Khỏi bệnh
Tác giả: Dương Tường
Nửa cuối tháng Chín, tất cả các đội địa chất khảo sát, địa chất vật lý, đều về tập trung ở trại trung tâm. Ở vùng Kamtratka lúc này đã là mùa đông với những đợt đóng băng sớm, bão tuyết và tuyết đầu mùa lóng lánh. Mùa đẹp trời nơi đây sắp chấm dứt. Tất cả các tuyến đường thăm dò đã đi hết. Công việc còn lại của chúng tôi là chọn lọc và đóng gói các mẫu đất đá, lên bản đồ địa chất.
Sắp tới ngày trở lại Moskva, nơi đó mọi người sẽ gặp lại vợ con. Các nhà địa chất cùng các công nhân khảo sát, vốn thường ngày ít nói, và trong suốt sáu tháng trường ròng rã đủ thời giờ trút hết các chuyện, đủ thời giờ tranh cãi vì những chuyện vớ vẩn nhất hạng, nói gì thì nói, một người dân thị thành phải sống nhiều tháng ròng trong rừng Taiga, cũng là điều cực nhọc lắm chứ - lúc này, tình khí họ dịu đi, và họ bỏ qua mọi chuyện dằn vặt cỏn con. Đó đây nổi lên những chuỗi tiếng nói, tiếng cười rộn rã.
Chỉ riêng mình tôi là còn lang thang như người đau đớn chút gì trong lòng. Chỉ vì đối với tôi, không có nỗi khổ nào hơn là phải ngủ chung phòng với người ngáy ran như sấm.
Trong kíp thợ khảo sát chúng tôi, trong sáu tháng ròng, tôi đã ngủ như một người sung sướng nhất hạng: vì chẳng có ai ngáy cả. Nhưng ở trại trung tâm, căn bệnh của tôi trỗi dậy ngay từ đêm đầu tiên. Hai mươi tám con người râu ria xồm xoàm, được chia thành hai nhóm ngủ dưới hai nhóm lều lớn, nằm trên những chiếc giường bằng ván thô. Hai cái lều dường như thi nhau ngáy từ tối tới sáng không một lúc nào ngơi. Thế là cả đêm tôi không sao chợp mắt được, buổi sáng tôi thức dậy đầu nặng chịch như muốn vỡ ra, tính khí khó chịu. Cũng không thể ngủ bù được vào giấc ngủ trưa, vì tôi còn rất nhiều việc phải làm: lựa chọn các mẫu, khuân hòm xiểng đựng mẫu, cưa gỗ để đun…
Được ba ngày thì tôi hoàn toàn kiệt lực. Tôi không sao chịu đựng nổi nữa. Tôi bèn xin phép đội trưởng cho tôi dựng riêng ra một căn lều nhỏ. Tôi trình bày lý do và được anh đồng ý.
Các bạn tôi phản ứng lại thế nào? Liệu họ có lên án tôi làm bộ đỏng đảnh? Dẫu sao thì họ cũng không tin lắm vào lý do tôi viện ra…Thế nhưng, tôi cũng cứ dựng lên một lều riêng, loại lều dùng cho hai người, và làm đúng quy định của vùng Kamtratka: dựng lều có que chắc chắn, dưới nền đất trải kín những cành phong, và trên mảnh đất nhỏ đó, tôi cũng đặt một bếp lò tự tạo làm bằng một thùng sắt cưa đôi, cũng có ống thông hơi bắt chĩa ra khỏi mái lều. Tiếp đó tôi dội lên mái lều căng thẳng ba thùng nước sôi. Sau một phút, cả tấm lều được che phủ bởi một lớp băng trong suốt đều chằn chặn. Với một chỗ trú có che phủ bằng băng như vậy, sẽ giữ nhiệt thật tốt, và ngăn không cho gió lạnh nghiến da cứa thịt của phương Bắc lọt vào.
Lần này, sau ba đêm liền mất ngủ, tôi ngủ mê mệt trong túi chăn bằng lông lạc đà, dưới đó tôi còn trải thêm tấm da hươu phương Bắc nữa.
