Chương 11
Tác giả: Ian Lari
Trên mặt đất lạnh lẽo sương mù chạy lan như những làn sóng, giống hệt như đổ sữa lên khu rừng đen im ắng, lấp đầy các khe lạch.
Các ngọn cây cao thấp thoáng ẩn hiện trong sương mù.
Cái lạnh và ẩm ướt của buổi sáng bò lan vào trong hang xuyên qua các khe hàng rào cản và chẳng bao lâu ở đây cũng mát lạnh như ngoài trời. Bọn trẻ ngủ mê, trăn trở. Chúng co đầu gối đến tận cằm, nhưng cũng không vì thế mà được ấm hơn.
Cuối cùng Karik không chịu được, nhổm dậy dụi mắt ngái ngủ co ro và ngơ ngác nhìn lên những bức tường dốc thoai thoải. Những bức tường trắng như bạc tựa như phủ bởi một lớp sương giá. Karik sờ vào nó.
- Không, đó không phải là sương giá, đó là những tấm thảm bằng bạc. Hừ, lạnh quá!
Valia nằm dưới sàn trên tấm thảm co tròn người lại. Cô bé kéo đầu gối lên tận cặp mắt đang nhắm và che đầu bằng cả hai tay. Trong mơ cô vẫn khẽ rên rỉ và thổn thức.
Karik nhảy tại chỗ cố gắng sưởi ấm mình. Sau đó cậu chạy dọc theo tường đến cuối hành lang.
Cậu bé có vẻ được ấm thêm lên.
Cậu quay trở lại và theo đà chạy nhào lộn 1 lần, 2 lần, 3 lần và bỗng té vào chân Valia.
Valia nhẩy phắt dậy, kêu lên:
- Cái gì, cái gì thế? Chúng đã tấn công rồi hay sao? Run rẩy và co ro, cô bé ngước nhìn Karik bằng cặp mắt ngái ngủ và sợ hãi.
Karik ngạc nhiên:
- Em làm sao thế? Anh đấy mà, tỉnh lại đi… Em hoàn toàn bọ rét cóng rồi… Cóng tím ngắt cả người thế này… Thôi nào, chúng ta hãy vật nhau đi. Em sẽ ấm ngay đấy mà, bắt đầu nhé.
Cậu nhảy xung quanh và chọc quấy cô em.
Valia đẩy Karik ra:
- Để em yên!
Nhưng cậu bé khi ngã đã kịp túm lấy cô và chúng lăn trên sàn êm như thảm.
Valia khóc thút thít:
- Bỏ ra! Người ta không động đến mình thì mình đừng có động đến người ta.
- Ôi! Em đúng là một con sên! Anh định sửa ấm cho em đấy mà!
- Còn em thì chỉ muốn ngủ thôi! – Valia làu bàu nói và lại nằm xuống.
Karik bực mình nói:
- Ừ thì cứ ngủ đi.
Ở phía bên kia tường có người nào đó lục đục, đập, gõ, ho sù sụ rồi bỗng cất tiếng hát to vui vẻ:
- Này hỡi chú chim sẻ,
Chú ăn ở đâu thế?
Ăn ở vườn bách thú,
Chuồng cáo có cơm thừa.
Uống nước nhờ hải mã.
Đó chính là giọng hát “khủng khiếp” của giáo sư.
Karik:
- Đấy, em thấy không! Mọi người đã thức dậy ca hát, chỉ có em là còn nằm lăn lóc…
Cậu chạy lại cửa hang và gọi:
- Ivan Germogenovich! Bác ở đâu đấy!
- Ở đây! Ở đây! Dậy đi thôi, các bạn. Bữa ăn sáng đã sẵn sàng.
- Bữa ăn sáng có gì thế bác?
- Một món trứng tuyệt diệu!
- Món trứng ư bác?
Ồ, cái đó thì thú vị hơn nhiều so với việc nằm chịu rét cóng. Bởi vậy Valia nhanh chóng nhỏm dậy.
- Nào, đi thôi!
Bọn trẻ dọn những cành cây lấp lối vào căn nhà của con bọ suối và bước ra ngoài trời. Nhưng khi Valia vừa đặt chân lên mặt đất, cô lập tức hoảng sợ nhẩy lùi lại.
- Cái gì thế Karik, chúng ta ở đâu thế này – Cô bé thì thầm và nắm chặt tay anh.
Đất, trời, rừng rú đều chẳng thấy đâu.
Những đám mây đen của các bong bóng nước lấp lánh trôi bồng bềnh trong không khí. Những bong bóng nước này quay lên, va chạm vào nhau, từ từ hạ xuống rồi lại bay lên cao.
Khắp nơi như một cơn bão tuyết các bong bóng lấp lánh.
Karik kêu lên:
- Bác Ivan Germogenovich ơi! Cái gì, cái gì thế, cái gì quay lộn khắp nơi thế này?
- Sương mù đấy mà.
Bọn trẻ nghe thấy tiếng giáo sư đáp lại – Ivan Germogenovich cũng ở ngay gần đấy, rất gần, nhưng bọn trẻ không trông thấy ông.
Valia hồ nghi hỏi:
- Sương mù mà lại thế này hả bác.
- Phải đấy, cháu Valia ạ, đó chính là sương mù.
Người ta sẽ thấy nó như vậy khi soi dưới kính hiển vi.
Tiếng giáo sư nghe câm đặc tựa như vọng lại từ một hố sâu.
Bọn trẻ thò tay định bắt các bong bóng nhưng chúng vỡ ra và chảy nước lạnh lên các ngón tay.
Từ trong đám sương mù dày đặc Ivan Germogenovich kêu:
- Các cháu mắc kẹt ở đâu thế, chạy lại đây mau lên… ở đây bác có cái này lý thú hơn sương mù nhiều.
Karik và Valia bước thận trọng tiến về phía có tiếng nói của giáo sư.
Valia kêu lên:
- Mà bác có nhiều trứng không cơ chứ?
Ivan Germogenovich đáp lại:
- Nếu các cháu nhanh nhảu lên, may ra cũng có phần đấy. Mau lên không có bác ăn hết bây giờ.
Ở phía xa trong sương mù, một ngọn lửa xanh lấp lánh.
Karik kêu lên:
- Có lửa kìa!
Không lẽ giáo sư đá nhóm được đống lửa? Mà bác ấy lấy được diêm ở đâu kia chứ?
Valia chạy cố sức về phía ngọn lửa.
Cô bé kêu lên:
- Đống lửa cháy, đống lửa cháy! Chúng ta có đống lửa rồi!
Ở phía trước, ngọn lửa cháy nhảy múa xua đi những đám mây bong bóng sương mù.
Cột lửa xanh cao vút đến tận đỉnh của khu rừng đen ẩm ướt. Giáo sư đang ngồi xổm bên đống lửa. Ông dùng một cái gậy lớn cời những cành cây cháy lách tách trên ngọn lửa nghe thật vui tai.
Bọn trẻ la hét:
- Hoan hô!
Chúng chạy đến bên ngọn lửa, nắm lấy tay nhau và bắt đầu nhảy múa một điệu múa man rợ.
Valia vừa nhảy vừa kêu:
- Ô là!
Karik mặt đỏ gay cũng hoà theo:
- Ô là la!
Giáo sư ngăn bọn trẻ lại:
- Khẽ chứ, khẽ chứ! Cứ như vậy các cháu đến làm vỡ hết chén đĩa của bác mất. Tốt hơn hết các cháu hãy ngồi vào ăn đi.
Ngọn lửa toả ra một hơi nóng đến nỗi không thể nào đứng bên dù là ở cách xa. Thế nhưng những cành cây trong đống lửa cũng không có được nhiều lắm. Valia mang lại một ôm cành khô và định ném vào đống lửa. Nhưng Ivan Germogenovich đã ngăn cô lại:
- Không cần! Món trứng đã chín rồi.
