Bèo Trôi
Tác giả: Đồng Sa Băng
C hiếc phi cơ cất cánh rời phi trường quốc tế Đu Lắc vào một sáng mùa Đông. Dĩnh đẩy tấm màn che cửa, dán mắt vào cửa kiến nhìn xuống khuôn viên phi trường, vì nơi ấy, Thụy Vy chắc vẫn còn lảng vảng đưa mắt nhìn theo. Chiếc phi cơ vẫn quay đầu bay đi. Trong nháy mắt, sân bay và Thụy Vy chỉ còn là một điểm nhỏ, rồi biến mất trong áng mây. Chiếc phi cơ khổng lồ đang lao mình đưa đoàn người về miền Đông Nam Á, Dĩnh ngồi co ro bên song cửa đưa mắt nhìn vào chân không, xa tít nơi chân trời những cụm mây nhấp nhô như những ngọn núi bạc đầu trải dài ngoài tầm mắt của Dĩnh. Và trong những đám mây chập chùng kia, lạc lòi một cụm mây đang bay lững lờ trong giá buốt.
Thế là Dĩnh thực sự trở về.
Bốn năm nay Dĩnh sống hững hờ bên cuộc đời. Giữa một thành phố đông người nhưng Dĩnh thấy mình cô đơn đến lạ lùng. Những gười bạn, những ồn ào náo nhiệt ngày xưa nay dường như vắng lặng. Dĩnh không còn điện thoại trò chuyện, và cũng không còn nhận điện thoại nào từ bạn bè. Mà đâu còn bạn bè nào nữa, Dĩnh mất mọi liên lạc từ lâu rồi! Nhiều khi thấy vậy mà bình an hơn. Bốn năm qua cuộc sống của Dĩnh chỉ biết vùi đầu vào công việc hằng ngày, tối về chỉ có Thụy Vy là niềm vui duy nhất. Những phương trình, những bài toán, và những “luận án” ngoài đời Dĩnh giải quyết rất hay. Có đôi khi ngồi trong xe nhìn khuông mặt buồn rầu của Thụy Vy, Dĩnh nói Dĩnh có thể giải quyết được mọi chuyện trong nhà từ máy móc và mọi thứ, nhưng chỉ có một việc mà Dĩnh không tài nào giải quyết được, Thụy Vy có biết chuyện gì không? Nhưng rồi, nhìn bốn con mắt ngơ ngác của Thụy Vy, Dĩnh lại cặm cuội lo lái xe.
Bốn năm trước, trong một chuyến đi chơi trở về, Thụy Vy rất buồn rồi bật khóc nức nở trong xe. Nhìn Thụy Vy, Dĩnh hiểu vì sao Thụy Vy buồn nên để yên Thụy Vy giải bày nỗi buồn qua tiếng khóc. Chỉ tội cho lòng ngực Thụy Vy nhỏ quá không thể chuyên chở nổi những uất ức trong lòng.
Hôm nay Dĩnh rời xa Thụy Vy. Dĩnh muốn dành cho mình một vài tuần để trở về thăm quê hương. Thăm lại những nẽo đường mà ngày xưa Dĩnh đã một thời lê gót. Một thời mà tuổi thơ của Dĩnh gắn liền với những kỷ niệm chứa chan tình bạn, tình người.
Chiếc phi cơ đã rời Thụy Vy rất xa, đang lao mình rẽ những luồng mây vượt lên không giang. Bao nhiêu chồng chành rồi cũng qua, và chiếc phi cơ đang thênh thang trong vũ trụ bao la. Nằm ở độ cao trên mười ngàn bộ, hai đôi cánh vươn rộng và tiếng máy thật đều của động cơ đang đưa con chim sắt vượt trùng dương. Những nhọc nhằn và ươu phiền của Dĩnh cũng giảm dần theo tỷ lệ nghịch của chuyến bay. Dĩnh nhắm nghiền đôi mắt và thiếp đi trong giấc ngủ. Và ngoài trời những tia nắng xuyên qua áng mây như những sợi chỉ mong manh.
Mười ba tiếng đồng hồ trôi qua, chiếc phi cơ đã vượt Thái Bình Dương và đang đánh một vòng tròn đáp xuống phi trường Narita, Nhật Bản. Dĩnh theo đoàn người rời khỏi chiếc phi cơ đến một khách sạn nằm ở ven sân bay. Dĩnh sẽ nghỉ tạm qua đêm ở khách sạn do hảng máy bay sắp xếp, chờ sáng mai tiếp tục cuộc hành trình.
Đặt chiếc vali nhỏ xuống giường, Dĩnh vội vã rửa mặt rồi khoát chiếc áo gió đón taxi xuống phố Narita, cũng là lúc ánh Thái Dương vừa khuất dạng.
Trời đã vào cuối Đông nhưng Narita vẫn lạnh. Lần đầu tiên dừng chân ở xứ hoa Anh Đào, Dĩnh tranh thủ thời giờ xuống phố xem cho biết qua nhịp sống của những người con Thái Dương Thần Nữ. Thời giờ không rộng rãi nên Dĩnh chỉ lảng vảng nơi ga xe lửa, dạo chơi một đọan đường ngắn và ghé vào một tiệm ăn nhỏ bên lề đường gọi một tô mì. Nhìn ngoài đường, những cô nữ sinh Nhật Bản đang vội vã ôm sách vở hướng về sân ga. Những cô nữ sinh mặc đồng phục, ríp ngắn xanh với áo sơ mi trắng, người nhỏ con, thấp nhưng da rất trắng. Nhìn đoàn nữ sinh với những mái tóc cắt ngắn, đen huyền, vô tư và hớn hở trò chuyện huyên náo làm Dĩnh nhớ lại những buổi tan trường ngày xưa. Những tà áo trắng Gia Long hay áo tím Trưng Vương bay phất phới trong gió những buổi tan trường, mang theo nét quyến rũ và lãng mạng của tuổi học trò mà có lẽ chỉ tìm thấy dưới những mái trường Việt Nam.
