Chương 1
Tác giả: George Soros
Khái niệm về xã hội mở dựa trên sự thừa nhận rằng sự hiểu biết của chúng ta về thế giới là không hoàn hảo một cách cố hữu. Những người cho rằng mình nắm được chân lí cuối cùng là đưa ra một đòi hỏi sai, họ chỉ có thể thực thi nó bằng cách áp đặt quan điểm của mình lên những người khác quan điểm. Kết quả của sự ép buộc như vậy là một xã hội đóng, trong đó quyền tự do suy nghĩ và diễn đạt bị cấm đoán. Ngược lại, nếu chúng ta thừa nhận tính có thể sai lầm của mình, chúng ta có thể có được một sự hiểu biết tốt hơn về thực tế mà không bao giờ đạt tới kiến thức hoàn hảo. Hành động trên sự hiểu biết đó, chúng ta có thể tạo ra một xã hội mở ra cho sự cải thiện chẳng bao giờ kết thúc. Xã hội mở không đạt tới sự hoàn hảo, nhưng nó có phẩm chất to lớn về đảm bảo quyền tự do tư duy và ngôn luận và mang lại phạm vi rộng rãi cho thử nghiệm và sáng tạo.
Để giải thích khái niệm về xã hội mở, tôi phải bắt đầu với quan hệ giữa tư duy và thực tại, đặc biệt khi nó liên quan đến những chuyện xã hội. Tôi cần chứng tỏ cái gì là cái làm cho sự hiểu biết của chúng ta không hoàn hảo một cách cố hữu. Tri thức không vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta, nhưng khi đến các tình thế trong đó chúng ta là những người tham gia tích cực, chúng ta không thể đặt cơ sở cho quyết định của mình chỉ riêng trên tri thức. Tri thức liên quan đến các sự thực, nhưng các sự kiện mà các quyết định của chúng ta liên quan đến không phải là các sự thực. Chúng nằm trong tương lai và tùy thuộc vào các quyết định hiện tại của chúng ta. Ngay cả sau khi chúng đã xảy ra, chúng khác các sự thực tạo thành đối tượng chủ thể của khoa học tự nhiên bởi vì chúng bị ảnh hưởng của cái chúng ta tư duy về; đó là nguồn gốc của những khó khăn của chúng ta.
Mối quan hệ giữa tư duy và thực tại là một chủ đề làm các triết gia bận tâm từ khởi đầu của triết học, nhưng vẫn chưa được hiểu một cách thích đáng. Bản chất của các vấn đề triết học là nó không có các câu trả lời dứt khoát, không thể chối cãi được, hay, chính xác hơn, mỗi câu trả lời lại nêu ra những câu hỏi mới. Tôi không thể hi vọng làm tốt hơn một chút nào, nhưng tôi cảm thấy tôi có cái gì đó quan trọng để nói.
Điểm cốt lõi tôi muốn đưa ra là mối quan hệ giữa tư duy và thực tại mang tính phản thân (reflexive ) - tức là, cái chúng ta nghĩ, có một cách tác động lên cái chúng ta nghĩ về. Hiển nhiên, điều này không đúng với mọi khía cạnh của thực tại. Các hiện tượng tự nhiên diễn tiến bất chấp cái chúng ta nghĩ. Chỉ trong lĩnh vực xã hội thì tính phản thân mới thích đáng, nhưng đó chính là chủ đề chúng ta quan tâm ở đây. Tôi sẽ thử chứng minh rằng tính phản thân đưa một yếu tố bất định cả vào sự hiểu biết của người tham gia lẫn vào các sự kiện mà họ tham gia vào. Tính phản thân không là nguồn bất định duy nhất, cả trong tư duy của chúng ta hay trong thực tại, nhưng khi nó xảy ra, nó tạo thành một nguồn bất định thêm vào .
Tôi bước vào thảo luận với sự bối rối. Các lí lẽ triết học thường có xu hướng chẳng bao giờ chấm dứt, và, đặc biệt, tính phản thân dựa vào một lí lẽ vòng vo: Sự hiểu biết của người tham gia là không hoàn hảo bởi vì sự hiểu biết không hoàn hảo của họ đưa một yếu tố không thể tiên đoán được vào tình thế mà họ tham gia. Tôi cũng có các khó khăn riêng trong đối phó với chủ đề. Một lần, vào đầu các năm 1960, tôi đã để ba năm khảo sát nó, cho đến một hôm, tôi đã chẳng hiểu nổi cái tôi viết ngày hôm trước và quyết định thôi. Bây giờ tôi quay trở lại cùng vũ đài đó. Tôi đã được củng cố bởi thành công của mình trong áp dụng khung khổ của tôi trong thế giới thực tế.
Lí thuyết tương hợp về chân lí
Để đạt được tri thức, cần phân biệt giữa tư duy và thực tại. Tri thức bao gồm các tuyên bố đúng và, theo lí thuyết tương hợp về chân lí, các tuyên bố là đúng khi, và chỉ khi, chúng tương ứng với các sự thực. Để có khả năng xác định liệu tuyên bố có đúng không, sự thực phải độc lập với các tuyên bố dẫn chiếu tới nó; phải có một sự tách bạch kín kẽ giữa các tuyên bố và các sự thực: các sự thực ở một bên, các tuyên bố ở bên kia. Các sự thực có thể dùng như tiêu chuẩn theo đó sự thật của các tuyên bố được đánh giá.
Không suy ra, tuy vậy, rằng các sự thực luôn tách rời và độc lập với các tuyên bố liên hệ với chúng. Tất cả cái được khẳng định là sự tách bạch là cần thiết cho thâu nhận tri thức. Đôi khi sự tách bạch cần thiết thịnh hành, lúc khác lại không; trong trường hợp sau, sự hiểu biết của người tham gia không đạt tới tri thức.
