watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Những Người Đàn Bà Ở Missalonghi-- 3 - - tác giả COLLEN Mc. CULLOUGH COLLEN Mc. CULLOUGH

COLLEN Mc. CULLOUGH

- 3 -

Tác giả: COLLEN Mc. CULLOUGH

Ngày thứ hai sau cuộc viếng thăm của Aurelia và Alicia Marshall sinh hoạt trở lại bình thường ở Missalonghi, vì thế Missy lại được phép đi bộ đến phòng cho mượn sách ở Byron như thường lệ. Lẽ đương nhiên cô không chỉ đi hoàn toàn vì mục đích cá nhân; cô được trang bị bởi hai giỏ đi chợ to tướng, mỗi cánh tay khoác một giỏ để cân bằng trọng lượng: cô cũng mua sắm đồ dùng cho một tuần.



Sau cả tuần lễ không được hoạt động vì Missy chỉ luẩn quẩn trong nhà chỗ đau nhói bên hông Missy bắt đầu hoạt động với tất cả sức mạnh mới. Kỳ cục ghê, cơn đau nhói nầy dường như chỉ hành hạ cô trên suốt những chặng đường dài. Mà quả là đau thật sự, đau không làm sao chịu nổi!



Bữa nay ví đựng tiền của cô cũng có mặt cùng với ví tiền của mẹ căng phồng một cách bất thường, bởi vì Missy được chỉ thị mua nhiều màu hoa cà, lụa màu thiên thanh và xa-tanh màu nâu cho cô ở tiệm vải của cậu Herbert Hurlingford.



Trong các cửa hàng ở Byron, Missy ghét cửa hiệu của cậu Herbert nhứt, bởi vì cậu luôn bố trí cửa hàng chật ních những thanh niên, con trai và cháu của cậu đến nỗi có muốn mua áo nịt ngực hoặc quần đùi mặc lót cũng phải chịu đựng những cái nhìn chòng chọc của quân vô lại hay cười khẩy, và các người mua sẽ là trò cười bất tận cho những câu chuyện phiếm. Tuy vậy, cách đối xử đó không phải đồng đều tất cả mọi người mà chỉ riêng dành cho những kẻ chẳng thể đi tận Katoomba hoặc, lạy Chúa, thậm chí chẳng thể đi Sydney để mua sắm; ngoài ra, thái độ ấy còn được đặc biệt dành cho những phụ nữ không chồng thuộc dòng họ Hurlingford để trả đũa một cách đích đáng. Phụ nữ lỡ thời, đàn bà goá trong dòng họ bao giờ cũng được coi như bình đẳng với nhau trước mọi lời châm chọc.



Trong khi đứng đợ James Hurlingford mang những súc vải cô yêu cầu ra, Missy thầm tự hỏi chẳng biết hắn ta sẽ có thái độ gì nếu cô đổi ý định? mua đăng-ten màu đỏ son thay vì mua xa-tanh nâu. Nhưng cái cửa hiệu đó lại không tìm thấy loại vải mà cô muốn mua ấy, hàng đỏ cậu Herbert có chỉ là thứ lụa nhân tạo rẻ tiền và hết sức tầm thường nhằm bán cho các người ở Chỗ Cự Ngụ Của Con Cừu Non Caroline. Do vậy mà sau khi mua nhiều tím hoa cà và lụa màu thiên thanh cô đành chọn mảnh vải mịn màng và đắt tiền có màu nâu giống bông hoa đèn bằng xa-tanh . Nếu miếng vải mang bất cứ màu nào thì có lẽ cô sẽ thích lắm nhưng vì nó màu là màu nâu nên trông rất giống cái bao tải màu nâu đan bằng sợi đay. Tất cả xống áo của Missy đều đơn điệu một màu nâu nhàm chán ấy, đúng là cái màu tiện lợi nhất. Sẽ không bao giờ trông thấy vệt dơ, chẳng khi nào lỗi thời cả, không phai và không cách chi nhận ra đó là vải rẻ tiền hoặc bình thường hoặc không đúng đắn.

- Mua áo mới để đi đám cưới hả? James tinh quái hỏi.

- Đúng vậy.



Missy đáp, lấy làm lạ chẳng hiểu vì sao James luôn thành công trong việc làm cô khó chịu; có lẽ cũng nhờ ở cung cách quá đàn bà của anh ta thì phải.

- Xem nào… - James cười cợt - để đoán xem nào. Nhiễu là của dì Druasie, lụa là của dì Octavia còn xa-tanh, xa-tanh nâu chắc là của cô em họ đen đủi Missy rồi!



Đầu óc Missy hiện còn chất chứa hình tượng của thứ ren màu đỏ son mà cô không thể mặc và cũng chẳng mua được, vì vậy chẳng buồn để ý đến những gì không thể biến thành áo dài màu đỏ, từ chỗ sâu kín nhất trong lòng Missy bật ra câu trả thù cay độc nhất, mà cô còn nhớ:

- Trời hại quân ăn không ngồi rồi – Cô cáu kỉnh rít lên.



Thuộc hạng người trơ tráo đến nỗi nếu cái hình nộm bằng gỗ dùng để trưng áo kia nhảy xuống đất để hôn hắn hắn cũng chẳng hề cảm thấy bị xúc phạm chút nào, James đo vải và cắt thành từng khúc với sự thành thạo giả tạo thành ra đã vô tình cắt dư cho mỗi phụ nữ ở Missalonghi một ya[1] mà cũng không kịp dượt theo Missy ra tới tận cửa. Sự buông tha ấy thật sự chỉ là cái cớ để hắn khỏi phải bộc lộ cái kinh nghiệm đắng cay vừa mới trải qua với bất cứ tên anh em hoặc bà con nào vì lũ khốn nạn đó sẽ lặp đi lặp lại những lời nguyền rủa của Missy, cái quân mất dạy ấy.



Thư viện chỉ là hai cánh cửa đi ra đi vào, do đó Missy bước vào phòng mượn sách cơn giận dữ vẫn còn hiện rõ trên sắc mặt và cô còn đập cánh cửa sau lưng mình.



