GỬI TẤT CẢ CÁC HỘI VIÊN CỦA HỘI Ở CHÂU ÂU VÀ Ở NƯỚC MỸ
Tác giả: Karl Marx
Ngày 4 tháng Chín 1870, khi công nhân Pa-ri tuyên bố thành lập chế độ cộng hòa là chế độ hầu như được toàn nước Pháp nhất trí hoan nghênh thì ngay lập tức có một lũ trạng sư hám danh trục lợi, mà Chi-e là chính khách và Tơ-rô-suy là tướng, đã chiếm tòa thị chính. Lúc bấy giờ, bọn người đó vốn tin tưởng quá cuồng nhiệt rằng thành phố Pa-ri vốn có sứ mệnh đại diện cho toàn nước Pháp trong tất cả các thời kỳ khủng hoảng lịch sử, đến nỗi để hợp pháp hóa danh nghĩa là kẻ thống trị nước Pháp mà họ đã đoạt được bằng bạo lực, họ tưởng rằng họ chỉ cần xuất trình giấy ủy nhiệm làm đại biểu Pa-ri đã mất hiệu lực của họ ra là đủ rồi. Trong lời kêu gọi thứ hai của chúng tôi về cuộc chiến tranh hiện nay, năm ngày sau khi bọn người đó lên cầm quyền, chúng tôi đã nói với các bạn rằng họ là những người như thế nào [1*]. Thế nhưng vì những người lãnh đạo chân chính của công nhân vẫn còn bị nhốt trong các nhà tù của Bô-na-pác-tơ, còn bọn Phổ thì đã nhanh chóng tiến đến Pa-ri, cho nên Pa-ri lâm vào thế bất ngờ, đã chấp nhận việc bọn người đó nắm lấy chính quyền, với điều kiện nhất thiết phải theo là họ chỉ được dùng chính quyền ấy vào mục đích duy nhất là phòng thủ quốc gia thôi. Tuy nhiên, muốn bảo vệ Pa-ri thì chỉ có võ trang công nhân Pa-ri, tổ chức họ thành một lực lượng quân sự thực sự và lấy ngay chiến tranh mà tôi luyện hàng ngũ của họ, mới được. Nhưng vũ trang Pa-ri tức là vũ trang cho cách mạng. Pa-ri thắng quân xâm lược Phổ tức là công nhân Pháp thắng bọn tư bản Pháp và bọn ăn bám trong bộ máy nhà nước của chúng. Trong khi phải chọn giữa hai điều: nghĩa vụ dân tộc và lợi ích giai cấp thì chính phủ quốc phòng đã không hề do dự một phút nào mà biến ngay thành một chính phủ phản quốc.
Biện pháp đầu tiên mà chính phủ đó thi hành là cử Chi-e đi khắp các triều đình ở châu Âu để van xin sự hòa giải, với điều kiện là đổi chế độ cộng hòa lấy một ông vua. Bốn tháng sau khi cuộc vây hãm Pa-ri bất đầu, khi thấy đã đến lúc có thể nói đến hai tiếng đầu hàng, thì Tơ-rô-suy trước mặt Giuy-lơ Pha-vrơ và một số đồng nghiệp của hắn, đã phát biểu trong hội nghị các thị trưởng Pa-ri như sau:
"Vấn đề thứ nhất mà các bạn đồng liêu của tôi đã hỏi tôi ngay tối hôm mồng 4 tháng Chín là thế nào: Pa-ri có thể chống cự nổi một cuộc vậy hãm của quân đội Phổ hay không? Tôi đã trả lời không do dự là không. Một vài người trong số các bạn đồng liêu của tôi có mặt ở đây có thể chứng thực rằng tôi đã nói lên sự thật và tôi đã kiên trì giữ ý kiến ấy. Tôi đã nói với họ như sau: trong tình thế hiện nay ở Pa-ri toan chống lại cuộc vậy hãm của quân đội Phổ thì sẽ là điên rồ. Dương nhiên, tôi còn nói thêm: đó có thể là một sự điên rồ anh dũng, nhưng chung quy vẫn chi là như vậy mà thôi...Những sự biến" (mà chính hắn ta là người đã xếp đặt) "đã xác nhận những dự đoán của tôi".
Sau đó, lời phát biểu ngắn, thú vị đó của Tơ-rô-suy đã được ông Coóc-bông, một trong những thị trưởng có mặt trong cuộc họp, công bố.
