watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Những Người Đàn Bà Ở Missalonghi-- 1 - - tác giả COLLEN Mc. CULLOUGH COLLEN Mc. CULLOUGH

COLLEN Mc. CULLOUGH

- 1 -

Tác giả: COLLEN Mc. CULLOUGH

- Em có biết không, Octavia, chẳng hiểu vì sao vận may lại chưa bao giờ đến với chúng mình một cách trọn vẹn? Bà Drusilla Wright hỏi em gái, kèm theo tiếng thở dài – Còn phải lợp lại mái nhà nữa chớ!

Dì Octavia Hurlingford buông thõng hai tay vào lòng, lắc đầu rầu rĩ, hòa theo tiếng thở của chị:

- Chị ơi, có thật là phải lợp lại mái nhà không?

- Thì chính Denya nói với chị như vậy mà!



Kể từ khi cậu cháu Denya Hurlingford trở thành chủ tiệm bán đồ sắt trong vùng và làm ăn khấm khá với việc kinh doanh nghề hàn chì thì mọi lời nói của cậu đều là mệnh lệnh.

- Lợp nhà bây giờ cần bao nhiêu tiền? Có nhất thiết là phải thay toàn bộ mái nhà, hay chỉ cần lợp lại mấy chỗ dột thôi?

- Nhưng Denya nói rằng chẳng còn miếng tôn nào xứng đáng giữ lại nên chị tính là phải có khoảng năm mươi pao[1].



Tiếp theo đó là một sự im lặng buồn rầu bao trùm hai chị em, mỗi người cố vắt óc tìm nguồn cho khoản tiền cần thiết ấy. Cả hai ngồi cạnh nhau trên ghế xô-pha nhồi lông ngựa có từ ngày xa xưa đến nỗi chẳng ai buồn nhớ nó có từ hồi nào. Bà Drusilla Wright đang thêu giua, quấn sợi chỉ vòng quanh rìa miếng vải linen sợi tơ rất mịn một cách tỉ mỉ, trong khi dì Octavia Hurlingford bận bịu với mũi kim móc, kiểu thêu đòi hỏi tinh vi giống như làm brô-đê.

- Vậy thì cứ dùng món tiền năm mươi pao ba gởi vào ngân hàng cho con hồi con mới sanh ra đời. - Người thứ ba có mặt trong phòng, tỏ vẻ lo lắng muốn sửa chữa khuyết điểm đã không dành dụm được một pen-ny[2] nào trong tiền bán trứng và bơ. Cô ngồi trên một cái ghế đẩu thấp kép ren từ một con thoi quấn đăng-ten và quả cầu sợi chỉ chưa nhuộm màu, những ngón tay cô chuyển động hoàn toàn chính xác trong công việc tưởng chừng vô hình, không đáng quan tâm.

- Cảm ơn con, nhưng chưa cần đâu! Drusilla nói.



Và câu nói ấy đã chấm dứt cuộc trò chuyện duy nhất trong suốt buổi làm việc hai tiếng đồng hồ của chiều thứ sáu, vì sau đó chẳng bao lâu đồng hồ treo tường bắt đầu gõ bốn tiếng. Khi những rung động cuối cùng còn ngân nga trong không khí thì cả ba người phụ nữ theo thói quen từ lâu đời bắt đầu dẹp những đồ làm dở sang một bên, Drusilla ngừng brô-đê, Octavia thôi thêu móc và Missy cũng không quấn ren nữa. Mỗi người cất đồ nghề vào một cái túi sợi to làm bằng vải fla-nen màu xám rất đặc sắc, rồi lại cất các túi vào tủ đóng bằng gỗ dái ngựa cũ kỹ đặt dưới bệ cửa sổ.



Thói quen ấy, chẳng bao giờ, chẳng bao giờ bị sai lệch đi. Cứ đến bốn giờ thì lao động quy định trong hai tiếng đồng hồ tại phòng khách gia đình chấm dứt, và một mục mới cũng hai tiếng đồng hồ bắt đầu nhưng dưới một hình thức khác. Drusilla lấy cây đàn oọc-găng, kho tàng duy nhứt, niềm vui duy nhất của bà ra, Octavia và Missy xuống bếp chuẩn bị cơm chiều và thế là họ kết thúc công việc vặt vãnh trong nhà.



Khi họ quây quần trước ngưỡng cửa như ba con gà mái không rõ ngôi thứ, rất dễ nhận ra Drusilla và Octavia là hai chị em. Cả hai đều cao và có khuôn mặt xương xẩu, gầy, xanh xao nhưng Drusilla khoẻ mạnh và có da thịt còn Octavia thì lõng thõng và như bị bịnh còi xương lâu năm. Missy chia trung bình chiều cao của dì và mẹ, nghĩa là cô chỉ khoảng năm bộ[3] bảy trong khi dì cô cao năm bộ mười và mẹ cô, sáu bộ. Ngoài chiều cao dường như cô chẳng có điểm nào tương đồng với hai người nữa, cô có mái tóc mun đen trong khi cả hai đều hoe vàng, ngực cô thon nhỏ còn hai người kia thì đầy đặn, mọi đường nét ở cô đều thanh tú trong lúc dì và mẹ cô thì thô kệch hơn.



Nhà bếp chỉ là một căn phòng lớn trơ trọi ở ngay phía sau gian phòng chánh tối lờ mờ, vách là những tấm ván sơn màu nâu góp phần vào không khí buồn bã chung của căn nhà.

- Nhớ gọt khoai trước khi đi hái đậu nhé, Missy!



Octavia vừa nói vừa quấn miếng tạp-dề lùng nhùng màu nâu vào người để bảo vệ chiếc áo dài màu nâu khỏi bị mỡ văng trúng khi nấu nướng. Khi Missy gọt vỏ ba củ khoai tạm coi là đủ cho bữa ăn chiều thì Octavia sắp xếp lại những miếng than đang cháy âm ỉ trong bếp lò bằng thép đen thông thẳng với ống khói; sau đó Octavia bỏ thêm củi tươi vô lò, chỉnh lỗ thông hơi cho có nhiều gió hơn thổi lửa cháy, đoạn đặt lên bếp một cái ấm to tướng. Sau khi nhóm lò xong Octavia trở lại chạn để thức ăn để lấy những thứ nấu món cháo đặc cho bữa ăn sáng ngày mai.

- Ối! Coi kìa! Dì kêu lên, rầu rĩ chìa ra một cái túi giấy màu nâu bị thủng lỗ chỗ dưới đáy làm lúa mạch chảy tràn xuống sàn nhà như những bông tuyết thích phô trương. – Nhìn kìa! Chuột!

- Dì đừng lo, tối nay cháu sẽ đặt bẫy bắt hết lũ chuột nhắt!



Missy lên tiếng với vẻ không hài lòng, sau khi ngâm mấy củ khoai vừa gọt xong vào một xô nước và bỏ thêm một nhúm muối.

- Những cái bẫy chuột tối nay cũng chẳng thể cứu gỡ gì nổi bữa ăn sáng. Cháu hãy hỏi mẹ xem liệu có nên chạy ra xem tiệm cậu Maxwell mua thêm ít lúa mạch không.

- Nhưng không mua có được không, hả dì? Missy rất ghét lúa mạch.

- Không có lúa mạch trong mùa đông? Octavia nhìn cô cháu gái trân trối tưởng chừng như Missy đã hoá điên. - Một tô cháo đặc vừa miệng vừa rẻ tiền vừa đủ chất bổ dưỡng cho cả một ngày, cháu à! Lạy chúa, nhanh nhanh lên!



