Chương 12
Tác giả: Hoàng Hải Thủy
Tôi gặp một điều may mắn lớn là sự xuất hiện của Trần Tiến Vinh làm cho cả ba người có thể nghi ngờ và làm hại tôi là Lê Huy, Đặng Xính và luật sư Thanh cùng bực bội, khó chịu. Đặng Xính và Lê Huy bực mình vì Vinh biết nhiều hơn, nói có lý hơn, tỏ ra thông minh và thạo việc hơn họ. Còn luật sư Thanh thì bực vì Vinh đã bôi nhọ Hồng Loan, người đàn bà mà hắn nghĩ về Hồng Loan đều sai. Điều làm Thanh bực nhất là với tư cách luật sư, hắn vẫn không tìm ra được lời lẽ gì biện hộ cho Hồng Loan mặc dù hắn rất muốn.
Vì cả ba người đó cùng bất mãn nên họ cũng không chịu chấp nhận giả thuyết do Trần Tiến Vinh đưa ra nói rằng có một gã đàn ông làm đồng lõa cho Hồng Loan. Cả ba người cùng khăng khăng nghĩ rằng chính Vũ Minh Văn đã giết vợ. Họ cùng cố gắng chứng tỏ giả thuyết của họ là đúng. Nếu họ đồng ý với Vinh thì tôi có thể bị nguy ngay lúc đó. Vì gã đàn ông đồng lõa của Hồng Loan… rất có thể và chỉ có thể là… tôi. Hoặc ít nhất tôi cũng là người đầu tiên bị nghi là đồng lõa của Hồng Loan.
Nếu ngay lúc đó cả bồn người xúm lại cật vấn tôi, rất có thể tôi vì xúc động, vì bàng hoàng, vì chưa kịp suy nghĩ, tôi sẽ ấp úng, thú tội hoặc khai bậy để bị bại lộ chân tướng ngay.
May cho tôi vì Đặng Xính nhất định cãi:
― Làm gì có chuyện đó, tôi không tin…
Tế nhị hơn, Lê Huy nói qua chuyện khác:
― Vụ án mạng này như vậy là đã rắc rối lắm, chúng ta chẳng nên làm cho nó rắc rối thêm. Người đáng nghi và đáng để cho chúng ta tìm nhất bây giờ là Vũ Minh Văn. Anh chồng vì thất bại, vì ghen tuông, vì bị vợ bỏ, giết vợ rồi bỏ trốn là chuyện thường xảy ra. Đã có xảy ra cả ngàn vụ như vậy và sẽ còn cả ngàn vụ tương tự xảy ra sau này. Việc cần làm bây giờ là tìm cho ra đương sự tên là Vũ Minh Văn trước đã. Dù cho y có chết, ta cũng phải tìm cho ra xác y đã chứ…
Luật sư Thanh sốt sắng biểu đồng tình:
― Ông Cò nói đúng. Rất đúng…
Vì có cảm tình với Hồng Loan và vì bây giờ nàng đã chết, Thanh trở thành thù ghét ra mặt Vũ Minh Văn.
Trần Tiến Vinh trở thành cô đơn. Y chỉ có mình y một phe, nhưng mặt vẫn không để lộ sắc giận hoặc thất vọng, y nói:
― Tùy các ông. Tất nhiên là tôi không có quyền bảo các ông phải làm gì trong vụ này. Việc tìm ra hung thủ vẫn là việc riêng của các ông… Nhưng…
Nói đến đây, hắn gằn giọng:
― … Nhưng khi nào các ông tìm được xác chết của Vũ Minh Văn, tôi mong các ông nhớ dùm lời tôi đã nói hôm nay: Vũ Minh Văn không giết vợ, y không phải là sát nhân, cô Hồng Loan có một tên đồng lõa…
Đặng Xính đột ngột phản công:
― Sao ông lại cứ nói như là Vũ Minh Văn đã chết rồi?... Bao giờ tìm thấy xác Vũ Minh Văn … lạ thiệt… Bằng chứng đâu mà ông nói rằng hắn đã chết?
Vẫn điềm tĩnh như thường, con người nguy hiểm đáp:
― Tôi biết nhiều chuyện mà các ông, tuy là cảnh sát vẫn chưa biết về Vũ Minh Văn. Tôi có bằng chứng chứ đời nào tôi lại chỉ đoán mò mà dám nói quả quyết. Bằng chứng của tôi là… khi một người bảo hiểm nhân mạng y tới 15 triệu đồng mà đột nhiên mất tích một cách bí mật, khi người đó lại lấy một cô vợ đã từng kiếm tiền bằng cái chết của người chồng trước và nhất là người đó lại ngỏ ý với tôi là y muốn thay đổi vài điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm của y nhưng y chưa kịp thực hiện sự thay đổi đó thì y đã mất tích, tôi đã có đủ bằng chứng để tin và nói rằng y đã bị giết. Y bị ai giết, giết để làm gì, tại sao? Đó là những câu hỏi mà tôi sẽ tìm ra giải đáp sau này. Bây giờ thì các ông có thể không tin, nhưng tôi tin rằng những chuyện xảy ra sau này sẽ chứng minh tôi đúng.
Lê Huy hằn học ra mặt:
― Chưa chắc. Ở đời, đừng bao giờ nói chắc. Chưa biết ai đúng, ai sai mà…
Như chợt nhớ ra, Vinh bỗng hỏi:
― Còn điều quan trọng này nữa… Chúc thư của Vũ Minh Văn để đâu? Ông luật sư có giữ chúc thư của hắn không? Hắn để cho ai hưởng di sản của hắn?
Câu hỏi của Vinh làm cho tôi tỉnh lại. Tôi nhở tới phong bì đựng chúc thư Thúy tìm thấy hồi nãy ― chữ hắn viết ngoài bì dặn đưa di chúc đó cho luật sư Thanh nhưng tôi chưa kịp đưa cho luật sư Thanh mà cũng chưa kịp mở ra coi trộm hắn viết gì trong đó ― linh tính cho tôi biết là tôi cần phải dấu biệt tờ chúc thư đó đi, không nên trao nó cho luật sư Thanh. Tôi không hiểu tại sao tôi lại có linh tính như vậy nhưng rõ ràng tôi nghĩ ngay là tôi phải làm đủ mọi cách dấu bản chúc thư đó đi nếu đưa ra thì nguy cho tôi. Nguy không sao gỡ ra được, nguy đến có thể chết.
Tôi nghĩ rằng rất có thể, Văn có để lại cho tôi một khoản tiền nào đó trong di chúc của y, và nếu đúng như thế tôi là người bị cảnh sát và Trần Tiến Vinh nghi ngờ trước nhất. Bây giờ, cái chết của Văn có lợi nhất cho ai, lập tức người đó bị nghi là thủ phạm. Nếu tôi thực tình chân thành, nếu tôi đừng bày đặt âm mưu này, nếu tôi đừng lỡ tay đánh chết Hồng Loan, tôi có thể ung dung ngồi chờ hưởng gia tài của Vũ Minh Văn để lại cho tôi, nhưng… tôi đã phạm tội, trường hợp của tôi đã khác hẳn. Hơn nữa, cổ nhân nói: “có tật giật minh”
Luật sư Thanh trả lời:
― Tôi chắc Vũ Minh Văn để lại cho tôi nhưng hắn cất đâu đó ở nhà này chứ không trao cho tôi giữa…
Thanh quay lại hỏi tôi:
― Anh Quang có di chúc của hắn chưa?
Tôi lắc đầu:
― Thưa chưa, tôi chưa kiểm soát hết giấy tờ của ông Văn. Ông có dặn là hãy tìm trước số tiền nợ nên tôi chỉ chú ý tới giấy tờ công nợ. Hãy còn nhiều ngăn tủ có giấy tờ tôi chưa động tới…
Nếu lúc này mà có mặt Thúy, tôi hơi khó nói dối. Nhưng may sao Thúy không có, tôi bình tĩnh nói tiếp:
― Tối sẽ để ý. Nếu thấy di chúc, tôi sẽ đưa cho ông ngay.
