Chương 10
Tác giả: Hoàng Hải Thủy
Tôi gần như nằm suốt đêm không chợp mắt, tôi như thấy hiện ra trước mặt hình ảnh của Hồng Loan nằm trong căn nhà vắng giữa rừng, cái xác của Văn nằm trong tủ lạnh, bộ mặt thắc mắc, khó nghĩ cũa Thuý. Cộng vào đó là những khuôn mặt chập chờn, ẩn hiện chưa rõ của những người cảnh sát mà tôi chưa gặp bao giờ nhưng tôi biết chắc là sẽ tới trong đời tôi. Từng ấy thứ ám ảnh tôi suốt đêm.
Tôi chờ tới 9 giờ sáng mới lên nhà trên. Thuý đã dậy từ lâu, nàng có vẻ chờ đợi tôi.
Tôi làm bộ thản nhiên:
- Đang cần 1 ly cà phê… Người đẹp mà ban cho ly cà phê phin bây giờ thì tuyệt…
- Có nước sôi đây, để em pha cho anh….
Tôi ngồi bàn, nàng bưng ly cà phê phin đặt trước mặt tôi.
- Sao chưa thấy bà Văn gọi điện thoại về anh? Em nóng ruột quá…
Tôi nhìn đồng hồ tay:
- Mới có 9 giờ. Có thể trên Đà Lại trời lạnh, bà ngủ muộn chứ gì…
- Sao em nghi có chuyện gì xẩy ra cho ông bà ấy quá đi….
- Làm gì có chuyện gì xẩy ra được?… Chỉ sợ tai nạn nhưng bà Văn lái xe cừ lắm mà. Bà ấy lại lái xe đi lại nhiều lần trên đường Sài Gòn – Đà Lạt. Quen đường thì chạy xe chẳng sợ gì nguy hiểm.
Tôi nghĩ đến chuyện vào giờ này, chắc người ta đã tìm thấy Hồng Loan bị trói nằm trong căn nhà văn phòng của xưởng cưa giữa rừng, nàng đang đóng vai trò vợ một người bị bắt cóc, rất có thể cảnh sát trung ương đã được báo tin bằng điện thoại. Tôi không thể chờ lâu hơn, tôi cũng phải bắt đầu bước vào sân khấu thực hiện cái vai trò tôi đã đặt trước cho chính tôi.
- Để tôi gọi điện lên dưỡng đường hỏi coi ông Văn ra sao – tôi nói – Mình biết tin ngay… Nhà có sẵn điện thoại…
Tôi quay số điện thoại của dưỡng đường LaSante. Chỉ năm phút sau, tôi đã có cô y tá trực bệnh viện ở đầu dây. Tôi hỏi:
- Tôi từ Sài Gòn gọi lên đây cô. Cô có nghe rõ tôi không?
Tôi nghe rõ tiếng cô y tá trả lời:
- Tôi nghe rõ. Ông nói đi…
- Tôi hỏi thăm… Ông bà Văn… Ông bà Vũ Minh Văn… đã tới bệnh viện rồi chứ cô? Bà Văn có ở đấy cô làm ơn cho tôi nói chuyện.
- Bà Văn hả ông? Bà ở phòng số mấy? Ông cho biết số phòng…
- Bà ấy mới tới dưỡng đường vào đêm qua. Tôi chưa biết số phòng. Cô làm ơn tìm dùm cho…
- Ông làm ơn chờ một chút…
Tôi áp ống nói vào tai, quay lại nhìn Thuý. Mắt nàng mở lớn nhìn tôi, tôi mỉm cười và gật đầu với nàng như muốn bảo nàng yên trí.
- A lô…? Tiếng trả lời “A lô” của cô y tá.
- Ở đây chúng tôi có giữ phòng cho ông Vũ Minh Văn, nhưng ổng chưa tới…
Tôi kêu lên, thảng thốt:
- Ông chưa tới? Kỳ vậy cô? Cô coi lại kỹ dùm tôi. Ông bà Văn đáp xe hơi lên Đà Lạt từ tối hôm qua.
- Chúng tôi coi kỹ rồi… Không có ông Văn ở đây. Ổng chưa tới… có hẹn tới từ bữa qua nhưng chưa thấy. Chúng tôi đã sắp sẵn phòng chờ ổng.
Tôi rời ống nói khỏi tai, bàng hoàng gần như thực tình, nói với Thuý:
- Ông bà Văn chưa tới Đà Lạt… Vậy là sao kìa?
Nàng hoảng sợ đến xanh mặt:
- Chắc là gặp tai nạn giữa đường rồi…
Tôi ngẩn ngơ:
- Mình phải làm sao bây giờ?
- Anh gọi ngay tới các quận cảnh sát hay nhà thương hỏi coi…
Tôi quay số điện thoại của sở cảnh sát cấp cứu.
Vai trò của tôi thực sự bắt đầu
------o0o-------
Vũ Minh Văn có thể là một nhà doanh thương thất bại, một người bị phá sản, một anh say sưa, rượu chè be bét. Nhưng Vũ Minh Văn, đối với cảnh sát, vẫn còn là một nhân vật quan trọng.
Khi báo tin là Vũ Minh Văn và bà vợ dường như mất tích với cảnh sát cấp cứu rồi tới cảnh sát trung ương, tôi chờ đợi người trung sĩ thường trực ghi tên Vũ Minh Văn cùng địa chỉ, số điện thoại của tôi với lời hứa là ông ta sẽ gọi lại cho biết khi có tin, nhưng tôi không ngờ ông ta nói ngay rằng tôi cứ ở nhà, sẽ có cảnh sát tới ngay.
Đặt ống nói xuống, tôi nói với Thuý:
- Thuý nên bận y phục đàng hoàng đi. Nhà này sắp có khách tới viếng. Cảnh sát sẽ tới ngay. Họ không thấy báo cáo có xẩy ra một tai nạn xe cộ nào đêm qua trên đường Sài Gòn – Đà Lạt hết. Không biết là có chuyện gì đã xẩy tới cho ông bà Văn…
Thuý đi vội lên lầu, dáng điệu và vẻ mặt lo âu, bối rối. Tôi tìm số điện thoại văn phòng luật sư Lê Quí Thanh và gọi tới đó. Khi nghe tôi báo tin, y hỏi dồn:
- Anh đã gọi điện cho cảnh sát rồi ư? Họ nói họ phái người tới ngay ư?
- Vâng. Và tôi nghĩ rằng ông là người cần biết về vụ này và rất có thể ông muốn có mặt ở đây khi phái viên của cảnh sát tới.
