Chương 7
Tác giả: Lan Anh
V ề đến đầu làng, ông Bi ra lệnh:
- Võng nó về nhà tao, đợi lệnh cấp trên!
“Mày mà bị nhốt ở nhà ông thì có chạy trốn đằng trời” - ông Bi lẩm bẩm - "Nhốt nó ngoài đình trống huơ trống hoác, trẻ con người lớn tò mò, nhỡ có chuyện gì, lôi thôi ra... Hơn nữa nhốt nó ở nhà mình chỉ cần hai đứa gác ngoài cổng, một mình mình với nó ở trong nhà, thì có khối chuyện... Cả cái làng này lại chẳng vểnh tai lên mà nghe, cả năm, ca tháng cũng chẳng hết...". Ông Bi khoái chí nghĩ thầm.
Bác Bi, nhốt nó ở đâu? Mi hỏi khi Jim đã được võng vào giữa sân.
Đưa nó lên nhà trên! Rồi ông lại đổi ý ngay - Thôi, cho nó xuống nhà ngang!
"Nhà trên thờ các cụ, đưa cái thằng mắt xanh mũi lõ này lên đấy nhỡ các cụ không ưa, các cụ quở, phiền lắm!" Ông Bi thầm suy tính.
Dãy nhà ngang dường như bỏ hoang kể từ ngày ông Ty khăn gói đi gặp các cụ tổ...
Từ nãy tới giờ Na van đứng nép ở góc sân.
Lúc chập tối, thấy cả làng cùng theo thầy kéo nhau lên núi vây bắt giặc lái, cô bé cũng tò mò chạy theo. Nhưng chạy được một quãng xa mới sực nhớ tới mấy con lợn đang chòi đạp trong chuồng đòi nồi cám. Hơn nữa, mấy củ khoai thầy chưa kịp ăn đã nguội cứng, phải ủ nóng lại đợi thầy về. Cô bé đành quay trở lại.
Tiếng ầm ì từ dãy núi vọng về làm Na cứ vừa cặm cụi làm, vừa ngóng lên trời lo lắng: không biết thầy ở trên núi có sao không?
Những tiếng nổ vang rền từ phía núi làm Na bỏ cả việc, lúc chạy tọt vào cái hầm chữ A ở góc vườn, khi chạy tới góc sân, ngồi thụp xuống, ôm đầu, áp chặt tay vào hai tai.
"Tiếng gì mà nổ ghê thế, to hơn cả tiếng sấm sét mấy đêm giông hè". Cô bé thầm so sánh. Rồi chợt nhớ ra điều gì, cô bé bịt chặt hai tai, lật đật chạy ra đầu làng, đứng ngong ngóng về phía núi. Sau mỗi tiếng nổ lại ngồi thụp xuống, khẽ kêu lên:
- Thầy ơi...?
Tiếng súng tiếng bom đã ngớt hẳn, Na lững thững trở về. Làng vắng hoe, im ắng...
Na ngồi xuống bậu gỗ, tựa lưng vào cánh cổng chờ. Cô bé buồn ngủ lắm rồi, nhưng thầy chưa về, phải mở mắt thôi! Gió mát hây hây thổi, hai con mắt nhắm tịt lúc nao không biết...
Tiếng ồn ào, hể hả của đoàn người ở ngày trước cổng làm Na tỉnh giấc. Cô bé nép ngay sau cánh cổng, nhìn không chớp vào một người lạ đang được khênh vào nhà mình.
"Eo ôi, người đâu mà trông kinh thế! Cũng có mắt, có mũi, chân tay mà nom sao chẳng giống người làng mình". Na tò mò nhập vào đoàn người, nhanh chân tìm một chỗ ở góc san, đứng đó, nhìn như hút vào người đàn ông lạ. Cô bé mở to hai mắt, lẩm nhẩm. "Ôi sao cái mặt lại trắng thế, cứ y như trang giấy viết í, còn đôi mắt kìa, sao nó lại có màu xanh của con đom đóm nhỉ? Còn cái cổ nữa, ôi mẹ ơi, sao nó lại to thế kia, cổ của thầy có to thế đâu? Hai chính tay nữa, đầy lông lá như con chó cún, tóc lại vàng hoe như râu ngô, người gì mà to thế, phải to gần bằng con trân đực nhà ông Hai."
Cô bé cứ đứng ngây ra.
Đặt Jim lên chiếc giường cũ mèm của ông Ty trước đây xong, ông Bi liền ra lệnh:
- Con Mi viết báo cáo gửi gấp lên huyện?
Mi ưỡn ngực đập gót cứ y như ở trong doanh trại:
- Rõ!
Ông Bi lướt ngay sang Jim, hai cánh mũi phập phồng.
Jim chẳng hiểu họ nói gì, nhưng nhìn cái cách của cô gái đáp lại theo kiểu lính chuyên nghiệp tuân lệnh chỉ huy thì hắn biết rằng người đàn ông gầy guộc đang đứng trước mặt mình là người có uy quyền nhất trong lúc này. Mạng sống của hắn sẽ phụ thuộc vào con người này, vì thế đôi môi của hắn hơi cố giãn ra như khẽ mỉm cưới, đầu gật gật tán thưởng.
Mặt ông Bi nóng bừng… Ông e hèm lấy giọng, gãi gãi cái đầu như nhắc nhở nó bắt đầu vào việc bắt chữ, đặt câu.
Mi ngồi phệt xuống đất kéo cái ghế đẩu làm bàn rồi cặm cúi viết. Cứ viết được mấy chữ, cô gái lại ngẩng đầu lên chờ đợi.
Nhưng cái chữ xem ra cứ như con ma trơi, thoắt ẩn thoắt hiện bỡn cợt với ông già. Ông Bi cứ e hèm mãi, mấy cái tóc lơ thơ trên đầu cũng bắt đầu ngọ nguậy, cái răng cửa lại thò ra... Thế mà mấy con chữ vẫn cứ trốn tiệt!
Mi im lặng, gõ gõ cái đầu bút chì xuống đất. Rồi chừng như sốt ruột quá, cô đành bạo miệng nhắc một chữ. Ông Bi chặn ngay:
- Tao biết rồi?!
Đánh vật mãi trên cái ghế đẩu, cuối cùng Mi cũng viết xong bản báo cáo. Cô đứng thẳng người, quàng súng đợi lệnh.
Mày vượt sông gấp, lên huyện ngay bây giờ. Cho đứa nào theo cùng. Quàng lên! Sáng sớm mai mà không có mặt thì ông giết? Ông Bi oang oang ra lệnh.
Mi chẳng hiểu ông Bi sẽ làm thế nào để giết mình nếu như ông không nhìn thấy cô được. Mi nén cười, ưỡn ngực đáp:
- Tuân lệnh!
Cô gái ào ra cổng như cơn gió lớn!
Lúc này ông Bi mới thong thả soi cái đèn dầu lù mù xuống sát cái đầu gối phải của Jim. Hắn cũng cúi ngay xuống, nhìn chăm chú: cái đầu gối đã ngoẹo hẳn ra, miệng vết thương há hoác, lấp ló trên đám máu khô là mấy mảnh vải quần hay mấy mảnh da rách nát, tối quá hắn chẳng nhìn rõ.
"Phải sát trùng gấp rồi băng ngay lại không thì đi toi cái chân!" hắn lo lắng.
Ông Bi quơ đèn qua lại trên vết thương, nhìn một lúc rồi gọi:
- Na đâu, cầm xuống đây cho thầy cái kéo.
Đang đứng lấp ló ngoài hiên, Na giật mình: "Dạ".
Một lúc sau tiếng cô bé từ nhà trên vọng xuống:
- Con chẳng tìm thấy thầy ạ! Hay thầy để quên hôm đi cắt khẩu hiệu ở ngoài đình?
- Con dao cũng được! ông Bi đáp lại.
Jim kinh hãi nhìn con dao đen sì, to tướng lăm lăm trong tay ông Bi. "Ông ta định làm gì với con dao vậy? Ông ta định chặt đầu hay chặt cái chân bị thương đây?”. Hắn hoang mang.
“Nếu con dao mà vung lên thì một cú đạp trời giáng sẽ lao thẳng vào giữa bộ hạ của lão chỉ huy. Lão sẽ phải văng ra ít nhất là mười feet và nằm bất động ê ẩm ở đó tối thiểu là hai phút. Quá đủ thời gian để mình cướp con dao, cắt dây trói, giật khẩu súng, tóm hắn làm con tin. Thật là một tấm lá chắn hoàn hảo để che cho mình thoát lên núi... Cái điện đài vẫn còn ở đó…”.
Hắn ngồi im, trông thật bình thản nhưng các bắp thịt của hắn đều đã gồng cứng lên sẵn sàng vào trận, đầu hắn nóng bừng với những kế hoạch hành động.