Buổi chiều đã qua, Dĩnh rời khu phố Narita trở lại khách sạn. Đường phố nơi đây rất hẹp, nhà cửa chèn chịt bên nhau. Đất ở đây rất hiếm nên được trưng dụng một cách tối đa. Có những nơi đậu xe rất nhỏ và xe hơi đậu chồng chiếc này trên chiếc kia như giường đôi giường ba trong những khoang tàu Hải Quân. Chỉ khác nhau là những chiếc xe nằm trên được mang lên bằng hệ thống “thang xúc”. Và một điều là ở thành phố Nhật Bản người ta ít thấy xe quá cũ chạy ngoài đường. Dường như người dân Nhật Bản chỉ dùng xe trong một thời gian ngắn xong đổi lấy xe mới, và xe cũ sẽ được đem bán ở những nước khác.
Sáng hôm sau chiếc phi cơ rời phi trường Narita. Khoảng sáu giờ bay, phi cơ đã vào không phận Việt Nam. Dĩnh lại bu vào khung cửa nhìn xuống mảnh đất thân yêu mà hơn ba mươi năm trước Dĩnh đã ra đi. Dĩnh rất hồi hộp và trong lòng dâng lên một cảm giác mang mác khó tả. Thứ cảm giác của một người đi xa nay trở lại. Trở lại để tìm những dấu chân ngày xưa, để tìm lại những kỷ niệm, tình người, và để ôm chặt những người thân sau bao nhiêu năm cách biệt. Chỉ bấy nhiêu đó đã làm cho Dĩnh tê tái đi mất. Khi chiếc phi cơ vào bầu trời Việt Nam, Dĩnh nhìn xuống, có lẽ đây là vùng trời Quảng Nam, Quảng Ngãi. Dĩnh cố nhìn kỷ vùng đất sinh ra mình. Nhưng chiếc máy bay bay lẹ quá, thoáng một chút những ngọn núi và những ngôi làng đã nằm lại sau lưng thật xa. Dĩnh lại dõi mắt nhìn trên mảnh đất quê hương, quê hương Việt Nam. Rồi cảm thấy thật hảnh diện, chỉ vì là người Việt Nam, vậy thôi! Những cảm nghĩ miêng mang đang lâng lâng trong người Dĩnh thì chiếc máy bay tụt dần xuống, và phía trước Dĩnh là hình ảnh của một Sài Gòn. Vậy là ruột gan của Dĩnh thót lại, bao nhiêu chữ nghĩa cũng biến mất để chỉ còn một tiếng thật nhỏ thoát ra từ đáy lòng: “Ồ Sài Gòn kia kìa”.
Sài Gòn đó, hay là hòn ngọc viễn đông đó. Sài Gòn đẹp và kiêu sa của người dân nước Việt. Vì Sài Gòn có bến Chương Dương có dinh Độc Lập có đường Tự Do, có chợ Quán có Cầu kho, bến xe lục tỉnh con đò Thủ Thiêm,… Vậy mà nó bị mất tên. Bây giờ với cái tên mới làm sao cất tiếng hát với dinh Độc Lập với đường Tự Do đây!? Bao nhiêu ý nghĩ đẹp trong đầu Dĩnh về Sài Gòn tự nhiên biến mất chỉ vì người nữ chiêu đãi viên Việt Nam ngõ lời chào đón đến thành Hồ.
oOo
Chiếc phi cơ nghiêng mình rẽ vào phi đạo, những ngôi nhà nho nhỏ càng lúc càng to ra và ùn ùn chập vào cặp mắt hồi hộp của Dĩnh. Tiếng bánh xe va chạm vào phi đạo làm thân phi cơ run lên từng hồi, rồi những hàng cây bên ngoài đua nhau chạy ngược lại phía sau thật mau. Dĩnh nhìn ra ngoài những thảm cỏ màu đen đang từ từ chạy chậm lại, và chiếc phi cơ đang taxi về cảng đáp. Dĩnh lôi tuối học trò xuống từ hộc hành lý, vắt lên vai và bước theo đoàn người rời chiếc phi cơ. Đến cửa, một chiếc cầu thang được đẩy lại và áp vào thân phi cơ cho hành khách bước xuống. Dĩnh đặt bước chân lên bục cầu thang, đưa mắt xa xa vê phía trước để nhìn thật rõ quê hương những ngày xa cách. Lòng Dĩnh rạo rực một niềm vui không thể diễn tả. Những bước chân chầm chậm bước xuống từng bực thang, và khi đến bực thang cuối cùng Dĩnh nhìn xuống mặt đất. Dường như một cái gì rất thiêng liêng. Tự dưng Dĩnh lại nhớ đến cảnh Anthony Quinn, trong một đoạn phim nào đó, đã cuối người xuống và hun lên mảnh đất thân yêu sau bao nhiêu năm dài đăng đẳng. Nhưng trong một cái chớp mắt, Dĩnh chợt nhớ Sài Gòn đã mất tên rồi. Không lẽ Dĩnh cuối đầu xuống hun lên thành phố mới này! Dĩnh xua đuổi ý nghĩ đó thật lẹ và bước chân giẩm lên mặt đất, theo đoàn người đi vào khu xét giấy thông hành và nhận hành lý.