- Anh nghĩ đúng lắm. Song sáng nay tôi phải có mặt ờ toà… Một vụ rất quan trọng, tôi không thể vắng mặt được. Vả lại, đây có khi cũng chỉ là một tai nạn xoàng… Rất có thể vì bịnh tình ông Văn đột ngột trở nặng giữa đường, bà Văn có thể dừng xe ở Định Quán hay đâu đó chẳng hạn. Tôi muốn anh gọi lại cho dưỡng đường ở Đà Lạt lần nữa coi, và anh ở đó tiếp cảnh sát. Tới 10 giờ, tôi sẽ từ toà gọi dây nói về đó sau. Có điều này tôi cần dặn anh là nếu nhà báo họ có tới, anh đừng có tiết lộ gì hết nghe. Họ có hỏi thì biểu họ hỏi cảnh sát đi. Đừng nói gì mà rắc rối đó…
- Tôi biết… Nhưng thưa luật sư… tôi chỉ sợ nhà báo họ không để cho tôi yên thân… Nếu ông có mặt ở đây thì tốt quá…
- Được rồi… Tôi ra Toà cho có mặt rồi tôi sẽ tới ngay…
Từ đầu phố xa có tiếng ốc hụ của xe cảnh sát réo vẳng tới tôi. Tiếng còi đó làm cho da thịt tôi nổi óc.
Tôi ra mở cửa lớn vừa đúng lúc chiếc xe Jeep sơn xanh trắng hai màu chạy vào tới.
Trên xe có ba người. Trừ người cầm lái bận đồng phục cảnh sát, hai người kia bận thường phục. Viên cảnh sát ngồi lại trên xe, hai người kia xuống xe đi vào nhà. Tôi tránh sang một bên cho họ vào nhà.
Người đi đầu tiên là một Ông Cò hơi thấp, mặt tròn, trán hói, trạc bốn mươi nhăm tuổi. Người đi sau dáng chưng là Cò Phó, trẻ hơn, có vẻ nhanh nhẹn hơn. Y có khuôn mặt dài, mắt sắc, trạc ngoài ba mươi.
- Thiếu tá Lê Huy… Gã lùn và mập tự giới thiệu. Gã chỉ tay về phía viên cò phó. - … Ông này là Trung uý Đăng. Anh là ai?
Y hỏi tôi và trước cặp mắt chưa chi đã tràn đầy nghi ngời của y, tôi đã cảm thấy run run:
- Tôi là… Quang. Thư ký riêng của ông Vũ Minh Văn.
- Thư ký riêng? Lớn vậy? Anh làm những việc gì cho ông Văn?
Vừa hỏi, Lê Huy vừa bước vào phòng khách. Tôi đi theo chân y. Trung uý Đăng đứng lại bên cửa.
- Tôi lo về thư từ giao dịch và sổ sách của ông Văn.
Lê Huy nặng nề ngồi phịch xuống chiếc ghế salon bộc da êm. Y nhìn quanh và nói như người nói một mình:
- A… Giầu tiền sướng thiệt… Chỉ nội căn phòng này cũng rộng bằng cả nhà mình… Dễ đến kiếp sau mình mới được ở một cái vi la lớn như vậy.
Y thở dài rồi rút trong túi ra một cuốn sổ tay cùng cây viết chì, y dở sổ đến một trang giấy trắng.
- Sao?... Bây giờ đến công việc. Anh tên là Quang? Cho biết tên họ và chỗ ở. Số căn cước của anh sẽ được ghi sau.
Sau câu trả lời của tôi. Y nheo mắt:
- Anh nói sao? Anh ăn ngủ ở đây ư?
- Thưa vâng. Tôi có căn phòng riêng ở trên lầu ga ra…
- Trong nhà có bao nhiêu người tất cả?
- Chỉ có bốn người. Ông bà Văn, cô Thuý và tôi…
- Không có người làm nào sao?
- Thưa không. Bà Văn đã cho người làm nghỉ hết cách đây mấy tháng.
Trán y hiện lên mấy nếp nhăn. Y có vẻ suy nghĩ. Y ghi vài chữ lên sổ:
- Cô Thuý là ai? Y hỏi
- Cô Thuý cũng là một thư ký của ông Văn. Cổ đánh máy.
- Cả cô ấy cũng ở đây sao?
- Vâng. Phòng cổ ở trên lầu, cạnh phòng riêng của bà Văn.
- Ông bà Văn cùng đi vào tối qua? Ông bà ấy ra khỏi nhà lúc mấy giờ?
Tôi bắt đầu khai. Tôi đã gần thuộc lòng những lời khai này, nhưng lúc đó vì xúc động, giọng nói của tôi có những lúc ngắc ngứ cần thiết để đánh lừa Lê Huy. Tôi tin là tôi đóng trọn vai trò, tôi không làm gì đáng trách trong giai đoạn đối đầu thứ nhất của cảnh sát.
Tôi khai rằng theo như tôi biết, ông Văn bị đau thần kinh từ hơn một tuần nay nằm liệt giường ở trong phòng. Bà Văn đưa chồng đi bằng xe hơi nhà lên Đà Lạt để nằm điều trị trong dưỡng đường tư LaSanté. Tối qua hai ông bà ra khỏi nhà vào lúc 7 giờ. Chính bà Văn cầm lái xe. Vào giờ đó tôi bận làm sổ ở trên phòng riêng nên không chứng kiến lúc ông bà ấy ra đi. Bà Văn có hẹn là sáng sớm hôm sau sẽ từ Đà Lạt gọi điện thoại về nhà. Sáng nay, chờ tới 9 giờ không thấy gì, tôi gọi dây nói lên dưỡng đường LaSanté ở Đà Lạt và được nhân viên dưỡng cho biết là ông bà Văn chưa tới nơi. Sợ có tai nạn xảy ra cho ông bà Văn, tôi gọi điện ngay cho cảnh sát.
Lê Huy ngồi im nghe tôi nói. Tôi khai khá nhiều song tôi chẳng thấy y ghi chép gì mấy vào sổ. Khi tôi khai xong, y hỏi:
- Cái cô gì đó hiện giờ ở đâu?
- Ông muốn hỏi cô Thuý ư? Tôi hỏi lại.
Y nhìn tôi:
- Phải, tôi muốn hỏi cô Thuý.
- Cô ấy ở trên lầu. Cô ấy sắp xuống.
Y bỏ cuốn sổ vào túi và ngồi vắt chân lên nhau.
- Vũ Minh Văn? Có phải báo đăng là ông nầy sắp làm phim xi nê gì với Huê Kỳ lớn lắm? Phải thế không?
Tôi trả lời là tôi không rõ phóng viên nhà báo lấy cái tin ông Văn sắp làm phim xi nê với Huê Kỳ ở đâu. Theo như tôi biết thì ông Văn đang đau yếu và ông không hề có dự định nào hợp tác làm phim với bất cứ ai.
- Bợm nhậu, hả? – Lê Huy hỏi tôi - Hắn rượu dữ lắm, phải không?
Tôi thận trọng trả lời rằng theo như tôi biết, ông Văn quả có hay uống rượu, song ông ta uống nhiều, uống ít chừng nào thì tôi không được rõ. Tôi để cho Huy hiểu ngầm rằng tôi muốn nói là chỉ có bà Văn mới đủ thẩm quyền trả lời câu hỏi của y/
Sau vài giây đồng hồ lặng yên, y đột ngột hỏi:
- Là thư ký riêng của ông Văn, chắc anh biết về tình hình tài chính của ổng. Tình trạng đó ra sao?
