watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Những Người Đàn Bà Ở Missalonghi-- 5 - - tác giả COLLEN Mc. CULLOUGH COLLEN Mc. CULLOUGH

COLLEN Mc. CULLOUGH

- 5 -

Tác giả: COLLEN Mc. CULLOUGH

Ngài William vô cùng tự tin khi đưa ra lập luận đó thậm chí còn mỉm cười nữa.



Lợi dụng lúc lộn xộn vì những con người lo lắng và làm việc quá sức đang tìm cách thích hợp để chấm dứt cuộc thảo luận, Missy liền nhẹ nhàng bước ra khỏi chỗ núp sau cánh cửa và mạnh dạn bước vào phòng. Mọi người lập tức nhận ra sự hiện diện của cô mặc dù chẳng ai có vẻ hài lòng khi trông thấy cô.

- Muốn gì đây? – Alicia cục cằn hỏi.

- Tôi đến tỏ cho chị biết cảm nghĩ của tôi về lòng từ thiện của chị, chị Alicia à, đến để báo cho chị rõ tôi sẽ dự đám cưới của chị trong bộ đồ nâu cũ kỹ của mình – Missy vừa nói vừa băng vào giữa phòng dằn cái gói lên cái mặt bàn trước mặt Alicia – Đó, cảm ơn chị, nhưng cũng không cần cảm ơn chị.



Alicia ngó cô chằm chằm như thể ngó một đống phân chó mà Alicia suýt giẫm phải:

- Mặc xác cô!

- Thì tôi cũng vậy kể từ giờ phút nầy – Missy liếc xéo Alicia, phải ngước mắt lên vì Alicia thường thường khai là mình cao năm bộ mười, nhưng thực sự cao đến sáu bộ một, với nụ cười tinh quái – Nào, Alicia cứ mở gói ra đi, tôi đã nhuộm mâu toàn bộ cho riêng chị đó.

- Cô… sao? – Alicia lóng ngóng mở gút sợi dây buộc khiến cho Randolph phải chồm tới dùng dao cắt đứt mấy vòng dây buộc. Sau đó thì gói giấy được mở ra dễ dàng hơn và cái áo dài bằng vải phin nõn sang trọng và chiếc nón kiểu cách của Alicia hiện ra, dơ một cách không chi tả nổi và còn xấu xí, biến dạng. Ngoài ra, hai vật đấy còn tỏa mùi phân heo và phân bò loãng nồng nặc.



Alicia phát ra một tiếng thét kinh hoàng và cứ thế rít lên the thé cho đến khi trở thành tiếng ken két đinh tai nhức óc và nhảy lùi lại trong khi mẹ, cha, hai em trai, cậu, hôn phu của cô bu quanh bàn để coi chuyện gì đã xảy ra.

- Mi… mi là con yêu tinh đáng ghê tởm! – Cô gầm lên trong khi Missy đứng yên với vẻ mặt tươi tỉnh.

- Không đúng đâu! – Missy tự đắc trả lời.

- Mi còn đáng sợ hơn loài yêu tinh quỷ quái nữa! Mi nên thực sự lấy làm mừng rỡ khi ta chân thành nói cho mi biết mi là con người như thế nào.

Alicia thở hổn hển, không sao phân biệt được điều làm cô bất ngờ chính là hành động thách thức.

- Vậy thì chị Alicia à, chị nên lấy làm mừng là tôi không thể đủ can đảm nói lên toàn bộ những gì tôi suy nghĩ về chị. Tôi chỉ sanh ra trước chị có ba ngày thôi có nghĩa là hiện tại chị đã gần ba mươi bốn tuổi chớ không phải chỉ mới ba mươi ba. Tuy nhiên, ngó chị thì rõ, đúng là một bà già lúc nào cũng tưởng mình là con gái mười tám, mặt mày cứ trơ tráo như thể làm bằng đồng thau, rắp tâm đi cưới một chú bé chỉ được phân nửa tuổi mình! Có lẽ tuổi người cha thì thích hợp hơn! Bởi vì lấy một chú bé như vậy làm chồng thì chị chỉ là một vú em trơ trẽn thôi! Kể từ khi Montgomery Massey vắn số chết đi trước khi chị kịp lôi cổ người ta ra trước bệ thờ, chết để nhằm trốn chạy điều còn hãi hùng hơn là cái chết, chị chẳng cách chi kiếm ra được ai có chừng một phần mười lợi điểm nạn nhân đầu tiên của chị. Thế là chị dò la đến cậu em tội nghiệp Willie từ lúc cậu bé tóc còn để chỏm, mặc đồ thủy quân và chơi đánh vòng với tham vọng sẽ trở thành Phu Nhân Willie vào một ngày không xa. Nhưng tôi e rằng thời thế đã đổi thay chị sắp sửa có cơ may trở thành Phu Nhân Billy chớ không phải Phu Nhân Willie, chắc sẽ là vinh dự lớn hơn vì danh hiệu đã có sẵn rồi. Xin thán phục thủ đoạn mặt dày mày dạn của chị, riêng cá nhân chị thì chẳng có gì đáng để ca ngợi cả. Tôi chỉ hơi lấy làm tiếc cho chú em khốn khổ Willie rồi đây chẳng hiểu sẽ ra sao trước định mệnh khắc nghiệt, một miếng mồi ngon trong tay kẻ chưa rõ sẽ là vợ hay mẹ mình.



Đối thủ của Missy đứng chết trân giữa những người thân, há hốc miệng ngó Missy như thể cô từ trong một cái bánh khổng lồ nhảy vọt ra, trần truồng như nhộng điên cuồng nhảy điệu căng-căng . Aurelia đã khoan dung bỏ ra ngoài tai cơn cuồng loạn của Missy bằng cách ngất xỉu đi không kịp nói một lời nào nhưng các khán giả khác thì như bị thôi miên đến nỗi không còn tri giác điều gì đang diễn ra xung quanh.



Ngài William hồi tỉnh trước nhứt:

- Ra khỏi nhà này ngay!

- Không nhờ ông nhắc! – Missy trả lời với vẻ đắc thắng.

- Ta sẽ không bao giờ tha thứ chuyện này đâu! – Alicia la lên – Mi cả gan thật! Sao mi dám cả gan tới vậy?

- Thôi đi, quân ăn bám tồi tệ! – Missy phá lên cười và đáp – Bấy nhiêu đó cũng đủ rùm beng rồi! – Cô bồi thêm và bỏ đi.



