watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Đỗ nương nương báo oán-Chương 14 (chương kết) - tác giả Hồ Biểu Chánh Hồ Biểu Chánh

Hồ Biểu Chánh

Chương 14 (chương kết)

Tác giả: Hồ Biểu Chánh

Đỗ Nương-nương mới chỉ-huy đánh một trận đầu đã được toàn thắng, tự-nhiên nàng phấn chí hài lòng. Nàng bảo đem Nguyễn-Lượng về Thuộc-Nhiêu trước để cho binh lính nghỉ sau đợi Võ-Nhàn về rồi hội-hiệp mà lo mưu trả thù trả oán.

Nhờ có lời khai của Trương-Tuấn, bây giờ Đỗ Nương-nương với Nguyễn-Lượng thấy rõ Trương-Hậu mưu ám-sát Thanh-Nhân đặng đoạt tước đoạt quyền, mà vua đã không trị tội Trương-Hậu với Hà-Khâm, lại giao binh quyền cho Trương-Hậu, tức thị cuộc ám-sảt dầu không có vua chủ mưu thì cũng không trái với ý của vua. Chờ đến 6 ngày mới thấy Võ-Nhàn với Cao-Liêm về một lượt, mỗi người có dắt về một thuyền lúa.

Võ-Nhàn với Cao-Liêm hay ở nhà Đỗ Nương-nương chỉ-huy đánh trận Trấn-Định được toàn thắng thì khen ngợi Nương-nương, nói rằng cha hùm sanh con cọp, vậy mới đáng mặt Đông-Sơn thủ-lãnh, vậy mới khỏi hổ với tiếng “vô-địch” của-công-chúng hoan-hô năm trước.

Nương-nương cho mời Nguyễn-Lượng với Háo-Nghĩa nhóm nữa cho đủ mặt rồi nàng nghiêm nghị mà nói: “Được toàn thắng trận Trấn-Định tôi vui lòng thiệt, mà vui chưa rồi thì lòng tôi phát giận nên nóng-nảy như lửa đốt ruột đốt gan, vì bắt được tướng giặc nó khai tôi mới biết chắc những người nào chủ-mưu và bởi duyên-cớ nào mà người ta ám-sát cha lôi. Tôi giận quá nên mấy bữa rày trông lai anh hết sức, không về đặng bàn tính bắt kẻ thù cho tôi khai đao mà tế cha lôi, phải làm cho được tôi mới khỏi lỗi nghĩa sanh-thành dưỡng-dục. Tôi thấy ngày giờ tôi báo oán cho cha tôi đã tới rồi. Vậy phải làm cho gấp đặng khỏi lỡ cơ-hội”.

Nương-nương ngừng mà suy nghĩ. Bốn anh em ngồi nhìn nhau dường như ý muốn hỏi nhau bây giờ phải làm sao.

Nương-nương nói tiếp: “Trên Phan-Yên lương đã hết rồi. Binh lính đương sợ chết đói. Mấy bữa rày thêm Trương-Tuấn về báo tin đại bại nữa. Thế thì hiện giờ quan quân trên Phan-Trấn kinh tâm tán đởm; không còn tinh-thần chiến-đấu gì nữa hết. Mình đem binh lên thình-lình rồi nổi trống lung-tung cũng đủ cho binh tướng sợ rồi bỏ thành mà chạy, mình khỏi đánh, cứ vào kiếm bắt kẻ thù”.

Võ-Nhàn châu mày lộ sắc lo ngại, nên nói:

- Binh của mình ít quá, rủi bên địch chống cự sợ mình khó thắng.

- Đã đành bên địch có binh đông hơn mình nhưng binh họ đã mất linh-thần, lại không tướng chỉ-huy. Trương-Hậu làm Nguyên-Soái đặng có chức có quyền, chớ không dám ra trận. Còn Lý-Thiện tuy không chịu bỏ mà về đây với mình, nhưng anh không nỡ trở mặt đánh với Đông-Sơn. Thế có gì đâu mà sợ.

- Phải sắp-đặt, hễ đánh thì chắc thắng mới nên đánh. Không nên cầu may. Rủi thất bại họ khinh-khi mình, mà binh-sĩ lại mất hăng-hái nữa.

- Theo binh-pháp có hai cách đánh giặc; một cách nhờ binh đông, tướng giỏi mà thắng, còn một cách nhờ gạt-gẫm làm cho bên địch tán-loạn linh-thần mà thắng, dầu binh ít mình cũng thắng được.

Nguyễn-Lượng vừa lắc đầu vừa cười mà nói:

- Làm Soái cầm binh mà hiểu tới như vậy, dầu tướng-sĩ có chết họ cũng mát ruột.

- Ông Minh-Giám thường nói với tôi, ông thích đánh giặc tinh-thần lắm. Dùng tinh-thần mà thắng mới hay. Mấy bữa rày tôi có nghĩ ra một chiến-lược khác dùng linh-thần mà đánh, ăn khỏe lắm. Binh của mình đã gần một ngàn, đủ sức bố trận được.

- Chiến-lược thế nào đâu. Nương-nương nói nghe thử coi.

