Chương 12
Tác giả: Hồ Biểu Chánh
Đỗ-Thanh-Nhân mất Trần-Minh-Giám chẳng khác nào con người gãy hết một cánh tay. Mấy năm nay có việc gì ông cũng bàn với ông Minh-Giám rồi mới làm. Ông Minh-Giám có nhiều sáng-kiến hay, nên chỉ cho ông khỏi lầm, khỏi thất.
Bổn tánh của ông nóng-nảy, nhưng trầm-tĩnh ít nói, ít cười. Mất Minh-Giám rồi ông buồn, ông càng thêm nghiêm-nghị, không muốn nói chuyện nhiều. Hồ-Văn-Lân với chư-tướng đem đoàn chiến-thuyền về nói rằng Tây-Sơn đi luôn chớ không có ghé đánh Mô Xoài.
Kế được tờ của Lê-Văn-Quân gởi về cho hay binh Ðông-Sơn đã chiếm cả đất Bình-Thuận và đương sửa-soạn tiến đánh Diên-Kkánh.
Thanh-Nhân vào cho Ðại Nguyên-Soái Nhiếp-Quốc-Chánh hay tin ấy. Nhơn dịp ông nói khắp đất Gia-Định đã tổ-chức cơ-quan cai-trị xong rồi, bây giờ binh có nhiều, lương có đủ, nên ông định cho chở một ngàn binh với năm thuyền lúa đem ra Bình-Thuận giúp cho Lê-Văn-Quân. Ðại Nguyên-Soái chịu. Thanh-Nhân bèn sai Tống-Phước-Khuông chở binh với lương ra Bình-Thuận liền.
Hà-Khâm thấy Minh-Giám chết, bỏ trống chức Trưởng Tham-Mưu mới xin Đại Nguyên-Soái cho lãnh chức đó. Nguyên-Soái vị tình thầy trò, nên chịu cho, nhưng nói với Thanh-Nhân thì Thanh-Nhân gạt ngang mà đáp: “Làm Trưởng Tham-Mưu phải thông chiến-luợc, phải có tài, có trí, có mưu. Ông Hà-Khâm có tài có trí gì mà muốn đòi chức đó. Muốn thành-công vĩ-đại phải chọn nhơn-tài, chớ đừng kể thân-thích. Vị tình mà phong chức cho hạng người vô dụng, họ choán chỗ đặng hống hách chớ có ích gì. Hổm nay tôi có ý muốn cử Phạm-Háo-Nghĩa thế cho ông Minh-Giám nhưng tôi còn dụ-dự, muốn để ít ngày mà thử tài trí coi. Hiện giờ về quân-sự nếu có việc chi quan hệ thì tôi bàn với Hồ-Văn-Lân và Võ-Nhàn được, không cần phải có gắp Trưởng Tham-Mưu. Hà-Khâm hay việc nầy thì càng thù Thanh-Nhân thêm nữa.
Một bữa có một người Cao-Miên đến cửa thành xin cho phép vào hầu quan Chưởng-Dinh Ðỗ-Thanh-Nhân, nắm quyền chỉ-huy binh Ðông-Sơn. Quân vào báo tin. Thanh-Nhân cho phép vào.
Người Miên xưng rằng mình làm quan cho Miên-Triều tại Nam-Vang. Nhơn dịp vua Nắc-Tôn băng, người cháu dành ngôi không chịu cho Nắc In là con của Nắc-Tôn kế vị. Người cháu dấy loạn trong vùng Biển Hồ, lại tính cầu-viện với Xiêm đem binh qua đánh giúp mà đuổi Nắc-In. Vì vậy nên Nắc-In sai đem thơ xuống xin binh Đông-Sơn lên bảo-hộ. Người Miên nói rồi bèn trình thơ của Nắc-In cho Thanh-Nhân xem.
Thanh-Nhân liền cho mời Hồ-Văn-Lân, Võ-Nhàn với Háo-Nghĩa đến nghị-sự.
Háo-Nghĩa xuống trại kiếm một tên quân gốc ở Trà-Vinh xem thơ thì thiệt quả vua Nắc-In cầu binh Ðông-Sơn bảo-hộ.
Hồ-Văn-Lân với Háo-Nghĩa đồng ý muốn cho binh lên giúp với Nắc-In mà dẹp loạn đặng gây tình nghĩa với Miên-Hoàng.