Như vậy, ngay tối hôm tuyên bố thành lập chế độ cộng hòa, các đồng liêu của Tơ-rô-suy đều biết rằng "kế hoạch" của hắn là sự đầu hàng của Pa-ri. Nếu hai chữ quốc phòng không phải chỉ là một cái cớ cho Chi-e, Pha-vrơ và đồng lõa mưu đồ sự thống trị cá nhân của mình thì có lẽ cái bọn hãnh tiến ngày 4 tháng Chín kia ắt đã rút lui vào ngày 5, đã cho nhân dân Pa-ri biết "kế hoạch" của Tơ-rô-suy và đã yêu cầu họ hoặc là đầu hàng ngay tức khắc, hoặc là tự mình nắm lấy vận mệnh của mình rồi. Đáng lý phải làm như thế thì bọn bịp bợm đê tiện kia đã quyết định trị cái bệnh "điên rồ anh dũng" của dân Pa-ri bằng đói rét và đổ máu, nhưng đồng thời lại ru ngủ họ bằng những tuyên bố rất huênh hoang. Những tuyên bố đó là Tơ-rô-suy, "vị thống đốc Pa-ri sẽ không bao giờ đầu hàng"; Giuy-lơ Pha-vrơ, bộ trưởng ngoại giao, sẽ "không nhường một tấc đất nào của lãnh thổ chúng ta, không nhường một viên đá nào của những thành lũy chúng ta". Nhưng trong một bức thư gửi Gam-béc-ta, cũng chính ngay Giuy-lơ Pha-vrơ đã thú nhận rằng chúng "phòng ngự" không phải chống quân Phổ mà chống công nhân Pa-ri. Suốt cả thời kỳ Pa-ri bị vây hãm, bọn đầu trộm đuôi cướp thuộc phái Bô-na-pác-tơ được Tơ-rô-suy, một người biết lo xa, giao cho quyền chỉ huy quân đội Pa-ri, đã chế giễu trắng trợn, trong thư riêng chúng gửi cho nhau, cái trò hề phòng ngự đó mà chúng hiểu rất rõ nội tình xem, chẳng hạn, thư của A-đôn-phơ Xi-mông Ghi-ô, tư lệnh pháo binh quân đội Pa-ri và là người đã được thưởng Bắc đẩu bội tinh hạng nhất, gửi cho trung tướng pháo binh Xuy-dan[192] thư này đã được đăng trên tờ "Journal Offlciel" của Công xã). Cuối cùng, đến ngày 28 tháng Giêng 1871[193], bọn bịp bợm đã bị lột mặt nạ. Chính phủ quốc phòng, trong vụ Pa-ri đầu hàng, đã tỏ ra thực sự cam tâm quy lụy đến cực độ, đã tỏ ra là một chính phủ Pháp do những tù binh của Bi -xmác họp thành,- vai trò đó ti tiện đến nỗi chính ngay Bô-na-pác-tơ, lúc ở Xê-đăng, cũng kinh tởm không dám đảm đương. Sau những sự biến ngày 18 tháng Ba, trong khi hốt hoảng trốn chạy đến Véc-xây, bọn "capitulards"[194] đã để lọt vào tay nhân dân Pa-ri những giấy tờ chứng thực sự phản bội của chúng để tiêu hủy những chứng cớ đó, đúng như Công xã đã nói trong tuyên ngôn của mình gửi các tỉnh:
"những con người đó tất sẽ không ngần ngại gì mà không biến Pa-ri thành một đống đổ nát, chìm ngập trong hiển máu"[195]
Sở dĩ một vài ủy viên chủ yếu trong chính phủ quốc phòng đã hết sức tìm cách đi tới một kết cục như thế cũng là vì những lý do hoàn toàn đặc thù, cá nhân.
Ít lâu sau khi ký kết đình chiến, ông Mi-li-e, một nghị sĩ Pa-ri tại quốc hội,- về sau đã bị bắn theo lệnh đặc biệt của Giuy-lơ Pha-vrơ- đã công bố nhiều tài liệu pháp lý chân thực chứng minh rằng Giuy-lơ Pha-vrơ trước kia cùng ăn ở ngoại tình với vợ một tên nghiện rượu trú ngụ tại An-giê-ri, nhưng nhờ có những mánh khóe giả mạo rất trắng trợn suốt trong nhiều năm, nên đã có thể lấy danh nghĩa những đứa con hoang của hắn mà chiếm đoạt được một di sản lớn khiến cho hắn trở thành giàu có, và trong một vụ kiện mà nguyên cáo là những người thừa kế hợp pháp, hắn chỉ thoát khỏi bị ô nhục nhờ có sự che chở của các tòa án thời Bô-na-pác-tơ. Vì dù có hết sức trổ tài hùng biện như thế nào đi nữa cũng không sao vứt bỏ được những tài liệu tư pháp khô khan đó nên lần đầu tiên trong đời mình, Giuy-lơ Pha-vrơ đã phải ngậm miệng, lặng lẽ đợi cho nội chiến nổ ra, để lúc bấy giờ, sẽ lồng lộn lẽn chửi nhân dân Pa-ri là một bầy tù khổ sai vượt ngục, đang láo xược nổi dậy chống lại gia đình, tôn giáo, trật tự và chế độ tư hữu. Chính ngay tên chuyên làm giả giấy tờ đó, lúc vừa mới lên nắm chính quyền sau ngày 4 tháng Chín, đã vì có cảm tình mà phóng thích tên Pích và tên Tai-phe-rơ bị kết án ngay cả dưới thời đế chế về tội giả mạo giấy tờ trong vụ tai tiếng với báo "L’ Etendard"[196]. Một trong những tên đó là Tai-phe-rơ đã dám trở lại Pa-ri dưới thời Công xã, hắn đã bị Công xã bắt bỏ tù lại ngay. Thế mà sau đó Giuy-lơ Pha-vrơ lại lớn tiếng hét lên tại diễn đàn quốc hội rằng Pa-ri đã phóng thích tất cả mọi tù nhân!
