Chương 5
Tác giả: Hữu Mai
1.
Cuộc gặp Cẩn đã vượt sự mong đợi cửa Hai Long. Tờ trình của anh không chỉ tới tay Cẩn mà còn tới cả dinh Độc Lập. Sự biệt đãi Cẩn dành cho anh một phần là do những bút phê của Diệm và Nhu. Nhưng thái độ Cẩn còn làm anh e ngại. Cẩn đã im lặng khá lâu sau khi nhận được tờ trình. Chỉ tới lúc Diệm, Nhu cần hỏi lại, Cẩn mới gặp anh. Cẩn tuy có việc cần anh nhưng chưa thật tin anh. Không hiểu bọn Hiếu, Vượng đã báo cáo về anh với Cẩn như thế nào. Cha Hồng có đưa bức ảnh anh chụp chung với cha Lê và cuốn Kinh thánh do Cassaigne đề tặng cho Cẩn xem không, đây là một điều mà anh không tiện hỏi. Một người như Cẩn khó có thể tin vào những lời nói khi hắn chưa nhìn thấy gì trên thực tế. Anh nghĩ đến vai trò của cha Lê trong những ngày sắp tới. Nhưng trước mắt, cần có người tác động tốt cho mối quan hệ giữa anh và Cẩn, người đó là cha Hồng. Ngày hôm sau, Hai Long đến nhà thờ Françisco theo lời dặn của cha Hồng. Anh cảm ơn cha đã có tình thương cao cả đối với mình, mong giải quyết tốt trưởng hợp của mình. Anh đề nghị riêng với cha cố gắng có mặt cùng với anh trong cuộc gặp Cẩn sắp tới, để cho sự hợp tác giữa ông Cậu và anh tiến triền thuận lợi. Cha Hồng sốt sắng nhận lời.
Đúng ngày đã hẹn với Cẩn, Hai Long nhờ Lê Văn Dư đánh xe đưa mình đến Phú Cam. Anh rất vui khi thấy cha Hồng đang nói chuyện với Cẩn.
Sau khi đưa bản bờ sung tờ trình cho ông Cậu, Hai Long nói với cha Hồng:
- Thưa cha linh hưởng, con xin chia sẻ niềm ước vọng của cha và chung lời cầu nguyện Chúa phù hộ cho sự hợp tác giữa con cái của Chúa ở đây thành đạt kết quả tốt. Con đã được sự đón tiếp ân cần của cha và ông cố vấn. Con xin cảm tạ Chúa đã tạo nên cơ hội cho chúng con hợp tác với nhau trong tình thương yêu của Chúa. Sự hợp tác đó tuy mới buổi ban đầu, nhưng rất đáng khích lệ. Cá nhân con rất mong đóng góp vào đại sự quốc gia, tuy nhiên, không vượt ra ngoài mối quan hệ lâu năm giữa giáo khu Phát Diệm - Bùi Chu và đương kim tổng thống
Anh quay sang phía Cẩn:
- Với ông cố vấn, tôi xin nhấn mạnh một điểm, tôi không dám nói “cứu nguy” mà chỉ làm một công việc là “báo nguy” cho chế độ, vì hiện nay tôi đang sống trong một hoàn cảnh rất “đặc biệt”...
Cha Hồng ngắt lời:
- Chúa sắp đặt tất cả. Nếu thầy phụ tá vẫn ở Sài Gòn thì ông tổng thống và hai ông cố vấn làm sao biết được thầy?
- Con muốn nói việc hôm nay là như thế. Chúa đã phán: “Ngày mai có việc của ngày mai”.
Câu nói của cha Hồng làm cho Hai Long đoán là trước đó cha đã trao đổi với Cẩn về chuyện của anh nhưng mình cũng chưa vội vồ vập.
Cẩn xịu mặt, nói với giọng trách móc:
- Khó khăn tựa núi! Thầy phụ tá chỉ nhận báo nguy mà không cùng ra sức cứu nguy thì mần răng? “Cứu bịnh như cứu hỏa” không thể chậm trễ. Mình không ra tay ngay không đặng mô? Khoanh tay ngồi đợi chỉ có thua thôi. Rối ren trăm bề tính răng?
- Chúa an bài - cha Hồng lặp lại câu nói thường ngày - Rồi đâu cũng vào đó. Tình hình sẽ êm ả thôi.
Cẩn nhìn Hai Long dằn giọng:
- Thầy phụ tá phải giúp tui mới đặng!
- Lạy Chúa! - Cha Hồng xuýt xoa - Xin Chúa phù hộ cho chúng con sống thương yêu bền vững bên nhau.
Sau buổi gặp này, Hai Long quyết định viết thư cho cha Lê. Trong bức thư tuy có nhắc qua đến hoàn cảnh oan khuất, bị giam cầm, nhưng hoàn toàn không mang tính chất cầu xin sự giúp đỡ. Anh tường thuật lại với cha những điểm chủ yếu trong tờ trình, những cuộc tiếp xúc với Cẩn, và mong sự chỉ dẫn của cha đối với một đệ tử chẳng may sa vào cảnh ngộ éo le. Anh đưa thư cho cha Hồng xem, và nhờ cha chuyển hộ. Anh cũng gợi ý cha Hồng nên viết thư cho cha Lê, nhằm góp phần xây dựng lại hòa hiếu giữa giáo khu Phát Diệm và gia đình họ Ngô. Cha Hồng nói là mình cũng đã có ý định đó.
