Chương 9
Tác giả: Hà Ân
Nếu như tiệc rượu trăng mở để khao sĩ tốt thì tiệc ngọt ngay sau đó dành riêng cho trẻ con hương Vạn Kiếp ăn tết Trung thu. Vành trăng rằm tròn vành vạnh đã lơ lửng trên đỉnh cao Yên Tử. Rừng núi và đồng nội tràn ngập một thứ ánh sáng xanh mát dịu dàng. Từ mặt Lục Đầu mênh mang, gió rười rượi tràn vào thảnh thơi, khoan khoái. Trần Quốc Tuấn ra lệnh nổi trống sư tử. Khi tiếng trống thì thùng thôi thúc dội về hương, tiếng trẻ con cười nói bỗng bật lên như nước sôi đến cữ. Rồi sau đó, từ nhiều nẻo đường mòn, hàng trăm cái bóng lũn chũn theo nhau chạy ra cái bãi cỏ rộng chân núi Thuốc. Những người lính Vạn Kiếp giãn ra, ngồi thành một vòng tròn mé ngoài. Họ nhường vòng trong cho các cô bé, chú bé như những người khách quý.
Trần Quốc Tuấn nhìn thấy trong số khách tí hon ấy có cả mấy đứa cháu nội của ông, những đứa con của Hưng Vũ vương và Hưng Trí vương. Ông chỉ tay bảo các cháu không ngồi chen chúc khó xem mà cũng đừng bỏ quãng nào thưa quá, mất vui. Ông nghĩ thầm, sau này trong lúc phá giặc, những người bạn ít tuổi này sẽ đưa nhau lánh vào rừng sâu, làm lều, dựng trại, chia nhau đi lấy rau rừng làm bữa nuôi nhau... Thật là một hình ảnh đẹp về cả nước một lòng chống giặc gìn giữ non sông.
Gia nô hương Vạn Kiếp đã gánh ra mấy chục gánh bánh trái, hoa quả. Những chiếc bánh dẻo xinh xẻo như mặt trăng in trong chậu thau, những trái hồng màu đỏ đậm, vỏ bóng nhoáng, những gói cốm mùa thu thơm nức mùi lúa mới và lá sen. Trần Quốc Tuấn gọi cụ Uẩn lại. Hai ông già đi chia quà cho các cháu bé. Lính đội ngựa của Nguyễn Địa Lô đã sẵn sàng trò vui của họ. Đó là điệu mùa xuân múa kiếm mà họ đã học được của đồng bào Tày trên lộ Lẽng Giang. Mùa xuân cây cối xanh tốt, muôn thú nhởn nhơ, rừng đầy hoa, người trẻ lại, những người lính biên thùy phóng ngựa đi tuần và múa kiếm cho chắc tay chờ dịp đánh giặc, giữ gìn bờ cõi. Đó là ý nghĩa của điệu múa khỏe và vui của lính đội ngựa. Mười chiến sĩ mặc áo chiến, tay cầm kiếm. Họ múa rất say sưa vì họ biết con em họ đang tròn mắt ngồi xem. Thỉnh thoảng, một người lính lại hí lên như tiếng ngựa, tiếng hí như hiệu lệnh cho từng chuỗi cười thích thú giòn tan của đám khán giả tí hon. Trần Quốc Tuấn rất thích những người lính múa cái điệu khỏe mạnh và nhanh nhẹn này. Họ đều trẻ và đẹp như cây thông non. Trong ánh mắt sáng lên tinh nghịch, Trần Quốc Tuấn nhận thấy vẻ say sưa, thích thú của những người lính hồn nhiên trẻ tuổi. Điệu múa kết thúc bằng một tràng hí rất dài và nối tiếp là một trận cười khanh khách của các khán giả tí hon. Trần Quốc Tuấn bảo các cháu:
- Ăn đi! Vừa xem vừa ăn mới thích!
Đúng như ông đoán trước, các cháu chén ngay quả hồng.
Những ngón tay mụ mẫm bôi nhem bột hồng lên những đôi môi mọng đỏ. Bên dưới mớ tóc để trái đào, những đôi mắt ngời ánh trăng. Trống sư tử lại bắt đầu thúc thì thùng. Đội voi của Dã Tượng đã để suốt một tuần trăng làm ra mười hai cái đầu sư tử kể cả to lẫn nhỏ. Bây giờ theo nhịp trống lễ, đàn mãnh sư ấy tràn ra bãi rộng, vờn múa, chồm nhảy. Theo phong tục đẹp đẽ của dân tộc ta, múa sư tử đêm rằm tháng tám vẫn là điều mong đợi hàng năm trời của những cô bé, chú bé. Trần Quốc Tuấn khi biết lính đội voi làm đầu sư tử, đã rất hài lòng. Ông cho họ thêm mười quan tiền; năm quan mua rượu thịt thưởng công, năm quan mua giấy màu và lông đuôi ngựa tết râu sư tử. Vì vậy những chiếc đầu sư tử này được làm rất kỹ lưỡng và đẹp. Lính đội voi dùng lược chải râu cho sư tử, chòm nào cũng mượt mà. Họ chọn người khéo tay vẽ hình cá chép lên gờ mi sư tử và trên chỏm sừng nhọn, họ tết những bông hoa mẫu đơn bằng lụa đại hồng tô điểm cho con mãnh thú. Đàn sư tử xông ra giữa bãi múa lồng lộn, mạnh mẽ. Đám khán giả tí hon vừa thích vừa sờ sợ cứ nép vào nhau thôi cả nói cười. Con sư tử đầu đàn múa chính giữa, đàn sư tử con vờn chung quanh. Sau đó, lính đội voi diễn liên tiếp các điệu sư tử vờn cầu, sư tử múa đôi, sư tử giỡn trăng, sư tử đấu với võ sĩ... Tất cả các điệu được lính đội voi múa với tấm lòng quý mến trẻ của họ. Khán giả tí hon như lâng lâng trong giấc mơ đẹp. Chúng mở to những cặp mắt đen, quên cả ăn bánh. Những cái miệng nhỏ xíu nhem nhếch bột hồng và những lồng ngực rộn lên nhịp tim đập mạnh như nhịp trống sư tử thôi thúc. Đàn sư tử tràn tới, múa trước mặt Trần Quốc Tuấn. Chúng vờn nhảy và rung tít lên khi tiếng trống dồn hồi dài.
Mọi năm, Trần Quốc Tuấn vẫn treo giải thưởng lên cao. Giải sẽ gói kín trong một vuông lụa đỏ và treo lên đầu một cây tre dài hai trượng. Đội sư tử sẽ phải chồng người sáu, bảy tầng mới lên tới giải. Cách treo giải này cũng rất hay nhưng năm nay Trần Quốc Tuấn không làm thế. Ông ra giữa bãi đặt một tờ vàng lá xuống đất và dùng một cái đĩa sứ úp lên trên. Sau đó, ông bảo Dã Tượng:
-Đấy, giải đấy! Thử xem có lấy nổi không?
Đó là cách lấy giải đĩa truyền từ thời vua Ngô Quyền đánh trận Bạch Đằng hơn hai trăm năm về trước. Thời ấy, đội quân thắng trận đóng hai bên bờ sông Bạch Đằng hay múa sư tử làm vui. Dân làng gần đây còn kể chuyện lại những đêm múa sư tử náo nức suốt mấy mươi ngày sau trận thắng. Lấy giải đĩa khó hơn lấy giải chồng người rất nhiều.
Con sư tử phải múa thấp sát mặt đất, vờn lên giải và lấy giải làm sao mà người xem không biết, mới coi là được. Múa sư tử thấp sát đất đã khó, cái đĩa úp lên giải lại mỏng, chỉ cần đụng nhẹ vào nó, đĩa đã kêu đánh keng một tiếng. Vì vậy, thông thường, để kéo sự chú ý của người xem ra nhiều hướng khác, chung quanh con sư tử vờn giải, đội múa hay dùng các cặp đánh quyền, đánh kiếm, sư tử vờn cầu v.v... nhằm làm lãng trí người xem. Nhưng lần này, Dã Tượng tin ở tài người lính lấy giải. Anh ra lệnh cho đàn sư tử con dạt ra chung quanh. Trong cái bãi rộng tràn ngập ánh trăng rằm chỉ còn sư tử đầu đàn lông xám. Trống sư tử điểm tiếng cắc, tiếng tùng làm cho trống ngực các khán giả tí hon nổi lên như mõ làng.
