Chương 10
Tác giả: Hữu Mai
1.
Người nằm bên chỉ khuyên anh một vài kinh nghiệm khi chịu đòn rồi im lặng dành thời gian cho anh suy nghĩ.
Những hiện tượng mà anh đã thu nhận được cho anh biết người bị bắt được đưa về mỗi lúc thêm đông và chúng đang tiến hành thẩm vấn suốt ngày đêm. Chúng còn chưa đụng tới anh chắc để chờ thu thập thêm tài liệu qua khai thác những người khác. Chúng có thể gọi anh bất cứ lúc nào. Trước hết, anh phải chuẩn bị lý giải về những mối quan hệ, đặc biệt là với những người trong lưới đã nêu trong những bản báo cáo. Nhưng không phải chỉ có như vậy. Cung chưa lật ngửa hết mọi lá bài. Rồi đây, chúng còn thu thập được thêm nữa. Liệu chúng có phải dè dặt với anh không? Vị trí chính trị, tôn giáo, xã hội của anh ở miền Nam, cuộc hòa đàm đã mở ra tại Paris có giúp anh thoát khỏi những đòn tra tấn nhục hình không? Những lời chúng đã đe anh có phải chỉ là hù dọa? Anh phải chuẩn bị tư tưởng cho trường hợp này. Nhiều người bị bắt, kể cả người đang nằm bên cạnh, đều nói phải cố vượt qua được những trận đánh đầu tiên. Anh đã từng bị giam giữ 3 năm ở trại Tòa Khâm. Nhưng anh chỉ mới trải qua những vò xé về tư tưởng, tình cảm. Còn với sự tra tấn thì đây sẽ là lần đầu.
Có tiếng mở khóa bên ngoài xà lim. Không biết lúc này là mấy giờ. Đồng hồ, bút máy, dây thắt lưng của anh đều đã bị tịch thu.
Cánh cửa sắt mở ra. Hơi sương mát mẻ ban đêm ùa vào cùng với một giọng nói khê khê:
- Vũ Ngọc Nhạ, ban thẩm vấn gọi!
Tên công an đưa anh trở lại căn phòng mà anh đã vào lúc nửa đêm. Chỉ còn hai tên ngồi ở chiếc bàn vuông. Cò Nhi và một tên gày gò, da mặt xanh mét, sát tận xương, gợi cho anh nhớ tới những tên mật vụ thời Diệm. Ít ngày sau anh mới biết hắn là Huỳnh Văn Tư, tức Tư Thiên, được trao nhiệm vụ thẩm vấn anh. Cò Nhi đã cởi bỏ áo ngoài, chỉ còn mặc một chiếc áo nịt bó sát người, lộ rõ thân hình to lớn, đẫy đà của một tên đồ tể. Cánh tay áo thun của y vén lên trên khuỷu. Trời về đêm mát mẻ nhưng trán y lấm tấm mồ hôi. Dáng điệu của y có vẻ thấm mệt của một người làm việc căng thẳng thâu đêm.
Cò Nhi trỏ chiếc ghế cho Hai Long ngồi.
Không một lời rào dón, y hỏi luôn:
- Anh ở lưới tình báo A hai mươi mấy?
Câu hỏi chứng tỏ hắn đã biết anh ở lưới A.22 và muốn kiểm tra sự thành thật của anh. Anh biết tổ chức đã lộ. Anh chưa kịp trả lời thì hắn hỏi tiếp:
- Cụm tình báo mới tổ chức là cụm nào?
Đây là vấn đề mà chính một số người trong lưới cũng chưa biết.
Cũng không chờ Hai Long trả lời, hắn rút từ tập hồ sơ đặt trên bàn một tấm ảnh đưa cho Hai Long.
- Có biết những tên này không?
Anh nhận ra ngay Năm Sang và Thắng đã bị chúng chụp trộm khi đi trên đường phố Sài Gòn. Hắn hỏi tiếp luôn:
- Năm Sang hiện ở đâu?
Anh đang làm ra vẻ chăm chú như để cố nhận ra người trong ảnh, thì hắn giựt phắt lại, nhét vào tập hồ sơ hỏi tiếp:
- Ai tổ chức Huỳnh Văn Trọng?
- Anh hay tên Thắng?
