu tử, tối hôm nay lão phu mới cảm thấy quả thật mình già lão luôn khụ rồi. Hừ, trên trường giang sóng sau xô sóng trước, một lớp người mới thắng người cũ, lão phu vào lúc chưa chết mà được trông thấy nhân vật anh hùng của lớp người sau thì chết cũng không còn điều gì ân hận rồi!
Thiếu Bạch gượng cười nói:
- Lão tiền bối quá khen, gia đình vãn bối tan nát, vãn bối là đứa trẻ bơ với, lưu lạc hoang sơn, trong lòng chứa đầy uất hận, lẽ nào có thể xứng đáng với tiếng nhân vật anh hùng!
Bạch tu lão nhân nói:
- Tiểu tử, nhà ngươi có tư cách anh hùng đấy, mà lòng dạ lại nhân hậu. Trong cõi đời ô trọc, trên võ lâm âm ám chính phải cần có những nhân vật như nhà ngươi dùng ba thước sắt quét sạch hết những hiểm ác ở nhân gian, thắp lên một ngọn đèn sáng cho võ lâm.
Thiếu Bạch phập phồng nói:
- Lão tiền bối, tài học, võ công của vãn bối chỉ thường thôi, chứ không có gì đặc biệt... Lão nhân cười đỡ lời: - Điều này không can hệ, nếu học chưa đến nơi thì chịu khó đọc thêm một ít sách, võ nghệ không thể trừ được kẻ ác thì lại cầu danh sức nhờ chỉ điểm và khổ công điêu luyện.
Thiếu Bạch nói:
- Danh sức ở đâu? Muốn vào mà không có cửa! Lão nhân chậm rãi ngồi xuống một cái ghế trúc, nói: - Tiểu tử, nhà ngươi có thể biết được lão phu là ai không? Thiếu Bạch lắc đầu nói: - Tha lỗi cho vãn bối tuổi còn nhỏ, không biết lão tiền bối...
Lão nhân đột nhiên tươi hẳn ra, mặt không còn dáng ưu uất. Lão cười rất tươi, ngắt lời Thiếu Bạch mà hỏi: - Gia gia của ngươi có phải là chưởng môn nhân của Bạch hạc môn không?
Thiếu Bạch đáp: - Dạ phải... Lão nhân nói tiếp:
- Lão phu mang máng nhớ rằng vị chưởng môn nhân của Bạch hạc môn ấy không phải họ Tả?
Thiếu Bạch nói:
- Gia phụ tiếp nhận chức vị chưởng môn nhân Bạch hạc phái từ tay ngoại tổ vãn bối. Bạch tu lão nhân nói: - À, ra thế! Có vậy chứ...
Ngừng lại một chút, lão nhân tiếp lời:
- Nhà ngươi không hiểu lệnh tôn vì lẽ gì lại bắt ngươi phải mạo hiểm vào nơi trăm phần chết mới có một phần sống khi vượt qua Sinh Tử kiều sao?
Thiếu Bạch đáp:
- Chuyện này vãn bối không được rõ lắm, gia phụ không có khi nào nói rõ nguyên nhân, nhưng theo vãn bối nghĩ thì thấy rằng toàn gia vãn bối bị lùng đuổi suốt tám năm trường, quả rằng trời đất tuy rộng lớn nhưng không có một nơi một chốn nào Tả gia có thể trú chân, cho nên chỉ còn cách xông vào nơi kỳ hiểm, vượt qua Sinh Tử kiều để lẩn tránh gót sắt theo dấu của thiên hạ võ lâm.
Bạch tu lão nhân cười nói:
- Ngoài lý do này ra còn có gì nữa không?
Thiếu Bạch nói:
- Ngoài ra vãn bối không còn biết gì nữa.
Bạch tu lão nhân giơ tay vuốt tóc Thiếu Bạch cười nói:
- Trừ cái việc lẩn tránh gót sắt theo dấu ra, chắc lệnh tôn còn muốn nhà ngươi tới đây để thử thời vận?
Thiếu Bạch ngớ ra nói: - Vãn bối muốn thử thời vận? Bạch tu lão nhân cười nói:
- Đúng thế, muốn nhà ngươi thử thời vận, tiểu tử. Hàng ngàn hàng trăm năm trước đã có cây thạch kiều này rồi nhưng nó cứ chìm mãi trong cảnh vô danh không được ai biết tới. lão phu không dám khoe mé bảo rằng cây Sinh Tử kiều do lão phu và một vị cố hữu mà danh tiếng lẫy lừng, nhưng quả có chuyện cây thạch kiều bởi duyên cớ có lão phu và một vị bằng hữu vượt qua mà tiếng tăm càng hiển hách hơn.
Thiếu Bạch nói:
- Vãn bối vẫn còn có đôi chỗ không được hiểu? Bạch tu lão nhân nhẹ thở dài nói:
- Cây Sinh Tử kiều không hiểu được người nào phát hiện ra. Chỉ biết một trăm năm trước đây, nó được bàn tán đến trong võ lâm giang hồ, khi ấy cây Sinh Tử kiều ngày hôm nay có tên là Tử kiều, có nghĩa rằng kẻ phàm nào mà đặt chân lên cây cầu đó thì đừng có tưởng đến chuyện sống!
Thiếu Bạch nói: - Thì ra là thế!
Bạch tu lão nhân nói tiếp:
- Tình hình trên giang hồ phức tạp lắm, cây Tử kiều lấy công của Tạo hóa hình thành một luồng khí lưu đặc biệt, cộng thêm vớ luồng ám lưu ở dưới đáy sơn cốc bị thế núi cong queo ngăn trở khiến xoáy vòng trong cốc, hình thành một loại triền lưu năm này qua năm khác, lâu dần thành một loại Hồi triền phong kỳ quái, chất chứa uy lực cường đại của tự nhiên. Cái thiên địa tạo hóa công năng này thanh thế kỳ mãnh, bất luận người có võ công cao cường tới đâu cũng khó lòng chống cự được. Do thế từ đấy trở đi sau khi cây cầu được truyền tụng trên giang hồ đã thu hút lòng háo kỳ của vô số nhân vật võ lâm. Những người này kết bè tụ nhóm từng năm ba người, một lòng cố đi qua cho được thạch kiều, nhưng hết thảy đều bị luồng hồi triền phong thổi phăng xuống chỗ luồng khích lưu trong huyệt cốc, không có được lấy một người sống sót trở về, tên Tử kiều do đấy mà có.
Thiếu Bạch nói:
- Thế vì đâu nó lại có cái tên Sinh Tử kiều? Bạch tu lão nhân tươi tỉnh hẳn ra nói: - Chuyện này có dính dáng đến lão phu. Thiếu Bạch ngạc nhiên hỏi:
- Có dính dáng đến lão tiền bối? Bạch tu lão nhân cười nói:
- Đây là chuyện cũ của mấy chục năm về trước. Tòa thạch kiều hẳn đã chôn xác không biết bao nhiêu cao thủ võ lâm, không hiểu người nào đang sự đi đồn rằng trong chỗ Tử kiều có chôn giấu vô số châu báu cùng những di vật của các cao nhân tiền bối võ lâm. Cái kẻ lúc bấy giờ mà phao ra cái chuyện bịa đặt ấy chẳng phải là do sự kích động trong một lúc cao hứng mà thực ra y có một âm mưu ghê gớm.
Thiếu Bạch trố mắt: - Âm mưu gì? Bạch tu lão nhân đáp:
- Thử nghĩ cây Tử kiều xưa nay chưa từng có người vượt qua được thì dẫu cho trong đó quả có cất giấu châu báu và di vật của tiền bối cao nhân cũng không một ai hay được.