Vinh hỏi lại:
― Thân nhân của ông ấy còn ai không?
― Theo tôi biết thì Văn hắn có một người chị đã già ở Đà Nẵng ― Thanh đáp ― còn về phần bà vợ thì dường như không có ai.
Vinh gãi nhẹ cái cằm có bộ râu lười cạo buổi sáng:
― Tôi muốn biết bây giờ, khi cô Hồng Loan chết rồi, ai sẽ là người thừa hưởng di sản của hắn. Nếu hãng tôi trả tiền bồi thường thì trả cho ai ― Hắn cười để lộ hàm răng trắng nhởn ― Tôi cần phải nói ngay rằng hãng chúng tôi không thiếu gì tiền nhưng chúng tôi chỉ thỏa thuận chi tiền bồi thường theo hợp đồng khi nào biết chắc rằng không có sự gian lận. Trường hợp này rất mơ hồ, tôi không thể trong vài lời giải thích rõ được nhưng tôi tin rằng các ông đều hiểu.
Luật sư Thanh quả quyết:
― Tôi tin rằng anh Quang đây sẽ tìm ra di chúc, và khi tìm được, tôi sẽ báo cho ông biết ngay.
Vinh nhìn đồng hồ tay:
― Tốt.
Đây là lần thứ nhất tôi được nghe hắn khen lửng lơ một câu và tỏ vẻ hài lòng:
― Bây giờ tôi phải về văn phòng. Tôi sẽ trở lại đây bất cứ lúc nào tôi được rảnh hoặc các ông tìm ra được sự kiện gì mới cần đến sự có mặt của tôi.
Hắn gằn giọng nói với Đặng Xính:
― Khi nào các ông còn chưa tìm ra được Vũ Minh Văn sống hay chết, tôi muốn nhà này, bất kể ngày đêm, phải có ít nhất là một cảnh sát viên có mặt thường trực. Các ông phải đặt một cảnh sát viên ở đây, tôi cũng sẽ cho một nhân viên điều tra của hãng chúng tôi tới đây coi chừng. Nếu Vũ Minh Văn hãy còn sống, chuyện y còn sống là một chuyện tôi rất ngờ, y có thể lẻn trở về đây. Các ông chắc cũng dư biết rằng khi một gã đi trốn, nơi gã ẩn trốn tốt nhất chính là nhà hắn, vì không ai nghĩ đến chuyện đến tìm bắt hắn ở ngay nhà hắn cả. Và, cũng có thể có kẻ nào đó lần mò vào đây để tìm bản di chúc của hắn hoặc để tìm, để lấy nhiều thứ quan trọng khác mà chúng ta không ngờ. Tôi muốn vi la này phải được kiểm soát chặt chẽ ngày đêm cho tới lúc nào ta tìm lại được Vũ Minh Văn. Sao? Các ông muốn phụ trách việc đó hay để tôi lo?
Lẽ tự nhiên là Đặng Xính không muốn nghe nói đến chuyện công ty bảo hiểm cho nhân viên tới kiểm soát vi la này. Y cho đó là một việc làm dẫm chân lên quyền hạn của cảnh sát và không thể chấp nhận được. Xính và Vinh cãi qua, cãi lại. Trong lúc đó, tôi hoang mang ngồi ngây ra như tượng, nếu vi la này suốt ngày đêm có một anh cảnh sát, làm sao tôi có thể mang được xác Văn ra khỏi tủ lạnh đây?
― Ông đã tin chắc là hắn chết rồi ― Đặng Xính phản công bằng chíng lý lẽ của Trần Tiến Vinh ― ông còn cần người gác nhà này làm chi?
Vinh vẫn thản nhiên trước lời nói khích và ngụ ý chế nhạo đó, y cười nhẹ:
― Tôi không muốn để cho hồn ma của hắn về nhà này mà tôi không được biết. Không sao, nếu cảnh sát thiếu người, tôi sẽ cho người đến.
Nhưng cảnh sát làm sao lại có thể thiếu người được, Đặng Xính quyết định ngay:
― Một cảnh sát ở đây đủ rồi. Đông người ở đây làm chi? Trung sĩ Đăng sẽ ở lại đây ngay từ bây giờ…
Đặng Xính chỉ tay về phía trung sĩ Đăng, anh này từ lúc nào tới giờ vẫn đứng dựa lưng vào thành cửa. Được thượng cấp chỉ định, Đăng sốt sắng nhận lời.
Vinh nhìn Đăng. Y có vẻ hài lòng và quay lại tôi, y hỏi:
― Còn anh Quang? Tình trạng của anh ở đây ra sao?
― Tôi đã được trả lương tới hết tháng này. Từ nay đến hết tháng, tôi thuộc quyền sử dụng của luật sư Thanh…
Nếu y đuổi tôi ra khỏi vi la này ngay bây giờ thì nguy. May sao, y gật đầu và buông nhẹ một câu:
― Được lắm, anh nhớ nghe… Nếu anh tìm thấy di chúc của ông Văn, bất cứ lúc nào anh cũng gọi cho tôi một cú điện thoại. Tôi cần coi bản di chúc đó lắm. Còn cô Thúy?
― Theo tôi biết thì cô ấy muốn được đi ngay ― tôi đáp ― bầu không khí trong nhà này làm cho cô ấy sợ…
― Ông luật sư và anh Quang nên bảo cô ấy ở lại. Khi nào có tin gì mới của anh Văn, cô ấy có thể đi được. Tôi tin rằng chúng ta sẽ sớm biết tin của ông Văn không lâu lắm đâu mà ngại…
Nói xong, không chào ai hết, y như một ông sếp bự chỉ có người khác phải chào mình. Vinh đi ra khỏi phòng. Tuy không muốn, Đặng Xính và Lê Huy cũng ra theo. Chỉ còn Thanh và tôi ở lại.
― Nhân tiện…― Thanh nói ― tôi muốn coi qua bản kê khai tiền nợ của ông Văn. Anh làm xong chưa, anh Quang?
Không muốn để cho hắn vào phòng làm việc của Văn ngay lúc này, vì phong bì đựng di chúc của Văn vẫn còn được để nằm trong ngăn kéo, lỡ hắn vô tình mở ngăn kéo ra trông thấy, tôi vội nói:
― Thưa chúng tôi làm chưa xong. Bây giờ giấy tờ hãy còn lộn xộn lắm chắc tới chiều nay là xong hết. Khi nào xong, tôi xin mang ngay lại ông…
Thanh suy nghĩ rồi gật đầu:
― Được rồi. Nhưng… anh cố gắng làm xong trong ngày hôm nay cho tôi nghe. Và nhớ để ý tìm di chúc…
― Thưa vâng. Tôi sẽ cố…
Tôi đưa họ ra xe. Họ đi rồi, bầu không khí trong nhà vẫn nặng chình chịch. Một cảnh sát viên vẫn còn ở lại trong nhà. Người đó là trung sĩ Đăng. Con người ít nói, lầm lỳ từ giây phút này, là một sự đe dọa thường trực cho tôi. Có mặt gã ở đây suốt ngày đêm, ban đêm có một tiếng động nhẹ là có gã lò dò xách súng và bản mặt ác ôn gã đến coi, làm sao tôi có thể đem xác chết ra khỏi tủ lạnh?
Đăng đi đi, lại lại nhòm ngó hết phòng nọ sang phòng kia. Gã đang làm quen với nơi gã có trách nhiệm canh giữ. Tôi lén nhìn gã và thấy gã thật dễ ghét. Trong đời tôi dễ thường tôi chưa có ác cảm với ai bằng với gã cảnh sát bận thường phục này. Trông gã đi gù gù, hai vai gầy guộc nhô lên, cái đầu tóc bờm sờm lởm chởm lâu ngày không chụy đến tiệm thợ cạo lắc lư, hau cánh tay khuỳnh khuỳnh, tôi bất mãn đến muốn hét lớn lên. Nếu tôi là người có quyền, chắc tôi đã cho lệnh sa thải gã cảnh sát bê bối này ngay tức khắc.