Mấy năm trước mỗi lần trở về thăm nhà, người ta mách cho Dĩnh nếu muốn được êm xui thì khi vào khu xét giấy thông hành nên làm như vầy như vầy và như vầy. Vậy đó, bây giờ Dĩnh mới biết cái giấy thông hành mang hình con Ó nghe nói có thớ lắm, vậy mà cũng không ngon bằng tờ giấy năm đô! Nhưng mà đâu phải người nào cũng làm như vậy đâu, chỉ có những người da vàng mũi tẹt trở về thăm quê hương của mình mới bị thôi! Còn mấy thằng Tây, có lẽ vì to con nên người ta sợ, đâu dám ăn hiếp.
Khi kiện hành lý cuối cùng được bỏ lên chiếc xe con, Dĩnh đẩy về cửa kiểm soát. Ở đây một nữ nhân viên hải quan hỏi Dĩnh:
- Anh có mang theo máy cầm tay không?
Dĩnh nhìn người con gái thật xinh, xong:
- Em ơi, tui xin phép công ty về Việt Nam để nghĩ phép mà mang theo cái thứ đó làm gì. Thời gian này là thời gian anh muốn quên đi hết mọi việc, chỉ muốn đi chơi thôi. Em có rảnh không?
Người con gái nhìn Dĩnh một chập rồi lấy trên tay Dĩnh những mẫu giấy đăng ký hành lý và địa chỉ nơi Dĩnh cư ngụ tạm tại thành phố Sài Gòn, rồi nói:
- Anh đợi đây một tí.
Dĩnh lấy điếu thuốc ra đốt đứng nhìn chiếc vali. Phi trường Tân Sơn Nhất về đêm mà đông người quá! Nhìn đâu đâu cũng thấy người người đi lại. Một khoảng cách không xa nơi kiểm tra hành lý là một bờ rào bằng thanh sắt, nơi đây người nhà tụ tập và chen người thò đầu qua song cửa để tìm người thân bên trong. Những tiếng chào đón, vui mừng và những tiếng gọi tên người nổi lên như một khu chợ đêm. Dĩnh cũng đưa mắt nhìn ra xem có gương mặt nào quen không, nhưng trong một rừng người Dĩnh không tìm thấy một người thân. Vì trước khi lên đường vài ngày Dĩnh chỉ báo cho mỗi một người chị biết về lịch trình chuyến bay. Dĩnh đang lức láo nhìn ra khung cửa sắt thì người con gái quay trở lại, trên tay nàng cầm những giấy tờ của Dĩnh và nói:
- Giấy tờ của anh đầy đủ và xong rồi. Khi về Gò Vấp anh nhớ đăng ký với địa phương nghe hong. Thôi, anh đi được rồi.
Người con gái chìa tay trao những mảnh giấy cho Dĩnh.
- Mà em chưa trả lời câu hỏi hồi nãy của anh. Dĩnh nhìn người con gái với con mắt tinh nghịch.
- Dzô dziên dzừa thôi, anh đi về đi. À mà anh có người nhà đến đón không?
- Anh thuộc diện con bà phước, làm gì có người nhà mà đưa với đón. Dĩnh buông lời đùa giỡn với người con gái, xong nhéc mấy tờ giấy đăng ký vào túi áo vest, quay mặt đẩy xe hành lý ra cổng.
Vừa ra khỏi khu kiểm soát hành lý Dĩnh ngơ ngác đẩy chiếc xe con đi giữa hai hàng người. Tiếng người la rồi những bàn tay đưa lên vẫy gọi, một người lại tìm được một người và hai vòng tay lại ôm trọn vào nhau. Nỗi vui mừng hòa lẩn trong nước mắt! Dĩnh đang bùi ngùi nhình cảnh người người sum họp, lòng lại nhớ về một phường trời xa xôi, nơi đó có người đã giết chết niềm vui. Đang chìm đắm trong cảm giác vui buồn lẫn lộn, chợt nghe tiếng gọi tên mình, Dĩnh quay đầu lại. Tiếng gọi của Chinh, đứa cháu con người chị.
Dĩnh theo chân đứa cháu đẩy xe ra sân. Trời đã khuya, sân ga bắt đầu thưa người. Dĩnh bỏ chiếc vali vào cớp xe taxi, mở cửa bước vào thì, dước gốc cột đèn phía trước, bóng người con gái kiểm soát hành ly lúc nãy đưa tay lên vẫy chào. Dĩnh vừa đưa tay lên thì, chiếc xe cũng bắt đầu lăng bánh.
oOo
Ra khỏi cổng sân bay chiếc xe taxi đưa Dĩnh và đứa cháu về Gò Vấp. Nhìn cảnh vật bên đường Dĩnh thấy Sài Gòn qua bao nhiêu năm thăng trầm và nay đã thay đổi. Cái thay đổi nhiều nhất là mật độ dân cư, con người. Người dân Sài Gòn giờ đông gấp bội cho nên nhà cửa cũng mọc lên như nấm khắp nơi. Chiếc taxi chạy vào hẻm nhỏ, Dĩnh xuống xe theo Chinh vào nhà thì đồng hồ cũng vừa điểm 12 giờ đêm. Vợ chồng người chị và vài đứa cháu vẫn còn thức để đón Dĩnh.
- Cậu Dĩnh đến kìa. Cậu đi đường chắc mệt lắm, xuống đây rửa mặt cho khỏe đi. Người chị vồn vã chào đón Dĩnh.
- Chị để đó cho em, anh chị và mấy cháu vẫn khỏe?
- Ừ, gia đình chị vẫn khỏe. Bên đó mẹ và mọi người vẫn khỏe hả cậu. Lâu lắm rồi cậu mới trở lại.
- Dạ, lâu lắm rồi. Mọi người vẫn khỏe. Nhưng em thì lúc này mệt lắm.
- Bà nó để cậu đi nghỉ cho khỏe, rồi mai hãy trò chuyện. Tiếng nói của người anh rể.
