Chương 7
Tác giả: Hữu Mai
1.
“Mình đã chuẩn bị tốt yên cương”, Hai Long đánh giá tình hình sau cuộc gặp Ngô Đình Nhu. Anh đã trở thành đệ tử trung thành của cha Lê, người thân thiết của gia đình cậu Út, người giúp việc “đặc biệt” của ông cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu. Ba thế mới này đều rất lợi cho công tác khi anh trở về Sài Gòn.
Mấy tuần sau lễ Giáng sinh, rồi Tết Nguyên đán qua, vẫn chưa thấy Cẩn đả động gì. Anh hiểu Cẩn không muốn để mình tuột khỏi tay, khi hắn đã có ý dùng mình làm sợi dây liên kết với cha Lê, tạo thành một lực lượng mới làm áp lực với Nhu. Cẩn không cam tâm với chức cố vấn đặc trách miền Trung. Hắn muốn thay vị trí của Ngô Đình Nhu bên cạnh “ông Cụ”. Cẩn biết mình kém xa Nhu về mặt văn hóa, nhưng hắn có cái mà Nhu không có, là đôi bàn tay sắt. Giờ lại được thêm Hai Long, “Thánh Phê-rô” dẫn đường, hắn đã có đủ điều kiện thay thế Nhu. Cẩn sẽ không để anh ra đi dễ dàng. Không biết hắn đã làm cách nào dây dưa với Nhu. Nhưng anh tin rằng Cẩn chẳng thể kéo dài mãi tình trạng này.
Gần 3 tháng sau ngày anh gặp Nhu, trong một bữa cơm đầu xuân, Cẩn mới nói:
- Từ hôm ở Huế về, ông Nhu thúc ra mấy lần phải trả anh vô Sài Gòn cho cha Lê. Tui biết nếu ông Nhu đã gặp anh, ổng sẽ bắt anh vô trong nớ, giúp vợ chồng ổng mần những việc chi với tổng thống tui chưa rõ. Tui không muốn anh vô, nhưng không còn cách chi giữ anh. Và nếu cứ giữ rịt anh ở đây, Đức cha cũng sẽ hiểu lầm tui. Bữa ni, ta bàn với nhau thiệt kỹ lưỡng rồi để anh vô.
Hai Long tỏ vẻ bùi ngùi:
- Tôi thực lòng muốn ở lâu dài với cậu Út để đền ơn tri ngộ, chưa làm được việc gì giúp cậu Út thì đã phải đi!
- Chỉ đi phần xác, còn phần hồn vẫn ở bên nhau! Anh vô trong nớ tiếp tục cộng tác chặt chẽ với tui. Tui vẫn để thằng Dương Văn Hiếu ở đó, có chuyện chi anh biên thơ ngay biểu thằng Hiếu mang cho tui. Nếu có điều chi hệ trọng, anh đáp máy bay ra, lên thẳng Phú Cam, không nói với ai ngoài tui.
- Những việc cậu Út dặn, tôi ghi nhớ.
- Ta đã coi nhau như người trong nhà, rứa ni tui nói rất thiệt. Anh giúp tui, không khi mô tui quên anh! Anh muốn chi cũng có. Anh cần tiền, cần chức vụ chi để làm nên việc lớn, anh cứ nói. Trước mắt, anh giúp tui mấy việc. Anh mần răng cho quan hệ giữa Đức cha với tui ngày càng mật thiết, và cố thúc đẩy Đức cha xích lại gần tổng thống. Anh nắm chắc tình hình cha cố di cư, hoạt động của bọn đối lập, tin cho tui kịp thời. Còn việc trong nhà, nếu ông bà Nhu có ý chi khác với tổng thống, anh phải cho tui biết ngay... Nói chừng nớ là coi anh hơn ruột thịt rồi đó. Nguy cơ phản loạn khi mô cũng có thể xảy ra. Phải trông chừng ngay từ nội bộ. Có làm được rứa may ra mới yên.
Hai Long sốt sắng nhận lời, nhưng vẫn tỏ ra rầu rĩ vì hai người sắp phải xa nhau. Cẩn cũng lộ vẻ cảm động.
- Ngày mới gặp anh, trông người, tui đoán được ngay mà! Anh chưa biết, tui có học coi tướng. Tui dùng người chưa sai thằng mô! Bao nhiêu thằng phản ông Diệm, ông Nhu, chớ có đứa mô phản tui? Anh có quý tướng, ngũ đoản giống tổng thống, trán rộng, mũi lân, long tu, nốt ruồi giữa mày, gáy rộng, môi dày... đó lả tướng cao sang, phúc hậu. Phương ngôn nói: Chọn bạn mà chơi! Dùng người phải biết xem tướng từ nét mặt, dáng đi, điệu nói... Ta gặp nhau cũng là duyên kỳ ngộ.
Điều Cẩn nói khá bất ngờ với Hai Long. Anh thường oán trách vóc người nhỏ bé của mình. Không ngờ cái tầm vóc đó, vầng trán, cái mũi, kề cả cái nốt ruồi trời sinh... đã tạo những thuận lợi rất đáng kể trong trường hợp này.
Hai Long cố nhịn cười, ngồi bần thần một lát, rồi thở dài:
- Việc đi thì phải đi. Nhưng tôi vẫn muốn nấn ná ở thêm ít ngày với cậu Út.
- Không được nữa mô?
- Tôi qua lại Phú Cam đã lâu ngày, Đức Tổng giám mục ở ngay tại đây, mà vẫn chưa có dịp tới chúc phúc. Đã là người trong gia đình họ Ngô, lẽ nào lại ra đi mà chưa gặp mặt cha, người anh thứ hai của cậu Út, bây giờ lại là người cao niên nhất, đứng đầu gia đình.