Tôi sẽ tìm cách đối phó với gã này sau, tôi sẽ tìm cách đem xác chết ra khỏi tủ lạnh mà gã không biết. Nhưng đó là việc sau này, bây giờ việc cần làm ngay của tôi là việc lén mở coi bản di chúc của Vũ Minh Văn.
Tôi lên lầu.
Thúy không nằm nghỉ trên giường như tôi tưởng. Nàng đứng chờ tôi trên đầu cầu thang. Khuôn mặt trắng xanh biểu lộ vừa mệt mỏi, vừa sợ hãi vừa khó hiểu, thấy tôi lên, nàng hỏi ngay:
― Mình đã tìm thấy…
Tôi biết ngay nàng đã nghe được lời tôi gian với bọn kia về bản di chúc của Vũ Minh Văn, tôi biết nàng muốn hỏi tôi đại khái một câu như: “Chúng mình đã tìm thấy bản di chúc của ông Văn rồi mà? Sao anh lại nói là chưa thấy? Anh quên sao?” Tôi ngắt câu nói của nàng bằng cách đưa ngón tay trở lên chặn giữ miệng.
Nàng hiểu ý tôi nên ngừng ngang. Rất may, anh chàng Đăng chưa kịp nghe thấy tiếng nàng.
Tôi ra hiệu cho Thúy vào phòng làm việc của Văn, nơi trên bàn còn bừa bộn giấy tờ.
Vào phòng, tôi khóa cửa lại cẩn thận rồi mới hạ giọng:
― Chưa thể đưa ngay bản di chúc đó cho họ được. Mình phải coi di chúc trước.
Đôi mắt Thúy mở lớn:
― Tại sao anh? Mình coi di chúc ông Văn làm chi?
― Cần coi lắm chứ. Bởi vì…
Tôi mệt mỏi ngồi xuống ghế. Tôi vừa nhức tim nhiều vì bọn Vinh, Đặng Xính. Bọn đó đi rồi, tôi vẫn chưa yên thân. Tôi lại phải nhức tim và vất vả giải thích việc coi di chúc và khai gian với Thúy. Tôi phải thuyết phục nàng vì lý do chính đáng tôi phải coi bản di chúc đó trước luật sư Thanh và tôi không chắc là lần này nàng có tin tôi hay không. Người ngây thơ và trong trắng như Thúy không chấp nhận việc coi trộm thư của người khác, dù coi trộm với bất cứ lý do gì.
Nàng chờ đợi tôi giải thích và tôi bắt buộc phải giải thích:
― Thúy cô nghe rõ lời Vinh hắn nói sau cùng về vấn đề bây giờ ai là người thừa hưởng di sản của ông Văn chứ?
Nàng gật đầu.
Tôi nói tiếp:
― Chắc Thúy có nghe hắn nói rằng… Vì bà Văn chết rồi, kẻ nào được hưởng di sản của ông Văn, kẻ đó mặc nhiên bị nghi ngờ là thủ phạm đã giết bà Văn, giết để đoạt di sản theo di chúc?
Thúy lại gật đầu.
― Vì vậy, tôi cần coi trước xem có tên tôi trong di chúc không. Nếu ông Văn để tài sản lại cho tôi sau bà Văn, tôi có thể bị họ ngờ.
Nàng sợ hãi ấp úng
― Sao…sao…anh lại có thể bị họ nghi ngờ?
Tôi mệt mỏi nhún vai
― Làm sao mình biết được? Nghi ngờ là việc của họ, đề phòng là việc của mình. Mình phải đề phòng…
― Nhưng… nếu quả thật trong di chúc, ông Văn có viết tên anh là người thừa hưởng di sản của ổng thì sao? Chúng mình đâu có thể thủ tiêu di chúc của ổng?
Với hai tiếng “chúng mình” đó, Thúy vẫn đứng về một phe với tôi. Nàng với tôi vẫn là một. Nhưng dù vậy, tôi vẫn không thể nói với nàng là tôi muốn thủ tiêu di chúc. Tôi sẽ không thuyết phục được nàng trừ phi…
Tôi thở ra một hơi dài não nuột trước khi nói:
― Thúy… Trước ngày em tới đây, trước khi anh được gặp em.. có thời… Hồng Loan… anh muốn nói, bà Văn là tình nhân của anh…
Chỉ có cách thú nhận tôi có gian díu với bà Hồng Loan, may ra tôi mới có thể làm cho Thúy thấy sự cần thiết phải cho tôi coi trộm di chúc và hủy nó đi nếu cần. Nhưng thú thật chuyện gian díu bẩn thỉu đó, nàng có thể khinh bỉ tôi. Tôi như người không biết đi dây làm xiếc mà phải đứng trên dây, đứng mãi cũng ngã mà bước đi cũng té.
Thúy đi tới bàn. Nàng cũng bị xúc động và cũng phải ngồi phịch xuống ghế.
Tôi lặng yên chờ phản ứng của nàng.
Thúy có thể khinh tôi. Nàng có thể cho tôi là một thằng đểu, nàng có thể nghi cho tôi tội làm tiền đàn bà có chồng ― cái tội khốn nạn nhất mà một gã con trai có thể phạm ― nhưng may sao, Thúy đã yêu tôi. Khi yêu, người con gái tha thứ hết cho người yêu. Tôi có thể đểu, tôi có thể khốn nạn, những lỗi lầm đó của tôi chỉ làm cho Thúy khổ sở, nhưng nàng vẫn không vì thế mà hết yêu tôi. Khi nàng còn yêu tôi, tôi còn được nàng tha thứ, che chở. Chỉ khi nào nàng hết yêu tôi, tôi mới gặp nguy hiểm từ phía nàng tới. Tình yêu là một cái gì không thể phân tích theo lẽ phải sự hợp lý được. Tình yêu đến và tình yêu đi đều không có lý do. Tôi có thể tỏ ra đểu giả mà Thúy vẫn yêu tôi, ngược lại, tôi vẫn hoàn toàn đàng hoàng mà có khi Thúy vẫn hết yêu tôi.
Điều may mắn lớn thứ hai của tôi là Thúy đã lờ mờ biết trước tôi và Hồng Loan có gian díu với nhau. Có lần nàng đã hỏi tôi chuyện đó và lần đó tôi chối. Vì biết trước nên lời tự thú của tôi hôm nay không làm cho Thúy bị xúc động quá mạnh. Nếu Thúy không ngờ, nếu nàng tin tôi là một gã đàng hoàng về mọi mặt, lời tự thú của tôi có thể làm nàng thay đổi tình cảm về tôi. Điều may thứ ba của tôi là từ ngày có mặt Thúy trong nhà này, sự liên lạc giữa tôi và Hồng Loan chỉ còn có thù hằn chứ không còn tình ái, dù chỉ là tình nhục dục. Thúy thấy rằng từ ngày có nàng, tôi và Hồng Loan thù nhau nhiều hơn. Và nàng tưởng tôi và Hồng Loan hết yêu nhau vì nàng, vì tình yêu nàng tưởng như vậy, Thúy đã tha thứ hết cho tôi rồi.
