Chương 3
Tác giả: Dương thu Hương
Sau cuộc phiêu lưu kỳ dị dó hai tuần, một chuyện làm biến động cuộc đời học sinh tươi đẹp của chúng tôi.
Tôi chưa nói cho các bạn rõ, tôi có hai thầy giáo rất tuyệt. Thứ nhất là thầy chủ nhiệm. Cả lớp không ai gọi thầy bằng thầy mà chỉ gọi là bố Thế. Thầy đúng là ông bố của lớp. Thầy ngoài bốn mươi nhưng chưa có mụn con nào. Thầy và người vợ cùng tuổi đều hoạt động vùng địch hậu, bị địch bắt giam, tra tấn đến thành bệnh, khó có khả năng sinh nở. Trong những trường hợp đó, người ta thường trở nên khó tính và ác độc. Nhưng thầy giáo của chúng tôi lại hiền hậu, dịu dàng như có cả một người cha lẫn một người mẹ kết hợp lại trong tâm hồn mộc mạc của thầy. Từ trò đứng đầu lớp đến trò đội sổ lưu ban, không ai có thể oán thán điều gì, không ai nhận thấy một dấu hiệu cỏn con của sự thành kiến hay bất công ở thầy. Công bằng và nhân hậu, nâng đỡ và dìu dắt con người cho tới khả năng cuối cùng, thành thực và chất phác, đó là những đức tính chúng tôi nhận được ở thầy. Điều đó giúp tôi một khả năng lâu dài bền bỉ trong cuộc sống sau này, khiến tôi có thể vững vàng chịu đựng gian truân, khoan dung với những sai lầm của kẻ khác và tự kiềm chế mình mỗi khi trong tôi dấy lên những ý muốn trả thù.
Sau bố Thế, chúng tôi yêu quý thầy dạy thể dục. Hồi đó, thể dục là môn học phụ nhưng vì thầy dạy thể dục tốt và vui tính, nên đối với chúng tôi nó bỗng trở thành một môn học lý thú được chờ đón trong tuần. Thầy dạy thể dục ít tuổi hơn bố Thế, người tầm thước, rắn rỏi, da ngăm đen. Tóc thầy đen, dày. Cặp mắt nghiêm nghị nhưng cởi mở. Thầy luôn luôn đem lại cho chúng tôi tiếng cười thoải mái trên sân tập. Thầy nói rất ít, dường như không thuyết giáo bao giờ. Nhưng chúng tôi hiểu những cử chỉ và ý muốn của thầy. Ánh mắt tươi vui, trìu mến của thầy khiến chúng tôi vượt qua nỗi sợ hãi hay sự nhọc mệt. Khoảng sân cỏ mền tràn đầy ánh nắng. Những lá cỏ tươi xanh. Những con chuồn chuồn bay lượn. Bầu trời xanh lơ có những đám mây nhỏ. Và tiếng cười sảng khoái khi trán còn long lanh mồ hôi sau buổi tập hoặc sau các trò chơi thể dục… Những giờ học đó là hạnh phúc thực sự của tuổi thơ. Tôi nhớ chúng rõ ràng như nhớ những bông hoa phượng đỏ có những chiếc vòi mà mỗi mùa hè, chúng ta thường rứt xuống để chơi trò chọi gà vậy.
Thế mà bỗng dưng thầy rời xa chúng tôi. Thầy có ba con nhỏ với người vợ ở làng. Vợ thầy đau yếu luôn, không làm ruộng được nên nhà túng bấn. Gần đây, cô bị viêm gan. Vì thế thầy phải chuyển về một trường ở huyện để tiện chăm sóc vợ và lũ con dại. Thầy đi vội vã đến nỗi không kịp gặp gỡ, liên hoan chia tay với học trò theo thường lệ. Chúng tôi chỉ còn biết bùi ngùi thương nhớ thầy, tự trách mình quá thờ ơ vói con người chịu nhiều khổ sở nhưng lúc nào cũng bình tĩnh và làm việc hết lòng ấy. Lớp trích quỹ mua tặng thầy một cặp sơ mi và một đôi giày da mùa đông. Giờ thể dục bỏ trống. Và hai tuần sau giáo viên thể dục mới về trường.
Sáng đó chúng tôi xếp hàng đứng đón. Trước mặt chúng tôi xuất hiện một người đàn ông to cao, béo nục, tóc chải bồng, bận bộ đồ trắng lốp. Chúng tôi xiết bao ngạc nhiên khi thấy bố Thế giới thiệu thầy thể dục mới hai mươi bốn tuổi tên Gia. Chúng tôi tưởng ông giáo này ít nhất cũng ba mươi tư hoặc ba mươi lăm rồi. Trong lúc bố Thế nói, thầy giáo mới đứng im, mắt nhìn lướt qua đầu chúng tôi về phía xa xăm như một triết gia. Bố Thế đi rồi, ông giáo cúi đầu nhìn lũ trò. Chúng tôi chờ đón xem thầy thể dục mới nói gì. Bất chợt ông giáo hô to:
- Tất cả nghiêm!