Trong các xã hội nguyên thuỷ, người dân không phân biệt giữa tư duy riêng của họ và thế giới mà những suy nghĩ đó liên quan tới. Họ tạo ra các niềm tin được coi như thực tại. Thí dụ, họ ban linh hồn cho các đối tượng và họ chấp nhận sự tồn tại của những linh hồn đó. Một khi sự phân biệt giữa suy nghĩ và thực tại được nhận ra, quan niệm này về thế giới có thể thấy là sai. Những tuyên bố đúng có thể được phân biệt với các tuyên bố sai và con đường cho phát triển tri thức mở ra. Thuyết vật linh và tôn giáo nguyên thủy mất tính hấp dẫn của chúng; triết học và khoa học hình thành.
Khi các triết gia bắt đầu thảo luận mối quan hệ giữa tư duy và thực tại, mối quan tâm chủ yếu của họ là xác lập bản chất và sự tồn tại của thực tế (bản thể học: ontology ) và để giải thích làm sao biết được nó (nhận thức luận: epistemology ). Điều này dẫn họ đến nghĩ dưới dạng quan hệ một chiều trong đó lí trí tìm kiếm tri thức một cách tích cực còn thực tại thì thụ động chờ để được khám phá. Cách nhìn này vào mối quan hệ được thành công của khoa học củng cố. Phương pháp khoa học đã làm hết sức mình để bảo vệ đối tượng chủ thể khỏi bị tư duy và hành động của nhà quan sát khoa học làm vấy bẩn.
Song quan hệ giữa suy nghĩ và thực tại không là con đường một chiều. Các tình thế, trong đó có người tham gia có tư duy, không nằm lì chờ được nghiên cứu; chúng được các quyết định của những người tham gia nhào nặn một cách tích cực.
Tất nhiên, có các sự kiện xảy ra độc lập với cái mà bất kể ai nghĩ; các hiện tượng này, như chuyển động của các hành tinh, tạo thành đối tượng chủ thể của khoa học tự nhiên. Ở đây, tư duy đóng vai trò đơn giản, một chiều, được phân cho nó: Nó phục vụ cho sự hiểu biết thực tại. Các tuyên bố khoa học có thể hoặc có thể không tương ứng với các sự thực của thế giới vật lí, nhưng trong cả hai trường hợp, các sự thực là tách rời khỏi và độc lập với các tuyên bố dẫn chiếu đến chúng. Đó là lí do tại sao các khoa học tự nhiên đã có thể tạo ra những kết quả gây ấn tượng đến vậy.
Các sự kiện xã hội lại khác, vì chúng có những người tham gia biết suy nghĩ. Ở đây quan hệ giữa tư duy và thực tại phức tạp hơn. Tư duy của chúng ta hướng dẫn chúng ta hành động, và hành động của chúng ta có một tác động lên cái gì xảy ra. Khi có nhiều người khác nhau, không thể đảm bảo rằng mọi người đối mặt với cùng tình huống sẽ nghĩ giống nhau. Kết quả là một sự thực, nhưng nó không đủ tư cách để được coi là tiêu chuẩn độc lập theo đó tính đúng đắn hay tính hợp lệ của tư duy của người tham gia có thể được đánh giá, bởi vì nó còn tuỳ thuộc vào những người tham gia suy nghĩ và làm cái gì. Thiếu một tiêu chuẩn độc lập, tư duy của người tham gia không có tư cách để được coi như tri thức. Ngay cho dù có một sự tương ứng giữa cái những người tham gia nghĩ và cái thực sự xảy ra, nó có thể xảy ra bởi tác động của các quyết định của những người tham gia; bởi vậy, sự tương ứng không cung cấp loại bằng chứng về tính đúng đắn của tuyên bố cái có thể nhận được nếu giả như các tuyên bố và các sự thực đúng là độc lập với nhau. Thay cho quan hệ một chiều cái là cơ sở của tri thức, tư duy đóng một vai trò kép.
Một mặt, những người tham gia có tư duy tìm cách hiểu tình huống trong đó họ tham gia. Tôi gọi điều này là chức năng (hàm số) thụ động hay nhận thức. Mặt khác, họ tham gia vào tình huống mà họ tìm cách hiểu. Tôi coi điều này là chức năng (hàm) tích cực hay tham gia. Thay cho con đường một chiều, có sự tương tác hai chiều giữa những người tham gia vào tình hình. Hai hàm số hoạt động theo chiều ngược nhau, và chúng có thể đi đến mâu thuẫn với nhau. Biến số độc lập của một hàm là biến số phụ thuộc của hàm kia. Nếu cả hai hàm đồng thời liên kết với cùng các biến số, một hàm có thể tước đoạt hàm kia một biến số độc lập. Sự can thiệp đưa một nhân tố bất định vào cả hai hàm số điều không xảy ra nếu giả như hai hàm số hoạt động độc lập với nhau. Đó là cái tôi gọi là tính phản thân (reflexivity) . Tôi lấy từ đó từ ngữ văn tiếng Pháp, gọi một động từ là phản thân khi chủ thể và khách thể là như nhau, như trong je me lave (tôi [tự] tắm).
Lí thuyết phản thân
Tính phản thân có thể phát biểu ở dạng hai hàm đệ qui:
x = f (y ) hàm nhận thức [cognitive function ]
y = ö (x ) hàm tham gia [participating function ]
Ở đây, x mô tả cái nhìn của người tham gia về tình hình y . Cả hai hàm có giá trị nào đó sao cho x không thể là đồng nhất với y . Ngoài ra, cả hai hàm bao gồm thời gian trôi đi, cái có thể được ghi lại bằng cách dùng kí hiệu xt1 , x t2 và yt1 , yt2 .
