Chương 1
Tác giả: Hồng Kim
Chuyến bay đến phi trường Tân Sơn Nhất lúc 8 giờ. Thúy Bình cố len khỏi dòng người đông nghịt đang chen lấn, xô đẩy, ôm ấp, chèo kéo nhau. Thúy Bình bước nhanh như muốn nhanh chóng thoát khỏi bầu không khí hỗn tạp đầy tiếng khóc cười.
Thúy Bình phải đợi hơn nửa tiếng sau, mới có xe đến đón.
− Tại sao anh đến muộn thế?
− Kẹt xe. - Người thanh niên nhún vai. - Ở Việt Nam cũng như ở Mỹ thôi. Cô biết mà.
Vừa mệt mỏi, vừa bực mình vì chờ đợi, Thúy Bình lên giọng:
− Anh chỉ là 1 tài xế, anh không có quyền nói với tôi như thế. Nếu không, tôi sẽ đuổi việc.
− Tôi không phải tài xế. Còn nữa, nếu cô muốn đuổi việc thì cứ… Tôi chẳng hề muốn làm việc với 1 người thích nạt nộ người khác mà không rõ lý do, nhất là khi người đó là phụ nữ.
Người thanh niên vừa nói vừa xếp hành lý của Thúy Bình vào cốp xe. Anh nói mà không quay lại:
− Cô lên xe đi, về đến Hà Tiên trong ngày có thể không kịp. Tôi sẽ đặt phòng khách sạn nếu cô muốn nghỉ. Còn không, tôi sẽ chạy suốt đêm.
− Liệu anh có thể bảo đảm an toàn cho tôi không? Tại sao không cho tài xế đi mà lại là anh?
− Tài xế bận đưa phó giám đốc đi công chuyện không về kịp. Còn an toàn thì tôi bảo đảm, vì tôi vẫn còn yêu đời.
Thúy Bình leo lên xe, đóng cửa đánh rầm.
Chàng trai cho xe chạy đi, không quay lại, anh nói:
− Cô nhẹ nhàng 1 chút, nếu là xe của công ty, cô muốn phá phách thế nào cũng mặc. Nhưng đây là xe của tôi, cô nhớ cho.
Thúy Bình lẩm bẩm:
− Thật là ích kỷ, keo kiệt!
− Tôi không ích kỷ, cũng chẳng keo kiệt. Nếu không, tôi chẳng mời cô lên xe đâu. Nhiệm vụ đón cô chẳng phải là của tôi, nhưng tôi vẫn làm. Như thế, cô có thể gọi là ích kỷ không?
Thúy bình không trả lời, cô lơ đãng nhìn ra ngoài. Thành phố ồn ào đầy khói bụi, nét quen thuộc ngày cô ra đi cũng không còn. Thúy Bình dõi mắt khắp nơi, cố tìm cho ra hoa điệp vàng – 1 loài hoa mà cô yêu tha thiết.
− Anh tên gì? – Thúy Bình đột ngột hỏi.
− Khánh Phong.
− Anh làm gì trong công ty?
− Kỹ sư.
Thúy Bình ngả người ra sau, mệt mỏi.
− Tôi nói anh keo kiệt quả không sai. Sao anh tiết kiệm từ ngữ thế. Trả lời không chủ ngữ cũng chẳng vị ngữ. Như thế mà cũng thành kỹ sư.
Khánh Phong đáp tỉnh:
− Như thế là sao? Bộ hễ là kỹ sư thì ăn nói phải có chủ ngữ và vị ngữ sao?
Thúy Bình không trả lời, cô hỏi tiếp:
− Anh không hỏi tên tôi sao? Và tôi về đây để làm gì nữa?
− Tên cô, tôi không cần biết. – Khánh Phong nói, giọng đều đều - Thế nào rồi tôi cũng biết tên cô thôi. Và cô về đây làm gì thì liên quan gì đến tôi. Nhiệm vụ của tôi là đưa cô về giao cho tổng giám đốc, thế là xong. Còn những điều khác, tôi không cần và cũng không muốn biết.
