Chương 13
Tác giả: Hồ Biểu Chánh
Võ-Nhàn bước ra cửa, thấy binh lính tựu trước sân khá đông thì nói lớn: “Anh em đi khắp các trại truyền cho tướng-sĩ hay: Chúng tôi sắp trở về Ba Giồng lo báo thù cho Chủ Soái, có đại công mà bị người ta ám hại. Ai muốn báo thù thì đi theo chúng tôi. Ai không muốn thì ở lại đặng rồi cũng sẽ chết nữa”.
Ở ngoài hô lớn: “Chúng tôi theo hết”.
Chư-tướng lấy một cái võng ôm thi-hài của Thanh-Nhân để lên võng rồi dạy hai tên quân võng đem ra bến mà chở xuống thuyền. Đã quá canh một rồi nên nhà ở dọc đường đều đóng cửa ngủ hết. Binh-lính chạy về trại lấy khí-giới và áo-quần rồi đi theo sau.
Nghĩa-binh Đông-Sơn ngày trước phần nhiều thì đi đánh Bình-Thuận với Lê-Văn-Quân, còn lại thì ít, tốp thì chia cho Biên-Trấn, tốp thì thủ các đồn từ Nhà-Bè ra Cần-Giờ, bởi vậy ở tại thành Phan-Yên chỉ có mấy chục. Mấy ngàn binh trong thành hiện thời là binh mới điền lúc sau nầy, chớ không phải nghĩa-binh Đông-Sơn.
Tuy vậy mà khi Võ-Nhàn, Cao-Liêm, Đinh-Trụ, Bạch-Khuê, Háo-Nghĩa và Thiên-Hà đưa thi-hài của Thanh-Nhân ra tới bến, đặt trong một chiếc thuyền đặng đi cho mau thì thấy chiến-sĩ cầm binh-khí chạy theo từng tốp, chẳng phải mấy chục nghĩa-binh Đông-Sơn mà thôi, mà còn có thêm gần 300 binh mới, vì mến nghĩa-dõng của đệ-nhứt anh hùng Gia-Định, nên theo đặng làm cho thiên-hạ thấy tuấn-kiệt dầu mất, oai tín vẫn còn, còn đến mấy đời cũng không phai-lợt.
Chư-tướng thấy nhơn-tình như vậy thì cảm-động nên dọn thêm bốn chiếc thuyền nhỏ nữa mà chở hết đi.
Đoàn thuyền lìa bến. Mặt trăng đã lên cao. Ai nấy day lại ngó vào thành Phan-Yên, thì cảnh-vật lặng-lẽ, im-lìm, như cảnh vô nhơn, như vật kiệt lực .
Đáng buồn thay !
Đêm nay, ở Thuộc-Nhiêu, Đỗ Nương-nương bứt-rứt trong lòng, nên nằm thổn-thức hoài, nhắm mắt mà không ngủ được.
Nàng nhớ cha, hay cha đi sắp-đặt cuộc bảo-hộ Cao-Miên, hay cha đã tôn Hoàng-Tử Ánh lên ngôi quốc-vương, hay cha được phong tước trọng quyền cao, hay chư-vị anh hùng Đông-Sơn đều được đẹp mày nở mặt. Nàng biết Trần-Minh-Giám khuất sớm không được thấy ngày vinh-quang hiển-đạt của đồng-chí Đông-Sơn là nhóm người quyết nuôi lòng nghĩa-hiệp đặng nêu cao hào-khí của đất nước Gia-Định.
Đêm càng khuya, trăng càng tỏ, gà trong chuồng đua nhau gáy, dế ngoài cửa lén ngâm. Đỗ Nương-nương mơ-màng, hồn vởn-vơ, trí mê-mệt, bỗng chiêm-bao thấy ông Minh-Giám về xô cửa buồng bước vào kêu mà nói rõ ràng: “Thanh-Xuân, thức dậy con. Cha con bị gian-đảng đố hiền tật năng[1] nên ám-sát chết rồi. Con phải dậy sửa-soạn nghinh-tiếp thi-hài của cha con, rồi hiệp cùng đồng-chí Ba Giồng mà báo hù báo oán”.
Đỗ Nương-nương vùng ngồi dậy, không thấy ông Minh-Giám, nhưng tiếng nói của ông vẫn còn văng-vẳng bên tai. Nàng đổ mồ-hôi ướt áo, bước lại khêu ngọn đèn cho tỏ, rồi ngó đèn mà suy-nghĩ. Tại sao ông Minh-Giám hiện hình về báo tin hung-ác như vậy ? Có thiệt hay là mộng-mị ? Ta mơ màng thấy ông rõ-ràng và nghe nói rành rẽ ông dạy ta sửa-soạn rước thi-hài cha ta rồi hăng-hái lo báo oán. Nên tin hay là không nên tin ?.
