Hoa Tiên Nữ
Tác giả: Đào Duy Hiệp
1.
C huyến tàu đã rời ga được khoảng hai tiếng. Nắng chiều nhạt dần trên những cánh đồng đơn điệu, xơ xác, nghèo nàn đang lần lượt trôi qua. Như cuộc đời chúng ta cũng đang trôi qua?
Có một cái gì lộn xộn trong tổng thể đồng quê từ những ô ruộng nhỏ hẹp, vụn vặt, với những hình vuông, hình chữ nhật, hình thang, hình tam giác tư hữu nhỏ lẻ, buồn thảm. Bạn đang trốn chạy khỏi những lộn xộn của thành phố, của đô thị, của những mối quan hệ thường nhật để đi tìm vẻ đẹp khác. Chúng ta đang sống với âu lo. Những con bò đang gặm cỏ, những con cò trắng “phân vân” gợi cảnh bình lặng, xa xôi. Khúc nhạc đồng quê đó dễ gây mỏi mắt trong tiếng đều đều của bánh tàu lăn. Bánh tàu lăn như nhịp của đời sống. Trốn một cảnh đơn điệu này lại gặp một cảnh đơn điệu khác. Tôi biết, bạn ạ, tôi biết bạn cũng đang bồn chồn như tôi. Ai trên cõi đời này mà không đau khổ, buồn phiền, không có những lúc lo âu, bồn chồn? Trong khoang tàu này chỉ có một người đàn ông tóc muối tiêu cắt cua và tôi. Có lẽ ông đã bị thương trên một chiến trường nào đó. Đôi mắt ông có niềm vui âm u. Sao tôi hay nhìn vào mắt con người? Mỗi cuộc đời đều là một cái nhìn. Giọng ông trầm, ấm, âm vang. Ngữ pháp và nội dung câu nói của ông không màu mè. Gặp nhau mới lần đầu mà lôi chuyện riêng tư, tình cảm ra nói, thì e không tiện. Nhưng tôi thấy hình như ông cũng là nhà văn, nhà báo gì đó, nên tôi mới kể. Ông chép lại cũng được, chả sao. Năm nào tôi cũng đi gặp một người. Chuyến tàu đang đi tới một phương trời. Trong cuộc đời này, ai cũng phải đi gặp một người, đi gặp lòng mình, hả bạn? Tôi đang lắng nghe “cái nhìn” của ông.
2.
Cuối những năm bảy mươi tôi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa. Tôi sinh ra và lớn lên trong thành phố của chúng ta. Ngôi nhà cổ u tịch của chúng tôi nằm trên một con phố nhỏ. Trong đó chỉ có mẹ tôi và tôi. Cha tôi đã mất khi tôi chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp. Tôi là út. Các chị gái tôi đều đã chồng con đàng hoàng. Và cũng đều đang ở trong thành phố này. Nhà tôi mát mẻ, lúc nào cũng phảng phất mùi hương và hoa thắp cúng trên ban thờ. Hằng ngày đi làm về, vác xe đạp qua ngưỡng cửa gỗ lim (bây giờ nó đã bị mòn trũng xuống như hình cánh cung ngược), tôi lại thấy mẹ ngồi bên lồng bàn chờ cơm. Có lần, mẹ chép miệng bảo xem có đám nào cưới đi để tao có cháu nội. Còn sống ngày nào, tao bế con cho. Tôi vâng, mẹ cứ yên tâm hôm nào con đưa về cho mẹ xem mặt. Xem làm gì mặt... Gần ba mươi rồi, lấy đứa nào con nhà gia giáo, tử tế là được. Tránh thân tướng: “Má hồng don nhọn trái đào / Trai giàu tình ái, gái giàu tình nhân”, con ạ. Tối đến, tôi lại ra quán uống café với mấy thằng bạn. Nghĩ thời đó thật vui, thật vô tư. Mới đấy mà đã mấy chục năm. Giá mẹ có còn đến bây giờ thì cũng vẫn chưa có cháu bế. Tiếng nói không còn vang lên nữa. Tiếng nói đã bị chùng lại như dây đàn ngày mưa rầm. Nước mắt chảy vào chỗ trũng của thời gian, chảy vào chỗ chùng lại trong giọng nói của con người. Nước mắt con người chảy đến đâu thì dừng lại? Đừng ai phải vui quá nhiều, rồi lại phải khóc. Đừng ai phải khóc quá nhiều, rồi cũng chẳng thể vui. Có phải thế không, bạn? Tiếng nói được nối lại. Nàng đã chết rồi. Tôi đang đến với nàng đây...