Ông Bi cầm con dao, bước tới. Chợt ông dừng lại, nghi ngại nhìn cái chân lành lặn của Jim. Ngần ngừ một lát, ông đổi hướng, đi vòng, tiến tới sát cái chân gãy của hắn.
Jim mím môi, thở phì phì... "Lão già này đúng là con cáo!”
Mấy nhát cắt dứt khoát vứt bỏ đám vải quanh đau gối dính đầy máu làm vết thương lộ rõ hẳn ra. Ông Bi giắt con dao vào sau lưng rồi lôi trong túi cho ra một nhúm thuốc lào đen sì, hôi hắc, thẳng tay ấn mạnh nó vào vết thương.
Cái xót xé thịt quá bất ngờ làm Jim bất thần húc đầu thật mạnh vào người ông Bi rồi cúi xuống, thổi cuống cuồng cho đám thuốc lào rơi xuống đất. Ông Bi loạng choạng... ngã phệt xuống.
Mẹ cha cái thằng giặc ngu này, ông chữa cho mày khỏi què mà mày lại toan đánh ông! Ông cho mày què luôn - ông Bi tru tréo. Ông đứng dậy, rút cây súng ở trên vai xuống, lên đạn lách cách, chĩa vào Jim nhưng ở khoáng cách ngoài tầm với của hắn.
Jim bất ngờ khi thấy nòng súng đã lên đạn chĩa thẳng vào mình. Hắn lại đang vượt qua lằn ranh của sự sống sang cái chết...
"Thật vô lý, thật ngớ ngẩn!"
Tia mắt tóe lửa biến ngay thành ánh mắt xanh thân thiện, cái miệng đành mím chặt bỗng nở một nụ cười kèm những tiếng "Sorry... Sorry..." đầy ân hận.
Khuôn mặt ông Bi giãn ra, ông từ từ hạ súng xuống.
Jim thở phào...
"Thiếu tá Mc.Clean, ngài phải nhớ rằng ngài đang sống trong chiến tranh, ở một nơi có tổ chức xã hội, con người với lối suy nghĩ và tập quán hoàn toàn xa lạ, chắc chắn ngài sẽ còn nhận được nhiều điều bất ngờ nữa... Đừng lầm lẫn giữa can đảm va hành động bản năng thiếu kiểm soát. Hãy làm chủ bản than mình trong mọi tình huống" - Jim thầm tự răn mình.
Đúng lúc ấy, Na như làn gió mát lướt nhẹ vào giữa hai người, trên tay cô bé là cái túi cứu thương của đội dân quân mà Mi lúc nãy vội đi, bỏ quên lại.
- Thầy mệt rồi, thầy đi nghỉ đi, để con làm - Na nhẹ nhàng nói.
Mắt Jim sáng lên khi nhìn thấy dấu thập tự đỏ chói trên cái túi trong tay cô bé. Hắn nhìn đôi bàn tay nhỏ bé rồi lại nhìn vào vết thương của mình, khẽ lắc đầu.
"Giá mình đoạt được cái túi cứu thương kia, mình sẽ tự băng bó lấy...". Hắn tự nhủ, ngọ nguậy hai bàn tay đang bị trói chặt phía sau lưng.
Na đứng yên, mắt không nhìn Jim mà chăm chú vào cái vết thương đỏ lòm, miệng mở toang hoác.
"Không biết ngã ở đâu mà vết thương trông khiếp thế? Chắc ông ta đau lắm!". Na khẽ chép miệng, lắc dầu.
Cô bé ngước mắt lên nhìn Jim như muốn tìm cái vẻ đau đớn trên khuôn mặt hắn nhưng Jim chỉ mỉm cưới, khe khẽ gật đâu. Na kéo chiếc ghế đẩu vào sát cái đau gối bị thương rồi ngồi xuống. Cô bé cầm đèn rọi qua rọi lai, xem xét cẩn thận cái vết thương rồi mở túi lấy ra một gói bông và chai cồn.
Jim cau mày lo lắng, nhìn đăm đăm vào hai bàn tay của cô bé.
Na đổ cồn vào miếng bông, sát qua sát lại nó vào tay mình. Mùi cồn hăng hắc nhè nhẹ bay lên...
Jim gật gù...
Na lại lấy ra một miếng bông khác, to hơn, thấm đẫm cồn, nhè nhẹ đặt nó vào vết thương rồi chầm chậm chùi những vết máu, vết bẩn từ trong ra ngoài.
Jim thấy xon xót dễ chịu, lim dim mắt, quên mất cả việc đoạt lấy cái túi cứu thương.
"Cô bé chắc là con của ông chỉ huy, có đôi mắt lanh lẹ và cái mũi hênh hếch giống bố. Cô bé bao nhiêu tuổi? Lên tám hay lên mười - Jim thầm tự hỏi. Rebecca của mình vài năm nữa cũng lớn bằng cô bé này. Sao mái tóc lại đen và lại dầy đến thế, nó làm cho cổ của cô bé như cứ phải ngửa ra sau, thật vất vả quá? Rebeca của mình tóc lại vàng".
"Ôi Rebeca của cha - Jim thầm kêu lên - ước gì lúc này cha được đặt tay lên mái tóc vàng óng của con. Con yêu, con đã đi ngủ chưa? Con vẫn đến trường mỗi sáng chứ? Con có nhớ cha không?"
Những câu hỏi chẳng có câu trả lời cứ dồn dập trong đầu Jim. Bỗng một đôi mắt xanh biếc, trong trẻo vụt hiện lên chăm chú nhìn hắn như muốn hỏi: Sao lại thế hả cha? Ngực Jim thắt lại, hắn nhắm nghiền mắt…
Sáu giờ sáng. Trời còn tối đen như nửa đêm...
Một mầu trắng toát giăng giăng khắp nơi như vô tận: khắp bầu trời, trên mái nhà, dưới thềm cửa, ngoài con đường lớn...
Mặt trăng co lại, mỏng dính, đơn độc trên bầu trời xám đục.
Mấy cây óc chó mùa hè rực rỡ đầy hoa đỏ thắm, thế mà bây giờ co ro cái thân gầy guộc, bị bó cứng đầy băng tuyết. Một cơn gió ào ào thổi qua, chúng lại run bắn lên từng hồi trong mênh mông tuyết trắng.
Karthy đi như chạy hết từ trên gác xuống dưới nhà lại từ dưới nhà lên gác. Một núi việc đang chờ nàng: đám quần áo bẩn giăng ra ở khắp nhà đang cần thu lượm, đống bát đĩa bẩn bỏ lại từ đêm qua bắt đầu lên mùi, bữa sáng, bữa trưa cho con gái chưa chuẩn bị, ấm cà phê cho chồng còn nguội ngắt...
Karthy lại bay lên gác, vào phòng con gái, thầm thì:
- Con yêu, mẹ rat tiếc, nhưng đã đến giờ con phải dậy rồi!
Con bé nũng nịu vòng tay ôm cổ mẹ: “Mẹ ơi! Con muốn ngủ nữa"... Khi con bé vào nhà tắm, Karthy nhoài người hối hả thu dọn cái giường nhỏ rồi lao ngay vào giúp nó vệ sinh, thay quần áo, chai tóc, buộc nơ... Vừa làm vừa dặn dò hoặc trả lời những câu hỏi chẳng bao giờ dứt của con gái...
Mặc vộl mấy lượt quần áo dầy cộp lên thân hình bé nhỏ, Karthy hối hả dắt con ra đường.
Tay dắt tay con, tay kia cầm cặp đầy sách vở và thức ăn, Karthy bấm từng bước trên con đường cứng băng tuyết ra đón xe tới trường.
Trời chưa sáng hẳn. Những cơn gió lạnh buốt gầm rú rượt đuổi nhau ào ào, thỉnh thoảng như hứng chí, chúng lại ném từng vốc tuyết thẳng vào mặt người qua đường.
Rebeca co ro đứng sau lưng mẹ để tránh gió. Karthy vòng tay ra sau xiết chặt con vào sát mình...
Chiếc xe buýt màu vàng đã tới. Karthy hôn tạm biệt con gái rồi tất tả trở về nhở...
Cành táo khẳng khiu vừa rũ khỏi mình lũ tuyết đeo bám dai dẳng, khoái chí đập liên hồi vào ô cửa kính đầu giướng làm Jim tỉnh giấc.
Bên ngoài trời chưa sáng hẳn, trong nhà im ắng. "Chắc hai mẹ con đang ở ngoài đường đón xe" - Jim thầm nghĩ.
Hắn chả vội, hắn đang trong kỳ nghỉ phép hàng năm.
Jim nằm im, mơ màng. Hắn cứ nằm đó, mắt nửa nhắm nửa mở, nghe gió gào, suy nghĩ vẩn vơ, tận hưởng hơi ấm toát ra từ cái chăn lụa Ý nhồi lông vịt mềm mại đang ôm lấy cái thân hình cường tránc của mình.
