Tiếng Ve Sầu
Tác giả: Đồng Sa Băng
1
Cánh cửa phòng khách sạn Tiếng Ve đóng sầm lại, Kỷ ngã mình trên chiếc giường nệm nằm chèo queo trong căn phòng nhỏ. Ba giờ chiều, tiếng máy xe như tiếng pháo nổ trên đường Hồng Thập Tự bị cánh cửa chặn lại, trong căn phòng chỉ còn tiếng kêu lùng bùng của chiếc máy lạnh cũ rích.
Ngủ. Kỷ ngủ mất tiêu hồi nào không hay.
“Anh ơi, anh ơi, có người đến tìm anh dưới kia kìa.”
Kỷ giật mình, bừng ngồi dậy. Tiếng gõ cửa liên hồi và tiếng réo gọi của người thiếu nữ bên ngoài đã phá tan giấc ngủ nửa ngày của Kỷ. Kỷ đưa tay lên đầu vuốt vài sợi tóc che ngang mắt, bước đến cửa hé nhìn ra ngoài hành lang:
“Ai vậy em.”
“Làm sao em biết.” Người thiếu nữ trả lời trong bực bội.
“Sao anh gác điện thoại lên chi vậy.”
“Đàn ông hay đàn bà.”
“Con gái.”
Nói xong người thiếu nữ ngoe ngoãi bước xuống lầu. Hai người khách lúc nãy không đợi ở phòng tiếp tân mà ra đứng ngoài đường, người thiếu nữ bước xuống cầu thang, ra đường và nói:
“Hai chị đợi nghen, tui báo cho anh đó biết hai chị đến tìm rồi đó.”
Hai người thiếu nữ cao ráo, ăn mặc lịch thiệp theo lối Tây phương: quần bò, áo sơ mi màu ca rô, đầu đội nón rộng vành, đứng trò chuyện bên cạnh hai chiếc xe Honda bên lề đường Hồng Thập Tự. Họ cùng trang lứa và trên khuôn mặt vẫn còn quấn hai chiếc khăn che bụi đường bao kín ngoại trừ hai con mắt. Tay mang gân dài màu đen bóng trông như những nàng kỵ mã trong bộ phim Zoro. Người áo trắng nói:
“Mình có quen anh này, muốn gặp mặt một tí.”
“Hơn năm phút rồi, bồ thấy tiện không hay là để khi khác đi.” Người áo tím trả lời.
“Mình hứa ảnh mấy hôm rồi, bồ ráng ở lại thêm một tí đi.”
Người ào trắng vừa dứt lời thì cánh cửa khách sạn Tiếng Ve cũng hé mở. Người đàn ông bước ra, quần áo dường như mới được ủi với những đường ly còn sắc bén như lưỡi dao, mặt mày vui tươi vồn vã chào người thiếu nữ áo trắng:
“Hồng. Hồng khỏe không? Chờ dài cổ mà không thấy, anh cứ tưởng Hồng không đến hôm nay.”
“Anh không đi chơi đâu sao? Để Hồng giới thiệu nhe. Đây là Búm, bạn của Hồng và đây là anh Kỷ, người anh bạn.”
“Chào Búm.”
“Chào anh.”
Kỷ thoáng nhìn Búm, người con gái mà Hồng nói sẽ giới thiệu, rồi quay qua nói với Hồng:
“Trời chiều rồi, nơi anh ở bề bộn quá, xin mời hai cô đi dùng nước nhé.”
“Đi đâu đây?” Hồng hỏi.
“Hay là ra chợ Bến Thành được không?” Kỷ đề nghị.
“Cũng được.”
“Cho anh quá giang được không? Anh không có xe ở đây.
“Búm chở anh Kỷ dùm nha.”
Từ nãy giờ Búm chỉ ngồi trên chiếc xe Honda lắng nghe mà không nói một lời ngoài tiếng “chào anh”. Giờ, nghe Hồng bảo chở dùm Kỷ, Búm không ừ mà cũng không lắc đầu, nàng nổ xe xong nói:
“Anh ngồi lên đi.”
Kỷ đưa chân bỏ qua nệm xe, ngồi sau lưng Búm. Để khỏi chạm vào người Búm, hai tay Kỷ nắm chặt lấy phần bi-đông giữa hai người như hằng ngày Kỷ ngồi xe Honda ôm. Chiếc xe Búm vượt qua bên kia đường Hồng Thập Tự chạy về hướng dinh Độc Lập, rồi Búm quẹo mặt vào Công Chúa Huyền Trân. Vừa chạy Búm nói:
“Bộ anh chỉ biết khu chợ Bến Thành không thôi sao?”
“Biết nhiều chỗ khác nữa chứ, nhưng ra đây cho gần. Búm muốn đi chỗ nào khác không?”
Búm không trả lời mà chỉ chạy theo sau xe Hồng. Một lát Hồng chạy lanh quanh rồi ngừng lại trước cửa tiệm ăn trên đường Lê Thánh Tôn, xéo bên kia chợ Bến Thành. Hồng nhìn Búm và nói:
“Uống nước ở đây đi, mình tìm hoài mà không thấy tiệm nào trống hết.”
Kỷ nắm lấy tay xe Búm, dựng bên lề đường rồi bước vào trong tiệm ăn. Sáu giờ chiều, những quán ăn chung quanh khu chợ Bến Thành khách đông nghẹt. Không tìm được bàn nào trống bên trong, Kỷ nói:
“Bên trong hết chỗ rồi, mình ngồi đở ngoài lề đường nhé.”
Chiếc bàn nhỏ, đủ cho ba người ngồi, nằm chen chúc trên nền xi măng bên lề đường.
Buổi chiều con đường Lê Thánh Tôn được hưởng gia tài bóng mát của những cây me nên mát và dễ chịu. Khách đi đường, người bán hàng rong, và những cư dân buôn bán trên con đường chen lấn nhau trong tiếng gọi thức ăn làm khu phố trở nên tấp nập. Người bồi bàn vội vàng hất những cộng rau còn sót lại trên mặt bàn xuống đất, lấy chiếc khăn tay lau qua một lượt rồi mời khách ngồi vào. Một vài người khách dễ chịu không chờ bồi bàn dọn dẹp, đẩy những tô, bát dơ qua một bên lấy chỗ ngồi. Kỷ và hai người thiếu nữ vừa ngồi vào bàn, Hồng hỏi:
“Anh Kỷ và Búm muốn dùng gì?”
“Ở đây món gì ngon nhất Hồng biết không?” Kỷ hỏi.
“Hủ tíu Mỹ Tho.”
“Vậy mình gọi hủ tíu đi, Búm thấy sao?”
“Dạ, hủ tíu thì hủ tíu.” Búm không có vẽ lựa chọn.
“Cho ba tô hủ tíu Mỹ Tho đi em.” Kỷ gọi người bồi bàn.
“Cho luôn ba ly cà phê sữa nhe em. Hồng và Búm uống cà phê nhe.”
“Gọi rồi, hỏi làm chi nữa, anh có vẽ độc đoán quá hén.” Búm liếc nhìn Kỷ.
“Thấy Búm mở mắt không ra nên gọi cà phê cho Búm đó.” Kỷ mĩm cười nhìn hai người thiếu nữ.
Ba tô hủ tíu còn bốc hơi được bưng ra đặt lên bàn. Kỷ dùng khăn giấy lau vài đôi đủa trao cho hai người thiếu nữ. Họ trò chuyện bên dòng người qua lại như ngày hội.
“Sài Gòn về chiều vui nhộn quá, không bù với bên kia có những thành phố suốt ngày không tìm thấy người đi bộ.”
“Anh nói sao, đất nước văn minh nhất nhì thế giới mà buồn vậy sao!” Búm nói.
“Ừ, ngày xưa khi mới đến, có những lúc anh nhớ Sài Gòn và thèm được ngắm nhìn cảnh người đi bộ trên phố lắm nhưng có thấy ai đi bộ đâu.”
“Ồ! Vậy chắc buồn và cô đơn lắm, phải không?” Búm hỏi.
“Ừ, có khi nào Búm thấy cô đơn giữa phố đông người chưa? Cho nên đôi khi ra phố nghe được tiếng nói và thấy người mình là mừng lắm, muốn chạy đến ôm vào lòng luôn vậy đó.”
“Anh khôn quá hả, phải chi gặp mấy cô gái đẹp không thì sướng biết mấy hén, mà có ôm cô nào chưa?” Hồng vừa nói vừa cười.
Tiếng nói vồn vã của người bồi bàn luôn kêu gọi. Rồi tự nhiên không khí trên lề đường biến đổi đột ngột. Từ phía xa những người buôn bán trên vỉa hè nhôn nháo, những bàn tay nhanh như thoi đưa, lôi kéo những bàn, ghế, đòn ngồi, chén bát, mà chạy. Cái nhôn nháo như làn sóng biển hung dữ lan đi từ góc đường và xòa úp lên khúc đường Lê Thánh Tôn. Những người bồi bàn hối hã lôi kéo dọn dẹp những chiếc bàn trên lề đường mang vào bên trong cửa tiệm, bất chấp những thực khách đang ngơ ngát bưng tô hủ tíu trên tay nhìn chiếc bàn bị lôi đi. Cảnh tượng trên con đường như bầy kiến vỡ tổ. Trong chớp nhoáng, tiếng ồn và cảnh nhôn nháo im phăng phắc như bóng ma chết chìm. Và phía sau sự căm lặng là hình ảnh những người công an xuất hiện. Họ hiên ngang đạp đổ, xô đẩy và bắt bớ những mảnh đời đi tìm cuộc sống trên vỉa hè, mà lòng không một chút trắc ẩn!
Cuộc trò chuyện vui cười của ba người cũng im lìm như hơi thở của con đường. Quán ăn bên đường đang xao động, những thực khách ngỡ ngàn dường như không ai còn khẩu vị để tiếp tục. Kỷ lặng lẻ mang nửa tô hủ tíu còn lại của mình đặt lên bàn, rồi quay lại phụ hai người thiếu nữ mang trả lại hai tô hủ tíu dở dang.
Búm đưa mắt nhìn những đổ vỡ của quang gánh bên đường, lòng ưu tư, quay qua Hồng và Kỷ, nói:
“Thôi mình về.”
“Ừ, xui quá, không ngờ cuộc gặp gỡ với anh Kỷ quá ngắn ngũi. Anh tuổi con gì mà số anh nặng quá vậy, thôi về. Nhờ Búm đưa anh Kỷ trở lại khách sạn dùm nhe, mình phải ghé tiệm hoa của mình một tí.”
“Con ngựa, chắc anh tuổi con ngựa quá. Gặp nhau uống chưa xong ly nước thì phải chạy rồi. Thôi, hẹn gặp lại Hồng kỳ khác. Còn bây giờ thì phiền phải nhờ Búm thả con ngựa què nầy về chỗ cũ dùm nhé.”
“Ngày mai Hồng sẽ gọi Búm, thôi chào hẹn gặp lại anh Kỷ sau nha.”
Nói xong Hồng lên xe vọt chạy, trong nháy mắt bóng dáng nàng hòa lẫn trong dòng người, mất hút.
“Anh lên xe đi.” Vừa nói Búm vừa kéo chiếc khăn che kín khuôn mặt.
“Rồi, Búm có thể chạy được rồi.”
“Bộ anh ghét tuổi ngựa lắm hả?” Tiếng nói vừa dứt Búm rồ ga vọt lẹ.
“Ý cha, xém té rồi. Bộ Búm tuổi ngựa hả?”
“Không có, tại chiếc xe nầy nó ghét đàn ông nhiều chuyện, vậy thôi.”
“Vậy sao, thôi xin lổi nhe, anh mà có gan con cọp cũng không dám chọc con ngựa nầy nữa đâu!”
“Giỏi.”
Xe chạy lanh quanh giữa những hàng me dưới bóng đèn đường mập mờ của thành phố về đêm. Kỷ nắm chặc bi-đông xe, nghiêng người qua vai Búm nhìn về bên đường. Làn gió thoảng luồng vào và làm tung bay những sợi tóc của Búm bám lên mặt, mũi Kỷ. Chàng cứ để yên cho những sợi tóc tự do bay đi rồi lại quay về bám víu. Những sợi tóc mang mùi hương thơm đã xoái mờ những hình ảnh hiên ngang của người công an trên đường.
“Tới nơi rồi, nhờ Búm dừng xe đây được rồi.”
Chiếc xe Honda chạy chậm lại và ngừng bên lề đường Hồng Thập Tự.
“Mời Búm lên phòng anh chơi cho biết chỗ ở nhe.”
“Không, em không lên đâu, anh vào đi.”
“Vậy ngày mai anh mời Búm đi ăn tối được không?”
“Mấy giờ?”
“Búm chọn đi, và cho Búm chọn luôn chỗ nào Búm muốn đi đó.”
“Sáu giờ chiều mai hén. Chỗ ăn thì ngày mai hãy biết. Búm về nha.”
“Okay. Búm về.”
Ngồi sẳn trên chiếc xe, Búm rồ ga và từ từ lách ra con đường Hồng Thập Tự chạy về Lê Văn Duyệt. Kỷ nhìn theo khi hình bóng của Búm khuất dần sau ngã tư hai con đường, chàng quay gót bước vào hành lang khách sạn Tiếng Ve. Ngoài đường, tiếng xe thưa dần, và Sài Gòn cũng bắt đầu chập choạng tối.
2
Rời khách sạn Tiếng Ve Búm chạy xe về xóm đạo ở quận Tám. Nơi đó Búm mướn căn phòng nhỏ gần cơ quan để ở đi làm. Búm là con gái út trong gia đình đông anh chị em. Sau ngày giải phóng Ba Mẹ Búm rời quận Tư về lập nghiệp trên vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng. Những năm tháng còn bé Búm sống cùng gia đình và học trên Lâm Đồng, sau này lớn lên Búm trở lại Sài Gòn làm việc. Anh chị Búm đã lớn và ai cũng có gia đình riêng, nên, Búm mướn căn phòng nhỏ nầy để ở đi làm. Căn phòng nằm trên gác của nhà một cặp vợ chồng trẻ, được ngăn chia bởi những tấm vách đơn sơ, đủ lớn để đặt chiếc giường đơn và cái bàn thật nhỏ để vật dụng hằng ngày. Quần áo Búm bỏ vào năm ba cái thùng và nhét dưới gầm giường.
