Ánh sáng đô thị
Tác giả: Đào Duy Hiệp
I
Sắp tắt hoàng hôn là thành phố lên đèn. Ánh sáng của mỗi căn phòng sáng không xa. Những màn gió mờ bên cửa sổ chứa bên trong những linh hồn. Những ngọn nến hồng lửa sáng trong. Những sinh nhật đầu đời. Đôi ngọn nến điện hình quả nhót nhấp nháy, lập loè trên ban thờ.
Khói hương, thời gian làm sạm đen bức tường và bài vị. Có những cử động. Những mái đầu cúi xuống, lặng im, chìm đắm. Những mái tóc đen mềm trẻ thơ linh động, hoạt bát. Tóc muối tiêu bâng khuâng. Những sợi tóc bạc trên chiếc giường cá nhân góc nhà chìm trong chăn gối, im lìm. Mái tóc dài buông lửng ngang lưng cười sáng loá bên điện thoại. Những cái đầu cao thấp dưới sàn nhà hướng vào tivi. Ánh sáng lấp loá của màn hình lúc sáng, lúc tối trên các gương mặt. Nỗi lo âu mơ hồ: “Đã trót sinh ra trong trời đất”. “Ông ơi, thế chết có đau không hả ông?”, đứa bé hỏi. Đám tóc bạc trả lời trong chăn: “Không”. Rồi thở khặc khừ. “Nhưng ở dưới đất, tối lắm, cháu sợ”. Có tiếng ngáy. Bên bàn viết một người tư lự, sau cắm cúi, hí hoáy trên giấy. “Mẹ mở bé nhạc chứ để con học”, mái tóc buông lửng quay ra phía vô tuyến bảo. Cái điều khiển hướng vào màn hình. “Giải tán cho sớm chợ”, giọng phụ nữ gần năm mươi. “Vắng cô thì chợ vẫn đông. Cô đi lấy chồng…”. Có tiếng cười khích khích. Shopping ai mà chả thích? Mày thì đi chợ gì, chợ người à? Trên bàn có cuốn sách triết học. “Tích lũy tư bản với thặng dư giá trị là gì hả bố? Như nhà mình thế có gọi là bóc lột sức lao động không?”. Cái đầu ở bàn quay ra bảo: “Hỏi mẹ con ấy”, rồi mỉm cười. Bàn tay đang đếm tiền dừng lại: “Con nên tự mình suy nghĩ”.
Những cái đầu cúi xuống suy ngẫm. “Đêm nay mới gọi là đêm…”
II
Lũ sao trời thóc mách bảo nhau rằng đã từ lâu con người quên mất chúng rồi. “Sao trời lọt qua mắt lưới. Rơi đầy xuống dòng sông sâu”. Chị Hằng lắc đầu bảo chúng nói sai, rồi hát cho chúng nghe. “Một ông sao sáng, hai ông sáng sao, ba ông sao sáng…”. Sao trời chi chít thế này mai nắng cả. “Lạy ông nắng lên, cho trẻ nó chơi, cho già bắt rận, cho tôi đi cày”. Chị Hằng dẫn chúng đi chỉ cho chúng thấy bao điều thơ mộng. Muôn vàn con mắt của bầu trời đêm nhấp nháy trên những cảnh vật, những con người. Có một người nhìn chúng. Chúng thấy lạ vì người đó đứng một mình, đi một mình, lẩm bẩm một mình.
Đường Cổ Ngư chìm trong ánh sáng đèn mờ xanh đỏ. Tiếng nhạc rậm rịch, ình ình. Những quả dừa tươi xếp ở cửa ra vào hứa hẹn nhiều điều tươi mát bổ (nhân vật của chúng ta phải tránh xuống lòng đường vì vỉa hè dành cho xe máy đỗ). “Anh ơi, mua thuốc cho em nào”. Đôi môi son đon đả, nanh nọc chào mời. Đôi mắt mệt mỏi, đục sâu ẩn sau quầng tím đặt trên lớp phấn dầy. Bộ quần áo vải soa mới may Ajinomoto màu tím dịu. Những nơi cần kín thì hở. Nhàu nát, phiền muộn. Hai bên eo cách tân xẻ cao có thêu ren trắng thoăn thoắt chạy hút mắt xung quanh vạch biên giới giữa thượng và hạ tầng kiến trúc viôlét thuỷ chung, rung rinh cốt nhục. Đôi dép lê nhựa đã hơi phai màu. Đỏ lợt. “Trăng lên đỉnh núi trăng tà, Mình yêu ta thật hay là yêu chơi”, nhân vật nghĩ. Cái áo viôlét nói: “Thấy anh em cũng muốn theo, Em sợ anh nghèo anh bán em đi…”, rồi cười. Có mấy tiếng cười khác hùa theo. “Miệng người như cỏ xanh. Gió thổi là nghiêng ngả”. Gió từ hồ thổi lên làm ngọn đèn dầu cuống quýt suýt tắt. Bên cạnh đấy một cái mẹt đựng dăm ba lon bia phủ bụi mờ. Hai ba mái tóc phi dê hoặc để xoã ngồi ở gốc cây cạnh đó vài mét đang thì thầm. Thỉnh thoảng cười đánh tiếng. Những ánh mắt len lén hoặc dạn dĩ hướng ra đồng lõa.