Những hạt mưa vun vút đậu chéo trên cửa kính rồi ngoằn ngoèo chảy xuống. Lại tiếp những hạt mưa làm nhòa đi những cánh đồng, những làng quê, những cánh cò, những đàn bò. Chúng vô sự.
3.
Theo ông, vợ chồng có phải là duyên số, định mệnh tiền kiếp không? Từ hôm mẹ nhắc chuyện lấy vợ, tôi bỗng thương mẹ hơn. Có chuyện này tôi kể ông tin cũng được, mà không cũng chẳng sao. Ngôi nhà của chúng tôi, tôi tả, ông đã biết rồi đấy, nó cổ xưa, u tịch. Bước vào đó là bỏ lại những nhộn nhạo, nhốn nháo ở bên ngoài. Hương hoa phảng phất trong tôi từ thủa ấu thơ. Hương của tuổi ấu thơ thì ai cũng biết, nó dai dẳng, bền chắc. Bao giờ mẹ cũng mua hương cúng của một hiệu quen trên phố Đồng Xuân cùng với gói hoa bọc trong lá chuối xanh. Trong có hoa lan màu trắng, hoa chuối màu xanh non, hoa cúc nhỏ màu vàng, hoa hồng màu đỏ, cành có gai rất sắc. Hương hoa thơm tinh khiết. Khi cha tôi còn sống, buổi sáng thức dậy, bao giờ ông cũng pha một ấm trà đặc thật ngon bằng nước sôi già đun trong cái siêu đồng nhỏ. Bộ ấm trà nhỏ xíu bằng đất nung màu da lươn sậm. Nước sôi tráng ấm nghi ngút khói. Bỏ trà. Tráng trà (bây giờ gọi là làm lông). Sau mới pha. Hút xong một điếu thuốc lào Kiến An lơ mơ khói là trà được rót ra. Hương thơm chát của trà bay tỏa khắp nhà. Vẫn giữ lệ đó, mẹ pha trà, rồi rót ra ba cái chén mắt trâu, đặt lên ban thờ. Uống trà cho người thanh khiết khi cầu khấn. Mẹ thắp ba nén hương, rồi chắp tay lầm rầm: “Con lạy chín phương Giời, con lạy mười phương chi Phật. Chúng con ở Nhà số..., Phường..., Quận,... Tỉnh,.... Nước.... Con lạy Giời, lạy Phật cho chúng con được khỏe chân mạnh tay, lưng ngay mắt sáng. Cho chúng con được ăn nên làm ra để nuôi các con các cháu phương trưởng, ngoan ngoãn....”. Khi tôi còn bé, mẹ xin thêm: “Cho thằng (mẹ nói tên tôi) con của con học hành giỏi giang, khôn ngoan tấn tới, mỗi năm lên một lớp...”. Thấy mấy chân hương rung rung, rồi hóa, cháy đùng đùng, mẹ bảo mẹ xin được rồi đấy. Gieo quẻ Âm Dương, xin cũng được. Có ai thương cho niềm hy vọng của cõi đời không? Có ai thấy được niềm hy vọng còn sót lại trong đáy bình kịp nút lại sau khi đã làm bay tung ra những điều đau khổ? Ai sống được mà không hy vọng? Không hy vọng thì người ta sống làm sao?
Sau những thủ tục đó, mẹ mới đi ăn điểm tâm. Tôi ra khỏi nhà trong hương thơm thanh khiết.