Như vậy là ngon lắm rồi. Hơn cả bạn bè Búm, bốn năm người con gái hùn nhau mướn một căn hộ. Phần dưới căn hộ dùng làm tiệm cắt tóc, phần trên gác chia nhau mỗi người một “mảnh đất” rộng cở một viên gạch bông và dài đủ để nằm thẳng chân! Ban ngày mọi người cùng nhau đi cắt tóc cho cửa tiệm dưới lầu, tối về họ cùng nhau quay quần trong căn phòng nhỏ, một đống nằm xem phim x!
Hằng ngày Búm hay mở cửa sổ phòng để đón gió từ con đường Phạm Thế Hiển. Những ngọn gió mang theo hơi mát từ con kênh phía sau và cũng mang luôn mùi hôi rác rến trên con kênh thổi qua từng khung cửa sổ trên con đường nầy. Nhưng đặc biệt vào đêm Giáng Sinh con đường Phạm Thế Hiển được trang hoàng nhiều đèn màu rực rỡ và những người dân đổ nhau xuống đường kéo về xóm đạo đông đến nghẹt thở, nên mùi hôi rác rến cũng bị quên đi.
Trên đường về Búm ghé người bạn gái ở quận Tư. Búm mới ngừng xe trước nhà, thì:
“Sao, sao rồi bà. Vô đây kể nghe coi.”
Tiếng nói của Thu, bạn Búm. Nhà Thu nằm trên con đường 20 ở quận Tư. Người ta gọi đường 20 vì nó dài võn vẹn chỉ có 20 thước! Nhưng có một lịch sử khét tiếng ở vùng nầy. Không tin thì hỏi người quận Tư sẽ biết!
“Tửng vừa thôi, làm gì dữ vậy, từ từ đả.”
“Bà đưa xe đây tui dẫn vô cho. Rồi, bà uống nước không, tui lấy cho.”
“Uống xong để lấy sức nói phải hong?”
“Ừa.”
“Tui nói người ta gọi bồ là Thu tửng cũng đúng thôi. Bồ làm Bác Sĩ mà tửng quá rồi bệnh nhân bà không biết tửng đến cở nào.”
“Chuyện tui làm Bác Sĩ dính dáng gì chuyện bà đi coi chồng chứ. Nhưng thôi, bà cứ kêu tui tửng hoài đi. Bây giờ thì kể nghe coi.”
“Kể cái gì? Mà ai đi coi chồng chứ.”
“Trời! Chiều giờ đi gặp người ta rồi bây giờ nói chỉ bấy nhiêu thôi sao ta. Bà biết năm nay bà bao nhiêu tuổi rồi không? Bà chảnh quá coi chừng ở giá nghe hong.”
“Hì hì, bồ cũng hơn gì mình đâu. Ngồi ngóng hoài, thấy tội hén. Nói chứ tui mới gặp người ta, mà chỉ đi ăn chè thôi, ăn chưa xong thì bị mấy ông công an rượt chạy té, không kịp nói gì ráo.”
“Vậy bao nhiêu tuổi, bô trai cở nào, ăn học tới đâu, giàu nghèo thế nào, kể hết đi chứ.”
“Làm gì mà hỏi như hỏi lý lịch vậy bà nội. Bà Bác Sĩ của tui sao không nhả nhặn chút nào ráo. Tuổi thì không biết, giàu nghèo cũng không biết luôn, ăn nhằm gì chuyện đó nhưng trông cũng được mắt.”
“Được là sao?”
“Là hơn ông bố giám đốc của bà ngoài Vũng Tàu đó.”
“Vậy sao, hên quá vậy. Khi nào gặp lại cho tui đi theo xem được không?”
“Thôi, đừng có tửng nữa. Ngày mai tui sẽ gặp lại người ta. À, mà bà biết chỗ nào ăn sang trọng trong thành phố chỉ dùm coi.”
“Tên gì?”
“Thì bà nói tui mới biết tên chứ. Không rõ mới hỏi mà sao nói vậy.”
“Tui hỏi bạn bà tên gì kìa.”
“Kỷ.”
“Tên ngộ hén. Hèn gì dấu kỹ quá. Nhưng đây nề, bà lên khách sạn Hoàng Long ở quận Nhất gần Sở Thú đó, chỗ đó đẹp và sang trọng lắm. Đi xong về kể tui nghe nghe hong.”
“Ừa, để ăn xong món nào ngon kể bồ nghe hén.”
“Vô duyên, món ngon thì tui biết rồi mới giới thiệu cho bà mà kể với không kể nổi gì.”
“Thôi tui phải đi về đa, trời tối rồi. Hôm nào gặp lại nghen.”
Thu phụ Búm đưa chiếc xe Dream ra đường. Trời đã tối, trụ đèn bên cạnh cây trứng cá bên hà Thu nhả ánh đèn mập mờ không đủ làm sáng con đường 20 ngắn ngũi. Búm rồ xe phóng chạy, tiếng máy xe như pháo nổ, vang đều trên mặt đường rồi lặng chìm trong màng đêm.
3
Tuần trước, sau chuyến bay dài từ Pháp, Kỷ trở về thăm Sài Gòn và để gặp một người. Ra khỏi sân bay Tân Sơn Nhất, người anh của Kỷ thuê chiếc xe taxi 15 lăm chỗ để chở gia đình và năm ba người bà con chạy về Hóc Môn. Trời đã gần mười giờ đêm, chiếc xe taxi chạy boong boong trên đường Quang Trung, dọc đường nhà cửa nổi lên như nấm. Sài Gòn bây giờ mở rộng, không như mười lăm năm trước khi Kỷ ra đi. Qua khỏi chợ Cầu, Gò Vấp, chiếc xe ngừng lại quán ăn trên đường để mọi người ăn tối. Kỷ vẫn nghe nói Sài Gòn buổi tối người ta ra đường ăn chơi như ngày hội, nhưng ngồi ở trời Tây Kỷ không tài nào hình dung ra cảnh ăn uống tấp nập như trước mắt đêm nay. Những quán ăn đồ biển, quán thịt rừng, những quán đặc sản của địa phương nổi lên san sát và dập dìu những khuôn mặt vui tươi, cười nói dòn tan bên những ly bia không hề vơi cạn. Có lẽ đây là đặc điểm của người Sài Gòn, họ thích không gian mở rộng, ngồi xề xà trong những quán ăn bên đường để tha hồ ăn to nói lớn mà không sợ phiền hà ai! Và như thế họ cảm thấy vui vì tự nhiên. Khác với dân Tây phương, hay một số ít người “Việt kiều” học làm sang cho rằng mình “văn minh” nên, thường đi vào những nhà hàng khách sạn sang trọng. Nhưng chưa chắc những khách sạn sang trọng kia ngon và rẽ bằng những quán ăn “bình dân” bên đường nầy!
Rời khỏi quán ăn chiếc xe chạy về hướng chợ Hóc Môn. Qua khỏi chợ xe chạy thẳng lên ấp 6B xã Đông Thạnh.
Những năm gần đây người dân Hóc Môn hưởng ứng chương trình nuôi bò sữa, giống bò sữa Mỹ da trắng đen lốm đóm. Dường như nhà nào trong xã Đông Thạnh cũng có nuôi ba bốn con bò, và nuôi ngay trong chuồng kế bên hông nhà, kể cả người anh của Kỷ cũng thế. Cho nên đi đâu trong xóm cũng thấy người dân đào mương cho thóat nước vệ sinh sa thải từ những chuồng bò. Nhưng vì hệ thống thoát nước còn quá kém, nên đâu đâu trong xã Đông Thạnh cũng nghe mùi hôi khó chịu! Vì là bò nuôi để lấy sữa nên suốt ngày chỉ nằm trong chuồng ăn và ăn, không phải làm gì ngoài chuyện ăn và cho sữa ra.
“Bò anh nuôi được mấy năm rồi.” Kỷ hỏi người anh.
“Năm năm rồi đó em.”
“Vậy anh đã thu họach từ chúng rồi?”
“Ừ, anh cũng nhờ chúng mới nuôi nổi mấy đứa con đi học.”
“Thằng Đang con anh năm nay học lớp mấy? Trông nó lớn con quá đó chứ.”
“Thôi, kể chi thằng nhỏ đó, nó học kém lắm.”
“Vậy anh cần phải lưu tâm cho nó nhiều hơn mới được.”
“Anh cũng rầu lắm, nhưng em thấy con bò trong chuồng kia không, người ta cho nó ăn, nó ăn hoài không xong nên phải nhả ra nhai lại, vậy mà cuối cùng nó cũng cho ra toàn là cỏ. Thằng Đang con anh nó cũng vậy, ông thầy cho bài nó đọc hoài mà không hiểu, làm bài không được nên điểm hàng tháng nó kém, bị mấy thằng anh nó hay chê cười. Nhưng thôi nó không hoang đàng là được rồi.”
“Con nít mà anh, để từ từ rồi nó sẽ khá hơn. Em về đây thăm chơi với gia đình anh vài ba hôm rồi em lên Sài Gòn.”
“Em ở đâu trển? Sao không ở đây cho vui.”
“Thỉnh thoảng em sẽ về thăm anh, vì em có công chuyện riêng, ở trên đó cho tiện.”
“Có phải ba vụ mua nhà đất gì đó không?”
“Cũng một phần.”
Từ ba bốn ngày nay Kỷ thường chạy ngoài đường với đứa cháu lo chuyện sang tên khu nhà Kỷ đặt mua mấy tháng trước. Và một hôm tình cờ Kỷ gặp lại người bạn gái, Hồng, Kỷ quen hai năm trước trong một lần về quê thăm. Hôm đó, tại nhà Văn Hóa Phụ Nữ trên đường Yên Đỗ:
“A! Anh Kỷ. Về hồi nào vậy?”
“Hồng. Không hẹn mà gặp hả. Anh về hơn một tuần nay. Hồng vẫn khỏe? Và làm gì ở đây?”
“Khỏe, Hồng dạy ở đây.”
“Ồ! Hay hén. Mà dạy môn gì vậy?”
“Thể dục thẩm mỹ.”
“Người đẹp dạy thẩm mỹ là nhất rồi.”
“Anh cứ ngạo Hồng hoài. Anh làm gì đây?”
“Anh đợi thằng cháu ở đây. Hồng có gì vui không, lâu lắm rồi, hai năm rồi, không gặp.”
“Tháng tới Hồng đi Pháp rồi.”
“Hay vậy. Đi diện gì vậy?”
“Theo chồng.”
“Vậy là anh trể chuyến đò rồi sao!?”
“Trể gì, anh đùa hoài. Để Hồng giới thiệu cho anh một người bạn nhe. Mà anh về kỳ nầy rồi chừng nào đi? Về làm gì vậy? Gia đình anh khỏe không?”
“Kỳ này về có chút chuyện. Vẫn khỏe. Có lẽ anh ở lại vài tuần nữa rồi cũng trở lại Paris.”
“Vậy anh cho Hồng địa chỉ anh ở đi, hôm nào em sẽ liên lạc gặp lại.”
Kỷ chìa tay đưa tấm thẻ có ghi địa chỉ nơi ở cho Hồng.
“Thôi em phải lên lớp. Đến giờ dạy rồi, gặp anh sau nghen.”
Từ ngày lên ở khách sạn Tiếng Ve Kỷ thường nhờ đứa cháu chở đi nhiều nơi trong phố. Hôm nay, năm giờ chiều, Kỷ bảo đứa cháu thả về khách sạn. Một ngày đi rong goài đường Kỷ đã thấm mệt. Cái cổ áo semi trắng giờ đã thành màu nâu và cả thân hình Kỷ dính đầy bụi đường. Kỷ vứt bỏ mọi thứ trên giường, chạy vào phòng tắm mở xòa bông sen để gội đi những nóng nực, bụi đường. Sáu giờ ba mươi phút, tiếng điện thoại ở phòng tiếp tân gọi lên:
“Alô.”
“Anh có khách anh ơi.” Tiếng nói của người thiếu nữ ở phòng tiếp tân.
“Ai vậy em.”
“Chị Búm.”
Năm ba phút sau Kỷ rời căn phòng bước xuống đường Hồng Thập Tự.
“Chào Búm. Búm khỏe?”
“Dạ, em vẫn thường. Em bị kẹt xe nên đến hởi trể, anh có trông không?”
“Không sao. Hôm nay Búm biết chỗ nào muốn đi chưa?”
“Biết rồi. Anh sẵn sàng chưa.”
“Anh phải đi nhờ xe Búm thôi, được không?”
“Trèo lên đi.”
“Búm cho anh lái đi. Con trai mà để con gái chở kỳ quá.”
“Anh muốn lái thì lái đi.”
Thế là Kỷ trèo lên xe nắm lấy tay lái. Cái cảm giác được chở người con gái phía sau xe làm cho Kỷ thấy vui nhộn lên. Kỷ rồ máy lách ra con đường Hồng Thập Tự. Búm ngồi phía sau và giữa hai người là một khoảng không gian rất nhỏ, nhưng cũng đủ tạo một niềm vui lớn cho Kỷ. Chiếc xe Dream chạy chầm chậm trên con đường dưới buổi chiều tắt nắng, Kỷ rùn người và lùi dần về phía sau xe, đến một lúc, khi khoảng cách giữa hai người dường như đã mất, thì:
“Anh làm gì vậy. Xích lên nghe hông.” Búm thọt tay vào người Kỷ.
“Bây giờ đi đâu đây?”
“Anh chạy lên đường Cường Để đi rồi Búm chỉ cho.”
“Quán tên gì vậy?”
“Thì đến đó sẽ biết.”
“Khó quá hén. Hỏi không nói. Nhưng Búm chỉ đường dùm nhe.”
“Anh quẹo trái vào Hai Bà Trưng, xong quẹo mặt vào Thống Nhất, rồi quẹo mặt vào đại lộ Cường Để.”
“Rồi, ôm cho cứng không té ráng chịu nghen.”
Chiếc xe Honda vụt chạy, một hồi sau xe quẹo mặt vào đường Cường Để. Con đường rộng, hai bên lề là hai hàng cây me to lớn, bóng cây phủ rợp lối đi. Đường Cường Để tuy không được mang tên là con đường lá me nhưng một thời đã mang nhiều kỷ niệm của những chuyện tình học trò. Những cặp tình nhân quần xanh áo trắng từ Trưng Vương, Võ Trường Toản đã từng dìu nhau dưới những hàng me rợp bóng trong những giờ trốn học. Chiếc xe Honda chở Kỷ và Búm chạy thật chậm, khi đến gần khu vực xưởng đóng tàu Ba Son Búm vỗ vai Kỷ:
“Đây rồi. Anh cho xe vô nhà hàng nầy đi.”
