Tan vỡ
Tác giả: Đồng Sa Băng
N hững buổi chiều, sau khi ăn cơm xong, tôi thường ra ngồi trước cửa nhà nhìn bâng quơ cảnh vật bên đường. Con đường trước nhà lúc nào cũng rộn ràng, nào người, nào xe cộ, chạy lên chạy xuống tấp nập, cùng với tiếng máy nổ, tiếng còi xe và bụi bặm bay mù mịt suốt cả ngày. Chiều về, đó đây vài căn nhà trên mặt lộ bắt đầu nhen nhói những bóng đèn, và những ngọn đèn đường không hẹn mà cùng nhau bừng sáng. Những chiếc xe muộn màng đang vội vã cho kịp giờ cơm tối gia đình, để lại trên đường những cụm khói rời rạc. Một ngày sắp đóng cửa, và ngoại ô buồn cũng sắp đi vào giấc ngủ. Tôi đứng lên và đi lại cái quán nhỏ bên đường.
- Cà phê đen có đường cho anh đây.
- Cám ơn Nguyệt nhé.
Nàng nhếch nụ cười nhỏ và bước vào bên trong. Tôi ngồi bên cạnh cửa sổ nhìn ra đường, lâu lâu nhìn vào quầy pha cà phê, tôi lại bắt gặp ánh mắt nàng, và rồi ánh mắt đó lại vội vàng quay đi.
Từ lâu lắm rồi, chiều nào tôi cũng ra cái quán nhỏ bên đường nầy, quán Minh Nguyệt, và lần nào tôi cũng chỉ gọi mỗi một ly cà phê đen có đường. Riết rồi bà chủ quán và người con gái - Nguyệt - không còn thèm hỏi tôi dùng gì khi tôi đến, mà khi thấy tôi ngồi xuống bàn là Nguyệt lại đem ly cà phê đen có đường ra cho tôi. Không bao giờ nhầm lẫn. Nhưng có một buổi chiều, một người khách vào quán, thoáng nhìn, nàng lại mang ly cà phê đen có đường ra cho khách.
- Cô ơi, tôi đâu có gọi cà phê đâu!
- Ủa! Sao hôm nay anh không uống cà phê nữa sao?
- Không, tôi không bao giờ uống nỗi cái thứ nầy, đắng lắm.
Nàng nhìn kỹ người khách:
- Ý chết, em lộn rồi, xin lỗi anh, anh giống một người lắm. Anh muốn dùng gì?
Những tháng ngày kế tiếp tôi vẫn đi uống cà phê. Riết rồi tôi trở thành người khách độc đáo của quán Minh Nguyệt. Có những chiều tôi ngồi trầm ngâm bên tách cà phê đen. Hương vị ly cà phê rất đắng, nhưng tôi không còn cảm giác cái đắng của ly cà phê mà hình như tôi đã say đắm một cái gì đó. Một cái gì vô hình, rất gần mà sao thấy xa vời vợi.
Một hôm tôi đang thả hồn mơ màng qua khói thuốc thì nàng lại vặn máy lên, văng vẳng bên tai tiếng hát thật buồn: "Thức trọn đêm nay để nhớ thương em..." Tôi nhìn vào thì lại bắt gặp ánh mắt nàng quay đi. Tiếng hát đã làm lòng tôi chùn xuống, nhưng ánh mắt nàng đã cho tôi một niềm vui, một niềm vui không thể tỏ. Tôi bước đến trả tiền:
- Tiếng hát hay nhưng buồn lắm, Nguyệt có biết không?
- Em nghe hay chứ có thấy buồn đâu, bộ anh thấy buồn hả?
- À buồn lắm, mà không biết Nguyệt có biết anh buồn gì không?
- Em biết chứ.
- Nguyệt biết! Nguyệt biết anh buồn về chuyện gì hả? Tôi vui mừng.
- Em chỉ đoán thôi. Ngày mai anh có đến đây không?
- Nguyệt có đợi không?
- Em là người bán quán mà, lúc nào cũng đợi hết, chỉ có người khách thôi, họ đến và đi lúc nào lúc nào không biết.
- Ừ, em nói cũng đúng, nhưng biết đâu có người khách muốn chôn chân đây luôn thì sao. Thôi, ngày mai nhé.
Tôi chào nàng và lặng lẽ bước ra khỏi quán; văng vẳng sau lưng tiếng hát lại thoáng bên tai: “Tay trắng, anh nào mơ với mộng, nên tình hai đứa vẫn chưa yên…” Bước chân tôi vẫn in đều trong bóng tối.
Ðã từ lâu tôi muốn nói với Nguyệt một điều mà sao thấy ngại quá! Nhưng bây giờ Nguyệt nói đã hiểu nỗi buồn của tôi rồi, không biết có thật không?
