watch sexy videos at nza-vids!
Truyện HÀNH TRÌNH NGÀY THƠ ẤU-Chương 7 - tác giả Dương thu Hương Dương thu Hương

Dương thu Hương

Chương 7

Tác giả: Dương thu Hương

Trong bản kiểm điểm, tôi giải thích hành động của mình có hai duyên cớ: Thứ nhất, đáp lại sự hành hạ tàn nhẫn của ông giáo. Thứ hai, phản đối thái độ bất chính của ông ta với nữ sinh. Bà hiệu trưởng đọc xong nhưng chưa trả lời. Bà cần nghiên cứu, xác minh. Và trong thời gian chờ đợi ấy, bà buộc tôi nghỉ học. Bố Thế và thầy Bách đấu tranh rất kiên quyết và nhẫn nại nhưng không thể lay chuyển quyết định của bà. Bà muốn chứng tỏ cho mọi người thấy bà là hiệu trưởng và quyền quyết định tối cao của bà là một thứ tài sản bất khả xâm phạm. Những ngày bị buộc nghỉ học, tôi gầy tọp đi. Bạn hãy tưởng tượng một ngày nào đó, người ta nói với bạn rằng: Mày sẽ được cho ăn, cho uống, nhưng bị nhốt vào chuồng sống chung với lũ bò và sống như thế cho tới mãn kiếp… Tôi cảm thấy mình bị hành tội đúng như vậy trong những ngày chờ phán xử.
Mẹ tôi không dung tha cho bất cứ hành động hoặc lời lẽ nào của tôi. Mẹ tôi chỉ nhắc đi nhắc lại điều duy nhất:
- Bất luận lý do gì, thầy vẫn là thầy, trò vẫn là trò. Trò dám chống lại thầy là tội không dung thứ.
Hoặc là mẹ tôi cố tình không hiểu. Hoặc là mẹ không bao giờ hiểu rằng đôi khi số phận áp đặt cho ta một ông giáo không đủ tư cách làm thầy, thậm chí không đủ tư cách làm một người đứng đắn và lương thiện. Vì thế mọi lỗi lầm mẹ trút cả lên đầu tôi:
- Con là đứa phá hoại luân lý gia đình. Bốn đời nhà ta làm nghề dạy học mà chưa gặp đứa học trò bất trị nào như con. Con phải hiểu rằng người học trò ngoan chỉ có mỗi nhiệm vụ: lắng nghe và học hỏi thầy…
Tôi buồn rũ, chỉ ngồi im. Nhưng có lúc nổi khùng, tôi vặn lại mẹ:
- Nếu con là con trai mà thực hiện đúng lời mẹ dạy, thì con đã theo ông Gia đuổi theo các cô gái tán tỉnh suốt ngày… Liệu mẹ có chịu không?
Lúc đó, mẹ lại quát to:
- Con nhà mấy dạy, không được cãi lý với mẹ.
Tôi nói:
- Nhưng thưa mẹ, mẹ vừa bảo con phải học hỏi người thầy. Vậy con đã nghe thấy thầy Gia nói với chị Bội rằng…
Tôi nhắc lại nguyên văn những câu tán tỉnh ba xu của ông giáo thể dục. Mẹ tôi bí thế, lại đùng đùng quát lên:
- Giỏi thật, cho chúng mày tiền đi ăn kem, lại đứng nghe những chuyện nhảm nhí. Ngữ này không đánh cho no đòn thì cũng đến nước hư hỏng thôi. Bê, nằm xuống đây!…
Mẹ tôi quất roi mây lên mông tôi, vừa thở hổn hển. Thoạt đầu, tôi còn khóc vì đau đớn. Sau, tôi không khóc nữa. Tôi cảm thấy mình trở nên lỳ lợm. Tôi nằm im đếm những roi đòn rơi xuống và thầm nói:
- Lão Gia ác độc, cầu cho lão chết đi, cầu cho lão chết…
Tôi không giận mẹ, mặc dầu mẹ đánh tôi quá nhiều và thật vô lý. Đánh xong, mẹ ném roi, ngồi ôm mặt khóc. Dường như mỗi roi đòn mẹ quât lên mông tôi thì một ngọn roi vô hình nào đó cũng quất xuống trái tim mẹ và khiến mặt mẹ co dúm lại vì đau khổ. Đêm tới, khi thấy tôi ngủ say, mẹ rón rén tụt quần tôi ra, xoa dầu lên những lằn roi bỏng rát. Tôi thức giấc,nằm thật yên, nhưng nước mắt rơi ướt đầm gối vì thương mẹ và thương cả thân mình.