Búm vừa nói vừa chỉ tay vào khu nhà vườn đầy cây xanh bóng mát bên đường. Là một khu ẩm thực mang khung cảnh miệt vườn. Cổng vào, và mặt tiền được trang trí bằng những hàng tre, trúc và phía bên trong là những hàng cau nằm rãi rác trong khu vườn rộng. Một vài cô tiếp viên đứng chào đón khách bên cổng vào. Chen lẫn bên cạnh những bóng đèn màu dưới giàng hoa Thiên Lý có đề hàng chữ “Quán Trầu Cau.”
“Quán tên ngộ hỉ! Trầu Cau, nghe có vẽ như ai lên xe hoa vậy Búm.”
“Nhỏ bạn Búm chỉ chỗ nầy, nói ngon lắm đó.”
“Ngon không không biết nhưng mới nghe tên gọi là thấy ấm cúng rồi. Búm chọn chỗ hay lắm.”
Kỷ dắt xe vào cổng, dựng trong sân rồi cùng Búm bước vào căn nhà không vách, nơi những bàn ăn được đặt san sát bên nhau. Và thực khách khá đông.
“Búm đi chợ dùm nhe.”
“Ừ, để Búm chọn cho. Mà ngon dở ráng chịu nghen. Anh muốn uống gì?”
“Ông gìa đi bộ trên đá.”
“Là gì?”
“Búm gọi bồi bàn biết mà. Là Whiskey trên đá đó (Scotch on the rock).”
“Sao gọi là ông già?”
“Búm nhìn kia kìa, ở đây chỉ thấy toàn là Johnny Walker (Scotch Whiskey) đầy bàn thôi, Búm thấy chai rượu có hình ông già đó không.”
“Chắc anh uống rượu dữ lắm hả?”
“Chỉ uống khi nào vui thôi.”
“Hôm nay có gì đây mà vui?”
“Ngồi đây ăn với người đẹp là vui rồi.”
“Nịnh đầm giỏi hén.”
“Vậy là hai lần được khen giỏi rồi hả!”
“Sao hai lần? Nhưng sao Búm thấy mấy ông nhậu nhẹt ăn toàn những thứ độc không à, như ớt xoài ổi hay chỉ có một cây tăm chấm mắm ruốt rồi mút thôi. Còn anh, thích ăn gì khi nhậu?”
“Búm quên rồi sao, hôm trước đó. Anh thì gặp cái gì cũng ăn hết, nhưng ngon nhứt là lấy cây tăm chấm mút đó! Búm thích uống gì?”
“Cái gì cũng ăn mà anh có ăn hiếp không? Cho Búm ly Chè Ba Màu.”
Kỷ ngoắc tay gọi người bồi bàn lại, và Búm gọi thức ăn.
Tiếng cười, nói hòa lẫn trong bửa ăn và khi những ngọn đèn màu trong sân bắt đầu lung linh, Kỷ nhìn Búm:
“Hồng có nói gì với Búm không?”
“Không, Búm không nghe Hồng nói gì hết. Mà nói cái gì vậy anh?”
“Vậy hả, thôi để hôm nào tiện Kỷ nói nghe.”
“Sao anh không nói hôm nay đi?”
“Cũng muốn nói lắm, nhưng không biết phải bắt đâu làm sao.”
“Khó vậy sao? Mà cái gì vậy?”
“Ừ. Mà Búm có … có bố chưa?”
“Ở tuổi Búm nói chưa thì xạo hén. Nhưng bố chỉ là bạn thôi. Anh hỏi làm chi?”
“À, chỉ hỏi chơi thôi. Thôi không hỏi nữa.”
“Đang muốn nói lại không nói. Đang hỏi lại không hỏi, sao anh chỉ biết làm người đối diện tức chết không vậy.”
“Ủa! Tức chi cho mệt chứ.”
“Anh ở đâu về đây?”
“Ủa! Hồng không nói cho Búm biết sao.”
“Đã nói Hồng không nói gì hết mà. Mà sao cái gì cũng Hồng nói là sao?”
“Anh tưởng bạn gái thân nhau thì cái gì cũng mang ra nói cho nhau nghe chứ. Nhưng không sao, anh bên Tây về đây thăm.”
“Ý anh nói con gái tụi em nhiều chuyện phải hong. Tây nó rộng chình ình, anh phải nói nước nào mới biết chứ.”
“À, thì Pháp đó. Bắt bẻ quá hén.”
“Anh về đây chi vậy? Ở bên Pháp chắc sướng lắm hả anh?”
“Thăm nhà. Ở đâu cũng vậy thôi, sướng khổ đều có tính tương đối hết Búm. Có người thì thấy chán chường nhưng có người thì bằng mọi cách phải lao đầu vào.”
“Anh chỉ về đây thăm nhà thôi sao?”
“Còn một chuyện nữa.”
“Anh đợi chừng nào mới chịu khai ra luôn.”
“Chỉ khai khi gặp đúng lúc thôi. Khai bậy bạ bị con gái nó chê chết.”
“Rắn! Rắn kìa!” Búm nhìn thẳng về phía Kỷ và la hoảng lên.
Tiếng la và ngón tay Búm chỉ về phía sau lưng Kỷ đã đột ngột biến khuôn mặt Kỷ từ đỏ sang xanh, và phì, phì những giọt rượu còn trong miệng bay ra vù vù như làng sương trên mặt bàn! Kỷ rút chân lên khỏi mặt đất và hất hãi la:
“Đâu, đâu, rắn đâu!”
“Trong cái lồng treo ở hàng rào sau lưng anh đó!”
“Em ác thiệt, làm anh sợ muốn chết. Cứ tưởng…”
“Bự con vậy mà nhát như thỏ hén. Rắn trong lồng mắc mớ gì mà sợ dữ vậy.”
“Làm sao anh biết trong lồng chứ.”
“Thôi, để Búm đưa anh về nhe.”
“Giận rồi sao? Hay là để anh chở Búm về cho nhe.”
“Giận chi. Tại anh chọc người ta nên chọc lại cho huề thôi. Không được đâu, anh chạy về khách sạn rồi Búm tự chạy về một mình.”
“Anh muốn ghé cho biết chỗ ở của Búm mà không cho sao.”
“Không. Chỗ Búm ở không cho ai biết hết. Không chỉ riêng anh đâu.”
“Vậy thì thôi. Anh không giám phá luật của Búm đâu. Nhưng nhà Búm ở quận mấy?”
“Quận Tám.”
“Vậy thì mình đi về thôi. Trời cũng gần tối mà nơi Búm ở thì xa. Thật sự anh muốn đưa Búm về nhà cho yên tâm.”
“Cám ơn anh. Nhưng không sao đâu. Búm sống ở đây lâu rồi cũng quen.”
Kỷ gọi bồi bàn tính tiền rồi đưa Búm ra xe. Buổi tối trời Sài Gòn yên lặng. Những cây me nằm im ngắm nhìn những vì sao lạc, đó đây một vài tiếng ve gọi sầu đang chìm dần trong không gian tĩnh lặng, và giữa lòng thành phố có những tâm hồn đang ray rức.
Xe dừng trước khách sạn Tiếng Ve:
“Búm lái xe về cẩn thận. Hẹn gặp lại sau nhe.”
“Dạ, chúc anh ngủ ngon.”
Tiếng máy xe nhỏ dần, và bóng hình Búm cũng khuất giữa phố đêm.
4
Khách sạn Tiếng Ve dường như lúc nào cũng yên lặng. Những người khách ngoại quốc đến và đi không sầm uất như những nơi khác. Xe hơi chỉ được đổ khách trước đường rồi đi, phần trệt khách sạn có một phòng nhỏ dùng để xe hai bánh. Có lẽ vì vậy mà giá cả phòng ở đây cũng tương đối dễ chịu. Những buổi chiều Kỷ hay lê la dưới phòng tiếp tân xem báo và trò chuyện với những nhân viên tiếp tân. Hôm mới đến Kỷ làm thủ tục đặt phòng, người thiếu nữ tiếp viên hỏi:
“Anh cần phòng mấy ngày?”
“Anh không biết nữa. Anh muốn đăng ký một tuần nhưng có thể đi sớm hơn, nếu không cần ở nữa, được không em?”
“Dạ được, anh đăng một tuần thì giá rẽ hơn từng ngày, khi không ở thì anh đi.”
“Vậy cũng được, đăng cho anh một tuần đi. À! Còn giấy thị thực chỗ ở này em chứng nhận cho anh được không?”
“Dạ được, anh đưa đây em đóng dấu cho.”
Kỷ trao mẫu đơn tạm trú do phi trường phát khi Kỷ đáp máy bay cho người thiếu nữ.
“Ủa! Mấy ngày trước anh ở đâu?”
“Anh ở với người anh trên Hóc Môn, em có thể đề ngày anh ở đây cho nguyên chuyến thăm Việt Nam được không?”
Người thiếu nữ nhìn Kỷ một thoáng, mĩm cười và nói:
“Đáng lẽ em không dám làm chuyện nầy nhưng thôi để em ghi trọn chuyến đi anh ở đây cho anh.”
“Cám ơn em nhe.”
“Không có chi. Đây, giấy tờ tạm trú xong rồi đây. Mà anh ở đây có một mình thôi sao?”
“Ừ, anh ở một mình đây thôi.”
“Chúc anh ở đây vui vẽ. Có gì cần anh cứ gọi em nhe.”
Mấy ngày nay Kỷ vẫn đi về trong căn phòng nhỏ của khách sạn Tiếng Ve. Chiều nay Kỷ trở lại ngồi trong phòng tiếp tân nhìn ra đường mà lòng buâng khuâng. Kỷ rút ra điếu thuốc gõ xuống mặt bàn vài cái cho điếu thuốc chặc lại rồi bật lửa đốt. Buông mình trên chiếc ghế salon ngồi nhìn ra đường. Ngoài kia bóng người như dòng nước chảy đều trên con sông nhỏ, những con nước âm thầm xui theo dòng đời. Kỷ rít một hơi thật dài rồi thả khói thuốc cho lan tỏa ra không gian; nhớ lại mấy ngày nay gặp Búm Kỷ nheo mắt tự nói một mình: “Lạ thật, người con gái nầy làm mình suy tư thật nhiều. Mời vào phòng thăm chơi thì không chịu vào mà nói cho mình đến nhà thăm chơi thì cũng không cho, sao trên đời lại có người con gái khắc khe quá! Nhưng hình như nàng cũng thắc mắc muốn biết mình muốn nói gì kia mà! Để mình hỏi thử xem sao.” Những ý nghĩ bung lung về Búm mãi xâm chiếm trong đầu Kỷ, chàng dụi tắt điếu thuốc và bước về phòng. Những tiếng ve sầu lại trỗi lên trong hàng cây me bên đường.
Sáng ngày hôm sau thức dậy Kỷ kêu xe chạy về Hóc Môn thăm người bạn cũ. Mới vừa đến ngõ người bạn gọi:
“Vô đây, vô đây. Nghe nói mầy về mấy ngày nay mà sao bi giờ mới đến đây, bận đi cua gái phải không.”
Tiếng nói sang sảng của Thanh, thằng bạn cũ.
“Mầy lúc nào cũng vậy, hể gặp mặt là nghĩ tới chuyện đờn bà con gái, sao mầy không tu đi cho người ta nhờ. Sao, mấy nay làm ăn ra sao rồi?”
“Tao có làm gì đâu, chỉ ăn không thôi, hè hè. Vô đây làm ly chơi.”
“Hôm trước tao đến đây, hỏi mầy đâu, vợ mầy chỉ ra chuồng heo. Sao mầy bệ rạc quá vậy.”
“Thì khi tao say rồi, ngủ giường lèo hay ngủ chuồng heo có khác gì đâu.”
“Tao nghe nói mỗi lần say là vợ mầy khiêng bỏ vào chuồng heo, có đúng vậy không?”
“Thì mầy biết rồi, hỏi chi nữa. Mà mụ vợ tao đâu có hiểu cuộc đời thiếu rụ nó ra làm sao đâu.”
“Mà sao mầy uống chi dữ vậy. Uống say như Tây Độc còn gì thú vị.”
“Không nhớ từ lúc nào tao uống nhiều như vậy. Chỉ nhớ mỗi lần con vợ tao nó cho ra một con vịt sim là tao từ bệnh viên chạy thẳng ra tiệm ộc một xị. Mầy thấy không, đếm từ dưới lên trên tao có đến sáu con vit sim không thôi. Chán chết, lấy gì nối giòng dõi, không uống sao được. Mà mầy biết hông, mỗi lần tao say là mụ vợ tao lại gài cho ra một con vịt, tao rầu gần chết. Thôi làm ly đi.”
“Vịt đực vịt cái là do mầy chứ, vợ mầy có dính dáng gì đâu.”
“Mầy nói vậy mà nghe được à. Tao hỏi mầy chứ ai sinh ra con, nếu không phải là vợ tao thì chắc tao đi ngược chân lên trời quá. Đờn ông tao với mầy chỉ gởi hàng thôi, đâu có sinh đẻ đâu, à, phải hông. Tao thì khoái có thằng cu dẫn đi câu cá chơi mà không lần nào nó chìu ý tao hết. Mầy tức hông.”
“Ha ha, tao sợ mầy rồi. Mầy bướng quá chỉ khổ cho vợ mầy thôi. Mầy có nghe ai nói trứng đực trứng cái không, hay là chỉ có tinh trùng đực tinh trùng cái thôi. Ha ha, chắc ông trời chỉ cho mầy làm ông ngoại thôi. Nhưng nề, hỏi mầy có rành đờn bà con gái không?”
“Nhà tao toàn là cái thứ đó không, không rành chứ rành cái thứ gì đây. Mầy muốn biết chuyện gì? Hay là bị cô nào làm eo phải hông. Nhưng mà coi chừng, mấy nhỏ thứ thiệt hay làm eo lắm.”
“Thứ thiệt, làm eo. Thôi được rồi tao không hỏi mầy nữa. Bây giờ tao phải đi về, hôm nao rảnh sẽ uống với mầy một chầu cho biết.”