Riêng mỗi hàm số có thể có một kết quả xác định: trong trường hợp hàm nhận thức, tình hình có thể xác định quan điểm của những người tham gia; trong trường hợp hàm tham gia, quan điểm của những người tham gia, chuyển thành hành động, có thể xác định kết quả. Nhưng cả hai hàm số đều không hoạt động trong sự cách li tuyệt vời. Biến số độc lập của một hàm - y trong trường hợp của f và x trong trường hợp của ö - là biến số phụ thuộc của hàm kia. Bằng kí hiệu,
yt2 = f [ö(yt1 )] và
xt2 = ö [f(xt1 )]
Chừng nào hai hàm số có một giá trị khác 1 [1] và cả hai hàm đều hoạt động, cả quan điểm của người tham gia lẫn trạng thái thực sự của sự việc không còn như nhau với thời gian trôi đi và chẳng cái nào được xác định bởi cái xảy ra trước nó. Cả hai hàm tạo ra các kết quả bất định, và nhân tố bất định trong một hàm có thể quy cho sự phụ thuộc của nó vào hàm kia.
Đây, tất nhiên, là một trình bày giản lược. Hầu hết các tình huống có nhiều hơn một người tham gia, như vậy thay cho x đơn thuần chúng ta phải liệt kê x1,2,3, …n . Và bản thân tình hình chứa nhiều biến số bên cạnh các hành động của người tham gia đơn thuần, như thế công thức phải là
y = a,b, c, …ö(x1,2,3, …n ).
Nhưng điều đó không làm thay đổi lí lẽ cơ bản: Khi hai hàm số đồng thời liên kết cùng các biến số, sự tương tác của chúng đưa một nhân tố bất định vào cả hai. Quan điểm của người tham gia không được xác định bởi tình hình vì tình hình tuỳ thuộc vào quan điểm của người tham gia, và tình hình không thể được xác định bởi các quyết định của người tham gia vì người tham gia hành động trên cơ sở tri thức không thoả đáng. Thiếu sự tương ứng một mặt giữa quan điểm của người tham gia và trạng thái thực sự của sự việc và mặt khác giữa các ý định của những người tham gia và kết quả thực sự.
Tính phản thân hoạt động ở một phạm vi khá hẹp. Thực tại bao gồm các lĩnh vực mênh mông không bị ảnh hưởng bởi tư duy của những người tham gia, và tư duy của người dân liên quan đến nhiều đối tượng khác với tình hình trong đó họ tham gia vào: Họ có thể mơ ước, theo đuổi những mộng tưởng, hoặc đắm chìm trong những suy tư triết lí hay khảo cứu khoa học. Hơn nữa, tính phản thân không phải là nguồn duy nhất của bất định, cả trong thực tế hay trong tư duy của người tham gia, nhưng trong phạm vi hẹp nó hoạt động, nó là một nguồn thêm của bất định. Phạm vi hẹp đó tình cờ là đặc biệt quan trọng đối với chúng ta như những người tham gia có tư duy, bởi vì đó là nơi chúng ta sống cuộc đời mình.
Người tham gia đối lại người quan sát
Đáng đối sánh vị trí của người tham gia với vị trí của nhà khoa học tự nhiên. Đây không phải là một so sánh thường được tiến hành, song trong trường hợp này nó sẽ làm sáng tỏ. Các nhà khoa học tự nhiên nghĩ về một vũ trụ độc lập với tư duy của họ. Các tuyên bố của họ thuộc về một vũ trụ, các sự thực mà họ dẫn chiếu tới thuộc một vũ trụ khác. Chỉ có tương ứng một chiều giữa các tuyên bố và các sự thực là khả dĩ.
Đó là đặc trưng mấu chốt làm cho các sự thực phù hợp để dùng như tiêu chuẩn mà tính đúng đắn hay hợp lệ của các tuyên bố có thể được đánh giá. Nó cũng làm cho các sự thực miễn khỏi bị thao túng bởi các tuyên bố về chúng. Nếu nhà khoa học muốn thao tác thực tế một cách thành công, đầu tiên phải thu được tri thức từ nó.
Không phải vậy trong trường hợp của những người tham gia có tư duy. Họ có thể thao túng thực tế trực tiếp hơn bằng cách đưa ra các tư tưởng và lí lẽ tác động đến các quyết định riêng của họ và của những người tham gia khác. Các tư tưởng này không cần tương ứng với các sự thực về tình hình; thật vậy, chúng không thể làm vậy vì thiếu sự tương ứng cái đặc trưng cho tư duy của người tham gia. Tuy nhiên, chúng sẽ tác động lên tình hình, dù, tính đến hiểu biết không hoàn hảo của họ, kết quả có thể khác với kì vọng. Có cơ chế phản hồi hai chiều làm cho cả quan điểm của người tham gia và diễn tiến thực sự của các sự kiện đều bị ảnh hưởng. Một quá trình làm thay đổi cả tư duy và thực tại được cho là quá trình lịch sử.
Một quá trình lịch sử
Cơ chế phản hồi hai chiều không nhất thiết gây ra một quá trình lịch sử. Nó đơn thuần chỉ có tiềm năng làm vậy. Có nhiều trường hợp trong đó kết quả không khác những kì vọng hoặc sự phân kì không kích một sự thay đổi về kì vọng của người tham gia. Nhưng hiển nhiên các trường hợp khởi động một quá trình động học là các trường hợp lí thú hơn.
Chìa khoá cho việc hiểu động học như vậy được thấy trong yếu tố phán xét hoặc thiên kiến mà người tham gia phải dùng cho các quyết định của mình. Chúng ta đã thấy họ không thể làm mà không đưa vào một thiên kiến như vậy. Đến lượt nó, sự khác nhau giữa kết quả và kì vọng có khả năng ảnh hưởng đến thiên kiến. Phản hồi có thể là dương hoặc âm. Một phản hồi dương sẽ tăng cường định kiến ban đầu, cái có thể lại tạo ra phản hồi dương hơn nữa, nhưng quá trình không thể tiếp tục vô hạn định bởi vì cuối cùng thiên kiến nhất thiết trở nên rõ rệt đến mức thực tại có lẽ không thể sống theo các kì vọng.
