Chương 3
Tác giả: Junichi Watanabe
Hôm Azusa vào viện, trời mưa sụt sùi từ sáng đến chiều.
Chưa đến cuối thằng tám mà nhiệt độ xuống 28 độ, mát mẻ như mùa thu.
Mùa hè năm nay phần lớn râm mát, rất ít ngày nắng chói chang. Tưởng như chưa có những ngày hè nắng nóng đầm đìa mồ hôi thì đã sang thu mát mẻ.
Kuga chợt buồn khi nhớ lại mùa hè năm nay. Bỗng có tiếng chuông điện thoại của Azusa.
– Em đi ngay bây giờ.
Tiếng nàng không giống tiếng người sắp phải vào viện, mà như sắp đi chơi xa. Tiếng trả lời của Kuga rõ ràng:
– Em vào bệnh viện Ochanomizu đấy chứ? Cẩn thận em nhé!
– Hôm nay trời mưa, tuyệt lắm. Nếu nắng ráo vào viện thì rất tiếc. Trời mưa, yên tâm hơn.
Kuga hiểu lòng nàng, nhưng vẫn áy náy chuyện mổ:
– Hôm nào thì mổ?
– Phải mất bốn, năm ngày kiểm tra tiếp, em nghĩ sang tuần sau.
– Trước khi mổ vẫn liên lạc với nhau được chứ?
– Bệnh viện không cho dùng điện thoại di động, sợ ảnh hưởng đến người khác. Cứ để em gọi cho anh.
– Có thể qua trung tâm y tá gọi cho em được không?
– Sau mổ một thời gian không được phép gọi điện thoại.
Kuga nhận ra rằng, Azusa vào viện là hoàn toàn cách ly với thế giới bên ngoài. Anh nói:
– Anh đem hoa đến cho em nhé!
Thoạt đầu Azusa đồng ý, nhưng rồi nàng lại nói:
– Thôi anh ạ!
Kuga nghĩ, bó hoa có danh thiếp của mình em rằng gây phiền hà cho Azusa chăng, anh nói:
– Anh không ghi tên, chỉ một bó hoa bách hợp trắng thôi, được không?
Azusa thích hoa trắng, nhất là hoa bách hợp.
– Nhưng không biết có chỗ cắm hoa không?
– Để ở phòng của mình thì sao?
– Hai người nằm chung một phòng ... - Azusa chuyển sang chuyện khác – Bát hoa ấy hôm nay thế nào rồi?
Nàng hỏi bát hoa nàng đem đến trước hôm đến bệnh viện lấy kết quả kiểm tra.
– Vẫn thế!
Xem ra những bông hoa lan hồ điệp trên lá sen trắng còn tươi được thêm ít ngày nữa.
– Nếu ra viện an toàn, em sẽ đến cắm hoa cho anh nữa.
– Chắc chắn là an toàn rồi.
– Đúng thế không?
– Tất nhiên!
Được Kuga động viên, Azusa yên tâm hơn:
– Em đi nhé!
– Chúc em sớm ra viện – Kuga nói thêm – Anh yêu em!
Azusa cười, khẽ nói:
– Em cũng yêu anh!
Kuga gật đầu, tình cảm tưởng như làm cho hai người trẻ lại.
Azusa vào viện được hai hôm thì Kuga cùng anh bạn Muraki đến ăn tại một nhà hàng nhỏ ở Ginza.
Muraki là bạn thời trung học, vào đại học anh học y khoa, hiện tại là chủ nhiệm khoa tiết niệu tại một bệnh viện công ở Yokohama.
Hồi xưa, Kuga vẫn chọc anh:
“Cậu tại sao lại học tiết niệu?” Muraki trả lời rất nghiêm túc:
“Hành vi quan trọng nhất của con người là bài tiết.”.
Muraki cho rằng, con người ngày nay chỉ nghĩ đến ăn gì, ăn bao nhiêu nhưng lại ít nghĩ bài tiết gì, bài tiết bao nhiêu. Anh ta vẫn chủ trương:
trước hết phải thải loại tất cả những gì thừa thãi ra khỏi cơ thể mới có thể thoải mái nghĩ đến ăn. Đó là quan điểm “bài tiết tốt mới có thể mạnh khỏe”.
Trong lúc hai người đứng tiểu tiện trong nhà vệ sinh, anh ta nói với sự hiểu biết sâu sắc:
– Thấy không, có thể đi tiểu thoải mái mới cảm thấy hạnh phúc!
Kuga thấy anh bạn như bị “thần kinh” nhưng hàng ngày anh ta tiếp xúc với những người khổ sở vì bí tiểu tiện, thì điều anh nói ra là những cảm nhận đúng đắn.
Không có gì thay thế được cảm giác sảng khoái sau khi bài tiết thoải mái , dù là đại tiện hay tiểu tiện.
“Tất cả những gì bài tiết từ cơ thể ra đều quan sát kỹ càng”. Đó là câu thần chú cửa miệng của anh ta, bởi quan sát những thứ bài tiết khỏi cơ thể có thể biết được cơ thể ra sao. Anh ta vẫn phàn nàn:
“Hố xí tự hoại đã làm mất những thông tin bên trong cơ thể”.
Chuyện nghe có phần khôi hài, nhưng đúng như thế. Anh ta nói:
Cho nên, việc lớn của con người là không thể bỏ qua những thứ đó. Câu nói tuy khiêm tốn lấy mình ra làm gương, nhưng đám sinh viên y khoa cho rằng đó là lời kiến giải độc đáo.
Anh bạn Muraki thích món ăn Nhật Bản, Kuga chọn một nhà hàng ăn nhỏ ở phố Ginza Tây đầy những tiệm rượu. Nhà hàng trên tầng hai, chỉ một cái quầy hình chữ L và một gian nhỏ.
Hai người ngồi gần quầy, uống bia khai vị rồi uống rượu trắng hâm nóng.
Tuy trời chuyển mát, nhưng vẫn là tháng tám nhiều người vẫn uống rượu nguội. Nhưng Kuga và Muraki quen uống rượu nóng.
– Uống rượu này mà không uống nóng là người không biết uống rượu - Về uống rượu hai người thật tâm đầu ý hợp, rất giống nhau.
Kuga rót rượu cho Muraki. Muraki nâng chén rượu lên nhâm nhiều ngon lành.
Cô chủ quán mời hai người:
– Vừa có cá hồi ở Hockaidô về, các ông dùng một đĩa chứ ạ?
Muraki gọi một dĩa cá rán. Ăn cá ở Ginza quả là ngon, nhưng nhà hàng có cả món thịt bò loại cao cấp, Kuga muốn ăn món bít-tết bò tẩm gia vị. Muraki ngạc nhiên thấy Kuga thích ăn món thịt bò, anh hỏi:
– Gần đây cậu lại thích ăn món Âu à?
– Không phải là thích, ăn gỏi cá chán rồi, đổi khẩu vị thôi mà!
– Cá rán ngon lắm. Người Nhật thích ăn gỏi, mình thấy gỏi cá thu cũng ngon, còn những thứ cá khác rán lên rất ngon.
Kuga đồng ý với Muraki:
– Không hiểu vì sao gần đây mình thích ăn các món Italia và các món Âu.
– Chứng tỏ sức khỏe của cậu rất tốt – Muraki nói với giọng của một bác sĩ, tiếp đó, anh ta thăm dò - Chắc là bị ảnh hưởng của cô bạn gái chứ gì?
– Là thế nào?
– Nếu thường xuyên tiếp xúc với những người con gái thích các món Âu thì khẩu vị của mình cũng sẽ bọ thay đổi theo.
Kuga nghĩ ngay đến Azusa. Nàng thích các món ăn Nhật Bản, nhưng cũng thích món ăn Italia, nhiều lần anh đưa Kuga đến nhà hàng ăn Âu .
– Cậu đang có bạn gái chứ gì?
Kuga không thể nói chuyện Azusa với Muraki được, nhưng Muraki rất nhạy cảm, – Đừng giấu tớ nữa!
– Có gì phải giấu diếm, nhưng có thể cậu đã nói đúng.