Nàng ngồi ngẫm-nghĩ một hồi lâu rồi bưng đèn bước ra nhà khách, kêu gia-dịch thức dậy và sai một người lại nhà ông chủ xóm Tấn ở gần nhà, mời ông lại có việc gấp.
Chẳng bao lâu, chủ xóm Tấn lại tới. Ông thấy Nương-nương ngồi mà có sắc lo. Ông hỏi có việc chi thì Nương-nương mời ông ngồi rồi đem chuyện chiêm-bao mà thuật rõ lại cho ông nghe.
Ông Tấn đã sẵn kính phục trí sáng suốt của Minh-Giám, lại ông trộng tuổi, ông cho chiêm bao là linh-tánh mách bảo cho mình biết việc dữ và điềm lành sắp tới, bởi vậy nghe Nương-nương thuật chuyện thì ông nóng-nảy lo sợ. Ông xin Nương-nương sai một tên gia-đinh nhậm lẹ đi tắt qua giồng Trấn-Định lấy một chiếc xuồng nhỏ bơi riết lên thành Phan-Yên mà thăm, rồi dầu có dầu không cũng phải trở về liền mà báo tin.
Đỗ Nuơng-nương quyết-định nàng phải đi, chớ không thể ngồi nhà mà chờ tin được. Ông Tấn nói nếu Nương-nương đi thì ông đi theo.
Ông Tấn liền về nhà sửa soạn. Đỗ Nương-nương thay đổi xiêm-y gọn-gàng rồi ông Tấn trở lại, nàng đai kiếm mang cung, dắt hai tên gia-đinh mạnh-mẽ mà đi với ông Tấn qua Trấn-Định lấy xuồng mà lên Phan-Trấn.
Hai gia-đinh nỗ lực bơi riết nên tảng sáng thì xuồng đã gần tới Ba Cụm. Ông Tấn thấy phía trên xa đi xuống có năm chiếc thuyền nối đuôi đi một dọc mà chiếc nào cũng chở người ta nhiều. Ông chỉ cho Nương-nương xem. Hai người đều phát nghi nên châu mày buồn-bực, thúc hai gia-đinh bơi riết.
Chừng gặp đoàn thuyền ấy, Đỗ Nương-nương thấy có Võ-Nhàn đứng trong chiếc đi đầu liền kêu mà hỏi: “Phải thuyền đưa thi-hài cha tôi về hay không ? Nói giùm cho mau”.
Bên thuyền kia có nhiều người la “Phải” một lượt. Đỗ Nương-nương nóng-nảy, xuồng chưa kịp cặp sát với thuyền mà nàng đã đứng dậy nhảy vọt qua, thấy cha nằm im lìm nhưng cặp mắt mở lớn thì ôm cha mà khóc. Chư-tướng ngồi bao chung-quanh có thêm ông chủ xóm Tấn, ai cũng rơi lụy.
Bây giờ Thanh-Nhân mới chịu nhắm mắt lại.
Trong thuyền ai thấy như vậy cũng lấy làm kỳ.
Háo-Nghĩa hỏi chủ xóm Tấn vậy chớ ai báo tin cho Đỗ Nương-nương hay nên bươn-bả ngồi xuồng đi đón. Ông Tấn nói hồi hôm ông Minh-Giám hiện hình về kêu mà nói cho Nương-nương hay nên nàng nóng-nảy bứt-rứt mới kêu ông đi.
Ai nấy nghe tới chuyện linh-hiển nầy càng lấy làm kỳ hơn nữa.
Cao-Liêm mới nói: “Đỗ Tướng-Công với Trần Tham-Mưu là bực anh-dõng, là khí-phách của đất nước. Hai ngài tuy mất mà vong-linh vẫn còn hiển-hách. Vậy chúng ta vái-van, mất cũng như còn, hai người ủng-hộ dìu dắt anh em chúng ta báo oán rửa hờn, cho thiên hạ biết danh Đông-Sơn nghĩa-hiệp”.
Đỗ Nương-nương nghe Cao-Liêm nói như vậy thì ngước mặt ngó rồi nói: “Tôi rất cám ơn chư-vị nghĩa-sĩ có lòng yêu mến cha tôi nên cha tôi mất theo đưa cha tôi trở về cố-hương mà còn quyết chí rửa hờn trả oán. Xin chư-vị cho tôi biết coi ai làm sao cho cha tôi chết mà tính việc trả oán ? Sao không giết liền họ lại bỏ về ? Ông Minh-Giám nói gian-đảng đố hiền tật năng nên ám-sát cha tôi. Phải vậy hay không ? Gian-đảng là ai ? Xin cho tôi biết. Tôi sẽ làm rụng đầu chúng nó hết thảy tôi mới vừa lòng”.
Võ-Nhàn với Cao-Liêm mới thuật rõ trường-hợp Đỗ Tướng-Công bị ám-sát cho Đỗ Nương-nương nghe, kể có đầu có đuôi, không bỏ sót một mảy nào.