Tôi mừng đến tỉnh người lại khi Thúy nói sau tiếng thở dài:
― Em đã đoán biết chuyện đó…
Khó khăn đã qua, việc thuyết phục Thúy không đến nỗi nào khó khăn lắm. Tôi vội kể lể:
― Đó là chuyện xảy ra trước khi anh được gặp em… Từ ngày có em… anh không còn có thể… Anh hối hận nhiều vì lỗi lầm đó, chắc em cũng thấy…
Nàng nhìn tôi, đôi mắt biểu lộ sự sợ hãi chen lẫn với tình yêu:
― Em biết… Nếu không, nếu anh vẫn còn… yêu bà ấy, đời nào em yêu anh…
― Thằng cha Trần Tiến Vinh đáng sợ lắm… Hắn có thể đoán được tình trạng khả nghi giữa anh và Hồng Loan… Nếu di chúc của Văn có tên anh, rất có thể hắn sẽ nghi anh… đã giết Hồng Loan…
Nàng kêu lên, thảng thốt:
― Lam sao… nghi được? Bộ cứ nghi cho người ta là bỏ tù được người ta sao?... Mình không làm tội, không ai có thể đổ tội cho mình…
― Vẫn biết thế… Nhưng phiền nhiễu lắm, mình biết thì mình phải đề phòng.. Chúng mình chỉ đọc di chúc này thôi…
Không để cho Thúy kịp suy nghĩ thêm, tôi cầm con dao rọc giấy dọc ngay phong bì đựng bản di chúc của Vũ Minh Văn. Lát nữa, tôi có thể bỏ di chúc vào một bì thư khác, không dán lại, không đề chữ gửi cho ai hết cũng không sao.
Di chúc của Vũ Minh Văn chỉ là một tờ giấy viết tay. Tôi đọc nhanh và người tôi nóng lên như một lò lửa rồi lạnh ngắt đi rất nhanh…
Di chúc này mới được Văn viết trong mấy ngày trước khi hắn tự tử. Lời văn ngắn và rõ rệt. Vũ Minh Văn viết rằng vì tôi ― Trần Quang ― đã cứu hắn khỏi chết nát thây vì bom nổ chậm, vì Hồng Loan, vợ hắn không trung thành với hắn, hắn để hết cả di sản cho tôi. Tôi mới là người thừa hưởng tài sản của Vũ Minh Văn chứ không phải là Hồng Loan.
Hắn thâm thù Hồng Loan, thù đến cả lúc chết. Hắn nhất định không để lại cho Hồng Loan một đồng bạc nhỏ. Nếu tôi biết trước hắn để lại di chúc này, tôi đã chẳng dại gì bày ra kế hoạch làm tiền bảo hiểm với Hồng Loan. Bây giờ nếu bọn Trần Tiến Vinh, Đặng Xính mà có được bản di chúc này, họ sẽ nghi quyết cho tôi đã giết Hồng Loan. Họ sẽ đoán là vì tôi không được biết rõ về di chúc, vì tôi nghĩ rằng Văn để của cho Hồng Loan và chỉ khi nào Hồng Loan chết đi mới đến lượt tôi. Mặt tôi lúc đó chắc biểu lộ một sự thiểu não ghê gớm lắm nên Thúy phải kêu lên lạc giọng:
― Chi vậy, anh?
Tôi đưa tờ di chúc cho nàng:
― Em đọc đi…
oOo
Ở đời này, con người khôn ngoan chưa chắc đã thành công, đã sung sướng. Số mệnh oái oăm thường chơi khăm con người những vố rất nặng. Tôi vừa bị số mệnh chơi khăm một vố.
Một vố đau thiệt là đau. Nếu tôi biết rằng Vũ Minh Văn để di sản cho tôi, tôi cứ lẳng lặng đứng ngoài cuộc tranh chấp của vợ chồng họ, tôi cũng vẫn có tiền như thường. Văn có nợ tiền nhiều thật nhưng với hợp đồng bảo hiểm, sau khi Văn chết, người được thừa hưởng tài sản của hắn vẫn còn được hãng bảo hiểm trả một số tiền khá lớn. Dù sau khi Văn chết, Hồng Loan có bày đặt ra những trò gì chăng nữa, chắc chắn nàng cũng bị Trần Tiến Vinh lột mặt nạ, nàng sẽ vô khảm và tôi sẽ là người may mắn nhất đời. Bây giờ, sự việc đã xảy ra đến như thế này, đau nhất cho tôi là tôi không dám đưa bản di chúc cho ai coi hết. Nếu bọn Vinh, Xính biết di chúc này, họ sẽ đồng ý cho tôi là kẻ đã giết cả Văn lẫn Hồng Loan.
Điều nguy hiểm nhất là tôi không hẳn là vô tội. Tôi không giết Văn nhưng tôi giết Hồng Loan. Nếu những kẻ giàu kinh nghiệm về thuật điều tra tội nhân như Vinh và Đặng Xính, tôi sẽ không thể chống cự lâu được.
Tôi cố gắng thuyết phục Thúy, nàng đã thuận để tôi đọc trước bản di chúc, tôi cần giữ lại luôn nó.
― Không thể đưa ngay bản di chúc này cho bọn họ ― Tôi nói với Thúy ― chúng mình hãy giữ lại, đợi khi ông Văn trở về, anh sẽ yêu cầu ông ấy viết lại bản khác. Anh chắc ổng sẽ phải sửa lại di chúc, vì bà Văn chết rồi. Ổng không thể để cho anh bị liên lụy vì lòng tốt của ổng….
Như chợt nghĩ ra, Thúy đột ngột hỏi tôi:
― Quang.. anh phải nói thật với em… Anh không liên can gì đến cái chết của bà Văn chứ?
Tôi nắm lấy cơ hội để thở dài:
― Em thấy không? Đến em mà còn hỏi anh câu đó trách chi cảnh sát?
Nàng khổ sở:
― Em chỉ hỏi anh vậy thôi…
― Em hỏi như vậy là em đã nghi anh rồi còn gì nữa…?
― Em chỉ hỏi để biết… Dù anh có…
Nàng bỏ dở câu nói. Tôi biết nàng muốn nói rằng: “dù anh có phạm tội thật, em cũng vẫn… không thay đổi gì với anh…” nhưng vì ngượng miệng nàng không thể nói trọn vẹn được một câu trắng trợn như thế.
Nàng ngừng ngang để nói tiếp:
― Em thấy anh có thái độ lạ lạ sao ấy…
Tôi cố gắng chịu đựng cái nhìn tìm hiểu của nàng:
― Anh không biết có những chuyện gì đã xảy ra với ông Văn. Có chuyện gì đã xảy ra với bà Văn cũng vậy, anh hoàn toàn không dính líu gì đến cái chết của bà Văn và sự vắng mặt của ông Văn. Anh nhận là anh có lỗi, lương tâm anh cắn rứt anh. Vì anh đã dại dột gian díu với bà Văn. Sở dĩ anh phải đề phòng là vì anh không muốn bị cảnh sát làm rắc rối… Từ nay trở đi, anh sẽ không bao giờ bậy bạ nữa… Em phải tin anh…
― Em tin anh. Em đã tin anh và cho tới hôm nay em vẫn còn tin.
― Vậy thì tốt. Anh mang bản di chúc này cất đi nơi khác, chờ khi ông Văn trở về. Thúy cứ ngồi đây tiếp tục soạn chỗ thư từ này dùm anh.
― Em hy vọng anh biết rõ việc làm của anh.
Tôi đến gần nàng, hôn nhẹ lên má nàng:
― Anh không làm gì bậy cả. Anh không muốn hưởng di sản của ông Văn và anh không muốn những kẻ đa nghi như tên Trần Tiến Vinh biết là ông Văn để hết sản nghiệp lại cho anh. Vậy thôi. Em đừng lo và… em đừng nói chuyện này cho bất cứ ai biết…
Bỏ bản di chúc vào túi áo, tôi đi ra khỏi phòng. Không thấy gã cảnh sát có nhiệm vụ ở lại đây đâu cả, tôi nghĩ ngay đến cái tủ lạnh. Gã đó đang đi thăm thú khắp nhà. Chắc chắn gã sẽ nhìn thấy cái tủ lạnh quá lớn ấy và nếu gã tò mò mở nắp tủ…
Đêm nay, tôi bắt buộc phải đem xác Văn ra khỏi tủ. Tôi chưa rõ tôi sẽ làm cách nào nhưng chắc chắn là tôi phải thanh toán vụ đó cho xong nội đêm nay. Bằng tất cả mọi cách…
Tôi đi vào căn phòng nhỏ được dùng làm phòng nấu ăn và là nơi đặt tủ lạnh. Đăng không có ở đây. Tôi nhìn về phía tủ lạnh. Hàng chai rượu tôi xếp trên nắp tủ vẫn còn nguyên. Tôi đi tới gần tủ lạnh, dừng lại nghe ngóng tiếng máy điện trong tủ lạnh chạy rì rì rất nhỏ. Tôi đặt tay lên cầu điện của máy, kéo cầu xuống. Đường điện đã bị cắt, hơi điện không chạy vào máy nữa. Tiếng rì rì đã mất.