- Thế còn đống lửa thì sao? Nó sẽ tắt mất bác ơi.
- Không, nó sẽ không tắt đâu… Nào các bạn hãy ngồi vào ăn sáng.
Ivan Germogenovich vừa nói vừa đặt trước Karik và Valia ngay dưới đất một xoong trắng không lồ với những bờ cạnh mấp mô; chiếc xoong đầy ắp món trứng còn đang bốc khói.
Không đợi mời đến lần thứ hai bọn trẻ nhào tới ăn ngon lành. Chúng nuốt hết miếng này tới miếng khác, vừa ra sức thổi những ngón tay phỏng.
Valia mặt đỏ bừng. Còn mũi của Karik phủ lấm tấm mồ hôi. Chỉ có Ivan Germogenovich là ăn thong thả, dùng một mẩu cánh hoa gấp đôi lại làm thành cái thìa.
Bọn trẻ chưa ăn hết một nửa món trứng đã cảm thấy no kềnh.
Giáo sư chùi bộ râu bằng một mẩu cánh hoa và nói:
- Thế nào, bây giờ hẳn các bạn no rồi chứ?
Karik cười đáp:
- No lắm rồi ạ! Bụng cháu thậm chí bị vẹo sang một bên.
Valia nói:
- Bụng của cháu cũng vậy.
Giáo sư mỉm cười:
- Thế thì tuyệt lắm! Bác rất vui vì các cháu đã thích món trứng.
Valia hỏi:
- Mà bác chế biến món trứng bằng cái gì vậy?
Karik cướp lời:
- Rõ quá rồi, món trứng thì làm bằng trứng chứ sao. Có điều cháu không hiểu làm sao bác nhóm lửa được? Bác lấy diêm ở đâu? Và rồi nữa, tại sao ngọn lửa lại cháy dựng đứng, tại sao nó lại xanh và tại sao đống lửa cháy không cần cành cây?
- Cháu không thích đống lửa thiếu cành cây ư? Được thôi, thế thì ta ném bó cành cây này vào lửa.
Ivan Germogenovich ném những cành cây vào lửa, dùng cây gậy gom chúng lại. Ông vui vẻ nháy mắt với bọn trẻ:
- Các cháu tưởng bác chơi không suốt đêm hay sao? Hoàn toàn không phải thế. Suốt đêm bác đã ăn món giăm bông rán với đậu ve, bánh rán nóng, bít tết, xúp cải bắp, trái cây, bánh ngọt. Nhưng tiếc thay những món ấy bác ăn trong mơ. Tỉnh dậy, bác đói cồn cào. Thế là bác vùng dậy chạy kiếm xem có gì ăn được không. Tuy nhiên bác không dám đi xa khỏi ngôi nhà sang trọng này của chúng ta… Các cháu thấy đấy, sương mù dầy đặc… Cách hai bước vũng chẳng nhìn thấy gì. Lỡ ra bị lạc hoặc tệ hơn lại sa vào một cái vực nào đó… Biết làm sao đây? Đợi trời sáng ư?... Hay là đi liều?... Bác suy nghĩ mãi và quyết định nhóm đống lửa. May thay, ngay từ chiều hôm qua bác đã tìm thấy ở trong rừng hai viên đá lửa. Chính chúng đã giúp bác… Bác gom những cánh khô lại thành một đống và bắt đầu lao động…
Valia thì thầm:
- Hệt như một người tiền sử!
Giáo sư mỉm cười:
- Chính thế! Nói thật với các cháu công việc thật vất vả. Bác loay hoay khổ sở mãi, cuối cùng mới biến được tia lửa thành ngọn lửa… Chỉ bây giờ bác mới hiểu rằng các tổ tiên của ta sống cũng chẳng sung sướng gì.
Karik hỏi:
- Nhưng tại sao ngọn lửa lại xanh hở bác?
- Tại sao ư? Đó là vì khí đốt bị cháy. Khí than bùn – Mêtan bình thường, rất hay phụt lên ở nhiều nơi ở dưới đất… Bác đã gặp may… Tình cờ bác nhóm lửa ở ngay chỗ mà dưới đất có nhiều khí này… Còn món trứng thì tự nó đi đến đống lửa.
Valia ngạc nhiên ồ lên:
- Tự nó đi đến hở bác?
Ivan Germogenovich ngước nhìn Valia, trịnh trọng vuốt râu và nói:
- Ngọn lửa vừa cháy lên thì ở cạnh bác có con vật gì lục đục ầm ầm rồi bỗng một cơn gió mạnh quật ngã bác xuống. Xung quanh gió rít ù ù tựa hồ bác để sổng ra từ dưới đất một cơn bão táp. Đó chính là một con chim. Cánh của nó gây ra cơn bão táp đó. Có lẽ ngọn lửa đã làm nó hoảng sợ và rời tổ.
- Thế nó có bị cháy không bác?
Ivan Germogenovich nói:
- Không, nó bay đi mất, còn bác thì bắt đầu tìm tổ của nó. Vì không phải vô cớ mà con chim lại nằm im như vậy.
- Thế bác có tìm thấy không?
- Cố nhiên là có… Bác đã lấy được trứng ở trong tổ chim này.
- Nó có phải là trứng quạ không bác?
- Không phải. Qua mọi dấu hiệu thì đó là trứng của con chim sâu. Trứng màu tráng lấm chấm. Các cháu có bao giờ từng thấy trứng của chim sâu không?... Chúng chỉ lớn hơn hạt đậu to một chút. Vậy mà bác phải vất vả với nó khá nhiều. Bác phải vần nó như một cái thùng và dọc đường bác phải nghỉ có đến chục lần. Nhưng đập vỡ quả trứng còn khó khăn hơn nữa. Suốt một giờ đồng hồ bác dùng đá đập nó. Cuối cùng thì nó cũng bể ra và suýt nữa thì bác bị chết đuối trong đám lòng trắng trứng… May mà bác kịp nhảy tránh sang một bên.
Giáo sư cười vui nhìn bọn trẻ:
- Còn mọi việc sau đó thì đơn giản thôi. Lòng trắng trứng tự chảy ra hết và bác đã rán lòng đỏ trứng trên cái vỏ trứng như trên chiếc chảo rán vậy.
Karik nghiêng mình lại Valia và thì thầm vào tai cô. Valia gật đầu đồng tình.
- Cứ nói đi.
Karik đứng dậy, sửa lại chiếc áo bằng cánh hoa lưu-ly, giơ tay chào và trịnh trọng báo cáo:
- Thay mặt cho hai em Thiếu niên Tiền phong đội Frunze xin cảm ơn vì món trứng rất ngon và đống lửa!
Giáo sư nghiêng mình đừa cợt:
- Mong rằng tôi sẽ có ích cả trong tương lai!
Sau khi ném thêm một bó cành vào đống lửa, ông nói:
- Các bạn ạ, thực ra ở đây trong thế giới của những người tý hon cũng có thể sống được thoải mái! Các bạn cứ chờ xem, chúng ta sẽ quen dần và rồi sẽ thu xếp cuộc sống ấm cúng hơn.
Karik lo lắng hỏi:
- Thế nào? Chẳng lẽ bác lại nghĩ rằng chúng ta sẽ không trở về nhà nữa và cứ mãi mãi thế này hay sao?
Giáo sư đáp:
- Bác không nghĩ như vậy. Tuy nhiên chúng ta cũng phải chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất… Cây hải đăng của chúng ta có thể bị bão làm đổ. Biết đâu một anh chàng tò mò nào đó lại không nhặt cái hòm gỗ dán đem về nhà nghiên cứu… Biết bao chuyện có thể xảy ra được…
- Lúc đó thì biết làm sao hở bác?