Lần này Hai Long không phải chờ đợi lâu. Chỉ sau ít ngày, cha Hồng đã mời anh tới để chuyển lại tờ thiếp phúc đáp của cha Lê. Trong thiếp, cha Lê viết: “Cầu nguyện Chúa phù hộ cho thầy đủ sáng suốt làm nên việc cho giáo hội”. Mối lo lớn đã vơi đi. Hai Long hiểu qua mấy lời ngắn ngủi, cha Lê không những đã công nhận mình là đệ tử của ngài, mà còn nhắn khéo mình phải hết sức khôn lanh trong quan hệ với Cẩn để nắm tình hình cho cha. Cha Hồng cũng khoe với Hai Long, cha Lê đã biên thư cho mình, nhờ chăm sóc giúp người đệ tử chẳng may lâm nạn, và hẹn một ngày gần đây sẽ ra thăm Thuận Hóa. Nhân dịp này, Hai Long thổ lộ với cha:
- Con thực lòng muốn giúp đỡ ông Cậu, nhưng chỉ e ông Cậu chưa tin.
Cha Hồng ngạc nhiên:
- Sao thầy lại có ý nghĩ như vậy? Ông Út rất tin thầy mà?
- Có thể con hiểu lầm ông Út. Con như con chim phải tên hễ thấy cây cong là sợ.
Cha Hồng nhìn anh với đôi mắt thông cảm:
- Cha đã hiểu tâm trạng của con. Những chuyện này cha sẽ nói lại với ông Út. Cha tin rằng mọi việc rồi sẽ tốt đẹp.
Cha Hồng không muốn nhúng tay vào việc đời để chuyên tâm lo việc đạo. Riêng với những việc làm nhằm siết chặt tình thương giữa những người con chiên của Chúa thì cha không bao giờ từ nan. Cha đã nói hộ Hai Long nhiều điều mà anh không thể hoặc không nên nói trực tiếp với Út Cẩn. Hai Long nhận thấy rõ nhờ có vị linh mục chân tu này, quan hệ giữa anh với Út Cẩn đã nhanh chóng chuyền biến theo chiều hướng có lợi.
Hai Long hiểu thêm về con người Ngô Đình Cẩn. Trong con người mang dòng máu địa chủ, quan lại phong kiến này, có nhiều cái rất trái ngược. Hiểm độc, xảo quyệt; nhưng lại nhiều lúc nhẹ dạ, cả tin. Uống máu người không tanh, vô nhân vô luân như một bạo chúa; nhưng lại có những lúc mềm yếu, nhu hòa dễ bảo, mau nước mắt. Sắc sảo, hoạt bát, tự phụ, tự mãn; nhưng nhiều lúc lại rất mù mờ, ngờ nghệch, tự nhận cái kém, cái dốt của mình. Luôn luôn kèn cựa với các linh mục nhưng lại rất vâng lời cha linh hưởng. Thiển cận, chặt chẽ, so đo; nhưng lại nhiều tham vọng, có lúc phóng tay, bốc rời. Cẩn say sưa với quyền lực và rất sợ mất quyền lực. Một nhược điểm lớn của Cẩn là ưa tâng bốc, phỉnh nịnh. Cẩn rất thích được khen là hiếu đễ. Khi Hai Long nói với y: “Hiếu đứng đầu trăm nét. Người hiếu là người có nhân, có nghĩa, lễ, trí, tín”, anh thấy đôi mắt Cẩn rưng rưng.
Hai Long không còn e sợ đôi mắt của Cẩn như lần gặp đầu tiên. Cẩn đã tâm sự với anh những điều gan ruột. Y tỏ ra không thích người Mỹ. Cẩn chê người Mỹ không lịch sự, lễ phép bằng người Pháp; Mỹ kiểm soát từng đồng xu viện trợ. “Mỹ muốn nắm tất cả mà xem ra không thật lòng với ta”, khi nói điều này, Cẩn tỏ vẻ cay đắng, hai má xệ xuống, mặt buồn thiu. Có lần Cẩn than thở với anh: “Tui dốt lắm vì không được ăn học đến nơi đến chốn. Giả sử tui giỏi như ông Trường Chinh thì tui chẳng để cho vợ chồng ông Nhu tác yêu tác quái bên cạnh tổng thống!”. Khi nghe Hai Long bàn về những nguy cơ, Cẩn chỉ phụ họa theo hoặc tỏ vẻ bực tức hay lo lắng. Cẩn không tìm ra biện pháp gì để giải quyết ngoài những lời hăm hở: “Phải trừng trị ngay những tên chống đối”. Hai Long nói lại, bọn này thường có lực lượng, nhiều kẻ được sự yểm trợ của Mỹ, nên không dễ trừng trị, thì Cẩm ngồi im. Cẩn muốn triệt ngay Đỗ Mậu, y tin là mình thừa sức làm việc ấy. Hai Long lặng lẽ ghi nhận.
Bản bổ sung của Hai Long đã được chuyển ngay về Sài Gòn. Khá lâu, vẫn không có hồi âm. Sự hào hứng của anh khi đọc những lời bút phê cửa Diệm vả Nhu nguội dần. Anh nghĩ rằng, tờ trình có lẽ chỉ cải thiện được vị trí hiện thời của anh ở Huế. Nó chưa đủ sức mạnh để tác động đến dinh Độc Lập. Nó đã rơi vào sự quên lãng cùng chung với rất nhiều những tờ trình, kiến nghị, báo cáo mà những kẻ cầm quyền nhận được hằng ngày.
Sự băn khoăn của Hai Long hiện giờ là không hiểu tại sao Cẩn chưa trả lại tự do cho mình. Cẩn đã có những bằng chứng rõ ràng về bọn tay sai của hắn đã bắt lầm người phụ tá của cha Lê. Cẩn biết rõ không nên đổ thêm dầu vào lửa trong mối quan hệ từ lâu đã xấu đi giữa gia đình họ Ngô với cha Lê. Hai Long vẫn không quên nhắc nhở với Cẩn về hoàn cảnh “đặc biệt” của anh. Nhưng Cẩn đều tìm cách đánh trống lảng. Chỉ có một lần, Cẩn ngỏ ý muốn chuyển anh về một nơi nào đó cùng mình làm việc, không thể cứ ở mãi tại Tòa Khâm là nơi cải huấn những người bị bắt, không có điều kiện chăm sóc anh về các mặt sinh hoạt. Hai Long đã từ chối, lấy cớ cứ ở trại để có thể giúp ích cho Cẩn được nhiều hơn. Cẩn tin ngay và không đả động tới chuyện này nữa.