Từ giờ tới nửa đêm, hơi lạnh trong tủ sẽ hết. Xác chết không còn hơi lạnh nữa, sẽ trở lại trạng thái bình thường của nó. Xác chết sẽ mềm lại tuy nhiên việc mang xác chết ra ngoài một mình trong đêm tối vẫn không phải là một việc dễ làm. Trước đây, tôi trông cậy ở sự phụ trợ của Hồng Loan.
Đêm nay, tôi chỉ còn trông cậy ở chính tôi.
Viễn cảnh đen tối và nặng những hãi hùng. Tôi gạt bỏ ra khỏi óc cảnh tượng đêm nay khi tôi một mình mò mẫm trong bóng đêm với xác chết, tôi biết rằng nếu tôi còn nghĩ đến chuyện đó, tôi sẽ không có đủ can đảm và nếu bỏ trốn lúc này, tôi sẽ không sao có thể thoát đi xa. Bị bắt lại. Đời tôi chỉ còn có hai con đường: bị xử tử, bị tù chung thân.
Thúy làm cơm trưa cho cả Đăng cùng ăn. Nàng bầy bát đĩa trên chiếc bàn bằng mây đặt trên hiên nhà cao. Cơm không có gì thịnh soạn nhưng chỗ ngồi thật sang. Tôi lấy la-ve cho Đăng uống và vào bếp dọn thức ăn phụ với Thúy.
― Tủ lạnh sao lại cúp điện? ― nàng hỏi tôi ― Anh cúp điện tủ lạnh đấy à?
Nàng chú ý tới việc tủ lạnh bị cúp điện vì trước đây chính nàng đã cúp điện tủ lạnh và tôi đã mở lại. Bây giờ lại đến lượt tôi cắt điện.
Đã chuẩn bị trước câu trả lời, tôi đáp ngay:
― Bây giờ thì mình biết trước là tủ lạnh này sẽ không dùng tới nữa, hoặc có dùng thì cũng còn lâu, nên mình cúp điện.
Khi mình sợ chuyện gì y như rằng chuyện đó xảy ra, tôi sợ anh chàng cảnh sát mò vào bếp theo chân tôi và nghe được những lời tôi và Thúy nói với nhay về tủ lạnh. Khi tôi chưa nói dứt, chợt thấy nét mặt Thúy đổi khác, tôi nhìn lại và thấy Đăng đứng ở giữa khung cửa, tay gã cầm lon la ve.
Đăng cũng nghe thoáng thấy chúng tôi nói đến tủ lạnh. Lập tức tôi thấy gã chú ý ngay đến tủ lạnh. Gã bước tới, ngắm nghía cải tủ và nói bằng giọng trầm trồ:
― Phi di đe lớn quá… Moa con đông… Tám đứa… Gia đình moa phải có cái phi di đe lớn cỡ này mới đủ dùng. Chỉ nguyên một vụ nước lọc cho bọn con moa nó uống ngày cũng phải mất ít nhất là 5 chai…
Với trái tim đập loạn trong lồng ngực, tôi tới đứng bên cạnh cái tủ lạnh để tiếp chuyện gã:
― Cái tủ này lớn quá ― tôi nói ― tốn điện lắm. Chi có nhà hàng lớn mới dùng đến tủ lạnh cỡ này, nhà mình dù có nhiều người bảnh lắm là sài tới loại tủ 175 lít…
Đăng đặt tay lên nắp tủ lạnh:
― Tủ này không biết mấy trăm lít?
― 100 lít..
― Rượu ở đau mà để ở đây nhiều vậy? Chai không à? Trong tủ này có gì không? Mở coi được không?
Tôi làm một cố gắng kinh khủng để giữ cho giọng nói khỏi đổi khác xúc động:
― Chẳng có gì trong này… Hình như tủ khóa thì phải… Tôi cũng chẳng biết bà ấy để chìa khỏa ở chỗ nào.
Không đòi mở tủ, Đăng chỉ đứng nhìn, vẻ thèm thuồng hiện rõ trên mặt. Rồi Thúy yêu cầu chúng tôi mỗi người bưng dùm nàng một đĩa thức ăn ra bàn ăn. Đăng rời xa cái tủ lạnh với một vẻ tiếc rẻ. Vẻ mặt đó của gã cho tôi sợ rằng rất có thể gã còn trở lại coi kỹ cái tủ này và vì ở không cũng buồn, có thể gã sẽ chịu khó hì hục khuân hết số chai lọ bày trên nắp tủ coi cho đã thèm.
Ba chúng tôi ngồi ăn trên hiên vi la rộng như một cặp vợ chồng tỷ phú trẻ tuổi thết bạn. Buổi trưa ở đây thật êm. Có lúc tôi tưởng tượng tôi và Thúy là một cặp vợ chồng thật, vợ chồng tôi là chủ vi la này và chúng tôi giàu tiền, cuộc đời đẹp tuyệt vời.
Uống hai lon la ve và ăn một bữa cơm ngon, Đăng có vẻ yêu đời và trở thành vui vẻ, nói nhiều. Gã ngồi phưỡn bụng trên ghế, điếu thuốc lá phập phèo trên môi, gã ba hoa:
― Mẹ sư Trần Tiến Vinh trước kia cũng là cò cảnh sát đó, moa nghe nói hình như giả bất hòa với mấy chả Bình Xuyên thời Bình Xuyên nắm quyền công an nên gỉả phải ra khỏi ngành. Bây giờ giả làm bảo hiểm, kiếm bộn tiền. Vì giả trước kia có thời làm cò nên thượng cấp của moa nể giả lắm. Giả thiệt là người có tài, song moa thấy… giả đã bị méo mó nghề nghiệp. Giả đa nghi quá nên nhiều khi đâm ra… rắc rối vô ích. Những vụ này chẳng hạn… Bồ không phải là người trong nghề… moa chắc bồ cũng thấy.. Thủ phạm nhất định là cha chủ nhà này rôi, còn ai vô đây tranh chức đó được nữa… Vậy mà giả Vinh còn bày đặt nghi cho người khác. Bồ nghĩ sao?
Tôi thận trọng đáp:
― Tôi vẫn không tin là ông Văn cố ý giết bà vợ. Có thể là ổng chỉ lỡ tay…
― Dù hắn có cố ý hay là không cũng chính hắn đã làm cho vợ hắn chết thảm, hắn cũng là thủ phạm. Không biết bây giờ hắn đang trốn ở đâu. Tôi dám cá với bồ hắn đã trốn qua Nam Vang rồi… Tin đi… Thể nào mà hắn chẳng có để sẵn tiền bên đó…? Chỉ cần qua tới biên giới là xong… Từ Sài gòn qua Nam Vang chỉ mất nhiều lắm là một ngày..
Thúy lên tiếng:
― Ông không nghĩ là ông Văn có thể trở lại nhà này sao?
Đăng cười khẩy:
― Hắn trở lại đây làm chi? Hắn dư biết là nhà này đã có cảnh sát canh chừng, hắn mò về để chui đầu vào bẫy ư? Ý kiến đặt người coi chừng nhà này là ý của me sừ Vinh, được ăn ngủ ở đây phây phây, càng tốt, mỏa chẳng có điều gì phàn nàn. Canh ở đây cả năm mỏa canh cũng được.
