Chương 37
Tác giả: Henryk Sienkiewicz
Tuy vậy cũng phải mấy ngày sau cuộc trò chuyện ấy bọn trẻ mới lên đường được. Chúng khởi hành vào sáu giờ sáng, cùng lúc với rạng đông, sau một lúc cầu nguyện, trong đó chúng thành khẩncầu xin Đức Chúa. Xtas cưỡi ngựa dẫn đầu, chỉ có Xaba là chạy phía trước nó. Sau Xtas là con King bước đi đĩnh đạc, tai ve vẩy, mang trên cái lưng đồ sộ của mình cái bành bằng vải, trong bành là Nen cùng với Mêa. Tiếp đó là lũ ngựa của ông Linđe bước thành một hàng, được nối với nhau bằng dây thừng làm bằng sợi dừa, chở các thứ đồ vật khác nhau, còn chú bé Nasibu đi cuối đoàn, cưỡi lên con lừa cũng đen như chú.
Vì đang buổi sáng sớm nên cái nóng bức chưa căng thẳng mấy, tuy ngày hôm ấy đẹp trời, và phía sau rặng núi Caramôiô mặt trời rực rỡ nhô lên, không bị một đám mây nào che cả. Hơi gió đông làm dịu bớt cái nóng của những tia mặt trời. Chốc chốc lại nổi lên một đợt gió khá mạnh khiến cho cỏ bị rạp xuống và cả rừng dậy sóng như biển. Sau những trận mưa to, mọi loài thảo mộc lên xanh tốt, nên ở những chỗ thấp, không những chỉ có lũ ngựa hoàn toàn ngập trong cỏ mà thậm chí cả con King nữa, khiến cho người ta chỉ có thể trông thấy cái bành màu trắng nhấp nhô trên đầu cỏ xanh non, di động lên phía trước như một con tàu trên mặt hồ.
Sau một giờ đi đường trên một vùng hơi cao khô ráo, nhô lên ở phía đông núi Linđe, bọn trẻ gặp những cây cúc gai khổng lồ(1), có thân to như cây gỗ, hoa lớn như đầu người. Trên một số sườn đồi mà trông xa cứ ngỡ đồi trọc chúng thấy những cây hoa thạch thảo cao tới tám mét(2). Những loài cây khác-ở châu Âu được xếp vào loài cây nhỏ bé nhất - thìở đây cũng có tầm vóc sánh ngang với cây cúc gai hoặc thạch thảo, còn những cây thân gỗ đơn độc mọc trên cánh rừng, trông cứ như những cái nhà thờ vậy. Đặc biệt là những cây họ sung, được gọi là đarô, có những cành khi chạm vào đất liền biến thành những chiếc thân cây mới, lấn chiếm một khoảng đất rộng lớn đến nỗi một cây như thế làm thành cả một lùm riêng biệt vậy.
Trông xa, vùng này cứ như một khu rừng liên tục nhưng đến gần thì hóa ra những cây lớn mọc cách nhau, chừng mươi hay vài chục bước chân. Phía Bắc chỉ thấy rất ít cây to, vùng đó mang đặc điểm thảo nguyên núi được bao phủ bởi một khu rừng bằng phẳng, trên đó chỉ có những cây xiêm gai, hình cái ô nhô lên mà thôi. Cỏ ở đó xanh thẳm hơn, thấp hơn và rõ ràng là thức ăn tốt hơn cho súc vật, vì Nen ngồi trên bành voi cũng như Xtas khi đi lên những gò cao đều trông thấy những đàn linh dương đông đảo mà chúng chưa từng trông thấy baogiờ. Đôi khi, chúng gặm cỏ riêng từng loại, đôi khi lại chen lẫn nhiều loại với nhau: linh dương gơnu, puphu, arien, sơn dương, bò, linh dương sừng móc và những con cuđu to lớn. Không thiếu mặt cả ngựa vằn và hươu cao cổ. Trông thấy đoàn người, cả đàn ngừng ăn cỏ, ngẩng đầu và vểnh tai lên nhìn cái bành trắng, vẻ vô cùng kinh ngạc, rồi ù té chạy trong một chớp mắt. Nhưng chỉ chạy được vài trăm bước chân, chúng lại dừng lại, ngoảnh nhìn cái vật lạ lùng, rồi sau khi đã hết tò mò, chúng lại tiếp tục bình thản gặm cỏ. Thỉnh thoảng một con tê giác bật lên ngay trước gần đoàn người, trong tiếng động ầm ầm và dữ tợn nhưng trái với bản chất nóng nảy và sẵn sàng tấn công tất cả những gì lọt vào mắt nó, nó chạy thục mạng khi trông thấy King, và chỉ có mệnh lệnh của Xtas mới khiến con voi dừng lại không đuổi theo.