Una ngước lên, thoạt tiên có hơi hoảng hốt nhưng sau đó thì bật cười:

- Em thân yêu, ngó em thật là tươi tắn! Em giận gì chị đó?

Missy thở ra mấy hơi dài và bình tĩnh trở lại:

- Ồ, chỉ tại ông anh họ James Hurlingford. Em mới rủa ảnh coi chừng trời hại quân ăn không ngồi rồi.

- Vậy là giỏi đó! Cũng phải tới lúc có người dám nói với hắn điều đó chứ - Una cười rúc rích - Mặc dầu chị vẫn biết rằng có rất nhiều người thù ghét và sẵn sàng hãm hại hắn, nhất là bọn đàn ông.



Điều Missy vừa nói làm Missy thấy mọi bực bội tiêu tan nhưng tiếng cười như pha lê vỡ và lời đùa bỡn của Una làm Missy cũng bật cười theo:

- Ô chị ơi, chẳng có người phụ nữ nào dám nói như em đâu, phải không? – cô hỏi có vẻ ngạc nhiên hơn là sợ hãi - Chẳng biết rồi đây chuyện gì sẽ xảy ra cho em?



Gương mặt rạng rỡ ngẩng lên và bỗng trở nên tinh quái, không phải vẻ tinh quái của kẻ bất lương mà là sự ranh mãnh của người sắp sửa lìa đời mà chẳng được đón vào cửa thiên đường:

- Rơm rạ và lạc đà – Una cao giọng ngân nga như thể đang hát - Lỗ kim và ngày chó, một khi dám nổi lên chống bọn giun dế thì coi chừng phải gánh chịu giông bão. Mọi chuyện rồi sẽ giáng lên đầu em không biết đâu mà lường được, Missy Wright à! Cô ngồi xuống và ậm ừ như một đứa bé ngỗ nghịch đang rất hân hoan vò một lý do nào đó, chưa thể nào kết thúc ngay được đâu.



Vấn đề chiếc áo dài bằng ren màu đỏ son lại nẩy sinh cùng với nỗi ao ước kinh khủng về việc mặc bất cứ một thứ gì không phải là màu nâu, sự thất bại trong đề nghị một màu không phải màu nâu nhằm tô điểm cho mình để trong ngày cưới huy hoàng của Alicia thay vì được mặc màu nào khác thì cô vẫn phải mặc màu nâu. Trạng thái căm tức của Missy dịu bớt vì thái độ thông cảm lắng nghe của Una, và khi Missy trút hết nỗi bực bội thì Una cân nhắc nhìn cô từ trên xuống dưới.

- Màu đỏ sẽ rất hợp với em – Una nói - Thật tội cho em! Nhưng chẳng hề gì, đừng thèm để ý tới! Và cô đổi đề tài - Chị có để dành cho em một quyển truyện mới, phải hai trang giới thiệu về nó mới xong và chị bảo đảm là em sẽ không còn nhớ gì tới chiếc áo dài màu đỏ son cả. Câu chuyện về một cô gái giang hồ bị cả gia đình rẻ rúng cho tới một hôm cô phát hiện ra rằng mình sắp sửa chết vì rối loạn tim. Cô gái đó có đem lòng yêu một người đàn ông từ hồi cô còn là một thiếu nữ trong trắng và biết rằng người mình yêu đã đính hôn với một phụ nữ khác. Người con gái đáng thương nọ đưa cho người đàn ông coi tấm giấy bác sĩ xác nhận rằng cô sắp chết và van xin người cô thầm yêu bấy lâu hãy kết hôn với cô trước bất cứ người con gái nào khác bởi vì cô chỉ còn sống có sáu tháng nữa thôi và sau khi cô qua đời người ấy cứ việc cưới vợ khác. Người đàn ông kia tất nhiên không biết là có một cô gái đã yêu mình đến như vậy, anh ta là một tên du đãng nhưng rất muốn có ai đó giúp mình cải tạo cuộc sống. Thế là anh ấy đồng ý cưới cô gái giang hồ nọ. Và họ đã sống bên nhau sáu tháng thần tiên. Thời gian chung sống đã giúp người đàn ông khám phá tấm lòng cao quý của cô gái dưới cái vỏ là một cô gái bán phấn buôn hương, và tình yêu của cô đã thay đổi anh hoàn toàn. Rồi, một ngày kia lúc mặt trời đang chiếu sáng vạn vật, chim chóc còn mải hót véo von thì cô trút hơi thở cuối cùng trong tay người yêu vốn rất thích những cốt truyện có cảnh những người yêu nhau được chết bên cạnh người mình yêu, và vị hôn thê cũ của người đàn ông đã lập tức đến tìm anh ta ngay sau khi cử hành tang lễ vừa cử hành vì cô vừa nhận được lá thơ của cô gái vắn số nọ giải thích nguyên do khiến cho vị hôn phu của cô phải bỏ rơi cô. Vị hôn thê của anh ta ngỏ lời tha thứ cho anh ta và yêu cầu tổ chức lễ cưới ngay sau khi anh ta hết thời gian tang chế. Nhưng người đàn ông nọ quá tuyệt vọng vì đau buồn đã lồng lên chạy ra bờ sông, vừa gọi tên người vợ quá cố vừa trầm mình tự vẫn. Sau đó vị hôn thê của anh ta lại cũng vừa réo tên người yêu vừa buông mình theo dòng nước. Trời, buồn quá phải không, Missy! Sau khi đọc câu chuyện này chị đã khóc suốt mấy ngày.

- Em muốn mượn cuốn sách đó. – Missy lập tức bảo Una và trả món tiền thiếu, việc thanh toán xong nợ nần làm cô thấy nhẹ nhõm, nhét quyển Trái Tim Bối Rối vào sâu dưới đáy một cái giỏ đi chợ.

- Tuần sau nhé, thứ hai nhé! Una nói lời tạm biệt và chạy lại cửa sổ vẫy tay với Missy cho đến khi cô khuất dạng.