Thúy Bình vẫn không buông tha.
− Anh ghét tôi hay là ghét phụ nữ?
− Tôi chẳng có lý do gì để ghét cô. Và phụ nữ thì đâu có gì đáng ghét. Nhưng cô hỏi tôi điều đó để làm gì?
Thúy Bình chưa trả lời, cô nghĩ một lúc rồi mới từ tốn.
− Để cho anh lời khuyên thôi.
Khánh Phong chú ý:
− Khuyên ư? Khuyên gì?
− Nếu anh thù ghét phụ nữ, thì tôi khuyên anh không nên. Vì sau mỗi người đàn ông thành công, đều có 1 người phụ nữ…Còn nếu anh ghét tôi, thì đó cũng là điều không nên. Vì tôi là… 1 người rất dễ mến và cực kỳ đáng yêu.
Phong giảm tốc độ.
− Có lẽ cô không phải là con gái ông giám đốc, tôi đoán lầm người mất rồi.
− Tại sao chứ? – Thúy Bình hỏi với giọng ngạc nhiên – Sao anh lại nói thế?
− Vì cô ít “nổ” quá! Tôi nghĩ cô là con của giám đốc hãng… thuốc nổ mới đúng.
Thúy Bình gật gù:
− Thì ra anh cũng biết giỡn. Vậy là… không đến nỗi. Tôi chắc chắn sẽ sửa được sự cộc cằn và ngang tàng của anh.
Khánh Phong tỏ vẻ bình thản:
− Tôi nghĩ cô sẽ không thành công. Cô nên dành thời gian và sức lực để làm những việc khác.
Thúy Bình cương quyết:
− Để rồi anh xem!
Khánh Phong không nói, anh cho xe vào sân 1 quán ăn ven đường. Thúy Bình đang huyên thuyên cũng im lặng. Quán trưa vắng khách. Khánh Phong và Thúy Bình bước vào gian phòng mát lạnh. Cô tiếp viên nhã nhặn:
− Anh chị dùng chi ạ?
Thúy Bình thả người xuống ghế:
− Cho 1 nước lọc và 1 phần ăn trưa. Còn anh ta – Thúy Bình chỉ Khánh Phong – Anh ta không uống…
Phong ngắt lời:
− Phải, tôi không uống nước lọc, cho tôi 1 ly bia và 1 phần ăn giống cô đây.
Đợi cô phục vụ đi khuất, Thúy Bình nhìn Phong:
− Anh cũng lanh lợi nhỉ!
− Tất nhiên. – Khánh Phong nhún vai – Cô mới biết sao?
Thúy Bình không trả lời. Cô mải mê thưởng thức cốc nước mát lạnh và dĩa cơm ngon lành đầu tiên trên quê hương. Chưa bao giờ Thúy Bình cảm thấy ngon miệng như lúc này. Có lẽ tình quê hương đã làm Thúy Bình hạnh phúc. Cô nhìn người con trai trước mặt, lòng dâng lên 1 nỗi xúc động mơ hồ. Khánh Phong là người đầu tiên cô tiếp xúc trên đất Việt, bằng thứ ngôn ngữ cô khao khát được nghe, được nói trên chính quê hương mình đã từ lâu. Dù không biết Khánh Phong là ai, chưa hiểu gì về anh, nhưng trò chuyện với Phong, Thúy Bình cảm thấy rất thoải mái và vui vẻ. Thúy Bình không hiểu vì sao, có lẽ do Phong là người Việt Nam đầu tiên cô tiếp xúc trên đất quê hương sau 15 năm xa cách. Đúng, đã 15 năm…
o O o O o
Khánh Phong cho xe vào ga ra rồi lên phòng. Gian nhà rộng được anh bài trí gọn gàng và đầy nghệ thuật. Vừa mở cửa vào, Khánh Phong đã giật mình:
− Khánh Huy! Em về lúc nào thế?
Khánh Huy ngồi trên sa lông, khui chai bia và tu ừng ực.