Cái đầu đàn ông cúi xuống châm lửa ở ngọn đèn. Trả tiền. Điếu thuốc lập loè đi. Khói bay vơ vẩn, ngược chiều. Áo xoa tím Ajinomoto rủa theo: “Phỉ phui xui xẻo. Ném muối ném gạo. Cái mặt cô hồn phát khiếp. Mua được điếu thuốc năm trăm! Rõ bước chân trái ra khỏi nhà có khác”. “Nhà gì? Nhà trọ thì có!”, tiếng nói ở gốc cây vọng ra. Có tiếng hát khàn khàn: “Tình lưu động, đời chỉ là quán trọ. Ta lang thang, mãi thân vạc thân cò. Hôm nay gặp, mai đã thành xa lạ. Người bấy người, có xót thương giai nhân”. Lời lẽ hơi cổ, đượm buồn, mệt mỏi. Có tiếng sụt sịt sau gốc cây.
Sóng gợn mặt hồ như những vì sao in vào đôi mắt. Phấn son loè loẹt, nhoe nhoét rẻ tiền, vụng về, bệ rạc. Có ánh đèn pha ô tô đi tới. Những mái tóc hơi cúi xuống. Gương mặt quay vào đêm u tối. Ngọn đèn dầu được khêu to lên. Rồi tắt. Bàn tay bôi son nhấc lên lắc lắc. “Hết dầu”. Một đám lục bình dập dờn. Tiếng chuông chùa Trấn Quốc trong sương mờ. Trên trời một màu mây lạnh. Không còn nhìn thấy các vì sao. Ở gốc cây lúc nãy có que hương đang cháy. Cái áo tím, cái đầu phi dê, cái áo dài… rì rầm.
- Chú mua sách, báo cho cháu. Cháu ở tổ bán báo “Xa mẹ”. Nó chỉ vào tấm thẻ.
- Còn chú thì ở tổ “xa vợ”. Nhân vật đùa nhưng cũng rút tiền ra mua hú hoạ một tờ báo nhét đại vào túi áo.
- Chú mua thắt lưng, dây chìa khoá, ví da… Nhân vật khoát tay, chán nản, quay ra hồ. Tiếng ô tô phanh “két, két…”. Một cái đầu râu ria rám nắng, bự con thò ra khỏi cabin: “Mày muốn mồ côi vợ, hay vợ mày muốn mồ côi? Đồ ngu!”. Một bãi nước bọt bay ra rơi bẹt xuống đường. Các gốc cây động đậy ráo riết, âm thầm, nhường nhịn. Ánh đèn pha vụt qua rồi tắt.
- Cháu lạy chú, cháu xin chú, cháu không còn cha mẹ…
Thằng bé sáng sủa. Bài học thuộc lòng trơn tuột. Những bàn tay non nớt vẫy vẫy qua ánh sáng của nhà nổi “Nàng tiên”. Tiếng ca rung động.