Bóng điện trên ban thờ tỏa ánh sáng vàng trong gian nhà của chúng tôi mỗi đêm. (Bây giờ tôi vẫn sử dụng loại bóng đèn đó). Có một đêm, (sau cái hôm mẹ nhắc lấy vợ), đã khuya lắm rồi, tôi tưởng như nghe thấy tiếng kẹt mở cửa. Đang mơ màng, tôi nghĩ đó là bà bạn của mẹ tôi đến thăm gia đình. (Bà Phú Thịnh là một nhà tư sản lớn của Hà Nội lúc bấy giờ. Bà năng đi lại với gia đình tôi không phải do cùng mối làm ăn, mà do cùng quê với mẹ. Sau khi mẹ tôi lấy chồng, ông bà nội cho hai vợ chồng ra mở cửa hiệu riêng, lấy tên hiệu là Đông Thịnh, thì bà bạn mới chỉ là cô bé tóc đuôi sam. Mẹ gọi bà ra giúp việc rồi mối lái cho một người cùng phố. Ông này hiền lành quá đâm chết sớm. Bà giàu có dần lên, nhưng không quên nghĩa cũ. Tiền của nhiều, chỉ hiềm một nỗi không được mụn con nào). Tôi nhìn sang vẫn thấy mẹ đang nằm ngủ trong mùng trên chiếc giường nhỏ góc nhà. Lúc đó, từ ngoài cửa, một người con gái còn trẻ, dáng thanh thoát, mặc sơmi trắng, quần sẫm màu bước vào đến vùng sáng vàng giữa nhà thì đứng lại. Nàng chậm rãi nhìn quanh. Rồi đến ban thờ, lau chùi đỉnh đồng, thay nước cúng, xếp lại mấy cái ghế, quét dọn... cứ tự nhiên như người trong nhà. Nàng đi lại như lướt trên mặt đất. Làm mọi việc thế mà không hề gây ra một tiếng động. Tôi nín thở. Một hương thơm màu tím thoảng qua. Tôi dụi mắt. Người hay ma? Tôi cũng không biết nữa. Đến bây giờ tôi cũng không biết lúc đó mình mê hay tỉnh. Đến sáng dậy, tôi vẫn thấy hương thơm màu tím thoang thoảng khắp nhà. Cho đến một đêm, tôi quyết định hỏi: “Cô là ai?”. Nhưng hình như câu nói không có âm thanh, vì vừa cất lời xong bỗng nhiên tôi choàng dậy. Mồ hôi toát ra đầm đìa. Lúc tỉnh hẳn, tôi cố hình dung gương mặt ấy, mà không được. Lời nói đã bị đứt quãng. Tôi thấy hình như trong con người này có một tâm sự gì đó não nùng.
Cho đến một hôm tôi đi làm ca đêm về, khi đạp xe đến gần chợ Mơ thì tôi bỗng nhìn thấy cô đi bộ phía trước. Tôi vội đạp dấn lên để nhìn cho rõ mặt. Có điều lạ là, mặc dù cô đi bộ, tôi đạp xe, mà đạp nhanh đến đâu vẫn cứ có một khoảng cách không tới được. (Đến với hình hài của cái đẹp biết mấy gian nan). Khi đạp gần đến nơi, thì bỗng nhiên xe của tôi bị cứng tay lái, đổ rầm. Tôi ê ẩm mày mặt. Tôi thấy tôi nhìn lên những vì sao rất sáng trên thành phố, trên những nóc nhà. Lại thấy ở trên cao xanh kia tôi đang nhìn xuống tôi và cười nhạo: “Chết chưa! Ai bảo mày mơ mộng”. Ai chả chết chưa? Ai chả mơ mộng? Hóa ra tôi vừa đạp xe vừa ngủ gật lúc nào không biết nên lốp xe đã trượt xuống đường ray tàu điện. (Những con tàu rồng rắn trong tuổi thơ của chúng ta giờ đây đã hóa thạch từ bao giờ rồi). Trong bữa cơm mẹ hỏi tôi độ này làm sao như thất thần, ma ám? Có phải lòng đứa nào thì mẹ đi hỏi cho. Tôi bảo không sao đâu mẹ ạ, mẹ cứ yên tâm. Nhưng mà tôi thấy tôi đang nói dối vì tôi thấy tôi đang đứng lên, đang đi vào phía nhà trong đánh răng. Rửa tội miệng. Răng con người rồi đến lúc cũng phải gãy. Sự thật thì chỉ có một thôi. Làm gì có sự thật bị gãy bao giờ. Lưỡi cũng chỉ có một thôi. Nhưng lưỡi chẳng phải bao giờ cũng nói sự thật. Răng con người màu vàng theo thời gian. Thời gian làm cho cái gì cũng có màu vàng. Kỷ niệm có màu vàng. Ốm đau có màu vàng. Tình yêu có màu vàng. Mùa thu có màu vàng. Nhưng sau mùa thu là mùa đông. Rồi lại mùa xuân. Mùa xuân nào cũng có hoa đẹp, có lòng người tử tế, có sự độ lượng, có sức sống tràng sinh, có nghỉ ngơi và lao động. Gương mặt ông sáng lên.
4.