Lê Văn Dư và Lê Khắc Duyệt trở thành những người lái xe cho Hai Long mỗi lần anh có việc đến nhà Cẩn. Lê Vượng đã gặp anh để vừa thanh minh vừa kể công: “Khi ông Cậu gọi lên hỏi về anh, tôi đã báo cáo rất kỹ về thái độ, tư cách của anh, và vì sao lại có sự lầm lẫn...”. Bọn tay chân của chúng không dám gây phiền hà với anh, ngược lại còn nhìn anh với cặp mắt nể sợ.
Nhưng anh đã phải trả một giá rất đắt. Chung quanh bắt đầu xa lánh anh. Không ai tin rằng mỗi lần anh rời trại Tòa Khâm trên chiếc xe của giám đốc Nha công an Trung phần mà lại không có hại cho họ. Người nói bóng gió, người nhổ nước bọt khi nhìn thấy anh. Một bữa anh ngồi đọc kinh, nghe có người nói ở phòng ngoài: “Miệng na mô, bụng bồ dao găm”. Cổ họng anh muốn tắc.
Nhưng đáng sợ nhất đối với anh vẫn là những câu nói vọng ra từ khu biệt giam. Lời khước từ sự dụ dỗ, lời mắng nhiếc những tên chuyển hướng, phản bội, lời kêu gọi giữ vững khí tiết của người cách mạng, chết vinh còn hơn sống nhục... Những cặp mắt liếc nhìn anh với vẻ hả hê. Lòng anh như dao cắt.
Anh chưa được phép chết lúc này. Vì anh chưa hoàn thành nhiệm vụ. Anh chỉ mới đi được nửa đường. Anh sẽ không bao giờ chịu đầu hàng. Anh chưa hề thoái chí, vẫn đang cố gắng vượt lên để đi tới đích. Anh vẫn nung nấu ý chí phục thù. Bao giờ thì những người chung quanh đây sẽ hiểu anh? Có thể chẳng bao giờ? Anh thầm ước, giá mà mình có một cái mặt nạ. Anh thương cho bộ mặt mình, bộ mặt do mẹ cha sinh thành. Bộ mặt đó đang chuốc lấy bao sự phỉ nhổ. Anh đang đóng một vai kịch đáng kinh tởm nhất bằng chính bộ mặt thực của mình. Trại Tòa Khâm không phải là sân khấu mà lại là cuộc đời ở vào một giai đoạn sóng gió nhất, khi con người cần bộc lộ phẩm chất đích thực, con người thực của mình!
Con người có thể làm nên việc lớn vì nó sống giữa một quần thể. Nhiều khi nó không sống vì mình mà sống vì người khác. Trong chiến tranh, trước bom đạn ác liệt, có những lúc anh cảm thấy sợ, có lúc rất sợ. Nhưng khi nghĩ đến nhiệm vụ, đến những người chung quanh, anh thường lấy lại được sự bình tĩnh vì biết là sự hy sinh của mình sẽ không vô ích, sẽ được biết đến, dù nó chỉ diễn ra trước mắt một số người xa lạ, thậm chí trước mắt kẻ thù. Nguồn động viên tinh thần đó nay không còn nữa. Đoàn thể, những người chỉ huy trực tiếp, vợ con anh, những người chung quanh anh không một ai biết đến nhưng toan tính của anh. Có thể anh phải mang nó xuống mồ! Có những lúc anh cảm thấy ghê tởm ngay ở cả bản thân mình, vì anh nghĩ về những hành vi của mình bằng ý nghĩ của những người đang theo dõi, phán xét anh.
Đây là những ngày cô đơn, tủi nhục nhất trong suốt cuộc đời anh. Không phải chỉ có như vậy. Anh còn phải bận tâm vì tính chất nguy hiểm của trò chơi hai mặt này. Sự việc xảy ra đêm ấy vẫn còn ám ảnh anh. Biết đâu, một đêm nào đó, một cái chăn bất chợt úp chụp xuống đầu anh, anh không kịp có một lời thanh minh, người ta sẽ đặt lên xác anh một bản án phản bội! Không đêm nào anh yên giấc. Phải gắng sống đến ngày ít nhất có một người biết rõ việc mình làm. Mình sẵn sàng hy sinh như một chiến sĩ vô danh, nhưng không thể chết như một tên phản bội...
2.
Cha Hồng báo tin cho Ngô Đình Cẩn biết, giám mục Lê vừa ra Huế, muốn được gặp người phụ tá của mình.
Cẩn vội vã ra lệnh cho Lê Văn Dư đánh xe đưa Hai Long đi gặp cha, và chở ngay Hai Long về Phú Cam sau buổi hội kiến.
Giữa gia đình họ Ngô và cha Lê vốn có một mối quan hệ khá đặc biệt.
Hồi đầu Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, Ngô Đình Khôi, tổng đốc Quảng Nam thời Pháp thuộc, một người có nhiều nợ máu với cách mạng, đã bị nhân dân kết án tử hình. Hai em của Khôi là Diệm và Nhu rất sợ hãi, muốn trốn ra nước ngoài. Cha Lê khi đó là giám mục địa phận Phát Diệm, đã đón Nhu về đây, giấu Nhu ở Nhà Chung một thời gian, rồi cho người đưa trốn qua Lào.