Gã đột ngột hỏi tôi:
― Bồ có tìm thấy di chúc của hắn không?
Tôi lắc đầu:
― Không thấy. Chắc là không có. Nều có thì đã tìm thấy rồi…
― Me sừ Vinh chỉ rắc rối…
― Trưa nay, chắc là anh phải ngủ trưa thật kỹ hả? ― Tôi lấy giọng vui vẻ hỏi Đăng ― nếu anh cần ngủ, để tôi đưa anh lên phòng trên lầu. Ở đây tĩnh, tha hồ ngủ
Gã trợn mắt nhìn tôi:
― Tại sao tôi lại phải ngủ trưa, hả?
― Nếu anh phải thức đêm để canh nhà thì ban ngày anh phải ngủ thật nhiều chứ? Tôi làm bộ ngây thơ để hỏi hắn.
Hắn cười khẹc khẹc:
― Thức đêm để làm chi? Để chờ cha chủ nhà mò về à? Còn lâu moa mới thức đêm. Được ngủ trong vi la vắng vẻ thế này, mỏa phải lợi dụng cơ hội để ngủ cho sướng chớ? Cậu biết không? Mụ vợ mỏa vừa mới đẻ. Mụ đẻ dữ quá đi. Mỗi năm một đứa. Toàn con gái. Mỏa đã có đến năm đứa con gái rồi mà mụ lại vừa đẻ thêm một đứa con gái nữa. Nhà thì chật mà trẻ thì đông lại thêm con bé mới ra đời khóc quấy cả đêm. Cả tháng nay mỏa không ngủ được đêm ngon lành. Đêm nay mỏa phải ngủ chớ,…
Tôi đứng dậy:
― Nếu anh khoái ngủ thì ở đây số dách… Ban ngày còn êm như vầy thì anh biết ban đêm còn êm đến đâu. Ở thành phố, có bao giờ anh được nghe tiếng lá rơi trên mái nhà không? Chắc là không hả? Ở đây anh sẽ có dịp nghe rõ từng cánh lá rơi… Thơ mộng lắm… Thôi tôi phải vào làm nốt chỗ giấy tờ cho xong để nộp cho ông luật sư… Soạn xong đống giấy tờ này là tôi cũng hết việc. Nếu ông Văn không về, tôi cũng phải đi tìm việc sở khác thôi. Sở này hết việc rồi…
Đây là lần đầu tiên kể từ giây phút tôi được biết là có Đăng ở lại suốt ngày đêm trong vi la này, tôi không cảm thấy sợ hãi. Nếu Đăng khoái ngủ và đang thèm ngủ thì việc làm của tôi chắc sẽ không khó khăn, vất vả gì cho lắm. Tôi chỉ cần khéo léo là được
Đăng sốt sắng đề nghị với Thúy:
― Cô Thúy để rôi phụ trách việc rửa bát đĩa cho. Cô phải biết vợ tôi nó khen tôi là thằng đàn ông rửa bát chén giỏi nhất thế giới đa…
Tôi vào phòng làm việc của Văn và sau khi khóa cửa lại, tôi ngồi vào bàn. Tôi lấy khẩu súng lục của Văn ra, khẩu súng y đã dùng để tự tử và tôi cất giữ từ ngày đó đặt vào ngăn kéo bàn viết. Rồi tôi mang bao tay để khỏi để lại dấu chỉ tay, tôi lấy ra một tờ giấy viết như của Vũ Minh Văn, đặt vào máy chữ. Tôi suy nghĩ vài giây rồi gõ nhẹ những dòng chữ sau đây lên trang giấy:
― Tôi trở lại đây tìm khẩu súng. Hết rồi. Đời tôi đến đây là hết. Chẳng còn hy vọng gì nữa. Tôi không muốn giết nàng. Không ngờ. Tôi không còn chỗ nào để tới mà tôi cũng không muốn đi trốn. Tôi đã chán ngấy cuộc đời này. Tôi đi về một nơi không còn phiền nhiễu, tôi hy vọng gặp lại nàng ở đó. Chắc nàng hiểu là tôi không muốn giết nàng và nàng đã tha thứ cho tôi…
Tôi đọc lại trang thư và thấy hài lòng. Tôi lấy tờ giấy ra khỏi máy chữ, đặt nó vào một ngăn kéo.
Bây giờ là hai giờ trưa. Nếu tôi gặp may. Tôi chỉ cần may mắn một chút thôi, chừng 15 tiếng đồng hồ nữa, tức là tới nửa đêm nay, tôi sẽ ra khỏi được cơn ác mộng khủng khiếp này.
Thoát được vụ này, từ giờ đến hết đời, tôi sẽ không còn bao giờ dám dính vào một vụ bê bối, lường gạt nữa.
oOo
Tôi và Thúy làm việc suốt tới 8 giờ tối thì xong hết. Chúng tôi đã cộng được tổng số tiền nợ của Vũ Minh Văn căn cứ trên những tờ hóa đơn và biên lai ghi nợ. Không kể những món nợ không giấy tờ chứng minh, Vũ Minh Văn nợ thiên hạ 6 triệu 345.750 đồng bạc.
Tôi kiểm lại bản kê khai để đưa cho luật sư Thanh trước khi Thúy đánh máy ra thành nhiều bản và bảo nàng:
― Nếu theo đúng hợp đồng bảo hiểm và hãng bảo hiểm chịu trả tiền trả hết nợ rồi ông Văn cũng còn tới 10 triệu đồng.
Thúy thở dài:
― Nhưng nếu ông Văn có chết thật, hãng bảo hiểm mới chịu trả số tiền đó chứ? Mà nếu ổng chết… thì… bây giờ ai lãnh số tiền đó? Bà Văn cũng chết rồi…
Tôi biết nàng sắp nói đến tôi nên tôi vội vã chặn ngang:
― Ai lãnh tiền mình không cần biết. Anh chỉ biết chắc có một điều là anh không lãnh. Vậy thôi. Đồng tiền mình có vất vả làm ra mình mới quý. Tiền trời cho sẽ không bền…
Rồi tôi lảng qua chuyện khác:
― Hôm nay chúng mình đã làm việc quá nhiều. Thúy nên đi chơi tối nay cho thoải mái. Thúy nên đi coi xi nê. Thúy có khi nào đi coi hát cải lương không? Lâu lâu đi coi cải lương cũng thú thú, miễn là đừng có đi coi luôn luôn và nhất là đừng có mê mấy anh kép cải lương…
Đôi mắt ngây thơ của nàng cho tôi biết rằng nàng là người con gái chưa hề biết cải lương là gì
― Mê kép cải lương thì làm sao mà không nên anh?
Tôi cười:
― Vì… mê như thế… quê lắm. Kép cải lương toàn là bọn thất học. Đàn bà có học ai mà mê kép hát cải lương…
― Em không muốn đi một mình…
Nàng muốn tôi đưa nàng đi. Viễn cảnh ngồi bó rọ đâu đó trong tòa nhà rộng vắng này chờ cho anh cớm ngủ say để mò mẫm trong đêm tối mở tủ lạnh, ôm xác chết ra… là một viễn ảnh không mấy hấp dẫn với tôi, tôi rất muốn được cùng với Thúy ngồi bên nhau, nắm tay nhau trong một rạp hát bóng đầy những người no đủ và yêu đời, nhưng tôi không thể để anh cớm một mình trong nhà này.
Tôi đành viện lý do nhà có cảnh sát gác không tiện đi hết cả để từ chối, Thúy nói:
― Anh ở nhà thì em cũng ở nhà. Chắc chúng mình cũng chẳng còn ở đây lâu nữa đâu. Mai sau chúng mình tha hồ mà đi coi xi nê với nhau..
