Chương 4
Tác giả: Dương thu Hương
Trưa đó mẹ tôi bảo:
- Con đi mua ít đá về pha nước chanh. Trời oi quá.
Tôi cầm chiếc ca ra phố. Thị trấn chỉ có hai nơi bán đá lẻ. Một hãng nước đá nhỏ của Pháp để lại, có cái tên rất kêu: Hoa Lư. Bây giờ, mậu dịch ăn uống tiếp quản làm kem que và bán đá lẻ. Hai là nhà cai Cân. Ông ta mua một cái máy làm kem nhỏ, xin được giấy phép chạy nước đá bán. Tuy nước đá nhà cai Cân bán thường là đá non, rất mau chảy và bán đắt gấp đôi mậu dịch nhưng gần nhà nên tôi tới đó mua. Trước sân, năm sáu người khách tới trước đang đứng chờ. Tôi vừa tới nơi thì gặp Ly trong nhà bước ra:
- Đằng ấy tới mua đá hả? Phải nửa giờ nữa mới có. Tớ vừa xem máy xong. Đằng ấy có chờ không?
Tôi nhìn ra phố: trời nắng, oi giữa hè. Giá có đi tới hãng Hoa Lư cũ thì cũng rã chân. Nghĩ vậy tôi gật đầu.
- Chờ.
Ly kéo tay tôi.
- Thế thì vào đây nghe chuyện.
Ly dắt tôi vào sân trong. NÓ chơi thân với đứa con thứ ba của cai Cân nên đi lại tự do như người nhà. Ly đưa tôi vòng ra ngách sau dưới chiếc cửa sổ, dây mảnh bát leo tựa tấm mành. Có tiếng người vọng ra. Tôi nhận được tiếng cô Lưu, mẹ Loan hạt mít.
- Để cho em nghĩ thêm đã – Cô Lưu nói.
- Lưu không tin tôi sao?… giọng cai Cân nghe ngọt ngào. - Cả tôi và Lưu không thiếu gì tiền. Chúng ta chỉ thiếu tình cảm thôi. Tôi muốn Lưu về đây vui vầy, đoàn tụ. Khi trái nắng, lúc trở trời có nhau. Lưu cứ giữ căn nhà đằng ấy, làm sao chúng ta gần gũi được?… Đành rằng chẳng xa xôi vạn dặm gì… Nhưng dẫu sao cũng là cách trở.
Cô Lưu lặng im. Hẳn là cô theo thói quen đang đưa ngón tay lên cuốn sợi tóc mai vốn đã quăn tít bên tai. Sau đó, tôi nghe cô thở dài.
- Nhưng còn con Loan… Em khó nghĩ quá.
- Chúng ta đã tính chuyện trăm năm thì phải lo hết nhẽ. Con nào cũng là con chung. Hai ta cùng gánh nặng, cùng vác đầy. Lẽ nào tôi lại cam lòng cho cháu Loan khổ? Nó khổ là Lưu khổ. Mà Lưu khổ thì tôi sung sướng nỗi gì?
Cô Lưu lại thở dài. Hai người cùng im lặng
Ly nhăn mũi, bĩu môi bảo tôi:
- Chắc lão đang thơm cô Lưu đấy.
Tôi cốc vào đầu nó:
- Im mà nghe, quỷ sứ.
Lúc đó lão cai Cân lại cất tiếng:
- Mình bán nhà xong rồi làm lễ cưới. Bảo họ đóng cọc nửa tiền. Làm giấy sang tên xong thu nốt… À à… dạo này nhà đang lên giá. Lão trung tá về hưu bên phố mới đang cay cái nhà của mình lắm, Lưu cứ mặc tôi ra tay…
Đứa con trai thứ ba của cai Cân bỗng từ trong bếp đi ra, ho nhổ khoàng khoạc. Tôi và Ly vội vàng bươn ra sân trước. Mua đá xong, tôi về nhà ngay. Không kịp ăn cơm, tôi bảo mẹ:
- Mẹ ơi, cô Lưu sắp lấy lão cai Cân đấy. Con nghe hai người bàn chuyện cưới xin và bán nhà về ở chung.