Từ ngoài cửa bếp tiếng đàn oọc-găng vang lên inh ỏi. Drusilla quả là một tay chơi đàn dở kinh khủng nhưng chưa hề ai chê điều gì lại còn khen bà sẽ chơi hay tuyệt nếu không thiếu sự luyện tập thường xuyên, vì vậy mà từ bốn hoặc sáu tuần trở lại đây người ta thấy bà cố công tập dượt. Điều đó cũng có cơ sở vì Drusilla vẫn thường biểu diễn món đàn của mình rộng rãi cho cả Hội Đoàn tại nhà thờ Byron Anh mỗi chúa nhật; may mắn thay chẳng người Hurlingford nào có cái tai sành sỏi về âm nhạc nên toàn thể Hội Đoàn Hurlingford đều cho rằng họ đã được phục vụ đâu vào đấy.



Missy rón rén bước vào phòng khách gia đình, không phải căn phòng họ ngồi làm việc khi nãy mà vào nơi dành riêng cho những trường hợp đặc biệt, nơi đặt cây đàn oọc-găng; ở đó bà Drusilla đang tấn công Bach[4] bằng tiếng rít lanh lảnh và vô số âm thanh sấm sét của chàng kỵ sĩ đang đấu bằng thương lướt trên quảng trường, bà ngồi thẳng, mắt nhắm nghiền, đầu vẫn còn quấn khăn, miệng méo xệch.

- Má? Chỉ là một tiếng thì thầm nhẹ như hơi thở giữa mớ âm thanh hỗn độn đó như đem một sợi tơ chen vào đống dây cáp.

Tuy vậy, tiếng gọi thoảng đó cũng đủ làm Druslla mở mắt và ngoái đầu lại, có vẻ mất cảm hứng hơn là giận dữ.

- Sao?

- Xin lỗi vì chen ngang lúc này, nhưng mình cần mua bột yến mạch ngay, không thì cậu Maxwell đóng cửa tiệm. Chuột chui vô bao ăn hết sạch bột rồi, má à!

Drusilla thở dài:

- Vậy thì đem túi tiền lại đây cho má?

Túi đựng tiền được lục lạo một hồi và sáu penx[5] được moi từ một ngăn bí mật.

- Lúc nào cũng bột yến mạch! Tiền bạc đưa cho bọn chủ hãng bột như thể bỏ vào cái hộp ma quỉ chẳng bao giờ đầy!

- Nhưng bột yến mạch của nhà máy làm thì ngon lắm, má ơi! Với lại cũng chẳng cần phải hầm suốt một đêm mới nhừ. - Một tia hy vọng nhợt nhạt vụt hiện lên trên đôi ngực phập phồng của Missy - Thật ra, nếu má và dì Octavia thích ăn bột ngon con sẵn sàng đi bộ tới hãng mua mà không cần phải có thêm tiền.

Drusilla luôn thầm nhủ lòng và tâm sự với em gái rằng bà sống để chờ chứng kiến cái ngày đứa con gái nhút nhát của bà có dịp tự hào với đời, nhưng cái giá khiêm tốn nhất phải trả cho sự mong ước ấy, cho tới hôm nay người mẹ vẫn chưa thấy. Vì vậy, bà đáp, cảm thấy bị tổn thương:

- Đi bộ à? Thôi đi, con! Cháo đặc là món ăn chủ yếu trong suốt mùa đông của gia đình mình kia mà, nó còn rẻ hơn than nhiều. - Giọng bà bỗng trở nên thân mật hơn, có vẻ bình đẳng và dịu dàng hơn - Hiện giờ là mấy độ vậy, con?

Missy liếc nhìn cái nhiệt kế treo trong phòng và trả lời:

- Bốn mươi hai[6].

- Tối nay nhà mình sẽ ăn cơm trong nhà bếp và sẽ chuyện trò luôn tại đó.

Drusilla nói và lại bắt đầu đàn, “tặng” Bach một giai điệu mới.



*

* *



Quấn mình trong cái áo choàng bằng vải xẹc màu nâu, chiếc khăn quàng cổ lù xù màu nâu và đầu đội mũ len cũng màu nâu, với sáu penx moi được từ trong ví của mẹ nắm chặt trong những ngón tay mang găng len, Missy lách mình ra cửa và vội vã băng qua lối đi lát gạch dẫn ra cổng nhà. Trong cái túi đi chợ của cô có một quyển sách nhỏ mượn của thư viện, cái cớ để cô có thể lén lút làm những cuộc đi xa đến tận thư viện mà rất ít khi cô được đi, và nếu mỗi lần cô thoăn thoắt chạy, sẽ chẳng ai dám ngờ rằng cô sẽ đi xa hơn tiệm tạp hóa của cậu Maxwell để mua bột yến mạch. Tối nay dì Livilla của cô sẽ trực thư viện, do đó chắc chắn sẽ có một loại sách thú vị nào đó thay vì là tiểu thuyết, mặc dù đối với Missy bất cứ cuốn sách nào cũng vẫn là hơn là không có. Và thứ hai tới đây Una sẽ trực thư viện, cô chắc mẩm sẽ mượn được một cuốn tiểu thuyết.

Không gian sực nức mùi sương mù mịn màng của xứ Scotch pha trộn giữa hơi ẩm và nước mưa lãng đãng quanh hàng rào làm bằng cây thuỷ lạp bao bọc ngôi nhà Missalonghi ướt đầm đìa. Ngay khi vừa bước chân ra tới đường Gordon, Missy bắt đầu cắm cổ chạy, chỉ hơi chậm lại mỗi khi đến gần một góc đường. Dường như có một mũi kim đâm ở bên sườn phải đau điếng. Cứ mỗi lần cô đi chậm lại cô cảm thấy đỡ khó chịu nhưng cô vẫn tiếp tục rảo bước nhẹ nhàng và bắt đầu tận hưởng cảm giác ấm áp dễ chịu mỗi khi được dạo chơi ngoài trời, được quên đi tất cả những phiền muộn của Missalonghi. Cô đi lững thững và cảm thấy khỏe khoắn vì cơn đau nhói cũng biến mất, đảo mắt ngắm khung cảnh Byron thân thuộc trong buổi chiều tà một ngày mùa đông ngắn ngủi.

Tất cả địa danh trong thành phố Byron[7] đều xuất phát từ những sự kiện có liên quan đến nhà thơ nổi tiếng ấy, kể cả ngôi nhà của mẹ cô, Missalonghi, được đặt tên thánh của nơi mà Ngài Byron khi còn rất trẻ đã trút hơi thở cuối cùng. Kiểu đặt tên theo lối trưởng giả lạ lùng này chính là do sáng kiến của ông tổ của Missy, nhà quý tộc đầu tiên Ngài William Hurlingford, người cảm thấy khó khăn khi đọc Childe Harold[8] và lấy làm thú vị rằng ông đã thực sự khám phá ra một tác phẩm văn học vĩ đại mà ngay cả sau ông cũng khó có người có thể nuốt trôi nổi một số lượng sáng tác của Byron nhiều đến như vậy. Vì vậy mà Missalonghi tọa lạc ở phố Gordon đổ ra đường Noel và đường Noel thì đâm ra đường Byron, con đường trung tâm của thành phố; phía mạn kia của thành phố là con đường George ngoằn ngoèo trải dài cả mấy dặm trước khi buông mình vào thung lũng Jamieson. Ngay cả con hẻm cụt bên phía trái đường rầy xe lửa (cũng như ngôi nhà mang tên Missalonghi) cũng mang tên Chỗ Trú Ngụ Của Con Cừu Non Caroline; đây là nơi ở của một lô đàn bà trơ tráo chia ra làm ba nhà và đây cũng là nơi những người đàn ông từ các trại giam hay lui tới, có cả nhà máy thổi thuỷ tinh khổng lồ đã hủy hoại vùng ngoại ô phía nam của thành phố.