Chúng tôi nhảy dựng lên như bị kiến đốt, vội vàng ưỡn lưng, nghển cổ nhìn về phía trước. Thầy giáo Gia liếc nhìn bộ hài lòng, rồi bắt đầu bài giảng:
- Tôi bước vào tiết học đầu tiên ở đây. Trước khi dạy các anh chị, tôi là giáo viên trợ giảng của trường Đại học thể dục thể thao. Học viên của tôi là những thanh niên trẻ khỏe, đã tôt nghiệp cấp ba phổ thông, có nhận thức rất khá. Vì thế, e hèm… việc tôi về đây dạy các cô, các cậu (thầy giáo Gia hạ chúng tôi từ anh chị xuống cô cậu đột ngột như hô nghiêm vậy)… rất là đặc biệt. E hèm, tôi lưu ý các cô các cậu điều đó…
Chúng tôi đứng im phăng phắc. Lúc đó một con ruồi trâu to tướng bay tới. Tiếng bay vo vo của nó vang rất rõ trong không gian. Thầy Gia tỏ ý không hài lòng. Thầy giơ tay đập. Con ruồi vọt lên cao, nhưng không bay đi mà cứ rung cánh ro ro như ấm nước đun bằng dây điện vậy. Thầy Gia hậm hực lườm lườm con ruồi rồi nói tiếp:
- Bây giờ bắt đầu vào tiết học. Đối với chúng ta, thời gian là vàng ngọc, sức khỏe là châu báu. Không được lãng phí một giây. Trước tiên hãy khởi động cho cơ thể được hâm nóng. Nó cũng giống như dịch vị tiết ra trước bữa ăn… Theo tôi… Một, hai… Tất cả hãy chạy vòng tròn…
Chúng tôi hồi hộp nhìn nhau, bắt đầu chạy. Loan thở hổn hển, ghé vào tai tôi thì thầm:
- Ông này điêu quá, mày ạ. Chỉ có việc khởi động mà thuyết lý hàng tràng. Nghe cứ rối mù lên.
- Lặng im xem còn gì nữa không.
Tôi đáp. Trước đây thầy dạy thể dục chỉ cần giơ hai cánh tay, chụm hình chữ U trên đầu là chúng tôi đã ngoan ngoãn chạy vòng tròn khởi động.
“Thật sung sướng khi sống với những người giản dị và tươi vui” – tôi thầm nghĩ.
- Tất cả chú ý!
Thầy Gia lại đột ngột thét như lên như còi tàu. Lần này tim chúng tôi cũng nhảy thon thót. Chúng tôi lén đưa mắt nhìn nhay. Thầy Gia nói:
- Giữ khoảng cách thật đều. Sao cho mỗi cá nhân là một đơn nguyên trong cấu tạo vòng tròn. Tôi cho mỗi người hai phút tự kiểm tra, điều chỉnh để định vị mình cho chính xác. Phải nêu cao ý thức thể dục thể thao mới. Phải nghiêm túc và giữ gìn kỷ luật… Nào, bắt đầu… Tôi bấm giờ đây. Mỗi người được quyền tự tu chỉnh trong hai phút…
Đám học trò nhìn nhau:
- Gì thế? Thầy giáo mới bảo gì thế?
- Chịu. Khéo, giẫm lên chân tao rồi.
- Chạy đi, sao đứng ì ra đấy? Thầy ấy quay lại thì chết cả nút bây giờ…
- Nhưng tao chẳng hiểu gì hết…
Thầy Gia trịnh trọng nhìn chiếc đồng hồ quả quýt đeo trước ngực đếm:
- Ba mươi lăm, ba mươi sáu,… bốn mươi giây. Còn sáu mươi giây nữa…
Mọi người cuống quýt:
- Bỏ sừ. Bê ơi… bảo chúng tao với! Ông ấy nói gì thế nhỉ?
Lúc ấy tôi ghé vào tai Yến sếu nói:
- Chia khoảng cách cho đều. Chỉnh lại vòng tròn. Cả mớ lý thuyết đó tóm gọn chỉ có thế thôi.
Yến sếu thở phào. Tín hiệu được truyền đi ngay tức khắc và được thực hiện hối hả.
Một hồi còi dài báo hiệu hết giờ tự tu chỉnh. Chúng tôi dừng lại, hướng về phía giáo viên như những hành tinh hướng về mặt trời.
- Các cô các cậu chú ý này… - mặt trời của chúng tôi nói - Bài tập của chúng ta hôm nay là…
Đang trịnh trọng, thầy Gia đột nhiên dừng lại, mặt phồng lên, căng thẳng một cách khổ sở. Hai cánh mũi lớn có những mạch máu li ti đỏ rần rật. Mắt thầy nhìn xuống đất, giống như cắm một cây cọc nhọn xuống đó và nhất quyết không nhổ lên nữa. Cả bộ mặt thầy y hệt một mảnh buồm đã mục, căng hết cỡ trước làm gió dữ, chỉ cần một hơi thở dồn tới là bục ngay. Tình trạng nguy hiểm đó kéo dài chỉ chừng năm sáu giây. Rồi bỗng:
- Hắt ắt ắt xì ì ì hơi ơi ơi !!!...