Cao-Liêm nói bắt được một đứa sát-nhơn nó khai Hà-Khâm với Trương-Hậu xúi nó. Vây mà xét thì hai người ấy đã trốn mất. Anh em nghi trốn trong Hoàng-Cung, đòi phá cửa vào kiếm hăm đốt thành cho ra tro, vua mới giải hòa, hứa sáng ngày sẽ bắt mà tra vấn, như hai người đó thiệt có tội thì vua sẽ chiếu luật mà gia-hình. Anh em trở về dinh, tức giận không bắt dược Hà-Khâm với Trương-Hậu mà giết liền cho đã nư giận, lại thấy vua không cho vào Hoàng-Cung mà kiếm thì nghi cho vua đồng mưu nên yêm-ẩn kẻ gian. Anh em bối-rối không biết tính lẽ nào. Nếu nổi loạn đốt thành thì lỗi với nước-non, nên đưa thi-hài của Tướng-Công về Ba Giồng an-táng rồi sẽ lo mưu báo oán.
Đỗ Nương-nương nghe rõ hết rồi thì trợn mắt mà nói: “Tôi oán hết thảy, bất luận là ai. Để chôn cất cha tôi rồi, họ sẽ biết mặt tôi. Xin chư-vị anh-hùng vui lòng giúp tôi đặng cho thiên-hạ biết dầu cha tôi với ông Minh-Giám đã mất, nhưng hào-khí Đông-Sơn vẫn còn”.
Cả thảy đều nói: “Tướng-Công mất rồi, anh em chúng tôi sẽ cậy Nương-nương nắm quyền Tướng-Soái cho anh em chúng tôi giữ vững tinh-thần đặng chiến-đấu cho mà coi”.
Đến trưa, đoàn thuyền về tới Trấn-Định. Tướng sĩ để thuyền tại đồn, võng thi-hài do đường bộ đặng về Thuộc-Nhiêu cho mau, võng đi đầu, tướng-sĩ sắp hàng đi theo sau.
Từ hồi sáng, cả ba giồng hay Nương-nương chiêm-bao thấy đại họa nên lấy xuồng mà đi lên Phan-Yên. Già trẻ đều lao-nhao ngóng nghe tin-tức. Chừng nghe thuyền chở thi-hài của Tướng-Công về ghé Trấn-Định thì các chủ xóm thân-hào ở giồng nầy và giồng Cánh én tựu lại tiếp rước mà đưa lên Thuộc-Nhiêu.
Trên giồng Thuộc-Nhiêu, nhơn-dân còn bâng-khuâng hơn nữa. Đoàn nữ-binh của Nương-nương ăn cơm sớm mơi rồi tề-tựu tại võ-trường luyện tập mà chờ tin. Chừng thấy dạng tướng-sĩ xa xa thì nghe thiệt có họa rồi, nữ-binh mới sắp hàng-ngũ đi ra xa mà nghinh tiếp. Người trong giồng cũng đi theo.
Mấy ông chủ xóm dọn sẵn bộ ván giữa nhà rồi chừng thi-hài về tới thì rước để Tướng-Công nằm đó cho mọi người có thể chiêm-bái. Người trong giồng phân cho nhau, tốp lo hòm rương đặng tẩn-liệm, tốp nấu cơm nước cho tướng-sĩ ăn.
Võ-Nhàn giao cho Phan-Đình-Trụ với Lưu-Bạch-Khuê phân 300 binh mới đem về mà đóng giữ mấy đồn hiểm-yếu trong ba giồng, còn để 50 binh cũ với đoàn nữ-binh ở tại nhà làm binh lưu-động, hễ chỗ nào hữu sự thì Cao-Liêm hoặc Võ-Nhàn sẽ điều-khiển đến tiếp-viện.
Tẩn-liệm xong rồi, linh-cữu để giữa nhà đủ ba ngày mà cúng tế rồi mới an-táng tại đầu giồng. Táng song-song với mộ của ông Trần-Minh-Giám.
Chiều lại Nguyễn-Lượng mới về tới, có dắt theo một trăm binh, Nguyễn-Lượng ra ôm mộ khóc rất lâu rồi trở vô nhà trách anh em sao không phá cho tan-hoang mà bỏ ghét lại rút êm trở về Ba Giồng dường như sợ nên trốn. Háo-Nghĩa mời cắt nghĩa cho Lượng nghe: mục-đích của Đông-Sơn là cứu dân giúp nước. Vì muc-đích đó nên Trần Tham-Mưu với Đỗ Tướng-Công mới ra phò vua. Có lẽ tại mạng Trời xui khiến nên năm trước Trần Tham-Mưu tỵ trần rồi bây giờ Đỗ Tướng-Công thất lộc nữa. Giận thì giận, thù thì thù, nhưng chẳng nên bỏ mục-đích mà dấy loạn, làm cho chết dân sụp nước, trái hẳn với ý định của sư-phụ cho được. Tại như vậy nên anh em đi sái đường thì trở lại đặng tìm ngã khác mà đi, chớ không phải sợ ai hay là vị ai.