– Ngoài năm mươi, nói chuyện tình yêu đúng là tuyệt vời đấy!
Kuga nghĩ, nếu mình im lặng thì Muraki sẽ hỏi đến cùng, liền chuyển sang chuyện khác:
– Có việc này muốn hỏi cậu.
Mục đích tối nay Kuga mời Muraki ăn cơm, thứ nhất hai người lâu ngày mới gặp lại nhau; thứ hai, muốn hỏi Muraki về bệnh tình của Azusa. Tuy Muraki là bác sĩ tiết niệu, không hiểu về nhãn khoa, nhưng như thế có thể dễ hỏi hơn.
– Bệnh về mắt ...
Muraki vừa dùng đũa xắn cá với động tác nhanh nhẹn không tương xứng với tấm thân mập mạp của anh, vừa hỏi:
– Để viết tiểu thuyết à?
– Không, không, không phải thế.
Trước đây, Kuga viết tiểu thuyết cũng đã hỏi Muraki về bệnh hôi chân, cho nên Muraki nghĩ Kuga hỏi chỉ là để viết truyện.
– Mình có một người quen ... - Kuga kể bệnh tình của Azusa gần đây, mắt lồi lên, nhìn cái gì cũng thành hai hình hay đau đầu – Hình như đáy mắt có khối u gì đó ...
– Có thể như thế.
Muraki trả lời dứt khoát, khiến Kuga lộ thêm:
– Mổ không sao chứ?
– Nếu bác sĩ khuyên vẫn nên mổ.
– Có trường hợp nào mắt bị lồi nên không?
– Có thể khối u trong hốc mắt.
– Hốc mắt là như thế nào?
– Tức là hốc đựng nhãn cầu – Muraki giải thích bằng những lời lẽ dễ hiểu nhất - Cậu đã thấy xương đầu bao giờ chưa? Tức là hai cái hốc đen chứa nhãn cầu ấy mà!
Kuga gắn khuôn mặt xinh xắn nhã nhặn của Azusa vào bộ xương đầu, bất giác cảm thấy gai người:
– Ở đấy cũng có thể có khối u à?
– U lành, cũng có thể là u ác tính.
– U ác tính là thế nào?
– Nó sẽ phát triển nhanh như ung thư, không chữa kịp thời sẽ không còn thuốc thang nào cứu vãn nổi.
Khối u của Azusa là lành tính hay ác tính?
– Nghe nói phải vào viện để mổ ngay.
– Thế thì chẳng có vấn đề gì, nhưng tớ phải hỏi lại bác sĩ nhãn khoa.
– Xin lỗi ...
Kuga cám ơn. Muraki vừa rót rượu cho Kuga vừa nói:
– Nhưng rất ít gặp trường hợp ấy.
– Nghĩa là thế nào?
– Tớ cũng không rõ. Không phải di truyền, chỉ có thể nói là số phận.
Kuga vừa gật đầu, vừa nghĩ đến Azusa đang ở bệnh viện. Giờ này nàng đang làm gì, hai người nằm chung một phòng, có thể không đến nỗi buồn, nhưng đêm trong bệnh viện rất buồn. Bây giờ đã hơn tám giờ, biết đâu người nhà đang ở đấy với nàng. Con hay chồng? Hay chỉ một mình?
Muraki vừa rót rượu cho Kuga, vừa hỏi:
– Người nhà cậu à?
– Không, nhưng ...
– Vào viện rồi thì phải nghe theo bác sĩ ...
Kuga gật đầu, uống cạn ly rượu, định bụng không nghĩ gì đến Azusa nữa.
Trưa thứ bảy, ba ngày kể từ hôm Azusa vào viện, Kuga nhận được điện thoại của nàng. Vừa nghe tiếng của nàng, anh liền hỏi:
– Em gọi cho anh từ bệnh viện đấy à?
– Vâng, em đang gọi ở máy công cộng trước trung tâm liên lạc y tá.
Kuga nghĩ, không hiểu giờ này nàng đang mặc áo quần bệnh viện hay mặc đồ ngủ? Anh hỏi:
– Tình hình thế nào rồi?
– Vẫn ổn - Rồi nàng hạ giọng - Ở bệnh viện buồn quá!
Azusa cho biết, buổi sáng dậy rất sớm, mọi việc buổi trưa và buổi tối đều diễn ra sớm hơn, sáu giờ đã ăn cơm tối, chín giờ tắt đèn, đêm rất dài, không ngủ được.
– Không ngủ được vì đau hay vì mệt?
– Đau mắt không như đau chân, đau tay hoặc đau nội tạng, không có cảm giác đau ở đâu, bởi đêm dài nên không ngủ được. Nếu đau ở đâu thì mới thật sự mất ngủ.
– Phòng hai người ư em?
– Vâng! Bà già nằm với em ban ngày rất tỉnh táo, ban đêm ngủ rất sớm.
– Bà ấy bị bệnh gì?
– Gôlôcôm. Mổ xong rồi, chỉ vài ba hôm nữa là ra viện.
– Anh đến thăm em nhé?
Kuga nửa đùa nửa thật, Azusa vội vã từ chối:
– Không được! Ở đây thóc mách, lắm mồm lắm!
– Em yên tâm, anh không đến đâu – Kuga nghĩ bà già không sao, chỉ sợ gặp người nhà của nàng thì phiền – Nghe thấy tiếng em là mừng rối – Em cũng vậy.
Anh hình dung khi Azusa nằm ở giường, liền hỏi:
– Chỗ em có máy thu hình không?
– Có hình nhưng không có tiếng, vả lại không được xem quá muộn. Ngủ không được em đọc sách của anh.
Azusa nói đến tập bút ký và tiểu thuyết viết về những hoạt động của các nữ chí sĩ thời Mạc Phủ.
– Em đem theo những cuốn sách ấy à?
– Bản in đẹp, xem rất thú vị. Nhưng đọc nhiều mỏi mắt lắm.
– Thôi, đừng xem nữa.
Được người con gái thân quen đọc sách của mình, Kuga thấy ngượng, anh liền chuyển sang chuyện khác:
– Bao giờ thì mổ, em?
– Có lẽ tuần sau, vào buổi chiều.
– Không mất nhiều thời gian lắm đâu nhỉ?
– Nghe nói mất vài tiếng, phải bổ xương đầu ra.
– Ở trán, gần thái dương ...
Bất giác, Kuga đưa tay lên ấn thái dương mình.
– Đại phẫu thuật – Azusa nói.
Dao mổ chạm vào xương thịt, Azusa sợ là phải.
– Yên tâm đi, em – Kuga biết câu nói đó là để trấn an chính mình, anh liền chuyển sang chuyện khác – Anh sẽ đem hoa tặng em. Không để tên anh, được không nào?
Azusa không trả lời ngay, hình như suy nghĩ giấy lát rồi mới nói:
– Được không?
– Tất nhiên, chỉ cần em đồng ý. Tặng một bó hoa được chứ?
Hoa bài bác phải có rễ, bởi trị bệnh phải trị tận gốc rễ, cho nên tặng hoa người ốm chỉ có thể tặng hoa bó.
– Có chỗ để hoa không?
– Đặt ở tủ đầu giường, tuy em không nằm gần cửa sổ.
– Thế thì không cần nhiều hoa lắm đâu nhỉ?
– Vài ba bông là đủ. Ngắm hoa để có thể cảm thấy anh đang ở bên em.
– Thế thì được.
– Sau khi tháo băng, cái mà em nhìn đầu tiên sẽ là hoa của anh.
Kuga vô cùng sung sướng, muốn chạy ngay đến bên nàng.
Hai ngày sau đó, thứ hai, ca mổ dự định vào buổi chiều, nhưng Kuga vẫn không nhận được điện thoại của Azusa. Anh nghĩ, trước khi mổ phải uống thuốc, phải bận chuẩn bị, không có thời gian gọi điện cho anh; hoặc có người nhà, không tiện gọi điện. Tóm lại, nếu mổ theo đúng kế hoạch thì trong những ngày này không thể nghe được tiếng nàng.