Éc-ne-xtơ Pi-ca, cái anh chàng Giô Mi-lơ[2*] ấy của chính phủ quốc phòng đã tự phong cho mình làm bộ trưởng Bộ tài chính của nền cộng hòa, sau khi đã hoài công chạy vạy để trở thành bộ trưởng Bộ nội vụ dưới thời đế chế, chính hắn là anh tên Ác-tua Pi-ca, một tên đã bị đuổi khỏi sở giao dịch Pa-ri vì tội lường gạt (xem báo cáo của sở cảnh sát ngày 31 tháng Bảy 1867) và đã bị kết án căn cứ vào lời tự thú là đã phạm tội ăn cắp 300.000 phrăng lúc còn làm giám đốc một chi nhánh tài chính của Société Générale[197] ở số 5, đường Pa-lê-xtơ-rô (xem báo cáo của sở cảnh sát ngày 11 tháng Chạp 1868). Tên Ác-tua Pi-ca đó đã được Éc-ne-xtơ Pi-ca đưa lên làm chủ nhiệm tờ báo "Électeur libre"[198] của bắn. Trong lúc những phần tử đầu cơ thông thường ở sở giao dịch đang bị những lời dối trá chính thức phát biểu trên tờ báo đó của tên Bộ trưởng tài chính đánh lạc hướng thì Ác-tua vẫn không ngừng chạy đi chạy lại giữa Bộ nội vụ và sở giao dịch để mong phát tài nhờ những thất bại của quân đội Pháp. Toàn bộ thư từ về tiền nong qua lại giữa cặp anh em qúy hóa ấy đều lọt vào tay Công xã.
Giuy-lơ Phe-ri, trước ngày 4 tháng Chín, là một trạng sư nghèo kiết thì trong thời kỳ thủ đô bị vầy hãm, với tư cách là thị trưởng Pa-ri, đã lợi dụng nạn đói của thủ đô để bòn rút được một mớ của cải. Ngày mà hắn phải báo cáo về công việc làm ăn của hắn cũng sẽ là ngày kết tội hắn.
Như vậy là chỉ có nhân lúc Pa-ri gặp cảnh đổ nát, bọn người đó mới có thể nhận được giấy phóng thích [tickets-of-leave][3*]: chúng là những con người cần cho Bi-xmác. Chỉ vài mánh khóe khôn khéo, thế là Chi-e, từ trước đến giờ vẫn ngấm ngầm lãnh đạo chính phủ, bỗng nhiên đã trở thành người cầm đầu chính phủ, và những kẻ phạm tội hình sự [ticket-of-leave men] thì trở thành bộ trưởng của chính phủ đó.