Mặt Cẩn hơi đờ ra.
- Anh nghĩ rất phải. Trước khi anh vô, tui sẽ đưa anh tới viếng cha. Cần phải trình cha trước. Bây chừ, anh chờ tui một lát.
Cẩn sang nhà bên rồi quay lại, tay cầm hai chiếc phong bì dày cộng. Cẩn đặt từng chiếc phong bì xuống bàn trước mặt Hai Long.
- Trong bì thư ni có 1 vạn đồng, anh cầm về mua quà cho gia đình; trong bì thư tê có 2 vạn đồng, nhờ anh mua quà cho cha Lê và mấy cha di cư.
Hai Long chối từ:
- Cảm ơn cậu Út đã chú ý đến vợ con tôi, nhưng số tiền này tôi chưa dùng tới, nhờ cậu Út giữ hộ, khi nào cần, tôi sẽ xin. Còn cậu Út định mua quà cho các cha thì chưa nên làm ngay, ta sẽ tính đến chuyện đó vào dịp khác. Tôi không muốn các cha nghĩ về tôi trong quan hệ với cậu Út có dính đến chuyện tiền nong.
- Rứa là tui hiểu hết lòng anh...
2.
Ngô Đình Khả, ông quan to cuối triều Nguyễn, sinh được 7 người con, sáu trai, một gái. Người con gái đã đi lấy chồng, thường gọi là bà Cả Lễ. Trừ Cẩn, 5 con trai đều được học hành tới nơi tới chốn. Các anh, người đi tu, người đi làm xa, Út Cẩn phải ở nhà nuôi mẹ, được coi là người hiếu đễ.
Ngô Đình Khôi lả anh cả, làm tổng đốc tỉnh Quảng Nam, chết hồi tổng khởi nghĩa năm 1945. Diệm làm thượng thư bộ Lại được một năm thì bất đồng với Pháp, xin cáo quan. Nhu làm ở Văn khố phủ Toàn quyền, mất việc sau Cách mạng tháng Tám, trốn qua Lào một thời gian rồi quay về Đà Lạt, sống ẩn dật đợi thời. Diệm và Cẩn, không hiểu tại sao đều không lấy vợ. Đời sống anh em Diệm lúc ấy không có gì sung túc.
Cuối những năm 1940, Thục bắt mối được với Spellman, hồng y giáo chủ ở địa phận New York tại Mỹ, một người đã cùng học với Thục tại Vatican. Spellman cũng là tổng tuyên úy của quân đội Mỹ và là một nhân vật khá tiêu biểu của giáo hội Mỹ. Nhờ có quan hệ giữa Thục và Spellman, Diệm được đưa sang Nhật Bản rồi qua Mỹ, vào tu viện dòng Tên[1] Maryknoll, bang Ossining, sau đó chuyển qua tu viện Lakewood, bang New Jersey. CIA đã nhìn thấy ở Diệm một lá bài có thể sử dụng sau này.
Từ lâu, Mỹ đã muốn can thiệp vào Đông Dương. Sau khi cách mạng Trung Quốc thành công, vấn đề Đông Dương đối với Mỹ càng trở nên quan trọng. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm tan rã ý chí xâm lược của thực dân Pháp. Pháp buộc phải ký Hiệp định Genève năm 1954, chấm dứt chiến tranh xâm lược Đông Dương. Ở Việt Nam, lực lượng vũ trang đôi bên tham chiến tập kết ở hai miền Nam, Bắc vĩ tuyến 17; sau 2 năm, nước Việt Nam sẽ thống nhất bằng một cuộc tổng tuyển cử. Mỹ không tán thành hiệp định này. Mỹ tin rằng nếu tổ chức tổng tuyển cử, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhất định sẽ giành thắng lợi. Từ đầu năm 1954, tổng thống Eisenhower và Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ đã nhận định: “Mất một nước nào đó ở Đông Nam Á thì cuối cùng sẽ dẫn đến mất cả Đông Nam Á, rồi mất cả Ấn Độ và Nhật Bản, và rốt cuộc: làm nguy hại đến sự ổn định và nền an ninh của châu Âu!”. Mỹ đánh giá “giải pháp Genève là một thảm họa đã hoàn thành một bước tiến quan trọng của chủ nghĩa cộng sản có thể dẫn đến việc mất cả Đông Nam Á”. Từ những nhận định mà khá lâu sau này Mỹ mới thấy là sai lầm, Mỹ đã quyết tâm hất cẳng Pháp, nhảy vào Đông Dương, tung ra bàn cờ lá bài mà CIA đã chuẩn bị từ lâu. Cũng là lúc mở đầu vận hội mới của anh em nhà họ Ngô.
Chế độ cộng hòa của Ngô Đình Diệm thực chất là chế độ quân chủ độc đoán không có vua. Trong “triều đình” Diệm, Ngô Đình Thục vừa là anh lớn, vừa là người bề trên về mặt đạo, vừa là người đã dìu dắt Diệm lên vị trí hiện thời, được coi như “thái thượng hoàng”. Thục không thường xuyên bàn bạc công việc, nhưng khi đã có một quyết định, thì tất cả các em đều phải tuân theo. Những ai được coi là người của “Đức cha”, của “ông Cụ”, của “ông cố vấn”, “ông Cậu”, “bà Cả Lễ” đều được mọi người quyền cao chức trọng, kể cả những cơ quan an ninh, mật vụ nể sợ.
Hai Long thấy mình chưa nên rời Huế khi chưa được gặp Ngô Đình Thục. Trong kháng chiến chống Pháp, khi còn là giám mục khu Vĩnh Long, Thục cũng như Cẩn đã có thời gian liên lạc với ta.