Ivan Germogenovich nhún vai:
- Cũng không có gì đặc biệt cả. Chúng ta sẽ sống như những chàng Robinson… Mà các bạn có biết không, tình cảnh của chúng ta còn tốt hơn nhiều so với Robinson chính cống. Anh ta đã phải gầy dựng cả một cơ nghiệp, còn chúng ta thì cái gì cũng có sẵn: Sữa, trứng, mật ong, mật hoa thơm, quả cây, thịt, chúng ta sẽ sống suốt mùa hè mà không phải vất vả gì. Còn đến mùa đông chúng ta sẽ phơi khô các trái việt quất, dâu tây, nấm, chúng ta sẽ dự trữ mật ong, mứt, bánh mì…
- Bánh mì ư?
- Chính thế, chúng ta sẽ trồng chỉ một hạt lúa mì thôi cũng đủ thu hoạch cho cả mùa đông…
- Thế còn thịt thì chúng ta lấy ở đâu?
- Chúng ta sẽ ăn các côn trùng.
- Côn trùng ư? Lẽ nào người ta lại ăn chúng ư?
Ivan Germogenovich nói:
- Các cháu biết không, thậm chí cả ở thế giới rộng lớn, người ta cũng ăn rất nhiều loại côn trùng… Thí dụ như châu chấu, cào cào. Người ta ăn chúng cả chiên, cả nướng, cả phơi khô, cả ướp muối, cả ngâm dấm.
Giáo sư sực nhớ một điều gì đó bỗng mỉm cười:
- Có một lần người ta hỏi vị quốc vương Ả-rập Oma-Benel-Kotan rằng ông ta nghĩ gì về châu chấu cào cào. Vị quốc vương trả lời: “Tôi mong có đầy một giỏ thứ của quí đó rồi tôi sẽ ăn cho sướng miệng…” Thời xưa, khi châu chấu bay thành những đám mây khổng lồ đến các đất nước Ả-rập thì ở Bát-đa giá thịt bị hạ… Cũng phải nói thêm rằng người ta tẩm bột châu chấu chiên bánh ăn rất ngon.
Valia nhổ nước miếng tỏ ý ghê tởm:
- Ôi, tởm thật!
Ivan Germogenovich phá lên cười:
- Lại nói đến ghê tởm rồi! Chỉ là món ăn chưa quen với cháu thôi… Chính chúng ta ăn cả các loại tôm cua, những con vật chuyên môn ăn xác thú vật chết… Chúng ta ăn rồi lại còn khen ngon nữa… Thế mà người Ả-rập lại nhìn những người ăn tôm cua với sự kinh tởm… Ngoài châu chấu ra người ta còn ăn nhiều loại côn trùng khác. Thí dụ ở Mê-hi-cô những người thổ dân nhặt trứng của những con bọ rệp nước vằn, họ gọi chúng là “hót tơn” và coi chúng là món ăn ngon nhất… Theo ý kiến của những con người sành ăn thì ve sầu cũng rất ngon. Cũng chính con ve sầu mà Anakrêon, nhà thơ cổ Hy Lạp đã từng ca ngợi trong đoản thi của mình.
Ivan Germogenovich hắng giọng, giơ tay cao trên đầu, cất tiếng ngâm nga:
Tuyệt diệu biết bao hỡi chú ve
Có thể sánh ngang cùng thượng đế.
Giáo sư vuốt râu tư lự:
- Thế mà chính những người Hy Lạp bình thường lại rán con ve sầu sánh ngang thượng đế ấy với dầu rán và ăn ngon lành. Thậm chí cả những côn trùng như kiến có khi cũng rơi vào tay các bác đầu bếp. Có một thời ở nước Pháp người ta đã làm nước sốt bằng kiến để ăn với thịt và cá… Phải nói thêm rằng những người da đỏ rất thích những kiến bống. Họ rán chúng trên chảo rán, rắc thêm chút muối; nhưng đôi khi cũng ăn sống luôn.
Valia hỏi:
- Thế người ta có ăn bọ hung không hở bác? Theo cháu, đó là những con vật kinh tởm nhất.
Ivan Germogenovich đáp:
- Ở Ai-cập người ta làm món ăn đặc biệt từ một loại bọ hung. Những người phụ nữ nào muốn mập thì ăn món ăn này.
Karik nói:
- Mọi chuyện thật hay tuyệt, bây giờ thì cháu thấy rằng công việc của chúng ta sẽ tốt đẹp… Chúng ta sẽ hun khói các đùi dế mèn, sẽ làm xúc xích bướm, muối chuồn chuồn trong thùng to… Sẽ phải xây cả một nhà kho. Dưới trần nhà chúng ta sẽ treo thịt đùi và xúc xích còn dọc bên tường chúng ta sẽ để các thùng bọ rệp ngâm dấm.
Valia hỏi:
- Thế còn kiến? Chúng chua lắm!
- Kiến thì chúng ta sẽ làm món dưa góp… Không, tốt hơn là sẽ làm các món gia vị.
Ivan Germogenovich vuốt râu:
- Tuyệt diệu, thật là tuỵêt diệu… Các bạn thấy đấy, tương lai các bạn thật là tốt đẹp. Nếu lỡ xảy ra chuyện gì và chúng ta sẽ sống ở đây sung sướng hơn mọi Robinson trên thế giới.
Valia nói:
- Những chuyện đó thì tốt rồi, nhưng chúng ta sẽ chết cóng vào mùa đông và tất cả những thịt đùi cùng các món ngâm dấm sẽ phí toi vô ích.
Ivan Germogenovich an ủi Valia:
- Không sao đâu chúng ta sẽ tìm thấy các hang động có khí đốt để sưởi. Cuối cùng thì cũng có thể dẫn khí đó bằng các ống lau sậy đến mọi nơi mà chúng ta muốn.
Karik nói:
- Tất nhiên rồi, khí than bùn sẽ cho chúng ta ánh sáng và sự ấm áp… Bác Ivan Germogenovich ơi, chúng ta sẽ có thể xây ở đây hàng loạt xí nghiệp nnà máy.
Ivan Germogenovich mỉm cười:
- Không đâu, anh bạn ơi! Nhưng chúng ta có thể thuần hoá các côn trùng…
Karik reo lên:
- Hoan hô! Chúng ta sẽ dùng chúng để bay, bơi qua các hồ nước…
Valia phụ hoạ theo:
- Chúng ta sẽ bắt chúng đào các hầm ngầm, xẻ những kênh rạch và… và nói chung - bắt chúng phải làm việc.
Karik nói:
- Đúng lắm! Có thể bắt những con sâu cày ruộng, bắt bọ hung đốn cây xẻ gỗ còn chuồn chuồn thì dùng để bay.
Valia thở dài nói:
- Để chúng ta khỏi bị ăn thịt có lẽ phải nghĩ ra các kiểu nhà như của con bọ suối để có thể mang theo người.
Karik phẩy tay:
- Vậy mà cũng đòi nghĩ! Anh đã bảo rằng em là một con sên. Thế mà đúng như vậy.
Valia hỏi:
- Thể thì chúng ta tự bảo vệ bằng cách nào?
- Bác Ivan Germogenovich sẽ chế ra thuốc súng – Karik đáp và ngoảnh lại phía giáo sư. Bác có thể chế ra thuốc súng chứ ạ?
Ivan Germogenovich bật cười:
- Ồ, không… Có lẽ bác không chế ra thuốc súng đâu. Nhưng bác hy vọng rằng chúng ta cũng chẳng làm sao dù không có thuốc súng. Các bạn ơi, bác là nhà sinh vật học cơ mà. Bác biết rõ đời sống của thế giới cung quanh ta và những kiến thức ấy còn mạnh hơn tất cả các chất nổ… Còn bây giờ cháu Karik hãy ném thêm các cành cây vào đống lửa. Khi cành cây cháy nổ lách tách ta cũng thấy dễ chịu hơn.
Karik mang tới một ôm cành cây, ném vào ngọn lửa xanh rồi nằm dài ra đất, trầm ngâm ngắm nhìn đống lửa.
