watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Bức thư - tác giả Đào Duy Hiệp Đào Duy Hiệp

Bức thư

Tác giả: Đào Duy Hiệp

Dòng sông mùa này nước lũ đục ngầu cuộn chảy mênh mang lẫn củi, rác, bèo… Con đò trở nên bé nhỏ, cô đơn trong mưa mờ, hút xa. Rồi khuất dạng trong mưa xối.

Đứng bên này sông không nhìn thấy bờ bên kia. Cây gạo đứng chơ vơ, ưu phiền, thả rơi những bông hoa đỏ thưa thớt, dập cánh. Ngọn hải đăng ngày neo giữ niềm hy vọng lóe lên trong mưa những đốm sáng thương cảm. Hoa ơi, biết làm thế nào được? Mày tự rời cành rơi đấy chứ. Màu hoa này giống màu áo quan họ bà ấy mặc ngày xưa. Hết câu hát Giã bạn rồi thì cũng tan hội. “Thân em như hạt mưa sa…”. Thế mà đã mấy chục năm ai phận nấy. Lại lỡ một chuyến nữa rồi. Đời người, lỡ mấy lần? “Đò ơi… Ơi đò!”… Tiếng gọi vang trên bờ sông vắng. Thằng con bà ấy lại hy sinh. Khổ thế.

Người đưa thư đứng bồn chồn nhìn dòng sông, nhìn trời mưa. Nếu lỡ mà mình chẳng kịp đưa bức thư này cho con bé thì thật tội. Chắc nó cũng chỉ tuổi con mình nếu sự đời suôn sẻ. Người đàn ông nhìn chiếc xe của mình. Chiếc xe đạp cũ tàng. Ừ, xe ơi tao với mày bầu bạn đã bao năm rồi nhỉ? Cứ nằm đấy mà nghỉ đi cái đã. À, xem nào, để tao vấn lại cái lốp cho mày nhé. Tao lấy chun xe thồ tha hồ chắc. Thế, được rồi. Trước đây mày có tên là xe Thống Nhất nam mặc áo xanh, phanh, chuông, có cả cái máy bay đúc chì cắm trên chiếc lò xo cứ phi đi phi lại theo tiếng chuông “reng, reng”… Oách phải biết. Bây giờ tróc sơn, khung đen bóng, mất cả tên, nhưng vẫn còn cái đề-can nhôm đằng trước có con bồ câu vỗ cánh qua hoàn cầu thế là vẫn oai rồi. Mày thương tao, tao cũng chẳng phụ công của mày đâu, con tuấn mã kim loại yêu quý ạ. Thế nhé, cứ nằm nghỉ đi. Mai về tao lại rửa ráy, lau chùi, dầu mỡ đỡ đạp. Thực ra, nói mày bỏ quá, hầu mày cũng là hầu tao đấy. Khi nào tao chết, chẳng có ai thừa kế, tao di chúc lại cho Bảo tàng trên huyện đấy. Lúc ấy tao phải xa mày, mày phải xa tao. Tao buồn nhưng chẳng sợ, còn mày thì không bị hành hạ nữa. Có khi mày còn được đứng trong tủ kính cũng nên. Đèn hàng trăm oát rọi vào, sáng rực cả lên. Ấm áp, chẳng sợ gỉ? Chả như lúc này. Ngày xưa, bà ấy ngồi trên poóc-ba-ga đấy. Mày còn nhớ không hả xe? Thôi, tao uống một chút cho ấm bụng. Lạnh lạnh là. Ở đây cũng chả có quán sá gì.