Cho đến năm 1954, giám mục Lê vẫn ủng hộ Diệm, rất tán thành cái công thức ban đầu được Mỹ và Pháp lựa chọn sau khi Mỹ đưa Diệm về, là một chính quyền ở Nam Việt Nam với Bảo Đại làm quốc trưởng, Ngô Đình Diệm làm thủ tướng. Cha Lê muốn có một người cầm đầu chính quyền là Công giáo (Bảo Đại theo đạo Phật); hơn nữa, Diệm là ngươi có ân tình với cha Lê. Mỹ lại âm mưu gạt Pháp và lật Bảo Đại để đưa Ngô Đình Diệm lên thay. Cha Lê là người của Pháp, không tán thành chủ trương này. Nhưng Mỹ cứ làm. Và Diệm không chỉ dừng lại ở đó. Sau khi hất cẳng Pháp, truất phế Bảo Đại, Diệm ráo riết mở những đợt thanh trừng những lực lượng thân Pháp như Bình Xuyên, các giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo... Tổng bộ tự vệ Phát Diệm do cha Hoàng chỉ huy cũng bị đập tan trong thời gian này.
Về mặt tôn giáo, cha Lê cũng như giáo hội Việt Nam gắn liền với giáo hội Pháp và Tòa thánh Vatican. Nhiều cha cố Pháp đã nói: “Giáo hội Pháp lả con cả của giáo hội La Mã, là mẹ đẻ của giáo hội Việt Nam”. Cha Lê đúng là con đẻ của Pháp. Nhưng giám mục Ngô Đình Thục, anh của Ngô Đình Diệm, lại gắn liền với Hồng y giáo chủ Mỹ Spellman, tức là gắn liền với giáo hội Mỹ.
Khi đã lên cầm quyền, Ngô Đình Diệm yêu cầu Vatican phải cử đại sứ tới Sài Gòn, đối xử với Việt Nam cộng hòa bình đẳng như với những quốc gia độc lập khác. Vatican không chấp thuận, chỉ đặt tòa lãnh sự và cử tới một khâm sứ. Diệm phật ý. Diệm kiên quyết đòi Vatican không để một người Pháp, thuộc dòng Thừa sai Paris (MEP), là Jean Cassaigne làm giám mục địa phận Sài Gòn, mà phải thay bằng một ngươi Việt. Vatican thấy phải. Cha Lê rất muốn làm giám mục Sài Gòn, và được Vatican ủng hộ. Nhưng Diệm lại muốn giành chức này cho anh mình là Ngô Đình Thục. Cuộc tranh chấp diễn ra giữa Diệm và Vatican. Cuối cùng? Tòa thánh La Mã phải chọn một giải pháp thứ ba, thay Cassaigne bằng giám mục Simon Hòa Hiền. Mối bất hòa giữa cha Lê và anh em họ Ngô ngày càng sâu đậm.
Những giáo phái và những người thân Pháp, trong đó có nhiều người trước đây đã ủng hộ Diệm, giờ bị Diệm đàn áp, tụ lại chung quanh cha Lê, bàn cách chống Diệm và dần dần đi tới âm mưu lật đổ Diệm. Trước sự đe dọa của phong trào cách mạng miền Nam, Mỹ muốn mở rộng thành phần chính phủ Diệm để tăng cường sức mạnh chống Cộng. Nhưng Diệm, đứng sau là Nhu, không nghe.
Diệm, Nhu dần dần hiểu rằng nếu cứ tiếp tục chống cha Lê, không những sẽ mất đi sự ủng hộ của hơn 1 triệu giáo dân gốc Bắc, mà còn kéo theo rất nhiều người thuộc các phe phái đối lập khác, bèn thay đổi thái độ, tìm cách ve vãn. Diệm đã ra sắc lệnh coi những tự vệ Phát Diệm là những người có công chống Cộng, phải được đối xử như những cựu chiến binh trong quân đội. Ván bài này, Diệm - Nhu mới chơi được nửa chừng. Cha Lê chưa dễ nguôi giận ngay. Cha Lê tiếp tục xúi các cha cố gốc Bắc cũng như gốc Nam chống Diệm độc tài, gia đình trị, kiêu ngạo, đòi bình đẳng với Vatican, coi hồng y Spellman hơn cả giáo hoàng, âm mưu Mỹ hóa giáo hội Việt Nam... Tuy vậy, cha Lê vẫn cần Diệm, vì Diệm là đương kim tổng thống thu tóm mọi quyền hành trong tay. Cuộc sống của giáo dân Phát Diệm những năm qua gặp nhiều khó khăn, một phần cũng vì sự mâu thuẫn của những người chăn dắt họ đối với chính quyền. Cha Lê sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ nếu gia đình họ Ngô tỏ ra biết tôn trọng và chiều chuộng họ.
Đôi bên đang đứng nhìn nhau trên hai bờ của một con sông còn thiếu một cây cầu.
Sau khi nhận được tấm thiếp của cha Lê, Hai Long có nhiều hy vọng cha Lê sẽ ra Thuận Hóa. Chỉ có sự xuất hiện của cha Lê mới cải thiện được về cơ bản tình hình của anh ở đây. Theo suy luận của anh thì bất cứ một người giáo dân Phát Diệm nào ở vào vị trí hiện thời như anh, cũng xứng đáng được cha chăm sóc. Cha đang rất cần có một người vừa là tai mắt, vừa là môi giới cho những cuộc mặc cả giữa cha với gia đình họ Ngô đang cầm quyền.
Nhưng khi được tin cha Lê tới, anh vẫn bị bất ngờ. Vì anh không ngờ sớm như vậy.
