Hồi 71
Tác giả: Giả Kim Dung
Đoàn Cẩm trong vô tình phát giác được phương pháp ấy để trị quái vật, tinh thần phấn khởi vô cùng, lúc luyện võ cùng sư phụ, Ngọc Động Chân Nhân đã dạy cho chàng một pho quyền pháp gọi là Bát Long Thiên Chưởng.
Pho chưởng pháp ấy đi theo thức bát môn "bát quái" , bề ngoài nhìn vào, chỉ thấy nhãy cao rùn thấp phiêu phiêu bất định nhưng kỳ thật tấn thối đều y theo bộ pháp bát quái để công kích đối phương tràn qua lộn lại, khiến đối phương rối loạn tâm trí chẳng biết đâu mà đón đở, vừa thấy trước mặt thoắt cái đã biến ra sau lưng, lợi hại phi thường.
Đoàn Cẩm đem pho Bát Quái Phiên Long Chưởng ra sử dụng, lấy phía dưới của quái vật làm mục phiêu tấn công, thỉnh thoảng thối lui, khi Đông lúc Tây, thoắt tả thoắt hữu, chụp được giây trống trải, là lập tức giơ tay chộp lấy đuôi quái vật, dùng sức vung mạnh, quăng ngay mãnh thú té nhào mèo xuống đất.
Và quả nhiên có hiệu nghiệm ngay, quái thú tuy da cứng như đá, dao thường chẳng lủng, nhưng vì thân hình lo lớn, mà phàm những thú vật thân to lớn, sự nhậm lẹ tránh né không được linh biến lắm.
Đoàn Cẩm cứ thỉnh thoảng nhấc nó lên cao và quật mạnh xuống đất.
Quái thú liên tiếp bị quật lộn mèo năm sáu phen, cảm thấy châu thân rêm nhức khắp cùng thì tánh hung hăng càng bộc phát, hả chiếc họng lớn như máu, gầm lên rùng rợn chụp nhầu đến đối phương bất kể chết sống.
Đoàn Cẩm mắt lanh tay lẹ, thoăn thoắt theo bộ pháp Bát Quái Liên Phong Chưởng, trước sau chẳng hề cùng quái thú ngay mặt đấu nhau, mà cứ lòn ra phía sau đuôi của nghiệt súc để tấn công.
Tránh né nhau hơn ba bốn mươi bận, chàng chợt thấy phía bụng dưới của quái vật nơi vị trí "hạ âm" có một khoảng da trắng hếu bằng miệng chén lớn chẳng có lông lá gì cả.
Chàng là một người tuyệt đỉnh thông minh liền biết ngay nơi khoảng da trắng ấy là một chỗ yếu hại duy nhất trong châu thân của quái vật, trong đầu chàng bỗng loé lên một tia sáng, lập tức thâu nhanh thế quyền nhãy dứ đến trước mặt quái thú, hoa quyền đánh vút vào đầu nó.
Quái thú liên tiếp xoay vòng bao nhiêu lượt không sao cản được địch thủ, thú tánh đang nổi điên.
Vừa thấy bóng kẻ thù trước mặt đâu dễ bỏ qua, sừng lông gầm đầu cụng mạnh vào phía đối thủ .
Đoàn Cẩm lần này chẳng thèm tránh né bị quái thú cụng mình té ngửa trên mặt đất đánh "đụi !" một tiếng, chờ cho quái thú cất cao hai vó trước định bổ xuống người chàng.
Đoàn Cẩm lẹ làng lăn tròn một vòng dụng ngay thân pháp Diệp Để Tạng Hoa (dưới lá dấu hoa) rụt người lại rồi thoắt cái nhãy chồm dậy, bất thình lình giương hai cánh tay sắt nguội ra, chộp lấy cần cổ của quái thú.
Quái thú ngỡ Đoàn Cẩm dùng sức mạnh của đôi tay để siết cổ mình, không khỏi sợ hãi, vội bương chân thối lui ra sau, nào ngờ thế vừa rồi chỉ là một thế đánh dứ, hai tay chàng nhanh nhẹn biến chiêu, đập mạnh lên mặt đất, thân hình bay vụt trở lên, song cước đồng tung lên một lượt đá bùng vào khoảng da trắng nơi hạ âm của mãnh thú chẳng chút sai lệch, quái thú liền rống lên một tiếng như xé rách cả rừng cây dãy dụa mấy cái dưới đất bốn vó chỏng ngược lên trời và tắt thở luôn, miếng da bụng cũng bị đá phủng một lỗ lớn máu ri rỉ chảy ra, nhuộm đỏ cả một khoảng cỏ xanh non.
