Chương 11
Tác giả: Hồ Biểu Chánh
Hoàng-Tử: đáp: “Được phép tham-dự, tôi mới thấy rõ tài-trí của quan Chưởng-Dinh và quan Trưởng Tham-Mưu và mới biết hào-khí của Đông-Sơn tướng-sĩ. Vậy tôi xin quan Chưởng-Dinh chuyển đạt cho các tướng-sĩ tấm lòng kỉnh-ái chơn-thành của tôi. Tôi tin chắc tình đoàn-kết chặt-chẽ của chúng ta đến cảnh vinh quang đặng lớn nhỏ chung vui cộng hưởng”.
Võ-Nhàn dẫn hai phó-tướng với cả ngàn binh Tây-Sơn về thành mà nạp.
Thanh-Nhân ra lịnh đem giam hết vào ngục rồi sẽ hỏi lại nếu ai chịu đầu hàng thì cho nhập ngũ sung quân, còn ai nghịch ý thi sẽ chém hết.
Sau cuộc chiến-thắng vẻ-vang, Thanh-Nhân ra lịnh chư tướng-sĩ nghỉ-ngơi hai ngày và xuất tiền kho mua trâu bò khao quân. Lê-Văn-Quân phái Trần-Hạo trở về Phan-Yên báo tin đã khắc-phục được Biên-Trấn xong rồi, có giải về 800 tù-hinh bắt được dọc đường và tại Biên-Thành. Tổng-Đốc Châu chạy ngã lào không biết, vì không gặp được.
Thanh-Nhân dạy giam tù binh chung với tù trước. Kiểm điểm binh Đông-Sơn lại thì bị thương lối 50 người, còn chết có 8 người. Thế thì binh Đông-Sơn còn tại thành được một ngàn rưỡi không kể 100 binh của anh em họ Tống.
Minh-Giám sai người về Ba Giồng báo tin thắng trận cho các chủ xóm hay và dạy Đỗ Nương-nương gởi thêm 200 binh nữa, vì Ba Giồng bây giờ khỏi phòng thủ, để hờ 50 quân giữ các đồn là đủ.
Thanh-Nhân điểm một ngàn nghĩa-binh Đông-Sơn giao cho Nguyễn-Lượng với Trần-Hạo để lên Biên-Trấn tiếp thêm cho Lê-Văn-Quân 500. Cộng số binh cũ và mới là 2.000. Lê-Văn-Quân làm chánh tướng và Trần-Hạo làm phó tướng dắt 2.000 binh đó ra đánh Bình-Thuận liền. Với 500 binh còn lại Nguyễn-Lượng điều-khiển ở giữ Biên-Trấn. Háo-Nghĩa được lịnh phải chở gạo ra Lưới-Rê và Cù-My đặng tiếp lương-thực cho đạo binh Lê-Văn-Quân. Nguyễn-Văn-Hoằng xin cho theo đạo binh Lê-Văn-Quân ra đánh giặc đàng ngoài đặng lập công. Thanh-Nhân hỏi ý Đại Nguyên-Soái thì ngài chấp thuận liền.
Trong thành bây giờ chỉ còn có 500 binh Đông-Sơn với 100 binh của họ Tống. Chừng đỗ Nương-nương gởi lên thêm 200 nữa thì cộng có 800. Thanh-Nhân với Minh-Giám thấy binh còn ít quá thì lo-ngại, nếu Tây-Sơn trở vô đánh báo thù thì không có lực-lượng mà chống cự. Hai Người vào bẩm tình-thế ấy cho Hoàng-Tử ánh hay và yêu cầu ngài dạy các quan Hộ-giá mau mau đặt quan cai-trị các nơi đặng mộ binh thêm cho nhiều mà giữ thành-trì và nạp lúa gạo để nuôi quân-đội đầy đủ.
Võ-Nhàn lãnh xem-xét tù-binh xong rồi lên phúc-trình cho Thanh-Nhân hay cả thảy tù binh 1.800 người đều yêu cầu cho qui-hàng và tình-nguyện xin nhập ngũ theo binh Đông-Sơn mà đánh giặc.
Thanh-Nhân ghét thói phản cựu nghinh tân, nhưng vì đương cần dùng người nên phải nhận số binh nầy để trà trộn với binh Đông-Sơn mà dùng đỡ.
