Chương 9
Tác giả: Hữu Mai
1.
Cha Lê nhắc Hai Long nên dành nhiều thời giờ tới Bình An vì công việc ở đó đang nhiều. Điều này do chính anh đã gợi ý cha Hoàng nên nói với cha Lê.
Giám mục Lê là người đứng đầu giáo dân di cư, hiểu biết rộng và tinh khôn, nhưng vì phẩm hàm quá cao, tính tình lại cao ngạo nên nhiều người e ngại không dám gần. Cha Lê cũng không trực tiếp điều hành mọi việc của giáo phái, mà giao cho cha Hoàng. Cha Hoàng không phải là người thừa hành, mà là người thực sự điều hành, quyết định mọi việc dưới sự chỉ đạo về đường lối của cha Lê. Khách lui tới nhà thờ Bình An nhiều hơn nhà thờ Phát Diệm. Đặc biệt, những tướng tá chống đối Diệm - Nhu hay tìm đến cha Hoàng, vì cha đã có thời là “tổng tư lệnh” tự vệ Bùi Chu - Phát Diệm, hiện nay lại đứng đầu Hội cựu chiến binh Phát Diệm. Hai Long đã có danh nghĩa là người phụ tá của cha Lê, được ủy nhiệm giao tiếp với chính quyền về những vấn đề có liên quan đến khối giáo dân di cư. Nhưng anh không có nhiều việc để làm ở Phát Diệm. Ở Bình An, có lợi cho công tác của anh hơn.
Cha Hoàng rất vui mừng khi thấy cha Lê bảo Hai Long trở về với mình. Hai Long không chỉ còn là người để cha tâm sự, một người “biết làn chính trị”, mà đã có một vị trí mới trong gia đình họ Ngô đang cầm quyền. Hai Long chỉ xin nhận làm cố vấn cho Văn phòng Hội cựu chiến binh Phát Diệm. Anh không muốn gây sự đố kỵ trong những người đang giúp việc cho cha. Cha Hoàng cũng đồng ý vì hoạt động của Hai Long ngày nay đã rộng lớn hơn nhiều, và cần phải rất “tế nhị”.
Hai năm qua, cha Hoàng đã không bỏ lỡ cơ hội Diệm - Nhu đang gặp những khó khăn. Ông đã tổ chức ra Văn phòng Hội tự vệ Công giáo, cử người tới các khu giáo dân di cư công khai kêu gọi về Bình An ghi tên gia nhập Hội. Ông gây quỹ cho Hội, lo công ăn việc làm cho hội viên, đòi hỏi những quyền ưu tiên ưu đãi của chính quyền dành cho cựu chiến binh. Ông trực tiếp tới gặp “Ủy ban chấp hành trung ương Hội cựu chiến binh Việt Nam”, đòi công nhận tổ chức của mình là một phân hội, và phải chia những quyền lợi của Hội này cho tổ chức của mình. Thấy cha làm ăn được, những cựu tự vệ càng năng lui tới. Những phe nhóm chống Cộng khác, những người chống Diệm - Nhu, những người thân Pháp trước đây còn e ngại, nay thấy cha Hoàng lại tập hợp được lực lượng, cũng bắt đầu kéo tới móc nối, tính chuyện làm ăn.
Cha Hoàng phấn chấn kể lại những việc mình đã làm. Hai Long ngồi nghe tỏ vẻ vui mừng. Nhưng rồi bộ mặt của anh lại trở nên rầu rĩ.
- Mấy năm qua, cha Tổng tuổi cao sức yếu mà đã làm được quá nhiều việc, nhưng trở lại Bình An, con chẳng khỏi cảm thấy đau lòng. Bà con giáo dân xứ đạo ta sống cực quá. Quanh quẩn chỉ sống bằng mấy cây cói. Cha chánh xứ ngày xưa ở nhà thờ Phát Diệm nguy nga, bây giờ về đây, nơi thờ Chúa tường cây, mái tôn. Nhìn cảnh này con chẳng yên lòng. Lại còn việc học hành của con em giáo dân. Cả xứ đo chỉ có một trường tiểu học hoang hủy. Con nghĩ không thể để như thế này. Phải tính ngay tới chuyện đào tạo, xây dựng lực lượng của ta lâu dài không e muộn.
Một đám mây u ám che phủ bộ mặt đang vui của cha Hoàng. Điều Hai Long vừa nói, đã dụng tới một nỗi đau của cha. Cha rất căm chính quyền đã đày mình và giáo dân tới vùng đất khô cằn này. Cha rất rầu lòng khi nhìn ngôi trường tiểu học mái tôn, vách ván tối tăm. Con em xứ đạo muốn học tiếp trung học, phải đi sang xứ đạo khác ở khá xa. Từ lâu, cha đã có mơ ước xây cho xứ đạo Bình An một trường trung học, thậm chí cha đã đặt cả tên cho nó là Hoa Lư, để tưởng nhớ tới Ninh Bình, quê hương gốc gác của mình. Nhưng không biết kiếm đâu ra tiền vì xứ đạo này quá nghèo.