Ngay sau khi cô vừa bước vào lối đi nhỏ của riêng cô, khoảng cách năm dặm từ những cửa hàng của Byron về tới Missalonghi dường như chưa bao giờ là con đường phải đi trong nửa giờ cả. Bởi vì khi cô đi bộ, cô mơ mộng, tha hồ tưởng tượng mình trong các vị trí, hoàn cảnh vượt quá tầm hiểu biết của bản thân cô. Từ khi Una đến làm việc ở thư viện cô đã tỏ ra giống hệt Alicia về tính cách, và sự sôi nổi của họ đã khuấy động không khí trong tiệm bán nón, cửa hàng trang phục cũng như các phòng khách thuộc giới thượng lưu còn những người đàn ông thuộc dòng họ Hurlingford, ủng, mũ quả dưa, quần áo thì toàn đồ ba túi. Bây giờ trí tưởng tượng của Missy đã có thêm tư liệu để hoạt động và mọi điều cô vẽ vời cho nhân vật của mình thì gắn bó với sinh hoạt của Byron hơn là các chi tiết của cuốn tiểu thuyết cuối cùng mà Una vừa mới kể vắn tắt cho cô nghe.



Vì vậy mà trên suốt nửa chặng đường đầu tiên từ thư viện trở về nhà sáng thứ hai này, Missy đã tự biến hoá mình thành một thiếu nữ hái dâu tóc vàng đẹp như thiên thần với đôi mắt xanh biêng biếc thường mở tròn xoe ngơ ngác; cô gái có tới hai người đang say mê cô, một công tước (tóc vàng và đẹp trai) và một ông hoàng Ấn Độ (tóc đen và cũng đẹp trai). Dưới cái lốt xinh đẹp đó cô đã bắn hạ rất nhiều cọp từ trên bành voi của những con voi quý phủ vải choàng lộng lẫy mà chẳng cần một ai giúp sức, cô đưa quân của chồng đi chinh phạt đảng cướp Muslim mà không nhờ đến hộ vệ, cô mở trường học và nhà thương cũng như viện bảo vệ bà mẹ tự ý chẳng buồn hỏi ý kiến của ai trong khi đó hai kẻ si mê cô thì chìm nghỉm bên cạnh sự thao lược của cô như thể con nhện đực chẳng hề được bén mảng đến hành lang phòng ở của vợ.



Nhưng phân nửa đường còn lại, chỗ đường Gordon chẻ nhánh từ các lùm cây trải dài suốt con đường Noel, là thung lũng của cô. Tại đây, Missy thường ngưng mọi mơ mộng lại để tự ngắm nghía mình. Đúng là một ngày đẹp trời giống như mọi ngày cuối đông trên rặng Thanh Sơn lúc gió chấm dứt giai đoạn nghỉ ngơi. Tuân theo sự quyến rũ của thung lũng, cô đi băng băng sang phía bờ xa phố Gordon và ngước mặt ngó lên bầu trời phóng khoáng và phồng mũi hít thở hương vị ngai ngái của cánh rừng.



Từ trước đến giờ chưa có ai có sáng kiến đặt tên cho thung lũng mặc dù bắt đầu thời điểm này theo cách bông đùa của dân Byron nó đang có tên Thung Lũng John Smith, chắc chắn phải là như vậy rồi. So với Thung Lũng Jamieson hay Thung Lũng Grose hoặc thậm chí cân phân với Thung Lũng Megalong, Thung Lũng John Smith không lớn, nhưng nó hoàn mỹ,có hình dáng giống như một cái lòng chén, nơi thành phố Byron và tất cả những tỉnh thành của dãy Núi Xanh được sáng lập, khoảng một ngàn năm trăm dặm. Về mặt hình thể thung lũng là một hình trái xoan cân đối, phần cuối thung lũng thu hẹp lại và lượn cong trên một dải đất của địa phận Byron, trải dài năm dặm về phía đông, nơi bức tường bao quanh thành phố tự nhiên bị đứt đoạn và bị nứt đôi vì một chấn động địa chất có một con sông không ai biết là tên gì chảy băng qua trên đường nối liền các mạch sông Nepean-Hawkesbury của bình nguyên ven bờ biển. Dọc theo vòng đai thành phố là một vách đá nhô ra biển kết cấu bằng sa thạch màu cam có độ cao một ngàn bộ, phía dưới vách núi thẳng đứng là một đường viền gồm những tảng đá đổ nhào có cây cối mọc quanh che phủ trườn thoai thoải xuống lòng sông tạo nên những khoảng trống mênh mông trước thung lũng. Mới nhìn phớt qua thung lũng như bị xâm lấn bởi một khu rừng nguyên thuỷ ngập bùn, chính là một đại dương trùng trùng điệp điệp những cây bạch đàn nhựa lúc nào cũng thở dài và thì thầm không ngớt.



Vào những buổi sáng mùa đông thung lũng tràn ngập những đám mây trắng rực rỡ như thể một dòng sữa đục phía dưới mỏm đá nhọn hoắt và mặt trời thỉnh thoảng lại đột ngột loé sáng thung lũng như bừng sáng trong phút chốc rồi cứ nhạt dần, nhạt dần. Cũng có khi những đám mây lại sà xuống thấp có vẻ muốn tìm kiếm ba cái chóp cao nghệu ở phía trần gian cho đến khi chúng hoàn toàn che phủ được thung lũng bằng một tấm thảm quang phổ. Và cứ mỗi hoàng hôn, bất kể là mùa đông hay mùa hè, vách đá như nhô cao hơn, muôn màu muôn sắc hơn, lấp lánh màu đỏ huyết dụ của bông hồng nhung, để rồi đỏ thắm như quả gấc, và sau cùng phát ánh tím, màu tím ấy cứ nhạt dần trong màu lam chiều huyền hoặc. Nhưng kì diệu nhất vẫn là tuyết phủ mùa đông, khi các vách đá cheo leo và những vỉa than nhô lên khỏi lớp tuyết trắng, cây cối dầy đặc lá cứ lao xao làm lay động hơi nước băng giá mỗi khi một bông tuyết rơi xuống, nhất định không chào đón người bạn đường lạnh lẽo.