- Tôi nghe nói hồi cha tôi ở trên Phan-Trấn với mấy anh, ngày đêm cha tôi cứ lo ngại về sự Tây-Sơn đem binh vào đánh. Rất đỗi cha tôi có binh tướng mạnh-mẽ mà còn phải lo sợ thay, huống chi tụi nầy yếu xịu, mà bị họa Tây-Sơn đã chế hụt một lần rồi, nên nghe Tây-Sơn vào chắc chúng nó run lập cập. Tôi tính mình giả làm binh Tây-Sơn vào cho chúng nó sợ bỏ chạy đặng mình chận mà bắt.

- Làm sao mà giả Tây-Sơn cho được ?

- Không khó gì. Binh mình gần một ngàn. Anh Nguyễn-Lượng kiếm vài chục chiếc thuyền, anh chở chừng vài ba trăm binh, để mỗi thuyền ít chục, thừa lúc mới tối anh cho đoàn thuyền vào cửa Cần-Giờ. Thuyền cắm cờ Tây-Sơn, lúc đi qua đồn, binh phải nói chuyện ồn-ào mà giả đông. Trên đồn tưởng binh Tây-Sơn vào thiệt, tự-nhiên phải cho quân báo vào mấy đồn ở phía trong Nhà Bè. Họ báo chuyền trong thành phải hay. Hễ hay có binh Tây-Sơn vào thì mất hồn mất vía, bỏ chạy tán-loạn. Trong lúc ấy anh Võ-Nhàn vời mấy anh khác hiệp cùng tôi đem binh núp chung quanh thành, đợi họ chạy thì lượm hết chớ có gì đâu.

Mấy anh suy nghĩ đồng cho kế ấy thần-diệu, có binh một ngàn cũng đủ thắng, chẳng cần nhiều hơn.

Háo-Nghĩa gọi giặc như vậy là giặc tâm-lý, không chịu gọi là giặc tinh-thần bởi vì do theo tâm-lý của tình-hình mà thủ thắng. Cao-Liêm cãi lại cho giặc tinh-thần là trúng hơn, bởi lấy tinh-thần mà thủ thắng chớ không cần binh số.

Nguyễn-Lượng nói muốn giả hình Tây-Sơn phải có thuyền to, thứ thuyền đi biển vào cửa trên đồn mới lầm chớ đi thuyền nhỏ chúng không tin. Cao-Liêm nói vào cửa ban đêm mà ai biết thuyền nhỏ hay lớn. Mình làm rần-rộ hô Tây-Sơn rùm lên thì họ hết hồn, còn phân thiệt giả gì nữa. Nếu Lượng dụ-dự không chịu giả Tây-Sơn thì Liêm xin thay thế.

Võ-Nhàn nhìn nhận kế đó thật hay, dầu chúng không chạy trước quyết ở lại trong thành mà chống giữ, chừng binh thủy vào bến, rần-rộ cất lên bờ, binh bộ ở trên ứng lên nữa, rồi hư-trương thinh-thế như hai gọng của cái kềm mà công thành thì bên địch khó chống nổi. Ngặt bên mình binh ít, không đủ bố trí chận hết bốn cửa nên sợ kẻ thù trốn chạy khỏi. Cao-Liêm nói: “Bề nào mình cũng đoạt được thành trì”. Võ-Nhàn nói: “Tôi muốn chận bắt cho được hết kẻ thù mà ăn thịt kìa chớ”.

Anh em cãi qua cãi lại như vậy rồi xin Nương-nương huỡn trong vài ngày đặng suy nghĩ mà tổ-chức cho kỹ rồi sẽ thi-hành kế ấy.

Mưu-kế của Đỗ Nương-nương nó hàm súc một chiến-lược huyền-diệu phi-thường, nên nó bắt buộc chư-tướng phải lưu-ý hoài, không thể lãng-xao được. Đêm ấy vì trời không có trăng, nên không ra võ-trưòng ngồi đàm-luận được, chư tướng hội riêng với nhau trong nhà đến nửa đêm rồi mời phân tay đi ngủ.

Vì một mình Đỗ Nương-nương nghỉ sớm, không có dự cuộc hội-đàm của chư-tướng hồi đầu hôm, bởi vậy mới nửa canh năm thì Nương-nương thức giấc, nhưng nằm êm trong phòng, định ngủ luôn cho tới sáng rồi sẽ dậy.

Gà trong xóm bắt đầu gáy thúc, con nầy xướng lên, con nọ ứng tiếp, rồi con kia theo nữa, cứ nối nhau gáy theo thứ-tự gáy hoài không thôi.

Đỗ Nương-nương nằm mơ-màng, nửa mê nửa tỉnh, thình-lình cùng vời tiếng gà gáy xa xa, nàng nghe rõ ràng tiếng cha kêu mà dạy: “Thanh-Xuân dậy con, dậy đặng lo cứu chúa. Giặc Tây-Sơn đương vào cửa Cần-Giờ. Lần nầy chúng nó đem vào tới bốn năm muôn binh lính quét sạch đất nước của ta. Có lẽ chiều mai Chúa sẽ chạy ngang đây nên cha mách bảo cho con hay trước mà tiếp giá”.

Nương-nương ngồi dậy, tuy biết là chiêm-bao, song nhìn nhận là giọng nói của cha và còn nhớ mấy lời cha nói đủ hết.