Nguyễn-Lượng thở dài mà nói: “Tôi mắc ở ngoài Cần-Giờ, nên việc xảy ra đến hai ngày rồi tôi mới hay. Tôi nghe anh em chở thi-hài của Tướng-Công về Ba Giồng, tôi mới gom nghĩa-binh Đông-Sơn chở về đây đặng bàn tính với anh em coi bây giờ chúng ta phải làm cái gì”.Nương-nương, Võ-Nhàn với Cao-Liêm đồng nói một lượt: “Báo oán, báo oán trước đã !”.
Nguyễn-Lượng nói: “Tôi oán những người đố hiền tật năng, chủ mưu ám-hại cha tôi. Tôi phải phân thây những người đó cho được, tôi mới hết giận”.
Võ-Nhàn nói: “Theo tôi thì tôi oán tất cả mọi người, hoặc công khai xuất trận, hoặc núp lén xúi giục, làm cho Trần Tham-Mưu chết trước, Đỗ Tướng-Công chết sau, đặng nhóm Đông-Sơn không còn thủ-lãnh phải vở tan, khối anh-dõng mất hết tinh-thần phải rời-rã. Tôi quyết chống với tất cả mọi người đó. Tôi không dung ai hết“.
Cao-Liêm nói: “Tôi hiệp ý với anh Võ-Nhàn. Tôi cũng oán tất cả mọi người. Tôi muốn anh em ta kế chí của tiền-nhơn, biệt-lập ở đất Ba Giồng, tổ-chức nghĩa-binh Đông-Sơn lại, ta làm chủ lấy ta, không phục-tùng ai hết; thế còn yếu, thì ta hùng-cứ nội đất Ba Giồng, chừng thế mạnh, lần lần ta sẽ bành-trướng ra lớn”.
Nguyễn-Lượng gặt đầu mà nói: “Chí-hướng đó là chí-hướng đầu-tiên của bực sư-phụ ta. Tại thời-cuộc biến-chuyển làm cho chí-hướng đổi thay, nên mới gây tai-họa. Bây giờ ta trở lại đường cũ mà đi là phải hơn hết. Ngặt hồi trước nhờ sư-phụ ta tài cao trí sáng mới tạo được lực-luợng hùng-hậu, mới dựng nên một công-nghiệp vẻ-vang. Bây giờ anh em chúng ta thiếu tài thiếu trí, lại binh không còn tới 500, tướng chỉ có năm bảy người, sợ không giữ nổi Ba Giồng, mong gì làm được việc lớn. Tôi thấy khó kế chí cho tiên-nhơn nổi”.
Cao-Liêm nói: “Hễ có thiện-chí phải thành-công. Nến làm mà cứ sợ không thành, sắp xuất trận mà chắc bại trước, thì làm sao mà thắng được”.
Võ-Nhàn nói: “Anh-Hùng thấy việc nên làm thì phải làm không nên nghĩ tới sự thành hay bại”. Đỗ Nương-nương nói: “Nếu mấy anh sợ thất bại, mấy anh không chịu làm thì một mình tôi, tôi cũng làm. Sự báo oán cho cha tôi, không thế nào tôi bỏ qua được”.
Mấy võ-tướng đồng nói việc báo oán thì đã đành, ai cũng cương-quyết phải làm trước. Anh em bàn tính là tính về việc tương lai kìa. Lưu-Bạch-Khuê nói: “Về sự báo oán cho Tướng-Công tôi muốn xin anh em để tôi làm thích-khách, tôi lập thế giết hết”. Võ-Nhàn cản: “Bọn tiểu nhơn nó núp lén mà hại người. Mình là anh-hùng, lẽ nào mình bắt chước bọn họ. Mình báo oán giữa thanh thiên bạch nhựt, chúng nó mới ghê sợ, thiên hạ mới phục-tùng chớ”.
Háo-Nghĩa nói: “Tôi văn-nhơn quen cầm bút chớ không biết cầm đao: Thời buổi nầy mạnh thì sống, yếu thì chết. Tôi thuộc về phe yếu, tôi dựa theo mấy anh để mượn hơi mà sống, bởi vậy mấy anh làm sao tự ý, tôi không dám cản. Tôi chỉ xin mấy anh nhớ điều nầy: dầu làm việc gì cũng vậy, làm bây giờ hay là làm ngày khác, mấy anh đừng quên chí-hướng của Đông-Sơn là cứu dân giúp nước. Dân là dân của ta, nước là nước của ta, đừng làm việc chi có thể hại dân hoặc hư nước”.
Chư-tướng nhìn nhau, có sắc bối-rối.
Cao-Liêm nói: “Bọn hại Tướng-Công là bọn gian. Để cho chúng nó sống thì chúng nó hại dân. Vậy trừ chúng nó mà cứu dân, hạp với chí-hướng của Đông-Sơn, chớ có trái đâu mà dụ-dự”.