Con đường duy nhứt để xuống được lòng thung lũng là một dòng nước lớn đủ để một chiếc tàu lớn thông thương, dòng nước ấy xuất phát từ thượng nguồn xa và tắt nghẽn ở phố Gordon. Cách nay năm chục năm, có kẻ đã đào kinh để thả trôi những cây tuyết tùng và cây nhựa thông dọc theo nguồn nước mưa đọng lại trong rừng, nhưng sau khi đã lập một đội sức kéo gồm tám chục con bò, hai lái xe , tức là hai tiều phu và một cỗ xe bò không lá chắn để lôi những súc gỗ nặng ra tận bìa rừng, rãnh nước ngay lập tức không còn được sử dụng nữa. Có nhiều cánh rừng khác dễ đẵn gỗ hơn. Và dần dần dòng nước như bị lãng quên như thể nó thật sự là thung lũng; khách du lịch thích đi từ miền Nam lên Jamiesơn hơn là ngược đường ra miền Bắc để đến với những ông anh họ ít hiểm trở hơn nhờ ở chỗ nó có các phòng điện thoại công cộng và những trạm gác ở dọc đường.



Cơn đau nhói khủng khiếp lại nổi lên khi Missy vòng qua góc đường không còn cách Missalonghi bao xa nữa, và chỉ mười giây sau đó cơn đau giống như một lưỡi rìu chọc vào ngực cô. Cô loạng choạng đặt hai giỏ đồ trĩu nặng xuống đưa hai cánh tay lên trong một ý định chống chọi lại cơn đau: rồi trong giây phút kinh hoàng cô bỗng ngó thấy cái hàng rào vuông vắn của Missalonghi, cô lảo đảo chạy về phía ấy. Ngay lúc đó từ đầu đàng kia của góc đường John Smith đang rảo bước đi tới, cúi đầu xuống có vẻ suy tư.



Chỉ còn khoảng mười ya nữa thôi là tới trước cổng rào nhưng cô kiệt sức ngã quỵ xuống. Không một ai ở Missalonghi trông thấy cảnh này vì lúc ấy đã là năm giờ, và những hộp âm oọc-găng hỗn loạn của Drusilla đã vang dội không gian như thể những dòng dung nham nóng hổi tuôn tràn từ miệng núi lửa.



Nhưng John Smith đã vội vàng chạy tới khi nhìn thấy Missy. Ý nghĩ đầu tiên của anh là có lẽ sinh vật bé nhỏ kì quặc kia hụt chân vì bất thần chạm mặt với anh nhưng khi anh quỳ xuống nâng mặt cô lên trông thấy nước da tái nhợt và những món tóc đẫm ướt mồ hôi của cô thì anh chợt hiểu. Anh đặt ghé cô lên đùi mình, xoa xoa lưng cô một cách vô vọng lòng thầm mong nhớ lại cách hô hấp nhân tạo. Điều duy nhất anh biết trong tình huống nầy là không nên đặt cô nằm trên mặt đất, tuy vậy, phải làm gì thêm thì anh vẫn chưa hình dung được. Cô gái dùng cả hai bàn tay bíu chặt cánh tay kia của anh lúc cố đỡ vai trước của cô để nâng cô lên: cả cơ thể cô nhấp nhô trong cuộc phấn đấu nhằm hít được không khí vào phổi và mắt cô ngước nhìn vào mắt anh, lặng lẽ khẩn cầu một sự trợ giúp mà anh không tài nào thực hiện được. Bị níu giữ như thể bị thôi miên, nhìn chằm chằm vào sinh vật đặc biệt này để nhận thấy nỗi kinh hoàng tận cùng, sự hoang mang và đau đớn hiện lên trong ánh mắt, John Smith bắt đầu lo lắng rằng cô gái sắp chết.



Sau đó màu xám mất đi rất nhanh, vẻ hồng hào và khỏe mạnh lan dần trên màu da, bàn tay đang ghì chặt cánh tay anh buông lơi ra.

- Làm ơn để tôi đứng lên – Cô nói qua hơi thở hổn hển, cố hết sức đứng dậy.



Anh luồn cánh tay được thả lỏng qua chân cô và vừa bế xốc cô lên vừa đứng dậy ngay lập tức. Dù chưa biết cô gái hiện đang cư ngụ tại đâu nhưng ý nghĩ phải nhờ sự giúp đỡ của những người trong ngôi nhà xám xịt phía sau dãy rào kia khiến anh đi băng qua cổng, xuyên qua lối đi trong nhà, và lên tiếng gọi người ra tiếp tay vừa cao giọng kêu vừa thầm mong người trong nhà sẽ nghe tiếng gọi của anh vượt lên trên mớ âm thanh hỗn độn của đàn oọc-găng.



Rõ ràng là tiếng gọi của anh có tác dụng vì sau đó hai người đàn bà chạy ra ngay lập tức, cả hai đều không biết John Smith là ai. Nhưng điều đó chẳng có nghĩa lý gì với họ, John Smith vô cùng cảm kích về chuyện này: một người lẳng lặng chạy vô mở cửa chính trong khi người kia lao thẳng về phía anh và đẩy anh vào hành lang cùng với cái gánh nặng kia.

- Đem rượu nho ra, nhanh lên!



Drusilla la lên cộc lốc, cúi xuống tháo khuy áo của Missy ra. Việc con gái có cần phảo kín đáo hay không đối với bà không cần thiết nữa vì hiện cô đang thắt lưng quá chật và mặc quần áo kín đến tận cổ.

- Nhà có điện thoại không? John Smith hỏi.

- Không có đâu.

- Vậy phiền bà chỉ giùm chỗ bác sĩ gần nhất để tôi đi mời.

- Ở góc đường phố Byron và Noel, bác sĩ Hurlingford – Drusilla nói - Nhờ ông nói giùm với ông ấy là đến coi bịnh cho Missy, con gái tôi.



Anh lập tức quay ra, để mặc cho Drusilla và Octavia hối hả dùng rượu nho, thứ rượu có thường trực trong tủ dành cho các ca rối loạn tim, cấp cứu Missy.



Khi bác sĩ Neville Hurlingford đến nơi, khoảng sáu mươi phút sau đó, Missy gần như đã hoàn toàn bình phục. John Smith không trở lại cùng với bác sĩ.