Những người tham gia khác nhau có các định kiến khác nhau, nhưng trong nhiều tình thế - đặc biệt trong các thị trường tài chính - có thể nói về một thiên kiến “thịnh hành”. Khởi đầu, kết quả có thể xác nhận tính hợp lệ của định kiến thịnh hành, nhưng khi thiên kiến thịnh hành tăng quá mức, khả năng của nó tác động lên diễn tiến của các sự kiện có thể không còn đủ để đảm bảo rằng kết quả củng cố kì vọng. Khi sự khác biệt giữa kết quả và kì vọng tăng lên, thiên kiến thịnh hành ngày càng khó duy trì. Nếu và khi những người tham gia nghi ngờ hoặc từ bỏ định kiến của họ, một quá trình tự tăng cường có thể được khởi động theo chiều ngược lại. Thiên kiến thịnh hành càng phụ thuộc vào quá trình tự hợp lệ hoá và sự khác biệt giữa kết quả và kì vọng càng lớn, thì xác suất để cho một sự đảo ngược như vậy xảy ra càng lớn. Tôi sẽ cho một số thí dụ về tính phản thân trong các thị trường tài chính ở Chương 3.
Quá trình phản thân lộ ra theo thời gian. Tại một thời điểm cho trước, người dân được hướng dẫn bởi một tập các kì vọng mà qua các quyết định của họ dẫn đến những kết quả nào đó; các kết quả có thể làm thay đổi kì vọng của người dân, cái có thể làm thay đổi tập các quyết định tiếp theo tạo ra các kết quả mới, vân vân, nhưng tương tác tốn thời gian.
Có thể lí lẽ rằng các hàm nhận thức và tham gia thực sự không can thiệp vào nhau bởi vì chúng được cách li khỏi nhau bởi thời gian trôi qua. Tại bất kể thời điểm nào thiên kiến của người tham gia là cho trước; chỉ có ở thời điểm kế tiếp nó mới có thể bị tác động bởi một kết quả bất ngờ.
Lí lẽ này không hợp lệ bởi sự thực là tư duy của người tham gia không giới hạn ở các sự kiện ở thế giới bên ngoài và sự thay đổi tư duy của họ không nhất thiết được kích bởi các sự kiện bên ngoài. Đặc biệt khi con người nghĩ về bản thân mình hoặc về nhau, hai hàm số hoạt động đồng thời. Hãy xét tuyên bố như “Anh yêu em” hay “Hắn là kẻ thù của tôi”. Các tuyên bố này tác động đến người mà chúng đề cập ngay khi nó được nói ra. Khi một người thay đổi tự nhận thức của mình, tác động còn tức thời hơn. Sự cách li do thời gian trôi là không có, và có một sự chập mạch thật giữa hai hàm số. Khi người dân thay đổi ý kiến của mình, họ cũng thay đổi ứng xử, và sự thay đổi không được xác định bởi hoàn cảnh bên ngoài.
Khi một sự thay đổi như vậy xảy ra, nó ảnh hưởng trực tiếp đến tư duy của người tham gia nhưng chỉ gián tiếp đến thế giới bên ngoài. Tác động của tính phản thân trong tạo hình tự-quan niệm, tự nhận thức của người tham gia, các giá trị của họ, và những kì vọng của họ là phổ biến tràn lan hơn nhiều so với ảnh hưởng của nó lên diễn tiến của các sự kiện. Ở mức độ lớn, cá tính và đặc điểm của con người được xây dựng nên một cách phản thân. Chuỗi ban đầu tự tăng cường nhưng cuối cùng tự thủ tiêu mà tôi mô tả ở trước xảy ra ít thường xuyên hơn, nhưng khi xảy ra nó có tầm quan trọng lịch sử.
Sự bất định thật trong cái nhìn về chính mình hoặc về người khác của người tham gia cũng đưa một yếu tố bất định vào tiến trình các sự kiện. Xét việc hôn nhân: Có hai người tham gia có tư duy, nhưng tư duy của họ không hướng tới thực tế là cái tách biệt và độc lập với cái họ nghĩ và cảm nhận. Ý nghĩ và cảm nghĩ của một người tác động lên ứng xử của người kia, và ngược lại. Cả cảm nghĩ và ứng xử có thể thay đổi khiến không thể nhận ra được nữa khi hôn nhân tiến triển.
Ngay cả khi tư duy hướng đến các sự kiện ở thế giới bên ngoài, các sự kiện đó không thực sự phải xảy ra vì tư duy của người tham gia thay đổi. Hãy xét các thị trường tài chính: cốt lõi của các quyết định đầu tư là dự tính, hoặc “chiết khấu”, tương lai. Nhưng tương lai là bất định bởi vì giá mà các nhà đầu tư sẵn lòng trả cho cổ phiếu hôm nay có thể ảnh hưởng đến vận may của công ti theo nhiều cách khác nhau. Nói cách khác, sự thay đổi về kì vọng hiện hành có thể ảnh hưởng đến tương lai mà họ chiết khấu. Điều này làm cho giá cả trên thị trường tài chính là bất định thật sự.
Không phải tất cả các hiện tượng xã hội có đủ tư cách là phản thân, nhưng hầu hết các quá trình lịch sử thì có. Thực vậy, có thể lí lẽ rằng chính tính phản thân là cái làm cho các sự kiện thực sự mang tính lịch sử. Có thể phân biệt giữa các sự kiện buồn tẻ, xảy ra hàng ngày, khi hai hàm số không có tương tác với nhau một cách đáng kể, và các sự kiện lịch sử, khi chúng có. Lấy một thí dụ: Lái xe đi làm là một sự kiện nhàm chán, nhưng phát biểu của Nikita Khrushchev trước Đại hội Hai mươi của Đảng Cộng sản Liên Xô là một sự kiện lịch sử. Một sự kiện lịch sử đích thực không chỉ làm thay đổi thế giới; nó cũng làm thay đổi hiểu biết về thế giới của chúng ta - và hiểu biết mới, đến lượt nó, có tác động mới và không thể tiên đoán trước lên tiến trình của các sự kiện.