Đây là lần đầu anh tiếp kiến chuyện trò với cha. Bức hình chụp với cha ở Hải Phòng, ít nhất cũng nhắc nhở cha, người giáo dân Phát Diệm trong quân đội Pháp đã hết lòng phục vụ đồng bào di cư và những cha cố có mặt tại đó. (Nhiều giáo dân hồi ấy vì muốn lấy lòng một người đang giúp đỡ mình, đã gọi anh là “ông quan ba người Phát Diệm”). Rất có thể cha cũng tưởng anh chính là người Phát Diệm. Cha có hàng chục vạn con cái, làm sao ngài có thể nhớ mặt tất cả mọi người. Và một khi cha đã cất công ra tận đây gặp anh, chắc ngài đã nghe cha Hoàng nói không ít những điều tốt lành về anh.
Hai Long cảm thấy hoàn toàn tự tin trên đường đến gặp cha Lê.
Cha Lê ngồi trong căn phòng khách vắng vẻ của nhà dòng Chúa Cứu thế. Thoáng nhìn, anh thấy ngay cha đang nóng ruột đợi mình.
Hai Long lao vội tới quỳ thụp hôn tay cha, một bàn tay mặc dù đã nhăn nheo vì tuổi tác nhưng vẫn rắn chắc và đỏ như son.
- Con khỏe chứ?
Cha Lê hỏi bằng một giọng thân mật, ngọt ngào nhưng vẫn trang trọng.
- Trình Đức cha, con khỏe - đôi mắt rớm lệ, Hai Long nói tiếp - chắc Đức cha vẫn chưa quên con. Con không bao giờ quên những ngày ở thánh địa Phát Diệm với Đức cha.
- Quên sao được. - Cha chăm chú nhìn Hai Long - So với ngày ấy thì anh thay đổi khá nhiều.
- Thưa Đức cha, đã 16 tháng, con sống trong cảnh giam cầm. Nếu không vì quyền lợi của giáo hội, của giáo dân Phát Diệm - Bùi Chu, con đã không chịu được cảnh tù túng này.
Cặp mắt cha chốc chốc lại nhìn anh chăm chú. Anh hiểu là cha đang ngầm so sánh người ngồi trước mặt mình với người trong bức ảnh cùng chụp với cha. Chắc cha đã nhận thấy hai người chỉ là một, vì 5 năm qua, về bề ngoài, anh chưa thay đổi nhiều.
Hai Long thuật lại cho cha nghe một cách đầy dủ và gọn gàng, anh dang làm việc cho Tổng bộ tự vệ thì bị người của ông Cẩn từ miền Trung vào bắt, họ vu cho anh là Việt Cộng nằm vùng, là “đơ Bê”, nhưng không đưa ra được chứng cớ nào, anh nghĩ họ chỉ tìm một cái cớ để điều tra tình hình lực lượng vũ trang Công giáo Phát Diệm, hoặc làm việc gì đó mà anh chưa biết... Anh đã viết một tờ trình gửi ông Cẩn, và yêu cầu được gặp. Khi gặp ông Cẩn, anh đã lựa lời nói cho ông hiểu, ông đã dựa vào mấy tên hồi chánh để chúng làm điều xằng bậy, đánh vào người nhà. Con cháu cha Lê đều tự hào là những chiến sĩ chống Cộng kiên quyết nhất từ năm 1946 tới nay (Hai Long nhấn mạnh), điều này đã được chính tổng thống Diệm thừa nhận. Ông Cẩn đã nhận lỗi để bọn tay chân sơ xuất bắt lầm anh, rất cảm ơn những ý kiến anh đã đóng góp, và đã gửi tờ trình vào Sài Gòn để ông Diệm, ông Nhu cùng xem. Hai ông vội cử người ra Huế, đề nghị anh nói rõ thêm một số điểm. Thái độ của ông Cẩn đối với anh hiện giờ rất tốt. Ông Cẩn nói gia đình họ Ngô mang ơn Đức cha nhiều mà chưa trả được, lại đang rất cần sự hỗ trợ của Đức cha... Nhưng anh không hiểu vì sao ông chưa trả tự do cho anh, đề anh trở về tiếp tục giúp cha Hoàng làm công việc Tổng bộ. Trong những ngày còn ở Thuận Hóa, anh có thể làm gì có ích cho giáo hội...
Bộ mặt uy nghiêm, khắc khổ của cha dần dần tươi lên.
- Cha rất đẹp lòng vì cách xử sự của anh. Rất xứng đáng là người chiến sĩ Công giáo Phát Diệm. Dù ở trong hoàn cảnh nào không được để cho người ta khinh nhờn.
- Con luôn luôn tâm niệm con là người của cha Hoàng và của Đức cha.
- Ông Út như vậy... là cũng biết điều.
- Ông Út luôn luôn ca ngợi Đức cha. Ông nói không có Đức cha thì gia đình họ Ngô làm sao được như ngày nay. Ơn đó đã trả được đâu!
Cha Lê nhếch mép cười:
- Anh nói với ông Út: “Người không phụ ta thì ta cũng không phụ người!”. Đều là con chiên của Chúa cả. Nếu ông Út đang tin cậy, trọng nể anh, và cần có anh, thì sẽ để anh ở lại đây thêm một thời gian. Anh là người am hiểu tình hình giáo hội, cha cũng không phải dặn dò gì. Cứ nghĩ đến quyền lợi của giáo hội mà hành động. Khi có điều gì cần, cha sẽ tin cho anh ngay.
Hai Long hiểu cuộc viếng thăm của cha chỉ nhằm nắm tình hình. Anh nói:
- Thưa Đức cha, con ở đây sống cảnh cá chậu chim lồng, không biết gì về tình hình trong đó từ ngày ra đi. Có điều gì mới, Đức cha cho con rõ. Người ta coi con là người phụ tá của Đức cha, nên ông Út thường mời con đến hỏi ý kiến.
Cha Lê trầm ngâm, rồi nói:
- Cộng sản đã tuyên bố thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Đài phát thanh Bắc Việt đưa tin nhiều nhưng ở Sài Gòn báo chí chưa đả động gì...