- Không, em không mệt lắm đâu. Lâu ngày mới gặp, anh ngồi đây nói chuyện một chút.
- À, anh chỉ sợ cậu đi đường xa mệt, cần nghỉ cho khỏe.
- Cậu về chơi được bao lâu? Đứa cháu hỏi.
- Ba tuần, cậu nghỉ phép được ba tuần rồi phải trở lại bên đó. Cậu muốn chuyến này đi Quảng Ngãi thăm chơi, không biết mấy cháu có thì giờ đi cùng cậu không?
- À! Có cháu đây. Mấy tháng nay thất nghiệp nằm nhà “chạy máy gạo” hoài ba má cháu cũng rầu lắm, cháu sẽ đi chơi cùng cậu nhe, thích quá.
- Được, vậy thì Nga lo sắp xếp đi. Tuần tới mình lên đường.
- Chỉ mang tấm thân bồ tượng của cháu đi thôi, đâu có gì để sắp xếp đâu cậu. Vậy tuần này cậu làm gì?
- Cậu muốn đi lang thang vỉa hè Sài Gòn chơi cho biết.
Dĩnh say sưa ngồi trò chuyện cùng gia đình người chị, khi thấy buồn ngủ thì đồng hồ đã chỉ 3 giờ sáng.
Những ngày kế tiếp Dĩnh đi thăm bà con họ hàng, và những người bạn cũ. Có những người mà hơn ba mươi năm qua Dĩnh mới gặp lại. Những ân tình, những kỷ niệm và những ký ức lại hiện về trong tâm trí của Dĩnh mỗi lần đi lại con đường xưa hay gặp lại người cũ. Những nụ cười chân tình và những cái siết tay làm cho Dĩnh thấy ấm lại tình người, mà ở nơi phương trời xa kia dường như đã mất! Có những lúc Dĩnh tự hỏi bao nhiêu năm rồi ra đi đã tìm được những gì? Hay cuộc đời chỉ là một vòng tròn lẩn quẩn mà con người tự buột mình trên cái vòng tròn vô hình đó!
Một tuần lễ lặng lẽ trôi qua nhanh chóng. Những con đường, những mái trường và những nơi ngày xưa Dĩnh thường lui tới Dĩnh lần lược trở lại viếng thăm. Nhưng hầu hết những nơi đó bây giờ đã thay đổi! Có những nơi Dĩnh dõi mắt tìm lại dấu vết của từng cổng trường hay những chiếc xe bán chè cho lũ học trò ngày xưa cũng không còn đây nữa. Tất cả đã thay đổi, thay đổi thật lẹ như tấm lòng của kẻ phụ tình!
Rồi một buổi chiều một mình đang dạo phố, Dĩnh chợt nhớ là chưa khai báo nơi tạm trú. Dĩnh thọt tay vào tuối quần móc ra những mảnh giấy đăng ký hải quan ở phi trường, kiểm soát lại để lo đăng ký chỗ ở tạm. Dĩnh lật qua lật lại từng mảnh giấy và đọc lướt qua. Bất chợt Dĩnh dừng lại ở phía sau một tờ giấy có đề hàng chữ rất nhỏ: “Anh gọi cho em” kế đó là số điện thoại và cái tên Diễm! Dĩnh trầm ngâm một hồi rồi cũng đoán ra được Diễm là ai. Thế là Dĩnh lôi điện thoại ra gọi:
- A lô, ai đây?
- Dĩnh.
- Dĩnh nào.
- Dĩnh hôm nọ ở phi trường đó, có phải Diễm đây hong?
- À! Em nhớ ra rồi. Anh ở đâu vậy?
- Dưới phố.
- Phố nào?
- Chợ Bến Thành đó. Diễm có rảnh hong?
- Hôm nay Chủ Nhật, ngày nghỉ của em.
- Cho anh địa chỉ đi.
- Chi vậy?
- Thì đến mời Diễm đi chơi chứ chi.
- Sao anh biết em đi mà mời.
- Anh biết Diễm sẽ đi mà.
- Để coi thử, nhưng đây là địa chỉ em nè. Nàng đọc thật lẹ địa chỉ nhà cho Dĩnh.
- Diễm đợi anh một chút nha.
Rồi Dĩnh tắt máy.
Dĩnh loay hoay bỏ những tờ giấy vào túi áo, móc ra bảy ngàn đồng trả cho cô hàng nước trái dừa tươi đang uống lỡ chừng. Chụp cái nón an toàn lên đầu, Dĩnh rời khu ăn uống chợ Bến Thành để ra chỗ gởi xe. Chiều Chủ Nhật nắng Sài Gòn vẫn còn vương trên bờ vai, Dĩnh rồ máy xe chạy về đường Phạm Văn Chiêu, Gò Vấp.
Đường sá Sài Gòn giờ như màng nhện, mấy ngày nay Dĩnh chạy hoài mà vẫn còn lu mờ. Những con hẻm, những con đường mới thi đua nhau nổi lên khắp nơi vậy mà bài toán giao thông ở Sài Gòn có lẽ sẽ không có giải đáp! Dĩnh chỉ biết những con đường chính ngày xưa Dĩnh thường đi, ngoài ra mỗi khi đi đâu Dĩnh thường nhắm hướng mà đi! Có đôi lúc Dĩnh như người xa lạ, đứng bên lề đường nhìn qua rồi nhìn lại, không biết mình đang đi đâu.
