watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Ngày Xưa Còn Bé-chương bảy - tác giả Duyên Anh Duyên Anh

Duyên Anh

chương bảy

Tác giả: Duyên Anh

Tôi sẽ đi lang bạt kỳ hồ, sẽ bắt chước Hàn Mặc Tử, đêm ba mươi tháng chạp đáp chuyến xe vét về nhà ăn tết với bộ quần áo rạch bạc màu sương gió và hôi hám. Và mẹ tôi sẽ hỏi tôi như mẹ Hàn Mặc Tử hỏi Hàn: "Va ly của con đâu?" Tôi sẽ đáp "Con cầm cố lấy tiền trả tiền cơm hết cả rồi." Mẹ tôi lắc đầu thương xót. Ôi, đời thi sĩ nghèo khổ quá. Nghèo khổ và khốn nạn. Cổ kim Ðông Tây không có thi sĩ nào sung sướng? Càng những thi sĩ lừng danh càng khổ sở. Những anh nhà giàu, chức tước cao sang, thấy người ta làm thơ cũng làm thơ đâu phải là thi sĩ. Và thơ của những anh này, Cao Bá Quát liệt vào dòng thơ Thi Xã lênh đênh trên con thuyền Nghệ An. Các thi hào, thi bá trong trời đất mênh mang đều nghiện rượu và hút thuốc phiện. Lý Bạch chết vì rượu. Không, chàng chết vì tương tư Dương Quý Phi. Thi sĩ đã hạ đo ván ông vua Ðường Minh Hoàng mê Dương Quý Phi nhưng nàng lại "yêu trộm" Lý Bạch. Trái tim nàng chỉ rung động khi nhìn chàng viết thơ, đặt bài ca cho nàng múa hát. Rimbaud, Verlaine, say be bét. Rồi kẻ đi buôn bán nô lệ kiếm tiền uống rượu, kẻ chết dưới gầm cầu còn "quỵt" tiền chủ "ba." Tản Ðà chếnh choáng tối ngày. Cao Bá Quát "tiêu khiển một vài chung láo lếu" trong suốt đời thi sĩ của chàng. Trần Tế Xương kết cú nhất "cao lâu thường ăn quỵt, thổ đĩ lại chơi lường" song lúc nào cũng phong lưu tài tử. Cái nghèo của thi sĩ kể ra không hết. Vừa nghèo vừa bị ái tình hành hạ, thi sĩ béo tốt, sạch sẽ, bảo bao sao nổi. Anh nào có tí tiền thì bị người yêu cho rơi để đi lấy chồng bác sĩ, thương gia. Nhà thi sĩ vội vàng bất cần đời tung tiền vào những trò chơi trác táng, ăn bẩn ở dơ, rồi hóa thành chúa chổm. Kết luận thi sĩ là bọn đói rách, tang thương. Anh nào no lành, không bị ái tình đầy đọa, không bị đói meo, thơ anh ấy hạng bét.
Cứ như tôi ấy. Chưa ăn bẩn, ở dơ, thơ tôi tầm thường quá. Giá cái thằng phụ trách mục "Thi ca học sinh" nó không ghen tài tôi, nó trịnh trọng đăng bài thơ của tôi thì tôi cũng đành phủ nhận thi phẩm đầu tay của mình, đào cái huyệt chôn bút hiệu kỷ niệm Ngọc Long của tôi dưới ba thước đất. Tôi không hài lòng cho bài "Tình em, Duyên anh" của tôi vào văn học sử! Bài "Ðời thi sĩ" mới xứng đáng. Ôi, mai này tôi không về Thái Bình, không nhận tiền của bố mẹ, tôi sống với ngòi bút của tôi, tôi hút thuốc phiện dài cổ cò hay nghiện rượu cháy phổi, chắc chắn, thơ tôi sẽ còn rực rỡ, truyền cảm và thiết tha gấp ngàn lần Vũ Hoàng Chương. Nghĩ vậy, bèn nổi hứng làm bài thơ như vầy:

GIANG HỒ
(Tặng Nguyễn Thịnh, người đã khuyến khích thi tài của tôi.)