Thiếu Bạch nói:
- Lão tiền bối dạy không sai!
Bạch tu lão nhân khẽ vuốt chòm râu trắng như cước, cười nói:
- Tức cười cái chuyện bá vơ, chẳng ra đâu vào đâu, chẳng có căn cứ gì ấy lại được truyền bá khắp ở chốn giang hồ mới chết chứ. Thành ra toàn thể võ lâm cứ kháo nhau mãi về chuyện Tử kiều có châu báu. Hừ, khiến cho trong tuyệt cốc vụ dầy đặc lại có thêm vô số oan hồn, lại tức cười nữa là chính lão phu đây cũng tin chuyện hoang đường ấy cũng khăn gói lên đường để vượt qua Tử kiều.
Thiếu Bạch nói:
- Lão tiền bối định vượt qua để kiếm châu báu? Bạch tu lão nhân nói:
- Không phải vậy, từ cái ngày có cái tin trong Tử kiều có cất giấu di vật của cao nhân tiền bối khiến cho số cao thủ táng mạng trong tuyệt cốc ngày càng đông thì lão phu động lòng trắc
ẩ
n, hy vọng có thể vượt qua được Tử kiều tra xét cứu cánh xem sao...
Nói đến đây, lão nhân khẽ đằng hắng một tiếng ngưng mắt trầm tư tựa hồ như để nhớ lại
chuyện cũ, một lúc lâu sau mới chậm rãi tiếp lời:
- Cái việc lão phu muốn vượt qua Tử kiều truyền đi rất mau trên giang hồ cho nên có rất nhiều nhân vật võ lâm kéo đến để xem cảnh lão phu vượt qua Tử kiều. Ngày ấy, vào khoảng trưa trưa, lão phu mới tới nhưng những nhân vật võ lâm thì đã đú đầy cả, họ xúm đen nghịt, người nào người nấy cũng đều giương cặp mắt kỳ dị nhìn dán vào lão phu, đến ngày hôm nay nhớ lại, lão phu cũng không có cách gì nhận ra được ánh mắt của những người ấy có ý khích lệ hoặc cảm phục lão phu nữa.
Thiếu Bạch chen vào nói:
- Lão tiền bối đã hành động vì sự an nguy sau này của võ lâm thì tất nhiên là họ phải cảm phục chứ.
Bạch tu lão nhân hình như rất đắc ý với câu chuyện ngày cũ, ha hả cười lớn, nói tiếp:
- Trong khoảng chớp mắt, lúc lão phu sắp sửa lên cầu thì trong đám người đông đảo đột nhiên xuất hiện một người, người này muốn theo lão phu vượt qua Tử kiều...
Thiếu Bạch hỏi ngang:
- Vị lão tiền bối ấy có vượt qua được Sinh Tử kiều không? Bạch tu lão nhân nói:
- Vượt qua được, y và lão phu đều bình an qua cầu, hiện thời y cũng ở trong Vô ưu cốc này. Thiếu Bạch ánh mắt sáng ngời nói: - À, thì ra ở đây không phải chỉ có mình bá bá, còn có vị lão tiền bối kia làm bầu bạn. Như thế thì bá bá cũng bớt cô quạnh nhiều.
Bạch tu lão nhân nói:
- Bọn ta rất ít qua lại với nhau... Ngừng lại một chút, tiếp nói:
- Ngày ấy khi bọn ta vượt qua Tử kiều thì vừa may gặp được một cơ hội ngàn năm, ấy là cái sức của ngọn Hồi triền phong không hiểu bị một ảnh hưởng nào làm sái lạc đi mà giảm sút rất nhiều lực lượng, lão phu nhờ một thân nội công của mấy chục năm trời luyện tập cam go đi muội mạch qua cầu, nhưng cũng vì vậy mà gân cốt suy yếu, sức lực giảm đi đâu mất tiệt, cho nên cũng vì vậy giờ đây chẳng còn đâu can đảm để đặt chân lên Tử kiều một lần thứ hai...
Thiếu Bạch nghĩ bụng:
- Ta cứ ngỡ họ muốn tránh mặt người đời điên đảo điêu ngoa quỷ quyệt, sống ở một nơi gót chân người khó đặt tới mà không thích quay ra. Nào hay ra là họ không dám bước chân lên Tử kiều nữa, họ cũng sợ chết như ai.
Bạch tu lão nhân nói tiếp:
- Sau khi lão phu đã qua được Tử kiều rồi, trong lòng cảm thấy nhẹ nhỏm khôn tả, không còn kiềm chế được lão phu bèn ngửa mặt hú dài. Nhưng tiếng hú vừa phát ra, lão phu sực nhớ liền dừ ngay lại, chắc là cái đám bằng hữu đứng xúm đen xúm đỏ xem coi ở bờ bên kia đã nghe được tiếng hú của lão phu cho nên mới nghĩ rằng cây Tử kiều với tên gọi ghê gớm như vậy nhưng vẫn còn một phần sinh cơ cho nên mới đổi tên cây cầu là Sinh Tử kiều...
Nói đến đây, lão nhân dừng giây lát rồi mới lại tiếp lời:
- Đây chỉ qua cũng chỉ là sự suy đoán của lão phu mà thôi, đúng hay không lão phu cũng chẳng biết nữa.
Thiếu Bạch nói:
- Lão tiền bối nói không sai, cây cầu Tử kiều đã được đổi tên là Sinh Tử kiều rồi. Bạch tu lão nhân liếc nhìn Thiếu Bạch nói:
- Tiểu tử, ở gần cây cầu Sinh Tử kiều có một miếng đất trống khá rộng, trên ấy đến mùa lão phu có gieo một ít hạt giống, vậy những thứ ngũ cốc, rau cải mà lúc nãy nhà ngươi trông thấy đó chính là do một tay lão phu đích thân trồng trọt đấy, cái lúc lão phu mới đặt chân lên chỗ đất này, lão phu quả thực rất thích cái tính cách mát mẻ yên tĩnh của nó. Có thể nói đó là chốn đào nguyên ở ngoài nhân gian. — đây chẳng có cái gì gọi bằng giết chóc, thù oán và cái thứ tình yêu lăng nhăng vấn vương giữa trai gái.
Nói đến đây, đột nhiên lão nhân im lặng không nói nữa, nhắm chặt hai mắt như thể quá đổi mệt mỏi, không có sức nói tiếp cho hết câu hết ý.
Thiếu Bạch xen vào hỏi:
- Lão tiền bối, người ở chỗ đất này mấy chục năm mà suốt bấy lâu không có khi nào có ý nghĩ dời khỏi sao?
Bạch tu lão nhân thở dài sườn sượt rồi bỗng nhiên mở choàng mắt ra nhìn Thiếu Bạch một cái rồi từ từ nhắm mắt lại nói: - Có nghĩ tới chứ, nhưng cũng bởi vì Vô ưu cốc này quá tiêu dao tự tại đã khiến cho lão phu đánh mất đi đâu hết cái hào khí của buổi vượt Sinh Tử kiều năm xưa.
Thiếu Bạch nói:
- Chà, lão tiền bối đã thấy không có lợi gì thì cũng chẳng mạo hiểm cho mệt? Bạch tu lão nhân thở dài:
- Đã phải chỉ có mỗi cái chuyện không thấy lợi lộc gì mà phải nói ra hoàn toàn không thì mới đúng. Quả thực lão phu thân hiểu với một thân côi cút của lão phu, lão phu khó lòng khắng cự lại được với cái uy lực của đại tự nhiên. Giờ đây cái ý nghĩ vượt qua Sinh Tử kiều lần thứ nhì thì chẳng khác gì đứa khờ nói chuyện mộng. Ngay cả chỉ một phần sống trong cả trăm phần chết cũng không có.