Bọn binh sĩ Nam Chiến Quốc thấy vị Tiểu vương gia của mình giết chết được quái thú ấy, mừng rỡ nhãy nhót tung hô vạn tuế dậy cả núi rừng.
Đoàn Lão Hoàng Gia gạt mồ hôi lạnh trên trán, thở phào một hồi dài khoan khoái, vì từ nãy giờ ông lo lắng cho sinh mạng đứa con yêu duy nhất suýt muốn nín thở đứng tim.
Đoàn Cẩm sau khi giết chết được mảnh thú, mặt chẳng đổi sắc tinh thần vẫn ung dung trở về đoàn người thỉnh an với phụ vương của mình. Đoàn Lão Hoàng Gia lo lắng hỏi thăm.
Đoàn Cẩm cúi đầu cung kính thưa :
- Tâu phụ vương, Thần nhi không thấy mệt mà chỉ cảm thấy thống khoái vì được đấu một trận sướng tay thôi !
Mọi người nghe nói đều chắc lưỡi suýt soa khen lấy thần lực của Thái tử thành Đại Lý.
Đoàn Lão Hoàng Gia liền bãi cuộc đi săn, truyền lịnh binh sĩ khiêng quái thú trở về thành, bá quan văn võ không một ai biết tên thú ấy gọi là chi.
Cuối cùng có một vị học giả cao niên biết được tên thú ấy gọi là Mạc, một trong những loại kỳ lân, sức lực không những rất hung mãnh mà còn có thể nhai cả ngũ kim làm vật nuôi thân, bất luận là tay săn nhà nghề thế nào, gặp nó là vong mạng không còn.
Loại thú ấy ngoài sự nuốt nhai sắt vàng ra còn một đặc điểm lạ kỳ là trời sanh một lớp lông nhung có thể cự đương bất kỳ loài binh khí sắc bén gì, nước lửa không xâm phạm được lớp da ấy là một vật kỳ bửu khó gặp trong thế gian.
Đoàn Lão Hoàng Gia thầm mừng cho sự may mắn của quốc gia, liền dặn dò thợ khéo cẩn thận lột da thú chế tạo thành vào bộ khôi giáp làm vật báu trấn quốc .
Đoàn Cẩm liền xin lớp da mềm trên bụng của thú để may chiếc áo lót làm vật kỹ niệm kỳ công đầu tiên của mình.
Sau lần giết được quái thú ấy, oai danh của Đoàn Cẩm rúng động khắp cõi Nam hoang, biên dân mấy tỉnh Tây Nam mỗi lần đề cập đến Đoàn Cẩm đều sợ hãi kính phục như vị thần linh của mình.
Nhưng chí hướng của Đoàn Cẩm khác với người thường, cảm thấy tay mình được danh thần dũng khắp miền Tây Nam, chưa ai xứng là địch thủ, nhưng rốt cuộc vẫn chưa thực sự chường mặt giữa giang hồ võ lâm, cũng chưa chính thức giao tay với kẻ địch nào, đâu có xứng danh liệt vào hạng anh hùng nhứt thế .
Do đấy chàng đã tỏ ý viễn du Trung Thổ một phen làm một vài chuyện oanh liệt kinh thiên động địa để dương danh vạn cổ. Nhưng khổ nỗi thể chế của Nam Chiến rất khác biệt dị đời, phàm là một Thế tử của Quốc vương thật quyết không thể ra khỏi thành Đại Lý ngoài trăm dặm, nếu ai tự ý bỏ đi là kể như bất kính với thần linh trời đất tất bị họa bất trắc lâm thân.
Cho nên Đoàn Cẩm có hùng khí giao du Trung Nguyên nhưng vì luật quy của hoàng tộc không thể mở miệng ra lời, đành tạm thời chôn chặt vào tim, chỉ mong sao Ngọc Động Chân Nhân, đúng thời gian ba năm trở lại, sẽ cậy nhờ sư phụ đề nghị lời thỉnh nguyện ấy với phụ vương, chuẩn y cho chàng theo sư phụ ngoạn du khắp núi rộng sông dài để lịch lãm thêm phần kiến thức.
Thấm thoát thời gian, ba năm trôi nhanh như nước chảy qua cầu nhưng vẫn chưa thấy sư phụ Ngọc Động Chân Nhân trở bước vân du về miền Đại Lý.