Giấc ngủ kéo dài mười hai giờ liền. Mãi gần trưa hôm sau, tôi mới tỉnh. Lúc ấy khoảng mười giờ rưỡi. Mẹ tôi đi đâu đó, khoá cửa ngoài. Nắng lọt qua cửa sổ kẻ lên mặt chiếu. Vệt nắng khiến tôi nhìn ra những đồ đạc quen thuọc hàng ngày: bàn ghế, tủ treo quần áo, tủ chè gương mặt đã ố, con búp bê ngồi trên xích đông, cái đầu sư tử treo trên tường mua ngày Tết Trung Thu năm tôi lên bảy… Tất cả đều xám xịt và buồn tẻ.
Căn phòng tối lờ mờ như nhà tù. Còn tôi, tôi là một tù nhân. Đúng tôi là một tù nhân. Nhưng không phải tù hình sự - đám lưu manh chuyên móc túi, cướp giật, lừa đảo… Tôi là tù chính trị. Nếu sinh vào thời cách mạng, rất có thể tôi sẽ trở thành Tô Hiệu, Lý Tự Trọng… Các chiến sĩ cách mạng đã chẳng chống lại lũ thực dân áp bức dân lành đó sao? Còn tôi, tôi không thể chống thực dân Pháp vì chúng đã cút về nước và cách mạng đã thành công rồi.Nhưng tôi chống lại ông Gia là kẻ độc ác, hành hạ trẻ nhỏ, cưỡng bức phụ nữ… Ít ra, việc làm của tôi cũng khiến lão phải e dè hơn trước. Và sự hả hê không che giấu của học sinh trong trường đã chẳng nói lên điều đó sao?… Nếu tôi biết căm ghét và phản kháng cái xấu, tôi có thể trở thành người chiến sĩ khi nước nhà gặp cơn nguy biến… Tôi tự an ủi và không buồn chán nữa. Tôi vừa định ngồi lên thì có tiếng khoá lách cách. Mẹ về. Nhớ lại những đòn roi tối qua, tôi lại nằm xuống giường. Mẹ toi cất túi xong, vội vã tới hỏi:
- Bê đã dậy chưa con?
Tôi im lặng.
- Bê đã tỉnh chưa con?
Mẹ tôi hỏi lần thứ hai, hốt hoảng hơn. Tôi không trả lời.
- Trời ơi, con bé ốm mất rồi! … - mẹ kêu lên, ôm chặt lưng tôi - khổ thân con bé, trời ơi!
Tôi co cứng người lại để mẹ không thể xoay mặt tôi ra ngoài. Giờ đây, những giọt nước mắt nóng hổi đang theo nhau lăn xuống gối.
“Không được khóc, chẳng chiến sĩ nào khóc trong nhà tù cả… Mày phải nín ngay đi…” – tôi thầm giận dữ mắng mỏ mình.
Mẹ tôi vẫn ôm tôi, vừa lay vừa nói:
- Con ơi, xôi cô Vân Anh cho kia kìa, cả cháo sườn mẹ mới mua ở nhà bà Soi về còn nóng hổi… Con ăn một tý kẻo ốm bây giờ, con ơi…
Tôi nghĩ: “Ăn bây giờ là hèn. Ăn bây giờ là chấp thuận ý kiến của mẹ. Mẹ buộc mình phải kính trọng lão Gia và hoàn toàn nhận lỗi…”
Mặc cho mẹ nài nỉ, tôi vẫn nằm im, quay mặt vào tường. Rồi một ý nghĩ như cơn gió lướt tới: Tôi tuyệt thực. Đúng rồi… ngày xưa, các chiến sĩ Nam Kỳ khởi nghĩa đã chẳng nằm nghiêng, không cử động, không ăn uống mười lăm ngày liền và đã anh dũng chết đó sao?… Các nhà hoạt động chính trị đã chẳng tuyệt thực hàng tuần trong nhà tù Sơn La cho tới khi thực dân Pháp phải thực hiện yêu sách đó sao?… Tại sao mình lại không học tập được những con người dũng cảm đó?… Ý nghĩ đó khiến tôi như lớn hẳn lên, vững chãi và đầy uy lực của một người chiến thắng. Tôi quay mặt lại, mở mắt nhìn mẹ và nói dõng dạc:
- Mẹ không thể nào mua chuộc được con. Con tuyệt thực.
- Cái gì? - mẹ tôi trợn tròn hai mắt, dường như không tin ở tai mình nữa – Con nói gì?
Tôi dằn từng tiếng:
- Con nói rằng con tuyệt thực. Tuyệt thực để bảo vệ chân lý.
Mẹ tôi đứng dậy, ngơ ngác nhìn tôi như nhìn người từ âm phủ chui lên. Biết mẹ chưa hiểu, tôi nói tiếp:
- Từ nay con sẽ nằm nghiêng, không ăn uống, không cử động cho tới khi áo quần thối rữa. Con sẽ chết, giống như cácchiến sĩ Nam Kỳ khởi nghĩa trong khám Chí Hoà ngày trước. Mẹ tôi lặng đi vài giây. Rồi sau khi hiểu ra mọi chuyện, mẹ bật khóc:
- Hu hu hu… Trời đất ơi… Khổ thân tôi… Tôi cũng chết đi cho rồi…
Mẹ khóc như đứa trẻ bị đòn, yếu đuối và thơ ngây. Tôi mủi lòng, định dỗ dành mẹ. Nhưng lúc đó tôi đã nằm nghiêng quay mặt vào tường như đã dự định nên tôi không thể quay ra.