- Mình nghĩ mãi rồi... Chẳng có cách nào kiếm ra tiền xây trường!
- Trình cha, sao lại không có cách? Nếu danh tiếng của Phát Diệm được phục hồi, thì không phải chỉ có xây trường khang trang, mà ta còn xây lại cả nhà thờ. Riêng việc xây trường, ta có thể xin tổ chức Công giáo quốc tế về phát triển trường tư thục Công giáo trợ giúp. Và phải bắt chính những kẻ đã đày giáo dân tới cảnh lầm than này, bỏ tiền ra để ta xây dựng trường cho con em.
Nét mặt cha Hoàng vui hẳn lên, nhưng cha vẫn nhìn anh với cặp mắt còn như chưa hiểu hết những lời anh nói.
- Việc này cha để con lo. Mai mốt con sẽ thưa lại.
- Thầy Bốn mà làm được việc đó thì cả xứ đạo không bao giờ quên ơn.
- Không phải con làm được việc này, chỉ cha Tổng mới làm được, có điều là cha chưa nghĩ tới đó thôi.
2.
Từ ngày về Sài Gòn, Hai Long đã đôi lần gặp lại Dương Văn Hiếu và Tá đen.
Đoàn cán bộ công tác đặc biệt miền Trung của Cẩn vẫn nằm ở ngôi nhà phố Vân Đồn và trại Lê Văn Duyệt, Sài Gòn, tiếp tục tác yêu tác quái. Anh đã nhận thấy ở Tá đen vẻ cay cú pha trộn với sợ hãi. Thường thì hắn đảo cặp mắt rắn ráo nhìn anh rồi lẩn luôn. Hiếu biết che giấu hơn. Hắn đã được Cẩn dặn dò về quan hệ với anh. Hắn chủ động nói trước: “Anh em ta thông cảm nhau, vì cùng là giáo dân di cư, cùng là cán bộ của ông Cậu, cùng lý tưởng chống Cộng. Ông Cậu đã chỉ thị cho tôi phải giúp đỡ anh tất cả những gì cần để thực hiện nhiệm vụ ông Cậu giao...”. Nhưng qua vẻ vừa trọng nể vừa thân tình của hắn, Hai Long vẫn cảm thấy sự giả dối. Hiếu và Tá đen là những vật chướng ngại trên con đường đi vừa mở ra thênh thang. Đối với anh, đây là những phần tử rất nguy hiểm. Cần phải tìm mọi cách hạn chế chúng. Anh đã nghĩ tới khi cần, buộc phải xử án chúng, hoặc mượn tay Cẩn, tay Nhu, hay nhờ đội đặc biệt. Nhưng chúng sẽ không làm gì được anh, chừng nào anh còn nắm chắc được Nhu và Cẩn.
Hai Long quyết định ra Huế.
Xuống sân bay Phú Bài, anh đi thẳng về nhà Cẩn ở Phú Cam.
Nghe người nhà báo tin anh tới, ông Cậu lật đật ra cửa, ôm lấy anh, rồi khoác vai đưa vào nhà.
Cẩn hỏi về cuộc hội đàm với Johnson và thái độ của vợ chồng Nhu đối với ông Cụ.
Hai Long nói, anh được Nhu mời đi tháp tùng vợ Nhu trong cuộc tiếp đón vợ chồng phó tổng thống Mỹ, nhưng Đức cha không cho đi. Nhu chưa cho anh biết gì hơn ngoài những điều đã thông báo trên báo chí, nhưng theo dư luận thì không phải chỉ có như vậy.
Cẩn lầm bầm:
- Hắn muốn ép mình để đưa quân Mỹ vô, nhưng quân Mỹ chưa vô, hắn đã xúi người lật đổ mình. Quân Mỹ vô rồi thì mần răng mà yên với hắn!
Về chuyện trong phủ tổng thống, Hai Long nói, anh mới ra vào vài lần, thì thấy đúng như điều Cẩn đã nhận xét trước đây, ông Cụ quá tốt, quá tin người, đã chót dùng ai thì dù người đó có xấu cũng cứ dùng cho tới cùng, vì không có người nói sự thật, nên ông Cụ vẫn cho rằng mọi chuyện đều tốt. Ông Nhu uyên bác, tài cao, nhưng phải làm mọi việc, lại không thích giao du, chung quanh không có ai, nên chủ trương thì hay, nhưng không có người thực hiện.
- Có đó chớ... bà Nhu! Hai người là đủ quá rồi! - Cẩn nói mát mẻ, vẻ mặt cay cú.
- Tiếc là Đức cha Thục đã ra Huế rồi. Nếu như cha còn ở Vĩnh Long, thỉnh thoảng người lên cho ý kiến, thì tốt cho tổng thống hơn.
Cẩn ngồi trầm ngâm, rồi nói:
- Anh chưa biết hết chuyện nhà ni. Cha Thục rất nghe bà Lệ Xuân. Một mụ Đắc Kỷ!... Việc tui nhờ anh, anh đã lựa dịp bàn với hai cha chưa?