Thiếu Bạch nói:
- Người đã chẳng vượt qua một lần rồi đấy sao? Lẽ nào giờ đây không thể vượt thêm một lần nữa để quay trở về?
Bạch tu lão nhân nói:
- Lão phu đã chẳng nói cho nhà ngươi nghe rồi sao? Cái ngày ấy khi lão phu vượt Sinh Tử kiều thì vừa gặp nhằm lúc không hiểu vì một ảnh hưởng gì làm sai lạc đi mà luồng Hồi triền phong giết người lại giảm sút uy lực đi quá nhiều cho nên lão phu mới qua được bình yên. Hừ, còn nếu như cái sức gió ấy cứ giữ mãi một cường độ như lúc bình thời thì lão phu đã sớm bị hất văng xuống huyệt hắc sâu vạn trượng rồi chứ còn đâu mà ngồi ở đây hiện tại để chuyện trò với nhà ngươi.
Thiếu Bạch nói:
- Từ đấy trở đi, lão tiền bối liền chuẩn bị để chết già ở trong xó núi này muôn năm không ra khỏi nữa à?
Bạch tu lão nhân nói:
- Xem chừng chỉ có độc cách đó, lão phu không thể nào trong cái chết cả một trăm phần trăm mà đi tìm sinh cơ...
Ngập ngừng giây lát lại tiếp lời: - Tiểu tử, nhà ngươi làm sao qua được? Thiếu Bạch đáp:
- Thì vãn bối cũng vượt qua như khi đi đứng bình thường thôi, chứ không vận dụng gì khác lạ.
Bạch tu lão nhân sững sốt nói: - Có gặp trở lực gì không?
Nói đến đây, ý chừng sợ Thiếu Bạch chẳng nghe rõ câu hỏi nên liền lập tức lão nhân nói tiếp ngay: - Ta muốn hỏi rằng trên cây cầu đó nhà ngươi có thấy thứ gió gì không? Một loại sức ngăn trở tự nhiên?
Thiếu Bạch đáp:
- Dĩ nhiên là có, nhưng lúc bấy giờ vãn bối quá đau đớn trong lòng về cái chết thảm của phụ mẫu và huynh trưởng nên thật sự cũng không chú ý đến cảnh tượng vượt Sinh Tử kiều, vãn bối qua cầu một cách hết sức tự nhiên.
Bạch tu lão nhân gật gù nói:
- Thế thì cái sức ngăn trở ấy rất yếu ớt? Nó có thổi tốc vạt áo nhà ngươi? Thiếu Bạch đáp: - Thưa có, nhưng vãn bối không kỳ tới nó mà cứ lầm lủi bước đi.
Bạch tu lão nhân bỗng đắm mình trong sự suy nghĩ miên man, lâu lắm vẫn không thấy đánh tiếng.
Thiếu Bạch tiện tay cầm lấy một cái chén, đi ra khỏi nhà. Lão nhân quay đầu lại nhìn Thiếu Bạch nói: - Tiểu tử, ngươi đi đâu đó?
Thiếu Bạch đáp: - Cháu đi uống nước. Lão nhân nói:
- Uống cái giếng ở giữa đấy nhé! Nước trong giếng ấy tuy không ban trợ được gì cho ngươi nhưng cũng chẳng làm hại ai.
Thiếu Bạch nói:
- Cháu muốn lấy nước trong hai cái giếng ở bên, cháu định múc một chén uống. Bạch tu lão nhân cau mày nói: - Tại sao vậy? Tiểu tử ngang ngược!
Thiếu Bạch đáp:
- Lão bá đã chẳng nói uống ở hai cái giếng ở bên có một cái chứa thứ nước thạch nhủ cao niên đấy sao? Uống vào có thê kéo dài tuổi thọ, thân thể thêm cường tráng...
Bạch tu lão nhân ngắt ngang:
- Thế nhưng nhà ngươi chớ có quên rằng có một cái giếng chứa chất độc! Uống vào rồi mau chết lắm đấy.
Thiếu Bạch nói:
- Vãn bối cũng cần mạo hiểm để thử vận khí xem sao?
Bạch tu lão nhân tròn xoe mắt nói: - Sao vậy?
Thiếu Bạch bỗng ứa lệ nói:
- Phụ mẫu, trưởng huynh, tỷ tỷ vãn bối đều đã chết thảm. Phận làm con, làm em không báo thù rửa hận, tẩy sạch mối trầm oan của những người ruột thịt thì sống trên đời cũng chẳng còn mặt mũi nào nhìn ai cả. Nếu như nay vãn bối có uống phải thứ nước có chất kịch độc ấy vào bụng mà có chết đi thì cũng có thể đi theo phụ huynh ở dưới cửu tuyền, chết đâu có tiếc.
Bạch tu lão nhân cười nói:
- Nếu như nhà ngươi uống nhằm thứ nước vạn niên thạch nhủ, thân thể cường tráng, có phải là lại sống ở trên đời lâu thêm không?
Thiếu Bạch nói:
- Lão tiền bối đã chẳng bảo cháu rằng cả thảy có tất cả ba cái giếng là gì? Bạch tu lão nhân nói: - – đúng, thế thì sao?
Thiếu Bạch nói:
-Cái giếng ở khoảng giữa là nước giếng phổ thông, không cần để ý tới nó làm gì. Còn trong hai cái giếng ở hai bên thì một cái có thứ nước vạn niên thạch nhủ, một giếng chứa chất nước độc thiên nhiên, nếu như vạn nhất mà cháu lấy được thứ vạn niên thạch nhủ chẳng lẽ không lấy được thêm một lần nữa sao?
Lão nhân ngớ người ra:
- Tiểu tử, hình như nhà ngươi đã cương quyết lắm trong cái ý chí muốn chết rồi? Thiếu Bạch đáp:
- Sống để chịu thống khổ, dằn vặt suốt một đời thì há chẳng phải sống không bằng chết quách?
Bạch tu lão nhân nói:
- Nhà ngươi đừng nghĩ nhảm, những cái việc chết chóc như vậy đó dễ dàng lắm. Nhưng trước khi nhà ngươi chết, lão phu cũng phải khuyên ngươi một câu, ấy là ngươi chẳng nên chết thì hơn, vì nếu nhà ngươi có ý muốn chết thì tại sao còn mạo hiểm đi qua Sinh Tử kiều làm gì?
Thiếu Bạch nói:
- Vãn bối không muốn để phụ mẫu thất vọng, tỷ tỷ phải thương tâm cho nên mới vượt qua Sinh Tử kiều.
Bạch tu lão nhân nói:
- Tên tiểu tử miệng còn hôi sữa này, nhỏ quá chẳng hiểu việc đời gì cả. Thôi đừng nói dông dài nữa, chẳng lẽ gia gia ngươi cũng hồ đồ như ngươi sao?
Thiếu Bạch ngạo nghể nói:
- Bạch hạc môn được gia gia vãn bối khổ tâm hoạt động cho nên đã ngang nhiên sừng sửng cùng đứng với cửu đại môn phái đương thế trên giang hồ. Nếu như không phải là người đại trí
đại dũng há có thể làm được à? Gia gia vãn bối còn uy mãnh hơn ngoại tổ bội phần, người hồ đồ làm sao được?