Các cô bé, chú bé Vạn Kiếp nắm chặt tay nhau, ngây người nhìn cái khối xám đẹp dữ dội đang hùng hổ, quay cuồng trong bãi. Để dễ kiểm soát việc lấy giải, Trần Quốc Tuấn ra lệnh đốt đuốc thông. Lửa đuốc bùng lên phản chiếu long lanh trong những cặp mắt tròn đen hạt nhãn. Nhìn đám trẻ vui chơi, Trần Quốc Tuấn thấy lòng rộn lên tình cảm ông cháu đẹp đẽ. Nhưng ông cũng chợt nhận ra một điều làm ông kinh ngạc: trong đám trẻ này không có bé Bội. Ngay từ sau tết Đoan Ngọ, Dã Tượng đã đưa bé Bội về Vạn Kiếp. Ông đã giao bé Bội cho Hưng Vũ vương Trần Quốc Hiến để nhận làm con nuôi. Ông dặn Quốc Hiến cho bé Bội được học chữ, học thêu thùa may vá. Ông còn gửi cho mẹ bé Bội năm chục quan tiền. Bé Bội bây giờ được gọi là quận chúa. Chỉ vừa hôm qua, sau khi tập đánh xung sát trên sông, Trần Quốc Tuấn quay về hương, quận chúa Tiểu Bội còn cùng các anh các chị (cháu nội Trần Quốc Tuấn) ra tận cửa rào chông của thái ấp để đón ông.
Mải suy nghĩ, Trần Quốc Tuấn quên cả điệu múa sư tử lấy giải đĩa giữa bãi. Giải đã lấy xong rồi và bây giờ đàn sư tử đang chồm lên, vờn xuống vui mừng trong ánh đuốc đang tàn. Trăng rằm sáng xanh mát dịu cảnh vật. Gió núi hơi lạnh thỉnh thoảng lại hây hẩy tràn về. Bây giờ đến trò vui của đội Yết Kiêu. Họ múa điệu Bông sen trên sông Bạch Đằng, và cô bé đóng vai bông sen trắng chính là bé Bội. Bé Bội lướt ra, nghịch ngợm, xinh xắn, hai mắt long lanh, miệng thoáng cười. Trần Quốc Tuấn tủm tỉm cười thầm: “Ra cái con bé này hóm hỉnh thật. Chẳng biết nó tập luyện từ bao giờ mà múa khéo thế!”.
Ngoài bãi cỏ, sáu người lính trong đội đánh sông múa những dải lụa xanh nhạt và mỏng tang giả làm sóng nước. Lối múa lụa này, Trần Quốc Tuấn đã hết sức khuyến khích binh lính tập luyện vì nó làm cho người múa dẻo dang và khỏe tay. Binh lính đội đánh sông đã khéo léo bày thành điệu Bông sen trắng. Những dải lụa xanh uốn như sóng Bạch Đằng, và bé Bội nhảy múa trên những làn sóng ấy chập chờn như bông hoa trôi trên dòng sông kỳ diệu trong truyện thần thoại vùng Hải Đông. Được xem bạn múa là điều rất khoái đối với đám trẻ nhỏ. Các cô bé chú bé ấy cứ reo lên, gọi tên bạn ầm ĩ.
Trăng đã lên rất cao, chỉ còn như chiếc đĩa bạc nhỏ. Không nên để trẻ thức khuya, chúng dễ ốm. Trần Quốc Tuấn nghĩ vậy. Ông ra lệnh đâu về đấy. Từ bãi cỏ non ven sông Lục Đầu, binh lính, dân hương, các cháu nhỏ kéo nhau về thái ấp và các làng bằng nhiều đường. Họ đã đi xa, chỉ thấy thỉnh thoảng ánh trăng lập lòe trên đầu mũi giáo, nhưng tiếng cười vui vẫn văng vẳng tới tai Trần Quốc Tuấn. Những cuộc vui như thế này mãi mãi còn đọng trong lòng Trần Quốc Tuấn, và ông tin rằng nó sẽ đọng mãi trong lòng nhân dân và gia nô hương Vạn Kiếp.
Trần Quốc Tuấn trở về tới căn phòng riêng cuối thái ấp khi mõ điểm canh ba. Cụ Uẩn im lặng trình lên án khay trà uống khuya thường lệ. Nhìn khay trà, Trần Quốc Tuấn chợt nhớ tới Trương Hán Siêu. Theo lời tâu của ông hồi tháng năm, Quan gia đã cho người trai trẻ này vào học trong Quốc viện học và hạ chỉ cho nội sai cung Quan Triều cứ mỗi tháng cấp cho Trương Hán Siêu ba quan làm tiền ăn học, giấy bút; Trần Quốc Tuấn cũng cho riêng người học trò nghèo mười tập giấy lụa bạch thực mịn, một đôi quản bút song Chu và một thoi mực Hương Lan thơm ngọt. Khi rời kinh thành đi Vạn Kiếp luyện quân, Trần Quốc Tuấn còn dặn Trương Hán Siêu:
-Quan gia kỳ vọng nhiều ở cháu. Hãy học cho chóng giỏi. Ngoài ra, số việc ta giao thì gắng làm cho thực tốt.
Số việc giao cho Trương Hán Siêu không nhiều nhưng thực là những việc tày đình giao cho người tin cẩn. Cứ mỗi buổi chiều, sau khi ở Quốc học viện trở về, Trương Hán Siêu phải đến phủ Chiêu Minh để giúp Thượng tướng quân Trần Quang Khải thảo các mệnh lệnh luyện quân, chuyển quân, cử tướng. Đó là một quá định giữa Trần Quốc Tuấn với Trần Quang Khải trong kế hoạch giữ bí mật thế trận phá giặc. Sau đó, tất cả các buổi tối, Trương Hán Siêu phải đọc lại các bản in bộ sách Binh thư yếu lược mà Trần Quốc Tuấn vừa viết xong hồi mùa hè năm nay. Đây là bộ sách viết đơn giản hơn bộ Vạn Kiếp bí truyền. Trần Quốc Tuấn muốn rằng bộ sách có nhiều tác dụng đối với cả những tướng nhỏ, cho nên ông viết theo một lối dễ hiểu, lời văn sáng sủa, ý tứ minh bạch. Ông đã ra lệnh cho thư nhi hai vương phủ Chiêu Minh, Hưng Đạo chữa từng chữ ba nghìn bản in cuốn sách quý đó để phát xuống từng đô. Trương Hán Siêu và một số thư nhi tin cẩn khác đã làm tròn trách nhiệm đọc lại, sửa những chữ in nhầm của từng bản. Bản phóng để khắc ván in do Trương Hán Siêu viết. Bây giờ đây, trên án trước mặt ông có một bộ sách này kèm theo một phong thư của Trương Hán Siêu. Trần Quốc Tuấn lật tờ bìa cứng phết cậy. Ngay từ những chữ đầu tiên nét sắc như cắt, Trần Quốc Tuấn nhận ngay ra lối chữ viết minh bạch trung chính của Trương Hán Siêu. Mừng thay cho nó! Tính tình như thế, thông minh như thế, chắc anh ta sẽ trở thành một người đắc dụng cho non sông, xã tắc. Những trang đầu tiên trong bộ sách là lời tựa do Phó đô tướng quân Trần Khánh Dư viết. Đó là những lời đanh thép răn dạy binh lính và các tướng phải chịu suy nghĩ rèn tập để sẵn sàng chống giặc...
