V. MỰC LẦN TÌM DẤU VẾT CẬU CHỦ
Tác giả: Khải Nguyên HT
Mâm cơm để nguyên trên giường. Mẹ nấu cho ông chứ mẹ chẳng còn bụng dạ nào mà ăn. Nhưng ông cũng không đụng đũa. Các anh công an chưa tìm ra manh mối. Con béc-giê chạy quẩn trong khu vực Bé thường hay đi về không phát hiện được hướng đi của chiếc Honda đã chở Bé- tất nhiên! Đêm đã khuya. Cô giáo, các bạn học của Bé và những người khác đến hỏi thăm đều đã về cả. Ông nội ngồi bên bàn, nom già đi đến chục tuổi. Mực nằm dưới chân ông, thỉnh thoảng ngóc đầu nhìn ông. Mẹ ngồi cuối giường, lúc lúc lén đưa ngón tay quệt nước mắt.
Chợt Mực nghếch mõm dỏng tai. Liền đó, có tiếng gõ cửa hơi rụt rè. Mực kêu “hực, hực ” bật dậy. Nhưng ông đã đặt tay lên đầu chú và bước tới mở cửa. Một người khoác chiếc áo choàng mỏng hiện ra. Ông ta đội mũ lưỡi trai sụp đến tận mắt, mặt vừa mới cạo nhẵn để lại những chân râu lờ mờ đen hai bên má và dưới cằm. Ông nội hơi né ra một bên để ánh đèn soi rõ người vừa vào. Từ phía sau ông, Mực nhảy chồm lên ngực người lạ. Ông ta loạng choạng lùi lại. Ông nội quát khẽ: “Mực !” và nhẹ tay kéo Mực ra. Người lạ trấn tĩnh lại, đi vòng sau lưng ông né tránh con chó và đến gần một chiếc ghế định ngồi xuống, rồi lại thôi. Từ nãy, mẹ đã đứng lên lo lắng lẫn hi vọng nhìn người khách không mời mà đến. Sau khi khẽ đẩy Mực ra khỏi phòng và khép cửa lại, ông nội đứng yên chờ đợi. Người lạ đưa mắt nhìn nhanh gian phòng rồi chăm chú quan sát hai người chủ nhà, đoạn nói từ tốn, tiếng nhỏ nhưng rành rọt:
- Tôi mang tin mừng đến cho nhà ta. Chúng tôi đã dò được tin cháu Thanh.
Ông nội dợm bước lên một bước nhưng kịp ngừng lại. Còn mẹ thì đưa hai tay ôm ngực kêu lên mừng rỡ: “Ôi!”. Rồi mẹ rảo bước lại gần người lạ:
- Bác thấy cháu ở đâu? Quí hoá quá! Sao bác không đưa cháu về hộ luôn?- Chợt nhớ ra, mẹ đi đến bên bàn rót nước- Mời bác ngồi xuống đã. Bác xơi tạm chén nước. Giã ơn bác đã vất vả, đêm hôm khuya khoắt. - Mẹ quay sang ông nội - Có lẽ đành phải phiền đến chú Bích nhờ cùng đi với ông đón nó về, kẻo…
Người lạ vội vã ngắt lời mẹ:
- Ấy! Chưa vội được. Cháu hiện ở xa lắm.
Ông nội đã đến ngồi bên bàn đang chìa chén nước cho khách, vội đặt chén nước xuống, sửng sốt:
- Sạo lại thế được?
Người lạ đáp nhỏ nhẹ:
- Theo chỗ chúng tôi được biết thì cháu Thanh theo mấy đứa choai choai làm một chuyến du lịch…
Mẹ hốt hoảng:
- Chết! Con tôi có bao giờ tự tiện rời nhà đâu?
Người kia chép miệng:
- Thế mới có chuyện. Bố mẹ, ông bà chẳng mấy khi hiểu hết con cháu mình đâu.
