Chương 4
Tác giả: Henri Haggard
Chúng tôi bắn được chín con voi, phải mất hai ngày để cưa ngà, mang về trại và chôn kĩ dưới một gốc cây to cách xa mấy dặm đã nhìn thấy. Chúng tôi kiếm được một khối lượng rất lớn ngà voi quý, tôi chưa bao giờ nhìn thấy mỗi ngà nặng trung bình từ hai mươi đến hai mươi nhăm kilô. Còn ngà của con voi đầu đàn đã xéo xác Hiva thì theo sự ước đoán của chúng tôi, cân nặng hơn bảy mươi kilô.
Còn Hiva, hay đúng hơn, những mảnh xác còn lại của anh, được chúng tôi chôn trong một tổ kiến cùng cây giáo theo phong tục của bộ lạc Dulux, để anh có vũ khí tự vệ khi cần thiết trên con đường đi tới thiên đường.
Sang ngày thứ ba, chúng tôi lại lên đường, hi vọng nếu còn sống, sẽ quay lại đào kho báu của mình. Sau một chuyến đi dài, vất vả và gặp nhiều chuyện phiêu lưu khác mà tôi không có thời gian để kể tỉ mỉ ra đây, chúng tôi đã đến làng Xitandi ở gần sông Lucanga. Thực ra mà nói, chỉ từ đây mới bắt đầu cuộc hành trình đến núi Xulâyman của chúng tôi.
Tôi nhớ rất rõ chúng tôi đã tới Xitandi như thế nào. Phía bên phải là một khu làng nhỏ của người bản xứ gồm mấy chiếc lều thảm hại và chuồng nuôi súc vật ngăn bằng đá. Xuống phía dưới một chút, sát bờ sông thấp thoáng một vài miếng đất canh tác, họ gieo trồng để có số lương thực ít ỏi của mình. Tiếp đến là thảo nguyên bao la chạy tít tận chân trời, cỏ mọc tốt um tùm và thường có những con thú nhỏ đi lại.
Làng Xitandi ở ngay đầu vùng đất màu mỡ ấy. Còn phía trái là sa mạc. Thật khó mà giải thích nổi vì sao lại có sự thay đổi đột ngột về chất đất như vậy; sự tương phản quá lớn đến không thể không đập ngay vào mắt.
Chúng tôi đóng trại phía trên sông Lucanga một chút. Bên kia sông là một dốc đá thoai thoải, nơi hai mươi năm về trước, Xinvextơ đáng thương đã bò quay trở lại sau cái ý định điên rồ tìm tới kho báu của vua Xolomon thất bại. Sau dốc đá ấy là bắt đầu sa mạc mênh mông, khô cằn với những cây gai thưa thớt và thấp.
Trời đã ngả về chiều, khối cầu khổng lồ mặt trời đang chầm chậm khuất sau sa mạc và chiếu sáng nó bằng những tia sáng cuối cùng sặc sỡ.
Giao cho Huđơ chăm sóc việc đóng trại, tôi mời Henry đi dạo một lúc, rồi hai chúng tôi leo lên đỉnh của dốc đá phía bên kia sông, từ đó đưa mắt nhìn ra sa mạc. Không khí sạch và trong suốt, phía xa xa nơi chân trời có thể nhìn thấy đường xanh mờ của những đỉnh núi Xulâyman quanh năm phủ tuyết. - Ông nhìn kia, - Tôi nói sau một lúc im lặng. - Kia là bức tường bao quanh kho báu của vua Xolomon. Chỉ một mình chúa biết rằng liệu có lúc nào chúng ta tới được đấy hay không.
- Em trai tôi chắc phải ở đấy. Nếu thế thì nhất định tôi sẽ tới cho kì được. - Henry nói với vẻ tự tin bình thản mà ông vẫn có.
- Vâng, hi vọng rằng chúng ta sẽ thành công! - Tôi thở dài quay lại định đi về trại, nhưng bỗng nhận thấy có người đang đứng cạnh.
Sau lưng chúng tôi là Ambov. Anh chàng Dulux to khỏe và uy nghi ấy đang đứng chăm chú nhìn về phía những dãy núi xa xa. Thấy tôi nhìn, anh ta lên tiếng nói với Henry, người mà tôi nhận thấy anh ta rất quý mến.
- Có phải đấy là đất nước mà ông định tới không. Incubu? (Chữ này có nghĩa là “Con voi”; người bản xứ gọi Henry như vậy) - Ambov nói, tay chỉ về phía núi.
Tôi bực bội hỏi anh ta có quyền gì mà dám nói chuyện suồng sã như thế với ông chủ của mình. Người bản xứ có thể gọi nhau bằng bất cứ biệt hiệu nào họ muốn, nhưng hoàn toàn không thể cho phép và không lịch sự từ phía họ khi gọi người da trắng bằng những cái tên ngu ngốc như thế. Ambov khẽ cười, và điều ấy càng làm tôi tức giận hơn.