Câu nói đó như cọng rơm chất thêm lên chiếc xe đã quá tải: Alicia cứng đờ như cái xác chết cho đến khi cô hoàn toàn mất cả giác, rít lên một lời kêu gào tống biệt và đổ nhào xuống nằm cạnh bên mẹ dưới sàn nhà.



Ô, thật hả lòng hả dạ làm sao! Nhưng khi rời khỏi đỉnh đồi dốc thoai thoải của đường George dẫn xuống khu phố trung tâm Byron, sự phấn chấn của Missy cũng tiêu tan. Nếu đem so nội dung cuộc nói chuyện mà Missy tình cờ nghe được trong phòng khách vừa khi nãy, chuyện trả bộ trang phục đã bị chế biến cho Alicia chỉ là chuyện vặt vãnh. Quả là phụ nữ bao giờ cũng vụng tính! Missy chỉ biết lơ mơ về công việc công ty y hệt mẹ và dì cô nhưng cô có đầy đủ trí khôn để hiểu biết rất rõ những lời Ngài William nói. Cô cũng biết khá rõ về các cổ phần bởi vì Drusilla thường cất giấy tờ xác nhận cổ phần của bà và của dì Octavia trong cái hộp đựng tiền bằng nhôm nhỏ để trong tủ quần áo cùng với các chứng từ nhà và năm mẫu đất. Mỗi người có mười cổ phần, vị chi hai mươi cả thảy. Như vậy có nghĩa là dì Cornelia và dì Julia cũng có mỗi dì mười cổ phần. Còn lãi suất! Rõ ràng đây là một khoản tiền phải trả theo định kỳ có nghĩa là một cổ phần lợi nhuận mà công ty phải trả.



Thật không thể ngờ được là lũ đàn ông trong dòng họ nhà cô lại hèn hạ đến như thế! Ngài William Thứ Ba này đã tận dụng chính sách độc đoán của Ngài William Thứ Nhứt làm cho những phụ nữ kém may mắn của gia đình, những người phải sống chật vật trong cảnh bần cùng một cách khá tao nhã, chẳng được hưởng một chút thành quả nào của công cuộc thổi thủy tinh theo kiểu cạn tàu ráo máng hơn bất cứ người Hurlingford nào khác.



Cậu Maxwell thì tồi tệ hơn bất cứ kẻ trộm cắp nào, làm giàu trên quyền lực của mình mà còn gian lận trứng, bơ và trái cây của những bà con nghèo vì ông đã dùng áp lực bắt họ phải tin rằng đem bán những thứ đó cho bất cứ người ngoài nào đều là một hành động phản bội không thể tha thứ được.



Cậu Herbert thì chuyên mua nhiều nhà và nhiều mảnh vườn năm mẫu luôn luôn trả tiền thấp hơn giá trị thực của các bất động sản ấy rất nhiều, cũng là một loại đi áp chế người khác giống như cậu Maxwell. Nhưng trong anh em, cậu là kẻ tồi tệ hơn cả vì cậu còn cố bóc lột lại một khoản tiền mà cậu đã trả trong việc mua nhà đất bằng cách nói với các nạn nhân của mình rằng những kế hoạch kinh doanh được đề ra hôm nay thất bại một ít, ngày mai thất bại một ít.



Nhưng lũ đàn ông thuộc dòng họ Hurlingford có phải chỉ tồi tệ không đâu, Missy cảm thấy cần phải điều chỉnh sự nhận xét cho công bằng hơn. Nếu như Aurelia, Augusta và Antonia bị áp lực gia đình phải thành hôn với một người trong cùng thị tộc thì có lẽ họ đã thành công trong vấn đề thay đổi tình huống đó bởi vì sự áp chế tồi tệ kia có thể bị phân tán do những người đàn ông nọ sẽ bị vợ kiểm soát.



Chà, phải làm một cái gì mới được. Nhưng là cái gì? Missy phân vân không biết có nên thuật lại chuyện này với mẹ hay dì hay không, nhưng rồi cô hiểu ngay là có thể họ sẽ không tin cô, mà cho dù có tin đi nữa họ sẽ đành để bị bóc lột món lợi nhuận mà lẽ ra họ được hưởng. Phải làm một cái gì mới được, mà phải làm ngay lập tức trước khi Alicia đến xun xoe xin các cổ phần.



Hôm nay là ngày thư viện mở cửa: Missy liếc ngang qua cửa sổ hy vọng thấy cái bộ tịch đằng đằng sát khí của dì Livilla phía sau bàn cho mượn sách nhưng lại chỉ thấy Una. Vì vậy cô bước chậm rãi, rẽ vào và bước vô thư viện.

- Missy! Thật là may! Chị đâu có ngờ hôm nay lại được gặp cưng – Una vừa nói vừa mỉm cười như thể cô thực sự coi việc gặp lại một người trong cái gia đình vừa tồi tệ vừa nghèo khổ là một điều may mắn.

- Em thật tức quá chị à! – Missy kêu lên, ngồi phịch xuống cái ghế dùng để ngồi đọc sách trước khi mượn, dùng tay phẩy mồ hôi cho đỡ bức bối.

- Có chuyện gì vậy?



Tự nhiên chợt nhớ ra cô không thể trình bày cái âm mưu đê tiện của những người họ hàng cật ruột kia với một người bà con xa chỉ liên hệ gia tộc với cánh Byron như Una, Missy đành cáo lỗi bằng nụ cười xí xóa:

- Ồ, không có chuyện gì đâu!



Una làm như không có ý định dò la. Cô chỉ mỉm cười, gật đầu, vẻ rạng rỡ kiều diễm toát ra từ làn da, mái tóc và móng tay có tác dụng làm tan đi cơn giận dữ.

- Uống một tách cà-phê trước khi về nhà nhé! – Una hỏi và đứng dậy.

Tách cà-phê được coi là một biện pháp phục hồi sức sống:

- Dạ, chị cho em một tách cà-phê – Missy hăng hái trả lời.



Una biến mất sau kệ sách chót ở góc phòng, đi vào căn phòng nhỏ để đồ lề pha cà-phê , phòng không có toa-lét , theo như kiểu các cửa hàng thông thường ở Byron bởi vì không cách chi sử dụng phòng vệ sinh ở đâu ngoài các phòng tắm ở Byron và phải làm mọi thứ thật nhanh.



Có lẽ nên đọc vu vơ một cuốn tiểu thuyết nào đó trong khi chờ đợi là tốt hơn nên Missy tiến về phía cuối phòng chần chờ một chút trước kệ sách đặt sát mép bàn của dì Livilla. Và khi ánh mắt cô di chuyển từ bàn viết đến kệ sách cô bỗng nhận ra tấm bìa quen thuộc. Cái gói đựng các giấy tờ chứng nhận các cổ phần của Công Ty Thủy Tinh Byron.