Bạch tu lão nhân nói:
- Thế gian đâu chả có chỗ đẹp để rủ xương, há cứ phải đến Sinh Tử kiều? Gia gia ngươi nếu không phải hồ đồ thì tại làm sao y lại bảo ngươi phải chạy hàng vạn dặm rồi vượt qua Sinh Tử kiều mà tìm cái chết.
Thiếu Bạch nói:
- Nếu như toàn thể mọi người trong nhà vãn bối đều qua được Sinh Tử kiều, cha con đoàn tụ thì tất nhiên cháu chẳng cần phải chết làm gì.
Bạch tu lão nhân nói:
- Nói thế, gia gia ngươi lại càng hồ đồ dữ nữa! Thiếu Bạch lấy làm lạ hỏi: - Cháu nói có chỗ nào không phải đâu? Bạch tu lão nhân đáp:
- Chẳng lẽ gia gia của nhà người không hiểu rằng Sinh Tử kiều là chốn sinh cơ tuyệt lộ, trong ngàn phần không có một phần sống trong cõi chết? Dẫu cho đằng sau không có truy binh đuổi theo gắt, bảo các ngươi thong dong mà qua thì cũng khó mang hết cả gia đình đi qua an toàn, nếu như gia gia ngươi không phải là người hồ đồ thì đã không nghĩ ra kế ấy.
Thiếu Bạch sửng sốt hỏi: - Lão tiền bối nói không sai. Bạch tu lão nhân nói:
- Theo lão phu thấy thì gia gia nhà ngươi bảo ngươi xông pha mạo hiểm vào chỗ vạn phần chết một phần sống, vượt qua Sinh Tử kiều chỉ sợ y còn có dụng tâm?
Thiếu Bạch trầm ngâm giây lâu nói:
- Có thể gia gia vãn bối cũng giống như lão tiền bối đã bị lời truyền ngôn trong giang hồ lừa gạt?
Bạch tu lão nhân nói: - Lấy gì làm bằng? Thiếu Bạch đáp:
- Gia gia lúc còn sinh thời cứ dặn cháu mãi, người nói rằng trong Tả gia cháu là người có tư chất tốt nhất, người đặt cái trách nhiệm ngàn cân của việc tẩy sạch mối hàm oan lên vai cháu. Người trong gia đình ai cũng yêu thương che chở cho cháu hết mình. Trong tám năm liền, những người ruột thịt cùng nhau đương cự với truy binh, thân trải qua mấy trăm trận đấu nên từ phụ thân trở xuống tới tỷ tỷ, người nào cũng bị thương...
Bạch tu lão nhân đưa mắt nhìn từ đầu tới chân Thiếu Bạch một hồi, đỡ lời:
- Quả nhiên không sai, cốt cách thanh kỳ, khí vũ bất phàm, đúng là một thiếu khí của trời đất.
Thiếu Bạch hăng say nói tiếp:
- Chỉ có mình cháu là không bị thương một lần nào cả. Cháu lớn lên trong sự che chở đầy mồ hôi cùng máu của phụ mẫu và huynh tỷ đã phải xả thân tử đấu...
Bạch tu lão nhân gật đầu nói:
- Con mắt xét đoán của họ không sai, họ đã nhìn đúng nhà ngươi. Thiếu Bạch thở dài nói: - Gia gia nói cháu phước duyên thâm hậu...
Bạch tu lão nhân xen lời:
- Đúng thế đấy! Lão phu coi tiểu tử ngươi phước duyên không phải là mỏng. Thiếu Bạch nói: - Lão tiền bối đùa cháu.
Bạch tu lão nhân nói:
- Lão phu nói câu nào cũng chân thực.
Thiếu Bạch mừng thầm, nhưng chỉ trong nháy mắt chàng lại thất vọng nói tiếp:
- Đại khái gia gia cháu cũng giống như lão tiền bối đều đã bị truyền thuyết trong võ lâm dối gạt, nói rằng ở trong Sinh Tử kiều có vật gì gọi bằng di vật của võ lâm tiền bối, cho nên mới có ý nghĩ vượt qua Sinh Tử kiều...
Bạch tu lão nhân bỗng buông tiếng cười ha hả, nói:
- Nhà ngươi nói không sai đâu, bị lừa gạt chỉ có lão phu chứ gia gia ngươi chưa có bị lừa, ngay cả nhà ngươi cũng không có bị lừa.
Thiếu Bạch than:
- Gia gia kỳ vọng rất nữa nơi cháu, đem cả việc tẩy sạch mối trầm oan của Tả gia phó thác cho cháu. Nhưng người lại không truyền thụ cho võ công, chỉ dạy cho cháu phép ngồi thở cố nguyên.
Bạch tu lão nhân cười nói:
- Hảo cực! Hảo cực! Việc này khả dĩ làm cho lão phu bớt bực dọc đi rất nhiều. Thiếu Bạch nhìn chòng chọc vào mặt lão nhân một hồi rồi mới nói:
- Nhưng có điều ở đàng sau Sinh Tử kiều bất quá chỉ có một khoảng đất rộng mấy trăm trượng vuông, chứ làm gì có cái gọi là di vật của võ lâm tiền bối?
Bạch tu lão nhân xua tay nói:
- Dẫu cho có đi nữa cũng không có ích gì đối với y. Thiếu Bạch tiếp lời:
- Phụ mẫu kỳ vọng chàng nhiều, mối oán hận trong lòng cháu càng lớn. Sống mà không thể tẩy sạch mối trầm oan cho phụ mẫu thì chi bằng đi theo phụ mẫu xuống dưới cửu tuyền hầu hạ dưới gối cho tròn đạo hiếu!
Bạch tu lão nhân nói: - Ai bảo là không có kỳ vọng.
Thiếu Bạch nghe Bạch tu lão nhân nói từng tiếng, mỗi tiếng mỗi lạ tai nên ngẩn tai ra mà nghe lời nói của người đối diện.
Bạch tu lão nhân nghiêm nghị nhìn Thiếu Bạch, cái nhìn loang loáng như đao kiếm, lấp lánh thần quang như muốn soi thấu tim gan chàng, lão nhân nói giọng chầm chậm vang lên: - Truy sát toàn thể nhà của ngươi, ngươi có nhớ là những nhân vật nào không?
Thiếu Bạch dõng dạc đáp:
- Ngoài chín đại môn phái còn có các môn hội và lưỡng đại bang nữa. Bạch tu lão nhân nói tiếp: - Nhà ngươi khả dĩ biết được lão phu là ai không?
Thiếu Bạch lắc đầu tỏ vẻ thất vọng nói: - Vãn bối không biết!
Bạch tu lão nhân nói:
- Lão phu họ Cơ, tên chỉ có một chữ Đồng. Nhà ngươi đã từng được nghe gia gia ngươi nhắc nhở đến không?
Thiếu Bạch vẫn lắc đầu đáp: - Vãn bối không được nghe. Cơ Đồng cau mày nói:
- Cái danh tiếng Càn khôn nhất kiếm chính là danh hiệu của lão phu, hẳn nhà ngươi phải nghe chứ?
Thiếu Bạch lại lắc đầu nói:
- Thứ cho vãn bối cô lậu không được nghe. Càn khôn nhất kiếm Cơ Đồng nói:
- Lão phu đây tuyệt tích giang hồ đã mấy chục năm nay. Giang hồ như đã quên lãng nên nhà ngươi không nghe đến cũng không lạ.