Ở trại trung tâm có một máy phát điện nhỏ. Tôi kiếm dây điện và bắt điện để có thể đọc sách chút đỉnh trước khi đi ngủ. Dây không đủ dài, vì thế gần đuôi đèn, tôi phải nối thêm nhiều đoạn. Tôi dùng kẹp sắt bóc vỏ dây điện nhưng khi nối lại, tôi không cho bọc cách điện vì thiếu vải dính ( do đó mà những mẫu dây điện trần đó rồi sẽ có vai trò quan trọng trong câu chuyện sắp xảy ra ). Nói tóm lại, thế là đàng hoàng lắm rồi, trang bị như vậy, tôi có thể chống chọi cả mùa đông ấy chứ! Ban đêm, trong lều được soi sáng bằng ngọn điện 150 oát, ngôi nhà bằng băng của tôi nom giống một ngọn đèn lồng to tướng.
…Tôi đọc một cuốn sách đã khá nhàu nát, truyện ngắn của Tsekhov, và đúng lúc đó tôi nghe thấy những bước chân tiến đến sát lều.
- Ai đó?
Thay cho câu trả lời, tôi nghe thấy một tiếng ngáy mạnh, như thể hai ba người cùng ngáy một lúc.
Thế đó! Các cậu ấy bắt đầu đùa đó, tôi nghĩ trong bụng, các cậu ấy định chơi sỏ, bắt đầu chế diễu nhẹ nhàng, và bây giờ là hành động. Hừ! Cái bọn râu xồm ấy!
- Này, thôi đi! – Tôi nói – Mình thực sự không chịu được tiếng ngáy đâu. Các cậu định làm gì vậy?
Tiếng ngáy càng mạnh hơn.
- Này, hãy liệu chừng nhé, bọn khỉ! – Tôi nói tiếp - Tớ cáu thực sự rồi đó! Còn có mười ngày ở đây nữa thôi đấy. Các cậu nghĩ tớ chịu nổi tiếng ngáy ư, nếu thực sự tớ chịu được tí chút? Này, tớ nói cho mà biết, anh em với nhau, phải cố mà giữ hòa khí!
Tiếng ngáy im bặt. Hừm, thế là tiếng nói của tôi cũng có tác dụng ấy chứ.
Nhưng tôi đã lầm. Có một anh nào đó huých một cái thật mạnh vào mái lều có phủ lớp băng. Lớp vỏ băng vỡ ra như một tấm kính mỏng và các mảnh văng ra lạo xạo. Khung cột cót két, rồi cột chính gãy rắc và một góc lều ụp xuống.
Tôi đâu có đáng phải chịu cảnh trừng phạt tệ hại như vậy? Bọn họ buộc một con người như tôi phải thức giấc giữa đêm để dựng lại lều, căng lại bạt. Thật là tồi tệ quá mức.
Mái lều lại lay động, có cái gì đó như những chiếc răng cong cong tựa như răng một chiếc cào gỉ, chọc thủng vải lều ngay trên đầu tôi. Chầm chầm, hệt như trong một cảnh quay phim chậm, các răng nhọn khép lại, xé rách vải bạt lều có băng phủ. Đỉnh lều lộ ra một lỗ thủng lớn, từ đó lòi xuống trước hết là một bàn chân to tướng đầy lông lá, sau đó là cái mõm to tướng của một con gấu. Dưới ánh đèn sáng trong lều, tôi nhìn rõ đôi tai bé tí không cân xứng chút nào của con vật, nhìn rõ đôi mắt màu hạt dẻ đỏ au máu, cái mõm bẹt ẩm, hệt như có quét hắc ín, và đôi lỗ mũi phập phồng. Trên mõm, lông có màu gần như đen với những mảng nâu nâu trên đôi má.
Cuộc đời con người gắn bó với nghề địa chất và đã sống những ngày dài trong những vùng phương Bắc chưa có vết chân người, thật đầy những bất ngờ. Gặp gỡ với những con vật to lớn hoang dã là điều không thể tránh khỏi. Nói chung, chúng không là một nguy cơ với con người, vì con vật thường vội vàng chạy trốn, nhưng cũng có những ngoại lệ chứ.
Đây là lần đầu tôi bị khó khăn lúng túng như vậy. Tôi vẫn đang nằm, hoàn toàn bất lực, khuy chăn gài đến tận cổ, chỉ có bàn tay trái thò ra vẫn cầm cuốn sách đang đọc. Nói cho đúng thì theo một thói quen lâu đời trong rừng Taiga, tôi vẫn thận trong đặt khẩu súng bên mình có lắp sẵn đạn.