Hắn chỉ miễn cưỡng rời khỏi giường khi nghe thấy tiếng cửa đập dưới nhà: “Karthy đã về!" - và uể oải bước vào buồng tắm.
Hắn bật vòi nước. Khi những tia nước ấm từ vòi sen mạ vàng sáng choang vừa bắn vào ngực, chảy mơn trớn khớp cơ thể là Jim lại bắt đầu ngay điệu sáo quen thuộc của mình. Hắn chỉ tạm ngừng khi nghe thấy tiếng chân vợ chạy tất bật trong phòng ngủ. Nằm ườn trong nước ấm, chẳng thèm thò đầu ra khỏi cái rèm bồn tắm, hắn hỏi vọng ra một cách chiếu lệ:
- Con tới trường rồi hả em?
Chẳng đợi câu trả lời của vợ hắn quay lại ngay với điệu sáo "Cây cầu sông Kwai" yêu thích nhất của mình.
Thân hình lực lưỡng của hắn thả lỏng bồng bềnh trong cái bồn tắm trắng lóa đầy nước ấm, ba mặt được lát đá nâu với những họa tiết lấp lánh vàng, chẳng khác gì những nét chạm khắc tinh xảo trong các đền thờ Pharaon* (Vua) Ai Cập cổ đại...
Cái vết thương nhói lên vì bị vòng băng xiết chặt làm Jim choàng tỉnh khỏi cơn hồi tưởng. Tim hắn quặn thắt, hắn thầm thảng thốt: "Đấy là cha của con đấy ư - Rebeca bé bỏng? Lạy Chúc xá tội, cha đã từng như thế ư? Không, thề có Chúa, nếu Ngài cho cha một cơ hội, nếu cha được trở về, cha sẽ là người khác, khác hẳn con ạ.
Mỗi sáng, cha sê nắm chặt bàn tay nhỏ bé của con trong tay cha, dắt con đi trên con đường băng giá. Cha sẽ đứng chắn gió, che tuyết cho con, như mẹ con vẫn thường làm... Ồ không, cha sẽ không làm như vậy! Cha sẽ bế con lên, ôm chặt con vào lòng, áp má của cha vào cái má đang đỏ ửng vì rét của con lâu tới chừng nào có thể, để làm cho nó ấm lại...
Rebeca yêu quý! Cha sẽ làm như thế nếu cha được trở về... Cha hứa đấy!".
Jim nhắm mắt lại, nghẹn thở... Nước mắt nóng hổi từ từ ứa ra, lăn xuống má... Jim nghiêng đầu, quệt má vào hai vai, hít một hơi thật dài rồi đưa mắt nhìn xung quanh: căn nhà trống trải, nhếch nhác, đầy mùi ẩm thấp, muỗi vo ve từng đàn, thèm khát lao như điên vào con mồi có mùi máu lạ... Bên ngọn đèn dầu lù mù với cái bóng ám khói đen, cô bé đang chăm chú xiết chặt những nút băng cuối cùng. Em dừng tay, ngước mắt rụt rè nhìn Jim như dò hỏi hắn có đỡ đau không? Ánh nước lấp lánh quanh hàng mi vàng trên khuôn mặt trắng bóc làm Na sững người. Cô bé bối rối: "Chắc mình làm ông ấy đau rồi? Sao mình lại vụng về thế nhỉ? Đã tập bao nhiêu lần trên tay, trên chân chị Mi rồi, chẳng được khen đấy thôi... thế mà bây giờ...". Cô bé cúi xuống nhìn hai bàn tay bé nhỏ nhưng lớp da đã dầy, nứt nẻ, nâu mốc mầu nắng sương, dúi vội chúng vào hai vạt áo trước.
Jim nhìn thấy hết. Hắn bỗng muốn kéo hai bàn tay ấy ra khỏi vạt áo, nắm chặt chúng lại trong tay mình rồi nói: "Bé con, cháu có đôi bàn tay rất đẹp va khéo léo".
Nhưng hắn chỉ ngồi im, trìu mến nhìn vào khuôn mặt xinh xinh, lấm tấm mồ hôi, đang căng lên vì bối rối.
Rồi từ rất sâu trong lồng ngực, hai tiếng "thank you” được phát ra chậm rãi, trầm ấm trên đôi môi nứt nẻ như đám ruộng thiếu nước ở chân núi.
Na vội vã bỏ đi rồi quay ngay lại với bát nước mưa trong vắt.
Cô bé cầm bát nước bằng hai tay, từ từ đưa nó lên sát vào miệng Jim. Hắn ngửa cổ, nuốt ừng ực, quên cả thở.
"Xin Chúa chứng giám, đây là thứ nước tuyệt vời nhất mà Ngài đã ban tặng cho con người: Nó trong vắt, man mát, dịu ngọt khí trời, khác xa thứ nước màu nâu sậm, sủi bọt trắng, the the được chế biến hàng loạt theo công thức đã định sẵn".
Bát nước hết veo - Giá mà có thêm một bát nữa - Jim thầm tiếc rẻ.
Bốn bề im ắng. Ông Bi và Na đã bỏ ra ngoài từ lúc nào...
Jim nằm nghiêng trên cái giường vừa nhỏ lại vừa ngắn đang rên lên hừ hừ như cái thân già phải mang vác quá sức. Mấy thanh vạc giường đã gẫy cứ đâm thúc vào mạng sườn mỗi khi hắn toan cựa mình. Jim đành nằm im.
Người hắn mỏi nhừ, hai cánh tay bị trói sau lưng tê dại, cái chân phải đau buốt, mồ hôi vã đầm đìa làm cái áo bay dày cộp ướt đẫm, ôm chặt lấy người như bó bột. Hắn chẳng còn làm được gì hơn là cố nhắm mắt.
Từ màn đêm tĩnh mịch, đâu đó ở ngoài vườn, một chú dế mèn bỗng rich...rich như bắt đầu bắt giọng. Chỉ chờ có vậy, lũ ếch nghểnh cổ kêu ộp...ộp...ộp, lũ nhái ọap...ọap...ọap tiếp ngày sau, ve sầu cũng chẳng chịu chậm, vội vã re...re...re... Chúng cùng nhau hối hả hòa vào bản đồng ca đêm.
Tiếng lách tách, đớp đớp trên mặt nước như góp vui của mấy nhóc cá, tiếng khìn khịt tắc mũi khó ngủ của chú lợn con, tiếng chép miệng thở dài của bác bò già vì bừa cỏ chưa no ban chiều, tiếng gù gù của chàng bồ câu đực luẩn quẩn quanh cô vợ nằm ổ làm cho nàng thị già quá lứa ở ngay bên hậm hực vùng vằng rớt đánh bộp...
Gió thổi nhè nhẹ, cây lá xầm xì nhỏ to đôi mách...
Jim lắng nghe. Hắn bỗng mỉm cười trong đêm tối. Hắn đang thưởng thức những âm thamh mới lạ của xứ sở phương Đông xa xôi...
Hắn mở mắt nhìn ra sân, tìm kiếm những vật đang phát ra các âm thanh kỳ diệu đó...
Một tấm lụa vàng mềm mại trải rộng khắp cái sân gạch, lũ gió đêm tinh nghịch vờn đuổi nhau ríu rít từ ngoàl cổng vào sân, ra vườn. Một mùi thơm nhè nhẹ bay vào... Jim hít hít. Mùi ngan ngát quá, hắn bặm môi hít thêm một hơi sau nữa. "Ồ, cái mùi này Sao thấy quen quen, không hẳn như vậy nhưng gần giống hương của một loài hoa... Ở đâu nhỉ?...", Jim nheo mắt. "Hoa, hoa... nào nhỉ?" Hắn tự hỏi, chợt kêu lên thích thú vì kinh ngạc. "Đúng rồi!!! Đó chính là hương của một bông hoa đã tỏa thơm cho đời hắn! Jim mấp máy môi gọi nhỏ: Karthy!... rồi nhắm mắt, nghẹn ngào...
Ánh sáng vàng ấm áp từ cái đèn đầu giường tỏa dìu dịu khắp căn buồng ngủ...
Jim khoan khoái trong bộ quần áo ngủ lụa mềm, ngả lưng vào mấy cái gối lông vịt ở đầu giường, đọc sách... Hắn ngước nhìn lên: Karthy tử phòng tắm thong tha bước vào, đôi chân trần trắng muốt khẽ nhún nhẩy trên tấm thảm len xanh... Cái áo bằng tơ màu hồng nhạt, mỏng, nhẹ như khói phủ kín dáng người cao cao từ cổ tới chân. Hai ống tay áo được chẽn phồng lại nơi cổ tay bằng một dải xatanh nhỏ cùng màu. Một dải đăng ten cũng màu hồng nhưng sậm hơn, mềm mại ôm quanh cổ. Mấy lọn tóc vàng còn ẩm hơi nước, loăn quăn, hững hờ trên cái cổ cao trắng muốt rồi đổ nhẹ xuống bờ vai. Cái đầu hơi nghiêng nghiêng làm chiếc mũi hênh hếch lên thách thức. Vành môi trên cong cong như dò hỏi, như chờ đợi... Đôi mắt xanh biếc e thẹn ngập ngừng nhìn người đàn ông trước mặt.