Đoàn Cẩm ngày đêm khắc khoải chờ trông.
Giữa một đêm trăng tròn nọ, Đoàn Cẩm một mình ngồi hóng mát dưới giàn hoa nơi trước điện, nhìn bóng nguyệt lung linh muôn sao vằng vặc lòng buồn mênh mông, đang lúc ngẩn ngơ xuất thần, chợt nghe ngói trên mái điện có tiếng động thật khẽ, rồi một bóng người như oan hồn lăn rơi trở xuống.
Đoàn Cẩm trong lúc thất thần giật thót mình, đến lúc định thần nhìn kỹ, từ cuống họng bỗng buột miệng kêu lên một tiếng "ối cha !" kinh ngạc !
Vì người vừa lăn xuống không ai khác là vị ân sư Ngọc Động Chân Nhân đã cách biệt ba năm dài.
Nhưng vị Ngọc Động Chân Nhân sau ba năm cách này không còn là vị đạo trưởng nghi dung phong tuấn phiêu phưởng như thần tiên giáng phàm, mà là một lão nhân mình mẩy dơ dáy, áo quần rách bươm, tóc tai rối bời, nói hơi nặng lời một chút thì thật chẳng khác một lão ăn mày bao nhiêu.
Ngoài ra sắc mặt của ông trắng bệch như tờ giấy, hai mắt mất thần, trên tay còn lẩy bẩy một thanh kiếm báu. Ông vừa từ trên mái ngói buông mình xuống đất, thân hình lảo đảo chệnh choạng hai lượt, rồi không gượng được "bộp !" một tiếng té ngồi trên mặt đất, thanh bảo kiếm chỏi mạnh xuống gạch rắn kêu "cong !" một tiếng, sao lửa bắn tung toé bốn phía.
Đoàn Cẩm cả kinh, vội tung mình nhãy ra trước, một tay đở xốc Ngọc Động Chân Nhân dậy, hỏi dồn dập :
- Lão sư, làm sao lại đến nỗi này ?
Ngọc Động Chân Nhân rên lên một tiếng và nói :
- Đồ nhi, bồng... bồng thầy... đem vào trong !..
Đoàn Cẩm liền bồng xốc ông lên, định lên tiếng gọi thị vệ.
Ngọc Động Chân Nhân lắc đầu lia lịa như ra dấu bảo chàng đừng thanh trương cho ai hay.
Đoàn Cẩm đành vâng theo lời bồng thầy vào biệt điện.
Ngọc Động Chân Nhân vừa đặt lưng lên giường hai mắt đã nhắm nghiền lại, sắc mặt lộ vẽ đau đớn cực cùng nói lắp bắp chẳng thành lời :
- Con.. vạch tay áo bên phải thầy lên, dùng dao chích lấy máu độc trên miệng vết thương... máu bầm dùm thầy... khéo coi chừng... đừng đụng... đụng vào chất độc... mau đi...
Đoàn Cẩm không thể ngờ vị sư phụ ba năm trời không gặp mặt, lại trở về cung điện tiều tụy dở sống dở chết như thế, trong lòng nghi hoặc chẳng cùng nhưng vì cứu mạng người là tối cần nên chẳng thì giờ đâu để hỏi han.
Trước tiên liền xé rách tay áo bên phải của Chân Nhân, thấy phía sau vai của sư phụ nổi lên một khoảng thịt sưng phù lớn bằng miệng cốc, nơi chính giữa vết thương có hai lỗ thương tích nhỏ như hạt gạo nước vàng không ngớt rịn ra ngoài.
Đoàn Cẩm ngầm than thở trong lòng , rõ ràng là vết thương do rắn, rết độc cắn phải.
Ngọc Động Chân Nhân là người tinh thông võ thuật tại sao lại để cho rắn rết cắn phải được ?
Chàng dùng lưỡi dao găm cắt lấy một mảnh vải trên vạt áo mình, vò lại cho mềm, đè lấy vòng ngoài khoảng sưng sau đấy cẩn thận rạch nhè nhẹ chỗ miệng vết thương, máu đen từ bên trong phún ra đen ngòm như mực tanh hôi nặc nồng.
Chàng dùng giẻ sạch lau lấy chất máu độc, một miếng giẻ không đủ, chàng lại cắt thêm một chéo áo khác, chậm liên tiếp mấy lần, hai miếng giẻ đều thấm ướt cả máu đen, nơi cứng bầm mới thấy xệp xuống chảy ra chất máu đỏ hồng.