Nàng nói đến mai sau bằng một giọng lạc quan và tin tưởng. Trong tâm y của nàng, việc mai sau chúng tôi thành vợ chồng dường như đã là một chuyện dĩ nhiên.
Tôi đề nghị:
― Chúng mình vào phòng khách coi Tivi vậy. Nhiều đêm Tivi Mỹ có chiếu phim coi được lắm.
Việc ngồi coi Tivi đêm nay không làm cho Thúy hào hứng mấy vì sự có mặt của trung sĩ Đăng, một người đàn ông lạ không lấy gì làm lịch sự lắm. Đăng ngồi lù lù trước máy tivi coi phim đấu vật của đài Mỹ. Có lẽ ở nhà hắn ít khi Đăng được ngồi mát coi Tivi nên hắn có vẻ thích thú ra mặt. Nhà lại có sẵn la ve hộp, anh chàng cứ lấy ra uống tì tì.
Không muốn ngồi gần Đăng, Thúy bỏ lên phòng nàng trước 9 giờ. Tôi cảm thấy dễ chịu khi thấy nàng rời xa tôi.
Tôi chỉ còn phải ngồi chờ, chờ cho thời gian đi vào đêm khuya và anh cớm nhà nghề đần độn, ham ăn, ham uống, ham đủ thứ này ngủ say. Và cũng như tất cả những lúc con người phải chờ đợi, thời gian trôi qua thật chậm. Tôi đã có kinh nghiệm chờ đợi và tôi cố tình không nghĩ đến thời gian, không mong, không nhìn đồng hồ, nhưng tôi vẫn thấy thời gian chậm rì rì, chậm và nặng chình chịch. Có những lúc tôi ngồi rất lâu, tôi yên trí rằng ít nhất cũng phải là cả giờ đồng hồ đã trôi qua, vậy mà khi coi đồng hồ, tôi thấy khoảng thời gian vừa qua mà tôi nghĩ là cả giờ dó thực ra chỉ mới có mười lăm phút.
Tivi chiếu hết phim đánh vật với những gã đô vật khổng lồ, hung hãn, đánh nhau như thù hằn, đánh nhau dã man hơn cả súc vật. Chiếu qua phim ca nhạc, Đăng nằm dài trong chiếc ghế da đặt ngay trước máy tivi, hắn có vẻ như sẽ nằm coi cho đến lúc đài hết phim. Không thể mở miệng khuyên hắn nên lên phòng ngủ, tôi đành cắn răng ngồi chờ.
Vào lúc 10g30, tôi nhận thấy Đăng đã ngủ. Hắn ngủ trong ghế trước máy tivi, miệng há hốc, đầu nghẹo qua một bên, ngáy khò khò. Tuy hắn ngủ, tôi vẫn không thể đánh thức hắn dậy. Tôi đành ngồi nghĩ đến những việc tôi sắp làm.
Thời gian đã chín mùi để tôi hành động. Tôi nhất định phải đem xác Văn ra khỏi tủ lạnh đêm nay. Trước hết, tôi phải mất chừng 10 phút mò mẫm trong đêm tối để dọn hết dãy chai rượu xếp trên nắp tủ lạnh xuống, rồi tôi mang xác chết ra vườn cây, nổ phát súng và vứt khẩu súng lại bên xác chết để chạy vào nhà…
Nghĩ đến đây, tôi choáng người.. Không xong rồi. Nổ phát súng ở ngoài vườn, tôi không sao có thể chạy trở vào nhà kịp. Dù đang ngủ say, Đăng thể nào cũng phải nghe thấy tiếng nổ. Cả Thúy cũng vậy, Đăng cũng như Thúy, hai người này có thể nhìn qua cửa sổ phòng họ xuống vườn và trông thấy tôi.
Tôi phải làm sao đây?
Cơn sợ hãi hoảng loạn lại rùng rùng kéo tới. Làm sao? Làm sao? Phải mất nhiều phút sau tôi mới hiểu rằng với quyết định đem xác Văn ra vườn, tôi đã tự làm cho việc làm của tôi thành rắc rối. Việc gì phải đem xác chết ra tận vườn? Văn đã tự tử trong phòng làm việc của y, tại sao tôi lại không đem xác y trở vào căn phòng đó? Có dễ hơn không? Tôi sẽ để mở cửa sổ, khung cửa số ở đó là lối vào nhà của Văn. Tôi nổ súng qua cửa sổ cho đạn bắn ra vườn. Nổ súng xong tôi chỉ cần chạy có vài bước là về tới phòng ngủ của tôi. Nếu Đăng có bắt gặp tôi ở cầu thang cũng không sao, tôi có thể nói là tôi xuống thang trước hắn khi nghe tiếng nổ. Hoặc tôi có thể nổ xong phát súng, lẩn qua nấp ở phòng bên, đợi cho Đăng chạy vô căn phòng mà hắn biết là vừa có tiếng nổ, lẹ chân chạy lộn trở ra cầu thang và làm bộ hốt hoảng như mới chạy xuống tới đó.
Như vậy là hoàn toàn rồi. Nhưng thời gian càng trôi về đêm, bỗng tôi lại nẩy ra ý muốn cầu cho thời gian cứ kéo dài, cho Đăng đừng đi ngủ… để tôi đừng mau tới phút phải bắt tay vào việc. Tôi sợ…
Tôi sợ phải mò mò trong đêm tối để mở tủ lạnh, tôi sợ phải nhìn lại xác chết, sợ phải chạm tay vào xác chết. Tôi biết là tôi không sao có thể tránh làm những việc đó và trước sau gì tôi cũng phải làm nhưng tôi vẫn cứ sợ. Nếu tôi không mau mau mang xác chết ra khỏi tủ lạnh, bọn Đăng, Lê Huy, hoặc Vinh sẽ tìm ra xác chết. Và khi đó tìm ra xác Văn nằm trong tủ lạnh, họ sẽ biết ngay Hồng Loan không thể cho xác Văn vào trong tủ lạnh đó. Ít nhất họ cũng biết Hồng Loan không thể đưa xác Văn bỏ vào tủ một mình.
Tới 11 giờ, Đăng choàng dậy.
Tôi biết trước khi hắn sắp tỉnh dậy nên tôi vờ ngủ. Tôi choàng dậy khi hắn vươn vai:
― Ôi.. Tivi chán thấy mồ tổ….― Đăng vừa ngáp vừa nói ― mình cứ ngồi coi một lúc là mắt nhíp lại. Chỉ có mấy cái phi đánh “két” là coi vui vui một chút. Mấy thằng cha mọi rợ đánh nhau dữ quá, coi đáng thật đã con mắt. Mấy chả đấm đá, bóp cổ, quật nhau dữ vậy mà sao không thấy chả nào chết cả ta… Thôi đi ngủ…
Hắn nhìn quanh:
― Nè chú… Chú khóa kỹ các cửa ra vô chưa đó?
Tôi đứng dậy theo và che miệng ngáp:
― Khóa kỹ cả rồi. Anh có muốn đi soát lại cho yên trí thì cứ đi.
― Hai thằng mình cùng đi soát lại cho chắc ăn…
Hắn theo tôi đi đóng và khóa các cửa ra vào. Chính tay hắn đóng các cửa sổ. Khi hắn gài khóa cửa sổ, nếu lát nữa tôi mở cửa sổ ra hắn biết ngay là người mở cửa phải ở trong nhà. Còn nều tôi không mở cửa sổ, làm sao tôi bắn được viên đạn ra ngoài trời và làm sao có thể giải thích được sự có mặt, nói đúng hơn là sự có xác chết ở trong nhà? Vũ Minh Văn đi lối nào vào được trong nhà?