Trời nổi dông thổi lá cây sau vườn nghe lào-xào rồi hột mưa rúc-rắc đổ trên mái nhà. Nương-nương bưng đèn bước ra nhà khách rồi để đèn ngồi mà tư-lự. Tiếng gà bây giờ gáy thúc nên nghe nhặt hơn. Hột mưa bây giờ đổ xuống nhiều hơn, nên mái nhà có giọt.

Háo-Nghĩa nằm ngủ đằng chái giựt mình thức dậy thấy Nương-nương đương ngồi tại nhà khách mà ngó ngọn đèn thì bước ra nói: “Bữa nay Nương-nương dậy sớm quá”. Đỗ Nương-nương nói có chuyện kỳ-quái và biểu Háo-Nghĩa kêu các tướng dậy hết đặng bàn chiêm-bao.

Háo-Nghĩa vâng lời đi kêu anh em tựu ra nhà khách đủ mặt.

Nương-nương mời ngồi rồi đọc y mấy câu nàng nghe trong giấc mộng không sai sót một tiếng, lại nói quả-quyết nghe giọng nói của Đỗ Tướng-Công rõ-ràng.

Võ-Nhàn có ý không tin lời chiêm-bao, nói rằng tại Nương-nương mích lòng oán-hận những người chủ mưu ám-hại cha, rồi han ngày bày kế giả binh Tây-Sơn vào cửa Cần-Giờ nên đêm khuya mới chiêm-bao thấy binh Tây-Sơn vào và Chúa chạy trốn.

Nguyễn-Lượng tỏ ý ngạc-nhiên, nếu thiệt hồn linh của Tướng-Công về mách bảo sao ngài không nói tới Hà-Khâm với Trương-Hậu là kẻ thù mà vua đã không có cảm-tình nếu không đồng mưu ám-hại, sao lại biểu “cứu Chúa” biểu “tiếp giá”, ơn nghĩa gì mà cứu, ai quí-trọng mà tiếp.

Cao-Liêm nói: “Theo ý tôi, Tướng-Công là đứng anh-bùng nghĩa-khí, không nỡ biểu phải đón bắt vua với Hà-Khâm và Trương-Hậu. Ngài biết bọn minh thù oán, còn vua đi đâu tự-nhiên phải có hai chú đó chạy theo, nên ngài biểu đi tiếp giá là nói theo quân-tử, chớ kỳ thiệt là ngài chỉ cho anh em mình biết mà xách trọn gói. Tôi tin chắc như vậy. Anh em có nghi mộng-mị không chịu đi đón, thì chiều nay tôi đi một mình tôi”.

Háo-Nghĩa cãi: “Có lẽ Tướng-Công biết Hà-Khâm với Trương-Hậu bị Tây-Sơn giết chết rồi nên ngài không thèm nói tới, còn Chúa không có can-hệ trong vụ ám-sát nên biểu Nương-nương cứu”.

Đỗ Nương-nương giận nói: “Tôi không muốn cứu ai hết. Tôi cũng không thèm tiếp ai làm chi. Cha tôi làm ơn làm nghĩa, người ta đã không kể ơn nghĩa của cha tôi. Bây giờ có cái gì buộc tôi phải đền-đáp đâu nên tôi phải tiếp, phải cứu”.

Mỗi người một ý, tự-nhiên câu chuyện phân-vân, bàn-luận đến trưa, mà chưa quyết-định được.

Đến nửa chiều, Thiên-Hà ở trên Phan-Trấn ngồi xuồng biểu trạo-phu bơi riết về, hào-hển vô nhà báo tin cho Nương-nương với anh em hay hồi khuya cả trăm chiếc thuyền chở đầy binh Tây-Sơn đã vô gần lới Nhà Bè. Hay giặc sắp đến, thường-dân bồng con dắt vợ, mang gói gánh đồ, mạnh ai nấy chạy, không kể ngã nào hết. Nghe trong thành cũng rần rần, không hiểu quan quân tính lẽ nào. Thiên-Hà không đám trũng ở lại nên lo về riết mà báo tin.

Cả nhà nhìn nhau ngơ-ngẩn.

Võ-Nhàn nói: “Nếu vậy thì điềm chiêm-bao ứng nghiệm rồi !” Đỗ Nương-nương nói: “Bây giờ mấy anh phải lo sắp-đặt đặng nếu binh Tây-Sơn đến đây mình tử-chiến với chúng nó một lần cho chúng nó biết hào-khí của Đông-Sơn”. Cao-Liêm nói: “Tây-Sơn có xuống đây cũng còn lâu. Việc gắp bây giờ là phải đi đón bắt kẻ thù. Tại họ ở quấy nên Trời khiến có họa cho họ lọt vào ta mình. Tôi đi bắt. Ai không đi thì tôi đi một mình”.

Bây giờ Võ-Nhàn với Nguyễn-Lượng hăng hái chịu đi. Ba người tính với nhau rồi chia phần: Nguyễn-Lượng qua Trấn-Định dặn Bạch-Khuê phải chận rạch Tân-An để Lượng đón phía Vũng-Gù. Còn Võ-Nhàn với Cao-Liêm thì tra xét sông Tiên-Giang.