Từ chợ Bếnh Thành Dĩnh cứ nhắm hướng Đông Bắc mà đi. Một hồi Dĩnh gặp đường Hai Bà Trưng, từ đó Dĩnh chạy thẳng về ngã tư Phú Nhuận, rồi vào Nguyễn Kiệm, lên Quang Trung. Cuối cùng Dĩnh cũng lần mò đến đường Phạm Văn Chiêu. Dĩnh chạy lên rồi chạy xuống, rồi cùng cũng tìm ra hẻm 51. Dĩnh ngừng xe lại, lật bàn tay ra nhìn địa chỉ nhà của Diễm. Đây rồi, số nhà 51/10K25 đường Phạm Văn Chiêu, phường 12, quận Gò Vấp như nét mực ghi vội vàng trong lòng bàn tay của Dĩnh. Dĩnh dựng xe trước cổng, rung chuông. Một lần, rồi hai, ba lần. Vẫn không thấy ai ra mở cửa! Dĩnh lại lật bàn tay ra xem lại, nhưng những vết mực đã loan dần dưới làn mồ hôi làm Dĩnh không còn thấy rõ địa chỉ nữa. Đã hơn nửa tiếng đồng hồ trôi qua, Dĩnh đi đi lại lại trên con hẻm này, và nhìn vào những căn nhà bên cạnh chẳng thấy bóng dáng người con gái kiểm soát hành lý ở phi trường Tân Sơn Nhất! Dĩnh bèn móc điện thoái ra gọi lại:
- A lô.
- Diễm hả, anh đây nè. Anh tới nhà rồi mà sao không thấy Diễm đâu hết vậy?
- Anh gỡ nón bảo hiểm ra coi.
- Ủa, gỡ ra chi, bộ Diễm thấy anh sao?
- Thì gỡ ra đi.
- Gỡ thì gỡ, xong rồi đó.
- Xạo nghe hong, gỡ ra đi.
- Hùm, chơi cái trò gì đây cà! Rồi, gỡ ra rồi.
- Anh quay lại, đi đến căn nhà thứ năm rồi nhìn lên trời thử coi.
Dĩnh quay lại vừa dắc xe đi vừa ngước lên nhìn thì thấy bóng người con gái đứng vẫy tay, miệng cười tinh nghịch. Dĩnh vừa đến bên cổng nhà thì Diễm cũng vừa bước ra.
- Sao cho anh địa chỉ ma vậy!
- Đâu phải địa chỉ ma đâu, có thật chứ bộ.
- Nhưng đâu phải địa chỉ nhà Diễm đâu. Sao con gái mấy em rắc rối quá vậy.
- Em thích vậy đó, được hong!
- ….
- Mà sao em thấy kỳ quá hà, chưa biết anh mà cho tới nhà thấy kỳ quá.
- Gặp ngoài phi trường rồi sao nói chưa biết. Cho anh leo cây từ nãy giờ rồi tính sao đây?
- Mà sao anh lì quá vậy! Em ngỡ tìm nhà không ra thi đi về đi chứ.
- Thì ra nãy giờ em ngồi trên này nhìn anh đi qua đi lại trong nắng mà làm thình hả! Tàn nhẩn há.
- Anh nhiều chuyện thiệt nhen. Bây giờ tính mời em đi đâu đây?
- Mệt rồi, trèo lên xe anh chở đi uống nước nhe.
- Nhưng sao kỳ quá, hay là anh đi về đi.
- Thôi mà, anh có cắn em đâu mà sợ dữ vậy, chỉ như là một người bạn mời một người bạn đi uống nước thôi, có gì đâu mà suy nghĩ. Nếu không đi thì làm sao em quen người nào!
- À…. Như một người bạn thôi! Nhớ đừng cắn em nha.
Thế rồi Diễm leo lên xe. Và hai người lại đèo nhau ra phố. Chiếc xe Honda len lỏi vào giữa giòng người. Những tiếng máy nổ, khói và bụi đường hòa lẩn trong mùi nồng sặc của xăng nhớt làm cho người đi đường muốn nghẹt thở. Vậy mà mỗi lần trở lại Sài Gòn Dĩnh lại thấy thích thú muốn hòa lẩn vào đám đông người trên chiếc xe Honda, có lẽ Dĩnh muốn thực sự sống thật bình thường như những người thân hằng ngày vẫn làm và sống trong thành phố đông người này. Qua khỏi chợ Phú Nhuận là đến cầu Kiệu, Dĩnh chạy thẳng qua đường Hai Bà Trưng để về bến Bạch Đằng. Khúc gần cuối đường Hai Bà Trưng xe có vẽ thưa dần. Dĩnh đang chạy lẹ bỗng dưng thắng gấp xe lại làm cả người Diễm chạm sát vào người Dĩnh.
- Anh lái xe cao bồi quá hén. Diễm đấm lên lưng Dĩnh thình thịch.
- Như vậy em mới ôm sát vào người anh chứ.
- Dê xòm.
Dĩnh quay lại phía sau nhăn răng cười nhìn Diễm, rồi lại tiếp tục chạy về bến Bạch Đằng.
- Đến chỗ rồi, mình vào vườn cây kiển bên bờ sông Sài Gòn ăn kem nhe.
Một chiếc bàn nhỏ và hai chiếc ghế kê sát nhau bên cạnh dòng sông. Diễm ngồi xỏa tóc nhìn những đám lục bình trôi lững lờ trên sông:
- Sao anh không đi chơi với bồ anh, Diễm hỏi.
- Nếu có anh đâu phải bị em hành hạ dưới cơn nắng cháy.
- Người như anh không lẽ không tìm cho mình một người bạn gái?
- Không phải không tìm được, nhưng có lẽ anh tìm chưa ra. Còn em.
- Người ấy đã xa em rồi.
- Sao vậy?
- Hiếm gì lý do, anh cần biết lý do không.
- Ừ, anh hiểu rồi. Kẻ phụ tình thì thiếu gì lý do, phải không. Nhưng lý do nào cũng đáng đem chôn hết đi.
- Sao lại đem chôn đi?
- Vì họ còn sống cũng như đã chết rồi, không phải sao.
