Chương 9
Tác giả: Dương thu Hương
Tám giờ rưỡi sáng hôm sau tôi mới tỉnh dậy.
Căn nhà vắng vẻ. Chỉ có tiếng thạch sùng tắc lưỡi trên mái gianh. Gà trong xóm chốc lát lại gáy te te. Ngoài sân, một con mèo hoang gừ gừ với chú gián vừa chộp được. Mẹ con chú bé Cau đi đâu từ sớm. Họ để phần tôi một bát khoai hầm trên chõng. Tôi ra sân đánh răng, rửa mặt bằng tay rồi trở vào ăn khoai. Xong, tôi lững thững đi theo con đường làng, qua những khu vườn là những mái nhà nối tiếp. Giờ này, dân trong các xóm đã ra đồng. Chỉ có những bà già giữ cháu và đám trẻ lau nhau chơi khăng, chơi đáo là còn ở nhà. Phía đình làng, lớp mẫu giáo đang học. Bên cạnh đó, nhà trẻ hợp tác có cái giếng xây to tướng và một dãy khăn mặt bay phất phới trên dây phơi. Thằng cu nào đó đang ăn vạ gào rất to. Tiếng cô giữ trẻ cố át đi mà không được. Tôi ngắm nhìn những rặng táo qua mùa, chỉ còn lại dăm quả lơ thơ, nhỏ như cuống cà pháo. Hồi lâu, buồn chán, tôi quay gót ra đồng.
Từ làng ra đồng có một con đường nhỏ, chạy song song với dòng mương. Đường bờ vùng vừa đủ cho xe cải tiến chở phân ra bón và chở lúa về sân phơi. Còn khắp nơi là ruộng xanh bát ngát, chạy mênh mông tới chân trời. Lác đác có những mảnh đầm ruộng, loang loáng nước. Ở đó, dù xa, cũng có thể thấy những đốm trắng li ti xao động. Đó là những đàn vịt được lùa đi kiếm ăn.
Nắng chưa gay gắt nhưng vừa đủ rực rỡ để cho những đám mây lung linh như thêu kim tuyến. Dọc bờ ruộng, cây vòi voi uốn những chùm hoa tím xuống mặt cỏ. Còn những bụi cỏ mật xanh um thì tỏa lên mùi hương ngọt ngào, say sưa như ủ men rượu bên trong. Con mương kẻ một vệt dài thẳng tắp trên cánh đồng lúa. Và mặt nước sóng sánh lay động của nó khiến tôi nhớ lại một câu chuyện xa xưa:
“Có một hoàng tử thích chơi thuyền. Nhà vua đóng cho con chiếc thuyền rồng xinh xẻo. Rồi ngài sai quân lính đào một dòng sông nhỏ trong thành. Hoàng tử vui sướng thả con thuyền của mình lên đó. Viên cận thần của vua nói: “Thưa hoàng tử, thuyền rồng của hoàng tử đã tới biển Cát-xpiên...”. Ông hoàng con ngạc nhiên hỏi: “Thuyền ta tới Cát-xpiên rồi sao?”. Viên cận thần đáp: “Thưa hoàng tử, đúng như vậy”. Hoàng tử cười, và từ đó cứ đinh ninh dòng sông đào trong kinh thành của vua cha là biển Cát-xpiên xa xôi hùng vĩ...”
Chợt nhớ lại câu chuyện về ông hoàng con ngây thơ, tôi mỉm cười. Dẫu sao, tôi cũng trưởng thành và cứng cỏi hơn anh chàng con vua. Nghĩ lan man, tôi đã tới giữa đồng. Cách dòng mương chừng hai mươi thước, nổi lên một gò đất. Gò đất ăn liền với con đường. Trên đó, mọc sừng sững một cây gạo lớn. Gốc cây to, xù xì bướu, một người lớn dang tay mới ôm hết nửa vòng. Cành cây trổ ra bốn phía, da nâu pha từng mảng trắng phếu. Hoa gạo đã rụng hết, chỉ còn lại những chùm quả xanh non mềm mại. Tán lá mỏng, cuốn lao xao trong gió. Cây gạo già khiến tôi đứng lặng đi vì cảm phục. Vẻ đẹp của nó hùng vĩ và thanh cao quá, giống như vẻ đẹp của những ông thần trong chuyện cổ chứ không phải vẻ đẹp của một loài cây bình thường trên mặt đất.
