JAWAHARLAL NEHRU
Lá thư thứ năm
Tác giả: JAWAHARLAL NEHRU
Chúng ta đã thấy rằng những dấu vết đầu tiên của sự sống trên trái đất có lẽ là những loài vật đơn sơ bé nhỏ ở biển và những thực vật sống dưới nước. Chúng chỉ có thể sống dưới nước vì nếu bị đem lên bờ, chúng sẽ bị mất nước, khô héo mà chết đi cũng như những con sứa ngày nay. Chắc hẳn con đã thấy một con sức bị mắc cạn trên bãi biễn mà chết? Nhưng vào thời kỳ đó chắc phải có nhiều nước và đầm lầy hơn ngày nay. Dần dần, các loài sứa ít đi, ngược lại, những sinh vật có lớp vỏ cứng bao ngoài giúp chống mất nước trong cơ thể càng ngày càng nhiều hơn.
Như thế, những loài vật dần dần tự thích nghi hoặc tự hoà hợp với môi trường xung quanh chúng. Con đã thấy các loài chim muông ở trên bảo tàng Kensington (Luân Đôn) có bộ lông trắng như tuyết đó. Các thú vật khác ở những xứ sở quanh năm đóng băng cũng vậy. Chúng trở nên trắng như tuyết cả. Còn ở các xứ nhiệt đới, lông các loài cầm thú có màu xanh hoặc các màu sáng khác đễ dễ dàng lẫn lộn với môi trường sống, tự bảo vệ mình. Con cọp chẳng hạn. Cọp có lớp lông màu vàng sọc. Màu sắc ấy giống như ánh nắng vàng chiếu xuyên qua cây cối trong rừng thẳm. Nhờ vậy, ta khó phát hiện chúa sơn lâm trong rừng già. Còn những con thú ở xứ lạnh thì đã mọc lông nhiều hơn vào mùa đông để giữ ấm.
Việc loài vật cố gắng thích nghi với môi trường chung quanh mình để tồn tại là một điều rất quan trọng và thú vị. Những sinh vật biết tự mình biến đổi và thích nghi với môi trường sống sẽ có cơ hội sống sót nhiều hơn. Chúng sinh sôi nảy nở nhiều lên trong khi những loài khác không có khả năng đó thì không thể tăng trưởng được. Điều này giúp ta hiểu được rằng chính những sinh vật đơn giản đã phát triển dần thành sinh vật cao cấp hơn. Quá trình tiến hoá này đã diễn ra rất chậm, rất lâu dài nên chỉ một đời người thì không ai có thể nhận ra được.
Con đã biết rằng trái đất đã dần dần mát mẽ và khô ráo hơn, vì vậy để tự thích nghi, sinh vật cũng phải biến đổi theo và những loài vật mới xuất hiện. Ban đầu, chúng ta chỉ có những động vật biển, đơn giản, nhưng rồi dần dần những động vật biển phức tạp bắt đầu xuất hiện. Khi địa cầu khô ráo hơn, nhiều động vật mới hình thành. Chúng sống cả dưới nước lẫn trên cạn, tương tự như các loài cá sấu hay ếch nhái ngày nay. Tiếp theo là các loài thú hoàn toàn sống trên mặt đất, và rồi đến các loài chim chóc bay lượn được trên không.
Cha có đề cập đến con ếch, việc nghiên cứu loài này rất thú vị. Qua đời sống của nó, người ta biết được động vật sống dưới nước đã biến đổi dần như thế nào để thành động vật sống trên cạn. Con ếch trước tiên là một loài cá, nhưng về sau nó trở thành một loài động vật sống được trên bờ và thở bằng những lá phổi như mọi loài sống trên bờ khác.
Trong số những loài vật sống trên đất liền đầu tiên cha có thể kể ra đây là những loài bò sát như rắn, thằn lằn, cá sấu, nhưng nó thật khổng lồ. Một con thằn lằn có thể dài tới 30 mét. Khiếp đảm chưa? Con đã thấy những hoá thạch các loài này ỏ viện bảo tàng Luân Đôn rồi đấy.
Sau đó, những con thú giống như ngày nay xuất hiện . Chúng được gọi là động vật có vú vì chúng có khả năng cho con bú. Thoạt đầu chúng cũng lớn hơn các giống thú ngày nay. Loài động vật có vú giống người nhất là khỉ hay loài vượn người (ape). Vì vậy, con người cứ cho rằng họ có nguồn gốc từ loài vượn không đuôi. Điều này có nghĩa là một con vật dần dần có thể thích nghi với môi trường xung quanh và trở nên hoàn thiện hơn. Con người thoạt tiên cũng chỉ là loài vượn tiến hoá hơn mà thôi.
Dĩ nhiên, con người đã tự hoàn thiện mình hay chính thiên nhiên đã giúp anh ta tiến lên trong quá trình tiến hoá không ngừng ấy. Hơn thế nữa, ngày nay con người cho rằng không có gì có thể cản bước chân anh ta. Họ cứ tưởng rằng mình hoàn toàn khác xa với loài vật. Nhưng tốt hơn nên nhớ rằng chúng ta thật sự là anh em họ hàng xa của nhà khỉ.