Nhà máy nơi tôi làm năm nào cũng có đoàn sinh viên về thực tập lao động. Năm đó cũng vậy. Nhưng ông biết sao không? Chính nàng đấy! Nàng cũng có trong đoàn sinh viên thực tập. Đúng là người tôi đã gặp trong mơ. Từ thủa hoa niên hoang dại cho đến chết con người có bao giờ thôi mộng tưởng, hả giời? Con người có bao giờ thôi lầm lẫn? Vẫn cái dáng thanh thoát ấy, vẫn chiếc áo trắng ấy. Tôi không còn nhớ tóc nàng thế nào, nhưng mà đẹp. Hình như dài. Nhưng có khi ngắn, cũng nên. Mắt nàng đổi màu ông ạ. Lúc đen, lúc nâu. Mới lại ánh điện trong nhà máy không chính xác lắm. Cái người bằng xương bằng thịt mà tôi muốn đưa về cho mẹ xem mặt đây rồi. Ông sẽ bảo làm gì có chuyện như thế giữa cuộc sống duy vật của chúng ta. Làm gì còn ma, còn cô Tấm nữa. Tôi đã bảo tin hay không là tùy ông mà. Các ông là nhà văn, nhà thơ, nhưng tôi thấy các ông cũng hay báng bổ lòng tin của con người. Chúng tôi là dân làm Khoa học Tự nhiên, thấy sao nói vậy. Về lý sự, văn hoa, bay bướm, làm sao chúng tôi so với các ông được. Cuộc đời này vừa đơn giản, vừa phức tạp. Các ông hay làm phức tạp lên những điều đơn giản; làm đơn giản đi những điều phức tạp. Là nghệ sĩ, các ông liều lĩnh; là con người, các ông lại quá nhiều hãi sợ. Cách ứng xử của các ông gọi là tinh tế cũng được, gọi là tủn mủn cũng được. Mặc dù cách suy nghĩ của chúng tôi không quanh quéo như của các ông; nhưng có mạch lạc thế nào thì tình yêu và cuộc đời này vẫn là một ẩn số, ông ạ. Người ta chẳng bao giờ với tới được tình yêu thật sự. Đấy, rồi ông xem. Trong tiếng máy đang chạy ầm ầm, tôi sững người nhìn nàng đang tiến đến. Gặp gỡ là định mệnh. Không oan gia thì không gặp mặt. Chào anh ạ. Nhóm chúng em có ba người được phân công về tổ tiện nguội do anh phụ trách... Tiếng chào của con người là tiếng chào của con người. (Ông đừng cười cách diễn đạt của tôi. Thể nào cũng có giây phút trong đời ông cũng nghĩ thế đấy). Tiếng người đôi khi ta lại nghe bằng mắt. Tôi không còn nghe thấy gì nữa. Nàng đẹp. Nàng đẹp một cách kỳ lạ. Nhất là đôi mắt. Đôi mắt như đọc được trước ý nghĩ của người nói chuyện. Mọi việc tốt đẹp cho đến ngày hết thời gian thực tập thì tình yêu và tai họa đã xảy ra với tôi. Và cả với nàng nữa.
Chuyện thế này: sau khi liên hoan ăn kẹo bánh Hải Châu xong, tôi quay về bên máy làm việc tiếp. Đám sinh viên còn ở lại để Giám đốc nhận xét, dặn dò. Thú thực, tôi cũng không thể tập trung làm việc được. Lát nữa em ra đi rồi. Chưa nói với nhau đâu, nhưng tôi biết, giữa chúng tôi đã có tình cảm thật lạ lùng như từ đời thủa nào rồi. Làm nốt chi tiết này thôi, thì nghỉ, tôi nghĩ. Tôi vừa đưa thanh thép vào máy thì bỗng có tiếng gọi đằng sau: “Anh ơi...”. Tôi vội vàng quay lại thì đồng thời tiếng kêu đau đớn vô thức của tôi cũng bật ra: bàn tay tôi đang bị quả lô của máy nghiền nát. Trong đau đớn tuyệt vọng tôi cố ngoái lại nhìn nàng không để ý đến bàn tay tôi đang bị cuốn đi; nàng cũng đang thất thần, đau đớn nhìn tôi. Nàng cuống cuồng gọi mọi người. Người ta xô đến. Người cắt cầu dao điện. Người bế xốc tôi xuống. Người quạt. Người bảo dãn ra cho có khí thở... Ông nhìn ra những ngôi mộ lác đác trong các khu vườn. Chả bao giờ người ta với tới được tình yêu thật sự đâu; mặc dù tình yêu không phải là sự thật. Đời người, ai chả đi tìm những ảo ảnh, những phù du, ai chả gặp tai nạn. Ra khỏi nhà là tai nạn. Gặp gỡ là một tai nạn lớn nhất trong đời con người. Càng sống càng sợ gặp người. Người chết thì chẳng còn phải sợ. Đằng xa, rừng cao su được trồng có trật tự, xanh ngắt, thẳng tắp, vút cao. Những kênh rạch, miệt vườn của miền Đông Nam Bộ thanh bình và đẹp quá. Thiên nhiên bao giờ cũng vô tâm. Cả tàn nhẫn nữa. Cũng do con người.