Nhưng sau phút giây sững sờ trước vẻ đẹp của thiên nhiên, tôi chợt thấy mình bơ vơ, lạc lõng giữa cánh đồng bao la tràn trề ánh nắng và mày xanh cây cỏ, tôi thấy mình như một kẻ bị lãng quên. Chẳng ai cần tới tôi, biết đến tôi lúc này. Dòng mương lấp lánh trôi. Nó tự thầm thì trò chuyện với mình. Những cây vòi voi hoa tím rủ rỉ nói với những con ong ruồi bé tí. Cây gạo oai phong kia trò chuyện với bầu trời. Những người dân đang làm cỏ lúa và vãi phân trò chuyện cùng nhau. Chỉ mình tôi trơ trọi, đơn chiếc. Tôi đi tới gốc gạo. Tôi định bụng sẽ ngồi đó chơi cho tới khi chú bé Cau đi học về. Đến đỉnh gò, tôi chợt thấy một ông già nhỏ bé ngồi thu lu dưới gò, giáp với những đám ruộng. Vì gò đất cao, từ xa tôi không thể nhìn thấy ông. Ông nhỏ bé đến nỗi tôi cứ tưởng rằng ông vừa lụ khụ bước ra từ cánh rừng nào đó của các chú lùn và nàng Bạch Tuyết. Ông đội mũ lá, mặc áo bộ đội chần ba mươi hai đường gian khổ (loại áo từ thời kháng chiến chống Pháp). Chiếc quần vải nâu xắn cao. Tay ông khoanh trước gối, vẻ mặt tư lự như mặt tượng Tuyết Sơn trong chùa. Bên cạnh ông, đặt một cây que dài, đầu buộc túm lá chuối khô. Té ra ông là một ông già chăn vịt. Trong mảnh đầm nhỏ bị vây giữa đám ruộng dưới chân ông, dăm chục ả vịt bầu đang ngoi lên hụp xuống, vẻ thỏa thuê khoái trá.
Thấy tôi đi đến, ông già quay đầu lại:
- Cháu chào ông ạ. – tôi nói.
- A, ông chào cháu – ông già đáp lời, cặp mắt ẩn dưới hai hàng lông mày bạc nhìn tôi hơi tò mò – Cháu ở đâu đến đây? – ông hỏi.
- Thưa ông, cháu ở trong phố.
Tôi đáp lời. Rồi tôi ngồi xuống vạt cỏ dưới chân gò. Những con vịt dưới đầm ăn no, phởn chí vươn cánh lên vỗ phành phạch và định nhảy sang ruộng lúa. Ông già chăn vịt đứng dậy, huơ cái cần tre buộc túm lá chuối khô, miệng dọa:
- Xùy, xùy...
