Chương 1
Tác giả: Lan Anh
M ặt trời đỏ ối nằm hóng gió trên rừng núi Lam xanh ngắt sau một ngày cần mẫn thổi lửa xuống trần gian. Dòng Mạ bắt nguồn từ dãy Lam, uốn mình chảy giữa các vách núi và cánh rừng. Khi cách biển chẳng bao xa nó bỗng thắt lại bồi đắp cho hai bờ những bãi cát trắng, lách nhẹ qua đám sình lầy, lượn vòng qua mấy quả đồi rồi hối hả xuôi ra biển.
Chỉ có hai cái làng may mắn được sinh ra từ hai bờ cát ấy. Một làng trải dài giữa dòng sông và đường quốc lộ - làng Trà. Làng kia - làng Hà - nép mình vào núi, đón gió sông, tách khỏi những phần đất còn lại của huyện Tân Thành.
Những tia nắng vàng nhạt cuối cùng đang rủ nhau kéo về sau núi tiếng ai khoả nước vội vã rửa rau ở cầu ao, tiếng mẹ cao giọng gọi lũ tre chơi mê mải, tiếng nồi niêu tất bật va vào nhau lách cách ở góc bếp...
Mùi lá khô, mùi khói bếp hòà trộn với hương ngan ngát của hoa chanh, hoa bưởi đang nhè nhẹ bay lên...
Làng Hà thảnh thơi duỗi mình vào buổi chiều mát rượi...
Ở giữa làng, trong căn nhà ngói năm gian kẻ truyền được nâng đỡ bằng hàng cột lim đen bóng, ông Bi đang thong thả châm ba nén hương vào cái đèn dầu cháy nhỏ như hạt đậu xanh trên bàn thờ. Chúng run rẩy, lóe sáng.
Hôm nay là ngày giỗ lần thứ mười bốn của bà An - vợ ông. Chả thế mà cái lư đồng sáng choang giữa bát cơm và cái đĩa đựng một quả trứng cùng mấy hột muối.
Ông Bi lặng lẽ cầm mấy nén hương lên cái bát nhang được đặt trước tấm hình truyền thần lồng kính đã ngả vàng. Một khuôn mặt phụ nữ trẻ, đôi mắt mở to như đôi mắt trẻ thơ đang chăm chú nhìn ông...
Ông đứng thẳng, vuốt cái áo nâu, thả quần xuống cho ngay ngắn, hai tay chắp trước ngực, nhìn đăm đăm vào đôi mắt to trên bức ảnh. Ông cúi đầu vái ba vái rồi lẩm nhẩm... Ông đang cầu khấn, đang tâm tình với người đã khuất hay với chính mình, chẳng biết nữa...
Ông Bi đứng im, miệng mấp máy, thỉnh thoảng dừng lại, nghẹn ngào, chớp chớp đôi mắt... Ông như đang cùng vợ lội về quí khứ xa xôi...
Mấy củ khoai luộc đánh bạn với dăm quả cà muối đamg nằm lăn lóc trên cái mâm gỗ ở dưới đất.
Cả cái làng Hà lâu nay cứ xầm xì, đồn đại chẳng biết thực hư thế nào về các đấng sinh thành ra cu Bi.
Nhiều người thao thao khẳng định rằng, mẹ cu Bi chính là cô gái dở người từ đâu lạc tới, đi lang thang khắp làng, bạ đâu ngủ đấy, thế nên... Bố cu Bi thì đích thị là người làng này rồi, còn ở đâu được nữa! Có người ngó trước ngó sau rồi thì thào rằng cu Bi là kết quả của bác Trương tuần qua một đêm dốc lòng cho sự bình yên của làng xóm...
Thôi thì thêu dệt đủ chuyện, chẳng hiểu thực hư thế nào, chỉ có một điều chắc chắn là cu Bi đã được nhặt ở góc đình, nằm trơ trọi, thoi thóp thở...
Cái làng Hà này tuy nghèo xơ nghèo xác nhưng đâu có thể ngồi yên mà giương mắt lên nhìn thằng bé đáng thương chết dần chết mòn! Thế nên cu Bi mới được truyền từ bầu vú này sang bầu vú khác khắp trong làng.
Dường như thấu hiểu cái phận bú đậu, bú nhờ, bữa có bữa không nên được dịp là cu cậu cứ hóp má lại mà mút, làm cho cái đám con ruột của mấy bà cho sữa cừ khóc ngằn ngặt vì đói.