“Ai đời mầy lại rủ tao uống cho biết, ha ha. Được, hôm nào lên đây.”
Kỷ nốc vài giọt rượu còn lại trong ly, tạm biệt Thanh. Ra đến đầu ngõ Kỷ dừng bên lề đường, rút điện thoại cầm tay ra:
“Alô, Búm đó hả. Sáng thứ Bảy nầy anh muốn…..”
Nói một hồi, xong, Kỷ bước đến ngã ba đường. Dưới gốc cây có người đàn ông ngồi trên chiếc xe Honda, một chiếc nón bảo hiểm đang đậu trên đầu và một chiếc treo lủng lẳng bên xe; mắt đăm chiêu nhìn vào những người khách đi bộ trên đường. Kỷ bước tới gõ nhẹ lên vai và hỏi:
“Anh đi về xã Đông Thạnh không?”
“Đi Mỹ tui cũng đi chứ nói chi xã Đông Thạnh. Ông anh leo lên đi.”
“Bao nhiêu?”
Người đàn ông nhìn Kỷ rồi nhỏ nhẹ nói:
“Anh cho 20 nghìn.”
“Được.”
Người đàn ông trao chiếc nón bảo hiểm cho Kỷ. Từ đó người tài xế xe ôm luôn tươi cười và kể cho Kỷ nghe câu chuyện tiếu lâm giữa chiếc nón bảo hiểm, cái khẩu trang và công an:
“Anh biết không, mấy cô bi giờ ra đường thì mặc khẩu trang che kín mặt và thường làm tóc cho đẹp, mà mấy ổng bắt đội nón bảo hiểm thì còn gì mái tóc đẹp, phải hong. Một hôm có con mẹ kia ăn mặc, tóc tai và dáng vóc trông đẹp mê hồn. Không đội nón bảo hiểm, đang lái xe vội vàng chạy boong boong trên đường thì bị tên công an thổi “toét”, ngừng xe lại. Công an từ phía sau đi đến chim ngưỡng đôi chân dài. Đến nơi thấy người đàn bà mặc khẩu trang che kín mít, công an bảo: “Đưa giấy xe coi.” Người đàn bà cảm thấy bực bội, liền quát: “Bà nội ông, tui đây mà cũng làm tiền sao.” Xong mở khẩu trang ra. Công an liền nói: “Bà nội tui cũng không dám ăn nói chi em. Em đi đâu đây?” Thì ra người đàn bà kia là vợ của công an nọ! Hè hè, Sài Gòn bi giờ là vậy đó.”
Kỷ cười nắc nẻ, bảo người tài xế xe ôm ngừng lại trước khu chợ xã Đông Thạnh.
5
Những chiều thứ Sáu Búm rời cơ quan về phòng trọ, thay quần áo xong ra chợ mua ít bánh kẹo rồi chạy về nhà người chị ở cổng số 11 Phú Nhuận. Từ ngày ở trọ khu Phạm Thế Hiển dường như cuối tuần nào Búm cũng về nhà người chị để nghỉ ngơi và ăn uống, ngoại trừ những tuần đi công tác xa hay quá mệt nhọc vì công việc ở cơ quan.
Nhưng thứ Sáu này thì khác. Buổi sáng đi làm Búm mang theo vài bộ đồ “vía” và ít đồ ngủ. Khi tan sở Búm vào phòng vệ sinh thay đồ, chải lại mái tóc, quẹt lên môi vài vệt son, và chạm chút phấn mỏng cho má thêm hồng. Nhìn trong gương Búm thấy dung nhan đã qua cái thời son sắc. Búm rùn mình chụp lên đầu chiếc nón rộng vành để che đi những tia nắng thời gian. Búm có cảm giác như mình đã mất một cái gì quý báu nhứt của thời con gái. Búm bước ra sân đậu xe, đề máy và chạy thẳng về quận Tư.
Đến đường Tôn Đản Búm quẹo vào con hẻm nhỏ. Những căn hộ mới được xây cất, nằm san sát bên nhau. Con hẻm đang trong quá trình xây dựng nên để lại rác rến, sỏi đá nằm ngỗn ngang trên mặt đường đất sét. Búm dừng xe trước căn hộ nhỏ, bấm chuông.
“A! Mấy nay vui quá quên tui rồi nên bây giờ mới đến.” Tiếng nói của Hồng.
“Vui cái gì mà vui. Mở cửa coi.”
“Rồi, vô đi. Không vui sao thấy mặt mày đỏ bừng thế này.”
“Mỗi lần chạy vào con đường Tôn Đản mà mặt mày không đỏ mới vui chứ. Mình chạy xe mà run gần chết đây.”
“Mấy hôm nay hai người đi đâu, làm gì, khai ra nghe coi.”
“Đi lanh quanh trong thành phố thôi, còn làm gì ngu sao khai. À mà bồ quen anh Kỷ thân lắm không?”
“Thân lắm thì không thân lắm. Mình biết anh ấy vào một buổi chiều cuối năm, khi mình dạo chơi trên bãi biển.”
“Chỉ vậy thôi sao?”
“Ừ, chỉ vậy thôi. Năm đó mình về quê ở Cần Giờ ăn Tết, buổi chiều mình dạo chơi trong rừng dương bên bờ biển, gặp anh ấy và quen nhau từ đó. Mà sao vậy?”
“Không sao hết, chỉ thấy cái gì anh ấy cũng hỏi: Hồng nói cho Búm nghe chưa? Nên nghĩ chắc hai người thân nhau lắm, vậy thôi. Mà nè, Hồng có hiểu nhiều về hoàng cảnh anh ấy không?”
“Không. Chỉ biết anh ấy có ý định về quê lập gia đình vậy thôi. Anh ấy có đề cập gì với Búm không?”
“Chỉ úp úp mở mở. Nhưng có chuyện này mình muốn hỏi ý kiến Hồng xem sao. Hôm nọ ảnh gọi điện cho mình và nói muốn đưa mình đi du lịch chơi ở Cần Thơ vào thứ Bảy này. Mình suy nghĩ hoài, không biết có nên đi hay không. Hồng thấy sao?”
“Mình thấy ảnh hiền và có vẽ sống nội tâm nhiều. Ngoài ra vì ít liên lạc nên không biết nhiều về ảnh. Búm có cảm giác gì trong những lần đi chơi với ảnh?”
“Thấy tự nhiên và dễ nói chuyện với ảnh vậy thôi, đôi khi cũng thấy vui khi có ảnh đi bên cạnh.”
“Thấy vui khi đi bên cạnh là được rồi. Búm đi chơi một chuyến đi, nhưng nên cẩn thận là tốt.”
“Ừ, để mình xem sao. Bây giờ mình phải đi về, hôm nào sẽ đến thăm Hồng nhe.”
“Búm ngủ đây tối nay đi. Tối rồi đi đâu nữa.”
“Thôi, nhà Hồng đông Búm không dám làm phiền đâu, khi nào bồ dọn về nhà mới Búm sẽ ghé ngủ qua đêm nói chuyện chơi. Thôi, mình đi kẻo tối nghen.”
Tạm biệt Hồng xong Búm mở điện thoại cầm tay ra gọi.
Nữa giờ sau Búm bấm chuông cổng nhà Thu. Mới vừa mở cổng Thu nói:
“Bà thấy hôm nay tui cao thêm một chút không?”
“Như con vịt đẹt chứ có thấy cao thêm gì đâu. Ăn cái gì mà dài thêm ra chứ?”
“Ăn gì đâu, chỉ lâu lâu hẹn hò với bà là thấy cao thêm ra thôi.”
“Tại sao?”
“Thì bà cho tui đợi dài cổ ra chứ sao. Nói đến liền mà bi giờ mới ló mặt.”
“À đúng đó, cho bà dài thêm ra chút để nhỏ Hồng khỏi chê bà thiếu thước.”
“Nhắc đến nhỏ đó tui giận ứa gan.”
“Sao giận chi dữ vậy?”
“Bà nhớ hôm nọ bà và tui gặp nó ở tiệm nó không? Ai đời mời bà đi ăn mà không thèm đếm xỉa đến tui một lời, còn bảo tui mang xách bà về trước dùm nữa chứ. Hôm đó không nễ bà tui chửi cho nó một trận cho biết mặt tui, tui đâu phải thứ ham ăn đâu, nhưng mà phải biết lịch sự một chút chứ. Còn nữa, tướng nó mà bảo sắp lập trung tâm đào tạo người mẫu, nghe mắc cười, cả Sài Gòn bây giờ chưa ai dám làm nổi chuyện đó. Nổ vừa thôi. Thôi, bà đừng nhắc tên con mắc dịch đó trước mặt tui nữa nghe hong.”
Nói một hơi, xong, Thu đưa tay hất những sới tóc về phía sau, mặt dịu lại.
“Trời! Nhớ dai dữ hén. Ừa, thôi không nhắc tới nhỏ đó nữa. Bà trèo lên xe tui chở đi ăn bánh xèo miền Trung cho bớt giận.”
“Tại sao phải ăn bánh xèo miền Trung, sao không ăn bánh “bánh cơm cháy” cho ngon.”
“Bánh cơm cháy là bánh gì?”
“Pizza đó.”
“Thôi đi, cho tui còn kêu lính bắt đừng nói mua ăn.”
“Vậy đi ăn ở đâu đây?”
“Đường Bàn Cờ, quận Năm.”
Thu leo lên sau xe, chiếc xe Dream màu mừng quân từ từ lăn bánh. Thu chồm mình về phía trước, ôm chặc Búm như đôi tình nhân đã quen từ lâu.
“Sao, mấy hôm nay vui sướng lắm phải hong, kể nghe coi.” Thu nói.
“Làm gì mà sướng. Đang lo đây nề.”
“Chứ không đi ăn uống với anh Kỷ ở nhà hàng Hoàng Long sao?”
“Không. Mình và anh ấy ăn ở quán Trầu Cau.”
“Ý cha, sao anh ấy tâm lý quá hén, ăn ở quán Trầu Cau, bộ tính tập sự hay sao?”
“Tập sự gì, mà quán Trầu Cau do mình chọn chứ đâu phải anh ấy chọn đâu.”
“Ý cha, thì ra bạn tui còn tâm lý hơn anh chàng kia nữa. Ăn món gì trong đó, mấy mân, rượu mấy chai và bao nhiêu cặp đi quả? Lẹ hả.”
“Thôi mẹ ơi, đừng có tưởng tượng nhiều quá nghe hong. Đi ăn nhà hàng chứ bộ đi lể hỏi sao. Rỏ ởm ờ quá đi.”
Những lời chuyện trò nhí nhảnh không đâu vào đâu từ hai người bạn, rồi những tiếng cười khúc khích cứ len lỏi trên những đường phố Sài Gòn. Búm và Thu đã hòa nhập vào dòng người đang đi ăn tối ở thành phố về đêm. Lúc này những con đường vừa trải qua một cơn ngủ say dưới buổi trưa nóng ray rức của khí hậu miền nhiệt đới, giờ đã trổi dậy với một nhịp sống mới. Những bàn ăn, ghế nhựa, và những tấm quản cáo thực đơn lần lượt bò ra và xâm chím vỉa hè. Những lời mời cứ tiếp tục kêu gọi ra rã, nhiều khi chỉ phát ra rồi bay lạc vào chân không. Nhưng rồi Sài Gòn vẫn mãi sống lại sau những trưa hè mệt mỏi, hàng hàng người Sài Gòn lại đổ ra đường tìm đến những quán ăn bình dân, và tiếng cười, nói làm che lấp những nhọc nhằn của tám giờ qua. Búm dựng xe bên vỉa hè, bước vào quán ăn nhỏ chật ních người với Thu. Đôi bạn kéo chiếc ghế nhựa ngồi chung bàn với vài người xa lạ. Một lát sau hai dĩa bánh xèo nóng dòn còn bốc hơi được mang ra với rau xà lách xanh ngon. Những chiếc bánh xèo miền Trung nhỏ, dày, được đổ trong khuông đất bay mùi thơm của tôm và thịt làm cho bụng đói không chờ đợi nổi phải kêu thành tiếng. Bốn bàn tay thon thon của Búm và Thu liền nhào lộn vào dĩa bánh, bức xé và cuộn tròn từng miếng bánh xèo trong mảnh rau xanh, và bốn con mắt nhìn nhau nở một nụ cười tươi: cùng nhau chấm miếng bánh xèo vào chén nước mắm. Hai cái bánh biến đi một cách nhanh chóng như tiếng xèo trong chảo khi người thợ vừa đổ phểu bột đầu tay!
“Sao, bà tính sao?” Thu vừa hút cụm nước trong ly vừa hỏi Búm.
“Sao là sao?”
“Thì có đi chơi với anh Kỷ ở Ninh Kiều không chứ sao.”
“Theo bồ thì có nên đi không? Mình chỉ biết người ta có vài ba lần thôi, tui thấy làm sao đó.”
“Đi. Tui là đi liền. Chời, có người dẫn đi Ninh Kiều Tây Đô chơi mà không đi uổng lắm.”
“Bà nghĩ như vậy hả. Được. Mình sẽ gọi điện thọai trả lời cho anh ấy ngày mai đi. Nhưng bây giờ bà đi cùng tui ghé nhà nhỏ bạn gần đây một chút.”
“Nhỏ nào, chi vậy?”
“Nhỏ luật sư Mai bà gặp hôm nọ đó. Tui cần ghé căn hộ nó mượn cái vali nhỏ.”
“À! Có phải Mai luật sư chân dài ở chung phòng với mấy nhỏ cắt tóc đó không?”
“Ừ nó đó. Thôi mình đi kẻo tối.”
Búm thanh toán tiền hai dĩa bánh xèo và hai ly nước cam xong ra xe. Hai người bạn đèo nhau trên xe Honda chạy về căn hộ trên đường Cống Quỳnh. Lầu trệt căn hộ dùng làm tiệm cắt tóc giờ này đã đóng cửa. Búm bấm chuông đưa mắt liếc nhìn qua khe cửa sắt. Một người con gái mở cửa:
“Chị Búm, lâu quá không ghé thăm tui em chơi. Chị vô đi, mời chị kia nữa.”
“À em, đây là Thu, bạn của chị. Còn đây là Hiền. Có Mai nhà không cưng?”
“Chị khỏi hỏi, chị Mai lúc nào cũng ở nhà, có đi đâu đâu.”