- Theo chỗ tôi biết – tôi vẫn dè dặt đáp - dường như tình trạng tài chính của ông Văn không được sáng sủa cho lắm…
- Nghĩa là sao?
- Ông ấy bị công nợ…
- Nhiều không?
Tôi do dự.
- Nói đi mà – y khuyến khích tôi – anh biết gì về ông bà ấy, anh nên nói ra cho chúng tôi biết. Lời khai của anh có thể giúp chúng tôi tìm ra tung tích ông bà ấy sớm hơn. Miễn là anh đừng bầy đặt là được. Anh có khai không đúng, chúng tôi cũng không trách gì anh…
Tôi thở dài:
- Ông chủ tôi thiếu nợ chừng năm, sáu triệu…
Y nhăn mặt:
- Năm, sáu triệu? Ít vậy thôi sao?
Y bỏ ngang câu nói hỏi.
- Ông bà ấy có mang nhiều hành lý đi theo không?
- Tôi không được rõ lắm. Vì ông Văn sẽ ở lại dưỡng đường vài ngày nên chắc là bà Văn có đem theo hành lý. Chắc cũng không nhiều, một hoặc hai cái va li nhỏ. Ông có thể hỏi cô Thuý về việc này.
Trả lời xong, tôi cảm thấy lạnh lạnh ở xương sống. Chỉ vô ý một chút xíu thôi, tôi đã sa vào bẫy của Lê Huy. Tôi vừa khai là tôi không có mặt lúc ông bà Văn có mang theo một cái va li, tự sự dối trá của tôi sẽ bị lòi ra ngay.
Những câu hỏi có vẻ tầm thường, vô hại như câu y vừa hỏi tôi thừơng là những câu vạch mặt bọn gian và đưa những anh gian mà không ngoan vào nằm nhiều năm trong tù.
Thuý từ trên lầu đi xuống, Nàng bận áo dài màu hồng. Tôi giới thiệu:
- Thưa… Đây là cô Thuý… Đây là Thiếu tá Lê Huy. Cảnh sát trung ương.
Lê Huy chỉ tay vào một cái ghế ra hiệu cho Thuý ngồi. Y thấy không cần phải đứng dậy chào theo phép lịch sự khi có đàn bà vào phòng. Và mở ngay cuộc thẩm vấn Thuý, không dài dòng:
- Tối qua cô thấy bà Văn đem theo mấy cái va li?
Thuý có vẻ ngạc nhiên.
- Tôi chỉ trông thấy bà Văn mang theo một cái va li. Nhưng mà rất có thể là bả có mang đồ ra xe từ trước… tôi không được rõ….
Thuý nhìn tôi như cầu cứu, song Lê Huy đã nói chặn.
- Tôi chỉ hỏi cô là cô trông thấy bà Văn xách theo mấy cái va li. Cô trông thấy thế nào thì trả lời thế ấy. Vậy thôi.
Rồi y yêu cầu Thuý kể lại rõ từng chi tiết lúc ông bà Văn – nghĩa là tôi và Hồng Loan - dắt nhau ra khỏi nhà này. Tôi có cảm giác kỳ lạ khi tôi nghe người khác kể lại cảnh ra đi của chíng tôi.
- … Tôi thấy… Ông Văn coi bộ rất yếu… - Thuý kể tiếp - … Ông đi không được vững… Bà Văn phải đỡ cho ổng đi…
- Cô thấy ông Văn bận những đồ gì?
- Thưa vì lúc đó chưa tối hẳn nên đèn trong nhà chưa bật hết… Tôi chỉ nhìn thấy ông Văn bận áo paraverse màu nâu… ổng mang nón nỉ… Ổng đi giầy nâu.
Lê Huy hỏi lại ngay:
- Cô nói lúc đó đèn trong nhà không sáng? Sao cô nhìn thấy rõ quần áo của ông Văn như vậy?
Thuý có vẻ e thẹn:
- Thưa… vì tôi tò mò muốn nhìn mặt ông Văn. Từ hôm tôi tới đây, ông Văn chỉ nằm trong phòng. Tôi chưa trông thấy ổng lần nào. Chuyện đó có anh Quang biết.
Nàng đưa mắt nhìn tôi. Tôi gượng cười với nàng.
- Cô tới ở đây được bao lâu rồi? – Lê Huy hỏi.
- Thưa… được đúng một tuần.
- Một tuần mà đến tối hôm qua cô mới được thấy mặt ông Văn?
- Vâng.
Tôi cảm thấy mồ hôi chảy ướt hai lòng bàn tay tôi. Đây là lúc mà Thuý có thể nói ra sự nghi ngờ Vũ Minh Văn không hề có mặt trong vi la từ ngày nàng tới đây. Nếu để nàng nói với Lê Huy sự nghi ngờ đó thì nguy.
Lê Huy lại hỏi:
- Nghĩa là… trong suốt một tuần lễ, ông Văn chỉ nằm trong phòng?
Tôi can thiệp vào chuyện:
- Ông chủ tôi bị đau. Ổng nằm ngủ cả ngày…
Lê Huy quay phắt lại nhìn tôi:
- Bác sĩ chữa bệnh cho ông Văn là ai?
Trái tim tôi đập hụt một nhịp trong ngực tôi. Vấn đề bác sĩ là một vấn đề mà tôi và Hồng Loan không tính trước. Người bệnh thì phải có bác sĩ. Chuyện đó quá thường… Tôi cố giữ cho mặt tôi không để lộ vẻ hoảng hốt và đáp.
- Theo như tôi biết thì dường như ông Văn đau mà không chịu để cho bác sĩ khám…
- Vậy thì… - Lê Huy nheo mắt nhìn tôi… - Sao ông ấy lại chịu lên dưỡng đường ở Đà Lạt?
- Lên Đà lạt thì ông coi như là đi nghỉ mát chứ không phải là đi chữa bệnh. Bà Văn phải nói mãi ổng mới chịu đi.
Lê Huy quay lại Thuý, y nhấn mạnh một lần nữa:
- Như vậy là cô tới đây đã được một tuần lễ. Suốt trong bảy ngày đó ông Vũ Minh Văn chỉ nằm trong phòng, không hề đi ra bên ngoài. Và lần đầu tiên cô nhìn thấy ông Văn chính là lúc ông Văn ra xe đi Đà Lạt với bà vợ?
Thuý gật đầu:
- Thưa phải.
Bây giờ thì tôi thấy Lê Huy móc sổ ra ghi vài chữ.
Y suy nghĩ. thời gian suy nghĩ của y kéo dài có vài phút nhưng với tôi lúc đó, nó như kéo dài cả giờ đồng hồ.
Kéo dài và nặng nề, đe doạ khủng khiếp.
Nghĩ một lúc, y đột ngột hỏi:
- Ông bà Văn có bao nhiêu tiền mặt ở nhà? Chú biết không?
Y hỏi tôi là chú, y như tôi là một gia nhân của nhà Vũ Minh Văn. Nhưng tôi không còn tinh thần đâu để mà cự nự.
Tôi đáp dè dặt.