Võ-Nhàn nói nếu Xiêm tiếp với loạn-quân, mình phải chống với Xiêm nữa, rồi ngoài Tây-Sơn đánh vào, trên Xiêm đánh dồn xuống, mình bị lưỡng diện thọ địch, chịu sao nổi. Háo-Nghĩa đề-nghị cho một văn quan qua Xiêm xin Xiêm-Triều đừng tiếp giúp quân phiến-loạn Cao-Miên vì mình đã được lời của vua Nắc-In yêu cầu bảo hộ rồi.
Thanh-Nhân cùng với Hồ-Văn-Lân và Háo-Nghĩa vào bàn việc ấy với Nguyên-Soái Nhiếp-Chánh. Nguyên-Soái dụ-dự, một là sợ đem binh đi xa rủi Tây-Sơn vào đánh không đủ binh mà chống cự, hai nữa sợ gây hấn với Xiêm-La rồi sanh ra lưỡng diện thọ dịch.
Thanh-Nhân nói rằng mình tiếp giúp vua Cao-Miên có mấy cái lợi nầy:
1.- Gây tình nghĩa với vua Cao-Miên đặng dùng xứ ấy làm hậu-thuẫn. Rủi mình thất-bại về phía Tây-Sơn thì mình nương náu với Cao-Miên và cậy giúp binh, giúp lương;
2.- Bình loạn cho Cao-Miên được rồi thì mình bảo-hộ Cao-Miên, oai-thế càng mạnh-mẽ, thinh-danh càng rực-rỡ hơn nữa.
3.- Hiện giờ mình có gần hai ngàn binh gốc binh Tây-Sơn hàng đầu. Hồi mới mình thiếu binh nên phải dùng đỡ chớ không dám tin cậy lắm. Bây giờ mình có binh Gia-Ðịnh nhiều rồi, vậy nên thừa dịp đem binh ấy lên bảo-hộ Cao-Miên cho khỏi sợ phản-bội nữa. Nếu sợ gây hấn với Xiêm thì viết thơ rồi sai Lê-Thứ-Tiên đi sứ qua Vọng-Các cầu thân-thiện với Xiêm-Hoàng và xin đừng can hiệp việc Cao-Miên vì vua Nắc-In đã có cầu mình bảo hộ.
Thanh-Nhân lại nói, tiếp viện Cao-Miên thì ông sẽ cầm binh đi với Hồ-Văn-Lân, đi trong một tháng thì về, chớ không lâu hơn. Võ-Nhàn với Háo-Nghĩa ở lại thủ đất Gia-Ðịnh với chư-tướng được. Nếu muốn chắc chắn hơn thì hoặc Lý-Thiện hoặc Tống Phước-Lượng lên thủ Biên-Trấn, đòi Nguyễn-Lượng về Phan-Yên hiệp lực với Võ-Nhàn thì khỏi lo gì hết.
Nguyên-Soái Nhiếp-Chánh chịu nhưng nài xin Thanh-Nhân đi giúp sức cho Miên-Hoàng phải về mau mau đặng lo việc bình-định của mình.
Thanh-Nhân thi-hành liền, sai Thứ-Tiên đi sứ qua Xiêm, sai Lý-Thiện lên thủ Biên-Trấn thế cho Nguyễn-Lượng về chỉ-huy cuộc phòng thủ từ Bến-Nghé ra cửa Cần-Giờ. Sắp-đặt xong rồi, Thanh-Nhân với Hồ-Văn-Lân mới từ biệt Đại Nguyên-Soái, chở hai ngàn binh Tây-Sơn hàng đầu xuống thuyền mà lên Nam-Vang.
Lê-Văn-Quân tiếp được viện-binh, lại có thêm lương-thực dồi-dào thì hăng-hái tiến đánh Diên-Khánh rất mạnh-mẽ. Nhờ có đạo binh nầy lừng-lẫy, sĩ-phu miệt ngoài mới hay Hoàng-Tử Nguyễn-Phước-Ánh đã nối nghiệp Chúa, đánh đuổi binh Tây-Sơn mà thống-trị đất Gia-Ðịnh, là vùng điền địa phì-nhiêu, bạc tiền chớn-chở. Văn-nhơn võ-sĩ đua nhau vào Gia-Ðịnh, tốp đi bộ, tốp đi thuyền, vào phò-tá Chúa Nguyễn dựng nghiệp trung-hưng mà lập công-danh.
