Chương 19
Tác giả: Lê Thao Chuyên
Nhà Tùng mở toang, cánh cửa lớn cũng bị đá xiêu vẹo. Tịnh điếng người hai chân bủn rủn không chống nổi chân xe. Chị Tư từ cửa hông mặt lấm lét chạy ra.
-Cô bị thày Tùng đánh quá chịu không nổi thoát chạy cả giờ rồi. Thầy về lẹ đi coi chừng nguy cơ vì nghe đâu ghen tuông với thầy đó.
Lưỡi Tịnh như bị cứng lại, giọng đớ ra.
-Sao không... có ai cản?
-Tụi con nào dám, thày vừa có cây gỗ lại vừa có súng nữa.
Như người mất hết sinh khí Tịnh buông tay mặc chiếc xe đổ kềnh, mặt chàng nhợt nhạt:
-Tôi phải vào xem sự tình như thế nào.
Chị Tư nhìn vào bên trong mặt hốt hoảng:
-Thầy tìm cô Nhung mau lên, không chừng cô đi tự tử vì chịu đựng không nổi. - Giọng chị nghẹn ngào - Thầy ơi người cô máu me cùng.
Đau đớn theo ngấn lệ trào dâng - Thật là ác độc - Tịnh hét lên. Làm gì mà đối xử tàn nhẫn còn hơn con vật... Như điên dại Tịnh xăm xăm bước lên bậc thềm.
-Em lạy thầy hãy đi tìm cô ngaỵ Cứu người còn hơn chữa lửa. Mạng người là trọng, hơn thua gì nhau trong cuộc tranh cãi này. Hơn nữa thầy Tùng đang ghen mà.
Tịnh đẩy lối cản:
-Tôi phải làm cho người ta hết ghen. Chị tránh ra.
Chị Tư nói như muốn khóc:
-Một người bị bầm dập không lo cứu, muốn đi thí mạng chỉ vì cái lòng thương xót rởm.
Mặc lời Tư lải nhải, Tịnh hùng hổ bước vào. Trên ghế Tùng ngồi cứng đơ như pho tượng, đôi mắt mở trừng mất hết thần sắc.
-Anh Tùng, tại sao lại xảy ra nông nỗi này? Tịnh hỏi bằng giọng uất ức.
Lời của Tịnh đi vào khoảng không vì Tùng vẫn không nhúc nhích. Trên bàn khẩu súng lục nằm đe dọa thách đố.
-Tàn nhẫn thật, anh bức chị ấy vào đường chết. Không đi tìm còn đợi người ta mang xác về sao?
Vẫn không có tiếng trả lời, Tịnh lay vai Tùng nói như hét:
-Anh nghe tôi nói gì không? Sao lại có người ác độc cứng lòng như vậy chứ!
Cái lay mạnh làm lòng Tùng chao động. Như vừa trải qua cơn mơ, Tùng bàng hoàng rồi lại thờ thẫn, đôi mắt đã có màn nước:
-Tôi quá nặng taỵ Nhung sẽ oán hận suốt đời.
Đã đau lại đau thêm, Tịnh rống lên như con thú bị thương:
-Tại sao không đi tìm chị ấy còn ngồi đây than thở? Chúa ơi sao có kẻ ngu xuẩn như vậy?
Tùng mò tay vào túi quần, xâu chìa khóa khua leng keng theo nhịp run của bàn tay:
-Anh lái xe Jeep tìm Nhung về hộ tôi.
Tịnh xoay người tỏ thái độ giận dữ:
-Vợ anh, anh không tìm; thôi thì ngồi đó mà chờ chôn!
Vừa giận Tùng lại vừa thương Nhung, chân Tịnh bước như chạy xuống bậc thềm. Chiếc xe Honda bị đẩy nhanh như muốn ngã chúi về đàng trước.
-Chạy về hướng Sài Gòn đó thầy - Tư luống cuống theo chân Tịnh - Cần em theo không thầy?
-Hai người chạy chừng nào mới tới nơi...
Tư đứng nhìn theo, lòng mang nặng lo âu. Nó thương cho chủ rồi cũng chợt thương cho thân phận mình. Nếu Nhung có mệnh hệ nào chắc chắn gia đình này sẽ tan nát.