Lá thư Trương Hán Siêu cũng không dài. Người chép sách chúc ông sức khỏe, tuổi cao, và báo tin ba ngàn bộ sách đã làm xong. Phần chính trong thư dành cho tin tức giặc và chiến sự ở Chiêm Thành. Trương Hán Siêu báo tin giặc đang trưng lương ở đảo Quỳnh Châu. Như vậy có thể đường vận lương của chúng sau này sẽ dùng thuyền vào các cửa Bạch Đằng và sông Hoàng. Còn mặt Chiêm Thành, quân ta và quân Chiêm Thành đã liều chết chặn đánh đạo quân Toa Đô. Tên tướng giặc nổi tiếng hung hãn và mưu trí đó chưa chiếm được dải đất hẹp phương nam ấy. Toa Đô phải kéo quân lên sát biên giới nước ta, và một thám mã của ta đã lọt vào chỗ đóng quân của chúng xem xét kỹ lưỡng tình hình đói khát, bệnh tật của giặc. Trần Quốc Tuấn đọc xong lá thư, ông trầm ngâm suy nghĩ. Kẻ địch đã lỡ một nước cờ đầu ở chiến trường, nhưng âm mưu của chúng càng lộ rõ. Cánh quân Toa Đô chính là một gọng kìm nhăm nhe đánh bọc hậu nước ta. Bây giờ Toa Đô đã tiến lên sát biên giới, chắc rằng tên tướng hung ác này mới nhận được một mệnh lệnh gì đây?...
Trần Quốc Tuấn với chiếc áo mềm khoác hờ lên vai và lại gần cửa sổ. Bên ngoài, rừng núi Yên Tử dãi bạc dưới ánh trăng khuya. Côn trùng trong vườn và ngoài đồng nội rền rĩ kêu buồn bã. Nhưng ở địa đầu thái ấp, một tiếng mõ gọi canh đanh gọn, gợi lên không khí hùng tráng của trại quân. Cụ Uẩn lại rón rén bước vào, hai tay bưng một chén trà sâm, khói thơm nức. Ông cụ đặt chén trà lên án. Thấy chủ đắm mình trong suy nghĩ miên man, ông cụ lưỡng lự giây lát rồi quả quyết bước lại gần Trần Quốc Tuấn, cài lại chiếc cúc áo nơi cổ của vị tướng già.
-Bẩm Quốc công, đêm đã khuya lạnh lắm rồi. Xin Quốc công dùng chút trà sâm cho khỏe người, yên giấc.
Trần Quốc Tuấn chiều ý ông cụ, đến ngồi trước án. Ông nhận thấy sợi dây tình cảm vô hình giữa ông và người lính già thời Nguyên Phong càng thêm bền vững.
-Nhà ngươi nghĩ ra mẹo dùng lửa thật sắc sảo đấy.
Ông già Bình Than ngượng nghịu:
-Bẩm Quốc công, mẹo ấy không phải của con mà là của một bác dân binh người xóm Núi. Bác ta chuyên sống với nương rẫy. Hươu nai, heo rừng, cầy cáo hay ra đào bới phá hoại hoa màu. Bác ta phải đốt lửa đuổi dã thú. Bác ta bảo chỉ một mớ lửa cũng đuổi được hổ dữ.
- Ừ, đúng thế đấy!
Trần Quốc Tuấn đáp lại như vậy và một điều vui mừng mới làm đôi mắt ông chớp sáng.
Tài trí của trăm họ thật vô tận, ý chí thắng giặc của trăm họ bền vững như núi cao. Bất chợt, một ý định lóe lên trong tâm trí Trần Quốc Tuấn. Giá như từ bốn phương trời của đất nước, có những ông già thay mặt cho trăm họ, nói lên những lời đanh thép, thống thiết với triều đình và Quan gia thì hay biết nhường bao. Chắc rằng nếu còn chút nào do dự, chưa tin ở thắng lợi cuối cùng, thì trước những lời nói biểu lộ tấm lòng son sắt và ý chí quyết thắng của trăm họ, triều đình và Quan gia càng thêm bền lòng. Hay là ta dâng sớ xin Quan gia cho triệu bô lão về kinh? Nhưng nếu bô lão lại có người không quyết đánh thì sao?... Không! Không! Bao lâu nay trăm họ một lòng vì nước và có những gương sáng vằng vặc như trăng rằm tháng tám. Sức mạnh ấy chính là chỗ dựa của kế hoạch phá giặc dữ lần này. Trần Quốc Tuấn đăm đăm nhìn tập giấy lụa bạch trắng tinh bày trên án. Và ngọn bút song Chu quản trúc vàng nằm ngang trên chiếc nghiên mã não như mời ông cầm lấy nó... Khi ông nháp xong bài sớ dâng vua và đang đọc lại thì cụ Uẩn lại từ ngoài vườn hấp tấp bước vào. Ông cụ thưa bằng một giọng hốt hoảng:
-Bẩm Quốc công, có một người ăn mặc rách rưới muốn xin vào ra mắt. Anh ta nói là có việc rất cần và bảo lính tuần dâng hầu Quốc công vật này.
Ông cụ đặt cái vật ấy lên án. Trần Quốc Tuấn giật nảy mình nhận ra nửa mảnh phù Hưng Đạo, vật làm tin giao cho Đỗ Vỹ hồi tết. Vị tướng già vứt bút đứng phắt dậy, sẵng giọng:
-Dẫn người ấy vào ngay nhà sách cho ta.
Trần Quốc Tuấn mặc chiếc áo mền vào người, ông lúng túng xỏ lộn tay và giận dữ mắng gằn trong cổ họng. Khi ông tới phòng đọc sách, cụ Uẩn đã cho thắp bốn đôi bạch lạp và thả rèm lụa che cửa cho ấm. Trần Quốc Tuấn bồn chồn ngồi trước cái án mà Đỗ Vỹ đã dùng để trải giấy vẽ tranh trước đây chín tháng. Những bức tranh ấy bây giờ vẫn treo trên vách hậu. Thời gian đã làm tranh cũ kỹ đi đôi chút, nhưng chính vì thế mà sắc màu thêm độ chín, thêm tình cảm. Cụ Uẩn đưa một người lạ mặt vào. Người này không phải là chàng trai tóc xanh thuở nọ. Một mớ tóc khô úa lởm chởm, một cặp mắt đục, lờ đờ, một bộ quần áo rách rưới phủ lên một thân hình gầy guộc, và hai bàn tay có những đốt cong queo đặt run rẩy lên chiếc gậy tre sây sát. Trần Quốc Tuấn kinh ngạc đứng lên, chăm chú nhìn người lạ mặt. Người ấy gỡ tấm áo tơi lá vắt ngang vai, chắp hai tay vái chào:
-Thưa Quốc công, quân tiên phong của giặc đã lên đường được mười ngày.
Trần Quốc Tuấn nhận ngay ra cử chỉ đường hoàng của Đỗ Vỹ. Ông cầm tay kéo Đỗ Vỹ vào ghế và cho phép Đỗ Vỹ ngồi. Ông ra lệnh cho cụ Uẩn pha trà sâm ngay tức khắc, Trần Quốc Tuấn trìu mến thương sót Đỗ Vỹ khi nghĩ rộng ra về những gian nguy, khó khăn mà con người này đã phải vượt qua để đem về cho dân tộc những tin tức tối ư cần thiết và quý báu.
-Bẩm Quốc công, giặc động binh năm mươi vạn cả lính lẫn phu. Nguyên soái giặc là hoàng tử Thoát Hoan, con trai thứ chín của Hốt Tất Liệt. Tướng tiên phong là Ô Mã Nhi.
Đỗ Vỹ bình tĩnh so sánh tài năng của hai tướng giặc. Thoát Hoan lần này là lần đầu tiên cầm một đạo quân lớn, nhưng y đã từng chinh chiến nhiều năm, đánh Tống, đánh Đại Lý. Đó là một tướng giặc đang thèm khát chiến công, cách đánh của y táo bạo tới mức liều lĩnh và dễ dàng để hở những chỗ yếu trong thế trận. Còn Ô Mã Nhi là một tên tướng người Hồi Hột, đánh bộ giỏi, đánh ngựa giỏi, ưa đánh nhau bằng những đội quân nhỏ vào những chỗ bất ngờ. Y còn được Hốt Tất Liệt phong cho danh hiệu Dũng tướng.
Trần Quốc Tuấn trầm ngâm:
-Đều là những tướng chưa đủ bản lĩnh cầm quân lớn.