Hắn hỏi dồn một hồi dài, câu nọ tiếp nối câu kia:
- Tư Lê là ai?
- Năm Sang hay anh phụ trách Lê Trung Hiếu?...
- Anh liên lạc và nhận công tác của Mười Hương trao như thế nào?...
- Mười Hương đang ở đây hay ở mật khu?...
- Anh nhận vàng và dollar của Trung tâm trao cho mấy lần, nhận như thế nào?...
- Ông Nguyễn Văn Hướng, tổng thư ký Phủ tổng thống có ở trong tổ chức của các anh không?...
Thoạt đầu, Hai Long lập trung tinh lực lắng nghe từng câu hỏi vừa quan sát tên trưởng ban thẩm vấn, vừa tính cách đối phó trả lời. Mỗi câu hỏi của hắn là một cạm bẫy. Trả lời không xuôi là bộc lộ gốc gác của mình. Anh chưa nghĩ ra cách trả lời câu trước thì hắn đã nêu tiếp câu sau. Anh chỉ còn kịp nghe mà không kịp nghĩ. Anh biết rằng những lời chối cãi quanh co bộc lộ sự yếu kém của mình trong cuộc chiến đấu. Và anh chỉ còn lắng nghe xem tổ chức của mình đã tan vỡ tới đâu...
Anh bỗng thấy người ớn lạnh. Do một phản ứng sinh lý tự nhiên, mồ hôi toát ra đầy người như tắm tự lúc nào.
Anh nhẩm tính: “Thế là hết phần điệp báo!”.
Cò Nhi vẫn tiếp tục hỏi:
- Đường dây giao liên của anh tổ chức ra mật khu như thế nào?...
- Vũ Thị Kim Huê có bao nhiêu hộp thư?...
- Trần Thị Tâm có bao nhiêu hộp thư?...
- Các anh thường đặt hộp thư chết ở đâu?...
Cò Nhi nhắc từng tên chị giao liên. Có cả những người anh chưa biết. Anh chỉ còn nghĩ: “Thế là hết phần giao liên!”.
- Điện đài các anh đặt ở đâu?...
- Cách thức liên lạc với Trung tâm ra sao?...
Chân tay Hai Long bủn rủn, hai tai ù đi, đầu nhức như sắp vỡ tung. Anh cảm thấy ngồi không vững, vội khoanh hai tay tì vào mặt bàn. Phải cố giữ cho tư thế đàng hoàng trước mặt bọn chúng.
Trước khi tới đây, anh vẫn tin là mình còn có thể liệu bề ứng biến đối phó như mọi lần, và còn hy vọng vượt qua khó khăn. Giờ phút này, anh không còn lo lắng mà chỉ thấy đau xót trước cảnh tan vỡ toàn mạng lưới đã mất bao công phu xây dựng. Cả ba nhóm đều bị lộ, và chắc chắn là đã bị bắt cùng với những người vừa phát triển như Huỳnh Văn Trọng, Hoàng Hồ... Hai lần xây dựng, hai lần trắng tay! Anh đau đớn đến tê dại trước sự tan vỡ trong khoảnh khắc. Cảm thấy như một người đứng giữa ngôi nhà mình đang bốc cháy cả hai đầu, chữa cháy không xong, đồ đạc quý giá đều chìm trong lửa khói mịt mù, không bỏ chạy cái nào, cứu cái nào! Một sự dày vò cắn rứt lương tâm anh. Mình là người chỉ huy vì ngu dại, chủ quan đã gây nên cảnh tan vỡ này! Mình đã đẩy anh chị em vào cảnh bị tra tấn, nhục hình, khó tránh khỏi tù đày, hành quyết! Mình còn mặt mũi nào nhìn thấy họ!... Một ý nghĩ lóe lên. Anh rời mắt khỏi cái miệng rắn độc của Cò Nhi đang mấp máy, nhìn bức tường. Mắt anh bốc lửa. Bức tường chuyển thành màu đỏ. Chỉ còn cách lao đầu vào đó trốn tránh những đau đớn về tinh thần và thể xác...
Anh chợt nghe tiếng quát. Quay lại. Cò Nhi đang nhìn anh chòng chọc. Hắn đã nhận ra vẻ xuất thần trong cặp mắt của Hai Long. Hắn dằn từng tiếng:
- Ông nghe rõ lời tôi hỏi đấy chứ?
