Chuyến Xe Ra
Tác giả: Đồng Sa Băng
T ết đã qua hơn hai tuần rồi, bến xe Miền Đông không còn rộn rã nữa. Vậy mà người vẫn đông!
Tôi đi với anh lên bến xe đi về Quảng Ngãi. Anh nói phải tranh thủ đi sớm để khỏi kẹt xe và đở mệt, nên, năm giờ sáng tôi đã thức dậy, lấy xe ôm chạy từ Gò Vấp về Tân Thuận gặp anh, rồi đi chung. Tôi nghĩ năm giờ sáng chắc ngoài đường vắng như ma. Nhưng không, Sài Gòn năm giờ sáng những người lao động chân tay như hốt rác, quyét đường, và những người giao hàng đã chạy đầy đường. Nhưng dù sao cái không khí ban mai vẫn còn được chút trong lành. Và có một điều tôi lấy làm thắc mắc, là, còn sớm như vậy mà thỉnh thoảng tại một vài ngã tư đường tôi lại thấy một số những người trẻ, trẻ lắm, cở chừng 16, 17 tuổi, đã tụ tập bên những ly cà phê rồi! Và dường như họ đã đến đó từ lâu. Đôi khi tôi cũng bắc gặp một vài người phụ nữ với quang gánh nặng trĩu trên vai đi giữa thành phố vắng tanh!
Tôi và anh đến bến xe Miền Đông còn sớm lắm, sáu gờ rưỡi sáng. Sớm, là vì có một vài quày bán vé vẫn chưa mở cửa. Hay có lẽ qua Tết rồi ai đi đâu mà vội vàng! Anh nói muốn đi xe “chất lượng cao” cho khỏe. Nhưng muốn đi xe chất lượng cao phải đợi đến hai giờ chiều xe mới khởi hành. Tôi nói đợi đến hai giờ chiều thì phí thời giờ nhiều quá, gần tám tiếng đồng hồ đợi, bằng chi lấy xe nào đó đi đại có lẽ cũng đến Quảng Ngãi sớm hơn hoặc bằng giờ. Anh chìu ý nên đến hãng xe đò Phi Long mua vé đi liền. Anh nói để cho thoải mái anh mua ba ghế liên tục cho hai người, và trả luôn tiền ba ga cho chiếc xe Honda bằng tiền vé một người. Xong, anh dẫn tôi ra xe. Quày bán vé nói đi liền nhưng lên xe rồi cũng phải chờ vài giờ xe mới rời bến.
Trước giờ xe khởi hành lơ xe bắt đầu xét vé. Anh đưa ba vé cho lơ xem và nói:
- “Chúng tôi mua ba vé cho ba ghế liên tục.”
Nhưng lơ xe nhét hai chúng tôi vào dãy chỉ có hai ghế liên tục. Anh nói:
- “Như vậy tao mua ba ghế liên tục chi đây.”
Anh bỏ chỗ ngồi hai ghế qua bên dãy ba ghế ngồi, và tôi cũng đi theo. Lơ xe đòi anh trả tiền ba ga xe và ra giá gấp đôi giá của phòng vé. Anh nói:
- “Phòng vé nói 150.000 đồng mà sao mầy đòi 300.000 đồng là sao. Tao đã mua ba vé cho hai người trong xe trống rỗng là quá lắm rồi.”
- “Ông không trả thì xuống xe đi.”
- “Mầy nói thiệt hông? trả tiền lại đây tao xuống ngay bây giờ. Tụi bây lật lọng vừa thôi, bộ không còn xe nào đi ra sao!”
Anh đùng đùng đòi trả tiền lại và lấy lại xe Honda để đi xe khác. Thấy ăn không được, tài xế và lơ làm thinh nhận 150.000 đồng tiền ba ga. Tôi nói anh:
- “Bấy giờ anh vào phòng bán vé chưa chắn họ trả lại tiền cho anh đâu, thôi mình đã lở rồi, ráng chịu một trận đi.”
Xe rời bến nhưng trong xe thì trống trơn! Số hành khách chưa được nửa xe. Vậy là anh và tôi đã hố khi mua ba vé cho hai người để ngồi cho thoải mái. Thì ra sau Tết có ai về quê nữa đâu mà xe đông! Từ đó xe chạy cà rịch cà tang và mỗi lần thấy có người đứng bên lề đường với vài cái vali hay mắt lức liên có vẽ đón xe thì lơ xe thò đầu ra đường la hét:
- “Đi Quảng Ngãi, đi Quảng Ngãi, đi Đà Nẵng không? Xe đi Đà Nẵng đây.”