- Sao ông biết rằng tôi không ngang hàng với ông chủ mà tôi phục vụ? Tất nhiên ông chủ của tôi thuộc dòng dõi nhà vua: Điều ấy có thể nhận rõ qua diện mạo và chiều cao của ông ấy, nhưng biết đâu tôi cũng thuộc dòng dõi vua chúa? Ôi, Macumanzan, hãy làm đôi môi của tôi để nói với Incubu, ông chủ và là thủ lĩnh của tôi, rằng tôi muốn nói chuyện với ông ấy, và cả với ông nữa.
Tôi rất bực mình với Ambov, vì không quen nghe người bản xứ nói chuyện với tôi như thế, nhưng không hiểu sao tôi vẫn cảm thấy một sự kính trọng mà tôi không hiểu và không muốn có đối với anh ta. Hơn nữa, tôi cũng muốn biết anh ta định nói gì với chúng tôi nên liền dịch lời của anh ta cho Henry nghe, sau khi nói trước quan điểm của tôi, rằng anh ta là một gã trâng tráo và đã cư xử một cách không thể tha thứ được.
- Vâng, Ambov, - Henry nói, - Tôi muốn đi tới đất nước ấy.
- Sa mạc rất rộng, thiếu nước, còn núi thì cao và phủ đầy tuyết. Không một người nào có thể nói rõ cái gì ở phía sau những dãy núi kia, nơi mặt trời đang lặn. Ông định tới đó bằng cách nào, Incubu, và vì sao ông lại muốn tới đó?
Tôi lại dịch cả những lời này của anh ta.
- Hãy nói với anh ta, - Henry đáp, - Rằng tôi muốn tới đó vì tôi nghĩ một người cùng chung dòng máu với tôi từ lâu đã tới đó, và bây giờ tôi đi tìm người ấy...
- Incubu, ông nói đúng. Trên đường tới đây, tôi có gặp một người Gốttentốt, và anh ta kể với tôi rằng cách đây hai năm, có một người da trắng đi vào sa mạc, về phía những ngọn núi kia. Cùng đi có một người đầy tớ và là thợ săn. Họ chưa quay lại từ phía ấy.
- Sao anh biết rằng đấy là em trai tôi? - Henry hỏi.
- Tôi không biết điều ấy. Nhưng tôi đã hỏi người Gốttentốt kia ông ta hình dáng thế nào, và biết là ông ta có đôi mắt và bộ râu đen như của ông. Người thợ săn đi theo tên là Jim. Anh ta là người bộ lạc Besuan và trên người có quần áo.
- Không còn nghi ngờ gì nữa, đó chính là em trai ông! - Tôi kêu lên.- Tôi biết rõ anh chàng Jim ấy!
Henry trầm ngâm gật đầu.
- Tôi cũng tin là thế, - Ông nói. - Georg là người cương quyết, nếu đã định làm điều gì thì nhất định sẽ làm bằng được. Từ bé em tôi đã thế. Nếu em tôi quyết định vượt qua núi Xulâyman, thì nghĩa là đã vượt qua, tất nhiên nếu dọc đường không gặp tai họa. Vì vậy, chúng ta cần phải tìm Georg ở phía bên kia núi.
Ambov có biết chút ít tiếng Anh, nhưng ít khi nói bằng thứ ngôn ngữ ấy.
- Đến đấy xa lắm, Incubu, - anh ta nói.
Tôi dịch lời của anh ta.
- Vâng, Henry đáp. - Đường đến đấy rất xa. Nhưng trên đời này không có con đường nào mà con người không vượt qua, một khi anh ta cố hết sức để làm điều ấy. Nếu được tình yêu dẫn đường, Ambov ạ, thì sẽ không có gì là con người không làm nổi, không núi nào và sa mạc nào không vượt qua được. Vì cái tình yêu ấy, con người bất chấp hết tất cả, thậm chí có thể hi sinh cả tính mạng mình, nếu thượng đế yêu cầu phải thế.
Tôi dịch cả những lời này.
- Ông đã nói những từ rất đẹp, thưa thủ lĩnh! - Anh chàng người Dulux đáp (bao giờ tôi cũng gọi Ambov như thế, dù thực ra anh ta không phải là người Dulux) - Những từ vĩ đại, đẹp đẽ xứng đáng với đôi môi của một người đàn ông chân chính! Ông nói đúng, Incubu. Nhưng hãy lắng nghe tôi. Cuộc sống là gì? Là một chiếc lông, một hạt giống của cây cỏ mà gió thổi đi khắp bốn phía. Đôi lúc nó sinh sôi nẩy nở rồi chết, đôi lúc bay lên trời cao. Nhưng nếu hạt giống ấy khỏe, nó có thể dừng lại chút ít trên con đường mà người khác đã vạch sẵn cho nó. Vật lộn với cơn gió và dừng lại được ở con đường ấy là tốt. Nhưng con người phải chết. Trong trường hợp xấu nhất thì chỉ phải chết sớm hơn một chút. Tôi sẽ đi với ông vượt qua sa mạc và núi rừng, đi cho đến tận cùng, thưa thủ lĩnh, nếu giữa chừng tôi không chết!