Đầu tháng 4-1961, Cẩn đi cùng Hai Long đến nhà thờ Phú Cam dự lễ, và sau đó đưa Hai Long tới tòa Tổng giám mục ở bên kia sông, gặp Ngô Đình Thục.
Cẩn giới thiệu với Thục:
- Thưa Đức cha, như em đã thưa trước, đây là thầy Hai Long, phụ tá đặc biệt của Đức cha Lê.
Hai Long tới hôn nhẫn và tự giới thiệu mình là con chiên của Phát Diệm, có lòng ngưỡng mộ Đức Tổng giám mục từ lâu, đáng lẽ đã phải vào Sài Gòn theo lệnh ông cố vấn chính trị Ngô Đình Nhu, nhưng xin nán lại để được tới chúc phúc Đức Tổng giám mục trước khi rời Thánh địa của ngài.
Thục vừa được phong Tổng giám mục, một trong ba chức vụ lớn nhất do Tòa thánh Vatican tấn phong ở Việt Nam, nên rất phấn chấn. Thục ngắm Hai Long từ đầu đến chân, rồi vỗ nhẹ lên vai:
- Cậu Út đã nói chuyện về thầy nhiều. Tốt đạo lắm. Sức khỏe cha Lê trong nớ ra sao. Đã lâu ngày chưa gặp cha.
- Nhờ ơn Chúa, sức khỏe của cha rất tốt.
- Mừng cho cha. Cha là người khôn lanh nhất trong hàng giám mục Việt Nam.
Lời khen của Thục đượm giọng mỉa mai.
Thục nói tiếp:
- Cậu Út khen con là người phúc hậu, thánh thiện. Để rồi cha sẽ giới thiệu con với tổng thống hỉ?
- Thưa Đức cha, con rất đội ơn Đức cha, con mạn phép xin Đức cha giới thiệu cho con trình diện với ông cố vấn chính trị thôi ạ.
Thục gật đầu với vẻ bao dung:
- Thì giới thiệu với cả hai vậy. Cha chiều ý con. Con phải vào phủ tổng thống. Con đừng ngại. Tổng thống sẽ đón mừng con. Con là phụ tá của Đức cha Lê mà!
Hai Long cảm thấy Ngô Đình Thục ăn ý với Ngô Đình Cẩn, không muốn anh chỉ là người giúp việc riêng cho Nhu.
- Con đội ơn Đức cha đã dành cho con vinh dự quá lớn.
- Dòng họ Ngô rất tốt phước, Chúa thương nên tất cả mới được thành đạt. Con về trong nớ siêng năng cầu nguyện, dốc lòng thờ Chúa, phò trợ tổng thống, xây dựng chế độ Cần lao - nhân vị được vững bền.
Hôm sau, Cẩn trao cho Hai Long hai tấm thiếp của Ngô Đình Thục giới thiệu anh với Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu. Trong tấm thiếp gửi cho Ngô Đình Diệm, Thục viết: “Thầy Long là người tốt đạo, thuần hậu, cương trực; rất hợp với ý cha...”.
3.
Xuống sân bay Tân Sơn Nhất, Hai Long lên xe tắc-xi đi thẳng về nhà thờ Phát Diệm gặp cha Lê.
Anh báo cáo với cha Lê cuộc tiếp xúc với Nhu, sự hối thúc của Cẩn đối với việc liên kết hai lực lượng Phát Diệm và miền Trung.
Cha Lê ngồi nghe, thái độ thản nhiên. Cha thấy mình đã có giá, nên càng làm cao. Hai Long kể đến chuyện gặp Ngô Đình Thục trước khi rời Huế.
Cha Lê hỏi:
- Cha Thục chắc vui lắm hả?
- Con gặp cha sau lễ tấn phong, cha có vẻ rất hài lòng.
Cha Lê cười mũi:
- Chưa hài lòng lắm đâu! Cha còn muốn kiếm cái áo đỏ.
- Cha Thục có viết hai tấm thiếp giới thiệu con với tổng thống và ông Nhu. Con có nên tin cho ông Nhu biết là đã về với Đức cha chưa? Trước đây, ông Nhu đã cho con số điện thoại, hẹn khi về thì báo tin ngay. Con có nên nói là con đang ở đây cùng Đức cha?
- Thì anh phải nói mình ở đây chứ ở đâu! Nhưng chớ để họ tưởng là mình cần họ. Bấy lâu mình chẳng gặp họ có sao?
- Con cũng tính như vậy. Con đang định xin cha cho về thăm gia đình ít ngày.
- Anh chưa qua nhà ư? - Cha Lê hỏi với vẻ ngạc nhiên.
- Dạ...
Hai Long ra máy điện thoại, quay số máy của Ngô Đình Nhu. Người trực máy nói ông cố vấn dở cuộc họp. Hai Long xưng tên, nhờ báo tin mình đã về Sài Gòn và đang ở chỗ cha Lê.
Buổi chiều, Hai Long ngồi với cha Lê thì có người vào báo, ông cố vấn Ngô Đình Nhu cử người đến xin gặp ông phụ tá của Đức cha, đang chờ bên ngoài. Cha Lê cứ ngồi nói chuyện với Hai Long thêm một lúc, rồi mới lánh vào buồng trong, nhường chỗ cho anh tiếp sứ giả của ông cố vấn.
Một người mặt vuông, trán thấp, tóc cắt ngắn, thân hình lực lưỡng rắn chắc như một đô vật, bước vào, hai tay rất thẳng, bàn tay đặt sát nẹp quần, cúi đầu chào:
- Tôi xin tự giới thiệu: đại tá Lê Quang Tung, được ông cố vấn chính trị cử đến gặp ông phụ tá của Đức cha.
Viên đại tá có dáng dấp một vệ sĩ trung thành hơn một người chỉ huy.