Thầy Gia không thể kìm được cơn hắt xì hơi vốn mạnh hơn ý muốn giữ vẻ trang nghiêm đạo mạo trước đám học trò. Thầy đành ngửa mặt lên trời, há miệng không kịp giơ tay che, cũng không kịp quay đầu đi để hắt hơi một cái thật mạnh như hơi nồi súp de bị xì, làm bắn nước bọt lên đầu Yến sếu.
Vì bộ mặt thầy lúc đầu quá trịnh trọng nên khi nhăn nhúm lại do phản ứng của cơ thể nom hài hước quá. Nó khiến chúng tôi không nhịn được, nổ tung lên một cơn cười. Từ trưởng lớp đến học viên. Tất cả mọi người trong lớp đều không kìm được cơn tức cười cồn cài gan ruột. Nhất là mấy chị lớn tuổi, cứ gục đầu vào vai nhau, nước mắt giàn giụa, cười rũ rượi hồi lâu.
Sau khi bình tĩnh lại, thầy Gia giậm chân, trợn mắt quát:
- Tất cả trật tự!
Chúng tôi giật mình đứng nghiêm, nhưng tiếng cười vẫn còn bắn ra khỏi cổ họng, nổ giữa hai hàm răng. Thầy giáo liếc nhìn chúng tôi, giận dữ nói:
- Các cô các cậu cười gì? Cười cái gì?… Đây là giờ học hay giờ chơi. Ý thức tổ chức kỷ luật để đâu? Các cô các cậu coi thường bộ môn, coi thường thầy dạy phải không?…
Chúng tôi không còn cười được nữa. Chúng tôi im re, cúi mặt nhìn xuống đầu móng chân. Không khí trở nên nghiêm trọng vì mặt ông giáo mới tím lại, giận dữ và uất ức. Ông nhìn xoi mói vào chúng tôi. Rồi như nhận ra tôi là đứa bé con đứng đầu hàng cười to nhất và nhiều nhất, ông chỉ:
- Cô kia, tên gì?
Tôi lạnh toát sống lưng, khẽ trả lời:
- Thưa thầy em tên là Vũ Thị Bê.
- Cô cười gì?
- …
- Tôi hỏi, cô cười gì?
- … Đây là giò học hay gìơ chơi?
- Thưa thầy, giờ học.
- Giờ học có được phép cười không?
- Thưa thầy … không ạ.
- Vì lý do gì cô cười?
- …
- Cô là kẻ vô kỷ luật, vô tổ chức, không xứng đáng đi học…
Ngón chân cái của tôi nhảy lên nhảy xuống trước mặt. Những dòng nước lạnh toát bò dọc sống lưng. Rồi sau đó, lại là những dòng nước khác nóng bỏng luồn vào từng thớ thịt. Tôi thấy mình tròng trành như đi đò ngang qua sông. Cả lớp đứng im, mặt cúi gằm. Chợt một giọng rụt rè cất lên:
- Thưa thầy, em xin có ý kiến…
Tôi ngẩng lên, Ly run run giơ tay xin nói. Đó là đứa bé còi cọc nhất lớp. Mẹ chết vì hậu sản, Ly ở với ông bố nát rượu làm nghề đánh xe ngựa chở thuê và một bà mẹ ghẻ bán nước mắm ở chợ. Hai người thi nhau hành hạ đứa bé, không ai rỏ cho nó một giọt tình thương. Ly phải làm quần quật suốt ngày.Nó học kém nhất lớp, mặt mũi tay chân quắt queo như quả trám khô.
- Thưa thầy, - thằng bé run run cất giọng nói - chị Bê không dám cười thầy đâu ạ.
Ông giáo mới gườm gườm:
- Thế thì cười ai?
Ly thở gấp, hối hả nói:
- Thưa thầy, giờ thể dục trước đây được phép cười thoải mái. Thế nên chúng em quen đi…
Ông giáo im lặng. Rồi ông hắng giọng nói:
- Thôi được, tôi cho qua. Nhưng các cô các cậu phải biết rằng tôi rất nghiêm khắc với những hiện tượng vô tổ chức, vô kỷ luật.
Giờ học kéo dài trong không khí nặng nề, lo sợ. Trưa hôm đó, khi tan học, tôi bước qua sân trường. Chân giẫm lên những ngọn cỏ mềm, trí não tôi tưởng nhớ tới gương mặt tươi vui, đôn hậu của thầy giáo cũ.
- Thầy ơi, thầy ơi, thầy ơi…
Tôi thầm gọi, lòng vang lên tiếng cười ánh ỏi của những giờ học xưa kia. Giờ chúng vĩnh viễn trôi mất. Tôi rẽ qua hành lang tìm bố Thế nhưng bố đã đạp xe lên Ty giáo dục mất rồi. Buồn rầu, tôi trở về nhà. Không ngờ, một sự kiện khác đang chờ đợi. Nó đem lại tai ương cho Loan hạt mít, cô bạn ruột thịt của tôi. Và lần lượt cả hai đứa tôi phải gánh chịu những tai ương xảy đến.