Chợt Kuga nghĩ, Azusa đã đi xa, lòng anh thảng thốt không yên. Nếu bệnh tình của Azusa xấu đi, anh cũng không thể nào biết được. Với chồng nàng thì không thể hỏi, con cái nàng cũng không biết có Kuga tồn tại. Dù có biết cũng không thể thông báo cho anh. Nghĩ đến đây. Lòng anh rối bời.
Dẫu rằng xã hội nhìn nhận chuyện này thế nào, Kuga vẫn cho rằng cần phải giữ quan hệ cực kỳ thân thiết, vững chắc với Azusa, đó cũng là quan hệ mỏng manh, không ổn định nhất. Chỉ cần Azusa không gọi điện thoại, có thể hai người sẽ xa nhau từ đấy, sự thật yêu nhau cũng tan thành mây khói.
Hôm ấy Kuga rất bận.
Thời hạn phải nộp truyện ngắn đã quá một ngày, thời gian nộp bài tùy bút cũng đã đến gần.
Anh là nhà văn chuyên viết truyện lịch sử. Tuy ít nổi tiếng, nhưng vẫn không được phép kéo dài thời hạn nộp bài. Anh định hôm nay gác chuyện Azusa sang một bên, tập trung vào viết, nhưng không sao viết nổi.
Trước kia cũng thế, mỗi lần không tập trung tư tưởng viết, anh luôn luôn căm giận công việc vất vả này. Nếu là viên chức của công ty hay là một công nhân, hàng ngày đi làm ở công ty hoặc nhà máy, cùng làm việc với mọi người sẽ không còn buồn phiền. Với những người lao động chân tay, không cần động não sẽ nhanh chóng bắt tay vào việc. Nhưng là công việc ở nhà thì không thể thanh thản như thế được. Dĩ nhiên, cùng làm việc với mọi người cũng có cái khó, công việc vụn vặt, phải chú ý đến một người chung quanh. Xét về điểm đó, tính chất sáng tác tương đối đơn giản hơn, tự do hơn.
Dù sao thì hôm nay sẽ không nghĩ đến chuyện khác, chỉ làm việc. Kuga ngồi trước bàn. Trước hết đọc những tư liệu cần thiết, rồi chuyển sang sáng tác, bắt đầu viết.
Viết được chừng hai tiếng đồng hồ, đầu óc đã mệt, không thể viết tiếp, anh phải dừng bút, hút thuốc, nghỉ ngơi chốc lát.
Lúc này đã năm giờ chiều, có thể vì cuối hè, sắp có bão, mây đen ùn ùn kéo tới, trời tối dần.
Kuga hút xong điếu thuốc, uống ly cà-phê của cô thư ký đưa, anh lại nghĩ đến Azusa. Nếu chiều nay mổ thì giờ này đã xong. Mổ không có vấn đề gì chứ?
Càng nghĩ, anh càng không yên tâm, liền gọi điện cho bệnh viện. Điện thoại qua tổng đài, đến khoa mắt, đầu kia đường dây có tiếng như của một nữ y tá trẻ:
– Vâng, tôi ở buồng bệnh ...
– Xin lỗi ... - Kuga hít thở thật sâu, nói – Xin cho biết, bệnh nhân Kanô Azusa mổ đã xong chưa?
– Thưa, ai ạ?
– Tôi là người quen của bà ấy. Được biết chiều nay bà ấy mổ.
– Không, tôi muốn biết tên bệnh nhân.
Kuga vội vàng nhắc lại tên Azusa. Cô y tá trả lời:
– Ca mổ đã xong từ lâu rồi!
– Mổ không có vấn đề gì chứ?
– Vâng! Nhưng sao ạ?
– Thế thì tốt!
Anh khẽ cảm ơn cô y tá ở đầu kia đường dây, rồi đặt máy xuống. Xem ra Azusa mổ an toàn. Nghe cô y tá nói, ca mổ thành công là điều tất nhiên, nhưng vừa rồi anh vẫn lo, nghĩ đến trường hợp xấu nhất.
Như vậy, hai người vẫn có thể duy trì mối quan hệ mỏng manh? Dẫu sao thì tảng đá trong lòng Kuga đã được trút bỏ. Anh uống cà-phê, nghĩ:
bệnh tình của người thân yêu cũng không được thăm hỏi đàng hoàng, mối quan hệ thật không bình thường.
Buổi tối, Kuga nằm mơ thấy Azusa. Nhưng chỉ là giấc mơ. Giống như ngày xưa Kuga đang ở trong nhà xe, trong đống đồ đạc cũ ngổn ngang trên nến nhà, lăn lóc một bộ hài cốt. Ngay lúc ấy có cậu bạn thời trung học, không hiểu vì sao sau đó chỉ có một mình Kuga. Nhìn kỹ, đó là một hộp xương sọ, hai hốc mắt đen ngòm, trông rất rõ ràng. Anh bạn hỏi xương đầu của ai? Kuga biết đó là hộp sọ của Azusa. Hộp xương sọ vẫn ở cạnh xô -pha, anh định đem đi chỗ khác, nhưng rễ hoa quấn chặt hốc mắt, rất khó lấy đi.
Trong lúc anh đang luống cuống thì Azusa đứng ở góc nhà xe, bảo với anh hoa được cắm ở hộp sọ nàng, anh không được ngắt những bông hoa trắng ấy.
Kuga nói:
“Để đây người khác sẽ biết, vẫn phải cắt bỏ những bông hoa trong hộp sọ đi”. Lúc này, tay anh quờ quạng trong bùn nhão đụng phải một vật gì đó, anh vội vàng rút tay lên, lập tức hộp sọ biến đâu mất, và anh cũng tỉnh giấc mơ.
Gần đây, anh rất ít nằm mơ. Tuổi già sức yêu, cơ thể không còn đủ sức để mơ. Nhưng giấc mơ này hết sức rõ ràng, tỉnh rồi vẫn nhớ, tưởng đâu vẫn trong mơ.
Anh nhìn đồng hồ trên tủ đầu giường, bốn giờ còn lâu mới sáng. Trong bóng tối, Kuga khắc khoải mãi với giấc mơ kỳ lạ vừa rồi. Hộp sọ và Azusa trong mơ tưởng đâu có liên quan đến khối u trong hốc mắt của Azusa. Muraki nói hốc mắt là nơi đựng nhãn cầu đã gây ấn tượng sâu sắc cho Kuga, bởi thế nó xuất hiện trong giấc mơ. Không thể tưởng tượng nổi là những bông hoa trắng, có thể có liên quan gì đó đến những bông hoa bách hợp Kuga tặng nàng. Nhưng rùng rợn nhất là rễ hoa quấn sâu vào hốc mắt, không thể dứt ra nồi, tay anh đụng vào một vật cứng giống như một ống sắt vùi trong đất. Anh tỉnh lại, người đầm đìa mồ hôi.
Cảnh trong mơ và cảm giác cuối cùng có liên quan gì vừa nhau?
Kuga nghĩ ngợi vẩn vơ, không thể giải thích nổi, đang trở mình định ngủ tiếp, bỗng phát hiện cái ấy của mình cương lên. Tại sao thế nhỉ?
Trước đây, mỗi sáng tỉnh dậy, nó đều cứng hơn bình thường. Thời trẻ còn hay bị dị tinh, nhưng lâu rồi không còn cảm giác ấy nữa.
Năng lực của người đàn ông sẽ suy giảm theo tuổi tác, nhưng bước sang tuổi già vẫn có thể đòi hỏi, Tùy từng người, thời gian có thể kéo dài. Đòi hỏi trong trạng thái vô thức, như những lúc tỉnh giấc trong đêm sẽ diễn đi diễn lại nhiều lần ... Anh thấy lạ, tại sao hiện tượng này xuất hiện rõ ràng như thế? Bởi tối hôm qua ngủ say? Không, nửa đêm bị giấc mơ đánh thức, không thể nói đã ngủ ngon. Vậy hộp xương sọ, hoa trắng, Azusa có liên quan gì đến sự thay đổi của cơ thể mình đây? Có thể sự kích thích bản năng chăng? Đã hơn một tuần không gặp mặt Azusa, nhưng trước kia có những lần hơn một tháng trời mới gặp nhau cũng không sao. Có thể, Azusa vào viện, không được gặp, càng kích thích nỗi khát khao gặp nàng chăng!