- Thật là khó xử! Bác sĩ Hurlingford đã nói với Drusilla như vậy khi cả hai vào trong nhà bếp: Octavia thì còn bận chăm sóc Missy trong buồng ngủ.



Chuyện xảy ra vừa rồi làm cho Drusilla bối rối vì từ trước đến giờ bà vẫn thường tự hào với những người quen biết về sức lực mạnh mẽ của mình; riêng về chứng bệnh thấp khớp của Octavia thì họ không tính đến vì là thứ bịnh thông thường mà những người già hay mắc phải. Vì vậy, bà chậm rãi và nhẹ nhàng pha trà, rót ra tách và uống một cách từ tốn trong khi bác sĩ Hurlingford cũng tự phục vụ trà cho ông với cung cách lụp chụp hơn.

- Ông Smith đã thuật lại mọi chuyện với chú rồi phải không? Bà hỏi.

- Phải thành thật mà nói như thế này, Drusilla à, mặc dù đã có mấy vụ không hay ho lắm xảy ra quanh hắn, đối với tôi tay Smith này có vẻ là một anh chàng chơi được, một người nhạy cảm và biết chuyện. Theo John Smith kể lại thì Missy tức thở nên hoảng sợ chạy vội về nhà rồi ngã gục xuống. Người Missy tái xanh và ướt đẫm mồ hôi, oằn oại vì ngạt thở. Sự rối loạn xảy ra chỉ trong vòng có vài phút thôi và sau đó cháu Missy trở lại bình thường. Da cháu hồng hào trở lại nhờ hô hấp bình thường. Chắc là sau khi ông Smith đỡ cháu dậy. Cách đây có mấy phút khi tôi khám thì không thấy cháu có dấu hiệu gì đáng ngại nhưng tôi sẽ thử lại một lần nữa khi cháu bị rối loạn y như vậy.

- Như chú biết đó, trong gia tộc ta chẳng có ai bị rối loạn tim cả - Drusilla tâm sự.

- Nhưng cháu đã chịu ảnh hưởng bên nội trong quá trình cấu tạo cơ thể, Drusilla à, và vì thế cháu thừa hưởng của phía ấy một trái tim không mấy chi hoàn chỉnh lắm. Cháu có từng bị choáng như vậy bao giờ chưa?

- Chúng cháu chưa hể nghe cháu nói gì về hiện tượng đó cả. – Drusilla nói với vẻ phiền muộn – Theo chú là rối loạn tim à?

- Đó chỉ mới là khả năng thôi, thật sự mà nói tôi cũng chưa thể chắc chắn điều gì. – Drusilla nghe ông thở ra có vẻ hoài nghi – Thôi được, tôi sẽ cố gắng tìm coi đã có sự trục trặc gì.

Missy đang nằm trên cái giường vừa nhỏ vừa hẹp của cô, mắt nhắm nghiền nhưng khi nghe tiếng chân là lạ của bác sĩ Hurlingford cô mở mắt ra và nhìn ông với vẻ thất vọng rất khó hiểu.

- Nào, cháu hãy kể coi chuyện gì đã khiến cháu lả đi như vậy, Missy! Ông lên tiếng và ngồi xuống giường.



Drusilla và Octavia cũng chực sẵn ở đầu giường; bác sĩ rất muốn không có hai người đang bà ấy ở trong phòng vì sự hiện diện của họ có thể làm Missy bị ức chế nhưng phép lịch sự và quy tắc đạo đức không cho phép ông nói với họ điều đó. Từ khi Missy lọt lòng tới giờ ông mới gặp cô có hai hoặc ba lần chi đó, vì vậy ông chỉ biết rất ít về cô như những người khác trong họ vẫn biết: cô là đứa cháu duy nhất của họ Hurlingford có nước da ngăm đen và được tiên đoán rằng sẽ ở giá suốt đời từ lúc mới lên mười tuổi.

- Cháu chẳng nhớ nổi chuyện gì đâu, ông à? Missy nói dối.

- Ồ, ít nhứt cháu vẫn còn biết vì sao chớ.

- Có lẽ cháu bị nghẹt thở và ngất đi.

- Vậy thì chẳng khớp với điều ông Smith đã nói với ông.

- Nếu thế thì ông Smith đã hiểu lầm một điều gì đó, ông ấy đâu rồi, hả ông? Ông ấy có mặt tại đây chớ?

- Nhưng lúc đó cháu có cảm thấy đau đớn gì không? Bác sĩ Hurlingford nhấn mạnh có vẻ không hài lòng và cũng chẳng muốn trả lời câu hỏi của Missy.



Viễn ảnh khủng khiếp về việc mình có thể đi từ tình trạng kiệt lực đến việc trở thành tàn phế suốt đời, về khả năng mình sẽ hoá ra một gánh nặng làm hao tổn thêm cho ngân sách eo hẹp của Missalonghi, cộng thêm mặc cảm tội lỗi mà cô sẽ bị ám ảnh hàng ngày trong cảnh phải nằm liệt giường, ý nghĩ chẳng còn được dạo chơi lang thang trong thung lũng của mình ở Byron và tự do rong ruổi trên đường tới thư viện…, không, không… chẳng bao giờ có thể là như vậy cả.

- Cháu chẳng hề thấy đau đớn gì hết? Cô phản đối.



Bác sĩ Hurlingford có vẻ ngờ vực lời nói của Missy nhưng vì đây là người cùng họ Hurlingford của ông nên chỉ còn biết thể hiện niềm cảm thông một cách kín đáo khi hiểu rất rõ ràng Missy sẽ chẳng còn sống được bao lâu của một cơn bịnh tim. Do đó ông kiên nhẫn hơn với cô gái khốn khổ này, chỉ lẳng lặng móc ra một cái ống nghe đã lỗi thời có hình cái phễu và bắt đầu nghe tim cô, trái tim đang đập bình thường trở lại và nghe cả hai lá phổi cũng đã biết làm việc êm ái hơn.

- Bữa nay là thứ hai. Tốt hơn cháu nên lại đằng chỗ ông vào ngày thứ sáu - Vừa căn dặn ông vừa đứng dậy.