Nhung thoát chạy ra ngoài trong tột cùng đau đớn thể xác, chân tay nàng sưng tím bầm dập theo những cú đánh thẳng tay của Tùng. Ê ẩm, đau nhức, rát buốt thay phiên nhau gia tăng theo lòng căm hận ngút ngàn. Tùng đã đối xử với nàng không khác gì một con vật, đã biểu lộ bản chất ác độc nhưng không từ một cơn ghen. Nhung biết rõ vì nếu đủ can đảm theo dõi suốt ngày ở suối để chụp hình thì dù có mù quáng Tùng cũng phải biết thế nào là sự thật. Cuộn băng thâu thập những lời đối thoại trong phone chỉ là khởi đầu cho một tình yêu chớm nở. Nếu còn yêu vợ và nếu muốn bảo vệ hạnh phúc gia đình, chắc chắn Tùng phải đối xử khác, phải đứng ở thế cao hơn Tịnh, phải tỏ ra vị tha và rộng lượng vì chắc chắn trong Nhung sẽ có sự so sánh giữa hai người đàn ông, và từ sự chọn lựa đó Tùng sẽ nắm ưu điểm hơn vì dẫu ngu dại cách mấy Nhung cũng phải nhìn nhận được tình yêu của Tùng. Khi yêu người ta luôn luôn tha thứ. Nếu Tùng tha thứ cho vợ được thì tại sao Nhung lại không thể tha thứ những lầm lỗi khi xưa của chồng!
Từ lâu dưới mắt Nhung, Tùng vẫn là một người chồng tốt hay nói khác đi Tùng là một người đàn ông rất khôn khéo trong vấn đề giao tiếp với phái nữ. Bây giờ mới chưa được một năm mà đã có sự thay đổi đột ngột hẳn phải có lý dọ Nhưng dẫu có là lý do gì nữa thì cũng đã quá muộn. Thoát chạy trong tiếng súng chát chúa và mùi khói đạn khét lẹt, Nhung thấy như mình đã chết lúc đó. Con Khánh Nhung vợ thiếu tá Tùng đã bị khai tử ngay từ phát súng đầu tiên nhắm thẳng vào đầu nó. Viên đạn cố tình giết chết người không cho một lời trăn trối. Giá Tùng chỉ giơ cao súng hăm dọa hoặc cùng chăng nữa chả lẽ cả thân thể nàng không còn chỗ nào để bắn cho khỏi chết? Dẫu Nhung có lỡ lời trong lúc cãi vã, dẫu có tỏ thái độ khinh khi ghê tởm hành động thú tính của chồng thì cũng không thể bắt trả giá bằng sinh mạng. Con người đã mang sinh mạng để kết thúc chuyện gây gỗ giữa vợ chồng thì thật là nguy hiểm. Có quay trở về thì không chết trước cũng chết sau, có trở về thì Nhung vẫn là bàn đạp để Tùng tiếp tục đối xử tàn ác và có trở về thì câu chuyện càng rối rắm vì việc làm của chồng; Nhung đã thấy rõ chủ đích.
Nhung thất thểu mang bộ đồ dính đầy máu, chân không giầy dép và những vết sưng mọng trên khuôn mặt làm nhiều người quay lại nhìn. Trời nắng gắt, cổ họng Nhung khô cứng và đôi chân bỏng rát. Cứ lang thang thế này với đầu đội khối lửa và chân đạp lên than đỏ thì Nhung sẽ ngã gục vì quá kiệt quệ. Nàng rẽ vội vào nghĩa trang tìm một bóng mát. Nơi đây yên tĩnh thầm lặng và cũng thanh thản quá. Có phải chết là hết, là giải thoát những khổ ải, là rũ sạch bụi đời, là không còn biết hỉ nộ ái ố... ? Và nếu đời con người ta sinh ra mà phải chịu cay đắng dồn dập thì có nên sống?...