- …
- Thồi, bây giờ anh chở em đi vào chợ Bến Thành chơi nhe.
- Chơi gì trong đó.
- Anh muốn mua cho anh và em ít đồ.
Ra khỏi cửa Tây, Diễm mang một túi đồ quần áo. Rồi Dĩnh chạy một mạch đến đường Trương Định, quận 1. Dưới những hàng cây me bên lề đường Dĩnh ngừng xe lại.
- Anh ngừng đây chi vậy?
- Em muốn sửa quần ở đây không?
- Có thấy tiệm nào đâu.
- Kia kìa, trên lề đường đó.
- Trời! chỗ đó đó hả. Trống lổng làm sao anh thử. Thôi, em không sửa đâu.
- Kệ nó, mấy đứa nhỏ nghèo khổ mình giúp nó đi.
Thế là Dĩnh dắc xe tới dựng bên cạnh chiếc máy may trên lề đường.
- Người sửa quần đâu cháu? Dĩnh hỏi một đứa bé gái cở chừng bảy tám tuổi đang bán nước bên cạnh.
Đứa bé nghe hỏi liền chạy qua bên kia đường và trở về cùng một đứa con trai khoảng chừng mười bốn tuổi.
- Kia kìa, chú đó muốn sửa quần kia kìa. Đứa bé gái chỉ tay về Dĩnh và nói với đứa con trai.
- Lên lai quần bao nhiêu một cái cháu. Dĩnh hỏi.
- Dạ bảy ngàn chú. Đứa con trai đáp.
- Được, lên lai cho chú năm cái quần này nhe. Cháu lấy ni theo quần chú đang mặt đây nè. Một lác chú trở lại lấy quần nhe.
Rồi Dĩnh bỏ quần ở đó, chở Diễm đi uống nước. Mới vừa lên xe thì Dĩnh nghe:
- “Trời! Sao mà ngu quá vậy hổng biết. Việt kiều đó!” Tiếng nói của đứa bé gái lúc nãy.
Dĩnh miễm cười và nói nhỏ với Diễm:
- Em thấy con bé đó lanh nghê hong. Rồi rồ xe chạy đi.
- Cả hai đứa đó giờ này đáng lẽ đang ngồi trong trường, nhưng anh thấy hong. Còn biết bao nhiêu đứa bé khác trong xã hội này! Diễm châu mày nhìn xuống đất.
Uống xong ngụm nước cuối cùng, Dĩnh chở Diễm trở lại lấy năm cái quần.
- Chú thử xem có vừa không.
- Ở đây làm sao chú thử?
- Nhờ chú đứng phía sau bức tường kia kìa.
- Thôi, được rồi, chú nghĩ không cần đâu. Đây một trăm ngàn đây.
- Chú đợi một chút, cháu đi lấy tiền thối.
- Thôi, khỏi cần phải thối, chú cho luôn đó. À, nhớ cho đứa bé gái kia một ít nhe.
Nói rồi Dĩnh lên xe cùng Diễm quay đi. Đến đường Lý Chính Thắng Dĩnh quay đầu nhìn lại, thì thấy hai đứa bé nhìn theo.
oOo
- Sao anh không mua sắm bên đó mà về đây mua. Diễm hỏi.
- Anh thích về đây mua sắm vui hơn. Thứ nhất là rẽ, kế đó mình có lý do chạy rong ngoài đường chơi như hôm nay nè. Vã lại anh ít khi đi mua sắm cho anh lắm, cứ mỗi vài năm anh mua một lần năm ba bộ đồ, vậy thôi.
- Nhưng ở đây anh coi chừng người ta nói giá trên trời dưới đất không đó, không khéo là bị lố đến gấp đôi gấp ba lận.
- Anh biết chớ, nên mới dẫn thổ địa đi theo anh đây nè. Anh thấy có con ma nào qua mặt được em đâu!
- Anh nịnh đầm giỏi lắm, vậy trả công cho em đi.
- Em muốn anh trả cái gì.
- Một chầu phở.
- Dể thôi, trời cũng sắp tối rồi anh chở em đi ăn tối luôn nhé. Em biết chỗ nào ăn ngon hong?
- Em không rành đâu. Em thấy mấy người như anh về đây vậy mà rành chỗ ăn ngon hơn tụi em đó.
- Vậy thì ngồi lên xe đi, anh biết chỗ này ngon và gần nhà em lắm.
Dĩnh chạy thẳng trên đường Lý Chính Thắng, con đường một chiều nên ít kẹt xe. Chỉ trong nháy mắt Dĩnh đã đến ngã ba Hai Bà Trưng (con đường chuẩn mà Dĩnh dùng để nhắm hướng!) Dĩnh quẹo trái qua cầu Kiệu và đi lại con đường lúc ban chiều đến nhà Diễm. Nhưng khi đến Gò Vấp thay vì quẹo mặt vào Phạm Văn Chiêu, Dĩnh đi thẳng qua bên kia chợ Cầu rồi chạy vòng ra đại lộ Trường Chinh. Đại lộ Trường Chinh rất rộng, chia làm hai chiều. Mỗi chiều có lối riêng cho xe hơi xe tải hàng, và lối riêng cho xe hai bánh ba bánh. Đại lộ Trường Chinh khởi đầu từ Sài Gòn và chạy xuyên qua xứ Miên nên được gọi là con đường xuyên Á. Chạy trên đại lộ Trường Chinh Dĩnh cảm thấy như mình đang chạy trên những đại lộ xuyên bang ở xứ Mỹ. Chỉ có khác một điều là bụi đường, bụi đường vẫn bay mù mịt nơi đây! Nằm trong địa phận quận Gò Vấp, hai bên mặt đường Trường Chinh là nhà cao tầng và những cửa hàng buôn bán rất khang trang. Dĩnh ngừng xe cùng Diễm bước vào một quán ăn đồ biển bên mặt đường.