- Dạ, tôi đã làm ngay từ khi về. Cha Lê vẫn im lặng, chỉ khen cậu Út là người thủy chung. Nhưng cha Hoàng thì rất sốt sắng. Tôi dã bàn luận với cha Hoàng nhiều lần. Chuyện tổng bộ, thì cha Hoàng mới là người thực việc. Lực lượng của cha Tổng hiện nay đã tập hợp lại, đông lắm. Uy tín của cha Hoàng trong giáo dân và các đoàn thể chính trị lên rất cao... Ra Huế lần này, tôi muốn bàn với ông Cậu tìm cách xúc tiến thêm mối quan hệ...
- Anh có cách chi?
- Tôi cũng thấy việc này rất khó, vì phải đi từng bước, mà rất kín đáo...
Cẩn gật đầu. Hai Long nói tiếp:
- Thực ra, cha Tổng còn hận ông Nhu nhiều, vì cha thừa biết chính ông Nhu đã đày cha về xứ Bình An. Còn đối với tổng thống và ông Cậu, thì cha vẫn rất quý trọng. Gần đây, cha Tổng đang quyên góp tiền để xây một trường trung học ở xứ đạo của cha. Có lẽ nhân dịp này, ông cố vấn nên gửi tặng xứ đạo một số tiền dưới danh nghĩa là góp vào việc công ích cho giáo dân. Nếu cha Tổng vui lòng nhận, thì có thể coi là giữa cha và ông Cậu đã có sự cam kết.
- Liệu cha Tổng có chịu nhận không?
- Chắc chắn tôi sẽ không đề nghị ông Cậu làm việc này, nếu lễ vật của ông Cậu có thể bị trả lại.
Thấy Cẩn tỏ ra rất sốt sắng, Hai Long dấn thêm:
- Đây là việc công ích, còn nếu ông Cậu có ý định tặng quà riêng cho cha Tổng, tôi cũng có cách làm cho cha vui lòng nhận.
- Biết tặng cha cái chi?
- Cha Tổng đã cao tuổi, ở xa Sài Gòn, đi lại toàn phải dùng xe đò, xe tắc-xi; nếu bây giờ ông Cậu tặng cha một chiếc xe du lịch, chắc là cha sẽ rất cảm động.
- Tui có một chiếc Peugeot 203 dùng rồi, nhưng còn rất tốt, tặng cha liệu cha có nhận không?
- Tôi nghĩ như vậy càng thân, tôi sẽ nói rằng ông Cậu đưa xe của mình đang dùng cho cha đi.
- Tui cho thằng Dư đánh xe đưa anh vô luôn, để xe lại cho cha, nó đáp máy bay ra. Còn tiền xây trường, năm chục vạn được không? Anh cầm vô luôn.
Biết rằng đối với Cẩn một món tiền như vậy là to, Hai Long nói:
- Ông Cậu tặng giáo dân chừng dó là hậu hĩ. Nhưng tôi xin đề nghị ông Cậu cử người đưa xe và tiền vào sau khi tôi về, kèm theo thư của ông Cậu. Tôi không muốn cha Tổng hiểu lầm là ra Thuận Hóa xin tiền ông Cậu...
Hai Long nói xong mỉm cười.
Nghe Hai Long nói trước khi vào, sẽ tới Tòa Tổng giám mục chào cha Thục, Cẩn liền nói:
- Tui muốn trao đổi với anh chuyện ni, giữa tui và cha Thục còn có chỗ bất đồng. Anh thấy mình nên có thái độ ra răng với lực lượng Phật giáo ở miền Trung ni?
- Phật giáo chiếm 90 % dân số ở miền Nam; theo tôi, không nắm được lực lượng Phật giáo không thể làm nên việc lớn. Ở miền Trung, Phật giáo càng quan trọng.
Cẩn ngồi im không nói gì. Hai Long cảm thấy Cẩn đồng ý với mình.
Sáng hôm sau, Hai Long tới Tòa tổng giám mục.
Cha Thục đón anh một cách đặc biệt sốt sắng. Anh đã biết cha Thục đang vận động Tòa thánh Vatican phong cho chức Hồng y giáo chủ, để có uy quyền lẫm liệt cả phần đạo lẫn phần đời. Cha rất sợ cha Lê phá ngang kế hoạch của mình.
Sự có mặt của Hai Long là một dịp tốt để cha Thục thăm dò thái độ của cha Lê, và đồng thời, qua anh, tác động tới cha Lê những gì có lợi cho mình. Biết vậy, Hai Long lựa lời nói cho cha vui.
Hai Long đưa tặng cha một cái áo choàng bằng nỉ đen. Áo soutane, mũ thầy tu và giày là ba vật quý trọng nhất con chiên mang tới tỏ lòng cung kính thần phục vị cha cố thân thiết nhất của mình.
Nhận món quà này từ tay con cái cha Lê, cha Thục rất hỉ hả. Không biết làm gì đề tỏ lòng quý mến Hai Long, cha Thục lại viết thư giới thiệu anh với Nhu một lần nữa, với nhiều lời khen đức độ của người con chiên thánh thiện.
