Lá thư thứ tư
Tác giả: JAWAHARLAL NEHRU
Cha đã kể cho con nghe trong lá thư trước rằng có một thời gian rất dài trái đất nóng đến đỗi không một sinh vật nào có thể sống và tồn tại được. Vậy khi nào sự sống bắt đầu xuất hiện trên trái đất và sinh vật gì xuất hiện đầu tiên? Một câu hỏi thật thú vị nhưng cũng thật khó trả lời. Trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu xem “sự sống” là gì?
Có lẽ con sẽ nói rằng con người là những “sinh vật sống” trên quả đất, và vì vậy tất cả mọi loài muôn thú cũng như thế. Còn cây cối, thảo mộc, bông hoa và rau cải thì sao? Chúng cũng là sinh vật sống đấy chứ! Chúng mọc và hút lấy nước, thở lấy không khí và chết. Có lẽ con cũng nghĩ điểm chính của sự khác nhau giữa một cái cây và một con thú là :Cây thì không di động. Nhưng có lẽ con còn nhớ có lần cha chỉ cho con thấy một số thảo mọc tại vườn Kew ở Luân Đôn. Đó là những cây lan và cây nắp ấm (pitcher). Nhưng chúng lại ăn ruồi. Còn có một số động vật như bọt biển, chúng sống ở dưới đại dương và không bao giờ di chuyển. Vậy đó, đôi khi rất khó nói một sinh vật là một con vật hay một loại thảo mộc. Khi nào con học xong thực vật học, khoa học nói về những loài cầm thú, con sẽ biết những vật lạ lùng này không phải hoàn toàn là động vật hay thực vật.
Có người kể cho chúng ta nghe rằng: ngay cả đá sỏi và các tảng đá vẫn có một ít sự sống. Chúng cũng cảm thấy đau đớn, nhưng rất khó để phát hiện điều này. Có lẽ con còn nhớ có lần, một người đàn ông đến thăm chúng ta ở Geneva. Tên của ông ta là Ngài Jagadish Bose. Ông kể ông đã làm thí nghiệm để chứng tỏ rằng thảo mộc có sự sống. Ông cũng còn cho rằng ngay cả sỏi đá cũng có một ít sự sống.
Vì thế con thấy đấy, khẳng định một vật gì đó có sự sống hay không chẳng dễ chút nào. Nhưng bây giờ, ta hãy loại bỏ những đá sỏi, chỉ bàn về thực vật và cầm thú. Ngày nay, mặt đất đã phủ đầy biết bao sinh vật sống. Loài nào cũng vậy, không loại trừ cả con người, bao giờ cũng có con khôn ngoan, có con xuẩn ngốc. con có thể thất điều ấy nhờ quan sát ngay xung quanh con.
Có những sinh vật đáng yêu và thông minh như loài voi, khỉ hay kiến. Có những sinh vật không sáng trí tí nào, đó là các giống cá hay những sinh vật sống dưới đáy đại dương. Chúng thuộc những cấp độ rất thấp trong đời sống sinhh vật. Và ngay ở thứ hạng thấp nhất này, con có thể tìm thấy loài bọt biển, loài sứa và những sinh vật nửa động vật nửa thực vật.
Chúng ta phải cố gắng tìm xem có phải tất cả các loài cầm thúc khác nhau này thình lình xuất hiện cùng một lúc trên địa cầu hay lần lượt xuất hiện. không có sách viết về thời xa xưa, vậy làm sao ta tìm hiểu được. Nhưng có lẽ, chính quyển sách thiên nhiên sẽ giúp ta biết được những loài vật khác nhau này xuất hiện lúc nào. Đó là những tảng đá cổ, những xương hoá thạch. Nhờ nghiên cứu những tảng đá và xương hoá thạch này, người ta có thể đoán ra được thời kỳ sinh sống của động vật. Con đã thấy được nhiều vật hoá thạch như thế từ lớn đến nhỏ tại thư viện Kensington ở Luân Đôn.