Trong lúc Đỗ-Thanh-Nhân với Hồ-Văn-Lân giúp vua Nắc-In củng-cố quyền quốc-vương xứ Cao-Miên thì ở Phan-Yên mỗi ngày đều có năm mười người ở đàng ngoài vào yết-kiến Hoàng-Tử Nhiếp Quốc-Chánh xin cho phò-tá. Hoàng-Tử thâu nhận hết và giao cho Trương-Hậu với Hà-Khâm chọn lựa; văn thì sung vào cơ-quan hành chánh, còn võ thì sung vào binh đội để luyện tập. Hoàng tử thấy nhơn-tâm qui-thuận càng ngày càng thêm nhiều thì ngài lấy làm hài lòng. Ngài mới đặt quan làng khắp mọi nơi, lập bộ đinh để kêu dân đi lính, lập bộ điền để thâu thuế, lập trại đóng thuyền để chở-chuyên, lập xưởng làm binh-khí để cho quân-đội dùng, công việc tiến-hành rần-rộ, coi đắc lực lắm.
Thanh-Nhân lên Cao-Miên giúp vua Nắc-In trong một tháng thì yên hết, vùng Biển-Hồ cũng bình-tịnh như các nơi. Ông phái Hồ-Văn-Lân ở lại với binh-đội mà bảo hộ, rồi ông dắt vài chục tên quân xuống thuyền trở về Gia-Định. Về ngang vàm Thuộc-Nhiêu nhằm lúc ban đêm, ông muốn ghé thăm coi một chút mà rồi ông nghĩ ông đã hiến thân cho dân cho nước, ông không phép nhớ tới việc nhà nữa, bởi vậy biểu thuyền-trưởng đi luôn, ông không cho ghé.
Về đến thành Phan-Yên, Thanh-Nhân vào yết kiến Nguyên-Soái Hoàng-Tử Ánh mà thuật việc dẹp loạn và bảo-hộ xong rồi. Hoàng-Tử tỏ lời ngợi khen và khuyên chăm-nom đóng thuyền, đúc binh-khí, tập binh-đội đặng đến mùa thuận gió ra đánh Qui-Nơn. Thanh-Nhân nói trước khi xuất binh viễn-chinh, Hoàng-Tử phải lên ngôi Chúa đặng có vương-hiệu xuất binh mới có danh.
Hoàng-Tử nghe như vậy thì lấy làm mừng, vì được biết Thanh-Nhân thiệt phục-lùng, không có ý gì khác. Thanh-Nhân xin Hoàng-Tử chọn ngày tốt rồi cùng với các quan văn-võ tôn Hoàng-Tử lên ngôi Chúa.
Hoàng-Tử Ánh xưng vương-hiệu rồi liền phong cho Đỗ-Thanh-Nhân làm chức Ngoại-Hữu, Phụ-Chánh Thượng-Tướng Công. Thanh-Nhân tạ ơn và yêu-cầu Nguyễn-vương thăng-thưởng chư-tướng có chiến công nhiều đặng dục lòng cho quân-đội tận-tụy với nhiệm-vụ.
Ngài đề-nghị:
- Truy-tặng Trần-Minh-Giám tước Tam-Phụ Trí-Dõng Đại-Tướng-Quân;
- Phong Hồ-Văn-Lân làm Chưởng-Dinh đặng có đủ oai quyền mà bảo hộ Cao-Miên;
- Thăng Lê-Văn-Quân, Võ-Nhàn và Nguyễn-Lượng lên chức Chưởng Cơ;
- Thăng mấy tướng khác là Trần-Hạo, Cao-Liêm, Lý-Thiện, Phan-Đình-Trụ, Lưu-Bạch-Khuê, Thái-Hồng-Tâm, Nguyễn-Văn-Hoằng, Tống-Phước-Khuông và Tống-Phước-Lương lên chức Phó-Tướng;
- Còn bên văn thì phong Háo-Nghĩa với Thứ-Tiên chức Tham-Tri; Trung-Cự, Thiên-Hà và Bá-Vạn chức Tham-tá Quân-Sự.
Hai quan Hộ-Giá Hà-Khâm với Trương-Hậu cùng sĩ-phu mới vào xin cho phò-tá lúc sau nầy vì Thanh-Nhân chưa có dịp xử-dụng nên ngài xin để cho vua tùy công-lao với tài trí mà phong thưởng.