Ba người ăn cơm chiều sơ-sịa rồi điểm binh mà đi. Khi Võ-Nhàn sắp xuống thuyền thì Đỗ-Nương-nương đi theo ra sân dặn: “Nếu gặp Chúa anh phải bắt đem về đây cho tôi đặng tôi hỏi cha tôi có tội gì mà giết. Nếu không giết, sao không trị tội kẻ mưu-sát, lại phong chức tước giao binh quyền. Tôi hỏi cho biết một chút rồi muốn đi đâu tôi sẽ thả cho mà đi. Anh phải ráng nghe hôn. Đừng để chạy vuột”.

Võ-Nhàn gặc đầu rồi xuống thuyền mà đi.

Thuyền của Võ-Nhàn đi trước còn thuyền của Cao-Liêm lớn hơn nên nặng-nề thủng-thẳng theo sau. Nhàn biểu đà-công đi riết xuống vàm rạch Kỳ-hôn. Nước ròng gió thuận nên thuyền đi rất lẹ.

Lối chạng-vạng tối, thuyền của Võ-Nhàn đi gần tới Kỳ-hôn, Nhàn thấy có một chiếc ghe lường nhỏ đương đâm ngang sông cái mà qua mé Rạch-Miễu. Nhàn vừa muốn biểu đà-công theo chiếc ghe lường ấy thì thấy trong vàm rạch Kỳ-hôn có một chiếc thuyền lớn đương ra vàm. Nhàn ra lịnh chận chiếc thuyền ấy mà xét. Hai thuyền vừa cặp lại thì Nhàn cầm gươm nhảy qua, dòm thấy Hà-Khâm với Trương-Hậu ngồi xếp ve trong mui bèn nạt lớn: “A ! Gặp được cừu-nhơn rồi. Ra đây cho mau mà chịu chết. Làm điều gian ác tự-nhiên Trời phạt, chạy đâu cho khỏi”.

Hà-Khâm với Trương-Hậu trong mui bò ra, sợ run lập-cập. Võ Nhàn hô trói. Binh lính xách dây nhảy qua trói hai người nầy rồi trói luôn năm tên quân theo hộ-vệ nữa. Võ-Nhàn hỏi lớn: “Còn Hoàng-Thượng chạy ngã nào ? Sao không có trong thuyền ?” Hà-Khâm đáp: “Hoàng-Thượng ngồi trên chiếc ghe lường đi riêng phía trước”.

Võ-Nhàn đứng ngó mà kiếm chiếc ghe thấy đương qua sông hồi nãy. Trời đã tối lờ-mờ nhưng còn thấy dạng chiếc ghe ấy đã gần tới mé Rạch-Miễu rồi. Võ-Nhàn dậm chưn kêu trời, vừa chỉ vừa hỏi: “Phải Hoàng-Thượng đi chiếc ghe lường một người chèo đâm ngang qua sông kia hay không ?” Hà-Khâm đứng ngó rồi đáp: “Hoàng-Thượng đi chiếc ghe đó”.

Võ-Nhàn gãi đầu bực-tức, thầm nghĩ thuyền mình thì lớn, ghe kia thì nhỏ lại đi xa rồi, làm sao mà theo cho kịp. Còn thêm trời tối, qua đó rồi biết ghe lường đi ngã nào mà tìm. Có lẽ ý Trời không cho mình gặp Hoàng-Thượng lại hay sao nên mới khiến trắc-trở như vầy. Gặp mà không bắt đem về cho Nương-nương được, mình lỗi hẹn, thì còn mặt mũi lào mà thấy Nương-nương nữa.

Thuyền Của Cao-Liêm đi gần tới, Võ-Nhàn ngoắt kêu đi riết lại giao hết cả thuyền cho Cao-Liêm mà nói: “Anh đem bọn nầy về nạp cho Nương-nương. Hoàng-thượng ngồi ghe lường nhỏ đi truớc qua sông, để tôi theo kiếm rồi tôi sẽ đưa về sau”.

Võ-Nhàn trở qua thuyền của anh ta mà đi liền.

Cao-Liêm biểu Hà-Khâm vời Trương-Hậu qua thuyền của anh ta, bỏ ít tên quân bên thuyền kia rồi hai chiếc song song đi về Thuộc-Nhiêu.

Liêm thấy hai lão Khâm với Hậu thì ghét lắm song không thèm hỏi tới, quyết để về Thuộc-Nhiêu rồi sẽ cho hai lão biết lưới Trời khó lọt, hễ gian ác thì không chạy đâu cho khỏi họa, nếu tránh Tây-Sơn thì phải gặp Đông-Sơn.

Thuyền lớn lại đi ngược nước, bởi vậy đến sáng Cao-Liêm mới trở về tới Thuộc-Nhiêu. Đỗ Nương-nương với Háo-Nghĩa, Thiên-Hà hay thuyền về, đồng ra bến coi có bắt được ai không.

Cao-Liêm biểu quân dẫn Hà-Khâm với Trương-Hậu lên sân. Nương-nương hỏi Cao-Liêm:

- Còn Hoàng-Thượng đi đâu ? Sao không dắt luôn về ?

- Đi riêng với chiếc ghe lường nhỏ, anh Võ-Nhàn không dè nên để đi vuột qua phía Rạch-Miễu, anh Nhàn còn theo mà kiếm.