Hai Long dỏng tai nghe, nhưng cha không bình luận thêm mà nói tiếp:
- Bốn nguy cơ mà anh trình bày bữa trước với ông Cẩn, đều đúng cả. Chỉ có điều là đến nay trầm trọng hơn nhiều. Phe đối lập đang hoạt động mạnh, người Mỹ và cả người Pháp đứng sau lưng họ. Biến cố chính trị sẽ xảy ra nay mai. Ông Diệm, ông Nhu phải khéo léo lắm thì mới đứng vững được... Cha nói chừng ấy chắc anh đã hiểu. Cha Hoàng gửi lời thăm anh.
- Đức cha cho rằng sẽ có đảo chính?
Cha Lê im lặng giây lát rồi hơi gật đầu.
- Con không bao giờ quên ơn Đức cha, quên ơn cha Hoàng, không bao giờ quên mình là một giáo dân Phát Diệm. Con rất lo cho sức khỏe của Đức cha. Đức cha cần giữ gìn mình vàng để chăn dắt giáo dân Phát Diệm, không để chúng con phải bơ vơ.
- Cha rất khỏe... Cầu Chúa phù hộ cho anh.
3.
Cậu Út với chiếc áo cộc tay, cái quần lá tọa, chân đi guốc mộc đã đứng chờ trước cửa. Gần đây, cậu không coi Hai Long như kẻ sĩ, mà coi như người nhà.
Chiếc ô-tô vừa dừng lại, cậu mở cửa xe, lùa hẳn cánh tay trắng và mập vào trong, quàng lưng Hai Long đón ra. Chưa bao giờ cậu chầu chực ngoài cổng để đón Hai Long như lần này.
Hai Long rảo bước đi theo Cẩn vào nhà.
Cẩn vừa ngồi xuống ghế, không kịp rót nước, mời thuốc như thường lệ, cũng không rào trước đón sau, hỏi dồn dập.
Hai Long tự bảo mình phải thận trọng nhưng miệng vẫn nói thao thao, tỏ ra anh mong thuật lại tất cả những điều đã thu lượm được qua cuộc gặp cha Lê, làm như cha ra Huế chỉ cốt gặp mình để trút hết bầu tâm sự.
Cuối cùng, anh làm bộ mặt nghiêm trọng:
- Đức cha dự đoán nay mai sẽ có chính biến. Tôi nói có phải là đang có âm mưu đảo chính không, ngài gật đầu.
Cẩn sửng sốt:
- Đảo chánh?
- Dạ.
- Đứa mô dám đảo chánh?
- Bọn đối lập dựa vào Mỹ và cả vào Pháp.
- Nhưng thằng mô?
- Tôi gặng hỏi, ngài không nói. Chắc ngài e trách nhiệm vì vách có tai! Nhưng ngài cho biết là chúng đang chuẩn bị rất khẩn trương... Nếu tôi ở Sài Gòn thì có thể báo cáo ngay với ông cố vấn đó là ai. Đức cha rất tiếc là tôi không có mặt trong đó. Tôi vốn là người vẫn đi nắm tình hình cho Đức cha.
Cẩn tảng lờ như không nghe thấy điều Hai Long vừa nhấn mạnh, y lầu bầu:
- Chỉ tại bà Lệ Xuân mới sinh lắm chuyện. Rứa mà tổng thống vẫn dùng thằng Đỗ Mậu! Chính hắn liên kết với nhiều người để chống lại vợ chồng ông Nhu chớ còn ai?
- Tôi đồng ý với ông cố vấn,. phải chú ý ngay tới giới quân sự, những kẻ thân Mỹ, thân Pháp; ngoài Đỗ Mậu ra, xem còn những ai nữa? Bọn có âm mưu đảo chính nhất định phải nắm một lực lượng quân sự.
- Anh sang phòng bên, mần ngay cho một bản báo cáo về tất cả những điều Đức cha đã nói với anh. Anh viết gởi cho tui. Tui sẽ cho người vô ngay Sài Gòn.
Buổi chiều, Hai Long làm xong việc đó. Bản báo cáo toát lên sự tin cậy của cha Lê với cá nhân anh. “Cha Lê khẳng định sẽ có biến cố chính trị ở thủ đô Việt Nam cộng hòa trong thời gian sắp tới”. Anh khuyên ông cố vấn nên thận trọng, chú ý đến bọn đối lập thân Mỹ, thân Pháp, đặc biệt trong giới quân sự. Và anh “rất tiếc về thái độ không rõ ràng của cha Lê đối với bọn đang âm mưu lật đổ chính quyền Việt Nam cộng hòa”.
4.
Trưa 11-11-1960, trưởng trại Tòa Khâm Lê Văn Dư cho Hai Long biết tin nhóm đảo chính quân sự đã chiếm đài phát thanh Sài Gòn.
Ngoài đường, xe nhà binh chạy ầm ầm. Nhiều nhà đóng kín cửa. Binh lính từng toán đi tuần rầm rập. Xe tăng trấn giữ hai đầu cầu Tràng Tiền.
Một không khí hân hoan lan truyền trong lòng người đang bị giam cầm. Họ đã sống qua những ngày dài vô vọng. Ai cũng biết đây chỉ là cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ bọn chúng. Nhưng biết đâu nó lại chẳng mang tới cho họ một cái gì. Hy vọng rất mỏng manh, nhưng vẫn là hy vọng. Nhưng tia hy vọng vừa nhen nhóm này không kéo dài được bao lâu. Ngay hôm sau đã có tin âm mưu đảo chính bị đập tan, bọn sĩ quan dù Nguyễn Chánh Thi, Vương Văn Đông cầm đầu cuộc đảo chính đã trốn chạy sang Nam Vang.
Hai Long khấp khởi mừng thầm. Một sự thay thầy đổi chủ lúc này sẽ làm uổng phí tất cả những nước cờ mở đầu mà anh đã phải đổ bao tâm huyết, và phải trả giá bằng những ngày vô cùng đau đớn ở đây.