Thiếu Bạch đáp:
- Gia phụ rất uyên bác, việc ở trong võ lâm gần một trăm năm qua không việc gì mà người không rành rẽ như nằm trong lòng bàn tay.
Cơ Đồng kinh ngạc hỏi:
- Tại sao người không biết tên tuổi lão phu? Thiếu Bạch đáp:
- Có lẽ gia phụ cháu biết, chỉ có điều người chưa kể cho cháu nghe chuyện trong võ lâm. Cơ Đồng lại hỏi: - Tại sao ngươi lại biết rằng trong võ lâm trừ chín đại môn phái, còn Tứ môn, Tam hội và Lưỡng đại bang?
Thiếu Bạch nói:
- Những Tứ môn, Tam hội, Lưỡng đại bang là do vãn bối trong lúc tình cờ nghe được thôi. Cơ Đồng lại nói tiếp: - Không hiểu sao lệnh tôn lại không kể cho nhà ngươi nghe những nhân vật võ lâm, nếu như nhà ngươi không gặp được ta thì ngươi đành phải làm một tên nông phu ẩn phận mà thôi.
Thiếu Bạch nói:
- Cái đó vãn bối không biết. Cơ Đồng lại nói:
- Nhà ngươi từng được đi lại trên giang hồ có được nghe danh tiếng những nhân vật lẫy lừng, quang minh lỗi lạc không? Kể cả người trong võ lâm bao vây gia đình ngươi?
- Gia phụ anh dõng phi thường, nếu như người không bị cao thủ các môn phái liên thủ thì làm sao mà thiên hạ có thể đánh tan Bạch hạc môn trong một đêm được.
Cơ Đồng ánh mắt ngời sáng nói:
- Sao? Họ liên thủ thay phiên nhau tấn công à? Thiếu Bạch đáp:
- Sự việc xảy ra lúc bấy giờ bởi vì vãn bối tuổi còn nhỏ dại, dĩ nhiên không thể nào ghi nhớ được. Chỉ thấy rằng đang đêm khuya lửa bốc sáng rực, tiếng hô giết dậy đất. Gia phụ dùng một vuông vải buộc vãn bối vào lưng đào mạng.
Cơ Đồng nói:
- Thế tại sao nhà ngươi lại biết được rằng Tứ môn, tam hội, lưỡng đại bang và chín đại môn phái liên thủ công kích?
Thiếu Bạch đáp:
- Sau tai biến, vãn bối đã được nghe từ cửa miệng phụ mẫu, huynh tỷ, được biết rằng đêm hôm đó, số người vây đánh Bạch hạc môn bao gồm hết cả những anh tài trong võ lâm. Ba mươi sáu đệ tử Bạch hạc môn, nam nữ quyến thuộc nhân số mấy trăm người trong có một đêm hôm đó đều bị giết sạch không còn lại một người, chạy thoát khỏi khi bấy giờ chỉ có phụ mẫu, vãn bối, đại ca và tỷ tỷ năm người...
Phải khơi động lại mối thương tâm, bất giác hai hàng lệ trào ra chảy dài trên má. Thiếu Bạch bồi hồi giây lâu mới bùi ngùi nói tiếp: - Thế rồi với tám năm phải đào vong chạy trốn triền miên, trải qua mấy trăm trận ác đấu nhưng rồi cuối cùng vẫn không chạy thoát khỏi số mạng. Bạch hạc môn kể có mấy trăm người mà giờ đây chỉ còn lại có mỗi mình vãn bối, một đứa trẻ vô dụng!
Cơ Đồng cũng buồn lây, thở dài nói:
- Người chết đã chết rồi! Nhà ngươi phải báo thù cho họ. Thiếu Bạch buồn bã nói: - Tuy vãn bối có thừa lòng nhưng khốn nỗi lực không đủ... Cơ Đồng đưa tay ra ngăn không cho Thiếu Bạch nói tiếp mà nói:
- Cửu đại môn phái ở trong võ lâm xưa nay vẫn đường hoàng là danh môn chính phái, chẳng lẽ lại không có một môn phái nào ưỡn ngực đứng ra nói mấy câu cho Bạch hạc môn nhà ngươi sao?
Thiếu Bạch đáp:
- Cửu đại môn phái cũng bị kéo vào trong cuộc, dĩ nhiên là không thể đứng ra ngang nhiên biện hộ cho nhà vãn bối.
Cơ Đồng lạnh lùng nói:
- Cửu đại môn phái, Tứ môn, Tam hội, Lưỡng đại bang cơ hồ như đã bao gộp hết người ở trong võ lâm hiện tại. Nếu như lệnh tôn đã làm nên chuyện gì ghê gớm mà để cho cả trời lẫn người đều tức giận, chẳng hạn như cái việc đại nghịch bất đạo, thì há có thể khiến cho khắp mặt các nhân vật võ lâm không thể nào dung thứ được mà phải xuất thủ tru diệt Bạch hạc môn nhà ngươi?
Thiếu Bạch nhẹ thở dài nói:
- Vãn bối đối với việc này cũng rất hoài nghi, đã từng lên tiếng hỏi gia phụ... Cơ Đồng hỏi: - Lệnh tôn nói sao?
Thiếu Bạch đáp:
- Gia phụ cho biết rằng Cửu đại môn phái, Tứ môn tam hội và lưỡng đại bang mang hết những nhân vật tinh anh đang đem kéo đến phá hủy tan tành cơ nghiệp mà Bạch hạc môn tốn mấy chục năm trời vất vả mới xây dựng được. Họ không cho gia phụ thời gian để tra xét rõ chân tướng, cũng không cho người được cơ hội biện hộ. Khi ấy vãn bối tuổi còn quá nhỏ, không hiểu việc đời, tuy liên miên trải qua bao gian hiểm nhưng rồi cũng chỉ mơ hồ mà vượt qua. Trong tám năm đào vong, đi cả hàng vạn dặm đường, gió mưa bão táp tơi bời, vãn bối đã lớn lên trong cảnh đào vong...
Cơ Đồng mặt lộ sắc giận, gằn giọng nói:
- Cửu đại môn phái, tứ môn, tam hội, lưỡng đại bang dốc kéo hết cả cao thủ tinh nhuệ, hợp lực nhau lại, đang đêm tới tập kích, trước khi xuất thủ không có báo cho đối phương biết, mà lúc đối mặt lại không cho người ta được quyền biện hộ phân bua, nếu quả đúng như thế thì là việc làm rất không phải của họ đây!
Thiếu Bạch nói:
- Vãn bối cũng được biết từ miệng tỷ tỷ rằng việc này đúng y như thế, tuy nhiên vãn bối vẫn chưa hoàn toan tin hẳn, giờ đây trái lại, vãn bối tin lời tỷ tỷ rồi.
Cơ Đồng hỏi: - Vì sao? Thiếu Bạch đáp:
- Chính mắt vãn bối được trông thấy cảnh bọn họ thảm sát gia phụ, gia mẫu và đại ca, tỷ tỷ, bọn họ nhất tề xông tới dùng số đông vây đánh. Điều này đã khiến cho vãn bối nghĩ tới việc Bạch hạc môn bị tập kích, tất nhiên là có vô số cao thủ hợp lực lại tấn công. Gia phụ dẫu cho có muốn giải bày cũng chẳng có cơ hội nào!
Cơ Đồng vuốt râu, trầm ngâm một hồi nói:
- Tiểu tử, nếu như nhà ngươi có thể báo thù cho phụ mẫu, xây dựng lại Bạch hạc môn, thì nhà ngươi lúc đó tính sao?