Nhờ mấy câu giải-thích ấy chư-tướng mới nhận thấy điều cần gấp là phải lo báo oán cho Tướng-Công rồi nhơn dịp báo oán đó sẽ tùy tình thế, tùy thời-cuộc, mà xây-dựng tương-lai theo chí-hướng của Đông-Sơn, cho khỏi hổ với sư phụ, với tiền-bối.
Tổ-chức cuộc báo oán, mấy anh em nghĩ phải cử một người thủ-lãnh, để bàn hoạch kế-sách, chỉ-huy lực-lượng và cung-cấp nhu-cầu. Một vài người đề cử Võ-Nhàn, hoặc Nguyễn-Lượng, hoặc Háo-Nghĩa phải lãnh trọng-trách đó. Cả ba người đều cố từ, viện lẽ rằng tuy ba người đều cương-quyết phải báo oán, song mỗi người quan-niệm một cách hành-động riêng, không hạp với trí ý của toàn thể anh em, nên sợ không được nhứt trí, nhứt tâm rồi giải đãi mà hư việc chung.
Bàn cãi một hồi rồi cả thảy đồng-ý cậy Đỗ Nương-nương nắm quyền thủ-lãnh đặng cắt phân phận-sự cho mỗi người và chỉ-huy quân-đội lúc chiến-đấu. Nương-nương không chịu, quyết xin lãnh quyền nữ-tướng đặng điều-khiển đoàn nữ-binh chiến-đấu vậy thôi. Chư-tướng nói cầm quyền thủ-lãnh cũng xuất trận như ai vậy, lại chỉ-huy toàn thể quân-đội thì càng dễ mà biểu-lộ tài-năng đặng chiến-thắng.
Các tướng-sĩ nài ép quá nên Đỗ Nuơng-nương phải chịu làm thủ-lãnh Đông-Sơn.
Bữa sau Nương-nương sai mời các chủ xóm trong Ba Giồng tề-tựu lại tất cả tướng-sĩ các đồn về giết trâu bò cúng-tế Thanh-Nhân và Minh-Giám, rồi đứng ra nói: “Vì cuộc biến-chuyển nên kể từ đây đất Ba Giồng nầy là đất riêng của chúng ta. Vậy các chú bác, các anh em, phải góp sức với nhau mà gìn-giữ, đừng cho ai được xâm-phạn, mà cũng đừng thèm tùng-phục ai. Chúng ta vui sống vui chết với nhau, đoàn-kết thành một khối cứng-cỏi, mạnh-mẽ mà chống-chỏi cho đắc-lực, chúng ta cần phải tổ-chức cuộc phòng-thủ chung cho ba giồng, lại cũng phải tổ-chức nuôi sống chung cho quân-đội. Hôm nay các tướng-sĩ cậy tôi phải nắm quyền thủ-lãnh đặng điều-khiển mọi việc. Vì tình-thế ép buộc tôi phải lãnh trọng-trách. Tôi làm trâu bò mà cúng cha tôi với ông Minh-Giám, vái-van vong-linh phò-hộ đất Ba Giồng và riêng giúp tôi được sáng-suốt mà lo báo oán cho tiên-nhơn và lo giữ an cho dân chúng. Tôi cũng xin các bác, các chú và các anh tận lực giúp sức cho tôi làm tròn nhiệm-vụ, làm rạng danh tướng-sĩ Đông-Sơn, làm cho vừa ý người dưới chín suối . Bây giờ tôi xin cậy:
- Anh Võ-Nhàn phải đi quan-sát hệ-thống phòng-thủ các đồn lũy lại, coi có chỗ nào hư sụp phải sửa chữa lại liền và phải tùy số binh có sẵn mà phân phát thủ mấy yếu-điểm;
- Anh Nguyễn-Lượng chỉ-huy một toán quân cung tiễn lưu-động trong các sông Bến-Lức, Vũng-Gù, ngăn ngừa binh Phan-Trấn xâm-lăng địa phận của ta, gặp binh tướng thì đánh bắt, gặp lương-thực thì đoạt lấy;
- Anh Cao-Liêm cũng lãnh một toán quân lưu-động tuần-phòng khúc Tiền-Giang ngang địa-phận ta mà đoạt lương bắt lính;
- Anh Đình-Trụ quản xuất các đồn giồng Cánh Én;
- Anh Bạch-Khuê quản xuất các đồn giồng Trấn-Định.
- Mấy đồn theo giồng Thuộc-Nhiêu thì xin anh Võ-Nhàn kiểm-soát đặng ảnh với Háo-Nghĩa gần tôi cho tôi hỏi ý-kiến vì tôi cần dùng một cố-vấn về quân sự và cố-vấn về chánh trị.