Đó là một trong những đặc điểm độc đáo và thú vị của nhân cách hấp dẫn của Ngài William Thứ Nhứt mà ngay cả lúc qua đời ông còn căn dặn cho đám con cháu không được can thiệp vào thiên nhiên Chỗ Trú Ngụ Của Con Cừu Non Caroline, vùng đất nhờ lời di chúc ấy lúc nào cũng rợp bóng mát, không chỉ do tàn lá cây hạt dẻ. Thật ra, Ngài William Thứ Nhứt đã tỏ vẻ say sưa với những thứ mà ông mệnh danh là “một hệ thống đặt tên theo thứ tự”, và ông đã gọi các cô con gái bằng tên La-Tinh vì các tên ấy hết sức thông dụng trong giới thượng lưu. Những người thừa kế của ông vẫn giữ tục lệ đó; vì thế mà đã có hàng loạt tên Julins, Aurlia, Antonias, Augustas; chỉ có một chi nhánh duy nhất trong dòng họ thử cải tiến lề thói đó bằng cách bắt đầu đặt tên con cho các cháu trai đời thứ năm bằng các con số La-Tinh, đó là hệ tộc Hurlingford lẫy lừng với các tên Quintus, Sextus, Septimus, Octavius và Nonius. Decius[9] chết từ hồi mới sinh và chẳng ai ngạc nhiên về chuyện đó.

Ô, đẹp làm sao! Missy ngừng chân ngắm nghía một mạng nhện khổng lồ đong đưa trong màn sương mong manh kéo lê từ phía thung lũng vô hình về phía xa của phố Gorgon. Có một con nhện óng mượt to tướng nằm ở giữa mạng nhện, được hộ vệ bởi chồng-tạm-thời của nó. Missy không hề thấy sợ hãi hoặc muốn tháo lui mà chỉ thấy ghen tỵ. Sinh vật diễm phúc đó không những làm chủ thế giới của riêng mình một cách gan dạ và trọn vẹn mà còn chiếm lĩnh vị trí thống trị qua việc chế ngự và sử dụng chồng và ngay cả việc ăn thịt chồng mỗi khi thấy chồng có ý định ấp trứng. Ồ, diễm phúc, may mắn thay cho “người đàn bà” nhện! Hãy phá huỷ thế giới riêng đó, con nhện cái sẽ lập tức tái tạo thế giới thảnh thơi với những đặc điểm mới mẻ đáng yêu, trong sáng và tính tạm thời không mảy may ảnh hưởng đến cuộc sống nhện; và mỗi lần một mạng nhện mới bị phân tán, nhện cái lại lập tức thiết lập một chuỗi quan hệ vợ chồng mới đó là cuộc hội hè lưu động, nhện chồng tráng kiện hiền lành nhứt của ngày hôm nay sẽ được coi như một trung tâm bị quên lãng, những kẻ kế tục sẽ càng lúc càng nhỏ hơn và càng xa cách Mẹ nhện ở cương vị người chồng.

Ôi, thời gian! Missy lại bắt đầu chạy, rẽ sang đường Byron để tiến vào dãy cửa hàng dẫn đến một khu trung tâm, trước đây, khi đường Byron chưa được quy hoạch và được thiết kế, hàng loạt công viên và nhà ga và khách sạn có mặt tiền cần đá hoa cương và nhà tắm với bể nước công cộng của thành phố Byron có mặt tiền kiến trúc kiểu Ai Cập rất đường bệ.

Kia là tiệm tạp hoá của Maxwell Hurlingford; tiệm bán đồ kim khí của Denya Hurlingford; cửa hàng bán đồ trang phục nữ của Aurelia Marshall, cháu gái của dòng họ Hurlingford; lò rèn bánh mì của Walter Hurlingford; cửa hàng y phục của Herbert Hurlingford, toà báo và tiệm bán văn phòng phẩm do Septimus trông coi; phòng trà Weeping Willow[10] của Julia Hurlingford; phòng cho mượn sách thuộc quyền quản lý của Livilla Hurlingford; tiệm bán thịt mà chủ nhân là Roger Hurlingford Witherspoon; quầy bánh kẹo và thuốc lá mà Percival Hurlingford phụ trách; quán cà-phê Olympus và bar rượu Milk do Nikos Theodoropoulos điều khiển.

Để tương xứng với vai trò quan trọng của mình, đường Byron được trải một lớp đá giăm trộn hắc ín ở khúc nối với đường Noel và Chỗ Trú Ngụ Của Con Cừu Non Caroline, cộng thêm cái máng ngựa làm bằng đá hoa cương lóng lánh rất hoa mỹ do Ngài William Thứ Nhứt tài trợ cho một trạm liên lạc nằm dọc theo các cửa hàng cung cấp vải bạt. Đường Byron được viền bởi hai hàng cây bạch đàn nhựa già cỗi nhưng sum suê và được mọi người đánh giá là một con đường vừa yên tĩnh lại vừa trù phú.

Tại trung tâm Byron vẫn còn một số nhà tư nhân. Thành phố nhộn nhịp hẳn lên bởi khách đi nghỉ hè muốn chạy trốn sự oi bức và ẩm ướt của những bình nguyên ven bờ biển, những du khách đến thường xuyên suốt cả năm thì có niềm ao ước đánh bại chứng thấp khớp và đau nhức nhờ việc trầm mình trong dòng nước khoáng ấm áp nhờ sự cấu tạo địa chất kỳ diệu dưới lòng đất Byron. Do đó mà dọc theo các con đường của Byron chỗ nào cũng thấy nhà khách và nhà ăn – hầu hết đều do người của dòng họ Hurlingford làm chủ và điều hành. Nhà Tắm Với Bể Nước Công Cộng Byron là nhà tắm có đầy đủ tiện nghi đúng với tiêu chuẩn những người không bị eo hẹp tiền bạc, các nhà tắm tư nhân đẹp mắt của khách sạn Hurlingford đầy uy tín và đường bệ thì chỉ dành riêng cho khách trọ của khách sạn còn đối với những ai chỉ có khả năng trả tiền thuê phòng và bữa ăn sáng tại các quán cơm bình dân thì đã có những ao nước sạch của người Spartan ở vùng suối khoáng Byron, nằm hẳn trong khu vực đường Noel.