Cha Thục dặn di dặn lại Hai Long:
- Cần bất cứ điều chi, cứ nói để ông cố vấn chính trị lo cho chu đáo. Nhớ chuyển lời thăm sức khỏe của cha đến cha Lê, nếu ngài có dạy bảo điều chi thì con ra ngay báo cho cha hay...
3.
Vào dinh Độc Lập lần này, Hai Long báo với Nhu, mình dành một số thời gian làm việc ở Bình An với cha Hoàng, vì ở đây có lợi cho anh để nắm sớm nguồn tin của những phe phái, nhất là cánh quân sự đối lập với chế độ. Anh kể cho Nhu những nhân vật quân sự thường xuất hiện ở chỗ cha Hoàng; anh biết Nhu đã nắm được vì bọn mật vụ của Lê Quang Tung không khi nào rời khỏi nhà thờ Bình An. Nhu rất tán thành việc làm của anh. Nhu để lộ trong cuộc hội đàm với phó tổng thống Mỹ, Johnson đã ngỏ ý muốn gửi những đơn vị quân chiến đấu Mỹ sang Việt Nam chống lại hoạt động vũ trang ngày càng tăng của cộng sản, nhưng tổng thống đã khước từ, nói chỉ cần đến quân chiến đấu Mỹ trong trường hợp xảy ra một cuộc xâm lăng công khai của Bắc Việt.
Nhu nói rất tự tin:
- Tôi đã đoan chắc với ông Johnson, Việt Nam cộng hòa có đủ khả năng tự bảo vệ nếu được Mỹ tăng cường viện trợ. Phó tổng thống Mỹ rất tán thành chiến lược phòng vệ của ta. Chương trình ấp chiến lược sẽ trở thành quốc sách. Quân chính quy sẽ tăng lên ba chục vạn. Sẽ không để những quân khu như hiện nay, mà tổ chức lại cho thích hợp với chiến lược chống chiến tranh du kích của cộng sản. Tháng tới, một phái đoàn kinh tế Mỹ sẽ sang, sau đó là phái đoàn quân sự. Những chuyên gia về chống chiến tranh du kích sẽ sang trước. Người Mỹ đã mời cho chúng ta những tinh hoa về chống chiến tranh du kích. Họ sẽ tới vài đầu tháng 6.
- Tôi tán thành ý kiến ông cố vấn đã nói bữa trước: kinh nghiệm chống chiến tranh du kích quý báu nhất, quyết định nhất là kinh nghiệm của ta!
- Đúng như vậy! - Nhu giơ tay, nhấn ngón tay trỏ trước mặt anh - Chiến lược “ấp chiến lược” là do chính ta đề ra, không phải họ. Nhưng ta cần những kinh nghiệm cụ thể của Dayan, của Robert Thompson.
- Như vậy, cần hơn vẫn là kinh nghiệm của Bùi Chu - Phát Diệm. Cha Hoàng là một pho sách đồ sộ về chống chiến tranh du kích của cộng sản.
Nhu nhận ra vẻ hăng hái của Hai Long, chăm chú nhìn anh, rồi giảng giải:
- Tôi nhớ dã nói với anh những chuyện này từ ngày ở Phú Cam. Riêng hai giáo khu Bùi Chu, Phát Diệm, các tướng tá gốc từ Phát Diệm, đã làm cho ta một bản tổng kết khá đầy đủ. Ngoài ra, ta còn một bản tổng kết về đại xã Đồng Quan, và những kinh nghiệm mới nhất về xây dựng khu trù mật ở Vị Thanh, Hải Yến ở miền Tây Nam Việt. Việc này cha Nguyễn Lạc Hóa đã làm từ mấy năm nay, dịp này ông sẽ báo cáo. Có phải đâu tới hôm nay mọi việc mới bắt đầu?
Hai Long biết Nhu ghét những cuộc tranh luận kéo dài vô ích, nhưng đã có chủ định, anh tiếp tục nói:
- Tôi biết ông cố vấn đã chuẩn bị từ lâu, nhưng tôi vẫn muốn nói, không thể quên cha Hoàng, cha tổng tư lệnh của lực lượng tự vệ giáo dân ở đồng bằng Bắc Việt trong suốt kháng chiến... Tại sao ông cố vấn không nghĩ đến chuyện mời các chuyên gia nước ngoài, mời tất cả những vị có kinh nghiệm về chống chiến tranh du kích tới Bình An cùng cha Hoàng trao đổi kinh nghiệm, xây dựng thành một bản kế hoạch.
- Đây là một ý kiến mới. - Nhu gật gù - Nhưng liệu cha Hoàng có chịu hợp tác với ta không?
- Cha là một người kiên quyết chống Cộng, tôi tin ràng cha sẽ không thoái thác.
- Mình sẽ bàn với các chuyên gia khi họ sang đây. Họ làm việc này theo hợp đồng với người Mỹ. Khi hoàn tất kế hoạch, họ sẽ đem về Mỹ báo cáo, chuẩn bị cho một phái đoàn quân sự mang kế hoạch sang làm việc với ta.