Karthy trông thật giống như một nụ hoa sắp nở. Cái e ấp của nàng, chỉ riêng nàng mới có làm Jim không ngừng ham muốn khám phá. Nhưng Karthy đâu phải là tuýp đàn bà dễ để cho đàn ông "nhanh nóng, chóng nguội", hết ngay cái say đắm sau lần đầu khám phá. Cái đằm thắm toát ra từ vòng tay, nụ cười, ánh mắt, lời nói cao thấp nhiều cung bậc, mỗi ngày mỗi khấc của nàng luôn làm Jim háo hức như buổi đầu hò hẹn. Nàng như củ hành bóc mãi không hết lớp, càng bóc càng toả hơi cay...
Jim say sưa ngắm nhìn Karthy rồi nhoài hẳn người ra, ôm gọn nụ hồng vào lòng. Đèn phụt tắt...
Jim mở mắt. Hương thơm vẫn còn quanh quẩn đâu đây...
Ngoài sân, ánh trăng vàng vẫn vằng vặc mênh mang...
"Karthy, em yêu ngàn lần của anh - Jim thầm gọi - giờ này em đang làm gì? Chắc đang úp mặt vào gối, cắn môi nghẹn ngào cố ghìm tiếng nức nở trong đêm cô đơn... Đừng khóc em yêu hãy ngước nhìn ra cửa sổ, ngắm vầng trang... Em sẽ thấy anh đang bên em thầm thì: dù hôn nhân có là điệp khúc giản đơn phải hát trọn đời, nhưng em yêu ơi, khi trở về, anh hứa đấy - chính anh, đúng chính anh sẽ là người viết nên các biến tấu khác nhau cho nó mỗi ngày..."
Tiếng nức nở vẫn quẩn quanh đâu đây... Jim nghẹn ngào "Nhắm mắt lại đi, em yêu... Anh đang nắm tay em chạy trên bãi cát dài lộng gió rồi vuốt ve em mãi không thôi bên những con sóng xô bờ. Khoảng cách dù có phũ phàng đến đâu chăng nữa cũng chẳng thể ngăn được anh luôn mang em trong trái tim mình...". Hắn cứ thủ thỉ mãi với bóng đêm...
Cục ta cục tác..., Cục ta cục tác...,
Con gà mái đậu trên cái tường hoa vươn dàl cổ, quang quác như thể chỉ có mình nó mới mang lại cho đời những quả trứng tròn và to đến thế!
Jim giật mình tỉnh giấc, ngồi bật dậy.
Cái chân phải nhói lên làm hắn tỉnh hẳn. Hắn đảo mắt khắp lượt nơi đang cầm giữ mình:
Trên đầu, cái mái rạ lởm chởm, thủng lỗ chỗ những đốm sáng. Mạng nhện đua nhau giăng giăng khắp nơi.
Cái vách làm bằng đất trộn rơm trắng mốc. Năm tháng dường như làm chúng mệt mỏi nên nhiều chỗ rơm và đất đã buông nhau ra, để lộ những lỗ thủng to hoác. Nền nhà bằng đất nện đen sì, nơi góc rêu lên xanh.
Im ắng quá... Jim chẳng nghe thấy gì ngoài tiếng mấy con lợn đang chí chóe ở phía trái nhà.
Họ đi đâu cả rồi? Cái ông chỉ huy và cô con gái ấy? Những gì sẽ chờ đợi mình ngày hôm nay đây? Sao chưa thấy quân chính quy Bắc Việt đến tra khảo?
Jim cũng đã chuẩn bị cho điều này ngay từ khi quyết định chiến đấu trên bầu trời Bắc Việt. Chắc chắn hắn sẽ không khai gì hơn ngoài tên, cấp bậc, số hiệu. Chỉ thế thôi! Dù thế nào đi nữa, hắn nhất quyết không bao giờ hé môi về các kế hoạch oanh kích của đơn vị, cũng như các mục tiêu đánh phá sắp tới…
Ông Bi từ nãy tới giờ lấp ló ở ngoài sân, tay luôn đưa lên dụi đôi mắt đỏ quạch, e hèm rõ to, bước vào.
"À, ông chỉ huy vừa chào". Jim thầm nghĩ.
Good morning, Sir!
Hắn đứng lên đáp lễ, nhưng lại ngã phịch ngay xuống. Hắn ngước nhìn ông Bi và chẳng nhận thấy một dấu hiệu nào trên khuôn mặt chứng tỏ ông ta đã tiếp nhận cử chỉ lịch sự của mình mà chỉ thấy ông ta như đang ra dấu để hắn đi theo.
"Đi tra khảo đây, ta đã sẵn sàng. Nhưng sao lại chỉ có một mình ông ta? Quân chính quy Bắc Việt đâu?
Jim đứng dậy, khó nhọc nhảy lò cò theo ông Bi ra sân.
"Ông ta dẫn mình đi đâu đây? Sao lại đi về phía chuồng lợn? -Jim hoang mang - hay là ông ta sẽ tra khảo ở chuồng lợn, tởm quá!...". Jim rùng mình.
Ông Bi dừng lại. Hắn nhận ra mình đang đứng trước một cái bình lớn màu nâu đựng một thứ chất lỏng màu vàng đục, gợn trắng, hăng hắc như mùi amoniac bay lên.
"Chuyện gì thế này? Kiểu tra khảo này chưa thấy có tài liệu nào đề cập tới". Jim kinh hãi... Nhưng hắn vẫn cố đứng thật thăng bằng một chân, nhìn không chớp mắt vào ông Bi.
Ông Bi hết nhìn hai cái tay trói chặt lại nhìn vào cửa quần của Jim: "Cái này thì gay thật đay, không nhẽ mình lại phải làm việc ý?". Ông lại nhìn vao cái chân gãy của Jim rồi liếc nhanh ra cổng, bĩu môi: "Cái chân què này thì lết đi đâu được, trời sáng bảnh thế này... Với lại, còn hai con ranh đang ôm súng ngoài cổng...".
Ông cúi xuống thong thả tháo từng nút dây trói.
Hai cánh tay tê dại chẳng còn cảm giác gì như bị liệt - chúng đã nằm bất động sau lưng Jim cả gần mười tiếng - Jim cố xoay xoay hai cổ tay, từ từ giơ hai cánh tay lên, cử động nhẹ nhàng rồi vung mạnh chúng về hai phía. Ông Bi giật mình nhảy lùi lại nhíu mắt nhìn đầy nghi ngại. “Mình mà làm lão ta hiểu lầm lần nữa thì hai cánh tay sẽ được đoạn dây thừng chăm sóc cẩn thận không biết bao lâu”.
Hắn chợt nhớ tới cuốn phim có cảnh những người châu Á - ở nước nào, hắn cũng chẳng nhớ nữa - để bày tỏ sự cảm ơn họ chắp hai tay trước ngực, cúi đầu. Thế là hắn vội xoay người lại làm y như thế. Ông Bi ngây ra, hai cánh mũi phập phồng...
"Cái này mà mang ra kể thì khối đứa lại chẳng bảo là mình phịa. Nhìn thằng Mỹ to lớn thế kia, nó chẳng đang vái sống mình như vái các cụ Tổ đấy ư". Ông Bi gật gù khoái chí, miệng chỉ chực cười toét.
Bất giác ông nhìn vào bộ ngực đầy lông lá xoăn tít lên tận chân cổ của thằng giặc rồi liếc nhanh vào cơ thể gầy gò của mình. Ông đưa tay xoa xoa ngực mình như tự hào về sự nhãn nhụi của nó...
Ông bỗng bối rối cười rồi chỉ chỉ vào giữa hai cái đùi của Jim rồi ngoảnh mặt đi.
Hắn thở phào, phì cười. Giờ thì hắn hiểu hắn phải làm gì. Một tay bịt mũi bịt mồm, một tay nâng cái ấy, hắn vội vã làm cho xong cái việc mà ai ai cũng phải làm gần như đầu tiên mỗi sáng.
Jim khạc nhổ, ho rũ rượi tới trào nước mắt nước mũi, co một chân lò cò nhẩy vội ra sân. Hắn lảo đảo sắp nghã.
Ông Bi chạy vội theo, giơ cái vai gầy ra đỡ lấy hắn. Jim tựa vào ông Bi nhẩy cuống cuồng ra khỏi nơi ám khí ấy.