- Còn anh Huỳnh-Thiên-Hà thì tôi cây anh giả dạng người buôn-bán lên Phan-Trấn mà thám-dọ tình-hình đặng báo tin cho chúng tôi biết hành-động của họ mà đề-phòng hoặc tấn-công.
Xin mấy anh rán lo gấp mấy việc ấy đặng chờ có hệ-thống phòng thủ vững-vàng, có lương-thực đầy đủ và có quân lính hùng-bậu rồi chúng ta sẽ đánh thành Phan-Yên mà bắt kẻ thù để rửa hận. Về phần mấy ông chủ xóm, tôi xin mấy ông khuyên bà con làm ruộng thêm đặng có lúa cho nhiều, bắt cá thêm đặng làm mắm xẻ khô để cung-cấp lương-thực cho quân-đội dùng”.
Cử-tọa từ trẻ đến già, dầu văn hay võ, ngồi nghe Đỗ Nương-nương sắp dặt, thảy đều kính-phục, ai cũng khen phận gái, lại trẻ tuổi mà có tài-năng, có thao-luợc, không ai bì kịp.
Nương-nương khiêm-nhượng nói võ-nghệ thì nhờ cha luyên tập ít môn, còn chiến-lược thì nhờ ông Minh-Giám chỉ giùm chút đỉnh, nên nay phải đem sự học hỏi mà giúp bạn đồng-chí vậy thôi, chớ đâu dám khoe tài-năng thao-lược.
Nguyễn-Lượng với Võ-Nhàn nói Thượng Tướng-Công và Trần Tham-Mưu mất mà có lưu lại một môn đệ để dìu-dắt Đông-Sơn thì cũng đủ làm rỡ-ràng cho xứ sở.
Cả thảy đều vui lòng và hăng-hái thi-hành huấn-lịnh của Đỗ Thủ-lãnh.
Cách ít ngày sau, những nghĩa-binh Đông-Sơn hồi trước cắt đi thủ Biên-Trấn, Nhà Bè, trốn về Ba Giồng từng tốp xin cho nhập-ngũ lại đặng báo thù cho Đỗ Tướng-Công; lại còn có nghĩa-sĩ các chỗ khác mến danh Đông-Sơn đến xin hiệp-tác, thành thử trong một tháng đầu thì Nương-nương có sẵn dưới tay 800 binh vừa cũ vừa mới, đủ phân phát cho các tướng chỉ-huy hoạt-động mạnh-mẽ.
Nguyễn-Lượng kiểm-soát vùng Vũng-Gù, Bến-Lức không thấy dạng địch-quân mới đem binh lên tận Bà-Hom, Chợ-Đệm mà thâu lương, cũng không ai dám chống cự. Võ-Nhàn coi tu bổ hệ-thống phòng thủ rồi thì cùng với Cao-Liêm phân binh đi góp lương-thực miệt Tiền-Giang, Cổ-Chiên, người lên tới Long-Hồ, Sa-Đéc, Cao-Lãnh, người qua tới Chẹt-Sậy, Sóc Sải, Ba-Vát, Nước-Xoáy.
Dưới quyền thủ-lãnh của Đỗ Nương-nương mới nửa năm mà Đông-Sơn đã chế-trị cả vùng phì nhiêu trong Gia-Định, lúa tiền dư-dả, binh-lực hùng-hào, chận nghẹt Phan-Trấn không đủ lương-thực mà nuôi quân lính.
Một bữa Thiên-Hà dọ-thám về báo tin ở Phan-Yên quan quân đương bối-rối vì thiếu lương. Trong thành có mấy ngàn mà không có tướng điều-khiển đặng đánh dẹp Đông-Sơn cho các trấn tiện bề nạp lương. Vua sai Trương-Hậu cầm binh thì người lấy cớ tuổi già mà từ chối. Đòi Lý-Thiện thì Lý-Thiện khai bịnh đi không được.
Cách ít ngày, Nguyễn-Lượng chở binh đi tuần theo sông Vũng-Gù, hay tin có lối một chục chiếc thuyền ở phía Vàm-Cỏ đi vô, chiếc nào cũng chở đầy binh lính. Lượng sai một tên quân bơi xuồng về báo cho đồn Trấn-Định hay và dặn phải báo luôn Thuộc-Nhiêu với Cánh-Én nữa. Vì Lượng chỉ có 100 binh cung nỏ không thể ngăn cản nên phải đi bét vào rạch nhỏ ẩn núp đợi đoàn thuyền giặc đi qua rồi mới trở ra mà nom theo sau.
Võ-Nhàn mắc đem binh đi tuần trong Tiền-Giang, Đỗ Nương-nương hay tin có thuyền giặc vào Vũng-Gù, chắc giặc muốn đánh Trấn Định, mới giao cho Háo-Nghĩa giữ Thuộc-Nhiêu, nàng dắt 50 nghĩa-binh với 100 nữ-binh mang cung tên xuống Trấn-Định phòng-hờ để trợ chiến với Bạch-Khuê.