Võ-Nhàn lại cho hay Tây-Sơn chạy bỏ lại có 8 chiếc thuyền lớn, 5 chiếc thuyền nhỏ, lớn hay nhỏ đều còn dùng được. Thanh-Nhân dạy Võ-Nhàn cho người giữ-gìn các thuyền ấy và cắt binh trấn mấy đồn ngoài Nhà Bè cho nghiêm-nhặt. Ông lại dạy phải gởi 200 binh mới hàng đầu lên Biên-Trấn cho Nguyễn-Lượng xử-dụng và bắt về 200 binh Đông-Sơn để thế ở Phan-Trấn.
Một bữa Hoàng-Tử Ánh thôi-thúc ba quan Hộ-giá phải viết tờ dạy gắt các trấn mộ binh cho gắp và cho nhiều mà nạp cho quan Chưởng-Dinh.
Hà-Khâm với Trương-Hậu thỏ thẻ nói vởi Hoàng-Tử rằng Thanh-Nhân là người xảo-trá lại ngang-tàng, hứa khắc-phục thành Phan-Yên đặng tôn Hoàng-Tử lên ngôi chúa mà làm được chuyện rồi thì không thèm nói tới. Còn binh đã có sẵn lại tự-chuyên sai đi bậy bạ hết, không thèm cho Đại Nguyên-Soái hay. Bây giờ biểu phải mộ binh thêm cho gắp thì làm sao có gắp cho được. Mấy bữa rày lại còn thâu nhận l.800 tù binh Tây-Sơn cho làm linh hết. Làm sao mà dám tin bọn đó được. Nuôi ong tay áo, chẳng khỏi mang họa chung.
Hồ-Văn-Lân nghe hai ông bạn kiếm lời châm-chích như vậy thì giận quá, lại thấy Hoàng-Tử điềm-nhiên, không lấy lẽ phải mà cãi thì ông ta mới nói: “Hai ông muốn xúi Hoàng-Tử làm Tân-Chánh Vương nữa hay sao mà kiếm chuyện nói như vậy ? Thành tuy lấy được rồi, nhưng công việc còn bận-rộn, đã yên đâu mà tôn vương ? Cắt binh chiếm Biên-Trấn và đánh Bình-Thuận mà chận đường Tây-Sơn, sao lại gọi sai đi bậy bạ ? Biểu mình lo mộ binh cho gấp, mình cứ giải-đãi, người ta phải dùng đỡ tù binh, sao lại trách người ta ? Mình bất tài không cựa quậy được, thì nhờ người ta làm cho, sao lại xoi-bói làm cho nghi-kỵ đặng có chia rẽ nữa? Minh cầu người ta, chớ phải người ta cầu mình đâu mà bắt lỗi bắt phải. Nên bỏ thói đố-kỵ đi các ông ơi. Đã khỏi chết một lần rồi, không nhớ hay sao ?”.
Hoàng-Tử cười.
Hà-Khâm với Trương-Hậu giận đỏ mặt. Tuy giận Hồ-Văn-Lân nghịch ý, song cũng sợ Tây-Sơn vào rồi phải chạy chết như mấy năm kia. Tuy ghét Thanh-Nhân quyền lớn chức cao, song cũng mong nhờ cậy người gỡ nguy đỡ khổ. Bởi vậy hai quan Hộ-giá nầy phải rán ngậm hờn đè oán mà lo mộ tướng-sĩ góp lương tiền.
Thanh-Nhân thấy huấn-lịnh của Đại Nguyên-Soái không được quan làng thi-hành sốt-sắng, mới xin Hoàng-Tử sai Hà-Khâm với Trương-Hậu phân nhau đi khắp xóm khắp làng mà khuyên nhủ thần dân phải vì đất nước ra làm nghĩa-vụ. Hai lão nầy quen lười biếng, muốn mang chức lớn chớ không muốn cực thân, lại cũng quen nhút-nhát, sợ đông sợ tây, không dám ló ra khỏi cửa. Hai lão mới xin Hoàng-Tử sai Tống-Phước-Khuông với Tống-Phước-Lương đi thế, viện lẽ rằng hai cậu nầy miêu-duệ của quan Lưu-Thú Tống-Phước-Hiệp, nên ra ngoài mà nói chuyện chắc được người ta vừa lòng hơn, chớ hai lão tuy là đại-thần của Triều-đình, song ở đất mới người lạ, sợ nhơn-tâm không tùng-phục.