Ngay khi tình hình vừa yên, Cẩn cho mời Hai Long đến nhà.
Cặp mắt rưng rưng, ông Cậu cầm hai tay Hai Long rung rung hồi lâu:
- Chỉ có phép lạ rất mầu nhiệm của Chúa mới cải nguy thành an cho tổng thống. Rất cảm phục thầy đã nói trúng như Thánh tiên tri. Từ bây chừ, thầy là ân nhân của gia đình họ Ngô.
Hai Long khiêm tốn:
- Đó là hồng phúc của tổng thống, của gia đình họ Ngô, và cũng là hồng phúc của quốc gia. Tôi có làm được việc chi?
- Thầy quá khiêm nhường. Báo cáo của thầy gửi tui, tui đã chuyển ngay tới ông Cụ và ông Nhu. Chắc chắn tổng thống và ông cố vấn chính trị không bỏ qua, nên đã có phòng ngừa.
- Đó là ý kiến của Đức cha Lê.
- Nhưng nếu không có thầy hết lòng, bầy tui khi mô biết mà liệu trước? Từ bữa ni, gia đình tui coi thầy thân thiết như người trong nhả.
- Ông cố vấn định khi nào làm lễ tạ ơn?
- Cũng vì cả việc nớ mà bữa ni mời thầy vô. Bầy tui sẽ làm lễ tạ ơn thật trọng thể tại nhà thờ của họ Ngô. Tui có ý định nhờ thầy tổ chức giúp. Tui biết thầy thông thạo việc lễ.
- Tôi rất đội ơn ông cố vấn đã dành cho vinh dự lớn, nhưng nếu nhận e không tiện. Công việc chủ trì một lễ lớn tại gia đình cố vấn phải do một vị cao niên hoặc đạo đức thánh thiện của gia đình đứng ra đảm nhiệm. Tôi có biết đôi chút kinh lễ, nhưng còn nhỏ tuổi, lại không phải là người trong nhà...
- Thầy là người trong nhà, - Cẩn dằn giọng – tui đã nói rồi. Đó là tấm lòng tui quý hóa thầy, thầy đừng phụ lòng tui.
Biết đâu Cẩn cũng muốn nhân đây thử mình có đúng là một giáo dân gốc đạo hay không, Hai Long nhận lời. Cẩn rất mừng.
Uống cạn tuần trà, Cẩn ngồi tư lự, rồi nói:
- Tui muốn hỏi thầy, thực lực quân sự của Đức cha Lê hiện chừ ra răng? Tổng bộ tự vệ có bao nhiêu người?
- Hiện nay, chừng hơn một vạn, khi cần huy động sẽ lên tới vài ba vạn. Số khá đông đã trực tiếp chiến đấu chống Cộng hồi còn ở miền Bắc. Nếu được tổ chức lại và vũ trang đầy đủ, sẽ là một lực lượng đáng kể. Nhưng Đức cha còn một chỗ mạnh hơn nhiều. Cha Lê và cha Hoàng là một trung tâm thu hút những người có ý kiến bất đồng với tổng thống, trong đó có nhiều sĩ quan cao cấp của quân đội. Họ tự tìm đến các cha để giãi bày sự bất đồng với tổng thống...
Trong khi trả lời, Hai Long chưa hiểu vì sao bữa nay Cẩn lại hỏi về lực lượng tự vệ của Tổng bộ Phát Diệm với một vẻ cân nhắc khác thường.
Cẩn vẫn trầm ngâm, rồi lại hỏi:
- Thầy nói Đức cha có thiện chí với tui?
- Dạ. Không phải chỉ lần này ra Thuận Hóa, Đức cha mới nói với tôi điều đó.
- Nghe những lời của Đức Cha, tui rất ý hiệp tâm đầu. Nếu bây chừ Đức cha hiệp lực với lực lượng của ta...
Hai Long chưa hiểu Cẩn định nói đến lực lượng của Việt Nam cộng hòa nói chung, hay lực lượng của riêng Cẩn ở miền Trung, anh lựa lời đưa đà:
- Được như vậy là hồng phúc cho giáo hội, cho quốc gia.
Đôi mắt Cẩn mở to, sáng lên:
- Thầy gắng giúp tui được không?
- Từ lâu tôi đã mong như vậy.
Cẩn thở phào như vừa cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng.
- Quốc gia đang gặp khó khăn, tổng thống bị áp lực tứ phía, nhiều khi tui có ý kiến muốn góp với ông Cụ, nhưng ông bà Nhu không nghe, nhất là bà Nhu. Nếu bây chừ có thêm lực lượng của Đức cha, mình nói chi ông Nhu sẽ không dám coi thường. Rứa mới mong củng cố được sức mạnh của chế độ. Ông Nhu đã nhắc tui trả thầy về Sài Còn với Đức cha, nhưng tui vẫn muốn lưu thầy lại Huế vì chuyện nớ. Thầy mần được là giúp tui lớn lắm đó?
Cẩn đã để lộ lòng ruột.
Đang đà thổ lộ, y dốc nốt tâm sự:
- Bà Nhu rất lộng hành... Ông Nhu lại là anh sợ vợ. Cứ đà này thì bà Nhu sẽ chi phối ông Nhu, đi đến choán quyền của ông Cụ thì tai vạ cho cả nước và cả giáo hội. Mấy ngày qua, mấy thằng lính dù dám làm việc tầy trời, là do ông Nhu nghe vợ cả? Thầy xem ở miền Trung này có thằng mô dám nho nhoe? Bọn hắn mà nằm trong tay tui, tui đem đầu chúng bón vô gốc cam tự lâu rồi!