Nguyễn-Vương chấp thuận đề-nghị của Thanh-Nhân, phong chức tước cho tướng-sĩ y như lời ngài xin. Nhơn dịp đó vua mới lập ra một cơ-quan mới, gọi là Ngự-Tiền Tham-Mưu để giúp vua lo việc cai-trị và việc binh-bị. Cơ-quan nầy có hai phòng:
1.-Văn-phòng đặt Hà-Khâm làm Trưởng Phòng, được quyền thong-thả chọn người có văn-học, có tài năng để phụ giúp về việc cai-trị;
2.- Võ-phòng thì đặt Trương-Hậu làm Trưởng Phòng, cũng được quyền chọn lựa nhơn-tài để lo về binh-bị.
Tổ-chửc cuộc phân quyền như vầy ai nghe cũng cho là tiện-lợi. Thanh-Nhân nắm quyền chỉ-huy tối cao tất cả quân đội, chỉ lo phân binh đánh giặc mà thôi, không tham-dự đến việc cai trị. Còn Nguyễn-Vương thì chỉ lo việc cai-trị, lo cung cấp binh-lương và khí-giới cho quân-đội đủ dùng mà thôi, không cần biết tới việc chinh-chiến. Nếu hai cơ-quan chánh-trị và binh-bị thảy đều nhứt trí mà cộng-tác với nhau, thành-thiệt chăm lo dẹp loạn để phục-hưng đất nước thì chắc-chắn sẽ tiến-bộ dễ dàng, sẽ thành-công mau lẹ.
Sự thành-thiệt hiệp tác của tôi với Chúa đã biểu-lộ rõ-ràng. Nguyễn-Vương phong cho Thanh-Nhân tới chức Thượng Tướng-Công thì đủ thấy ngài biết quí trọng nhơn-tài nên hoàn-toàn tín-nhiệm. Còn Thượng Tướng-Công Thanh-Nhân đã vui lòng nhận chức, lại giao cả quyền cai trị cho vua được thong-thả sắp đặt thì cũng thấy ngài thành-thiệt phục-tùng, không có ý tranh quyền đoạt vị chút nao hết.
Có điều đáng tiếc là Nguyễn-Vương vị tình sư-phó, lại cảm nghĩa cựu thần, tín-dụng Hà-Khâm với Trương-Hậu làm tả hữu cố-vấn, một người coi văn phòng, một người coi võ phòng, nên mới sanh rắc rối.
Hà-Khâm với Trương-Hậu mang danh đại-thần mà không có óc đại-thần. Cả hai chỉ có tài nịnh vua, chỉ biết mưu hại bạn. Cả hai chú thấy ai có công nhiều, thấy ai được chức lớn thì thù. Cả hai chú mong vinh thân phì gia, không kể cứu dân giúp nước. Trước kia hai chú thấy Thanh-Nhân là một tên bạch-đinh, nhờ nghinh-giá mà được Định-Vương quí trọng thì ghét rồi, nay lại thấy Nguyễn-Vương phong tước trọng, giao quyền to, làm cho Thanh-Nhân cũng như ông vua thứ nhì, thì ấm-ức trong lòng, quyết lập thế hại Thanh-Nhân cho bỏ ghét, không nhớ hồi trước vì Thanh-Nhân bỏ mà đi, nên chúa tôi mới bị tai-hoạ, rồi bây giờ nhờ Thanh-Nhân tá-trợ nên tôi chúa mới hiển-vinh.
Được làm Ngự-Tiền Cố-Vấn, coi nội-điện, văn phòng võ-phòng, hai chú âm mưu với nhau, kết phe lập đảng, bố trí thủ-hạ khắp nơi, để dòm ngó Thanh-Nhân và châm chích Hoàng-Thượng.
Thanh-Nhân quen tánh thẳng ngay quảng-đại lại lãnh một trách-nhiệm nặng-nề, ngài phải chú trí lo việc lớn ngoài ngàn dặm xa xuôi, không thèm ghé mắt xem vật mọn nằm dưới chưn lúc-nhúc. Tình thế ấy dễ cho bọn tiểu nhơn vận-động, gieo chông gai đầu nầy, rót mật đắng đầu nọ để gạt người ngay sụp ngã cho chúng leo qua mình.