“Phải cứng rắn, phải đấu tranh cho chân lý…” – Tôi tự hạ lện cho mình. Và cứ thế, tôi nằm yên lặng. Mẹ tôi hết khóc lóc dỗ dành lại nhờ Loan hạt mít, Yến sếu tới khuyên can tôi. Tôi đã chiến thắng được những phút yếu lòng. Tôi đã chiến thắng được mùi thơm của cháo sườn, cháo gà hạt tiêu, phở bò, xôi nén với chả…
Khoảng năm giờ chiều, vì mệt, tôi nằm thiu thiu ngủ. Chợt nghe tiếng đập cành cạch của tấm nhôm rách bên ngoài. Bố Thế đã dắt con ngựa già lọc cọc tới – tôi nghĩ bụng. Đúng như vậy, chưa đầy một phút sau đã có tiếng gọi:
- Cô Hạnh có nhà không?
Mẹ tôi dưới bếp cuống quýt chạy lên. Thấy bố Thế, mẹ tức tưởi khóc:
- Em mong anh suốt từ trưa. Cả ngày nay, nó chẳng chịu ăn uống gì. Nó bảo em là nó sẽ tuyệt thực để đấu tranh cho chân lý. Nó kiên quyết nằm úp mặt vào tường đến khi nào thối hết da thịt, chết như những chiến sĩ Nam Kỳ trong khám Chí Hoà. Mấy chị hàng xóm khuyên em nên mời sư sãi trên chùa về nhà cúng giải ma… Mà em thì sợ rằng…
Bố Thế ngắt lời:
- Cô cứ bình tĩnh. Đừng có cuống lên như thế…
Nghe tiếng động, tôi biết rằng bố đã bỏ cái xắc da to tướng xuống và kéo ghế ngồi. Mẹ tôi hấp tấp đi lại, chừng như để kiếm trà pha nước.
- Mời anh xơi nước. Trà ướp sen cô Vân Anh mới cho em.
Bố Thế uống trà, khà một tiếng theo thói quen của bố mà chúng tôi biết từ lâu. Rồi bố ề à cất tiếng:
- Cô ăn cơm chưa? Chạy ra phố mua cho tôi mấy chiếc bánh ngọt. Mặc tôi ở đây với con Bê.
- Vâng, em đi ngay bây giờ.
Mẹ tôi hối hả đi ngay tức khắc, tiếng xe đạp tanh tách xa dần. Tôi hé mắt nhìn, thấy đôi vai to ngang của bố Thế in lên bóng tường. Chao ôi, mới nghỉ học mấy ngày mà tôi nhớ bố quá thể. Nỗi nhớ người thầy thân thiết hoà trong nỗi nhớ lớp, nhớ trường. Bởi thế khi thầy vừa cất tiếng gọi: “Bê, dậy bố bảo…” tôi liền nhổm ngay dậy và oà khóc.
Thầy ôm tôi vào lòng và rút chiếc khăn tay sặc mùi thuốc lào lau nước mắt cho tôi:
- Sao mày không chịu ăn uống gì hả con?… Đúng là đồ ngốc.
Tôi nức lên to hơn, không nói được lời nào.
Bố Thế hỏi:
- Bố nghe con Loan nói mày nhất quyết tuyệt thực phải không?
Nói rồi bố cười hì hì, đúng như tiếng cười của một ông già hiền lành.
- Ngốc lắm – bàn tay ấm và nham nháp của bố xoa lên tóc tôi – ngày xưa bố cũng đã tuyệt thực khi ở trong nhà tù của kẻ địch chứ không ai tuyệt thực trong ngôi nhà êm ấm của mình. Mày có hiểu tuyệt thực là gì không? … Một biện pháp đấu tranh chống kẻ địch. Vậy mà con lại đem biện pháp đó áp dụng với người thương yêu mình nhất trên đời. Như vậy có đúng là điên không?…
Tôi vẫn úp mặt vào lòng bố Thế và không nhìn rõ bố đang cười. Nhưng tôi hình dung được trước mắt những chiếc răng thưa đều và ám đen khói thuốc của bố. Tôi cố cãi một câu chiếu lệ:
- Nhưng tại sao mẹ con cứ bắt con phải con phải kính trọng, học tập ông Gia.