Ambov im lặng, nhưng ngay lúc ấy liền nói tiếp bằng những lời hoa mĩ say sưa mà đôi khi người Dulux vẫn dùng. Điều ấy chứng tỏ rằng bộ tộc này không phải không có năng khiếu thơ ca và trí thông minh, tuy khi nói, họ hay lặp đi lặp lại quá nhiều và vô ích.
- Cuộc sống là gì? - Ambov nói tiếp. - Hãy nói cho tôi biết đi, hỡi những người da trắng! Các ông là những người thông minh, những người biết hết mọi bí mật của tạo hóa, mọi bí mật của trăng sao và tất cả những gì trên chúng và xung quanh chúng! Hỡi những người da trắng, những người mà trong nháy mắt có thể nói chuyện được với nhau từ xa mà không cần giọng nói, hãy cho tôi biết bí mật của cuộc sống chúng ta: Nó sẽ biến đi đâu và từ đâu xuất hiện?
Các ông không thể trả lời cho tôi biết; chính các ông cũng không biết điều ấy. Thế thì hãy nghe tôi nói đây: Từ bóng tối, chúng ta xuất hiện và rồi chúng ta lại đi vào bóng tối. Như con chim bị giông bão xua đuổi trong bóng tối, chúng ta bay ra từ cái hư vô. Trong một giây, đôi cánh của chúng ta xuất hiện trong ánh sáng của đống lửa, và rồi chúng ta lại bay vào hư vô. Đời chẳng là cái gì, và cũng là tất cả. Đời là cánh tay gạt bỏ Thần chết. Là con đom đóm nhấp nháy trong đêm để chết vào buổi sáng hôm sau. Là hơi thở màu trắng của đàn bò những ngày đông giá rét, là cái bóng mỏng manh thoáng qua trên bãi cỏ rồi biến mất cùng mặt trời lúc hoàng hôn.
- Anh là một người lạ lùng, Ambov ạ.- Henry nói khi anh ta im lặng.
Ambov cười to:
- Tôi có cảm giác rằng chúng ta rất giống nhau, Incubu. Có thể tôi cũng sẽ tìm em trai của tôi ở phía bên kia núi.
Tôi nhìn anh ta vẻ nghi ngờ.
- Anh nói như thế nghĩa là thế nào? - Tôi hỏi. - Anh biết gì về những dãy núi ấy?
- Ít, rất ít. Nghe nói phía bên kia có một đất nước tuyệt đẹp, bí hiểm, đất nước của những điều kì diệu và phép lạ, đất nước của những chiến binh dũng cảm, những rừng cây cao, những dòng lũ lớn, những đỉnh núi phủ tuyết, đất nước của con đường màu trắng vĩ đại. Tôi đã được nghe kể về nó. Nhưng có đáng đem ra kể ở đây không? Trời tối rồi. Ai số phận cho phép, sẽ được nhìn thấy nó.
Tôi lại ngước nhìn anh ta vẻ nghi ngờ. Con người này chắc đang biết một điều gì đó.
- Đừng lo sợ về tôi, Macumazan, - Ambov nói khi thấy tôi nhìn. - Tôi không đào hố để đánh bẫy các ông. Tôi không âm mưu một điều gì xấu xa. Nếu có lúc nào đó chúng ta vượt qua được dãy núi đang che lấp mặt trời kia, lúc ấy tôi sẽ kể cho các ông nghe tất cả những gì tôi biết. Nhưng Thần chết đang lởn vởn trên đỉnh những ngọn núi ấy. Hãy thông minh mà nhanh chóng quay lại. Hãy quay trở lại, thưa các ông chủ của tôi, và hãy lại đi săn voi. Tôi nói hết.
Rồi chẳng nói thêm một lời nào nữa, anh ta giơ ngọn giáo ra hiệu tạm biệt rồi quay người đi về trại. Khi trở lại, chúng tôi thấy anh ta đang mài giáo, như những người hầu Caphơ bình thường khác.
- Một anh chàng lạ lùng! - Henry nói.
- Còn hơn là lạ lùng, - Tôi khẳng định thêm .- Cách cư xử của anh ta làm tôi nghi ngờ. Anh ta biết một điều gì đây nhưng không muốn nói. Nhưng nói chung không nên cãi nhau với anh ta. Trước mặt chúng ta đang có nhiều điều bí hiểm, lạ lùng chờ đợi, và anh chàng Dulux khó hiểu sẽ rất phù hợp với hoàn cảnh ấy.
Ngày hôm sau chúng tôi chuẩn bị lên đường.
Mang theo vào sa mạc tất cả vũ khí và đồ đạc tất nhiên là điều điên rồ. Chúng tôi thanh toán cho những người khuân đồ và thống nhất với một người Caphơ sống cạnh đấy để ông ta trông coi hộ đồ vật mà lúc quay lại chúng tôi sẽ lấy. Tôi thật sự đau lòng mỗi lần nghĩ tới việc chúng tôi phải giao những khẩu súng tuyệt vời của mình cho thằng ăn cắp ấy. Vừa nhìn thấy súng là mắt lão đã lộ vẻ vui mừng, lão không thể dứt cái nhìn tham lam của lão khỏi chúng. Vì vậy, tôi buộc phải áp dụng một vài biện pháp ngăn ngừa. Trước hết, tôi lên đạn tất cả các súng, mở khóa an toàn và nói với lão rằng nếu lão động đến, lập tức chúng sẽ nổ. Lão liền thử sờ vào khẩu hai nòng của tôi. Súng nổ, và viên đạn xuyên thủng bụng một con bò của lão lúc ấy đang được lùa về làng, còn lão thì bị súng giật ngã ngửa về phía sau. Lão hoảng sợ lổm ngổm bò dậy, và tiếc của vì mất bò, lão còn trâng tráo bắt tôi bồi thường. Đồng thời lão thề rằng từ nay không có gì trên đời có thể bắt lão động đến súng của chúng tôi.