- Quán gì vậy anh? Diễm hỏi.
- Không Ngon Không Trả.
- Em hỏi tên quán ăn này kìa.
- Ừ, thì Không Ngon Không Trả. Tên quán này đó.
- Diễm ngước mặt nhìn lên tấm biển đề tên tiệm ăn. Trời! Sao lối quá vậy.
- Không phải lối đâu. Chủ tiệm này chơi kiểu lắc léo mà em không thấy đó.
- Lắc léo gì đâu, em thấy ông chủ tiệm này lối dám nói là ăn không ngon thì không trả tiền chứ gì.
- Nhưng em nghĩ đi, biết đâu ông chủ này cũng muốn nói là ăn không ngon thì cũng rán mà ăn, không được trả lại đó!
- Hừ, anh suy nghĩ rắc rối quá. Thôi, vào ăn thì biết chứ gì.
Dĩnh miễm cười nhìn Diễm rồi bước vào phòng ăn bên trong.
Những món ăn hải sản như ốc Hương Tứ Xuyên, cua rang muối, sò huyết, sò lông, vân vân và vân vân, lần lược được mang ra trên chiếc bàn nhỏ. Dĩnh ngồi bên cạnh Diễm, cùng nhìn ra mặt đường với bao nhiêu cảnh người nhộn nhịp. Những lời trò chuyện và tiếng cười khúc khích từ đôi môi duyên dáng của Diễm trông như đôi bạn đã từng quen nhau từ lâu. Rồi trong giây lác men bia đã thấm vào mạch máu, nhìn vào Dĩnh, Diễm nói:
- Sao anh về đây chỉ có một mình?
- Vì anh chỉ có một mình thôi.
- Anh kỳ quá, em hỏi thật mà.
- Ừ, thì anh cũng nói thật mà. Chuyện đời hợp rồi tan như nhừng cánh bèo trong ao nước kia. Em thấy không những cánh bèo xanh tươi bám nhau thành một mảnh trông thật là khắn khít. Vậy mà chỉ một cơn gió khuấy động những cánh bèo kia cũng rời ra nhanh chóng vậy thôi.
- Nhưng những cánh bèo trong ao nước đó rồi cũng có lúc gió lặng lại tìm nhau để kết hợp thành một mảnh khác, anh không thấy sao.
- Ừ đúng vậy, nhưng cơn gió vô tình đã làm cho cánh bèo run rẫy mỗi lần muốn bám lại vào nhau.
- Không lẽ cánh bèo kia suốt đời lẩn quẩn một mình trong cái ao nhỏ này sao?
- Biết đâu một ngày nào đó mưa to gió lớn làm tràn ngập bờ ao và sẽ mang cánh bèo trôi đi. Và lúc đó nó sẽ không còn cô đơn.
Diễm ngồi lặng thinh nhìn vào cảnh người tấp nập bên ngoài, và nói nhỏ: “À, biết đâu.”
- Trời cũng tối rồi, thôi để anh đưa em về nhe.
Nói xong Dĩnh nuốt trọn những giọt bia còn lại và đặt cái ly xuống bàn. Chân lạng quạng diều Diễm bước ra khỏi quán ăn.
- Dường như anh mệt lắm rồi, để em chở anh về cho nhe.
- Không sao đâu, chỉ có mấy lon bia nhỏ đó mà làm gì được anh. Em ngồi lên xe đi nhe.
Chiếc xe nổ máy, chạy ngoằn ngoèo như tên say rượu rồi biến mất trong con hẻm nhỏ.
Đến nhà Diễm, Dĩnh dựng chiếc xe trước cửa, khóa cổ xe rồi bước vào nhà cầu để trút bớt đi gánh nặng từ những lon bia. Dĩnh quay trở lại và nói:
- Có lẽ hôm nay là ngày anh vui nhất trong chuyến bay này. Không ngờ lại gặp được em và cám ơn em đã không ngần ngại đi chơi với người mà em chưa từng biết.
- À, không ngờ, không ngờ anh đã mang lại những giây phút thật tự nhiên, mà em ngỡ như đã quen từ lâu rồi! Nhưng mà anh coi chừng mấy lon bia nhỏ kia nó hại anh đó! Diễm nhìn tướng của Dĩnh mà miễm cười.
- Thôi, anh đi về nhe.
Nói xong Dĩnh cất bước đi thì nghe cái bịch, Dĩnh đã nằm ngay dưới sàn nhà.
- Vậy mà nói giỏi lắm.
Diễm lẩm bẩm một mình rồi hì hạch lôi Dĩnh bỏ trên giường.
oOo
Diễm gỡ cặp mắt kiến trên khuông mặt mệt nhoài của Dĩnh rồi lấy chiếc khăn tay lau những vệt bụi đường. Nàng kéo chân Dĩnh thẳng ra rồi ngồi bên cạnh nhìn Dĩnh say sưa trong giấc ngủ. Những cảm giác xa lạ đối với Dĩnh bây giờ không còn trong Diễm. Ngày xưa Diễm cũng đã một lần yêu, nhưng tình yêu kia đến với Diễm một cách miễn cưỡng và cuối cùng nó cũng bay xa. Hôm nay Dĩnh đến, đến quá đột ngột. Nhiều lúc Dĩnh quá tự nhiên đã mang lại cho nàng một sự tự tin và thân mật. Một ngày bên người thanh niên xa lạ này Diễm thấy mình thật sự tự do, Diễm có thể cười, nói, mà không cần phải suy tính. Bây giờ nhìn Dĩnh đang ngủ say trong men rượu, nàng ước gì Dĩnh sẽ ngủ mãi mãi đừng bao giờ thức giấc.