Tuy vậy, ngay cả dân nghèo du lịch đến Byron vẫn được phục vụ chu đáo. Ngài William Thứ Nhì đã sáng lập nhà máy thổi chai thủy tinh Byron (nổi tiếng từ Australia sang miền Nam Thái Bình Dương): loại chai có dung tích một pint[11], thanh thoát đầy tính nghệ thuật, trong suốt do nhà máy ở Byron chế tạo hoàn toàn thích hợp cho việc đóng chai nước suối, có hơi ga nhẹ, mùi nhạt, là một loại thuốc nhuộm trường hữu hiệu, có vị đặc sắc. Nước suối Vichy chỉ là loại nước tồi tệ! Những kẻ đã từng du lịch ở bên Pháp về thường chê bai nước suối nổi tiếng của Pháp như vậy. Nước suối đóng chai của hãng Byron coi xấu xí vậy mà chẳng những tốt hơn lại còn rẻ mạt. Ngoài ra, nếu sau khi dùng hết nước suối, khách hàng đem chai không đến thì sẽ được trả lại tiền vỏ chai: một penny. Việc quyết định mua một số cổ phần trong hãng thuỷ tinh và phụ trách khâu đánh bóng là một đường hướng kinh doanh sáng suốt làm cho giá thành sản phẩm không cao, đưa nguồn lợi lớn cho ngành kỹ nghệ của địa phương; điều này còn mang lại những món tiền khổng lồ cho các con trai của Ngài William Thứ Nhì. Ngài William Thứ Ba, cháu của William Thứ Nhứt và con của William Thứ Nhì, hiện đang cai quản Công Ty Làm Chai Thủy Tinh Byron bằng tất cả sự tàn ác và tham lam giống như bậc cha ông cùng tên với mình.

Maxwell Hurlingford, thuộc dòng chính thống của William Thứ Nhứt nên chỉ cần thừa hưởng gia tài là đã đủ giàu sụ, chẳng cần phải mua bán tạp hoá làm gì. Tuy nhiên bản năng và sự nhạy bén trong kinh doanh của dòng máu Harlingford đã khó mà nằm yên, vả lại châm ngôn của Calvin vốn được dòng họ lấy làm kim chỉ nam chỉ rõ ra rằng mọi người đều phải lao động để hưởng ơn huệ của Chúa. Sự gắn bó cứng nhắc với nguyên tắc đó đã khiến Maxwell Hurlingford trở thành một ông thánh trên trái đất nhưng thay vì chỉ lo quản lý bọn thiên thần đường phố ông còn kiêm cả trông coi đám quỷ ám tại nhà.

Khi Missy bước vào cửa hiệu, một hồi chuông rung lên khàn khàn, đó chính là sự minh họa hùng hồn nhứt loại âm thanh mà Maxwell Hurlingford đã sáng chế ra để biểu lộ tính khắc khổ hay đức thận trọng của ông. Ông chồm dậy ngay lập tức ngay sau khi tiếng chuông vừa reo; ông nhô người, nơi còn vung vãi cám, vỏ trấu, lúa mì, lúa mạch, cám mịn, bột yến mạch… chất đống cao nghệu trong những bao tải đan bằng sợi gai dầu; Maxwell không những phục vụ như cầu ăn ngon của cư dân ở Byron mà còn cung cấp lương thực cho ngựa, bò, heo, cừu của họ nữa. Như một người dí dỏm đã nhận xét khi đồng cỏ nhà nào bị hỏng. Maxwell Hurlingford có tất cả những gì người ta cần và tìm đến.

Mặt ông ta vẫn có vẻ biểu hiện thường ngày, bẳn gắt, và trên tay phải là cái xẻng to tướng còn lòng thòng những sợi rơm.

- Nhìn kìa! ông gầm gừ, huơ huơ cái xẻng về phía Missy giống hệt cô em gái Octavia của ông khi trưng ra cái túi bột yến mạch bị lũ chuột cướp phá – Đám sâu mọt đục khoét ngũ cốc đầy dẫy khắp nơi.

- Bộ yến mạch cũng bị cắn phá nữa hả cậu?

- Nhiều vô số.

- Cậu Maxwell ơi, rồi cậu cho cháu một túi lúa yến mạch đặc biệt để nấu cháo ăn sáng, nghen.

- Nhưng lũ ngựa thì đâu có cầu kỳ như vậy! Ông cằn nhằn, ném cái xẻng xuống và biến mất sau quầy.

Tiếng chuông lại cắt đứt không khí sôi động và một người đàn ông nhanh nhẩu lách vào cửa cùng với con lốc băng giá như thể đang bận bịu việc gì ghê lắm.

- Thời tiết quỷ quái! Lạnh còn hơn là lòng dạ của bà dì ghẻ!

Người mới đến thở hào hển, xoa xoa hai bàn tay vào nhau.

- Xin lưu ý, hiện đang có các bà ở đây.

- Úpsss! Người mới đến kêu lên, thờ ơ bộc lộ vẻ biết lỗi rất đúng mực. Nhưng, ông ta lại khom người chồm qua quầy và tinh quái mỉm cười với Missy đang đứng ngớ người nhìn mình. – Các bà thật sao, ông chủ? Vậy mà tôi thấy có nửa bà.

Cả Missy lẫn cậu Maxwell đều chưa thể phân biệt rằng đây là lối châm chọc thô lỗ sự thiếu chiều cao của Missy nếu đem so với những người khổng lồ trong thành phố hay người khách lạ đang trắng trợn xúc phạm Missy không phải thực sự là phụ nữ. Vì vậy trong lúc cậu Maxwell còn sửa soạn uốn cái lưỡi nổi tiếng cay độc và châm biếm của cậu để chống trả thì người lạ mặt đã nhanh chóng trưng ra một loạt yêu cầu:

- Tôi cần sáu túi cám to và cám mịn, một túi bột, một túi đường, một hộp đầu đạn kiểu mười hai, một tảng thịt xông khói, sáu tin[12] bột nở, mười pao[13] bơ đóng hộp, mười pao nho khô, mười hai tin xirô vàng, sáu tin mứt mận, một tin bánh bít-qui Arnott loại mười pao.

- Còn năm phút nữa thôi là tới năm giờ, mà tôi thì sẽ đóng cửa hiệu vào lúc năm giờ không quá một giây - Cậu Maxwell vội vã nói.

- Bậy thật! Ông tính chuồn ngay bây giờ chắc? Người lạ hỏi với vẻ bất bình.

Túi yến mạch đang nằm chờ trên quầy; Missy móc đồng sáu penx từ trong chiếc găng tay ra và nhẹ nhàng đặt xuống quầy; đợi coi cậu Maxwell có thối lại được ít tiền lẻ nào chăng; nhưng vô ích, không dám hỏi vì sao chỉ có một lượng thực phẩm ít ỏi mà lại mắc tiền đến thế dù tính cả giá của chiếc túi xinh xắn bên ngoài, sau cùng cô cầm túi yến mạch và ra về nhưng không quên liếc trộm người mới tới lần nữa.

Ông ta có một cỗ xe hai ngựa đang đậu ngoài cửa quán mà hồi Missy đến thì chưa thấy. Đúng là một đoàn tuỳ tùng đẹp mắt: hai con ngựa lông óng mượt được chải chuốt cẩn thận có vẻ là ngựa đua hơn là ngựa kéo xe và cỗ xe thì còn mới tinh, các nan hoa của bánh xe vàng óng ánh nổi bật hẳn trên nền màu nâu của toàn cỗ xe.

Chỉ còn bốn phút nữa là năm giờ. Nếu đảo ngược thứ tự của Missy và người khách lạ, có nghĩa là nếu người ấy đến trước cô, thì có thể có lý do cho sự đến trễ và cô sẽ tránh né sự thô lỗ của người lạ bằng cách chạy vù đến thư viện trước.