Ngày đó, ngày quê hương không còn chinh chiến, mọi nhà được sống trong thanh bình, nhưng tôi lại thấy mình mất đi một cái gì rất lớn. Những người anh của tôi đã biền biệt ra đi. Rồi kế tiếp là những cuộc đánh tư sản, bây giờ gia đình tôi đang lâm vào cảnh cơ hàn. Cuộc sống lúc nầy khó khăn quá, tôi không còn lựa chọn nào khác bằng con đường rời ghế nhà trường.
Không còn đi học nữa tôi cũng ít ra quán Minh Nguyệt. Tôi lao vào đời bằng cái nghề bán chim. Một buổi chiều trên phố:
- Anh bán chim gì đây?
- Ðủ loại chim hết cô ơi, cô muốn mua chim nào? Tha hồ lựa đi.
- Em muốn mua chim nào béo kia.
- À ở đây có hết, chim gầy chim béo, chim mới mọc lông, chim có lông đầy đủ cũng có hết, cô xem đi.
Vậy là cô hàng trẻ cuả tôi thò tay vào lồng mà lựa chim. Cổ bóp hết chim nầy đến chim kia, còn vạch lông ra xem nữa! Thấy tội mấy con chim quá, tôi nói:
- Em bóp nó vừa vừa thôi, bóp nhiều quá chim anh chết hết.
- Trời ơi, phải cho em bóp mới lựa được chứ. Anh khó quá em không mua đâu.
- Cái thứ mắc dịch, chim người ta đem ra đây bán chứ bộ để cho em bóp chơi hả, em bóp chim tui tơi bời như thế nầy rồi không mua, coi có được không.
Tôi đang ngồi càu nhàu than phiền người khách trẻ:
- Không có tiền mà bầy đặt làm phách đi rờ chim người ta, hứ.
- Ai nói anh tui không có tiền, tự chim anh dỏm quá tui không thèm mua đó thôi.
- Dỏm sao, chim tui dzầy mà dám chê dỏm hả?
- Coi kià, chim gì mà gật gà gật gù, ngóc đầu lên không nỗi kià.
- À, thì đem về cho nó ăn no, nó ngóc đầu lên nó hót cho mà nghe.
- Trời ơi! Tui đi mua chim về làm thịt chứ mua về nuôi đâu, anh hai!
Tức mình quá tui ngồi bệt xuống đất, để chim đó ai muốn xem thì xem. Rồi người đi đường bu lại mỗi lúc một đông.
- Ủa, anh Phong, anh làm gì ở đây?
- Nguyệt hả, Nguyệt đi đâu đây.
- Em đi công chuyện cho Ba em, sao mấy hôm nay không thấy amh ra uống cà phê. Anh làm gì đây?
- Anh đi bán chim.
- Ủa! dzậy hả, để em xem chim anh thử coi.
- Thôi, không được đâu, Nguyệt mà ở đây kỳ lắm, không được đâu, em về đi nha.
Từ ngày đi bán chim tôi sợ Nguyệt bắt gặp lắm. Ðứng trên đường phố bán từng con chim để sống, làm sao tôi gặp Nguyệt được! Nguyệt là con bà chủ quán, còn tôi, tôi chỉ có mấy con chim! Ngày nầy ở góc đường nầy, ngày kia ở góc đường nọ.
Tôi không mơ mộng đâu. Nhưng tôi đã thầm yêu em.
Bây giờ Nguyệt đã biết tôi đi bán chim trên hè phố, không biết nàng nghĩ gì về tôi. Có những ngày tôi lặng lội chạy xe về miền Tây mua chim về bán, chiếc xe cộc cạch chở đầy chim. Con đường dài và gồng ghềnh tôi đã thấy mệt mõi. Nhưng biết làm sao đây, khi cái xã hội mà mọi người phải tự làm để nuôi bản thân, mà nhiều khi không đủ nữa. Cho nên những đứa bạn tôi cũng chẳng đứa nào nghĩ đến chuyện lập gia đình, bản thân nuôi chưa nỗi, còn đèo bồng được ai.
Quê hương tôi là thế đó! Không biết đĩnh cao trí tuệ của những người lãnh đạo có bao giờ nghĩ đến không.
Mấy năm sau tôi nhận được lá thư của người anh ra đi ngày nào. Thư nói rằng giấy bảo lãnh cho tôi anh đã làm gần xong.
Tôi vui mừng hết lớn. Tôi nghĩ một ngày nào đó tôi sẽ thoát khỏi cảnh nghèo và biết đâu tôi lại được ôm sách đến trường như ngày xưa.
Hôm nay bán được mấy con chim, tôi về sớm và ra quán Minh Nguyệt. Nguyệt lại mang ly cà phê đen ra cho tôi. Tôi nói:
- Nguyệt cho anh tí sữa đi, bây giờ không còn đi học anh không uống cà phê đen nữa đâu.
- Anh đi bán chim vui hông? Sao anh không cho em biết?
- Vui thì cũng vui, nhưng mệt lắm. Mình đem chim ra người ta dọc, người ta bóp hoài mà ít ai mua lắm. Nhưng mà nhở mai nầy anh không còn ra đây nữa Nguyệt có buồn không?
- Anh đi đâu mà không ra đây?