5.
Khi tỉnh lại được thì tôi thấy mẹ, các chị tôi và nàng đã ở đó. Mắt tôi hơi bị chói, nhìn ai cũng thấy như nhìn qua một bình dung dịch lỏng màu vàng. Những bóng người cứ chập chờn bên trên. Mẹ tôi hỏi nàng: “Cháu còn học hay đã đi làm?”. “Dạ, cháu sắp đi dạy học”. Tôi chóng mặt quá, nhắm nghiền mắt lại. Tôi thấy nhiều người đi lại trong đầu mình ong ong. Tôi nhìn thấy tôi rất cám cảnh đang nằm trên giường trắng mặc toàn màu trắng. Mùi ête bệnh viện, với tôi, là kỷ niệm màu trắng. Chắc mặt tôi cũng màu trắng hoặc xanh rớt. Kỷ niệm cũng xanh rớt vì nó đã kịp vàng đâu. Tôi bảo kỷ niệm ơi, mày ra ngồi ngoài kia nhé. Được rồi, cứ ra hẳn ngoài hành lang ấy. Khi nào tao gọi thì hãy vào. Hiện tại vui hay buồn thì cũng chưa phải là kỷ niệm. Các chị gái của tôi bảo: “Làm giáo viên cũng tốt. Em ở đâu?”. “Nhà em ở Hai Bà”. Tôi nhìn em mà lòng tê tái. Mẹ tôi nói ngàn ngạt như khóc. Nàng ấp úng: “Lỗi tại em...”. Tôi bảo không phải đâu.... Rồi thở dốc. Không phải đâu. Ngày xưa xa lắm chắc chúng ta phải nợ nần gì nhau. Tôi nhìn em cắm hoa vào chiếc cốc thủy tinh mà hiểu rằng nó sẽ thành kỷ niệm. Hoa đời đẹp thế kia, màu sắc thế kia. Mà tôi thì còn trẻ. Thực ra, có bao giờ người ta già đâu. Người ta chỉ nhiều tuổi thôi. Rồi chết. Đến chết con người còn thơ ngây trong vòng quay của tạo hóa.
Buổi chiều hôm đó em ở bên tôi. Tôi chỉ vào những bông hoa tím rất xinh, mỏng manh đang đứng ẩn bên những bông hoa khác, hỏi em: “Hoa gì mà đẹp thế?”. Em không cười, nhợt nhạt: “Hoa Tiên Nữ đấy, anh ạ”. “Tên hoa đẹp quá. Hay em là Tiên Nữ”. Tôi cũng không ngờ câu nói cốt làm em vui mà quên đi những ân hận, dày vò trong lòng; lại là câu nói vô duyên, định mệnh. Tiên thì có bao giờ ở mãi trên trần gian được? Từ dạo đó tôi có bỏ công đi khắp nơi hỏi mà cũng không ai biết loài hoa đó. Nhưng tôi biết phải có ở đâu đó trên thế gian này. Buổi tối, khi em về thì những bông hoa đó cũng tựa vào những bông khác, rũ xuống, im lìm. Cái đẹp mỏng manh quá rất khó sống. Cái thoáng chốc của tình yêu chỉ là sự thật khi nó trở thành kỷ niệm. Còn trong lúc sống với tình yêu, con người ta không biết tình yêu thật sự là gì. Sau này, tôi chẳng gọi thì kỷ niệm cũng về. Tôi thấy tôi bắt tay nó rất lâu...
6.