Rồi một tiếng động, Dĩnh trở người và trong cơn mê Dĩnh ấp ớ gọi tên:
- “Thụy Vy, Thụy Vy,...Bờ…”
Từng tiếng kêu Thụy Vy là từng mũi kim châm vào lồng ngực của Diễm! Nàng trố mắt nhìn về Dĩnh, từ thắc mắc đến băng khoăng. Diễm nín thở và đang đợi chờ, đợi chờ cơn mê kế tiếp của Dĩnh, hay đang chờ từ cửa miệng kia để nghe rỏ tiếng nói bắt đầu bằng chữ B là gì. Diễm trông đợi, trông đợi đến nóng ruột:
- “Anh nói đi, nói cái gì cũng được nhưng đừng nói chữ Baby nghe hong. Anh đừng gạt em nghe hong. Sao lạ vậy, sao nguyên ngày nay anh không nói cho em biết đi, anh…anh…anh nhiều chuyện anh vô duyên quá nghe hong.”
Diễm buông người ngồi bịch xuông sàn nhà, nàng co hai đầu gối lên, úp mặt nhìn xuống nền nhà, đen thui. Nàng bực mình rồi tự giận hờn:
- “À, mà kệ người ta, người ta đâu là gì của mình đâu mà tức giận chi cho mệt xác chứ. Đã nói rồi mà không nghe, đàn ông mà, ông nào cũng vậy thôi, xạo chết mẹ! Thôi, đi kiếm gì ăn cho khỏe.”
Diễm bật người đứng dậy như chiếc lò xo, xong bỏ đi xuống bếp một mạch. Nàng đang lục lội lấy cái xoong thì nghe tiếng cục cựa của Dĩnh trên giường, Diễm liền cầm cái xoong chạy lại:
- “Thụy Vy, Thụy Vy, Ba nhớ con lắm…” Tiếng ú ớ của Dĩnh.
- “Trời! Tưởng anh nhớ đến con nhỏ nào, ai ngờ anh nhớ con.”
Trong tiếng nói Diễm thả cái xoong rớt xuống nền nhà rồi nhảy đến ôm chặt lấy người Dĩnh.
- Em sao vậy? Dĩnh nói trong cơn mệt mỏi.
Diễm lấy tay bịt miệng Dĩnh và ra ni đừng nói. Nàng ôm chặt vào người Dĩnh, rồi kéo chiếc mền trùm lại. Những hơi thở dồn dập hòa lẫn trong những tiếng rên đứt quảng trong căn phòng ấm cúng. Rồi những tiếng cười khúc khít bao trùm trong chiếc mền đang cuộn tròn hai tâm hồn:
- “Bây giờ anh kêu Baby em có giận không!”
- “Vậy hồi nãy anh nghe em nói hết rồi phải không?”
- “Ừ.”
- “Đồ mất dịch, anh đi chết đi. Nè coi nè.”
- “Thôi, đùng ngắt véo anh chứ.“
- Ngày mai anh đi Quảng Ngãi em muốn đi chơi với anh không?
- Không, em phải đi làm, anh cứ đi đi.
oOo
Chuyến xe đò trở vô từ Quảng Ngãi đông nghẹt với những người trẻ tuổi. Họ là những người con xứ Quảng, mỗi lần Xuân về họ trở về quê ăn Tết. Hôm nay là mười một tháng Giêng, những người trẻ tuổi này rời xa quê hương trở vào Sài Gòn kiếm kế sinh nhai. Những làng quê nơi xứ Quảng bây giờ vắng đi những người trẻ tuổi, họ ra đi để mang về những đồng tiền xây dựng lại nhà cửa. Nhưng cũng buồn thay, có những đám tang nay không còn những người trai trẻ để khiêng vác!
Hai giờ sáng chiếc xe đò đã cập bến xe Miền Đông. Dĩnh xuống xe, lấy hành lý và chờ tìm xe trở về nhà người chị. Sài Gòn vào buổi sáng tinh sương rất vắng vẽ. Những ồn ào, hoa lệ của cả thành phố đã yên giấc nơi đâu, và bây giờ chỉ còn tiếng vắng lặng, vắng lặng đến cô đơn.
Dĩnh ngồi đốt điếu thuốc nhìn bên kia đường, một đôi bạn trẻ, hay có lẽ là một cặp vợ chồng trẻ, đang cuộn chiếc chiếu, tấm mền và tấm tân che sương được bày ra làm nơi an nghỉ qua đêm trên vỉa hè. Khi những tấm mền, chiếu được mang dấu phía sau một góc tường, đôi vợ chồng trẻ nói những lời từ biệt rồi mỗi người một nẽo bước lên đường đi tìm cuộc sống, thì đồng hồ cũng vừa chỉ đúng bốn giờ sáng. Và cuộc sống hoa lệ của thành phố cũng bắt đầu một ngày mới.
Ba tuần lể đã trôi qua, Dĩnh giã từ gia đình người chị, gọi taxi chạy về phi trường Tân Sơn Nhất. Sau thủ tục cân hành lý, còn một tiếng nữa mới đến 23:00 giờ, giờ lên máy bay. Dĩnh cùng Diễm ra ngồi ngoài hành lang sân bay nhình về thành phố muôn màu của Sài Gòn về đêm. Dưới muôn ngàn ánh đèn màu đó, có biết bao nhiêu mảnh đời trơ trọi!
Rồi giờ bay cũng sắp đến, Dĩnh hun lên đôi môi đỏ thắm của Diềm và ước thầm: “Những cánh bèo trôi, mong có ngày tụ lại.” Diễm vẫy tay chào tạm biệt và chiếc máy bay sắp cất cánh trở lại phi trường Đu Lắc.