- Phải kính trọng, học tập các thầy các cô giáo nói chung - bố Thế ngắt lời tôi – vì các thầy các cô là người dạy dỗ, truyền đạt cho mình những kiến thức về cuộc sống. Không có kiến thức, sao con người tốt đẹp và trưởng thành lên được?… Nhưng trong số những cá nhân lãnh trách nhiệm làm thầy, làm cô… cũng có người không đoan chính. Bố biết vậy… Nhà trường, các thầy cô có trách nhiệm giúp đỡ những giáo viên có khuyết điểm. Còn học sinh không được làm điều gì xúc phạm đến thầy cô giáo.
Tôi ngẩng lên, nhìn thầy. Ánh mắt hiền hậu của thầy lộ rõ vẻ buồn bực.
- Bố biết, tay Gia này…
Tôi ôm chặt bố Thế thân yêu của mình. Phải, bố đã hiểu tất cả, bố đã công bằng. Tôi chỉ chờ vào điều ấy thôi…
Bố vuốt tóc tôi, xoa vầng trán tôi và nói tiếp:
- Con xử sự với ông Gia như vậy là con có lỗi. Đáng lẽ con phải cho bố biết mọi sự. Con phải kiên nhẫn chờ bố ở dưới quê lên.
Bố nhìn tôi thở dài, mắt bố rất buồn. Tôi cũng rưng rưng trong dạ. Biết vậy, bố khẽ nói:
- Thôi, dẫu sao thì mọi chuyện cũng qua rồi. Giờ phải ăn đi chút gì đã. Mới bằng con ếch đã tưởng đấu được với bò. May mà không ốm nặng.
Đúng lúc ấy, mẹ tôi hớn hở dắt xe vào, đặt gói bánh ngọt lên bàn. :
- Anh xơi bánh với nước chè. Bánh mới còn mềm lắm.
Bố Thế đeo chiếc xắc da to tướng lên vai:
- Thôi để bữa khác. Giờ thầy trò tôi ra phố đã.
Rồi bố đèo tôi đi ăn phở. Ăn xong, thầy trò tới hàng nước uống chè tươi nóng với kẹo bột, chè lam. Bố nói toàn chuyện vui cho tới khi đưa tôi về nhà, bố mới dặn:
- Chiều mai cô Vinh gặp đấy.
Rồi bố về trường. Còn tôi nằm nghĩ tới buổi chiều mai. Đó là thời khắc quyết định số phận mỏng manh của tôi.
Vào buổi chiều ghê sợ đó, nắng gay gắt như thể giữa tháng sáu ta. Chiếc đồng hồ quả lắc cổ lỗ trong văn phòng kêu tích tắc, tích tắc một cách nặng nhọc và cáu kỉnh. Cái quả lắc hoen rỉ đung đưa đều đặn trước mắt tôi. Tôi giương mắt nhìn nó trong khi chờ đợi bà hiệu trưởng phán xét. Bố Thế ngồi bên tôi, vẻ trầm tĩnh nhưng buồn. Dường như bố đã thấy trước một kết thúc không mấy tốt đẹp đang chờ đợi tôi. Tôi cảm thấy điều đó và thêm lo lại. Tim nhảy trong lồng ngực như một con chim bị trói. Tôi phải bấu chặt mép bàn để giữ bình tĩnh. Bà hiệu trưởng ngồi im lặng lật từng tờ giấy trong tập hồ sơ dày cộm. Hồi lâu, bà rút ra bản kiểm thảo của tôi, nói:
- Đọc lại đi
Giọng bà lạnh lẽo khiến tôi tái tê cả người. Bố Thế ngồi im như tượng, nhìn qua ô cửa về phía cánh đồng xa tít tắp. Hình như bố đang nghĩ tới điều gì đó không liên quan gì tới bà hiệu trưởng, bản kiểm điểm và bầu không khí nghiêm trọng trong căn phòng này. Tôi chợt thấy bơ vơ như đứa trẻ bị lạc trong bãi tha ma đêm, hoảng hốt, run rẩy. Trước mặt tôi, những dòng chữ xanh đậm trên bản kiểm điểm nhảy nhót, chập chờn. Một giọt mực rơi giống hệt con nhặng đậu lên trang giấy. Ngay chữ ký dưới cùng cũng xa lạ như thể chữ ai đó, chứ không phải chữ ký của mình…
- Đọc kỹ chưa?
Bà hiệu trưởng cất tiếng hỏi đột ngột khiến tôi giật nẩy người. Ngón tay trỏ của bà đưa lên, ấn vào sống chiếc kính cận đang tụt xuống chóp mũi. Rồi bà nhìn xoáy vào mặt tôi. Mắt bà trơ trơ như hai hạt nhãn nước, không giận giữ, không xót thương, không căm ghét. Cả đến sự giễu cợt cũng không. Trước cặp mắt vô tri của bà, tôi thấy mình bị tan vụn ra như cục bột ngâm nước. Chưa bao giờ tôi bắt gặp một ánh mắt nhọn như kim, tàn nhẫn một cách bình thản và ngọt ngào như thế.