Giang hồ quen thói vẫy vùng
Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo
Nguyễn Du, ôi, tuyệt cú mèo
Mơ làm Từ Hải ta theo chân người
Mẹ già như chiếc lá rơi
Em thơ thôi nhé, không lời chia ly
Cha nghiêm ví thể hòn bi
Tang bồng hồ hải biết gì nữa đâu
Ngàn xưa cho tới ngàn sau
Bước chân lãng tử "vó câu gập ghềnh"
Ta là kiếp én lênh đênh
Trên truyền nghệ sĩ bồng bềnh nổi trôi
Uống say, uống để quên đời
Hút thêm, hút nữa thế thời phù du
Rượu nồng, thuốc phiện, gái tơ
Nằm trong cái túi giang hồ bạn ơi
Làm quan thì cũng thế thôi
Cũng ăn, cũng ngủ có lời thêm chi
Giang hồ lê bước chân đu
Yên đương là lãi, tinh si là lời
Nghĩ xem, chí lớn trên đời
Mấy ai đã lấp đầy đôi mắt huyền
Uống say và hãy hút thêm
Bạn, ta thoát tục ngả nghiêng trận cười.
Vũ Văn Long
(Gác trọ cuối mùa đông. Làm sau khi uống cạn hồ rượu đầy cùng tri kỷ.)
Tôi lại đưa Thịnh coi. Và vẫn hồi hộp như lần đưa bài "Ðời thi sĩ." Thịnh đọc xong, mặt nó nặng chình chịch. Và giọng nó thiểu não:
- Thơ mày buồn quá!
- Thơ tao buồn?
- Ừ, đời mày sẽ khổ sở, vì bài thơ này vận vào đời mày.
-Thơ tao buồn?
- Ừ, sao mày hỏi đi hỏi lại thế?
- Tao tưởng thơ tao buồn như...bánh đa ỉu!
- Bánh đa ỉu sao được? Thơ mày cảm xúc tràn đầy. Ðọc lên chỉ muốn khóc. Nhưng bài này già nua quá.
- Già nua à?
- Già nua quá. Nếu không biết mày, đọc bài "Giang hồ" người ta sẽ tưởng mày là ông già khụ khị.
Thịnh cất giọng ngâm sang sảng:
- Người đẹp vẫn thường hay chết yểu, Thi nhân đầu bạc sớm hơn ai.
Nó gật gù:
- Nghệ sĩ giống người đẹp, giống tướng tài. Càng đẹp, càng tài hoa, càng dễ chết non.
Thịnh lim dim đôi mắt:
- Mỹ nhân tư cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.
Và lê thê nỗi sầu của nó:
- Thi sĩ như mày, nhạc sĩ như tao rồi cũng sẽ chết non, Long ạ! Những kẻ tài hoa trên trời đất đều chết non hết. Ðể người đời chiêm ngưỡng và tiếc thương. Thơ mày già tức là tại mày đau. Tư tưởng mày yếm thế tựa Cao Bá Quát. Tao khuyên mày nên làm thơ ca ngợi tình yêu tươi trẻ như Xuân Diệu.
Tôi sẽ chết non, tôi sắp chết non. Nhưng tôi là kẻ tài hoa. Tôi chả cần sống lâu. Tôi sung sướng. Tôi tập nghề rượu chè bằng khởi sự uống bia...hơi. "Giáo sư" Thịnh đưa tôi đi quá xa niềm ước mơ của tôi. Nó đòi hỏi tôi phải làm thơ bồng bế, tươi mát như Xuân Diệu. Bổn phận của tôi là phải nghe lời nó răm rắp. Không nghe lời nó, nó tức giận, nó chê thơ tôi dở thì tương lai nghệ sĩ của tôi như rách mướp.