- Nếu vậy, nhất thiết nên mời họ về Bình An. Tôi sẽ giúp ông cố vấn nắm trước bản dự thảo kế hoạch của họ. Mặt khác, tôi cũng muốn nhân đây khôi phục lại mối quan hệ tốt giữa cha Tổng với chính quyền quốc gia.
- Nếu “toi” đồng thời làm được cả mấy việc, thì đó là quá tốt.
Không nên để Nhu hiểu việc mình làm quá dễ dàng, Hai Long nói:
- Cha Hoàng thường nghe ý kiến tôi, nên tôi tin và sẽ cố gắng đạt được điều mong muốn của ông cố vấn.
4.
Cẩn đã cho người đưa tới Bình An chiếc xe du lịch Peugeot 203 được sửa lại như mới và 50 vạn đồng kèm theo một bức thư gửi cha Hoàng với những lời thân thiết. Từ một lời nói tưởng như buông trôi của Hai Long, đã dẫn tới những kết quả nhanh chóng và bất ngờ, khiến cho cha cảm thấy như là một giấc mơ.
Khi Hai Long vào Bình An, cha Hoàng trỏ chiếc xe nằm choán gần nửa cái sân nhà thờ bé nhỏ, nói:
- Xe của thầy đó, đâu phải là của tôi, thầy đưa về nhà mà đi.
Hai Long mỉm cười, rồi cùng cha Hoàng đi vòng quanh nhà thờ, về căn phòng nhỏ tồi tàn của cha chánh xứ.
- Con đã thưa với cha, nhà thờ Bình An tuy nhỏ nhưng uy tín của cha không nhỏ. Con còn đang lo những chuyện lớn hơn nhiều. Không thể để cho uy danh của cha Tổng mỗi ngày mai một đi.
Hai Long thuật lại chuyện anh đã bàn với Nhu và khuyên cha Hoàng nên nhận lời cùng làm việc với các chuyên gia nước ngoài và trong nước, xây dựng bản kế hoạch ấp chiến lược. Anh nhấn mạnh đây là một dịp rất tốt không nên bỏ qua, để gây lại thanh thế của Bùi Chu - Phát Diệm và cha Tổng không những ở trong nước mà còn cả trên trường quốc tế.
Cha Hoàng nhận thấy lời anh nói là đúng, nhưng vẫn phân vân.
- Làm được cái gì, họ nói cả rồi, mình còn gì mà nói?
Hai Long nói:
- Họ tự xin tới nhà thờ Bình An để gặp cha Tổng, thì cha là chủ mà họ là khách. Cha muốn nói kinh nghiệm của mình thì nói, không nói thì thôi. Con nghĩ tốt nhất là mình bảo họ trình này trước, rồi cha nhận xét. Mình rút ruột họ, chứ không để cho họ rút ruột mình. Họ nhất định phải tôn trọng và nghe lời cha, vì trong bọn họ chưa hề có ai chiến đấu ở Việt Nam, chưa có ai đã từng đương đầu với một địch thủ ghê gớm như Việt Cộng đã đánh thắng cả quân đội viễn chinh Pháp...
Cha Hoàng bắt đầu có hào hứng và cuối cùng, cha nhận lời.
Đầu tháng 6, nhóm chuyên viên người Do Thái và người Anh về chống chiến tranh du kích lần lượt kéo tới nhà thờ Bình An, xin gặp cha Tổng. Nhóm chuyên gia Do Thái của Dayan trình bày kinh nghiệm về xây dựng nông trang Do Thái Kibbutz của Israel. Nhóm chuyên gia Anh của Robert Thompson trình bày những kinh nghiệm về xây dựng ấp tự vệ Homeguard ở Mã Lai.
Kế đó, những chuyên viên về chống chiến tranh du kích của phủ tổng thống được Nhu phái tới, xin gặp cha Hoàng qua sự trung gian của Hai Long. Nhờ đó, Hai Long có điều kiện trực tiếp gây ảnh hưởng với những người thân cận của Diệm và Nhu. Số này chia làm nhiều nhóm. Nhóm của cha Raymond De Jaegher, nguyên cố vấn của Tưởng Giới Thạch, được Mỹ chuyển sang giúp Ngô Đình Diệm về công việc hành chính. Nhóm Nguyễn Lạc Hóa, một linh mục người Hoa, đã xây dựng khu Hải Yến và khu trù mật Vị Thanh, Hòa Lưu ở miền Tây Nam Việt, nhóm Nguyễn Viết Khai, người thường làm lễ trong dinh tổng thống, rất thân cận. với Ngô Đình Diệm. Nhóm Nguyễn Văn Khoa, người vừa là bạn vừa là cố vấn của Ngô Đình Nhu. Nhóm Lê Quang Tung, mật vụ của Ngô Đình Nhu cũng công khai xuất hiện.
Chưa bao giờ xứ đạo Bình An nghèo nàn, vắng vẻ lại trở thành nơi lui tới tấp nập nhiều phái đoàn quan trọng của chính quyền đến như vậy. Uy tín của cha Hoàng lên như cồn. Hai Long nhận thấy vẻ hài lòng rõ rệt của cha chánh xứ đối với mình.
