watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Một chuyến phiêu lưu của bé và chú mực-VIII. BƯỚC PHIÊU LƯU TIẾP CỦA MỰC - tác giả Khải Nguyên HT Khải Nguyên HT

Khải Nguyên HT

VIII. BƯỚC PHIÊU LƯU TIẾP CỦA MỰC

Tác giả: Khải Nguyên HT

Ra thoát ngoài bức tường, Mực quay đầu nhìn lỗ hổng giây lâu rồi mới rời đi. Ban đầu chú bước rồi chuyển sang chạy. Đã quen lối nên chẳng mấy lúc chú đã ra đến đường phố lớn lúc này vắng tanh vắng ngắt. Đi hướng nào bây giờ? Gay quá! Đường phố vốn là chốn khá xa lạ đối với Mực. Đường phố nơi đây lại thênh thang và dài tít tắp làm chú ngợp. Chú nghi ngại, trông trước, ngó sau, nhìn ngược, ngóng xuôi, cái đuôi quặp xuống. Lưỡng lự mấy thoáng rồi chú rẽ phải. Hãy cứ thế đã. Chú chạy gằn trên vỉa hè sát trước các nhà dọc phố. Chốc chốc chú dừng lại làm cái việc đánh dấu đường đi, có nghĩa là chú ghếch một chân sau tè ra ít giọt vào gốc cây, gốc cột điện hoặc một góc khuất trước hiên một nhà nào đó. Đấy là thói quen của họ nhà chó mỗi khi đi vào xứ lạ. Rõ ràng việc này phạm vào qui tắc vệ sinh đường phố. Nhưng cũng chẳng sao. Một là, quả tình chú không biết, chẳng như con người có khi biết sai mà vẫn cứ làm bừa. Hai là, chẳng ai mắng chú cả, vì có bóng người nào đâu. Ba là, chỗ chú són ra chẳng bằng một tẹo so với những gì mà một số cậu bé ngỗ nghịch và xấu tính vẫn đứng ngay trên hè đường ngang nhiên phóng bậy ra. Vậy là Mực ta vừa chạy vừa đánh dấu đường đi. Tất nhiên là cả đánh hơi nữa. Nhưng chẳng có gì để đánh hơi ở đây. Chú cứ tiến hoài theo đường phố thẳng. Đôi lúc thân hình chú khẽ run lên. Hơi lạnh đêm khuya thấm vào hay nỗi cô đơn, lạc lõng làm chú rùng mình? Chưa bao giờ chú đi xa mà không có cậu chủ. Mà lần này thì xa quá là xa! Phải về được đến nhà tìm ông chủ lớn. Cậu chủ còn ở nơi kia không chui ra được.


Chú vừa chạy quá một ngã tư thì từ một phố ngang nghe có tiếng chân rầm rập, rồi những tiếng quát giật giọng: “Bắt lấy nó! Bắt lấy nó!”. Chẳng hiểu mô tê gì, chú hoảng kinh soãi chân phóng. Đằng trước chú cũng có một kẻ đang chạy, vác một bọc to sù. Tiếng chân chạy và tiếng quát phía sau vẫn đang bám theo. Kẻ chạy trước Mực ngoái cổ lại trông thấy Mực mỗi lúc một gần bèn quẳng cái bọc nghe đánh “phịch”. Mực giật thót mình, nhảy chéo sang một bên tránh theo bản năng loài chó. Rồi cũng theo bản năng, chú dừng vội ngửi cái bọc. Chẳng có gì dính dáng đến chú. Chú lại tiếp tục chạy. Thằng trộm đã biến mất. Những người mất của chạy đến vui sướng nhặt cái bọc lên. Hẳn họ không biết Mực đã vô tình góp công quyết định giúp họ lấy lại của bị trộm.