Búm và Thu theo chân Hiền bước lên lầu.
“A! Bạn hiền, bạn hiền của tui đi đâu đây?”
Theo sau là tiếng cười dẽo đeo của Mai.
“Luật sư có khác hén, miệng bằng tay tay bằng miệng. Mà sao hôm nay nằm chèo queo đây, không đi chơi đâu sao?”
“Búm biết mình quá mà, không có xe mà cũng chẳng ai chở thì đi đâu bi giờ.”
“À, mà Sài Gòn chắc chỉ có Mai thôi. Ăn học ở đây mấy năm mà không biết chạy xe Honda, rõ quê làm sao.”
“Học chạy xe cho cho mệt xác chứ, nếu có đi đâu thì đã có tài xế riêng, không sướng sao.”
“Tài xế đâu?”
“À, thì xe ôm, xe xích lô đạp đó. Còn muốn sang hơn nữa thì chơi xe taxi hay xe đò, phải sướng hơn không.”
“Thua bà luôn.”
Trong căn phòng nhỏ, bốn người thiếu nữ và Mai hằng ngày vẫn quay quần sau giờ cơm tối. Hôm nay, trong góc phòng nhỏ những âm thanh rò rè phát ra từ chiếc tivi cũ rích. Ba nàng con gái dán mắt vào màng ảnh tivi và lâu lâu lại cười khúc khích. Búm tò mò nhìn vào thì:
“Mèn ơi! Mấy mẹ xem cái gì kỳ cục vậy!” Mặt Búm đỏ bừng lên.
Một người thiếu nữ, Diệu, đang ngồi tựa cửa sổ nhìn ra đường, trên tay đang cầm một tờ nhật trình đầy hình ảnh màu sắc, nghe Búm nói liền chạy lại:
“Để Diệu kể chị Búm nghe nghen. Hôm nọ thấy anh chàng kia cùng cô nhỏ, vui lắm. Hể anh chàng kia ấn người một cái là nhỏ nhúc nhích trồi người lên đầu giường, ấn cái nữa, nhỏ lại nhúc nhích trồi người lên đâu giường. Một hồi sau ấn cái nữa, nhỏ hết chỗ trồi lên, bèn vỡ khóc, và la lên.”
“La sao.” Mai hỏi.
“Thì chị Mai cũng thấy khúc phim đó mà hỏi cái gì.”
“Nhiều quá đâu có nhớ.”
“Thì nhỏ đó la: Chắc em chết quá! Hì hì chị Mai nhớ chưa. Làm anh chàng kia hoảng sợ, mặt tái nghét nhìn nhỏ trân trân, hỏi: Sao, sao vậy em, em có sao không? Nhỏ ngấn lệ, nói nhỏ: Sướng quá! Anh chàng thở phào một cái, người lạnh tanh, xong, thu dọn chiến trường đi ngủ mất tiêu.”
“Tui lạy mấy mẹ, mấy mẹ ăn không ngồi rồi xem toàn những chuyện bịnh hoạn không à. Thôi, Mai cho tui mượn cái valy nhỏ đi.”
“Hì hì, chi mà mắc cở vậy Búm.” Mai cười nhìn Thu. Nhờ Thu huấn luyện nhỏ Búm dùm nghe. To cái đầu rồi mà mắc cở như con nít.
“Hay là cho Búm về ở chung với mấy bồ một tháng là xong ngay, hì hì.” Thu nhìn Búm cười.
“Thôi mẹ, để con đi về kẻo tối, con còn phải sắp xếp quần áo vào valy để ngày mai đi Tây Đô nữa. Con sợ mấy mẹ rồi.”
Búm cầm chiếc valy cùng Thu bước xuống lầu. Hiền chạy đến cầu thang nói vói theo: “Chị Búm nhớ đừng la: chắc em chít quá anh ơi, nghen.” Sau lưng lại nổi lên những tiếng cười khúc khích.
Sáng thứ Bảy, sau nhiều lần lưỡng lự Búm lấy taxi chạy lên đường Hồng Thập Tự gặp Kỷ, lòng bồi hồi không biết vui hay buồn.
6
Chiếc xe taxi bốn chỗ ngồi chở Búm và Kỷ rời thành phố Sài Gòn lúc tám giờ sáng chạy ngược về quận 7 để bắt vào đại lộ Nam Sài Gòn đi Long An. Qua khỏi địa phận quận 7 đại lộ Nam Sài Gòn rộng thênh thang và trống vắng, hai bên đường là những thửa ruộng trống. Đó đây một vài căn nhà lụp xụp lợp bằng lá dừa nước bên đường, trước sân được đổ sỏi đá và năm ba chiếc ghế đặt bên cạnh gốc cây trứng cá. Nhìn vào cánh đồng trống, những thửa ruộng cỏ mọc chung quanh bờ chừa lại những vũng nước như những mặt hồ im lìm và phẳng lặng, làm gương soi hình cảnh vật cây cỏ và côn trùng của thế giới hồn nhiên. Những chú dế, cào cào, châu chấu và những loài chim nhỏ bé Manh Manh nhảy nhót chuyền cành qua những ngọn cỏ.
Chiếc xe taxi vẫn chạy đều trên con đường nhựa, Kỷ đưa mắt nhìn qua cửa sổ xa về tận chân trời:
“Quê hương mình đẹp quá!”
“Chỉ thấy cỏ nước với những vũng lầy, có gì lạ đâu mà đẹp anh?”
“Búm không thấy đó, những thứ này mới là cái đẹp của quê hương ruộng đồng. Nhất là khi Búm không còn sống trên chính quê hương mình. Nhiều khi những cái mình thấy hằng ngày và cho là rất tầm thường lại là những điều mình nhớ nhất một khi không còn có nó.”
“Hèn chi Hồng nói anh sống bằng nội tâm nhiều. Triết lý dữ hả.”
“Vậy sao. Nhưng thôi Búm thấy đói bụng chưa, mình ngừng lại chỗ nào ăn sáng và cho bác tài nghỉ nữa chứ.”
“Anh hỏi bác tài gần đây có chỗ nào ăn thì ngừng. Nghề của bác tài mà.”
“Chỉ còn nửa tiếng nữa là đến phà Bắc Mỹ Thuận, bên kia đầu phà anh chị ngừng lại ăn ngon hơn.” Người tài xế đáp.
“Vậy cũng được. Qua phà Bắc Mỹ Thuận anh ngừng xe lại tiệm nào có món chim nướng tụi mình ăn sáng nhe.”
Từ Long An, con đường về Tây Đô chạy qua những cánh đồng bát ngát của miền đồng bằng sông Cữu Long. Dọc theo hai bên đường nhà cửa mọc lên càng ngày càng nhiều. Thỉnh thoảng người đi đường bắt gặp một vài “biệt thự vườn” nằm xa xa bên trong mặt lộ: mái ngói cong, nằm ẩn núp dưới những tàn cây ăn trái, và con đường dài dẫn vào nhà với hai bên là hai hàng cây to rậm phủ kín che cả bầu trời màu xanh. Nhìn phong cảnh nên thơ, lãng mạn bên cạnh những cánh đồng lúa chín Búm lại nhớ câu chuyện của một cô bé chân nhảy sáo tung tăng trên lối đi mòn cỏ, dài hun hút dẫn vào nhà viên Ngoại ở một miền quê mỗi lần Hè về. Cô bé trở về thăm Ngoại mang theo biết bao sự tò mò của những đứa trẻ miền quê, rồi Hè qua cô bé cũng ra đi, chỉ để lại nhiều luyến tiếc!
Chiếc xe taxi chạy chậm lại, hòa nhập vào đoàn người chen chúc trên khoảng đường dẫn vào bến phà Bắc Mỹ Thuận. Khúc đường ngắn dẫn vào bến phà trở thành một “khu phố” tấp nập. Nơi đây, người sang, kẻ hèn đều có. Có những người lớn có, nhỏ có, miệng rao lanh lảnh và mắt đưa nhìn như khẩn cầu. Và cũng có những người đưa mắt nhìn về một nơi xa xăm trên sông Tiền, mặt thờ ơ. Khi con phà cập bến, tất cả họ đều qua sông, lắm người sang trọng lại tiếp tục cuộc hành trình, và những kẻ hèn mọn quay lại với con phà và lời rao mời mọc lại tiếp tục, như con sông vẫn mời mọc những đám lục bình.
Phà Bắc Mỹ Thuận đổ bến, mọi người đùa nhau lên bờ. Tiếng máy xe hòa lẫn tiếng người rộn ràng như buổi chợ rồi phai dần khi đoàn người rời bến. Con phà Bắc Mỹ Thuận máy vẫn nổ ì ạch nằm chờ khách. Bên cạnh bến phà náo nhiệt là hình bóng một chiếc cầu nguy nga đang thành hình. Chỉ còn vài ba năm nữa con phà Bắc Mỹ Thuận sẽ đi vào lịch sử và cuộc sống của những mảnh đời hai bên bến phà cũng sẽ đi vào dĩ vãng. Nhưng hình ảnh con phà Bắc Mỹ Thuận chắc sẽ còn trong tâm tư của rất nhiều người, những người đã từng tìm cuộc sống và những người đã từng qua sông Tiền trên chiếc phà này!
Chiếc xe ngừng lại trước một quán ăn bên lề đường, Kỷ, Búm bước vào ngồi bên chiếc bàn nhỏ nhìn ra mặt đường.
“Em thích ăn món gì?” Kỷ hỏi.
“Canh chua, anh gọi món canh chua cho em nghe, em nghe nói canh chua miền Tây ngon lắm.”
“Ừ, anh gọi tô canh chua cho Búm và hai xâu chim nướng ăn thử.”
“Sao anh thích ăn chim quá vậy?”
“Chim mà ai lại không thích, nhất là chim nướng của miền đông bằng sông Cữu Long này, Búm không thấy trên phà người ta mời mua những xâu chim nướng trông chảy nước miếng đó sao.”
“Anh thích chim lớn hay chim nhỏ?”
“Hì hì, Búm hỏi nghe mắc cở thấy mồ. Ai mà thích chim lớn, chim nhỏ nướng mới ngon. Ngày xưa quê anh có món đặc sản này đó, Búm có nghe chưa?”
“Anh mà mắc cở gì, mắc dịch thì có! Món gì, mà quê anh ở đâu?”
“Anh quê ở Quảng Ngãi. Chim mía đặc sản của Quảng Ngãi đó, chim mía Quảng Ngãi nho nhỏ nướng xỏ thành xâu, ăn ngon lắm.”
“Ủa! Sao em thấy chim ở đây người ta bán chim bự không, sao Quảng Ngãi của anh chỉ có chim mía nho nhỏ không vậy? Mà chim mía là chim gì?”
“Chim mía là đủ loại chim hết, như chốc là dòng dọc đậu mũ quành quạch chàng làng, vv… những loại chim có ở địa phương ban ngày đi ăn mọi nơi tối về ngủ trong mía đó. Mấy người dân khỏe mạnh ở quê anh chiều chiều trước khi trời tối họ ra đám mía rình rồi đặt lưới, đợi khi chim về mía ngủ đông đảo họ phóng lưới chụp bắt cả trăm con về nhổ lông đem nướng nhậu.”
“Ác hén, chim người ta mà đem nhổ lông hết, ác thiệt.”
“Thôi mình ăn rồi còn đi nữa.”
“Còn bao lâu nữa mới đến Ninh Kiều anh?”
“Mình đi được hai tiếng rồi, còn khoảng hai tiếng nữa là đến bến Ninh Kiều.”
Ra khỏi quán ăn taxi chạy thẳng về Vĩnh Long. Con đường nơi đây bằng phẳng, im lặng như mặt nước mùa thu, chỉ có những cánh đồng bao la và những ngọn cây thấp nằm chen chúc trong làng mạc ruộng đồng. Nhiều đám ruộng lúa đã ươm thành màu vàng chen lẫn với những đám còn xanh và những cánh cò trắng như bông tạo nên một bức tranh miền quê thật thơ mộng. Nhìn quang cảnh bên đường Búm lại nhớ những bài văn về quê tôi trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư, mà có lẽ đã đi vào lòng những người học trò nhỏ từ khi bước chân trên bờ đê để đến trường làng.
“Búm đang mơ màng gì mà trầm ngâm quá vậy?”
“Đâu có mơ màng gì đâu, chỉ thấy cảnh đồng quê đẹp và nên thơ quá, vậy thôi.”
“Búm cũng thấy cảnh đồng quê đẹp sao!”
“Bộ anh tưởng Búm là sỏi đá hả. À mà thôi để Búm hỏi anh chuyện này nhe. Anh có nghĩ khi nào một người tưng tửng mà học đậu cao không?”
“Không. Anh chỉ biết người ta học đậu cao rồi mới trở thành tưng tửng thôi.”
“Vậy để Búm kể anh nghe nha. Búm có nhỏ bạn tưng tửng mà học đậu Bác Sĩ đó , tin hong.”
“Khó tin. Nhưng mà sao gọi là tửng?”
“Vầy nè, nhỏ bạn Búm năm lên 17 tự nhiên một hôm nó bị ai nhập nào nó. Nó trở nên khỏe mạnh một cách phi thường.”
“Khỏe mạnh thì sao gọi là tửng!”
“Đường còn xa con chó nó na con mèo, đợi nghe đi rồi sẽ biết. Hôm đó nó đến tiệm tạp hóa cô nó chơi. Nó lấy ra một lúc hai điếu thuốc trong tiệm cô nó, xong, đốt hút cùng một lúc luôn. Mà anh biết hong, trước đó nó không bao giờ hút thuốc, con gái mà, ai hút thuốc. Nó bắt chân ngồi trên lan can trông như một gã đàn ông, mặt mày hung dữ, nó đổi giọng nói thành người đàn ông và nó nói nghe như tiếng Miên the thé nghe rùng mình luôn vậy đó, không ai hiểu hết. Rồi nó la nó chửi thề nó đập phá tanh bành trong nhà làm cô nó phải nhờ ba thanh niên lực lưỡng mới đè nó xuống, cột tay cột chân nó được. Xong, cô nó mang vào bệnh viện để điều trị. Bác sĩ bó tay không biết căn bịnh gì hết. Mấy tiếng đồng hồ sau nó tỉnh dậy, thấy người bầm dập mọi nơi. Tiếng nói nó trở lại bình thường và nó không nhớ những gì nó làm lúc trước hết. Anh tin hong?”