Trước khi vào phòng ngủ, hắn bật đèn sáng choáng tất cả các phòng trong nhà và đi kiểm soát từng phòng. Tôi theo hắn vào phòng làm việc, nơi tôi và Thúy đã ngồi suốt ngày để soạn giấy tờ. Vào tới đây, tôi rùng mình kinh hoàng…
Vì tôi đã phạm một lỗi lầm… Đôi bao tay tôi mang hồi nãy bỏ nằm ngay trên bàn, bên cạnh cái máy chữ. Nếu Đăng trông thấy đôi bao tay đó, hắn có thể sinh nghi. Hắn sẽ tìm kiếm quanh bàn và hắn sẽ tìm thấy khẩu súng cùng bức thư tuyệt mệnh giả là của Văn do tôi vừa viết bằng máy chữ bỏ trong ngăn tủ.
Tôi sơ ý quá.Sự sơ ý này có thể dưa tôi vào tù ngồi đó đến hết đời.
Đôi bao tay bằng da nâu hiện lên quá rõ, quá đập vào mắt, chỉ cần Đăng nhìn thấy và hỏi một câu: “ Bao tay này của ai bỏ đây?...” là vỡ lở hết…
Tôi đi tới định cất đôi bao tay đó đi hoặc vơ lấy chúng bỏ vào túi, nhưng không thể được, tôi đành đứng che chúng đi. Cũng may, Đăng chỉ mải chú ý đến cửa sổ, gã không nhìn thấy đôi bao tay bằng chứng tai hại này.
Phòng này có hai cửa sổ mở ra vườn. Sau khi đóng và vặn khóa cả hai cửa, có vẻ hài lòng, Đăng xoa xoa hai bàn tay vào nhau, gã nói:
― Cửa này thì có thánh cũng không sao vô được…
Gã ra trước, tôi vội vã đi theo. Những bóng đèn điện dưới nhà theo nhau tắt. Chúng tôi lên lầu. Phòng ngủ của Đăng là căn phòng cũ của tôi. Tôi ngủ trong phòng ngủ của Văn.
Tôi vào phòng và đứng nép mình sau cánh cửa, nín thở một lúc nghe ngóng, tôi cần biết gã cảnh sát có ở trong phòng gã không, hay gã lại trở xuống nhà dưới. Và cửa phòng gã đóng chặt hay mở hé…
Một lúc sau, tôi mới vào tới giường ngủ và ngồi nhẹ lên giường.
Việc bỏ lại đôi bao tay trên bàn viết là một sơ hở làm cho đến lúc này tôi vẫn chưa được hoàn hồn. Tôi suy nghĩ biết đâu Đăng đã chẳng trông thấy nhưng vì đòn cao, gã giả vờ như không thấy. Có thể lắm chứ. Tôi chẳng nên khinh thường Đăng. Tuy gã có vẻ ngu đần, chậm hiểu đấy nhưng biết đâu đó lại chẳng chỉ là cái vỏ ngoài của họ? Biết đâu gã lại chẳng nhiều thủ đoạn và khôn khéo hơn tôi tưởng?
Tôi giận tôi nhiểu về hành động sơ hở ngớ ngẩn này. Như tôi đã nói ở đời tôi không sợ gì bằng sợ “quê” đây không phải là nhà quê như nhiều người có thể tưởng lầm. “Quê” mà tôi nói đây là một cái gì không được thanh lịch, không khôn khéo, có khi không đáng. Như việc tôi bỏ quên đôi bao tay chẳng hạn đó là một việc không đáng để cho xảy ra, một việc ngu đần. Bị thua vì một việc không đáng thật “quê” và do đó thật đáng giận.
Bây giờ là 11 giờ 20 phút. Chỉ còn một lúc nữa là tới nửa đêm…
Nếu Đăng là loại đàn ông đặt lưng xuống đâu là ngủ đấy thì cho già ra là tới 12 giờ 30, tức là còn 40 phút nữa, tôi phải mò xuống nhà dưới vác xác Văn ra khỏi tủ lạnh. Người tôi nóng ran lên rồi chớp mắt, lạnh toát đi. Mồ hôi tôi vã ra như tắm trong lúc tôi muốn run lên bần bật. Tình trạng bất thường đó của cơ thể và tâm trí tôi làm cho tôi, trong những giây phút sáng suốt rất ngắn thấy rõ hơn ai hết rằng tôi sẽ không có đủ sức để làm trọn cái việc tôi sắp phải làm. Việc làm quá nặng… Không những chỉ phải nhẹ tay lấy hết mấy chục chai rượu đó bày trên nắp tủ lạnh xuống không một tiếng động, lôi xác chết ra mà thôi, tôi còn phải xếp lại những chai rượu đó lên nắp tủ lạnh như cũ… Rồi tôi mới cõng hay ôm xác chết nhẹ bước vào phòng, mở cửa sổ… ―Từng ấy thứ phải làm thật êm, thật nhẹ, không để vang lên một tiếng động nhỏ― rồi mới nổ súng và chạy… Tôi biết là tôi không sao đủ can đảm và sức mạnh để làm hết từng ấy việc. Đăng có thể ngủ say, nhưng với một cảnh sát viên nhà nghề, việc đang ngủ say lập tức tỉnh táo với đầy đủ phản ứng là một việc thường xảy ra. Người cảnh sát nhà nghề có những khả năng và thói quen mà người thường không ngờ là có thể.
Tôi không thể nhờ cậy ai hết đêm nay. Trước kia khi nghĩ ra kế hoạch này, tôi thấy dễ làm vì tôi còn Hồng Loan ở bên cạnh. Và nhất là tôi không biết rằng bên tôi, cùng ngủ trong nhà này với tôi, có một người cảnh sát và người cánh sát đó có thể can thiệp chớp nhoáng để bắt quả tang tôi với xác chết. Nếu hôm trước đây chỉ cần biết hoặc nghi ngờ rằng khi làm việc này, bên tôi sẽ không có Hồng Loan, chắc chắn tôi đã không dám làm.
Làm sao bây giờ?
Như tôi đã xét đi, xét lại, tôi không làm việc này không được. Và làm cũng không được. Tôi như bị đẩy đến đường cùng…
Hồi nẫy, Đăng đã tự tay đóng, khóa hết các cửa sổ. Nhưng vì không quen lắm với tòa nhà lớn này, gã vẫn còn quên một khung cửa không khóa. Đó là khung cửa sổ nhỏ ở đăng sau cầu thang. Người ta vẫn có thể theo lối cửa đó chui ra, chui vào tòa nhà này được, chỉ hơi khó một chút. Tôi quyết định Vũ Minh Văn sẽ vô nhà bằng lối cửa sổ đó. Mai đây, khi nhớ lại mọi khung cửa sổ Đăng sẽ nhớ là gã không đóng khung cửa sổ sau cầu thang đó.
Tôi đứng dậy và thay quần áo ngủ. Tôi bận bộ pijama mới. Rồi tôi tắt đèn lớn, để đèn nhỏ, ngồi sát với ngọn đèn lấy khẩu súng lục của Văn ra xem lại. Tôi tra thêm đạn vào băng đạn rồi dùng khăn tay chùi kỹ cho sạch hết dấu tay. Xong tôi bỏ súng vào túi.
Trước khi bắt tay vào việc, tôi còn phải làm một việc nữa. Đó là việc vào phòng làm việc của Văn để lấy đôi bao tay tôi còn bỏ ở đấy. Tôi cần dùng bao tay vì tôi biết tôi không thể để lại dấu tay của tôi trên bất cứ món đồ vật gì trong đêm nay. Chỉ cần họ tìm thấy một dấu chỉ tay của tôi là một công trình của tôi tan ra mây khói. Vẫn biết trong nhà này đầy dấu chỉ tay của tôi cũng như dấu chỉ tay của Thúy, nhưng đó là những dấu đã có từ trước. Nếu trên thân thể của Văn nhất là trên khẩu súng lục này có một dấu tay của tôi cảnh sát sẽ biết ngay tôi là thủ phạm, hoặc ít nhất tôi cũng là đồng lõa.