Lũ vịt quác mồm kêu cạc cạc rồi hốt hoảng quay lại, nhảy tõm xuống đầm. Rồi chúng lại mò hụp, bơi lội một cách ngoan ngoãn trong phạm vi mảnh đầm nhỏ bé. Ông già chăn vịt lại ngồi xuống, đặt chiếc cần tre sang bên cạnh. Rồi ông lục túi áo, lấy ra bao thuốc thơm Thủ Đô. Móc túi bên kia, ông lại lấy ra chiếc bật lửa nhỏ xíu, mạ kền sáng loáng. Ông thong thả rút thuốc, dỗ lên mặt bao cho chặt, bật lửa châm. Cử chỉ của ông không giống tất cả những ông già chăn vịt bình thường. Những người chăn vịt không khi nào đuổi vịt “xùy, xùy...” như ông hồi nãy. Họ cũng không hút thuốc như ông. Thường thường, khi thèm thuốc, họ móc hộp thuốc lào trong túi áo ra, rút chiếc điếu tre gài ở thắt lưng, nạp một một thuốc rõ chặt. Rồi họ rút ở phía thắt lưng bên kia một que đóm mang đi từ nhà, hoặc giật mái lều lấy một nuộc lạt châm lửa. Thuốc đã cháy, họ rít liền ba bốn hơi, cổ họng thít vào thật sâu, điếu nổ giòn như pháo: roọc roọc roọc... Hút xong, thế nào họ cũng ngửa cổ lên, lim dim mắt và từ từ nhả khói trong họng ra. Họ nhả khói một cách chậm chạp, khoái trá và lâu đến nỗi đôi khi, tôi tưởng cổ họng họ có một đám trấu rấm lửa ở bên trong, nên những hơi khói trắng đục cứ tuôn mãi chẳng ngừng... Rồi nhả hết khói, bất chợt họ mở choàng mắt, đưa chiếc điếu lên nhìn như nhìn người bạn lâu ngày mới gặp. Và sau đó, họ giơ tay vỗ bộp vào miệng điếu cày. Thế là mồi thuốc tàn trong nõ nhảy ra, như con cóc nhảy ra từ miệng mụ phù thủy...
Những lần về quê ngoại, tôi thường theo đám em họ, cháu họ ra đồng. Và nhờ những ngày lang thang, rong chơi đó, tôi biết được khá nhiều thứ. Sau khi suy xét, tôi đâm nghi ngờ ông già chăn vịt kỳ lạ này. Ngoài chuyện đuổi vịt như đuổi chó và cách hút thuốc rất tỉnh thành ra, ông còn có đôi tay nhỏ xíu và những cử chỉ hết sức lịch lãm, tinh vi.
Ông cụ ở đâu đến đây?
Tôi thầm hỏi, băn khoăn nhìn mái tóc trắng như cước của ông phủ xuống tận gáy. Ông già dường như không để ý đến vẻ tò mò của tôi, ngả người ra phía sau, nhả khỏi lên trời. Mắt ông nheo lại và những nếp nhăn chi chít tụ sau đuôi mắt.
Bất ngờ, ông quay lại bảo tôi:
- Này cô bé, lại đây ông bảo.
Tôi vẫn ngồi trên vạt cỏ, phân vân.
- Lại đây với ông nào...
Ông già khuyến khích. Giọng ông nhỏ nhẹ, hơi trầm.
Tôi nhìn cặp mắt hiền hòa của ông, vững tâm tới gần. Ông dắt tay tôi ngồi xuống bên mình, cất tiếng hỏi:
- Có chuyện gì buồn mà lang thang bỏ học bỏ hành thế?... Nhìn vào mắt cháu, ông biết được điều đó... Hãy nói cho ông nghe xem sao. Có thể, ông sẽ giúp được cháu ít nhiều.Còn như nếu không giúp được cháu, ông sẽ im như hạt thóc trong vựa lúa. Cháu cứ yên tâm...
Tôi ngạc nhiên nhìn ông. Ông đưa cặp mắt già nua, thoáng nhìn tôi trìu mến. Rồi ông lại ngẩng lên, rít thuốc và lơ đãng thả từng làn khói vào khung trời xanh thoáng đãng. Sự im lặng của ông chứa đựng điều gì đó khiến tôi bỗng thấy ông gần gũi, tin cậy. Và phía sau những lời khích lệ nhẹ nhàng của ông có một sức mạnh vô hình mà tôi có thể tựa đỡ, cũng như có thể gửi gấm tâm sự của mình. Tôi im lặng hồi lâu, rồi chậm rãi cất tiếng. Mọi chuyện đều được miêu tả lại minh bạch, rõ ràng, không thêm bớt. Có lẽ, tôi đã qua những phút giây quá xúc động. Tôi đã quen được với nỗi đau khổ của mình nên tôi nói về nó với một giọng điệu bình tính. Trong thời gian tôi nói, ông già đã hai lần rút thuốc, châm lửa hút. Những mẩu tàn ném xuống vạt cỏ, dưới chân ông. Cặp mắt sâu của ông như bất động dưới hai hàng lông mày bạc trắng. Cánh mũi khẽ phập phồng và cục yết hầu chuyển động mỗi khi ông thở.