Mọi người đều im lặng.
Cành cây vui vẻ cháy lách tách. Khói dựng thành cột vươn đến tận trời cao.
Các khách du lịch ngồi bên ngọn lửa và mỗi người theo đuổi những ý nghĩ của riêng mình.
Chẳng có việc gì phải vội cả.
Chừng nào sương mù còn chưa tan thì không thể di chuyển đi đâu được. Mà biết đi đâu, đi về hướng nào được? Ngọn hải đăng bây giờ ở đâu? Ở phía trước ư? Ở phía sau ư?
Giáo sư nói:
- Thôi tạm thời không có việc gì làm, ta hát một bài đi.
Nhăn mặt lại vì khói và lấy tay che mặt, Karik hướng về phía đống lửa đang bốc khói, vội vã hỏi giáo sư khi ông sắp sửa cất tiếng hát:
- Bác Ivan Germogenovich ơi, làm sao bác đoán được chuyện gì xảy ra với bọn cháu và làm sao bác tìm thấy bọn cháu?
Giáo sư nói:
- Rất dễ thôi cháu ạ. Các cháu đã uống hết của bác gần nửa cốc chất lỏng.. Tất nhiên bác nhận ra ngay điều đó…
- Nhưng mà…
Ivan Germogenovich bật cười:
- Thì bác cũng có một cái “nhưng mà”. Uống thì bọn cháu đã uống rồi, nhưng sau đó thì bọn cháu biến đi đâu?... Suốt một giờ đồng hồ bác bò lê la dưới sàn với chiếc kính lúp trong tay, nhưng… chẳng thấy gì cả… Các cháu có hiểu không? Không một dấu vết nào hết. Có nghĩa là…
Valia nói:
- Có nghĩa là chúng cháu đã bay đi!
Ivan Germogenovich ngăn cô bé lại:
- Đó là một kết luận quá vội vã.
Valia nói:
- Nhưng sự thực thì chúng cháu đã bay đi cơ mà?
- Tuy nhiên bác chưa có cơ sở để giả thiết như vậy trước khi con chó của bác thợ chụp ảnh Smith đáng kính tìm thấy đống quần cụt của bọn cháu và nhảy bổ lên bậu cửa sổ… Chính lúc này bác chợt nhớ rằng, khi bác vào phòng làm việc đã thấy có chú chuồn chuồn đậu trên bậu cửa sổ. Bác đoan chắc rằng nghe thấy cả giọng nói nhỏ như tiếng muỗi kêu : “Lại đây, chúng cháu ở đây!”.
- Vâng, vâng… Chính chúng cháu đã kêu lên như vậy.
- Lúc đầu bác tưởng rằng bác nghe nhầm, nhưng sau đó kết hợp các sự việc với nhau bác hiểu ra rằng con chuồn chuồn đã lôi mấy chú nghịch ngợm đi, và nếu như bác muốn cứu chúng thì phải chạy đến chỗ Đubki tới cái đầm mà người ta thường gọi là “đầm thối rữa”.
Karik hỏi:
- Nhưng sao bác tới đây? Vì chuồn chuồn cũng có thể lôi bọn cháu đếnr ừng hoặc cánh đồng.
Ivan Germogenovich mỉm cười độ lượng:
- Không, điều đó không thể xảy ra được. Chuồn chuồn sống ở gần nước. Nó đẻ trứng xuống nước. Ấu trùng của chúng nở ra, sống và lớn lên ở dưới nước. Nhưng đôi khi đuổi theo con mồi, chuồn chuồn có thể bay xa khỏi nơi kiếm mồi thường xuyên.
Valia nói:
- Xa đến thế kia ạ! Vì từ nhà chúng ta đến vùng Đubki có đến hơn 15 km.
- Đối với chuồn chuồn đó là khoảng cách không đáng kể. Nó có thể bay nhanh từ 70 đến 90 km một giờ. Vì vậy 15 cây số đối với nó chỉ là một cuộc dạo chơi nhỏ.
- Như vậy bác đã đi tới “đầm lầy thối rữa”…
Ivan Germogenovich vuốt râu:
- Phải, bác quyết định đi đến đầm lầy thối rữa vì biết rằng sớm muộn gì chuồn chuồn cũng trở về chỗ kếim mồi thường xuyên. May cho tất cả chúng ta, đó là cái đầm duy nhất ở gần thành phố. Thực ra còn có cái đầm nữa nhưng nó ở cách đây xa tới 300 km. Vì vậy bác biết chắc chắn rằng phải tìm bọn cháu ở đâu… Mọi chuyện chỉ có vậy thôi. Còn bây giờ - giáo sư hắng giọng – chúng ta hát nhé các bạn.
Valia kêu lên:
- Khoan đã bác!
- Sao cái gì thế? – Ivan Germogenovich lo lắng nhìn Valia.
Valia hỏi:
- Thế bác không muốn nghe chuyện gì đã xảy ra với chúng cháu hay sao?
- À phải… Tất nhiên rồi… Bác rất vui lòng nghe chuyện của bọn cháu – Ivan Germogenovich nói lúng búng – Nào, nào, các cháu hãy kể đi. Chuyện đó chắc phải lý thú lắm.
Ông quàng vai bọn trẻ và duỗi chân về phía ngọn lửa. Karik và Valia tranh nhau kể cho ông nghe chuyện gì đã xảy ra với chúng sau khi chúng uống phải chất lỏng kỳ diệu.
Giáo sư lắng nghe bọn trẻ, gật đầu thông cảm và luôn miệng nói:
- Đúng như vậy… Bác hiểu…
Cuối cùng Karik nói:
- Cháu cũng hiểu cả rồi, nhưng còn một chuyện cháu chưa hiểu được…
- Thế à? Chuyện gì vậy?
- Tại sao trong tổ của con nhện nước, lúc đầu chúng cháu thấy dễ thở, sau đó lại suýt chết ngạt?
Ivan Germogenovich đáp:
- Dễ hiểu thôi cháu ạ. Theo như cháu kể thì bác nghĩ rằng bọn cháu đã rơi vào tay loài nhện nước Argnironet… Argnironet có nghĩa là “bó sợi bạc”. Người ta còn gọi nó là “nhện bạc”… Nó làm tổ ở dưới nước. Tổ của nó cũng giống như cái chuông lặn. Trước kia những người thợ lặn chui vào những cái chuông lặn ấy để lặn xuống nước. Những cái chuông này thì chỉ bé bằng trái hồ đào… Nó không nổi lên là vì bề mặt quanh bị mạng nhện cột chặt vào các cây cỏ mọc dưới nước.
Karik nói:
- Úi chà, chúng cháu vất vả lắm mới chui qua được lớp mạng nhện đó.
- Nhện mang không khí vào chuông từ mặt đầm. Nó trồi lên trên và phơi ra ngoài cái bụng phệ phủ đầy lông tơ. Chính những lông tơ này đã hút không khí. Khi khoảng không gian giữa các lông tơ đã chứa đầy không khí, nhện bèn phủ lên bụng lớp mạng nhện và mang bình không khí như một bọc cuộn dưới vạt áo về nhà mình. Luôn tiện bác muốn nói là nhiều loại bọ nước cũng đi du lịch dưới nước với các va li đựng không khí.
- Thế không khí có đủ cho một thời gian lâu không bác?
Ivan Germogenovich đáp:
- Không, dự trữ đó không được lâu. Lúc đó căn nhà sẽ ngột ngạt… Các cháu có nhớ là đã bị ngạt thở thế nào chứ?
- Có ạ.
- Thông thường con Arguironet hung ác phải ngoi lên mặt đầm vài lần để lấy không khí mới… Nếu chịu khó kiên nhẫn ngồi im lặng trên bờ đầm có thể thấy được con Argnironet – “bó sợi bạc” lấy không khí dự trữ như thế nào.