Một hôm, đọc ở tuần báo nọ mẩu chuyện khôi hài. Chuyện kể rằng có một nhà phê bình văn nghệ hễ thấy tác phẩm nào ngoài những tên Khái Hưng, Nhất Linh, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng là ông ta chê hạng bét hết. Có anh văn sĩ sáng tác một truyện ngắn ký tên Khái Hưng viết trước ngày bị Việt Minh thủ tiêu. Nhà phê bình khó tính đọc từng dòng, khen từ cái dấu phẩy đến cái chấm. Ðể ông ta khen chán chê, khen hết ngôn ngữ, anh văn sĩ mới thú thật truyện ngắn mà nhà phê bình tưởng của Khái Hưng là do anh ta sáng tác. Nhà phê bình bèn "chửi" từ cái chấm đến cái dấu phẩy!
Công tử Phát Diệm, mông xừ La Bơ của chúng tôi, chắc chắn, ghen tài Nguyễn Thịnh. Nên, mỗi lần nói tới nhạc Nguyễn Thịnh, hai đứa đều bĩu môi, bỉ thử. Tôi thì hãnh diện có thằng bạn như Nguyễn Thịnh. Ðược đi chơi với nhà nhạc sĩ, đâu phải dễ dàng. Tôi sợ Thông, Khải nhổ nước miếng vào thơ, nên tôi láu cá, ký mập mờ hai chữ X.D. dưới mỗi bài thơ đã chép cẩn trọng trong cuốn vở bìa cứng. Công tử Phát Diệm đọc những bài thơ yêu đương của X.D. và hỏi tôi:
- X.D. có phải là Xuân Diệu không mày?
- Còn ai nữa.
- Thơ Xuân Diệu làm trong kháng chiến hả?
- Ừ.
- Hay quá, ông chép hết mới được.
Và công tử Phát Diệm chép hết thơ tôi, thuộc lòng nhiều bài rồi đứng ở cửa sổ, nhìn sang "nhà bên kia" ngâm rống. Nhưng hai nàng chưa về. Công tử Phát Diệm gởi thơ tôi cho mây ngàn bay. "Giáo sư" Thịnh thấy Thông ngâm thơ dữ dội quá, cũng ngứa miệng:
- Thơ ai mà tuyệt vậy?
- Xuân Diệu đó.
- Hèn chi.
- Xuân Diệu yêu thì nhất thiên hạ rồi.
- Mày chép ở đâu?
- Thầy Nguyễn Uyển Diễm đọc riêng cho tao chép.
Thông "phiệu" chuyện trước mặt tôi. Tôi mỉm cười khi Thông nháy mắt. Vì nó "phiệu" mà "giáo sư" Thịnh, nhà tâm lý ái tình, tay nghệ sĩ cự phách có nhạc hát ở đài Hà Nội đã ngồi cả buổi, chép thơ tôi qua bản chép của công tư Phát Diệm. Tôi không dám tiết lộ sự thật, lặng yêu cho "người đời" chiêm ngưỡng mình. Nước máy Hà Nội, thật sự đã làm chú học trò tỉnh đồng chua nước mặn láu cá hơi nhiều. Tôi được hưởng vinh quang âm thầm mà chưa nghệ sĩ lớn nào được hưởng. Kẻ sống chung nhà, ngồi chung bàn ăn, ngủ chung giường chiếu với tôi, ca ngợi tôi, ao ước được như tôi mà không biết tôi là gã thi sĩ khốn nạn đã có bận muốn tự tử vì cái thằng phụ trách mục "Thi ca học sinh" của nhật báo Giang Sơn ghen tài, sợ bị thất nghiệp nên âm mưu giết một thiên tài bằng cách trả lời tôi phũ phàng, tàn nhẫn. Nhưng dù sao, tôi cũng không gởi thơ đăng báo. Tôi nhất định bắt chước Chế Lan Viên, góp đủ năm mươi bài thơ để in tập thơ đầu tay của tôi. Giữa lúc vinh quang hứa hẹn đó thì Bảo Ngọc "về nhà." Tôi ao ước được ở Hải Phòng, ngồi nhìn mặt trời lặn xuống biển Ðồ Sơn để ngâm thơ Huy Cận:
Khi bóng hoàng hồn phủ núi xa
Khi nguồn tâm tưởng vướng chân. Và
Khi không cầm được anh ngồi khóc
Ấy lúc em tôi đã tới nhà.