- Trời đất ơi ! Nhè người tôi cần gặp hơn hết mà lại sẩy mất !

- Tôi cũng tiếc lắm. Nhưng anh Võ-Nhàn chắc sẽ tìm được, không thoát khỏi tay ảnh đâu. Để giam hai lão nầy, đợi anh Võ-Nhàn về rồi sẽ xử một lượt.

Nương nương dạy mở trói thả mấy tên quân vô tội, còn Trương-Hậu với Hà-Khâm thì đóng nọc buộc ngoài sân. Nàng trở vô nhà, kêu Háo-Nghĩa mà cậy kiếm thế nói chuyện với hai lão Hậu và Khâm đặng hỏi coi lực-lượng của Tây-Sơn thế nào và vua có can-hệ đến vụ ám sát hồi trước hay không ?

Đến trưa Háo-Nghĩa mới nói lại với Nương-nương rằng về vụ ám-sát Đỗ Tướng-Công thì Hậu với Khâm cứ chối nói không hiểu gì hết. Còn về Tây-Sơn thì nghe thuyền giặc vào gần tới Nhà-Bè, tôi chúa xuống thuyền đi trốn. Sợ gặp Đông-Sơn không dám đi ngã Vũng-Gù, mới đi ngã Kỳ-Hôn mà tránh. Nhưng gần ra vàm sợ có binh Đông-Sơn đón, Chúa phải kiếm ghe lường cậy đưa qua sông lớn cho lẹ đặng thoát thân, còn quan quân đi thuyền lớn theo sau, tới Rạch-Miễu sẽ hiệp lại.

Nương-nương nghe Háo-Nghĩa nói rồi thì nàng thở dài mà than:

- Người tôi oán hơn hết nếu để chạy vuột mất thì cái giận của tôi không bao giờ nguôi.

- Tôi hiểu ý Nương-nương. Mà tôi thấy hai anh Võ-Nhàn với Cao-Liêm cũng đồng một ý đó. Mấy tháng nay tôi buồn lắm, sợ Nương-nương với mấy anh phạm đại-nghĩa làm hư danh Đông-Sơn.

- Sao mà phạm đại-nghĩa ? Con phải báo oán cho cha. Ấy là chánh-nghĩa chớ.

- Thà bước trái để cho Tây-Sơn làm sao chúng nó làm. Đông-Sơn quyết cứu dân giúp nước, thì tránh cái tội “thần thí quân” cho khỏi phạm đại-nghĩa.

- Tôi có thần của ai đâu ?

- Nương-nương không có, còn mấy anh em tôi đã lãnh chức tước nên đều là thần hết thảy.

- “Thần thí quân” là bất nghĩa, còn “quân sát thần” là hợp nghĩa hay sao ?

- Cũng bất nghĩa. Nhưng nên để cho người ta phạm nghĩa, không nên tranh đua nhau mà làm. Nếu trên dưới, Đông Tây cứ đua nhau mà làm việc bất nghĩa thì đời nầy thành đời gì, nước nầy thành nước gì ? Còn gì là văn-minh, còn gì là luân-lý ?

Nghe học-thuyết nhơn-nghĩa của nhà Nho, Đỗ Nưong-nương tức giận nên trợn mắt nói lớn: “Sống giữa đời mạnh hơn yếu thua, mình phải lo cho mạnh đặng hơn người chớ nói hợp nghĩa với bất nghĩa làm chi ?”.

Háo-Nghĩa cười mà đáp: “Nưong-nương nói không kể hợp nghĩa hay bất nghĩa, vậy sao lại lập nghĩa-binh Đông-Sơn, và lập ra sao lại lấy sự cứu dân giúp nước làm mục-đích?”.

Nương nương hết cãi nữa, nên ngồi lơ-lửng, thấy đường đời nhiều lối, không biết phải theo lối nào, phải báo oán hay là nên rộng dung, phải phò Chúa hay là nên thù Chúa, phải đốc dân Ba Giồng tử-chiến với Tây-Sơn đặng người chết nhà thiêu, hay là nên nhượng-bộ cho dân an-cư lạc-ngbiệp?

Bối-rối quá nên Nương-nương bỏ đi vô phòng mà nằm. Đến gần tối, Nương-nương nghe Cao-Liêm vô cửa phòng kêu mà nói thuyền của Võ-Nhàn về tới, báo tin Nhàn tìm Chúa không được thì tức giận nên nhào xuống sông mà chết rồi.

Nương-nương cất tiếng kêu Trời rồi lật-đật mở cửa phòng đi riết ra nhà khách ngồi trơ-trơ, hai hàng nước mắt chảy ròng-ròng. Nàng ngồi khóc một hồi rồi mới than: “Cha tôi chết. Ông Minh-Giám cũng chết. Bây giờ anh Võ-Nhàn chết nữa, tôi sống với ai ? Sống cho ai ? Sống làm chi ?...Tại sao mà anh Võ-Nhàn chết ? Ai báo tin như vậy ? Kêu vào đây cho tôi hỏi lại coi”.

Cao-Liêm bước ra sân kêu hai tên quân của Võ-Nhàn vào. Nương-nương hỏi Võ-Nhàn chết hồi nào, chết chỗ lào, thi hài ở đâu, tại sao mà chết ?