Ông nội cố nhìn vào đôi mắt người lạ vẫn nấp dưới bóng cái lưỡi trai của chiếc mũ:
- Có đúng là bác biết cháu bé chúng tôi không?
Người lạ thò tay vào phía trong áo khoác, nơi Mực vừa chồm tới lúc nãy, rút ra một chiếc khăn choàng:
- Khăn này là của cháu Thanh chứ ?
Mẹ vồ lấy xem. Đúng là chiếc khăn của Bé. Mẹ ấp chiếc khăn lên mặt như để lau dòng lệ vừa ứa ra. Ông lặng đi một lúc rồi hỏi:
- Bây giờ bác bảo chúng tôi thế nào ?
Người lạ lần túi lấy ra một bao thuốc lá có vẽ ba con số 5 và một chiếc bật lửa dùng khí. Chắc là đang mải toan tính, y không để ý thấy chiếc khăn tay của y chòi theo ra rơi xuống nền nhà. Y búng búng bao thuốc cho thòi ra mấy cái đầu lọc rồi chìa mời ông nội. Ông cảm ơn và lắc đầu. Y rút ra một điếu xoè lửa châm hút. Đến đây ông nội mới nhìn rõ cái sẹo nơi khoé môi người lạ mà từ lúc vào nhà, không hiểu cố ý hay vô tình, y không để phơi ra phía ánh đèn. Thở ra một hơi thuốc dài, lão Sẹo- đúng hắn là lão Sẹo- thủng thẳng nói, vừa nói vừa dò thái độ hai người chủ nhà:
- Lũ trẻ đến được nơi ấy thì chẳng biết có phải vì hết tiền hay không mà chúng vào một cửa hiệu chừng định ăn cắp. Thế quái nào mà chúng làm hỏng mấy thứ đồ cổ rất quí của người ta. Họ định tẩn cho một trận rồi tóm nộp công an. May một người bạn của tôi biết chuyện bèn khuyên nên để cho người nhà chúng đền. Nhưng mấy đứa kia là bọn cầu bơ, cầu bất, chỉ còn trông vào cháu Thanh nhà ta đây thôi. Ấy, cháu cũng gan lì lắm chẳng chịu hé môi gì đâu. May mà có cái biển hộ mệnh của cháu.
Mẹ hấp tấp hỏi:
- Họ bắt đền bao nhiêu ạ?
- Chẳng mấy. Mười cây.
- Cây gì kia?
- Mười cây vàng. Đưa tiền mặt cũng được.
- Sao mà nhiều thế?
- Bọn tôi nói mãi, họ mới châm chước cho đấy. Mấy thứ đồ cổ là vô giá. Mười cây chỉ vừa đủ đền người ta thôi, chứ chúng tôi, tôi và các bạn tôi chỉ làm phúc, chẳng đòi công sá gì vào đấy cả đâu.
Đến đây, mắt ông nội loé lên một ánh ngờ vực. Ông nhìn thẳng vào mặt lão Sẹo:
- Được, chúng tôi xin đền. Nhưng cũng phải cho chúng tôi gặp cháu đã chứ.
Mẹ chưa hiểu ý ông nội, tiếp lời:
- Chúng tôi cần phải có thời gian lo liệu. Món tiền to quá. Cứ cho chúng tôi gặp cháu để yên cái bụng, rồi muốn gì cũng xin vâng.
Lão Sẹo lắc đầu:
- Không được đâu. Chẳng nên trì hoãn, mà cũng chẳng gặp được cháu trước khi đền bồi xong.
Ông nội nghiêm nghị hỏi:
- Muốn giữ làm con tin à?
Lão Sẹo chủng chẳng:
- Cụ muốn hiểu thế cũng được.
Ông nội nổi nóng:
- Cứ đưa ra công an đi! Hay đưa ra toà cũng được.
Lão Sẹo cười khẩy:
- Họ chẳng dại. Đợi pháp luật thì khuya quá. Mà có khi có án quyết rồi, khối người vẫn ỳ ra đấy.