Tôi sẽ khóc ra nước mắt. Nước mắt không ra, tôi đem dầu Nhị Thiên Ðường của mẹ tôi, bôi đầy mắt là sự nhớ thương người yêu bắt buộc sẽ lâm ly. Bảo Ngọc về! Ðó là tin trấn động đối với gác trọ của chúng tôi, tin này quan trọng hơn tin quốc trưởng Bảo Ðại "quang lâm" Hà Nội, Luyến xỏ Thịnh:
- Người yêu của "bạn" Thịnh vừa về. Yêu cầu "bạn" Thịnh "kều" quà bánh cho anh em ăn đi.
"Giáo sư" Thịnh bèn ôm đàn, đứng ở cửa sổ, "tay đàn miệng hát" bản "Nghệ sĩ với cây đàn" của Nguyễn Văn Khánh.
- Nối dây tơ đồng, em ơi hãy giúp cho ta đường đời, cho ta lên tiếng yêu đương vài lời. Ðời mà thiếu em ta kém vui...
"Giáo sư" Thịnh của tôi ca vừa dứt, mông xừ La Bơ "tái bản" liền "Nghệ sĩ với cây đàn" ngay tại cửa sổ:
- Ðói ba hôm ròng, em ơi hãy giúp cho anh vài đồng, cho anh ăn cháo không anh hết hơi. Ðời mà thiếu em anh chết toi...
Công tử Phát Diệm cười hể hả. Dĩ nhiên là một cuộc đấu khẩu xảy ra giữa tài năng Nguyễn Thịnh và "vi ô lô nít" Ðồng Văn Khải với bản "Chiều ơi" bất hủ. Luyến và tôi làm khán giả. Tôi muốn chúng nó cút hết đi. Ðể căn gác còn mình tôi, còn mình tôi thôi, tôi sẽ tỏ tình cùng Bảo Ngọc sau mấy mươi ngày xa vắng. Nhưng bọn khốn kiếp đang cãi nhau cù nhầy. Công tử Phát Diêm làm đòn xóc, thọc mông xừ La Bơ một cú, đâm "giáo sư" ái tình Thịnh một cú.
Luyến lại xỏ Thịnh:
- Mày bảo em yêu mày, còn chờ gì chưa "kều" quà cho tụi tao ăn, Thịnh?
"Giáo sư" Thịnh lúng túng:
- Toàn cô hồn chờ cháo lú, bố em cũng không dám cho quà.
Luyến nháy tôi. Tôi không thích trêu chọc ai sốt cả. Tôi đang nhìn vào khoảng trống để hình dung ra Bảo Ngọc, người yêu của tôi, để hít hà bánh đậu xanh Hải Dương. Một thi sĩ, tác giả những bài thơ ký X.D. mà "đời" cứ tưởng của Xuân Diệu như tôi, ngồi "trầm tư mặc tưởng" thì nó phải vĩ đại và thiêng liêng lắm. Trong những phút giây tôi sống cho riêng tôi, bỗng chúng nó ơi ới:
- Mới về hả em?
- Nhớ em quá!
- Ði đâu thế?
- Quà của anh đâu?
- Em đẹp và duyên dáng ra đấy nhé!
Nàng xuất hiện ở cửa sau. Mông xừ La Bơ và công tử Phát Diệm "lơn" hung hăng phát khiếp. Giáo sư Thịnh lắc đầu. Tôi bịt tai, nhắm mắt. Rồi ngơ ngác khi Luyến gọi:
- Long, Long!
- Gì?
- Em hỏi mày.
Tôi nhảy bổ ra cửa sổ. Nhìn xuống. Tim rung động hết cỡ. Nàng cười, Thịnh gạt phăng tôi, tranh chỗ đứng:
- Con nhà Luyến xỏ mày đấy.
Thịnh thả lời:
- Mới về hả, nàng tiên của tôi?
Thông tiếp:
- Nàng tiên...nâu!
Luyến bắt đầu ra hiệu cho tôi hạ "tình địch" ngay tại chỗ đi. Tôi đang phân vân, thì Khải nói:
- "Nó" hỏi thằng Long chứ có hỏi chúng mày đâu.