Bọn tiểu-nhơn âm-thầm lập thế xô ngã Thanh-Nhân, không dè Ngài cứ nhắm đường ngay thẳng mà đi, thấy cái hay thì khen, cái dở thì quở. Ngài nghe chư-tướng than-phiền, nhơn-dân trong làng trong xóm bị hà-hiếp, bóc-tột, ngài tâu cho Nguyễn-Vương hay và xin vua trừng-trị bọn tham-lam cho khỏi thất nhơn-tâm mà hư hại cuộc trung-hưng vừa mới xây-dựng.
Nguyễn-Vương đem việc đó mà tỏ lại với hai vị Ngự-Tiền Cố-Vấn, quở trách hai ông không làm tròn nhiệm-vụ là dẹp loạn đặng cứu dân, lại để cho người dưới tay thừa loạn mà làm thêm khổ cho dân-chúng.
Việc đó đụng chạm đến quyền-lợi của Hà-Khâm và Trương-Hậu, bởi vậy hai chú cho Thanh-Nhân ỷ thế lộng quyền quyết phải trừ Thanh Nhân cho gấp đặng khỏi hậu-hoạn.
Bữa nay Trương-Hậu có dịp bàn về quân-sự với Nguyễn-Vương, ông đã than: “Thượng Tướng-Công Thanh-Nhân cầm binh xuất trận có tài thiệt. Tài ấy ít ai dám bì. Nhưng Hoàng-Thượng giao tất cả binh-quyền cho ngài nắm, làm cho tôi lo sợ quá !”.
Nguyễn-Vương châu mày mà hỏi:
- Tại sao ông lo sợ ?
- Ví như ngài trở lòng phản Hoàng-Thượng rồi Hoàng-Thượng mới lấy chi mà đỡ gạt ?
- Người đã tỏ dấu thành-thiệt phục tùng ta rồi, không phản đâu mà sợ.
- Ngày trước Hồ-Văn-Lân khuyên ngài ra phò Hoàng-Thượng ngài không chịu. Ngài nói đời loạn ai mạnh thì làm Chúa. Ngài độc-lập đặng tranh làm Chúa, cần gì mà phải hạ mình tùng-phục người khác. Chừng Hoàng-Tử đi-giá đến Ba Giồng mà yêu cầu Ngài thì Minh-Giám cũng còn tỏ ý như vậy.
- Tại nghĩa-binh Đông-Sơn phiền Tân-Chánh Vương khinh bạc, nên nói như vậy, chớ chừng ta cắt nghĩa phải quấy rồi thì lớn nhỏ đều qui-thuận, có trách ta nữa đâu. Cả thảy đều hăng-hái quyết khắc-phục Phan-Trấn đặng tôn ta lên ngôi báu. Trước khi xuất binh đã cử ta làm Đại Nguyêu-Soái Nhiếp Quốc-Chánh, chừng thâu-phục tất cả đất Gia-Định, sai tướng chiếm Bình-Thuận, đem binh bảo-hộ Cao-Miên, làm cho ta có đủ thinh thế mạnh-mẽ rồi thì tôn ta lên làm vua, cử chỉ như vậy sao còn nghi người ta muốn tiếm-đoạt. Đừng có nghi mà hư việc lớn. Nếu người ta cố tâm muốn phản thì phản hồi mới gặp, chớ có lẽ nào đới tới bây giờ.
- Không biết chừng ban đầu người ta giả phục tùng đặng cậy oai-tín của Hoàng-Tử mà gây-dựng thế-lực, thâu phục nhơn-tâm, sau có trở mặt cho dễ.
- Thôi, thôi, khanh chẳng nên châm-chích nhiều lời mà làm cho quân thần phân rẽ.
Trương-Hậu hết dám nói nữa.
Bữa khác Hà-Khâm tâu với vua:
- Bảo-hộ nước Cao-Miên mà Hoàng-Thượng đặt ông Hồ-Văn-Lân tôi sợ thất sách, bởi vì ông Lân không đủ oai quyền mà làm cho người Miên phục tùng và người Xiêm khiếp-sợ.
- Ta đã thăng Lân lên chức Chưởng-Dinh. Ông Thanh-Nhân đã cho Lân tới hai ngàn binh. Vậy thì đủ oai-quyền chớ còn muốn gì nữa.
- Phải người như Thượng Tướng-Công mới xứng chức.
- Sai Thượng Tướng-Công đi rồi ai thế ở đây ?
- Rút ông Hồ-Văn-Lân về thế.