Thấy không khí hơi găng, mẹ muốn làm cho dịu đi:
- Bác cứ đưa chúng tôi đến gặp người ta xin cháu về. Cháu còn bé quá, xa nhà lâu không lợi. Chúng tôi không để người ta và bác thiệt đâu.
Lão Sẹo quay qua mẹ, giọng tỏ ra hoà nhã:
- Chị ơi! Tôi chỉ là người đưa tin giúp. Còn người ta thì chắc họ chẳng muốn nắm dao đằng lưỡi. Họ đã thoả thuận là sau khi nhận đủ tiền, lập tức giao cháu lại cho chúng tôi để trả gia đình. Nếu nhà ta có khó khăn thì chúng tôi sẽ cố nài họ giảm cho vài giá. Nhưng rứt khoát là họ sẽ không chịu dưới chín lăm chỉ.
Ông nội đưa mắt cho mẹ Bé rồi đứng dậy:
- Được, anh cứ ngồi chơi, chờ cho một lát. Để tôi đi hỏi vay xem.
Lão Sẹo đưa tay ra hiệu ngăn, cứng giọng:
- Xin mời cụ yên cho. Vay ai lúc nửa đêm gà gáy này? Tôi không đến đây một mình đâu.
Ông nội quay phắt lại trừng mắt nhìn lão Sẹo:
- À ra vậy! Giờ thì tôi hiểu rồi. Cháu tôi chẳng làm hỏng gì của ai cả. Chính các anh bắt cóc rồi đến đây tống tiền.
Lão Sẹo cười nửa miệng:
- Cụ muốn buộc tội thế nào thì tuỳ. Nhưng xin cụ nhớ cho rằng người nhát gan không dám đến báo tin như thế này đâu.
Mẹ vội dàn hoà:
- Bác ạ, coi như cháu bị lạc các bác tìm thấy. Chúng tôi xin hậu tạ, nhưng các bác cũng thấy gia cảnh chúng tôi…
Lão Sẹo ra vẻ thông cảm:
- Chúng tôi cũng biết gia cảnh nhà ta thanh bạch. Thôi thì thế này: Đúng chín cây. Trên đồng trống sau xóm này có một cây đa. Phía trên cành thứ hai có một cái hốc. Cụ hoặc bà sẽ để vào đấy lúc ban đêm. Người ta nhận đủ tiền lúc nào thì cháu bé về nhà lúc ấy. Nhưng đừng để lâu quá ba ngày. Chắc cụ và bà sẽ không làm gì gây nguy hiểm cho cháu. Bây giờ thì tôi đi đây. Cụ và bà ở yên trong phòng này cho mười phút.
Lão nói nhẹ nhàng nhưng mắt thì quắc lên. Nói xong, lão quơ tấm khăn của Bé lúc nãy mẹ đặt trên bàn nhét vào trong áo choàng, không quên vơ bao thuốc lá và chiếc bật lửa nhét vào túi. Lão bước ra ngoài khép cửa lại sau lưng. Chiếc khăn tay của lão vẫn nằm trên đất.
Ông chồm dậy, nhưng mẹ đã ngăn ông lại bằng ánh mắt van lơn. Ông nhìn chừng chừng như muốn xuyên tấm cánh cửa. Mẹ thì như bị tê dại đi. Im lặng nặng nề. Độ mươi phút đã trôi qua. Mẹ sực tỉnh, rón chân đến bên cửa, đặt tay vào nắm cửa để yên một giây rồi hé cánh cửa trông ra trời đêm mù mịt. Đó là một đêm u ám. Trời tối nhờ nhờ. Mẹ mở rộng cánh cửa. Ánh đèn trong phòng in một mảng sáng hình thang trên sân. Quanh mảng sáng ấy, đêm như quánh lại và càng vắng lặng. Mẹ cất tiếng gọi Mực, nhưng Mực đã biến đi đằng nào.