− Mới thôi. Anh ngạc nhiên hả? Hay anh không muốn tôi về? Anh cứ nói, tôi sẽ đi ngay, nhà là nhà của anh mà.
Khánh Phong ngồi xuống:
− Sao em nói vậy? Em muốn về lúc nào thì về, anh có nói gì đâu. Đây là nhà của chúng ta mà.
− Chúng ta? – Khánh Huy cười mỉa - Của anh chứ. Chẳng phải trước khi mất, ba đã nói thế sao? Tôi là thằng con hoang, là thằng lêu bêu… Căn nhà này, tôi không có quyền gì cả.
Khánh Phong thở dài:
− Em vẫn còn giận ba?
− Giận ư? Hận thì chính xác hơn. Muôn đời, tôi vẫn hận ông ấy. Anh biết không? Ngay từ khi nghi ngờ tôi không phải tôi là con, ông ấy đã đối xử với tôi thế nào? Anh thì thành kỹ sư, còn tôi, tôi là gì đây, hả?
Khánh Phong từ tốn:
− Khánh Huy! Em hãy đi học lại đi. Anh sẽ lo cho em đến nơi đến chốn.
− Tôi không cần. – Huy hét to – Không cần gì cả. Anh phải hiểu, tôi không cần những thứ đó.
− Vậy em cần gì?
Khánh Huy không nói, mãi 1 lúc sau, Huy mới hạ giọng:
− Anh buông tha Yến Nhi đi.
− Yến Nhi ư? Cô ta là gì của em?
− Không là gì cả, nhưng anh hãy tha cho Yến Nhi. Cho là tôi xin anh đi, đó là mong muốn của tôi.
− Anh đâu có…
Khánh Phong chưa nói hết câu, Huy đã ngắt lời, giọng hằn học:
− Anh đừng bảo không có. Anh quen biết bao cô gái, bao nhiêu, tôi không cần biết, ai tôi chẳng quan tâm. Nhưng anh nên tha cho Yến Nhi, nếu không, tôi sẽ không tha cho anh đâu.
Khánh Huy nói xong đi ra khỏi nhà, Phong nhìn theo. Không phải Khánh Huy nói không đúng. Anh đang có ý định theo đuổi Yến Nhi, nhưng anh không ngờ, Khánh Huy quan tâm Yến Nhi đến như vậy. Cả cuộc đời Phong chưa lo cho Khánh Huy điều gì cả, đây là lần đầu tiên có thể. Anh nghĩ…
o O o O o
Khánh Phong quen Yến Nhi trong 1 dịp tình cờ.
Yến Nhi làm công tác xã hội. Cô hay đến khu phố nghèo cuối đường Phan Hiến Đạo thuyết phục những người nghiện vào trại. Trong 1 lần bị những người ở đây phản ứng, rượt đuổi, Yến Nhi chạy và chặn xe Khánh Phonglại, xin đi nhờ. Lúc đó, Phong nhớ rằng mình đã đồng ý dù không biết Yến Nhi là ai. Anh đã quên mất Yến Nhi vài ngày sau đó nếu không có dịp gặp lại Yến Nhi 1 lần nữa. Nhi là em của Khải Minh, vốn là bạn thân của Phong.
Khánh Phong còn nhớ rất rõ lần ấy. Gặp lại Yến Nhi, anh hết sức bất ngờ. Và cũng từ đó, anh làm bạn và dần dần yêu Nhi. Bản thân Phong có vô số bạn gái. Tính anh xưa nay là vậy. Trời sinh anh 1 dáng vẻ phong trần và cách ăn nói làm mềm lòng người đối diện, và… Phong đáp lại tất cả tình cảm mọi người dành cho mình. Nhưng Phong khẳng định mình chưa yêu ai, ngoại trừ Yến Nhi.
Khi gặp Yến Nhi, con tim anh đã thật sự rung động. Yến Nhi dịu dàng, xinh đẹp, ăn nói lại có duyên, anh thật sự yêu Nhi, nhưng bây giờ…
Tiếng chuông cửa cắt đứt dòng suy nghĩ của Khánh Phong. Anh bước ra mở cửa.