Để trấn an cô, ông vỗ nhẹ lên đầu Missy sau câu nói đó rồi bước ra phòng khách nơi có Drusilla đang nôn nóng chờ đợi.

- Tôi không nhận thấy điều gì bất thường cả - ông bảo bà - Chắc chỉ có Chúa mới hiểu nổi chuyện gì đã xảy ra với cháu chớ tôi thì đành chịu. Nhưng cô nhớ nhắc cháu tới gặp tôi vào thứ sáu này, còn bây giờ, nếu lát nữa có chuyện gì không ổn thì phải đưa cháu đến chỗ tôi ngay lập tức.

- Bộ chú không tính cho cháu uống thuốc men gì sao?

- Cô Drusilla thân mến, làm sao có thể ra toa cho một chứng bịnh vẫn đang còn là một điều bí ẩn được chớ! Cháu ốm nhom như một con bò mắc bịnh giun sán nhưng cũng trông tương đối khoẻ mạnh. Giờ thì để cháu nằm yên cho cháu ngủ một lát và nhất là phải đốc cháu ăn cho nhiều thứ bổ dưỡng vào.

- Liệu có phải bắt cháu nằm nghỉ từ giờ đến thứ sáu không?

- Tôi chắc là không cần phải quan trọng hoá vấn đề tới như vậy. Cứ để cho cháu ổn định suốt ngày nay nhưng đến sáng thì giục cháu dậy. Cần nhất là hãy khuyến khích cháu làm những công việc nhẹ nhàng thôi, theo tôi chúng ta nên giúp cháu tiếp tục sinh hoạt bình thường, chẳng hại gì đâu.



Điều đó làm Drusilla yên tâm trở lại. Bà tiễn chân người cậu bác sĩ ra cổng rồi đi nhón gót băng qua phòng khách rón rén đến trước cửa phòng của Missy lén nhìn con gái đang thiu thiu ngủ đoạn rút vào nhà bếp với Octavia. Dì đang ngồi ở bàn ăn uống tách trà còn sót lại trong bữa trà pha đãi bác sĩ.



Rõ ràng Octavia cũng hoảng hốt không kém: phải dùng cả hai bàn tay đang run bần bật nâng tách trà lên môi.

- Dường như chú Neville thấy là chẳng đến nỗi nghiêm trọng cho lắm – Drusilla nói với em và nặng nề ngồi xuống – Missy phải nằm nghỉ hết buổi chiều nay nhưng ngày mai có thể dậy đi tới đi lui và chỉ được làm lặt vặt cho tới ngày thứ sáu thì chú Neville sẽ khám lại cho cháu.

- Trời, chị ơi! Một giọt nước mắt to tướng lăn tròn trên gò má nhợt nhạt của Octavia khi dì cúi xuống nhìn mấy ngón tay xương xẩu của mình – Em sẽ làm vườn nhưng mà Drusilla à, thật tình là em không tài nào vắt được sữa bò!

- Đừng lo! Chị sẽ đảm đương việc nầy – Drusilla trả lời và đặt một bàn tay lên đầu em cùng với tiếng thở dài - Bằng mọi giá chị em mình sẽ hoàn thành công việc đâu vào đấy.



Đúng là thảm họa! Drusilla như nhìn thấy món tiền hai trăm pao quý giá của bà lần lượt ra đi cùng với một loạt bác sĩ, bịnh viện và các chi phí điều trị, nhưng bà chẳng hề cảm thấy tiếc rẻ chút nào; điều làm bà ngán ngẩm nhứt chính là lúc bà nhớ lại những chiếc áo mà bà mới mua được. Liệu nhiễu màu hoa cà, lục thiên thanh và xa-tanh màu nâu mà bà chưa kịp cắt nó ra có thể đem tới tiệm vải lụa tơ sợi của cậu Herbert trả lại vào sáng ngày mai hay không? Bà thầm tự hỏi.

Giờ cơm chiều Drusilla bưng vô cho Missy một tô lớn xúp nấu bằng lúa mạch và thịt bò và ngồi kè bên cạnh cho tới khi Missy ăn hết sạch mới chịu tha cho cô nằm một mình. Giấc ngủ dài hồi xế chiều làm cô thấy tỉnh táo hẳn nhưng cô vẫn thích nằm yên miên man suy nghĩ. Cô nghĩ về cơn đau nhói và cứ thắc mắc chẳng biết vì sao mình lại bị đau như vậy. Cô nghĩ về John Smith. Về tương lai. Nhưng ở giữa cơn đau và tương lai, giữa hai dải sa mạc mênh mông thê lương đáng sợ ấy, John Smith hiện ra sừng sững và rạng rỡ. Chính vì vậy mà cô quên phắt những chuyện tương lai và cơn đau kinh khủng để tập trung mọi ý nghĩ cho John Smith.

Con người mới dễ mến làm sao! Lại còn thú vị nữa! Cô nhớ lại lúc người ấy bế thốc cô vào lòng và mang cô đi, thật nhẹ nhàng như không. Cả một đống chi tiết về câu chuyện truyền miệng của Una về những quyển tiểu thuyết không được phép đọc bỗng lướt qua trí óc Missy với sự ngọt ngào kỳ lạ: cuối cùng Missy biết là mình đang yêu. Nhưng tuyệt nhiên chẳng hề có chút hy vọng nào trong chuỗi mơ mộng rất êm đềm và vui tươi về việc hiện thực hoá tình yêu ấy cả. Chỉ có những nàng Alicia của thế giới nầy mới có thể đeo đuổi và kết thúc tình yêu của nàng một cách trọn vẹn. Và những kẻ như Missy thì chẳng biết gì về đàn ông, mà nếu có tí chút điều các cô như Missy khờ khạo hiểu được lại chung chung. Tóm lại, tất cả đàn ông trên đời đều là bất khả xâm phạm, kể cả bọn côn đồ. Mọi đàn ông đều có quyền lựa chọn. Đàn ông luôn là kẻ có quyền lực. Đàn ông luôn có tự do. Đàn ông bao giờ cũng được hưởng đặc quyền, đặc lợi. Mà biết đâu chừng những hạng lêu lổng còn hưởng thụ được nhiều thứ hơn những kẻ hiền lành theo kiểu cậu bé Willie Hurlingford tội nghiệp, lúc nào cũng được che chở bảo vệ làm như mọi sóng gió cuộc đời đã thổi tạt về cậu mọi khó khăn; Una có biết John Smith thời gian Una ở Sydney, và điều quen biết đó có thể chứng tỏ rằng John Smith rất thân cận với giới thượng lưu, dĩ nhiên phải loại trừ ông ta là người cung cấp nước đá, bánh mì hoặc than cho đẳng cấp nầy vì rõ ràng đã có tình bạn giữa ông ta và chồng Una.