Valia hỏi:
- Làm sao nhận ra chúng được hả bác?
Ivan Germogenovich đáp:
- Những con nhện bạc này giống như những viên bi thuỷ ngân có những chấm đen… Thường chúng hay nổi lên cạnh những bụi cây nước… Chúng giơ bụng lên phía trên, còn đầu chúi xuống dưới. Chúng ở trên mặt nước một vài giây, rồi từ từ lặn xuống nước… Nhìn thoáng qua dễ tưởng những con nhện này là những sinh vật hiền lành vô hại. Nhưng thực ra Argnironet là loài vật độc ác… Nó không tha bất kỳ ai dù ở dưới đáy hay trên mặt nước.
Valia hỏi:
- Thế sao nó không ăn bọn cháu mà lại treo lên trên trần?
Karik nói:
- Chính thế, cháu cũng muốn biết điều này.
Ivan Germogenovich đáp:
- May cho bọn cháu là con Argnironet đang no. Vì vậy nó treo bọn cháu lên trần để dành… Phải nói là loài cáo, sóc, con người cũng hành động như vậy, điều này chẳng có gì lạ cả… Nó đã ăn thịt bọn cháu ngay ngày hôm đó, nếu như trời lạnh quá hoặc nóng quá làm các con mồi của nó chạy tản đi mất.
Valia nói:
- À, cháu hiểu rồi. Con nhện của bọn cháu đang no. Còn con nhện hàng xóm của nó chắc đang thiếu thức ăn nên bò sang tính ăn thịt bọn cháu.
Ivan Germogenovich nói:
- Ồ, không phải đâu… Mà cháu có biết con gì đến với con nhện của bọn cháu không?
Karik bật kêu lên:
- Cháu biết rồi! Đó là kẻ thù của nó.
Ivan Germogenovich mỉm cười:
- Không phải đâu! Chính là.. chàng rể đã đến với nó.
Bọn trẻ kinh ngạc:
- Chàng rể ư? Làm sao bác biết?
Giáo sư nói:
- Những con nhện này bao giờ cũng xây nhà dưới nước sát cạnh nhau: nhện đực làm nhà dựa vào nhà của nhện cái. Sau đó con nhện đực cắn thủng tường và vào thăm…
Karik tiếp lời:
- Cuộc thăm viếng còn gọi là cuộc ẩu đả.
- Phải rồi, đôi khi cô dâu bực mình chuyện gì đó xông tới ăn thịt chàng rể. Cũng có đôi khi chàng rể thắng thế ăn thịt được cô dâu. Tuy nhiên thông thường cô dâu tiếp đón chàng rể với thiện cảm và chúng bắt đầu sống rất hòa thuận.
Giáo sư đứng dậy:
- Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải chuẩn bị lên đường thôi – ông nói – Thôi nào chuẩn bị khăn gói đi thôi.
Ông lần tay vào trong bụi cây và lôi ra một cái ba lô bằng da tuyệt đẹp.
Valia trố mắt nhìn:
- Ối chà! Bác mua cái này ở đâu thế?
Ivan Germogenovich mỉm cười:
- Không phải bác mua mà đây là quà tặng của một bạn chậm chân quen biết… Trong khi các cháu còn ngủ bác đã rạch đôi cái bị này. Các cháu thấy đấy các ba lô tự tạo cũng tuyệt đấy chứ.
Karik gật đầu:
- À, vậy là một chú chậm chân nào đó đã tấn công bác. Bác giết nó và lột da chứ gì?
Ivan Germogenovich nói:
- Hoàn toàn không phải thế. Chú chậm chân không thể nào tấn công bác được. Đó là một con vật nhỏ xíu, không hơn một mi-li-mét. Cả bác cũng không tấn công chậm chân.
- Thế còn cái túi bằng da?
- Cái túi à… Các bạn có thấy không, chú chậm chân đẻ ra nhiều trứng và để cho trứng khỏi bị con vật khác ăn mất, và nó lột da của mình và đẻ trứng vào đó như vào một cái va li.
Valia hỏi:
- Còn nó thì chết phải không bác?
- Không đâu!
Karik nói:
- Giống như rắn, chúng cũng lột da.
Ivan Germogenovich gật đầu:
- Phải rồi, chỉ có điều con rắn vứt bỏ da cũ của mình, còn con chậm chân dùng da của mình để che mưa nắng, gió lạnh cho con cháu.
- Bác đã vứt trứng của chúng đi rồi phải không?
- Tất nhiên rồi, tiếc thay, trứng đó không ăn được.
Giáo sư mở túi ra và đặt vào đó cái xoong bằng vỏ trứng cùng với món trứng ăn thừa mà ông đã cẩn thận gói vào cánh hoa.
*
* *
Gió mát thổi.
Sương mù tan dần.
Gió đưa sương đi tựa như làn khói trên những cánh đồng và dồn chúng xuống phía dưới vào những khe lạch.
Giáo sư lấp phủ đất vào đống lửa.
- Nào, có lẽ đi được rồi đấy – Ông nói - Chuẩn bị đi các bạn.
Valia nhảy lên:
- Chúng cháu đã sẵn sàng rồi mà.
- Hừ, - Ivan Germogenovich hấm hứ, hết nhìn Valia lại nhìn Karik suy nghĩ một lát ông nói: - Có lẽ các cháu phải thay quần áo thôi.
- Thay bằng gì hở bác? – Valia hỏi vừa ngắm cái váy bằng cánh hoa lưu li của mình. Qua một đêm chiếc váy đã nhàu nát rách lan ra từng mảnh.
Ivan Germogenovich nói:
- Thay bằng bộ quần áo như của bác đây này.
Ông cởi chiếc áo mưa màu xanh dương đã nhàu nát ra và còn lại trong mình bộ quần áo màu bạc bằng mạng nhện.
Bọn trẻ bây giờ mới chợt nhớ ra rằng ngày hôm qua Ivan Germogenovich lúc tới mặc bộ quần áo màu bạc lạ lùng. Nhưng khi đó chúng đã không để ý đến. Còn bây giờ chúng ngắm nghía bộ quần áo của giáo sư tựa như mới thấy lần đầu.
- Ôi, đẹp quá! Bằng gì thế hả bác? – Valia hỏi.
- Bằng mạng nhện.
- Cháu cũng muốn một bộ thế này. – Karik nói.
- Cả cháu nữa! Valia kêu lên.
- Ra đằng này đi – Karik nói - Từ hôm qua cháu đã thấy một đám nhện ở gần đây.
Ivan Germogenovich bật cười:
- Không đâu, lấy mạng nhện trước mắt con nhện chắc bác không dám đâu. Và các cháu cũng đừng làm thế… Bộ quần áo cho các cháu bác sẽ lấy ở cửa hiệu khác. Hãy đi theo bác. Và giáo sư bước về phía nhà của con bọ suối.
Ánh sáng buổi sáng yếu ớt soi lờ mờ căn nhà của con bọ suối. Nhưng bây giờ đã có thể nhận ra rằng cả tường lẫn sàn và trần đều phủ bằng lớp mạng nhện dày đặc.
- Đó, bộ quần áo của các cháu đấy – Ivan Germogenovich nói.
Ông lại gần một bức tường bấu cả hai tay vào nó.
- Dô ta nào! – Giáo sư kêu và kéo tấm mạng nhện về phía mình. Bức tường kêu răng rắc.
- Dô ta nào! – Ivan Germogenovich kêu lớn hơn.
Mạng nhện tróc ra từng mảng tựa như những giấy bồi tường bị bong ra.
Giáo sư vứt vài mảnh cho Karik và Valia.
- Các cháu hãy gỡ những tấm mạng nhện này ra, gột cho sạch lớp hồ dán.
Bọn trẻ bắt đầu lấy tay vò mạng nhện. Lớp hồ dán đã bị khô vỡ ra và rơi xuống từng mảnh. Karik tìm thấy đầu mối và bắt đầu gỡ ra.