- Em nhớ rõ những gì đã viết chứ? – bà hỏi từ tốn.
- Thưa cô, vâng. – Tôi trả lời.
Bà hiệu trưởng hơi nhếch mép, môi trên đụng đậy. Hình như bà mỉm cười thì phải. Rồi gõ ngón tay xuống bàn, bà dõng dạc goi:
- Nguyễn Ngọc Bội, vào đây.
Cánh cửa sau lưng bà mở ra lẹ làng, không tiếng động như được làm phép. Một bàn tay trắng nõn vịn vào khuôn cửa. Rồi sau đó, một thiếu nữ bước ra:
- Thưa cô, em đây ạ.
Chị Bội trả lời. Đúng là chị Bội. Nhưng mặt chị trắng phếch, nhợt nhạt và đôi mắt đen sập xuống, như bị cắm vào từng bước đi ngắn, e dè như bước đi của ông già mù hát xẩm.
- Mời em ngồi… - bà hiệu trưởng kéo ghế - Hôm nay, nhà trường mời em tới để xác minh một sự việc. Trước tiên, tôi yêu cầu em phải nói thật, hoàn toàn sự thật – Bà dằn từng tiếng. – Em rõ chưa?
- Thưa cô, rõ ạ.
Chị Bội đáp, giọng run run và mặt càng nhợt ra như tờ giấy.
Bà hiệu trưởng gõ ngón tay lên bàn:
- Tốt lắm. Bây giờ, em nghe cho kỹ càng: Thầy Gia có tán tỉnh, bờm xơm với em không?
- Thưa cô, không ạ.
- Thầy Gia có biểu hiện thiếu đứng đắn với em không?
- Thưa cô, không ạ.
- Thầy Gia có tới rủ em đi xem phim Pha-ti-ma không?
- Thưa cô, không ạ.
- Thầy Gia có vuốt tóc, ôm lưng em không?
- Thưa cô, không…
Cứ mỗi câu trả lời, đầu chị Bội lại cúi thêm xuống. Cuộc đối thoại xong, mặt chị gằm xuống sát mặt bàn. Mỗi câu trả lời của chị giống như những viên đại bác bắn vào đầu tôi, khiến tất cả nát vụn, tan tành. Tôi không nghĩ được gì nữa. Óc tôi như khối bùn nhão, lạnh tanh. Tôi chỉ cảm thấy mặt mình từ nóng phừng phừng chuyển sang giá ngắt. Bàn tay tôi tuột từ mép bàn xuống gối, run bần bật. Còn quả lắc đồng hồ thì đảo đi đảo lại như cái đầu trọc của lão già trên chùa Đông Na. Cuối cùng, không hiểu vì sao, tôi đã thu hết sức lực mà hét lên:
- Chị Bội nói điêu, chị Bội nói dối!..
Bà hiệu trưởng quắc mắt lên, nhưng giọng lại rất mềm dẻo:
- Em ngồi xuống, không được vô lễ…
Nói xong, bà ta quay sang chị Bội:
- Em hãy trả lời trước tôi, thầy Thế và em Bê. Những điều em nói đúng hay sai?
Tôi nhìn trân trân vào cái má trắng bợt của chị Bội. Những sợi tóc mai rung rung:
- Thưa cô em nói đúng.
Chị Bội trả lời không nhìn ai.
Có cái gì đó vỡ oà trong tôi. Nỗi đau quặn lên, cồn cào gan ruột. Nó khiến tôi rã rời như biến thành những hạt cát. Tôi không thể gào thét được, thậm chí không thể gọi được tên một người thân thiết nào đó tới với mình. Những viên gạch men lát nền nhà quay chậm chậm dưới chân tôi. Rồi tốc độ quay mỗi lúc mỗi nhanh như cánh chong chóng trên đỉnh đồi. Chúng khiến tôi chóng mặt, đầu óc quay cuồng. Một tiếng còi xe lửa rít lên trong óc, và tôi rơi vào trong cái vòng quay tròn dưới chân tôi…
Tôi ốm năm ngày thì được biêt hội đồng nhà trường họp thi hành kỷ luật tôi. Mức kỷ luật bà hiệu trưởng để ra là mức kỷ luật cao nhất đối với một học sinh: Đuổi học, cảnh cáo và thông báo toàn thể các trường cấp ba trong tỉnh; hạnh kiểm 0 điểm. Lý do kỷ luật: Vu khống và có hành động trả thù giáo viên.