Khi đã ngồi vào bàn, y kể là mình đã có dịp làm việc với cha Hoàng năm trước, xin tuyển mộ lính biệt kích tung ra miền Bắc. Rồi y nói:
- Ông phụ tá có điều chi cần chuyển tới ông cố vấn, xin cứ biểu tôi về thưa lại. Ngày hôm nay, ông cố vấn mắc việc, chưa gặp được ông.
- Nhờ đại tá về trình với ông cố vấn, ngày mai tôi về thăm gia đình ít hôm; khi quay trở lại chỗ Đức cha, sẽ báo lại với ông cố vấn. Có thư của Đức cha Ngô Đình Thục gửi tổng thống và ông cố vấn chính trị, cảm phiền đại tá chuyển giùm.
Viên đại tá giơ hai tay đón những phong thư rồi cáo lui.
Hai Long cảm thấy những tờ thiếp đã nâng cao thêm giá trị của anh trước mắt viên đại tá.
Cha Lê đi ra, nói với vẻ tán đồng:
- Phải làm như vậy. Thằng Tung này là trùm mật vụ của Ngô Đình Nhu...
4.
Từ ngày vào Sài Gòn, cuộc sống của Hai Long có hai phần tách bạch. Một là xâm nhập vào những tổ chức chính trị, tôn giáo, những cơ quan chính quyền, quân sự của địch, mưu toan những việc động trời. Hai là vật lộn để kiếm miếng ăn hằng ngày cho hai vợ chồng và mấy đứa con hay yếu đau, rất cụ thể, rất tầm thường, phải tính từ hạt gạo, mớ rau, tiền đi bệnh viện cho vợ những ngày sinh nở, viên kháng sinh cho con những lúc trở trời. Cả hai phần đó của cuộc sống đều khắc nghiệt.
Trên đường trở về nhà, ngồi trên xe buýt người nêm chặt cứng, lòng anh pha trộn vui, buồn, lo lắng.
Nhiều năm qua, cả gia đình Hai Long phải sống bằng nghề bán rau quả của vợ anh. Nơi ở là một căn hộ chung cho hai gia đình di cư. Nửa ngoài, gia đình bác Kỳ bày một xe giải khát, trên để ít chai la-ve, nước ngọt, bình chè đậu đen, một cái bàn con bào nước đá, và một cái bàn lớn hơn với mấy chiếc ghế đểu dành cho khách. Sau cái rèm, vợ chồng bác Kỳ và ba đứa con nhỏ chỉ có chung một chiếc giường. Căn nhà trong vốn là gian bếp, rộng khoảng mười mét vuông, đã có một cầu tiêu, hai bếp đun củi của hai gia đình, phần còn lại cũng chỉ vừa một cái giường chung cho vợ chồng anh cùng với ba đứa con. Dưới gầm giường, chuột đào hang, luôn luôn đùn lên từng đống đất. Nền căn nhà bếp lại thấp, mỗi khi trời mưa to, cống rãnh tắc, nước tràn vào ngập đến bắp chân. Những đêm mưa, chuột lội lõm bõm, leo cả lên bếp, lên giường.
Hằng ngày, vợ anh đầu tắt mặt tối với ba buổi chợ. Sau mỗi lần sinh nở và nuôi con, sức khỏe của chị kém dần, không còn xốc vác được như xưa. Hai năm qua anh bị bắt, chị phần lo cho chồng, phần thiếu người giúp đỡ. Chắc không có điều gì tốt đẹp hơn đang chờ anh ở nhà.
Niềm vui thoát cảnh tù đày gắn liền với một nỗi lo day dứt đã có từ lâu, nhưng lúc này đang choán ngợp đầu óc anh: làm cách nào để liên lạc được với tổ chức...?
Theo nguyên tắc, tổ chức sẽ không bắt liên lạc với những người sa vào tay địch được chúng thả ra, trước khi chưa thẩm tra kỹ càng. Thời gian ở trại Tòa Khâm, anh chỉ liên lạc với anh Mười, và nhận một số chỉ thị của anh. Ít ngày sau, bọn địch chuyển anh Mười đi khỏi Ty Công an. Từ đó, coi như anh hoàn toàn mất liên lạc với tổ chức. Ở đây cũng có khả năng có một tổ chức bí mật của ta. Với chủ định đã có, anh không tìm hiểu để bắt liên lạc với tổ chức này. Nguyên tắc hoạt động đơn tuyến không cho phép anh có quan hệ với những người không cùng chung nhiệm vụ công tác. Trong thời gian bị bắt, trước mắt mọi người, anh đã có những hành vi khó hiểu. Anh chỉ có thể trình bày những điều này với người trực tiếp chỉ đạo công tác của mình.
Ngay với tổ chức, nếu anh có bị nghi ngờ, thì đó cũng là một điều dễ hiểu. Đã không thiếu những người dũng cảm nhưng khi bị địch bắt, trở thành những kẻ đớn hèn. Cũng không ít kẻ đầu hàng, phản bội. Một thủ đoạn quen thuộc của địch là tung những phần tử phản bội trở lại hàng ngũ của ta, phá từ trong phá ra. Đây là trường hợp nguy hiểm nhất mà ta luôn luôn phải phòng ngừa. Liệu khi bắt liên lạc với tổ chức rồi, các đồng chí có tin những điều anh sẽ trình bày hay không? Anh đã nghĩ, dù tổ chức chưa tin ngay, anh cũng sẽ lấy lại lòng tin bằng những việc làm sau đó. Nhưng điều quan trọng bây giờ là làm cách nào sớm bắt liên lạc với tổ chức. Nếu không làm được việc đó, thì những gì anh đã đạt được trong 2 năm qua, và những gì anh đang cố gắng phấn đấu để đạt tới, đều trở thành vô nghĩa...