– Azusa ...
Kuga khẽ gọi tên nàng trong bóng tối, tưởng như thấy làn da trắng ngần của nàng, nghe thấy tiếng rên se sẻ của nàng mỗi khi đạt đến cao trào. Những âm thanh hư ảo vang mãi bên tai, Kuga lẩm bẩm:
“Em, anh muốn gặp em ... anh muốn ... ”.
Chợt anh ý thức rằng, người phụ nữ mình yêu đã có chồng! Thế thì sao?
Tưởng như đến tận bây giờ anh mới hiểu quan hệ của hai người là trái vừa đạo đức xã hội. Anh cố thoát khỏi giấc mơ, hoàn toàn tỉnh táo.
Azusa đã mổ xong, nhưng anh vẫn không nhận được điện thoại của nàng.
Kuga nghĩ, có thể vì phải mổ xương đầu, không đi gọi điện được, nhưng anh vẫn muốn biết tình hình sau khi mổ.
Mấy lần anh định gọi điện cho bệnh viện, nhưng lại nghĩ mình không phải thân thích, đi hỏi bệnh tình người khác, dễ nghi ngờ, nên anh đành thôi. Nếu mình là họ hàng thân thích của Azusa thì có thể trực tiếp đến bệnh viện để hỏi tình hình sau khi mổ.
Một lần nữa anh cảm thấy khoảng cách giữa mình và Azusa, cũng bởi quan hệ không được xã hội thừa nhận, không còn cách nào khác. Anh tự an ủi, nhưng chỉ lát sau lại nghĩ đến nàng. Có thể nàng đang chịu đau đớn nơi đáy mắt, hoặc xuất hiện ảo thị. Mổ ruột hay dạ dày tương đối bình thường, có thể tưởng tượng được cái đau sau khi mổ, nhưng với các chứng về mắt thì không thể biết, không rõ ra sao, anh càng nóng lòng hơn.
Ngày thứ bảy rồi mà vẫn không biết tin tức gì. Anh nghĩ, bình thường mổ sau bảy ngày thì cắt chỉ, cho nên trong vòng một tuần nàng sẽ không thể liên lạc gì được.
Hơn bốn giờ chiều ngày thứ tư, vào lúc anh thất vọng lắm rồi thì điện thoại trong phòng làm việc reo vang. Buổi chiều hoặc gần tối thường hay có điện thoại của Bộ biên tập, anh cứ nghĩ Bộ biên tập gọi. Anh cầm máy lên, tiếng cô thư ký:
– Thưa ông, điện thoại của bà Kanô ...
– Kanô ... - Bất giác Kuga nhắc lại, rồi nói vào máy – Alô – đã nhận ra tiếng Azusa, anh hỏi - Mổ xong rồi hả em?
– Vâng, theo đúng kế hoạch.
– Không có vấn đề gì chứ?
– Không vấn đề thì mới gọi điện thoại được cho anh!
Kuga tỏ ra vội vã, gấp gáp, Azusa thì thư thả, không vội.
– Đi lại được rồi đấy à?
– Vâng, em đang nói chuyện với anh ở trạm điện thoại công cộng của trung tâm liên lạc y tá, như lần trước gọi cho anh.
– Mắt thế nào rồi?
– Vẫn đang băng. Hôm qua lần đầu mở băng, nhìn rõ lắm.
– Tốt rồi – Kuga thở phào nhẹ nhõm – Đau lắm không em?
– Hôm mổ, mắt lóa ghê lắm, hôm sau trở lại bình thường, hôm qua có thể dậy, ăn uống như người bình thường.
Sau mấy ngày nóng lòng mong đợi, nghe Azusa nói thế, Kuga thấy nhẹ người, thanh thản.
– Anh cứ lo, không hiểu em thế nào!
– Cảm ơn anh! Không ngờ lại đơn giản đến thế.
Bệnh về mắt khác với các loại bệnh khác, tay chân, nội tạng không có vấn đề gì, mổ bình thường sức khỏe bình phục cũng nhanh chóng.
– Vậy là khỏi rồi chứ?
– Mắt đã nhìn thấy, nhưng vẫn chưa cắt chỉ - Azusa như chợt nhớ ra – Nhưng, như hôm trước em nói, mổ xong, việc đầu tiên là em phải nhìn hoa của anh tặng.
Trước hôm mổ, Kuga gửi tặng nàng một bó hoa bách hợp trắng.
– Mới hết thuốc tê, tỉnh lại là em nhìn thấy hoa ngay.
– Thế là thế nào?
– Mắt phải của em vẫn nhìn thấy – Azusa mổ mắt trái, mắt phải vẫn bình thường, không bị băng. Phát hiện ra điều ấy, nàng thấy rất có ý nghĩa – Hôm qua mở băng, em nhìn bằng mắt trái cũng rất rõ, không có vấn đề gì.
Mới là ngày thứ tư mà Azusa nói rành mạch, khỏe khoắn, như khỏe hơn trước khi mổ.
– Như thế là hoàn toàn thành công rồi.
– Nhờ âm phúc của anh, tóm lại ...
– Hôm nào ra viện?
– Chưa quyết định, có thể bốn năm hôm nữa.
– Chúng mình sớm được gặp nhau rồi.
– Không được, phải nghỉ ngơi một thời gian.
Mổ mắt cũng phải tĩnh dưỡng nghỉ ngơi sao? Nếu thế, không cần dùng đến mắt có được không?
– Em ngồi xe đến, không sao đâu.
– Không, em sợ bị anh trị tội.
– Tại sao em nói thế?
– Em nói thật đấy - Bỗng nàng hạ giọng – Với lại, hễ gặp mặt là anh giày vò em ...
– Giày vò? – Kuga ngừng lại, lập tức hiểu ý Azusa, liền nói- Không đâu!
– Em không tin.
– Lần này gặp em sẽ nghiêm túc, tôn kính em, chiều chuộng em như một bà hoàng.
Azusa cười, nói:
– Em sẽ là tượng thần bằng đá ...
– Tượng thần?
Trước khi mổ, Azusa bảo sẽ để lại một vết sẹo bên thái dương, vết mổ ấy lớn hay bé? Kuga hỏi:
– Vết mổ không lớn lắm phải không em?
– Cũng khó nói ...
– Có để lại vết sẹo cũng chẳng sao.
– Thật không?
Kuga trả lời không do dự:
– Tất nhiên! Anh mong em.
– Ngày nào ra viện, em sẽ gọi điện cho anh.
Kuga hình dung Azusa mắt bị băng kín, đang đứng nói chuyện ở trạm điện thoại công cộng trước trung tâm liên lạc y tá.
Không ngờ, đã sang tháng chín rồi mà trời vẫn nóng, tất nhiên chỉ là cái nóng rơi rớt sau lập thu, nhưng trời âm u, vừa nóng vừa ẩm ướt, khó chịu như mùa mưa dầm.
Azusa ra viện trong những ngày nóng bức ẩm ướt. Gần trưa, nàng gọi điện đến báo “Ngay bây giờ ra viện”. Ra viện rồi, liền hai ngày sau đó, Kuga không nhận được điện thoại của nàng. Anh nghĩ, có thể nàng đang nghỉ ngơi, đồng thời hình dung nàng trong những ngày này.
Hôm gọi điện thoại ở bệnh viện, nàng nói “Em là tượng đá”, câu nói ấy có bao nhiêu phần chân thật? Nếu đúng là biến thành “tượng đá”, bi thảm đau đớn, làm sao có thể chủ động nói với người khác một cách nhẹ nhàng như thế? Chỉ là nói đùa! Thật ra chỉ rạch một đường bên thái dương, khuôn mặt không thể trở nên xấu xí, khó coi như nhăn nhó giãy giụa khi uống thuốc độc. Điều này có thể yên tâm, nhưng vết sẹo ấy ảnh hưởng đến khuôn mặt nàng như thế nào? Trán Azusa vốn dĩ hơi dô, vầng trán sáng sủa thể hiện nét thông minh vững vàng đáng yêu vốn có của nàng. Tuy ở bên thái dương, nếu vết sẹo trông rõ thì thế nào?