“Mày thì chẳng thơm tho lắm đấy - ông Bi lẩm bẩm - y như cái mùi lông lợn cháy khét".
Mùi chua chua như lọ dưa chuột muối quá ngày trộn với mùi hăng hắc của lá thuốc toát ra từ ông Bi làm Jim quay mặt đi. Hai mái đầu một già một trẻ, một đen một vàng ngoảnh đi hai hướng tìm gió mát, nhưng họ vẫn cứ phải dựa vào nhau để bước đi lần hồi...
Họ bỗng nghĩ đè sấp lên nhau khi ông Bi vấp phải hòn gạch vỡ ở mép sân. Jim chống tay, nhấc thân hình to lớn của mình khỏi cái bộ xương của ông Bi, rồi từ từ đứng dậy.
Ông Bi ngồi phệt trên sân, xoa xoa cái đầu gối của mình.
- Cái thằng này thế mà nặng gớm? - ông lầm bầm phàn nan.
Đang băm rau ở góc sân, Na quăng dao chạy lại đỡ bố.
Phải làm cho nó... À, cái ông này cái nạng thầy ạ - Na khe khẽ nói.
Ông Bi hừm một tiếng thay cho câu trả lời.
Jim lò cò trở vào nhà...
Trên cái giường, một bát nước, một bát cơm cùng quả trứng đang đợi hắn.
Jim đưa mắt ra sân tìm cô bé như muốn nói lời cảm ơn. Nhưng Na đã chẳng còn ở đó...
Jim chùi tay vào cái áo bay rồi cầm quả trứng lên, xoay xoay, ngắm nghía. Hắn bóc vỏ, ngửi ngửi, bẻ quả trứng làm đôi rồi nhìn xoáy vào cái lòng đỏ. Hắn thong thả làm dấu Thánh rồi bỏ từng nửa quả trứng vào miệng.
"Ồ hương vị của nó cũng giống như trứng gà của Mỹ, nhưng đậm hơn". Jim thầm nhận xét.
Hắn bưng bát cơm lên xem xét: "Thứ cơm trắng này vẫn được bán đầy tại các tiệm cơm Tầu, chẳng lạ gì!".
Hắn đưa bát cơm lên mũi: "Sao cái loại cơm này có mùi gì lạ la, mằn mặn, chua chua...". Hắn băn khoăn.
Jim nhón vài hột bỏ vào miệng rồi nhổ phì ngay ra.
"Chắc nó có trộn hóc chất để tẩy não. Bắc Việt là bậc thầy về việc này. Nhiều tài liệu đã đề cập đến...". Jim nghi ngớ. Hắn cảnh giác đẩy bát cơm ra xa...
Jim chẳng nuốt nổi bát cơm ấy cũng đúng thôi vì đó là thứ cơm được nấu bằng gạo đã ngâm nước biển hòa với máu...
Cách đây vài tháng ông Bi cùng đội nữ dân quân đã được huyện huy động đi tải gạo.
Năm nay hạn lớn. Dân đói. Chiến trường thiếu gạo trầm trọng. Lương thực cho bộ đội chỉ quanh quẩn: sáng sắn, trưa măng, chiều cháo loãng.
Tất cả các hải cảng của Bắc Việt Nam đã bị các tầng mìn, thủy lôi dày đặc của Mỹ khóa chặt...
Ba con tầu chở gạo viện trợ từ nước bạn tới đã phải cập vào hòn Ra, nằm ngoài khơi. Để bảo đảm không bị oanh kích, quốc kỳ của họ được treo cao trên tầu.
Ngay lập tức, các tầu chiến của Mỹ lừng lững xuất hiện vây chặt ba con tầu, chỉ chừa một lối vừa đủ cho chúng rút về nước. Máy bay quần đảo chẳng một phút nghỉ ngơi. Mọi hoạt động của ba con tầu đều bị giám sát chặt chẽ.
Xóm chài đối diện với hòn Ra ngày nào còn rộn rã những mái ngói choàng khoác nhau chạy trên các đụn cát ngút mắt, nay câm lặng trong hố bom chồng hố bom. Hàng phi lao mới kia còn rì rào hát cùng sóng biển nay cụt đầu rỉ nhựa... Một tấm bảng thông tin bị xô lệch vì sức ép của bom, lỗ chỗ mảnh đạn nhưng trên thân hình đầy thương tật vẫn sáng hàng chữ "Thêm một cân thóc là diệt thêm một thù!".
Dân quận huyện Tân Thành được điều động gần hết đến khu vực hòn Ra để tìm cách chuyển gạo từ ngoài khơi vào bờ.
Đêm đầu, lợi dụng tối trời, mấy chục con thuyền đánh cá nhỏ lặng lẽ tiếp cận ba tầu chở gạo. Hàng trăm ngư dân hối hả trong im lặng chuyển gạo xuống thuyền. Công việc trót lọt, gạo đã đầy thuyền, họ thở phào nhẹ nhõm.
Nhưng họ đã lầm!
Khi những con thuyền vừa bắt đầu quay mũi vào bờ thì pháo sáng bất ngờ trùm lên khắp mặt biển. Đèn ở các tầu chiến đồng loạt bật sáng. Mặt biển sáng rực, trông rõ từng con thuyền nhỏ nhoi, mỏng manh... Đạn từ các tầu chiến cứ thủng thẳng dội xuống, tỉa từng con thuyền một...
Sau mười lăm phút, biển im ắng trở lại. Trên mặt biển đen chẳng còn gì ngoài những vệt loang đỏ thẫm...
Những người đứng trên bờ đang ngóng thuyền, đợi gạo nghẹn ngào gạt nước mắt...
Nhưng họ không bỏ cuộc!
Đêm hôm sau, họ tìm cách khác. Họ dùng thuyền thúng, phủ ni lông màu nước biển lên những bao gạo rồi chở chúng vào bờ.
Nhưng cũng chỉ được một đêm. Lũ pháo sáng tinh ranh chẳng dễ gì mà lừa lâu được?
Đêm sau toàn bộ đoàn thuyền thúng chở gạo xuống... đáy đại dương.
Chiến trướng đang nóng lòng chờ gạo để nổ súng đánh lớn. Gạo đã có lù lù cả đống như quả núi, thế mà chẳng làm sao mang được vào bờ.
Phải làm sao đây...?
Dân công họp lại. Họ ngồi trên cát, bên biển, dưới trời, không ghế, chẳng đèn, quây quanh anh cán bộ lãnh đạo của huyện Tân Thành.
Pháo sáng từ ngoài khơi thỉnh thoảng lại lóe lên soi rõ hai hố mắt sâu hoắm của người lãnh đạo. Họ chăm chú lắng nghe cái giọng khản đặc đang cất lên cố át gió vượt sóng của anh:
- Thưa bà con, chúng ta đã hy sinh mất mát quá nhiều mà gạo vẫn chưa chuyển được vào bở. Tình hình lúc này vô cùng cấp bách. Lương thực và nước trên ba con tầu chỉ đủ dùng cho ba ngày nữa... Chúng ta chỉ có ba ngày, ba ngày thôi! Thưa bà con, xin bà con hiến kế.
Ca đám đông trầm xuống... Họ thở dài, chép miệng, rì rầm bàn tán rồi im lặng trầm ngâm...
Bỗng có tiếng sôi òng ọc, réo lên từng hồi phát ra từ cái dạ dầy của ông Bi... Một trận cười rộ lên. Đám con gái cười nghiêng ngả, chảy nước mắt nước mũi, đấm vào lưng nhau thùm thụp. Tiếng cười chạy lan trên bờ cát, xô ra biển...
Ông Bi giận lắm, mắt gườm gườm, lẩm bẩm "Cưới cái gì mà cười, sắp đến lượt cả chúng mày đấy!".
Không khí cuộc họp bỗng trở nên sôi động. Sáng kiến nối sáng kiến, kết thành một giải pháp...
Họ đã biết mình phải làm gì!
Đêm hôm sau ông Bi cùng các cô gái của mình đứng yên lặng dọc theo bờ biển. Họ dang chờ để vớt những bao gạo được buộc thành từng chùm mười bao một, bọc bốn lớp nilon ở bên ngoài, được thả trôi trên biển, theo dòng hải lưu, nhờ gió và sóng đẩy tấp vào bờ...
Những cơn sóng dồn dap xô bờ như cố át đi tiếng chân trần chạy thình thịch trên cát ẩm, tiếng thở hồng hộc vì phải mang vác quá sức của những người tải gạo có thể làm lũ thú ngoài khơi tỉnh giấc... Nhưng lũ thú đâu có ngủ, chúng đang im lặng rình! Những chùm pháo sáng đột nhiên vụt lên trời, soi rõ những cái bóng gầy gò cõng gạo chạy như bay trên bờ biển.