Una bỗng ló đầu ra:

- Chị đã bắc nước lên rồi, chỉ còn chờ sôi nữa thôi – Mắt cô dò theo tầm nhìn của Missy rồi dừng lại trên gương mặt Missy – Cũng tạm được, phải không em? – Cô hỏi.

- Cái gì?

- Thì tiền bán các cổ phần của Công Ty Thủy Tinh Byron, dĩ nhiên! Mười pao mỗi cổ phần! Em không biết ư? Wallace thường làm chủ các cổ phần của chị không, nhưng lúc bọn chị chia tay anh ấy đã trả quyền sở hữu lại cho chị, ảnh nói ảnh không muốn giữ lại bất cứ thứ gì nhắc ảnh nhớ đến những người Hurlingford. Chị chỉ có mười cổ phần thôi nhưng chị có thể sử dụng một trăm đồng tiền bồi thường trong cùng một lúc cưng à! Còn điều này chỉ chị với em biết thôi nhé, dì Livie [1] cũng có cổ phần nữa nên chị đang cố thuyết phục dì giao nốt cho chị hai chục cổ phần của dì để chị bán luôn một thể cùng với mười cổ phần của chị.

- Sao dì Livilla lại có tới hai chục cổ phần?

- Richard cho dì chớ ai vô đây nữa. Cứ mỗi lần thiếu nợ dì Livie mà không mong gì trả nổi là ảnh lại giao một ít cổ phần cho dì. Tội nghiệp Richard! Có bao giờ thấy ảnh ăn cuộc cá ngựa đâu. Còn dì thì hết sức chặt chẽ trong việc trả nợ cho dù người mượn là con trai cưng duy nhứt của dì đi nữa. Vì vậy mà ảnh đã phải ký nhượng một ít cổ phần của anh trong Công Ty Thủy Tinh và thế là dì chỉ còn cách bỏ tất cả vô một ngăn tủ và khóa lại.

- Nhưng anh Richard còn cổ phần nữa không?

- Sao lại không! Ảnh là con trai dòng họ Hurlingford kia mà. Nhưng chị đoán chắc ảnh đã bán sạch đi rồi, bởi vì chính Richard đã giới thiệu chị đến với người mua cổ phần trời sai xuống ấy.

- Mà làm sao chị có thể bán cổ phần của người khác được?

- Thì chị có giấy ủy quyền. Em có thấy không? – Una cầm tấm giấy khổ phun-xcáp[2] đưa lên – Em mua mẫu giấy ở tiệm bán văn phòng phẩm nhé, giống như mẫu chúc thư vậy. Rồi em điền chi tiết vào, ký tên phía dưới và người ủy thác cho em quyết định mọi thứ, ký tên xong thì tới nhân chứng cũng ký vô.

- Em biết rồi – Missy nói, quên ngay ý định mượn sách đọc. Cô ngồi xuống ghế - Una ơi, chị có thể cho em biết địa chỉ người nào mua cổ phần Công Ty Thủy Tinh Byron không?

- Đây, nhưng cưng có biết không, chị sẽ đem toàn bộ giấy tờ, chứng từ đích thân đi Sydney vào thứ hai này để bán cổ phần của chị như vậy sẽ chắc ăn hơn. Đó là lý do vì sao chị trực thư viện tối nay: để sáng thứ hai chị được nghỉ.

Cô đứng dậy, trở lui vào trong để pha cà-phê .

Missy bới óc để suy nghĩ. Tại sao mình không tranh thủ lấy cho được giấy chứng nhận cổ phần của các dì trước khi Alicia đến gặp các dì đặt vấn đề. Tại sao phải chờ Alicia hành động và nắm mọi sự thành đạt trong khi sự xung đột đầu tiên giữa mình và Alicia vừa mới kết thúc thì Alicia bị thất thế kia mà?

Ngay lúc ấy, Una bước ra với khay cà-phê trên tay, Missy vội vàng quyết định:

- Cảm ơn chị - cô đỡ tách cà-phê với vẻ biết ơn – Una ơi, có nhất thiết chị phải đi Sydney vào thứ hai không? Liệu chị có thể dời lại ngày thứ ba không?

- Có gì là trở ngại đâu em.

- Vì em có một cái hẹn với bác sĩ chuyên khoa ở thành phố Macquarie vào sáng thứ ba – Missy chậm rãi giải thích – Em định đi cùng với Alicia nhưng… em lo là chị ấy chẳng thích đi cùng với em. Mà cũng có khi em lại xin được một số cổ phần để đem đi bán không biết chừng nên nếu được đi chung với chị thì chắc tiện hơn. Thật ra, từ hồi nào tới giờ, em chỉ đi Sydney có đôi ba lần từ hồi còn nhỏ thành thử em chẳng thạo đường sá gì cả.

- Vậy thì vui biết mấy! Thì thứ ba có gì là khó khăn đâu! – Una tươi tỉnh đáp, vẻ mặt càng trở nên rạng rỡ hơn.

- Nhưng chắc chị phải giúp em một việc này nữa mới xong.

- Đừng ngại gì hết cưng à! Chuyện gì?

- Em muốn nhờ chị đến tiệm bán văn phòng phẩm mua giùm em mấy mẫu giấy ủy quyền, có được không? Chị tính coi, nếu em mua, cậu Septimus sẽ hỏi em cần mua giấy ủy quyền để làm gì và sau đó cậu sẽ báo cho cậu Billy, cậu Maxwell hoặc cậu Herbert về công chuyện mà em chỉ muốn âm thầm tiến hành mọi việc.

- Sau khi uống xong tách cà-phê này chị sẽ đi ngay, trong khi đó em cảm phiền ngồi trông cửa hàng thế chị nhé!

Sau đó là mọi sự sắp xếp, kể cả việc Una sẽ đến Missalonghi vào chiều chúa nhật lúc năm giờ để làm nhân chứng cho việc ký giấy ủy quyền. May thay lúc đó Missy có mang ví tiền theo, trong ví cũng có hai si-linh : mẫu giấy ủy quyền rất mắc, tới ba pen-xơ mỗi tờ.

- Cảm ơn chị nhé! – Missy vừa nói vừa nhét mẫu giấy cuộn tròn vào đáy giỏ đi chợ.

Cô cũng định mượn thêm vài quyển sách.