Đỗ Vỹ chợt nở một nụ cười kính phục. Anh ta tiếp tục:
-Bẩm Quốc công, bộ não của quân giặc là tên phó tướng A Lý Hải Nha. Tên này đã hạ nhiều thành Tống như Phàn Thành, Tương Dương, Giang Lăng... và đã đánh chiếm hai mươi châu Nam Tống, kể cả đảo Quỳnh Châu. A Lý Hải Nha giỏi dùng mẹo. Y thường vừa đánh vừa dụ hàng, biết dùng pháo, biết chắn sông, tháo nước, biết đánh lửa, triệt lương. Ngay như Toa Đô và Ô Mã Nhi cũng do chính A Lý Hải Nha dạy dỗ. Ngoài ra, giặc còn phái thêm tên gian thần nhà Tống là Lý Hằng theo quân.
Trần Quốc Tuấn gằn tiếng:
-Có phải cái tên đã đánh bại người trung liệt Văn Thiên Tường ở mỏm Nhai Sơn không?
-Bẩm Quốc công, chính hắn.
Như vậy là giặc có bao nhiêu tướng giỏi nhất đều xuất hết. Trần Quốc Tuấn ngẫm nghĩ. Hai câu thơ của Văn Thiên Tường lại vang lên trong tâm hồn ông: “Người ta tự cổ ai không chết. Lưu lại lòng son trong sử xanh”. Trần Quốc Tuấn thấy thương Văn Thiên Tường vô hạn. Đỗ Vỹ kể tiếp rằng giặc mang trọng binh nên đi rất chậm. Quân tiên phong phải mở đường bắc cầu để dùng xe chở lương qua. Theo như Đỗ Vỹ tính toán, phải tới cuối tháng chạp, giặc mới tới được biên giới nước ta.
-Nhưng thưa Quốc công, quân thủy của giặc không mạnh lắm. Lượt về tôi từ bán đảo Lôi Châu đáp thuyền qua đảo Quỳnh Châu. Tôi đã xem xét kỹ tình hình sửa soạn binh thuyền của giặc. Chúng thu thuyền đánh cá chữa thành thuyền tải lương, còn thuyền chiến thì không nhiều. Đội quân thủy của giặc là một đội quân tải lương chứ không phải là một đội quân chiến đấu tinh nhuệ.
Trần Quốc Tuấn mỉm cười. Điều ấy ông đã dự đoán từ lâu. Nếu giặc muốn có một đội quân thủy thật mạnh cũng không phải mỗi lúc có được ngay. Giá như chúng được thấy hai vạn con người mình xăm chàm như giao long đang vùng vẫy dưới nước thì chúng sẽ còn lo lắng tìm đủ mọi cách để tăng quân thủy lên nữa .
-Bẩm Quốc công, quân cưỡi ngựa của ta chưa bằng được quân cưỡi ngựa của giặc nhưng quân thủy của ta lại trội hơn quân thủy của chúng. Trưa nay, con đã nhìn thấy Yết Kiêu dàn trận trên sông...
Trần Quốc Tuấn kinh ngạc ngắt lời Đỗ Vỹ:
-Chiều nay con đã về tới bờ sông Lục Đầu à?
-Thưa vâng.
-Thế sao bây giờ con mới tới đây?
Đỗ Vỹ im lặng một lát. Trên gương mặt xanh gầy của anh, đôi mắt đục lờ thoáng loé lên một ánh vui vẻ tinh nghịch.
-Thưa Quốc công, con đau tất cả các khớp xương nên đi rất chậm.
Đỗ Vỹ khẽ kéo ống quần lên để Trần Quốc Tuấn nhìn thấy đầu gối anh đang tấy đỏ. Sau đó anh giơ hai bàn tay lên trước mặt vị tướng già.
-Thưa Quốc công, giặc phái nhiều thám mã chẹn giữ các ngả. Chúng đã nhiều lần phát hiện được con. Lần tháng trước con đã phải dùng tới chiếc áo cà sa của các nhà sư phương Bắc. Nhưng về sau, A Lý Hải Nha cho vẽ hình con treo khắp nơi truy bắt. Con đã phải dùng tới môn thuốc riêng uống cho teo thịt và làm sưng các khớp xương lên để giả làm người mắc chứng bệnh hiểm mới lọt về đây được.
Trần Quốc Tuấn hé miệng định hỏi điều gì rồi lại thôi. Đỗ Vỹ hơi mỉm cười nói tiếp:
-Các khớp xương này có khỏi cũng phải lâu mới mềm mại được như trước.
Trong căn phòng đột nhiên yên lặng, trang trọng, hai người một già một trẻ chăm chú nhìn nhau không chớp mắt. Gió thu lọt qua lá màn lụa thổi lạt sạt những bức tranh treo trên vách. Gió thổi tắt luôn ba ngọn nến làm cho ánh sáng trong căn phòng giảm hẳn xuống. Trần Quốc Tuấn chợt hiểu thêm một điều lớn lao nữa. Đó là sự hy sinh của trăm họ! Dân tộc ta kiên cường, yêu nước. Điều ấy là cội rễ của non sông xã tắc. Ông đã thảo sớ dâng Quan gia triệu bô lão về kinh với ý định củng cố niềm tin cho triều đình. Nhưng giờ đây, khi hiểu thấu lòng hy sinh của trăm họ, niềm tin chiến thắng của chính ông càng thêm vững chắc.
-Bẩm Quốc công, con sẽ làm thơ ca ngợi đất nước ta.
Đỗ Vỹ uống một ngụm trà sâm. Anh điềm đạm dùng mấy ngón tay cong, cứng, giở những trang sách trên án.
Đó là tập thơ của Thượng hoàng Thánh Tông. Trần Quốc Tuấn ước thầm: “Làm sao có thể tìm được một thầy thuốc giỏi trong thiên hạ chữa bệnh cho người trai trẻ này. Chắc chắn anh ta sẽ thành một người đắc dụng”.
Ông buộc Đỗ Vỹ đi nghỉ và ông trở về căn phòng riêng. Đêm đã sang canh tư. Trần Quốc Tuấn không ngủ nữa. Ông suy nghĩ về những ý tứ trong bản hịch của ông đang thảo. Thế là giặc đã xuất quân! Tổ quốc đang đứng trước một hiểm họa xâm lăng chưa từng có. Giặc dữ đã từng đánh bại nhiều nước, làm cỏ nhiều dân tộc. Vó ngựa xâm lược của chúng đã từng giày xéo lên biết bao miền rộng lớn mênh mang. Giết người! Đốt làng xóm! Đốt kinh thành! Và cướp bóc! Những tội ác ấy lần này giặc rắp tâm gieo rắc lên đất Việt yêu dấu! Không thể thế được!
Trần Quốc Tuấn nghĩ đến những thôn xóm hiền hòa, tối tối có tiếng trẻ đọc sách, những cánh đồng lúa chín thoang thoảng hương thơm, những đoàn thuyền chở cá hong lưới về bến mỗi buổi chiều. Biết bao mồ hôi nước mắt và máu tổ tông đã chảy để lập nên giang sơn đẹp đẽ yên ấm này. Trần Quốc Tuấn thấy lòng xót như xát muối. Hà! Giặc Thát! Người Việt ta không để các ngươi hoành hành trên đất nước này đâu. Người Việt từ xưa tới giờ và mãi mãi về sau này không cho phép bất cứ tên giặc nào đụng tới một ngọn cỏ, một lá cây mọc trên đất Việt... Bên ngoài, trăng đã xế về tây, càng sáng lạnh. Sông Lục Đầu no nước chảy ồ ạt như sóng Hải Đông. Hương Vạn Kiếp ngủ say chờ khi trỗi dậy. Trong phòng, Trần Quốc Tuấn thấy ngời lên một niềm tin chiến thắng mãnh liệt. Niềm tin ấy bắt nguồn từ chỗ dựa to lớn tột cùng trong bản kế hoạch phá giặc của ông. Trăm họ! Trăm họ là một sức mạnh vô địch. Trăm họ có thể hy sinh từ niềm vui, lẽ sống đến tài sản, tính mẽng của họ cho đất nước độc lập. Ngọn bút song Chu trong tay Trần Quốc Tuấn lướt nhanh như trôi trên trang giấy lụa mịn màng... Vị tướng già đang thảo hịch, bản hịch của ông, bản hịch sẽ làm nức lòng chư tướng và sĩ tốt.