Người đàn ông cẩn thận cởi ni-lông bọc cái xà cột, rồi mở khoá lôi ra một cút rượu thuốc. Mắt ông dừng lại trên một phong thư cũng được gói trong tấm ni-lông trong. Riềm thư xanh đỏ PAR AVION đã rách mép. Bao giờ thì gặp được chủ nhân của mày hả thư? Địa chỉ nhoè hết cả chỉ còn lại cái tên thì biết làm thế nào? Định mệnh xúi tao là phải tìm bằng được đưa cho người ấy. Cứ yên tâm thư nhé, rồi mày cũng đến được tay người nhận thôi. Trong huyện này có khối cô có tên sông đẹp như mày. Làm nghề này ăn nhau ở cái kiên trì. Năm nào tao cũng được tuyên dương đấy. Nét chữ cứng cỏi của người con trai thế này là rõ ràng, sòng phẳng đây. Mình đã đi qua đến ba, bốn nhà có con gái tên thế này mà đứa nào cũng lắc đầu cười rinh rích, ý hẳn chúng nó có đứa nào cặp kè bên cạnh rồi. Bà Cả Vẹo còn tong tả tiễn ông: “Cháu nó tắm ao ta… ông ạ”, rồi nhổ bã trầu vào gốc tre. Chị cu Thống lại bảo: “Có con mà gả chồng gần. Có bát canh cần nó cũng mang cho”, rồi suỵt con chó đang nhe răng xồ ra định đớp ông. “Bác thông cảm. Trộm cắp ở đây cứ như rươi. Bố cháu phải tậu tận trên tỉnh về. Tốn tốn là…”. Con bé con trông mới nứt mắt chả biết KARAOKE thế nào mà ì ạch ló mặt ra, bị mẹ lườm cho một cái, lại thụt vào. Ông cười: “Bà giữ nhà như thế cũng phải. Vô phép bà tôi về”. Rồi nhà Hải Phú làm văn hoá trên huyện. Phú là tên chồng, Hải là tên vợ. Do nằm gầm chạn, nịnh và hãi nhà vợ nên phải ghép cả tên phu nhân vào, đi đâu cũng phát “cạc vidít” như bươm bướm. Có đứa con gái cưỡi HONDA, mặc váy, chả biết ngã vào bụi cây thế nào mà không dám ló mặt ra đường đến chín mười tháng nay. Vợ chồng Hải Phú bảo cháu nó đi lao động bên Đức. “Cô Kếu, gái tân thời”…

Dòng sông vẫn trôi đi miên man như là cần cù, như là nghĩa vụ. Ngọn đòn số phận khiến ta ngồi đây, dòng sông này, bức thư này. Thư ơi, tao vẫn đi tìm cô chủ của mày đấy. Các thư khác rõ ràng địa chỉ tao đã phát hết hôm nay rồi. Thư báo tử của con bà ấy mình cũng đã đưa rồi. Cũng đành phải đưa chứ biết làm thế nào. Nghe bảo thằng bé ngoan ngoãn, hiền lành. Mình cố gắng vượt qua được đận này mình nhé. Việc đã thế rồi biết làm thế nào. Bát nước nóng để lâu cũng phải nguội thôi mà. Sau cả chục năm đi bộ đội về, tôi nghe nói mình đợi tôi mỏi mòn, rồi lấy chồng. Cái số mình chẳng gặp nhau, tôi cũng không trách gì mình đâu. Con gái có thì…

Buổi chiều mang mang lạnh. Đốm lửa điếu thuốc sáng rồi tắt. Thỉnh thoảng dáng người ngồi trên đê lại ngửa cổ lên trời, lại cúi xuống, lại nhìn ra xa. Ở bên kia là bờ đê cũng giống ở bên này. À, không phải, bên kia lở, bên này bồi. Bất ngờ ráng hoàng hôn trở nên rực rỡ. Dòng sông ánh vàng ngũ sắc trong làn hơi mờ, huyền ảo vô cùng. Chắc là người con gái đó ở bên kia sông. Đò ơi, sao đò không quay lại, hả đò? Người viết lá thư này như đánh đố ta. Thư phải viết rõ ràng địa chỉ chứ nhỉ? Trong nghề, mình đã mang phát hàng trăm, nghìn lá thư chả có cái nào thế này. Ngày trước, chả như bây giờ, trai gái yêu nhau thẹn thùng lắm, ngay cách nói dối của chúng cũng đáng yêu. Có phong bì ngoài đề ở góc trên bên trái là “Anh trai Phương xa”, giữa phong bì, chỗ người nhận lại đề: “Đến thăm em gái Đỗ Thị Kiến, làng... xã... huyện…”, chẳng hạn. Hay: “Em gái Trung Kiên” - “Bay tới thăm anh: Hoàng Trung Quách, đơn vị... hòm thư…”. Những dòng chữ mộc mạc, chấp chới trên các phong thư chứa chan ân tình, yêu thương. Có cái còn làm cả thơ ra đằng sau phong bì, những câu thơ đại khái:

“Hành quân mải miết bao ngày,
Hôm nay được nghỉ viết ngay thư về
Thư này kỷ niệm tràn trề,
Nhờ anh bưu điện chuyển về tận tay”.