* * *
Mực từ khi bị ông nội đẩy ra ngoài phòng rồi khép cửa lại vẫn bứt rứt không yên. Chú quẩn quanh một lúc trước cửa, chợt nhớ tới nhiệm vụ canh gác của mình, chú nhẹ nhàng nhảy xuống sân. Nhưng cái mũi thính nhạy của chú bắt được hơi lạ. Chú bước rất êm về phía cổng. Cặp mắt tuần đêm của chú đã nhìn thấy hai bóng đen đứng nấp trong ngõ hơi xa cổng một tí. Chúng bất động gần như hoà lẫn vào các lùm cây hai bên ngõ. Như thường lệ, Mực không xông ra. Chú cũng đứng nép một chỗ chờ động tĩnh. Chú muốn quát lên mấy tiếng báo động: “Gâu! gâu! Kẻ nao? kẻ nao? ”, nhưng có lẽ chú nhớ ra trong nhà đang có khách đáng ngờ nên chú vẫn đứng yên, duy cái đuôi thõng xuống cứ ngọ nguậy hoài với cái vẻ sốt ruột, mà cái cổ thì vươn thẳng chĩa cái đầu về phía trước với dáng kiên nhẫn rình chờ.
Bỗng một luồng sáng hắt ra sân, một bóng người từ trong nhà lách ra, rồi bóng tối khép lại. Lão Sẹo đi gần sát bên Mực mà không hay. Lão đi qua hai bóng đen không dừng lại, chỉ lấy tay ra hiệu. Hai bóng đen lần lượt bước nối theo lão, cách nhau một quãng ngắn. Cả ba bước đi một cách thận trọng, cố không gây ra tiếng động, và căng mắt quan sát xung quanh, nhất là luôn luôn quay nhìn phía cửa nhà Bé. Tuy vậy, chúng vẫn không thể nhìn thấy Mực đang theo sau chúng. Cái gì đã thúc đẩy Mực? Phải chăng hơi hướng của Bé, cậu bạn và cậu chủ, nơi chiếc khăn quàng đang giắt trong người lão Sẹo đã kéo chú theo?
Bên đường cái có một khối to lù lù. Đó là một chiếc xe tải loại nhỏ thấp có mui, thành chắn phía sau bỏ thõng. Chừng thùng xe để trống. Lão Sẹo dừng lại bên ca-bin xe, mở cửa và chui vào. Hai bóng đen đi sau cũng lần lượt biến vào ca-bin. Tiếng xe rồ máy. Khi Mực chạy tới thì bánh xe từ từ lăn. Chẳng kịp đắn đo, Mực nhảy lên thùng xe, vừa lúc đèn pha bật sáng và xe bắt đầu lao nhanh. Mực hơi luống cuống, loay hoay trong thùng xe, mấy lần định nhảy xuống, nhưng mặt đường phía dưới cứ nhập nhoạng chạy lùi trở lại. Chú đã định kêu lên: “Gâu! gâu! Đưa tôi đi đâu? ”, nhưng hẳn chú đã kịp nghĩ lại.
Chiếc xe dừng đột ngột khiến Mực trượt chân suýt ngã. Cửa ca-bin xe mở ra. Có ai đó bước xuống đường và có tiếng nói khẽ với nhau. Mực vội vàng rời thùng xe. Chú chưa kịp định thần thì chiếc xe đã lại lao đi. Chú nhìn chung quanh, thấy một bóng người đang rẽ vào một ngách đường. Chú bám theo. Nhưng đấy không phải là lão Sẹo, kẻ đang giữ vật mang hơi người thân thuộc đối với chú.