- Ông Nhu là người mưu lược nhưng hơi nhu nhược. Người làm tướng cần có ân, có uy. Ông Cậu nói rất phải. Nhưng tình hình đang rối, trước mắt, ông cố vấn nên khoan dung, hòa giải với vợ chồng ông Nhu. Phương ngôn có câu: “Thương em anh để trong lòng, việc quan anh cứ phép công anh làm!”. Phải nghiêm khắc với những hành động có hại cho quốc gia, cho giáo hội.
- Thầy là người nhân nghĩa và sâu sắc lắm!
Vẫn còn bực dọc, Cẩn lại nói tiếp:
- Ông Nhu nói “duy linh” nhưng thiệt ra lả duy vật. Có khi mô thấy ông Nhu đọc kinh hay vô nhà thờ...!
5.
Hai Long chủ trì những buổi lễ tạ ơn kéo dài suốt một tuần tại nhà thờ riêng của Ngô Đình Cẩn.
Nhân dịp này, anh gợi ý với Cẩn nên tổ chức lễ Đồng tế để tạ ơn Chúa. Anh đã trao đổi với cha Hồng về chuyện này trước khi nói với Cẩn. Cha Hồng mừng rỡ tán thành. Đồng tế là lễ lớn nhất do Tổng giám mục đứng làm chủ lễ và nhiều linh mục làm phó lễ. Cẩn nói cũng đã có ý định đó. Hai Long bàn nên nhờ cha Hồng tổ chức tại nhà thờ Phú Cam. Cẩn rất tán thành
Con đường trở về Sài Gòn đã được khai thông. Nhưng Hai Long lại bắt đầu lo vì Ngô Đình Cẩn mà anh sẽ bị mắc kẹt thêm một thời gian dài nữa ở miền Trung.
Sau ngày lễ Đồng tế, Cẩn lại cho Duyệt đến mời Hai Long vào gấp.
Nét mặt Cẩn lộ vẻ rất băn khoăn:
- Ông Nhu vừa cho người ra Huế nói tình hình ở Sài Gòn rất nghiêm trọng, phải trả ngay thầy về chỗ Đức cha. Ông Nhu muốn gặp thầy trước khi thầy vô. Bây chừ giải quyết ra răng?
Đôi bên cùng ngồi lặng một lát.
- Tôi thấy ông cố vấn nên làm kế hoãn binh. Một mặt ông cố vấn nói đang chỉ thị cho tôi tiến hành tổng hợp tình hình và dự thảo một kế hoạch chống đảo chính để ông cố vấn đệ trình lên tổng thống. Như vậy trước mắt tôi vẫn ở lại. Đồng thời, ông cố vấn làm giấy tiến cử tôi với Phủ tổng thống, coi việc tôi về Sài Gòn là chuyện sau này. Trong trường hợp vì yêu cầu cấp bách của ông Nhu không thể trì hoãn, ông cố vấn sẽ cùng tôi bàn bạc kỹ, khi về đó tôi tiếp tục làm những việc gì để giúp ông cố vấn.
- Trước mắt, hãy theo ý thầy.
Bộ mặt Cẩn vẫn rầu rĩ, lo lắng.
Hai Long hỏi:
- Dường như ông cố vấn còn băn khoăn điều chi?
Cân thở dài, rồi tuôn ra một hơi:
- Bây chừ ông Nhu mới kêu tình hình nghiêm trọng, tui e muộn. Tui biết thằng Mỹ từ lâu. Quân xảo quyệt! Chó má! Gian hùng! Phản bạn! Trước mặt ủng hộ, sau lưng lật đổ... Ông Cụ thì quá tin nên bị lừa. Ông Nhu làm cố vần chính trị không ra hồn. Công an, mật vụ, an ninh quân đội... thằng Trần Kim Tuyến, thằng Đỗ Mậu... toàn những quân ăn hại, đui mù, phản bội! Xây dựng bao nhiêu lâu rồi! Phá đổ mấy hồi? Xưa nay nghiệp vương bá đều sụp đổ từ trong mà ra! Bọn hắn như rứa đó! Mỹ như rứa đó! Ta biết lối nào mà đi!
Để làm nguôi cơn giận của Cẩn, Hai Long giơ hai tay, vừa nói vừa cười:
- Cậu Út đi với tui!
Một điều bất ngờ đối với Hai Long... Đôi mắt Cẩn đang phóng ra những tia hiểm độc, đầy sát khí, bỗng dịu hẳn xuống ngước nhìn anh, hiền lành, bé bỏng, chờ đợi như mắt trẻ thơ. Anh hiểu là Cẩn thực sự bối rối, hoang mang, cần có một nơi bấu víu, chìa tay ra với mình khi hắn đang rơi vào xoáy nước.
- Chúa đã cho tôi đi với cậu Út đến ngày tận thế. Biết đi thì lối nào cũng thông, cậu Út chớ ngại chi không có đường đi nước bước. Cậu Út và tôi cùng dốc lòng cầu Chúa ban cho bằng an, cậu Út và tôi sẽ đi đến cửa Thiên đàng.
Hai Long đặt một tay lên trái tim. Mặt Cẩn tái xanh. Hai Long cũng cảm thấy gai gai trên mặt. Sự xúc động của Cẩn đã lan truyền sang anh, làm cho anh đang chủ động đóng vai kịch bỗng cảm thấy mất thăng bằng. Tuy vậy không thể dừng lại nửa chừng.
- Cậu Út đã biết tên thánh của tôi. Tôi là Pierre Vũ Đình Long. Cậu có nhớ hình ảnh Thánh Phê-rô[1] tay cầm gậy chỉ đường, tay cầm chìa khóa mở cửa Thiên đàng không?... Cậu Út tính kỹ chưa? Tôi sẵn sàng đi trước dò đường.
Cẩn lập bập:
- Mấy bữa ni tui như người sống trong hỏa ngục, cực khổ muôn vàn. Tui trông cậy nơi anh...
---
[1] cũng là phiên âm latin của Pierre