Kuga nghĩ đi nghĩ lại, nhưng vẫn không hình dung nổi khuôn mặt có vết sẹo, chỉ hiện lên trước mắt anh những nếp nhăn bé nhỏ run rẩy giữa vầng trán và sống mũi mỗi khi nàng đạt cao trào. Dưới ánh đèn mờ ảo, anh thấy vẻ mặt đau đớn như khóc, như không mỗi lúc cao trào của nàng liên tiếp từng đợt dâng lên, lên đến cực điểm hưng phấn.
Sau khi mổ, những nếp nhăn ấy như cũ hay bị ảnh hưởng bởi vết sẹo? Kuga rất sợ, sau khi mổ sẽ để lại trên mặt nàng vết sẹo, bất giác anh liên tưởng đến những chuyện chăn gối.
Ba ngày sau khi Azusa ra viện, Kuga mới nhận được điện thoại của nàng:
– Anh khỏe không?
Người ốm đi bệnh viện, hỏi người ở nhà có khỏe không, thật buồn cười.
Kuga trả lời:
– Tất nhiên rất khỏe - rồi anh hỏi nàng – Còn em thế nào?
– Đã tháo băng.
– Như thế là khỏi hẳn rồi nhỉ?
– Nhưng vẫn phải đến viện.
Azusa muốn nói, vẫn phải đến để kiểm tra lại tình hình sau khi mổ.
– Tuyệt lắm, sắp đi làm rồi chứ?
– Phải nghỉ thêm ít ngày nữa, tuần sau mới đi làm.
– Phải chúc mừng em mới được.
– Gặp mặt à?
– Tất nhiên, cùng ăn với nhau bữa cơm.
Kuga một tay cầm ống nghe, một tay lật giở sổ ghi chép. Anh nghe Azusa nói:
– Em biến thành tượng đá rồi đấy!
– Không sao, không sao.
– Có một vết sẹo ...
– Anh rất muốn xem ...
Chợt anh liên tưởng đến ý nghĩ tà dâm quái đản vừa rồi. Azusa thì khổ nổi anh đang nghĩ gì, chỉ khẽ nói:
– Đúng là kỳ quái!
– Nhanh lên, tối ngày kia nhé?
Tối ngày kia Kuga phải đi dự buổi chiêu đãi nhân dịp một nhà xuất bản trao tặng giải thưởng văn chương tại một khách sạn gần Yurakuchô, nửa chừng có thể bỏ về:
– Gặp em ở Ginza nhé!
– Chỗ ấy sang trọng, em đến thế nào được.
– Bình thường em không đến cũng được, nhưng là anh chúc mừng em ra viện. Cứ đi nhé!
Ginza gần khách sạn tổ chức chiêu đãi, ra đấy rất tiện. Kuga hẹn Azusa tại của một nhà hàng, anh còn hỏi lại:
– Em có biết chỗ ấy không?
– Bộ mặt tượng đá của em đến nơi ấy bất tiện cho anh lắm!
– Nếu hẹn gặp một tượng đá thì khỏi có người ghen với anh.
– Làm thế nào ...
Azusa vẫn chưa dứt khoát, thực ra, bản thân sự do dự cũng có nghĩa là muốn đi.
– Không sao, em cứ đến! Không được gặp em, anh sẽ cho rằng em đã trở thành “bát quái” rồi!
Có thể, câu nói ấy là cho Azusa quyết tâm:
– Vâng, em sẽ đến!
Lễ trao thưởng bắt đầu lúc sáu giờ. Kuga bỏ về ngay sau khi vị Ủy viên Hội đồng xét thưởng và người được thưởng đầu tiên vừa phát biểu xong.
Anh định không dự buổi họp mặt này, nhưng vì có việc phải bàn với biên tập của nhà xuất bản chủ trì hôm nay, cho nên tiện thể đến tham dự.
Sở dĩ anh không muốn dự vì tác phẩm của anh có thể được thưởng, hơn nữa người phụ trách biên tập của nhà xuất bản đã thông báo, tác phẩm của anh được đưa vào vòng xét thưởng. Đối tượng của giải là các nhà văn nòng cốt, rất thu hút đối với những nhà văn chưa hề được giải như Kuga.
Nhưng cuối cùng tác phẩm của anh bị loại, người được thưởng là một nhà văn trẻ hơn anh năm tuổi. Anh tự an ủi, viết tiểu thuyết đâu phải để được thưởng hay không được thưởng, chỉ vần bạn đọc hoan nghênh là đủ, cứ hy vọng được giải thưởng nào đó sẽ luôn cảm thấy mình bị người khác bỏ rơi.
Nhưng suy nghĩ ấy không thể bày tỏ cho mọi người biết. Anh vẫn nói cười vui vẻ với các biên tập viên quen biết, bàn bạc công chuyện rồi ra về. Anh ngồi taxi đến một nhà hàng ăn gần Shimbashi, chừng mười phút sau, Azusa vào theo lối cửa xoay. Anh vội đứng dậy đón nàng.
– Vậy là em đã đến, tuyệt quá! - Thấy Azusa, tất cả những gì không vui ở buổi họp mặt rồi đều lập tức tiêu tan, anh cũng chẳng cần giấu diếm, nắm chặt tay Azusa đồng thời quan sát nàng – Xem ra, em khỏe đấy nhỉ!
Một tháng không gặp nhau, bề ngoài Azusa không có gì tỏ ra là người bệnh, thậm chí béo hơn mọi khi.
– Trang phục vẫn rất hợp!
Hôm nay Azusa mặc kimônô đơn may bằng lụa Ôshima, thắt lưng in hoa, giữa đông người ồn ào của nhà hàng trông rất hấp dẫn.
– Thế này mà gọi là tượng đá à? – Kuga nói.
– Đúng thế, em không nói dối anh, chưa trông thấy đấy thôi.
– Thôi đi, thế nào cũng được.
Kuga nhẹ quàng tay lên lưng Azusa, dẫn nàng xuống tầng hầm của nhà hàng.
Ngồi sát quầy có thể trông thấy bếp, rất thú vị khi ăn. Nhà hàng này có nhiều món ăn nhưng mỗi món đều ít, rất được nữ thực khách hoan nghênh.
Kuga ngồi vào chỗ đã đặt trước, chờ Azusa ngồi xuống cạnh mình. Nhưng nàng vẫn đứng, chưa chịu ngồi xuống ngay, nói nhỏ với anh:
– Em ngồi bên kia, có được không?
Kuga ngồi sát mé trong, hai người ngồi ngang hàng, ngồi phía nào cũng thế.
– Đây là chỗ trên, để dành cho anh.
Bởi Kuga đi trước, anh ngồi vào trong, nếu theo nếp cũ, bên phải là chiếu trên. Mỗi lần biểu diễn độc thoại trên sân khấu, diễn viên nói “thưa ông” bao giờ cũng quay đầu sang bên phải, khi nói “ôi, chú gấu” đầu sẽ quay sang bên trái; đến ngày con gái mồng ba tháng ba xếp đặt vị trí những con rối Hoàng Đế, Hoàng Hậu, hoặc xếp gối lúc đi ngủ đều phải thể hiện thói quen bên phải là vị trí cho bề trên, trái cho người dưới. Chỉ có võ sĩ là khác, con gái phải ngồi bên phải võ sĩ. Bởi võ sĩ luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, có lúc trong đêm tối cũng phải rút kiếm đánh nhau, nếu con gái ngồi bên trái, rất dễ bị thương. Kuga viết tiểu thuyết lịch sử nên đã tìm hiểu kỹ những điều này.
Kuga ngồi lùi sang vị trí bên phải, nói:
– Thế này được chưa?
Azusa nói “xin lỗi” rồi ngồi xuống, nói nhỏ với Kuga:
– Vết mổ ở bên trái ...
Quả nhiên, ngồi ở vị trí hiện tại, Kuga chỉ thấy được khuôn mặt bên phải của Azusa.
– Hoàn toàn không trông thấy.
– Tóc em che khuất đấy.