− Yến Nhi! – Phong thốt lên.
Yến Nhi lao vào nhà, giọng vui vẻ:
− Anh bất ngờ lắm phải không? Đố anh, em đến đây làm gì?
Khánh Phong lơ đãng nhìn ra cửa sổ:
− Anh… không biết.
− Anh đoán xem! - Yến Nhi nheo mắt.
− Anh không biết mà.
Yến Nhi phụng phịu:
− Không vui gì hết. Hôm nay anh sao vậy? Anh có bệnh không?
− Không. – Phong trả lời – Nhưng anh có công chuyện sắp phải đi, em thông cảm.
− Không đi không được sao?
− Không.
Khánh Phong trả lời cộc lốc. Yến Nhi bực bội, nhưng vẫn dịu dàng:
− Vậy em về. Lúc nào rảnh, anh cứ điện cho em.
Khánh Phong không nói gì, tiễn Yến Nhi ra cửa. Anh đứng nhìn theo dáng Nhi cho đến khi bóng cô khuất hẳn trong dòng người đen nghịt buổi tan tầm. Không kềm lòng được, Phong hét to:
− Yến Nhi ơi!
o O o O o
Thúy Bình xuống cầu thang. Bộ đồ lửng trắng ôm sát người làm cô đẹp lạ. Tóc xõa ngang vai, Thúy Bình có vẻ trẻ hơn tuổi 25 của mình rất nhiều.
Bình tiến đến chiếc máy hát đĩa, vặn nhạc thật to:
“Chủ nhật này không anh
Nắng không còn tươi nữa.
Nụ hoa vàng trước ngõ
Cũng kém sắc phai hương
Chủ nhật không anh
Không anh
Em buồn thật buồn
Anh ơi! Anh có biết
Biết cho tấm lòng em…”
Bản nhạc trầm, lời ca êm ả, nhưng Thúy Bình lại nhún nhẩy theo điệu ráp khiến cô buồn cười không thể tả. Cô nhún nhảy cho đến khi có tiếng đằng hắng trên lầu vọng xuống:
− Chủ nhật không có anh mà con vui vậy sao?
Thúy Bình vặn nhạc nhỏ lại:
− Ba trêu con hoài.
− Chứ chẳng phải thế sao. Nhạc là:
“Chủ nhật không có anh
Em buồn thật là buồn.”
Buồn mà nhún nhảy thế sao?
Thúy Bình bướng.
− Vậy chẳng lẽ buồn thì nằm lì trên phòng? Nhún nhảy cho vơi buồn chứ ba.
− Cũng có lý đấy. – Ông Sơn gật đầu – Con nói gì cũng có lý hết. Mà cho ba hỏi…
− Gì hả ba?
− Anh nào làm con buồn thế?
− Ba này! Người ta còn nhỏ mà, anh nào đâu.
− Thật sao?
− Thật mà. – Bình chun mũi.
− Thôi, vậy ba sẽ mai mối cho con 1 chàng để mà thương mà nhớ với người ta.
− Ba định hại con gái ba sao?
− Hại ư? Sao lại gọi là hại? Mai mối mà hại sao?
− Chứ gì nữa ạ. Con gái ba đang vô tư mà. “Người ơi! Tôi biết yêu là khổ” – Đang nói Thúy Bình đột ngột hát lên rồi lại hạ giọng – Ba không nghe người ta hát sao?
− Thúy Bình à!
− Dạ, có gì không ạ?
− Chuyện ba nói với con thế nào? Con suy nghĩ kỹ chưa?
− Ba à! Bình ngập ngừng - Tại sao ba lại giao quyền điều hành công ty cho con, mà không phải cho anh Hai?
− Anh Hai? Nó làm được gì chứ? Nghề nghiệp gia đình thì bỏ phế, theo cái nghề hay đi lang thang. Nó muốn thì cứ cho nó bám cái nghề ấy.