Mực càng không biết công tích ấy của chú. Chú đi tiếp con đường. Phía trước hiện lên một đám cây, rất nhiều cây, giống cái vườn của chủ Mực, mà cũng không giống hẳn vì rộng hơn nhiều, thưa cây hơn, có bãi cỏ, có ghế đá, có mưa trên một cái ao tròn. Mực đi vào đó luẩn quẩn một lúc rồi đứng lặng, đuôi bất động, tai giương lên, lưỡi hơi thè ra, mắt hơi đung đưa. Ấy là dấu hiệu chú đang nghĩ lung lắm. Khó ghê! Chú liếm mép, hấp háy mắt, rồi quyết định quay lại phía đường. Chợt chú nép vào dưới một lùm cây. Có hai người đang đi đến. Mực vẫn đứng yên trông chừng. Bỗng chú quẫy đuôi rồi vẫy loạn lên. Đó là hai người công an, trong đó có một người đã đến nhà Bé lúc ban chiều sau khi được báo Bé bị lạc. Còn người kia hay đến nhà Bé xin nước mưa pha trà. Anh này cũng đã có lần giúp ông nội của Bé tập cho Mực. Hai người phát hoảng khi thấy một con chó từ bụi cây xồ ra. Một anh đã đưa tay sờ bao súng đeo bên hông. Nhưng con vật không có vẻ gì là có ác ý. Trái lại, nó nhẩy quẩng lên hoan hỉ, đuôi ngoáy lia lịa. Anh kia nhìn kĩ nghi hoặc:
- Quái! Hình như là con Mực nhà bé Thanh. Làm sao mà nó lang thang ở đây nhỉ? Bọn ta đi tìm chủ nó thì lại vớ được nó.
Số là ở nhà Bé, sau khi lão Sẹo đi rồi, ông nội đi báo công an. Mẹ hơi lo vì lời đe doạ bóng gió của kẻ kia. Nhưng ông đã quyết. Người công an trực đồn nghe ông tả kẻ đến tống tiền cứ gật gù. Trong trí anh ta, đang hiện lên hình dạng của một tên lưu manh lợi hại mấy lần tự nhiên lặn mất. Sau đó, một điều tra viên được phái đến nhà Bé tìm hiểu thêm. Anh này chú ý đến chiếc khăn tay lão Sẹo để lại. Anh thận trọng dùng cặp gắp bỏ vào một tờ giấy sạch gói lại mang về đồn.


Sự việc được báo gấp lên cấp trên. Chừng một giờ sau, mấy tốp công an tuần tra được giao nhiệm vụ săn lùng kẻ gian vừa ló ra đã lại biến đi. Có tốp mang theo chú béc-giê mà Mực đã biết và không mấy thiện cảm. Có tốp đi xe ba bánh. Hai người mà Mực bắt gặp trong công viên thuộc tốp thứ ba. Anh người quen của gia đình Bé đang định cúi xuống xoa đầu Mực thì chú đã cắn áo anh giật giật, rồi nhả ra chạy đi. Hai người công an ngớ ra. Mực chạy một quãng, ngoảnh đầu lại thấy họ vẫn còn đứng nguyên chỗ cũ, chú bèn kêu lên: “Gâu! gâu!mau! mau!”. Hai người chợt hiểu, bèn đi theo con vật. Chú chó mừng rỡ rít lên khe khẽ quay ngoắt lại chạy trước dẫn lối. Lúc đầu chú còn hay ngoái lại dòm chừng. Về sau, thấy hai người vẫn bám sát chú, chú yên tâm tập trung vào việc nhận đường.