Thiệt quả hai anh em họ Tống phân nhau đi khuyến-khích trong ít ngày thì thấy có hiệu quả rõ-ràng. Mỗi tháng đều có hai ba trăm người ra xin đầu quân, lại cũng có lúa gạo chở nạp vào thành đều đều để cung-cấp quân-nhu.
Thanh-Nhân với Minh-Giám lấy làm hài lòng, hết lo thiếu binh nữa. Hễ có binh mới thì giao cho Võ-Nhàn chăm-nom luyện tập. Trong 6 tháng thì binh số đã thêrn được vài ngàn. Thanh-Nhân bèn lập thêm một đồn lớn tại cửa Cần-Giờ, cắt 200 quân cung nỏ ở phòng thủ, lại có cho thuyền lớn, thuyền nhỏ đậu sẵn để ngăn ngừa đắc lực và báo tin mau lẹ.
May cuộc phòng-thủ tổ-chức vừa xong thì có tin cho hay một đoàn thuyền chừng vài chục chiếc ở ngoài khơi nhắm cửa Cần-Giờ trương buồm chạy vào.
Có tin quan-hệ như vậy, Hoàng-Tử Ánh lo-ngại, nhưng Thanh-Nhân với Minh-Giám vẫn bình tĩnh như thường. Lập tức sai người đi báo tin cho Nguyễn-Lượng ở Biên-Trấn hay và dạy phải chống giữ phía Mô-Xoài cho gắt. Giao cho Võ-Nhàn thủ-thành Phan-Yên và bảo-hộ Hoàng-Tử với số một ngàn binh Đông-Sơn cũ và l.600 binh Tây-Sơn hàng đầu, có hai anh em họ Tống ở lại tiếp sức. Thanh-Nhân điểm 2.000 binh mới chở xuống thuyền rồi cùng Minh-Giám với các bộ tướng chỉ-huy quyết ra Cần-Giờ tử-chiến với giặc cho Nguyện-Huệ biết mặt Đông-Sơn hùng-dõng.
Hồ-Văn-Lân thấy trong thành đã có Võ-Nhàn với anh em họ Tống bèn xin theo trợ-chiến với Thanh-Nhân cho rõ nghĩa đồng ưu cộng lạc.
Thanh-Nhân, Minh-Giám với Hồ-Văn-Lân, mỗi người chỉ huy một chiếc thuyền lớn đi hàng đầu; Minh.Giám đi giữa có hai võ-tưởng Cao-Liêm với Lý-Thiện theo hộ-vệ mạnh-mẽ.
Đoàn chiến-thuyền ra tới cửa Cần-Giờ, Minh-Giám thấy trên đồn quân đương dùng cung tên mà ngăn cản không cho giặc vào cửa, nhưng giặc chia năm thuyền chuyên đánh đồn, còn mười mấy thuyền thì cứ xông tới mà vào mạnh-mẽ. Thanh-Nhân truyền lịnh các thuyền đầu phải day ngang để gài mặt trận chận giặc mà đánh.
Nước ròng được nửa sông, giọt nước tuôn ra rất mạnh, đưa đoàn thuyền Đông-Sơn xáp trận rất mau. Chiếc thuyền của Minh-Giám đi giữa, nhờ giọt nước đạp mạnh nên xáp trước với một thuyền giặc. Minh-Giám đứng trên mui đốc quân hỗn chiến. Hai tướng Cao-Liêm với Lý-Thiện nỗ-lực tranh-đấu, cầm đao nhảy qua thuyền giặc mà chém giết.
Thanh-Nhân với Hồ-Văn-Lân đi hai bên cũng đốc quân xông vào giữa đoàn thuyền Tây-Sơn gặp đâu đánh đó, tiếng binh la inh-ỏi, tiếng trống đánh vang vầy, máu nhuộm đỏ vàm sông, thây lênh-nghênh trên mặt nước. Giữa lúc hỗn-độn, Thanh-Nhân dòm thì chiếc thuyền của Minh-Giám đi, hai thuyền giặc xáp lại hai bên mà đánh. Cao-Liêm với Lý-Thiện chận cản hai bên dường như đuối sức, Minh-Giám đứng giũa thuyền vẫn la hét chỉ-huy.