Tất cả bạn bè của tôi đã thay nhau theo dõi các cuộc họp. Tụi nó kể với tôi rằng cuộc đấu tranh giữa bố Thế và bà Vinh vô cùng gay go. Cuối cùng, bà Vinh lấy quyền thủ trưởng quyết định vì ý kiến ủng hộ hai bên ngang nhau, không hơn kém một phiếu. Tôi đã chuẩn bị tinh thần chịu đựng kỷ luật cao nhất là đuổi học. Nhưng tôi không ngờ bà hiệu trưởng còn kèm theo điều kiện thông báo toàn bộ các trường cấp ba trong tỉnh. Như vậy, bà vĩnh viễn buộc tôi thôi học vì không một trường nào dám nhận tôi nữa. Bà đã chặn tất cả các ngả đường phía trước đời tôi. Hẳn bà biết cậu ruột tôi có ý định đem tôi lên một trường huyện cho học tiếp. Bà dập tắt nốt ngọn lửa cuối cùng trong hy vọng của tôi.
Tôi gục đầu xuống hồi lâu, không ngẩng lên được. Sau đó, thay nỗi thất vọng và buồn tủi là lòng hờn oán. Tôi hỏi:
- Còn lão Gia thì sao?
Tụi ban hỏi lại:
- Thì sao là nghĩa gì?
Tôi đáp:
- Lão ta có bị kỷ luật, phê bình gì không?
- Làm gì có chuyện ấy. Lão ta còn được thể làm già, khăng khăng đòi đi nơi khác. Nhiều thầy cô ghét lão nhưng không dám nói. Riêng bố Thế với thầy Bách chỉ trích lão thì bị bà Vinh phê bình là nuông chiều học sinh, thành kiến với đồng nghiệp… Mấy hôm nay, mặt lão vênh lên trông đáng ghét lắm.
Tôi lặng im, tức thở như bị ngạt khói. Trước mặt tôi bỗng hiện lên con đường quen thuộc dẫn tới trường. Nắng rực rỡ. Những cây kim phượng hoa vàng và những cây phượng vĩ hoa đỏ chót nở dọc lối đi. Sân trường xanh mướt cỏ. Nơi ấy cơ man nào cỏ may, cỏ chỉ. Chúng tôi đã ngắt cọng cỏ, cắm vào đuôi những con chuồn ớt, chuồn ngô rồi thả chúng lên trời. Thế là hàng chục chiếc phi cơ óng ánh sắc màu lượn trên khung trời lơ, trong như lọc. Sát sân cỏ là hội trường với hai chùm đèn bóng trắng. Các đêm liên hoan đã diễn ra ở đó. Nào tiếng ghi-ta, tiếng phong cầm, tiếng vi ô lông, tiếng sáo… Nào váy áo lụa xanh, lụa hộng rực rỡ và những chiếc mũ dán giây tráng kim lấp lánh dưới ánh đèn… Chẳng lẽ không bao giờ tôi còn được thấy chúng nữa sao?… Cả cái bàn bóng một bên vênh, một bên có khe nứt, bóng đi xiên vẹo và luôn gây cho ta những cú thua oan. Cả cái phòng thí nghiệm có ông già mặc áo bờ lu trắng, mũi khoằm khoằm và luôn hăm dọa lũ học trò nhưng lại hiền như đất. Rồi những dãy chai lọ hình thù lạ lẫm, những chiếc bình cong cổ, những ống nghiệm làm phản ứng hoá học, chum a xít sun-phua-ríc có hình chiếc đầu lâu với hai ống xương bắt chéo bên trên, bộ xương người bằng thạch cao nhe hai hàm răng trắng nhởn trong bóng tối, lọ phoóc môn ngâm bào thai người… Rồi dãy hành lang lát gạch men vàng, những tấm kính cửa sáng bóng mà ngày ngày chúng tôi soi gương vào đó, chiếc bàn dài đầy vết mực và có các hình vẽ nguệch ngoạc, ngăn kéo dưới bàn là nơi chúng tôi bí mật giấu ô mai và ngô nướng ăn vụng trong giờ học, tấm bảng đen có ô nhỏ bên trên ghi sĩ số từng ngày… Thế giới thân yêu tràn ánh sáng và tiếng cười đó sẽ mãi mãi rời xa tôi sao? Tôi là người sinh ra để gắn bó với nó. Tôi yêu nó đến nỗi trong mỗi vụ nghỉ hè, dù bao nhiêu trò chơi vui thú lôi cuốn, tôi vẫn không quên được màu phấn trắng, mùi hăng hăng bụi bặm của phòng thí nghiệm và không khí hồi hộp trước mối tiết kiểm tra bài. Ngôi trường đó có bao nhiêu dấu vết của tôi. Này nhé, cái cọc lưới bóng bàn tôi đã xin Ban thể dục thể thao tỉnh. Đôi vợt mút là phẩn thưởng cây vợt trẻ của tôi. Chiếc bình cắm hoa lớn nhất thường dùng trong ngày lễ là phần thưởng diễn viên văn nghệ không chuyên của Ty văn hóa tỉnh. Còn bồn hoa trước văn phòng là do cả lớp tôi trồng mùa thu năm ngoái. Hôm trồng hoa, tôi đã bị cảm nắng một trận nên thân…
Những kỷ niệm tha thiết quá. Chúng khiến tôi đau đớn nhiều hơn. Nước mắt trào qua bờ mi, lăn xuống tận cằm. Tôi để mặc cho nước mắt rơi ướt đẫm vạt áo.