Ồ, nhưng mà ông ta đã độ lượng với mình biết bao! Đối xử dịu dàng với một kẻ chẳng ra gì như Missy Wright. Mặc dầu bị dày vò bởi cơn đau khủng khiếp và hồn siêu phách tán cô vẫn nhận ra sự có mặt của anh, và cô còn cảm thấy như thể sức lực mạnh mẽ từ cơ thể anh đã truyền sang cho cô qua sự va chạm đã đẩy lùi được thần chết như vứt bỏ đi một cọng rơm rạ.

John Smith, cô thầm nghĩ, nếu mà tôi còn trẻ và xinh đẹp, ông sẽ chẳng cách chi thoát khỏi nổi tay tôi cũng như cậu bé khốn khổ Willie đã sa vào mê hồn trận của Alicia vậy! Bất kỳ ông đi đến đâu tôi cũng quyết theo sau ông bén gót bằng đôi chân dẻo dai không hề mệt mỏi. Và chỉ cần một lần ông rơi vào tình yêu của tôi, tôi xin hứa sẽ yêu ông nồng nàn đằm thắm đến nỗi ông sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến việc rời xa tôi.



Ngày hôm sau đích thân John Smith tới hỏi thăm về tình trạng sức khoẻ của Missy nhưng Drusilla đã tiếp anh ở cổng mà không mời anh gặp Missy. Đó chỉ thuần tuý là một cuộc thăm viếng cho phải lẽ mà thôi, Drusilla biết tình đời rất rõ, vì vậy bà cũng đã nhã nhặn cảm ơn anh một cách rất vừa phải và đã đứng tựa cổng rào ngó theo khi anh thả dọc theo con đường trải sỏi hai tay vung vẩy từ tốn, miệng huýt sáo một bản nhạc vui.

- Dễ thương chưa! Octavia lên tiếng và bước ra khỏi lối đi nhỏ nơi dì vừa núp mình để ngó trộm John Smith thông qua mép một bức rèm - Chị có định nói với Missy là hắn có đến thăm nó không?

- Sao? Drusilla ngạc nhiên hỏi.

- Ồ,… ồ…

- Em Octavia thân mến, em nói chuyện như thể em vừa đọc qua mấy cuốn tiểu thuyết tồi tệ đáng giá một penny mà Missy thường mang từ thư viện về nhà!

- Nó có mang về à?

Drusilla phá lên cười.

- Em có biết không, từ khi chị nhận ra cháu vừa lo lắng vừa dấu biệt bìa sách chị đã bỏ qua nguyên tắc là mình phải coi cháu chỉ đọc được loại sách nào sách nào. Hơn nữa, cũng đã mười lăm năm rồi còn gì! Mà chị cũng ngẫm nghĩ là tại sao con bé đáng thương rách rưới đó lại không được đọc tiểu thuyết tuỳ thích chớ? Nó còn biết thưởng thức cái gì bây giờ cũng như chị đã say sưa với âm nhạc của chị vậy mà!

Drusilla đã kịp ghìm câu nói đùa là Octavia dầu sao vẫn còn chứng bịnh thấp khớp để an ủi, và Octavia, kẻ thường nói rằng dưới mọi hoàn cảnh khó khăn dì đều không cần giải trí, đã khôn ngoan quyết định là nên gạt vấn đề thưởng thức sang một bên.

- Vậy là chị sẽ chẳng nói với Missy rằng nó được phép đọc tiểu thuyết chứ gì? Octavia vội hỏi để mong khoả lấp câu chuyện.

- Chắc chắn là chị chẳng nói đâu! Bởi vì, em biết không, nếu chị đồng ý thì kể như thú đọc sách của Missy bị giảm đi. Hơn nữa, nếu cho phép tự do đọc sách thì Missy sẽ hoàn toàn thoát khỏi mọi ràng buộc để càng đọc những cuốn tồi tệ hơn – Drusilla cau mày - Điều làm chị ngạc nhiên là chẳng hiểu Missy làm cách nào để thuyết phục Livilla chịu cho nó mượn tiểu thuyết. Nhưng chị không muốn hỏi Livilla bởi vì chắc chắn sẽ có rất nhiều lời phiền trách kèm theo và niềm an ủi duy nhất của Missy ở cõi đời nầy thế là đi đời. Chị đành tạm coi đó là một thử thách nhỏ và cố hy vọng là vượt lên trên mọi sự thách thức chính là tinh thần quật khởi của Missy.

Octavia khịt mũi tỏ vẻ khó chịu:

- Em chẳng thấy chút gì đáng vui mừng trong việc để cho Missy thách thức chúng ta để làm chuyện lén lút đó.

Một âm thanh nửa như càu nhàu nửa như than vãn không kịp thoát ra khỏi cửa miệng Drusilla nhưng rồi bà vội mỉm cười, nhún vai và quay lưng đi vào bếp.

Drusilla đi cùng Missy đến gặp bác sĩ vào ngày thứ sáu sau đó. Buổi sáng, trời đẹp nên họ đi bộ, ăn vận thật ấm, toàn nâu, dĩ nhiên.

Phòng chờ đợi trước khu giải phẫu ẩm thấp, mờ tối và vắng tanh. Bà Neville Hurlingford, phụ giúp chồng trong phần việc của một điều dưỡng, mời cả hai vào phòng, niềm nở chào hỏi Drusilla nhưng chỉ đưa ánh mắt lạnh lùng ngó Missy. Một lát sau bác sĩ từ phòng khám bịnh thò đầu ra.