Thành phố Byron không có thư viện công cộng; hồi đó rất nhiều tỉnh thành ở Úc đều không có thư viện của tỉnh hoặc thành phố. Nhưng ở Byron thì người ta lập một phòng cho mượn sách tư nhân để bù vào sự thiếu sót đó. Livilla Hurlingford là một quả phụ có đứa con trai cực kỳ phung phí; mọi nhu cầu tiền bạc của hắn đều phải được đáp ứng nên bà mẹ đành phải mở nghề kinh doanh cho mượn sách từ cái phòng đọc sách với đủ mọi loại sách của riêng bà, cái thư viện ấy nổi tiếng và thu lợi nhuận rất cao đến nỗi bà ta quyết định không cần biết đến luật lệ chung ở Byron: các cửa hiệu đều đóng cửa lúc năm giờ chiều, bà muốn tạo điều kiện cho các người đọc có thể đọc sách vào cả buổi tối.

Sách là nguồn an ủi duy nhất và cũng là sự xa xỉ độc nhất của Missy. Cô được mẹ cho phép sử dụng món tiền bán trứng và bơ dư thừa ở Missalonghi để trả tiền thuê sách ở thư viện của dì Livilla. Cả Drusilla và Octavia đều cực kỳ phản đối kiểu tiêu xài đó, vẫn thường bảo rằng Missy phải để riêng khoảng năm mươi pao mà cha cô đã dành sẵn cho cô từ lúc cô mới chào đời, và họ cũng đã đúng đắn khi thu hồi lịnh đó sau khi Missy đã chuyển sở thích tiêu xài sang thú đọc sách.

Không ai phản đối việc đọc sách của Missy miễn sao cô chu tất mọi công việc được giao theo như quy ước và nhất là không được cò kè nhưng hễ cô mà ngỏ ý muốn đi dạo trong khu rừng nhỏ thì mọi người lại cực lực cấm đoán. Đi dạo trong rừng có nghĩa là giao phó tính mạng mình vào một nơi đầy trộm cướp hoặc kẻ sát nhân, và không phải lúc nào cũng được cho phép. Do đó Drusilla đã yêu cầu người chị họ Livilla của mình chỉ nên cung cấp cho Missy những loại sách lành mạnh chứ chẳng phải là bất cứ cuốn tiểu thuyết nào hoặc các sách nói về chuyện đời tư bẩn thỉu hay sách khiêu dâm; bà cũng nhấn mạnh là đừng đưa cho Missy bất cứ cuốn sách nào đề cập đến vấn đề nam tính. Điều luật này được dì Livilla khống chế một cách nghiêm ngã bằng sự hoàn toàn nhất trí với Drusilla về những thứ mà một phụ nữ chưa lập gia đình nên đọc.

Nhưng kể từ tháng vừa qua Missy mang nặng trong lòng một điều bí mật tội lỗi; cô được dấm dúi đưa cho những quyển tiểu thuyết độc đáo. Dì Livilla mới thuê một người phụ việc để giúp bà điều hành thư viện vào các ngày thứ hai, thứ ba và thứ bảy nhằm giúp dì Livilla được nghỉ ngơi thoải mái bốn ngày trong tuần, giải phóng dì khỏi mọi sự nhì nhằng dai dẳng của dân địa phương, những kẻ đã đọc không sót cuốn sách nào trên các kệ sách của dì và những khách du lịch mà thú thưởng thức các tủ sách không bao giờ thoả mãn. Dĩ nhiên người phụ tá này cũng là người thuộc dòng họ Hurlingford mặc dầu không phải là người Byron; người ấy vừa từ giã giới thượng lưu Sydney để trở về vùng đất của người thuộc dòng Hurlingford.

Người ta ít khi quan tâm đến cái cô Missy Wright thường sống lặng lẽ và ít nói, nhưng Una, người phụ việc của thư viện, dường như đã phát hiện ở Missy nguồn tâm sự bạn bè đồng cảm. Do đó, từ lần gặp gỡ đầu tiên, Una đã kích động Missy phải bộc lộ cá tính; Una biết rõ từng sở thích, điều quan tâm, hoàn cảnh, ước mơ và thiên hướng của Missy. Una lập tức chấm dứt tình trạng phi lý bằng cách đưa cho Missy mượn sách cấm mà chẳng buồn hỏi ý kiến của dì Livilla và không ngừng cung cấp cho Missy đủ mọi loại tiểu thuyết, từ những quyển có nội dung cực kỳ lãng mạn đến những cuốn mô tả các cuộc phiêu lưu mạo hiểm hết sức viển vông.

Tối nay là phiên trực của dì Livilla, do đó quyển sách mà Missy sẽ mượn được phải là một cuốn thuộc loại cổ điển. Tuy vậy khi Missy hé mở cánh cửa kính để bước vào phòng chứa sách ấm áp làm bằng gỗ anh đào thì Una đang ngồi chễm chệ sau quầy và dì Livilla, dì Livilla dễ sợ, chẳng hiểu vì sao không thấy dạng.

Không phải chỉ có sự linh động không cách chi chối cãi được, sự hiểu biết và lòng tốt mà ai cũng công nhận đã chinh phục lòng cảm mến của Missy, Una còn là một phụ nữ xinh đẹp lạ lùng. Gương mặt của Una toàn hảo, chiều cao tầm thước khác hẳn những người thuộc dòng họ Hurlingford chính cống, và trang phục của Una thì luôn gợi Missy nhớ đến y phục của người chị họ Alicia, bao giờ cũng trang nhã, hợp thời trang nhứt, luôn luôn nổi bật các đường nét quyến rũ. Cũng da trắng, mắt xanh, tóc vàng nhưng Una không có vẻ khô cằn và nhợt nhạt như hầu hết cánh đàn bà họ Hurlingford ngoại trừ Alicia (người phụ nữ có một nhan sắc mê hồn mà Thượng Đế lại còn cho hai hàng lông mày và cặp mi đen thắm vào những năm mới lớn) và Missy (cả tóc, mắt, mi, mày… đều đen nhánh). Sức quyến rũ của Una không xuất phát chỉ ở diện mạo xinh xắn của riêng mình mà chính là ở những đường nét rực rỡ và tươi thắm; sắc hồng hào chẳng phải chỉ ở làn da bên ngoài của cô mà còn như tiềm ẩn một sức sống bên trong; móng tay cô để dài và chuốt hình bầu dục toả ra mùi thơm nhẹ của dầu bóng; tóc cô cũng vậy; quấn thành từng lọn theo kiểu mới nhất quanh đầu và chải bồng lên thành một chùm lớn lấp lánh vàng đến nỗi có khi tưởng như màu bạch kim. Không gian bao quanh Una tự nhiên nhuốm màu rực rõ đến nỗi làm người ta đôi khi bàng hoàng cảm thấy mình đang ở rất gần cô mặc dầu chẳng phải thật sự gần cô. Đúng là mê hoặc lòng người! Sự phô diễn vẻ xinh xắn cố hữu này đã làm Missy hết sức bất ngờ: hiện tượng một người lúc nào cũng toả hương thơm; trong vòng có một tháng Missy đã biết được hai người có đặc điểm đó, Una với mùi thơm ngào ngạt và mới hồi nãy: người lạ mặt trong tiệm cậu Maxwell có mùi sương giá mạnh mẽ khi hơi ấm trong thân thể người ấy toả ra.