Bác Kỳ, người ở chung nhà với anh, đang đứng bào nước đá, ngẩng đầu lên, ngỡ ngàng khi thấy người khách vừa bước vào lại chính là Hai Long.
- Chú làm cách nào mà về được?
Hai Long mỉm cười:
- Họ giam mãi chán thì cũng phải thả cho về.
- Vợ chồng tôi cứ khuyên mãi thím Hai yên phận làm ăn, nuôi các cháu nên người, chú còn lâu mới ra.
- Em cũng tưởng vậy.
Rồi bác Kỳ kể, vợ anh ở nhà 2 năm qua đau yếu luôn, hàng tháng phải đi khám phổi, mỗi ngày vẫn ba buổi chợ kiếm rau cháo nuôi con. Anh đi được mấy tháng, con bé lên kinh giật phải đi bệnh viện cấp cứu. Thằng nhỏ ở nhà ỉa chảy, phân trát đầy người, thằng anh chạy ra tìm bác cầu cứu. Thím Hai, con ốm vốn hết, không còn tiền mua hàng. Chị em bán hàng rau thương tình, gom góp kẻ ít người nhiều mới lại có được sọt rau đem ra chợ. Khốn nỗi, có thằng cảnh sát ở bốt Thị Nghè, thấy Hai Long bị bắt, theo đuổi, dọa nạt, tán tỉnh. Thím Hai sợ không dám đi chợ. Chị em lại phải tới nhà bàn bạc, phân công nhau kèm những lúc đi mua hàng khuya và thay phiên nhau canh chừng suốt buổi chợ...
Anh chỉ chờ bác Kỳ ngừng nói để hỏi:
- Vợ em và các cháu đâu?
- Thím Hai đi chợ Thị Nghè, tối mịt mới về. Con bé đi học. Thằng nhỏ sốt mấy hôm nay, thằng lớn phải ở nhà trông em.
Hai Long vội vàng lao vào trong nhà.
Chiếc màn màu nước dưa vẫn buông trên giường. Anh vén lên, thấy đứa con nhỏ nằm chúi một góc, thằng anh nằm trông em chắc ngủ quên, gác chân lên người em. Anh nhẹ nhàng kéo chân đứa con lớn đặt xuống giường. Khi sờ đầu đứa nhỏ, thấy nóng như củ khoai lùi.
Anh vội quay ra hỏi thăm bác Kỳ, ông y sĩ cùng phố có còn ở chỗ cũ nữa không. Anh trở vào đánh thức đứa con lớn, đưa nó gói kẹo mè xửng mang từ Huế ra và bồng đứa con nhỏ đi khám bệnh. Thằng lớn tay cầm gói kẹo, tay níu quần bố, bám theo không rời nửa bước.
5.
Chị Hai không bao giờ hỏi han chồng về những việc mà anh đang làm. Chị chỉ hiểu đó là một công tác rất khó khăn mà Đảng và Quân đội đã giao cho anh. Giữa những ngày quê hương vừa được giải phóng, không còn tiếng bom đạn, không còn phải lo những trận càn, mọi người trở về làng cũ dựng lại nhà, cày bừa lại ruộng đồng từ lâu bị bỏ hóa; thì chị bồng con theo chồng rời xóm làng ra đi. Theo anh, 2 năm nữa khi nước nhà thống nhất, họ sẽ trở về. Đã chịu đựng được 9 năm kháng chiến gian khó, thêm 2 năm nữa có là bao! Họ không giống những người bị lừa gạt, bỏ quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn đi theo quân giặc, không còn ngày trở lại. Đôi vợ chồng trẻ tươi cười bế con lên cầu tàu. Sẽ được biết thêm những miền đất đai xa xôi của Tổ quốc. Họ ra đi vì một nhiệm vụ thiêng liêng. Một ngày mai xán lạn không xa, chờ đón họ khi trở về.
Chị vui vẻ chịu đựng cuộc sống khó khăn ở một thành phố xa lạ, vì coi nó chỉ là tạm thời. Khó khăn này dù sao cũng không hơn những ngày đi dân công chiến dịch, chạy giặc luồn càn hồi kháng chiến. Chị chỉ lo cho chồng. Chị biết nguy hiểm có thể ập đến với anh bất cứ lúc nào. Đến lúc đó, chị đành phải chịu dựng. Đó là số phận không may. Cũng như bao nhiêu gia đình đã phải chịu đựng những mất mát trong kháng chiến. Chị không hỏi công việc của chồng, vì hiểu đó là những việc rất quan trọng mà chị không có quyền được hỏi. Chị cũng biết giữ được như vậy, sẽ tốt cho công tác của anh hơn.
Khi thấy chồng đi làm không trở về, chị hiểu rằng tai biến đã tới. Chị đã ứng phó như một người biết ứng phó trong trường hợp này. Chị chạy tới sở, chạy tới những bạn bè, người quen, “hỏi thăm” có thấy anh ở đâu không, hy vọng làm như vậy sẽ báo được tin anh bị bắt cho những “người cần biết” mà chị không rõ họ là ai. Một mặt khác, chị làm giấy đưa trình tất cả những nơi cầm trình báo, yêu cầu họ phải trả lời, phải cho chị gặp nếu chồng chị bị họ bắt, phải mở cuộc điều tra trong trường hợp anh bỗng dưng mất tích. Chị đã làm đơn trình lên cả nghị viện. Chị biết tất cả những việc mình làm sẽ không giúp cho anh được trở về. Chị sẽ gặp lại anh khi nào Bắc Nam thống nhất, hay ít ra là chính quyền này sụp đổ. Và chỉ còn một mình chị trong cuộc vật lộn để nuôi các con nên người, như bà con xóm giềng, chị em bạn hàng khuyên nhủ.