Những sợi tơ nhện cuốn từng vòng đều đặn và chẳng bao lâu dưới chân Karik và Valia xếp đầy một đống màu bạc tơ nhện đã được gỡ ra.
- Dài quá đi thôi! – Karik nói, vừa gỡ sợi tơ nhện tưởng như dài vô tận.
Ivan Germogenovich cười mũi:
- Có thứ tơ còn dài hơn nữa kia! Tơ của con tằm chẳng hạn, có thể kéo dài tới cả 3 km.
Giáo sư cúi xuống cầm một đầu sợi chỉ bạc và đưa cho Valia.
- Cháu hãy mặc vào!
- Mặc sợi chỉ vào ư? – Làm sao cháu mặc được hở bác?
- Như thế này này…
Ivan Germogenovich cuốn sợi chỉ thành một cái thòng lọng quàng lên Valia, rồi nắm lấy hai vai cô bé quay vòng người cô về một chiều.
Sợi chỉ run lên và chạy thật nhanh, cuốn vòng quanh Valia như cuốn một cái lõi cuộn chỉ.
Ivan Germogenovich ngắm nghía Valia rồi nói:
- Tuyệt diệu!... Đẹp tuyệt trần! Bền chắc ấm áp và thuận tiện. Nào bây giờ thì đến cháu, Karik ạ.
Nhưng Karik đã tự buộc một đầu tơ nhện quanh thắt lưng và quay tít thân mình như một con quay.
Chưa đến năm phút bọn trẻ đã mặc xong cho mình những chiếc áo len dài tay màu bạc.
Ivan Germogenovich nói:
- Thế là xong! Bây giờ các cháu hãy dạo quanh ngôi nhà, trong khi bác cũng sẽ thay quần áo.
Bọn trẻ bước ra.
Sương mù đã tan hết.
Xung quanh là khu rừng ẩm ướt. Những giọt nước khổng lồ nằm trên các cây cỏ hệt như những quả cầu pha lê.
Khi Karik và Valia vừa mới bước qua ngưỡng cửa thì những tia nắng ban mai đầu tiên mới ló trên các đỉnh cao.
Và đột nhiên bỗng khắp nơi bừng lên nắng chiếu cháy sáng như muôn ngàn ánh lửa nhiều màu sắc.
Sự việc xảy ra đột ngột đến nỗi bọn trẻ phải nheo mắt và bất giác bước lui lại.
Mấy phút liền chúng lặng lẽ đứng nheo mắt ngắm nghía khu rừng kỳ lạ treo đầy những quả cầu lóng lánh.
Cuối cùng Valia nói:
- Giá được chỉ cho mẹ thấy cảnh này nhỉ?
Karik thở dài:
- Lúc này chắc mẹ đang đun cà phê.
Valia buồn bã nói:
- Và chị bán sữa chắc cũng đến rồi đấy!
Karik lắc đầu:
- Không, hãy còn sớm. Chị bán sữa bây giờ mới tới.
- Thế bây giờ mấy giờ rồi?
- Anh không biết.
- Thôi, mấy giờ cũng vậy thôi… Anh Karik à, chúng mình trèo lên cây này đi, xem thử có bò xanh ở đây không?
- Nào thì trèo!
Bọn trẻ chạy đến một cây trông giống như cây bao bắp và bắt đầu trèo lên ngọn. Nhưng lúc đó Ivan Germogenovich ló đầu ra khỏi hang và kêu lên:
- Các bạn ơi, uổng công vô ích thôi!
- Tại sao hả bác?
- Hôm nay vào giữa ban ngày bọn cháu sẽ chẳng tìm thấy các chú bò xanh đâu.
Karik ngạc nhiên:
- Thế chúng ở đâu hả bác? Hôm qua bác chả nói là ở cây nào cũng có bọ rệp là gì?
Ivan Germogenovich đáp:
- À, đấy là ngày hôm qua, hôm qua lúc ban ngày, còn buổi chiều đã có mưa và tất nhiên mưa đã làm trôi sạch hết tất cả bọ rệp… Bác đã xong rồi. Chúng ta đi thôi!
Bọn trẻ quay về phía giáo sư. Vừa ngước nhìn ông, bọn chúng bỗng phá ra cười.
Ivan Germogenovich ngượng ngùng tự ngắm nhìn mình và hỏi:
- Sao thế các cháu?
- Ôi!... Bác thật là…
- Bác mặc áo thật là… - Bọn trẻ cười ngất.
Ivan Germogenovich đứng đó, khắp người cuốn đầy sợi tơ từ cổ đến gót. Tất cả đám mạng nhện lấy được ở trong nhà của con bọ suối, ông đem cuốn hết lên bụng, lên vai, lên cổ.
Valia cố nén cười nói:
- Bác giống hệt như một cái kén!
Giáo sư mỉm cười:
- Còn chính cháu, cháu tưởng giống con bướm ư? Cả cháu và Karik bây giờ giống hệt con sâu.. Nào các bạn, chúng ta đi thôi.
Karik ngó qua ngó lại hỏi:
- Mà đi đâu cơ hở bác?
Qua một đêm, nước dâng lên đầy khắp xung quanh. Chỉ có thể đi được một phía. Từ căn nhà của con bọ suối có một dải đất hẹp chạy dài, phủ đầy những bụi cây xanh rậm rạp.
Giáo sư ném cái túi lên vai và nói:
- Hiển nhiên trước hết phải ra khỏi cái đầm lầy này đã, còn sau đó làm gì sẽ tính sau. Tiến lên nào!
Giáo sư vung tay lên và cất tiếng hát:
Tiến lên, kèn đang gọi lên đường.
Hỡi các bạn trẻ dũng cảm!
Hãy ngẩng cao đầu và đi đều bước.
Như chim đại bàng cánh lướt trời cao.
*
* *
Những lùm cây rậm rạp của rừng cỏ im ắng. Nhưng quả cầu nước nặng nề treo sát trên đầu những khách du lịch - Phải đi hết sức thận trọng để khỏi ngã vì những giọt nước rơi.
Trong khu rừng vắng và âm vang, những quả cầu nước rơi gây nên tiếng động như bom nổ. Một giọt nước rơi trúng ngay các khách du lịch.
- Úi chà! – Valia ngã lăn kêu thất thanh.
- Ối! – Karik bị bắn về một phía la lên.
- Không sao, không sao! Tắm mát buổi sáng cũng rất tốt – Ivan Germogenovich cười vang, vừa lồm cồm đứng dậy.
Nhưng bây giờ thì mặt trời đã lên cao trên cánh rừng. Những tia nắng nóng bỏng tựa như đốt cháy mặt đất. Đất bốc hơi mù mịt phủ đầy khu rừng cỏ, không khí trở nên ngột ngạt như trong phòng tắm nước nóng.
Đến buổi trưa các khách du lịch đã bước tới bìa rừng.
Ờ phiá trước, xuyên qua những khe sáng hiếm hoi của cây cối, thấp thoáng những ngọn đồi màu vàng.
Một ngọn đồi nhô cao cái đỉnh nhọn giống như một cái đầu căng đường mà người ta đã mạ vàng một cách phung phí.
Ivan Germogenovich nói:
- Đó từ cái đỉnh này chúng ta sẽ coi xem ngọn hải đăng của chúng ta ở đâu?
- Chạy đi nào! – Valia kêu lên và leo lên phía trước.
- Cháu sẽ gọi cái đỉnh này là “Vêzuvi (1) vàng”.
Giáo sư và Karik chạy theo Valia.
Tuy nhiên đến được đỉnh “Vêzuvi vàng” cũng không phải gần như thoạt tưởng. Những khách du lịch chạy được đến nơi thở hồng hộc, lấy tay vuốt mồ hôi trên mặt.
Karik dè bỉu:
- Thề mà cũng gọi là “Vêzuvi vàng”.