- Vô đây, Missy! Còn Drusilla thì khỏi, cháu hãy ở đó với thím của cháu!

Missy đi vào phòng, ngồi xuống ghế, có vẻ đề phòng trong trạng thái chờ đợi.

Bác sĩ bắt đầu cuộc khám bịnh bằng một cuộc tấn công thẳng thừng:

- Ông không tin là cháu chỉ đơn giản bị hụt hơi – ông bảo - Thế nào cũng đi kèm với một cơn đau thắt, ông muốn nghe tất cả sự thật chớ không phải là một điều vô lý.

Missy đành nhượng bộ, cô kể về cơn đau vẫn thường đeo đẳng ở sườn bên trái, mà cũng chỉ bột phát mỗi khi cô hối hả đi bộ trên những chặng đường dài và đôi khi bột phát dữ dội thành cơn đau kinh khiếp đến nghẹt thở.

Vì vậy bác sĩ khám cô một lần nữa rồi thở dài:

- Ông không cách chi tìm thấy điều gì khác lạ ở cháu – ông nói – Hôm thứ hai chẳng có một dấu hiệu nào báo là cháu bị đau tim và bây giờ cũng y như vậy. Tuy vậy, theo lời ông Smith kể lại thì chắc chắn à cháu phải bị đau tim thật rồi. Do đó, để nắm rõ, ông sẽ giới thiệu cháu đến một chuyên gia ở Sydney. Nếu mà ông kịp báo, cháu có bằng lòng đi cùng với Alicia không, hàng tuần Alicia vẫn đi Sydney vào ngày thứ tư? Đi chung như vậy sẽ đỡ cho má cháu khỏi phải đi theo.

Dường như có kèm theo cả cái nheo mắt đầy cảm thông của bác sĩ thì phải. Missy không dám chắc nhưng cô nhìn ông đầy vẻ biết ơn.

- Cảm ơn ông, để cháu đi cùng với chị Alicia.

Thật ra, ngày thứ sáu đúng là một ngày vui vẻ vì vào lúc xế chiều Una ghé lại Missalonghi bằng cỗ xe ngựa một chỗ ngồi của Livilla, đem theo một lô tiểu thuyết được thận trọng gói kín bằng một mảnh giấy nâu.

- Chị đâu biết là em bịnh, tới hồi sáng nầy bà Neville Hurlingford lại đằng thư viện vui miệng kể chị mới hay…

Una vừa nói vừa ngồi xuống chiếc ghế nhỏ trong căn phòng khách đẹp nhứt nhà, nơi mà Octavia vừa mời cô vào, dì cứ sững sờ vì vẻ thanh lịch và dịu dàng của cô.

Cả Drusilla lẫn Octavia đều không muốn để cho hai phụ nữ trẻ trò chuyện một mình, không phải họ chủ tâm định phá đám đôi bạn trẻ mà vì họ luôn khao khát có khách, nhất là khách lại là người họ chưa hề được quen biết. Đúng là một người khách kiều diễm! Mặc dầu vẻ đẹp của Una không giống vẻ đẹp của Alicia nhưng, có lẽ họ cảm thấy dường như Una có phần duyên dáng hơn. Sự thăm viếng của Una đặc biệt làm cho Drusilla hài lòng vì nó đã giải đáp nhiều thắc mắc của bà là bằng cách nào mà Missy bỗng nhiên mượn được tiểu thuyết.

- Cảm ơn chị đã mang sách tới cho em mượn. – Missy mỉm cười với cô bạn thân - Cuốn sách em mượn bữa thứ hai thiếu điều muốn rách rồi.

- Em thích không? Una hỏi.

- Ồ, em thích lắm.



Đúng là cô thấy thật sự thích cuốn sách nầy; vì rõ ràng là nhân vật chánh chết vì chứng rối loạn tim đã đến với cô hết sức đúng lúc. Một điều phải thừa nhận là người bạn đồng cảnh ngộ với Missy đã thật sự trút hơi thở cuối cùng trong cánh tay người yêu, còn Missy chỉ có diễm phúc là sắp sửa sắp chết trên cánh tay người cô hằng yêu dấu.



Phong cách của Una thật tuyệt vời. Chỉ trong thời gian đủ uống kịp một tách trà và nhấm nháp mấy cái bánh ngọt làm tại nhà thuộc loại xoàng cô đã chinh phục được hoàn toàn tình cảm của Drusilla và Octavia. Thật là nhục nhã khi không có thức gì tốt hơn để đãi khách nhưng Una đã hướng lòng cảm kích về phía những cái bánh tồi tệ đó với vẻ không thể hiểu như thể chính những cái bánh đó là thứ thật sự thích và đang thèm ăn.

- Chà, cháu ngán kem và những ổ bánh mì tây quá rồi! Cô vừa nói vừa nở một nụ cười mê hồn với hai người chủ nhà – Dì thật là khéo tay và thật là chu đáo! Bánh thì hết xẩy, lại hợp bụng cháu vì dễ tiêu! Tất cả phụ nữ ở Byron gần như đang lặn hụp trong đại dương kem và mứt, bởi vì đã đến nhà người ta thì tốt hơn không nên làm mích lòng chủ nhà khi được mời ăn bánh ngọt.

- Cô gái này quả là dễ thương! Drusilla buột miệng khen khi Una đã cáo từ ra về.

- Mà còn thú vị nữa! Octavia tán thành.

- Con nên mời cô ấy đến chơi nhà mình – Drusilla nói với Missy.

- Bất cứ lúc nào cũng được – Octavia, kẻ đã chế tạo những chiếc bánh ngọt loại xoàng biểu lộ sự nhất trí.



Chú thích:

[1] Yard : đơn vị đo chiều dài, bằng 0.9144 met
Những Người Đàn Bà Ở Missalonghi
LỜI GIỚI THIỆU
- 1 -
- 2 -
- 3 -
- 4 -
- 5 -
- 6 -
- 7 -
- 8 -
- 9 -
- 10 -