Hôm sau chủ nhật, tôi vừa thức dậy thì lũ bạn đã kéo tới đầy cửa. Chúng gào ầm ĩ:
- Bê ơi, dậy mà nghe tin mừng.
- Bê ơi, có chuyện quan trọng lắm…
Tôi đứng dậy mở cửa vì mẹ đi chợ từ sớm đã chốt then ngang thay khóa. Tụi bạn xô vào, xúm quanh giường. Rồi chúng tranh nhau kể cho tôi nghe. Tiết học thứ năm hôm qua, bà hiệu trưởng cho văn thư đánh máy quyết định kỷ luật của tôi gửi đi các nơi. Trong lúc bà đang đọc, Ly bước vào nhận rằng chính mình mới là người nhốt ông Gia vào nhà xí. Vũ Thị Bê chỉ khiêng giùm cậu ta chiếc bàn lim thôi. Nhưng chị ấy đã đứng ra nhận tội vì thương Ly gầy gò, ốm yếu và nếu bị đuổi học sẽ không đủ sức chịu những trận đòn của ông bố…
Tụi bạn kể xog, giương mắt nhìn tôi đầy vui vẻ và tò mò. Tôi im lặng. Tôi không ngờ chú bé loẻo khoẻo, thể xác ốm yếu, có bộ mặt ủ ê, sầu não đó lại tốt đến thế. Niềm thương mến tràn ngập tâm hồn khiến tôi rung cảm.
Loan hỏi:
- Đằng ấy mừng quá phải không?
Tôi gật đầu:
- Ừ.
Loan tức tối:
- Thế mà bà Vinh xử oan đằng ấy.
Tôi lắc đầu:
- Không oan đâu.
Tụi bạn trợn tròn mắt nhìn tôi:
- Sao lại thế?
Tôi bảo:
- Tớ mừng vì điều khác chứ không phải vì thoát được kỷ luật của bà Vinh.
Tối hôm đó, tôi đến nhà Ly.
Ông bố say rượu của nó đang ngồi ngất ngư trước một mâm bún lòng.
Trống quân, trống quýt, trống còi,
Tôi chẳng lấy nó, nó đòi lấy tôi…
Ông ta ngửa cổ lên trần nhà, cất giọng khê nồng nặc hát. Hát xong, ông hét thằng con út đang đứng gần cửa:
- Cu, con mẹ sề của mày đâu rồi?
Thằng bé lên năm nhưng mặt già câng trả lời:
- Bà bô sang nhà mụ đồng Son. Có thuê cu đi gọi thì đưa năm hào.
Ông bố móc túi, tìm đồng năm hào ném cho con:
- Này, con mẹ sề mày đi với ai hả?
Đứa con giơ từng ngón tay đen nhẻm, móng tay đầy ghét lên đếm:
- Bà Năm Nghĩa này, bà Tư này, bà Nhàn này… Cả chú Lợi công văn nữa này… Nhiều lắm…
Ông bố gầm lên, đôi mắt lồi như hai quả nhót chín:
- Tiên sư nhà nó, rượu nhạt như nước ốc, mắm tôm chấm lòng thì không chanh, không ớt… Nó bỏ đi đàn đúm với cái thằng đĩ đực ấy. Ông thì ông cho cả nút ăn dao…
Ông ta giơ chén rượu lên cao, đập cộp một cái thật mạnh. Chiếc chén thủy tinh vỡ vụn trên tấm phản gỗ lim. Mảnh thủy tinh đâm vào tay người đàn ông nát rượu. Ông ta giơ bàn tay ròng ròng máu lên và kêu:
- Ly, Ly đâu? Cha tiên sư mày, chết ở đâu rồi?
Tôi nép vào cánh cửa, sợ hãi nhìn những giọt máu đỏ tươi từ bàn tay người đàn ông rớt trên mặt gỗ. Trước đây tôi vẫn nghe dân thị trấn đồn cặp vợ chồng này vô cùng hung bạo, đánh đập nhau luôn luôn và hành hạ thằng bé mồ côi mẹ không tiếc tay. Tuy thế, tôi cũng chưa thể hình dung rằng trên đời có một người cha gớm ghiếc đến như vậy.
Người đàn ông say rượu vẫn gào:
- Cha con đẻ mẹ mày! Ly, Ly… y… y…
Lúc bấy giờ, chú bé hớt hải chạy lên:
- Bố gọi con ạ.
Ông bố quát:
- Không gọi mày thì gọi con chó à?