Khi tôi kể xong, ông khẽ đưa tay vuốt mái tóc tôi:
- Này cô bé, theo cháu thì việc làm của cháu sai hay đúng?
Tôi hỏi:
- Ông muốn cháu nói tới việc cháu nhốt ông Gia vào nhà tiêu? Vâng, cháu biết là sai, nhưng dù sao...
- Nhưng dù sao cũng phải làm, có đúng không?... – Ông già cất tiếng cười và ngắt lời tôi.
- Thưa ông, cháu định nói là... – tôi ấp úng.
- Thôi, không cần giảng giải... ông biết rồi.
Ông giơ tay lên, ra hiệu cho tôi im lặng. Sau đó ông nói:
- Những người theo đạo Thiên Chúa thường nhắc câu nói của Giê-Su: “Nếu có kẻ tát vào má trái của con, con hãy chìa nốt má phải cho y”. Câu nói ấy là bình phong che đậy cho cuộc sống an phận, không đấu tranh. Nếu dân tộc mình cũng chìa nốt má phải cho thực dân Pháp thì chúng ta không còn Tổ quốc. Các cháu sẽ không được học lịch sử Hai Bà Trưng, Bà Triệu, chí khí anh hùng của Nguyễn Huệ, Quang Trung. Các cháu sẽ bị bắt buộc đọc những bà sử nhập cảng: “Tổ tiên ta là người Gô Loa...”. Ngày xưa ông đã phải học như thế đấy...
Ông già thấy tôi trợn tròn mắt nhìn liền mỉm cười, gật đầu nói:
- Đúng như vậy. Hồi Pháp thuộc, ông đã nhai nhải học thuộc lòng: “Tổ tiên ta là người Gô Loa...” Ông nói vậy để cháu thấy rằng ý chí đấu tranh của một dân tộc cũng như mỗi cá nhân con người là vô cùng cần thiết...
Ông ngừng lại, nhìn tôi. Đôi mắt nheo nheo đầy hóm hỉnh mà vui vẻ. Tựa như trong đó có một ngọn lửa nhỏ đang nhảy nhót, reo cười. Và ông nói tiếp:
- Nhưng cái khó nhất là phải biết đấu tranh thế nào cho đúng. Đấu tranh với kẻ ác thì khác, đấu tranh với những sai lầm của những người xung quanh khác. Nhất là khi người đó lớn tuổi hơn và đứng vào một vị trí mà mình phải tôn trọng.
Tôi nói luôn:
- Như thế có nghĩa rằng cháu phải im lặng chịu đựng hoặc chỉ có quyền báo cáo mọi chuyện với thầy chủ nhiệm...
Ông già đặt tay lên đầu tôi, ngắt lời:
- Cứ từ từ, đừng vội vã. Ông không bảo cháu phải nhẫn nhục chịu đựng. Nhưng cần thận trọng.
- Thế ở hoàn cảnh của cháu, ông sẽ làm gì? – tôi nôn nóng hỏi tiếp.
- Ờ ờ... – ông gật gù – Ông sẽ kiên tâm theo dõi mọi sự thêm một thời gian nữa, vì biết đâu mình chẳng kết luận hồ đồ. Hoặc nếu không hồ đồ thì cũng thiếu tang chứng cụ thể. Đời xưa đã có câu: “Nói có sách, mách có chứng”. Cháu không nhớ sao?
Tôi sực nhớ lại việc chị Bội từ chối hoàn toàn sự thực và cảm thấy ông già nói đúng. Nói có sách, mách có chứng... Quả là chúng tôi đã quá ngây thơ, hấp tấp trong việc báo cáo lại những hành vi thiếu đứng đắn của ông Gia.
Ông già nói tiếp:
- Muốn được việc, tất cả điều kiện phải chín mùi. Như ông, thì cháu nên nói rõ chuyện với mẹ, với thầy chủ nhiệm, với người nào đó sáng suốt, công bằng và quan trọng hơn cả là có đủ tư cách và quyền lực giải quyết.