- Chúa ơi! – Una thốt lên khi nhìn thấy tựa sách – Bộ em tính mượn cuốn sách Trái Tim Bối Rối nữa sao? Chị nhớ là em đã đọc nó suốt tuần rồi kia mà.

- Em đọc rồi. Nhưng em vẫn muốn đọc lại.

Và thế là quyển Trái Tim Bối Rối được bỏ vào giỏ, nằm bên cạnh mẫu giấy ủy quyền.

- Chiều chúa nhật chị sẽ đến Missalonghi thăm em, đừng lo, dì Livie luôn sẵn lòng cho chị mượn ngựa và xe – Una tiễn chân Missy ra tận cửa, hôn phớt lên đôi má không hay được hôn của Missy – Đừng nản lòng, cô bé, em sẽ lo liệu mọi việc đâu vào đấy cho mà xem – cô nói thêm và đẩy nhẹ Missy ra đường.

- Má nè! – Chiều hôm đó khi ngồi trong căn nhà bếp ấm áp cùng với Drusilla và Octavia, Missy bắt đầu gợi chuyện – Hiện má còn giữ các cổ phần của Công Ty Thủy Tinh Byron mà ông ngoại đã để lại cho má theo như chúc thư không?

Drusilla vội ngước mặt lên ngó cô chằm chằm mặc dù bà đang xỏ chuỗi hạt: phải mất mấy phút bà mới kịp nhớ ra chi tiết là đã từ lâu bà không còn quan tâm đến việc làm chủ những thứ không có giá trị ấy nữa. Nhưng bà liền hiểu ngay sự tinh tế của vấn đề, cách đặt điều kiện gián tiếp của Missy có nghĩa là cô đã đánh hơi thấy một điều gì rồi.

- Còn. – Bà đáp.

Missy để đồ đan vào lòng và nhìn mẹ với vẻ mặt nghiêm trang.

- Má nè, má có tin con không?

Drusilla chớp mắt:

- Dĩ nhiên là phải tin chớ.

- Một cái máy may Singer mới giá bao nhiêu tiền má có biết không?

- Má thật tình không biết, nhưng má đoán là ít những cũng hai, ba chục pao , mà cũng có thể hơn hai, ba chục pao nhiều.

- Nếu má có khoảng một trăm pao cộng với hai trăm pao dì Aurelia trả khi mua đồ vải vóc cho Alicia thì má có thích mua máy may Singer không?

- Chắc là má cũng sẽ tính chuyện mua máy may chớ.

- Vậy thì má hãy cho con cổ phần trong Công Ty Thủy Tinh Byron để con đem bán. Con sẽ bán tại Sydney mỗi cổ phần mười pao .

Cả Drusilla lẫn Octovia đều ngưng làm việc.

- Nhưng Missy ơi, các cổ phần chẳng có chút giá trị gì – Octavia dịu dàng nói.

- Không phải, chúng chẳng vô ích đâu – Missy nói – Dì với má bị cậu Billy, cậu Herbert lừa bịp, các cậu khác cũng cùng một giuộc với hai cậu ấy mà thôi. Lẽ ra mình phải được chia lãi suất cổ phần rất thường xuyên mới phải vì Công Ty Thủy Tinh Byron làm ăn rất phát đạt.

- Không, cháu lầm rồi! – Octavia nhấn mạnh và lắc đầu.

- Cháu chẳng lầm đâu. Nếu má với dì và dì Cornelia, dì Julia chỉ cần đem số cổ phần ủy thác cho một cố vấn thực sự sòng phẳng thì tất cả chúng ta đều đã giàu hơn bây giờ nhiều. Và điều con nói là sự thật.

- Chúng ta sẽ không bao giờ hiểu nổi ẩn ý của đàn ông đâu, Missy à! – Octavia nói – Cần phải đặt niềm tin và tin cẩn vào họ mới được. Họ sành chuyện đời hơn chúng ta, đó là lý do vì sao họ chăm sóc bao bọc ta. Hơn nữa, họ còn cùng truyền thống nữa.

- Bộ dì tưởng cháu không ý thức được tình gia tộc sao? – Missy rít lên qua hai hàm răng nghiến chặt – Dì Octavia à, gia sản chúng ta đang được trông coi trên cơ chế gia đình từ thời dòng họ Hurlingford lập nghiệp! Họ lợi dụng chúng ta! Họ bóc lột chúng ta! Có bao giờ mình bán được gì cho cậu Maxwell với giá hời đâu? Dì có thực sự tin vào những chuyện buôn bán ế ẩm của cậu ấy viện lẽ để không trả thêm tiền cho chúng ta không? Cậu ấy giàu ngang hàng với Croesus [3] là cái chắc rồi! Và chưa bao giờ cậu Herbert nêu được chứng cớ nào cho thấy cậu Herbert làm thất thoát tiền bạc của chúng ta trong một vụ kinh doanh không thành công đâu. Có nghĩa là cậu Herbert phải giàu hơn Croesus! Và cậu Billy thì sao, không phải đích danh cậu ấy nói với dì rằng các cổ phần chẳng có giá trị gì chớ?

Sự chăm chú theo dõi nội dung câu chuyện của Drusilla chuyển từ trạng thái khó chịu sang hoài nghi, từ vẻ miễn cưỡng phải lắng nghe qua trạng thái bồn chồn đặc biệt muốn nắm rõ nội vụ hơn. Ngay cả Octavia cũng dao động rõ rệt từ khi nghe hết bài diễn văn hùng hồn nọ. Tưởng như là cô bé Missy quen thuộc đang ngồi đàng kia cố gắng phá hủy các trật tự cũ mà dì có thể phủ nhận những điều cô nói không một chút băn khoăn; và có cả một Missy xa lạ đang có một uy lực làm cho mỗi lời cô nói đều ngân nga một sự thật không thể nào chối cãi được.

- Bây giờ thì cháu có thể bán các cổ phần của chúng ta tại Công Ty Thủy Tinh Byron lấy mười pao mỗi cổ phần – Missy tiếp tục vấn đề với vẻ nghiêm nghị hơn – Và cháu biết đây là một dịp vô cùng hiếm có bởi vì cháu vừa nghe chính miệng cậu Billy và dượng Edmund bàn bạc với nhau về chuyện nầy, và hai người ấy đã nói y như cháu vừa nói với dì. Chẳng ai biết là cháu nghe được chuyện bí mật đó, bởi vì nếu họ mà hay có cháu tại chỗ đó họ sẽ chẳng đời nào nói ra điều ấy. Họ đã nói về dì và má cháu với sự xem thường không cần giấu giếm. Y hệt với điều họ đánh giá về má và dì. Xin dì hãy tin cháu, cháu chẳng giải thích sai điều cháu đã nghe đâu và cháu chẳng cường điệu câu chuyện làm gì. Vì cháu đã nghĩ ra cách giải quyết vấn đề rồi, cháu tính sẽ nói rõ mọi chuyện với dì và má cháu và với cả dì Cornelia và dì Julia để tìm biện pháp thỏa đáng hơn. Dì cứ cho cháu cổ phần của dì để cháu bán lấy mười pao mỗi cổ phần. Nhưng nếu dì và má hỏi ý kiến cậu Billy, cậu Herbert hay cậu Maxwell, thì họ sẽ làm áp lực ép chúng ta sang nhượng vô điều kiện.