- Hỏi đi!
Cò Nhi nói rất to như hét vào tai một người điếc đặc:
- Từng đó câu đã đủ cho ông trả lời chưa? Hay ông cần tôi nêu thêm nữa?
Y nhếch mép cười kiêu ngạo.
- Ông còn đủ tỉnh táo để nghe tôi hỏi chứ?
Hai Long như bừng tỉnh. Mình vừa trải qua những giây phút yếu lòng. Mình không thể hèn nhát, không thể trốn tránh trách nhiệm! Không thể bỏ anh chị em trong giờ phút khó khăn. Việc lớn vỡ lở rồi. Nhưng không thể nào chúng đã biết tất cả. Không thể nào mọi người đã khai ra hết! Nếu chúng đã biết cả, chúng cần gì thức suốt đêm như thế này để hỏi mình. Chúng còn cần tới mình vì chúng chưa đủ cơ sở để kết thúc vụ án. Vì vậy nên tên chủ sự ban nãy đã phải nài nỉ, van xin mình...
Anh trả lời với giọng nói đã trở lại bình tĩnh:
- Tôi hoàn toàn tỉnh táo. Ông cứ tiếp tục hỏi.
Cò Nhi nêu thêm một số người mà anh không biết là ai. Anh yêu cầu y nói rõ hơn từng người ở đâu, làm gì để giúp cho trí nhớ của mình khi trả lời. Thì ra đó chỉ là một chị bán thuốc lá bên hè đường mà anh đôi khi ghé vào mua thuốc, một người quen đã lâu ngày mới gặp nhau trong một quán ăn sáng, một bác tùy phái hay đưa giấy tờ từ Cơ quan từ thiện CARITAS tới cho anh... Anh hơi mỉm cười. Anh biết những người này cũng sẽ bị chúng gây phiền phức vì mình. Nhưng rất may, chúng đã không nhắc tới tên Tú Uyên!
Cò Nhi đánh hơi thấy vẻ coi thường của anh. Hắn không hỏi về những quan hệ của anh nữa, và rút ra một tập hồ sơ khác rồi dằn giọng:
- Ông gởi kế hoạch kinh tế hậu chiến ra mật khu từ bao giờ?...
- Ông gởi kế hoạch tuyệt mật Phoenix về Trung tâm khi nào?...
Tình hình quả là hết sức nghiêm trọng.
2.
Một tên lạ mặt đẩy cánh cửa đi vào. Nó đưa cho Cò Nhi một cái thước lớn kèm theo mẩu giấy. Cò Nhi liếc mắt đọc rồi gật đầu. Tên lạ mặt quay ra.
Cò Nhi cầm chiếc thước trong tay, nói như thanh minh:
- Chúng tôi không thù oán chi với anh, chỉ làm nhiệm vụ của thượng cấp giao cho là nhanh chóng kết thúc vụ án này. Chúng tôi đã đưa bằng chứng ra trước để anh khỏi quanh co chối cãi mất thời giờ.
Hai Long im lặng.
Cò Nhi quắc mắt hỏi:
- Anh khai hay không khai, nói mau!
Hai Long ngồi lỳ không trả lời.
Cái thước bất ngờ quật mạnh vào ngang lưng anh.
- Khai hay không, rồi biết!
Cò Nhi mắm môi hăm dọa. Cái xác chết là Tư Thiên ngồi cạnh hắn, lúc này mới bật đứng dậy mở miệng:
- Nhẹ không ưa, ưa nặng! Cố vấn chi mà u mê rứa! Đứng lên, cởi quần áo ra!
Tư Thiên rút từ ô kéo ra một dải vải đen, sấn lại buộc chặt, bịt mắt Hai Long một cách rất quen tay, rồi đẩy anh về góc buồng. Hắn bắt đầu lột quần áo anh. Hai tên cùng nâng anh đặt lên một chiếc ghế đẩu cao. Một tên kéo hai khuỷu tay anh ra sau lưng, rồi vòng dây cua-roa trói chặt. Tên kia rút chiếc ghế. Bất thần Hai Long thấy cả người mình lơ lửng giữa không trung. Toàn thân anh co rúm vì bị treo sấp bằng hai khuỷu tay lên trần nhà. Anh càng cố ngẩng đầu, quờ tay, quờ chân tìm chỗ bấu víu trong khi hai mắt không còn thấy phương hướng, thì khuỷu tay, bả vai và lồng ngực càng đau. Anh không hiểu mình có thể chịu đựng trạng thái treo lơ lửng thế này trong bao lâu.