- Nhưng mà ông ấy trù úm cháu, hành hạ cháu ác độc lắm – tôi kêu lên.
- Ông biết chứ - Ông già nhẹ nhàng, trầm tĩnh trả lời – Nhưng dù sao cháu cũng phải cắn răng chịu đựng cho mọi sự sáng tỏ. Trong đời, đôi khi rủi ro ta gặp phải những kẻ xấu, kẻ ác. Nếu ta hấp tấp chống trả lại, không đắn đo suy nghĩ thì hỏng việc. Kẻ xấu không bị phơi áo mà chính ta sẽ thiệt thân. Ví như hoàn cảnh của cháu vậy, cháu bị đuổi học, còn ông giáo hư hỏng kia thì lại trắng án...
- Đời toàn những bất công – tôi kêu lên lần thứ hai, tức tối.
Ông già lại nhè nhẹ vuốt tóc tôi, cười:
- Đừng vung tay lên thế, va vào đầu ông thì ông đau lắm. Ông già rồi, không chịu được đòn như cháu đâu. Này cô bé ngoan ngoãn ơi, cháu đang buồn nhưng đừng vội bi quan. Đời có bất công chứ không hoàn toàn bất công như cháu nói. Mẹ cháu có thương yêu cháu hết lòng không? Có thể mẹ cháu chỉ quen nghĩ một cách đơn giản và không lường hết những phức tạp của cuộc đời nên đã không tìm được cách cư xử đúng với cháu trong lúc này và khiến cháu bỏ nhà ra đi... Nhưng mẹ cháu vẫn là người tốt. Thầy chủ nhiệm của cháu thì tuyệt diệu. Đúng không? Còn cậu bé có ông bố nát rượu đó, tên là gì nhỉ? À Ly, Ly... một cái tên đẹp như tên con gái. Nó cao thượng đấy chứ? Và còn mẹ con chú bé đánh cá ở làng này nữa... Biết bao người! Vì những người đó mà cuộc đời này tươi đẹp và đáng sống biết bao. Cháu đừng mong trên trái đất chỉ toàn những người tốt. Cái xấu đi kèm cái tốt như bóng đêm đi bên ánh sáng. Không có đêm, sao ta phân biệt được ngày? Kẻ xấu, kẻ ác bao giờ cũng tồn tại trong xã hội, và người tốt phải đấu tranh với chúng... Vả lại, cái xấu ngày nay đâu có thấm tháp gì! Cháu cứ tưởng xem, tên giáo viên đồi bại kia lại là một thằng mắt xanh mũi lõ. Nó có thể hãm hiếp mẹ cháu, đốt nhà cháu...
- Thà như thế để cháu đi làm cách mạng giết chết nó còn hơn... Chứ như thế này tức lắm... – tôi ấm ức nói.
- Cha cha cha... – ông già cười to – Đừng nói tầm bậy. Không có thù hận nào mãnh liệt và thiêng liêng hơn thù hận của dân tộc bị cướp đoạt tự do. Nỗi oan ức bây giờ của cháu chỉ là cái gai đâm sầy tí da chân thôi. Phải dũng cảm vượt lên, cô bé ơi. Phải nghĩ tới tương lai.
- Chẳng có tương lai nào hết... – tôi nói – Bà hiệu trưởng đã gửi thông báo kỷ luật cháu khắp các trường cấp ba trong tỉnh. Cháu biết đi đâu bây giờ? Thế là chấm hết.
- Chấm hết. – ông già nhắc lại câu nói với vẻ diễu cơt thân ái – năm mười bảy, sống dưới ngọn roi của pô-lít Pháp, ông vẫn thấy cuộc đời bắt đầu chứ không phải là chấm hết...
- Nhưng cháu biết làm gì bây giờ? Chẳng lẽ cháu lại đi bán kem lấy tiền lời hay ra chợ xếp hàng bán năm xu một chỗ...
Tôi định nói đùa nhưng miệng lại méo xệch và nước mắt cứ tự tuôn ra ào ào không thể nào ghìm được.