Khi một con vật chết, thịt của nó sẽ sinh thối, rời rã ra rất nhanh, nhưng xương của nó thì còn tồn tại rất lâu. Dĩ nhiên, những con vật không xương như sứa thì không còn lưu lại gì khi chúng chết đi. Nhờ nghiên cứu những bộ xương trong các tảng đá tìm được, người ta biết rằng nhiều chủng loại động vật khác nhau đã sinh sống và sinh sống như thế nào ở những thời kỳ khác nhau. Đầu tiên, xuất hiện những con vật đơn giản có vỏ bao ngoài như ốc, tôm, cua. Những vỏ ốc đẹp mà con nhặt được ở bãi biển đều là lớp vỏ cứng của những loài ốc, sò đã chết cách đây rất lâu. Về sau chúng ta thấy những loài có cấu trúc sinh học phứt tạp hơn như rắn, những con thú khổng lồ to hơn cả voi và những loài chim, loài cầm thú tương tự như những loài vật mà ta có ngày nay. Sau cùng, chúng ta mới tìm thấy dấu vết của con người. Như thế, sự xuất hiện của sinh vật dường như diễn tiến theo một trật tự nào đó. Trước tên là những loài vật giản đơn nhất, sau đó là những loài cầm thú cấp cao hơn phát triển ngày một phứt tạp. Cuối cùng, con người được xem là loài sinh vật thông minh, cao cấp nhất.
Trước tiên ta hãy bàn về những sinh vật đầu tiên trên địa cầu. Có lẽ những sinh vật đầu tiên khi trái đất mới vừa nguội là những vật mềm giống như thạch đông, không có vỏ bọc, không có xương và sống dưới đại dương. Chúng ta không có vật hoá thạch còn lại nào của chúng bởi vì chúng không có xương. Ngày nay, vẫn còn nhiều con vật thân mềm như thế ở biển. Chúng có dạng tròn nhưng hình dánh của chúng luôn thay đổi vì chúng không có xương và không có vỏ bọc. Hình dáng của chúng đại khái như sau :
Con hãy lưu ý một điểm ở giữa, nó được gọi là “cái nhân” và cũng là trái tim. Những con vật này có cách phân chia tách đôi thật kỳ lạ. Đầu tiên, chúng tự thắt nhỏ lại ở khoảng giữa cơ thể và quá trình này sẽ tiếp tục diễn ra cho đến khi nó tách rời hẳn làm hai phần. Mỗi phần nhỏ vừa hình thành sẽ giống y như “bà mẹ” ban đầu của nó.
Con đã thấy cái nhân hay trái tim cũng tách ra và mỗi phần nhận lấy một nửa. Bằng cách đó, những con vật này cứ tiếp tục phân chia và gia tăng số lượng. Đời sống của chúng thật đơn giản và khiêm tốn làm sao! Nhưng lúc đó trên toàn trái đất không có một động vật nào cao cấp hơn nữa.
Xuất hiện sau những sinh vật mềm này là các loài vỏ cứng và sâu bọ, sau nữa là loài cá. Chúng ta đã biết nhiều về giống này bởi vì vỏ và xướng cứng của chúng đã được bỏ lại trên mặt bùn, cát rất lâu. Chúng dần dần được phủ kín bằng bùn non và cát nhuyễn, vì thế chúng được bảo quản một cách cẩn thận. Những lớp cát và bùn chồng chất lên nhau lâu ngày trở nên rất cứng, sau đó biến thành tảng đá. Những tảng đá hình thành dưới đáy biển là như thế. Khi động đất hay có một sự cố nào đó, tảng đá bị đưa từ dưới đáy biển lên trên. Đôi khi, các con sông và những trận mưa to cuốn những tảng đá ấy đi làm lộ ra những vỏ ốc đã chui dưới sình hàng thế kỷ. Điều này giúp chúng ta hiểu được cuộc sống trên trái đất của chúng ta như thế nào trước khi loài người xuất hiện.
Chúng ra sẽ đọc xem trong lá thư tới những con vật đơn sơ này phát triển như thế nào để có hình dáng như ngày nay.