Luyến to tiếng:
- Ðúng vậy. Thằng Long "kều" quà cho chúng tao ăn với.
Nó kéo tôi tới cửa sổ. Nàng lại cười. Tôi ấp úng:
- Ngọc mạnh giỏi?
Nàng gật đầu. Luyến thúc khuỷu tay vào mạng mỡ tôi. Tôi trở nên bạo dạn:
- Hải Phòng vui không?
- Vui.
- Bánh đậu xanh đâu?
- Thòng dây xuống đi.
Nàng chạy tọt vào nhà. Luyến giúp tôi sửa soạn "cần câu quà gái" thật nhanh. Khi Luyến thòng cái hộp bích quy xuống, nàng đã khệ nệ bưng ra vô số quà bánh. "Giáo sư" Thịnh, mông xừ La Bơ và Công tử Phát Diệm tròn xoe mắt "chiêm ngưỡng" tôi. Luyến kéo cái hộp bích quy ba lần. Nàng nhìn tôi đắm đuối:
- Mai nhé!
Rồi khuất bóng. Khải nắm chặt cánh tay tôi:
- Tao đi học đàn để "lơn" gái, kéo bài "Chiều ơi" cụ Duyệt khen ầm mà vẫn chưa "lơn" được em nào. Mày dạy tao "lơn" gái nhé, Long nhé!
Thông nuốt nước bọt ừng ực:
- Con nhà Long "tâm ngẩm đá ngầm chết voi." Yêu nhau tự thuở nào đó, hả mày? Bố khỉ, tử vi nó có cung...đào hoa chắc.
Luyến chìa tay, dùng ngón trỏ khẽ ngoắc:
- Yêu cầu bạn Thịnh "thanh toán" tiền thua cuộc.
Nó vuốt râu tưởng tượng, đắc chí:
- Ðã nói, "mèo mù vớ cá rán" là triết lý của muôn đời mà. Thánh nhân phải đãi kẻ khù khờ chứ.
Mông xừ La Bơ cảm khái:
- Ông muốn làm mèo mù đấy.
Công tử Phát Diệm cười lớn:
- Còn ông, ông sẽ là kẻ khù khờ.
Riêng "giáo sư" tâm lý và ái tình Nguyễn Thịnh buồn thiu. Mãi nó mới vớt vát:
- Thằng Long một em, tao một em, còn cá rán đâu cho chúng mày.
Công tử Diệm nhún vai:
- Có cá rán của mày ở Huyền Trân Công Chúa rồi, em Bích rỗ huê ấy, để cá rán ở đây cho tao.
"Giáo sư" Thịnh cay cú lắm nhưng giả vờ im lặng để diễn tả sự khinh bỉ công tử Phát Diệm của mình. Thịnh bị "kê" nặng nề quá khiến Luyến tỏ ý xót thương. Và nó át giọng cả bọn:
- Ồn ào quá!
Công tử Phát Diệm "dọa" bâng quơ:
- Còn con cá rán thứ hai của tao đấy nhé!
Mông xừ La Bơ nheo mắt:
- Cho ông ăn "ké" với.
Nó xỏ Thịnh:
- Nghệ sĩ gặm tí xương chăng?
Thịnh buồn rầu bước xuống nhà. Tôi đi theo nó vì tôi sợ nó mang tâm sự anh chàng Lang trong cái tích "Trầu cau" hát bài "Ôi ta buồn ta đi lang thang bởi vì đâu" thì bi đát quá. Hai chúng tôi ra bờ hồ Hoàn Gươm, ngồi trên ghế xi măng nhìn mặt nước hồ cau mày giận dữ mỗi lần có chiếc lá khô rơi xuống.
Trời lạnh nhưng Thịnh ăn kem. Nó đau đớn hỏi tôi:
- Từ nọ tới nay, may "mờm" tao hả?
Tôi ngạc nhiên:
- "Mờm" cái gì?
- Mày "đóng kịch" cả với tao. Mày là...là thằng đểu, thằng xỏ lá, lừa dối bạn bè.