- Chào em thương mến của chị - Una kêu lên khi mới vừa trông thấy Missy - Chị để dành cho em một cuốn tiểu thuyết mà chị biết thế nào em cũng yêu thích! Nó mô tả cuộc đời một phụ nữ quý phái vì nghèo mà phải đi dạy trẻ tại nhà một công tước. Thiếu nữ đem lòng yêu công tước và ông cũng dan díu với cô đến có con, sau đó công tước định bỏ rơi cô gái vì ông ta sợ bà vợ đang thâu tóm mọi tài sản của ông hay được. Vì thế ông ta ép cô phải trốn sang Ấn Độ, ở đó đứa con nhỏ của cô chết vì bịnh dịch tả ngay từ lúc mới sinh. Rồi có một vị tiểu vương trông thấy cô và yêu cô say đắm chỉ vì cô có mái tóc ánh vàng rực rỡ và đôi mắt xanh lấp lánh trong khi mười hai bà vợ và cả lũ hầu thiếp của ông chỉ có một màu đen. Vị tiểu vương bắt cóc cô gái nhằm mục đích sử dụng cô như một trò tiêu khiển, nhưng khi bắt giữ được người phụ nữ ấy rồi thì ông ta bỗng phát hiện ra rằng mình lại hết sức quý trọng cô. Do đó ông ta làm lễ thành hôn với cô và bỏ hết những người phụ nữ mà ông đang sở hữu vì, theo ý vị tiểu vương, thiếu nữ ấy chính là một kho tàng vô giá và sẽ chẳng có người đàn bà nào có thể sánh kịp với người phụ nữ ấy. Thế là người đàn bà nọ trở thành một mệnh phụ đầy quyền lực. Sau đó vị công tước lại cũng sang Ấn Độ cùng với một trung đoàn kỵ binh để dẹp một cuộc nổi loạn; sau một cuộc giao tranh trên đồi, chỉ một mình công tước bị thương nặng. Vợ của vị tiểu vương sai đưa công tước vào cung điện xây bằng thạch cao tuyết hoa của bà và công tước đã tắt thở trên tay bà sau khi bà tha thứ tất cả những hành động tàn ác của công tước đối với bà. Cuối cùng thì tiểu vương cũng hiểu rằng người đàn bà cao quý kia thật sự yêu thương mình hơn cả bà đã từng yêu thương công tước. Một câu chuyện như vậy há chẳng phải là thú vị hay sao? Chị cam đoan rằng em sẽ thích vô cùng.

Sau khi được nghe kể toàn bộ tình tiết câu chuyện, Missy thấy khó có thể trì hoãn việc đọc cuốn sách, vì vậy cô thuê ngay quyển Tình Yêu Bóng Tối và nhét nó và cái giỏ đi chợ nhân tiện lấy túi đựng tiền nhỏ xíu của cô. Nhưng ví đựng tiền không có trong giỏ.

- Có lẽ là em bỏ quên tiền ở nhà rồi – Cô nói với Una với vẻ hổ thẹn mà chỉ có kẻ nào nghèo lắm và hết sức tự trọng mới có thể có được - Ồ, chị ơi, em nhớ là đã bỏ ví tay vào giỏ kia mà. Thôi, tốt nhất là chị nên cất quyển sách giùm em cho tới thứ hai này.

- Chúa ơi, em ơi, đâu phải đã đến ngày tận thế đâu mà sợ không trả được tiền thuê sách! Bây giờ cứ cầm lấy mà xem, không thì có kẻ sẽ chộp lấy nó ngay lập tức, mà chị đoan chắc rằng nó hay đến nỗi mọi người sẽ chuyền tay nhau hàng tháng cho mà coi. Lần sau hãy trả tiền có sao đâu.

- Cảm ơn chị.

Missy biết rằng lẽ ra mình không nên làm điều gì trái ngược với các quy định của Missalonghi, nhưng cô cảm thấy khó mà cưỡng nổi thèm muốn được đọc ngay cuốn sách ấy. Mỉm cười ngượng nghịu, cô quay trở ra thật nhanh.

- Đừng đi vội, em thân mến! Una năn nỉ - Em phải ở lại trò chuyện với chị đã.

- Chị đừng buồn em! Em chẳng ở lại được đâu.

- Thì cũng dăm ba phút rồi hãy đi! Từ giờ cho tới bảy giờ ở đây sẽ vắng tanh như cái nhà mồ, ai nấy ở nhà uống trà.

- Không được đâu , Una, thật mà! Missy khốn khổ trả lời.

- Được mà! Una vẫn bướng bỉnh.

Chợt nhận ra rằng từ chối chiều ý một người mới vừa cho mình nợ một số tiền thì cũng khó coi. Missy đành đầu hàng:

- Thôi, cũng được, nhưng chỉ một phút thôi nhé!

- Việc chị muốn biết là chẳng hiểu em đã bao giờ trông thấy John Smith chưa – Una nói, những ngón tay sơn bóng của cô mơn trớn tóc óng ánh vàng, đôi mắt rực sáng.

- John Smith? John Smith là ai?

- Là anh chàng đã mua cái thung lũng của nhà em hồi tuần rồi ấy mà!

Cái thung lũng ấy thật ra chẳng hề thuộc về gia đinh Missy, nó chỉ là dải đất dài theo đường lộ Gordon, nhưng Missy luôn nghĩ rằng dải thung lũng đó là của cô, và đã nhiều lần cô bày tỏ niềm khao khát được đi dạo khắp nơi trong thung lũng với Una. Mặt Missy sịu xuống.

- Ô, thật là xấu hổ!

- Phù… chỉ là một điều hoàn toàn vui vẻ thôi mà! Đã đến lúc có ai đó được phép đặt chân lên ngưỡng cửa Hurlingford rồi đấy.

- Chà, em chưa hề nghe đến cái tên John Smith và em cũng nhớ rất rõ là em có gặp người ấy hồi nào đâu. – Missy trả lời, sửa soạn quay ra.

- Làm sao em dám quả quyết rằng em chưa gặp ông ta nếu em không nán lại để nghe chị tả sơ về bề ngoài của ông ta?

Hồi ức về người lạ mặt trong tiệm của cậu Maxwell như lướt qua trước mắt Missy; cô nhắm mắt lại và nói với sự tự tin hơn thường lệ:

- Ông ta rất cao nè, người coi rắn chắc nè, tóc loăn xoăn và màu nâu vàng nè, ria cũng nâu vàng nè nhưng có lẫn hai vệt trắng nữa nè, quần áo thì lôi thôi và ăn mặc theo kiểu kỵ binh. Mặt mũi nom rất dễ thương và đôi mắt thì lại càng dễ thương hơn.

- Đúng ông ta, đúng ông ta! Una kêu lên - Vậy là em đã gặp người ấy rồi! Ở đâu mới được chứ? Nói chị nghe thử .

- Thì chính ông ta vừa đến tiệm cậu Maxwell cách đây vài phút để mua hàng lố đồ ăn.

- Thật ư? Vậy là ông nhứt định sẽ dời vô ở trong thung lũng. – Una chọc Missy - Chị có cảm tưởng là em bắt đầu thích những gì em vừa nhìn thấy, có phải không, cô bé Missy ranh mãnh?

- Dạ, em cũng hơi thinh thích – Missy đáp, mặt đỏ bừng.

- Lần đầu gặp ông ta chị cũng cảm thấy y như em – Una nói vu vơ.

- Chị gặp ông ta lần đầu hồi nào?

- Lâu lắm rồi. Thật ra đã lâu lắm rồi, em à! ở tận Sydney lận!