Đã đến đầu đường phố lớn trổ vào công viên. Tới đây, Mực lâm vào thế lúng túng to. Lúc nãy, mải chạy hoảng vì cảnh đuổi trộm, chú đã quên đánh dấu đường một quãng dài. Chú sục xuống ngửi lòng đường, hè phố mãi mà chẳng lần ra. Chú bối rối đưa mắt nhìn hai người ra vẻ chịu lỗi rồi lại cúi xuống đánh hơi rà tìm. Lúc lúc chú lại liếc mắt nhìn hai người. Chú mong được trợ giúp, hay chú sợ bị họ cho là chuyện vớ vẩn, họ chán họ bỏ đi mất? Mà một trong hai người đã định bỏ đi thật, nếu người kia không khuyên ráng chờ. Vừa lúc tốp đi xe ba bánh trờ tới. Hai tốp bàn định với nhau. Sau một hồi bàn cãi, họ đồng ý với nhau là kiên nhẫn đợi xem chú chó này giở trò gì. Anh công an quen lại gần vẫy tay động viên Mực. Mực vững tâm dò tìm xa ra mãi. Khi tất cả mọi người đều đã bắt đầu sốt ruột thì thấy Mực chạy tới, đuôi ngoắt tíu tít. Mực chỉ kịp kêu lên một tiếng “gâu!”, ý giả là giục “mau!”, rồi vòng gấp chạy ngược trở lại. Cả hai tốp tuần tra vội ngồi dồn lên chiếc xe ba bánh bám theo Mực. Hết đoạn đường phố lớn, rẽ vào ngõ, Mực dẫn công an đi mãi. Và kia, chiếc cổng sắt không còn xa lạ đối với Mực đã án ngữ trước mặt. Mọi người xuống xe đứng nhìn ngắm và quan sát một lúc. Đây là mặt sau khu tiểu công nghiệp bị thua lỗ đang chờ thanh lí mà lại đang vướng chuyện tranh chấp đất đai. Toàn bộ đang bỏ trống, nơi ẩn náu lí tưởng cho chuột bọ và kẻ gian. Chẳng biết bọn nào đang lót ổ tại đây? Mọi người tiến đến chiếc cổng. Cánh cổng khép kín, lì lợm, bí hiểm. Một người, rồi hai người ghé vai đẩy vẫn không chuyển. Đã mấy lần Mực chui qua lỗ hổng vào trong rồi lại chui ra chạy đến bên đám người đang bàn tính, cặp mắt ướt ngước nhìn như chất vấn, như hối thúc. Mấy người xúm lại công kênh một người trèo lên nhảy vào trong. Phía trong cài then ngang rất chắc. Cánh cổng vừa mở ra, Mực đã bươn bả chạy trước.


Nhóm người để một anh ở lại trông xe rồi theo Mực xông vào. Họ đi đến căn phòng mà Bé vừa bị nhốt. Cửa phòng đóng. Nhưng khi một người thử kéo cánh gỗ thì nó kêu rít lên và mở ra ngay. Dưới ánh đèn pin sáng loá, trong phòng bày ra một cảnh tượng lộn xộn, bừa bãi những thứ vất đi. Không còn đống bánh kẹo trên bàn. Những ngăn tủ gỗ xấu xí há rộng phô ra những vỏ đồ hộp, những vỏ chai, những vỏ bao thuốc lá nhập lậu. Nhóm công an quyết định giữ nguyên hiện trường chờ bộ phận chuyên môn đến làm việc. Mọi người đang định quay ra theo lối cũ thì Mực đã kêu lên một tiếng chạy tót về hướng ngược lại. Đầu chú chuồi tới trước, mõm rà sát đất, đuôi ngúc ngắc. Chú chạy gằn, không ngoái lại dòm chừng từng lúc nữa, tin chắc mọi người sẽ đi theo. Mực dẫn nhóm người theo một lối đi ngoắt ngoéo, có khi len giữa các bức tường, cuối cùng lần đến một cái cửa ngách nhỏ trổ ra một đường phố hẹp tối om không có đèn đường. Đến đây, Mực nhảy cẫng lên, rồi tung tăng chạy quẩn giữa đám người ra vẻ hể hả lắm. Nhưng chú sớm thất vọng. Mấy người công an sau khi cúi xuống lò dò xem xét một hồi, ngửng lên ra hiệu cho chú dẫn đường tiếp. Nhưng Mực cũng đang bí. Mới đầu, Mực hăm hở vì hơi người thân dậy lên, nhưng rồi chú chỉ bắt được hơi ấy trong một vòng khá hẹp. Đến một lúc, chú đành dừng lại, đứng yên, đuôi lia ngang rồi thõng hẳn xuống, đầu ngửng lên thẳng đơ, mắt hấp háy, và … chú lại liếm mép. Mấy người kia cũng bối rối không kém.
Một chuyến phiêu lưu của bé và chú mực
1- MỰC TRỞ THÀNH BẠN CỦA BÉ NHƯ THẾ NÀO?
II. MỰC LÀM NHIỆM VỤ GIỮ NHÀ
III -BÉ BỊ LẠC
IV. BÉ LÀM KHÁCH QUÍ
V. MỰC LẦN TÌM DẤU VẾT CẬU CHỦ
VI. BÉ BỊ NHỐT
VII. MỰC ĐẾN CỨU BÉ VÀ BÉ CỨU MỰC
VIII. BƯỚC PHIÊU LƯU TIẾP CỦA MỰC
IX. BÉ TÌM CÁCH THOÁT THÂN
X. PHẢI TÌM CHO ĐƯỢC MỰC
XI. CÓ MỰC ĐÂY