Thiếu Bạch đáp:
- Vãn bối nghĩ là chuyện này không thể nào có được, một người dẫu cho võ công có cao siêu đến đâu đi chăng nữa cũng khó lòng mà đối đầu được với toàn thể nhân vật võ lâm. Suốt đời vãn bối sẽ chẳng có cơ hội báo thù... Bởi vậy vãn bối muốn chết...
Cơ Đồng lắc đầu ngắt ngang nói:
- Tiểu tử nhỏ dại kia, hễ cứ mở miệng ra là nói muốn chết, ngậm miệng lại cũng nói muốn chết, không khỏi quá nhu nhược đấy...
Giọng nói ngập ngừng một khắc, tiếp lời:
- Tiểu tử, lão phu muốn hỏi rằng nếu như có một ngày kia nhà ngươi có thể gầy dựng Bạch hạc môn, báo thù cho những người thân yêu, thì nhà ngươi phải làm sao?
Thiếu Bạch đáp:
- Nếu quả có ngày đó, thì trước tiên vãn bối sẽ điều tra cho rõ chân tướng. trong võ lâm biết bao nhiêu là môn phái, kẻ khác tại sao chỉ tìm đến có Bạch hạc môn nhà vãn bối, thiên hạ vô số là người, tại làm sao kẻ kia lại chỉ muốn truy sát một mình gia phụ?
Cơ Đồng gật đầu, nói:
- Đúng vậy, chính phải như thế mới phải. Nếu như tra ra phần sai ở lệnh tôn thì sao? Thiếu Bạch đáp: - Nếu thế, vãn bối sẽ đưa đao tự vận mà chết để tại hạ cái tội bất hiếu. Một phái Bạch hạc sẽ vĩnh viễn mất hẳn trong võ lâm.
Cơ Đồng nói:
- Nếu như lệnh tôn không sai quấy? Thiếu Bạch đáp:
- Vãn bối sẽ tra cho rõ chân tướng, đi kiếm cái kẻ đầu sỏ để đòi y món nợ máu để tiếng trước vong linh phụ mẫu, trùng chấn lại hùng phong của Bạch hạc môn.
Cơ Đồng nói:
- Thù cha bất cộng đái thiên, nhà ngươi đã nói biện cho rõ thị phi, trước cầu chân tướng, chỉ trừng trị kẻ tội khơi họa thủ, không muốn giận lây sang đến người khác. Tiểu tử, bằng vào mấy câu nói của ngươi ta nghĩ ngươi có thể trả được thù đấy!
Thiếu Bạch hoang mang nói:
- Thứ cho vãn bối không hiểu ý của lão tiền bối muốn nói gì? Cơ Đồng nói:
- Á, việc này giản dị hết sức. Nhà ngươi sẽ đi tìm một người võ công thật cao cường, xin với vị đó làm thầy dạy cho một thân tuyệt kỹ quán thế. Làm vậy chẳng lẽ ngươi không thực hiện được tâm nguyện sao?
Thiếu Bạch nói:
- Lương sức khó tìm, hà huống trong chốn tuyệt cảnh hẻo lánh này vãn bối đã miên man đi qua được Sinh Tử kiều, may không bị hất văng xuống tuyệt hắc, nhưng trong một đời người quyết không khi nào lại gặp được hai phen hạnh ngộ, sống thoát trong cõi chết. Lão tiền bối nên để cho vãn bối chết thì hơn.
Cơ Đồng nói:
- Ai bảo rằng lương sức khó kiếm? Nếu như người ấy không chịu thâu nhận nhà ngươi làm đồ đệ thì ông ta xa mãi tận chân trời không thể đi đâu tìm được, nhưng nếu người ấy chịu thâu nhà ngươi thì ông ta lại ở gần ngay trước mặt.
Thiếu Bạch tròn xoe mắt nhìn kỹ Cơ Đồng nói: - Người ấy phải chăng là lão tiền bối? Cơ Đồng ha hả cười lớn nói:
- Có lẽ nào? Nhưng nếu lão phu không chịu thâu ngươi làm đồ đệ thì sao? Thiếu Bạch nói:
- Võ công của lão tiền bối hẳn là không dỡ rồi, nhưng còn cái việc định đối đầu với toàn thể thiên hạ võ lâm thì... chỉ sợ... chỉ sợ...
Cơ Đồng nói:
- Chỉ sợ cái gì? Nếu ngươi không tin, sao không thử một phen? Thiếu Bạch nghĩ ngợi một hồi, nói: - Vãn bối rất muốn được làm đồ đệ của lão tiền bối.
Nói rồi, chàng xụp ngay xuống làm lễ ra mắt. Cơ Đồng xua hai tay lia lịa nói:
- Hẳn khoan, hẳn khoan, ta chưa chấp thuận cho nhà ngươi. Thiếu Bạch tủi thân sụt sùi nói: - Xin lão tiền bối thành toàn cho vãn bối.
Cơ Đồng nói:
- Việc này chúng ta sẽ thong thả nói chuyện lại với nhau sau. Lại đầy, hãy hầu tiếp lão phu vài chén rượu trước đã.
Thiếu Bạch nói:
- Vãn bối không uống rượu được, chỉ sợ không gây được tửu hứng cho lão tiền bối mà thôi. Cơ Đồng cười nói: - Nhất túy giải thiên sầu, nhà ngươi không biết uống rượu nhưng chẳng lẽ lại không biết cả say hay sao?
Thiếu Bạch nói:
- Cung kinh bất như tòng mạng, đệ tử xin hết sức thừa tiếp, chưa say thì chưa thôi. Cơ Đồng hỏi: - Khi ta chưa chấp thuận cho nhà ngươi thì chúng mình là bạn tốt với nhau, nhà ngươi đừng có giữ lễ đệ tử để việc uống rượu khỏi mất sự thống khoái.
Dứt lời, lão nhân nhanh nhẹn kéo Thiếu Bạch dậy, để ngồi trước mặt rồi rót ra hai chén rượu, tiếp lời: - Chúng mình hãy cạn một chén trước đã.
Thiếu Bạch vâng dạ, nâng chén rượu lên, một mùi hương thơm phứt đã sộc vào mũi chàng. Tức thời chàng nín hơi uống ực một đường hết sạch.
Chất rượu cay sè, đốt cháy cả cổ họng, Thiếu Bạch uống cạn một chén đã thấy bụng nóng rang, nhiệt khí chạy rần rần.
Cơ Đồng lại rót thêm cho Thiếu Bạch một chén cười nói: - Tiểu tử, thứ rượu này hương vị của nó ra sao? Thiếu Bạch đưa chén rượu cao lên nói: - Tửu vị rất ngon! Rất ngon! Ngửa cổ, chàng lại ộc một hơi.
Hai chén rượu cay cháy vào đến trong bụng, mặt Thiếu Bạch thành ra đỏ gay đỏ gấc, chàng thấy mình lâng lâng bay bỗng. Trời đất quay cuồng, chàng không còn nhìn rõ người ngồi trước mặt.
Cơ Đồng thấy vậy ha hả cười vang nói:
- Tiểu tử, thế nào, ngươi còn uống được nữa không? Lại rót cho chàng một chén nữa.
Thiếu Bạch líu lưỡi, lẩm bẩm: - Uống được... uống được...
Miệng nói luôn mấy tiếng uống được, uống được, nhưng thật sự đầu óc chàng đã quay cuồng. Chàng đã say khướt, chẳng còn hay biết gì.
Cơ Đồng thấy người bạn nhỏ của mình đã say xỉu, cất tiếng ha hả cười lớn, vung tay ném chén đi lại căn phòng.