- Chị cũng biết ông ta nữa à?

- Thật ra chị biết ông ra rất rõ. – Una thở dài.

Suốt cả một tháng ngốn ngấu tiểu thuyết đã mở rộng kiến thức của Missy về việc kiềm chế cảm xúc: cô cảm thấy đủ tự tin để hỏi - Chị có yêu ông ta không?

Nhưng Una đã bật cười:

- Không, em à! Một điều mà em có thể yên tâm là chị không hề yêu ông ta.

- Ông ấy cũng từ Sydney tới à? Missy hỏi, phần nào cảm thấy yên tâm.

- Không, từ nhiều nơi khác.

- Ông ấy là bạn của chị à?

- Không. Ông ta là bạn của chồng chị.

Đây là một tin hoàn toàn mới mẻ đối với Missy.

- Ô. Em xin lỗi chị, Una! Em không ngờ chị là một quả phụ.

Una lại cười:

- Không, em à! Chị không phải quả phụ! Các thánh trên cao hãy còn bảo vệ chị khỏi bộ đồ tang chế Wallace, chồng chị, vẫn còn sống. Cách hay nhất để nói về cuộc hôn nhân của chị là cho rằng chồng chị đã tự ý cởi bỏ sự ràng buộc.

Trong suốt cuộc đời của Missy cô chưa hề được gặp một người ly dị nào; những người ở Hurlingford không bao giờ chấp nhận ly hôn, họ tin có thiên đường, địa ngục và cõi u minh.

- Chắc là chị phải khổ tâm lắm! Missy hỏi thì thào, sự nôn nóng vẫn không làm mất đi vẻ xúc động đoan trang.

- Em thân yêu của chị, chỉ có chị mới biết rõ nỗi đắng cay ấy - Mọi sắc rực rỡ ở Una như tắt lịm – Đó là một cuộc hôn nhân hoàn toàn vụ lợi. Anh ấy muốn cưới cái danh hiệu giai cấp của chị, mà đúng hơn là cha ảnh thích như vậy, còn chị thì muốn tận dụng túi tiền của anh ấy.

- Bộ chị không yêu chồng sao?

- Tất cả bị kịch của chị và điều này đã gây tổn thương cho chị rất dữ, đều xuất phát ở chỗ chị chẳng hề yêu ai bằng nửa bản thân chị cả.

Una ngước mặt lên và sắc hồng rực rỡ lại trở về với cô, ngay sau khi cô trở lại được bản tính mạnh mẽ thường ngày:

- Em biết không, Wallace được giáo dục rất chu đáo về mọi mặt, và có dáng dấp bên ngoài rất khả ái. Nhưng cha của anh ấy… ôi… Cha anh ấy là một lão choắt cheo bầu tiện, người tỏa mùi pômát rẻ tiền và có cả mùi thuốc lá còn rẻ hơn, không hề biết đến một điều sơ đẳng nào về phép lịch sự. Tuy nhiên, lão già có một tham vọng điên cuồng là được nhìn thấy con trai ngất ngưởng trên xã hội Úc; vì thế lão đổ rất nhiều tiền và còn bỏ thời gian nhằm giới thiệu con trai cho một người thuộc gia đình Hurlingford mà không hề bỏ lỡ một cơ hội nào. Sau đó thì sự thật đã rõ ràng con trai lão chỉ thích một cuộc sống đơn giản, chẳng hề muốn gia nhập vào giới thượng lưu, và đã cố sức làm mọi điều chỉ vì quá thương yêu lão già quái dị và liều lĩnh ấy.

- Sau đó thì sao? Missy hỏi.

- Ít lâu sau khi cuộc hôn nhân tan vỡ thì lão già chết. Nhiều người đồn rằng do lão bị vỡ tin, cả Wallace cũng cho là vậy. Và đối với anh ấy, chị đã làm cho anh ấy căm ghét chị đến nỗi chưa từng có người đàn ông nào lại thù hận một phụ nữ đến như thế.

- Thật em không thể nào ngờ được điều đó – Missy thú nhận.

- Chị cũng nghĩ rằng em sẽ lấy làm lạ chuyện này. Nhưng đó là sự thật, tất cả đều là sự thật. Từ sau khi cái chết của lão già thì chị bắt buộc phải tin rằng mình là con mụ tham lam ích kỷ, lẽ ra phải bị đâm chết ngay sau khi vừa mở mắt chào đời.

- Ô, Una, đừng cho là như vậy!

- Khóc có lợi gì đâu, em! Chị chẳng xứng đáng để em khóc đâu! Una nói, chỉ có thế thôi. Do đó chị đến đây, rũ sạch quá khứ bằng chốn ngục từ Byron này để ăn năn sám hối tội lỗi.

- Còn chồng chị thì sao?

- Anh ấy hiện sống ổn định. Cuối cùng thì anh ấy cũng tìm được cơ hội để thực hiện những gì mà anh ấy hằng mơ ước.

Có ít nhứt là một trăm câu hỏi mà Missy nôn nóng muốn đặt ra, về khả năng hàn gắn mọi chuyện giữa Una và Wallace đã từ bỏ chị, về John Smith, John Smith bí hiểm; nhưng khoảng trống sau câu chuyện của Una đã khiến Missy trở lại với thực tế. Cô vội vã từ giã về trước khi Una kịp giữ cô lưu lại thêm nữa.

Cô gần như chạy suốt quãng đường năm dặm về nhà, cơn đau nhói bên sườn còn hay không còn dai dẳng cô cũng chẳng buồn để ý, chân cô như có mọc đôi cánh, bởi vì cô hào hển bướcvào nhà bếp mẹ và dì cô đã hoàn toàn chấp nhận câu chuyện về John Smith như một lý do chánh đáng khiến cô phải về trễ. Drusilla đã vắt sữa bò, chứng nhức khớp xương không cho phép Octavia làm công việc đó, đậu đã hái xong và hiện đang sủi bọt trên bếp, ba khoanh thịt trừu đang kêu xèo xèo trong chảo. Những người đàn bà ở Missialonghi ngồi vào bàn dùng bữa tối đúng giờ. Và sau cơm chiều là công việc lặt vặt chấm dứt một ngày: mạng vá những chiếc bít tất rách lỗ chỗ vì đã giặt ủi nhiều lần, đồ lót và khăn trải giường.

Với một nửa tâm trí cho câu chuyện đau buồn của Una, một nửa thả hồn theo John Smith, Missy mơ màng nửa thức nửa ngủ lắng nghe Drusilla và Octavia say sưa phân tích giấc mộng về đêm về bất cứ những gì có liên quan đến nguồn sống. Đêm nay, sau giai đoạn đầu cho cuộc thảo luận mông lung về người đàn ông xa lạ ở cửa hiệu cậu Maxwell Hurlingford (Missy không thổ lộ chút gì về những tin tức thâu lượm được từ Una), họ quay sang sự kiện thú vị nhứt nổi bật trong sinh hoạt giới thượng lưu Byron: Alicia và đám cưới.

- Em sẽ mặt cái áo lụa màu nâu, Drusilla à! Octavia nói, chớp chớp mắt để rơi những giọt lệ sầu não.

- Còn chị sẽ mặc áo sợi màu nâu và Missy thì áo vải lanh nâu. Chúa ơi, chị đến phát ngán vì các màu nâu ấy… - Drusilla kêu lên.