Thiệt quả Nương-nương vừa tới thì có tin giặc vào rạch Tân-An, chắc sẽ qua Trấn-Định. Nương-nương bàn tính với Bạch-Khuê biểu để chừng 10 tên quân trong đồn, còn bao nhiêu thì rút ra ngoài mà ẩn núp. Nương-nương cũng cho 50 nghĩa-binh núp ngoài đồn và chở hết nữ-hinh qua mé rạch bên kia mà mai-phục.
Giặc tới ngang đồn thấy êm ru thì ghé thuyền vào mé và cất binh lên. Tướng giặc vào đồn chỉ có mấy bên quân le-the, bèn xua binh vào đốt phá đồn. Chừng mấy trăm binh giặc vào sát cửa đồn rồi thì hai bên có tiếng nổi lên, có tiếng la ó, giặc kinh tâm chen lấn nhau mà thối lui. Hai bên tên bắn như mưa. Giặc tán loạn, đụng đâu chạy đó, tốp lọt xuống hầm sâu thì hết lên. Bên mé rạch, nữ-binh cũng ó lên bắn qua, tướng giặc không biết chạy đường nào cho khỏi, mới nhảy xuống một chiếc thuyền với ít chục tên quân mà trở ra.
Đỗ Nương-nương với Bạch-Khuê đốc quân bắt hết binh giặc. Chúng đưa tay chịu trói, hết dám chống cự. Tướng giặc tưởng xuống thuyền rồi thoát nạn được, nào dè mới đi được một khúc sông thì bị binh Nguyễn-Lượng chặn bắt trói hết mà đưa trở lại Trấn-Định.
Nguyễn-Lượng thấy có Nương-nương, lại hay thắng trận rất khỏe thì mừng-rỡ khen ngợi Nương-nương mới xuất trận mà được thành-công vẻ-vang. Bạch-Khuê đếm tù-binh thì được gần 800, trong số đó hơn 100 bị thương. Có lẽ chạy tản-lạc mà trốn chừng vài trăm.
Đinh-Trụ ở Cánh-Én nghe bên nây có tiếng trống thì đem 100 binh qua trợ chiến. Hay giặc đã đại bại thi mừng vô cùng. Nương-nương giao hết tù-binh cho Bạch-Khuê với Đinh-Trụ xử-dụng rồi biểu cho ít cái ghế để dưới bóng cây dừa đặng ngồi tra hỏi tướng giặc.
Nương-nương mời ba tướng ngồi và hỏi lúc còn ở Phan-Yên có biết tướng giặc nầy hay không. Cả ba đều nói người lạ nên không biết.
Nương-nưong dạy tên quân dắt tướng giặc lại mà hỏi:
- Chú tên họ gì, làm chức gì mà cầm binh ?
- Bẩm, con tên Trương-Tuấn, làm chức Quản-Cơ.
- Chú gốc ở đâu ?
- Bẩm, gốc ở Phan-Rí ngoài Bình-Thuận.
- Chú vô đây hồi nào, có công-trận gì mà làm Quản-Cơ, ai sai chú đem binh đánh đây ? Chú khai thiệt hết cho ta nghe thử coi.
- Bẩm, con biết chút đỉnh võ-nghệ, con nghe trong nầy Nguyễn-Vương đương cần nhơn-tài để cầm binh đánh giặc. Con tính vào đặng lập công-danh. Cách bốn tháng trước con vào tới Phan-Trấn, thiệt quả nghe quan Nguyên-Soái Trương-Hậu đương tuyển-mộ tướng để cầm binh.
- Ông Trương-Hậu làm Nguyên-Soái hay sao ?
- Bẩm, phải. Ngài làm Soái chấp-chưởng cả binh-quyền. Con nghe ngài đồng tông với con, con mới vào yết-kiến và xin đầu quân đặng lập công. Ngài hỏi võ nghệ của con rồi cho con làm Cai-đội. Cách mấy bữa trước ngài cho đòi con lên dinh mà nói có đảng cướp Đông-Sơn, ở Ba Giồng cứ đón đường đoạt lương của các trấn gởi về, bởi vậy trong thành không có đủ lúa gạo cho lính ăn. Ngài hỏi con dám đem binh xuống dẹp đảng cướp đó hay không. Như chịu ngài thăng con lên chức Quản-Cơ và cấp cho con một ngàn binh đi đánh dẹp đảng cướp Đông-Sơn đặng lương khỏi bị cướp dọc đường nữa. Con chịu nên ngài cấp binh thuyền và chỉ đường cho con đi đây.
Nguyễn-Lượng cười mà hỏi:
- Bây giờ chú đã thử sức với chúng tôi rồi, chú nghĩ coi thái-độ của chúng tôi có phải giống thái-độ của một đảng cướp hay không ?
- Bẩm, con ở ngoài mới vào, con không hiểu chi hết. Con nghe quan Nguyên-Soái Trương-Hậu nói với con như vậy nên con phải khai thiệt cho các quan nghe.