Dưới lại đề: “Cảm ơn” rất tình cảm. Tình yêu bao giờ cũng tình cảm, chỉ sau này ghét nhau rồi người ta mới không tình cảm nữa thôi. Đò vẫn chẳng thấy đâu nhỉ? Ông nhìn dọc theo dải đê. Cứ theo dòng sông này mà đi thì mình đạp ra biển mất. Nhỡ mình ngã xuống biển thì sao nhỉ? Có ai vớt mình không? Nhưng gay nhất là không có ai biết bức thư trong xà cột mà gửi đi tiếp được. Thôi, ta cứ thật cẩn thận vẫn hơn. Người đàn ông đứng dậy không ra lưỡng lự, không ra quả quyết. Ông dựng xe lên, để hai tay vào ghi-đông, ngồi lên rồi đạp. Cái xe loạng choạng, sau thăng bằng. Đường đê nhão nhoét bùn đất. Xe đi chậm. Cái xe chở người ấy đi vào buổi chiều đã muộn. Ừ, ngày xưa mình cũng đèo cô ấy đi trong mưa như thế này. Nhưng ở nơi khác dòng sông. Chẳng bao giờ mình biết được trong bức thư này nói gì. Nhưng tình yêu bao giờ chẳng có nhớ nhung da diết và đau khổ. Sông ơi, sông có bao giờ khóc không hay chính sông là nước mắt. Có phải người con gái đó đã sang sông? “Đưa người ta không đưa qua sông…”. Hồi lấy chồng mình có khóc không, hả mình? “Khốc như thiếu nữ vu qui nhật…” là làm sao. Chủ của bức thư này còn trẻ, son rỗi hay là đã có chồng? Cởi bỏ lời nguyền mình cũng có đâu được nhẹ nhõm, sung sướng gì, có phải không mình? Mình cũng đã đợi tôi hết nước mắt, bị o ép đủ bề chứ có dễ dàng đâu. Được cái ông ấy cũng hiền lành chịu khó. Giàn mướp nhà mình năm nay sai quả nhỉ? Cả cái cây bưởi ngoài ngõ hoa trắng cứ ngát lên. Hôm tôi sang nhà mình đưa cái thư mà cứ như có tội, uống vội bát nước vối ông ấy đưa mà cứ như chạy trốn. Cái ngày ấy mấy chục năm đã xa rồi mình nhỉ? Đi qua bao nhiêu nơi vẫn thấy quê mình thật đẹp. Dạo ấy mình ngắt chùm hoa bưởi cho vào chậu nước gội đầu cứ thơm mãi… Sông vẫn ì oạp vỗ bờ. Sông này trôi về đâu? Sông ơi, những người qua đò có ai tên như thế này không, hả sông? Thôi, rõ ràng sông biết rồi mới bỏ chạy như thế chứ. Đám bèo lục bình trôi băng băng. Ấy khoan, sông đợi tao mấy chứ. Tao mà ngã ra đây thì hỏng ráo cả việc. Việc đời thì nhiều. Bao nhiêu việc là bấy nhiêu công sức phải bỏ ra. Cứ nhìn một người đi xe đạp thì rõ. Mắt, mũi, chân, tay, đầu óc… tất tật đều phải làm việc chuyên cần, hợp đồng tác chiến. Giả dụ mắt là một người thì mắt cũng phải làm việc cả lúc mơ cho đến khi nhắm hẳn, vĩnh viễn. Chết có buồn không nhỉ, có ai khóc mình thực sự không? Thôi thì đằng nào cũng phải vĩnh biệt thế gian một lần. Sao lại sợ. Chân cũng phải làm việc suốt đời. Nó đi bao nhiêu nơi. Nó chạy đến bao nhiêu sự lạ. Ngoại tình sự lạ. Ngay cả lúc ngủ mê giãy giãy cũng là quán tính làm việc đấy. Khi nào nó giãy giãy lần cuối cùng, nó xuôi cẳng sáo là hết đa sự, là xong. Nhưng đừng dở dang, hỏng việc là được. Ai cũng phải thế! Đi cho hết cuộc đời khó nhọc, cô đơn này. Sông chẳng buồn đâu sông ơi. Người con gái đó thế nào mày phải nói cho tao biết chứ. Nhưng thôi, mày cũng đa tình, đồng lõa có hỏi cũng bằng thừa. Thế thì nàng ở đâu? Cái người chủ bức thư này cứ như chạy trước mình ấy.

“Thư này là nghĩa là tình
Thư này chôn trái tim tình của anh…
Ngày mong manh tháng mong manh
Một chiều gió thoảng, tan tành mộng mơ”.