Vậy mà cũng không mấy người chịu lên xe đò Phi Long.
Ngày xưa khách ra vô miền Trung thường bị đưa vào cảnh “quán cơm rào.” Bây giờ quán cơm không còn rào nữa, nhưng mỗi lần tài xế ngừng lại cho khách ăn cơm thì chỉ có một quán bên đường duy nhất, và thức ăn thì thường không nói lên cái tên gọi món ăn. Tôi thèm phở lắm, nên thấy trong quán ăn có món phở, bèn gọi “phở tái”. Nhung khi mang ra thì chỉ là tô nước sôi với mì ăn liền và một miếng thịt heo cắt lết chiên gọi là “tái”. Không ngò gai, không giá sống (đừng nói chi giá trụng), không rau quế. Nghĩa là “phở” mà không có “đồ phụ tùng” bên cạnh nên nó lạc lẽo như “nước đái thợ xe!” Nhưng đói cũng phải ăn.
Gần đến Phan Thiết xe đang chạy tự dưng ngừng lại một căn nhà bên mặt đường, rồi tài xế bỏ xe, bỏ hành khách trong xe đi vào căn nhà nọ đến hơn nữa tiếng mới trở lại tiếp tục đi. Tôi thấy làm tài xế ở xứ mình, ít nhất là tài xế hãng Phi Long, thật sướng. Ai nói “khách hàng là thượng đế” đâu, giữa buổi chiều nóng nực, tài xế bỏ mặt “khách” đi vào nhà “vợ nhỏ” bên đường giải lao cho khỏe, hay ai biết làm gì trong đó?, vậy mới biết ai là “thượng đế” ở xứ nầy.
Rồi xe cũng phải chạy. Trong cái nóng nực ít ra tài xế cũng mở nhạc cho khách ngồi nghe. Và giữa đường xe ngừng lại bốc một người hành khách nữ cở chừng 40 mươi. Người hành khách đi thẳng vào cuối xe ngồi. Chiếc xe vẫn chạy im lìm và những người trong xe đang thả hồn theo những khúc nhạc du dương, cho đến khi lơ xe đến lấy tiền người hành khách mới. Tự dưng tiếng la ó nổi lên phía sau xe, và người hành khách mới lên liền đứng dậy chạy về phía trước xe:
“Tổ cha mi, mi ngừng xe cho tao xuống đi.”
Giọng nói của người Quảng Trị. Người khách nhìn thẳng vào lơ xe và nói xăng xẳng.
“Sao lúc nãy trước khi lên xe mi nói chỉ có 80 nghìn mà sao bây giờ đòi 120 là sao? Mi thả tao xuống đi, chỗ nào cũng được, cái đồ ăn nói ngang ngược.”
“Ai cũng trả như nhau thôi.” Nguời tài xế xe nói.
“Tao không cần biết, chỉ biết mì chịu 80 nghìn tao mới lên xe, giờ đòi 120 lấy tiền đâu tao trả. Bây giờ mi thả tao xuống đi. Đồ chết dịch, tụi bây tưởng bắt nạt dân lành sao cũng được sao? Làm ăn cần chút lương thiện để đức cho con mi với chứ.”
“Thôi bà ơi, bà xuống kia ngồi đi, 80 chục thì 80 chục.” Người tài xế nói.
Người phụ nữ bực mình, đi một mạch xuống phía sau xe. Tiếng nhạc trong xe cũng im phăn phắc. Và những người hành khách trong xe chỉ biết thở dài. Từ đó tôi cố nhắm mắt như người đang ngủ mãi cho đến khi xe đến Quảng Ngãi.
Đến ngã ba Quán Lát anh bảo xe ngừng lại. Tôi bước về phía trước xe để đi xuống. Tay vịn thanh sắt tôi nhìn thấy bức tượng Phật Bà được đặt trước phòng lái. Hình Phật Bà rất trang nghiêm và hiền lành, bên cạnh là những hoa quả và cây nhan đang cháy tỏa mùi hương thơm ngát. Tôi bước chân xuống xe mà lòng tự nhủ “Không biết họ có niềm tin gì ở tượng Phật Bà trước mặt chăng. Hay là, chỉ một bình phong để lòe mắt người đi đường!”
Đồng Sa Băng. 20/11/08.