- Hãy giấu ngay những con quỷ sống ấy vào đống rơm, - Lão càu nhàu, - Nếu không, chúng sẽ giết hết chúng tôi.
Biết lão già rất mê tín, tôi dọa lão rằng nếu để mất dù chỉ một đồ vật, tôi sẽ dùng phép phù thủy giết chết lão và tất cả người thân của lão, và không may chúng tôi chết dọc đường, nếu lão định giở trò ăn cắp súng thì hồn ma của tôi từ thế giới bên kia sẽ hiện về để ám lão cả ngày lẫn đêm. Sau đấy tôi còn dọa thêm rằng tôi sẽ làm súc vật của lão phát điên, rằng tất cả sữa của lão sẽ bị chua, còn lão thì bị tôi đẩy vào tình trạng khốn cùng, đến nỗi không muốn sống nữa. Ngoài ra, tôi hứa sẽ thả những con quỷ đang ngồi trong nòng súng ra để chúng nói chuyện một cách tử tế với lão. Tóm lại, tôi đã làm cho lão đủ hiểu lão sẽ bị trừng phạt thế nào, nếu không giữ đúng lời hứa. Nghe xong, lão già thề sẽ giữ gìn đồ vật của chúng tôi thiêng liêng như linh hồn của cha ông lão.
Thỏa thuận với lão già xong, và bằng cách ấy trút bỏ được một phần gánh nặng, chúng tôi chỉ chọn mang theo những thứ không thể thiếu được cho chuyến đi dài ngày sắp tới. Nhưng dù cố mang theo thật ít, cuối cùng mỗi người chúng tôi vẫn phải mang nặng gần hai mươi cân.
Sau đây là những thứ chúng tôi mang theo:
Ba khẩu súng trường kiểu Express cùng hai trăm viên đạn.
Hai khẩu Winchester có hộp đạn (cho Ambov và Venphôghe) cùng hai trăm viên đạn.
Ba khẩu côn và sáu mươi viên đạn.
Năm bình đựng nước, mỗi bình bốn lít.
Năm chăn.
Mười hai cân thịt phơi khô.
Năm cân chuỗi hạt loại tốt nhất để làm quà.
Một tủ thuốc nhỏ với các thứ thuốc cần thiết nhất trong đó có ba mươi gam kí ninh và hai bộ đồ mổ gọn nhẹ.
Ngoài các thứ kể trên, chúng tôi còn mang theo một số đồ vặt vãnh như địa bàn, diêm, một bình lọc loại bỏ túi, thuốc lá, chiếc xẻng nhỏ, một chai rượu mạnh và cuối cùng là quần áo mà chúng tôi đang mặc trên người. Đối với một cuộc hành trình lâu dài và mạo hiểm, chừng ấy không phải là nhiều, nhưng chúng tôi không dám mang thêm, vì như thế, chúng tôi cũng đã phải mang mỗi người hai mươi cân, một gánh nặng đáng kể. Lê chân giữa cát nóng như lửa mà còn phải mang nặng không phải là việc đơn giản; ở trong những trường hợp như thế, mỗi gam đều có ý nghĩa. Mặc dù đã tìm hết mọi cách, chúng tôi cũng không thể bớt đi một tí nào, vì chỉ mang đi theo những gì không thể không có.
Vất vả lắm tôi mới thuyết phục được ba người Caphơ trong làng đi theo chúng tôi một quãng độ hai mươi dặm, tức là giai đoạn đầu cuộc hành trình của chúng tôi. Mỗi người trong số họ sẽ mang một chiếc lọ hình quả bầu đựng gần năm lít nước.
Để trả công, tôi hứa sẽ tặng họ mỗi người một con dao săn.