Bất thần anh trở về! Như người từ thế giới bên kia trở về. Không mừng, không vui sao được. Chị sững sờ rồi trào nước mắt khi nhìn thấy chồng đang ngồi cho con uống thuốc. Từ nay, lại có người đỡ vực, không khí gia đình lại ấm cúng. Có lúc chị đã nghĩ, mình sẵn sàng đánh đổi nửa cuộc đời để được thấy mặt anh. Nhưng sau những giờ phút vui mừng kéo dài không lâu, chị bỗng cảm thấy có điều gì không ổn trong việc anh đột ngột trở về. Tại sao chúng lại thả anh?... Chị đưa mắt ngắm trộm chồng. Anh ấy già đi sau 2 năm bị giam cầm, nhưng vẫn mạnh khỏe. Anh ấy có phần mập ra? Tại sao lại như vậy?... Sự nghi ngờ cứ lớn dần, giày vò chị. Nếu đúng như vậy, thì không còn gì hết. Những năm qua chị sống bằng hy vọng và chờ đợi. Sẽ không bao giờ chị được trở về miền Bắc, trở lại quê hương. Bạn bè của anh ấy, những người chị kính trọng, quý mến nhất, sẽ không bao giờ trở lại đây. Anh ấy đã trở thành kẻ thù của họ. Chị cũng trở thành một người khác. Chị không còn xứng đáng với sự cưu mang của xóm giềng, của nhiều bạn hàng trong mấy năm qua! Mọi người sẽ nhìn chị bằng con mắt khác. Những sự chịu đựng, hy sinh của chị trở thành vô nghĩa. Không còn gì để hy vọng, để đợi chờ!
Nửa đêm hôm đó, chờ mọi người đã ngủ yên, chị mới thì thầm hỏi anh:
- Tại sao anh lại được tha?
- Chúng không tìm được chứng cớ để buộc tội anh.
Nhưng còn vì sao anh lại béo tốt, mạnh khỏe..., những điều đó khó nói hơn. Cổ họng chị tắc lại. Hồi lâu chị nghẹn ngào:
- Có điều gì, anh cứ nói thật với em... Xưa nay, anh làm gì, em không bao giờ hỏi. Nhưng bây giờ em cần biết. Dù thế nào, em vẫn là vợ anh.
Đến lúc đó Hai Long mới hiểu ra... Lại còn đến cả chuyện này nữa? Miệng anh đắng ngắt.
- Nhiều việc chưa thể nói với em. Chỉ cần em biết một điều: anh dù phải chết cũng không thay lòng đổi dạ.
Chị Hai ôm riết lấy anh. Những giọt nước mắt ấm nóng của chị lan sang má chồng. Hình như từ lâu lắm, qua bao ngày tháng cô đơn, anh mới tìm được ở đây, trong căn phòng tồi tàn giữa thành phố xa hoa, đông đúc này, một trái tim cùng chung nhịp đập với trái tim mình.
Chị Hai thủ thỉ với chồng:
- Anh bị bắt hôm trước, thì ngày hôm sau có mấy thằng lạ mặt lảng vảng trước cửa. Một thằng thỉnh thoảng vẫn còn tới đây, nó ngồi rất lâu ở hàng bác Kỳ.
Hai Long biết những tên tay sai của Dương Văn Hiếu vẫn tiếp tục theo dõi mình.
- Sau ngày anh đi, có ai tới tìm không?
- Có mấy anh ở Sở, hơn một tuần, cha Hoàng ở Bình An cho người lên hỏi vì sao không thấy anh xuống. Mấy ngày sau, cha lại cho người tới hỏi em, đã làm đơn trình báo các nơi chưa, nếu chưa thì phải làm ngay, trình cả lên quốc hội, không thể để cho họ vô cớ bắt người như vậy; nếu không biết viết đơn thì cha sẽ cho người viết hộ... Lễ Giáng sinh và ngày Thánh bổn mạng của anh, lần nào cha cũng cho người đưa quà ra và động viên, an ủi mẹ con em giữ vững lòng tin nơi Chúa, luôn luôn cầu nguyện cho anh, sớm muộn anh sẽ trở về... Mẹ con em ra đường cũng có kẻ chửi xéo: “Đáng đời cho quân Bắc kỳ, tay sai của Việt Cộng!”. Nhưng bà con lối xóm thì rất nhiều người thương, nếu không được các cô bác cưu mang thì khó sống nổi tới ngày nay...
Hai Long hiểu là nếu tổ chức có cho người tới, chị Hai cũng không thể biết. Anh làm việc theo kiểu đơn tuyến. Để bảo đảm nguyên tắc bí mật, không người nào tới liên lạc với anh tại gia đình. Trước đây, người duy nhất trực tiếp quan hệ với anh là anh Mười.
Anh tính có 4 công việc phải làm trong thời gian tới. Một là, nhanh chóng móc nối lại với tổ chức. Hai là, tiếp tục xây dựng và củng cố bình phong. Ba là, sớm nắm được tình hình quân sự của địch. Bốn là, phải xây dựng lại lưới, một lưới thật lý tưởng... Việc khó khăn nhất, cần làm gấp, là bắt liên lạc với tổ chức. Tìm tổ chức ở đâu bây giờ...?.
6.
Trời chưa sáng, chị Hai đã dậy chuẩn bị đi chợ. Hai Long cũng dậy theo. Chị Hai bảo chồng:
- Anh mới về, ngủ tiếp đi với các con, mặc em.
- Suốt hai năm, anh ngủ nhiều rồi. Anh đưa hàng ra chợ cho em.