Anh đã nắm được chiến lược chiến tranh chống du kích từ khi còn là bào thai.
Một nhân vật mới xuất hiện làm cho Hai Long chú ý.
Gần đây vào thư viện, Hai Long thường gặp một người đeo kính trắng, có dáng dấp một viên chức, ngồi đọc sách ngay bên cạnh mình. Anh ta chủ động làm quen với Hai Long. Anh tự giới thiệu tên là Thắng, làm việc ở An ninh quân đội, khi viết báo ký bút danh là Nhị Hà. Tờ báo Thắng thường viết là tờ Sinh Lực, chịu ảnh hưởng của Đỗ Mậu, có khuynh hướng bảo vệ Diệm nhưng lại chống Nhu, Cẩn. Thắng nói đã biết Hai Long từ lâu là người thân cận của cha Lê và cha Hoàng. Đôi lần, anh ta rủ Hai Long đi ăn sáng hoặc uống cà phê, Hai Long khi nhận lời, khi khéo léo chối từ.
Hai Long dò hỏi, biết Thắng chính là bí thư của Đỗ Mậu. Có quan hệ với một nhân vật như thế này, rất lợi cho công tác của anh. Nhưng vì sao anh ta lại rất chủ động làm quen với mình, đó là điều Hai Long còn chưa rõ. Anh ta đang cần ở mình cái gì? Thực ra, với cương vị hiện tại, về một số mặt nào đó, Hai Long cũng có thể có ích cho anh ta. Hãy để cho chính anh ta nói ra. Chuyện trò với Thắng khá bổ ích. Thắng am hiểu các giáo phái ở miền Nam, biết sâu về giáo lý, quen nhiều nhân vật trong chính quyền và giới báo chí.
Cuối cùng Tháng ngỏ ý nhờ Hai Long kiếm cho mình mượn một bản Dự thảo Kế hoạch Ấp chiến lược, vì biết việc này nằm trong tầm tay của Hai Long. Những lý do anh ta đưa ra có vẻ xác đáng: Đỗ Mậu muốn đọc trước bản này để chuẩn bị làm việc với Nhu; là một ký giả, anh cũng muốn đọc để nắm một vấn đề chiến lược quan trọng. Nhưng Hai Long biết rất rõ cả vợ chồng Nhu đều không tin và ghét Đỗ Mậu. Người cần kế hoạch này chính là anh ta! Hai Long cười thầm. Trung tâm đã chỉ thị cho anh phải tìm mọi cách có sớm bản kế hoạch. Chắc không phải chỉ riêng anh nhận được chỉ thị đó. Rất nhiều người như anh, đang lao đi tìm nó. Anh báo cáo chuyện này về Trung tâm. Trung tâm chỉ thị tránh quan hệ với Thắng. Như vậy đã rõ Thắng là ai. Anh cũng tự bảo mình phải rút kinh nghiệm trong trường hợp này.
5.
Đã có xe, cha Hoàng bắt đầu năng đi lại.
Ngày nào cha Hoàng cũng cùng với Hai Long phóng chiếc Peugeot từ Bình An vào Sài Gòn kiếm nhà cao tầng làm trường học, và gặp gỡ các tổ chức tôn giáo, các đảng phái, bàn việc giúp đỡ giáo dân di cư miền Bắc xây dựng một ngôi trường. Đi tới đâu, cha Hoàng cũng giới thiệu Hai Long là phụ tá của giám mục Lê, giáo sư của địa phận Phát Diệm cũ, được cha Lê ủy nhiệm xây dựng một trường lớn cho con em giáo dân. Một số khá đông đảng phái ở Sài Gòn biết Hai Long qua lời giới thiệu của cha Hoàng. Cha Hoàng còn dẫn Hai Long đến gặp Tổng giám mục Nguyễn Văn Bình, Khâm sứ Tòa thánh Vatican, Tổng giám mục Palmas đề nghị xin sự giúp đỡ của tổ chức Công giáo.
Hai Long giúp cha Hoàng xây dựng một trường trung học đệ nhất cấp ở Bình An. Cha Hoàng bỏ cái tên Hoa Lư đã dự kiến trước đây, đặt tên là trường Đồng Tâm, có ý nghĩa rộng hơn tên cũ. Hai Long mời nhiều giáo sư nổi tiếng từ Sài Gòn vào dạy giờ. Anh nhận phần dạy giáo lý, Việt văn và Pháp văn.
Tên Hai Long bắt đầu được gọi theo nhiều chức vụ mới: phụ tá của cha Lê, cố vấn của cha Tổng, ông giáo, ông giám học trường trung học tư thục Đồng Tâm. Anh thường được cha Lê, cha Hoàng cử làm người thay mặt tiếp xúc với các phe phái.