Những ngôi mộ nằm san sát nhau im lìm bất động, tuy lạnh lẽo nhưng an bình, tuy buồn bã nhưng không ai khuấy phá. Người chết chỉ còn là một nắm xương, chỉ là một nấm mộ bằng đất cỏn con sao loài người vẫn còn tôn trọng kính nể? Còn nàng, sống mà bị chồng coi như một thứ tôi đòi, nợ đời; như một con vật nhờm gớm khinh khi thì sống sao bằng chết? Con người ta nếu mỗi lần lầm lỗi đều bị đối xử như vậy thì thế gian đã đầy dẫy hận thù.
Nhung thù Tùng, thù đến muôn đời muôn kiếp. Vết dơ trên quần áo còn tẩy giặt, vết thương trên da thịt còn có ngày lành lặn nhưng vết thương trong lòng Nhung càng ngày càng loang lổ đục đẽo. Tùng đã lộ bản chất ti tiện đê hèn thì không còn xứng đáng làm chồng. Nhung không phải là loại đàn bà thời đại. Gia đình nàng xưa nay nề nếp, giòng họ tổ tiên chỉ một vợ một chồng. Có thể không ai gặp trường hợp như Nhung cũng có thể họ là những người bị nền giáo dục cổ hủ lạc hậu cột vào cổ và âm thầm chết theo thời gian. Còn Nhung, nếu nàng cũng ngậm căm, nhẫn nhục thì trong tương lai sẽ còn trăm ngàn con Nhung đau khổ khác và loại đàn ông như Tùng vẫn nhan nhản không giảm bớt.
Nhung hiểu những bất công, những cay nghiệt của xã hội. Người ta trọng nam khinh nữ; người ta coi vợ thua một đứa ở vì đứa ở còn được quyền tự do của nó, còn được trả lương theo công sức, theo việc làm, còn e dè hậu quả mỗi khi đánh đập, chửi mắng. Còn vợ? Mang tiếng là đầu mình chân tay nhưng thực tế đâu phải vậy. Có ai cắt cổ mình mà còn sống. Có ai chặt tay mà không thấy đau, có ai bị mất chân mà không cảm thấy thua thiệt buồn khổ? Vậy mà vợ con bị lôi ra đánh đập mỗi ngày, vợ còn sống sờ sờ đã nghĩ chuyện rước người khác về không chút ngượng ngùng xấu hổ. Nằm ân ái bên vợ đã nghĩ chuyện trăng hoa ở một nơi chốn khác...
Nhung không mơ được ngang hàng với phái nam như các phụ nữ khác đang vùng dậy tranh giành quyền lợi. Nhung cũng chưa đủ mới đến độ ngang tàng ngổ ngáo trong phong trào nam nữ bình quyền. Nàng chỉ muốn được quyền làm người - một con người ngước mặt để sống - Nhưng những người đàn bà Việt Nam đã mấy ai được quyền đó? Không mẹ chồng con dâu, không chị chồng em dâu thì cũng chồng chúa vợ tôi.
Nhung biết gia đình mình, ông bà Vạn Đồng tuy theo tây học nhưng lại là người cuồng tín trong tôn giáo, chắc chắn sẽ không chấp nhận cho Nhung ly dị. Mà không được ly dị tức là phải trở về nơi nhà mồ, nơi ngục tù để sống với thằng chồng hèn. Dư luận không ảnh hưởng tới ông bà nhất là dư luận không thể cho cơm ăn áo mặc, ông bà có thể gạt bỏ ngoài tai những lời xầm xì miễn tạo cho con mình một cuộc sống sung sướng. Phần đời ông bà dám sống thật, sống trên dư luận nhưng phần đạo thì tuyệt nhiên không vì nếu khuyến khích hoặc chấp thuận hai người hai nơi là ông bà cảm thấy đã phạm trọng tội đối với Chúa. Ai ngờ chỉ một câu trong Kinh Thánh, trong phép hôn phối mà cầm buộc cả đời con người: "Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân lỵ" Nhung mơ hồ thấy có điều gì còn thiếu sót, người soạn, người dịch Kinh Thánh đã lầm lẫn hoặc không ghi chú rõ ràng. Cũng có thể đầu óc hạn hẹp ích kỷ của loài người đã cố tình quên đi rằng trong xã hội còn có nhiều trường hợp đau khổ cần phải nhìn lại.