- Đâu được ! Rủi Tây-Sơn vào đánh thì Hồ-Văn-Lân có đủ sức mà chống cự đâu.
- Cũng binh đó, tướng đó, ông Nhân hay ông Lân chỉ-huy cũng vậy. Thắng hay bại đều tại binh tướng, chớ có phải tại người chỉ-huy hay sao ?
- Khanh không biết chiến pháp. Đánh giặc thắng hay bại đều tại tinh thần. Người chỉ-huy phải được binh-đội tín-nhiệm, tinh thần chiến-đấu của họ mới vững-vàng, họ mới liều chết mà thủ thắng. Ta không thể lào giao binh quyền cho một người nào khác. Phải Đỗ-Thanh-Nhân ta mới vững bụng, tướng-sĩ mới tận-tâm. Huống chi Thanh-Nhân mới bàn tính với ta, người đợi đóng thuyền cho đủ số rồi thừa mùa gió thuận người chở binh ra đánh Qui-Nhơn một lần thử coi lực-lượng của giặc thế nào, cách phản-ứng của họ ra sao cho biết.
- Tôi dòm thấy Thượng Tướng-Công được Hoàng-Thượng tín nhiệm rồi ngài lộng quyền muốn làm việc gì thì làm, không cần do Hoàng-Thượng.
- Ta đã giao cả binh-quyền cho Thượng Tướng-Công thì ông được phép tự-do liệu định mà thưởng phạt tướng-sĩ, phân quân-đội, cần gì phải do nơi ta. Chừng nào có đại-sự thì mới bàn tính chớ.
- Làm vua phải nắm tất cả quyền hành không nên giao cho ai hết, nhứt là quyền binh-bị. Đó là luật cổ-điển không nên bỏ. Nếu vua chia quyền bớt cho bầy tôi, tự nhiên sanh họa quân nhược thần cường. Thuở nay nước loạn-ly sụp đổ là tại vua phú quyền cho đại-thần. Hoàng-Thượng nên xét lại.
- Lời thanh tâu thì hợp lý thiệt. Nhưng ta còn trẻ tuổi, lại không thông binh-pháp. Ta phải lựa người có tài-năng, có đởm-lược mà phú thác binh quyền đặng người ta lo dẹp loạn mà bình-định sơn-hà, chớ biết làm sao. Huống chi giữa lúc dông gió nầy chỉ có một mình Thanh-Nhân mới đủ sức xông lướt chớ không có người nào khác nữa mà chọn lựa. Chê thì dễ nhưng làm thì khó. Vậy làm không được thì chẳng nên chê bai, hễ tín-nhiệm chẳng nên nghi-kỵ.
Hà-Khâm hổ thẹn lui bước trở ra.
Trương-Hậu với Hà-Khâm nhận thấy không thể cậy tay Nguyễn-Vương mà xô ngã Thanh-Nhân được, hai chú bèn bàn tính âm-mưu làm cách khác mà hại Thanh-Nhân. Việc của hai chú tinh, hai chú giữ bí-mật nên không ai biết được. Người ta nếu để ý thì thấy thường thường hai chú hay nói rù-rì với nhau, mà Trương-Hậu cũng đòi năm ba anh võ-sĩ ở đàng ngoài mới vào lúc sau nầy đặng nói chuyện ít lần rồi biểu mấy ảnh ở làm bộ hạ cho hai chú.
Một buổi chiều, Thượng Tướng-Công Đỗ-Thanh-Nhân đương ngồi nói chuyện với Chưởng-Cơ Võ-Nhàn, có lịnh của Nguyễn-Vương mời Thanh-Nhân vào nghị-sự. Thanh-Nhân hăm hở đi liền.
Chúa tôi bàn tính với nhau đặng tổ-chức cuộc đem binh ra đánh Qui-Nhơn, bàn tới chạng vạng tối, Thanh-Nhân ra về. Khi ra vừa khỏi cửa thì có một tên núp trong cánh cửa nhảy ra đưa gươm lên chém Thanh-Nhân. Thanh-Nhân lẹ làng trớ qua một bên, nắm cánh tay nó mà giựt cây gươm, rồi sẵn bộ đâm luôn nó té sấp. Trong lúc ngài giựt cây gươm có một người nữa núp cánh cửa phía bên nây ngài không thấy, nó nhảy ra đâm ngài một gươm tại hông, rồi bỏ gươm mà chạy. Thanh-Nhân bị thương nặng nên té quị bên thằng ám-sát thứ nhứt.