Voi Phi châu căm thù tê giác, nếu như chúng tìm thấy dấu vết còn mới của con vật này, bao giờ cũng lấy hết sức lao theo cho tới khi tìm thấy đối thủ và đấu sức với nó; trong những cuộc chiến đấu đó, kẻ thất bại bao giờ cũng là tê giác. Con King, hẳn là đã thuần và quen xem Xtas như người chỉ huy của mình, nên chỉ cần nghe tiế ng cậu bé và nhận thấy cặp mắt nhìn nghiêm khắc của cậu, là con voi vội hạ cái vòi đã giơ cao xuống, cụp tai lại và bước đi tiếp. Bản thân Xtas cũng muốn được trông thấy cuộc chiến đấu giữa hai con vật khổng lồ nọ, nhưng nó lo cho Nen. Nếu như con voi chạy nước đại, cái bành có thể đứt tung mất, hay tệ hơn, con vật khổng lồ có thể làm nó vướng vào một cành cây nào đó, khi ấy mạng sống của Nen sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Qua những sách mô tả việc đi săn đọc hồi còn ở Port Xaiđơ, Xtas được biết rằng nhữngngười săn hổ ở Ấn Độ không sợ hổ bằng sợ voi vội vã hay mải săn đuổi làm bành vướng vào cây. Và cuối cùng nữ a, bản thân cái nước đại của “chàng” khổng lồ này khó chịu đến nỗi không ai có thể chịu đựng được lâu mà không hại tới sức khỏe.
Tuy nhiên, mặt khác, sự có mặt của con King cũng xua đi nhiều nỗi nguy hiểm. Những con trâu rừng dữ tợn và hung hăng mà bọn trẻ gặp trong ngày hôm ấy, lúc chúng đang đi tới một cái hồ nhỏ, nơi các loài thú trong vùng tụ tập lại buổi chiều, cũng bỏ chạy khi trông thấy con voi, và vòng suốt bờ hồ để sang phía bên kia uống nước. Ban đêm, bị buộc một chân sau vào cây, King canh giữ cái lều mà Nen đang ngủ, đó là một người lính canh tin cậy đến nỗi tuy Xtas vẫn bảo đốt lửa nhưng em coi việc vây hàng rào gai quanh trại là không cần thiết, mặc dù em biết rằng trong một vùng có những đàn linh dương đông đúc như vậy sinh sống, thì không thiếu mặt sư tử. Ngay trong đêm hôm ấy, mấy con sư tử gầm thét trong khóm cây cảm lảm to lớn mọc trên sườn núi(3). Mặc dù có ánh lửa chiếu sáng, nhưng lũ sư tử, bị hấp dẫn bởi mùi ngựa, vẫn tiến gần lại phía trại; song tới khi con King bị quấy rầy bởi tiếng rống của chúng, khi trong đêm thanh vắng đột nhiên vang lên như tiếng sấm động giọng “baritus” kinh khủng của nó(4) - thì lũ sư tử liền câm bặt, hẳn là chúng hiểu rằng không nên cố tiếp xúc gần gũi hơn với loại “nhân vật” như thế làm chi! Bọn trẻ ngủ ngon trong phần còn lại của đêm và mãi đến sáng chúng mới lên đường đi tiếp.
Song đối với Xtas lại bắt đầu những lo lắng và suy nghĩ mới.