Nếu như tiệc rượu trăng mở để khao sĩ tốt thì tiệc ngọt ngay sau đó dành riêng cho trẻ con hương Vạn Kiếp ăn tết Trung thu. Vành trăng rằm tròn vành vạnh đã lơ lửng trên đỉnh cao Yên Tử. Rừng núi và đồng nội tràn ngập một thứ ánh sáng xanh mát dịu dàng. Từ mặt Lục Đầu mênh mang, gió rười rượi tràn vào thảnh thơi, khoan khoái. Trần Quốc Tuấn ra lệnh nổi trống sư tử. Khi tiếng trống thì thùng thôi thúc dội về hương, tiếng trẻ con cười nói bỗng bật lên như nước sôi đến cữ. Rồi sau đó, từ nhiều nẻo đường mòn, hàng trăm cái bóng lũn chũn theo nhau chạy ra cái bãi cỏ rộng chân núi Thuốc. Những người lính Vạn Kiếp giãn ra, ngồi thành một vòng tròn mé ngoài. Họ nhường vòng trong cho các cô bé, chú bé như những người khách quý.
Trần Quốc Tuấn nhìn thấy trong số khách tí hon ấy có cả mấy đứa cháu nội của ông, những đứa con của Hưng Vũ vương và Hưng Trí vương. Ông chỉ tay bảo các cháu không ngồi chen chúc khó xem mà cũng đừng bỏ quãng nào thưa quá, mất vui. Ông nghĩ thầm, sau này trong lúc phá giặc, những người bạn ít tuổi này sẽ đưa nhau lánh vào rừng sâu, làm lều, dựng trại, chia nhau đi lấy rau rừng làm bữa nuôi nhau... Thật là một hình ảnh đẹp về cả nước một lòng chống giặc gìn giữ non sông.
Gia nô hương Vạn Kiếp đã gánh ra mấy chục gánh bánh trái, hoa quả. Những chiếc bánh dẻo xinh xẻo như mặt trăng in trong chậu thau, những trái hồng màu đỏ đậm, vỏ bóng nhoáng, những gói cốm mùa thu thơm nức mùi lúa mới và lá sen. Trần Quốc Tuấn gọi cụ Uẩn lại. Hai ông già đi chia quà cho các cháu bé. Lính đội ngựa của Nguyễn Địa Lô đã sẵn sàng trò vui của họ. Đó là điệu mùa xuân múa kiếm mà họ đã học được của đồng bào Tày trên lộ Lẽng Giang. Mùa xuân cây cối xanh tốt, muôn thú nhởn nhơ, rừng đầy hoa, người trẻ lại, những người lính biên thùy phóng ngựa đi tuần và múa kiếm cho chắc tay chờ dịp đánh giặc, giữ gìn bờ cõi. Đó là ý nghĩa của điệu múa khỏe và vui của lính đội ngựa. Mười chiến sĩ mặc áo chiến, tay cầm kiếm. Họ múa rất say sưa vì họ biết con em họ đang tròn mắt ngồi xem. Thỉnh thoảng, một người lính lại hí lên như tiếng ngựa, tiếng hí như hiệu lệnh cho từng chuỗi cười thích thú giòn tan của đám khán giả tí hon. Trần Quốc Tuấn rất thích những người lính múa cái điệu khỏe mạnh và nhanh nhẹn này. Họ đều trẻ và đẹp như cây thông non. Trong ánh mắt sáng lên tinh nghịch, Trần Quốc Tuấn nhận thấy vẻ say sưa, thích thú của những người lính hồn nhiên trẻ tuổi. Điệu múa kết thúc bằng một tràng hí rất dài và nối tiếp là một trận cười khanh khách của các khán giả tí hon. Trần Quốc Tuấn bảo các cháu:
- Ăn đi! Vừa xem vừa ăn mới thích!
Đúng như ông đoán trước, các cháu chén ngay quả hồng.
Những ngón tay mụ mẫm bôi nhem bột hồng lên những đôi môi mọng đỏ. Bên dưới mớ tóc để trái đào, những đôi mắt ngời ánh trăng. Trống sư tử lại bắt đầu thúc thì thùng. Đội voi của Dã Tượng đã để suốt một tuần trăng làm ra mười hai cái đầu sư tử kể cả to lẫn nhỏ. Bây giờ theo nhịp trống lễ, đàn mãnh sư ấy tràn ra bãi rộng, vờn múa, chồm nhảy. Theo phong tục đẹp đẽ của dân tộc ta, múa sư tử đêm rằm tháng tám vẫn là điều mong đợi hàng năm trời của những cô bé, chú bé. Trần Quốc Tuấn khi biết lính đội voi làm đầu sư tử, đã rất hài lòng. Ông cho họ thêm mười quan tiền; năm quan mua rượu thịt thưởng công, năm quan mua giấy màu và lông đuôi ngựa tết râu sư tử. Vì vậy những chiếc đầu sư tử này được làm rất kỹ lưỡng và đẹp. Lính đội voi dùng lược chải râu cho sư tử, chòm nào cũng mượt mà. Họ chọn người khéo tay vẽ hình cá chép lên gờ mi sư tử và trên chỏm sừng nhọn, họ tết những bông hoa mẫu đơn bằng lụa đại hồng tô điểm cho con mãnh thú. Đàn sư tử xông ra giữa bãi múa lồng lộn, mạnh mẽ. Đám khán giả tí hon vừa thích vừa sờ sợ cứ nép vào nhau thôi cả nói cười. Con sư tử đầu đàn múa chính giữa, đàn sư tử con vờn chung quanh. Sau đó, lính đội voi diễn liên tiếp các điệu sư tử vờn cầu, sư tử múa đôi, sư tử giỡn trăng, sư tử đấu với võ sĩ... Tất cả các điệu được lính đội voi múa với tấm lòng quý mến trẻ của họ. Khán giả tí hon như lâng lâng trong giấc mơ đẹp. Chúng mở to những cặp mắt đen, quên cả ăn bánh. Những cái miệng nhỏ xíu nhem nhếch bột hồng và những lồng ngực rộn lên nhịp tim đập mạnh như nhịp trống sư tử thôi thúc. Đàn sư tử tràn tới, múa trước mặt Trần Quốc Tuấn. Chúng vờn nhảy và rung tít lên khi tiếng trống dồn hồi dài.
Mọi năm, Trần Quốc Tuấn vẫn treo giải thưởng lên cao. Giải sẽ gói kín trong một vuông lụa đỏ và treo lên đầu một cây tre dài hai trượng. Đội sư tử sẽ phải chồng người sáu, bảy tầng mới lên tới giải. Cách treo giải này cũng rất hay nhưng năm nay Trần Quốc Tuấn không làm thế. Ông ra giữa bãi đặt một tờ vàng lá xuống đất và dùng một cái đĩa sứ úp lên trên. Sau đó, ông bảo Dã Tượng:
-Đấy, giải đấy! Thử xem có lấy nổi không?
Đó là cách lấy giải đĩa truyền từ thời vua Ngô Quyền đánh trận Bạch Đằng hơn hai trăm năm về trước. Thời ấy, đội quân thắng trận đóng hai bên bờ sông Bạch Đằng hay múa sư tử làm vui. Dân làng gần đây còn kể chuyện lại những đêm múa sư tử náo nức suốt mấy mươi ngày sau trận thắng. Lấy giải đĩa khó hơn lấy giải chồng người rất nhiều.
Con sư tử phải múa thấp sát mặt đất, vờn lên giải và lấy giải làm sao mà người xem không biết, mới coi là được. Múa sư tử thấp sát đất đã khó, cái đĩa úp lên giải lại mỏng, chỉ cần đụng nhẹ vào nó, đĩa đã kêu đánh keng một tiếng. Vì vậy, thông thường, để kéo sự chú ý của người xem ra nhiều hướng khác, chung quanh con sư tử vờn giải, đội múa hay dùng các cặp đánh quyền, đánh kiếm, sư tử vờn cầu v.v... nhằm làm lãng trí người xem. Nhưng lần này, Dã Tượng tin ở tài người lính lấy giải. Anh ra lệnh cho đàn sư tử con dạt ra chung quanh. Trong cái bãi rộng tràn ngập ánh trăng rằm chỉ còn sư tử đầu đàn lông xám. Trống sư tử điểm tiếng cắc, tiếng tùng làm cho trống ngực các khán giả tí hon nổi lên như mõ làng.