Nói xong, ông ta co chân đạp thốc vào bụng đứa con, văng ra một câu chửi tục. Ly thót bụng lại như con tôm, lùi ra sau rất nhanh nên cú đạp tàn bạo kia rớt xuống cặp đùi gầy gò của nó. Hẳn là Ly đã quen tránh đòn chứ như tôi mà bị đạp vậy thì chỉ đứng thưỡn ra hứng trọn cú đòn và sau đó lên bệnh viện ngay.
Trong nhà, ông bố gào:
- Kiếm giẻ băng tay cho tao.
Đứa con trai lẳng lặng vào buồng. Lát sau, Ly mang ra mảnh giẻ cũ với nhúm thuốc lào. Nó cầm bàn tay ông bố lau hết máu, rịt thuốc rồi lấy giẻ băng kín lại. Ông bố đưa bàn tay đã băng cẩn thận lên nhìn, vẻ mặt dịu đi. Ly thu dọn những mảnh thủy tinh vỡ, lấy giẻ ướt lau vết máu trên phản rồi ra sân. Lúc đó, cậu ta mới thấy tôi. Nó nhìn trước nhìn sau rồi chạy ra:
- Đằng ấy đến từ bao giờ?
Tôi không trả lời, hỏi lại:
- Ông ấy đá đằng ấy có đau không?
Ly ấp úng:
- Không… tớ tránh được.
Tôi cau mày:
- Tội nghiệp!... Bố đằng ấy ác quá...
Ly im lặng. Lát sau, nó dịu dàng nói:
- Ông bố tớ ấy mà… ông ấy cũng chẳng sung sướng gì đây. Ông ấy khổ lắm nên mới đâm ra nghiện rượu…
Tôi nói:
- Nhưng ông ấy không thương đằng ấy.
Ly cúi đầu nói khẽ:
- Có chứ. Bố tớ cũng thương tớ…
Rồi sau một lát im lặng, nó lảng sang chuyện khác:
- Đằng ấy tới bảo gì tớ thế?
Tôi ngẩn người, bỗng dưng quên hết những lời lẽ mà dọc đường tôi đã nghĩ ra để nói với Ly. Sau cùng, tôi buông một câu hỏi cộc lốc:
- Sao đằng ấy lên hội đồng nhà trường nhận kỷ luật cho tớ?
Ly từ tốn đáp:
- Thế tốt hơn.
Rồi nó cười:
- Mà sao đằng ấy biết? Nhanh thế! Loan hạt mít thông báo à?
Tôi không trả lời, hỏi lại:
- Ai bảo đằng ấy làm việc đó?
- Không ai cả.
- Thế tại sao?
- Tớ học kém quá. Học thêm nữa cũng chẳng ích gì. Đằng ấy học giỏi mà lại phải thôi thì tiếc quá. Bố Thế nhiều lần bảo rằng lớn lên đằng ấy thừa sức du học nước ngoài.
- Đằng ấy không sợ ông bố với bà dì ghẻ đánh hay sao?
- Chắc… cũng có đánh. Nhưng chẳng sao, tớ quen đi rồi…
Ly lại cười. Gương mặt nhỏ sáng long lanh. Tôi mủi lòng nói:
- Ly, đằng ấy nghĩ tớ cam tâm để đằng ấy bị đòn oan hay sao?
Nói xong, tôi nhìn Ly. Nó cũng ngước nhìn tôi. Ánh mắt chúng tôi soi vào nhau. Và tôi biết rằng, chỉ một giây nữa, hai đứa sẽ cùng òa lên khóc. Vì thế tôi vội vã quay đi, cắm đầu chạy một mạch về nhà.
Sáng thứ hai, tôi đến nói với bà hiệu trưởng rằng bà cứ việc công bố thi hành kỷ luật tôi như cũ. Rằng việc Ly đứng lên nhận lỗi chỉ là do thiện ý của cậu ta và hoàn toàn không xác thực. Tôi nói một cách bình tĩnh, không mảy may run sợ, hồi hộp. Khi đã biết hoàn toàn sự tàn nhẫn và độc ác của bà, tôi không e sợ quyền lực của bà nữa. Chúng tôi, những đứa trẻ chưa tới tuổi trưởng thành, chúng tôi dũng cảm trước sự thật, chúng tôi thương yêu nhau và biết hy sinh vì nhau. Chúng tôi cao hơn bà. Tôi nhận cuốn học bạ mà bên dưới những dòng chữ dài dằng dặc biểu dương mọi ưu điểm, dưới những cột số điểm nằm đỏ chói, có dòng chữ đuổi học to tướng và điểm hạnh kiểm 0. Tôi nhận cuốn học bạ đó từ tay bà, lặng lẽ, dửng dưng. Tôi đã vượt qua giới hạn của nỗi đau khổ rồi.
HÀNH TRÌNH NGÀY THƠ ẤU
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Chương 19