Thanh-Nhân sợ Minh-Giám bị nguy khổn, lật đật xáp lại trợ-chiến. Lúc gần tới, Thanh-Nhân thấy một tướng giặc cầm đại đao nhảy qua thuyền Minh-Giám. Thanh-Nhân hét một tiếng lớn mà nhảy vọt theo, nhưng làm không kịp nên Minh-Giám phải bị tướng giặc chặt một đao rồi nó mới bị Thanh-Nhân đâm chết.
Cao-Liêm với Lý-Thiện thấy có Chưởng-Dinh tiếp chiến thì chống-cự thêm mạnh-mẽ. Binh giặc thấy tướng lãnh của mình đã bị Thanh-Nhân giết rồi thì mất tiuh-thần, nên dang ra xa mà tránh.
Thanh-Nhân thấy Minh-Giám bị chặt đứt lìa một cánh tay mặt thì ôm Minh-Giám để nằm, nhưng miệng vẫn hô cho Cao-Liêm với L.ý-Thiện cứ tiếp đánh.
Đoàn thuyền Tây-Sơn rời-rã, mỗi chiếc đều bị Đông-Sơn rượt đánh, nên có chiếc bị bắt, có chiếc bị chìm, còn lối mười chiếc tản-lạc, day mũi trở ra khơi mà chạy.
Thanh-Nhân bó sơ vết thương cho Minh-Giám, rồi đứng dậy xem chiến-trường, thấy thuyền giặc tản-mác mà chạy thì day lại cho Minh-Giám hay binh Đông-Sơn toàn thắng.
Minh-Giám tuy bị thương nặng, song nghe nói Đông-Sơn toàn thắng thì vui mừng mà nói: “Đông-Sơn toàn thắng được trận nầy dầu tôi chết tôi cũng mát ruột”.
Thanh-Nhân dạy Cao-Liêm đánh chiêng thâu quân, biểu thuyền trưởng trở lại đồn đặng lập thế cầm máu cho vết thương của Minh-Giám.
Trong thuyền có bắt được vài tên quân Tây-Sơn. Lý-Thiện dắt lại chỗ thây tướng giặc bị Thanh-Nhân đâm chết đó mà hỏi tuớng ấy là ai. Mấy quân giặc tỏ thiệt tướng chết đó là quan Tư-Khấu Oai làm soái cầm binh, có Tổng-Đốc Châu với Hộ-giá Ngạn theo trợ-lực, Thanh-Nhân với Minh-Giám nghe như vậy lấy làm hài lòng vì Tham-Mưu Trưởng của Đông-Sơn bị thương mà giết được Nguyên-Soái của Tây-Sơn thì không lỗ gì lắm.
Thanh-Nhân ghé đồn săn-sóc cho Minh-Giám mà cũng có ý chờ các thuyền gom về đặng xét hỏi coi có bắt được Tổng-Đốc Châu hay Hộ-giá Ngạn hay không.
Chừng đoàn thuyền Đông-Sơn tựu về đồn, Thanh-Nhân dạy tướng kiểm-điểm lại thì Đông-Sơn bị chìm hết một chiếc thuyền nhưng có bắt của giặc hai chiếc. Có vớt được 120 tù binh, nhưng không có Hộ-giá Ngạn với Tổng-Đốc Châu, chắc hai người đó đã lui trước.
Thanh-Nhân dạy Cao-Liêm ngồi thuyền nhỏ về thành báo tin thắng trận. Người đi thuyền lớn với Lý-Tiện hộ-tống Minh-Giám theo sau. Còn các thuyền khác thì ở lại Cần-Giờ với Hồ-Văn-Lân và các tướng lãnh mà ngừa giặc phản công. Phải cho thuyền câu theo dọ-thám như giặc về luôn thì sẽ đem chiến thuyền trở về thành, còn nếu giặc đổ bộ ở Phước-Hải hoặc Lưới Rê đặng đánh Mô-Xoài hay Biên-Trấn thì phải độ binh qua vùng Núi Nứa mà chặn đánh cho tan.