- Theo tôi biết thì ông bà Văn cũng không có để tiền mặt ở nhà.
- Số trương mục của ông Văn ở Ngân hàng chú biết chứ?
- Tôi biết.
- Hiện ổng có bao nhiêu ở Băng?
- Chừng… vài chục ngàn…
- Nợ năm, bảy triệu bạc mà ở Ngân hàng chỉ còn… vài chục ngàn? – Y nheo mắt nhìn tôi, như để đánh giá coi tôi nói thực hay dối. Y tiếp - Vậy thì hắn vỡ nợ rồi còn gì?
Câu cuối cùng y không nói với tôi nên tôi không thấy cần phải trả lời.
- Còn bà Văn? Bà Văn có trương mục không?
Tôi lắc đầu:
- Về bà Văn thì tôi không được biết.
Lê Huy đưa tay lên sờ cái cằm tua tủa những râu; mắt y nhìn vào khoảng không. Rồi đột ngột y hỏi Thuý một câu làm tôi muốn nhẩy nhổm:
- Cô đã nhìn thấy ông Văn ra khỏi nhà này, theo cô… cô thấy ông Văn đau thiệt hay ổng giả vờ?
Thuý có vẻ ngạc nhiên.
- Ổng… coi bộ đau nặng… Tôi thấy ổng đi không vững như ổng đã nằm quá lâu nên chóng mặt…
- Hừ,… giả đò đau yếu là trò dễ làm nhất. Cô thấy mặt ổng sao?
- Tôi không nhìn rõ mặt ổng. Tôi đứng xa… ổng mang nón và cổ áo nỉ được bẻ lên cao.
Tôi cảm thấy mồ hôi toát ra đầy trên trán tôi nhưng tôi không dám rút khăn tay ra để lau chùi.
Lê Huy chợt gọi:
- Trung uý Đăng, có việc cho ông đây.
Trung uý Đăng, từ nãy vẫn đứng yên bên cửa, điếu thuốc lá gắn trên môi, bước vào.
- Cô làm ơn đưa Trung uý lên thăm phòng ông Văn – Lê Huy nói với Thuý – Cô cũng làm ơn đưa cả ông Đăng vào phòng bà Văn.
Y nói vớ Trung uý Đăng:
- Chú ý coi y phục của họ có còn ở nhà không, hay là họ đã đem đi hết rồi.
Trung uý Đăng theo Thuý lên lầu.
Lê Huy quay lại tôi:
- Không có tai nạn nào được ghi nhận trên đường Sài Gòn – Đà Lạt trong vòn 12 tiếng đồng hồ vừa qua. Ta có thể loại bỏ giả thiết ông bà ấy gặp nạn. Theo tôi, vì không trả nợ được, hai người đó đã đưa nhau trốn đi.
Tôi thấy cần phải góp ý:
- Tôi không tin được chuyện ấy… Ông Văn đang đau nặng… Và ông Văn là người nổi tiếng. Tuy công nợ, ông ấy vẫn còn vay mượn được, ông vẫn còn uy tín. Ông bà ấy đưa nhau đi trốn đâu cho được? Trừ khi đi ngoại quốc…
- Tại sao họ lại không thể đưa nhau đi ngoại quốc được?
Một lần nữa, y lại dăng ra một cái bẫy cho tôi chui đầu vào.
- Tôi làm sao biết được? – Tôi đáp – Là tôi chỉ nghĩ vậy thôi.
Y ngồi yên suy nghĩ và tôi cũng ngồi yên. Giây phút nặng nề qua, rồi Thuý và Trung uý Đăng từ trên lầu trở xuống. Đăng lắc đầu:
- Còn nguyên cả. Bà ấy còn để nguyên nữ trang ở nhà. Theo tôi không phải họ chuồn đi vì không trả được nợ đâu.
Lê Huy vẫn có vẻ không được tin. Y gật đầu:
- Được. Tôi sẽ cho lệnh mở cuộc tìm kiếm trên đường Sài Gòn – Đà Lạt… Nếu họ gặp tai nạn hay dừng lại ở đâu đó, chỉ vài giờ nữa là mình biết.
Y đứng dậy:
- Nếu có tin gì tôi sẽ cho chú biết ngay – Y nói với tôi - Về phần chú, nếu chú có tin gì mới về ông bà ấy, chú cũng phải cho tôi biết ngay.
Tôi hứa. Y lặng lẽ ra khỏi nhà, ngồi vào xe Jeep. Trung uý Đăng đi theo như một cái bóng.
Không cần phải là thầy bói hoặc là người sành tâm lý gì lắm, tôi cũng biết Lê Huy đang nghĩ gì về vụ vắng mặt đột ngột của vợ chồng Vũ Minh Văn. Tình trạng ăn ngủ thường trực của tôi trong vi-la này gây cho y một ấn tượng không tốt. Cứ mỗi lần có chuyện gì xẩy ra, các anh cò Cảnh sát thường nghĩ ngay đến nguyên do là tình ái.
------------o0o---------------
Khi người ta chờ đợi, người ta thấy thời gian dài vô tận, dài lê thê, dài khủng khiếp.
Từ phút Lê Huy ra khỏi nhà, không cần phải đề phòng Lê Huy nữa, tôi bắt đầu chờ đợi tin người ta tìm thấy Hồng Loan và gọi điện thoại tới cho biết.
Tôi hồi hộp không ngồi yên, không đứng yên được một chỗ. Bụng tôi nóng như lửa cháy. Tôi đi đi lại lại gần chỗ đặt máy điện thoại. Được cái là Thuý cũng mong tin như tôi nên nàng không nhìn thấy vẻ kì lạ gì ở tôi.
Bây giờ đã là 11 giờ. Hôm nay là sáng thứ hai, không phải là ngày lễ nghỉ, nhân viên và công nhân xưởng gỗ chắc chắn là phải có người đến xưởng làm và tìm ra Hồng Loan bị trói nằm trong văn phòng của họ rồi chứ? Hồng Loan phải được tìm ra từ 8 giờ sáng nay rồi chứ? Tại sao tới giờ này chưa có tin gì về?
Tôi giật mình khi có chuông điện thoại reo vang. “Đây rồi. Có thế chứ”. Tôi nghĩ thầm và chạy tới vồ lấy máy nói:
- A lô… ?
Nhưng đó chỉ là điện thoại gọi từ toà án của luật sư Thanh. Y gọi tới hỏi có tin tức gì về ông bà Văn chưa.
Tôi trả lời chưa và tả qua cuộc nói chuyện đầu tiên với cảnh sát. Lê Quí Thanh chẳng giúp ích gì được tôi. Y làm cho tôi tăng thêm bối rối bằng lời khuyên tôi nên gọi lại cho cảnh sát để hỏi tin.
Tuy không muốn, tôi vẫn làm theo lời Thanh.