Thế là các vị chức sắc trong Hội đồng kỳ mục phải một phen vất vả bàn đi tính lại rồi cuối cùng quyết định giao cu Bi cho bà Có góa chồng, không con, lủi thủi ở cái lều cuối cùng. Để trả công, làng sẽ cấp cho bà một mảnh ruộng nhỏ từ đất công và miễn cho vài khoan đóng góp khác...
Ngày hai bữa, lúc chắt nước khoai, lúc chắt nước cháo, bà Có tận tình chăm bẵm cho thằng bé.
Dân làng Hà cũng chẳng vô tình để mặc cho bà sớm hôm một mình vất vả, nên ai kéo dậm đi ngang cũng sẻ cho con tôm cái diếc, ai bới khoai cũng bớt cho lưng rổ, bát canh, quả cà…
Cuộc sống của bà góc với thằng con hoang lần hồi đượt bảy năm thì bà Có lăn ra chết. Thế là cái lều rách mướp của bà bị bỏ hoang, cu Bi bước ra đời, bắt đầu một cuộc sống tự lập, vất vưởng...
Mùa hè thì dễ, thiếu gì chỗ ngả lưng. Mùa đông cũng chẳng sao! Bếp nhà ai mà nỡ đóng cửa với thằng bé tứ cố vô thần đang run lên cầm cập.
Cái tên Bi cũng chẳng biết do đâu mà có, hay vì cu câu cứ lăn lóc hết góc bếp, cuối sân lại đầu đình nên người ta mới gọi là Bi. Chỉ độc mỗi cái tên, chẳng có họ hay đệm lót gì sất: Bi - thế thôi!
Có điều, dân làng cũng chẳng phải lo vì cu Bi được việc lắm! Nhà ai có đám: Bi ơi! Ruộng nhà ai thiếu nước: Bi đâu rồi? Thậm chí đào huyệt, bốc mả cũng qua tay Bi tất...
Có điều, dân làng chẳng bao giờ sai khiến cu cậu làm những công việc ở nhà trên. Bộ cánh đủ mầu che cái thân gầy còm và khuôn mặt ngồ ngộ của Bi cứ như sắp mang vận xui vào nhà họ.
Cái mặt nhỏ xương xương vời hai hàng lông mày lơ thơ như lạc lõng trên đôi mắt lanh lợi chẳng lúc nào chịu đứng yên, mũi hơi hênh hếch, hai cánh mũi mỏng nom rõ cả mấy mạch máu nhỏ li ti. Cái tội là ở ngay mồm: hàm răng cứa nhoài hẳn ra phía trước làm cho môi trên và môi dưới chẳng thấy dịp được gặp nhau. Nhưng tệ hơn cả là cái răng cửa ở bên trái. Dường như chưa hài lòng với vị trí của mình nên nó cứ cố nhô xa hơn để tách khỏi đồng bọn. Hễ lúc nào chủ nhân vò đầu bứt tóc là nó có dịp để chơi nổi! Nó thò hẳn ra, vênh vênh váo váo như thể chỉ có mình ta đây mới giúp được cho chủ nhân thoát khỏi tình trạng tắc tị này!
Cu Bi chẳng những được việc mà còn chịu khó lắm. Dù có phải làm kiệt sức, hết hơi, mình mẩy trầy trụa, cũng chẳng than lấy một lời. Bất kể đêm khuya rét mướt hay trời nổi bão giông cứ gọi là cu Bi có mặt liền.
Nhưng nơi mà cu Bi thích đến làm nhất là ở giữa làng, trong nhà ông Ty.
Từ đầu làng đi vào, theo con đường chính lát gạch tới giữa làng, ngay bên tay trái là cơ đồ mấy đời của dòng họ nhà ông Ty. Nhưng để vào được bên trong, khách phải bước qua cổng lợp ngói bề thế, hai cánh cửa gỗ lim được cài chốt ở phích sau giữ chặt cứng, chả mấy khi buông lơi.
Qua được cái cổng, khách cũng chưa thể bước ngay vào nhà mà phải đi tiếp trên một con đường nhỏ rợp bóng xoan. Bên phải là vườn rau nho đủ màu: xanh, vàn, tím, đỏ bốn mùa thay áo. Bên trái là cái ao rộng chừng non một sào, quanh năm bề bộn với đủ việc: nào bèo, nào cá, nào vịt, nào rau, thỉnh thoáng lại có đám tre cùng xoan dầm mình dưới bùn, chờ ngày vào việc.