- Nguyên-Soái Trương-Hậu của chú là thằng gian xảo. Nó nói dối đặng hại chú. Chúng tôi qui tụ nơi đây không phải để cướp giựt mà phá rối. Chúng tôi vì nghĩa nên đoàn kết lập ra đạo nghĩa-binh Đông-Sơn đặng giúp nước cứu dân. Thủ lãnh chúng tôi ngày trước là Đỗ-Thanh-Nhân, một đệ nhứt anh-hùng của đất nước Gia-Định. Buồn thấy nước nhà nguy dân khổ nên Đỗ Thủ-lãnh đem nghĩa-binh ra dẹp loạn phò vua, công lớn danh cao được vua phong đến chức “Ngoại-Hữu Phụ-Chánh Thượng Tướng-Công”. Anh em chúng tôi cả thảy đều được vua ban quyền tước. Trương-Hậu với Hà-Khâm chỉ giỏi nịnh-hót, bợ-đỡ, chớ không có công-cán gì. Chúng nó âm-mưu sát hại Thượng Tướng-Công đặng chúng đoạt quyền chiếm vị. Anh em nghĩa-binh chúng tôi tức giận trở về đây tôn Nương-nương đây là ái-nữ cửa Thượng Tướng-Công làm Thủ-lãnh đặng báo thù báo oán cho vị anh-hùng vì nặng lòng với non nước, nên bị bọn gian mưu hại.
Trương-Tuấn sụp quì xuống cúi đầu bái Đỗ Nương-nương, vì tay bị trói không huy động được.
Nguyễn-Lượng nói tiếp: “Ấy vậy, chúng tôi lớn nhỏ đều là nhóm người đoàn-kết đặng báo oán quyết phạt tội để điếu dân, chớ không phải tụ tập đặng cướp giựt. Bọn Trương-Hậu, Hà-Khâm không dám léo đến đây mà sai tướng-lãnh thì không ai chịu đi. Chúng nó thấy chú ở ngoài mới vào không hiểu tình-hình mới gạt cho chú đến đây nạp mình đặng chết thế cho chúng nó. Tôi phải cắt nghĩa cho chú hiểu rồi sẽ hành hình đặng chú biết tại ai mà chú chết”.
Trương-Tuấn cúi đầu lạy nữa, vừa lạy vừa khóc.
Đỗ Nương-nương bước tới, rút gươm cắt dây mở trói cho Trương-Tuấn, biểu đứng dậy và nói: “Vì ngươi không hiểu, bị bọn gian gạt, nên mới phạm đến địa-phận của ta. Vậy mới lỡ lần đầu nên ta tha cho. Ngươi về phải nói với bọn Trương-Hậu, Hà-Khâm, nếu chúng nó muốn dẹp nhóm Đông-Sơn, thì chúng nó phải đích thân đến đây, chớ đừng sai ai nữa. Nếu chúng nó không dám đến, thì ta sẽ lên phá thành bắt hết chúng nó đem về khai đao nhà tế cha ta”.
Nàng nói dứt lời liền đưa mũi gươm rạch hai đường trên gò má Trương-Tuấn rồi nói tiếp: “Ta rạch mặt ngươi đặng gởi về cho Trương-Hậu với Hà-Khâm. Ngươi phải trình cho bọn đó xem. Mà ta cũng có ý ghi dấu-tích trên mặt ngươi đặng nếu ngươi còn lên đến đây nữa thì ta biết mà trị tội”.
Đỗ Nương-nương dạy hai tên quân lấy xuồng đưa giùm Trương-Tuấn lên Chợ-Đệm rồi sẽ thả cho nó về, chớ thả tại đây nó không biết đường mà đi.
Trương-Tuấn cúi lạy Nương-nương, lạy luôn Nguyễn-Lượng, Bạch-Khuê với Đinh-Trụ nữa, rồi mới theo hai tên quân xuống thuyền mà di.
Bắt thuyền giặc được 10 chiếc, Nương-nương dạy Bạch-Khuê để tại Trấn-Định 5 chiếc và sai người chèo 5 chiếc lên giao cho đồn Thuộc-Nhiêu dùng. Nàng dặn Bạch-Khuê với Đinh-Trụ hỏi tù-binh nếu người nào chịu phục-tùng thì cho làm lính, còn người nào xin cho về nhà thì bắt làm công ít ngày rồi thả.
Nàng gom đoàn nữ-binh với 50 nghĩa-binh của Thuộc-Nhiêu mà đem binh về.
Nàng dạy Nguyễn-Lượng dắt bổn bộ binh đi theo nàng lên Thuộc-Nhiêu đặng nghị-sự vì quan quân trên Phan-Yên tán đởm rồi, không dám léo xuống vùng Bến-Lức, Vũng-Gù nữa đâu mà phải tuần cho mệt binh-sĩ.
[1] ghen ghét người có hạnh, ganh tỵ người có tài.