Chi-e, con người lùn quái dị đó, đã được giai cấp tư sản pháp say mê từ non một nửa thế kỷ, vì hắn là biểu hiện mặt tư tưởng hoàn bị nhất cho sự hủ bại giai cấp của chính cái giai cấp tư sản đó. Trước lúc trở thành chính khách, hắn đã từng, với tư cách là nhà viết sử, tỏ ra có biệt tài nói dối. Lịch sử cuộc đời hoạt động xã hội của hắn là lịch sử của những tai họa của nước Pháp. Liên minh với phái cộng hòa trước năm 1830, hắn len lỏi được vào nội các dưới thời Lu-i-Phi-líp bằng cách phản bội người ân nhân che chở cho hắn là La-phít-tơ. Hắn được nhà vua yêu, vì hắn kích động đám dân đen chống lại giới tăng lữ, khiến cho nhà thờ Xanh Giéc-manh Ốc-xơ-roa và Tòa tổng giám mục bị cướp phá, và vì hắn đã đóng vai trò một tên bộ trưởng kiêm mật thám, rồi một người đỡ đẻ kiêm giám ngục đối với bà công tước Béc-ri[199] . Vụ tàn sát những người cộng hòa ở đường Tơ-răng-xnô-nanh và tiếp theo đó là những đạo luật bỉ ổi ban hành hồi tháng Chín để chống lại quyền xuất bản và quyền tư do lập hội, đều là sự nghiệp của hấn[200]. Tháng Ba 1840, hắn xuất hiện trở lại lần nữa trên vũ đài với tư cách là thủ tướng, và đã làm cho cả nước Pháp ngạc nhiên về dự thảo xây đắp chiến lũy phòng thủ Pa-ri của hắn[201]. Trả lời phái cộng hòa đã lên án dự thảo đó là một âm mưu đầy tội ác chống lại nền tự do của Pa-ri, hắn đã nói tại diễn đàn Hạ nghị viện:
Thế nào? Các ông tưởng rằng những công sự kiên cố nào đó lại có thể gây nguy hại cho tự do được sao? Mà trước hết, như thế dù sao cũng là vu khống, khi giả thiết rằng chính phủ, một lúc nào dó sẽ quyết đinh bắn phá Pa-ri để tự duy trì...Nhưng sau thăng lợi lại một chinh phủ như thế lại một trăm lần khó mà có thề có được hơn là trước thắng lợi".
Thật vậy, không có một chính phủ nào lại dám chĩa nòng đại bác trên các pháo đài của mình bắn vào Pa-ri, nếu không phải là chính ngay chính phủ đó đã đem những pháo đài đó nộp trước cho quân Phổ.
Khi vua-trái phá đã ra tay ở thành Pa-léc-mơ[202] hồi tháng Giêng 1848 thì Chi-e, vốn từ lâu không phải là bộ trưởng lại lên tiếng ở Hạ nghị viện:
"Thưa các ngài, chắc các ngài đã biết tình hình xảy ra ở Pa-léc-mơ. Tất cà các ngài đều rùng mình ghê rợn" (nói theo nghĩa ở thị trường) "khi được tin rằng một thành phố lớn đã bị bắn phá suốt trong 48 liếng đồng hồ. Do ai dã băn phá? Có phải là do một kẻ địch bên ngoài thi hành những quyền của chiến tranh không? Không, thưa các ngài, do chính ngay chính phủ của nó. Và tại sao lại như thế? Vi cái thành phố bất hạnh đó đòi quyền của mình. Thế là, vì đòi quyền của mình, nó đã bị bắn phá trong 48 liếng đồng hồ...Vậy hãy cho phép tôi kêu gọi dư luận xã hội châu Âu. Từ trên cái diễn đàn có lẽ là lớn nhất châu Âu mà vang lên một vài lời" (quả là chỉ những lời nói thôi) "phẫn nộ về những hành vi như thế, cũng là một công lao đối với nhân loại rồi...Khi viên nhiếp chính Ê-xpác-te-rô, người đã có nhiều cống hiến cho nước mình" (điều mà Ngài Chi-e dã không bao giờ có được), "cho là phải băn phá Bác-xê-lô-na để đàn áp một cuộc phiến loạn đã nổ ra ở đó thì khắp mọi nơi trên thế giới, người la đều nhao nhao lên liếng phản đối kịch liệt".
Mười tám tháng sau, Chi-e lại chính là một trong số những người ủng hộ hăng hái nhất việc đưa quân đội Pháp bắn phá La Mã[203]. Thực ra, vua-trái phá hình như chỉ có một sai lầm là đã hạn chế việc bắn phá trong vòng 48 tiếng đồng hồ.
Vài ngày trước cuộc Cách mạng tháng Hai, tức giận vì nỗi Ghi-dô đã buộc hắn vào thế phải xa rời chính quyền và lợi lộc quá lâu và đánh hơi trong không khí thấy cái mùi của trận bão tố nhân dân sắp tới, Chi-e liền tuyên bố ở Hạ nghị viện, với giọng lưỡi anh hùng rơm quen thuộc xứng danh với hiệu mà người ta đã tặng cho hắn là "Mirabeau-mouche" [4*] :
"Tôi là người thuộc đảng cách mạng, không những ở Pháp, mà cả ở toàn châu Âu. Tôi mong rằng chính phủ của cách mạng vẫn nằm trong tay phái ôn hòa... Nhưng nếu chính phủ đó có chuyển vào tay nhưng người nồng nhiệt, nhậm chí vào tay những người cấp tiến đi nữa thi tôi cũng quyết không vì thế mà bỏ sự nghiệp của tôi. Tôi sẽ luôn luôn là người thuộc đảng cách mạng".