- Moi cát nằm xuống!- ông Bi thét lên. Khi những bàn tay hối hả mỏi cát chưa đủ cho phần ba cho cái lưng còm thì đạn ở ngoài khơi đã riu ríu bay vào.
- Kéo bao gạo che người! - ông Bi gào lên.
Tiếng đạn rơi trên cát ẩm nghe lụp bụp như mưa rào. Tiếng đạn xuyên qua bao gạo, khoan sau xuống dưới nghe trầm đục. Gạo trắng bục ra, văng tứ tung, đỏ loang loáng phủ kín thân người nằm dưới. Thế nhưng, khi pháo sáng chưa tắt hẳn họ đã lại vụt dậy, lao đi? Họ chỉ có một phút giữa các đợt pháo sáng để vác gạo chạy ra khỏi bãi cát tử địa.
Tiếng ai lại kêu lên thất thanh, đau đớn như vừa vấp phải đạn. Gạo trắng lại bắn tung tóe, trộn cát, hòa máu...
Cứ như thế, đêm này qua đêm khác, gạo được đưa vào bờ, đến những ngôi nhà còn sót lại sau những trận oanh tạc. Mỗi nhà dân là một kho gạo, mỗi gia chủ là một thủ kho đầy bản lĩnh: cho không lấy, thấy không xin, của công giữ gìn... Toàn bộ số gạo đã mang được vào bờ đều chuyển hết ra tiền tuyến, không suy suyển lấy một hạt.
Một số bao gạo bị đạn đánh thủng ngấm no nước biển nên huyện có chỉ thị chia phát cho dân công. Ông Bi mang phần gạo của mình về, phơi kỹ, để dành làm giỗ cho vợ.
Jim nhẩy lò cò ra mái hiên, ngồi xuống bậu cửa nhìn ra sân.
Ngoài sân vắng ngắt. "Họ lại đi đâu hết cả rồi? Canh giữ tù binh gì mà lại thế? Giá mà lúc này trời tối... Cố bò cũng có thể lên được tới núi...". Jim thầm nghĩ và đánh mắt xa ra ngoài cổng: Hai con bé đang ôm súng rúc rích cười nói... Jim khẽ lắc đầu. Hắn chang biết làm gì hơn ngoài việc đảo mắt quan sát xung quanh.
Những tia nắng như những tia lửa nhỏ bắt đầu hun nóng cái sân gạch. Gió hiu hiu, cây cối ri rào những câu chuyện muôn thủa của chúng... Hai con chích chòe từ đâu bay tới leo lẻo góp chuyện.
Bờ ao lên rêu xanh mướt. Lũ vịt mải mê lộn nhào tắm mát, hai con hứng chí nhẩy cẫng lên, sải cánh đập phành phạch khiến mắt ao cau mày khó chịu... Mấy nhóc bèo đang lang thang rong chơi trên mặt nước bỗng hốt hoảng dạt vào bờ, nấp vội dưới khóm môn.
Jim đưa mắt sang trái, ngắm nhìn ngôi nhà. Đập ngay vào mắt hắn là hai cột trụ ở đầu nhà, trên đỉnh có hai búp hoa vươn lên trời cao. "Sao lai có hai cái cột ở đầu nhỉ? Chúng dường như chẳng liên quan gì tới kết cấu của ngôi nhà. À, có thể theo luật phong thủy của người châu Á chúng là biểu tượng để gìn giữ cho ngôi nhà đứng vững muôn đời". Jim gật gù bằng lòng với những phát hiện mới của mình.
Hắn ngước nhìn lên mái. Ngói được xếp tầng tầng lớp lớp như vẩy cá. Trên nóc, ở hai đầu mái có hai ụ xi măng hình chữ thập được đắp đè lên. "Họ xây chúng lên mái để làm gì nhỉ?" Jim tự hỏi rồi tự trả lời, "À, chúng sẽ làm cho cái mái như luôn được chúng giữ cẩn thận, không bị tốc lên trong trời giông bão". Bốn cái đầu rồng bằng gỗ thò ra đỡ cái mái như hăm dọa, sẵn sàng chiến đấu nếu có kẻ nào định rình phá ngôi nhà.
"Ồ sao cái mái lại dốc thế nhỉ? Xứ này không có tuyết sao phải làm dốc thế?". Jim băn khoăn tự hỏi. Hắn bỗng sờ lên trán "mình chắc sẽ u đầu nếu không cúi đầu khi bước vào nhà, sao thế nhỉ?" - Jim lại cau mày... "À, đúng rồi trước khi bước vào nhà cái ai cũng phải cúi đầu xuống để tỏ lòng kính cẩn đối với gia chủ". "Cái bậu cửa nửa kia, sao cao thế, phải đến 15 inchs". Hắn nhìn xuống cải chân phải rồi lắc đầu "cái chân què tất nhiên là chẳng dễ gì bước được qua nhưng ngay cả người lành lặn dù có vội vã mấy cũng phải dừng lại, khoan thai bước vào từng chân. Thế có nghĩa là ai cũng phải có phong thái lịch sự, điềm tĩnh trước khi bước vào nhà". Jim lai khẽ gật gù.
Jim nhìn thẳng ra cổng "Cái cổng lại đặt lệch sang một bên, không dẫn thẳng vào nhà, ngôi nhà cũng không quay ra cổng mà lại nằm khuất hẳn về một phía" hắn lại thầm tự trả lời: "Có lẽ chủ nhà muốn cho những kẻ thóc mách tò mò cùng lắm cũng chỉ nhìn thấy mấy cái cây. Thật khác hẳn vời những cái cổng to tướng nằm chình ình, phô trương như để cho thiên hạ thả sức mà thèm thuồng cái vẻ giàu sang thừa mứa của những cơ ngơi ở Mỹ...
À! Hóa ra kiến trúc của người Việt cũng có những nét riêng biệt, khác lạ. Không biết trong văn hóa của họ có gì mới lạ và thú vị không?".
Đúng lúc đó ông Bi từ ngoài vườn bước vào sân, trên tay cầm vài khúc cây. Ông ngồi xuống bên cái tường hoa, dưới tán cây bưởi, hai đầu gối nâu bóng cao sát tới mang tai.
Mấy sợi râu rung rung theo hơi thở. Khẩu súng trường do Mỹ chế tạo năm 1907 da tróc nhẵn hết sơn, nằm thảnh thơi bên cạnh. "Ông chỉ huy bao nhiêu tuổi, năm mươi hay sáu mươi thật khó đoán. Đôi mắt tuy có đám sương phủ mờ mờ nhưng lại rất linh lợi. Khuôn mặt xương xương nâu sậm nhưng trán lại thẳng băng. Cái khóe miệng được hàm răng trên kéo căng ra. Đôi vai gầy rũ xuống nhưng bàn tay to lớn cầm dao cắt gọt cứ phăng phăng". Jim lặng lẽ ngắm ông Bi.
Ông Bi chọn hai khúc cây thẳng, đưa mắt nhìn người Jim rồi cúi xuống chặt cho hai khúc cây dài bằng nhau chừng hơn một mét. Mỗi khúc cây ông cắt vát đi một đầu, rồi úp hai mặt vát vào nhau, đập một nhát thật mạnh cho cái đinh xuyên qua chúng, làm thành một chữ V dài.
- "Ông ta làm gì thế nhỉ? - Jim nhíu mày.
Khi hai đầu của chữ V được nối lại bằng đoạn cây ngắn chừng gang tay, một hình tam giác dài đã hiện ra rõ.
Jim chợt hiểu. Hắn thấy nao nao...
Ông Bi giơ cái hình tam giác dài ra xa, nghiêng nghiêng đầu nheo mắt ngắm nghía rồi đánh mắt sang Jim như muốn ướm xem nó có vừa với chiều cao của hắn không.
Ông đặt nó xuống, đóng thêm một đoạn cây ngắn hơn vào giữa chữ V, song song với đoạn cây trước, cách nhau chừng hơn ba tấc.
Tác phẩm của ông giờ đã hoàn thành. Ông chìa nó về phía Jim hất đầu nói to:
- Tao cho mày cái chân mới, thằng giặc!
Dù chẳng hiểu ông Bi nói gì, Jim cũng gật gật đầu đáp ngay lại "thanh yoư” rồi giơ ngón tay cái lên.