- Sao mày nói thế?
- Mày là thằng khốn nạn, mày đưa ông vào "xiếc" làm trò cười cho mày.
- Ơ hay...
- Mày đừng giả vờ. Tao đối với mày tận tình mà mày nỡ xỏ tao.
Tôi chẳng hiểu gì cả, vội vàng thề sống thề chết:
- Ðứa nào lừa dối mày, xỏ mày, cả nhà nó ngộ nạn.
Thịnh cười mỉa mai:
- Ðứa nào chứ đâu phải mày.
Tôi đoán chừng "giáo sư" của tôi ghen. Bèn hỏi:
- Mày "cay" tao "lơn" mất em của mày hả?
Thịnh nổi điên:
- Em nào của tao? Ông thù mày vì mày "lơn" gái có "mả," mày cứ giả vờ học ông.
- Tao mà có "mả" tán gái, tao sẽ bị xe điện cán chết vỡ sọ.
Thịnh nguôi nguôi giận:
- Thế mày "lơn" em cách nào?
Tôi đáp:
- Tao không "lơn." Cho đến nay, tao vẫn chưa biết cách "lơn" gái. Mèo mù vớ cá rán đấy.
Thịnh ngó thẳng vào đôi mắt tôi:
- Mày nói thật à?
- Thật.
- Sao em biết tên mày?
- Tao viết thư cho em.
- Mày... uống thuốc liều à?
- Không, em viết thư cho tao trước. Em tên là Bảo Ngọc.
- Mày làm cách nào mà em viết thư cho mày?
- Em đi Hải Phòng, em viết thư chia tay.
- Tại sao em viết thư cho mày?
- Em yêu tao!
- Tại sao em yêu mày?
- Vì tao là mèo mù, tao khù khờ. "Tôi khờ khạo lắm ngu ngơ quá."
Thịnh vỗ vai tôi, thân mật:
- Mày hết khù khờ rồi, Long ạ. Mày "kền" lắm. Trai Thái Lọ không thèm "lơn" mà gái Hà Nội cứ nhảy tới đòi yêu là mày đã nêu cao tên tuổi Thái Lọ.
Nó nói khẽ:
- Mày dạy tao cách...mèo mù của mày đi!
Tôi chả biết cách...mèo mù ra sao mà dạy Thịnh. "Giáo sư" của tôi đã từ chức và bằng lòng xuống làm hạng học trò, tôn tôi lên ngôi sư phụ ái tình.
Tôi kể chuyện nhờ Bảo Ngọc giặt quần áo, nhận quà của nàng, nhận thư của nàng và viết thư cho nàng. Thịnh nhất định không tin. Nó cứ van nài tôi chỉ dẫn cho nó phương pháp tán gái. Cuối cùng, nó nhờ vả tôi "lơn" giùm nó em thứ hai. Buồn cười quá. Một tay triết lý ái tình, dạy thiên hạ yêu nhau mà rốt cuộc lại phải nhờ tôi "lơn" gái hộ. Tôi hãnh diện nhận lời. Thịnh càng tin tôi "giấu nghề." Nhưng bây giờ, nó khắng khít với tôi hơn cả Luyến. Tôi rút ra một nhận xét: Con gái yêu mình không cần mình biết đánh đàn, ngâm thơ hay là nghệ sĩ. Tại sao Bảo Ngọc yêu tôi? Tôi chưa hiểu nguyên do. Ðể tôi sẽ hỏi nàng, sẽ nắm tay nàng, sẽ hôm trên tóc công chúa Jean Simmons và hỏi: "Tại sao em yêu anh, em yêu dấu?" Và nàng sẽ chỉ cười. Ðể tôi cảm thơ Xuân Diệu:


Làm sao cắt nghĩa được tình yêu
Có nghĩa gì đâu một buổi chiều
Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt
Bằng mây nhè nhẹ gió hiu hiu.
Ngày Xưa Còn Bé
chương Một
chương Hai
chương ba
chương bốn
chương năm
chương sáu
chương bảy
chương tám
chương chín
chương mười
Lời tác giả