Nhưng hình phạt này không chỉ có thế. Cò Nhi lần lượt nhắc lại những câu hỏi ban nãy. Mỗi câu được nhắc lại vài lần, và mỗi lần đểu kèm theo một cái thước lần lượt đánh vào bả vai, đầu gối, gót chân, mắt cá chân, thỉnh thoảng lại điểm thêm một cú đấm móc sườn. Khi Cò Nhi mệt thì Tư Thiên thay phiên. Chúng không dành cho anh một khoảnh khắc để nghỉ ngơi.
Hai Long giãy giụa trong tư thế treo lủng lẳng, vừa đau vì bị đòn, vừa đau vì bị treo. Người anh cứ giật thót lên với mỗi đòn giáng vào hệ thần kinh. Mái tóc anh ướt đẫm. Mồ hôi từ người anh đổ giọt trên nền nhà. Hai lỗ tai anh u u không còn nghe rõ những câu hỏi của chúng. Anh chịu đòn cho tới lúc ngất xỉu.
Khi tỉnh dậy, anh thấy Tư Thiên đang đổ nước lạnh vào mặt mình. Hắn dừng tay, anh nhìn quanh nhận ra vẫn ở trong nhà thẩm vấn. Sợi dây buộc còn lơ lửng trên trần. Toàn thân anh đau như dần.
Anh lại tiếp tục nghe những câu hỏi:
- Đã thấy thấm đòn chưa? Chịu khai chưa? Anh ở lưới số bao nhiêu?
Chúng vừa hăm dọa vừa dụ dỗ anh trả lời để chúng khỏi phải tiếp tục tra tấn. Anh bỗng giận sôi lên. Chúng đã hành hạ mình như một con vật. Anh nghiến răng không nói gì. Phải cố gắng chịu đựng qua những trận đầu cho tới lúc chúng chịu thua. Phải lấy sự chịu đựng gan góc của mình làm những đòn đánh trả chúng.
Chúng lại bịt mắt và tiếp tục treo anh lên.
Lần này, anh cố gắng không giẫy giụa, vì hiểu rằng càng làm như vậy càng đau. Anh lại nghe những câu hỏi:
- Anh giữ chức vụ chi trong ngành tình háo chiến lược?...
- Cụm tình báo của anh mang bí số chi?...
- Có tất cả bao nhiêu điệp viên?...
- Ai tổ chức và trao nhiệm vụ cho Hòe, cho Thắng, cho Ruật, cho Đồng, cho Trọng?...
Chúng dỗ ngọt anh:
- Khai đi để đỡ đòn cho anh em! Đàng nào thì cũng bị bắt trọn ổ rồi?...
Những đòn tra tấn lần này ác liệt hơn lần trước. Chúng kết hợp vừa treo vừa đánh với tra điện làm anh giật bắn người và ngất xỉu khá lâu. Nhưng đáng sợ nhất vẫn là những cú móc sườn của Cò Nhi. Mỗi trái đấm của hắn làm anh nghẹt thở và quặn đau trong bụng như bị thắt lại.
Hai Long lại ngất đi một hồi lâu mới tỉnh. Tư Thiên và Cò Nhi đang dùng khăn ướt lau chùi cho anh. Những chiếc khăn đẫm máu. Máu dính nhớp nháp khắp người. Cảnh vật chung quanh anh quay cuồng. Những tiếng ong ong bên tai. Mắt Cò Nhi và Tư Thiên nhìn anh hau háu. Miệng chúng đôi lúc lại mấp máy. Chúng vừa nói vừa ra hiệu cho anh. Anh ở trong một trạng thái nửa tỉnh nửa mê, chỉ hiểu một cách lờ mờ những câu hỏi của chúng, nhưng vẫn nhớ rất rõ là mình không được phép trả lời.