- Nhưng trong hoàn cảnh túng thiếu hiện nay của chúng ta thì màu nâu là thích ứng nhất, chị à! Octavia chống chế, dù không hữu hiệu lắm.

Drusilla ghim kim vào cuộn chỉ, đập đập vào chiếc áo gối vá rất khéo đến nỗi khó mà thấy dấu mạng một cách giận dữ mà cái áo chưa hề được biết từ lúc là áo gối đến giờ và nói một cách dữ dằn:

- Nhưng chị thà làm kẻ ngu ngốc hơn là làm người biết thích ứng! Vì mai là chúa nhật nên chị sẽ phải chịu đựng sự do dự không bao giờ kết thúc của Aurelia giữa xatanh màu cặn rượu và nhung màu mắt mèo, màu nào thích hợp hơn cả để may áo cưới, chị ấy đã hỏi ý kiến chị trên một chục lần đến nỗi chị chỉ muốn giết quách chị ấy đi cho khuất mắt.

Missy có phòng riêng, vách ván màu nâu như tất cả những nơi khác trong nhà. Sàn nhà lót bằng vải sơn có sọc, giường phủ vải nâu, cửa sổ che mành Hà Lan; có cả một cái bàn viết cũ kỹ xấu xí và một tủ áo còn xấu hơn, cũ hơn. Không gương soi, không ghế ngồi, chẳng có thảm. Nhưng trên tường có treo ba tấm tranh. Một tranh là chân dung Ngài William Thứ Nhứt cũ kỹ, già cỗi đến không nhận ra được trong khung kính ố vàng và phai màu chụp theo kiểu dagô từ thời nội chiến Hoa Kỳ; một tranh là mẫu thêu (mẫu đầu tiên của Missy, rất khéo tay) mô tả cảnh Quỷ Sứ Sẽ Giao Việc Cho Những Bàn Tay Lười Biếng; và tấm thứ ba là chân dung nữ hoàng nổi tiếng Alexandra, cứng nhắc và nghiêm trang, nhưng đối với cặp mắt không biết bình phẩm của Missy thì là một phụ nữ xinh đẹp vô song.

Mùa hè căn phòng giống một lò lửa vì nó quay mặt về hướng tây nam, và vào mùa đông nó y hệt một cái thùng làm nước đá, chịu đựng tất cả luồng gió lùa tứ phía. Không hề có một sự bạc đãi có tính toán nào trong việc phân cho Missy một căn phòng như thế; đơn giản thôi, cô trẻ tuổi nhứt nhà và phải chịu kham khổ hơn hai người kia. Ngoài ra, chẳng có căn phòng nào thuộc Missialonghi mà thật sự đủ tiện nghi.

Tái mét vì lạnh buốt, cô cởi chiếc váy màu nâu ra, cởi cả váy lót bằng vải fla-nen, vớ len, áo len ngắn, quần đùi lót, xếp mọi thứ lại kỹ càng trước khi cất đồ lót vào một ngăn tủ và treo váy vào móc trong tủ. Chỉ duy nhất cái váy bằng vải lanh mặc ngày chúa nhật tươm tất nhất của cô là đã được giặt ủi và treo lên cẩn thân bởi vì nước ở đây rất hiếm. Bể chứa của Missialonghi chỉ chứa khoảng năm trăm ga-long[14], vì vậy mà nước càng trở nên hiếm hoi, vì cần tắm rửa hàng ngày ba người phụ nữ đành chia nhau lượng nước ít ỏi dùng để tắm nhưng đồ lót thì phải hai ngày mới được giặt.

Áo ngủ của Missy làm bằng vải lanh thô màu nâu, kín cổ và dài phết đất với hai tay áo khá lượt thượt vì là đồ cũ của Drusilla. Được cái giường ngủ ấm áp. Vào dịp sinh nhật thứ ba mươi của Missy mẹ cô đã nhắc Missy cần một phòng ngủ bằng gạch ấm nóng trong suốt mùa đông bởi vì cô chẳng còn ở thời kỳ phát triển mạnh mẽ của tuổi thanh xuân nữa. Và khi ngày tháng trôi qua, dù Missy vẫn mong ngày tháng cứ trôi nhanh, cô đã tự động từ bỏ những niềm hy vọng dào dạt trong lòng là một ngày nào đó cô sẽ có cuộc tự lập thoát khỏi mọi ràng buộc của Missialonghi.

Giấc ngủ đến nhanh vì những hoạt động thể chất dù cuộc sống nghèo nàn. Nhưng cái giây phút được nằm dài trên chiếc giường ấm áp chờ đợi chìm vào giấc ngủ là dịp duy nhất trong ngày để cô tận hưởng tự do, vì thế Missy cố chống chọi lại giấc ngủ được chừng nào hay chừng ấy.

Cô thường bắt đầu suy nghĩ từ việc tự hỏi mình thật sự là một phụ nữ như thế nào. Nhà này chỉ có một tấm gương lại gần trong phòng tắm; và điều này cản trở việc đứng nhìn trừng trừng vào hình ảnh phản chiếu của mình. Từ đó ấn tượng của Missy về mình cứ giới hạn trong mặc cảm rằng cô đã không đủ can đảm đứng yên để ngắm nghía mình. Ồ, cô biết rằng mình khá cao, cô biết rằng cô rất gầy, cô thấy rằng tóc cô đen và thẳng đuột, rằng mắt cô nâu đen, mũi cô nhấp nhô lên một cách bất hợp lý như mũi của trẻ con. Cô ý thức rõ là miệng cô chảy xệ xuống ở hai bên mép và cong lên ở giữa môi mà cô lại không biết cách tạo nụ cười sao cho hết sức quyến rũ và dáng vẻ nghiêm nghị của cô thường mang vẻ bi hài của một vai hề. Cuộc sống đã dạy cho cô tự cho mình là một người quê kệch, tuy nhiên có một điều gì đó trong lòng cô cứ phản đối hoài điều đó, vẫn chưa thể bị thuyết phục bởi một loạt dữ kiện khá hợp lý. Đó là lý do khiến cho cô hàng đêm cất công tìm hiểu cho mình là người như thế nào.



Chú thích:

[1] Đơn vị tiền tệ của Anh.

[2] Đơn vị tiền tệ của Anh = 1/100 pound (pao).

[3] Bộ (foot): Đơn vị đo lường của Anh (khoảng 3,048cm).

[4] Bach: Nhạc sĩ nổi tiếng của Đức.

[5] Số nhiều của penny

[6] Độ của hàn thử biểu Fahrenheit, khoảng 5oC.

[7] Lord George Noel Byron: nhà thơ quý tộc nổi tiếng người Anh, các địa danh trong thành phố đều xuất phát từ tên nhà thơ.

[8] Một tác phẩm nổi tiếng của Byron

[9] Có nghĩa là Năm , Sáu , Bảy , Tám , Chín , Mười.

[10] Có nghĩa là Cành Liễu Rũ

[11] Đơn vị đo dung tích, khoảng 0.5679 lit

[12] Hộp thiếc dùng để đựng thực phẩm đóng hộp.

[13] Đơn vị đo lường của Anh, khoảng 0.454 kg

[14] Đơn vị đo dung tích của Anh, khoảng 4.5435 lit
Những Người Đàn Bà Ở Missalonghi
LỜI GIỚI THIỆU
- 1 -
- 2 -
- 3 -
- 4 -
- 5 -
- 6 -
- 7 -
- 8 -
- 9 -
- 10 -