“Búm có thấy không?
“Lúc nó bị nhập Búm không thấy nhưng có vào bịnh viện thăm nó và thấy lúc đó nó bơ phờ mệt mỏi lắm. Và sau lần đó thỉnh thoảng nó hay bị người đàn ông Miên nhập vào người nó và làm như vậy. Có lần Búm chứng kiến và thấy nó dữ lắm. Nên sau này Búm ít ngủ chung qua đêm với nó nữa, sợ nó lên cơn nó bốp cổ chết.”
“Búm tin chuyện đó hả.”
“Ngày xưa Búm không bao giờ tin ba chuyện này và cho là nhảm nhí, nhưng từ ngày thấy nó lên cơn Búm mới tin.”
“Anh thì không tin. Mà đâu có thấy gì là tửng đâu!”
“Sao không tửng, sau ngày đó nó hay ăn nói tưng tửng. Nhưng tửng vậy mà nó học thành Bác Sĩ đó, hay chưa. À để khi nào có dịp Búm giới thiệu anh với nhỏ bạn tửng của Búm nha. Bi giờ nghĩ lại chuyện này Búm còn thấy run đây nè.”
Câu chuyện của Búm vừa chấm dứt thì xe cũng vừa đến phà Hậu Giang, còn gọi là phà Cần Thơ, nối liền bến Bình Minh (Vĩnh Long) với bờ Cần Thơ. Dòng xe và người nối đuôi nhau xuống phà, Kỷ và Búm rời chiếc taxi ra đứng ngoài hành lang nhìn sông nước. Trên con sông Hậu những xuồng, ghe qua lại tấp nập, và những chiếc xà lan ì ạch như những con trâu nước đang lôi kéo những ghe hàng bập bềnh trên sông. Trên sông những đám lục bình trôi nổi theo dòng nước. Trên con phà hình ảnh của người thương phế binh tay ôm cây đàn gãy khúc nhạc: “Chiều Qua Phà Hậu Giang” của Trần Trịnh. Tiếng hát buồn của người chiến binh đi vào không gian với dòng người ngiệt ngã.
Khoảng mười hai giờ trưa taxi đổ bến Ninh Kiều. Kỷ nhìn người tài xế và hỏi:
“Anh tài biết khách sạn nào khá ở đây giới thiệu tui đi.”
“Để tui chở anh chị đi thăm quang một vòng trên bờ sông Hậu anh chị chọn nhe.”
Chiếc taxi bắt đầu từ chợ Cần Thơ chạy dọc theo bờ sông Hậu, khi đến cuối công viên Ninh Kiều, Búm nói:
“Anh cho xe chạy về khúc trên kia đi. Hồi nãy Búm thấy khách sạn Quốc Tế có vẽ hay hay đó.”
“Được. Chị để tui chạy về khách sạn Quốc Tế cho, tui cũng định đề nghị cùng anh chị khách sạn đó.” Người tài xế đáp.
Xe đổ bến. Kỷ trả tiền và thù lao cho tài xế, xong:
“Chúc anh trở lại thành phố bình an. Tụi tui sẽ ở lại đây khi nào muốn về tui sẽ liên lạc với hảng taxi ở đây.”
Người tài xế bắt tay, cám ơn Kỷ rồi quay xe trở lại.
Kỷ giúp Búm mang chiếc vali nhỏ vào phòng tiếp tân của khách sạn Quốc Tế. Đặt hai chiếc vali lên ghế salon phòng khách. Kỷ nói:
“Búm ngồi đây anh đến đặt phòng nhe.”
“Để Búm đi chung với anh.”
Kỷ bước đến quày tiếp tân và hỏi:
“Anh cho tui một phòng hướng ra công viên Ninh Kiều nhe.”
“Không. Anh cho hai phòng đi nhe.” Búm nói.
“Ủa! Hai phòng chi vậy?”
“Thì một phòng cho anh, một cho em chứ chi.”
“Trời! Em lại đây với anh một chút đị “
Kỷ kéo Búm trở lại bộ salon phòng khách.
“Búm nghĩ sao mà mình phải mướn hai phòng?
“Búm thích vậy đó. Mướn một phòng rồi tối làm sao ngủ?”
“Trời ơi! Búm làm vậy anh quê mặt chết chịu sao nổi. Hai người đi chơi chung mà mướn mỗi người một phòng rồi mấy nhân viên ở đây nghĩ anh ra sao?”
“Sao là sao. Bộ ở riêng không được sao.”
“Không được. Nếu biết như vầy thà anh không xuống đây còn hơn.”
“Ủa! sao lạ vậy? Bộ anh có ý đồ gì đen tối sao?”
“Không có ý đồ đen tối gì hết. Chỉ đơn giản là anh đi chung với Búm như bồ bịch mà mướn phòng riêng thì kỳ chết, vậy thôi. Hay là nếu Búm mắc cở thì đến đó nói với người ta mình là vợ chồng rồi mướn một phòng.”
“Không được. Anh khôn quá hén. Vậy thì anh đến đặt một phòng có hai giường đi.”
“Hai giường hả?”
“Ừ, hai giường riêng rẽ nghe hong.”
“Thôi, cũng được. Búm đợi đây đi.”
“Không, Búm đi cùng anh đến đặt phòng.”
Kỷ mặt mày nhăn nhó cùng Búm trở lại quày tiếp tân.
“Anh có phòng nào hai giường không anh?”
Người nhân viên tiếp tân nhìn Kỷ và Búm một thoáng, rồi nói:
“Anh chị để tui xem hồ sơ một chút nghen.”
Kỷ quay đầu ra mặt đường, rút điếu thuốc ra đốt.
“Không còn anh ơi, Phòng giường đôi hết rồi. Chỉ còn hai phòng ở lầu hai và cả hai phòng đều giường chiếc hết, loại giường lớn đó, anh chị chịu không?”
“Hết rồi hả. Anh đợi tui một lát nhé.”
Kỷ nắm tay Búm dắt trở lại salon.
“Bây giờ Búm nghĩ sao? hết giường đôi rồi, Búm nghe ch ưa.”
“Đi khách sạn khác đi.”
“Trời! Bây giờ đồ đạc kềnh càng đi đâu bi giờ. Búm ở tạm đi, ai ăn thịt Búm đâu mà sợ. Nhe.”
Búm ngồi trầm ngâm một hồi rồi nói:
“Cũng được, mà nhớ à nghen.”
“Nhớ.”
Kỷ thở phào một cái, trở lại đặt phòng. Xong, Kỷ quanh lại cùng Búm mang hành lý đến thang máy.
Thả chiếc vali trên giường Kỷ rút điếu thuốc ra đốt, bước đến cửa sổ vắn màng lên nhìn ra sông Hậu. Bóng người dạo chơi trên bến Ninh Kiều thưa thớt. Kỷ nhả khói thuốc bay vào không gian và quay qua Búm:
“Búm đi tắm cho mát rồi mình xuông phố kiếm gì ăn nghen.”
Nhìn lại Búm đã vào phòng tắm. Kỷ đến mở tung những khung cửa sổ rồi trở lại ngã người trên chiếc giường nệm, mắt nhìn lên trần nhà. Tiếng nước xối từ bông sen trong phòng tắm vẫn chảy đều. Nữa ngày mệt mỏi vừa trôi qua!
Kỷ đang lim dim thì Búm đến cạnh đầu giường rung mạnh:
“Dậy, thức dậy đưa em đi ăn.”
“Em tắm xong rồi hả, buồn ngủ quá.” Kỷ nói trong tiếng ngáp dài.
“Anh rửa mặt rồi đi ăn chứ đi bốn tiếng đồng hồ xuống đây nằm ngủ sao.”
“Bộ đi xa rồi người ta không ngủ sao, mà không ngủ thì còn làm gì nữa đây.
Nghe Búm bi giờ giống bạn của Búm rồi đó.”
“Ý anh nói em tửng hả?”
“Đâu có. Thôi, mình xuống chợ kiếm đồ ăn.”
Kỷ đưa Búm rời khách sạn Quốc Tế ra bến Ninh kiều đi một vòng xem cảnh công viên. Buổi trưa, trời vẫn còn nóng, công viên Ninh Kiều vắng bóng người chỉ còn những chậu cây kiểng và bông hoa muôn màu đang khoe sắc dưới nắng ấm. Và ngoài kia, trên sông những con xuồng đang xuôi ngược dòng nước, không biết chạy về đâu?
“Mình lên phía chợ trái cây Cần Thơ kiếm gì ăn nhe anh.”
“Ừ. Đi, anh cũng đói rồi.”
Kỷ Búm bước vào quán ăn bên đường Hai Bà Trưng. Trời Cần Thơ nắng cháy, hai người ngồi bên chiếc bàn nhỏ trên lề đường nhìn ra công viên. Hơi nước từ sông Hậu thổi lên làm dịu đi cơn nóng bang trưa. Kỷ gọi ly bia, Búm đưa ống hút lên hút từng cụm nước dừa tươi mát. Ngoài đường, bóng người và xe vẫn mịt mù sương khói! Búm gọi hai đĩa cơm phần, tô canh chua và xâu chim nướng, những đặc sản của miền sông nước.
“Anh thích ở đây không?”
“Thấy cảnh sông nước nơi đây cũng lạ mắt. Lát nữa mình thuê xe vào bên trong thành phố Cần Thơ xem cho biết. Nghe nói ở đây có vài ngôi chùa đẹp lắm. Búm đến đây lần nào chưa?”
“Chưa. Đây là lần đầu tiên em đến Tây Đô. Nhìn sông Hậu rộng bao la và nước chảy mạnh quá. Hình như nơi đây ngày xưa có nhiều người ra đi.”
Xong bửa cơm trưa, Kỷ và Búm đi ngược vào thành phố Cần Thơ. Con đường Hai Bà Trưng chạy song song với công viên Ninh Kiều, một đầu bắt vào chợ trái cây Cần Thơ và đầu kia là bến Ninh Kiều nơi có nhiều nhà hàng ăn chơi và một vườn cây kiểng khá rộng lớn. Chợ trái cây nằm bên bờ sông Hậu, buổi sáng những chiếc xuồng con tấp nập mang đầy trái cây từ những vườn chung quanh về đổ lên chợ. Nên nơi đây còn là chợ đầu mối trái cây.
Chiều về những đoàn người trai gái dẫn nhau dạo chơi trên công viên Ninh Kiều nhiều hơn. Quán xá bên bờ sông Hậu cũng trở nên sống động với hàng hàng những cặp tình nhân ngồi ăn uống nhìn sông nước. Và khi bóng mặt trời chìm sau bên kia bờ sông Hậu là đoàn người ca hát tài tử lại xuất hiện trên chiếc thuyền. Những giây đèn được thắp sáng trang hoàng chiếc thuyền như một sân khấu nổi, rồi tiếng đàn trổi lên, chiếc thuyền tách khỏi bến trôi bồng bềnh bên bờ sông Hậu, và lời ca tiếng hát từ những chiếc loa vang đi trên dòng nước. Công viên Ninh Kiều những bóng đèn được thắp sáng và văng vẳng từ con thuyền tiếng hát: “Từ là từ phu tướng / Bảo kiếm sắc phong lên đàng…” lặng lẻ đi vào lòng người dân miền sông nước.
Khi những chiếc xuồng trên sông Hậu nằm im ngắm nhìn ánh trăng lấp lánh trên dòng nước thì tiếng ca hát tài tử cũng chìm vào lòng sông. Những bóng đèn bập bềnh trên sông cũng vụt tắt và cảnh náo nhiệt ở bến Ninh Kiều cũng đi vào giấc ngủ, chỉ còn lại dòng sông âm thầm trôi.
Kỷ đưa Búm trở lại khách sạn Quốc Tế.
“Tối rồi, anh đi ngủ đi.”
“Em cũng đi ngủ chứ?”
“Ừ. Để em đi thay đồ đã.”
Kỷ mở vali lấy bộ đồ ngủ mặc vào, xong, đến cửa sổ nhìn ra sông Hậu. Bến Ninh Kiều giờ này thật vắng lặng, chỉ còn năm ba người bạn ngồi quanh quần bên dĩa đậu phụng, lâu lâu họ ngước đầu lên ực một cái rồi đưa hai tay lên trời la hò vài tiếng. Nhìn xa xa ngoài kia, ánh trăng đã chìm dưới đáy sông. Kỷ khép cửa lại.
“Anh nằm bên này nghen. Cái gối ôm này là “vùng phi quân sự” đó, cấm vượt nghe hong.” Búm nói xong nằm khum người như con chiếu manh.
“Trời! Búm khai chiến với anh từ khi nào vậy?”
“Không. Búm đề nghị hòa bình đó chứ. Anh đừng vượt qua vùng phi quân sự thì làm gì có chiến tranh, chết chóc!”
“Có nghĩa là mình sống chung hòa bình trên một mảnh “giường” phải hong?”
“Ừ, nghĩ vậy cũng được. Thôi Búm đi ngủ đây.”
Búm thò tay vặn tắt chiếc đèn ngủ. Căn phòng chìm trong bóng tối. Một tiếng rồi hai tiếng đồng hồ trôi qua, tiếng cục cựa từ bên kia vùng phi quân sự vẫn thôi thúc từng hồi.
“Ủa! Anh làm gì vậy?”
Búm quay lưng lại. Cái mền và gối ôm “vùng phi quân sự” cũng bay xuống nền nhà. Búm mở mắt nhìn Kỷ mập mờ trong bóng tối.
“Cho anh cái đi.”
“Cái gì?”
“Cái đó đó.”
Nói rồi Kỷ choàng tay lên thân hình nhỏ bé của Búm. Những nụ hôn của Kỷ cứ nối tiếp chạy khắp trên gáy và mái tóc Búm. Những tiếng động lại kêu lên sột soạt. Búm vẫn nằm im, hai tay ôm trọn lấy bộ ngực canh tân. Kỷ vứt chiếc xiêm y xuống nền nhà, rồi hai cái, ba cái lần lượt bay xuống nền nhà,…
“Trời! Sao em mặt chi mà nhiều quần thế này! Ba caí rồi mà vẫn còn.”
“Anh ơi, hồi trưa anh nói là không ai ăn thịt em mà! Sao anh không giữ lời
hứa.”
“Ừ. Thì anh đâu có ăn thịt em đâu.”