Con đường nhỏ dẫn khách vào ngay sát cuối sân. Bên trái sân là khu vườn cây ăn quả. Thôi thì đủ cả, mùa nào quả nấy, lúc mít ổi, lúc bưởi, na, thị, lúc táo, khế... nhưng nổi bật nhất có lẽ là cây bưởi, gốc sần sùi, lá xanh um, đứng tách ra tận cuối dãy tường hoa, còng lưng nghiêng bóng mát.
Từ khu vườn nhìn sang bên kia sân là ngôi nhà chính năm gian lợp ngói hai mái. Hàng hiên chạy suốt theo chiều dài của ba gian giữa, được che chắn bằng hàng giậu tre.
Bên trái ngôi nhà, nơi tiếp giáp vườn rau là cái giếng và bể nước mưa, nằm kế đó là bếp rồi đến chuồng bò.
Bên phải là dấy nhà ngang ba gian lợp rạ, có hàng hiên nhỏ chạy suốt. Gian đầu chứa các dụng cụ nhà nông, gian giữa lóc nhóc khoai tây chờ nẩy mầm, gian cuối là nơi xay lúa giã gạo. Qua một khoảng đất nhỏ là khu chuồng lợn, chuồng gà, nhà xí.
Cả cơ ngơi được bảo vệ chắc chắn bằng dãy tường gạch cao quá đầu, bên trên còn được gắn mảnh sành, mảnh chai, như làm nản lòng những kẻ tò mò, ưa dòm ngó, hay tâm địa bất chợt xao động...
Nghe nói, để gậy dựng được cơ ngơi này, mấy đời các cụ tổ nhà ông Ty đã phải bao phen thi gan cùng với trời đất, bóp mồm bóp miệng…
Bà Ty người bé nhỏ, nom cứ như đứa trẻ già trước tuổi, đi vào đi ra hệt cái bóng, cấm mở mồm nói được một câu! Cầu vái tứ phương, ăn chay niệm Phật, mãi tới lúc xế chiều bà mới cho ông một mụn con gái. Cầu mong cho con được an bình trong cuộc đời, ông bà đặt cho cô bé cái tên An.
Từ ngày An ra đời, dân làng lại càng hiếm khi nhìn thấy bà Ty hơn nữa. Cả đêm lẫn ngày bà đắm đuối với giọt máu muộn màng của mình, hết ôm ấp lại nựng nịu, nâng niu, chẳng rời xa nửa bước...
Nhưng trời cũng chẳng cho bà được chăm bẵm vỗ về con bé cho đến lúc nó nên người. Bà ra đi bỏ lại núm ruột của mình khi nó chưa bước đã ngã, đôi mắt lúc nào cũng mở to ngơ ngác như lạ lẫm với đời.
An lớn lên tính tình hệt như mẹ, ra vào làm lụng bình lặng như chiếc lá. Cái miệng nhỏ xíu chẳng mấy khi phải làm việc. Đôi mắt đen láy, lúc nhìn xuống nom buồn rười rượi, lúc ngước lên, mở to thì trong trẻo, thơ ngây.
Trai tráng trong làng anh nào cũng chết mê chết mệt! Chẳng biết có phải cái mỏng manh yếu đuối như cánh hoa cần được che chở của cô gái đã hút hồn họ hay cái cơ ngơi to đùng, đứng sừng sững giữa làng, cổng đóng then cài làm cho họ thèm muốn.
Cũng giống như mẹ, An chẳng mấy khi bước qua cánh cổng. Ngày đêm cô quanh quẩn nâng giấc cha già, vui vầy với đàn gà, bầy vịt, bận bịu với lũ lợn, vườn rau... Sự thiếu vắng của cô làm cho trí tưởng tượng của đám trai làng càng thêm bay bổng, càng háo hức.
Bi cũng chẳng nằm ngoại lệ! Dường như vì lớn hơn An đến cả chục tuổi nên cái đắm say của anh chàng lại càng thêm lắng sâu, đằm thắm...
Cứ mỗi lần được ông Ty nhắn tới để sai việc là Bi lại phi ngay ra cái ao cuối làng, hết vốc nước vỗ lên mái tóc lởm chởm gọt bằng dao, lại vuốt vuốt mớ vải vá chùm vá đụp. Nhưng thật khổ cho chàng, dù có vốc cạn hết nước ao mà vuốt thì chúng cũng chẳng thẳng ra cho được!
Đôi chân như vừa được chắp cánh, vút một cái Bi đã tới giữa làng. Nhưng bỗng chúng như muốn khuỵu xuống, chỉ chực xoắn vào nhau khi đứng trước hai cánh cửa gỗ lim to đùng, lạnh lùng, đóng im ỉm. Cái đám mồ hôi mới lạ chứ, có mang vác cầy bừa gì đâu mà cứ thi nhau túa ra làm lấm cả cái mặt vừa mới được rửa. Cái tang ngực cung chẳng chịu yên, cứ gõ như trống đánh từng hồi làm Bi hoa cả mắt...