Chúng tôi dự định sẽ bổ sung nước dự trữ vào đêm hôm sau, và quyết định lên đường vào ban đêm, vì ban đêm trời đỡ nóng hơn. Tôi nói với những người Caphơ rằng chúng tôi đi săn đà điểu, là giống chim có rất nhiều ở sa mạc. Nghe xong, họ nói liến thoắng với nhau điều gì đó, rồi nhún vai bảo tôi rằng chúng tôi điên và nhất định sẽ chết khát trong sa mạc, là điều tôi cũng nghĩ là có lẽ sẽ xảy ra thật. Nhưng vì quá thích những chiếc dao săn mà trong mơ cũng không dám mơ tới. - ƠŒ vùng hoang dã này, dao săn là vật rất hiếm - Cuối cùng họ cũng đồng ý đi theo chúng tôi hai mươi dặm. Chắc họ nghĩ rằng nếu chúng tôi có chết khát thì cũng không phải do lỗi của họ. Cả ngày hôm sau, chúng tôi chỉ ngủ và nghỉ ngơi. Mặt trời sắp lặn, chúng tôi ăn no thịt bò tươi, uống no nước chè. Vừa uống Huđơ vừa buồn rầu nói rằng không biết lúc nào chúng tôi mới được uống chè một lần nữa. Sau đó, làm xong các việc chuẩn bị cuối cùng, chúng tôi lại nằm xuống chờ trăng lên. Cuối cùng gần chín giờ, mặt trăng xuất hiện trong vẻ đẹp lộng lẫy của mình. Ánh trăng tỏa xuống những khoảng không hoang dại và dát bạc cả sa mạc mênh mông cũng uy nghiêm và lặng lẽ như bầu trời đầy sao trên đầu chúng tôi.
Chúng tôi đứng dậy nhưng chưa bước đi vội như đang lưỡng lự điều gì: Tôi nghĩ con người bao giờ cũng lưỡng lự trước khi bước vào chặng đường mà không tin có ngày còn quay lại. Chúng tôi - Ba người da trắng - Đi ra đứng riêng một chỗ. Ambov tay cầm giáo, súng trên vai đang đứng trước chúng tôi mấy bước; anh ta đăm đăm nhìn về phía sa mạc. Venfogen và những người Caphơ chúng tôi mới thuê xách bình nước đứng một chỗ sau chúng tôi chút ít.
- Thưa các bạn. - Sau một lúc im lặng, Henry nói bằng cái giọng trầm dễ nghe của mình. - Chúng ta sắp bắt đầu một cuộc hành trình khác thường mà có lẽ xưa nay chưa ai thực hiện. Chưa chắc nó sẽ kết thúc tốt đẹp. Chúng ta có ba người. Và tôi tin rằng trong tất cả những thử thách đang chờ ta phía trước, trong bất kì trường hợp nào ta cũng sẽ đứng bên nhau cho đến hơi thở cuối cùng. Còn bây giờ, trước khi lên đường chúng ta hãy đọc một bài cầu ngắn, cầu nguyện Đức chúa Trời toàn năng, vì Ngài điều khiển số phận và vạch đường đi cho con người, kể từ ngày Ngài tạo nên thế giới. Chúng ta hãy gửi gắm tất cả vào ý Ngài và mong Ngài đặt bước chân chúng ta lên con đường may mắn.
Rồi ông cởi mũ, hai tay che mặt và lẩm nhẩm lời cầu trong hai phút. Tôi và Huđơ làm theo.
Như phần lớn những người thợ săn khác, tôi không phải là người sùng đạo lắm. còn Henry thì theo tôi nghĩ, sâu trong lòng, ông là người rất sùng đạo, dù tôi chưa bao giờ nghe từ ông những lời tương tự, trừ một lần sau này nữa. Huđơ cũng là một con chiên thành kính, tuy ông ta thích nói tục. Ít ra thì tôi không nhớ có lần nào (trừ một lần khác sau này) tôi cầu nguyện thành tâm đến thế. Cầu xong, tôi thấy trong lòng nhẹ nhõm hơn. Tương lai của chúng tôi còn rất mù mịt; nhưng tôi nghĩ chính cái sợ hãi và mờ mịt ấy bao giờ cũng đưa con người lại gần hơn với Chúa.
- Nào, - Henry nói, - Bây giờ thì chúng ta xuất phát!
Và chúng tôi lên đường. Nói chung, hầu như chúng tôi phải đi mò, vì ngoài những đỉnh núi xa và tấm bản đồ mà Hoxe Xinvext, một ông già nửa điên nửa tỉnh đã vẽ lên một mẩu vải lúc hấp hối, chúng tôi chẳng còn gì khác để định hướng. Khó mà tin được bản đồ ấy, thế mà nó lại là tất cả hi vọng thành công của chúng tôi. Tôi lo không biết chúng tôi có tìm được hồ “nước thối” mà theo bản đồ của ông lão Bồ Đào Nha, thì sẽ nằm chính giữa sa mạc, tức là cách làng Xitandi sáu mươi dặm hay không. Từ đấy đến núi Vú nữ hoàng Xava cũng bằng chừng ấy. Nếu không tìm thấy, chắc chắn chúng tôi sẽ chết khát. Chúng tôi hầu như không có một cơ sở nào để hi vọng tìm thấy nó giữa biển cát mênh mông và những bụi gai thấp, thưa thớt này. Giả sử đa Xinvextơra có xác định đúng vị trí của hồ nước đi nữa, thì lẽ nào dưới ánh sáng mặt trời gay gắt, nó không cạn khô sau ba thế kỷ? Lẽ nào thú vật không dẫm nát nó? Và cuối cùng là không bị cát vùi lấp?