Hai Long nhanh chóng quan hệ được với giới giáo sư những trường Công giáo lớn ở Sài Gòn và những trường tư của những đảng phái chính trị, tôn giáo khác. Nhiều người muốn cộng tác với Hai Long, vì hâm mộ danh tiếng của cha Lê và cha Hoàng, muốn nhân đó liên kết cùng làm chính trị. Một giáo sư, quê ở Phát Diệm, bàn với anh mở chung một ngôi trường trung học ở đường Phạm Hồng Thái, Sài Gòn, với một ban giáo sư gồm những người nổi tiếng nhất. Hai Long tán thành ý kiến này, hy vọng có một trung tâm hoạt động của mình ngay tại Sài Gòn.
Một bữa, Hòe tìm anh định nói điều gì, nhưng có vẻ ngập ngừng, cân nhắc. Hai Long đã đề nghị với Trung tâm tiến hành thẩm tra và bổ sung Hòe vào lưới của mình. Trung tâm chỉ thị tiếp tục thử thách, chờ quyết định sau. Hồi lâu, Hòe nói:
- Anh Hai..., tôi thấy anh Hai phải đi lại quá nhiều, ra vào toàn những nơi quan trọng, mà khi nào cũng chỉ có chiếc xe đạp với cái sơ mi trắng, thiệt không tiện cho công việc. Tôi đã may cho anh Hai vài bộ quần áo và kiếm được một chiếc mô-bi-lét để anh Hai dùng tạm. Mong anh Hai không từ chối...
Trước thái độ hết sức chân tình của Hòe, Hai Long đành phải nhận.
Mối quan hệ giữa Hai Long và cha Hoàng đã phát triển tới mức như lời cha nói “corps et âme”[1].
Anh tiếp tục chăm sóc sức khỏe cha chánh xứ một cách rất chu đáo. Anh kiếm rượu Quinquina la Roche để cha trị sốt rét, thuốc xịt chống hen suyễn đề phòng khi cha lên cơn, đồng hồ đo huyết áp và thuốc trị bệnh huyết áp cao. Thỉnh thoảng, anh mang vào cho cha một đôi món ăn không đắt tiền, nhưng hợp khẩu vị của cha. Cần hơn đối với cha là những món ăn tinh thần. Hai Long thu thập những tin tức chính trị từ Sài Gòn, từ chỗ Đức cha Lê, hay có khi từ những người lui tới nhà thờ Bình An để thuật lại cha nghe.
Mỗi lần anh đến, cha Hoàng đều mừng rỡ, thường dẫn ngay vào văn phòng riêng, tự tay đốt ngọn đèn dầu đun nước pha trà, rang lạc cả vỏ, rồi cùng ngồi đối ẩm. Có trái cây ngon của con chiên mang biếu, bao giờ cha Hoàng cũng cất để dành, chờ khi anh đến, cùng “thụ lộc”.
Trong những buổi nói chuyện tay đôi như vậy, cha Hoàng dường như không giấu Hai Long điều gì. Ông kể là bản thân mình đã có lúc đi với cách mạng trước Tổng khởi nghĩa, ông đã liên lạc với Việt Minh lập chiến khu chống Nhật, đã kết hợp với Việt Minh khởi nghĩa cướp chính quyền ở Kim Sơn, Phát Diệm. Ông nói chính cha Lê, khi còn là cố vấn cho Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa, đã che giấu cho ông lập tự vệ Công giáo chống cách mạng, núp dưới danh nghĩa tự vệ Cứu quốc. Ông kể chuyện đã chuẩn bị cho quân đội Pháp vào Phát Diệm năm 1949 như thế nào.
Nhiều lúc ông quên cả mình là người tu hành, là cha chánh xứ, say sưa kể lại những trò nghịch ngợm quấy phá cố Pháp, cố Bỉ ở chủng viện, kể cả có thời kỳ chính ông đã toan phá giới, trút bộ áo nhà tu để chạy theo một bóng hồng.
Cha Hoàng tự nhận là mình chịu ảnh hưởng sâu sắc của giáo hoàng Pierre XII, các Tổng giám mục Drapier và Durlay. Ông không có chút khoan nhượng nào với chủ nghĩa cộng sản. Ông nói là “Đức mẹ Maria sẽ thắng, nước Nga xã hội chủ nghĩa sẽ trở về với nước Nga trước 1917”.
Cha Hoàng ham hiểu biết, chịu khó đọc sách. Ông nói với Hai Long: “Muốn thuyết phục người ta thì phải thông hiểu nhiều hơn người ta. Cha Lê, Khâm sứ Tòa thánh biết rộng, biết nhiều. Ngô Đình Nhu không biết nhiều nhưng biết rộng. Ngô Đình Diệm không biết rộng cũng không biết nhiều!”.
Qua những câu chuyện, cha Hoàng bộc lộ rõ là một người độc tài, gia trưởng, tàn bạo như một lãnh chúa thời phong kiến. Về mặt chính trị, cha gian hùng, xảo quyệt, nhiều mưu kế hại người. Về cá tính, cha hay đố kỵ, nhiều định kiến, nóng nảy, hiếu thắng, đã ghét ai là chửi thẳng, không muốn nhìn mặt. Nhưng về mặt đạo, đối với con chiên, cha là một cha xứ hiền hòa, bao dung và độ lượng, luôn nghĩ đến quyền lợi giáo dân.