Người đời bất công đã đành sao trong Giáo Hội lại cũng khắt khe những điều đó? Nhung không tin vì nếu thật sự như vậy, tại sao khi đau khổ con người luôn chạy đến cùng Chúa? Như vậy có phải đến với Chúa là sẽ có lối thoát? Niềm tin của Nhung tuy mãnh liệt nhưng nàng không thể sống thụ động hoặc đeo theo một hy vọng mỏng manh. Thể xác đau đớn bầm dập sao tâm hồn an vuỉ Tìm đến chân Chúa con chỉ an bình thanh thản được lúc đó nhưng khi quay trở về... Chúa ơi, xin cho con một con đường đi mà đừng bao giờ phải quay trở lại... Mà đi đâu bây giờ? Dìu dắt con... Chúa ơi...
Nhung gục khóc bên nấm mộ, đau khổ, buốt nhức, tái tê xoay quanh. Nàng cảm thấy không còn sinh lực để phấn đấu chống trả. Đi đâu bây giờ? Chọn con đường nào bây giờ? Sống trên đời nếu không chu toàn trách nhiệm làm con làm mẹ thì đâu đáng sống. Mà muốn sống thì còn đường nào ngoài sự trở về? Nhưng sống như vậy có khác nào đã chết? Chẳng thà tìm cái chết để thức tỉnh mọi người, để lên án nên luân lý khắc nghiệt còn hơn sống để làm người câm người mù người ngu người điếc và chấp nhận mọi thua thiệt, nhất là để nhìn những bất công những tục lệ ác độc cổ xưa đục đẽo người đàn bà...
Chết... chết... Sự chết bao quanh. Quỉ sứ đang gọi mời Nhung đến với nó. Nhìn bàn tay xương xẩu ngo ngoe những móng dài giơ cao vẫy mời, Nhung rùng mình. Chết thật sao? Bán linh hồn cho ma qủy là một trọng tội. Kẻ tự tử sẽ mất phần linh hồn và chẳng bao giờ được về cõi thiên đàng. Chết là chấp nhận đi theo ma quỷ, là lỗi nghịch cùng Chúa. Đi đạo! Đức tin mày ở đâu? Không chết được đâu Nhung ơi...
Không chết nhưng cũng không trở về. Còn gì nữa đâu mà luyến lưu. Tổ chim vừa mới làm đã bị lấy mất. Tình yêu vừa chớm nở đã bị bóp nghẹt. Bóp nghẹt bằng lối trả thù gớm ghê, hiểm độc. Việc ra đi của Nhung là một lối chặn đứng sự trả thù của Tùng. Không có nàng Tùng đâu còn ai để bêu xấu. Tịnh còn đó, nếu Tịnh yêu Nhung tại sao hai người không bỏ đi mà chỉ mình nàng? Mà lại bỏ đi đang khi xảy ra cuộc xô xát. Như vậy Nhung ra đi chính là vì hãi sợ con người của Tùng, vì thù hận lối tra tấn dã man. Nghĩ đến Tịnh lòng nàng đau như cắt, một ngày vui bên nhau cũng là kỷ niệm, một lần ôm nhau cũng đủ nhớ nhau ngàn đời huống gì nàng có Tịnh với bao tháng ngày kề cận. Kỷ niệm đẹp khó tàn phai. Con cua lé ngàn đời vẫn ngông nghênh nhưng từ mai chẳng còn ếch lì nữa. Tịnh ơi, yêu nhau đâu phải chỉ yêu khi mình gần,mà càng xa càng thấy tình mãnh liệt và vĩnh cửu... Tịnh ơi đừng buồn nghe anh; em mang quyết định này chỉ vì muốn dành cho anh một lối thoát, để vẫn còn ngang nhiên ngước mặt nhìn đời, và để dễ dàng trong việc hiến thân phụng thờ Chúa...
Trời đêm xuống dần, Nhung rời nghĩa trang và tìm đường đi xạ Đi đâu, Nhung chưa biết. Những ngón tay đeo nhẫn cho nàng nhiều ý tưởng dồn dập và một tương lai sống.