Azusa cuộn tóc phía sau lên, để xù tự nhiên phía bên trái đầu.
– Em chải tóc thế này - Giọng Azusa buồn buồn.
Kuga nhìn nàng, chợt muốn xem vết mổ ẩn giấu trong tóc:
– Cho anh xem, được không?
– Anh muốn xem à?
Kuga gật đầu.
Azusa từ từ quay lại, đưa tay trái lên vén tóc bên thái dương lên, nói:
– Anh thấy chưa?
Dưới ánh đèn đặt trên quầy hàng, Kuga trông thấy vết sẹo mổ dài chừng năm, sáu phân chạy chéo từ chân tóc ở trán xuống thái dương bên trái, hơi bị nhô cao. Nhìn kỹ, trên vết sẹo mổ là lớp phấn mỏng.
– Có được không?
– Còn bé hơn anh hình dung.
Azusa buông tóc xuống, vết sẹo hoàn toàn bị che khuất. Kuga tưởng như mình đang xem một màn ảo thuật:
– Như thế này chẳng còn thấy gì nữa.
– Anh có thất vọng không?
– Không! - Thấy vết sẹo của Azusa, anh có cảm tưởng hai người vừa có thêm một bí mật mới, anh nhìn nàng, nói – Trước hết, nâng cốc chúc mừng em!
Kuga chọn loại rượu vang Banauma sản xuất năm 1990 để “chúc mừng em hoàn toàn bình phục”.
– Chưa hoàn toàn đâu!
– Dù sao thì cũng đã khỏi.
Hai ngày cùng nâng ly vang đỏ lên, chạm nhẹ vào nhau.
Kuga vừa hỏi :
“Uống rượu không sao chứ?”, vừa đưa ly rượu lên môi nhấp một hụm nhỉ, nói:
– Rất dễ chịu, hơn nữa rất tuyệt vời! – Anh vừa xoay xoay ly rượu, vừa nói - Giống như em vậy ...
– Em là rượu vang à?
– Đúng độ ngon, hương vị đang lúc tuyệt vời nhất ...
Azusa ngạc nhiên nhìn Kuga, rồi cầm nỉa lên. Món đầu tiên là cá rán tẩm chua, sau đó là món sò hấp, cua biển nướng, nấm xào dầu ô-liu. Món nào cũng được để vào đĩa con, rất ít, khiến người ta muốn ăn.
Mới đầu Azusa ăn dè dặt, thức ăn ngon khiến nàng tăng dần tửu lượng, ăn thoải mái. Khi món chín là đuôi bò hầm đưa lên thì hai má nàng đã đỏ bừng.
Kuga nhìn hai má nàng, thật kiều diễm.
Azusa hai tay bưng má, hỏi:
– Mặt em đỏ lắm à?
– Vừa thôi!
Kuga tưởng tượng lúc này vết sẹo trên trán nàng đang biến thành màu gì, hoặc là đỏ phồng được nhuộm rượu vang.
– Mặt em không đỏ chứ, anh?
– Hơi đỏ, như thế càng đẹp.
– Ghét anh ... Làm cứ như mình em uống!
Azusa hình như đã say, thực ra Kuga uống nhiều hơn nàng.
– Lâu lắm mới uống như thế này. – Kuga nhớ ra, đã lâu mới uống với Azusa, liền hỏi – Bao lâu rồi nhỉ?
– Cái gì bao lâu? – Azusa biết Kuga nói gì rồi, nhưng nàng vẫn vờ như chưa biết.
– Lần cuối cùng với nhau ...
– Nếu tính từ một tuần trước ngày em vào viện, đúng một tháng.
Một tháng ấy Kuga nhớ nàng, mong nàng ra viện, cảm thấy một ngày dài tựa ba năm. Anh không nói ra tâm tình mình những ngày ấy, nhưng đúng là rất chân thành chờ mong.
– Anh nằm mơ toàn ác mộng ...
– Ác mộng là thế nào?
– Nằm mơ thấy em ốm, thấy những chuyện rất kỳ quái – Kuga nằm mơ thấy rễ hoa trắng quấn chặt lấy hốc mắt của một hộp sọ, tỉnh lại là một cảm giác đẹp – Tất nhiên em sẽ không nằm mơ thấy được như thế, bởi đàn ông tương đối đơn giản ...
– Em không hiểu anh nói gì ... - Azusa khẽ lắc đầu, rồi nâng ly rượu lên uống.
Kuga nhìn cổ trắng ngần của nàng khi ngước lên uống rượu, khẽ nói:
– Anh muốn em!
Azusa vội uống hết ly rượu, đặt l6 xuống, dùng khăn lau miệng. Kuga hỏi:
– Tối nay thế nào?
– Cái gì thế nào?
– Sau khi ăn xong – Kuga nhìn đồng hồ, chín giờ kém năm phút - Về aoyama với anh nhé?
– Hôm nay không được.
– Cùng về một đường mà.
Nhà Azusa ở Setagaya, trên đường về phải qua Aoyama.
– Em vừa ra viện ...
Kuga thôi không nói nữa, rồi châm thuốc hút.
Sau bữa cơm, ăn bánh ngọt, uống cà-phê, ra về đã chín giờ rưỡi.
– Bữa ăn tuyệt vời!
Azusa cảm ơn, Kuga gật rđầu. Hai người ngồi vào taxi. Mọi sinh hoạt đêm của khu Ginza vừa bắt đầu thì hai người rời đây ra về.
Khi qua Shimbashi, Kuga nắm chặt tay Azusa hỏi:
– Em say không?
– Vừa rồi trong nhà vệ sinh, em soi gương thấy mặt mình đỏ quá.
– Còn gì nữa, mặt đỏ gay đỏ gắt. – Kuga nắm chặt tay nàng hơn. – Mặt đỏ như thế về nhà không tiện đâu nhỉ?
– Tại sao?
– Vừa ra viện đã đi uống rượu, có bị nghi ngờ không?
Kuga nói đùa, nhưng Azusa im lặng. Kuga nghĩ, có thể tối nay chồng nàng ở nhà, vậy là anh nảy ra ý nghĩ bảo nàng về nhà mình:
– Về chỗ anh cho tỉnh rượu đã.
Xe qua Nagatachô rẽ vào phố Aoyama, đi chừng mười phút nữa là đến chỗ ở của Kuga.
– Vào đây một lát, được không em? – Kuga nhìn đèn lửa rực sáng phía trước, nói – Anh muốn cho em xem cái này.
– Xem gì?
Thật ra không có gì để cho Azusa xem vào lúc này, nhưng đã nói, không còn cách nào khác được – Chóng thôi, để em về.
Không chờ Azusa trả lời, anh bảo với lái xe đến đèn tín hiệu phía trước rẽ trái, qua một ngã tư rồi rẽ phải. Thấy Azusa im lặng, anh biết nàng đã đồng ý.
Một tháng không đến.
Vừa vào nhà, Azusa nhìn chung quanh với vẻ thân quen. Đã có lần một tháng nàng không đến, nhưng có lẽ này vì phải nằm viện một tháng, nên có những cảm giác đặc biệt.
– Đáng tiếc, bát hoa của em bị khô mất rồi.
Bát hoa lan hồ điệp trên lá sen xanh Azusa tỉ mẩn cắm trước hôm vào viện không còn, thay vào đó là hộp chu sa anh mua ở Kyôtô. Anh nói:
– Bày được nửa tháng rồi đấy.
– Mai kia em sẽ đến cắm hoa cho anh.
Vào lúc này yêu cầu bức hiếp của Kuga không phải là cắm hoa, mà là cơ thể Azusa.
– Thế là lại được gặp em!
Kuga ôm lấy hai vai Azusa, nàng không ngần ngại nép sát vào anh, hai người hôn nhau nồng nhiệt. Kuga thưởng thức vị ngọt ngào của làn môi, đầu lưỡi của nàng. Sau cái hôn kéo dài, anh thì thầm bên tai nàng:
– Anh vẫn đợi em! - Một tháng mà Kuga cảm thấy dài như hai, ba tháng - Cuối cùng em đã về bên anh - Tưởng như cái gì mất đi nay lại về trong tay – Chúng mình vào kia nhé!