Hoàng-Tử Ánh với Võ-Nhàn cùng anh em họ Tống hay Đông-Sơn đại thắng giết được Tư-Khấu Oai thì mừng rỡ vô cùng. Nhưng nghe Trưởng Tham-Mưu Minh-Giám bị thương nặng thì lo sợ, sai quân đi rước sẵn lương-y đặng chừng bịnh-nhân về tới thì điều trị cho gấp.
Thuyền đi dọc đường, Thanh-Nhân không rời Minh-Giám, cứ ngồi một bên mà chăm nom. Vết thương chảy máu hoài làm cho Minh-Giám mặt xanh sức đuối, coi bộ mệt nhọc lắm.
Minh-Giám nằm ngó Thanh-Nhân một hồi, thấy trong mui vắng-vẻ mới rán mà nói: “Từ ngày tôi được gặp ông bạn, đàm-luận cùng nhau, tôi nhận thấy hai ta tuy niên-kỷ bất đồng, tuy tánh tình khác hẳn, song chúng ta đồng một ý chí, đồng một cang-cường. Vì vậy nên tôi kết bạn cùng ông để nhập cái trí của tôi với cái tài của ông làm một khối, đủ sáng suốt với mạnh-mẽ mà chọc trời vọc nước, xông núi phá rừng, nổi tiếng anh-hùng của đất Gia-Định cho thiên-hạ biết. Tôi rất tiếc tôi nuôi cái tham-vọng như vậy mà trời dường như không cho tham-vọng ấy được thành, nên mới khiến cho lôi bị trọng-thương, sợ không thoát khỏi lưỡi búa của tử thần với quỉ sứ. Tôi biết chắc tôi phải chết vì tuổi già sức yếu mà mất máu nhiều quá không thể gượng nổi. Cái mạng của tôi mà đổi được mạng của vị Tư-Khấu nghĩ cũng không ức gì. Tôi tiếc là tiếc tôi mất rồi không còn ai tá-trợ cho ông bạn vững bước mà đi đến chỗ thành-công rực-rỡ”.
Thanh-Nhân cảm-động nên chảy nước mắt mà nói: “Ông đừng lo sợ. Ông không chết. Vì Trời không muốn cho ông chết, nên trong lúc hỗn-chiến mới khiến cho tôi thấy ông sắp nguy, tôi nhảy qua mà giết Tư-Khấu Oai đặng cứu ông”.
Minh-Giám nói: “Nếu Trời dung cho tôi thì tốt, dầu tôi mất hết một cánh tay cũng không hại gì. Nhưng dầu mất dầu còn, tôi tưởng cũng nên để lại cho ông bạn vài lời tâm-phúc đặng ông bạn ghi nhớ mà xử-sự. Tôi nhắc ông bạn nhớ Hoàng-Tử Ánh là bực niễu-hùng[1] . Trong đời hỗn-độn nầy, tôi thấy người đó có đủ tài đủ trí mà thâu-phục nhơn-tâm và làm vua thiên-hạ. Nhưng người đó tánh nghi-kỵ lại có lòng sâu-sắc, khó lường được. Vậy chừng tôi chết rồi, nếu ông bạn muốn phò Hoàng-Tử Ánh thì phải tận lực tận tâm, phải ẩn-nhẫn thận-trọng cho lắm mới mong được nhứt phẩm công-hầu, vinh-vang từ trong triều ra ngoài trấn. Còn nếu ông bạn liệu muốn tự-chủ, không chịu tùng-phục ai, thì tốt hơn là phân rẽ ngay giờ đi, phân rẽ đặng tự-do mà bay nhảy, chớ nếu không phục-tùng mà gần-gũi, thì tôi e sợ có họa lớn. Đây là lời tâm-phúc của người đồng-chí vì yêu nhau nên phải dặn nhau. Vậy ông bạn chớ nên khinh thường, để hư sự mà phải hối-hận”.
Thanh-Nhân lơ-lửng rồi nói: “Tôi cám ơn ông. Để rồi tôi sẽ liệu. Tôi ước mong cho ông lành mạnh rồi chúng ta sẽ bàn lại với nhau”.
Thuyền về tới bến, có Hoàng-Tử Ánh và các quan, các tướng chực mừng Thanh-Nhân thắng trận và coi cho quân võng[2] Minh-Giám vào thành. Tiếc thay, vừa đặt Minh-Giám nằm êm trên giường thì ông tắt hơi, trước mặt Hoàng-Tử và các quan văn võ.