- Anh sẽ đi xa làm ăn. Bán chim hoài cũng buồn lắm.
- Anh nói đùa thôi, chứ đi đâu bây giờ.
- Anh chỉ nói nhở thôi mà. Thôi anh phải về cho chim ăn nhe.
Tôi vẫn tiếp tục chạy lên chạy xuống miền Tây mua chim về bán.
Tôi không còn bán chim lớn nữa mà tôi chỉ bán những con chim nho nhỏ cho người ta mua để phóng sinh. Nhìn những con chim được phóng sinh, bay đi, tôi nguyện cầu cho nó đừng bị người ta bắt lại nữa.
Lắm khi nhìn thấy những con chim bay tự do trên bầu trời mà tôi ước mơ. Ước mơ mình được như con chim ấy.
Tôi thường đứng bán tại chuà Vĩnh Nghiêm, khách viếng thăm chuà cầu nguyện, mua chim để phóng sinh và làm một việc thiện, họ không cần phải dày vò chim và cũng không cần biết chim mập chim ốm làm gì.
Nhưng lạ thật, tôi không muốn Nguyệt bắt gặp tôi đang lúc bán chim thì nàng lại cứ đi tìm tôi lúc bán chim!
- Anh bán cho em mấy con chim đi.
- Trời ơi! Nguyệt đến đây làm gì, mà Nguyệt mua chim để làm chi?
- Thì em mua chim để phóng sinh và để nguyện cầu chứ làm gì.
- Nguyệt nguyện cầu gì vậy?
- Thôi nha, chuyện bí mật người ta mà anh hỏi hoài chi dzậy. À mà hôm nọ anh nói anh đi xa có thật hông?
- Buồn quá nên nói đùa một chút cho vui chứ biết đi đâu bây giờ.
- Em thấy bán chim cũng vui lắm đó, thôi em về nhe.
Rồi một hôm tôi nhận được lá thư từ sở di trú. Tôi được mời đi phỏng vấn để lập hồ sơ xuất cảnh.
Một niềm vui thật lớn xuất hiện trong tôi. Những tháng ngày nhọc nhằn chạy lên chạy xuống con đường gồ ghề mua chim về bán chắc sẽ không còn nữa. Tôi tưởng tượng một ngôi trường thật xinh xắn, để hằng ngày tôi cắp sách đến trường.
Một tháng sau tôi đi khám bệnh tổng quát. Trước ngày nhận kết quả tôi chạy về tìm Nguyệt, nàng thoáng hiện nét buồn khi biết tôi sắp ra đi.
- Anh qua đó rồi, nhớ viết thư về cho em nhe.
- Nhớ mà, tuần nào anh cũng sẽ viết thư về cho Nguyệt mà.
- Thôi xạo đi, tuần nào cũng viết, thiệt hông đó?
- Anh nói thiệt mà, nhưng không biết Nguyệt có hồi âm cho anh không?
- Có chứ.
- Thôi anh phải về đi bán mấy con chim đã.
Tôi rất vui mừng. Ngày xưa Nguyệt nói đã hiểu nỗi buồn cuả tôi, bây giờ tôi biết đó là sự thật. Qua đó tôi sẽ ráng học, một hai năm sau tôi sẽ trở về thăm Nguyệt, rồi thì ai biết chuyện gì sẽ xảy ra …
Ðến ngày đi nhận kết quả khám bệnh tổng quát, người Bác Sĩ gọi tôi vào phòng và hỏi:
- Từ trước đến giờ trong gia đình em có ai mắc chứng bệnh nan y nào không?
- Thưa Bác Sĩ, sao Bác Sĩ hỏi vậy?
- Em đang bị ung thư bao tử, ngoài ra em còn bị nám phổi nữa nên hồ sơ khám bệnh của em rớt rồi.
Tôi bước ra khỏi phòng mạch với cõi lòng đen tối. Ung thư bao tử! Những lời nói ấy đã làm sụp đổ những ước mơ bình thường cuả tôi.
Ngày xưa Ba tôi cũng vì căn bệnh nầy mà ra đi vĩnh viễn, bây giờ tôi còn được bao lâu đây! Tôi vứt bỏ những mãnh giấy trong tay, cho bay, bay thật cao trong vòm trời, quên lãng. Bây giờ ở trong tôi như một cánh chim, nhưng không còn bao lâu nữa nó cũng sẽ được phóng sinh đi, như những con chim mà có lần Nguyệt cho bay xa, thật xa.
Lâu rồi tôi không trở lại trường xưa. Hôm nay ngôi trường thật bình yên, không bóng người, không tiếng động, chỉ có bước chân tôi và chiếc lá, đang rơi rụng.
Sao anh không về thăm phố cũ
Hẻm nhỏ đường xưa rũ rượi chờ
Cột đèn thờ thẩn mấy đêm thâu
Mòn mỏi chờ ai bóng đã mờ.
Đồng Sa Băng
Trích trong tuyển tập truyện ngắn Dấu Chân Ngày Xưa.