Trước nhất em hiểu rằng cả đoàn đi rất chậm và không thể đi được quá mười cây số mỗi ngày. Theo tốc độ này thì mất một tháng cũng tới được biên giới Abixinia, nhưng vì Xtas đã quyết định là trong mọi chuyện sẽ hành động theo lời khuyên của ông Linđe, mà ông Linđe lại khẳng định một cách quả quyết rằng bọn trẻ không thể nào vượt sang Abixinia nổi, nên chỉ còn lại con đường đi đến đại dương mà thôi. Song theo tính toán của người Thuỵ Sĩ ấy thì chúng còn cách đại dương khoảng trên nghìn kilômét nữa - đó là tính theo đường chim bay, chứ thực ra thành phố Mombaxa nằm lệch về phía Nam còn xa hơn nữa thế có nghĩa là cả cuộc hành trình phải kéo dài mất ba tháng. Xtas lo sợ nghĩ rằng, đó là ba tháng trời khốn khổ, mệt nhọc và nguy hiểm về phương diện những bộ lạc da đen mà bọn trẻ có thể sẽ phải chạm trán. Chúng hiện vẫn đang đi trong vùng trắng đã bị dịch đậu mùa và tin tức về những chuyến tảo thanh của bọn phiến loạn khiến cho dân chúng bạt đi, nhưng nói chung châu Phi vốn đông người sinh sống, nên trước hay sau gì chúng cũng sẽ đi vào rừng có những bộ lạc xa lạ cư trú, những bộ lạc này thường bị thống trị bởi những vị tiểu vương hoang dã và độc ác. Thật không phải là một chuyện đơn giản để có thể giữ được mạng sống và tự do khi trải qua những cái lò lửa như vậy.
Xtas chỉ tính đơn giản rằng, nếu như bọn trẻ gặp trúng người Vahima thì chúng sẽ huấn luyện cho khoảng vài mươi chiến sĩ của dân tộc này biết bắn súng, rồi dùng những phần thưởng lớn hứa với họ để họ đồng ý tháp tùng hai đứa tới tận đại dương. Song Cali không hề biết những bộ lạc người Vahima hiện sinh sống nơi đâu, còn ông Linđe có nghe chút ít về họ nhưng cũng không thể chỉ đường đi đến với họ, cũng không chỉ được chính xác vùng họ đang cưtrú. Ông Linđe có nhắc đến một cái hồ lớn nào đó mà ông được nghe nói tới, Cali thì cam đoan rằng người Vahima sinh sống trên một bờ của cái hồ đó, được gọi tên là Baxxa Narốc, còn người Xamburu thì sinh sống ở bờ hồ phía bên kia. Xtas lo ngại chính vì rằng, môn địa lí châu Phi mà em được dạy rất kĩ trong trường học ở Port Xaiđơ không hề nói tới cái hồ có tên như thế. Giá như chỉ có mỗi mình thằng bé Cali nói với em về chuyện đó, thì hẳn là em sẽ cho rằng đó là hồ Vichtoria Nianza, nhưng về chuyện đó thì ông Linđe không thể nào nhầm lẫn được, vì chính ông đã từ hồ Vichtoria đi lên phía Bắc, dọc theo rặng núi Caramôiô, và qua những tin tức thu thập được của thổ dân trong dãy núi này, ông đã đi đến kết luận rằng cái hồ bí ẩn nọ nằm xahơn nữa về phía Đông và phía Bắc. Xtas không biết nghĩ về tất cả những chuyện đó thế nào, nhưng em e rằng sẽ không gặp được cả cái hồ đó lẫn người Vahima, em còn lo sợ cả những bộ lạc dã man, sợ những vùng rừng hoang thiếu nước, những dãy núi không thể băng qua, sợ ruồi tsetse sẽ giết chết súc vật, sợ bệnh ngủ, sợ bệnh sốt rét cho Nen, sợ cái nóng bức và sợ những vùng đất mênh mông đang chia cách chúng với đại dương.