Kuga định đưa nàng vào buồng ngủ, nhưng Azusa từ chối:
– Em đã nói với anh rồi, hôm nay không được!
– Nhưng anh chờ một đã một tháng.
Kuga như đứa trẻ làm nũng, Azusa lại như người mẹ khuyên con:
– Muộn lắm rồi, anh ...
– Mới mười giờ.
– Em vừa ra viện.
– Bác sĩ bảo không được à?
– Ai lại hỏi bác sĩ chuyện ấy, ngượng chết.
– Thế thì không sao.
– Đừng tự cho mình là giỏi đi.
– Nhưng ...
Kuga không lùi bước, anh không nén nổi cơn thèm khát:
– Cho anh đi ... - Anh đẩy nhẹ lưng nàng, làm lỏng dây lưng, nhân cơ hội đó anh dìu nàng vào buồng – Anh chờ đã lâu rồi – Anh định quỳ xuống van xin – Cho anh đi, em ...
– Không được, không thể được ...
Nàng vừa nói, vừa cởi dây lưng áo.
Kuga lên giường nằm chờ, mặc nàng yêu cầu tắt đèn, anh vẫn để đèn trên bàn, nhưng cho tối bớt.
Azusa còn do dự, chưa quyết định, nhưng rồi vẫn ngoan ngoãn lên giường.
Kuga ôm lấy nàng, nói:
– Azusa, em ...
Cảm giác da thịt, sự đầy đặn của cơ thể, vẫn không có gì thay đổi rõ ràng, nhưng anh thấy vô cùng hiếm hoi:
– Anh nhớ em, Azusa ...
Azusa không còn cố chấp như vừa rồi. Nàng không muốn, nhưng bị người đàn ông bất chấp lẽ phải, cố tình lôi lên giường. Đã vậy, người con gái cũng không cần thiết phải giữ ý. Thế là Azusa nép sát vào lòng Kuga, dụi đầu vào ngực anh.
Anh sợ làm đau vết mổ của nàng, hỏi:
– Không sao chứ?
Azusa không trả lời, có thể nàng không hiểu Kuga. Anh định hỏi “Được không?”, nhưng lại thôi. Anh cũng không ngờ hôm nay lại như thế này.
Azusa yên lặng, không nói năng gì, xem ra không cần bận tâm. Kuga trở lại với bộ mặt vốn có của người đàn ông, anh cởi áo Azusa.
Tuy Kuga có phần cưỡng bức Azusa để thỏa mãn đòi hỏi của mình, nhưng trong đáy sâu tâm linh anh lại muốn thoát lui. Dù nàng đồng ý, nhưng là bệnh nhân mới ra viện, cho dù vô cùng thèm khát, anh cũng không thể mãnh liệt, phải cố tỏ ra quan tâm, dịu dàng.
Nhưng phản ứng của Azusa làm anh bất ngờ, nàng như không chịu nổi, điên cuồng cháy bỏng, tích cực chủ động. Tại sao lại thế? Hay là sau khi mổ “yêu”.
nhau lần đầu, khiến nàng kích động mạnh?
Dù sao, phản ứng của nàng như của một người khác, không giữ gìn, giả dối, bộc lộ bản năng cuồng dại, nồng cháy.
Khi nàng đạt đến cao trào, Kuga lén nhìn vết mổ trên trán nàng. Azusa không biết anh đang lén nhìn, trong khi đầu tóc nàng điên đảo nghiêng ngả vết mổ giao thoa với nếp nhăn đuôi mắt lộ ra như một con rắn đen nhỏ.
Kuga kinh ngạc nhìn bộ mặt quái dị, tiếp theo anh cũng đạt đến cao trào, hình ảnh kia vẫn lưu lại trong đầu óc anh. Tại sao lại thế? Như Bồ tát, lại như quỷ cái. Ấn tượng vẫn quay cuồng trong đầu, rồi anh cũng bình tĩnh lại.
Kuga vuốt ve cơ thể Azusa đang nằm yên bên mình, cơ thể nóng như lửa đốt vừa rồi, lúc này đang lấm tấm mồ hôi. Anh ôm đầu Azusa vào ngực mình, vén tóc thái dương bên trái. Không rõ Azusa có biết Kuga đang nhìn vết mổ của mình, nàng vẫn nằm yên.
Kuga định thần nhìn khuôn mặt nàng, khuôn mặt lúc này không quái dị như vừa rồi, vết mổ chênh chếch bên vầng trán lấm tấm mồ hôi. Anh vừa hôn nhẹ lên mái tóc nàng, vừa nghĩ nguyên nhân nào khiến nàng mãnh liệt như vừa rồi?
Xa xa có tiếng ôtô. Tĩnh mịch của đêm đang đến. Nhà Kuga ở phía nam đường phố Aoyama, người xe qua lại như nước, khó có được bầu không khí yên tĩnh như thế ở trung tâm thành phố.
Kuga đảo mắt nhìn trong bóng tối, cảm thấy Azusa đang ôm lấy anh, nói:
– Em ... - Thế rồi nàng dụi đầu tóc vào ngực anh, khẽ hỏi - Mấy giờ rồi, anh?
Kuga nhổm người lên, nhìn đồng hồ để ở tủ đầu giường:
– Gần mười một giờ ...
Thật ra đã mười một giờ mười phút, nhưng nếu nói đúng, Azusa sẽ bật dậy.
– Muộn quá nhỉ ... - Azusa từ từ tách khỏi người Kuga, nói – Em buồn cười lắm, phải không?
– Buồn cười? – Kuga hiểu ý Azusa muốn nói không ngờ vừa rồi nàng cuồng nhiệt đến thế.
– Tốt lắm!
– Nhưng quái lắm, anh nhỉ! – Azusa nhớ lại trước kia – Không như ...
– Không như gì?
– Như biến thành người khác – Azusa giữa thái độ phủ nhận – Không hiểu sao lại thế ...
– Tại sao?
Tuy Kuga đã một tháng không đến với phụ nữ, anh như kẻ đói khát, nhưng vẫn như mọi khi, chỉ có Azusa thay đổi.
– Bắt đầu, em không bằng lòng.
Kuga có ý giễu Azusa, anh phải van xin mãi, Azusa vẫn tỏ thái độ lạnh nhạt, một mực “tối nay không được”, nhưng một khi lên giường, lập tức trở nên khác thường, quên tất cả.
– Nào là mới ra viện ...
– Ghét anh lắm!
Azusa ngượng, nép đầu vào ngực Kuga. Anh nhẹ nhàng rẽ tóc nàng, nhẹ xoa vết mổ:
– Vừa rồi anh hôn vào đây, khỏi hẳn rồi.
Anh nghĩ, vết mổ vừa rồi nổi lên, đen như một con rắn, bây giờ thì ngoan ngoãn nằm yên dưới làn tóc.
– Vừa rồi nói ... - Kuga tiếp tục câu chuyện - Bởi vì mổ à?
– Tại sao?
– Hình như phá hết mọi ngăn cách.
Sau khi mổ, Azusa như hiểu ra tất cả, vứt bỏ mọi do dự, mê hoặc.
– Trước khi mổ, em nghĩ ... - Tóc Azusa che lấp trán – Biết đâu chết trên bàn mổ. Cứ nghĩ thế, không còn sợ gì nữa ...
– Cho nên mới điên cuồng đến thế.
– Không phải đâu! Anh chỉ nghĩ sai, cuộc sống của con người vô cùng quý giá.
Kuga phần nào hiểu tâm tình của Azusa, cuộc sống thiết thực lại gắn với tình yêu cuồng nhiệt. Tuy một tháng trống vắng là dài, nhưng khi gặp lại, Azusa càng đẹp hơn, điều đó khiến cho Kuga thỏa mãn lắm.
– Anh rất vui, chúng mình lại được đến với nhau. – Kuga nói.
Không có gì thanh thản hơn nói chuyện không mục đích sau khi “yêu” nhau, đối thoại vui vẻ có thể kéo dài dư vị nồng cháy.