Lê Huy và Đăng đều không có mặt ở văn phòng. người cảnh sát trực không thể nói cho tôi biết họ đi đâu. Tôi nghĩ: “Chắc họ tới xưởng cưa trong rừng rồi. Vì chưa biết chắc người đàn bà bị trói nằm trong căn nhà giữa rừng đó có đúng là bà Văn hay không, họ chưa báo cho mình biết. Hai nữa họ lại đi vội tới đó…” Tôi nghĩ vậy và tôi cảm thấy dễ chịu hơn. Kế hoạch của tôi ăn khớp đâu vào đó, không một chi tiết nhỏ nào lệch lạc. Kế hoạch của tôi chạy đều như một cái máy. Chỉ cần Hồng Loan giữ đúng vai trò của nàng, chỉ cần nàng đừng vì quá xúc động mà rơi vào cạm bẫy của Lê Huy.
Ý nghĩ lo sợ đó về Hồng Loan lại làm tôi lạnh người, nhưng tôi không còn làm gì khác được, ngoài việc quanh quẩn trong nhà này và chờ đợi.
Thuý cũng quanh quẩn bên tôi. Nàng làm cơm trưa và tôi ăn lẻo lớt vài miếng. Đang ăn, chợt nàng hỏi:
- Có thể nào ông bà Văn bị chặn đường bắt cóc không anh?
Tôi giựt mình. Tôi muốn cảnh sát chỉ được nghe nói chuyện bắt cóc do chính miệng Hồng Loan nói ra. Tuy nhiên lúc này không có cảnh sát ở cạnh tôi và Thuý nên nàng nói ra cũng không sao. Vả lại, cùng lúc này chắc Cò Huy đã gặp Hồng Loan rồi, chắc y đang nghe lời khai của Hồng Loan về vụ bắt cóc.
Tôi điềm nhiên trả lời Thuý:
- Rất có thể. Song đó là chuyện cảnh sát. Mình chẳng nên đưa ra những giả thuyết. họ có thể hỏi tại sao mình nghĩ vậy… Phiền lắm. Nên tránh nói nhiều với cảnh sát chừng nào tốt chừng nấy.
- Thuý không muốn ở đây – Nàng rùng mình – không khí trong nhà này có cái gì làm Thuý sợ… sao Thuý thấy nó… lạnh lạnh quá đi…
Tôi nghĩ tới xác chết nằm trong tủ lạnh. Nếu Thuý sợ không dám ngủ một mình trên nhà này thì tốt quá, tôi càng dễ dàng mang xác chết ra khỏi tủ lạnh khi cần đến. Tôi đề nghị:
- Nếu Thuý không muốn ngủ ở trên này thì Thuý xuống căn phòng của tôi trên ga-ra, để tôi dọn lên đây… Bây giờ cả tôi và Thuý đều phải ở đây, mình không đi đâu được trước khi ông bà Văn trở về… Thuý ngủ trên được không?
- Được. Em chưa lên phòng anh bao giờ nhưng chắc trên đó đỡ hơn…
Nàng nhìn quanh, mắt nàng lướt qua cái tủ lạnh khổng lồ và nàng rung mình, nhắc lại:
- Sao em thấy ở đây lạnh quá đi…
Tôi thầm nghĩ: “Nhà có xác chết nằm trong tủ lạnh thì làm sao không lạnh cho được?”. Tôi nói:
- Tại Thuý ngủ một mình trong toà nhà quá rộng, quá nhiều phòng trống. Thuý thấy vậy. Nếu nhà này mà có chừng mười người ở thì Thuý thấy nóng ngay. Đổi lên phòng tôi chắc Thuý sẽ ngủ ngon hơn. Ăn xong, Thuý thu dọn quần áo đi, chúng ta làm một cuộc trao đổi liền một lúc.
Tôi muốn Thuý xa tôi, nhất là trong lúc này tôi đang bối rối. Có nàng bên cạnh để cứ phải chia trí nói chuyện với nàng thật là đau khổ.
Thuý lên lầu. Tôi lại gọi điện cho luật sư Thanh. Tôi cho ông ta biết là tôi đã gọi cho cảnh sát nhưng vẫn chưa có tin tức gì mới cả.
Y hỏi tôi:
- Đã có anh nhà báo nào tới làm phiền anh chưa?
Tôi đáp chưa. Y tiếp:
- Nếu có, anh cứ bảo họ đến gặp tôi. Để tôi đối phó với họ.
- Vậy thì tốt quá. Tôi đang sợ không biết phải nói sao với nhà báo.
Vừa đặt ống nói xuống, tôi nghe thấy tiếng nói đi vào sân vi-la. Tôi nhìn ra và cổ họng tôi nghẹn lại khi thấy hai người đi vào đó chính là Lê Huy và Đăng.
Tôi tin chắc là vào giờ này người ta đã tìm thấy Hồng Loan. Và Lê Huy vừa đi lên căn nhà giữa rừng để nhìn tận chỗ nơi Hồng Loan bị trói bỏ nằm suốt đêm. Nhưng tại sao không thấy họ đưa Hồng Loan về đây? Không lẽ Hồng Loan đã lầm lỡ điều gì để bị lộ tẩy và nàng đã bị họ giam kín một chỗ để thẩm vấn khai thác rồi hay sao?
Lúc đó tôi không biết có một năng lực gì làm cho tôi đứng nguyên được tại chỗ trong khi hai chân tôi chỉ muốn chạy.
Chạy vắt giò lên cổ….
Họ vào nhà. Lê Huy có vẻ mệt mỏi. Bộ quần áo của y nhầu nát và lưng áo y ướt đẫm mồ hôi. Y gật đầu chào tôi rồi vào phòng khách ngồi phịch xuống ghế, Đăng vẫn đứng ở bên cửa.
Ngồi duỗi hai chân dưới vùng gió mát của cây quạt trần y ra hiệu cho tôi mở. Lê Huy thở phào và nói:
- Vụ mất tích này thật là bí mật. Có nhiều sự kiện để tôi có quyền nghi rằng hai kẻ mất tích đang chơi trò cút bắt với cảnh sát. Nghĩa là họ bày ra vụ trốn đi này để cho cảnh sát đi tìm họ chơi…
Giọng của tôi lạc đi. Nó trở thành khàn khàn:
- Sao ông lại nói vậy? Ông bà chủ tôi đời nào lại…?
- Cảnh sát đã tìm ra chiếc Mercury. Xe được bỏ ở sân để xe hơi sau Quốc hội. Trong xe không có va li hay đồ đạc gì của họ hết. Cũng chẳng có ai nhìn thấy kẻ đem xe về bỏ ở đó. Vẫn không thấy hai người đó ở đâu hết.
Tôi lạnh người vì câu nói sau cùng của Lê Huy: “Vẫn không thấy hai người đó ở đâu hết…”. Vậy là nghĩa làm sao? Họ vẫn chưa tìm thấy Hồng Loan ư? Vô lý. Hôm nay là ngày thứ hai. Ngày làm việc. Bây giờ đã 12 giờ trưa, bắt buộc phải có công nhân tới xưởng cưa là việc và tìm thấy người đàn bà bị trói bỏ nằm cong queo trong văn phòng của họ rồi chư!
Hay là cảnh sát, đại diện là anh cáo già Lê Huy này đã tìm ra được Hồng Loan nhưng anh còn đem nàng dấu đi để giăng bẫy chơi tôi chăng?