Ông già lặng im giây lát, rồi lại vuốt tóc tôi:
- Đừng mưa rào nữa mà! Trời đã tạnh ráo từ lâu rồi... Cô bé ơi, nín đi rồi ông kể cho mà nghe. Hồi trước ông đọc một cuốn truyện bằng tiếng Pháp, nhan đề Pa-pi-ông, nghĩa là con bướm. Con bướm là biệt hiệu của một người tù. Và cuốn truyện đó thuật lại cuộc đời của anh ta. Con bướm vốn là một thanh niên lương thiện bị kết tội oan. Cuộc sống tù tội khiến anh ta trở nên một người gan góc, lỳ lợm, có khả năng làm những việc ghê gớm như bắt cá sấu, giết kẻ mưu phản dễ như trở bàn tay, tổ chức những cuộc vượt ngục mạo hiểm và đẫm máu... Con bướm trốn trại nhiều lần. Lần nào cũng bị bắt và đầy đọa khổ sở hơn, anh ta bị nhốt dưới hầm cấm cố, quanh năm không nhìn thấy ánh mặt trời. Phải ăn cả những con gián, con rết sống để sống. Anh ta đã từng lạc tới đảo của những người hủi bị chìm trong đầm lầy, bị vùi dập trong những cơn giông tố... Mặc những đầy ải khủng khiếp đó, ý chí tự do của người tù không lùi bước. Cuối cùng, khi tất cả bạn bè đầu hàng, yên phận cuộc sống trong trại gian, con bướm đã vượt biển trên một chiếc bè làm bằng những quả dừa khô và đi tới châu Mỹ. Lúc đó, anh ta đã già, tóc trắng như sương. Pa-pi-ông viết cuốn truyện tư thuật cuộc đời mình và trở thành một nhà văn lẫy lừng của thế giới. Chính phủ Pháp, cái chính phủ bỏ tù oan Pa-pi-ông tại đảo Guy Am đã phải mời anh trở về thăm tổ quốc, không phải với danh hiệu một tù nhân, mà với danh hiệu một nhà văn được hâm mộ...
Thấy tôi há hốc miệng nghe, ông già cười:
- Thế nào?
Tôi thẹn thùng cúi xuống.
Ông già chăn vịt hỏi tiếp:
- Cháu đã đọc Goóc Ki chưa?
Tôi đáp:
- Cháu mới đọc “Bài ca chim báo bão” trong văn tuyển lớp chín.
Ông già hỏi:
- Còn quyển “Thời thơ ấu” và “Trường đại học của tôi”?
Tôi thẹn thùng thú nhận:
- Chưa ạ.
Ông già lắc đầu:
- Thật đáng tiếc. Đọc những tác phẩm đó, cháu sẽ hiểu được nhiều điều. Goóc Ki tiếng Nga có nghĩa là cay đắng. Ông là đứa trẻ mồ côi, phải lang thang kiếm sống từ thời thơ ấu. Ông đã từng đọc sách bằng ánh trăng phản chiếu lên một chiếc xoong nhôm, chứ không phải dưới ánh đền một trăm nến như cháu ở nhà – nói tới đây, ông nhìn tôi cười giễu cợt – Goóc Ki đã từng làm đủ mọi nghề, sống với những kẻ mà người ta quen gọi là lớp người đáy của xã hội. Các trường đại học của ông chính là khuôn hình của cuộc đời rộng lớn và đau khổ ở nước Nga xưa. Đi qua cuộc đời ấy, ông vẫn giữ được tấm lòng nhân ái, cao thượng của mình. Ông trở thành môt nhà văn được nhân loại yêu quý.
Tôi im lặng. Ông già lại nhìn vào mắt tôi:
- Chắc chắn rằng Goóc Ki không bao giờ nghĩ tới chuyện chấm hết, dù ông đói khát hay đau khổ.
Ngừng lại giây phút, ông hạ giọng nói khẽ khàng:
- Đừng bao giờ nghĩ tới chuyện chấm hết, ngay cả khi người ta đã già rồi.