Ông Bi dựa cái nạng vào dây tường hoa, khoan khoái xếp chân vòng tròn, với tay lấy cái điếu cày bằng tre già đựng bên cạnh. Cái điếu đã lên nước nâu bóng, có khắc hình hai con rồng bay lượn, đầu chầu vào nõ điếu. Ông Bi vỗ bồm bộp vào cái miệng điếu làm văng tàn thuốc ra khỏi nõ, đặt ngả nó vào lòng mình rồi lấy ra từ túi áo một nhúm sợi nâu sậm. Ngón tay cái và ngón tay trỏ chụm lại, thong thả vê cho nhúm sợi săn lại nhỏ chừng hạt ngô rồi đặt nó vào nõ điếu. Ông đánh lửa vào que tre, đợi cho ngọn lửa xanh bùng lên mới nâng cái điếu đặt lệch trên miệng, châm nó vào nhúm thuốc. Khi ngọn lửa bắt đầu bén vào sợi thuốc, ông hóp má, thóp ngực rít liền mấy hơi thật mạnh, chẳng thở ra lần nào, dồn chặt cái hơi thuốc ấy vào sâu trong lồng ngực. Tiếng nước trong ống điếu réo lên hòa với tiếng rin rít phát ra từ nõ điếu làm thành một bản hòa tấu sáo độc đáo… Ông đặt cái điếu về chỗ cũ, chống hai tay, ngả người ra sau, mắt nhắm nghiền, miệng hé mở, thả từ từ đám hơi đã bị hãm quá lâu trong lồng ngực. Khói trắng thành từng vòng, từng vòng nối nhau nhè nhẹ bay lên... Đôi mắt ông hé mở, lờ đờ như người đang say...
Jim quan sát không bỏ qua một chi tiết nào. Cách hút và tận hưởng điếu thuốc của ông Bi làm hắn ngỡ ngàng. Hắn bỗng nhận thấy những giây phút tận hưởng cuộc sống nhiều khi lại bắt nguồn từ điều nhỏ nhoi và bình thường nhất mà con người đôi khi chẳng để ý tới hoặc bỏ quên. Hắn chợt muốn hít một hơi qua cái ống tre đó để thứ xem mình có được những cảm giác bay bổng, thoát hoàn toàn ra khỏi thực tai dù chỉ trong một vài phút như ông chỉ huy hay không?
Ông Bi mở mắt thở khà một tiếng thật to đầy sảng khoái, khuôn mặt giãn ra. Ông đứng dậy, phủi đít quần thong thả bước vào nhà tìm chén nước.
Na từ cổng lật đật bước vào, ôm trên tay một bó to những tàu chuối khô làm che hết cả mặt. Em cứ phải ngoẹo đầu sang một bên để tìm lối bước.
Mắt Jim vụt lóe lên mừng ro khi nhìn thấy cô bé.
"Cô bé làm gì vất vả với cái đám lá khô thế nhỉ? Chắc chuẩn bị bữa ăn?". Jim thầm thắc mắc.
Na ngồi xuống gốc cây bưởi, chỗ bố em vừa ngồi, đưa mắt nhìn về phía Jim nhưng chẳng nhìn mặt hắn mà chăm chăm vào cái đầu gối băng đỏ rồi bắt tay vào việc. Em từ từ tước bỏ mấy cái lá khô trên cọng chuối rồi xé chúng thanh các sợi dây mảnh mai. Từng sợi, từng sợi... Cả đống dây khô mềm nằm ngay ngắn trên sân khe khẽ rung lên trong gió.
Na lấy ra một sợi, giật giật hai đầu rồi nhoài người với cái nạng đang dựng bên tường hoa, đặt nó lên đùi.
Jim nhíu hết cả mày lai, mắt nhìn chăm chăm chẳng bỏ sót một động tác nào của Na.
"Lạ thật, sao chuẩn bị thức ăn lại phải cần tới cái nạng nhỉ? Hóa ra nó được dùng để nấu ăn chứ đâu phải để cho cái chân gãy của mình". Jim xìu xuống.
Bàn tay trái giữ chắc cái nạng trên đùi, bàn tay phải cầm sợi dây chuối khô, Na cẩn thận quấn từng vòng, từng vòng quanh cái nạng nơi tay và nách của hắn sắp bị chà sát...
Jim lặng đi... người hắn nổi gai ốc... một cơn sóng bất thần xô lên ngực làm hắn ngộp thở... Kiến hàng đàn, hàng lũ ở đâu bỗng kéo tới chạy rần rần trên da, trong thịt hắn...
Jim nghẹn ngào: "Chúa ơi!"
Thân hình đồ sộ của hắn bất than như muốn vươn ra, hai cánh tay như muốn lao về phía trước, về phía cô bé... Hắn muốn giang tay ôm chặt cô bé vào lòng, nghẹn ngào: một việc nhỏ và dễ dàng thế kia mà sao chẳng mấy ai làm được hả con?"
Một suy nghĩ vụt hiện lên trong đầu hắn "Rebecca bé bỏng của cha, vài năm nữa con sẽ lớn lên bằng cô bé kia, lúc đó liệu con có thể làm được những gì mà cô bé đó đã làm - một cô bé thiếu may mắn khi đang sống ở một nơi khuất nẻo thoát khỏi sự bao vây nghiệt ngã của các tầng thông tin. Khi trưởng thành, con có thể sẽ đi nhanh và tiến xa hơn trên đường đời nhưng liệu con còn có được những giây phút bình yên trong tâm hồn để thanh thản ngắm nhìn bông tuyết rơi đầu mùa hay lắng nghe tiếng chồi hoa đội đất vươn lên khi xuân về. Và cha cũng chẳng biết nữa, tới khi đó, trong trái tim con liệu có còn góc nào dành cho lòng thương cảm trước những kẻ gặp bước không may như cha của con lúc này... Cũng như con Ngườỉ, con người sẽ được gì và mất gì trên con đường hối hả đi tới sự hoàn thiện của xã hội văn minh. Liệu có cách gì để làm cho con người vẫn có được một tâm hồn cao đẹp, bớt cô đơn hơn trong những chuẩn mực của xã hội đó?".
Đám dây khô đã được quấn chặt chẽ gọn gàng, êm ái ôm vào hai đoạn cây, đang chờ nâng đỡ hắn...
Gió nhẹ thổi... Mấy bông bưởi trắng nhụy vàng rung rinh, nhè nhẹ thả hương thơm ngát một góc vườn. Những tia nắng xuyên qua đám lá xanh, lung linh tỏa sáng trên mái tóc đen, trên khuôn mặt, trên cái lưng bé bỏng... Cô bé sáng chói lên như bức tượng bằng vàng...
Mi cùng với mấy cô gái chạy ào vào, tay cầm cái phong bì có dấu Khẩn đỏ chói. Khuôn mặt bầu bầu làm Mi trông cứ như đứa trẻ nhưng cái áo nâu hở cổ lại uốn lượn theo đường cong của một thiểu nữ, cái thắt lưng to bản chẽn ngay giữa eo như nhắc nhở rằng cô đang là một quân nhân.
Mi năm nay mười chín tuổi, mới được ông Bi chỉ định làm xã đội phó. Từ lâu Mi đã được xem là con cháu trong nhà nên nếu cô giúp một tay, có chuyện gì bác cháu bảo nhau... dễ thông cảm.
Mi nhanh nhẹn, hoạt bát, ăn nói rõ ràng, cứ một điều "rõ", một điều "tuân lệnh" oang oang, làm ông Bi lắm lúc cũng mát cả ruột... Thật chẳng bù cho cái Na... Thế mà hai đứa lại quấn quýt nhau hơn cả chị em ruột.
Hơn nữa, chả gì Mi cũng đã tốt nghiệp cấp ba trên Huyện, đỡ "đòn" cho ông khối việc...
Đúng là không có con bé thì ông đã bị bẽ mặt trong cái đận lên huyện tập huấn kỹ thuật bắn máy bay phản lực. Thật chẳng khổ gì cho ông bằng ngày hai buổi cứ phải ngồi căng tai nghe hết "cấu tạo, đặc tính kỹ thuật của máy bay phản lực”, lại tới "đồng tâm", "gia tốc"... ngồi không mà hai cái tai của ông cứ ù ù như là đang xay lúa. Lại còn hai con mắt nữa chứ, càng cố giương lên thì nó càng nhanh sụp xuống, lắm khi hai mí mắt cứ tự dính chặt vào nhau, làm ông "thăng" lúc nào không biết... Thật xau hổ muốn chết! Giá mà ông có thể dùng cái kim băng mà treo hai cái mí trên lên thì đỡ quá...
Hết một tuần tập huấn mà ông vẫn ù ù cạc cạc chẳng rõ điều gì.
Về tới làng ông liền ra lệnh cho Mi phải phổ biển lại cho trung đội những gì mới học được. Cái gì ông chưa hiểu thì ông ra sức "lục vấn" con Mi, cứ như là ông công truy bài nó. Nhờ thế mà khi huyện xuống xã kiểm tra ông trả lời oang oang, vanh vách.
Chưa hết, huyện còn phát tài liệu có in hai mươi câu tiếng Anh thông dụng, đã được phiên âm và yêu cầu các cán bộ xã phải học thuộc lòng để có thể sử dụng khi bắt phi công.