III
Đêm muộn ở một phố ăn. Đèn thi nhau sáng hơn cả ban ngày. Mùi xào nấu, hành tỏi, “vào ăn hàng cho em đi, anh ơi”, tiếng xe máy, tiếng còi ầm ĩ cái đi cái đến. Những món ăn đân tộc cách tân, thẩm mỹ, lịch sự, bổ béo. Ăn cũng là “mốt”. Những tiếng “tách, tách” mở bia. Những điếu thuốc lá thơm nhất thế giới cháy lên. Khói phủ đặc trên các gương mặt đàn ông, những giọng nói khàn khàn con gái. Có cả những móng tay dài sơn nhũ đỏ, trau chuốt, tỉ mẩn. Một bàn tay nổi gân xanh, thanh mảnh, kẹp điếu thuốc dài đang cháy, ôm đầu. “Nó sắp về rồi thì em làm thế nào? Nếu ly dị, em nuôi thằng Bin”. Một giọng đàn ông thông cảm, dỗ dành: “Đợi xem thế nào đã. Đừng nóng vội”. “Anh đừng bảo rằng anh lại đi công tác xa nữa nhé”. “Anh sẽ còn gặp em mà”. Bàn tay thanh mảnh rút khăn ra chấm nước mắt. Bàn tay đàn ông cuống quýt an ủi, vỗ về. “Thịt gà, cơm nếp, đàn bà. Cả ba thứ ấy đều là dùng tay”. Bên kia đường có biển “Xôi”. Dưới lại đề thịt, giò, trứng, ruốc, lạp sườn… Có người bảo: “Về thôi”. Mấy thân hình cao lớn cũng đứng lên theo tiếng rủ. Cái khăn tay chấm nước mắt cũng đứng lên trèo vào ngồi sau chiếc xe máy đen to lớn kềnh càng. Bốn năm cái đèn pha bật sáng. Tiếng xe nổ máy. Gia tốc tức thì lớn do gài số, buông côn, kéo ga đột ngột. Chiếc xe chồm lên. Đến đầu đường chỗ ngã ba có xe bị đổ. Tiếng kêu. Tiếng kim loại va đập. Nhốn nháo. Các xe khác quay lại, chụm vào hiện trường. “Gọi Cấp cứu!”. Nhiều tiếng nói ồn ào, nhiều cái đầu đang ăn đứng hẳn lên ngó, nhiều bước chân chạy đến. “Nó đâm vào cột đèn”. “Văng như chưởng thế còn gì là người”. Nhiều tiếng bình luận lao xao. “Thằng này uống suốt từ chiều. Nó bị con bé mọi khi bỏ rồi”. “Tu là cõi phúc, tình là dây oan”. Có tiếng cassette: “Tình yêu như trái phá. Con tim mù loà. Một mai thức dậy…”. Có tiếng còi xe cảnh sát đến.
IV
Sắp tắt hoàng hôn là thành phố lên đèn. Ánh sáng của mỗi căn phòng sáng không xa. Cốc rượu đỏ có chân bên chiếc gạt tàn đầy cán thuốc. Điếu thuốc đang cháy trên đôi môi có ria con kiến. Trán cao hay có thể hơi bị hói. Chỗ chân tóc lơ thơ. Tóc thưa, mềm, mỏng, trông thấy cả da đầu hồng hồng. Ngọn khói lơ đãng đang định vờn quanh bộ ria thì bị xua đi vì chiếc cốc bay lên đậu vào miệng dồn hết chỗ khói còn lại vào dạ dày. Bàn tay dày đặt cái cốc xuống bàn không ra giận dữ, không ra lưỡng lự. Chán nản.
- Bố vào đi ngủ… một đứa bé gái chỉ độ 6-7 tuổi phụng phịu qua nước mắt.
- Con ngủ trước đi, giọng nói trầm rất dịu dàng quay về phía bé. Bố chờ mẹ một chút rồi bố vào.
- Ứ, ừ, con sợ. Hôm nào mẹ cũng về khuya.
- Mẹ phải có việc con ạ. Ra đây bố bế nào.
Đứa trẻ thiên thần, má hồng lên vì ấm ngủ trên tay bố. Giọt nước mắt đàn ông bất ngờ rơi trên mái tóc đứa bé. Bàn tay vội lau đi. Những ngọn nến hồng sáng trong, lung linh. Những sinh nhật đầu đời. Ngón tay xinh xinh của bé còn lem mực tím. Chiếc áo hoa tím nhỏ bị mất chiếc cúc ở cổ. Móng chân dài, xinh xắn bám ghét ở kẽ. Tường quét vôi xanh nhạt đã lâu ngày. Có một khung chữ nhật bằng quyển sách khổ to sáng màu hơn. “Cái khung ảnh chụp hôm cưới đâu nhỉ?”. Hay là rơi xuống khe giường. Kéo chiếc giường ra tìm. Một bao thuốc lá 555 hút giở. Cán thuốc vung vãi. Mạng nhện. Bụi bặm.
V
Đôi ngọn nến điện quả nhót lập lòe khói hương. Một người đàn bà nằm trên giường quay mặt vào tường. Căn nhà nhá nhem. Mâm cơm để nguội. Con mèo rón rén tha đi cái chân giò luộc. Người đàn ông ngồi tư lự, đăm chiêu. Chén rượu trắng trên chiếu. Những người đến từng lúc khác nhau. Trao đổi thì thầm, nghiêm trang. “Thay cái bóng đèn đi cho sáng”. “Bác cho cháu mượn bao diêm”. “Quyển nhật kí của nó đâu?” bà hỏi. Ông bảo: “Đốt rồi”. Bà gục vào chữ SONG HỈ giữa chiếu, tay đập đập, chới với.
Có tiếng điện thoại. Mái tóc buông lửng nghe, sau bảo: “Chú nhắn cho nó ngủ rồi chú đến”. “Mày đi đun nước, rửa kỹ ấm chén đi”, người đàn ông nói rồi thở dài.
“Gia đạo đổ nát. Huynh đệ tương tàn. Tan đàn xẻ nghé”. Có tiếng vọng từ âm u. “Anh em kiến giả nhất phận. Bàn tay chẳng che kín được mặt trời”. Có ai bẻ được cả bó đũa bao giờ?