Lặng lẽ như những cái bóng, chúng tôi bước đi trong đêm tối, chân ngập sâu dưới cát. Đi nhanh là điều không thể được, vì chúng tôi luôn vấp phải các bụi gai. Cát chui vào giày Vendxcun của chúng tôi và giày đi săn của Huđơ, nên chốc chốc phải dừng lại để dốc cát ra. Sương đêm làm giảm cái nóng ngột ngạt của sa mạc, và mặc dù đi lại khó khăn và dừng khá nhiều, chúng tôi vẫn tiến nhanh về phía trước. Xung quanh là một sự im lặng nặng nề. Để làm chúng tôi vui lên, Huđơ huýt sáo bài “Cô gái mà tôi bỏ lại ở nhà”, nhưng giữa sa mạc mênh mông giai điệu vui nhộn của bài hát lại trở nên buồn thảm và rùng rợn. Huđơ thôi không huýt sáo nữa.
Chẳng bao lâu, một việc đã xẩy ra với chúng tôi, lúc đầu làm ai cũng hoảng sợ hết hồn, nhưng sau lại biến thành câu chuyện vui vẻ. Thuyền trưởng Huđơ đi đầu, tay cầm chiếc la bàn mà với tư cách là một thủy thủ, ông ta rất biết cách sử dụng. Chúng tôi thì người nọ tiếp người kia đi theo ông ta. Bỗng ông ta kêu to một tiếng rồi biến mất. Đúng lúc ấy xung quanh chúng tôi vang lên những âm thanh kì lạ như tiếng rên, tiếng thở phì phì và tiếng những bước chân nặng nề đang bỏ chạy. Mặc dù hầu như tối hoàn toàn, chúng tôi lờ mờ nhận thấy bóng của những sinh vật lạ lùng nào đó đang lao về phía trước, cuốn tung bụi cát. Những người bản xứ vất đồ đạc định bỏ chạy, nhưng chợt nhớ ra là không còn nơi nào để chạy, liền nằm lăn xuống cát, kêu to rằng đó chính là quỷ sứ. Tôi và Henry đứng lặng vì ngạc nhiên, nhưng chúng tôi càng ngạc nhiên gấp bội khi chợt thấy Huđơ đang phóng như bay về phía núi. Chúng tôi có cảm giác như ông ta phi trên lưng ngựa, vừa phi vừa kêu lên những tiếng kêu kinh khủng. Bỗng nhiên, dang rộng hai tay, ông ta ngã phịch xuống đất.
Đến lúc này tôi hiểu chuyện gì đã xẩy ra: Đang đi trong bóng đêm, chúng tôi vấp phải một đàn ngựa rừng châu Phi, và Huđơ ngã ngay xuống lưng một con, làm con này hoảng sợ, chồm dậy và cứ thế phóng đi, mang theo cả chàng kỵ sĩ. Tôi kêu to, bảo mọi người đừng lo, rồi chạy đến chỗ Huđơ, và rất sung sướng thấy ông ta đang ngồi trên cát. Tôi thở phào nhẹ nhõm vì tuy ngã, nhưng ông ta hoàn toàn không bị thương tổn chút nào. Tất nhiên ông thuyền trưởng bị một phen hú vía và bị xóc kinh khủng, nhưng tất cả những điều ấy không để lại một dấu vết gì, cả trên người ông ta, và cả trên chiếc kính một mắt vẫn lấp lánh ở mắt bên phải.
Sau sự kiện vui vẻ ấy, chúng tôi đi tiếp và không hề gặp một chuyện khó chịu nào. Gần một giờ sáng chúng tôi dừng lại uống ít nước (chúng tôi không dám uống thả cửa, vì biết nước sau này sẽ cần thiết như thế nào) nghỉ lấy sức ba mươi phút, rồi lại đi tiếp.
Chúng tôi đi, đi mãi cho đến lúc cuối cùng chân trời phía đông rực hồng như đôi má của cô gái khi xấu hổ. Những tia nắng dịu dàng màu vàng hồng đan chéo lẫn nhau xuất hiện. Một ngày mới bắt đầu.
Chúng tôi quyết định không dừng lại nghỉ dù rất muốn, vì biết rằng khi mặt trời lên cao, trời nóng sẽ khó lòng mà đi tiếp. Nửa giờ sau, cuối cùng chúng tôi nhìn thấy ở phía xa một vài mỏm đá nhô lên trên nền sa mạc bằng phẳng. Kéo lê chân vì mỏi mệt, chúng tôi tiến về phía những mỏm đá ấy, và sung sướng nhận thấy một mỏm chìa ra phía trước tạo trước cái mái che nắng rất tốt. Phía dưới nó đất được phủ một lớp cát mịn. Chúng tôi thích thú ngồi nghỉ ở đấy, uống ít nước và mỗi người ăn một miếng thịt phơi khô rồi ngay lập tức ngủ say như chết.
Khi chúng tôi tỉnh dậy đã là ba giờ chiều. Những người khuân vác Caphơ chờ chúng tôi dậy để chuẩn bị quay trở lại. Sa mạc đã làm họ chán ngấy tận cổ, và không một thứ dao săn nào trên đời còn có thể bắt được họ đi tiếp. Chúng tôi khoan khoái uống hết số nước còn lại trong bình của mình rồi lại đổ đầy bằng nước mà những người này mang theo, rồi cho họ về nhà.