Các cô bé, chú bé Vạn Kiếp nắm chặt tay nhau, ngây người nhìn cái khối xám đẹp dữ dội đang hùng hổ, quay cuồng trong bãi. Để dễ kiểm soát việc lấy giải, Trần Quốc Tuấn ra lệnh đốt đuốc thông. Lửa đuốc bùng lên phản chiếu long lanh trong những cặp mắt tròn đen hạt nhãn. Nhìn đám trẻ vui chơi, Trần Quốc Tuấn thấy lòng rộn lên tình cảm ông cháu đẹp đẽ. Nhưng ông cũng chợt nhận ra một điều làm ông kinh ngạc: trong đám trẻ này không có bé Bội. Ngay từ sau tết Đoan Ngọ, Dã Tượng đã đưa bé Bội về Vạn Kiếp. Ông đã giao bé Bội cho Hưng Vũ vương Trần Quốc Hiến để nhận làm con nuôi. Ông dặn Quốc Hiến cho bé Bội được học chữ, học thêu thùa may vá. Ông còn gửi cho mẹ bé Bội năm chục quan tiền. Bé Bội bây giờ được gọi là quận chúa. Chỉ vừa hôm qua, sau khi tập đánh xung sát trên sông, Trần Quốc Tuấn quay về hương, quận chúa Tiểu Bội còn cùng các anh các chị (cháu nội Trần Quốc Tuấn) ra tận cửa rào chông của thái ấp để đón ông.
Mải suy nghĩ, Trần Quốc Tuấn quên cả điệu múa sư tử lấy giải đĩa giữa bãi. Giải đã lấy xong rồi và bây giờ đàn sư tử đang chồm lên, vờn xuống vui mừng trong ánh đuốc đang tàn. Trăng rằm sáng xanh mát dịu cảnh vật. Gió núi hơi lạnh thỉnh thoảng lại hây hẩy tràn về. Bây giờ đến trò vui của đội Yết Kiêu. Họ múa điệu Bông sen trên sông Bạch Đằng, và cô bé đóng vai bông sen trắng chính là bé Bội. Bé Bội lướt ra, nghịch ngợm, xinh xắn, hai mắt long lanh, miệng thoáng cười. Trần Quốc Tuấn tủm tỉm cười thầm: “Ra cái con bé này hóm hỉnh thật. Chẳng biết nó tập luyện từ bao giờ mà múa khéo thế!”.
Ngoài bãi cỏ, sáu người lính trong đội đánh sông múa những dải lụa xanh nhạt và mỏng tang giả làm sóng nước. Lối múa lụa này, Trần Quốc Tuấn đã hết sức khuyến khích binh lính tập luyện vì nó làm cho người múa dẻo dang và khỏe tay. Binh lính đội đánh sông đã khéo léo bày thành điệu Bông sen trắng. Những dải lụa xanh uốn như sóng Bạch Đằng, và bé Bội nhảy múa trên những làn sóng ấy chập chờn như bông hoa trôi trên dòng sông kỳ diệu trong truyện thần thoại vùng Hải Đông. Được xem bạn múa là điều rất khoái đối với đám trẻ nhỏ. Các cô bé chú bé ấy cứ reo lên, gọi tên bạn ầm ĩ.
Trăng đã lên rất cao, chỉ còn như chiếc đĩa bạc nhỏ. Không nên để trẻ thức khuya, chúng dễ ốm. Trần Quốc Tuấn nghĩ vậy. Ông ra lệnh đâu về đấy. Từ bãi cỏ non ven sông Lục Đầu, binh lính, dân hương, các cháu nhỏ kéo nhau về thái ấp và các làng bằng nhiều đường. Họ đã đi xa, chỉ thấy thỉnh thoảng ánh trăng lập lòe trên đầu mũi giáo, nhưng tiếng cười vui vẫn văng vẳng tới tai Trần Quốc Tuấn. Những cuộc vui như thế này mãi mãi còn đọng trong lòng Trần Quốc Tuấn, và ông tin rằng nó sẽ đọng mãi trong lòng nhân dân và gia nô hương Vạn Kiếp.
Trần Quốc Tuấn trở về tới căn phòng riêng cuối thái ấp khi mõ điểm canh ba. Cụ Uẩn im lặng trình lên án khay trà uống khuya thường lệ. Nhìn khay trà, Trần Quốc Tuấn chợt nhớ tới Trương Hán Siêu. Theo lời tâu của ông hồi tháng năm, Quan gia đã cho người trai trẻ này vào học trong Quốc viện học và hạ chỉ cho nội sai cung Quan Triều cứ mỗi tháng cấp cho Trương Hán Siêu ba quan làm tiền ăn học, giấy bút; Trần Quốc Tuấn cũng cho riêng người học trò nghèo mười tập giấy lụa bạch thực mịn, một đôi quản bút song Chu và một thoi mực Hương Lan thơm ngọt. Khi rời kinh thành đi Vạn Kiếp luyện quân, Trần Quốc Tuấn còn dặn Trương Hán Siêu:
-Quan gia kỳ vọng nhiều ở cháu. Hãy học cho chóng giỏi. Ngoài ra, số việc ta giao thì gắng làm cho thực tốt.
Số việc giao cho Trương Hán Siêu không nhiều nhưng thực là những việc tày đình giao cho người tin cẩn. Cứ mỗi buổi chiều, sau khi ở Quốc học viện trở về, Trương Hán Siêu phải đến phủ Chiêu Minh để giúp Thượng tướng quân Trần Quang Khải thảo các mệnh lệnh luyện quân, chuyển quân, cử tướng. Đó là một quá định giữa Trần Quốc Tuấn với Trần Quang Khải trong kế hoạch giữ bí mật thế trận phá giặc. Sau đó, tất cả các buổi tối, Trương Hán Siêu phải đọc lại các bản in bộ sách Binh thư yếu lược mà Trần Quốc Tuấn vừa viết xong hồi mùa hè năm nay. Đây là bộ sách viết đơn giản hơn bộ Vạn Kiếp bí truyền. Trần Quốc Tuấn muốn rằng bộ sách có nhiều tác dụng đối với cả những tướng nhỏ, cho nên ông viết theo một lối dễ hiểu, lời văn sáng sủa, ý tứ minh bạch. Ông đã ra lệnh cho thư nhi hai vương phủ Chiêu Minh, Hưng Đạo chữa từng chữ ba nghìn bản in cuốn sách quý đó để phát xuống từng đô. Trương Hán Siêu và một số thư nhi tin cẩn khác đã làm tròn trách nhiệm đọc lại, sửa những chữ in nhầm của từng bản. Bản phóng để khắc ván in do Trương Hán Siêu viết. Bây giờ đây, trên án trước mặt ông có một bộ sách này kèm theo một phong thư của Trương Hán Siêu. Trần Quốc Tuấn lật tờ bìa cứng phết cậy. Ngay từ những chữ đầu tiên nét sắc như cắt, Trần Quốc Tuấn nhận ngay ra lối chữ viết minh bạch trung chính của Trương Hán Siêu. Mừng thay cho nó! Tính tình như thế, thông minh như thế, chắc anh ta sẽ trở thành một người đắc dụng cho non sông, xã tắc. Những trang đầu tiên trong bộ sách là lời tựa do Phó đô tướng quân Trần Khánh Dư viết. Đó là những lời đanh thép răn dạy binh lính và các tướng phải chịu suy nghĩ rèn tập để sẵn sàng chống giặc...