− Nhưng nghề họa sĩ cũng tốt vậy ba. – Thúy Bình bênh anh.
− Tốt ư? Làm họa sĩ thì kiếm được bao nhiêu tiền? Cả cơ ngơi này, sự nghiệp này, rồi ai sẽ quản lý? Ba chỉ có 1 thằng con trai… Mà thôi, ngày mai con theo ba đến công ty, ba sẽ giao quyền giám đốc lại cho con, rồi con sẽ phải cai quản cả công ty, làm cho công ty mình ăn nên làm ra.
− Cho con nghỉ vài ngày đi ba. – Thúy Bình nằn nì – Hơn 1 tháng nữa ba mới về bển, lo gì. Con mới về có 1 ngày, chưa đi đâu chơi cả.
− Thôi được! – Ông Sơn thở dài – Thôi được. Ba cho con 3 hôm. Hà Tiên này rất đẹp, đi 3 hôm không giáp đâu. Nhưng con còn ở đây lâu dài, rồi sẽ có dịp đi chơi thôi. Vả lại… - ông nhìn Thúy Bình – Con gái lớn rồi, đừng ham chơi quá.
− Liệu… - giọng Thúy Bình đầy lo lắng, cô ngập ngừng – Có ai phản đối việc con làm giám đốc không hả ba?
− Ai dám phản đối? – Ông Sơn hỏi – Con nắm quyền thay cha là chuyện thường, có gì đâu lạ. Vả lại, năng lực và trình độ của con cũng đâu thua ai. Ngoài khả năng quản lý, sự thông minh, nhanh nhạy, tấm bằng kinh tế và quản trị kinh doanh cũng là 1 minh chứng cho năng lực tuyệt vời của con.
− Ba ơi! Thúy Bình nhăn mặt. – Ba đừng ca ngợi con quá. Con gái ba đâu có giỏi vậy.
Ông Cảnh Sơn cười lớn:
− Tại sao con lại khiêm tốn? Con là con gái của ba, ba ca ngợi con là chuyện thường thôi.
Thúy Bình định trả lời thì chuông điện thoại reo vang.
− Alô. – Ông Cảnh Sơn nói.
− À! Anh hả? – Ông Sơn nhìn Thúy Bình – Con bé có ở đây. Ừ, anh cứ dẫn Minh Vũ tới, hôm nay nó không có làm gì cả. Ừ, anh tới liền nhé.
− Ai vậy ba? – Thúy Bình lên tiếng khi ông Sơn vừa gác máy.
− À! Bác Dương, bạn thân của ba ấy mà.
− Còn Minh Vũ là ai?
− Con không nhớ Minh Vũ sao? Thằng nhóc chơi với con hồi bé ấy. Ba vẫn nhớ, lúc ấy, con thật nghịch ngợm, lúc nào cũng trêu Minh vũ. Có khi, con trêu nó đến phát khóc ấy chứ.
− A! Con nhớ ra rồi! Minh Vũ, Vũ mít ướt chứ gì? – Thúy Bình reo lên.
− Con không được hỗn. Phải gọi là anh Vũ nghe không?
Thúy Bình chưa trả lời thì chuông cửa reo vang.
− Chị Lộc ơi! Mở cửa! – Ông Sơn gọi với ra sau.
− Dạ, thưa ông.
Chưa đầy 2 phút sau, những người khách đã hiện trước cửa.
− Chào anh Dương! – Ông Sơn mừng rỡ reo lên - Mời anh vào nhà!
Thúy Bình liến thoắng:
− Cháu chào bác trai, chào bác gái, chào anh Vũ… mít ướt.
Chữ “mít ướt”, Bình xuống giọng thật thấp, nhưng cố tình để mọi người nghe được. Ông Sơn nhíu mày:
− Thúy Bình!
− Không sao, không sao. – Ông Dương lên tiếng - Cứ để tụi nhỏ sống lại tuổi thơ đi, đừng gò ép chúng quá, anh ạ.