Vào bốn giờ ba mươi phút, chúng tôi lại lên đường. Sa mạc im lặng một cách chết chóc. Trên cả biển cát mênh mông mà tầm mắt có thể bao quát được không hề có một sinh vật nào, trừ một vài con đà điểu. Có lẽ vì thiếu nước nên không có muông thú, và nếu không kể một hay hai loại rắn hổ mang, chúng tôi hoàn toàn không thấy loài bò sát nào. Thế nhưng có một giống thì lại quá nhiều, đó là ruồi, loại ruồi bình thường ta vẫn thấy ở nhà. Chúng bay đầy trên sa mạc và luôn theo đuổi chúng tôi như những tên thám báo, không phải “từng con một, mà là từng đàn lớn”, như đâu đó trong phần Cựu ước của Kinh thánh đã miêu tả. Thứ ruồi này thật đặc biệt, anh trốn đâu cũng gặp chúng. Có lẽ ngay từ thời sáng thế đã có chúng. Một lần tôi nhìn thấy một con bị ướp trong một cục hổ phách mà người ta nói với tôi ít nhất cũng đã năm vạn năm tuổi. Thế mà con ruồi ấy trông chẳng khác con ruồi hiện đại một chút nào. Tôi hầu như tin tưởng một cách chắc chắn rằng khi con người cuối cùng trên trái đất chết, thì chúng (tất nhiên nếu điều ấy xảy ra vào mùa hè) cũng sẽ bay vù vù xung quanh và cố gắng chọn thời cơ thuận lợi để đậu ngay lên mũi anh ta.
Khi mặt trời lặn, chúng tôi ngồi nghỉ và chờ trăng lên. Cuối cùng trăng xuất hiện trên bầu trời, lặng lẽ và bình thản như bao đời nay, và chúng tôi lại đi tiếp. Chỉ dừng nghỉ một lần vào lúc hai giờ sáng, chúng tôi lê chân đi suốt đêm, cho đến lúc mặt trời mọc và kiệt sức vì mỏi mệt, buộc phải nghỉ. Sau khi uống một vài ngụm nước, hoàn toàn rã rời, chúng tôi lăn xuống cát và ngủ thiếp ngay lập tức. Cũng chẳng cần phải cử ai canh phòng vì bốn bề là sa mạc mênh mông không sự sống. Kẻ thù duy nhất của chúng tôi là cái nóng, cái khát và ruồi. Tôi sẵn sàng đón nhận mọi nguy hiểm từ phía con người hay thú dữ, còn hơn phải chịu ba tai họa này. Rất tiếc là lần này chúng tôi không tìm được một mỏm đá có bóng râm nào để tránh nắng như trước. Bảy giờ sáng, chúng tôi tỉnh dậy vì nóng không chịu nổi, với cảm giác như mình là miếng thịt đang bị kẹp bơ trên than đỏ rực. Những tia nắng của mặt trời nóng bỏng như chiếu xuyên qua tất cả, như đang hút khô máu trong cơ thể.
Chúng tôi ngồi, thở một cách khó nhọc.
- Cút đi! - Tôi vừa kêu lên bất lực, vừa vung tay xua bầy ruồi đang dai dẳng bay vo vo quanh đầu tôi.
Chúng thật hạnh phúc vì không biết tới cái nóng.
- Quả đúng là... - Henry lẩm bẩm.
- Vâng, nóng kinh khủng! - Huđơ ngắt lời ông.
Cái nóng đúng là không chịu nổi, và không có một nơi nào để trốn khỏi cái lò lửa địa ngục ấy. Xung quanh, nhìn đi đâu cũng chỉ thấy sa mạc trần trụi bị hun nóng hừng hực. Không một gò đất, một hòn đá hay một cái cây nào.
Không một bóng râm nào, dù nhỏ. Chúng tôi như bị mù khi nhìn lên mặt trời sáng trắng chói chang: từng luồng không khí run run bốc lên từ sa mạc như trên một tấm sắt bị nung đỏ, làm đôi mắt cay xè.
- Biết làm gì bây giờ! - Henry hỏi. - Không ai chịu được lâu cái cảnh địa ngục này.
Chúng tôi nhìn nhau, hoàn toàn không biết phải làm gì.
- Tôi nghĩ ra rồi, - Huđơ nói. - Chúng ta phải đào một cái hố rồi chui xuống đó, bên trên che bằng các cây gai.
Đề nghị này không làm chúng tôi phấn chấn hơn bao nhiêu, tuy nhiên vẫn tốt hơn là không làm một cái gì cả. Chúng tôi liền bắt tay vào công việc, bằng tay và chiếc xẻng mang theo, một giờ sau chúng tôi đã đào được một chiếc hố rộng ba mét, dài sáu mét và sâu hơn nửa mét. Sau đó chúng tôi dùng dao săn cắt các cây gai mọc lè tè trên cát, nhảy xuống hố rồi che lên trên. Chỉ một mình Venfogen không làm theo chúng tôi, vì là người Gốttentốt, anh ta đã quen với cái nóng và không hề cảm thấy mệt mỏi.