Anh cớm già này nhiều thủ đoạn nguy hiểm lắm đây. Tôi cần đề phòng lắm mới được.
Không muốn cho Lê Huy nhìn thấy mặt tôi, bộ mặt mà tôi tin là đang có nhiều nét tố cáo, tôi đi tới tủ rượu, lấy la ve mở cho Lê Huy và Đăng uống.
Lê Huy đỡ lấy lon lave lạnh, uống một hớp rồi nói:
- Đêm qua có người trông thấy họ chạy xe trên đường Sài Gòn – Đà Lạt. Đúng là đêm qua họ rời Sài Gòn đi Đà Lạt thật. Một viên cảnh sát công lộ chạy xe máy dầu theo xe hơi của họ một quãng trên khoảng đường vừa ra khỏi xa lộ… Người cảnh sát viên thấy bà Văn cầm lái, ông Văn ngồi bên. Nhưng xe chạy chậm và người cảnh sát qua mặt xe đó. Không hiểu vì sao xe lại quay về Sài Gòn… Chắc họ đã đem về Sài Hòn bỏ đó, và dắt nhau đi trốn đâu đó ở Sài Gòn. Tìm được hai người đi trốn ở Sài Gòn này đâu phải dễ…
Tôi nghe tiếng tôi nói:
- Ông Văn đang đau nặng. Làm sao ổng đi đâu mà không có người thấy? Nếu ông bà ấy trở về Sài Gòn, chắc là phải về nhà này chứ?
Lê Huy có vẻ suy nghĩ, y tặc lưỡi:
- Tôi muốn biết me-sử Văn đau nặng đến chừng nào? Mà có thật hắn ta đau không chứ? Ai chứng nhận là hắn đau ngoài vợ hắn? Hắn có thể giả đò đau được chứ?
Im lặng một lúc, y hỏi:
- Chú có chính mắt thấy ông Văn nằm trong phòng không?
Tôi gật đầu:
- Có. Chính mắt tôi thấy. tôi có vào phòng riêng của ổng mấy lần. lần nào tôi cũng thấy ổng ngủ mệt…
Lời khai của tôi vẫn không thuyết phục được Lê Huy.
Y cau mày rậm:
- Nếu hắn giả đò đau nặng, hắn phải đánh lừa cả chú. Người hắn cần lừa trước tiên là chú? Nếu không tại sao hắn đau nằm liệt giường cả tuần lễ sao vợ hắn không mời bác sĩ tới khám bệnh cho hắn? Giầu có như hắn thiếu gì bác sĩ quen? Tại sao?
Tôi không thể trả lời câu hỏi đó.
Tôi nói lảng sang chuyện khác:
- Cô Thuý vừa nói rằng… không chừng hai ông bà ấy bị… bắt cóc…
Y vồ lấy câu nói của tôi:
- Bắc cóc? Vì lý do gì cô ấy nghĩ đến chuyện bắt cóc?
Tôi biết tôi nói tới vấn đề bắt cóc là nguy hiểm nhưng tôi không còn cách nào khác.
- Vì.. vì… - tôi ấp úng - … vì cả hai người cùng mất tích một cách bí mật và khó hiểu…
Cảnh sát rất ngại những vụ bắc cóc. Nếu có người trốn đi, đó là chuyện riêng của người đó, nhưng nếu một người bị bắt cóc, đó lại là việc của cảnh sát. Chỉ cần một vụ bắt cóc xẩy ra trong cả mười năm yên lành, an ninh là cơ quan cảnh sát bị thiên hạ chỉ trích. Ngoài ra những người có nhiệm vụ, lại còn mất ăn, mất ngủ để tìm ra thủ phạm. Tìm không ra thì còn khổ. Vì vậy, Lê Huy tỏ ra khó chịu khi nghe tôi nói đến chuyện vợ chồng Văn có thể bị bắt cóc…
Y đứng dậy, đi đi lại lại trong phòng, tay cầm lon lave.
- Ông Lê Huy Thanh – tôi nói tiếp - luật sư riêng của ông Vũ Minh Văn, sẽ yêu cầu thẳng với ông Tổng Giám Đốc để coi vụ này là một vụ bắt cóc và mở cuộc điều tra gấp.
Lê Huy dừng lại:
- Ông Tổng Giám Đốc Cảnh sát à?
- Vâng. Luật sư Thanh là bạn của ông Tổng Giám Đốc.
- Hừ… có cái gì thì chỉ mệt bọn này thôi. Nè, chú làm ơn biểu cho cô gái đó biết cổ đừng có nói gì lộn xộn về vụ bắt cóc, bắt nhái đó nữa nghen. Nói lộn xộn làm cho người ta khó làm việc ra…
Như chợt nhớ ra, y hỏi:
- Ông bà Văn có thân nhân gì ở đâu không? Họ có thể nổi hứng bất tử đi thăm thân nhân vài ngày ở đâu không?
- Tôi không biết rõ lắm về thân nhân của bà Văn. Tôi chỉ biết ông Văn có một bà chị ở ngoài Đà Nẵng.
- Họ có thể đổi ý… Không. Chắc không thể vậy được. Chiếc xe hơi của họ hiện để ở Sài Gòn… - Lê Huy bắt đầu nói một mình – Đúng rồi. Rất có thể đây là một vụ bắt cóc… Có thể lắm… Mệt rồi…
Y dừng lại để nói với tôi:
- Nè chú… Nếu ông bà Văn bị bắt cóc, nhà này sẽ được bọn gian gọi điện thoại tới nói về tiền chuộc. Nếu có thì chú phải báo ngay cho tôi biết. Nghe không?
Y đi vội ra khỏi phòng. Đăng đi theo y như một cái bóng.
Tôi rót một ly rượu mạnh và ngửa cổ uống hết. Ruột tôi nóng như có lửa đốt. Thời gian càng trôi qua, tôi càng lo âu. Có chuyện gì đã xẩy đến với Hồng Loan? Tại sao đến giờ này vẫn chưa ai tìm ra nàng? Tất cả kế hoạch của tôi đều đặt trên yếu tố tìm ra nàng bị trói nằm trong văn phòng của xưởng cưa ở giữa rừng. Tôi nghĩ đến xác Vũ Minh Văn nằm trong tủ lạnh. Nếu Hồng Loan không trở về như tính trước, tôi sẽ phải làm một mình cái việc đem xác Văn ra ngoài. Chỉ cần nghĩ đến chuyện tôi sẽ một mình làm việc đó tôi đã thấy buồn mửa.
Uống xong ly rượu mạnh tôi chưa thấy dễ chịu chút nào, tôi vừa định uống ly thứ hai thì có hai anh phóng viên nhà báo tới. Hai anh này đã biết tin vợ chồng Vũ Minh Văn mất tích và điều đặc biệt là không hiểu do đâu, vì lẽ gì, họ đoán ngay rằng vợ chồng Vũ Minh Văn bị bắt đã cóc. Họ yêu cầu tôi kể cho họ nghe từ đầu tới cuối. Họ hứa hẹn nếu tôi chịu kể, họ sẽ có một khoản tiền cho tôi. Nhưng lẽ tất nhiên là tôi không thể nào chiều ý họ được. Tôi không để cho họ vô nhà. Phải vất vả mãi tôi mới đẩy được họ đi gặp Luật sư Thanh. Mấy anh nhà báo thật dai như đỉa đói.