Drusilla thở dài:

- Má chỉ mong sao những điều con nói là không đúng sự thật, nhưng Missy à, má thấy rõ là con có lý. Má còn thấy dường như má cũng có mang máng hiểu sự thể là như vậy nữa.

Octavia, người thường bám víu vào lòng tin mù quáng, bây giờ đã xoay hướng niềm tin vì dù sao dì cũng còn rất trẻ con nên đi chệch hướng cuộc thảo luận:

- Drusilla ơi, hãy tưởng tượng coi nếu có một cái máy may hiệu Singer thì thật hay biết chừng nào.

- Chị cũng thích lắm – Drusilla phụ họa.

- Và chị ơi, em cũng phải công nhận rằng có được một trăm pao gởi ở ngân hàng thì cuộc sống sẽ nhẹ nhõm hơn.

Drusilla đầu hàng niềm ao ước đó:

- Thôi được, Missy, má đồng ý cho con cổ phần để bán.

- Con cũng mong dì Cornelia và dì Julia đều tán thành đề nghị này.

- Má thấy có lẽ như vậy thì tốt hơn.

- Con sẽ bán các cổ phần của hai dì với giá mười pao mỗi cổ phần. Nhưng giống như má và dì Octavia, cả hai dì phải ủy quyền cho con mà không được nói bất cứ một lời nào với cậu Billy, hay một ai khác.

- Chắc là Cornelia sẽ mừng lắm khi có số tiền nầy, Drusilla à! – Octavia nói, càng lúc càng cảm thấy phấn khởi và sẵn sàng từ bỏ những người đàn ông thân tộc bởi vì quyết định như vậy rõ ràng là tốt hơn việc phải nhọc công suy nghĩ về sự dối trá để rồi cảm thấy bị tổn thương sâu sắc – Cornelia sẽ đủ tiền đi đến bác sĩ chuyên khoa người Đức ở Sydney để coi lại xương ở chân cần phải chạy chữa cách nào. Chỉ vì Cornelia phải đứng nhiều quá. Và chị có hiểu là Julia đang khốn khó như thế nào không, hiện tiệm cà-phê Olympus vừa mới cất thêm gian đặc biệt trang trí bàn lát đá cẩm thạch và có cả đàn dương cầm dạo nhạc vào mỗi buổi chiều. Nếu Julia có được một trăm pao thì chắc phòng trà của Julia còn thanh lịch hơn tiệm Olympus nhiều.

- Chị sẽ cố bàn với cả hai về chuyện này – Drusilla nói.

- Chà, nếu má nói chuyện nầy với hai dì thì má nhớ dặn hai dì là phải đến Missalonghi vào chiều chúa nhật tới, và đem theo giấy tờ của cổ phần. Tất cả đều phải ký giấy ủy quyền.

- Cái giấy ấy là giấy gì?

- Là giấy cho phép con được nhân danh ai đó làm thủ tục mua bán.

- Nhưng tại sao phải năm giờ chiều chúa nhật?

- Vì lúc ấy có chị Una, bạn con, tới chứng kiến việc ký giấy ủy quyền.

- Ồ, thật là thú vị! – Octavia cảm thấy phấn chấn – Dì sẽ nướng một mẻ bánh bích-quy lạt.

Missy vội nhoẻn miệng cười:

- Chỉ một lần trong đời thôi, dì Octavia à, cháu muốn là chúa nhật tới dì cháu ta hãy tự thưởng mình một buổi trà thật tuyệt vời. Dì có thể nướng bánh lạt cho Una, cố nhiên, nhưng chúng ta phải ăn bánh ngọt, bánh tan, bánh bông kem đông lạnh với kẹo bơ cứng và la-minh-tân .

Chẳng ai có vẻ phản đối cái thực đơn mà cô gái vừa đưa ra.



*

* *



Khi Missy đến nhà ga Byron vào lúc sáu giờ sáng thứ ba, cô mang theo trong người bốn chục cổ phần của Công Ty Thủy Tinh Byron và bốn giấy ủy quyền được ký có người làm chứng. Una hóa ra là nhân chứng của Công Lý và Hòa Bình mặc dầu là phụ nữ (cho cho biết điều nầy luôn xảy ra ở Sydney), đã ký tên lên các chứng từ một dấu hiệu trông có vẻ giống mộc cơ quan nhứt.

Una đang đứng đợi cô ở sân ga, Alicia cũng đang chờ tàu. Họ không đi cùng mặc dầu Alicia đi toa tàu ở cuối đầu máy: toa hạng nhứt và Una ngồi ở cuối toa chở hàng: toa hạng nhì.

- Em mong là chị không cảm thấy khó chịu khi du lịch bằng toa hạng nhì – Missy lo lắng nói – Má em rất rộng rãi, em có tới mười si-linh [4] để chi phí đi đường và một ghi-nê [5] để trả tiền bác sĩ nhưng em không muốn xài lố tiền.

- Em cưng ơi, cái thời kỳ đi ghế hạng nhứt đối với chị đã chấm dứt từ lâu rồi – Una an ủi – Hơn nữa, đây không phải là chuyến đi quá kéo dài mà lại là sáng sớm, chắc chẳng ai đòi phải mở cửa sổ ra để mà hứng bụi than.

Mắt Missy bắt gặp mắt Alicia: Alicia nguýt dài và quay đi chỗ khác. Cảm ơn Thượng đế về chuyện nầy, Missy nghĩ thầm, không chút ân hận.

Đường ray bắt đầu kêu lọc xọc và sau đó tàu tiến vào sân ga, một con quái vật đen ngòm và khổng lồ: đầu máy, tuôn ra hàng ngàn lượng khói xám xịt và các luồng hơi nước dày đặc màu trắng đục.