Ông Sơn cười thoải mái.
− Còn chị, chị nghĩ sao, chị Cầm?
Bà Cầm không trả lời, mà nhìn sang Minh Vũ.
− Còn con thì sao, Minh Vũ?
− Sao là sao ạ? – Vũ hỏi lại.
− Vậy mà cũng không biết. – Thúy Bình ngồi xuống đối diện Vũ.
− Biết gì, Bình… bé… bự?
Vũ cố tình nói to 3 chữ “Bình bé bự” làm Thúy Bình nóng ran cả mặt mày.
Cả nhà cười to, thoải mái.
Bình nheo mắt, phản đòn.
− Ngày mai, tôi sẽ gởi tặng anh 1 cặp mắt kiếng.
− Kiếng ư? Tôi đâu có xài kiếng. – Vũ tỏ vẻ không hiểu.
− Vâng. – Bình đáp tỉnh – Tôi sẽ tặng anh 1 cặp mắt kiếng, vì theo sự nhận biết ban đầu của tôi, anh bị cận thị nặng.
− Cận thị ư? Sao cô biết? - Giọng Vũ vẫn chưa hết ngạc nhiên.
− Vì tôi như thế này mà gọi là Bình bé bự. Thế không phải cận thị là gì?
Minh Vũ phì cười.
− Thế mà tôi cứ tưởng…
− Tưởng gì?
− Cô là bác sĩ khoa mắt chứ.
Thúy Bình liếc xéo Vũ:
− Anh chẳng khác ngày xưa là mấy.
− Cô cũng vậy.
Vũ buột miệng và nhớ ngày xưa. Ngày xưa, khi Vũ còn bé, thuở anh còn mang cái tên Bi đầy tươi đẹp. Thửơ anh và Thúy Bình cùng hái hoa, bắt bướm, cùng chơi tró cô dâu-chú rể. Thửơ anh trèo cây hái trộm những quả ổi cho Thúy Bình. Anh cũng nhớ rất nhiều ngày Thúy Bình lên máy bay rời quê hương. Lần đó, Vũ nhớ mình đã khóc thật nhiều. Đôi lúc, ngủ giật mình tỉnh giấc, mắt anh vẫn còn ướt và lưỡi anh vẫn còn vị mặn của nước mắt.
− Anh đang nghĩ gì thế? – Bình đột ngột hỏi làm Vũ giật mình.
− Không có gì. – Vũ cười nhẹ.
− Thôi, Bình! – Ông Sơn lớn tiếng – Con để anh Vũ yên có được không? Con gái lớn rồi, dịu dàng một chút. Không khéo…. Ba sẽ phải nuôi con suốt đời đó.
− Ba! – Bình nhăn mặt – Ba kỳ quá.
Ông Dương nhìn bà Cầm, rồi quay sang Thúy Bình:
− Cháu đã quen không khí ở đây chưa?
− Dạ, rồi ạ.
− Lúc nào muốn đi chơi, nhớ nói bác sẽ bảo Minh Vũ đưa đi. Hà Tiên dạo này đẹp và rộng ra, không khéo cháu sẽ lạc mất đấy.
Thúy Bình không đáp, cô nâng tách trà lên môi, nhấp nhẹ.
− Còn cháu thì sao Minh Vũ? – Ông Cảnh Sơn lên tiếng.
− Sao là sao ạ?
− Thì…. Cháu có đồng ý đưa Thúy Bình đi chơi không?
− Dạ, đồng ý ạ. Có gì bác cứ bảo Bình gọi cháu.
Ông Sơn hỏi rồi quay sang Thúy Bình:
− Minh Vũ rất giỏi. Mới 27 tuổi thôi mà là giám đốc công ty “Nam Việt”, lại là 1 trong 10 nhà doanh nghiệp thành đạt trong năm nay đấy.