Đó là một trái núi bình thường bằng đá màu vàng. Còn những viên đá kỳ lạ lóng lánh như vàng chẳng qua chỉ là những hạt cát thường gặp.
Bám tay vào các viên đá - hạt cát, các khách du lịch bắt dầu leo lên ngọn Vêzuvi vàng.
Mặt trời đã ở trên cao.
Những làn sóng oi bức nóng bỏng chạy lan trên mặt đất tựa như những dòng sông không khí vô hình.
Những viên đá vàng bị nung nóng làm bỏng chân.
Ivan Germogenovich, gần như mỗi bước mỗi vấp ngã. Dưới chân ông là dòng đá nóng bỏng lăn xuống kêu rít.
Karik và Valia đuổi kịp giáo sư và đi cùng hàng với ông.
Dốc lên càng ngày càng dựng đứng.
Những nhà leo núi bé nhỏ buộc phải bò, tay bấu lấy từng mỏm đá nhô ra.
Giáo sư vừa thở ì ạch vừa nói:
- Mệt như leo lên đỉnh núi Everest (2).
Cả Karik lẫn Valia đều chưa bao giờ được nghe nói về Everest, nhưng cả hai đều đoán ngay được Everest chắc cũng là ngọn núi lửa như chúng đang leo hiện nay.
Thế là đã tới đỉnh rồi.
Giáo sư và bọn trẻ vuốt mồ hôi bước lên đỉnh ngọn núi.
Ivan Germogenovich đứng thẳng người, khum bàn tay che mắt quay đầu nhìn khắp nơi.
- Nào, nào! – Giáo sư lẩm bẩm - thử xem ngọn hải đăng của ta ở đâu, thử…
Ông chưa kịp nói hết câu. Đất dưới chân ông bỗng thụt xuống. Giáo sư bị lún xuống đến tận thắt lưng. Bọn trẻ chạy bổ đến cứu. Nhưng quả đồi dưới chân rung chuyển và bỗng chẻ đôi thành một hố sâu. Giáo sư cùng bọn trẻ theo nhau rơi tuột xuống dưới qua một cái ống hẹp. Đất đá lăn theo ầm ầm.
Valia kêu thất thanh. Karik rơi lên mình giáo sư và với sức mạnh kinh khủng họ thụt sâu vào một cái đáy lầy ướt át.
Người đầu tiên định thần lại được là giáo sư. Vừa xuýt xoa rên rỉ, lội ra khỏi đám lầy đặc sệt, vừa xoa thắt lưng buồn bã pha trò:
- Một cuộc nhảy dù không có dù. Cho phép tôi chúc mừng các bạn đã tới mặt đất an toàn. Đứng lên nào các bạn ơi.
Ông chùi tay vào bộ quần áo, ân cần nhìn bọn trẻ đang vùng vẫy trong đống bùn và hỏi:
- Mọi chuyện ổn thỏa cả chứ? Valia, cháu thế nào? Không bị thương chứ?
Valia đứng lên đáp:
- Không sao cả, có lẽ cháu chỉ bị xây xát một chút ở cùi tay thôi.
- Cháu Karik?
- Cháu bị đau ở đầu gối!
Xoa tay vào những chỗ bị đau, bọn trẻ sợ hãi ngắm nghía bứa tường đen của cái giếng hẹp.
Ivan Germogenovich nói:
- Ồ, đó là những chuyện vặt! Còn bác bị mất cái túi lương thực cùng nồi nêu. Điều này thì tệ hại hơn.
Valia hỏi:
- Chúng ta đang ở đâu thế bác?
- Chúng ta biết ngay bây giờ đây – Ivan Germogenovich lầu bầu nói, vểnh bộ râu lên.
Tít cao trên đầu bầu trời xa xôi chiếu sáng. Ánh sáng ban ngày nhợt nhạt soi lên những bức tường cao thoai thoải, nhưng dưới đáy lầy toàn tối đen.
Karik nói:
- Có lẽ chúng ta rơi vào hang của loại nhện đất. Đó là những con nhện rất đáng sợ. Cháu đã đọc về chúng rồi.
Valia rùng mình:
- Thế nào? Lại nhện nữa à? Ở trên trời, trên mặt đất, dưới nước, dưới đất đều có nhện cả hay sao?
Ivan Germogenovich nói:
- Cháu cứ yên tâm, loài nhện đào đất mà Karik nói đến sống ở Italia và ở miền Nam nước Pháp, ở ta không có chúng đâu.
- Vậy đây là tổ con gì vậy?
Giáo sư không đáp, vân vê chòm râu đi quanh giếng, nắm tay gõ vào tường và tư lự nói:
- Phải, chính phải rồi… Chính nó… Andrena!
Valia khóc thút thít:
- Lại còn Andrejevna nào nữa?
- Phải, chính phải rồi… Tôi biết mà… Ổn cả rồi các bạn ơi. Không có gì nguy hiểm cả. Lần này chúng ta thụt xuống đất rất đạt. Chúng ta rơi đúng vào hiệu bánh ngọt.
Valia tròn mắt ngạc nhiên:
- Cả ở đây cũng có bánh bông lan và bánh kem ư?
Giáo sư mỉm cười:
- Chính thế!
- Nhưng mọi thứ ấy ở đâu? Cháu chỉ thấy có bùn thôi!
- Hãy kiên nhẫn một chút!
Giáo sư gõ nắm tay vào tường:
- Vừng ơi hãy mở cửa!
Bức tường kêu vang tựa như gõ vào đáy thùng rỗng.
Valia liếm môi nói:
- Không mở rồi!
- Có gì lạ đâu! – Giáo sư mỉm cười - Chỉ trong truyện cổ tích mọi việc mới xảy ra theo phép thần thông biến hoá. Chúng ta phải lao động một chút. Hãy đào đất đi, ở chỗ này.
Ivan Germogenovich lại gần bức tường và bắt đầu móc đất như một con gấu, ném ra xung quanh những viên đất nặng và ướt.
Karik và Valia nhào tới giúp giáo sư.
Karik tích cực đặc biệt. Từ tay của cậu những viên đất đá bay ra liên tiếp.
Ivan Germogenovich kêu lên:
- Từ từ chứ! Khéo không cháu lấp hết cả chúng ta . Hãy cẩn thận hơn! Đừng vội vàng cháu ạ!
Karik muốn đáp lại điều gì đó, nhưng đúng lúc đó bức tường rung lên, đất đá tuôn ra đầy dưới chân các vị khách du lịch và mọi người đều nhìn thấy một cái hốc sâu trên tường.
Không khí tràn ngập mùi mật thơm của bánh quế.
- Cái gì thế? – Valia nuốt nước miếng – Thơm cứ như là cây thông năm mới.
- Thì đó chính là hiệu bánh ngọt mà! Ivan Germogenovich đáp và khom mình xuống – Còn bây giờ các cháu hãy đứng tránh sang một bên… Thế! Được rồi!
Ông cho cả hai tay vào trong hốc, dang hai chân ra và bắt đầu kéo cái gì đó về phía mình.
- Đây rồi! Đây rồi! – Giáo sư cười vang.
Ông cố sức và kéo ra khỏi hốc tường một quả cầu to màu xám, phủ đầy một lớp cát mịn hệt như phấn vàng.
- Thế là xong! – Ivan Germogenovich nói và thận trọng đặt quả cầu xuống đất.
Dùng một hòn đá nhỏ ông gọt những mảnh đá răm bám vào quả cầu rồi ráng sức cắt ra một cái gì đó màu trắng từ đỉnh quả cầu.
Đó là một quả trứng, đại loại như trứng sâu chỉ có điều rất to mà thôi.
- Úi chà! – Karik nói - Lại món trứng nữa.