Cách mạng tháng Hai nổ ra. Đáng lẽ phải thay nội các Ghi-dô bằng một nội các Chi-e, như anh chàng tiểu nhân kia từng mơ ước thì cách mạng đã thay Lu-i-phi-líp bằng chế độ cộng hòa. Trong ngày đầu của thắng lợi nhân dân, hắn ta giấu mặt cẩn thận, quên mất rằng sự khinh bi của những người công nhân đối với hấn, cứu hắn khỏi sự căm hờn của họ. Thế nhưng, với lòng dũng cảm truyền thuyết của hắn, hắn vẫn tiếp tục tránh xa vũ đài chính trị cho đến khi các cuộc tàn sát tháng Sáu[204] dọn sạch vũ đài ấy cho loại hoạt động của những người như hắn. Lúc bấy giờ, hắn liền trở thành lãnh tụ tư tưởng của đảng trật tự[205] và của chế độ cộng hòa đại nghị của đảng đó, chế độ này là một thời kỳ thống trị quá độ vô danh trong đó tất cả các đảng phái cừu địch nhau của giai cấp thống trị đều âm mưu với nhau để đè bẹp nhân dân và đều âm mưu chống lại nhau để cho mỗi đảng khôi phục lại dòng vua của mình. Lúc đó, cũng như ngày nay, Chi-e đã tố cáo những người cộng hòa là trở ngại duy nhất cho việc củng cố chế độ cộng hòa; lúc đó, cũng như ngày nay, hắn nói với chế độ cộng hòa cũng hệt như tên đao phủ nói với Đôn Các-lốt: "Tao sẽ giết mày, nhưng là để làm phúc cho mày". Ngày nay, cũng như hồi đó, ngay sau thắng lợi, hắn sẽ có thể kêu lên: L'empire est fait? - nền đế chế đã được thành lập! Mặc dù hắn có thuyết giáo giả dối về những quyền "tự do tất yếu" và mặc dù sự căm ghét cá nhân của hắn đối với Lui Bô-na-pác-tơ là kẻ đã lừa bịp hắn và đã phế bỏ chế độ đại nghị,- ở ngoài bầu không khí giả tạo của chế độ đại nghị, con người tiểu nhân đó không đáng giá một xu, chính hắn cũng biết rõ như vậy, - hắn ta vẫn đã nhúng tay vào tất cả những hành động bỉ ổi của Đế chế thứ hai, từ việc quân đội Pháp chiếm đóng La Mã cho đến cuộc chiến tranh với Phổ, mà hắn đã kích thích bằng cách kịch liệt công kích sự thống nhất nước Đức, . không phải vì sự thống nhất đó được dùng làm bình phong ngụy trang cho chủ nghĩa chuyên chế Phổ, mà vì nó là một sự vi phạm đến quyền cổ truyền của nước Pháp được chia manh mún nước Đức. Thằng lùn ấy thích giơ lên trước mắt châu Âu thanh gươm của Na-pô-lê-ông I,- trong các trước tác lịch sử của hắn, hắn đã trở thành kẻ đánh giày cho Na-pô-lê-ông; - thực ra thì chính sách ngoại giao của hắn đã luôn luôn đi đến kết quả là làm cho nước Pháp hoàn toàn bị nhục, kể từ công ước Luân Đôn năm 1840[206] cho đến cuộc đầu hàng của Pa-ri năm 1871 và đến cuộc nội chiến hiện tại, trong đó, được sự cho phép đặc biệt của Bi-xmác, hắn đã tung những tù binh ở Xê-đăng và Mét-xơ[207] ra chống lại Pa-ri. Dù có bản lĩnh mềm dẻo, dù hay thay đồi chủ trương, nhưng suốt đời hắn vẫn là một tên thủ cựu hạng nặng. Cố nhiên, đối với hắn, những trào lưu sâu sắc của xã hội hiện đại bao giờ cũng là những bí mật không thể hiểu nổi; nhưng ngay cả những biến đổi rõ rệt nhất trên bề mặt