Một tên quân bước tới thưa: “Hồi chiều hôm qua đón vàm Kỳ-hôn bắt được hai ông lão rồi, Võ Đại-nhơn hay Hoàng-Thượng đi ghe lường đâm ngang sông cái qua mé Rạch-Miễu. Đợi thuyền của Cao Đại-nhơn đến, Võ Đại-nhơn giao hai ông lão rồi tốc theo chiếc ghe lường. Trời đã chạng-vạng tối, nhưng còn thấy dạng chiếc ghe lường bên phía Rạch-Miễu đương chèo dọc theo mé sông. Thuyền đàng nầy lớn, phải đi lâu lại bị gió ngược, bởi vậy khi qua tới mé Rạch-Miễu thì chiếc ghe lường đi mất. Trời tối đen như mực, ngó quanh-quất không thấy gì hết. Võ Đại-nhơn ngồi trên mui, biểu chèo lên rồi chèo xuống, ghé chỗ hóc hẻm, vào mấy rạch nhỏ mà kiếm, không bỏ sót một chỗ nào. Võ Đại-nhơn cứ than thở nói Nương-nương ân-cần căn-dặn phải rước cho dược Hoàng-Thượng đem về cho Nương-nương. Đi tìm thấy mà để cho vuột đi, nếu thất ước với Nương-nương, không tận tâm giúp cho Nương-nương báo oán thì còn mặt mũi nào mà dám ngó Nương-nương nữa. Chúng tôi kiếm trọn đêm không gặp. Hồi hừng sáng quân lính phân từng tốp lên lục-soát nhà cửa vườn-tược từ vàm Giao-Hòa đến vàm Sóc-Sãi, còn thuyền thì đi dọc theo mé, tìm đến trưa mà không gặp được Hoàng-Thượng. Võ Đại-nhơn buồn rầu quá, biểu quân lính xuống thuyền mà về. Võ Đại-nhơn cứ ngồi trên mui mà ngó tứ phía, chừng thuyền ra giữa sông cái, Võ Đại-nhơn đứng dậy, ngó về hướng Thuộc-Nhiêu mà nói lớn: “Trời khiến tôi không giúp Nương-nương báo oán cho cha được thì tôi phải chết cho Nương-nương thấy rõ lòng thành của tôi”. Võ Đại-nhơn nói dứt lời rồi liền phóng mình xuống dòng nước chảy. Mấy người lội giỏi nhào theo kiếm vớt, ngặt vì sông sâu, nước chảy mạnh, lội lặn tìm hết sức không được thi-hài, đành phải trở về báo tin”.

Đỗ Nương-nương lóng nghe rõ-ràng rồi khóc nhà than: “Té ra anh Võ-Nhàn vì tôi mà chết. Anh còn làm khổ-tâm thêm cho tôi nữa ! Tôi làm sao mà đáp nghĩa với anh ?”

Cao-Liêm cũng như Háo-Nghĩa với Thiên-Hà, cả ba người đều nhận thấy Võ-Nhàn và Nương-nương, tuy không nói ra, song đã có cảm-tình với nhau, vì cảm-tình đó chỉ ngấm-ngầm trong thâm-tâm nên thuở nay không ai thấy được.

Nương-nương khóc một hồi rồi cậy Háo-Nghĩa sai người đi kêu Nguyễn-Lượng, Bạch-Khuê và Đinh-Trụ về đặng xử vụ hai lão Hả-Khâm và Trương-Hậu.

Đến tối ba người đó về đủ, hay Võ-Nhàn tìm không được Chúa nên buồn mà tự-tử thì thương tiếc vô cùng.

Về việc Trương-Hậu với Hà-Khâm, Nương-nương nói cả hai đều chối, nói không có can-hệ cuộc ânm-sát, bây giờ phải xử làm sao ?

Cao-Liêm nói một đứa sát nhơn đã khai quả quyết rằng hai lão nầy xúi nó ám-sát Tướng-Công thì chối sao được. Vậy phải đặt bàn hương án tại võ trường rồi khai đao hai lão mà tế Tướng-Công cho phỉ dạ Đông-Sơn nghĩa-sĩ.

Mấy người kia đồng ý như vậy hết.

Nguyễn-Lượng sai quân đi đến mấy giồng mời chủ xóm và kêu binh lính các đồn sáng bữa sau phải tề tựu đặng dự-kiến lễ báo oán.

Tảng sáng, Nương-nương ra mộ mà lạy cha và lạy ông Minh-Giám, cầu xin vong linh hai ông giúp mở trí cho nàng sáng-suốt thấy đường phải mà noi theo, làm cho danh-nghĩa Đông-sơn vẹn toàn và giúp cho nhơn-dân Ba Giồng an-ổn.

Khi nàng trở về thì thấy Háo-Nghĩa đã dọn bàn hương-án giữa võ-trường, chủ xóm với binh lính đã bắt đầu tề-tựu. Chừng tới đủ hết, Háo-Nghĩa sắp binh-lính đứng bao chung quanh sân. Đỗ Nương-nương với chủ xóm và nhà thân hào đứng hai bên hương-án rồi biểu Cao-Liêm mở trói dẫn Trương-Hậu với Hà-Khâm vào quì trước hương-án.