- Thế nào? Cưới? … Bán nhà cô Lưu về ở chung?
Mẹ tôi hỏi sửng sốt như nghe tin núi lửa sắp phun xuống thị trấn.
Tôi gật đầu quả quyết:
- Chính tai con nghe thấy mà.
Mẹ tôi ngồi lặng trước bàn, đăm đăm nhìn khoảng trời loá nắng. Tôi ăn cơm xong, nhọc mệt ngủ thiếp đi. Trong giấc ngủ trưa nặng nề đó, tôi mơ thấy Dũng còm. Không hiểu sao nó ăn mặc y hêt như con khỉ trong gánh xiếc rong ngày Tết. Đầu đội mũ cát két đen, mặc may ô đỏ viền đen, nó nhảy nhót như thằng hề trước một đám đông xin tiền. Rồi khi đám đông biến mất nó quay lại nhìn tôi buồn ủ ê:
- Bê ơi, đằng ấy có biết vì sao tớ phải lang thang như thế này không?
Tôi lắc đầu:
- Không. Không một ai biết cả.
Dũng còm trầm ngâm nói:
- Ừ, Chắc không ai biết.
Tôi bảo:
- Vậy thì đằng ấy nói đi. Vì sao?…
Dũng còm ngước nhìn tôi:
- Tớ không dám nói… Tớ không bao giờ dám nói…
Những đồng hào trong túi nó rơi xuống, lăn rổn rảng trên đường. Lăn mãi cho tới khi đám bụi mù sau chiếc xe ngựa bốc lên. Và Dũng còm biến mất…
Tôi còn ngơ ngẩn vì giấc mơ, mẹ tôi đã gọi dậy học bài. Hơn ba giờ rồi. Sau bữa cơm chiều mẹ con tôi tới nhà cô Lưu. Mẹ không nói nhưng tôi biết hẳn tin tôi vừa thông báo khiến mẹ phải suy nghĩ nhiều. Hai nhà cách nhau một phố, đi chừng mười lăm phút là tới nơi. Cô Lưu đang ngồi trong bếp rán bánh. Ánh lửa hắt lên hai gò má tròn, đỏ hây hây. Dạo này, cô béo tốt, xinh tươi hẳn ra. Cô mời mẹ tôi ngồi vào bàn, rồi nhanh nhẹn bưng lên một đĩa bánh vừa vớt:
- Chị xơi bánh nóng. Thứ có vừng lăn ngoài là bánh ngọt, nhân đậu xanh đường, dừa nạo. Thứ bánh dài không vừng là bánh mặn, nhân thịt nạc, tiêu hành…
Mẹ tôi hỏi:
- Lâu lắm có thấy cô làm bánh đâu?
Cô Lưu đáp:
- Vâng, hôm nay em nghỉ chợ, làm một ít. Vừa cho cháu ăn, vừa đem biếu…
Nói tới đó, cô cười thẹn thùng. Hai mẹ con tôi đều hiểu rằng người được biếu bánh ở đây chính là ông cai Cân, chồng sắp cưới của cô. Mẹ tôi không cười, buồn buồn nhìn xuống đất. Xưa nay mẹ tôi vốn có thiện cảm với cô. Ngoài lẽ tôi và Loan thân nhau, cô là một trong số rất ít người lao vào nghề buôn bán mà còn giữ được tính hiền hậu, thực thà. Trước đây cô làm bánh rán. Cả thị trấn mê những chiếc bánh rán giòn, bột nhuyễn mịn, thơm phức của cô làm. Bánh ngon, người bán lại tươi cười, ăn nói dễ nghe.