xã hội cũng không thâm nhập nổi vào một đầu óc mà tất cả sinh lực đều đã chạy hết vào lưỡi. Chẳng hạn, hắn không ngừng chỉ trích bất cứ một hiện tượng nào đi trệch chế độ thuế quan bảo hộ đã lỗi thời của Pháp, coi đó là tội xúc phạm đến thần thánh. Thời làm bộ trưởng dưới triều Lu-i-phi-líp, hắn đã chế giễu đường sắt là một ảo mộng điên rồ, và sau này, khi đứng trong phái đối lập dưới thời Lu-i-Bô-na-pác-tơ hắn đã chỉ trích bất cứ mưu toan nào nhằm cải cách chế độ quân sự thối nát của nước Pháp, coi đó là một hành động vô đạo. Suốt cả một đời làm chính trị lâu dài của hắn, hắn chưa hề bao giờ đề ra được một biện pháp nào, dù nhỏ đến đâu chăng nữa, gọi là có chút ít lợi thực tế. Chi-e chỉ thủy chung như nhất trong thói tham lam của cải và trong mối căm thù những người làm ra của cải mà thôi. Lúc mới vào nội các lần đầu tiên dưới thời Lu-i-phi-líp, hắn cũng nghèo như Giốp, nhưng khi từ giã nội các đó, hắn đã trở thành triệu phú. Cũng dưới triều vua đó, khi hắn làm thủ tướng nội các lần cuối cùng (từ ngày 1 tháng Ba 1840), hắn bị công khai tố cáo tại Hạ nghị viện về tội ăn cắp công quỹ, thì hắn chỉ trả lời bằng nước mắt,- trà lời như vậy thì không tốn kém mấy và Giuy-lơ Pha-vrơ hoặc bất cứ tên cá sấu nào khác cũng dễ dàng tuôn ra. Ở Boóc-đô[5*] biện pháp đầu tiên của hắn để cứu nước Pháp thoát khỏi sự uy hiếp của một sự phá sàn tài chính sắp xảy đến là tự cấp cho mình 3 triệu phrăng tiền lương hàng năm; đó là biện pháp đầu tiên và là biện pháp cuối cùng của cái "cộng hòa tiết kiệm" mà hắn đã đem ra làm lóa mắt cử tri của hắn ở Pa-ri năm 1869, một trong những bạn đồng liêu cũ của hắn tại Hạ nghị viện năm 1830- một nhà tư bản nhưng cũng lại là một ủy viên trung thành của Công xã Pa-ri, tức là ông Bê-lê, mới đây, trong một tuyên bố công khai, đã nói với Chi-e như sau:
"Làm cho lao động bị tư bản nô dịch, đó là cơ sở bất di bất dịch của chính sách của Ngài, và lừ khì nền cộng hòa của người lao động được thiết lập tại tòa thị chính Pa-ri thì Ngài đã không ngừng lớn tiếng nói với cả nước Pháp: Đó, chúng là những lên tội phạm!"
Là bậc thầy trong những hành vi lừa gạt nhỏ nhặt về chính trị, có biệt tài bội ước và bội phản; thành thạo trong tất cà những thủ đoạn đê tiện, những mưu mô xảo trá và những hành vi bạc ác trong cuộc đấu tranh của các đảng phái ở nghị trường một khi bị đuối khỏi nội các thì luôn luôn sẵn sàng gây nên một cuộc cách mạng để rồi lại dập tắt nó trong biển máu lúc trở lại nắm chính quyền; lấy những thiên kiến giai cấp làm tư tưởng, lấy hư vinh thay cho lương tâm, sống một cuộc đời tư cũng nhơ nhớp như cuộc đời xã hội đáng khinh bỉ,- Chi-e, ngay cả bây giờ đây, lúc hắn đang đóng vai trò một Xu-la Pháp, hắn cũng không thể không làm tăng thêm sự ghê tởm của những hành vi của hắn bằng những hành vi huênh hoang khoác lác lố bịch của hắn.