Có con bé hàng xóm chơi với em. Giọng nó lảnh lót. Thằng em vỗ tay cười nắc nẻ:
“Thả đỉa ba ba…
Chớ bắt đàn bà,
Phải tội đàn ông.
Cơm trắng như bông,
Gạo tiền như nước.
Đổ mắm đổ muối,
Đổ chuối hạt tiêu,
Đổ niêu nước chè,
Đổ phải nhà nào,
Nhà ấy phải chịu”.
Người đàn ông nhìn ra cửa. Gió thổi lung lay cái mành tre. Đời người vó câu bóng ngựa. Mới năm nào anh em còn gần gũi, sum họp, bảo ban nhau. “Chiềng làng chiềng chạ, Thượng hạ Tây Đông…”. Tiếng con bé vẫn lảnh lót chơi với em như đôi chim non ríu rít. Bây giờ vẫn còn có mõ ư?
Có chiếc xe đám cưới đi qua trước cửa. Đèn pha ôtô, xe máy lấp loá, chói mắt. Những dây hoa hồng bạch chăng hai bên thành xe. Con búp bê dính băng ngồi ở mũi xe. Caméra đi trước quay lại, có nghề. Ông quay mặt vào trong nhà. Con bé hàng xóm lại hát:
“Ông giẳng ông giăng,
Xuống chơi với tôi,
Có bầu có bạn,
Có ván cơm xôi,
Có nồi cơm nếp,
Có nệp bánh chưng,
Có lưng hũ rượu…”
Ông cầm chén rượu trắng lên tợp một ngụm. Đôi mắt nheo nheo, ươn ướt. Người ta sống ở trong đời có cả một thời gian để yêu thương, có cả một thời gian để buồn rầu, đau đớn, cô đơn.
VI
Xe ô tô dừng lại. Đèn pha trên nóc xe sáng rực. Phía sau đèn là tấm bạc lớn phản chiếu cộng hưởng ánh sáng. Đạo diễn gọi loa:
- Tốp! Tốp! Dừng lại! Mời anh chị em lại đây ta thảo luận. Hôm nay như thế tạm xong.
Áo hoa tím rung rinh, áo dài thon thả, cái đầu phi dê mở bia bôm bốp chia nhau. Bọn trẻ tháo phù hiệu “Xa mẹ”, quẳng hộp cát-tông đựng sách báo vào xe. Có người gỡ khăn tang. “Cô dâu” lườm “chú rể”. “Chú rể” cười: “Xin lỗi Đông Thi”. Mấy chú “Cảnh sát” bỏ lon mũ. Cái đầu cắt tóc gọn ghẽ, bảnh bao ngửa cổ tu bia cười ừng ực. “May cái đạo cụ xe máy ấy không hỏng”. Ánh đèn trên xe lờ mờ. Tiếng ồn ào, nhộn nhạo. Cái áo dài gắt khẽ: “Khỉ!”. Rồi đứng lên.
- Thôi! Trật tự! Đã lên hết xe chửa? Cãi nhau mãi. Tối mai là cảnh các lớp học tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật… Rồi các nhà hàng Hôtel mini truy quét tội phạm. Mượn thêm được cái gì thì mượn cho xôm trò. Chị em có thể mặc hiện đại hơn cũng được. Phim này dài chín mươi phút. Cứ quay đã, dựng và lời thoại để sau. Lấy tên là: “Văn minh ánh sáng đô thị” nhé. Anh chị em nhớ đọc lại kịch bản, quán triệt tinh thần của phim cho tốt. Còn cả các cảnh sinh hoạt văn hoá lành mạnh của thanh niên đấy. Thanh niên là lực lượng nòng cốt của tương lai đất nước. Này, anh gì đi bộ về à? Nhớ sửa lại kịch bản cho gọn, đẹp nhé!
VII
Nhân vật xòe diêm hút thuốc. Tiện tay quẳng tờ báo xuống hồ. Có một ngôi sao sáng trên trời như xăm soi. Đằng xa, một mảnh trăng. Mây bay qua vùn vụt, lúc tỏ lúc mờ. Nhân vật lững thững đi. “Mồng một lưỡi trai, mồng hai lá lúa. Mồng ba câu liêm. Mồng bốn lưỡi liềm. Mồng năm liềm giật. Mồng sáu thật trăng… Hai mươi giấc tốt. Hai mốt nửa đêm”. Có mấy hạt mưa.
Đêm nay là đêm mồng mấy?
“Đi qua khu nhà em. Thấy mùa xuân còn đó. Đường rộng nào em đi?…”.
Những lời ca văng vẳng. Có cần phải nói gì nữa không?
Đêm nay là đêm mồng mấy?
Hà Nội, 1996