Nguyên lai lão nhân là một người sốt sắng đối với việc đời, rất náo nức trong việc hành thiện. Khi xưa lão chịu mạo hiểm vượt qua Sinh Tử kiều ấy cũng là vì do lòng trắc ẩn. Giờ đây Thiếu Bạch là đứa trẻ bơ vơ, luân lạc, thân thế phù trầm vô cùng đáng thương, lẽ nào lão không động lòng, hà huống vừa trông thấy Thiếu Bạch, tự nhiên lão đã cảm thấy một sự vui mừng khó tả dâng lên trong lòng.
Cơ Đồng đi đi lại lại trong gian nhà cỏ, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn về Thiếu Bạch một cái, trông dáng điệu như thể lão có một việc vô cùng khó khăn, vô phương quyết định, lão đi lại quẩn quanh vấn đề đó mãi rồi đột nhiên hữu quyền đấm mạnh vào tả chưởng, nói: - Thế đi, cứ theo cách đó thử xem vận khí của y ra sao cho biết?
Nói rồi chạy ngay ra ngoài múc lấy một bình vạn niên thạch nhũ, đổ cho Thiếu Bạch uống. Vạn niên thạch nhũ là một thứ hỉ thế kỳ trân, diệu dụng của nó vô cùng, chỉ một thoáng công phu, chất rượu mạnh trong người Thiếu Bạch đã rả hết, chàng ngóc đầu, dụi mắt nói: - Lão tiền bối còn uống?
Cơ Đồng cả cười, nhanh đưa tay xoa đầu Thiếu Bạch nói: - Uống, uống, có điều nhà ngươi hãy nghe ta nói chuyện trước đã. Ngừng lại giây lát, rồi lão tiếp lời:
- Tiểu tử, ngươi khả dĩ biết được tại sao lão phu không chịu thâu ngươi làm đồ đệ chăng? Thiếu Bạch sa sầm nét mặt đáp: - Chắc là tại vãn bối quá ư ngư đần, căn cốt tầm thường, lão tiền bối không vừa lòng. Cơ Đồng lắc đầu quầy quậy, cười nói:
- Hoàn toàn không đúng, tư chất như nhà ngươi đã là tụ khí của trời đất, một nhân tài khó gặp.
Thiếu Bạch rầu rầu nét mặt, gượng cười nói:
- Phải chăng tửu lượng của vãn bối quá tuyệt nên không hợp ý lão tiền bối? Cơ Đồng ha hả cười vang nói: - Chuyện tiểu tử nói càng lúc lại càng sai bét.
Dứt lời, lão nhân nghiêm ngay nét mặt nói: - Tiểu tử theo thầy học nghệ, mục đích gì? Thiếu Bạch giật mình đáp:
- Bái sức học nghệ, mục đích của mỗi người mỗi khác, riêng về phần vãn bối... Nói đến đây, chàng thở dài rồi mới nói tiếp:
- Vãn bối muốn rửa sạch trầm oan cho phụ mẫu, trả thù cho những người ruột thịt đã bị địch nhân thảm sát. Chuyện này... toàn là chuyện riêng tư của cá nhân vãn bối, chứ không phải việc trượng nghĩa hành hiệp cứu nhân tế thế gì.
Cơ Đồng xua tay cười nói:
- Tuy là việc riêng của cá nhân, nhưng đó lại là cái đạo của người làm con, làm cho hết chữ trung hiếu, cũng có nghĩa là trượng nghĩa hành hiệp rồi, lão phu há có lý do gì không thâu nhận nhà ngươi làm trò?
Thiếu Bạch tỏ vẻ không hiểu nói: - Vãn bối càng nghe lại càng bỡ ngỡ! Cơ Đồng cười nói:
- Không sao cả, sau này tự khắc ngươi sẽ rõ ra. Lão nhân ngừng lại một chút, vuốt râu cười tiếp lời:
- Nói thực với ngươi, lão phu khi xưa nhờ vào pho Vương đạo cửu kiếm mà vang danh giang hồ, vượt thắng vô số cao thủ của hai phái Hắc bạch đạo, bình sinh chưa hề bị bại lần nào.
Thiếu Bạch nghe nói nghĩ bụng:
- Phải đấy! Cứ nghĩ danh hiệu Càn khôn nhất kiếm cao cả ghê gớm, nếu như mà bị bại trận thì xấu hổ quá còn gì?
Nghĩ vậy, chàng nghe Cơ Đồng cười nói:
- Lão phu tuy đánh không lần nào là không đắc thắng, nhưng dưới kiếm chưa hề hại qua một người, cho nên cuối cùng có được nhiều mỹ hiệu tốt đẹp mà người đời gán cho như Vương giả cửu kiếm.
Thiếu Bạch thấy khích động trong lòng, chàng đỏ mặt nói:
- Nếu như lão tiền bối thành toàn cho, đệ tử sau khi học nghệ xong rồi chỉ tru diệt kẻ nguyên hung thủ ác, quyết không làm nhơ nhuốc mỹ hiệu của Vương kiếm.
Cơ Đồng nâng chén ngửa cổ cạn một hơi nói:
- Lời nói thì hay, nhưng rồi chỉ sợ ngay đến kẻ nguyên hung thủ ác cũng không tru diệt được y mà thôi, lúc ấy có phải nhà ngươi đã mất công bái lão phu làm thầy, uổng phí mười năm để luyện võ nghệ không?
Thiếu Bạch ngạc nhiên hết sức, chàng không hiểu ra sao nữa, ngập ngừng nói: - Đệ tử ngu xuẩn...
Cơ Đồng làm mặt giận nói: - Ngươi là đồ đệ của ai nào?
Nói đến đây, lão nhân sẽ mỉm cười tiếp lời:
- Tiểu tử, lão phu không thâu ngươi làm đồ đệ nhưng có thể chỉ cho nhà ngươi một con đường sáng, chỉ có điều việc này rất khó khăn, cũng còn trông ở vận khí của ngươi.
Thiếu Bạch nói:
- Cái công thành toàn của lão tiền bối, vãn bối hết sức cảm kích. Cơ Đồng cạn chén cười nói: - Khỏi cần!
Trầm ngâm giây lâu, hốt nhiên hỏi:
- Lão phu đã từng nói cho nhà ngươi nghe rằng ở chốn Vô ưu cốc này còn có một người nữa ở, nhà ngươi biết ông ta tên là gì không?
Thiếu Bạch lắc đầu cười nói:
- Lão tiền bối chưa nhắc đến làm sao vãn bối biết được? Cơ Đồng nói:
- Ông ta họ Hướng tên Ngao, người đời gọi bằng Hoàn Vũ nhất đao! Thiếu Bạch nhẩm đọc:
- Càn khôn nhất kiếm, Hoàn vũ nhất đao, nghe ngoại hiệu này thì chắc ông ta là nhân vật ngang vai ngang vế với lão tiền bối đây?
Cơ Đồng đáp:
- Thì cũng có vậy, năm xưa đã có người gọi hai chúng ta là Nam bắc nhị thánh, chỉ vì bọn ta hổ thẹn tự biết lục lục thường tài không dám nhận hai tiếng thánh nhân.
Thiếu Bạch càng nghe càng thấy thú, bất giác chàng tươi tỉnh nói:
- Tiên phụ cũng là hảo thủ trong nghệ thuật sử đao, nay vị lão tiền bối họ Hướng đã có tiếng Hoàn vũ nhất đao, vậy chắc đao pháp đã thành tựu tới mức cái thế vô song.