Háo-Nghĩa đốt đèn, đốt nhang.

Cao-Liêm đứng vái: “Bẩm Tướng-Công, họ bất lương đố hiền tật năng, chủ mưu ám hại Tướng-Công. Mấy tháng nay Nương-nương và tướng-sĩ nằm gai nếm mật, quyết lo mưu rửa hờn trả oán. Hôm nay chúng tôi bắt được Hà-Khâm với Trương-Hậu là hai người chủ mưu hại Tướng-Công, nên chúng tôi sẽ móc ruột cắt gan kẻ thù mà tế Tướng-Công cho nghĩa-binh Đông-Sơn phỉ dạ. Vậy chúng tôi vái-van vong-linh Tướng-Công về chứng chiếu lòng của chúng tôi, dầu ngài mất cũng như còn, chúng tôi vẫn một mực tôn-thờ kỉnh ái”.

Cao-Liêm vái rồi xá ba xá, mới day lại rút gươm mổ bụng Trương-Hậu với Hà-Khâm, móc ruột gan sắp trong hai cái mâm để trước bàn mà cúng.

Các người đứng chung-quanh đều ghê sợ. Đỗ Nương-nương cúi mặt không đám ngó, nước mắt tuôn dầm-dề. Háo-Nghĩa biểu lạy thì nàng quì trước bàn mà lạy, làm như cái máy, không có linh hồn không có khí-phách. Tướng-sĩ, chủ xóm, thân-hào, tiếp nối mà lạy trước hương-án. Đỗ Nương-nương quày-quả trở vào nhà khách mà ngồi.

Háo-Nghĩa dạy quân khiêng thây của Hà-Khâm và Trương-Hậu ra mé giồng mà dập[1] rồi dắt chư-tướng, chủ xóm, thân-hào vào nhà khách.

Thấy Đỗ Nương-nương ngồi bình tĩnh chớ không ủ-dột ưu phiền nữa. Háo-Nghĩa bước tới đứng ngay trước mặt nàng mà nói: “Thưa Nương-nương, phận-sự Nương-nương làm con, phận sự của bà con anh em chúng lôi làm thủ-hạ, đối với Thượng Tướng-Công cả thảy chúng ta đã làm tròn nghĩa vẹn tình. Bây giờ chúng ta còn cái nhiệm-vụ khác, là trả nợ nước non đang bị Tây-Sơn dày đạp. Nương-nương làm thủ-lãnh Đông-Sơn, xin Nương-nương phân-phán cho anh em chúng tôi biết đường lối mà đi. Chúng tôi quyết đứng sau lưng Nương-nương đến cùng, cũng như chúng tôi ở dưới gối Thượng Tướng-Công ngày trước, chúng tôi theo Nương-nương dầu phải chịu thiên nguy vạn khổ, chúng tôi cũng không nao núng”.

Ai nấy đều đứng lẳng-lặng, chờ nghe Nương-nương nói. Đỗ Nương-nương nhắm mắt ngồi im một chút rồi vùng đứng dậy, mắt mở lớn, mặt đỏ au, ngó đủ mấy phía rồi nói lớn: “Ta là Đỗ-Thanh-Nhân, ta thấy tướng sĩ với bà con đất Ba Giồng thành-tâm kính-bái ta, nên ta về cảm ơn tất cả bà con anh em và luôn dịp mách bảo cho biết đường lối mà đi đặng giữ vẹn danh-dự của Đông-Sơn và trả nợ con dân của đất nước. Hôm nọ thấy Tây-Sơn sắp dày đạp công-nghiệp của ông cha ta, nên ta bỏ dẹp thù riêng quên cả phẫn-uất, ta mách bảo cho Thanh-Xuân phải đón tiếp giá rước Chúa về để hiệp lực mà đánh đuổi Tây-Sơn ra khỏi đi Gia-Định. Té ra ý trời định khác, cho trả oán cho ta chớ không cho tá trợ quân vương. Mà theo tình thế hiện-thời, Đông-Sơn không làm sao mà xây ngược thời-cuộc cho nổi. Nếu vì hào-khí mà cượng-lý, vì đất nước mà hy-sinh, thì chết hết, chết vô ích. Vậy ta khuyên Thanh-Xuân ẩn-nhẫn tìm nơi thanh-tịnh ở mà dưỡng chí tu tâm, chờ khi gió lặng sóng êm, rồi sẽ trở ra lo cứu dân giúp nước. Ta khuyên các anh em tướng-sĩ nên giải giáp đặng tản-mác trong dân-gian, chờ khi thánh-chúa minh-quân ra đời, rồi sẽ phò-tá đặng làm cho rỡ-ràng đất Gia-Định. Ta cũng khuyên các chủ xóm, các thân hào trong ba giồng cứ bình-tĩnh lo làm ăn. Ta sẽ phò-hộ cho nhà nhà đều được an-cư lạc-nghiệp. Cả thảy phải tuân lời ta dặn. Chừng nào đất Gia-Định trổ sanh “đệ-tam hùng”, chừng đó mới thấy mòi đại-định. Ta chào tất cả bà con, anh em. Ta thăng”.