Từ ngoài dường, một giọng nói đặc sệt Nam Bộ vọng vào:
- Thím Hai có chở hàng vô chợ không? Đi mở hàng đây.
Mặt chị Hai tươi lên:
- Bác chờ cho một chút, em đưa hàng ra ngay.
- Để đó, ông già đỡ cho một tay.
Một người cao gầy, tóc hoa râm, mặc bộ quần áo xanh bạc màu, nhanh nhẹn bước vào. Bác chăm chú nhìn Hai Long, rồi hỏi:
- Chú Hai đó ư? Chú được về khi nào?
Hai Long dang lúng túng thì chị Hai nói:
- Đây là bác Bảy Lai, mấy năm anh bị bắt, bác giúp đỡ mẹ con em nhiều lắm.
Bác Bảy cười xòa:
- Có giúp được cái chi! Bà con dân nghèo, gặp lúc hoạn nạn thì cũng phải thương nhau chớ.
Chị Hai nói:
- Anh gửi hàng cô Út ở bên cho em, rồi có đi ăn sáng thì đi. Em ra sau.
Hai Long cùng với bác Bảy khiêng những sọt rau từ trong nhà ra, đặt lên xích-lô.
Chiếc xe từ từ chuyển bánh, rồi bon nhanh.
Bác Bảy vừa đạp xe vừa thủ thỉ:
- Những ngày chú ở xa, thím Hai vất vả quá trời! Lo kiện cáo, lo thằng nhỏ bịnh, lo chạy ăn, người ốm tong ốm teo, bà con ai nhìn cũng thương. Giờ chú về được, thím Hai cũng đỡ vất vả. Nhưng về rồi, liệu bọn hắn có để cho yên mà mần ăn không? Lắm người hắn thả ra ít ngày rồi bắt trở vô, khi đó thì đi biệt.
Hai Long lựa lời nói cho qua. Mấy năm qua, vợ con anh còn sống được là nhờ những người có tấm lòng vàng như thế này. Nhưng anh không thể nói cho bác yên tâm là chúng không dễ gì bắt lại anh. Anh lảng sang chuyện khác:
- Bác có được đông các anh, các chị không? Nhìn bác không được khỏe, mà lại sống bằng nghề vất vả này.
- Suốt thời trẻ, sống ở đồn điền cao su, con cái hiếm hoi, bà nhà tôi mất tại đó. Còn một thân một mình, tôi bỏ đồn điền vô Sài Gòn, kiếm chiếc xích-lô chạy kiếm ăn qua ngày...Chú về liệu hắn có cho trở vô Sở làm việc nữa không?
- Về Sở lại chắc khó. Tôi định kiếm chỗ dạy học...
Khi từ chợ quay về nhà, Hai Long mở hòm, lục tìm gói bưu thiếp. Suốt mấy năm qua, mối liên hệ giữa anh với gia đình ở miền Bắc chỉ qua những đòng nhắn tin ngắn ngủi này. Anh xem kỹ những dấu bưu diện. Tờ bưu thiếp được chuyển nhanh nhất mất một tháng. Tờ chậm nhất, tám tháng! Anh cảm thấy ngán ngẩm. Mỗi ngày đối với anh lúc này dài bằng một năm. Nhưng cũng chẳng còn cách nào khác. Anh chọn hai tờ bưu thiếp mới, và
bảo đứa con gái nhỏ:
- Con ngồi xuống đây, ba đọc cho con viết thư thăm ông bà.
Đứa bé ngoan ngoãn ngồi xuống cạnh giường, không hỏi lại vì sao ba nó không tự viết, mà lại bảo nó làm công việc này. Nó đã biết không nên hỏi gì về công việc của ba. Bộ mặt nó trở nên nghiêm trang như một người lớn.
Hai Long đọc cho con viết: “Con báo tin để thầy mẹ mừng, nhà con mấy năm qua mắc bệnh đau đầu, nay đã khỏi, lại sắp đi dạy học. Đã lâu không có tin nhà ngoài đó, chúng con rất trông. Thầy mẹ cho con biết tin ngay”.
Tờ bưu thiếp ký tên vợ anh, được gửi tới hai địa chỉ.
Trung tâm sẽ nhận được tin này. Nhưng vào thời gian nào là điều anh chưa thể biết trước.
7.
Bác Kỳ từ nhà ngoài đi vào, ghé tai Hai Long nói nhỏ:
- Cái thằng hồi chú mới bị bắt hay tới ngồi ở cửa hàng này, bữa nay lại tới. Hắn cùng đi với một tên lạ mặt. Chú coi chừng. Bọn chúng vẫn còn ngồi ở quán cà phê xế cửa.
Hai Long cảm ơn bác. Tên mật vụ mà bác Kỳ quen mặt là người của Hiếu, còn tên đi cùng, chắc là người của Nhu. Chúng cùng tới để ban giao.
Chiếc xe đạp khi anh từ chợ về, vẫn còn dựng bên vỉa hè. Hai Long mượn bác Kỳ vịt dầu, rồi ra hè ngồi rất lâu vừa lau xe, vừa lần lượt nhỏ dầu vào xích và những ổ líp. Anh muốn chúng nhận mặt cho kỹ, để mà đi theo.
Hai Long quay vào nhà, thay một bộ quần áo sạch sẽ, rồi ra nhảy lên xe đàng hoàng phóng di. Chẳng cần ngoái đầu lại, anh cũng biết có một cái đuôi đang bám phía sau.