Một tên quân đi ngoài đường ngó thấy thằng ám-sát thứ nhì đâm Thanh-Nhân rồi bỏ chạy thì chạy theo, vừa chạy vừa la: “Bắt nó ! Bắt nó ! Bớ người ta ! Nó đâm Thượng Tướng-Công rồi nó chạy đó. Bắt nó giùm chút !”.
Cao-Liêm ở ngoài cửa thành đi vô. Nghe tiếng quân la rồi thấy người chạy thì chận tên ám-sát toan bắt. Tên nọ thủ thế tính đánh Cao-Liêm mà thoái thân, chẳng dè Cao-Liêm cho một đá té nằm dài rồi chận cổ mà bắt.
Trong thành binh lính với thường-dân chạy rần-rần. Cao-Liêm kêu vài tên quân biểu lấy dây trói thằng sát-nhơn rồi dắt trở lại trước Hoàng-Cung là chỗ Thanh-Nhân bị hại.
Võ-Nhàn nghe la đã chạy đến đó trước rồi, thấy Nguyễn-Vương bước ra thì nói lớn: “Đứng anh-hùng ra phò vua giúp nước, phải vào sanh ra tử, phải lao thân mệt trí, cho chúng vui hưởng cao-sang, rồi chúng đền ơn đáp nghĩa thế nầy hay sao ? É ! Bậy lắm ! Không thể được, không thể được !”.
Võ-Nhàn vừa than, vừa đỡ Thanh-Nhân ngồi dậy, rút cây gươm của kẻ sát-nhơn còn ghim trong hông ngài rồi kề vai cõng ngài về dinh, máu chảy dầm-dề nhuộm đỏ quần áo.
Tướng Cao-Liêm, Đinh-Trụ, Bạch-Khuê với Tham-Tri Háo-Nghĩa và Tham-Tá Thiên-Hà đã chạy tới đó, đồng áp lại phụ với Võ-Nhàn mà để Thanh-Nhân nằm ngay trên bộ ván.
Thanh-Nhân sắc mặt vẫn bình-tĩnh, hai mắt vẫn mở trao-tráo mà nhìn các tướng-sĩ đứng hai bên rồi lần-lần tắt hơi, không nói một lời, mà cũng không nhắm mắt.
Võ-Nhàn tức-tủi cực điểm, thò hai tay vuốt máu của Thanh-Nhân còn ấm hiểm [1] rồi đưa ngay lên mặt ngài mà nói:” Tôi quyết trả thù nầy cho ngài. Xin ngài vững lòng mà an giấc”.
Các tướng-sĩ đứng chung-quanh thấy vậy đều cảm-động, nên đồng nhúng tay vào máu điều một đệ nhứt hùng Gia-Định[2] mà thề sẽ trả oán rửa hờn.
Cao-Liêm day lại thấy tên sát-nhơn bị trói đương đứng trong góc, có hai tên quân gìn-giữ, thì nổi giận nên rút cây gươm treo trên vách nhảy lại nạt tên sát-nhơn mà hỏi: “Thằng khốn-nạn ! Ai xúi mầy ám-sát Thượng Tướng-Công, phải khai cho mau. Khai mau kẻo tao chặt rụng đầu Thằng nào xúi mầy ? Nói đi. Nói mau”.
Tên sát-nhơn sợ chết, đứng run bây-bẩy thủng-thẳng nói: “Ông Hà-Khâm với ông Trương-Hậu biểu tôi”.
Cao-Liêm la lớn: “À ! Hai thằng cha đó biểu mầy, hai thằng cha đó biểu mầy !” vừa nói vừa huơi gươm chém quân sát-nhơn. Háo-Nghĩa với Thiên-Hà vội-vã muốn chụp tay Cao-Liêm mà chụp không kịp nên đầu của tên sát-nhơn rơi xuống đất, còn thân mình nó thì ngã nằm dài máu trong cổ phun ra có vòi.
Háo-Nghĩa chắt lưỡi mà than: “Phải để nó sống đặng đối-chứng, sao lại giết nó đi !”.
Võ-Nhàn nói: “Dẫu Hà-Khâm với Trương-Hậu xúi nó thì cũng phải có lịnh vua dạy bọn đó mới dám xúi. A ! Hèn chi sai đòi Thượng Tướng-Công lại Hoàng-Cung nghị-sự. Ấy là kế sắp đặt đặng hạ-sát Thượng Tướng-Công mà !”.