Hai Long tìm thấy ở cha Hoàng một người thầy phản diện mà anh không thể thiếu trong hoàn cảnh hiện thời.
6.
Hai Long đạp xe tới gần cửa nhà thờ Bình An thì trời đổ mưa to. Anh chạy vào nhà một giáo dân, đứng trú chân. Anh hỏi ông chủ nhà:
- Cha xứ có nhà không bác?
- Cha có nhà.
- Cha ở văn phòng hay ở đâu?
- Cha đứng kia, ở cửa nhà thờ.
Hai Long nhìn qua cửa sổ thấy cha Hoàng mặc áo chùng đen, chắp tay sau lưng, đứng trước cửa ngách của nhà thờ, giống như một pho tượng. Dường như ông đang thẫn thờ nhìn hạt mưa rơi. Có lẽ ông chưa nhìn thấy anh nên không gọi. Anh lại hỏi ông chủ nhà:
- Cha đứng đó lâu chưa?
- Lâu lắm rồi, từ lúc trời chưa mưa.
Hai Long theo dõi một hồi, thấy cha Hoàng vẫn đứng im.
Anh đã nhiều lần bắt gặp dáng vẻ cô đơn của ông như lúc này. Có buổi trưa hè tĩnh mịch, trong lúc mọi người nằm ngủ, ông đứng thơ thẩn một mình bên bờ ao. Có buổi sớm mai đẹp trời, ông đứng nhìn ngọn núi Bà Đen như người mất hồn, không nghe rõ lời chào “Lạy cha!” của người giáo dân đi ngang. Thường thường, ông ngồi trầm ngâm bên bàn nước, con ruồi đậu trên má cũng không buồn đuổi, chẳng biết là đang mải mê suy nghĩ gì.
Mưa hơi ngớt, Hai Long chạy ngang đường vào nhà thờ.
Nhận ra anh, cha Hoàng như vừa tỉnh giấc mơ, miệng mỉm cười, đưa anh về văn phòng.
Khi hai người đã ngồi đối ẩm, Hai Long báo với cha một tin vui:
- Sáng nay con gặp ông linh mục De Jaegher ở dinh Gia Long. Ông rất ca ngợi cha xứ, ông nói ở Việt Nam không có một người thứ hai như cha. Cha hiểu rất sâu sắc về chiến tranh.
- Mình lại buồn phiền về lời khen đó.
- Linh mục nói rất thành thật. Nhiều người ở phủ tổng thống đến làm việc với cha xứ về đều có ý kiến như vậy.
- Đó chính là điều đáng buồn. Mình hy vọng được nghe nhiều ý kiến sâu sắc của họ, mình muốn họ chê bai mình dã làm hỏng mọi chuyện, nhưng họ lại khen mình. Họ chẳng biết gì hơn mình. Vậy mà lại toàn là những chuyên gia quân sự cự phách, những cố vấn của tổng thống!
- Linh mục De Jaegher nhờ con chuyển đạt tới cha, ông muốn mời cha tham gia Ban cố vấn về ấp chiến lược. Nếu được cha chấp thuận, ông linh mục sẽ nói với ông cố vấn chính trị hoặc đích thân tổng thống đặt lời mời.
- Vào cái Ban cố vấn đó làm chi!.. Khi mình biết rồi họ sẽ thất bại. Không kể De Jaegher, ông ta là cố vấn giúp Tưởng Giới Thạch, nhưng Tưởng đã phải bỏ chạy ra Đài Loan, cả Dayan, Thompson cũng sẽ không làm được gì! Phải nhận là họ thông minh, nhưng họ không hiểu chút gì về du kích cộng sản Việt Nam! De Linaret đã lập đại xã Đồng Quan, nhưng chống cự được bao lâu?... Mình không tin là mình đã đánh thắng du kích cộng sản. Khu tự trị Bùi Chu - Phát Diệm còn yên lành, vì nó là một khu Công giáo toàn tòng, Cộng sản chưa muốn đụng đến! Đó là do chính sách của ông Hồ Chí Minh. Nếu cộng sản cứ đụng, mình không tin là sẽ giữ được!
Mặt cha Hoàng buồn thiu.
Hai chén trà trên bàn và cả ấm trà cũng đã nguội ngắt.
Cha Hoàng cầm ấm trà đứng lên, Hai Long toan giành lấy:
- Cha đưa con làm.
Cha Hoàng kiên quyết gạt tay anh:
- Để mặc mình!
Cha xứ lọm khọm cầm ấm trà đi đổ bã, cái lưng còng xuống. Lần đầu, cha tự thú sự bất lực của mình. Bệnh tật tuổi già đã không cho phép cha làm lại tất cả từ đầu.
Cha quay vào nhìn Hai Long đang ngồi thẫn thờ, với đôi mắt già nua đầy thương cảm:
- Toàn chuyện tranh chấp... Nội bộ quốc gia rối bét! Khó tin vào Pháp! Chán ngán đường lối chống Cộng của Mỹ! Chỉ còn tin ở phép mầu nhiệm của Chúa mà thôi...
---
[1] cả thể xác lẫn tinh thần