Đỗ Nương-nương té ngồi lại trên ghế, cặp mắt nhắm khít, mồ-hôi ướt dầm. Người ta kêu mấy chị đàn-bà ở dưới bếp lên, dìu-dắt Nương-nương đem vào phòng để cho Nương-nương nằm nghỉ.

Bây giờ măm chủ xóm với thân-hào quyết-định phải lập miếu tại võ-trường đặng thờ Thượng Tướng-Công, với Minh-Giám và Võ-Nhàn.

Tướng-sĩ định phá đồn lũy rồi dắt nhau vô đồng kiếm chỗ cao-ráo lập xóm lập làng ở làm ruộng bắt cá mà nuôi sống.

Bàn tính xong rồi, cả thảy đều về hết, ai cũng kính sợ vong-linh hiển-hách của Thượng Tướng-Công, ai cũng quyết làm theo lời ngài dạy, không ai dám cãi.

Cách vài ngày sau, một đêm Đỗ Thanh-Xuân ngồi một chiếc thuyền nhỏ biểu hai người gia-dịch chèo đi, không ai biết đi đâu, đi rồi bặt tin luôn, không có trở về Ba Giồng nữa. Tây-Sơn vào lần nầy với một oai-võ cực-kỳ mạnh-mẽ. Vua Tây-Sơn là Nguyễn-Nhạc ngự-giá thân-chinh, quyết chiếm cứ đất Gia-Định phì-nhiêu, nên đem cả trăm chiếc thuyền với mấy muôn lính do Nguyễn-Huệ điều-khiển. Thiệt Nguyễn-Huệ hùng hào, chiếm cả đất Gia-Định, lục-soát khắp nơi, làm cho Nguyễn-Vương Phước-Ánh phải chạy ra hòn Phú-Quốc mà ẩn-trú mới thoát nạn.

Nguyễn-Huệ đặt quan cai trị rồi rút đại-binh trở về Qui-Nhơn.

Nguyễn-Vương nhờ Châu-Văn-Tiếp, là Gia-Định đệ-nhị hùng, phò-tá nên khắc-phục thành Phan-Yên lại được. Nhưng chẳng bao lâu bị Nguyễn-Lữ với Nguyễn-Huệ đem binh vào đánh nữa. Nguyễn-Vương phải bỏ thành mà chạy. Lần nầy lại chạy xuống đất Ba Giồng.

Những người cường-tráng ở đây nhớ lời của cụ Đỗ Thanh-Nhân hiện hồn mà dặn-dò năm trước, nghe có vua tới thì ra phò vua rất đông. Trong số nầy có cụ Lê-Văn-Duyệt gốc ở Long-Hưng, thuộc giồng Thuộc-Nhiêu, với Cụ Nguyễn-Huỳnh-Đức, gốc ở Khánh-Hậu, thuộc giồng Cánh-Én, nay rất hiển-đạt.

Thiệt quả lời cụ Đỗ-Thanh-Nhân tiên đoán không sai, sau Nguyễn-Vương nhờ có Gia-Định đệ-tam hùng là Võ-Tánh phò-tá, nên vua mời thống-nhứt sơn-hà, lên ngôi cửu-ngũ.

Cụ Lê-Văn-Duyệt với cụ Nguyễn-Huỳnh-Đức nhờ đến ba Giồng địa linh, lại nhờ có Đông-Sơn ung-đúc nên phò vua giúp nước, lập công-nghiệp rất vẻ-vang. Cả hai cụ đều có cầm quyền Nam-Thành Tổng-Trấn, cụ Lê-Văn-Duyệt được phong tới chức Chưởng Tả-Quân, Bình-Tây Tướng-Quân Quận-Công. Còn cụ Nguyễn-Huỳnh-Đức có ngồi chức Bắc-Thành Tổng-Trấn, được phong Chưởng Tiền-Quân, Kiến-Xương Quận-Công.

Người háo sự hay bày đặt mà nói: “Địa-linh mới sanh nhơn-kiệt”. Lời nói chơi chơi mà nghe ngộ ngộ.

Cùng trong một khoảng loạn-ly mà vùng Ba Giồng sản-xuất cho Gia-Định được ba anh-hùng oanh-liệt là cụ Đỗ-Thanh-Nhân, Lê-Văn-Duyệt với Nguyễn-Huỳnh-Đức, lại còn kiêm thêm một thiếu nữ kỳ-quái là Đỗ Thanh-Xuân, nếu không nói nhờ địa-linh thì phải nói nhờ cái gì chớ ?

Vẫn biết người phê-bình sẽ chê cha con họ Đỗ hữu thủy vô chung, nói rằng Thanh-Nhân vì ham tự-do nên tánh-mạng không vuông tròn, còn Thanh-Xuân vì vướng thần-quyền nên báo oán không châu tất.

Thử hỏi lại: Hữu thủy hữu chung quí hơn bao nhiêu mà muốn ?

Trên hí-trường của nhơn-loại, kép hay diễn một lớp cũng đủ cho khán-giả biết tài mà kính-yêu, cần gì phải diễn đến mãn cuộc đặng mệt mỏi cho người ta phải chán.

Phải vậy chăng ?











[1] chôn một cách sơ sài.









Saigon, 15-11-1954

------------------------------------------------

Nguồn : NXB Sông Kiên phát hành, 1961
Đỗ nương nương báo oán
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14 (chương kết)