Sự phân biệt giữa các sự kiện buồn tẻ và lịch sử, tất nhiên, mang tính tautology [2] , song tautology có thể soi sáng. Các Đại hội đảng ở Liên Xô đã là khá nhàm chán, là chuyện có thể dự đoán được, song phát biểu của Khruskchev trước Đại hội Hai mươi là khác. Bằng cách phơi bày và bác bỏ tội ác của Stalin, Khrushchev đã làm thay đổi cảm nhận của người dân, và ngay cả chế độ cộng sản đã không thay đổi tức thì, bài phát biểu đã có các hệ quả không thể lường trước: quan điểm của những người đi đầu của glasnost ba thập niên sau đã được định hình trong thời thanh niên của họ bởi sự tiết lộ của Khrushchev.
Tính không xác định
Cho dù có lẽ là một điểm hiển nhiên, cần nhấn mạnh rằng yếu tố bất định mà tôi nói đến không được tạo ra bởi một mình tính phản thân; tính phản thân phải đi cùng với sự hiểu biết không hoàn hảo. Nếu giả như do may mắn nào đó mà con người được phú cho tri thức hoàn hảo, thì tương tác giữa tư duy của họ và thế giới bên ngoài có thể được bỏ qua. Kết quả của các hành động của họ sẽ tương ứng hoàn hảo với các kì vọng của họ bởi vì trạng thái thật của thế giới được phản ánh một cách hoàn hảo trong các quan điểm của họ. Tương tự, nếu tư duy của người tham gia giả như được xác định hoàn toàn bởi hoàn cảnh bên ngoài hoặc xung động bên trong, yếu tố bất định sẽ được loại trừ. Trạng thái công việc này là không thực tế, thế mà nó lại được đề xuất một cách nghiêm túc. Karl Marx đã cho là các điều kiện vật chất của sản xuất quyết định thượng tầng kiến trúc tư tưởng; Sigmund Freud cho rằng ứng xử của con người được vô thức chế ngự; và lí thuyết kinh tế cổ điển dựa trên giả thiết về tri thức hoàn hảo. Trong mỗi trường hợp, sự thôi thúc là như nhau: để cho một giải thích khoa học về ứng xử của con người. Phù hợp với các tiêu chuẩn thịnh hành ở thế kỉ mười chín, sự giải thích phải là tất định để có thể được coi là khoa học.
Tính phản thân trong khung cảnh
Khái niệm phản thân căn bản đến nỗi khó có thể tin rằng tôi là người đầu tiên tìm ra nó. Thật vậy, không phải tôi. Phản thân chỉ là một cái nhãn mới cho tương tác hai chiều giữa tư duy và thực tại đã ăn sâu vào lương tri của chúng ta. Nếu nhìn ra ngoài địa hạt khoa học xã hội, chúng ta thấy nhận thức rộng rãi về tính phản thân. Lời sấm tiên tri Delphic là phản thân, các vở kịch Hi Lạp cũng vậy, theo nghĩa là các lời tiên tri được hợp lệ hoá bởi tác động mà chúng gây ra.
Ngay cả trong khoa học xã hội, đôi khi đã có sự thừa nhận: Machiavelli đã đưa một yếu tố bất định vào phân tích của mình và gọi nó là số phận; Robert Merton lưu ý đến các lời tiên tri tự thoả mãn và ảnh hưởng thịnh hành; và một khái niệm giống phản thân được Alfred Schutz đưa vào xã hội học dưới cái tên “tính liên chủ quan: intersubjectivity ”. Các nhà xã hội học như Anthony Giddens đã dùng thuật ngữ tính phản thân theo nghĩa gần hệt như tôi dùng.
Mới đây hơn, cả một khoa học mới, lí thuyết hệ thống tiến hoá, đã phát triển để nghiên cứu tương tác hai chiều giữa thú săn mồi và con mồi, hoặc tổng quát hơn giữa người tham gia và môi trường. Người tham gia không nhất thiết là con người và ứng xử của nó không nhất thiết được chỉ dẫn bởi hiểu biết không hoàn hảo, nhưng mối quan hệ là giống nhau ở mức nó dính đến sự tương tác hai chiều. Lí thuyết hệ thống tiến hoá đã phát triển các thuật toán để nghiên cứu mối quan hệ. Lí thuyết trò chơi cũng biến thành tiến hoá. Nó khởi đầu bằng giả thiết về tính duy lí, nhưng giả thiết dần dần được bỏ đi và nghiên cứu ứng xử duy lí được thay bằng “ứng xử thích nghi”. Tính phản thân không còn xa lạ ngay cả với lí thuyết kinh tế.
Đây là những phát triển mới đây. Dễ quên rằng cho đến gần đây các nhà khoa học xã hội, đặc biệt các nhà kinh tế học, đã cất công xua đuổi tính phản thân khỏi chủ đề của họ. Vì sao lại như thế, sẽ được thảo luận ở Chương 3.
Tôi bắt đầu tư duy bằng tính phản thân gần năm mươi năm trước. Có thể lí thú gợi lại tôi đã đến với ý tưởng thế nào. Đó là thông qua các chú thích của cuốn Open Society and its Enemies của Karl Popper. Các chú thích này đề cập vấn đề tự-dẫn chiếu. Tự-dẫn chiếu chỉ có họ xa với phản thân. Tự-dẫn chiếu là một tính chất của tuyên bố; nó hoàn toàn thuộc địa hạt của tư duy. Phản thân kết nối tư duy và thực tại; nó thuộc cả hai lĩnh vực. Nhưng hai khái niệm có cái gì đó chung: một yếu tố không xác định.