Lá thư Trương Hán Siêu cũng không dài. Người chép sách chúc ông sức khỏe, tuổi cao, và báo tin ba ngàn bộ sách đã làm xong. Phần chính trong thư dành cho tin tức giặc và chiến sự ở Chiêm Thành. Trương Hán Siêu báo tin giặc đang trưng lương ở đảo Quỳnh Châu. Như vậy có thể đường vận lương của chúng sau này sẽ dùng thuyền vào các cửa Bạch Đằng và sông Hoàng. Còn mặt Chiêm Thành, quân ta và quân Chiêm Thành đã liều chết chặn đánh đạo quân Toa Đô. Tên tướng giặc nổi tiếng hung hãn và mưu trí đó chưa chiếm được dải đất hẹp phương nam ấy. Toa Đô phải kéo quân lên sát biên giới nước ta, và một thám mã của ta đã lọt vào chỗ đóng quân của chúng xem xét kỹ lưỡng tình hình đói khát, bệnh tật của giặc. Trần Quốc Tuấn đọc xong lá thư, ông trầm ngâm suy nghĩ. Kẻ địch đã lỡ một nước cờ đầu ở chiến trường, nhưng âm mưu của chúng càng lộ rõ. Cánh quân Toa Đô chính là một gọng kìm nhăm nhe đánh bọc hậu nước ta. Bây giờ Toa Đô đã tiến lên sát biên giới, chắc rằng tên tướng hung ác này mới nhận được một mệnh lệnh gì đây?...
Trần Quốc Tuấn với chiếc áo mềm khoác hờ lên vai và lại gần cửa sổ. Bên ngoài, rừng núi Yên Tử dãi bạc dưới ánh trăng khuya. Côn trùng trong vườn và ngoài đồng nội rền rĩ kêu buồn bã. Nhưng ở địa đầu thái ấp, một tiếng mõ gọi canh đanh gọn, gợi lên không khí hùng tráng của trại quân. Cụ Uẩn lại rón rén bước vào, hai tay bưng một chén trà sâm, khói thơm nức. Ông cụ đặt chén trà lên án. Thấy chủ đắm mình trong suy nghĩ miên man, ông cụ lưỡng lự giây lát rồi quả quyết bước lại gần Trần Quốc Tuấn, cài lại chiếc cúc áo nơi cổ của vị tướng già.
-Bẩm Quốc công, đêm đã khuya lạnh lắm rồi. Xin Quốc công dùng chút trà sâm cho khỏe người, yên giấc.
Trần Quốc Tuấn chiều ý ông cụ, đến ngồi trước án. Ông nhận thấy sợi dây tình cảm vô hình giữa ông và người lính già thời Nguyên Phong càng thêm bền vững.
-Nhà ngươi nghĩ ra mẹo dùng lửa thật sắc sảo đấy.
Ông già Bình Than ngượng nghịu:
-Bẩm Quốc công, mẹo ấy không phải của con mà là của một bác dân binh người xóm Núi. Bác ta chuyên sống với nương rẫy. Hươu nai, heo rừng, cầy cáo hay ra đào bới phá hoại hoa màu. Bác ta phải đốt lửa đuổi dã thú. Bác ta bảo chỉ một mớ lửa cũng đuổi được hổ dữ.
- Ừ, đúng thế đấy!
Trần Quốc Tuấn đáp lại như vậy và một điều vui mừng mới làm đôi mắt ông chớp sáng.
Tài trí của trăm họ thật vô tận, ý chí thắng giặc của trăm họ bền vững như núi cao. Bất chợt, một ý định lóe lên trong tâm trí Trần Quốc Tuấn. Giá như từ bốn phương trời của đất nước, có những ông già thay mặt cho trăm họ, nói lên những lời đanh thép, thống thiết với triều đình và Quan gia thì hay biết nhường bao. Chắc rằng nếu còn chút nào do dự, chưa tin ở thắng lợi cuối cùng, thì trước những lời nói biểu lộ tấm lòng son sắt và ý chí quyết thắng của trăm họ, triều đình và Quan gia càng thêm bền lòng. Hay là ta dâng sớ xin Quan gia cho triệu bô lão về kinh? Nhưng nếu bô lão lại có người không quyết đánh thì sao?... Không! Không! Bao lâu nay trăm họ một lòng vì nước và có những gương sáng vằng vặc như trăng rằm tháng tám. Sức mạnh ấy chính là chỗ dựa của kế hoạch phá giặc dữ lần này. Trần Quốc Tuấn đăm đăm nhìn tập giấy lụa bạch trắng tinh bày trên án. Và ngọn bút song Chu quản trúc vàng nằm ngang trên chiếc nghiên mã não như mời ông cầm lấy nó... Khi ông nháp xong bài sớ dâng vua và đang đọc lại thì cụ Uẩn lại từ ngoài vườn hấp tấp bước vào. Ông cụ thưa bằng một giọng hốt hoảng:
-Bẩm Quốc công, có một người ăn mặc rách rưới muốn xin vào ra mắt. Anh ta nói là có việc rất cần và bảo lính tuần dâng hầu Quốc công vật này.
Ông cụ đặt cái vật ấy lên án. Trần Quốc Tuấn giật nảy mình nhận ra nửa mảnh phù Hưng Đạo, vật làm tin giao cho Đỗ Vỹ hồi tết. Vị tướng già vứt bút đứng phắt dậy, sẵng giọng:
-Dẫn người ấy vào ngay nhà sách cho ta.
Trần Quốc Tuấn mặc chiếc áo mền vào người, ông lúng túng xỏ lộn tay và giận dữ mắng gằn trong cổ họng. Khi ông tới phòng đọc sách, cụ Uẩn đã cho thắp bốn đôi bạch lạp và thả rèm lụa che cửa cho ấm. Trần Quốc Tuấn bồn chồn ngồi trước cái án mà Đỗ Vỹ đã dùng để trải giấy vẽ tranh trước đây chín tháng. Những bức tranh ấy bây giờ vẫn treo trên vách hậu. Thời gian đã làm tranh cũ kỹ đi đôi chút, nhưng chính vì thế mà sắc màu thêm độ chín, thêm tình cảm. Cụ Uẩn đưa một người lạ mặt vào. Người này không phải là chàng trai tóc xanh thuở nọ. Một mớ tóc khô úa lởm chởm, một cặp mắt đục, lờ đờ, một bộ quần áo rách rưới phủ lên một thân hình gầy guộc, và hai bàn tay có những đốt cong queo đặt run rẩy lên chiếc gậy tre sây sát. Trần Quốc Tuấn kinh ngạc đứng lên, chăm chú nhìn người lạ mặt. Người ấy gỡ tấm áo tơi lá vắt ngang vai, chắp hai tay vái chào:
-Thưa Quốc công, quân tiên phong của giặc đã lên đường được mười ngày.
Trần Quốc Tuấn nhận ngay ra cử chỉ đường hoàng của Đỗ Vỹ. Ông cầm tay kéo Đỗ Vỹ vào ghế và cho phép Đỗ Vỹ ngồi. Ông ra lệnh cho cụ Uẩn pha trà sâm ngay tức khắc, Trần Quốc Tuấn trìu mến thương sót Đỗ Vỹ khi nghĩ rộng ra về những gian nguy, khó khăn mà con người này đã phải vượt qua để đem về cho dân tộc những tin tức tối ư cần thiết và quý báu.
-Bẩm Quốc công, giặc động binh năm mươi vạn cả lính lẫn phu. Nguyên soái giặc là hoàng tử Thoát Hoan, con trai thứ chín của Hốt Tất Liệt. Tướng tiên phong là Ô Mã Nhi.
Đỗ Vỹ bình tĩnh so sánh tài năng của hai tướng giặc. Thoát Hoan lần này là lần đầu tiên cầm một đạo quân lớn, nhưng y đã từng chinh chiến nhiều năm, đánh Tống, đánh Đại Lý. Đó là một tướng giặc đang thèm khát chiến công, cách đánh của y táo bạo tới mức liều lĩnh và dễ dàng để hở những chỗ yếu trong thế trận. Còn Ô Mã Nhi là một tên tướng người Hồi Hột, đánh bộ giỏi, đánh ngựa giỏi, ưa đánh nhau bằng những đội quân nhỏ vào những chỗ bất ngờ. Y còn được Hốt Tất Liệt phong cho danh hiệu Dũng tướng.
Trần Quốc Tuấn trầm ngâm:
-Đều là những tướng chưa đủ bản lĩnh cầm quân lớn.