Bây giờ đã là hai giờ trưa. Vẫn chưa có qua một tin gì về Hồng Loan. Khi Thuý xuống yêu cầu tôi xách giùm nàng cái va li xuống căn phòng mới, tôi đối với nàng cọc cằn gần như bất lịch sự.
Buổi chiều tới, cơn nóng ruột trong tôi càng tăng. Tôi muốn ra khỏi nhà để vù tới căn phòng của Phi Đen, mượn gã cái xa lambetta để phóng lên xưởng cưa giữa rừng, nơi tôi để Hồng Loan nằm lại, thám thính. Nhưng dù muốn tôi cũng không dám đi như vậy. Vì nếu có người gặp tôi lảng vảng ở đó tức là tôi đã ký tờ cung khai tội trạng của tôi.
Dù có chuyện xẩy ra đi nữa, tôi cũng không thể tới xưởng cưa giữa ban ngày, ban mặt được.
Thời gian trôi qua chậm rì và nặng trịch. Tới năm giờ chiều, vẫn không có tin gì mới về Hồng Loan, bây giờ tôi thấy chỉ có ba giả thuyết có thể giải thích được sự bặt tin của nàng. Một là cảnh sát đã tìm ra nàng và giam kín nàng ở một chỗ, chờ đợi tôi làm một cử chỉ vụng dại gì đó tố cáo. Hai là vẫn chưa có ai tìm ra Hồng Loan, tức là chưa có ai đặt chân vào căn nhà giữa rừng đó, và Hồng Loan, vì bị trói cả chân lẫn tay, vẫn cứ phải nằm chịu trận trong đó. Ba là Hồng Loan đã tự cởi được trói và vì một lí do nào đó, vì sợ hoặc vì muốn phá tôi, muốn hại tôi, đã lẻn trốn đi. Nàng có thể bỏ rơi tôi với cuộc bê bối này.
Tuy nguy hiểm tôi cũng phải liều…
Đêm nay, tôi sẽ tới căn nhà giữa rừng để tìm Hồng Loan.
Việc cần làm ngay trước giờ đóng cửa văn phòng hôm nay là việc tôi phải mượn được một chiếc xe hơi. Tôi gọi ngay điện thoại tới một hãng cho mướn xe ở đường Nguyễn Huệ. Tôi quen sơ với viên quản lý hãng này và tôi đã nhiều lần mướn xe của hãng. Anh quản lý cho tôi biết là hãng có sẵn một chiếc Renahlt 4 cho mướn. Xe chạy tốt và anh ta sẽ ở lại văn phòng tới 7 giờ tối nay để chờ tôi tới lấy xe.
Một số nhật báo phát hành buổi tối đăng tin vợ chồng nhà doanh thương nổi tiếng Vũ Minh Văn bị mất tích bí mật. Có tờ báo viết cả về tôi. Nhưng tất cả chỉ mới là tin vắn, chưa báo nào dám làm lớn và cũng chưa báo nào dám quả quyết rằng vợ chồng Vũ Minh Văn bị bắt cóc.
Không một báo nào đăng xa gần đến giả thuyết vợ chồng Vũ Minh Văn có thể đi trốn nợ.
Tới 6 giờ tối, Luật sư Thanh lại điện thoại tới:
- Sáng mai, lúc 11 giờ, tôi sẽ tới vi la. Có tin đồng rằng hai ông bà chủ anh có thể bị bắt cóc. Tôi muốn được hỏi chuyện anh với cô Thuý… tôi cũng cần biết thêm về tình hình tài chính của ông Văn. Nếu anh có thể làm cho tôi một bản ghi tên những chủ nợ của ông Văn và những số tiền ông ấy thiếu nợ…?
Tôi hứa trưa mai tôi sẽ làm xong cho y bản danh sách chủ nợ. Tôi hỏi thêm:
- Như vậy là ông cũng chưa có tin gì về bà Văn ư?
- Chưa – Y đáp - Thật kỳ lạ. Họ như biến đi mất không để lại dấu vết gì trừ cái xe Mercury. Anh cần ở cạnh máy điện thoại suốt ngày đêm. Nếu ông bà ấy bị bắt cóc, bọn bắt cóc chắc chắn sẽ gọi điện thoại tới nhà đòi tiền chuộc nội trong đêm nay hay sáng mai. Nếu có người gọi tới đòi tiền chuộc, anh phải báo ngay cho tôi biết nghe…
Với sự mất mặt của Hồng Loan, tôi cảm thấy kế hoạch mà tôi yên trí là hoàn hảo đã có một sơ hở. Tôi không thể biết rõ tại sao người ta lại chưa tìm thấy Hồng Loan. Tôi cũng dư biết là không bao giờ có kẻ nào gọi điện thoại tới để đòi tiền chuộ. Đêm nay, tôi nhất định phải liều đi tới căn nhà giữa rừng, nơi tôi để Hồng Loan nằm lại đêm qua.
Tôi cần đi mà không để cho Thuý biết.
Thời gian tuy trôi qua rất nặng nề, chậm chạp nhưng rồi buổi tối cũng đến. Thuý làm cơm cho tôi ăn, nhưng cũng như bữa trưa, tôi không sao nuốt được. Cổ họng tôi mắc nghẹn từ chối không cho thức ăn trôi xuống dạ dầy. May sao Thúy cũng ăn không được. Sự chờ đợi, bồi hồi, nóng ruột làm cho bất cứ ai cũng ăn không ngon. Thuý không chú y lắm tới việc tôi ăn ít. Nếu gặp hoàn cảnh này mà tôi lại ăn nhiều, ăn ngon, nàng mới nghi ngờ.
Tôi ăn qua loa cho xong bữa. Tới 6 giờ 30 tôi bảo Thuý:
- Tôi đi mua thuốc là và ra quán cà phê ngồi một lúc cho khuây khoả. Có lẽ tôi sẽ ngồi ở Thanh Thế, nhân tiện mua thuốc lá luôn…
Thuý lo âu:
- Thuý không muốn làm phiền anh…, nhưng mà Thuý sợ…, Anh nên đi chơi một lúc rồi về ngay. Để Thuý ở nhà một mình lỡ có chuyện gì xẩy ra Thuý không thể giải quyết được… Chẳng hạn như nếu…., bọn bắt cóc gọi dây nói đến thì Thuý phải trả lời sao?