Sự thực rằng các tuyên bố có thể tác động đến chủ thể mà nó dẫn chiếu được xác lập đầu tiên bởi Epimenides người xứ Creta khi ông đưa ra nghịch lí kẻ nói dối. Những người Creta luôn nói dối, ông bảo, và nói thế ông đặt vấn đề về tính đúng đắn của tuyên bố của mình. Là một người Creta, nếu ý nghĩa của cái ông nói là đúng, thì tuyên bố của ông phải là sai; ngược lại, nếu tuyên bố của ông là đúng, thì ý nghĩa mà nó truyền đạt phải là sai. [3]
Nghịch lí kẻ nói dối đã từ lâu được coi như một sự kì lạ trí tuệ và được bỏ qua bởi vì nó quấy rối sự theo đuổi chân lí mặt khác (vẫn) có kết quả. Chân lí đã được định nghĩa như sự tương ứng của tuyên bố với sự thực bên ngoài. Cái gọi là lí thuyết tương hợp về chân lí được chấp nhận rộng rãi ở đầu thế kỉ hai mươi. Đó là thời kì nghiên cứu về sự thực đem lại các kết quả đầy ấn tượng và khoa học được ngưỡng mộ rộng rãi.
Được thành công của khoa học khích lệ, Bertrand Russell lao vào xử trí nghịch lí kẻ nói dối. Giải pháp của ông đã là phân biệt hai loại tuyên bố: một lớp gồm những tuyên bố dẫn chiếu đến chính mình, và một lớp loại trừ các tuyên bố như vậy. Chỉ có các tuyên bố thuộc lớp sau có thể được coi là đúng thể thức theo nghĩa là có một giá trị chân lí xác định. Trong trường hợp các tuyên bố tự dẫn chiếu, có thể không có khả năng xác định liệu chúng đúng hay sai.
Các nhà thực chứng logic đã đưa lí lẽ của Bertrand Russell tới kết luận logic của nó và tuyên bố là những phát biểu, mà giá trị chân lí của nó không được xác định hoặc bởi sự thực thực nghiệm hay bằng hình thức logic của chúng, là vô nghĩa. Nên nhớ rằng, đó là thời kì khoa học đã cho các giải thích tất định đối với phạm vi ngày càng rộng của các hiện tượng trong khi triết học lại trở nên quá xa thực tế. Chủ nghĩa thực chứng logic là một giáo lí cấm siêu hình học và đề cao tri thức khoa học như hình thức duy nhất của sự hiểu biết xứng với cái tên đó. “Những người đã hiểu lí lẽ của tôi”, Ludwig Wittgenstein nói trong kết luận của cuốn Tractatus Logico-Phylosophicus của ông, “phải nhận ra rằng mọi thứ tôi đã nói trong cuốn sách đều là vô nghĩa”. Dường như con đường cho suy ngẫm siêu hình đã chấm dứt và chiến thắng hoàn toàn của tri thức tất định, dựa trên sự thực, là cái đặc trưng cho khoa học.
Tuy vậy, ngay sau đó, trào lưu rẽ hướng. Wittgenstein nhận ra rằng đánh giá của mình đã quá nghiêm khắc, và ông bắt tay vào nghiên cứu ngôn ngữ hàng ngày. Trong lúc đó, ngay cả khoa học tự nhiên đã trở nên ít tất định hơn. Nó đã gặp các ranh giới mà quá chúng thì không thể giữ những quan sát khỏi chủ thể của chúng. Các nhà khoa học tìm cách thấu hiểu ranh giới, đầu tiên với thuyết tương đối của Einstein, rồi với nguyên lí bất định của Heisenberg. Gần đây hơn, các nhà nghiên cứu dùng lí thuyết hệ thống tiến hoá đã bắt đầu khám phá các hiện tượng vật lí phức tạp mà diễn tiến của chúng không thể được xác định bằng các định luật có hiệu lực mãi mãi. Các sự kiện đi theo một quỹ đạo không đảo ngược được trong đó ngay cả những nhiễu loạn nhẹ được khuyếch đại với thời gian. Lí thuyết hỗn độn (chaos) được xây dựng trên nhận thức này và đã có khả năng làm sáng tỏ nhiều hiện tượng phức tạp, như thời tiết, mà trước đây trơ ra với nghiên cứu khoa học. Những tiến bộ này đã làm cho ý tưởng về một vũ trụ phụ thuộc vào quỹ đạo thay cho vũ trụ tất định, nơi các sự kiện đi theo một tiến trình đơn nhất, không thuận nghịch, có thể chấp nhận được hơn. Dần dần ý tưởng đã tìm được cách tới các khoa học xã hội, nơi nó thực sự thuộc về bởi vì nó đặc trưng cho quỹ đạo mà các hiện tượng phản thân đi theo.
Tôi bắt đầu áp dụng khái niệm phản thân để hiểu công việc xã hội, và đặc biệt trong các thị trường tài chính, vào đầu các năm 1960 trước khi lí thuyết hệ thống tiến hoá ra đời. Bằng cách đưa ra khái niệm, tôi đã hi vọng lật ngược chủ nghĩa thực chứng logic. Chủ nghĩa thực chứng logic coi các tuyên bố tự dẫn chiếu là vô nghĩa. Tôi cho rằng các tuyên bố mà giá trị chân lí của nó không xác định, còn xa mới vô nghĩa, thậm chí còn quan trọng hơn các tuyên bố mà giá trị chân lí của nó được biết. Những cái sau tạo thành tri thức: Chúng giúp chúng ta hiểu thế giới như nó là. Nhưng những cái trước - những biểu hiện của sự hiểu biết không hoàn hảo của chúng ta - giúp định hình thế giới trong đó chúng ta sống.
Tại thời điểm rút ra kết luận này, tôi đã coi nó là một sự thấu hiểu lớn. Khái niệm phản thân và tính bất định đi cùng với nó dường như ra mặt chống đối lẽ phải được thừa nhận rộng rãi. Ngay cả khi vật lí học đã từ bỏ quan điểm tất định, các khoa học xã hội nói chung và kinh tế học nói riêng vẫn cứ khăng khăng bám lấy nó.