Tôi ra viện được vài hôm thì nàng đến. Lời em nói như gió thoảng, như chiêm bao. Em được phân công lên miền núi dạy hợp đồng ba năm. Hết hạn là được về biên chế thành phố. Đêm đó tôi cầm tay em và bảo nếu em không chê anh, em đi bao lâu anh cũng chờ. Em ở bất cứ đâu, gọi một tiếng là anh đến ngay. Trong đời con người, tiếng gọi bắt đầu khi nào? Khi nào thì ta ý thức được tiếng gọi? Ngôn ngữ chắp lại cho tiếng gọi giống nhau về hình hài, âm thanh. Nàng đã gọi tôi một tiếng...
Buổi chiều đó như mọi hôm tôi đi bơi sông Hồng. Đang mùa hè. Trời mưa rào rất to. Đằng xa, sấm chớp ùng ùng. Tôi giật mình khi nghe tiếng nàng gọi: “Anh ơi”. Tôi thảng thốt mất mấy giây, rồi bơi sải thật nhanh trong làn nước đục ngầu để đến chỗ tiếng gọi. Cuống cuồng như rái cá đang đi tìm con hay trong mùa động dục. (Nói thêm điều này với ông không phải để khoe tài, mà chỉ để chứng minh cho những điều không bao giờ ta có thể hiểu được về tình yêu: Tôi bơi rất giỏi, ông ạ. Cũng do hồi bé tôi đã chỉ thích hai môn là bơi lội và đánh nhau thôi (về điểm sau này sổ liên lạc học sinh của tôi không có gì để hãnh diện). Tôi có thể điều khiển cho nổi người, ngửa mặt, vắt tay lên trán nhìn trời xanh, bao lâu cũng được, mà không bị chìm. Tôi có thể bơi nhiều kiểu. Bọn bạn tôi phải phục tài). Nhưng bơi mãi, bơi mãi, mà tiếng gọi thì cứ xa dần, rồi mất hút như bay bổng lên thinh không. Trên nền trời chiều le lói ánh vàng rực có một đám mây ngũ sắc như tà áo dài của nàng tiên đang múa lượn. Thoắt cái, đám mây bay vút đi như một vệt sao đổi ngôi. Trời ầm ì, tối sầm lại. Tôi thảng thốt, thấy trong lòng bồn chồn, với những lo âu. Lúc về, mẹ bảo: “Con gặp mưa, bị cảm rồi”. “Không có gì đâu, mẹ ạ”. Tôi linh cảm thấy chuyện chẳng lành.
Chuyện chẳng lành thật: Buổi chiều ấy tan học, mấy cô trò đang lội suối trở về thì nước lũ ào ào ập đến. Cô vội xốc ngay mấy đứa bé nhất lên bờ. Còn hai đứa lớn hơn đang bám vào rễ cây cuống cuồng sợ hãi. Một tay bám chặt gốc cây, tay kia cô kéo lên được một đứa. Còn đứa kia, rễ cây bị bật ra, nó ngày một xa bờ. Cô vớ được cành cây, đuổi theo: “Bám chắc nhé!”. Con bé bám được, nhưng nước lũ xiết quá. Đất dưới chân cô cũng bắt đầu lở. Rồi sức kéo của đứa bé, sức nước chảy xiết, đất lở, bất thần kéo luôn cả cô xuống trong những tiếng gào thét thất thanh, tuyệt vọng của lũ trẻ trên bờ. Hai ngày sau người ta tìm thấy xác của hai cô trò. Báo Tỉnh đã có những bài viết ca ngợi lòng dũng cảm, tận tụy của cô giáo trẻ miền xuôi. Có hồn trong tiếng gọi không? Tiếng gọi “Anh ơi...” nghe xót xa, chìm khuất, tủi buồn. Đó là tiếng gọi cuối cùng trước khi nàng chìm sâu vào lòng đáy vực trong mùa nước lũ.
7.
Mai là ngày giỗ nàng. Tôi đến với nàng đây. Ông xem hoa này có đẹp không? Hương thơm có màu tím tỏa ra khắp khoang tàu điều hòa. Chúng tôi đang đi trong cuộc đời mát mẻ, ôn hòa.
Tàu dừng lại. Ông bước xuống sân ga vào buổi chiều. Tôi thấy tôi cũng không còn trong khoang điều hòa nữa. Những chuyến tàu lại ra đi như bao đời. Phía xa kia, ông đang rẽ nước bước đi. Phương Tây buổi chiều rỡ ràng màu hồng. Tôi thấy trong tôi có nước mắt. Nước mắt con người chảy đến đâu thì dừng lại?
Hà Nội, tháng 9 năm 2006