Sự đầu hàng của Pa-ri, - làm cho không những Pa-ri mà cả toàn nước Pháp, đều rơi vào tay Phổ,- đã kết thúc cả một chuỗi dài những âm mưu bội phản mà bọn tiếm quyền ngày 4 tháng Chín đã bắt đầu tiến hành từ ngay cái hôm chúng lên cầm quyền, như chính Tơ-rô-suy đã nói. Mặt khác, sự đầu hàng ấy đã mở đầu nội chiến mà bây giờ chúng tiến hành với sự giúp đỡ của Phổ chống lại nền cộng hòa và Pa-ri. Cạm bẫy đã được giăng ra ngay trong các điều khoản đầu hàng. Lúc đó, trên một phần ba lãnh thổ đã lọt vào tay kẻ thù, thủ đô đã bị cắt đứt khỏi các tỉnh, toàn bộ các đường giao thông đều bị phá hoại. Trong tình trạng như thế, không thể tiến hành bầu cử được những đại biểu chân chính cho nước Pháp nếu không có đầy đủ thì giờ để chuẩn bị. Chính vì thế mà trong điều khoản đầu hàng, có quy định rằng một quốc hội phải được bầu lên trong hạn một tuần, thành thử mãi ngay hôm trước ngày bỏ phiếu nhiều vùng ở nước Pháp mới nhận được tin phải tiến hành các cuộc bầu cử sắp tới. Vả lại, căn cứ theo một điều khoản đặc biệt trong văn bản đầu hàng, quốc hội đó chỉ được bầu ra nhằm mục đích duy nhất là để quyết định hòa bình hay chiến tranh và khi cần đến, để ký hòa ước. Dân chúng không thể không cảm thấy rằng ngay những điều khoản đình chiến cũng đã khiến cho không thể tiếp tục chiến tranh được nữa và chỉ có những nhân vật xấu xa nhất của nước Pháp mới là những người đủ tư cách nhất để đứng ra ký kết hòa ước do Bi-xmác bắt phải nhận. Nhưng chưa lấy làm vừa lòng với tất cả những biện pháp đề phòng đó và ngay trước khi bí mật của việc đình chiến lan truyền tại Pa-ri thì Chi-e đã đi vận động tranh cử ở khắp nơi trong nước nhằm làm sống lại cái thây ma của đảng chính thống[208], là đảng từ nay phải cùng với phái Oóc-lê-ăng thế chân phái Bô-na-pác-tơ mà người ta đã không chấp nhận nữa. Hắn không hề sợ những người thuộc đảng chính thống họ không thể nào thành lập một chính phủ của nước Pháp hiện đại, và do đó họ là những địch thủ không có gì đáng kể; toàn bộ hoạt động của đảng đó theo chính ngay những lời phát biểu của Chi-e (tại Hạ nghị viện ngày 5 tháng Giêng 1833),
"thường dựa vào ba phương kế là ngoại xâm, nội chiến và tình trạng vô chính phủ".
Vì thế đảng đó là một công cụ phản cách mạng thích hợp nhất. Bọn chính thống đã thành tâm tin tưởng vào sự phục hồi hằng mong đợi của cái đế chế ngàn năm về trước. Và trên thực tế, nước Pháp lại nằm dưới gót sắt của bọn ngoại xâm, một nền đế chế đã bị sụp đổ, một Bô-na-pác-tơ lại bị cầm tù, còn bọn chính thống vẫn tồn tại. Rõ ràng là bánh xe lịch sử đã quay ngược lại để rồi dừng lại ở cái "chambre introuvable"[6*] năm 1816[209]. Trong các quốc hội thời kỳ nền cộng hòa, từ năm 1848 đến 1851, đại biểu cho bọn chính thống là những thủ lĩnh có học vấn và giàu kinh nghiệm đấu tranh nghị trường; bây giờ đứng ở hàng đầu là những nhân vật tầm thường của đảng đó: tất cả những Pua-xô-nhi-ắc của nước Pháp.
Ngay khi "nghị viện địa chủ"[210] đã họp tại Boóc-đô, Chi-e đã nói trắng ra cho nghị viện hiểu rằng cần phải tiếp nhận ngay những điều khoản tiên quyết của hòa ước mà không được tranh luận gì ở nghị trường, coi đó là điều kiện duy nhất khiến cho Phổ cho phép được phát động chiến tranh chống chế độ cộng hòa và thành trì của chế độ đó là Pa-ri. Thế lực phản cách mạng quả là không bao giờ chần chừ cả. Đế chế thứ hai đã làm cho quốc trái tăng lên quá gấp đôi, và làm cho tất cả các thành phố lớn đều mắc nợ nặng nề. Chiến tranh đã làm cho nợ nần tăng nhanh cực độ và tàn phá tài nguyên của đất nước một cách ghê gớm. Để hoàn thành tai họa, tên Sây-lốc Phổ đang đứng sờ sờ ra đó, đòi hỏi phải nuôi 500 nghìn lính của nó ở trên đất Pháp, phải trả khoản bồi thường chiến tranh là 5 tỷ và phải trả lợi tức 5% nếu trả chậm so với kỳ hạn[211]. Ai sẽ phải trả tất cả những món ấy? Chỉ có dùng bạo lực đánh đổ nền cộng hòa đi thì những kẻ sở hữu của cải mới có thể đem gánh nặng của chiến tranh, do chính chúng gây ra, trút lên vai những người sản xuất ra của cài đó. Như vậy, chính sự phá sản chưa từng thấy của nước Pháp đã thúc đẩy những kẻ yêu nước đó-những kẻ đại biểu của sở hữu ruộng đất và tư bản - kết thúc, ngay dưới con mắt và dưới sự che chở của bọn ngoại xâm, chiến tranh với nước ngoài bằng một cuộc nội chiến, một cuộc phiến loạn của bọn chủ nô.