Rón rén bước vào sân, đầu cúi gằm, mồm dạ vâng lia lịa nghe ông Ty cắt việc, nhưng đôi mắt của Bi thì đảo hết từ nhà trên xuống nhà ngang, lục lọi khớp trong bếp, cổ tìm cho ra cái cánh hồng...
Năm thì mười họa cánh mắt của Bi mới chạm được vào An từ ở nơi rất xa, mờ mờ, ảo cho như ở cõi tiên! Họa hoằn lắm nàng mới ban ơn cho cái liếc thoáng cứ như làn gió lướt vội qua hũ tương, vại cà ở góc bếp. Thế cũng quá đủ để anh chàng si tình đứng chôn chân xuống đất, nhưng người thì lại lảo đảo như vừa trúng gió...
Thế rồi cơ may đã tới! Một buổi chiều sau cơn giông, ông Ty cho gọi Bi tới sửa gấp cái nóc chuồng bò vừa bị gió tốc.
Bi bước vào sân vừa đúng lúc ông già đang lom khom từ bếp bước ra, hai tay bưng bát cháo.
Chắc trời cũng mủi lòng cho trái tim vô vọng của anh chàng tội nghiệp nên mời khiến đôi bàn tay già cả của ông Ty trở nên vụng về, vô tích sự. Cháo trong bát bỗng sánh ra đổ ướt hết cái vạt áo bông duy nhất mà ông đang mặc. Thấy Bi đang đứng lớ rớ, ông tiện sai luôn:
- Vào bếp múc thêm cháo cho đầy rồi mang lên nhà trên cho cô!
Bi "Dạ" một tiếng tưởng chừng vang dội tới tận trời xanh! Ông Ty quay sang lườm một cái thật dài.
Cố kìm cho quả tim đang nhảy nhót bấn loạn đập đều lại, hai tay bưng bát cháo thành kính như dâng đồ lễ, Bi run rẩy, dò từng bước lên nhà trên.
Chàng Bi tài lắm! Đây là lần đầu tiên được đặt chân lên đấy thế mà Bi chả lạ lẫm gì, bước một cái thẳng ngay vào gian buồng bên phải, nơi An đang nằm sốt mê mệt.
Mới thoáng thấy bóng hình nàng trên cái giường nửa tối nửa sáng, Bi đã đứng sững lại, người lạnh toát, cháo trong bát sánh qua sánh lại chỉ chực trào ra…
Mãi Bi mới lí nhí:
- Thưa… cháo... cháo ạ!
An cựa mình khó nhọc, đôi mắt nặng nề khẽ mở... Cô bỗng nhắm phắt ngay mắt lại, quay mặt vào trong tường, nói hắt ra, cộc lốc:
- Để đấy, ra đi...!
Bát cháo đã yên vị ở đầu giướng rồi mà Bi chẳng chịu thoái lui. Làm gì có chuyện ấy! Chàng len lén lùi xuống cuối giường, chỗ tối nhất, rồi đứng ỳ ra đấy, dán chặt mắi vào cái lưng đang khẽ phập phồng thở nặng nhọc. Một nỗi xót thương vô hạn bỗng dâng lên, tràn ngập khắp trong lòng làm tim Bi thắt lại, hơi thở nghẽn nghẹn... Bi muốn chạy ngay tới ôm gọn cái lưng nóng bỏng ấy vào vòng tay, ve vuốt cho tới khi nó dịu hẳn. Nhưng chàng chỉ đứng yên, người như hóa đá.
Tiếng An rõ ràng, lạnh lùng vang lên:
- Ra đi!
Bi giật mình, bừng tỉnh.
Chàng đi thụt lùi từ từ ra cho tới tận hàng hiên đôi mắt chẳng rời xa cái lưng bé nhỏ...
Vừa ra tới sân là Bi phóng ngay vào bếp, ngã người xuống đống rơm. Chàng nhắm mắt lại: trong bóng tối mờ mờ An vẫn nằm yên trong vòng tay Bi, người mát lạnh. Cơn nóng sốt của An giờ đã chuyển hết sang Bi làm chàng bừng bừng bốc lứa... Bi thờ dồn dập, ghì siết An, lăn lộn trên đống rơm, rồi vật nàng xuốnh đè nghiến lên trên. Cái đáy quần bỗng vụt căng ra chật cứng... rồi ướt nhơm nhớp.