“Chứ anh làm gì vậy?”
“Cái này đâu phải ăn thịt.”
“Đừng nhe anh. Em xin anh đó. Đời con gái chỉ có một cái ngàn vàng duy nhất thôi, và em muốn dành cho người chồng của em sau này. Anh đợi được không?”
“Thì sau này mình làm đám cưới, anh sẽ yêu em nhiều hơn.”
“Thôi. Em sợ lắm. Nhở mất đi rồi làm sao em tìm lại được đời con gái. Anh có hiểu em không?”
Kỷ ngồi trầm ngâm, suy tư nhìn Búm nằm bất động trong bóng tối:
“Thôi anh hiểu rồi. Em không thích thì thôi. Anh xin lổi em nha. Em đã làm anh thương và yêu em nhiều lắm. Em ngủ đi. À! Mà em mặc bao nhiêu cái quần vậy?”
“Năm cái!”
Kỷ thọt tay vào người Búm cù lắc, hai người cười vang, rồi ôm nhau nằm ngủ.
Sáng hôm sau Kỷ đưa Búm đi ăn sáng rồi cùng nhau ra bến Ninh Kiều lên thuyền ngược dòng nước đi về chợ nổi Cái Răng. Từ bến Ninh Kiều con thuyền nhỏ chạy trên sông Hậu khoảng chừng nữa tiếng đồng hồ là đến khu chợ nổi trên sông. Chợ Cái Răng nhóm họp rất sớm, bảy giờ sáng chợ đã đông nghẹt với những chiếc ghe, xuồng chở đầy hàng hóa. Ghe tạp hóa, ghe bán đồ ăn như cà phê, phở, bún, cháo lòng và cả những chiếc ghe làm nghề sửa chữa những đồ nho nhỏ như máy quẹt, đồng hồ cũng nổi bập bềnh trên con nước này. Bạn hàng và những người đi chợ đều dùng con xuồng nhỏ và họ lèo lái lách qua trên sông, tay đẩy tay chèo, miệng rao mời chào gọi tạo nên một khúc sông nhộn nhịp, một quang cảnh độc nhứt vô nhị của miền sông nước phù sa. Kỷ và Búm cũng hòa mình trong dòng người trên sông, kêu gọi những món ăn và vài ly cà phê sữa để biết cái cảm giác thế nào là đi chợ nổi! Rồi xa xa là những tà áo bà ba màu vàng rực, đầu đội nón lá thướt tha với chiếc quần lĩnh màu trắng xóa xuôi thuyền lướt trên sông trở về cho kịp sửa soạn một bữa cơm trưa. Khi đồng hồ chỉ khỏang 9 giờ sáng thì chợ nổi Cái Răng cũng bắt đầu thưa người. Kỷ đưa Búm xuôi con thuyền trở lại bến Ninh Kiều. Sau khi thanh toán tiền phòng, Kỷ Búm ra trước cửa khách sạn Quốc Tế đón taxi đi một vòng xuyên qua thành phố Cần Thơ rồi trở lại Sài Gòn.
Hai ngày sau Kỷ gặp Búm và:
“Mai anh trở lại bên kia. Anh muốn trao cho em một vật này.”
“Cái gì vậy anh?”
“Đây là cuốn album anh muốn em giữ nó cho kỹ.”
“Ủa! Sao album mà không có hình gì hết vậy?”
“Ừ cuốn album này trống trơn, chỉ có 52 ngăn chứa. Em giữ lấy nó và anh cũng giữ một cái tương tự. Bắt đầu tuần tới anh sẽ viết và gởi về cho em mỗi tuần một lá thư, sau khi đọc em hãy bỏ vào những ngăn trống này. Và anh muốn em cũng làm tương tự cho anh.”
“Nghĩa là em cũng viết và gởi cho anh mỗi tuần một lá thư và anh cũng sẽ cất vào những ngăn trống trong album của anh?”
“Ừ. Anh muốn mình bắt đầu viết lên một chuyện tình, sau này những bức thư này sẽ là bằng chứng hai đứa yêu nhau. Những buồn vui, nhớ mong và chờ đợi sẽ được ghi vào những bức thư sau này, rồi đúng 52 tuần lễ nữa anh sẽ trở lại đón em đi. Lúc đó 52 bức thư của anh và 52 bức thư của em nhập chung lại sẽ làm thành 104 kỷ niệm sau này cho hai đứa. Và biết đâu sau này nó sẽ là của hồi môn cho con mình đó.”
“Anh khôn quá hén. Có phải anh bắt em viết lên thành giấy trắng mực đen để sau này anh mang ra làm bằng chứng mỗi lần hai đứa cãi lộn nhau, phải không?”
“Hì hì, em nghĩ sao cũng được. Nhưng nhớ phải viết đúng nghĩa thư tình nhe và không được thiếu một lá nào đó. Thôi bây giờ anh đưa em đi ăn, xong, anh phải trở lại Hóc Môn.”
“Ngày mai em sẽ gặp anh đi tại phi trường. Em sẽ đến đó thật sớm.”
Hôm sau Búm xin nghỉ làm việc sớm, trở về nhà thay quần áo xong chạy thẳng lên Tân Sơn Nhất. Hơn một tiếng đồng hồ ngồi tâm sự cùng Kỷ, rồi giờ bay cũng sắp đến. Búm theo Kỷ vào phòng xé vé, quay trở ra sân ga trời đã về chiều. Búm đứng nhìn bầu trời, khi chiếc máy bay khổng lồ lao mình vào không gian, Búm nhìn theo, rồi chiếc máy bay chun vào chân mây.
7
Chiều thứ Sáu Búm ngồi nhìn sổ sách, những con số cứ nhảy múa trên trang giấy như muốn trêu ghẹo đôi chân của Búm. Xếp cuốn sổ Búm nhìn ra sân thầm nói: “Tiền, tiền đâu mà nhiều thế này! Sao không chia cho mình một chút tiêu chơi.” Búm làm kế toán trưởng cho công ty mấy năm nay, ngày nào Búm cũng nhìn đống sổ sách tiền bạc hàng tỷ tỷ đồng, có hôm lại lên trung tâm du lịch đặt vé, xé vé cho nhân viên đi công tác nước ngoài. Trước mặt Búm là những con số tiền khổng lồ, những vé máy bay đi đây đi đó, vậy mà Búm thì nghèo xơ xác, tháng nào tính tháng nấy và suốt đời chỉ lanh quanh trong thành phố chật hẹp này. Đôi khi Búm thấy giữa Sài Gòn đô hội có lắm người từ mọi nơi về đây và đã làm nên sự nghiệp, nhưng cũng có lắm người bị chôn vùi và quên lãng giữa phồn hoa này. Không suy nghĩ nữa, Búm thu xếp sổ sách bỏ vào hộc bàn, khóa kín. Lấy xe chạy đến nhà Thu.
“Chà, đi Ninh Kiều vui không?”
“Vui chứ. Bồ có rảnh hong trèo lên xe tui chở đi uống nước.”
“Bồ đi bao lâu?”
“Hai ngày một đêm.”
“Ý cha, một đêm! Một đêm đã đời hả?”
“Có gì mà đã?”
“Ủa! Sao lạ vậy! Anh ta bị bịnh sao?”
“Bịnh gì?”
“Chứ sao không có gì xảy ra!”
“Thôi, nói xàm đi. Tui đâu có chịu chứ đâu phải ảnh đâu.”
“Mà sao bà không chịu?”
“Ủa! Vậy gặp bà là xong ngay rồi, phải hong? Bà ngu lắm, thân con gái không biết giử, có ngày sẽ khổ cho mà coi.”
“Nhưng mà làm sao bà giử được?”
“Thì trước khi đi ngủ tui trướng một lúc năm cái quần là anh ấy hiểu ý tui thôi.”
“Trời! Mặc một lúc năm cái quần ngủ! Hay, tui khen bà giỏi đó nghen. Vậy là chị hai tui con nguyên xi hén, chán thiệt. Nhưng thôi, đó là tư cách của bà, đời này hiếm có đá nghen! Chở tui ra kia uống ly nước chè đá đi.”
“Ý bà nói trà đá phải hong?”
“Gọi là chè mới đúng. Trà nghe như Tàu, tui ghét cái ngử đó lắm.”
“Thì gọi gì cũng được.”
“Không phải gọi gì cũng được. Phải gọi là chè mới được. Bà nghe đây nhé, phải là chè mới có chuyện người ta nói như này nè:
Hôm qua em đi hái chè
Gặp thằng phải gió nó đè em ra
Em lạy nhưng nó không tha
Nó còn đút cái đầu cha nó vào.
Đó, bà thấy chưa. Phải là chè mới đè em ra, chứ là trà mà đè em ra thì nghe chướng tai quá! Nhưng mà gặp bà thì có thằng phải gió nào dám đè được đâu, phải hong!”
“Tui đã nói thua bà rồi mà! Thôi, đi.”
Chiếc xe nổ máy, hai người bạn thân cười khúc khích chạy ra đầu hẻm.
Rồi từ đó mỗi tuần Búm nhận một lá thư của Kỷ. Cuốn Album Kỷ trao cho Búm ngày càng đầy thêm với những lời ân ái, nhớ mong. Có những buổi chiều lang thang trên phố, nhìn dòng sông Sài Gòn êm đềm trôi, Búm lại nhớ một buổi chiều xưa:
Thấp thoáng chiều về trên bến sông
Lưa thưa đậu bến mấy con đò
Sóng nước lênh đênh bầy cỏ lục
Con thuyền xui mái về đâu nhỉ!
Có đổ Ninh Kiều phố cũ Tây Đô?
Cho ta nhắn hỏi đôi lời:
Hỏi ai có nhớ Ninh Kiều?
Tây Đô chiều đó, con đò năm xưa!
Và khi những khoảng trống cuối cùng trong cuốn album của Búm được lồng với những cánh thư, là ngày Kỷ trở lại.
Thời gian qua Kỷ và Búm đã hoàng thành thủ tục kết hôn, nay Búm đã nắm trong tay hộ chiếu và visa xuất cảnh. Nên kỳ này Kỷ trở lại làm lễ cưới và “đưa nàng về dinh”. Những ngày tháng nhớ mong nay đã qua, Kỷ trở lại thành phố Sài Gòn với một niềm vui. Thiệp cưới đã đặt xong, bao nhiêu danh sách bạn bè, người thân, Kỷ đã trao cho Búm để gởi thiệp mời.
Chỉ còn một tuần lễ nữa là ngày vui sẽ đến. Những lo toan, bận rộn luôn quấn quít trên gót chân của Búm. Ngày hôm qua Búm vào cơ quan báo tin vui, trao thiệp mời và cũng báo cho cơ quan biết là ngày làm việc cuối cùng của Búm. Những lời chúc tụng, những nắm tay chân tình từ bạn bè chúc mừng cho cuộc đời của Búm rẽ sang trang mới. Những lời chúc mừng vô tình khui dậy ký ức của Búm. Rồi đây những bước chân, những góc đường, con phố, và căn phòng chật hẹp mà hằng ngày Búm đi đi về về, sè được xếp lại một ngăn nhỏ nào đó trong tâm tư của Búm. Hình như Búm bắt đầu thấy nhớ! Nhớ những cảnh vật rất bình thường như có lần Kỷ đã nói.
Và một lần nữa khách sạn Tiếng Ve lại mở rộng đón chào người khách cũ.
Kỷ đưa Búm xuống phố:
“Em vô đây với anh một tí nhe.”
“Anh vào khách sạn Tiếng Ve để làm gì nữa, sao mình không ở nhà anh Hai năm ba bữa nữa cho vui rồi đi?”
“Ừ, mình sẽ ở nhà anh Hai. Nhưng trong ngày cưới mình sẽ về đây, dù gì đi nữa thì nhà anh Hai cũng chỉ là nhà của anh Hai, anh muốn mình có một cõi riêng tư của mình. Em thấy sao?”
“Cũng được. Mà anh tính ở đây bao lâu?”
“Chỉ năm ba ngày sau đám cưới thôi.”
Kỷ đưa Búm vào phòng tiếp tân khách sạn Tiếng Ve. Người thiếu nữ năm nào nhìn Kỷ và Búm, mĩm cười chào người khách cũ.
Xong việc đặt phòng, Kỷ đưa Búm xuống phố mua sắm nữ trang.
“Em biết em thích những gì chưa?”
“Biết. Anh đưa em xuống mấy tiệm vàng phía sau chợ Cũ đi.”
Một hồi sau Kỷ và Búm bước vào những cửa hàng trang hoàng nữ trang sáng chói. Nhưng viên ngọc thạch, những sợi giây chuyền, tượng Phật, và biết bao nhiêu hàng trang sức. Kỷ đi theo sau Búm trong rừng người đông nghẹt.
“Em muốn cái này nề, anh thấy sao?”
“Em muốn cái nào cũng được, em cứ lựa đi.”
Một lát Búm nói người chủ tiệm lôi một đống nữ trang để trên bàn nào là giây chuyền, lắc, kiền, nhẫn, bông tai, những nữ trang bằng vàng 18 và vàng 24. Tính hết thành tiền, xong, Búm chỉ:
“Anh trả tiền đi.”
“Em mua chi ba cái thứ này, Sao không mua nữ trang bằng hột xoàng cho đẹp?”
“Hông. Em chỉ thích vàng thôi. Anh mua vàng cho em.”
“Ừ, mua thì mua. Nhưng anh thấy bì giờ bên đó người ta ưa hột kim cương nhiều hơn, mỗi lần đi đâu mà mang ba cái thứ này quê chết đi. Em không thấy sao!”
“Không có hột gì hết, em muốn vàng thôi. Em nghe người ta nói “cái ngàng vàng” mới quý, chớ có ai nói “Cái hột” quý đâu!”
“Ừ, không hột thì không hột. Nhưng anh vẫn thấy hột mới quý đa. Tiền đây nè, em lấy trả người ta đi. Xong mình còn đi chọn mấy bộ đồ và chụp ít tấm hình nữa.”
Chiều xuống, Kỷ đưa Búm về nhà người chị Búm ở cổng số 11, xong Kỷ chạy xe về nhà người anh trên Hóc Môn. Trước khi ra về Kỷ hỏi:
“Em đã gởi thiệp mời đi hết rồi phải không? Mình chỉ còn có sáu ngày nữa thôi đó.”