Bóng đen phía trước đã biến mất sau một cánh cửa vừa khép lại. Mực loanh quanh một lúc trước cánh cửa đóng im ỉm. Bực mình, chú quát lên: “Đâu? Đâu? ”. Chẳng có chi đáp lại. Mà kẻ vừa khuất dạng chẳng phải là kẻ mà Mực đang cố bám theo. Chú rời cái ngõ nhỏ rẽ ra một cái ngõ khác lớn hơn. Chú chạy gần, vừa chạy vừa đánh hơi. Thỉnh thoảng chú dừng lại quanh tới quanh lui, đưa mũi hít ngược hít xuôi. Chú lang thang đã khá lâu. Càng lúc càng sốt ruột vì rõ ràng là chú đã bị lạc. Chợt Mực khựng chân lại. Chú vừa thoáng ngửi thấy một mùi quen. Chú rén chân bước, mũi rà mặt đường. Chú hực lên một tiếng. Gần sát mũi chú là một cái que nứa nhỏ. Đó chính là cái que xâu kem mà Bé đã vứt xuống như các bạn đã biết. Mực đưa mũi hít liền mấy cái rồi ngước đầu lên, đuôi ngúc ngắc vẻ hồ nghi, lưỡng lự. Bỗng chú phất đuôi xuống một cái và lại giương lên ngay, chú cúi đầu xuống thận trọng dò tìm vòng quanh, càng lúc càng xa dần về cả hai phía. Lại một cái que nữa. Chú ngửi một tí, mũi khịt khịt, rồi chạy dò tìm tiếp, lần này bước mau hơn, quả quyết hơn,vì chú đã định được hướng. Lần lần chú ra đến phố lớn. Ở đây, hồi nãy đầy người đi lại, xe cộ nườm nượp, mùi vị loạn xạ, còn hơi nào lưu lại được? Biết dò tìm làm sao? Sau một hồi luẩn quẩn vô ích, chú đứng thõng đuôi, đầu ngước lên, ánh mắt buồn khôn tả. Một lát, chú quay vào ngõ, lủi thủi, tấm thân uể oải đu đưa, cái đuôi rủ xuống, đầu hết hếch sang phải lại hếch sang trái, như chẳng biết hỏi han vào đâu. Chú dừng lại khá lâu cạnh chiếc que đầu tiên gặp lại trong ngõ, cúi xuống hít, ngửng lên nhìn trước ngó sau, rồi lại hít. Chừng chú nghĩ ngợi lung lắm. Chú lại chạy đi. Chú gặp các chiếc que tiếp đó, và dừng lại tí chút. Đã đến chỗ chiếc que chú tìm thấy trước nhất. Chú ngẩn ngơ mất một lúc. Rồi chú đi vào sâu thêm nữa. Chú lại bắt gặp một chiếc que mang hơi Bé. Chú kêu lên ư ử trong cổ, đuôi phất lên rung khe khẽ. Vậy là chú đã lần đúng đường truy tìm những chiếc que lõi kem. Chiếc nữa, chiếc nữa, rồi chiếc nữa. Cứ thế… Mực bỗng mừng quýnh lên vì chú vừa bắt gặp mùi thân thuộc còn vương lại rất đậm. Chú đã đứng trước cánh cổng sắt mà Gi Pích đã đưa Bé đến lúc ban ngày.
Mực cuống quít trước tấm cánh cửa đóng im ỉm mất một lúc. Rồi chú tìm thấy cái lỗ ở chân tường xế phía dưới cánh cổng. Chú thận trọng thò đầu vào nghe ngóng, rồi luồn cả thân mình tọt vào trong. Tối đen. Nhưng với Mực thì có sá gì. Chú bắt hơi cậu chủ và nhanh chóng lần ra lối đi. Chú bon theo một hành lang tối bưng, băng qua một phòng trống và… Chú đang dừng lại để nhận đường, bỗng nghểnh đầu, vểnh tai, rồi lao vụt đi. Chú vừa nghe tiếng kêu la văng vẳng cùng với tiếng động cửa sầm sập. Đây rồi! Chú chồm lên một cánh cửa gỗ lấy chân cào cào như đập cửa và quát lên: “Gâu! gâu! Mở mau! mau! ”