Chúng lại treo anh lên lần thứ ba. Lần này, chúng không bịt mắt. Chúng vừa hét vừa ra hiệu thêm cho anh hiểu câu hỏi. Mỗi cú móc sườn của Cò Nhi làm người anh vặn lại. Máu từ miệng anh xối xuống nền nhà. Chỉ mấy lần nhìn thấy máu như vậy, anh ngất đi.
Lúc tỉnh dậy, anh thấy xúm xít quanh mình là những nhân viên y tế. Toàn thân hình anh bầm tím.
Hai tên cảnh sát khiêng anh trả về xà lim.
3.
Hằng ngày, cứ tới 2 giờ chiều, những tên thẩm vấn lại cho gọi Hai Long lên. Chúng bắt đầu bằng câu hỏi anh đã sẵn sàng trả lời chúng chưa, rồi lại tiếp tục tra tấn.
Hình thức chúng quen dùng là đòn treo mà Hai Long đã biết từ buồi đầu tiên. Đây là ngón ác nhất vì anh chỉ chịu đựng được một lúc là ngất xỉu. Chúng dùng xen kẽ và thay đổi những ngón nhẹ hơn. Chúng trói chặt chân tay anh trên một chiếc ghế dài, lấy khăn phủ lên mặt rồi đổ nước xà phòng trộn với ớt vào miệng anh, cho tới khi phình bụng, nghẹt thở. Chúng đặt một chiếc máy phát điện chạy ù ù bên tai, chốc chốc lại cho máy gầm lên từng hồi, khiến cho anh mất thăng bâng ngã ăn lộn gần như phát điên. Đòn nhẹ nhất là chúng dùng dùi cui cao su mềm đánh vào gót chân hoặc bàn chân.
Bọn thẩm vấn, giám thị, gác xà lim hung ác, tàn bạo khi vực xốc anh dậy, khiêng hoặc dìu anh ra sau một trận đòn, đôi lúc cũng tỏ ra mủi lòng. Có những tên nói:
- Các ông làm to làm lớn trong chánh phủ, còn mơ ước gì mà theo Cộng sản cho thân tàn ma dại thế này!
- Cộng sản tài giỏi tới mức nào mà mê hoặc được các ông bỏ cả quyền cao chức trọng đi theo họ, nay là dịp trở về với quốc gia thôi...
Sau khi tra tấn, chúng chỉ khiêng hoặc dìu anh về tới đầu hành lang, rồi để anh tự lết hoặc bám tường lần lần đi về xà lim. Đấy là cách tránh cho khỏi tụ máu.
Cứ mỗi lần tới gần xà lim số 3, anh lại nghe thấy tiếng gõ lóc cóc ở cánh cửa sắt, buộc anh dù đau tới đâu cũng phải cố nhìn vào ô hổng trên cánh cửa. Một chiếc đĩa nhôm đã xuất hiện ở đó với dòng chữ viết bằng gạch non: “Chết bỏ không khai!”. Có khi là những chữ “Chết vinh hơn sống nhục!” hay “Chiến dấu tới cùng!”. Và mỗi lần bọn nhân viên xuống mở khóa cửa xà lim gọi tên anh thì từ xà lim số 3 lại vang lên bài hát “Giải phóng miền Nam”. Tiếng hát của những cô gái. Hơn một tháng sau, Hai Long mới biết trong xà lim này có bà Cả Nhiễm, hộp thư của anh, và hai cô gái là Út Dẻo, người giao thông viên thông minh và gan dạ của cụm mà anh đã gặp ở Chợ Lớn, cùng một cô nhân viên phòng Hậu cần Miền bị bắt trong khi vào Sài Gòn mua hàng. Xà lim số 3 là một nguồn động viên không nhỏ đối với anh.
Trong xà lim số 7 của Hai Long, anh cán bộ nông hội ở Bình Dương đã được chuyển đi. Thay vào chỗ anh là một học sinh, cũng ở Bình Dương, bị bắt vì tham gia Đoàn học sinh Giải phóng, mới từ tiểu khu Bình Dương chuyển lên. Tên người thanh niên là Kiểm. Kiểm đã nhanh chóng trở thành thân thiết đối với anh. Kiểm kể lại khi ở tiểu khu, bọn chúng đã tra tấn bằng cách bỏ anh vào một thùng phuy đầy nước, rồi lấy búa đập xung quanh thùng, làm cho anh hộc máu tươi, máu ứa ra cả những lỗ chân lông. Từ ngày chúng giài anh lên Tổng nha Cảnh sát để thẩm vấn bổ sung, anh vẫn không khai, cuối cùng, chúng phải chịu kết thúc hồ sơ. Anh nói:
- Cháu noi gương các bác, các chú, chết vinh hơn sống nhục.