“Em gởi đi hết rồi. Anh về kiểm điểm lại bên anh nếu còn thiếu ai thì gởi lẹ đi. Đây nề, một số thiệp trống đây nề, anh mang theo nha.”
“Ừ. Thôi anh đi về. Hôm nào anh và em còn trở lại Lâm Đồng gặp Ba Me nữa.”
“Anh lo chuyện nào cần làm trước thì lo đi. Chuyện đó đợi sau cũng được mà.”
Tối hôm đó Kỷ trở về Hóc Môn. Mang cuốn sổ tay có ghi tên những người bà con, bạn bè mà Kỷ định mời dự lễ cưới ra xem. Kỷ hỏi đứa em trai, Linh, kiểm điểm danh sách những người đã được gữi thiệp mời. Cuối cùng trong danh sách những người được mời, Kỷ thấy một số anh em bà con bên Nội đang sống ngoài Long Khánh chưa gởi thiệp. Kỷ bèn hỏi người anh làm sao mời những người này. Anh Kỷ bảo:
“Xa qua, anh nghĩ không cần thiết đâu, chắc bà con ngoài đó cũng thông cảm mà.”
Kỷ ngồi suy tư một hồi, rồi nói:
“Em thấy không mời kỳ quá, nhưng nếu mời thì làm sao mời đây, họ ở xa quá.”
Người em, Linh, nghe vậy liền nói:
“Anh để em chạy ra đó mời dùm cho anh.”
“Nhưng mà em đang đi học, có trắc trở gì không?”
“Sắp cuối tuần rồi, em đi được mà. Hơn nữa từ đây ra Long Khánh chỉ mất nữa ngày là về được rồi.”
“Ừ, nếu được thì em đi dùm anh nhe. Anh chỉ còn có năm ngày nữa thôi.”
Hôm sau Kỷ trở lại Sài Gòn cùng Búm đi lo công chuyện. Và cũng trong ngày này Linh lấy chiếc xe Honda chạy ra Long Khánh đưa thiệp mời cho năm ba gia đình. Đi công chuyện với Búm xong, Kỷ đưa Búm trở lại cổng số 11 rồi trở về nhà người anh trên Hóc Môn. Người anh hỏi:
“Em và Búm lo công chuyện xong hết chưa? Em cũng phải về Lâm Đồng thăm chú thím bên đó nữa.”
“Anh đừng lo, tụi em đã lo gần xong mọi việc rồi, chỉ còn vài ba chuyện nhỏ với nhà hàng thôi. À! Sao tối rồi mà không thấy thằng Linh nó trở về anh?”
“Anh nghĩ chắc nó ghé bạn học đâu đó thăm chơi, lát nữa nó về thôi.”
Kỷ ngồi ngoài hành lang nhìn ra vườn. Buổi chiều trời Hóc Môn nóng nực, Kỷ rút điếu thuốc ra đốt, chờ mãi vẫn không thấy Linh trở về. Đêm đã xuống, Kỷ vào phòng ngủ. Sáng hôm sau, Kỷ hỏi người trong nhà nhưng không ai thấy Linh về. Kỷ đinh ninh chắc Linh đã trao thiệp mời cho những người bà con trên vùng Long Khánh rồi, và chắc Linh đang chơi với bạn bè đâu đó, nên yên tâm rời Hóc Môn xuống Sài Gòn gặp Búm để lo tiếp công chuyện còn lại.
Chiều về, Kỷ trở lại Hóc Môn cùng Búm. Nhưng vẫn không thấy Linh về. Kỷ hỏi, nhưng không ai nghe, biết gì về Linh cả. Kỷ đâm ra lo, và người anh của Kỷ cũng lo.
“Sao lạ. Thằng này ít khi nào đi đâu, ngủ ở đâu mà không báo cho nhà biết.” Anh Kỷ nói thế.
Kỷ bèn lấy điện thoại ra gọi những người bà con ngoài Long Khánh hỏi thì biết Linh trao thiệp mời cho họ trưa hôm qua, và sau đó thấy Linh trở về Sài Gòn liền. Nhưng sao lạ, từ trưa hôm qua đến giờ là hơn một ngày rồi, sao không nghe tin gì về Linh! Những nỗi lo âu bắt đầu hiện lên trên gương mặt của anh em Kỷ. Những nỗi lo âu càng làm cho Kỷ thêm bối rối. Rồi Kỷ gọi điện thoại nhiều nơi, nhiều người hỏi thăm. Trong những cú điện thoại hỏi thăm, có cú lại nói: “Hay là nó dừng xe uống nước trên đường bị người ta cướp xe, đập chết rồi!”
Những lời nói đó như kim đâm vào tim Kỷ!
Không lẽ, không lẽ số phận con người, có cả Kỷ, em Kỷ và Búm trong đó, lại hẩm hiu đến thế sao! Kỷ cố không tin là chuyện đó xảy ra, nhưng sao trong đầu óc Kỷ không xua đuổi nổi những ám ảnh đen tối. Kỷ nói lảm nhảm trong miệng: “Không thể vì một chiếc xe trành mà giết người được, vô nhân, vô nhân tâm vừa thôi. Không thể được!” Rồi từ hoang mang này đến hoang mang nọ, Kỷ nghĩ chỉ còn bốn ngày nữa là ngày họ hàng hai bên chung vui ngày cưới, trong những người ấy có cả những người bà con trên Long Khánh Kỷ nhờ Linh đi mời. Kỷ lại gọi điện thoại hết người này đến người khác để tìm hiểu những gì có thể xảy ra cho Linh.
Trước khi trời tối, Kỷ đưa Búm trở về nhà người chị. Trong bóng tối, Búm nhìn Kỷ mà lòng héo hon. Sắp tới ngày vui sao lại là những ngày buồn, không biết rồi đây sẽ ra sao! Búm chỉ biết chào Kỷ ra về như một bóng đen đè nặng trên hai gương mặt.
Suốt đêm Kỷ không ngủ, đốt hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác. Những lời nghi vấn từ những người từng sống nơi này đã làm tâm trí Kỷ quay cuồng! Kỷ lật trang báo ra đọc, những mẫu tin con người ngụy trang những quán nước bên đường để giết người cướp xe được đăng ngay trang đầu. Những cảnh người giết người trong hang cùng ngỏ hẻm, hay trên những ngọn đồi hẻo lánh, chỉ vì một sợi giây chuyền lóng lánh đeo trên cổ, càng làm Kỷ thêm rùng mình khi nghĩ đến nơi Linh giao thiệp lại là một eo núi cheo leo!
Sáng hôm sau Kỷ cùng Búm đến nhà hàng để thỏa thuận những món ăn và số bàn đặt lần chót. Như vậy là xong. Tất cả cho ngày cưới đã được sắp xếp đầy đủ, chỉ còn chờ vài ngày nữa là xong. Kỷ đưa Búm trở về nhà người chị, bảo Búm ở nhà nghỉ, Kỷ sẽ đi cùng đứa cháu để tìm Linh. Nhưng Búm không chịu và đòi đi tìm Linh với Kỷ. Vậy là Kỷ lấy bản đồ ra xem tất cả những lộ trình nào có thể dẫn đến Long Khánh từ nhà người anh Kỷ. Rồi từ đó Kỷ đèo Búm trên chiếc xe Honda chạy về xa lộ Biên Hòa, ghé qua những quán nước bên đường, và những khu giải khác nằm rãi rác bên rừng cao su. Đến đâu Kỷ cũng mang tấm hình của Linh ra hỏi, nhưng biệt tâm. Kỷ không tìm được câu trả lời nào về bóng dáng một chàng trai trẻ cở 25 tuổi, đi chiếc xe City đỏ, mặt quần bò màu xanh, áo thun, đầu đội nón vải và có gương mặt như trong tấm hình kia! Buổi chiều đó Kỷ và Búm đã đi hết những đoạn đường có thể trở về thành phố Sài Gòn từ khu Bầu Cá, Long Khánh. Nhưng không có ai nhận diện được hình dáng của Linh. Vậy là mệt mỏi, cả Búm và Kỷ đều rã rời trên những con đường đất gập ghềnh. Và cuối ngày đành trở lại bằng con số không.
Đến ngày hôm sau, Kỷ chỉ còn có hai ngày nữa để tìm đứa em trước ngày vui. Nhưng mãi đến giây phút này Kỷ vẫn không có một tin nhỏ nào về đứa em. Khi mặt trời lên Kỷ lại rời căn nhà người anh đi tìm Linh. Kỷ đến văn phòng nhà báo đăng tin tìm Linh và hứa sẽ hậu tạ cho những ai chỉ dẫn tin tức của Linh. Kỷ báo cáo sở công an Long Khánh, và những nơi trên đoạn đường Linh có thể đi qua, nhờ tìm dấu vết của Linh.
Đọc báo, Kỷ nghe tin một người thanh niên bị chết đuối trong mấy ngày qua, xác chết được đem về khám nghiệm ở nhà xác Hạnh Thông Tây. Thế là Kỷ lại lên xe chạy đến xem xác. Lòng hồi hộp và sợ hãi. Sợ nhở xác kia là Linh thì Kỷ phải làm sao đây, và trên đường đi Kỷ vái trời sao cho xác chết kia không là của Linh. Kỷ đến nhà xác Hạnh Thông Tây thấy vị y sĩ đang lật xác kẻ xấu số lên để khám nghiệm và Kỷ biết đó không là của em mình. Kỷ hú vía, vội mừng thầm ra về. Nhưng lần đầu tiên trong đời Kỷ đối diện một kinh nghiệm hãi hùng, khó quên!
Đã đi hết mọi nơi mà Kỷ có thể đi, nhưng vẫn bặt tin tức. Kỷ mệt mỏi đưa Búm trở về nhà người anh. Đêm hôm đó Kỷ đưa Búm trở về cổng số 11 để lo sửa soạn cho ngày mai rướt dâu. Trở lại Hoc Môn Kỷ thức khuya thật khuya. Niềm hạnh phúc, tình yêu, và điều bất hạnh của đứa em cứ dày vò tâm tư của Kỷ. Kỷ mãi suy nghĩ và tự hỏi: “Sao lại là giờ phút này? Sao lại là Linh? Và sao con người lại có thể làm những chuyện nhẫn tâm này? Giữa chữ tình và chữ nghĩa, Kỷ phải làm sao? Vì ngày mai, ngày mai chỉ còn có mấy giờ đồng hồ nữa sẽ đến.
Đêm đã khuya, Kỷ trở vào phòng ngủ, nhớ đến gương mặt bơ phờ và tiều tụy đến dễ thương của Búm, Kỷ tắt đèn mà lòng cay đắn. Màng đêm phủ trùm, vạn vật đang say trong giấc ngủ, nhưng đôi mắt của Kỷ vẫn mở to. Kỷ không biết mình phải vui, hay buồn!
Sáng hôm sau Kỷ thức dậy sớm, lo mâm ngũ quả và lễ vật về nhà gái rướt dâu. Chiếc xe hoa chạy qua thành phố, Kỷ cố nén cho niềm vui hiện lên. Và buổi lễ rướt dâu cũng hoàng thành. Trở về nhà người anh làm lễ và đợi chiều về sẽ lên nhà hàng. Lễ gia tiên đã chấm dứt, mọi người vui vẽ ăn uống, rồi ra về. Kỷ và Búm mệt rã rời, ngồi trên chiếc ghế thì có cú điện thoại gọi lại. Phía bên kia đầu giây là một người xa lạ, nói rằng họ có thông tin về Linh và có thấy mặt Linh nơi đó. Người lạ mặt muốn gặp người thân của Linh và có nhắc đến số tiền hậu tạ đăng trên báo. Kỷ nghe mừng quá. Những nỗi ưu phiền đã nhẹ đi, Kỷ kêu Búm và nói:
“Em ở nhà nghỉ cho khỏe, anh sẽ cùng đứa cháu đến chỗ hẹn để gặp người thấy Linh rồi anh trở về. Nếu anh có về trể chút thì em và gia đình đến nhà hàng trước đi rồi anh đến ngay, còn hơn năm tiếng đồng hồ lận, anh phải đi bây giờ nhe.”
Nói xong Kỷ và đứa cháu mang theo một số tiền, lên xe vụt chạy.
Rồi thời gian trôi qua, ba tiếng, bốn tiếng, rồi năm tiếng đồng hồ Búm vẫn chưa thấy Kỷ trở lại. Búm nghĩ, có lẽ đường kẹt xe. Rồi Búm theo đoàn người đến nhà hàng nơi tiếp tân và đãi tiệc cưới. Trời càng về xế chiều, những người khách càng lúc đến càng đông. Họ bắt tay nhà trai nhà gái chúc tụng cho đôi uyên ương “Bách niên giai ngẫu”, nhưng chú rễ vẫn vắng mặt. Thời gian càng trôi qua nhanh, Búm càng thêm bối rối. Đôi mắt và tâm trí Búm cứ nhìn ngoài đường, trông đợi, trông đợi đến mỏi mệt, nhưng vẫn không thấy Kỷ và đứa cháu trở lại. Giờ khai mạc buổi tiệc đã đến, Búm nhờ người anh lên nói đôi lời cùng quan khách. Rồi buổi tiệc cũng tàn, mọi người ra về, và Kỷ vẫn còn nơi đâu.
Búm rời nhà hàng, chân mỏi mệt, muốn đi về, nhưng biết về đâu. Nhà chồng hay nhà của mình! Dù sao Búm cũng đã làm lễ và đeo nhẫn cưới trên tay rồi. Tức là Búm đã có chồng. Búm nằm dài trên xe, mệt lã và thiếp đi trong giấc ngủ.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, Búm thấy mình đang ở nhà người anh của Kỷ ở Hóc Môn. Búm bồn chồn nói với gia đình người anh đôi lời, rồi lấy xe chạy lên khu quán nước bên đường cạnh rừng cao su tìm Kỷ, nơi mà trước khi đi Kỷ có nói cho Búm biết. Đến nơi, những quán nước vẫn còn nằm trơ đó, nhưng không một bóng người.
Nhìn chung quanh, dường như nơi đây vừa xảy ra một cuộc xô xác. Búm lặng lẽ ra về. Đi ngang qua khách sạn Tiếng Ve, Búm dừng xe lại. Từ trong cành me, những âm thanh vang lên buồn bả của, Tiếng - Ve - Sầu.
Đồng Sa Băng. 3 tháng 3, 2009.