Nhưng sau khi rời khỏ i núi Linđe không còn con đường nào khác ngoài việc tiến lên phía trước, cứtiến mãi, tiến mãi về phía Đông. Ông Linđe có nói rằng đó là một cuộc hành trình vượt quá sức người thám hiểm nhiều nghị lực và giàu kinh nghiệm, song Xtas cũng đã thu được rất nhiều kinh nghiệm, còn nếu về nghị lực, thì vì Nen em quyết sẽ khai thác triệt để bản thân mình. Lúc này cần phải tiết kiệm sức lực cho cô bé, nên em quyết định chỉ đi từ sáu giờ sáng tới mười giờ trưa, còn giai đoạn thứ hai từ ba giờ tới sáu giờ chiều, nghĩa là tới khi mặt trời lặn, chỉ tiến hành khi nào chỗ nghỉ chân thứ nhất không có nước mà thôi.
Lúc này, vì trong mùa mưa dầm, nên mọi nơi đều có nước.
Những chiếc hồ do nước mưa đọng trong cá c lòng thung hãy còn rất đầy, từ trên núi thỉnh thoảng lại có những dòng suối nước trong như pha lê và mát lạnh chảy xuống, tắm trong những dòng suối đó vừa tuyệt diệu vừa an toàn vì lũ cá sấu chỉ sinh sống ở những vùng nước lớn, nơi không thiếu cá là thức ăn chính cho chúng.
Tuy nhiên, Xtas không cho phép cô bé uống nước lã, mặc dù em được thừa hưởng của ông Linđe một bình lọc rất tốt mà hoạt động của bình bao giờ cũng khiến cho Cali và Mêa ngạc nhiên. Khi nhìn thấy cái bình lọc nhúng vào nước đục ngầu nhưng lại chỉ cho chảy vào bình chứa thứ nước trong vắt thì cả hai lăn ra cười, đập đập tay vào đầu gối tỏ ý kinh ngạc và vui sướng.
Nói chung, ban đầu, chuyến đi khá thuận lợi.Được thừa hưởng của ông Linđe rất nhiều thức ăn dự trữ: cà phê, chè, đường, viên canh, nhiều loại đồ hộp khác nhau và đủ loại thuốc, Xtas không cần phải tiết kiệm đạn, vì đạn có nhiều hơn số mà bọn trẻ có khả năng mang theo. Chúng không thiếu những vật dụng đủ mọi loại khác, nhiều cỡ súng khác nhau và đạn pháo hiệu, thứ đạn mà trong những cuộc chạm trán với người da đen có thể rất có tác dụng. Vùng đất này mầu mỡ, đầy các giống thú rừng, nghĩa là không thiếu thịt tươi. Hoa quả cũng thế. Thảng hoặc, ở những vùng trũng, bọn trẻ gặp phải bùn lầy, nhưng bùn lầy hãy còn bị nước bao phủ nên không làm ô nhiễm không khí bằng những mùi hôi thối khó chịu. Trên cao nguyên không hề có giống muỗi truyền bệnh sốt rét cho máu người. Từ mười giờ sáng trở đi, trời nóng nực rất khó chịu, nhưng trong những giờ được mệnh danh là “giờ trắng” ấy, những người bộ hành nhỏ bé của chúng ta dừng chân dưới bóng mát của những cây gỗ to, không một tia nắng mặt trời nào lọt nổi qua tán lá của chúng. Sức lực của Nen, Xtas và bọn trẻ da đen vẫn đang rất dồi dào.
-----------.
1 Echinops giganteus, thường mọc ở vùng này, và thường rất tốt ở vùng nam Abixynia (theo Slisee Reclus: Địa dư - Chú thích của tác giả).
2 Theo Slisée Reclus. (Chú thích của tác giả).
3 Cây cảm lảm ở Abixinia và trong núi Caramôiô có thể cao tới năm mươi mét. Theo Slisée Reclus (chú thích của tác giả).
4 Người La Mã gọi những tiếng hát hay tiếng thét xung trận của các quân đoàn và của người Giécman, cũng như tiếng voi rống bằng tên gọi này.