Hoàng-Tử Ánh với Võ-Nhàn sa nước mắt, thương tiếc người trí sáng mưu cao, tức gãy gánh giữa đường không kịp thấy công thành danh toại. Thanh-Nhân ngơ ngẩn, đứng nhìn bạn trân-trân, không khóc, không than vì đau-đớn quá nên nói không được. Chư-tướng bèn lo hòm rương mà tẩn-liệm. Thanh-Nhân mới quyết định phải chở linh-cữu về giồng Thuộc-Nhiêu mà mai táng.
Liệm và tế rồi mới khiêng linh-cữu xuống để trong một chiếc thuyền, có Cao-Liêm, Lý-Thiện với 20 nghĩa-binh Đông-Sơn đưa về Ba Giồng. Lúc phát-hành có Hoàng-Tử, Thanh-Nhân và các quan, các tướng tề-tựu tống chung. Hai bên đường từ thành xuống bến có binh đội dàn hầu nghiêm chỉnh cho đến thuyền đi rồi mới giải-tán.
Ở Ba Giồng các chủ xóm hay tin thì hiệp nhau lại sắp-đặt cuộc nghinh-tiếp linh-cữu mà tế một lễ cho long trọng rồi mới an-táng.
Đỗ Nương-nương nghe tin ấy, nàng giựt mình chẳng khác nào sét đánh một bên lưng. Nàng nói với mấy ông chủ xóm: “Hồi trước tôi có một ông cha. Cha tôi truyền võ-nghệ cho tôi. Từ ngày có ông Minh-Giám về ở đây, tôi coi như ông cha thứ nhì của tôi vì ông truyền cho tôi biết thêm chiến-lược nữa. Nghĩa binh Đông-Sơn của ta hễ xuất trận thì thắng luôn luôn, phần nhiều là nhờ chiến-lược của ông. Nay Trời khiến ông phải qui thần, không cho ông dìu dắt nghĩa-binh Đông-Sơn nữa. Tôi xin các chú bác lo liệu mà chôn cất ông cho tử-lế đặng vong-linh của ông phưởng-phất trong đất Ba Giồng mà phò-hộ chúng ta. Cha tôi muốn đem ông về an-táng tại Thuộc-Nhiêu là có ý đó”.
Các chủ xóm truyền tin cho nhơn-dân cả Ba Giồng hay. Thuyền đưa linh-cữu của ông Minh-Giám về tới vàm thì sẵn có Đỗ Nương-nương với đội nữ-binh ngồi trên cả chục thuyền nhỏ đón mà nghinh tiếp rồi đi kềm hai ông mà vô rạch. Rước linh-cữu lên để giữa diễn-võ trường có nghĩa-binh dàn hầu hai bên với các chủ xóm và các nhà thân-hào. Nhân dân cả Ba Giồng đứng chung-quanh sân đông nghẹt.
Lễ tế có trâu bò heo. Hai tướng Cao-Liêm với Lý-Thiện thay mặt cho nghĩa-binh Đông-Sơn đứng chánh-tế. Hai tướng vái lạy rồi thì Đỗ Nương-nương dắt nữ-binh vào cúng rồi lần lượt mấy chủ xóm và mấy nhà thân-hào.
Lễ tất rồi, nghĩa-binh mới khiêng linh-cữu đem táng tại đầu giồng phía đông, chỗ đó ngó qua giồng Trấn-Định với giồng Cánh-Én được.
Cao-Liêm với Lý-Thiện trở lên thành Phan-Yên, giao cho mấy chủ xóm giữ mồ.
Mỗi bữa, lúc mặt trời lặn, người ta thấy Đỗ Nương-nương ra mả ông Minh-Giám đốt mà cắm một cây nhang, không sót bữa nào.
[1] niễu: mềm mại như sợi tơ. Niễu-hùng là một anh hùng biết thích ứng với thời cuộc.
[2] võng: phương tiện nghỉ ngơi bằng lưới, cũng dùng làm phương tiện chuyên chở. Võng ở đây được dùng làm động từ. Một số danh từ chỉ phương tiện chuyên chở khác cũng dùng làm động từ vào thời đó: xe, gánh.