Chiều thứ tư, hôm đó là ngày 14 tháng 7 âm lịch, Hai Long bị một trận đòn nặng nhất. Bọn gác ngục phải khiêng anh về tới xà lim. Anh nằm xuống thì mồ hôi toát ra như tắm, lạnh run rồi ngất xỉu. Kiểm đập cửa ầm ầm, gọi người tới cấp cứu. Hai Long tỉnh được một lát, rồi lại ngất đi.
Đêm khuya, anh tỉnh lại, nhận ra Kiểm đang ngồi xoa bóp cho mình, miệng khấn lầm rầm:
- Cô hồn linh thiêng cứu chú Hai cho con, con ra con tạ ơn cô hồn... Chú Hai ơi! Chú sắp đi rồi, chú tỉnh lại đi, chú ở đơn vị nào chú cho cháu biết...
Rồi Kiểm lại vùng đứng dậy đập cửa gọi người tới cấp cứu.
Những trận tra tấn tiếp theo có phần gượng nhẹ hơn. Có lẽ chúng ngại anh chết ngay tại nơi tra tấn. Bọn thẩm vấn có chiều mệt mỏi. Chúng vẫn đánh anh, nhưng không dọa dẫm nữa mà chỉ dùng những lời khuyên nhủ, năn nỉ. Rồi tới lúc nào đó chúng cũng phải kết thúc cái trò này. Nhưng điều đau đớn ngày càng tăng với anh, là qua mỗi lần địch thẩm vấn, anh lại hiểu thêm chúng đã biết về các anh quá nhiều. Lưới đã vỡ lở tới mức không còn cơ cứu chữa. Ngoài những người trong lưới, chúng đã bắt lầm thêm khoảng một trăm người. Rất nhiều người chỉ vì vô tình đi lại hoặc gặp gỡ các anh mà cũng bị chúng bắt giam và tra tấn.
Qua một tuần, viên chủ sự lại mời anh tới phòng mình.
Y nói:
- Tôi hiểu là nhiều người làm cách mạng các ông không sợ hy sinh, không chịu khuất phục. Nhưng chừng nào ông còn chưa chịu nói, cuộc thẩm vấn chưa thể kết thúc. Nếu chúng tôi còn chưa phối kiểm được lời khai của ông với những người khác, thì họ cũng như ông còn tiếp tục bị nhân viên thẩm vấn xúc phạm tới thân thể. Đó là điều mà riêng tôi rất không muốn. Những ngày qua ông không nói điều chi phủ nhận những câu hỏi chúng tôi đã nêu ra. Chúng tôi không mong ông nhận hết. Nhưng chúng tôi cần ông nói giúp cho điều nào đúng, điều nào sai để chúng tôi kết thúc hồ sơ. Thời gian thẩm vấn đã kéo quá dài.
Hai Long vẫn im lặng.
Viên chủ sự lại năn nỉ:
- Tôi chỉ mong sớm chấm dứt được mọi hình phạt đối với các ông. Chúng tôi đã có hoàn toàn đầy đủ cơ sở để kết luận về lưới tình báo chiến lược A.22 do ông cầm đầu, dưới sự chỉ đạo của ông Năm Sang. Nhưng chúng tôi biết có những người bị bắt oan. Điều đó phải có sự xác nhận của ông. Mong ông gia ơn cho...
Hai Long đã chịu dựng tới trận đòn thứ mười bốn.
Đã tới lúc anh phải chấp nhận phương án xấu nhất mà anh và các bạn đồng đội đã bàn, trước khi chuyển sang một trò chơi mới.
Bấy giờ anh mới lên tiếng:
- Cầu Chúa tha tội cho các ông, các ông đã có bao lầm lẩn và phạm vào bao tội ác kinh khủng! Ngày mai, tôi sẽ nói cho các ông nghe sự thật...