- Em có biết chị thích làm gì không? – Una hỏi Missy trong khi đi tìm hai chỗ ngồi còn bỏ trống ở cạnh cửa sổ.

- Không, chị à, cái gì mới được chớ?

- Em có biết cây cầu bắc qua đường Noel ở gần nhà máy thủy tinh không?

- Em có biết.

- Chị khoái đứng ngay giữa cầu và đu xuống gầm cầu khi xe lửa chạy ngang qua dưới chân cầu. Ôi! Cả người đen nghẻm đen nghem giống như rớt xuống địa ngục vậy. Nhưng mà thú vị lắm!

Và chị cũng thú vị y như vậy, Missy nhủ thầm. Em chưa bao giờ quen được với một ai giống chị, hay một kẻ nào đầy sức sống đến như vậy.

Lúc xe lửa đâm sầm vào ga cuối tại nhà ga Trung Tâm, kim đồng hồ ga chỉ chín giờ kém hai mươi. Phải đến đường Macquerie vào lúc mười giờ, Una bảo rằng còn dư thời giờ để uống mỗi người một tách trà tại phòng trà của ngành đường sắt, Alicia đi lướt qua mặt hai người cùng với một đám đông: nom cô khá phờ phạc khi chờ đợi và len lách trong đám đông vì toa hạng nhứt luôn móc phía trước của đoàn tàu.

- Có phải kia là Alicia Marshall nổi tiếng không? – Una hỏi.

- Dạ.

Una thốt ra một âm thanh khó hiểu.

- Chị nghĩ thế nào về con người ấy? – Missy tò mò hỏi.

- Đường nét cân đối và hào nhoáng thật, cưng à. Cô ta phục sức toàn những thứ được trưng bày sau tủ kính của các gian hàng và em biết chuyện gì sẽ xảy ra nếu chỉ trông cậy vào đồ trang sức không?

- Em biết, nhưng chị thử nói bằng nhận xét của chị xem.

Una cười khúc khích:

- Cưng ơi, mọi thứ sẽ phai tàn và hư cũ! Nhất là khi đem phô ra dưới ánh sáng rực rỡ ban ngày. Chỉ cần vài năm nữa thôi mà. Sau đó thì sẽ chẳng có cách chi giữ nổi cô ta được gọn ghẽ và cân đối như bây giờ đâu. Cô ta sẽ trở nên phì nộn và nặng nề kéo theo tính nóng nảy đáng lo ngại. Chị biết rằng cô ta sắp kết hôn với một chú bé thật sự. Tội nghiệp. Điều cần thiết cho cô ta lúc nầy là một người đàn ông chủ trương bắt cô ta làm việc cật lực và đối xử khe khắt với cô ta.

- Em lo là chú bé Willie tội nghiệp còn quá ư nhu nhược! Missy thở dài, chẳng hiểu vì sao Una lại đưa ra nhận xét ngộ nghĩnh đó.

Una phá lên cười và đón xe điện ngầm đi xuống đường Castlereagh mà không chịu nói lý do và khi đến trước phòng mạch bác sĩ ở đường Macquerie thì Missy mới không hỏi nữa.

Vào lúc mười giờ đúng bà hộ lý kiêu kỳ của bác sĩ George Parkinson đưa cô vào trong căn phòng treo đầy các bức màn cuốn toàn trắng cực kỳ sạch sẽ. Cô được hướng dẫn là phải cởi tất cả quần áo kể cả quần đùi, đắp lên thân thể khẳng khiu của mình một mảnh vải trắng và dài trên bộ trường kỷ chờ bác sĩ.

Đúng là một cuộc gặp gỡ lạ lùng, cô chẳng thể hình dung nổi lúc gương mặt bác sĩ cúi xuống nhìn cô ra sao, cô chỉ lấy làm lạ là lỗ mũi bác sĩ đúng là điểm nổi bật nhất trong diện mạo của ông. Cùng với bà trợ lý không thấy nói năng gì bác sĩ gõ nhẹ vào ngực cô, ngó bộ ngực lép kẹp của cô với vẻ thương hại hơi thô thiển và hờ hững, ông nghe tim và phổi cô bằng cái ống nghe hiện đại hơn của bác sĩ Hurlingford, bắt mạch cô, dùng cái đè lưỡi thọc sâu vào cổ họng cô cho đến lúc cô phát nôn khan dữ dội mới thôi, vặn cả hai bề cổ lẫn cằm với những ngón tay cứng nhắc và nôn nóng rồi dùng lòng bàn tay xoa xoa cái bụng nhỏ xíu của cô.

- Y tá, khám nội khoa. – Ông nói vắn tắt.

- Đường ruột hay đường tiểu?

Bà trợ lý hỏi lại:

- Cả hai.

Cuộc khám nội khoa nầy làm Missy có cảm giác cô phải chịu một ca giải phẫu phức tạp mà không được chụp thuốc mê nhưng điều tiếp theo sau mới càng tồi tệ hơn nữa. Bác sĩ Parkinson búng lên trán cô và vừa khỏ vừa dò các dây thần kinh trên xương sống cho đến khi có một chỗ nào đó gần xương bả vai cô bật lên như hai đôi cánh chập chờn, ông bèn thử lại đôi ba lần cho chắc.

- Aaaa! Ông bật kêu lên, mừng rỡ như mới tìm ra kho báu.

Không cần lấy một lời thông báo trước, cả bác sĩ và y tá chộp lấy đầu, gót chân và hông Missy vặn vẹo, họ dùng những thao tác cực kỳ nhanh đến nỗi cô không kịp suy nghĩ coi họ làm vậy với mục đích gì trừ việc nhận ra mình đang nghiến răng ken két vì đau đớn và kinh hoàng bởi vì cô nghe tiếng nghiến răng ấy vừa phát thành tiếng bên ngoài vừa cố nén bên trong vòm miệng.

- Cô có thể mặc quần áo vào được rồi, cô Wright à, và ra chờ ở bên ngoài – Bác sĩ Parkinson ra lệnh rồi chính ông cũng bước ra ngoài cùng với bà y tá để đợi cô.

Vừa run rẩy vừa kiệt lực, Missy làm đúng những điều bác sĩ dặn.

Sau lớp khẩu trang bác sĩ có một gương mặt dễ thương và đôi mắt xanh nhạt biểu lộ lòng tử tế vẻ ân cần.

- Nào, cô Wright, cô có thể về nhà ngay bây giờ.

Ông vừa nói vừa chỉ ngón tay vào một lá thơ nằm trên bàn viết của ông bên cạnh đống giấy tờ bề bộn.

- Cháu không làm sao hả? Missy hỏi.