Nhưng khi Azusa bình tĩnh lạ sau trạng thái quên mình, câu đầu tiên là hỏi giờ, biết đã hơn mười một giờ, nàng tỏ ra nóng lòng, bây giờ lại nằm yên, không chút lo lắng vội vàng. Kuga không mong gì hơn những lúc như thế này, nhưng sự yên ổn trầm lắng của Azusa lại làm anh không yên. Anh nhìn đồng hồ, đã hơn mười một giờ rưỡi.
Chưa bao giờ Azusa về muộn như thế, cho dù ngay bây giờ vội vã ra về thì cũng phải hơn mười hai giờ rưỡi hoặc gần một giờ mới về đến nhà nàng ở Setagaya.
Tối nay, khi vừa gặp nhau, nàng bảo mới ra viện, phải về sớm. Nhưng cho đến giờ này vẫn ung dung tự tại.
Kuga có phần bồn chồn, nhưng không thể giục nàng. Một lần nữa anh nhận ra mâu thuẫn trong lòng mình. Vừa rồi mong Azusa không nên về, nhưng khi nàng thực sự không về, anh lại tỏ ra bối rối. Nếu nàng vẫn ở đây, đến nửa đêm nửa hôm về sẽ nói thế nào với chồng? Vừa ra viện được một tuần, mười hai giờ đêm mới về nhà, chồng có cho phép không? Nếu chồng không cho phép, sẽ dẫn đến vợ chồng chia tay không?
Kuga nghĩ mãi, lòng anh dần dần bình tĩnh lại. Anh rất yêu Azusa, nhiều lúc muốn gặp nàng như điên như dại, nhưng có thể nói điều đó bởi Azusa có chồng.
Nói một cách khác, chỉ vì Azusa có chồng, bản thân anh mới bức xúc có nàng, bất chấp tất cả. Nhưng giá như nàng thoát khỏi sự trói buộc của chồng, trở thành người đàn bà tự do, thì Kuga sẽ không biết thế nào. Ít nhất việc gặp nàng không còn là cơ hội vô cùng khó khăn, sẽ đưa nàng về nhà mà không cần nghĩ ngợi gì.
Anh đã chuẩn bị như thế chưa?
Kuga lặng lẽ khiến Azusa cảm thấy kỳ lạ, liền hỏi:
– Anh đang nghĩ gì thế?
– Không ... - Kuga trả lời qua quít, rồi như không để ý, hỏi - Mấy giờ rồi nhỉ?
– Muộn lắm rồi!- Azusa vẫn tỏ ra không vội vã.
– Tối nay không sao chứ?
– Điều gì không sao?
– Về muộn.
– Không thể được ... - Giọng nàng trầm tĩnh, rồi dựa sát vào người anh - Tại anh hư đấy!
– Anh hư?
– Còn gì nữa? Làm em như thế này.
– Tối nay ở lại đây nhé?
Azusa khẽ lắc đầu:
– Không được, em phải về.
– Bây giờ về, phải hơn mười hai giờ mới đến nhà.
– Muộn lắm rồi, em dậy đây.
Kuga lưu luyến, không muốn rời nàng:
– Không ở lại được à?
– Ở lại thế nào được!
Hơn mười hai giờ về cũng được, nhưng không thể ở lại, tại sao? Kuga vuốt ve cạnh eo nàng tròn đầy, nói:
– Anh muốn đi chơi đâu đó với em.
Chừng sáu tháng trước, hai người đã đi chơi xa với nhau, hồi ấy, Azusa đi dự triển lãm cắm hoa do một cửa hàng bách hóa ở Sendai, nhân dịp ấy Kuga cũng đi Sendai.
– Cuối tháng chín được đấy.
– Đi đâu?
– Đi Kyôtô, ngắm trăng rằm, lại có hội hoa ở chùa Đại Giác.
Azusa có giấy chứng nhận giảng viên cắm hoa trường phái Sagano, thường xuyên đi biểu diễn, hướng dẫn theo lời mời của nhiều nơi.
– Em đi được không?
– Thử xem đã.
Kuga chưa biết Hội ngắm trăng như thế nào nhưng hai người được dạo phố Kyôto, thưởng thức trăng trung thu, thật sự lãng mạn.
– Anh đi với em.
– Để em suy nghĩ.
Kuga gật đầu, rồi ôm Azusa vào lòng. Vừa rồi anh mong nàng về sớm, bây giờ lại ôm cơ thể mềm mại trong một đêm đẹp. Giá như Azusa ở lại đây anh có phần yên tâm; nhưng nếu nàng về thì anh lại không muốn. Anh không hiểu nổi mâu thuẫn của lòng mình, thế rồi hôn lên hai má nàng.
Azusa tắm xong, bắt đầu mặc kimônô. Động tác của nàng nhanh nhẹn, chưa đầy hai mươi phút đã chỉnh tề, xứng với danh nghĩa thầy dạy cách mặc kimônô. Nhưng nàng không thỏa mãn với kiểu tóc của mình, cứ đứng ngắm mãi trước gương, chốc lại soi từ phía sau, tay không ngừng chỉnh lại mái tóc.
Kuga nhìn nàng, nói:
– Em đẹp lắm ...
– Chỉ có anh nói thế thôi.
– Người khác cũng muốn nói, nhưng sợ ngượng.
– Cảm ơn! – Azusa nhìn vào gương, rồi nói tiếp – Vừa rồi em nói, trước khi mổ, em nghĩ nhiều chuyện lắm.
– Ví dụ những chuyện gì?
– Ví dụ, không mổ, bỏ nhà ra đi; hoặc chết đi cho xong; rồi tính xem sau khi mổ sẽ làm việc gì. Hoặc không tiếp tục làm việc gì, vân vân.
Kuga cười:
– Có nghĩ đến chuyện của anh không?
– Tất nhiên là có, nghĩ nhiều. Giờ này anh đang làm gì, biết đâu quên em rồi, hoặc đang đi ăn uống chơi bời ở đâu ...
– Ôi, anh đâu làm những chuyện ấy.
Chợt Azusa chuyển sang nói chuyện khác:
– Anh biết thế nào là tình yêu giọt sương không?
– Hình như có một bài hát?
– Đúng, mẹ em hát, em còn nhớ. Bài hát này lâu lắm rồi - Thế rồi Azusa khe khẽ hát:
Đên Ginza Sắc màu rực rỡ.
Làn môi em hồng Đêm nay dâng hiến ai?
Tình yêu như giọt sương mai, Ôi, tình yêu muôn màu.
Tay nhẹ vương Lay động tâm hồn bi thương!
Hình như Kuga đã nghe bài hát này, bây giờ nghe lại, tiết tấu chầm chậm, âm điệu dịu dàng, thương cảm.
– Trước khi vào phòng mổ, em bỗng nhớ đến bài hát này.
– Tại sao?
– Em cũng không biết nữa. Câu hát tình yêu như giọt sương chợt hiện trong đầu em.
– Em muốn nói chuyện của chúng ta?
– Đúng không?
– Theo ý em ...
– Chẳng phải mọi thứ ở đời đều ngắn ngủi như giọt sương hay sao?
Câu nói không phải không có lý, tất cả thế gian này sẽ qua đi và tan biến trong dòng thời gian.
Kuga không trả lời, Azusa quay lại nhìn anh, nói:
– Em nghĩ thế, không còn sợ gì nữa.
– Sợ gì?
– Đời một người đã qua những thể nghiệm, thì mọi điều đều có thể nghĩ tới.
Kuga gật đầu, nghĩ bụng lần phẫu thuật này quả là một thử thách to lớn đối với Azusa.
– Con người sống ở đời, nhiều lắm cũng chỉ năm sáu mươi năm!- Azusa nói.
– Không nhất định.
– Đúng đấy! Nếu được sống mạnh khỏe, tự do cũng chỉ được bấy nhiêu thời gian. Thật ra, không dài đến như thế, có lẽ chỉ hai, ba mươi năm thôi.
Kuga thấy hình như Azusa nói đúng.
– Bây giờ em chẳng còn sợ gì nữa.
Tối nay, đã khuya lắm mà nàng vẫn không vội về, có thể bắt nguồn từ tâm trạng không còn sợ gì chăng?