Đỗ Vỹ chợt nở một nụ cười kính phục. Anh ta tiếp tục:
-Bẩm Quốc công, bộ não của quân giặc là tên phó tướng A Lý Hải Nha. Tên này đã hạ nhiều thành Tống như Phàn Thành, Tương Dương, Giang Lăng... và đã đánh chiếm hai mươi châu Nam Tống, kể cả đảo Quỳnh Châu. A Lý Hải Nha giỏi dùng mẹo. Y thường vừa đánh vừa dụ hàng, biết dùng pháo, biết chắn sông, tháo nước, biết đánh lửa, triệt lương. Ngay như Toa Đô và Ô Mã Nhi cũng do chính A Lý Hải Nha dạy dỗ. Ngoài ra, giặc còn phái thêm tên gian thần nhà Tống là Lý Hằng theo quân.
Trần Quốc Tuấn gằn tiếng:
-Có phải cái tên đã đánh bại người trung liệt Văn Thiên Tường ở mỏm Nhai Sơn không?
-Bẩm Quốc công, chính hắn.
Như vậy là giặc có bao nhiêu tướng giỏi nhất đều xuất hết. Trần Quốc Tuấn ngẫm nghĩ. Hai câu thơ của Văn Thiên Tường lại vang lên trong tâm hồn ông: “Người ta tự cổ ai không chết. Lưu lại lòng son trong sử xanh”. Trần Quốc Tuấn thấy thương Văn Thiên Tường vô hạn. Đỗ Vỹ kể tiếp rằng giặc mang trọng binh nên đi rất chậm. Quân tiên phong phải mở đường bắc cầu để dùng xe chở lương qua. Theo như Đỗ Vỹ tính toán, phải tới cuối tháng chạp, giặc mới tới được biên giới nước ta.
-Nhưng thưa Quốc công, quân thủy của giặc không mạnh lắm. Lượt về tôi từ bán đảo Lôi Châu đáp thuyền qua đảo Quỳnh Châu. Tôi đã xem xét kỹ tình hình sửa soạn binh thuyền của giặc. Chúng thu thuyền đánh cá chữa thành thuyền tải lương, còn thuyền chiến thì không nhiều. Đội quân thủy của giặc là một đội quân tải lương chứ không phải là một đội quân chiến đấu tinh nhuệ.
Trần Quốc Tuấn mỉm cười. Điều ấy ông đã dự đoán từ lâu. Nếu giặc muốn có một đội quân thủy thật mạnh cũng không phải mỗi lúc có được ngay. Giá như chúng được thấy hai vạn con người mình xăm chàm như giao long đang vùng vẫy dưới nước thì chúng sẽ còn lo lắng tìm đủ mọi cách để tăng quân thủy lên nữa .
-Bẩm Quốc công, quân cưỡi ngựa của ta chưa bằng được quân cưỡi ngựa của giặc nhưng quân thủy của ta lại trội hơn quân thủy của chúng. Trưa nay, con đã nhìn thấy Yết Kiêu dàn trận trên sông...
Trần Quốc Tuấn kinh ngạc ngắt lời Đỗ Vỹ:
-Chiều nay con đã về tới bờ sông Lục Đầu à?
-Thưa vâng.
-Thế sao bây giờ con mới tới đây?
Đỗ Vỹ im lặng một lát. Trên gương mặt xanh gầy của anh, đôi mắt đục lờ thoáng loé lên một ánh vui vẻ tinh nghịch.
-Thưa Quốc công, con đau tất cả các khớp xương nên đi rất chậm.
Đỗ Vỹ khẽ kéo ống quần lên để Trần Quốc Tuấn nhìn thấy đầu gối anh đang tấy đỏ. Sau đó anh giơ hai bàn tay lên trước mặt vị tướng già.
-Thưa Quốc công, giặc phái nhiều thám mã chẹn giữ các ngả. Chúng đã nhiều lần phát hiện được con. Lần tháng trước con đã phải dùng tới chiếc áo cà sa của các nhà sư phương Bắc. Nhưng về sau, A Lý Hải Nha cho vẽ hình con treo khắp nơi truy bắt. Con đã phải dùng tới môn thuốc riêng uống cho teo thịt và làm sưng các khớp xương lên để giả làm người mắc chứng bệnh hiểm mới lọt về đây được.
Trần Quốc Tuấn hé miệng định hỏi điều gì rồi lại thôi. Đỗ Vỹ hơi mỉm cười nói tiếp:
-Các khớp xương này có khỏi cũng phải lâu mới mềm mại được như trước.
Trong căn phòng đột nhiên yên lặng, trang trọng, hai người một già một trẻ chăm chú nhìn nhau không chớp mắt. Gió thu lọt qua lá màn lụa thổi lạt sạt những bức tranh treo trên vách. Gió thổi tắt luôn ba ngọn nến làm cho ánh sáng trong căn phòng giảm hẳn xuống. Trần Quốc Tuấn chợt hiểu thêm một điều lớn lao nữa. Đó là sự hy sinh của trăm họ! Dân tộc ta kiên cường, yêu nước. Điều ấy là cội rễ của non sông xã tắc. Ông đã thảo sớ dâng Quan gia triệu bô lão về kinh với ý định củng cố niềm tin cho triều đình. Nhưng giờ đây, khi hiểu thấu lòng hy sinh của trăm họ, niềm tin chiến thắng của chính ông càng thêm vững chắc.
-Bẩm Quốc công, con sẽ làm thơ ca ngợi đất nước ta.
Đỗ Vỹ uống một ngụm trà sâm. Anh điềm đạm dùng mấy ngón tay cong, cứng, giở những trang sách trên án.
Đó là tập thơ của Thượng hoàng Thánh Tông. Trần Quốc Tuấn ước thầm: “Làm sao có thể tìm được một thầy thuốc giỏi trong thiên hạ chữa bệnh cho người trai trẻ này. Chắc chắn anh ta sẽ thành một người đắc dụng”.
Ông buộc Đỗ Vỹ đi nghỉ và ông trở về căn phòng riêng. Đêm đã sang canh tư. Trần Quốc Tuấn không ngủ nữa. Ông suy nghĩ về những ý tứ trong bản hịch của ông đang thảo. Thế là giặc đã xuất quân! Tổ quốc đang đứng trước một hiểm họa xâm lăng chưa từng có. Giặc dữ đã từng đánh bại nhiều nước, làm cỏ nhiều dân tộc. Vó ngựa xâm lược của chúng đã từng giày xéo lên biết bao miền rộng lớn mênh mang. Giết người! Đốt làng xóm! Đốt kinh thành! Và cướp bóc! Những tội ác ấy lần này giặc rắp tâm gieo rắc lên đất Việt yêu dấu! Không thể thế được!
Trần Quốc Tuấn nghĩ đến những thôn xóm hiền hòa, tối tối có tiếng trẻ đọc sách, những cánh đồng lúa chín thoang thoảng hương thơm, những đoàn thuyền chở cá hong lưới về bến mỗi buổi chiều. Biết bao mồ hôi nước mắt và máu tổ tông đã chảy để lập nên giang sơn đẹp đẽ yên ấm này. Trần Quốc Tuấn thấy lòng xót như xát muối. Hà! Giặc Thát! Người Việt ta không để các ngươi hoành hành trên đất nước này đâu. Người Việt từ xưa tới giờ và mãi mãi về sau này không cho phép bất cứ tên giặc nào đụng tới một ngọn cỏ, một lá cây mọc trên đất Việt... Bên ngoài, trăng đã xế về tây, càng sáng lạnh. Sông Lục Đầu no nước chảy ồ ạt như sóng Hải Đông. Hương Vạn Kiếp ngủ say chờ khi trỗi dậy. Trong phòng, Trần Quốc Tuấn thấy ngời lên một niềm tin chiến thắng mãnh liệt. Niềm tin ấy bắt nguồn từ chỗ dựa to lớn tột cùng trong bản kế hoạch phá giặc của ông. Trăm họ! Trăm họ là một sức mạnh vô địch. Trăm họ có thể hy sinh từ niềm vui, lẽ sống đến tài sản, tính mẽng của họ cho đất nước độc lập. Ngọn bút song Chu trong tay Trần Quốc Tuấn lướt nhanh như trôi trên trang giấy lụa mịn màng... Vị tướng già đang thảo hịch, bản hịch của ông, bản hịch sẽ làm nức lòng chư tướng và sĩ tốt.