Cơ Đồng nói:
- Chuyện này còn phải nói, nhất kiếm của lão phu chỉ là hư danh, trong khi nhất đao của Hướng hữu danh đúng với thực, thiên chân vạn chân.
Thiếu Bạch lấy làm lạ nói: - Vãn bối lại không hiểu rồi. Cơ Đồng cười nói:
- Nhà ngươi không hiểu còn bắt lão phu tốn nước bọt mỏi miệng làm gì? Nghĩ ngợi giây lát lại nói tiếp:
- Thời giờ hãy còn sớm, vậy nhà ngươi hẳn uống chút rượu nữa, say rồi lão phu lại đánh thức.
Thiếu Bạch nghe nói vội vàng nâng chén lên đổ ộc một hơi. Cơ Đồng lấy làm vừa ý lắm bèn cười nói: - Lão phu mang cái tiếng Nhất kiếm suông, kỳ thực kiếm pháp công có chín chiêu, trong khi Hướng lão quái nói một không hai, một pho đao pháp đúng là chỉ có một chiêu mà thôi.
Thiếu Bạch thấy trong lời nói của lão nhân có ý ghen tỵ thì không khỏi cười thầm, chàng nghĩ bụng: - Vị lão nhân gia này, nhất kiếm, nhất đao, chữ nhất cũng bởi vậy mà ra.
Nghĩ vậy nhưng để bụng, chàng cả cười nói:
- Đao pháp của vị Hướng lão tiền bối đã chỉ có một chiêu, tất có thể xoay trở thi triển? Cơ Đồng trừng mắt nói: - Xoay trở thi triển à? Nhà ngươi muốn nói có mấy địch thủ?
Thiếu Bạch nói:
- Nếu đối thủ chỉ có một người, nhưng võ công lại vô cùng cao cường thì sao? Cơ Đồng đáp:
- Một đao là đủ lắm rồi, vì đao của ông ta không sử ra thì thôi, chứ đã sử ra thì tất phải thương người, thương tất lấy mạng. „y cũng bởi lẽ ấy cho nên phải mang ác danh Bá đạo nhất đao, Đoạn mạng chi đao. Kỳ thực Hướng lão quái tuy tính tình khó khăn, nhưng là người không ác.
Thiếu Bạch nhẩm trong bụng:
- Vương đạo cửu kiếm, Bá đạo nhất đao, Vương giả chi kiếm, Đoạn mạng chi đao... Bất giác ánh mắt ngời sáng, chàng thuận miệng hỏi: - Nếu như Vương giả kiếm mà gặp phải Đoạn mạng đao thì kết quả thế nào? Cơ Đồng nghe nói giật nẩy mình, làm thinh thật lâu rồi hốt nhiên buông tiếng cười ha hả nói: - Lão phu không dám mạo hiểm thử với đường đao ấy, mà Hướng lão quái cũng không dám mang cái uy danh một đời ra giỡn chơi. Hai đứa ta không oán không thù cho nên chẳng thích mua phiền não vào người, do đấy một người đi nam, một kẻ ở bắc, cả hai đều tránh chạm trán nhau.
Thiếu Bạch sực vỡ lẽ ra, nghĩ bụng:
- Chẳng trách họ rất ít đi lại với nhau, thì ra chỉ bởi mỗi một chỗ quan hệ vi diệu đó mà thôi. Cơ Đồng uống cạn một chén rượu nữa, rồi nói: - Tiểu tử, hiện tại nhà ngươi đã khả dĩ biết được con đường sáng mà lão phu định chỉ cho ngươi rồi chứ?
Thiếu Bạch đáp:
- Ý của lão tiền bối phải chăng là bảo vãn bối nên đi bái cầu vị Hoàn vũ nhất đao Hướng lão tiền bối?
Cơ Đồng gật đầu nói:
- Dẫu cho nhân vật võ lâm trong thiên hạ có quay ra đối địch cả với nhà ngươi đi chăng nữa, thì khi học được võ công của lão phu, với nhà ngươi chịu đề phòng một chút hẳn không có việc ngươi không thể bảo toàn được tánh mạng. Nhưng còn nói đến việc trả thù cho phụ mẫu, tru diệt kẻ nguyên hung ác thủ thì không thể không cần đến Đoạn mạng nhất đao của Hướng lão quái, không có tay lão quái này là không xong.
Thiếu Bạch nghĩ ngợi giây lâu nói:
- Vãn bối nóng lòng vì mối thù nhà, quả thực cũng mong đi bái cầu Hướng lão tiền bối dạy cho đao pháp tuyệt diệu, nhưng cứ nghĩ đến việc lão tiền bối với vãn bối gặp gỡ nhau trước, vãn bối...
Cơ Đồng xua tay lia lịa nói:
- Không được, không được, bộ nhà ngươi tưởng Hướng lão quái cũng dễ tính như lão phu sao? Không đâu, đừng nói nhà ngươi đã học kiếm pháp của lão phu rồi, mà dẫu cho chưa có học, Hướng lão quái cũng vị tất đã chịu dạy cho nhà ngươi.
Ngưng lại giât lát rồi lão nói tiếp: - Thêm nữa...
Thiếu Bạch thấy lão nhân định nói lại thôi liền hỏi dồn: - Thưa thêm nữa sao?
Cơ Đồng nghiêm mặt nói:
- Nhà ngươi mới gặp phải gia nạn, lòng thù oán quá sâu, ngọn lửa phẫn nộ đang thổi cháy mạnh, dẫu cho lão phu có truyền dạy cho ngươi kiếm pháp thì ngươi cũng không thể luyện giỏi, khó bề đạt được tới chỗ thần kỳ ảo diệu của nó.
Thiếu Bạch thông minh đỉnh ngộ, biết rằng lão nhân đều nói thật cho nên chàng liền nghĩ bụng: - Vị lão tiền bối này đầy lòng nhân ái, tốt bụng, người đã biệt đãi ta trước thì rồi thế nào về sau cũng vẫn còn yêu thương ta, mối huyệt hải oan cừu của phụ mẫu không phải chuyện thường, đi cầu học đao pháp của Hướng lão tiền bối rồi sau đó sẽ quay lại xin với vị tiền bối này dạy cho kiếm chiêu.
Ý định đã quyết, chàng không dấu được cảm động từ tốn thưa:
- Lão tiền bối, vãn bối xin nghe theo sự chỉ điểm của người, vãn bối sẽ đi cầu Hoàn vũ nhất đao, nhưng không hiểu vị Hướng lão tiền bối ấy ở đâu, vãn bối phải đi cầu theo cách nào?
Cơ Đồng ha hả cười lớn nói:
- Hướng lão quái ở trong sơn âm, chỗ đó ban ngày không trông thấy ánh mặt trời, độc trùng ác thú khắp mặt đất, đâu đâu cũng có hiểm ác dị thường, ta thật sợ cho nhà ngươi không đặt chân tới được.
Thiếu Bạch ngẩng đầu lên, mạnh dạn nói:
- Vãn bối bắt đầu từ năm lên bảy trở đi đã phải theo phụ mẫu, huynh tỷ chạy khắp góc biển chân trời trong khoảng tám năm trường dài dặc, đã đạp chân lên khắp các miền đất hiểm ác ma thiên nước độc, chướng khí âm u, đã trải hết cảnh kinh đao hãi lãng ở chốn nhân gian rồi. Giờ đây dẫu cho độc trùng ác thú có lợi hại đến mức nào đi chăng nữa, vãn bối cũng không sợ.