- Hoàn toàn không làm sao cả. Chẳng có gì là nghiêm trọng đối với trái tim cô cả. Cô bị một cơn co giựt thần kinh ở gần chót xương sống và những cuộc đi bộ vội vã sẽ làm cơn co giật càng dữ dội hơn, có vậy thôi.

- Nhưng… cháu không thở được – Missy kinh hãi thì thầm.

- Căng thẳng! Cô Wright à, chỉ vì quá căng thẳng thôi. Khi dây thần kinh co thắt cơn đau mới hết sức khắc nghiệt và có lẽ trường hợp cô là một ca cơ thuộc hệ thống hô hấp. Nhưng chẳng có gì cần lo lắng cả. Tôi đã chỉnh lại xương sống cô và xương sống sẽ cố định cho tới khi nào cô chạy lúp xúp lần nữa. Nếu còn thấy khó chịu khi cần phải đi xa thì cô hãy trang bị cho mình một thanh ngang gần tới cằm cô rồi nhờ ai đó để hai cục gạch xây nhà lên mỗi bàn chân cô, và cô tự mình nhấc cằm cố đặt lên trên xà ngang đó mà không được làm rớt hai cục gạch xuống.

- Không còn trục trặc gì nữa ư?

- Thất vọng lắm hả? Bác sĩ Parkinson tâm lý hỏi – Này, cô Wright, vì cớ gì trên cõi đời nầy cô lại có vẻ ưng bị đau tim hơn là chịu co thắt thần kinh cột sống, hả?

Đó chính là câu hỏi Missy không định sẽ phải trả lời thành tiếng: Vì làm sao một người có thể chết trong tay John Smith nếu người ấy co rút thần kinh tuỷ sống? Điều đó phi lý ngang với việc đòi hỏi các mụn nhọt phải đượm vẻ thơ mộng.

Bác sĩ Parkinson tựa lưng vào thành ghế tư lự nhìn cô, nhịp nhịp cây viết vào bàn thấm: Rõ ràng ông làm thế vì thói quen, vì cái bàn thấm dầy đặc những dấu mực màu xanh của những lần trước để lại nhưng lần này có lẽ vì mải suy nghĩ ông lại vẽ nguệch ngoạc lên đó một hình ảnh vô nghĩa.

- Còn kinh nguyệt thì sao? Ông bất chợt kêu lên, như thể định khích lệ cô bằng bất cứ sự tìm hiểu nhỏ nhặt nào – Cô thường có chu kỳ là bao lâu, cô Wright?

Cô đỏ mặt và thầm bực bội với chính mình về việc đỏ mặt ấy.

- Khoảng sáu tháng.

- Nhiều không?

- Không, rất ít.

- Có đau bụng hay bị gò thúc gì không?

- Không.

- Hừm. – Ông lại tiếp tục vẽ ngoằn ngoèo – Có nhức đầu không?

- Không.

- Có hay bị ngất không?

- Không.

- Hừm – Ông lại dẩu miệng ra đến nỗi bây giờ nhìn ông người ta lại bỗng chú ý đến đôi môi hơn là lỗ mũi – Cô Wright à - Cuối cùng ông bảo - Điều có lẽ sẽ thật sự chữa lành cô chính là việc cô phải kiếm cho mình một người chồng và vài đứa con. Tôi mong rằng cô đừng bao giờ sanh quá hai lần bởi vì có lẽ sanh nở đối với cô sẽ chẳng dễ dàng gì nhưng đến ngần tuổi này thì cũng cần bắt đầu đi là vừa.

- Thưa bác sĩ, nếu cháu gặp được người thật lòng muốn xây dựng gia đình với cháu thì còn gì hơn – Missy vùng vằng trả lời.

- Mong cô thứ lỗi cho.

Ngay chính lúc cuộc trò chuyện trở nên khó chịu nhất đó, bà y tá của bác sĩ Parkinson thò đầu vào phòng và nhướng nhướng cặp lông mày.

Ông đứng dậy ngay lập tức, có vẻ muốn rút lui:

- Xin lỗi.

Dường như có đến cả phút sau Missy vẫn còn ngồi bất động trong chiếc ghế cô đang ngồi thầm tự hỏi liệu mình có nên đứng dậy và rón rén đi theo ra không nhưng sau đó cô quyết định chờ thêm một lát cho đúng phép lịch sự. Tên bác sĩ Neville Hurlingford từ góc trên của lá thơ đặt trên bàn đập vào mắt Missy, nằm giữa chùm các dấu chấm có liên kết với nhau và mớ các dấu chấm hỗn độn. Missy nhanh nhẹn vươn tay ra cầm lá thơ lên.

“George thân mến” , lá thơ viết.

Thật lạ lùng khi phải gởi đến anh hai bịnh nhân trong vòng có một tuần lễ trong khi sáu tháng qua không có lấy một người bịnh nào. Nhưng đời là thế, và đó là công việc hàng ngày của tôi ở Byron. Thư nầy nhằm giới thiệu Missy Wright, một cô gái lỡ thì bé nhỏ và khốn khổ bị rối loạn ở vùng ngực kèm theo cơn đau và sự nghẹt thở vì một cuộc đi bộ dài và vội vàng. Cơn đau tức được mô tả như một sự cuồng loạn ngoại trừ bịnh nhân bị xám xanh và đổ mồ hôi. Tuy vậy, bỗng nhiên cô trở lại bình thường một cách đáng sợ và sau cơn đau chẳng bao lâu, khi được mời tới, tôi không sao tìm được một dị tật nào. Thật tình mà nói tôi hơi hoài nghi đây có thể là trường hợp chứng hysteria [6] vì điều kiện sinh hoạt của cô làm tôi thấy chẩn đoán như vậy là hợp lý nhứt. Cô hiện sống tù túng, trống trải, và có lẽ trong thời kỳ mới lớn cô cũng sống như vậy. Nhưng để mọi việc được an toàn hơn tôi yêu cầu bác sĩ xem qua để liệu có thể phòng ngừa được một chứng bệnh ngặt nghèo”.