Người đàn ông vừa đi vừa hát khẽ. Lời lẽ cổ xưa, đượm buồn. Chắc ông cũng có những tâm sự tình duyên. Phải là người nếm trải, đau khổ mới có dáng vẻ như thế, mới hát lên nỗi buồn như thế.

“Từng ấy năm đã trôi qua
Đời là mộng mị,
Từng ấy năm nước sông đã xa
Tình là chiêm bao…”.


Mình cứ cố lên là được. Nhỡ người con gái đó chưa kịp lấy ai thì thật tốt cho người gửi. Mà nếu lấy rồi thì cũng chẳng sao. Ôn lại kỷ niệm chứ sửa chữa thế nào? “Tình là chiêm bao”. Không, người con gái đó chưa sang sông. “Đò ơi… Đò!”. Dòng sông vẫn trôi đi. Mình sang ngang hay mình đi theo sông. Ít lâu nay mình có triệu chứng tim hay sao ấy. Cứ chói lên ở ngực trái rồi hoa mắt. Thôi, ngồi nghỉ một chút vậy. Chắc giờ này bà ấy buồn lắm đấy. Hoa mướp vàng rộn ràng trên giàn ngoài hiên. Bát nước vối nóng nghi ngút khói làm mình mờ mắt. Tim cứ đập rộn rịp cả lên. Lại hoa cả mắt. Ánh nắng cứ rập rờn. “Đây, bác ký vào đây. Chỗ này. Vâng, cảm ơn bác”. Mình vội vàng ra về. “Không dám. Bác lại nhà”. Ông ấy chào mình thế. Được cái hiền lành, thật thà. Bà ấy nằm ở trong mùng. Đang ốm. Mình ơi, tôi vẫn rất thương mình. Mình đừng đau khổ quá như thế. Ngày xưa má mình hồng, môi mình như son vẽ. Mình ạ, từng ấy năm tôi không gặp lại mình mà thấy như ngày nào cũng trông thấy mình. Tôi vẫn yêu mình như ngày nào, như cái mùa xuân quan họ năm ấy. Mình vẫn xinh như vậy. Mình cố khỏe nhé. Đừng lo buồn quá lại đâm ốm.


Tôi đang viết bức thư cuối cùng cho mình đây. Nhưng thư này chẳng bao giờ tôi gửi đâu. Tôi chỉ viết nó ở trong đầu thôi. Đấy, bây giờ đang là đêm tối đấy. Nhưng mình đừng nghĩ gì, đừng lo gì cho tôi, tôi vẫn khoẻ lắm vì tôi vẫn yêu mình. Nếu mình thích, tôi cười cho mình xem. Đấy, tôi cười rồi đấy. Nhưng mà tối thế này mình cũng chẳng nhìn được đâu. Tôi cầu mong cho mình hạnh phúc vì tôi sợ mình đau khổ. Mình cứ để tóc như ngày nào hay mình vấn lên cũng được. Mình mặc áo vá hay yếm đỏ quai thao thì cũng vẫn là mình. Ngày trước nhớ mình, càng cố nhớ càng không thể hình dung ra nét mặt mình. Tức quá, tôi vào góc lán tự tát vào mặt mấy cái rõ đau, rồi đập đầu vào tường. Anh em tưởng tôi điên, gỡ ra, cho uống thuốc an thần. Lúc nằm mơ lại thấy mình, tôi cười. Anh em đang đánh bài, quay lại cười to hơn. Ngượng quá. Tôi ra giếng tắm ùm ùm, rất mát. Bây giờ mưa cũng rất mát, mình ạ. Dưới kia là dòng sông. Sông vẫn chảy miên man. Sông hòa lẫn vào biển giống con người hòa lẫn vào đất đai sau thời gian sống. Tôi đang hình dung thấy mình rất rõ… Đấy mình đang hát đấy. Nhưng sao chẳng nghe thấy tiếng nhỉ? Mình đang ngồi mạn thuyền, sóng cứ rẽ băng băng. Mình… Mình ơi…

Sáng hôm sau người đi làm đồng thấy ông ta nằm bên vệ đê, nhợt nhạt. Ông đã chết từ hồi đêm.

(Rút trong tập Nước Thiên đàng , NXB Phụ nữ, 1996)

Các tác phẩm khác của Đào Duy Hiệp

Phía Tây thành phố

Những con cá lạ

Ngày Tết

Ngày đã xa...

Kỷ niệm tuổi thơ

Hoa Tiên Nữ

Chia tay

Câu đầu tiên

Ánh sáng đô thị