- Từ quả trứng này – Giáo sư bật cười – không nấu được món trứng đâu. Chúng ta làm cái này còn hay hơn – Ông đập tay vào quả cầu giống như một cái bánh lớn bằng bột nhồi bơ sữa.
- Một cái bánh ngọt hoa! – Ivan Germogenovich nói.
Ông chùi tay vào bộ quần áo, véo một cục bột và cho vào miệng. Lông mày giáo sư dướn lên cao. Một nụ cười hài lòng hiện trên khuôn mặt.
- Đựoc đấy! – Ông vừa nhai vừa nói - Rất được! Nào các bạn hãy ăn đi. Bột nhồi dẻo toả hương thơm của mật và hoa. Cho vào miệng là cứ tan biến đi thật ngon lành.
Valia nói:
- Ngon quá! Còn ngon hơn cả bánh kem.
Ivan Germogenovich mỉm cười:
- Tại cháu đói quá đấy thôi. Mà cũng phải thôi… Chúng ta ăn sáng từ lúc mờ đất, còn bây giờ thì đã sắp trưa rồi.
Valia quả quyết:
- Không phải đâu bác, ngon thật mà.
Karik phồng hai má đầy miệng món bột thơm hỏi:
- Nhưng đó là cái gì đấy hả bác?
- Một cái phấn hoa có mật! – Giáo sư đáp.
- Nhưng tại sao nó lại ở trong giếng?
Giáo sư lượm quả trứng màu trắng phủ một lớp da đàn hồi và tung nó trên bàn tay.
- Mọi chuyện là như thế này – Ivan Germogenovich nói – cái bánh ngọt là để dành cho ấu trùng sẽ nở ra từ quả trứng này, còn bánh ngọt và quà trứng là do con ong đất Andrena đặt vào.
Valia nói:
- Nếu nó là con ong đất thì chúng ta phải mau mau ra khỏi nơi đây.
Giáo sư mỉm cười, nói:
- Con ong Andrena gọi là ong đất chỉ vì nó làm tổ ở dưới đất, còn chính nó lại sống ở bên trên, cùng với chuồn chuồn và ruồi muỗi. Thực ra đôi khi nó cũng làm tổ trên mặt đất trong những thân cây mục hay những cành gãy nhưng thường thì nó làm tổ ở dưới mặt đất. Chính vì vậy mà các nàh bác học gọi Andrena là con ong đất.
Giáo sư kể cho Karik và Valia nghe ấu trùng chui ra khỏi trứng, ăn bánh ngọt thơm ngon dành cho nó thế nào rồi biến thành con ong có cánh ra sao.
- Những cái bánh gnọt như thế - Ivan Germogenovich nói - thường có vài cái trong một tổ ong Andrena. Nếu các cháu thích bác sẽ kiếm thêm được ngay bây giờ.
Bọn trẻ phá lên cười:
- Chúng cháu đâu có phải là voi! – Karik nói - chừng này bọn cháu cũng ăn không hết nữa… Tốt nhất chúng ta nên chuồn khỏi đây trước khi con ong Andrejevna trở về.
- Trước hết gọi là Andrena chứ không phải là Andrejevna (3) – Ivan Germogenovich sửa lại cho Karik – Sau nữa bác đã nói là sau khi làm tổ, đẻ trứng và chuẩn bị để ăn xong thì con Andrena không bao giờ ngó ngàng tới đây nữa. Nó chẳng có việc gì làm ở đây… Và cả chúng ta nữa, cũng chẳng cần ở đây làm chi. No bụng rồi thì xin từ giã thôi.
Giáo sư bước lại gần bức tường nghiêng thoai thoải, bám tay vào các rễ cây bò lên trên. Lũ trẻ nhanh nhẹn như bầy khỉ bò theo sau. Chậm chạp từng bước một, họ bò theo bờ giếng tiến đến lỗ trống rực sáng bầu trời xanh trên cao. Từng lát một họ dừng chân lại nghỉ, rồi lại bò lên phía trước. Đất đá bật lên từ dưới chân lăn lóc cóc xuống dưới tận đáy tổ con Andrena.
Giáo sư là người đầu tiên bò đến bờ giếng. Ở đây oi bức và sáng sủa.
- Ôi chao! – Ông thở hắt ra nặng nhọc - Dốc ơi là dốc!... Các bạn, sao lại tụt ở phía sau thế?... Bác già rồi còn đến trước các bạn.
Ông khom mình xuống miệng giếng tối đen chìa tay xuống dưới.
- Để bác giúp nào!
Nhưng Karik không kịp nắm lấy tay ông. Ivan Germogenovich bỗng nhảy vọt lên như một quả bóng cao su. Thấp thoáng gót chân của ông cao tít trên miệng giếng rồi ông biến mất.
Karik kinh hoàng nép vào tường.
- Suỵt!
- Cái gì thế? – Valia hỏi.
- Bác ấy bị chim cắp đi mất rồi! – Karik thì thầm – Con chim lớn lắm. Cả cánh nữa.
Valia rùng mình:
- Anh nhìn thấy ư?
- Ừ, anh thấy cái cánh… to lắm… như cánh buồm ấy!
Bọn trẻ nhìn nhau. Valia rưng rưng nước mắt.
Karik nói:
- Dầu sao thì bác ấy cũng sẽ thoát khỏi!
Valia lặng lẽ khóc.
- Thôi, dừng khóc nữa, anh xin em! Bác ấy sẽ thoát ra mà – Karik an ủi em rồi thận trọng nhìn lên từ dưới giếng và gọi to:
- Bác Ivan Germogenovich ơi!
Không có ai đáp lại cả.
Valia lấy tay chùi nước mắt rồi cương quyết nói:
- Cần phải bò lên!
- Đúng thế! – Karik đồng tình.
Bọn trẻ giúp nhau bò ra khỏi giếng.
Chúng đứng trên đỉnh của ngọn”Vêzuvi vàng”. Cách đấy không xa lăn lóc cái túi của Ivan Germogenovich cùng với món trứng thừa và cái xoong bằng vỏ trứng. Phía trước trải dài sa mạc với những đồi cát vàng. Phía sau rừng cỏ rì rào như biển xanh mà những khác du lịch đã vượt qua suốt cả buổi sáng. Bên phải và bên trái là những hồ nước xanh lơ cùng rừng sậy cao mọc trên bờ.
Nhưng không thấy giáo sư đâu cả.
- Bác Ivan Germogenovich, bác ở đâu thế? – Valia gọi to.
Cô lắng nghe.
Không một tiếng động.
- Bác Ivan Germogenovich!
Nhưng đáp lại chỉ có tiếng gió rì rầm buồn bã trên đỉnh núi cao cùng tiếng vọng lan ra và tắt sau những ngọn đồi.
- Chúng ta cùng đồng thanh kêu nhé! – Karik đề nghị.
Bọn trẻ cầm tay nhau, cùng gọi to:
- Bác Ivan Germogenovich.
“Ô-ê-vich” - Tiếng vọng dội lại rồi tắt dần.
Nước mắt Valia chảy như suối. Cô úp tay lên mặt và khóc nức nở. Ngay lúc đó một cơn lốc rít lên bay qua trên đầu cô. Cô bị hất ra một phía lăn trượt trên những tảng đá to.
Cuối cùng, khi cô đứng dậy được và nhìn xung quanh không thấy Karik trên đỉnh núi nữa. Thế mà anh ấy vừa đứng ở đây xong, ngay cạnh tảng đá tròn này…
Valia hoảng sợ gọi to:
- Karik! Anh Karik, anh ở đâu thế? Doạ em làm gì thế?
Ở tít trên cao ngay dưới đám mây, ai đó đáp lại tiếng rất nhỏ:
- Va-a-lia.
(1) Vêzuvi – tên một ngọn núi lửa nổi tiếng (ND).
(2) Everest - ngọn núi ở Ấn Độ cao nhất thế giới (ND).
(3) Andrejevna là tên phụ danh thường gặp của người Nga.