Chồng cô là thợ cơ khí đẹp trai, hiền như đất. Một chiều tháng bảy, chú đi ăn cỗ về, ra giếng tắm bị cảm hàn chết. Người chị chồng ở tận Lào Cai về đưa ma, chu cấp vốn rồi dắt díu em dâu đi theo. Cô Lưu thạo buôn bán, giàu có vượt lên. Một mình, vừa nuôi con ăn học đàng hoàng, vừa xây lên ngôi nhà năm gian, nền cao thước hai, tràn láng như giấy, hiên trước đổ bê tông, sân sau đủ bếp núc, buồng tắm, chuồng gà chuồng chim. Dân thị trấn nể cô. Và cô trở thành đối tượng số một cho những người đàn ông độc thân ở khắp hai khu phố cũ, mới… Vậy mà bỗng dưng cô lại gật đầu thuận lấy lão cai Cân - một người nổi tiếng tham lam, bần tiện trong thị trấn. Đầu lão dài, hói, giống như quả dưa hấu. Cặp mắt quằm quặp sau đôi kính. Đi đau, lão cũng thích bòn mót, từ cái ốc rỉ tới chiếc nắp chuông xe đạp. Xin được, nhặt được vật gì, cai Cân cũng cho vào túi áo. Lũ trẻ trong thị trấn vẫn nhìn những chiếc túi áo của lão như nhìn vào túi của lão ba bị. Ba bị chín quai, mười hai con mắt, đi bắt trẻ con…
Hẳn vì thế nên mẹ tôi mới rầu rĩ thế, mặc dù cô Lưu hơn hớn cười, đặt đĩa bánh vào tay mời mọc:
- Kìa, chị Hanh, mời chị xơi bánh kẻo nguội bây giờ…
Mẹ tôi đưa mắt nhìn tôi. Biết hiệu lệnh, tôi kéo Loan ra phố. Chắc khi chúng tôi tới đường nhựa thì cuộc chuyện trò giữa hai người bắt đầu…
Loan đoán biết được điều đó, nên im lặng đi theo tôi, không nói leo lẻo như mọi bận. Đang rảo bước, vấp phải rễ cây, tôi suýt ngã. Trong bóng tối của vòm lá, tôi chợt nhìn thấy một tấm áo hoa om dáng lưng quen thuộc.
- Chị Bội.
Chút nữa tôi kêu lên. Đúng là chị Bội thật. Chị đang đứng dưới gốc bàng đầu cúi gục. Sau chị, một người đàn ông cao lớn, tóc chải bồng. Anh ta diện quần áo trắng lốp, tựa như thỏi bột vĩ đại. Loan kéo tôi núp sau tấm bảng dán áp phích của phòng thông tin thị trấn. Hú vía, chỉ hai bước nữa là chúng tôi chạm trán họ.
- Thưa thầy, thầy về ạ…
Tiếng chị Bội run run.
Không có tiếng đáp. Rồi sau đó, người đàn ông nói:
- Hôm nay trời lắm sao quá nhỉ?
Tôi nhận ra giọng nói của ông giáo thể dục mới: thầy giáo Gia. Té ra ông thầy này đã nhanh chóng tìm được người để tán tỉnh. Chị Bội là nữ sinh lớn nhất lớp. Xinh đẹp và hiền hậu nổi tiếng khắp trường, chị khiến tất cả các chàng trai khôn lớn quay cuồng như chong chóng. Bao nhiêu thư tình của họ gửi cho chị, lũ nhóc chúng tôi đều bóc ra xem trước rồi ngặt nghẽo cười. Lần nào chị cũng đỏ mặt lên, kêu:
- Lũ quỷ con!
Sức học của chị làng nhàng. Kém nhất lại là môn thể dục. Chẳng hiểu sao chị không thể vượt qua được mức quy định thấp nhất cho các môn điền kinh. Có lẽ vì vậy mà lúc này, đứng trước ông giáo Gia, chị run rẩy như con cò gặp bão:
- Thưa thầy…
- Trai gái trong phố đi xem phim đông thật.Phim gì thế nhỉ?
- Thưa thầy phim Pha-ti-ma.
- Ờ ờ.. Pha-ti-ma. Em đã xem chưa?
- Thưa thầy, em xem từ tuần trước.
Ông Gia cười hinh hích rồi hạ giọng:
- Bội giông Pha-ti-ma lắm cơ, nhất là mái tóc dài và đôi mắt đen đẹp mê hồn…
- Thưa thầy, thầy về kẻo đường xa…
- Hơ hơ hơ… Bội đuổi tôi đấy à? Tôi về đây.