Luật pháp cấm bắn gấu, trừ một trường hợp duy nhất, khi con thú đó tỏ ra đe dọa quá đáng và tạo ra nguy cơ cho tính mạng con người.
Vào lúc đó, con gấu tỏ ra đang tiến công tôi thực. Nhưng tôi vẫn ở trong tình cảnh chẳng có gì đáng ước ao. Một là, do căn lều quá chật hẹp, nếu tôi định dùng súng thì phải bắn váo sát mõm nó. Khó mà tin được rằng có thể làm được đều đó mà nó chịu cho. Hai là, đan súng đã nạp là đạn ghém để săn chim mà thôi.
Thế nhưng, khi đó rõ ràng là con gấu không chú ý tới tôi. Nó không chú ý gì tới tôi cả, mà nhìn chăm chăm vào ngọn đèn điện, cái cục mặt trời tròn tròn đó dường như đang làm nó bị thôi miên. Nó vẫn rất thận trọng, đồng thời vẫn tò mò quá sức.
Tôi vô cùng sợ hãi, hoặc nói cho đúng, tôi đang bị chế ngự bởi bản năng tự vệ, mà mãi sau này tôi mới nhớ lại được kỹ những gì đã xảy ra. Tôi hành động một cách vô ý thức, từ từ hạ tay xuống tấm thảm sát đất, sờ con dao găm trong bao rồi sờ báng súng. Tôi biết rằng tiếng nổ sẽ làm cho bất lỳ con thú nào cũng phải hoảng loạn.
Nhưng tôi cũng chẳng cần phải nổ súng nữa.
Con gấu chìa bàn chân đầy móng vuốt tới đầu giường tôi nằm, nơi đó treo cái bóng đèn điện. Có lẽ, cũng giống như một đứa trẻ, nó muốn thử sờ chơi.
Mọi chuyện xảy ra sau đó diễn ra trong nháy mắt. Cái bàn chân to tướng chạm vào dây điện để trần. Mới đầu tôi nghe thấy một tiếng nổ nhẹ do điện truyền đi, sau đó là một tiếng gầm gào khủng khiếp. Con gấu rụt chân lại thực vội vàng và mạnh đến nỗi nó xé rách toạc cả tấm lều suốt chiều dọc. Ống hơi lò sưởi rơi xuống tuyết choang choang. Rồi tôi nghe thấy tiếng chân chạy như điên và tiếng cành cây gãy trong rừng Taiga.
Kỳ lạ thay, không những tôi không vùng ngay dậy, tôi vẫn nằm ì trong túi chăn, tay siết chặt báng súng tới đau, mắt ngắm nhìn bầu trời phương Bắc đầy sao. Rồi bỗng nhiên bầu trời sao biến mất và tôi nhìn thấy những khuôn mặt quen thân nhòm vào qua lỗ rách gian lều. Tôi nghe thấy tiếng người nhỏ bé lạ kỳ, tựa hồ như đã vang đến tai tôi qua một lớp nước dày. Sau khi giúp tôi chui ra khỏi túi chăn, mọi người đỡ vào cánh tay tôi, đưa tôi như một người say rượu đi tới một trong hai căn lều to mọi người ngủ chung. Họ đặt tôi lên nằm vào một chiếc giường ván, sau đó tôi ngụp liền trong giấc ngủ thật sâu.
Sáng hôm sau, tôi thức dậy, coi như chẳng có chuyện gì xảy ra hết. Một người trong các bạn tôi lên tiếng giễu cợt hỏi xem liệu tôi còn có ý định dựng lều riêng chăng? Nhưng các bạn khác liền la ó anh ta. Không một chút tự ái, tôi đáp lại một cách trung thực rằng tôi không có ý định đó nữa.
Đêm xuống. Sau khi dò dẫm tìm bắt làn sóng chiếc đài bán dẫn và trò chuyện một lát, mọi người đi nằm, và tức thì một tiếng ngáy vang lại cất lên. Nhưng lần này, kỳ lạ sao, tiếng động đó lại tác động vào tôi như một thứ thuốc ngủ. Tôi ngủ ngay lập tức.