− Có gì đâu ạ. Rồi trong năm sau, con sẽ là người nữ duy nhất trong 10 nhà doanh nghiệp thành đạt ấy. – Thúy Bình liếc nhanh về phía Minh Vũ – Con sẽ không để thua đâu, phải không anh Vũ? – Thúy Bình đột ngột hỏi Vũ làm anh ngơ ngác 1 lúc rồi gật đầu.
− Ừ.
− Ừ cái gì? Anh nghe tôi hỏi gì không? – Thúy Bình nheo mắt trêu Minh Vũ.
Biết không thể nào đối đáp lại Thúy Bình, Minh Vũ đành im lặng. Anh đánh trống lảng:
− Bao giờ Bình đi làm?
− Ngày mai…. và ngày mốt, tôi sẽ chính thức gia nhập hàng ngũ những nhà doanh nghiệp trẻ.
Vũ cười xòa, lắc đầu trước câu nói của Thúy Bình. Anh lại nhớ đến Hải Bình. Rõ ràng chị em Thúy Bình chẳng có gì giống nhau cả. Hải Bình yếu đuối, dịu dàng bao nhiêu, thì Thúy Bình mạnh mẽ và sôi động bấy nhiêu. Lúc đầu mới gặp Hải Bình, anh đã bị chinh phục ngay bởi bản tính ấy. Đột nhiên anh hỏi:
− Hải Bình đâu rồi, Thúy Bình?
Bình nhìn Vũ đầy nghịch ngợm:
− Tại sao anh quan tâm đến Hải Bình thế?
− Đâu có gì. Tôi chỉ buột miệng hỏi thế thôi.
− Sao anh biết Hải Bình là em tôi?
− Tình cờ thôi. – Vũ đáp.
− Hải Bình ở Đà Lạt dưỡng bệnh, chưa về.
− Bệnh ư? – Vũ ngạc nhiên - Bệnh gì?
Thúy Bình không nói. Ông Sơn dường như cũng không muốn nói về đề tài này nữa, nên lái sang chuyện khác.
− Thôi, cả nhà ta ăn mừng hội ngộ đi. Chúng ta đến “Cát Trắng” nhé.
Thúy Bình đứng lên:
− Đúng rồi, con đói bụng chết đi được.
Ông Dương nhìn Bình thích thú:
− Cháu lúc nào cũng tạo ấn tượng cho người khác, Thúy Bình ạ.
Bình gật đầu:
− Vâng, ai cũng bảo thế ạ.
Ông Dương sững người nhìn Bình 1 lúc lâu, rồi như chợt hiểu ra, ông cười to.
− Mọi người quả là có con mắt tinh đời.
oOoOo
Hoa vàng phố biển chiều nay
Vàng ánh mắt, vàng bờ vai ngọc ngà
Người là một khách phương xa
Đam mê phố biển đường hoa chẳng về
Dưới hoa người thốt câu thề
Ngỏ lời hẹn sẽ về cùng hoa
Nghìn năm tình vẫn không nhoà
Nghìn năm người vẫn đợi chờ dáng xưa
Điệp vàng dù gió, dù mưa
Dù sương, dù nắng vẫn chưa phai màu
Mai sau
Rồi lại mai sau….
Điệp vẫn rực rỡ một màu vàng tươi
Sắc hoa níu gót chân người….”
Từ rất lâu rồi, màu hoa điệp vàng đã làm Thúy Bình say đắm. Ở trời Tây, không có loài hoa ấy, Thúy Bình đành thỏa mãn nỗi đam mê mình bằng ảnh chụp và những bài thơ, bài nhạc. Bây giờ thì khác, Bình đang đứng trước hoa điệp vàng thật sự. Dãy hoa vàng rực rỡ ôm lấy con đường nhỏ, những cánh hoa lung linh trong gió sớm. Con đường được trải 1 lớp thảm vàng. Hoa quyện nắng, quyện gió, gió quyện hương nồng của biển. Thúy Bình hít thật sâu mùi hương ấy, cảm thấy mắt say ánh vàng, lòng say hương gió. Cô vừa đi, vừa ngân nga bài thơ mình yêu thích.
“Hoa vàng phố biển chiều nay…”