- Không có gì đâu… Thuý cứ yên trí đi ngủ sớm… Nếu có ai gọi điện thoại tới, Thuý chỉ cần nghe và ghi nhớ là đủ…
Nàng đột ngột nói:
- Em không ở đây nữa đâu. Ngày mai em sẽ đi tìm việc làm nơi khác. Em không đi xa Sài Gòn nhưng em không thể ở đây lâu hơn. Vả lại em thấy em có ở đây hay không cũng chẳng làm được việc gì… Nếu cảnh sát muốn hỏi em, em sẵn sàng để gặp họ…
Tôi thầm nghĩ: “Lại thêm một rắc rối nữa. Nếu nàng đi, thể nào cảnh sát cũng nghi ngờ. Mà mình lấy lí do gì để giữ nàng lại đây?”. Tôi thở dài:
- Thuý hãy cố gắng ở lại đây vài ngày nữa. Bây giờ dù cho Thuý có đi tìm việc làm Thuý cũng chưa thể đi làm ngay được mà. Cảnh sát họ còn cần gặp Thuý nhiều… Chẳng lẽ vừa tới nhận việc, Thuý đã xin phép nghỉ để đi gặp cảng sát ư? Thuý đừng bỏ rơi tôi lúc này…
Nàng do dự, tôi tấn công tiếp:
- Trưa mai, ông Thanh luật sư của ông Văn sẽ tới đây. Thuý nên chờ gặp ông ta rồi hãy quyết định.
- Em không muốn xa anh nhưng sao bầu không khí trong nhà này làm em ngán quá…
Nàng nhìn quanh. Tôi có cảm tưởng như mắt nàng dừng lại quá lâu ở góc phòng đặt cái tủ lạnh quá lớn.
- Nhà này cái vẻ lạnh lạnh… chết choc… Y như nhà có ma…
- Thuý lên ở phòng tôi chắc sẽ vui hơn… Thôi, để chuyện đó ngày mai sẽ hay…
Ra khỏi nhà, tôi vội chạy qua đầu phố bên cạnh đón tác xi. đợi mất tới 15 phút tôi mới gặp một xa tác xi vắng khách. Hồi nay người ngoại quốc đã bắt đầu kéo tới Sài Gòn đông đảo. Xe cộ chuyên chở công cộng đã thấy khan hiếm. Các anh tài xế tác xi no đủ vì quá nhiều khách, tỏ thái độ khinh khỉnh từ chối khách thật đáng ghét.
Tôi tới hãng cho mướn xe hơi chậm năm phút sau 7 giờ. Viên quản lý đã đóng cửa Văn phòng ra về nhưng tôi tới nơi khi anh đang cho xe ra đường. Tôi gọi ơi ới và nắm anh lại được. Anh trở vào mở cửa ga-ra và giao cho tôi. Một chiếc Renauhlt 4 xinh xắn, máy xe không được tốt lắm nhưng cũng thừa sức đưa tôi lên xưởng cưa rồi về.
Tôi nhận lái xe ra cây xăng, đổ đầy xăng rồi chậm chậm lại ra xa lộ. Bây giờ là 7 giờ 30 tối. Tôi để ý coi tôi có bị theo dõi không. Sau tôi không có chiếc xe nào khả nghi chạy theo. Tôi cho xe chạy vừa phải và giữ đúng luật lưu thong trên xa lộ. Lúc này mà chạy ẩu để bị cảnh sát công lộ huýt còi, hỏi thẻ lái xe và phạt biên bản thì thật xui hết sức.
Trên đường đi, tôi biết hơn ai rằng việc tôi đi tới xưởng làm ban đêm như thế này là một việc làm tối ư dại dột và liều lĩnh. Tôi có thể bị bắt quả tang tại chỗ. Cảnh sát có thể đã giăng bẫy tại đó chờ tôi chui đầu vào. Đi tối nay, tôi như con chuột tinh khôn biết rằng đó là một cái bẫy mà vẫn cứ đủng đỉnh đi vô. Nếu tôi bị cảnh sát bắt ở đó tôi sẽ hết cách nói. Nhưng tôi không còn cách nào khác. Tôi cần biết ngay Hồng Loan có còn nằm đó hay đã bỏ trốn.
Và nếu trong trường hợp nàng bỏ trốn, tôi sẽ làm gì? Tôi chưa tính đến chuyện đó. Việc tôi cần biết ngay và trước hết là việc tại sao Hồng Loan lại không xuất hiện. Tìm biết nguyên do đó rồi, tôi sẽ tính sau đến chuyện khác.
Tôi bắt đầu thấy hối hận vì đã để lòng tham nổi dậy, vì đã lao đầu vào vụ âm mưu này.
Xe chạy chậm, tôi mất 1 giờ 30 phút mới tới đoạn đường rẽ từ quốc lộ vào rừng. Khi nhận đúng đây là con đường đất đưa vào xưởng cưa, tôi cho xe chạy vào đó nhưng còn cách xưởng cưa chừng 1 cây số, tôi cho xe đậu vào sau một bụi cây. Tôi ra khỏi xe, lặng lẽ đi bộ xuyên qua rừng tới xưởng cưa. Đi bộ như vầy, nếu cảnh sát có dăng bẫy ở xưởng cưa, may ra tôi còn thấy và có thể thoát. Hi vọng thoát thân trong trường hợp cảnh sát đã dăng bẫy ở đây thật mong manh, nhưng mong manh mà hi vọng vẫn hơn.
Buổi tối chưa khuya lắm, nhưng cảnh vật ở đây đã tĩnh vắng như ở giữa đêm thâu. Tiếng giun dế kêu rỉ rả dưới bước chân tôi dẫm nhẹ lên cỏ. Khi mấy căn nhà mái tôn vẫn nằm yên đó.
Đành liều phó mặc cho rủi may, tôi rời chỗ nấp đi thẳng tới.
Tai ù, mắt hoa và tim đập mạnh trong lồng ngực, tôi bước lên thềm nhà gỗ, cánh cửa vẫn còn mở hé y như đêm qua. Như thế này có nghĩa là từ đêm qua tới nay vẫn chưa có người nào bước qua ngưỡng cửa này ngoài tôi và Hồng Loan hay sao?
Đẩy cánh cửa mở ra, tôi hỏi vào nhà:
- Có ai trong này không?
Yên lặng. Chỉ có tiếng muỗi vo ve trả lời.
Yên lặng làm tôi rung mình.
Móc cây đèn bấm trong túi ra, tôi chiếu vào căn nhà tối. Bàn ghế vẫn nguyên như cũ. Tôi bước vào nhà, với vừng sáng của cây đèn chiếu trước mặt, tôi đi dần tới góc nhà đêm qua tôi đã thấy Hồng Loan nằm.
Ánh đèn dừng trên hai chân của một người đàn bà. Một chân không có giầy của Hồng Loan vẫn nằm đó, đúng chỗ nàng ngã xuống sau cú đấm của tôi đêm qua…
Ánh đèn chiếu lên mặt nàng. Tôi đứng sững như kẻ chết đứng, tôi không tin cả ở mắt tôi. Lúc đó tôi như người đang ở trong một cơn ác mộng… Hồng Loan nằm đó, hai mắt mở nhìn lên trần nhà. Đôi mắt trắng dã. Mặt nàng cứng như mặt giấy. Bộ mặt cứng đơ ấy cho tôi biết là nàng đã chết.