Trong một chừng mực nào đó, cái hố đã che cho chúng tôi khỏi những tia sáng mặt trời nóng bỏng. Tôi xin nhường bạn đọc tưởng tượng không khí dưới cái mộ tự tay chúng tôi đào ấy ngột ngạt như thế nào, vì thực tình tôi không đủ từ để miêu tả. Có lẽ Hầm đen ở Calcutta còn là thiên đường so với nó. Cho tận đến bây giờ tôi cũng không hiểu làm sao chúng tôi sống qua nổi cái ngày kinh khủng ấy, khi mà không đủ không khí để thở, chúng tôi chỉ thỉnh thoảng mới được phép dấp môi vì nước còn lại rất ít. Nếu được uống thả cửa thì tất cả nước dự trữ sẽ hết ngay trong hai giờ đầu. Nhưng chúng tôi buộc phải theo một chế độ tiết kiệm vô cùng khắt khe, vì hiểu rõ rằng thiếu nước, chúng tôi sẽ chết.
Thời gian trôi qua một cách chậm chạp đến không chịu nổi. Nhưng trên đời cái gì cũng phải kết thúc - Tất nhiên nếu ta sống được đến lúc đó - Và cái ngày khủng khiếp ấy bắt đầu ngả về chiều. Gần ba giờ, chúng tôi quyết định rằng không thể chịu đựng sự tra tấn này lâu hơn được nữa. Thà chết dọc đường còn hơn phải chết dần chết mòn vì nóng và khát trong cái hố đáng sợ này. Uống mỗi người vài ngụm từ số nước ít ỏi còn lại đã bị đun nóng đến nhiệt độ của máu, chúng tôi đứng dậy lảo đảo bước đi tiếp.
Chúng tôi đã đi được gần năm mươi dặm sâu trong sa mạc. Nếu còn nhớ những lời dặn của Xinvextơra và xem lại tấm bản đồ của ông ta, bạn đọc sẽ thấy sa mạc kéo dài bốn mươi Liơ, và Hồ “nước thối” được đánh dấu ngay chính giữa. Bốn mươi Liơ tức là một trăm hai mươi dặm, nghĩa là chúng tôi chỉ cách chỗ có nước nhiều nhất là hai mươi hoặc mười lăm dặm. Tất nhiên nếu quả đúng là có một hồ nước như thế.
Sau một ngày ròng rã phải chịu đựng những thử thách ghê gớm, bây giờ chúng tôi lê chân, chậm chạp tiến về phía trước, với tốc độ hơn nửa dặm một giờ. Mặt trời lặn, chúng tôi dừng lại nghỉ, và trong khi chờ trăng lên, chúng tôi uống vài ngụm nước rồi tranh thủ ngủ chút ít. Trước khi nằm xuống, Ambov chỉ cho chúng tôi một ngọn đồi không lớn lắm đang in hình mờ mờ trên nền sa mạc bằng phẳng, cách chúng tôi gần tám dặm. Từ xa trông nó như một tổ kiến, và vừa nằm thiếp ngủ, tôi vừa tự hỏi mình không hiểu đó là cái gì. Trăng lên. Chúng tôi đứng dậy đi tiếp, hoàn toàn kiệt sức vì nóng và khát. Ai chưa trải qua những thử thách này, khó mà hình dung nổi cả sự gian khổ của chúng tôi lẫn những gì chúng tôi đã trải qua ngày hôm ấy. Không phải chúng tôi đi, mà lảo đảo bên này sang bên kia, chốc chốc lại ngã xuống vì kiệt sức. Cứ đi được một giờ, hầu như lần nào chúng tôi cũng phải ngồi xuống nghỉ. Thậm chí chẳng còn đủ sức để nói chuyện. Trước đấy thuyền trưởng Huđơ bao giờ cũng nói, đùa vui vẻ, vì ông ta là người rất vui tính, thế mà bây giờ tính ấy của ông ta cũng biến đâu mất.
Cuối cùng, gần hai giờ sáng, hoàn toàn rã rời cả về thể xác lẫn tinh thần, chúng tôi đến được chân của một đồi cát kì dị, mà ngay từ lúc mới nhìn chúng tôi đã thấy giống một chiếc tổ kiến. Nó cao khoảng ba mươi mét và chiếm một diện tích gần một nghìn mét vuông.
Chúng tôi dừng lại ở đây, và bị cơn khát khủng khiếp dày vò, chúng tôi đã uống cạn đến giọt cuối cùng số nước còn lại. Thế mà mỗi người cũng chỉ được chưa đầy một phần ba lít, trong khi có thể uống hết cả thùng.
Sau đó chúng tôi lại nằm xuống, và khi đã thiếp ngủ, tôi chợt nghe Ambov lẩm bẩm nói một mình bằng tiếng Dulux:
- Nếu ngày mai không tìm thấy nước, tất cả chúng ta sẽ chết trước lúc trăng lên.
Mặc dù trời rất nóng, tôi đã run lên. Không thể nói rằng dễ chịu khi nghĩ về khả năng có thể chết một cách khủng khiếp như thế. Nhưng thậm chí cả ý nghĩ ấy cũng không ngăn được tôi ngủ thiếp lúc nào không biết.