Trong lúc lau chất máu độc, Đoàn Cẩm hết sức cẩn thận kỹ lưỡng, không cho đầu ngón tay mình dính phải chất máu độc, tuy vậy sau khi quăng xong hai mảnh vải nọ, đầu ngón tay và hổ khẩu của chàng cũng cảm thấy hơi ngứa tê như bị kiến cắn.
Tinh thần của Ngọc Động Chân Nhân khi ấy mới có phần khôi phục lại nhưng giọng nói vẫn còn mệt nhọc nặng nề, phều phào bảo chàng :
- Con móc túi áo trắng của thầy lấy chiếc lọ con bằng ngọc ra, một nửa rắc lên vết thương, một nửa hòa với linh dương nhũ giác, chất ấy chỉ ở trong hoàng cung của con mới có thôi, quậy cho đều đem đến cho thầy uống, mới mong giải được tính mạng già này.
Đoàn Cẩm nhất nhất y theo, thét thị vệ vào Thái y thất đem "linh dương nhũ giác" đến lập tức, đoạn hòa vào chất thuốc trong lọ ngọc, hai tay dâng lên cho Ngọc Động Chân Nhân uống.
Độ một buổi sau, vẻ đau đớn trên mặt Chân Nhân mới giảm phần nào, ông thở phào một hơi dài và than :
- Nguy hiểm vô cùng ! Thiếu chút nữa là bỏ mạng trên Mãng Thương Sơn chẳng còn !
Đoàn Cẩm nghe ba tiếng "Mãng Thương Sơn" , trong đầu lùng bùng như tiếng sấm, ngạc nhiên vô cùng vì Mãng Thương Sơn ở trung bộ tỉnh Vân
Nam, cách xa thành Đại Lý trên sáu trăm dặm, chẳng lẽ sư phụ chạy một hơi trên sáu trăm dặm từ Mãng Thương Sơn đến đây hay sao ?
Chẳng dằn không được lòng thắc mắc bèn hỏi :
- Sư phụ ngộ hiểm trên Mãng Thương Sơn lận ư ? Nhưng sao phải chạy đến đây ?
Ngọc Động Chân Nhân lại thở phào và đáp :
- Còn tại sao, nếu chẳng vì nghiệp chướng của ngươi ! Chuyện dài dòng lắm !
Đoạn bèn đem sự ngộ hiểm của mình, thuật sơ lược cho Đoàn Cẩm hiểu.
Thì ra Ngọc Động Chân Nhân cùng Đại sư huynh là Ngọc Hư Tử và Nhị sư huynh là Ngọc Tiêu Tiên đều là nhân vật chưởng môn của Nhạn Môn Phái, một số người quen miệng gọi ba vị là Nhạn Môn Tam Ngọc.
Ngọc Hư Tử luyện trên núi Kê Công sơn, Ngọc Tiêu Tiên thì ngao du khắp sông hồ, tông tích bất định. Chỉ có Ngọc Động Chân Nhân thường qua lại trên miền Tây Nam, thường nhúng tay hành hiệp lấy cứu dân độ thế làm tôn chỉ. Là một vị đạo cao đức dày, đời sống đạm bạc không hề dính dấp đến chuyện oán thù trong võ lâm.
Lần này thu nhận Đoàn Cẩm làm môn hạ, chẳng qua vì thấy chàng là một bậc kỳ tài, căn cốt thiên phú, nên mới có ý định luyện cho Đoàn Cẩm trở nên một hòn ngọc quí chốn võ lâm.
Sau bảy năm trời lưu lại truyền thụ ngoại công phu cho Đoàn Cẩm, bèn tự cáo biệt Đoàn Lão Hoàng Gia vân du khắp miền Trung Thổ, định ba năm sau sẽ trở lại thành Đại Lý xem tài nghệ của Đoàn Cẩm thành tựu ra sao, rồi sẽ truyền thụ thêm môn công phu tuyệt kỹ cho chàng.
Gần đến ngày hạn cũ, Ngọc Động Chân nhân từ Thanh Thành Sơn khởi trình định bụng một tháng sau sẽ đến thành Đại Lý, khi đi ngang qua giữa miền Vân Nam, đến khu vực Mãng Thương Sơn thì trời đã xế bóng về Tây, khói chiều cũng sắp tắt trên mấy nếp nhà tranh ven gành núi vắng.