Missy đặt lá thơ xuống bàn và nhắm mắt lại. Có phải cả thế giới đều ngó cô bằng ánh mắt thương hại và rẻ rúng? Và làm sao lòng kiêu hãnh có thể chiến đấu với ngần ấy sự thương hại và khinh khi gồm đầy đủ ý nghĩa như vậy? Giống như mẹ cô, Missy cũng rất tự trọng. “Tù túng”. “Trống trải”. “Một cô gái lỡ thì bé nhỏ và khốn khổ”. “Xem qua để liệu có thể phòng ngừa được một chứng bệnh ngặt nghèo”, chà, họ làm như thể sự tù túng và nỗi quạnh quẽ cũng như cuộc sống trơ trọi của một phụ nữ không chồng không phải là một căn bịnh hiểm nghèo!
Cô mở mắt ra, ngạc nhiên khi mắt mình không hề đọng lấy một giọt nước mắt. Ngược lại hai con mắt ấy sáng quắc, ráo hoảnh và đầy giận dữ. Và chúng còn lục lọi trong đống giấy tờ trên bàn viết của bác sĩ Parkinson để mong tìm được mảnh giấy nào đó ít nhứt cũng báo lại tình trạng sức khoẻ của cô. Cô trông thấy hai tờ tường trình, chẳng tấm nào có đề tên bịnh nhân: Một tấm thì kể ra nhiều loại khám nghiệm được đánh giá “bình thường” , tấm kia thì rõ ràng báo trước một thảm hoạ về tim. Rồi cô cũng tìm gặp đoạn đầu lá thư gởi bác sĩ Hurlingford.

“Neville thân mến” , lá thư viết.

“Cảm ơn về việc đã gởi bà Anastasia Gilroy và cô [7] Wright, tôi chẳng được biết tên riêng của cổ vì người ta kể cả anh thường hay có vẻ thích thêm chữ “y” vào tiếng gọi phụ nữ và cứ bỏ mặc chữ đó tại đây. Tôi chắc là anh chẳng khó chịu khi tôi xin được gởi đến anh nhận xét về hai bịnh nhân trong chỉ một bức thư…

Lá thư tới đó là chấm dứt. Bà Anastasia Gilroy là ai? Sau khi điểm qua vài ba gương mặt không phải người họ Hurlingford ở Byron cô chợt nhớ một phụ nữ ốm yếu có vẻ bịnh hoạn trạc tuổi cô sống trong một túp lều xiêu vẹo phía bên hông nhà máy thủy tinh với người chồng suốt ngày say sưa và mấy đứa con nhỏ lôi thôi nhếch nhác.

Có phải bản tường trình thứ hai đề cập đến trường hợp chị ta? Missy cầm tấm giấy lên và cố giải mã các nội dung và dấu hiệu ghi dày đặc nửa phần đầu trang giấy. Nửa phần còn lại thì hết sức rành rọt đối với cả Missy.

Đoạn cuối viết:

“Tôi không thể đề nghị bất cứ cách chữa trị nào có thể biến đổi hoặc bổ sung sự chẩn đoán được. Bịnh nhân đang phải chịu đựng chứng đau thắt của thời kỳ đầu bịnh hở van tim. Nếu chẳng có sự thuyên giảm nào sau khi dùng thuốc trợ tim tôi e bịnh nhân chỉ còn từ sáu tháng đến một năm để sống nốt cuộc đời. Tuy vậy, tôi nhận thấy bịnh nhân chẳng đến nỗi nào phải nằm nghỉ trên giường bởi vì tôi thiết nghĩ nếu bịnh nhân không đoán được cuộc sống sắp tới thì hãy để người ta sống với thiên nhiên và bối cảnh gia đình”.

Nói về bà Gilroy đấy ư? Nếu mà có tên trên mỗi bảng báo cáo thì còn phải bàn tán chi nữa. Nhưng rõ ràng bản báo cáo này nói về bà Gilroy. Chẳng hề có thêm bản báo cáo nào để có thể lẫn lộn với kẻ khác. Ô, nhưng mà tại sao đó chẳng phải là giấy chẩn đoán bịnh của Missy Wright? Cái chết đối với Missy có lẽ sẽ là điều dễ chịu và hợp lý nhất. Thật chẳng công bằng chút nào! Bà Gilroy còn có chồng con đang cần đến sự chăm sóc của bà. Trong khi đó Missy chẳng ích lợi cho ai cả.

Có tiếng nói lao xao ngoài cửa, Missy vội xếp tấm giấy vẫn còn nằm trên tay cô và nhanh nhẹn nhét vào ví.

- Cô Wright thân mến, đừng trách móc tôi nhé! Bác sĩ Parkinson oang oang nói và thở phì phì làm cho giấy tờ trên bàn viết bay loạn xạ - Cô cứ về nhà đi, cô cứ về nhà đi! Một tuần sau hãy đến gặp bác sĩ Hurlingford, nhớ!

Sydney ấm áp và ẩm ướt hơn ở dãy Núi Xanh, ban ngày trời quang đãng và trong trẻo. Đi sánh đôi với Una trên đường Macquairie, Missy cứ nhấy nháy mắt vì chói nắng.

- Gần mười một giờ rưỡi – Una bảo – Chúng mình đi bán các cổ phần ngay nhé! Cũng cách đây có một góc đường thôi, nằm trên phố Biridge.

Và thế là họ tiến hành bán cổ phần: đúng là hết sức đơn giản. Tuy vậy, cái văn phòng nhỏ hẹp và người thơ ký hay gắt gỏng không có một dấu hiệu gì là làm việc dưới sự chi phối của một người điều hành bí mật; chi tiết nổi bật nhất của việc mua bán là cổ phần được trả toàn bằng vàng xôvơren [8] có giá trị hơn tiền giấy. Và bốn trăm đồng tiền vàng quả là khá nặng khi Missy bỏ tất cả vào túi xách.

- Chẳng thể đi xa hơn với một gánh nặng như vầy đâu, Missy à! Una đề nghị - Theo chị tính mình đành ăn trưa ở khách sạn Metropole, chỉ cần nhảy một bước là tới thôi, sau đó đi vài bước là đón được xe điện về trung tâm thành phố và đi bộ về nhà.



Chú thích:



[1] Tên gọi thân mật của Livilla

[2] Giấy viết khổ 13,5 x 17 insơ.

[3] Một người giàu có nổi tiếng.

[4] Đơn vị tiền tệ của Anh, trị giá 20 penny.

[5] Một loại tiền, trị giá 1,05 pound hay 105 penny.

[6] Chứng cuồng loạn.

[7] Miss có nghĩa là cô. Trong thơ bác sĩ Neville ghi là Missy Wright nhưng bác sĩ Parkinson lại hiểu lầm là Miss…

[8] Tiền vàng của Anh.
Những Người Đàn Bà Ở Missalonghi
LỜI GIỚI THIỆU
- 1 -
- 2 -
- 3 -
- 4 -
- 5 -
- 6 -
- 7 -
- 8 -
- 9 -
- 10 -