Dứt câu, ông trầm ngâm nhìn ra phía trước. Tôi im lặng ngồi bên ông. Tôi biết ông đang theo đuổi những ý nghĩ rất riêng biệt và tôi không muốn khuấy động giây phút trầm tư đó. Những câu chuyện ông vừa kể còn xáo động tâm tư tôi.Chúng khơi mở một thế giới hùng vĩ và lấp lánh. Có lẽ từ khi tôi lớn tới giờ, chưa người nào làm được công việc thiêng liêng đó. Ông già thổi vào tôi một ngọn lửa kỳ diệu, khiến tôi bỗng thấy mình khôn lớn vượt bậc, nhìn cuộc sống với cặp mắt trong sáng, tự tin và bình tĩnh trước mọi gian nguy. Nỗi đau khổ tôi đang chịu bỗng trở nên nhỏ bé, tầm thường. “Ít ra mình cũng phải vượt qua những tai ương và nguy biến dữ dội gấp năm lần như thế...” – tôi nghĩ vậy mà yên tâm. Dẫu sao tôi cũng phải đứng lên đi tiếp tới mục tiêu của đời mình.
Mặt trời lên cao. Ánh nắng ngả sang màu trắng. Cánh đồng xanh mênh mông yên lặng. Chỉ còn nghe gió rì rào. Xa xa, nơi đồng lúa tiếp giáp với chân trời, những gợn mây trắng mỏng từ từ bay lên cao như những con cừu rong ruổi qua thảo nguyên vô tận của thinh không. Tôi bỗng nảy ra ý muốn ôm chúng trong vòng tay, những con cừu nhẹ như bông , trắng như sữa và hẳn là mát lạnh. Vài đốm nắng lọt qua tàn lá gạo rọi xuống gáy tôi nóng ấm. Tôi chợt nhớ ra là đã trưa và có thể là Cau đã về nhà. Tôi đứng dậy:
- Thưa ông, cháu xin phép ông.
Ông chăn vịt như choàng dậy. Ông nhìn tôi rồi nói:
- Cháu về làng hả?... Thôi được cứ về đi...
Tôi cúi chào ông, định quay lưng bước đi. Ông già vội vã gọi:
- Này cô bé...
Tôi nhìn ông:
- Ông bảo gì cháu ạ?
- Có mỗi việc quan trọng nhất thì lại quên – ông nói, lục túi áo lấy ra một chiếc bút máy hoàn toàn bằng vàng tây, nhỏ như điếu thuốc lá – cháu cho ông ghi tên tuổi của cháu, mẹ cháu và số nhà cháu ở, tên trường và lớp cháu học, cả thầy chủ nhiệm nữa. Ông sẽ cố gắng hết sức mình...
Ông nghe tôi đọc và ghi trên bao thuốc lá những dòng chữ nhỏ li ti. Xong, ông cất chiếc bút sang trọng và bao thuốc váo túi chiếc áo cổ lỗ có ba mươi hai đường gian khổ:
- Dũng cảm lên, cô bé nhé... Ông hy vọng ông cháu ta sẽ còn được gặp nhau. Nhất định sẽ gặp nhau, trong một hoàn cảnh thú vị hơn bây giờ. Người ta nói trái đất tròn mà... Có đúng không?
Tôi không biết trả lời sao, đành ấp úng:
- Thưa ông, cháu cảm ơn ông... Cháu chào ông ...
Ông già giơ bàn tay nhỏ bé , nhăn nheo và nổi những vệt đồi mồi:
- Ông chào cháu. Chúc cô bé gặp may mắn trong cuộc đời. Hãy nhớ những lời ông nói. Nó không thú vị như trò chơi nhưng rất có ích cho cháu, ngay cả khi cháu đã lớn rồi...
Ông đứng dậy, bắt tay tôi như bắt tay một người bạn thật sự. Khi tôi ra về, ông trở lại chỗ ngồi. Hết con đường bờ mương vào đến làng, tôi còn thấy bóng ông dưới gốc cây gạo hùng vĩ. Nhỏ bé và uy nghi, mái tóc trắng như cước bay phơ phất,ông đúng là ông già tốt bụng từ trong cánh rừng của nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn đi lạc tới đây.