Hai Long vào Trung tâm Văn hóa Pháp, mượn một cuốn sách về thần học, ngồi đọc cho đến trưa. Anh chẳng buồn để ý tới một tên đeo kính mát, ngồi cách mấy hàng ghế, đang làm một công việc vô bổ là lật đi lật lại một tờ báo Pháp, chắc chỉ để xem tranh ảnh. Hai Long đã dự tính một chương trình đọc sách khi anh trở về Sài Gòn. Hai năm ở Tòa Khâm, với những cuốn sách cha Hồng cho mượn, anh đã biết thêm khá nhiều về giáo lý. Nhưng công tác sắp tới buộc anh phải nhanh chóng bồi bổ thêm vốn kiến thức của mình.
Hàng ngày, Hai Long thực hiện đều dặn thời gian biểu, tối và sáng sớm đi chợ cùng với vợ, buổi sáng vào thư viện, buổi chiều đưa đứa con ốm tới nhà ông y sĩ ở cuối phố tiêm thuốc. Tên mật vụ theo dõi sát anh. Nó đã thuộc quy luật hoạt động của anh. Có buổi anh tới thư viện, đã thấy hắn ngồi chờ với một cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Việt chắc do hắn đem theo. Rồi có buổi không thấy hắn tới nữa.
Một buổi chiều, Hai Long từ nhà ông y sĩ về, đang dắt tay đứa con nhỏ sang đường đi vào nhà thì nghe tiếng người gọi to phía sau:
- Anh Hai!
Hai Long quay lại, thấy một người nhảy từ trên chiếc xe máy xuống, lao tới, ôm chầm lấy mình. Đó chính là Hòe, người đồng chí của Hoàng, đã cùng ở với anh một thời gian tại trại Tòa Khâm.
- Trời xui khiến nên lại gặp anh Hai ở đây! Anh ra khi mô? Nhà anh Hai ở đây ư? Sao thằng cháu xanh xao rứa?
Vài tháng sau khi bọn chúng đưa Hoàng khỏi trại Tòa Khâm, Hòe được tha. Hòe là người miền Trung, hoạt động ở Huế. Hai Long cũng cảm thấy bất ngờ khi gặp lại anh ngay trước cửa nhà mình. Liếc nhìn sang quán cà phê bên kia đường, không thấy bóng bọn chúng, Hai Long đưa Hòe vào nhà. Anh biết đây là một việc không nên làm. Anh vẫn bị chúng theo dõi. Có lẽ cả Hòe cũng vậy. Hai người cùng được chúng thả ra, giờ lại gặp gỡ nhau. Nếu bọn chúng biết, sẽ là một điều phiền phức. Nhưng anh đã nhận thấy thái độ mừng rỡ thực sự của Hòe. Anh đã biết Hòe là người ở vùng tạm chiếm, được giác ngộ, mới được kết nạp vào Đảng, chưa qua huấn luyện nhiều về công tác bí mật; nếu anh tìm cách lảng tránh sẽ làm cho Hòe hiểu lầm. Và trong đầu anh cũng nảy ra một hy vọng: biết đâu Hòe về trước mình, đã bắt liên lạc được với tổ chức? Như vậy thì đây chính là một dịp may cho anh...
Hòe hơi ngẩn ra trước cảnh nhà quá bần bách của Hai Long. Mặt anh thoáng lộ vẻ ái ngại. Anh ngồi ghé xuống giường, rồi hỏi Hai Long:
- Anh Hai hay tin anh Hoàng tôi chưa?
Nhìn thái độ của Hòe, Hai Long giật mình hỏi lại:
- Anh Hoàng sao? Sau khi bọn chúng đưa anh Hoàng đi, không nghe ai nói chi?
- Anh Hoàng tôi mất ở Chín Hầm rồi!
- Tin có chính xác không?
- Tôi nghĩ là chính xác. Từ ngày được ra ngoài, gia đình chúng tôi vẫn làm nhiệm vụ tiếp tế cho anh. Khó khăn lắm. Phải nhờ người của chúng ở Ty Công an. Gởi vô mười, không chắc ảnh nhận được một. Nhưng cách đây một tháng, người nhà từ ngoài nớ báo vô ảnh mất rồi. Nếu anh còn sống, bọn hắn không dại nói ảnh chết để hết moi tiền gia đình tôi. Ngày đưa ảnh ở Tòa Khâm đi, Ảnh đã yếu lắm. Ảnh chịu chết để cho tôi sống đó, anh Hai ạ. Tôi còn được tin ông Đẩu bịnh rất nặng, bọn chúng đã chuyển về Mang Cá, không biết có qua khỏi được không?
Hai Long ngồi lặng đi.
Một lát, anh hỏi Hòe:
- Tại sao anh lại vào trong này?
- Mọi tội anh Hoàng đã nhận hết cho tôi. Về phần tôi, bọn hắn không moi được chi. Nhưng tên phó trưởng Ty công an đòi tôi phải bán rẻ cho hắn ngôi nhà ở Huế thì mới chịu chạy cho tôi ra. Tôi cũng nghĩ, ở lại Huế chẳng còn mần ăn được chi, phải chuyển vô trong ni thôi, may ra có gặp được bạn bà... Không ngờ bữa ni lại gặp anh Hai. Rứa là vong hồn anh Hoàng linh thiêng lắm đó.
- Hiện nay anh đã làm việc chi chưa?
- Tôi vô tạm Tổng đoàn Công kỹ nghệ Việt Nam, làm chánh sự vụ. Nghề ni hợp với chuyên môn của tôi, bọn hắn đỡ nghi... Anh Hai ơi..., mần răng bây chừ? Tôi phải mần chi để trả thù cho anh Hoàng chớ...
Hai Long thấy cay cay ở khóe mắt.
Anh an ủi Hòe, và khuyên Hòe phải hết sức cảnh giác, ẩn nhẫn đợi thời.
Họ đã trở về, nhưng đây là cuộc gặp gỡ giữa những con người đơn côi.
---
[1] Jésuite