Cao-Liêm nói: “Vậy thì tôi đi báo thù liền bây giờ.” Cao-Liêm nói dứt lời rồi hăm-hở cầm gươm đi ra cửa. Đinh-Trụ với Võ-Nhàn cũng xách gươm chạy theo. Mấy chục tên quân đứng lóng-nhóng ngoài sân cũng đi theo ba tướng.
Tới đinh của hai quan Ngự-Tiền Cố-Vấn, Võ-Nhàn với mấy chục binh Đông-Sơn bao-vây còn Cao-Liêm cầm gươm xông vào lục-soát. Hà-Khâm với Trương-Hậu đều trốn đi mất, không có ở trong dinh. Tướng-sĩ kéo nhau đến trước Hoàng-Cung thì thấy cửa đóng.
Võ-Nhàn vỗ cửa xin cho vào đặng tâu với vua cho bắt Hà-Khâm với Trương-Hậu chém liền về tội xúi người âm-sát Thượng Tướng-Công. Cao-Liêm la lớn nếu không mở cửa thì cứ phá cửa mà vào.
Nguyễn-Vương ở trên từng lầu phải ra đứng ngoài cửa mà nói: “Chư-tướng chẳng nên vô lễ mà phạm tội. Vụ Thượng Tướng-Công bị ám-sát để cho ta tra xét rõ-ràng rồi ta chiếu quốc-luật mà trừng-trị những chánh-phạm, tùng-phạm và chủ-mưu. Chư-tướng phải vâng lịnh ta, chẳng nên táo-bạo mà gây họa: Ta sẽ báo thù cho Đỗ Tướng-Công”.
Cao-Liêm nói: “Đứa sát-nhơn đã khai Hà-Khâm với Trương-Hậu xúi nó. Chắc hai thằng gian-tặc đó trốn trong Hoàng-Cung. Vậy xin Hoàng-Thượng dạy bắt chúng nó giao cho quân đội hành-quyết liền bây giờ mới vừa lòng dân-chúng, nếu Hoàng-Thượng yêm-ẩn bọn gian-thần thì người ta sẽ nghi Hoàng-Thượng đồng mưu rồi sự phẫn uất của nghĩa-binh Đông-Sơn sẽ đưa tới cái cảnh thành nghiêng nhà cháy“.
Nguyễn-Vương nói: “Không có Hà-Khâm với Trương-Hậu trốn trong Hoàng-Cung. Chư-tướng hãy về lo cho Đỗ Tướng-Công. Để sáng mai ta ra lịnh tìm bắt hai người ấy mà tra vấn. Nếu quả có tội thì ta sẽ chiếu quốc-luật mà hành-hình. Ta không tư-vị đâu”.
Háo-Nghĩa hay chư-tướng lại vây tới Hoàng-Cung thì sợ đại-loạn, nên lật-đật chạy lại đứng nãy giờ mà nghe vua phân phán.
Anh ta tiếp khuyên tướng-sĩ phải bình-tĩnh mà xử sự. Vậy nên trở về bàn tính vơi nhau, không nên bạo-động gây họa thêm lớn nữa. Chư tướng nghe lời mới dắt nhau trở về dinh Đỗ Tướng-Công.
Nhưng khi bước vào dinh, Võ-Nhàn với Cao-Liêm thấy thi-hài của Thanh-Nhân nằm, cặp mắt vẫn mở trao-tráo, thì xúc-động, nên mỗi người đứng một bên ôm mình Thanh-Nhân mà khóc.
Cao-Liêm khóc một hồi rồi ngước mặt lên mà nói: “Ai muốn ở lại đây thì ở. Tôi phải đưa thi-hài về Ba Giồng nhà chôn cất rồi tôn Đỗ Nương-nương làm nữ-chúa đặng đánh báo-thù”.
Võ-Nhàn nói: “Tôi cũng đi, chớ ở lại đây làm gì nữa”. Mấy người khác cũng hiệp ý.
[1] khá nóng, hâm hẩm nóng.
[2] Theo sử của Việt-Nam thì Gia-Định tam-hùng là Đỗ Thanh-Nhân, Châu-Văn-Tiếp và Võ-Tánh, cả ba đều giúp vua Gia-Long phục quốc.