Có một chướng ngại lớn trên bước đường thực hiện âm mưu đó: Pa-ri. Tước vũ khí của Pa-ri là điều kiện đầu tiên của thắng lợi. Vì vậy, Chi-e đòi Pa-ri phải hạ vũ khí. Thế rồi người ta đã làm tất cả mọi chuyện để quấy rầy Pa-ri: "Nghị viện địa chủ" gào lên những lời điên cuồng nhất chống nền cộng hòa; bản thân Chi-e tuyên bố rất lập lờ về tính hợp pháp của sự tồn tại của nền cộng hòa; người ta hăm dọa chặt đầu Pa-ri và thủ tiêu danh hiệu thủ đô của Pa-ri; người ta cử những tên trong phái Oóc-lê-ăng đi làm đại sứ; Đuy-phô-rơ đã thông qua được những đạo luật về những kỳ phiếu không trả đúng hạn và về tiên thuê nhà[212] những đạo luật có cơ làm phá sản hoàn toàn thương nghiệp và công nghiệp của Pa-ri; theo yêu cầu khẩn thiết của Pu-i-ê-kéc-chi-ê, người ta đã ban hành thuế hai xu đánh vào mỗi một bản của bất cứ xuất bản phẩm nào; người ta kết tội tử hình Blăng-ki và Phlu-răng; người ta cấm các báo chí cộng hòa; người ta dời nghị viện đến Véc-xây; người ta tái lập lệnh giới nghiêm do Fa-li-cao tuyên bố và đã bị bãi bỏ ngày 4 tháng Chín; người ta cử Vi-nau, nhân vật tháng Chạp[213] làm thống đốc Pa-ri; Va-len-tin, hiến binh thời Bô-na-pác-tơ làm cành sát trưởng và Ô-ren-lơ Đơ Pa-la-đin-nơ, một tướng tín đồ dòng Tên, làm tổng tư lệnh vệ binh quốc gia Pa-ri.
Và giờ đây chúng ta cần đặt ra một câu hỏi cho ông Chi-e và các thành viên chính phủ quốc phòng. Mọi người đều biết rằng do Pu-i-ê-kéc-chi-ê, bộ trưởng Bộ tài chính của ông ta đứng ra làm môi giới. Chi-e đã phát hành một công trái 2 nghìn triệu. Vậy thì có thật là:
1) việc đó đã được sắp đặt khiến cho một món "hoa hồng" hàng vài trăm triệu đã chui vào túi Chi-e, Giuy-lơ Pha-vrơ, Éc-ne-xtơ Pi-ca, Pu-i-ê Kéc-chi-ê và Giuy-lơ Xi-môn, hay không?
2) chỉ sau khi Pa-ri được "bình định" thì công trái đó mới được hoàn lại, hay không[214]?
Dù sao thì một tình hình nào đó cũng đã buộc họ phải vội vã làm việc ấy, vì Chi-e và Giuy-lơ Pha-vrơ, nhân danh phe đa số của Nghị viện Boóc-đô, đã cầu xin một cách hết sức vô liêm sỉ quân đội Phổ chiếm đóng ngay Pa-ri. Nhưng điều đó lại không nằm trong những tính toán của Bi-xmác như chính Bi-xmác lúc trở về Đức đã công khai nói lên, bằng một giọng chế giễu, với những kẻ phi-li-xtanh đầy vẻ ngạc nhiên ở Phran-phuốc.
-----------------
Chú thích
[1*]. Xem tập này. tr. 371.
[2*]. Trong các bản tiếng Đức xuất bản năm 1871 và 1891: thay cho hai chữ GiôMi-lơ là mấy chữ "Các Phô-gtơ"; trong bản tiếng Pháp xuất bản năm 1871 là hai chữ "Phan-xtáp"
[3*]. Ở Anh, những kẻ phạm lội hình sự sau khi chịu đại bộ phận hình phạt thường được cấp giấy phóng thích, có giấy này họ có thể sống tự do nhưng phải chiu sự giám sát của cảnh sát. Những giấy phóng thích như vậy gọi là tickets-of-leave. còn chủ nhân của những giấy đó thì gọi là ticket-or-leave men. (Chí thích của Ăng-ghen viết cho bàn tiếng Đức xuất bản năm 1871.)
[4*]. ruồi Mi-ra-bô
[5*]. Trong bản tiếng Đức xuất bản năm 1891, sau chữ "Boóc-đô" là các chữ vào năm 1871".
[6*].Trong các bản tiếng Đức xuất bản năm 1871 và năm 1891 sau đó là các chữ sau đây: "(nghị viện của bọn hội đồng hàng tỉnh và bọn đại địa chủ quý tộc)".