Thời thế đã thay đổi đến thế nào! Chủ nghĩa thực chứng logic đã mất sự ủng hộ tới mức tôi cảm thấy như mình đánh một con ngựa đã chết. Lí thuyết hệ thống tiến hoá đã xâm nhập mạnh mẽ không chỉ vào các khoa học vật lí và sinh học mà cả các khoa học xã hội. Trong khi các kì vọng duy lí và lựa chọn duy lí vẫn còn mạnh, nhiều nhà kinh tế học đã từ bỏ giả thiết về tính duy lí và đã bắt đầu khai phá các con đường khả dĩ khác về xem xét ứng xử kinh tế.
Như ta có thể kì vọng ở một thế giới phản thân, những sự thay đổi đã không giới hạn ở tư duy; chúng cũng ảnh hưởng đến thực tại. Trong chừng mực nào đấy, máy tính đã phá vỡ sự tách biệt giữa tư duy và thực tại, bởi vì nội dung và các lệnh điều hành được chứa trong cùng thông điệp. Điều này đã làm nảy nở ra một cách mới để nhìn vào thế giới trong đó tư duy và thực tại tương tác với nhau thay cho tạo thành các phạm trù tách biệt. Nó cũng biểu lộ tầm quan trọng của thông tin. Nhiều khía cạnh của thực tại, như tăng trưởng hữu cơ, mà trước kia được diễn giải bằng năng lượng có thể được hiểu tốt hơn bằng thông tin. Các dạng chưa tồn tại trước đây của thông tin và truyền thông, (xử lí) ảnh máy tính, công nghệ sinh học, giải mã gen người, Internet, và các hình thức thực tế ảo đa dạng, đóng vai trò ngày càng tăng trong đời sống chúng ta.
Ý tưởng rằng thực tại bằng cách nào đó tách biệt và độc lập với tư duy đã trở nên lỗi thời. Sự thay đổi này trong nhận thức về thực tại đã được tăng tốc trong các năm gần đây đến điểm mà nó chẳng khác gì một cuộc cách mạng thực sự. Phản hồi và phản thân được thừa nhận như các hiện tượng sống thực. Phản thân có thể không được công nhận như một khái niệm, song đó không còn do nó mâu thuẫn với hiểu biết thịnh hành; đúng hơn, nó có thể bị bỏ qua vì nó đã trở nên quá hiển nhiên.
Sự biến đổi cách mạng này đã ập xuống mà tôi không được chuẩn bị. Điều đó có thể hiểu được: Đó là đặc trưng của các cuộc cách mạng mà tốc độ thay đổi vượt quá nhận thức của chúng ta. Giả như nếu tôi bắt đầu lại từ đầu, có lẽ tôi chẳng cảm thấy cần nhấn đi nhấn lại khái niệm phản thân và quan hệ của nó tới tự-dẫn chiếu. Nhưng tôi tin có cái gì đó có thể thu được từ cách tiếp cận của tôi: Ngày nay người ta có thể sẵn sàng coi tính phản thân là nghiễm nhiên, nhưng họ có thể không ý thức được đầy đủ về tất cả các hệ luỵ của nó. Và có thể tôi không phải là người duy nhất thấy khó để điều chỉnh với sự thay đổi triệt để về thái độ. Thực ra, đa số người dân có thể không nhận thức được là một sự biến đổi triệt để đã xảy ra - những người trẻ bởi vì họ ít hiểu biết về việc người ta đã nghĩ ra sao năm mươi năm trước, những người già bởi vì họ không điều chỉnh được tư duy của mình và do đó cảm thấy bối rối trước môi trường hiện tại.
Chúng ta quên rằng chủ nghĩa thực chứng logic đã rất có ảnh hưởng ban đầu ở thế kỉ này; nó đã thực sự ngăn cấm tính phản thân bằng cách tuyên bố rằng các phát biểu mà giá trị chân lí của nó không thể được xác định dứt khoát là vô nghĩa. Đáng nhớ điều này, bởi vì nó nhắc nhở chúng ta những giới hạn của sự hiểu biết của chúng ta đã được hiểu tồi đến thế nào. Chúng ta biết là chúng ta có thể sai lầm, thế mà chúng ta không hiểu vì sao. Chính sự thực rằng chúng ta là người tham gia là cái hạn chế năng lực của chúng ta với tư cách là các nhà quan sát. Chúng ta không thể tránh dựa vào lòng tin cái có thể tác động đến tính hiệu lực của riêng nó, và chúng ta không thể đạt được sự chắc chắn loại có thể có trong các lĩnh vực nơi chân lí có thể được xác lập trên cơ sở sự thực. Hãy xét cái chết và sự hấp hối: Chúng ta có thể nghiên cứu nó một cách khoa học, nhưng khi đến cái chết của chính chúng ta, khoa học không cho câu trả lời; chúng ta phải tự thu xếp lấy.
Có nhiều cách để hoà giải việc đồng thời là nhà quan sát và người tham gia, nhưng chẳng cách nào là hoàn toàn thoả mãn. Chủ nghĩa thực chứng logic đã làm điều này bằng cấm các tuyên bố tự-dẫn chiếu và làm thế nó đơn giản lảng tránh tình thế khó xử của một người tham gia có tư duy. Chủ nghĩa thực chứng logic đã chỉ đưa các tư tưởng Khai Sáng về lí trí với tư cách là cái gì đó tách rời khỏi thực tại đến kết luận logic của nó. “Tôi tư duy, cho nên tôi tồn tại”, Descartes nói. Tư tưởng Khai Sáng rằng lí trí có khả năng giải thích và tiên đoán thực tại vẫn hằn sâu trong cách suy nghĩ của chúng ta. Trong kinh tế học, thí dụ, nó được hiện thân ở lí thuyết cạnh tranh hoàn hảo và kì vọng duy lí, như chúng ta sẽ thấy, là cái cung cấp sự biện minh khoa học cho tín điều thịnh hành của thuyết thị trường chính thống (market fundamentalism ). Các kì vọng không thể là duy lí khi chúng gắn với cái gì đó tuỳ thuộc vào chính nó. Khái niệm cân bằng trong kinh tế học dựa trên nhận thức lỗi thời về thực tại và lí trí như các phạm trù tách biệt.