- Dạ, thầy về ạ…
Ông Gia dắt chiếc xe đạp dựa sát tường xuống đường nhựa. Lốp xe nảy tanh tách, giòn giã. Sau đó ông nhảy lên xe, hùng dũng như con gấu, chân đặt lên bàn đạp, tay tì vào ghi đông. Tôi tưởng ông ta đi. Nhưng ông ta chưa đạp đi ngay mà còn nói:
- Bội phải chịu khó tập lại mấy môn điền kinh nhé. Cả cầu thăng bằng và nhảy ngựa nữa. Điểm hai là không được lên lớp đâu
- Dạ, thưa thầy vâng ạ.
Người nữ sinh lớn tuổi đáp lí nhí. Ông giáo thể dục đi khỏi, chị vội vã bước vào nhà ngay. Tôi bảo Loan vòng vài phố rồi quay về. Câu chuyện đã xong, cô Lưu đăm chiêu nhìn những viên gạch lát dưới chân. Khi cô tư lự, những nếp nhăn hiện rõ nơi đuôi mắt. Loan hạt mít bảo rằng mẹ nó ba mươi tám tuổi rồi. Gần bốn mươi tuổi với người đàn bà goá là đáng sợ lắm – bà ngoại tôi thường nói thế…
Hai hôm sau, một buổi tối, mẹ con tôi đang thu dọn cửa nhà thì cai Cân xộc tới. Lão không chờ mời, ngồi phịch xuống ghế.
- Bác tới chơi hay có việc gì? – mẹ tôi hỏi.
- Tôi tưởng cô phải biết chứ? Cô vẫn đi dạy con nhà người ta mà – cai Cân cười khẩy đáp lại.
- Đúng đấy… - mẹ tôi thản nhiên đáp – Tôi vẫn dạy trẻ học. Nhưng nhà nước chỉ phân công tôi giáo dục trẻ em. Còn những người lớn tuổi, tôi không có trách nhiệm. Nhất là những người đã từng ăn cơm Tây, ở nhà Tây…
Cai Cân sầm mặt. Hẳn lão tức lắm. Trước ngày giải phóng, đi đâu cai Cân cũng khoe rằng lão là người của nhà nước Pháp, ăn cơm bằng cùi dìa, phóng sết, và nhảy đầm thạo hơn cả dân chính xứ Gô-loa… Chiều chiều, cơm xong, lão mặc độ lính bằng ka ki vàng rồi đi la mát. Hòa bình về, bộ đồ ka ki đó biến ngay, và thay vào đó là bộ đồ gụ với đôi dép cao su. Giờ nghe mẹ tôi nói, cai Cân im như thóc. Lão tự rót nước trà, uống xùm xụp rồi dịu giọng:
- Xưa nay, tôi vẫn trọng cô giáo là người ít tuổi nhưng biết đường ăn lẽ ở. Sao bỗng dưng cô nhảy vào chuyện của người khác làm gì? Tôi mát tính chứ kẻ khác hung đồ, cục súc thì…
- Thời này, không ai sống theo cái lối cháy nhà hàng xóm bình chân như vại - mẹ tôi cắt lời lão.
- Cô nhầm – cai Cân cười nhạt – Nhà chúng tôi có cháy đâu?
- Bác đừng nói nhiều. Tự nhìn mình, nhìn người thì sẽ thấy – mẹ tôi đáp - thấy người bên cạnh sắp nhảy vào lửa, phải có lời khuyên can. Đó là lẽ làm người.
Cai Cân cười khẩy, những chiếc răng nanh bọc vàng của lão sáng loé lên:
- Đàn bà goá cần chồng chứ không cần lời khuyên của hàng xóm, cô đừng phí công.
Nói xong, lão bỏ về.
Mẹ tôi ngao ngán thở dài. Rồi mẹ cứ ngồi lặng im trước chén nước nguội cho tới lúc tôi mắc màn đi ngủ.