Henri Haggard
MẤY LỜI NÓI ĐẦU
Tác giả: Henri Haggard
Lúc này, khi cuốn sách đã in xong và sắp sửa được tung đi khắp thế giới, tôi càng thấy rõ các khuyết điểm của nó, cả về văn phong lẫn nội dung. Về phần nội dung, tôi chỉ có thể nói rằng cuốn sách của tôi hoàn toàn không có ý định trở thành một cuốn sử ghi chép đầy đủ hết tất cả những gì chúng tôi đã thấy và đã làm. Tôi rất muốn dừng lại để nói kĩ hơn về nhiều việc liên quan đến cuộc du hành của chúng tôi tới Đất nước Cucuan mà trong sách tôi chỉ mới nhắc qua, chẳng hạn như về các truyền thuyết mà tôi thu thập được, về những chiếc áo giáp đã giúp chúng tôi thoát chết trong trận chiến đấu vĩ đại ở Luu, cũng như về các Thần Im Lặng, hay về các bức tượng gần cửa hang động thạch nhũ. Nếu được tùy thích, tôi sẽ kể tỉ mỉ hơn nhiều về sự khác nhau giữa hai thổ ngữ Dulux và Cucuan là điều đáng để suy nghĩ một cách nghiêm túc, hoặc tôi có thể dành hẳn mấy trang liền để viết về động, thực vật của đất nước kì diệu này. Có một đề tài vô cùng thú vị mà rất tiếc tôi chỉ lướt qua trong cuốn sách này: đó là hệ thống tổ chức quân sự tài tình ở đấy, mà theo ý tôi và vượt xa hệ thống tổ chức quân sự của vua Chaca Vua của bộ tộc Dunx sống vào đầu thế kỷ XIX. ở Đất nước Đulux. Nó cho phép huy động một cách nhanh chóng tất cả quân đội, và cũng không cần áp dụng luật bắt buộc cấm lấy vợ rất không được lòng các binh sĩ Vua Cha-ca cấm các binh sĩ của mình không được lấy vợ. Chỉ những ai đã giải ngũ mới được lấy vợ và số lượng vợ được phép lấy phụ thuộc vào số kẻ thù anh ta đã giết khi tại ngũ. Và cuối cùng là tôi chỉ mới nói sơ sài về các phong tục tập quán gia đình của người Cucuan (nhiều trong số các phong tục ấy thật liù thú), cũng như về nghệ thuật luyện và rèn kim loại của họ. Nghệ thuật này đã được họ nâng đến mức hoàn thiện, bằng chứng hùng hồn là những con dao chiến đấu to nặng với những lưỡi dao bằng một thứ kim loại tuyệt diệu được rèn dũa một cách hết sức khéo léo.
Sau khi tham khảo ý kiến của ngài Henri Curơtix và thuyền trưởng Huđơ, tôi quyết định sử dụng một thứ ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, để kể về các chuyện phiêu lưu li kì nhất của chúng tôi, còn về tất cả các chuyện khác sẽ để dành một dịp nào đó sau này, tất nhiên nếu điều ấy được hoan nghênh và thực sự cần thiết. Tôi cũng sẽ lấy làm vui mừng được chia sẻ tất cả những gì tôi biết với bất kì ai quan tâm tới chúng.
Bây giờ chỉ còn lại một việc là yêu cầu bạn đọc hãy thứ lỗi và bỏ qua cho cái văn phong vụng về, không chải chuốt của tôi. Để tự bào chữa, tôi chỉ có thể nói rằng tôi quen cầm vũ khí hơn cầm bút, và vì vậy không thể và không dám mơ tới cái bay bổng tuyệt mĩ của câu từ và cách hành văn bóng bẩy của các cuốn tiểu thuyết mà thỉnh thoảng tôi vẫn thích đọc.
Có lẽ sự tuyệt mĩ và bóng bẩy ấy là cần thiết nhưng rất tiếc tôi hoàn toàn không thể đạt tới điều đó.
Nhưng theo tôi, các cuốn sách được viết bằng ngôn ngữ bình thường, giản dị, thường gây được ấn tượng mạnh và dễ hiểu. Tuy nhiên, một người như tôi chắc không nên phát biểu thành lời ý kiến của mình về vấn đề này. Người Cucuan có câu tục ngữ: “Mũi giáo sắc không cần mài”. Trên cơ sở ấy, tôi mạnh dạn hy vọng rằng một câu chuyện có thật, cho dù có lạ lùng đến đâu, cũng không cần phải trang điểm bằng các từ cao siêu bóng bẩy.
ALAN QUOTECMEN