"Cái tiếng gì chẳng ra tiếng người. Lúc thì ồm ồm trong cổ họng như bị viêm, lúc thì phì phì giữa môi dưới và hàm răng trên cứ y như phải thổi mớ củi ướt cho nồi cơm đang sôi dở". Ông Bi càu nhau. Không biết có phải tiếng Anh quá kì dị hay hàm răng của ông nhô ra quá xa chẳng thể chạm được vào môi dưới nên đánh vật mãi cả tháng mà ông không làm cách nao phát âm lấy nổi một từ.
Đến ngày phải lên huyện sát hạch, ông cáo ốm nằm nhà. Mi đành đi một mình nhưng rồi cũng mang về được cái giấy khen. Khối chuyện không có con Mi thì cũng gay đấy, phiến hà đáo để!
Mi tháo súng khỏi vai, vừa thở hổn hển, vừa báo cáo:
- Bác Bi, chỉ thị của Huyện đây ạ!
Ông Bi chìa hai tay ra thành kính đỡ lấy cái phong bì. Ông lật lên lật xuống rồi đưa lạl cho Mi.
E hèm, mày tinh mắt đọc xem trên có chỉ thị gì!
Mệnh lệnh rất ngắn gọn, rõ ràng "Chuyển gấp lên trên và bằng mọi giá phải bảo đảm an toàn sinh mạng cho tù binh". Nhiệm vụ đã rõ. Họ tản ra hối hả chuẩn bị...
Jim chả hiểu cái tờ giấy màu vàng đánh máy chữ lem nhem có dấu đỏ chói ở dưới nói gì, nhưng nhìn cái cách ông chỉ huy chau mày chăm chú, các cô gái ưỡn ngực đập gót nghe lệnh như lính tráng thì hắn cảm thấy có chuyện gì đó nghiêm trọng sắp xảy ra.
"Chắc họ chẳng cần mình nữa nên mang ra bắn cho rảnh nợ. Nếu cần khai thác tin tức thì đã phải có quân chính quy Bắc Việt". Jim thầm lo lắng. Hắn đưa mắt nhìn hết ông chỉ huy rồi lại nhìn mấy cô gái như cố tìm câu trả lời, nhưng chẳng ai để ý tới hắn. Họ đang quá bận rộn với công việc của mình. Hắn đảo mắt khắp sân tìm Na, cô bé cũng chẳng còn ở đó nữa. “Không, mình không thể chết một cách dễ dàng ở xó xỉnh xa xăm này."
Hắn đã được lực chọn và chuẩn bị kỹ càng để làm những điều khác thường. Nhưng hắn đã kịp làm gì nhiều đâu, hắn đang chờ cơ hội...
"Phải cướp súng, bắn vào những kẻ đang giam cầm tự do của mình rồi chạy trốn. Lên núi... lên được đến núi là thoát". Những ý nghĩ đảo điên trong đầu Jim làm hắn thở dồn dập, gồng mình cứng lên như một cây sắt.
- Bất giác hắn nhìn xuống cái gối phải - lắc đầu. "Chạy trốn ư? - Trời sáng trưng thế này - vô ích. Bắn vao ai đây? - hắn lại tự hỏi - "Bắn vào mấy con nhóc đang tuổi lớn kia ư? Không, người của dòng họ Mc.Clean lừng danh được Chúa lựa chọn không phải để làm những việc như thế!!!
"Vậy thì phải làm cái gì đi chứ?! Mình không thể đi gặp Chúa với hai bàn tay trắng, không thể. Hãy hành động? Hắn tự hối thúc mình...
Nhưng hai bàn tay của hắn chẳng làm được gì ngoài việc dùng tay đấm như điên như dại vào không khí mà nguyền rủa cái hoàn cảnh éo le, khốn kiếp đang trói chặt chân tay mình. Mồ hôi thi nhau túa ra, chảy ròng ròng trên mặt, nắm đấm bắt đầu ướt nhẹp - hắn bất lực.
Jim chán nản ngước mắt nhìn lên trời... Hắn bỗng thấy những đôi mắt ướt nhòa vì xót thương đang nhìn đau đáu như muốn ghi sâu mãi bóng hình của hắn trong tuyệt vọng cùng cực. Hắn biết những người thân yêu nhất của mình đang bay tới để vĩnh biệt. Jim muốn hét to lên rằng hắn yêu họ, hắn cần họ biết bao? Hắn nhắm mắt lại thầm cầu nguyện: "Lạy Chúa, hãy cho con đi gặp Ngưới cùng với những ánh mắt ấy!".
Một tiếng hô lanh lảnh, chắc nịch vang lên "Stand ụp!"
Tiếng súng ống lách cách thúc vào lưng hắn.
Jim từ từ đứng lên, mắt nhìn thẳng. "Phải thở đều, thở đều”. Nhưng hắn cũng biết rằng mình đang thở dồn dập và cái đầu gối lành lặn hình như cũng đang nhũn ra...
Hai cô gái chụp lên người hắn một cái áo làm bằng rơm vàng óng, nặng chình chịch, phủ kín từ cổ tới bụng. Họ lại còn ấn thêm lên đầu hắn một chiếc mũ cũng làm bằng rơm vừa dầy vừa cứng.
Jim ngỡ ngàng nhìn bộ trang phục mới của mình.
Không, hắn không thể đi gặp Chúa trong hình hài quái dị này. Hãy để hắn chết chỉ trong bộ quân phục bay của Hải quân Hoa kỳ đẫm mồ hôi và máu đang mặc trên người.
Hắn giơ tay toan dứt cái áo rơm nhưng ngay lập tức một họng súng lạnh lẽo thúc vào cánh tay hắn.
- Don't move!
Hắn lại thở dồn dập, nghiến răng trèo trẹo "Ước gì mình có thể bắn vào lũ con gái này. Thật quá dễ mà sao mình lại không thể làm được? Giá lúc này mình không phải mang dòng họ Mc.Clean". Hắn đánh ánh mắt căm hờn về phía những kẻ đang mang cái chết tới cho hắn! Nhưng ánh mắt ấy bỗng dịu xuống: trên đầu các cô gái đều có những cái mũ như cái mũ trên đầu hắn nhưng nhỏ và mỏng hơn. Ông chỉ huy cũng đang thắt cái dây buộc dưới cằm để giữ cái mũ cũng y như thế. Hắn hiểu ra... Họ đang rất cần hắn. Họ sẽ không giết hắn mà ngược lại họ đang làm mọi cách để bảo vệ mạng sống của hắn.
Jim thở phào thật dài như cố trút ra hết cái ám khí trong người. Hắn bỗng thấy người rã rời, mệt lả...
Chiếc xe bò lững thững tiến vào sân. Con bò già uể oải đap cái móng mòn vẹt lộp cộp xuống nền gạch. Đôi mắt lờ đờ bất động thỉnh thoảng lại chớp chớp như cố xua đi đàn ruồi đang bu kín cục gỉ xanh vàng nơi khóe mắt. Hai cái sừng nhọn hoắt, mỏng vẹt, cổ chai sần đen mốc, cái đuôi còn lơ thơ nhúm lông phất lên phất xuống trên cái lưng xương xẩu gập ghềnh như cố hất lũ ruồi đang đạp lên nhau tranh giành mồi.
Mấy miếng ván cũ lấm bùn trong thùng xe võng xuống, hở hoang hoác. Hai trục bánh xe khô dầu rít lên ken két, nặng nhọc lăn bốn bánh gỗ bọc lớp cao su đã mòn vẹt.
"Lại trò gì nữa đây?". Hắn chưa kịp tìm câu trả lời thì đám con gái sau một hồi đùn đẩy, bấm chí nhau, cười khúc khích cùng hùa vào, nâng bổng hắn lên, đặt vào trong xe.
Jim hiểu ngay: Họ đang chuyển hắn đi. "Đi đâu?" Hắn thầm hỏi câu hỏi chẳng có lời đáp.
- Người và súng ống đã sẵn sàng lên đường!
- Có trói không hả bác Bi? Mi hỏi.
Ông Bi đứng sững lai, quay phắt người chạy tới bên Jim, cúi xuống giật phăng đôi giầy bay cứng cáp, quăng ra xa.
"Trên huyện chẳng đã phổ biến là cứ lột giầy thì bố thằng Tây, thằng Mỹ cũng chẳng nhúc nhích được một bước - ông khoái trí thầm nghĩ - mà cái bọn này cũng dở thật, chẳng bù cho mình, không giầy, không dép, đỡ vướng, chạy còn nhanh hơn. Chạy đi đâu mà chẳng được, chạy lúc nào cũng xong". Ông Bi cúi xuống nhìn hai bàn chân thô ráp của mình, năm ngón chân xòe ra như năm cái nan quạt, gót nứt nẻ, da sần sùi khô tróc từng lớp rồi liếc sang đôi bàn chân nhẵn nhụi, trắng bệch như thiếu sinh khí của Jim, bĩu môi, lắc đầu.
- Khỏi cần trói, nó có chạy đằng trời!