Hiện thời, lưỡi sắc bén của mốt trí tuệ lại vung sang thái cực ngược lại: hủy tạo (deconstruction ) thực tại thành các quan điểm chủ quan và định kiến của những người tham gia đã trở thành mốt trong các môn xã hội. Chính cơ sở trên đó các quan điểm khác nhau có thể được đánh giá - cụ thể là, chân lí khách quan - bị nghi ngờ. Tôi chẳng có mấy thiện cảm với những người tìm cách hủy tạo thực tại. Tôi coi điều này là một thái cực khác lầm lạc ngang nhau, và khái niệm phản thân phải giúp tôi nêu rõ vấn đề của mình.
Tính phản thân dựa trên sự thừa nhận rằng có một thực tại và chúng ta là một phần của thực tại ấy: Đó là vì sao hiểu biết của chúng ta lại không hoàn hảo một cách cố hữu. Thực tại là duy nhất và quan trọng khác thường. Nó không thể được rút gọn hoặc phân rã thành các quan điểm và niềm tin của những người tham gia, chính xác là bởi vì thiếu sự tương ứng giữa cái người ta nghĩ và cái thực sự xảy ra. Nói cách khác, thực tại là nhiều hơn các quan điểm của người tham gia.
Thiếu tương ứng cũng cản trở sự tiên đoán các sự kiện trên cơ sở những khái quát có giá trị phổ quát. Có một thực tại, dẫu cho không thể tiên đoán được. Điều này có thể khó được chấp nhận, nhưng vô ích, thậm chí hết sức nguy hiểm, đi từ chối nó - như bất kể người tham gia nào đã mất tiền ở các thị trường tài chính có thể xác nhận. Các thị trường hiếm khi làm vừa lòng các kì vọng, thế mà phán xử của chúng là đủ thực tế để gây đau khổ và mất mát – và chẳng có quyền kháng cáo.
Độc giả có thể thấy lạ là tôi đưa thị trường tài chính như một thí dụ của thực tại; đối với đa số người dân nó dường như không thực. Song điều đó chỉ chứng tỏ sự hiểu biết của chúng ta về thực tại bị méo mó. Chúng ta nghĩ về thực tại như cái gì đó độc lập với nhược điểm của con người, trong khi hiểu biết không hoàn hảo của chúng ta là một phần rất thật của thực tại. Thị trường tài chính phản ánh các quan điểm thiên lệch của những người tham gia; chúng đóng một vai trò quan trọng trong định hình diễn tiến các sự kiện. Diễn tiến các sự kiện không thể được hiểu đơn giản bằng nghiên cứu quan điểm của những người tham gia; chúng ta cũng phải khảo sát diễn tiến thực sự của các sự kiện khác các quan điểm đó ra sao. Khác đi chúng ta có thể bỏ sót việc tính đến sự khác biệt giữa các kì vọng và kết quả - và đó là một sự bóp méo đáng kể thực tại.
Tôi tìm cách hoà giải mâu thuẫn cố hữu về đồng thời là người tham gia và nhà quan sát bằng cách coi tính có thể sai của chúng ta như điểm xuất phát. Trình bày lại Descartes, tôi là một phần của thế giới tôi tìm cách hiểu, vì vậy sự hiểu biết của tôi là không hoàn hảo một cách cố hữu . Điều này áp dụng với hiệu lực đặc biệt đối với các khía cạnh của thực tại khi có những người tham gia có tư duy. Nó làm cho cả sự hiểu biết của chúng ta lẫn diễn tiến của các sự kiện không chắc chắn. Vì sự bất trắc không thể được loại bỏ, tốt hơn nếu chúng ta coi nó là điểm xuất phát của mình. Làm vậy không loại trừ việc suy ngẫm hoặc về bản chất của thực tại hoặc về bản chất của tri thức, nhưng nó tạo cơ sở vững chắc hơn cho hiểu biết thế giới trong đó chúng ta sống so với về riêng từng cái. Và nó sẽ dẫn đến khái niệm xã hội mở như một hình thức đáng mong muốn của tổ chức xã hội.
Trong khi chúng ta đã trở nên quen với phản thân như một hiện tượng, chúng ta vẫn chưa biết đánh giá các hệ luỵ của nó. Chúng ta phải thừa nhận rằng thực tại không phải là cái gì đó tách rời và độc lập với tư duy của chúng ta. Tri thức hoàn hảo là không thể đạt được, nhưng ngay cả với sự hiểu biết không hoàn hảo chúng ta vẫn có khả năng ảnh hưởng lên thế giới mà chúng ta sống. Chúng ta phải nhớ, tuy vậy, rằng tính có thể sai của chúng ta có khả năng tạo ra sự khác biệt giữa ý định và kết quả. Thay cho sự theo đuổi vô ích thiết kế hoàn hảo - bất luận ở dạng của chủ nghĩa cộng sản hay ở dạng thị trường có khuynh hướng dẫn tới cân bằng - chúng ta phải tự thoả mãn với cái tốt nhất kế đó (tốt thứ nhì): một xã hội tự mở ra cho sự thay đổi và cải thiện. Đó là khái niệm về xã hội mở.
[1] Chú thích của dịch giả : Nếu hai hàm không có cùng điểm cố định (fixed point) thì điều tác giả mô tả có thể xảy ra.
[2] Chú thích của dịch giả : Lặp thừa, nói đi nói lại trùng ý.
[3] Nghịch lí kẻ nói dối có thể được diễn giải như một trường hợp phản hồi âm. Nếu vấn đề (tức là, liệu tuyên bố của Epimenides có đúng không) được nạp vào một máy tính, câu trả lời là một chuỗi vô tận ‘Không, Có, Không, Có”.